Trang chủ » 14. CHỦ NGHĨA ÁI QUỐC VÀ CHÍNH PHỦ

14. CHỦ NGHĨA ÁI QUỐC VÀ CHÍNH PHỦ

by Trung Kiên Lê
89 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

I

Tôi đã mấy lần có dịp phát biểu tư tưởng về việc chủ nghĩa ái quốc trong thời đại của chúng ta là một tình cảm không tự nhiên, thiếu trí tuệ, có hại, gây nên phân lớn những tai họa, làm khốn khổ nhân loại, và vì thế tình cảm ấy không nên được giáo dục, như hiện nay đang làm, mà ngược lại cần phải bị trấn áp và triệt tiêu bằng tất cả các phương tiện phụ thuộc vào con người.

Nhưng kỳ lạ thay, bất chấp tính lệ thuộc không thể tranh cãi và hiển nhiên, tính lệ thuộc chỉ vào tình cảm ấy, của những cuộc chạy đua vũ trang làm khánh kiệt dân chúng và những cuộc chiến tranh tàn sát loài người – tất cả những lập luận của tôi về sự lạc hậu, sự không hợp thời và sự có hại của chủ nghĩa ái quốc đều đã và đang được đón tiếp hoặc bằng sự im lặng, hoặc bằng sự hiểu lầm cố ý, hoặc luôn luôn bằng một cách phản bác kỳ quặc: người ta nói rằng cái có hại chỉ là chủ nghĩa ái quốc tồi tệ, là chủ nghĩa jingo, chủ nghĩa sôvanh, còn chủ nghĩa yêu nước chân chính, thiện lương thì là một tình cảm đạo đức rất cao thượng mà lên án nó không chỉ là vô lý mà còn là tội ác.

Nhưng cái chủ nghĩa yêu nước chân chính thiện lương ấy là ở đấu, về việc ấy hoặc hoàn toàn không được nói tới, hoặc thay vì sự giải thích được phát ra rặt những mệnh đề hoa mỹ trịnh trọng, hoặc người ta đánh tráo chủ nghĩa ái quốc bằng một cái gì đó không có gì chung với cái chủ nghĩa ái quốc mà tất cả chúng ta đều biết và tất cả đều khổ sở đến thế vì nó.

Người ta thường nói rằng chủ nghĩa ái quốc chân chính, thiện lương tựu trung là mong muốn cho dân tộc mình hay đất nước mình những phúc lợi chân chính, không phương hại phúc lợi của các dân tộc khác.

Mới đây, đàm thoại với một người Anh về cuộc chiến tranh hiện nay,[75] tồi nói với ông ấy rằng nguyên nhân thực sự của cuộc chiến ấy không phải là những mục tiêu tư lợi, như vẫn được nói, mà là chủ nghĩa ái quốc, như có thể thấy rất rõ từ tâm trạng của toàn thể xã hội Anh. Vị khách người Anh không đồng ý với tôi và nói rằng nếu điều ấy là đúng thì chỉ vì cái chủ nghĩa ái quốc đang cổ vũ những người Anh là chủ nghĩa ái quốc tồi tệ; còn chủ nghĩa ái quốc tốt đẹp – mà ông ta thấm nhuần – thì yêu cầu người Anh, những đồng bào của ông, không hành xử xấu.

-Nhưng lẽ nào ông chỉ mong muốn cho người Anh không hành xử xấu? – tôi hỏi.

-Tôi mong muốn cái đó cho tất cả mọi người! – ông ta trả lời và bằng câu trả lời ấy cho thấy rằng tất cả những phúc lợi chân chính, dù đó là những phúc lợi đạo đức, khoa học hay thậm chí thực tiễn, ứng dụng, đều có một thuộc tính nằm trong bản chất của chúng, ấy là chúng bao quát tất cả mọi người, thành thử sự mong muốn những phúc lợi như thế cho mọi người không chỉ không phải là chủ nghĩa ái quốc, mà còn loại trừ nó.

Cũng đúng như thế, chủ nghĩa ái quốc không phải là những đặc điểm của từng dân tộc mà những người bênh vực chủ nghĩa này cố tình lấy để đánh tráo khái niệm ấy. Họ nói rằng những đặc điểm của từng dân tộc là điều kiện thiết yếu của tiến bộ nhân loại, cho nên chủ nghĩa yêu nước cố gắng gìn giữ những đặc điểm ấy là một tình cảm tốt lành và hữu ích. Nhưng lẽ nào không rõ mồn một rằng nếu xưa kia một thời nào đó những đặc điểm ấy của từng dân tộc một, những phong tục tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói đã tạo thành điều kiện tất yếu của đời sống loài người, thì trong thời đại ngày nay cũng những đặc điểm ấy lại là trở ngại chính cho sự thực hiện lý tưởng kết đoàn huynh đệ các dân tộc đã được nhân loại ý thức.

Vì vậy sự nâng đỡ và canh giữ những đặc điểm của bất kỳ dân tộc nào: Nga, Đức, Pháp, Anglo-Saxon, kích thích cũng sự nâng đỡ và canh giữ như thế những đặc điểm của không chỉ người Hung, người Ba Lan, người Ireland, mà còn người Basque, người Provencal, người Mordva, người Chuvash, và rất nhiều dân tộc khác nữa, phục vụ không cho sự tiến lại gần nhau và đoàn kết các dân tộc, mà cho sự ngày càng xa cách và chia rẽ giữa họ.

Thành thử chủ nghĩa ái quốc không tưởng tượng mà có thật, cái chủ nghĩa ái quốc mà tất cả chúng ta đều biết, mà đa số dân chúng thời nay chịu ảnh hưởng, mà vì nó nhân loại phải đau khổ dữ dội đến thế – nó không phải là lòng mong muốn những lợi ích tinh thần cho dân tộc mình (không thể mong muốn lợi ích tinh thần chỉ cho dân tộc mình), cũng không phải là những đặc điểm của- những cá thể dân tộc (đó là những thuộc tính, chứ tuyệt không phải tình cảm), mà là một kiểu cảm tính rất xác định quý trọng dân tộc mình hay quốc gia mình hơn tất cả các dân tộc hay quốc gia khác, từ đó mà mong muốn cho dân tộc ấy hay quốc gia ấy một sự thịnh vượng và hùng cường nhất, mà chúng thì có thể có được và luôn luôn có được chỉ bằng cách phương hại sự thịnh vượng và hùng cường của các dân tộc hay quốc gia khác.

Tưởng chừng phải là hiển nhiên: chủ nghĩa ái quốc như là một tình cảm là tình cảm xấu và có hại; còn như là một học thuyết thì là một học thuyết ngu ngốc, bởi vì rõ như ban ngày rằng nếu dân tộc nào và quốc gia nào cũng cho mình là tốt nhất trong mọi dân tộc và quốc gia, thì tất cả các dân tộc và quốc gia đều ở trong sự lầm lạc thô thiển và tai hại.

2

Tưởng chừng cả tính ác hại lẫn tính ngu dại của chủ nghĩa ái quốc phải là hiển nhiên đối với mọi người. Nhưng kỳ lạ thay, nhiều người vừa thông minh lại vừa có học không những tự mình không nhận thấy điều ấy, mà còn với một sự ngoan cố và nóng nảy lớn nhất, mặc dù không có bất kỳ một căn cứ hữu lý nào, phản bác mọi ý kiến về sự có hại và sự ngu dại của chủ nghĩa ái quốc và tiếp tục tâng bốc tính tốt lành và cao thượng của nó.

Điều này có nghĩa gì?

Tôi chỉ thấy một giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này. Toàn bộ lịch sử loài người từ thời thượng cổ cho đến thời đại của chúng ta có thể được xem như là quá trình chuyển dịch ý thức của những con người riêng lẻ và những hợp quần người đồng tộc từ những ý tưởng thấp hơn vươn tới những ý tưởng cao hơn.

Toàn bộ con đường được đi bởi cả từng con người riêng lẻ lẫn những nhóm người đồng tộc có thể được hình dung như một loạt bậc thang có trình tự từ bậc thấp nhất, ứng vói trình độ đời sống động vật, tới bậc cao nhất mà ý thức con người có khả năng đạt tới trong thời điểm lịch sử nhất định.

Từng con người một cũng như những nhóm người riêng biệt – các dân tộc, quốc gia – không ngừng chuyển dịch tuồng như theo những bậc thang ý tưởng. Một số bộ phận của loài người đi đầu, một so bộ phận khác tụt hậu khá xa, còn bộ phận thứ ba, đa phần nhân loại, thì ở giữa. Nhưng dù họ có đứng ở bậc thang nào, tất cả họ đều chuyển dịch từ những ý tưởng thấp hơn lên những ý tưởng cao hơn. Và luôn luôn, trong từng thời điểm nhất định, từng con người riêng lẻ cũng như từng nhóm người đồng tộc đi trước, đi giữa và đi sau, đều ở trong những quan hệ khác nhau với ba bậc ý tưởng mà giữa chúng họ chuyển dịch.

Cả đối với từng người riêng lẻ lẫn từng hợp quần người bao giờ cũng có những ý tưởng của quá vãng, đã hết thời và trở nên xa lạ, mà con người đã không thể trở lại với chúng – thí dụ đối với thế giới Kitô giáo của chúng ta đó là những ý tưởng dùng thịt người làm thức ăn, toàn dân trấn lột, cướp vợ, mà về chúng chỉ còn lại ký ức; có những ý tưởng của hiện tại, được truyền thụ cho con người bằng giáo dục, bằng những tấm gương, bằng toàn bộ hoạt động của môi trường bao quanh, và con người hiện đang sống dưới lực tác động của những ý tưởng ấy, chẳng hạn thời nay đó là những ý tưởng sở hữu, tổ chức nhà nước,, thương mại, sử dụng gia súc, v.v…

Và có những ý tưởng của tương lai, trong đó có những ý tưởng đã gần với sự thực hiện, chúng khiến con người thay đổi lối sống của mình, đấu tranh chống lại những hình thức đời sống cũ, thí dụ như trong thế giới của chúng ta đó là những ý tưởng giải phóng lao động, phụ nữ bình quyền, ăn chay và những ý tưởng khác, mặc dù đã được nhiều người ý thức nhưng chưa bước vào cuộc đấu tranh với những hình thức sống cũ. Là như thế những ý tưởng trong thời đại ngày nay được gọi là những lý tưởng: xóa bỏ bạo lực, thiết lập chế độ sở hữu công cộng, thành lập một tôn giáo thống nhất, thực hiện tình huynh đệ giữa tất cả mọi người.

Thành thử mọi người và mọi tập thể người đồng tộc, dù họ đứng ở bậc phát triển nào, nhưng đã có ở đằng sau ký ức về quá khứ và ở đằng trước lý tưởng về tương lai thì luôn luôn ở trong quá trình đấu tranh giữa những ý tưởng đã trở nên lỗi thời trong hiện tại và những ý tưởng của tương lai đang đi vào cuộc sống. Và cái thường diễn ra – đó là khi một ý tưởng xưa kia, trong quá khứ, từng là hữu ích và thậm chí tất yếu, nay trở nên dư thừa thì ý tưởng ấy sau một thời gian đấu tranh ít nhiều kéo dài thường nhường chỗ cho ý tưởng mới, trước kia là lý tưởng và nó trở thành ý tưởng của hiện tại.

Nhưng một điều cũng hay thấy: một ý tưởng đã lỗi thời và đã được thay thế trong ý thức con người bằng một ý tưởng cao hơn, nhưng sự níu giữ ý tưởng đã lỗi thời ấy lại có lợi cho một số người có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội. Và khi ấy xảy ra cái hiện tượng, ấy là cái ý tưởng đã lỗi thời ấy, mặc dù nó mâu thuẫn gay gắt với toàn bộ thể chế đời sống về những mặt khác đã đổi thay, vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới nhân quần và chi phối những hành vi c ủa họ. Sự níu giữ những ý tưởng đã lỗi thời như thế luôn luôn đã và đang diễn ra trong lĩnh vực tôn giáo. Nguyên nhân là ở chỗ giới tăng lữ mà vị trí ưu đãi gắn liền với ý tưởng tôn giáo đã lỗi thời, lợi dụng quyền lực của mình, cố tình níu giữ giáo dân ở lại trong ý tưởng đã lỗi thời ấy.

Cũng cái đó đã xảy ra, và cũng từ những nguyên nhân ấy, trong lĩnh vực nhà nước đối với ý tưởng ái quốc làm cơ sở tinh thần cho mọi hình thức nhà nước. Những người mà sự níu giữ ý tưởng ấy là có lợi cho họ, mặc dù nó đã không còn có một ý nghĩa và lợi ích chung nào, níu giữ nó một cách giả tạo. Và nắm trong tay những phương tiện ảnh hưởng tới dân chúng mạnh mẽ nhất, họ bao giờ cũng làm được điều đó.

Theo tôi, đây là một cách giải thích cho cái mâu thuẫn quái lạ hiện nay giữa ý tưởng ái quốc chủ nghĩa và toàn bộ cấu trúc đối nghịch với nó của các ý tưởng thời nay đã đi vào ý thức của thế giới Kitô giáo.

3

Chủ nghĩa ái quốc như là một tình cảm yêu quý đặc biệt đối với dân tộc mình và như là một học thuyết về tính vẻ vang của sự hy sinh cuộc sống yên tĩnh, tài sản và thậm chí tính mạng mình để bảo vệ những đồng bào yếu hèn khỏi sự giết chóc và bạo hành của kẻ thù – chủ nghĩa ái quốc ấy từng là ý tưởng cao nhất của thời đại, khi mà mọi dân tộc đều cho là vì lợi ích và sự hùng cường của mình có thể và cần phải giết chóc và cướp bóc những người thuộc dân tộc khác. Nhưng đã gần 2.000 năm trước đây, những con người ưu tú đại diện cho minh triết của nhân loại bắt đầu nhận thức được tư tưởng tối cao về tình huynh đệ giữa tất cả mọi người, và tư tưởng ấy, càng ngày càng ăn sâu vào ý thức con người, trong thời đại chúng ta thâu thái được những hình thức thực hiện đa dạng nhất.

Nhờ sự mở mang các phương tiện giao thông, nhờ tính thống nhất của nền công nghiệp, thương nghiệp, khoa học và nghệ thuật, loài người thời nay đã gắn bó với nhau chặt chẽ đến nỗi nguy cơ của những cuộc xâm lược, giết chóc, bạo hành từ phía các dân tộc láng giềng đã biến mất hoàn toàn, và tất cả các dân tộc (các dân tộc chứ không phải các chính phủ) đều sống với nhau trong những quan hệ thương mại, công nghiệp, trí tuệ hòa hảo, hữu nghị, cùng có lợi, và phá vỡ chúng đối với họ là việc tuyệt không cần thiết và vô lý. Vì thế tưởng chừng chủ nghĩa ái quốc như là một tình cảm đã trở nên dư thừa và không phù hợp với ý thức đã đi vào cuộc sống về tình huynh đệ giữa tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc khác nhau, sẽ phải ngày một tiêu tan và cuối cùng tiêu biến hoàn toàn. Nhưng lại diễn ra cái ngược lại: cái tình cảm đã lỗi thời và có hại ấy không chỉ tiếp tục tồn tại, mà còn ngày một bùng cháy và lan rộng.

Các dân tộc, không có một căn cứ hữu lý nào và đi ngược lại cả ý thức lẫn lợi ích của mình, không chỉ đồng tình với các chính phủ trong những cuộc tấn công các dân tộc khác, xâm chiếm những lãnh thổ của các nước khác và giữ lấy bằng bạo lực những gì được chiếm đoạt, mà tự họ còn đòi hỏi những sự tấn công, xâm chiếm và giữ lấy ấy, mừng vui vì chúng, tự hào về chúng.

Những dân tộc nhỏ bị áp bức, bị đặt dưới quyền của những nước lớn: người Ba Lan, người Ireland, người Szech, người Phần Lan, người Arménie – phản ứng chống lại chủ nghĩa ái quốc lấy thịt đè người của những kẻ đô hộ, đã lây nhiễm từ những dân tộc áp bức ấy một chủ nghĩa ái quốc lỗi thời, vô dụng, vô nghĩa và có hại đến mức toàn bộ hoạt động của hộ tập trung vào đó và chính họ, khốn khổ vì chủ nghĩa ái quốc của các dân tộc mạnh, lại sẵn sàng vẫn vì cũng cái chủ nghĩa ái quốc ấy tiến hành chống lại các dân tộc khác bằng những điều mà những dân tộc đô hộ đã và đang tiến hành chống lại họ.

Sở dĩ có tình trạng ấy là vì các giai cấp cầm quyền (từ này hàm nghĩa không chỉ các chính phủ với các quan chức của họ mà còn tất cả các giai tầng được hưởng vị trí ưu đãi đặc biệt: các nhà tư bản, các nhà báo, đa số các nghệ sĩ và nhà khoa học) chỉ có thể giữ được vị trí ưu đãi đặc biệt của mình so với quần chúng nhân dân bằng cái tổ chức nhà nước được chủ nghĩa ái quốc trợ lực. Nắm trong tay tất cả những phương tiện ảnh hưởng một cách mãnh liệt nhất tới dân chúng, họ luôn luôn, không chút lơ là, nâng đỡ trong mình và trong những người khác những tình cảm ái quốc chủ nghĩa ấy, nhất là bởi vì những tình cảm hỗ trợ cho quyền lực của nhà nước ấy, hơn mọi thứ khác, luôn được quyền lực ấy đãi ngộ hậu hĩnh.

Bất kỳ một viên chức nào càng tỏ ra ái quốc hơn thì càng thành đạt hơn trên đường hoạn lộ; cũng đúng như thế, một quân nhân chỉ có thể thăng quan tiến chức nhanh trong chiến tranh được gây ra bởi chủ nghĩa ái quốc.

Chủ nghĩa ái quốc và những hậu quả của nó – các cuộc chiến tranh đem lại thu nhập kếch sù cho những người làm báo và nhiều lợi lộc cho đa phần những kẻ buôn bán. Mọi nhà văn, nhà giáo, giáo sư càng rao giảng chủ nghĩa ái quốc thì càng bảo đảm chắc chắn hơn cho địa vị của mình. Bất kỳ hoàng đế hay vương quân nào càng tỏ ra trung thành với chủ nghĩa ái quốc, thì lại càng có uy danh hơn.

Trong tay các giai cấp thống trị có quân đội, tiền bạc, nhà trường, tôn giáo, báo chí ở các trường học, người ta nhồi nhét cho lũ trẻ chủ nghĩa ái quốc bằng những chuyện kể tô vẽ dân tộc mình tốt đẹp hơn mọi dân tộc khác và bao giờ cũng có chính nghĩa; ở những người lớn, họ thổi bùng lên cũng vẫn tình cảm ấy bằng những trò diễn, những lễ kỷ niệm, những đài tưởng niệm, bằng báo chí ái quốc chủ nghĩa gian trá; và cái chính, họ thổi bùng lên chủ nghĩa ái quốc ấy bằng mọi điều bất công và độc ác chống lại các dân tộc khác, kích động ở các dân tộc ấy mối thù oán dân tộc mình, rồi lại lợi dụng mối thù oán ấy để kích động thái độ thù địch cả trong dân tộc mình.

Cái tình cảm ái quốc chủ nghĩa đáng sợ ấy đã lan rộng trong các dân tộc châu Âu với một cấp số không ngừng gia tăng và ngày nay đã đi đến mức độ cuối cùng và không thể lan đi xa hơn.

4

Mọi người thời nay, ngay cả những ai chưa già, còn nhớ một sự kiện đã cho thấy một cách hiển nhiên nhất sự mê muội mà nhân loại của thế giới Kitô giáo bị chủ nghĩa ái quốc đẩy tới.

Các giai cấp cầm quyền ở Đức đã kích động chủ nghĩa ái quốc của quần chúng nhân dân nước họ đến mức vào nửa sau thế kỷ XIX người ta đã đưa ra cho dân một đạo luật, mà theo đó tất cả mọi người không có ngoại lệ đều phải là những người lính; tất cả những người con trai, người chồng, các nhà bác học, các tu sĩ đắc đạo đều phải học nghề giết người và phải là những nô lệ ngoan ngoãn của bất kỳ cấp cao nào, phải sẵn sàng không tranh luận giết chết những ai mà người ta sai họ giết: giết những người thuộc các dân tộc bị áp bức và những người lao động trong nước bảo vệ quyền lợi của mình, giết cha mẹ và anh em, như kẻ hỗn xược nhất trong những tên cầm quyền – Wilhelm II đã tuyên bố công khai.

Biện pháp khủng khiếp này, xúc phạm một cách thô bỉ nhất tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa ái quốc đã được nhân dân Đức thông qua không cãi lại. Hậu quả của nó là chiến thắng đối với Pháp.

Chiến thắng ấy lại càng thổi phồng chủ nghĩa ái quốc của Đức, rồi của Pháp, của Nga và những cường quốc khác, và dân chúng của tất cả các nước lục địa đã ngoan ngoãn quy phục sự ban hành chế độ quân dịch phổ thông, tức là một chế độ nô lệ mà không một chế độ nô lệ thời cổ nào có thể sánh được về mức độ hạ nhục và tước bỏ ý chí của con người. Sau đó thì sự quy phục một cách nô lệ của quân chúng, vì chủ nghĩa ái quốc, sự táo tợn, tàn bạo và điên rồ của các chính phủ đã không còn biết giới hạn. Bắt đầu liên tiếp những cuộc xâm lãng các lãnh thổ ngoại bang ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, được gây nên một phần bởi ngẫu hứng, một phần bởi sự hám danh và một phân bởi sự hám lợi, và các chính phủ ngày càng trở nên không tin cậy lẫn nhau và hận thù nhau.

Sự tiêu diệt các dân tộc trên các miền đất bị đánh chiếm được xem là một cái gì đó đương nhiên, vấn đề chỉ là ai sẽ chiếm trước đất của người khác và sẽ tiêu diệt dân cư ở đấy.

Trong quan hệ với các dân tộc bị chinh phục và với nhau, tất cả những người cầm quyền không những đã và đang vi phạm một cách trắng trợn nhất những yêu cầu nguyên thủy về công lý mà còn đã và đang thực hiện mọi kiểu lừa gạt, bịp bợm, mua chuộc, đánh tráo, thám báo, cướp bóc, giết người; còn các dân tộc của họ thì không chỉ đã và đang thông cảm với tất cả cái đó mà còn hân hoan là không phải những nước khác, mà chính nước họ đã gây nên những tội ác ấy. Sự thù địch lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia trong thời gian gần đây đã đạt những giới hạn kỳ lạ đến nỗi, mặc dù không có nguyên nhân nào để cho những nước này tấn công những nước khác, nhưng mọi người đều biết rằng tất cả các nước đều nhe nanh chìa vuốt đối đầu nhau thường trực và chỉ chờ một ai đó gặp rủi ro và suy yếu đi, thế là sẽ có thể với ít mạo hiểm nhất tấn công và xé xác kẻ ấy.

Tất cả các dân tộc của cái gọi là thế giới Kitô giáo bị chủ nghĩa ái quốc đưa đến sự hóa thú đến mức không chỉ những ai bị đặt vào hoàn cảnh tất yếu phải giết người hay bị người giết mong muốn hay mừng vui trước sự giết người, mà cả những người song yên bình dưới những mái nhà không bị ai đe dọa ở châu Âu, nhờ những phương tiện giao thông mau lẹ và dễ dàng và nhờ báo chí, – toàn bộ nhân loại châu Âu và châu Mỹ mỗi khi xảy ra chiến tranh đều ở trong trạng thái của các khán giả rạp xiếc La Mã và cũng hệt như họ, hoan hi trước sự giết người và hò hét một cách khát máu: “Pollice verso!”. ( Trỏ ngón tay cái xuống dưới (Latin), dấu hiệu đòi đấu sĩ kết liễu đối thủ đã bị thương_ND.)

Không chỉ người lớn, mà cả trẻ em, những em bé trong sáng, hiền minh, cũng tùy theo sắc tộc của mình mà vui sướng khi được biết rằng đã bị giết chết, bị xé xác bởi đạn nhồi bi không phải 700 mà 1.000 người Anh hay người Boer.

Và các bậc phụ huynh, tôi biết những bậc như thế, khuyến khích những biểu hiện dã thú ấy ở con em mình.

Nhưng cả cái đó vẫn còn ít. Mọi sự gia tăng quân số của một nước (mà nước nào bị đe dọa cũng cố làm như thế vì chủ nghĩa ái quốc) buộc nước láng giềng cũng vì chủ nghĩa ái quốc gia tăng quân số của mình, gây nên sự gia tăng quân số mới của nước thứ nhất.

Tình hình cũng là thế với các thành lũy, các hạm đội: một nước đóng 10 chiến hạm bọc thép, mấy nước láng giềng đóng mỗi nước 11; thấy thế nước thứ nhất đóng 12 và cứ thế theo cấp số vô tận.

“Tao véo mày” – “Tao đấm mày – “Tao lấy roi quật mày” – “Tao lấy gậy đập mày” – “Tao lấy súng”… chỉ những đứa trẻ hung dữ, những kẻ say rượu hay loài vật mới gây gổ và đánh nhau như thế, trong khi ấy thì chính cái đó vẫn diễn ra trong giới những đại diện cao nhất của những quốc gia có văn hóa nhất – những quốc gia hướng đạo sự giáo dục và phong hóa của các thần dân.

5

Tình hình ngày một xấu đi và xấu đi hơn nữa và hoàn toàn không có khả năng nào ngăn chặn sự xấu đi dẫn đến tử vong này. Một lối thoát mà những người nhẹ dạ tưởng là duy nhất dẫn đưa ra khỏi tình trạng này đã bị đóng kín bởi những sự kiện gần đây; tôi nói về hội nghị Hague[76] và cuộc chiến tranh của Anh với Transvaal nổ ra lập tức sau hội nghị.

Nếu những người ít suy nghĩ và suy nghĩ hời hợt trước đây còn có thể tự an ủi bằng ý nghĩ rằng những tòa án quốc tế có thể loại trừ những tai họa của chiến tranh và chạy đua vũ trang, thì hội nghị Hague với cuộc chiến tiếp theo đã cho thấy một cách hiển nhiên nhất tính bất khả thể của sự giải quyết vấn đề bằng con đường này. Sau hội nghị Hague, đã trở nên rõ như ban ngày rằng chừng nào còn tồn tại những chính phủ có quân đội, thì chừng ấy không thể chấm dứt chạy đua vũ trang và chiến tranh. Để có thể có sự thỏa thuận, những bên thỏa thuận phải tin nhau.

Để các nước có thể tin nhau, họ phải hạ vũ khí, như những nghị sĩ làm khi họ tập hợp để bàn thảo. Chừng nào các chính phủ không tin nhau còn không những không hủy bỏ, không giảm bớt, mà ngày một gia tăng quân đội ứng với sự gia tăng ở các nước láng giềng, chừng nào họ còn ngày đêm qua điệp viên theo dõi sự di chuyển quân đội của nhau, biết rằng nước nào cũng sẽ đánh láng giềng khi chỉ cần có chút ít khả năng, thì không thể có bất cứ một thỏa thuận nào, và mọi hội nghị sẽ chỉ là hoặc một chuyện ngu ngốc, hoặc một trò chơi, hoặc một trò bịp, hoặc một sự trơ tráo, hoặc là tất cả cái đó hợp lại.

Cụ thể là chính phủ Nga, thích hợp hơn các chính phủ khác, đã đóng vai trò một enfant terrible của hội nghị ấy. Chính phủ Nga, được nuông chiều quá mức ở nhà mình, nơi mà không ai dám phản bác tất cả những tuyên ngôn và sắc lệnh dối trá lộ liễu của nó và vì thế đã không do dự làm khánh kiệt dân mình bằng các cuộc chạy đua vũ trang, đã bóp chết Ba Lan, cướp sạch Turkestan, Trung Quốc và đang bóp cổ Phần Lan trong cơn thịnh nộ đặc biệt – chính phủ Nga, tin tưởng sắt đá rằng tất cả sẽ tin mình, đã đề nghị tất cả các chính phủ giải trừ quân bị.

Nhưng dù đề nghị ấy có quái lạ, bất ngờ và khiếm nhã đến đâu, đặc biệt vào lúc khi mà mọi nước đã ra lệnh gia tăng quân số, song những lời được nói cho mọi người nghe thấy ấy đã khiến các chính phủ của các nước khác không thể, trước mặt nhân dân mình, khước từ những hội họp hài hước và rõ ràng giả dối, và thế là các đại biểu đã họp mặt mà biết trước rằng không thể đi đến một kết quả nào và trong vòng mấy tháng, mà trong thời gian ấy họ nhận được thù lao cao, mặc dù vẫn cười xòa giấu miệng vào tay áo, nhưng tất cả đều nhất trí giả bộ là họ rất lo lắng cho sự thiết lập hòa bình giữa các dân tộc.

Hội nghị Hague, kết thúc bằng cuộc đổ máu khủng khiếp – chiến tranh Transvaal mà không một ai thử ngăn chặn, dẫu sao thì vẫn hữu ích, mặc dù hoàn toàn không phải như người ta mong đợi; nó hữu ích vì đã cho thấy một cách hiển nhiên nhất rằng cái ác làm khổ các dân tộc không thể được sửa chữa bơi các chính phủ, rằng các chính phủ, giả sử họ rõ ràng cũng mong muốn điều đó, không thể hủy bỏ được cả những cuộc chạy đua vũ trang lẫn những cuộc chiến tranh.

Để tồn tại các chính phủ phải bảo vệ nhân dân mình khỏi sự tấn công của các dân tộc khác; nhưng không dân tộc nào muốn tấn công và không dân tộc nào tự tấn công dân tôc khác, vì thế các chính phủ không chỉ không mong muốn hòa bình, mà ngược lại còn bằng mọi cách cố làm cho các dân tộc khác căm thù mình. Khi đã dấy lên được ở các dân tộc khác lòng căm thù đối với mình, còn ở trong nhân dân mình thì chủ nghĩa ái quốc, các chính phủ thuyết phục dân mình rằng họ ở trong hiểm nguy và cần phải tự vệ.

Và nắm quyền lực trong tay, các chính phủ có thể khi thì gây bực tức cho các dân tộc khác, khi thì kích thích chủ nghĩa ái quốc trong dân tộc mình, khi thì cố gắng làm cả cái này lẫn cái kia, và không thể không làm những việc ấy, bởi vì sự tồn tại của họ dựa vào đó.

Nếu trước kia cần có các chính phủ để bảo vệ các dân tộc của mình khỏi xâm lăng của các dân tộc khác, thì bây giờ, ngược lại, các chính phủ cố tình phá hoại trạng thái hòa bình giữa các dân tộc và gieo rắc giữa họ mối hiềm xích, thù địch.

Nếu cần phải cày đất để gieo cấy, thì cày là việc hợp lý; nhưng rõ ràng sẽ là điên rồ và tai hại nếu cày đất khi hạt giống gieo đã lên cây. Nhưng chính cái đó các chính phủ lại bắt các nhân dân của mình làm – phá hoại sự đoàn kết đang tồn tại và lẽ ra sẽ không bị cái gì phương hại, nếu mà không có các chính phủ.

6

Quả thật, trong thời đại ngày nay các chính phủ là cái gì mà không có chúng thì người ta tưởng rằng không thể sống được?

Nếu đã có những thời đại, khi mà các chính phủ là cái ác thiết yếu và nhỏ hơn cái ác phát sinh từ sự không được bảo vệ khỏi những láng giềng có tổ chức, thì bây giờ các chính phủ đã trở thành cái ác không cần thiết và to lớn hơn nhiều so với tất cả những gì họ dùng để dọa nạt các dân tộc của mình.

Các chính phủ, không chỉ quân sự mà các chính phủ nói chung, sẽ có thể là, tôi không nói hữu ích mà nói vô hại, chỉ trong trường hợp nếu họ được hợp thành từ những người không bao giờ sai lầm và thánh thiện, như người Trung Quốc từng giả định như thế. Song vấn đề là các chính phủ, do bản thân hoạt động thường xuyên sử dụng bạo lực của chúng, luôn luôn được hợp thành từ những phần từ đối nghịch nhất với tính thánh thiện, từ những con người táo tợn nhất, thô bạo nhất và tha hóa nhất.

Vì thế mọi chính phủ, nhất là chính phủ được giao quyền lực quân sự, đều là một thiết chế đáng sợ nhất, nguy hiểm nhấttrên thế giới. Chính phủ hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả các nhà tư bản và báo chí, không phải là một cái gì khác, mà là một tổ chức, mà với nó một phần lớn hơn của nhân quần ở dưới quyền một phần nhỏ hơn đứng bên trên họ; cái phần nhỏ hơn ấy thì lại phục tùng quyền lực của phần nhỏ hơn nữa, và phần ấy thì lại cuối cùng đến một vài người hoặc một người mà bằng bạo lực quân sự thâu tóm được quyền lực đối với tất cả những người khác. Thành thử toàn bộ cái thiết chế này tương tự một hình nón, mà ở đó tất cả các bộ phận phụ thuộc hoàn toàn vào mấy người hay một cá nhân đứng trên đỉnh nón.

Cái đỉnh hình nón ấy thì bao giờ cũng bị chiếm giữ bởi những kẻ hoặc bởi một kẻ nào xảo quyệt hơn, táo tợn và vô lương tâm hơn những người khác, hay là bởi người thừa kế ngẫu nhiên của những kẻ táo tợn hơn và vô lương tâm hơn.

Hôm nay đó là Boris Godunov[77], ngày mai Grishka Otrepiev[78], hôm nay là Ekaterina dâm đãng đã cùng với các tình nhân bóp chết chồng mình[79], ngày mai là Pugachev, ngày kia là một Pavel rồ dại[80], một Nikolai, một Alexander III.

Hôm nay là Napoléon, ngày mai Bourbon hoặc quận công d’Orlean, Boulanger hoặc công ty kênh đào Panama; hôm nay là Gladston, ngày mai Salsbury, Chamberlen, Rods.

Và những chính phủ như thế đấy được giao một quyền lực tuyệt đối không chỉ đối với tài sản, tính mạng mà còn cả đối với sự phát triển tinh thần và đạo đức, sự giáo dục, sự hướng dẫn tâm linh – tín ngưỡng cho tất cả mọi người.

Người ta chế tác ra cho mình một cỗ máy quyền lực khủng khiếp, để cho bất kỳ ai cũng có thể chiếm lĩnh được quyền lực ấy (mà mọi cơ may thuộc về kẻ xấu xa nhất về mặt đạo đức) và phục tùng một cách nô lệ rồi lại ngạc nhiên, vì sao họ sống tồi tệ như thế. Người ta sợ mìn, sợ lũ vô chính phủ, chỉ không sợ cái tổ chức khủng khiếp ấy, mặc dù nó phút nào cũng đe dọa trút lên họ những tai họa lớn nhất.

Người ta nhận thấy để bảo vệ mình khỏi kẻ thù thì trói mình lại sẽ là cách hữu ích, như những người Cherkes tự vệ vẫn làm. Nhưng không có nguy cơ gì, thế mà người ta vẫn tiếp tục trói mình.

Người ta trói mình thật cẩn thận, để cho một ai đó có thể làm với họ tất cả những gì y muốn; rồi một đầu dây trói vứt đấy, tạo điều kiện cho bất kỳ kẻ vô lại hay ngu ngốc nào nắm lấy và làm với họ tất cả những gì mà hắn nghĩ ra.

Người ta hành động như thế, rồi ngạc nhiên thấy mình sống tồi tệ.

Chẳng phải cũng cái đó các dần tộc đang làm, khi họ tuân phục, thiết lập và duy trì các chính phủ có quyền lực quân sự?

7

Để giải thoát loài người khỏi những tai họa khủng khiếp của các cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh mà họ hiện nay đang phải chịu đựng và chúng ngày một gia tăng và gia tăng hơn nữa, cần có không phải những đại hội, những hội nghị, những chuyên luận, những tòa án, mà cần hủy bỏ cái công cụ bạo lực gọi là các chính phủ, mà chính từ chúng phát sinh những tai họa lớn nhất của loài người.

Để hủy bỏ các chính phủ chỉ cần một điều: cần cho mọi người hiểu rằng tình cảm ái quốc, mà một mình nó duy trì cái công cụ bạo lực ấy, là tình cảm thô thiển, tai hại, đáng xấu hổ và xấu xa, và cái chính – bất lương. Tình cảm ấy thô thiển, bởi vì nó có chỉ ở những người đứng ở bậc thấp nhất của đạo đức, luôn luôn chờ đợi từ các dân tộc khác những việc bạo ngược mà họ sẵn sàng làm đối vớỉ các dân tộc ấy; tình cảm ấy là tai hại bởi vì nó phá hoại những quan hệ hòa hảo có lợi và đem lại niềm vui với các dân tộc khác và, cái chính, nó tạo ra cái hình thức tổ chức chính phủ, mà ở đấy quyền lực có thể và luôn luôn rơi vào tay kẻ xấu nhất; tình cảm ấy là đáng xấu hổ bởi vì nó biến con người không chỉ thành kẻ nô lệ, mà còn thành một con gà chọi, một con bò tót, một đấu sĩ hãm hại sức lực và mạng sống của mình vì những mục đích không phải của mình, mà của chính phủ; tình cảm ấy bất lương bởi vì, thay vì thừa nhận mình là con Thượng Đế, như đạo Kitô dạy chúng ta, hay chỉ là con người tự do, lấy trí tuệ của mình làm kim chỉ nam cho mình – bất cứ một ai chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ái quốc cũng xem mình là con của tổ quốc mình, là nô lệ của chính phủ mình và làm những việc đi ngược lại trí tuệ và lương tâm của mình.

Chỉ cần mọi người hiểu ra điều ấy, thì tự nó, không cần phải đấu tranh, sẽ tan vỡ cái khối cấu kết khủng khiếp trong nhân gian được gọi là chính phủ, và cùng với nó sẽ tiêu biến cái ác khủng khiếp và vô ích mà các chính phủ đem lại cho các nhân dân (dân tộc).

Và nhiều người đã bắt đầu hiểu điều đó. Đây, thí dụ một công dân của Hợp chúng quốc Bắc Mỹ viết như sau:

“Cái duy nhất mà tất cà chúng tôi, những người làm nghề nông, những thợ máy, thương nhân, chủ xưởng, giáo viên, yêu cầu – đó là quyền làm những việc làm của chính chúng tôi. Chúng tôi có nhà của mình, chúng tôi yêu quý bạn bè của chúng tôi, trung thành với gia đình của chúng tôi và không can thiệp vào công việc của các láng giềng của chúng tôi, chúng tôi có việc làm và muốn làm việc.

Hãy để cho chúng tôi được yên!

Nhưng các chính khách không muốn để yên chúng tôi. Họ đánh thuế chúng tôi, ăn hại tài sản của chúng tôi, điều tra đi điều tra lại chúng tôi, động viên thanh niên của chúng tôi tham gia những cuộc chiến tranh của họ.

Hàng vạn người sống nhờ nhà nước, lệ thuộc nhà nước, được nhà nước nuôi để đánh thuế chúng tôi; và để đánh thuế thành công, người ta nuôi quân đội thường trực. Lập luận nói rằng cần có quân đội để bảo vệ đất nước là trò bịp trắng trợn. Nhà nước Pháp dọa dân, nói người Đức muốn tấn công họ; những người Nga sợ người Anh; những người Anh sợ tất cả mọi người; thế mà bây giờ ở Mỹ người ta bảo chúng tôi rằng cần phải tăng cường hạm đội, gia tăng quân số, bởi vì châu Âu có thể bất cứ lúc nào liên kết chống lại chúng tôi. Đó là sự lừa gạt và sự nói dối. Những người dân thường ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ đều phản đối chiến tranh. Chúng tôi chỉ muốn người ta để yên chúng tôi. Những người có vợ, có cha mẹ, con cái, nhà cửa không muốn đi đánh nhau với bất cứ một ai. Chúng tôi yêu chuộng hòa bình và sợ chiến tranh, căm thù chiến tranh.

Chúng tôi chỉ muốn không làm cho người khác cái gì mà chúng tôi không muốn người khác làm cho chúng tôi.

Chiến tranh là hệ quả tất yếu của sự tồn tại của những người được vũ trang. Một nước nuôi một quân đội lớn sớm hay muộn sẽ giao chiến với nước khác. Một người tự hào về sức mạnh của mình trong các cuộc đấu đấm thế nào cũng sẽ bắt gặp kẻ cho mình là võ sĩ đấu đấm giỏi nhất và họ sẽ đấu với nhau. Đức và Pháp chỉ chờ cơ hội thử sức chống lại nhau. Hai nước ấy đã đánh nhau mấy lần rồi và sẽ còn đánh nhau nữa. Không phải nhân dân của hai nước muốn chiến tranh, nhưng giai cấp thượng lưu thổi phồng trong họ niềm hận thù lẫn nhau và buộc họ nghĩ rằng họ phải đánh nhau để tự vệ.

Những người tưởng chừng muốn làm theo học thuyết của Kitô lại đánh thuế, lại xúc phạm, lừa đảo và lôi kéo vào chiến tranh.

Kitô dạy sự khiêm nhường, sự nhẫn chịu, sự tha thứ những xúc phạm, Người cũng dạy rằng giết người là rất xấu. Kinh Thánh dạy con người không thề nguyện, nhưng “giai cấp thượng lưu” bắt chúng ta thề nguyện đặt tay lên Kinh Thánh mà chính họ không tin.

Thế thì bằng cách nào chúng ta giải phóng được mình khỏi những kẻ phí phạm ấy – những kẻ không làm việc nhưng lại mặc dạ mỏng với những khuy đông và những đồ trang sức quý, lại sống bằng lao động của chúng ta, và chúng ta canh tác đất để nuôi họ?

Chiến đấu với họ?

Nhưng chúng ta không thừa nhận sự đổ máu, vả lại họ có vũ khí và tiền bạc, cho nên họ sẽ giao chiến được lâu hơn chúng ta.

Mà ai sẽ hợp thành cái quân đội chiến đấu với chúng ta?

Quân đội ấy sẽ được hợp thành từ chính chúng ta, từ những người láng giềng và anh em của chúng ta bị đánh lừa, bị thuyết phục rằng họ phụng sự Chúa, bảo vệ đất nước của mình khỏi kẻ thù. Nhưng thực ra nước chúng ta không có kẻ thù nào ngoài giai cấp thượng lưu hứa bảo vệ các lợi ích của chúng ta miễn là chúng ta nộp thuế. Họ phung phí của cải của chúng ta và xúi giục những người anh em chân chính của chúng ta chống lại chúng ta để nô dịch và hạ nhục chúng ta.

Bạn không gửi được bức điện cho vợ mình hay bưu phẩm cho bạn mình, hay viết séc cho người cung cấp hàng cho mình, chừng nào chưa nộp khoản thuế mà người ta thu từ bạn để nuôi những người được vũ trang, mà những người ấy có thể được sử dụng để giết bạn và họ chắc chắn sẽ bỏ tù bạn nếu bạn không nộp thuế.

Cứu sách duy nhất là dạy cho con người hiểu rằng giết người là không tốt, dạy cho họ hiểu rằng toàn bộ luật thánh và sấm truyền là làm cho người cái ta muốn người làm cho ta. Hãy thầm lặng coi khinh giai cấp thượng lưu ấy, từ chối khấn bái thần tượng hiếu chiến của họ. Hãy chấm dứt ủng hộ những cha truyền giáo rao giảng chiến tranh và tâng bốc chủ nghĩa ái quốc như là một cái gì đó tối quan trọng.

Hãy để họ cũng làm việc như chúng ta.

Chúng ta tin vào Kitô, họ thì không. Kitô nói cái Người nghĩ; họ thì nói cái họ nghĩ sẽ làm hài lòng những người có quyền lực – “giai cấp thượng lưu”.

Chúng ta sẽ không nhập ngũ. Chúng ta sẽ không bắn theo lệnh của họ. Chúng ta sẽ không trang bị cho mình những lưỡi lê để chống lại những người dân hiền lành, nhẫn nhục. Chúng ta sẽ không theo sự ám thị của Cecil Rods mà bắn vào những người chăn gia súc và làm ruộng bảo vệ tổ ấm của mình.

Tiếng thét dối trá của các vị: “Chó sói! Chó sói!” sẽ không làm chúng tôi hoảng sợ. Chúng tôi nộp thuế cho các vị chỉ vì bị bắt buộc. Chúng tôi sẽ chỉ nộp chừng nào còn bị bắt buộc. Chúng tôi sẽ không trả thuế nhà thờ cho lũ giả nhân giả nghĩa và không trả cả một phần mười của cải cho hoạt động từ thiện giả đạo đức của các vị và chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến của mình mỗi khi có cơ hội.

Chúng tôi sẽ giáo dục con người.

Và ảnh hưởng thầm lặng của chúng tôi sẽ liên tục lan tỏa; và ngay cả những người đã đi lính cũng sẽ do dự và sẽ từ chối tham chiến. Chúng tôi sẽ truyền bá tư tưởng nói rằng cuộc sống theo đạo Kitô, trong hòa bình và thiện chí tốt hơn cuộc sống trong tranh đấu, đổ máu và chiến tranh.

“Hòa bình cho trái đất!” – chỉ có thể đến khi mà loài người giã từ quân ngũ và sẽ muốn làm cho người khác những gì mà họ muốn người khác làm cho mình.

Một công dân Hợp chúng quốc Bắc Mỹ viết như thế, và những tiếng nói như thế đang vang lên từ nhiều phía và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một người lính Đức viết thế này:

“Tôi đã tham gia hai cuộc hành quân cùng với đội cận vệ Phổ (1866-1870) và căm thù chiến tranh đến tận xương tủy, bởi vì nó đã biến tôi thành kẻ bất hạnh không thể diễn tả. Chúng tôi, những thương binh, đa phần được đãi ngộ thảm hại đến nỗi quả thật phải lấy làm xấu hổ là xưa kia chúng tôi từng là những người ái quốc. Chẳng hạn tôi hằng ngày được lĩnh 80 pfennig trả cho cánh tay phải của tôi bị trúng đạn trong cuộc công phá thành Priva ngày 18 tháng Tám năm 1870. Một con chó săn nào đó được cho nhiều hơn để nuôi sống nó. Mà tôi thì đã khổ sở bao nhiêu năm vì cánh tay phải trúng đạn của mình.

Trong năm 1866 tôi đã tham chiến chống lại Áo, chiến đấu ở Trautenau và Konigritz và đã trông thấy chán chê những điều khủng khiếp. Năm 1870, tôi đang ở dự bị lại bị động viên một lần nữa và, như tôi đã nói, đã bị thương trong cuộc công phá thành Priva: cánh tay phải của tôi bị bắn thủng dọc hai lần. Tôi bị mất chỗ làm việc tốt (hồi ấy tôi làm nghề nấu bia) và sau này đã không thể lấy lại. Từ đấy tôi không bao giờ trở thành tự lập được nữa. Sự mê muội nhanh chóng tan đi, và anh thương binh tàn phế chỉ còn lại việc sống bằng lương hưu chết đói và bằng ăn mày…

Trong thế giới nơi mà mọi ngưồí chạy lăng xăng như những con thú được luyện và không có khả năng nghĩ ra một cái gì khác ngoài những cách chơi xỏ lẫn nhau vì thần tiền, trong một thế giới như thế cứ để cho người ta cho tôi là lập dị, nhưng tôi vẫn cảm thấy trong mình một tư tưởng thần thánh về thế giới mà đã được diễn đạt tuyệt vời như thế trong bài giảng trên núi. Theo xác tín sâu nhất của tôi, chiến tranh – đó chỉ là sự buôn bán trên quy mô lớn – sự buôn bán hạnh phúc của các dân tộc bởi những kẻ háo danh và có sức mạnh.

Và có những khủng khiếp nào mà lại không phải nếm trải! Tôi sẽ không bao giờ quên chúng, những tiếng rên ai oán thấu tận xương tận tủy ấy.

Những con người không gây ác cho nhau bao giờ lại giết nhau như nhưng da thú, còn những tâm hồn nô lệ nhỏ nhen thì buộc Thượng Đế chí thiện phải liên can, phải trở thành trợ thủ trong những việc ấy. Một láng giềng của tôi trong quân ngũ đã bị đạn bắn nát hàm. Con người bất hạnh ấy đã mất trí hoàn toàn vì đau. Anh ta chạy như điên dưới nắng hè thiêu đốt và không tìm được ở đâu thậm chí nước để làm dịu vết thương khủng khiếp của mình. Người chỉ huy chúng tôi, hoàng thân Friedrich (sau này là hoàng đế Friedrich cao cả) hồi ấy viết trong nhật ký của mình: “Chiến tranh là sự mỉa mai kinh Phúc Âm..”

Loài người bắt đầu nhận ra cái trò bịp ái quốc chủ nghĩa mà tất cả các chính phủ đều gắng sức đến thế níu giữ họ ở lại trong đó.

8

8 “Thế nhưng sẽ có cái gì, nếu không còn các chính phủ nữa?” – người ta thường hỏi.

Sẽ chẳng có gì ngoài việc sẽ tiêu biến đi những gì từ lâu đã không còn là cần thiết và vì thế mà là thừa và tồi tệ; sẽ tiêu biến cái cơ quan mà do không còn cần thiết nữa đã trở nên có hại.

“Nhưng nếu không có các chính phủ thì loài người sẽ hà hiếp và sát hại lẫn nhau” – người ta thường nói.

Tại sao? Tại sao sự hủy bỏ cái tổ chức đã hình thành do hệ quả của bạo lực và được lưu huyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để thực hiện bạo lực – tại sao sự hủy bỏ một tổ chức đã không còn cần đến như thế lại khiến loài người sẽ hà hiếp và sát hại lẫn nhau? Tưởng là, ngược lại, sự hủy bỏ cơ quan của bạo lực sẽ làm cho loài người thôi hà hiếp và sát hại lẫn nhau chứ.

Hiện giờ có những người chuyên được giáo dưỡng và đào luyện để làm cái việc hà hiếp và sát hại những người khác – những người ấy được thừa nhận có quyền hà hiếp và họ sử dụng một tổ chức được bày ra để làm việc ấy, và sự hà hiếp và sát hại ấy được xem là một việc tốt và vẻ vang; nhưng khi mà sẽ không còn ai bị đào luyện để làm điều ấy, và sẽ không một ai có quyền hà hiếp người khác, và sẽ không còn cái tổ chức của bạo lực nữa thì, như nhiều người thời nay đã nhận thức được, sự bạo hành và sát nhân sẽ luôn luôn được xem là việc xấu cho tất cả mọi người.

Còn nếu ngay cả sau khi các chính phủ đã bị hủy bỏ vẫn cứ xảy ra bạo lực, thì rõ ràng sự bạo lực ấy sẽ ít hơn nhiều so với thời nay, khi mà có những tổ chức được lập ra chuyên để thực hành bạo lực và có những tình huống mà ở đấy bạo hành và sát nhân được coi là việc tốt và hữu ích.

Sự hủy bỏ các chính phủ chỉ hủy bỏ cái tổ chức của bạo lực được chuyển giao theo truyền thống nhưng đã trở nên không cần thiết và cả sự biện minh cho bạo lực.

“Nhưng sẽ không còn cả luật pháp, cả sở hữu, cả tòa án, cả cảnh sát, cả giáo dục quốc dân” – người ta thường nói, cố tình lẫn lộn bạo lực của chính quyền với những hoạt động đa dạng của xã hội.

Sự hủy bỏ tổ chức chính phủ, được thiết lập để thực hiện bạo lực đối với con người, tuyệt đối không kéo theo hủy bỏ luật pháp, hay tòa án, hay sở hữu, hay sự bảo vệ bằng cảnh sát, hay những tổ chức tài chính, hay giáo dục quốc dân. Ngược lại, sự vắng mặt quyền lực thô bạo của các chính phủ chỉ theo đuổi mục đích duy trì mình, sẽ hỗ trợ cho kiểu tổ chức xã hội không cần đến bạo lực. Cả tòa án, cả những công việc xã hội, cả giáo dục quốc dân – tất cả sẽ có ở chừng mực cần thiết cho các dân tộc; sẽ bị hủy bỏ chỉ những gì là tồi tệ và cản trở sự thể hiện tự do ý chí của các dân tộc.

Nhưng nếu cứ giả định rằng thiếu vắng chính phủ thì sẽ xảy ra những rối loạn và xung đột nội bộ thì ngay cả khi ấy tình trạng của các dân tộc vẫn sẽ tốt hơn hiện nay. Tình trạng của các dân tộc hiện nay xấu đến nỗi khó hình dung có thể xấu hơn. Toàn bộ dân chúng khánh kiệt, và sự khánh kiệt này sẽ tất yếu tiếp tục và gia tăng. Tất cả những người đàn ông bị biến thành nô lệ và bất cứ phút nào cũng phải chờ lệnh đi giết người hoặc bị người giết. Còn chờ cái gì nữa? Chờ cho các dân tộc phá sản chết đói hết? Cái đó đã bắt đầu ở Nga, ở Ý, ở Ấn Độ. Hoặc chờ không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng bị bắt đi lính? Ở Transvaal cả cái đó cũng đã bắt đầu.

Thành thứ nếu mà sự vắng mặt của các chính phủ quả thật dẫn đến tình trạng vô chính phủ (điều tuyệt đối không nhất thiết) thì ngay cả khi ấy không sự mất trật tự nào của tình trạng vô chính phủ có thể tồi tệ hơn cái tình trạng mà các chính phủ đã và đang dẫn dắt các dân tộc (nhân dân) của mình đến.

Vì thế sự giải phóng khỏi chủ nghĩa ái quốc và sự triệt tiêu chủ nghĩa độc tài cùa các chính phủ nương náu vào chủ nghĩa ái quốc ấy không thể không là hữu ích đối với mọi người.

9

Hãy tỉnh ngộ, hỡi những con người, và vì sự hạnh phúc cả thể chất lẫn tinh thần của mình và cũng sự hạnh phúc như thế của các anh chị em mình, hãy dừng lại, hãy nghĩ lại, hãy suy nghĩ một chút về cái các bạn đang làm!

Hãy tỉnh ngộ và hây hiểu ra rằng kẻ thù của các bạn không phải là những người Boer, không phải là người Anh, người Pháp, người Đức, người Szech, người Phần Lan, người Nga, mà kẻ thù của các bạn chỉ có một – đó là chính các bạn, những người bằng chủ nghĩa ái quốc của mình ủng hộ các chính phủ đang áp bức các bạn và làm nên những nỗi bất hạnh của các bạn.

Họ nhận lấy nhiệm vụ bảo vệ các bạn khỏi hiểm nguy và đã đưa sự bảo vệ hư trá ấy đến tình trạng là các bạn tất cả đã bị biến thành những tên lính, những kẻ nô lệ, tất cả đã khánh kiệt, càng ngày càng khánh kiệt và lúc nào cũng có thể và cũng phải chờ cái việc là dây đàn căng quá sẽ đứt tung và sẽ bắt đầu cuộc tàn sát khủng khiếp các bạn và con cái của các bạn.

Và cho dù cuộc tàn sát ấy có lớn đến đâu và có kết thúc thế nào, thì tình trạng vẫn cứ sẽ là thế. vẫn cứ như thế và còn ráo riết hơn các chính phủ sẽ vũ trang các bạn và làm khánh kiệt các bạn, sẽ làm tha hóa các bạn và con cháu của các bạn và sẽ không ai giúp các bạn chấm dứt, ngăn ngừa cái đó, nếu các bạn không tự giúp mình.

Mà sự trợ giúp chỉ ở một điều – ở sự phá bỏ cái khối cấu kết khủng khiếp hình nón của bạo lực, mà ở đấy ai hoặc những ai leo lên được đỉnh, thì những người ấy sẽ cai trị toàn dân, và chúng càng tàn bạo và bất nhân thì lại càng cai trị vững chắc, như chúng ta biết qua những Napoléon, những Nikolai I, những Bismarck, Chamberlen, Rods và những nhà độc tài của chúng ta cai trị dân nhân danh Sa hoàng.

Để phá bỏ sự cấu kết ấy chỉ có một phương sách – thức tỉnh khỏi sự thôi miên ái quốc chủ nghĩa.

Các bạn hãy hiểu ra rằng tất cả cái ác làm cho các bạn khốn khổ đến thế là do chính các bạn gây cho mình bằng sự quy phục những ám thị được dùng để đánh lừa các bạn bởi những hoàng đế, những vương quân, những nghị sĩ, những nhà chức trách, những quân nhân, những nhà tư bản, những tăng sĩ, những nhà văn, những nghệ sĩ – tất cả những người cần đến sự lừa bịp ái quốc này để sống bằng lao động của các bạn.

Dù các bạn là ai – người Pháp, người Nga, người Ba Lan, người Anh, người Ireland, người Đức, người Szech – mong các bạn hiểu ra rằng tất cả những lợi ích con người chân chính của các bạn, dù chúng là gì – là nông nghiệp, công nghiệp, nghệ thuật hay học thuật, tất cả những lợi ích ấy cũng như những sở thích và niềm vui không hề mâu thuẫn ở một điểm nào với lợi ích của các dân tộc và quốc gia khác, và rằng các bạn gắn bó với nhau bằng sự trợ giúp lẫn nhau, bằng sự trao đổi dịch vụ, bằng niềm vui của sự giao tế huynh đệ đại đồng, của sự trao đổi không chỉ hàng hóa, mà còn tư tưởng và tình cảm với những người của các dân tộc khác.

Các bạn hãy hiểu ra rằng những vấn đề như ai sẽ chiếm được Vei Hai- vei, Lữ Thuận Khẩu hoặc Cuba – chính phủ của các bạn hay một chính phủ nào khác, không chỉ là chuyện trời ơi đất hỡi đối vói các bạn, mà mỗi một sự chiếm đoạt như vậy, được chính phủ của các bạn làm, sẽ phương hại các bạn, bởi vì tất yếu kéo theo đủ thứ tác động tới các bạn nhằm bắt các bạn tham gia vào các cuộc cướp bóc và bạo hành cần để chiếm và giữ lấy cái đã chiếm.

Các bạn hãy hiểu ra rằng cuộc sống của các bạn sẽ không tốt lên chút nào từ việc vùng Alsace sẽ là của Pháp hay Đức, còn Ireland và Ba Lan sẽ được tự do hay bị đô hộ; dù những xứ ấy có là của ai, bạn có thể sống ở đâu bạn muốn; ngay cả nếu bạn là người Alsace, người Ba Lan hay người Ireland – mong bạn hiểu rằng mọi sự khuếch trương chủ nghĩa ái quốc của bạn sẽ chỉ làm xấu đi tình cảnh của bạn, bởi vì ách đô hộ mà dân tộc bạn đang phải chịu đựng phát sinh chỉ từ sự đấu tranh giữa các chủ nghĩa ái quốc, và mọi biểu hiện của chủ nghĩa ái quốc ở dân tộc này đều kích thích phản ứng chống lại nó ở dân tộc khác.

Hãy nhận ra rằng các bạn có thể thoát khỏi mọi tai họa của mình chỉ khi nào các bạn tự giải phóng mình khỏi tư tưởng ái quốc đã lỗi thời và khi nào các bạn mạnh dạn bước vào tình vực của ý tưởng cao nhất về sự đoàn kết anh em giữa các dân tộc – cái ý tưởng đã đi vào cuộc sống từ lâu và từ mọi phía đang mời gọi các bạn đến với nó.

Chỉ cần những con người nhận ra rằng họ không phải là con của những tổ quốc và chính phủ nào đó, mà là con của một Thượng Đế, cho nên không thể là nô lệ hay kẻ thù của những người khác, thì tự chúng sẽ tiêu biến tất cả những thiết chế tai hại, điên rồ, không cần để làm gì, còn lại từ thời cổ xưa, cái được gọi là các chính phủ, với tất cả những đau khổ, bạo lực, những tủi nhục và tội ác mà chúng mang lại cùng với chúng.

Pirogovo, 10 tháng Năm 1900 

Lev Tolstoi

[75] Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ  (‘Patriotizm I pravitel’stvo”) Vào tháng Ba 1900 Tolstoi vừa viết xong bài tiểu luận nhỏ Chủ nghĩa ái quốc và hòa bình thì nhận được thư của một cựu chiến binh người Đức tên là Johann Kleinpoppen. Người cựu chiến binh này, mô tả những khổ đau mất mát của chính mình do chiến tranh, kiến nghị nhà văn Nga “hãy viết một cuốn sách thật hay chống lại chiến tranh”. Tolstoi đã trở lại với tiểu luận đã hoàn tất của mình, mở rộng nó thành bài viết mới mang tên Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ, đưa vào đó cả bức thư của người cựu chiến binh Đức mà không gọi tên anh ta. Bài viết này được in thành sách nhỏ ở Anh năm 1900, sau đó được dịch ra các Âu ngữ khác. Ở Nga, nó chỉ được công bố sau cách mạng tháng Hai 1917. … đàm thoại với một người Anh về cuộc chiến tranh hiện nay – Ngụ ý cuộc chiến tranh của Anh ở Nam Phi chống lại hai nước cộng hòa của người Boer, vào những năm 1899-1902, kết quả là cả hai nước cộng hòa này đều bị biến thành thuộc địa của Anh quốc.

[76] … hội nghị Hague – xem phần dẫn nhập chú thích cho bài Nhân hội nghị về hòa bình.

[77] Boris Godunov – Vua Nga từ 1598 đến 1605. Một chính khách nhiều mưu mẹo, bị tình nghi là đã giết chết hoàng tử Dmitri, con trai Ivan IV (Hung Bạo) để dọn đường cho mình lên ngôi.

[78]  Grishka Otrepiev – tên gọi khinh bỉ của một nhân vật lịch sử Nga đã mạo xưng là hoàng tử Dmitri, con trai Ivan IV, cùng với quân xâm lược Ba Lan đánh chiếm Moskva, lên ngôi Sa hoàng năm 1606, bị ám sát năm 1606.

[79]  Ekaterina dâm đãng đã cùng các tình nhân bóp chết chồng mình – Nữ hoàng Nga Ekaterina II nhờ một cuộc đảo chính cung đình đã lật đổ chồng mình, Piotr III, và lên ngôi năm 1762. Piotz III sau đó không lâu đã chết trong tù.

[80]  một Pavel rồ dại – Con trai của Ekaterina II Pavel, tính tình ngang trái, sau khi mẹ mất đã lên ngôi năm 1796, năm 1801 đã bị các cận thần giết để đưa lên ngôi Alexander I.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x