Trang chủ » 13. LỜI TỰA CHO BÀI VIẾT CỦA EDWARD CARPENTER

13. LỜI TỰA CHO BÀI VIẾT CỦA EDWARD CARPENTER

by Trung Kiên Lê
117 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

“KHOA HỌC NGÀY NAY”

Tôi nghĩ, bài báo được giới thiệu của Carpenter về khoa học hiện đại sẽ đặc biệt hữu ích với xã hội Nga của chúng ta, nơi mà hơn bất kì một xã hội châu Âu nào khác, có một thiên kiến nhảm nhí được phổ biến và đã bén rễ, theo đó, người ta cho rằng, vì lợi ích của nhân loại, chẳng cần phải quảng bá những tri thức tôn giáo và luân lí đích thực, mà chỉ cần nghiên cứu các khoa học thực nghiệm, vì rằng tri thức của các khoa học ấy đủ thỏa mãn toàn bộ nhu cầu tinh thần của nhân loại.

Đương nhiên, một thiên kiến thô lậu như thế phải có ảnh hưởng độc hại thế nào (hoàn toàn giống như ảnh hưởng mà những điều mê tín dị đoan tôn giáo gây ra) với đời sống tinh thần. Chính vì thế, việc quảng bá tư tưởng của các nhà văn có thái độ phê phán với khoa học thực nghiệm và phương pháp của nó là công việc đặc biệt phù hợp với nguyện vọng của xã hội chúng ta.

Carpenter chứng minh, rằng cả thiên văn, cả vật lí, cả hóa học, sinh học, lẫn xã hội học đều không mang lại cho ta những tri thức đích thực về thực tại, rằng tất cả quy luật được các khoa học ấy khám phá thực chất chỉ là sự khái quát có ý nghĩa tương đối,- và cũng chỉ do không biết hoặc coi thường những điều kiện khác, rằng ngay cả các quy luật này được ta cho là quy luật chỉ vì ta phát hiện chúng ở một lĩnh vực cách xa chúng ta về không gian và thời gian tới mức, ta không thể nhìn thấy sự vênh lệch giữa các quy luật này với thực tại.

Hơn nữa, Carpenter còn chỉ ra, phương pháp khoa học lấy những hiện tượng xa lạ và vô can với chúng ta để giải thích những hiện tượng gần gũi và quan trọng với chúng ta là phương pháp sai lầm, không bao giờ có thể đạt được những kết quả mong muốn.

Ông nói: “Khoa học nào cũng giải thích các hiện tượng mà nó nghiên cứu bằng những khái niệm thuộc một cấp thấp hơn. Chẳng hạn, đạo đức học được quy lại thành các vấn đề về lợi ích và các tập quán được kế thừa, từ kinh tế chính trị học đã bị loại bỏ tất cả các khái niệm về sự công bằng giữa người với người: về lòng trắc ẩn, về sự gắn bó, về khát vọng đoàn kết, và nó chỉ còn dựa trên nguyên tắc của một trật tự thấp nhất, mà có thể tìm thấy ở đó, cụ thể là: nguyên tắc của lợi ích cá nhân. Từ sinh vật học, đã loại bỏ ý nghĩa của cá thể: cả trong thực vật và động vật, lẫn trong nhân loại; ở đây, vấn đề về ý thức cá nhân bị gạt bỏ và người ta có ý đồ quy các vấn đề sinh vật học về sự tương tác giữa các tế bào và ái lực hoá học – về chất nguyên sinh và các hiện tượng thẩm thấu. Sau đó, ái lực hoá học và các hiện tượng vật lí kì lạ được quy về sự vận động của các nguyên tử, còn vận động của các nguyên tử, cũng như của các thiên thể thì được quy về các quy luật cơ học.”

Được giả định rằng việc quy các vấn đề thuộc trật tự cao hơn về những vấn đề thuộc trật tự thấp hơn sẽ giải thích được các vấn đề ở trật tự cao hơn. Nhưng chẳng bao giờ có được sự giải thích như thế, và cái nhận được chỉ là, trong các công trình nghiên cứu của mình, khoa học cứ tuột dần từ những vấn đề cơ bản nhất xuống những vấn đề ngày một ít hệ trọng hơn, cuối cùng, tuột xuống tới lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, chỉ giáp giới với con người, và xoáy sự chú ý của mình vào lĩnh vực này, mà bỏ qua những vấn đề quan trọng nhất với con người, tuyệt không đưa ra sự giải quyết nào cả.

Những gì đang diễn ra giống như một người, muốn tìm hiểu ý nghĩa của một đối tượng trước mặt mình, nhẽ ra phải tiến gần tới đó, xem xét tứ phía và sờ nắn nó, thì lại càng ngày càng rời xa sự vật và, cuối cùng, đạt tới khoảng cách mà từ đấy, toàn bộ đặc điểm của màu sắc, những chỗ gồ ghề nổi trên bề mặt của đối tượng đều mất sạch và chỉ còn lại độc những nét phân biệt đối tượng với chân trời. Chính vào lúc đó, con người ấy bắt đầu miêu tả đoi tượng kia một cách chi tiết, vì nghĩ rằng, giờ đây anh ta có ý niệm rõ ràng về nó, và rằng cái ý niệm thu được từ khoảng cách như thế sẽ tác động tới sự hiểu biết đối tượng một cách toàn vẹn.

Ở một chừng mực nào đó, chính sự tự lừa dối ấy đã bị chủ nghĩa phê phán của Carpenter vạch trần, ông chỉ ra, thứ nhất: loại tri thức như tri thức được khoa học đưa ra trong lĩnh vực các khoa học tự nhiên thực chất chỉ là những thủ pháp khái quát tiện lợi, nhưng không thể nào là hình ảnh của sự thực, và, thứ hai, phương pháp khoa học mà ở đó các hiện tượng ở trật tự cao hơn bị quy về các hiện tượng ở trật tự thấp hơn không bao giờ giúp chúng ta giải thích những hiện tượng ở trật tự cao hơn.

Nhưng ngay cả khi ta chưa quyết định trước vấn đề bằng phương pháp của mình, khoa học thực nghiệm có bao giờ dẫn đến hay không bao giờ dẫn đến sự giải quyết những nhiệm vụ đời sống tối ư quan trọng đối với con người, thì bản thân hoạt động của khoa học thực nghiệm trong quan hệ với các yêu cầu muôn thuở và chính đáng nhất của nhân loại vẫn khiến ta kinh ngạc bởi tính sai lầm của nó.

Nhân loại cần phải sống. Nhưng muốn sống, nó cần biết phải sống như the nào. Và toàn thể nhân loại bao giờ cũng biết – dù biết tốt hay không tốt – điều đó và nó đã sống, tiến lên phía trước phù hợp với sự hiểu biết ấy, chính cái tri thức dạy nhân loại phải sống thế nào ấy, từ thời Moses, Solon, Khổng Tử bao giờ cũng được xem là khoa học, khoa học đích thực của mọi khoa học. Và chỉ thời đại chúng ta mới cho rằng, nói chung, khoa học dạy phải sống như thế nào không phải là khoa học, mà khoa học đích thực chỉ là khoa học thực nghiệm, bắt đầu là toán học và kết thúc là xã hội học.

Thế là xảy ra sự ngộ nhận kì cục.

Một người lao động có trí khôn bình thường nghĩ theo kiểu cũ, và cũng cả theo lí trí lành mạnh, rằng nếu có những người học suốt đời và lo nghĩ hộ cho anh ta, vì thế mà anh ta nuôi nấng và chu cấp cho họ, thì dứt khoát những người ấy phải chăm lo nghiên cứu những gì cần thiết cho nhân loại, và anh ta sẽ chờ đợi để khoa học giải quyết hộ mình những vấn đề gắn với lợi ích của anh ta và của tất cả mọi người. Anh ta chờ đợi để khoa học dạy anh ta phải sống thế nào, phải đối đãi với gia đình, với người thân, với ngoại tộc ra sao, phải đấu tranh với những dục vọng của mình thế nào, phải tin cái gì, không tin cái gì và rất nhiều chuyện khác. Vậy mà nền khoa học của chúng ta đã nói với anh ta điều gì về tất cả những vấn đề ấy?

Nó trịnh trọng bố cáo với anh ta, mặt trời cách trái đất mấy triệu dặm, bao nhiêu triệu dao động của ete trong một giây để có được ánh sáng và bao nhiêu dao động của không khí để có được âm thanh; nó thuật lại thành phần hóa học của dải ngân hà, về nguyên tố mới – Helium, về vi sinh vật và sự bài tiết của chúng, về tia X quang và những chuyện tương tự như thế.

Nhưng tôi chẳng cần gì những thứ đó,- con người có trí khôn bình thường nói – tôi cần biết, phải sống như thế nào.

Thiếu gì những thứ anh cần biết,- khoa học trả lời về điều đó.- Những gì mà anh hỏi thuộc về xã hội học. Trước khi trả lời những câu hỏi xã hội học, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề về động vật học, thổ nhưỡng học, sinh lí học, nói chung – là sinh vật học; để giải quyết những vấn đề ấy, trước hết lại còn phải giải quyết các vấn đề về vật lí học, sau đó là hóa học, lại còn phải thỏa thuận với nhau, nhưng nguyên tử nhỏ ly ti có hình thức thế nào và bằng cách nào chất ete phi trọng lượng, phi đàn hồi truyền chuyển động.

Và những người, chủ yếu là những kẻ ngồi trên cổ người khác và nhờ thế mà sẵn lòng chờ đợi, thì hài lòng với những lời giải đáp như vậy và ngồi rung đùi, mong đợi điều được hứa, còn người lao động có trí khôn bình thường, kẻ bị những người nghiên cứu khoa học, bị cả một khối người khổng lồ, bị cả nhân loại ngồi trên cổ, thì không thể thỏa mãn với những lời giải đáp như thế và, tất nhiên, sẽ băn khuăn hỏi: – Thế bao giờ sẽ có cái đó? Chúng tôi không rỗi mà chờ đợi. Chính các ngài bảo, sau mấy thế hệ nữa, các ngài sẽ biết tất cả. Nhưng hiện giờ chúng tôi đang sống: hôm nay thì còn sống, nhưng ngày mai sẽ chết, vì thế chúng tôi cần biết, chúng tôi phải sống thế nào cho đến hết cuộc đời của chúng tôi hiện nay. Xin hãy dạy cho chúng tôi.

Thật là một người ngu ngốc và thiếu học – khoa học đáp lại điều đó,- nó không hiểu rằng khoa học phục vụ cho khoa học, chứ không phục vụ cho lợi ích. Khoa học nghiên cứu cái cần được nghiên cứu, và nó không thể lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Khoa học nghiên cứu tất cả. Thuộc tính của khoa học là như vậy.

Và những người làm khoa học quả thật tin chắc, rằng đặc tính nghiên cứu những chuyện vặt vãnh, coi thường những chuyện cơ bản và quan trọng hơn, không phải là đặc tính của họ, mà là đặc tính của khoa học; nhưng con người có trí khôn bình thường bắt đầu ngờ rằng, đặc tính ấy không phải là của khoa học, mà thuộc về những người thích nghiên cứu những chuyện tầm phào và gán cho những chuyện tầm phào ấy một ý nghĩa quan trọng.

Khoa học nghiên cứu tất cả – những người của khoa học nói. Nhưng vấn đề là cái tất cả lại có quá nhiều. Tất cả – đó là một số lượng vô hạn các đối tượng, không thể cùng một lúc nghiên cứu tất cá. Giống như đèn pha không thể soi sáng tất cả và chỉ soi sáng được cái chỗ mà nó chiếu tới, khoa học cũng thế, nó không thể nghiên cứu tất cả, mà tất yếu chỉ nghiên cứu được cái mà sự quan tâm của nó nhắm tới. Và giống chiếc đèn pha soi sáng rõ nhất cái chỗ gần nhất với nó, còn những sự vật càng ở xa nó, thì nó soi sáng càng ngày càng yếu đi, và không thể soi sáng những gì mà ánh sáng của nó không thể chiếu tới, dù là thế nào, khoa học của con người cũng vậy, bao giờ nó cũng nghiên cứu và hiện đang nghiên cứu một cách ti mì nhất những gì mà người nghiên cứu thấy quan trọng nhất, nghiên cứu ít tỉ mỉ hơn những gì nó cảm thấy ít quan trọng hơn và hoàn toàn không nghiên cứu một khối lượng vô tận những đối tượng còn lại.

Quan niệm chung của loài người về ý nghĩa và mục đích của đời sống, tức là tôn giáo, đã quyết định và đang quyết định cái gì là quan trọng, cái gì ít quan trọng hơn và cái gì hoàn toàn không quan trọng với nhân loại.

Vì không thừa nhận bất kì một tôn giáo nào, và bởi thế, chẳng có cơ sở nào để lựa chọn các đối tượng nghiên cứu theo tầm quan trọng của chúng, phân biệt chúng với những đối tượng ít quan trọng hơn và, cuối cùng, với khối lượng vô tận của những đối tượng sẽ chẳng bao giờ được nghiên cứu do sự hạn chế của trí tuệ nhân loại và tính vô tận về số lượng của những đối tượng ấy, những người làm khoa học ở thời đại chúng ta đã tạo ra cho mình loại lí luận “khoa học vị khoa học”, theo đó khoa học nghiên cứu tất cả, chứ không nghiên cứu những gì cần thiết cho nhân loại.

Quả thật, khoa học thực nghiệm đang nghiên cứu tất cả, nhưng không thẹo nghĩa là tổng hợp tất cả các đối tượng, mà theo nghĩa lộn xộn, hỗn loạn trong việc phân bổ các đối tượng nghiên cứu, tức là khoa học không ưu tiên nghiên cứu những gì ít cần thiết hơn cho loài người, và ít nghiên cứu hơn những gì ít cần thiết hơn và tuyệt nhiên không nghiên cứu những gì hoàn toàn không cần thiết, mà nghiên cứu tất cả những gì vớ được. Dù vẫn có bảng phân loại khoa học của Comte[74] và các kiểu phân loại khác, nhưng các kiểu phân loại ấy không chi phối việc lựa chọn các đối tượng nghiên cứu, việc lựa chọn này chịu sự điều khiển bởi những điểm yếu của con người, có ở tất cả mọi người, trong đó có cả giới khoa học.

Bởi thế, những người làm khoa học thực nghiệm không nghiên cứu tất cà như họ tưởng tượng và khẳng định, mà chỉ nghiên cứu cái dễ hơn và có lợi nhiều hơn. Sẽ có lợi nhiều hơn, nếu nghiên cứu những gì trợ giúp cho sự thịnh vượng của các giai cấp chóp bu, trong đó có cả những kẻ nghiên cứu khoa học, và sẽ dễ dàng hơn, nếu nghiên cứu những gì không thuộc giới hữu sinh sống động. Những người thuộc giới khoa học thực nghiệm hành xử đúng như thế: họ nghiên cứu những quyển sách, những di tích, những cơ thể chết; và xem việc nghiên cứu như thế là khoa học thứ thiệt nhất.

Vì lẽ đó, ở thời đại chúng ta, không phải những công trình nghiên cứu về cách làm thế nào để đời sống của nhân loại trở nên nhân hậu và hạnh phúc hơn, mà là sự tập hợp và sao chép từ rất nhiều cuốn sách làm thành một cuốn bao gồm tất cả những gì mà người đi trước từng viết về một đối tượng quen thuộc, hoặc việc rót dịch thể từ chai này sang chai khác, bóc tách một cách diệu nghệ các chế phẩm tế vi, nuôi cây vi khuẩn, mổ êch, mổ chó, nghiên cứu các tia X quang, thành phần hóa học của tinh tú v.v… mới được xem là “khoa học” đích thực nhất, thứ khoa học độc nhất vô nhị, giống như cuốn sách duy nhất được gọi là “thánh kinh”, xứng đáng với tên gọi ấy.

Còn tất cả những thứ khoa học có mục đích làm cho đời sống của con người trở nên nhân ái và tốt đẹp hơn: các khoa học tôn giáo, luân lí, xã hội bị nền khoa học thống trị xem không phải là khoa học và được giao phó cho các nhà thần học, triết học, luật học, lịch sử học, chính trị – kinh tế học, những người chỉ bận với mỗi việc chứng minh dưới dạng các công trình nghiên cứu khoa học, rằng thể chế đời sống hiện hành mà họ đang hưởng lợi từ đó chính là thể chế cần được tồn tại, và vì thế, chẳng những không nên thay đổi, mà còn phải duy trì nó bằng tất cả sức lực.

Chưa nói gì tới thần học, triết học và luật học, thật quái đản là bộ môn thời thượng nhất từ hàng các khoa học ấy – kinh tế chính trị học. Do thừa nhận thể chế hiện hữu của đời sống là thể chế đúng như cần phải có, môn kinh tế chính trị học hiện đang thịnh hành nhất (Marx) chẳng những không yêu cầu nhân loại thay đổi thể chế ấy, tức là không chỉ cho họ biết, họ phải sống thế nào để tình cảnh của họ được cải thiện, mà, ngược lại, yêu cầu kéo dài sự tàn bạo của trật tự hiện hành để hóa thành sự thực những tiên đoán rất đáng ngờ về cái cần phải xảy ra nếu loài người tiếp tục sống tồi tệ giống như họ đang sống bây giờ.

Và bao giờ cũng vậy, hoạt động của nhân loại càng xuống cấp, càng trở nên xa vời với cái mà nó phải trở thành, thì long tự thị của nó càng tăng thêm nhiều hơn. Đó chính là điều đã xảy ra với khoa học ở thời đại chúng ta. Khoa học chân chính chưa bao giờ được những người đương thời coi trọng, mà ngược lại, phần lớn, nó bị truy bức. Và nó không thể là khác được. Khoa học đích thực chỉ ra cho nhân loại những lầm lạc của họ và những đường sông mới mẻ, lạ lẫm. Cả cái này lẫn cái kia đều không được bộ phận thống trị xã hội tiếp nhận. Nền khoa học hiện nay chẳng những không xung đột với thị hiếu và yêu cầu của bộ phận thống trị xã hội, mà còn hoàn toàn phù hợp với nó: nó thỏa mãn óc tò mò của những kẻ nhàn rỗi, làm người đời ngạc nhiên, và hứa hẹn gia tăng những lạc thú của họ. Chính vì thế, trong khi tất cả những gì đích thực là vĩ đại – đều lặng lẽ, khiêm nhường, khó thấy, thì khoa học ở thời đại chúng ta không hề biết tới giới hạn của sự tự tâng bốc.

-Tất cả những phương pháp cũ đều sai lầm, và vì thế, tất cả những gì trước kia xem là khoa học đều là lừa bịp, nhầm lẫn, nhảm nhí; chỉ có phương pháp duy nhất của chúng tôi là đúng đắn, và khoa học đích thực duy nhất là khoa học của chúng tôi. Thành tựu của khoa học chúng tôi là thế này: hàng nghìn năm vẫn không làm được những gì mà chúng tôi đã làm trong khoảng một trăm năm trở lại đây. Trong tương lai, tiến theo con đường ấy, khoa học của chúng tôi sẽ giải quyết hết thảy mọi vấn đề và mang lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Khoa học của chúng tôi là hoạt động quan trọng nhất trên thế giới, và chúng tôi, những người làm khoa học, là những người quan trọng, cần thiết nhất trên thế giới.

Giới khoa học ở thời đại chúng ta nghĩ như thế và nói như thế, trong khi đó, chưa có một thời đại nào và không ở một dân tộc nào, mà khoa học, tất cả khoa học trong toàn bộ ý nghĩa của nó lại đứng ở mức độ thấp kém như khoa học hiện nay. Một bộ phận của nó, cái bộ phận nhẽ ra cần phải nghiên cứu những gì làm cho đời sống của con người trở nên nhân ái và hạnh phúc hơn, lại đang bận bịu với việc biện hộ cho thể chế đời sống tồi tệ hiện nay, bộ phận khác thì quan tâm giải quyết những vấn đề hiếu kì vô tích sự.

-Sao lại bảo hiếu kì vô tích sự? – tôi nghe thấy những giọng nói đầy phẫn nộ trước một sự phạm thượng như vậy.- Thế hơi nước, điện lực, máy điện thoại và tất cả những cải tiến kĩ nghệ? Chưa bàn tới ý nghĩa khoa học của chúng, hãy nhìn xem, chúng đã mang lại những kết quả thiết thực thế nào? Con người đã chiến thắng thiên nhiên, bắt các sức mạnh thiên nhiên phải khuất phục mình v.v…

-Nhưng tất cả những kết quả thiết thực ở thắng lợi trước thiên nhiên cho đến nay – và đã từ lâu lắm rồi – chỉ được ứng dụng ở những nhà máy gây hại cho dân, vào việc chế tạo vũ khí giết người, làm tăng thêm sự xa hoa, trụy lạc,- con người có trí khôn bình thường trả lời,- chính vì thế, thắng lợi của con người trước thiên nhiên chẳng những không làm gia tăng phúc lợi của nhân loại, mà ngược lại, khiến cho tình cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn.

Nếu chế độ xã hội xấu xa, giống như xã hội của chúng ta, nơi chỉ một số người rất ít thống trị đa số và áp bức họ, thì mọi thắng lợi trước thiên nhiên tất yếu chỉ giúp làm gia tăng sự thống trị và áp bức kia. Và quả là đang diễn ra như vậy.

Với thứ khoa học cho rằng, đối tượng của mình không phải là nghiên cứu việc nhân loại cần phải sống như thế nào, mà là nghiên cứu những gì hiện có, vì thế mà nó tập trung vào việc nghiên cứu các vật thể chết và bỏ mặc thể chế của xã hội loài người giữ nguyên hiện trạng như đang có, thì chẳng có bất kì sự cải tiến nào, không có bất kì thắng lợi nào trước thiên nhiên có thể cải thiện tình cảnh của loài người.

-Thế còn y học? Các người quên những thành tựu tốt đẹp của y học rồi sao? Thế tiêm chủng vi khuẩn? Lại còn phẫu thuật hiện nay nữa chứ? – những người bảo vệ khoa học ở tầng nấc cuối cùng thốt lên, và như thường lệ, bao giờ họ cũng trương ra các thành tựu của y học để bảo vệ kết quả tốt đẹp của toàn bộ khoa học.

-Chúng tôi có thể tiêm chủng để phòng bệnh và chữa bệnh, có thể làm phẫu thuật dễ dàng – cắt bỏ, tẩy rửa nội tạng, có thể nắn lại những ung bướu,- những người bảo vệ khoa học thường nói như thế, chẳng hiểu tại sao họ lại cho rằng một đứa trẻ được chữa lành bệnh bạch hầu giữa hàng nghìn đứa trẻ không mắc bạch hầu, nhưng vẫn chết một cách hợp lệ ở nước Nga, với số lượng trung bình 50% và với số lượng 80% trong các trại giáo dục lại có thể thuyết phục mọi người về kết quả tốt đẹp của khoa học nói chung.

Thể chế đời sống của chúng ta khiến chẳng riêng gì trẻ con, mà ngay cả người lớn, vì ăn uống kham khổ, vì lao động độc hại quá sức chịu đựng, vì nhà cửa, ăn mặc tồi tệ, vì túng thiếu, nên thường không sống nổi một nửa số tuổi mà họ có thể sống; thể chế đời sống ấy khiến càng ngày càng có nhiều người mắc bệnh trẻ em, giang mai, ho lao, nghiện rượu, khiến phận lớn sản phẩm lao động của nhân dân bị tước đoạt để chuẩn bị chiến tranh, khiến cứ từ mười đến hai mươi năm lại có hàng triệu người bị chiến tranh sát hại. Và tất cả những điều ấy xảy ra là vì, nhẽ ra phải truyền bá cho nhân loại những quan niệm đúng đắn về tôn giáo, đạo đức và xã hội để tự họ có thể tiêu diệt tất cả những tai họa ấy, khoa học, một mặt, chỉ tập trung biện hộ cho trật tự hiện hữu, mặt khác, chỉ nghiên cứu những thứ dùng làm đồ chơi; và để chứng minh kết quả tốt đẹp của khoa học, người ta chỉ cho chúng ta, rằng nó đã chữa khỏi một phần nghìn số bệnh nhân mà họ lâm bệnh chỉ bởi vì khoa học không làm cái công việc thuộc về phận sự của nó.

Quả thật nếu chỉ được dành dẫu là một phần nhỏ những nỗ lực, quan tâm và công sức mà khoa học đã đổ vào những trò vặt vãnh mà nó đang nghiên cứu, nếu nó tập trung kiến lập cho nhân loại những ý niệm đúng đắn về tôn giáo, đạo đức, xã hội, thậm chí cả về vệ sinh, thì sẽ không có dù chỉ một phần trăm những bạch hầu, các bệnh tử cung, ung bướu mà khoa học lấy làm kiêu hãnh vì đạng chữa lành bằng cách tiến hành chữa trị trong các bệnh viện của mình, những bệnh viện có trang thiết bị sang trọng không thể mở rộng tới mọi người.

Quả là điều đó chẳng khác nào một đám người sau khi cày cuốc vụng về, gieo trồng vụng về lên cánh đồng đã cày loại hạt giống tồi, giờ lại bắt đầu đi dọc ngang cánh đồng ấy mà chữa chạy cho những bông lúa mì bị hỏng mọc cạnh đám lúa sâu bệnh, và khi làm như thế, họ xéo nát những bông lúa còn lại, thế mà họ vẫn trương lên cái nghệ thuật chữa lành những bông lúa sâu bệnh để chứng minh cho tri thức về canh nông của mình.

Muốn trở thành khoa học và thật sự hữu ích, chứ không có hại cho nhân loại, nền khoa học của chúng ta phải từ bỏ phương pháp thực chứng, theo đó, nó xem công việc của mình chỉ là nghiên cứu những gì hiện hữu, phải quay về với quan niệm khoa học hợp lí và có triển vọng duy nhất, theo đó, đối tượng của khoa học là nghiên cứu xem nhân loại phải sống như thế nào. Mục đích và ý nghĩa của khoa học là ở đấy; còn việc nghiên cứu cái hiện hữu chỉ có thể trở thành đối tượng của khoa học ở mức độ mà sự nghiên cứu ấy trợ giúp cho nhận thức về việc nhân loại phải sống như thế nào.

Bài báo được giới thiệu của Carpenter nói lên sự thừa nhận như thế về tình trạng bất lực của khoa học thực nghiệm và nhu cầu cần quán triệt một phương pháp khác.

[74] Lời tựa cho bài “Khoa học ngày nay” của Edvvard Carpenter (“Predislovie k stat’je Eduarda Karpentera “Sovremennaja nauka”) Cuối năm 1896 nhà văn Anh Edward Carpenter qua một trung gian đã gửi tặng Tolstoi tập tiểu luận của mình mang tên Văn minh – nguyên nhân và sự chữa trị (“Civilisation its cause and cure”). Trong tập sách này, Tolstoi tâm đắc nhất với bài Khoa học ngày nay (“Modern Science”), ông đã khuyên một trong những người con trai của mình dịch nó ra tiếng Nga và hứa viết lời tựa. Cùng với lời tựa của Tolstoi, tiểu luận Khoa học ngày nay của Carpenter được đăng trên tạp chí Nga Người đưa tin phương Bắc số 3 năm 1898. … bảng phân loại khoa học của Comte – Nhà triết học, xã hội học thực chứng người Pháp Auguste Comte đưa ra những cơ sở sau đây để phân loại khoa học: 1. theo lịch sử (theo thời gian và trình tự xuất hiện), 2. theo logic (từ trừu tượng đến cụ thể), 3. theo tính chất phức tạp của đối tượng nghiên cứu (từ giản đơn đến phức tạp), 4. theo đặc điểm của mối liên hệ với thực tiễn. Dựa vào những cơ sở như thế, ông sắp xếp các khoa học cơ bản theo trật tự như sau: toán học, thiên văn học, vật lí học, hóa học, sinh vật học, xã hội học. Theo Comte toán học ít phụ thuộc nhất vào các khoa học khác, nó là khoa học trừu tượng, đơn giản tách rời hoạt động thực tiễn, nên ra đời sớm hơn các hình thức tư duy khác, nhưng xã hội học lại có mối liên hệ trực tiếp với hoạt động thực tiễn, nó là khoa học phức tạp cụ thể xuất hiện muộn hơn các khoa học khác và phải dựa vào thành tựu của chúng.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x