Trang chủ » 17. TÔN GIÁO LÀ GÌ VÀ BẢN CHẤT CỦA NÓ Ở ĐÂU?

17. TÔN GIÁO LÀ GÌ VÀ BẢN CHẤT CỦA NÓ Ở ĐÂU?

by Trung Kiên Lê
124 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

I

Trong mọi xã hội con người, vào những thời kỳ xác định thường đến một thời điểm mà khí đó tôn giáo bắt đầu đi chệch khỏi ý nghĩa cơ bản của mình, rồi càng đi chệch thì càng mất đi cái ý nghĩa cơ bản ấy và cuối cùng xơ cứng lại dưới những hình thức đã được thiết lập, và khi ấy tác động của nó đối với con người càng ngày càng giảm thiểu.

Trong những thời kỳ như thế, cái thiểu số có học, không tin vào học thuyết tôn giáo hiện hữu, chỉ làm ra vẻ vẫn tin vì thấy điều ấy là cần thiết để giữ quần chúng nhân dân trong cái thể chế đời sống đã được thiết lập; còn quần chúng nhân dân thì mặc dù theo quán tính vẫn tuân thủ những hình thức tôn giáo đã được thiết lập, song trong đời sống của mình đã không còn hành xử theo những đòi hỏi của tôn giáo, mà chỉ theo các tập tục dân gian và luật lệ nhà nước.

Tình trạng này đã nhiều lần diễn ra trong nhiều xã hội con người khác nhau. Nhưng chưa bao giờ giống như cái đang diễn ra hiện nay trong xã hội Kitô giáo của chúng ta. Chưa bao giờ có tình trạng là một thiểu số giàu có và cầm quyền, có học hơn và có ảnh hưởng hơn cả đến quần chúng, lại không những không tin vào tôn giáo hiện hữu, mà còn đinh ninh rằng trong thời đại ngày nay không cần một tôn giáo nào hết, và họ nhồi sọ cho những người đang hồ nghi vào tính chân lý của tôn giáo mà họ tuyên tín không phải một học thuyết tôn giáo có lý hơn và sáng rõ hơn học thuyết hiện hữu, mà nhồi sọ rằng tôn giáo nói chung đã lỗi thời và trong đời sống xã hội đương thời đã trở thành một cơ quan không những vô bổ, mà còn có hại, na ná như ruột thừa trong cơ thể con người.

Tôn giáo được những người loại ấy nghiên cứu không phải như là một cái gì đó được ta hiểu biết theo kinh nghiệm nội tâm, mà như là một hiện tượng ngoại tại, như thể một chứng bệnh một số người hay mắc mà ta có thể khảo cứu chỉ theo những triệu chứng bên ngoài.

Tôn giáo, theo ý kiến của một số người như thế, phát sinh từ sự linh thiêng hóa tất cả các hiện tượng tự nhiên (thuyết vật linh), theo ý kiến của những người khác thì có thể từ quan hệ có với tổ tiên đã chết, theo ý kiến của nhóm thứ ba thì từ nỗi sợ trước những sức mạnh của thiên nhiên.

Nhưng vì, những người thông thái thời nay suy luận tiếp, khoa học đã chứng minh rằng cây cỏ và khoáng vật không thể có linh hồn, và những người đã chết không thể cảm thấy những gì người sống làm và các hiện tượng tự nhiên đều giải thích được bằng những nguyên nhân tự nhiên, cho nên đã tiêu tan cả sự thiết yếu cần có tôn giáo lẫn những trói buộc mà, xuất phát từ những tín ngưỡng tôn giáo, loài người đã áp đặt cho mình. Theo các nhà khoa học, đã có một thời đại ngu tối – thời đại tôn giáo. Nhân loại từ lâu đã sống qua thời đại ấy, giờ chỉ còn lại những dấu hiệu hãn hữu, mang tính tái phát của nó. Tiếp theo là thời kỳ siêu hình học, cả nó cũng đã bị vượt qua. Bây giờ thì chúng ta, những người đã được khai hóa, sống trong thời kỳ khoa học, thời kỳ của khoa học thực chứng đang thay thế tôn giáo và dẫn dắt loài người lên một bậc phát triển cao mà nó sẽ không thể nào đạt tới nếu vẫn tuân thủ những học thuyết tôn giáo.

Vào đầu năm 1901 này nhà bác học Pháp trứ danh Berthelot đã đọc một diễn văn thông báo cho thính giả của ông một tư tưởng nói rằng thời đại của tôn giáo đã qua và giờ đây tôn giáo phải được thay thế bởi khoa học. Tôi dẫn bài nói ấy bởi vì ngẫu nhiên có nó trong tay và bởi vì nó được phát ra từ thủ đô của cả thế giới có học và bởi một học giả được mọi người công nhận, nhưng cũng tư tưởng ấy được diễn đạt liên tục và khắp nơi, khởi đầu bằng những khảo luận triết học và kết thúc bằng những bài báo lá cải. Ngài Berthelot trong diễn từ của mình nói rằng trước kia có hai yếu tố thúc đẩy loài người: vũ lực và tôn giáo.

Bây giờ cả hai động lực ấy đã trở nên dư thừa, bởi vì khoa học đã thế chỗ chúng. Dưới từ khoa học, ngài Berthelot, cũng như tất cả những người sung tín khoa học, quan niệm một thứ khoa hoc bao quát toàn bộ lĩnh vực những tri thức của loài người được liên kết và, tùy theo tầm quan trọng, phân bố hài hòa với nhau, mà nền khoa học ấy lại có những phương pháp khiến cho tất cả những dữ liệu mà nó thu lượm được đều là chân lý không thể hồ nghi. Nhưng do trong thực tế một khoa học như thế không tồn tại, còn cái được gọi là khoa học chỉ là tập hợp của những tri thức ngẫu nhiên, không liên quan gì với nhau và nhiều khi hoàn toàn không cần thiết và không chỉ không là những chân lý không thể hồ nghi mà trong nhan nhản trường hợp là những sai lầm thô thiển, hôm nay được đưa ra như là những chân lý, ngày mai bị bác bỏ – cho nên rõ ràng không có cái mà, theo ý kiến của ông Berthelot, phải thay thế tôn giáo.

Và vì vậy điều mà ông Berthelot và những người đồng ý với ông khẳng định, rằng khoa học sẽ thay thế tôn giáo, là hoàn toàn võ đoán và chỉ dựa trên niềm tin không được cái gì biện hộ vào một khoa học không thể sai lầm, y như niềm tin vào giáo hội không thể sai lầm. Trong khi ấy thì những người được gọi là và xem mình là những nhà khoa học lại tin tưởng hoàn toàn rằng đã có một nền khoa học mà phải và sẽ thay thế tôn giáo và thậm chí đã xóa bỏ tôn giáo.

“Tôn giáo đã lỗi thời, tin vào một cái gì đó, ngoài khoa học, là sự ngu dốt. Khoa học sẽ thu xếp tất cả những gì cần thu xếp và trong đời sống phải tuân thủ một mình khoa học” – bản thân các nhà khoa học nghĩ và nói như thế và cùng với họ cả những người thuộc đám đông; những người ấy, mặc dù họ rất xa với khoa học, tin các nhà khoa học và đồng thanh với họ khẳng định rằng tôn giáo là điều mê tín đã bị vượt qua và trong cuộc sống phải tuân theo sự chỉ dẫn của khoa học, tức là không tuân theo sự chỉ dẫn của cái gì cả, bởi vì khoa học theo ngay tôn chỉ của nó – nghiên cứu tất cả những gì tồn tại – không thể đưa ra một chỉ dẫn nào cho đời sống con người.

II

Những người thông thái của thời đại chúng ta đã quyết định rằng tôn giáo là không cần thiết, rằng khoa học sẽ thay thế hoặc đã thay thế nó, trong khi ấy thì xưa cũng như nay không có tôn giáo thì không bao giờ một xã hội con người hay một con người hữu trí nào có thể sống được (tôi nói con người hữu trí bởi vì con người không có trí tuệ, cũng như con vật, có thể sống mà không có tôn giáo). Mà không có tôn giáo thì con người hữu trí không sống được bởi vì chỉ tôn giáo mới mang đến cho con người hữu trí những chỉ dẫn cần thiết cho nó về việc nó phải làm gì và phải làm cái gì trước, cái gì sau. Con người hữu trí không thể sống mà không có tôn giáo chính vì trí tuệ là thuộc tính bản thể của nó.

Mọi động vật trong những hành vi của chung – ngoại trừ những hành vi xuất phát trực tiếp từ yêu cầu thỏa mãn những nhu cầu của mình – đều tuân theo những suy tính về hậu quả có thể của hành vi. Nhận ra những hậu quả ấy bằng những phương tiện nhận biết mà nó có, con vật làm cho những hành vi của mình thích ứng với chúng và luôn luôn không do dự hành động thích hợp với những suy tính ấy. Thí dụ, con ong bay đi tìm mật và đem mật về tổ bởi vì sang đông thức ăn thu được sẽ cần thiết cho bản thân nó và các con của nó, và không thể biết mọi cái gì khác xa hơn những suy tính ấy; con chim làm tổ và di trú từ phương bắc về phương nam và ngược lại cũng hành động như thế.

Đây cũng là cách hành động của mọi động vật mà hành vi không xuất phát từ nhu cầu trực tiếp, trong giây phút này, mà được quy định bởi những suy tính về hiệu quả chờ đợi. Nhưng với con người thì không thế. Sự khác biệt giữa con người và con vật là ở chỗ những năng lực nhận thức của con vật bị hạn chế bên trong cái mà ta gọi là bản năng, trong khi ấy thì năng lực nhận thức cơ bản của con người là trí tuệ. Con ong thu lượm thức ăn không thể có bất kỳ một hồ nghi nào về chuyện thu lượm thức ăn là tốt hay xấu. Nhưng con người, thu lượm mùa màng hay trái cây, không thể không nghĩ đến việc nó có làm cho lúa không mọc nữa và cây ăn quả không kết trái nữa hay không? Và cả về việc bằng sự thu lượm ấy nó có tước đoạt thực phẩm của đồng loại hay không?

Nó không thể không nghĩ cả về việc, những đứa con mà nó đang nuôi dưỡng sẽ thành những con người như thế nào? Và về nhiều điều khác nữa. Những vấn đề đối nhân xử thế quan trọng nhất trong đời người không thể được con người giải quyết đến cùng chính do có quá nhiều hậu quả mà nó không thể lường hết được. Mỗi một người có trí khôn nếu không biết thì cũng cảm thấy được, rằng trong những vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống y không thể nghe theo chỉ những thôi thúc của tình cảm cá nhân hay những suy tính về hậu quả gần nhất của hoạt động của mình, bởi vì những hậu quả ấy hắn thấy quá nhiều, chúng khác nhau và mâu thuẫn với nhau, tức là chúng có thể mang phúc hay mang họa đến cho y cũng như những người khác.

Một truyền thuyết kể rằng một thiên thần khi giáng trần vào một gia đình kính Chúa đã giết chết đứa trẻ còn nằm trong nôi và khi người ta hỏi vị ấy, vì sao vị lại làm như thế, thì thiên thần giải thích rằng nếu để sống thì đứa trẻ sẽ trở thành một ác thú khủng khiếp, đem lại tai họa cho gia đình. Song không chỉ trong vấn đề, cuộc sống của ai là hữu ích, vô ích hay độc hại, – tất cả những vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống không thể được con người hữu trí giải quyết chỉ theo suy tính về những quan hệ và hậu quả gần nhất. Con người hữu trí không thể thỏa mãn với những suy tính chi phối hành vi của loài vật. Con người có thể xem mình là một con vật giữa những con vật sống bằng ngày hôm nay, nó cũng có thể xem mình là một thành viên của gia đình, của xã hội, của dân tộc, mà cuộc sống kéo dài hàng thế kỷ, nó có thể và thậm chí cần phải xem mình (bởi vì trí tuệ một cách không thể cưỡng lại lôi kéo nó tới nhận thức ấy) như là một phần của thế giới vô tận tồn tại trong thời gian vô tận.

Và vì thế con người hữu trí trong quan hệ với những hiện tượng đời sống vô cùng nhỏ bé nhưng có thể ảnh hưởng tới những hành vi của nó vẫn phải làm và luôn luôn làm cái mà trong toán học được gọi là tích hợp, tức là xác lập, ngoài thái độ đối với những hiện tượng đời sống gần nhất, thái độ của mình đối với toàn thể thế giới vô cùng vô tận trong không gian và thời gian, hiểu nó như một chỉnh thể. Và sự xác định như thế quan hệ giữa con người với cái chỉnh thể mà nó cảm thấy mình là một bộ phận và từ quan hệ ấy mà rút ra kim chỉ nam cho những hành động của mình chính là cái đã và đang được gọi là tôn giáo. Và chính vì thế tôn giáo luôn luôn là và không thể không là một tất yếu và là một điều kiện không thể xóa bỏ trong đời sống của con người hữu trí và loài người hữu trí.

III

Xưa nay những người không để mất đi khả năng nhận biết cái cao nhất – cái khả năng làm cho con người khác với con vật – vẫn hiểu tôn giáo là như thế. Định nghĩa cổ xưa nhất và thông dụng nhất về tôn giáo, mà từ nó đã phát sinh bản thân từ religio – tôn giáo (religare, liên lạc) nói rằng tôn giáo là mối liên lạc giữa con người với Thượng Đế. Les obligations de l’homme envers Dieu voilà la religion (những cam kết của con người trong quan hệ với Thượng đế) – Bovenargue nói. Schleiermacher và Feuerbach cũng dành cho tôn giáo một ý nghĩa như thế, họ xem cơ sở của tôn giáo là ý thức của con người về sự phụ thuộc vào Thượng Đế. La religion est une affaire entre chaque homme et Dieu (Beile) – Tôn giáo là việc riêng giữa con người và Thượng Đế. La religion est le résultat des besoins de l’âme et des effets de I’intelligence (B. Constant) – Tôn giáo là kết quả của nhu cầu tâm hồn và biểu hiện của trí tuệ.

Tôn giáo là một phương thức nhất định để cho con người thể hiện thái độ của mình đối với những sức mạnh siêu nhân và bí ẩn mà nó cho là phụ thuộc vào chúng (Goblet d’Alviella). Tôn giáo là sự xác định cuộc sống con người bằng quan hệ giữa hồn người với thần linh bí ẩn mà vị trí thống trị đối với thế giới và đối với bản thân con người được nó thừa nhận và nó cảm thấy mình gắn bó với thân linh ấy. (A. Reville).

Cho nên tôn giáo luôn luôn từng được và giờ đây vẫn được những người không mất đi đặc tính cao cả nhất của con người hiểu như là việc con người thiết lập quan hệ giữa mình với một hoặc những sinh linh vô cùng vô tận mà quyền lực của họ đối với nó nó có thể cảm thấy. Và quan hệ ấy, dù có khác nhau đến đâu ở những dân tộc và những thời đại khác nhau, luôn luôn xác định cho những tộc người sứ mệnh của họ trong thế giới, từ sứ mệnh ấy mà một cách tự nhiên phát sinh cả những chỉ dẫn cho hoạt động của họ. Người Do Thái hiểu quan hệ của mình với cái vô cùng vô tận theo cách của mình, anh ta xem mình là thành viên của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn từ tất cả các dân tộc và vì thế phải tuân thủ trước Chúa những điều kiện mà Chúa đã giao ước với dân tộc ấy.

Người Hy Lạp hiểu mối quan hệ ấy theo cách: đã phụ thuộc vào những hiện thân của cái vô cùng vô tận, các vị thần thì anh ta phải làm vừa lòng họ. Người theo đạo Phật thì hiểu quan hệ giữa mình với cái vô cùng vô tận như sau: chuyển kiếp từ một hình thức sống này sang hình thức khác, nó tất yếu khổ đau, khổ đau thì phát sinh từ những đam mê và dục vọng, vì thế nó phải cố gắng tiêu diệt mọi dam mê dục vọng và chuyển mình vào Niết bàn. Mọi tôn giáo đều là sự thiết lập quan hệ giữa con người với cái tồn tại bất tận mà nó cảm thấy được dự phân và từ đây nó rút ra những chỉ dẫn cho hoạt động của mình. Và vì thế, nếu tôn giáo không xác lập quan hệ giữa con người với cái bất tận, như thí dụ tục thờ bái ngẫu tượng hay ma thuật, thì đó không còn là tôn giáo nữa mà chỉ là sự thoái hóa của nó.

Nêu tôn giáo mặc dù có xác lập quan hê giữa con người với Thượng Đế, nhưng xác lập bằng những khẳng định không phù hợp với trí tuệ và kiến thức hiện thời của con người, thành thử con người không tin được vào những điều khẳng định ấy, thì đó cũng không phải là tôn giáo, mà là cái giông giống tôn giáo. Nếu tôn giáo không liên hệ cuộc sống con người với cái tồn tại bất tận, thì đấy cũng không phải là tôn giáo. Và cũng không phải là tôn giáo những yêu cầu phải tin vào những điều mà từ đấy không phát xuất một phương hướng xác định nào cho hoạt động của con người.

Cũng không thể gọi là tôn giáo cái học thuyết thực chứng của Comte, học thuyết ấy thiết lập quan hệ của con người chỉ với nhân loại, chứ không với cái vô cùng vô tận, và từ quan hệ ấy mà một cách hoàn toàn võ đoán rút ra những yêu cầu đạo đức không dựa vào cái gì hết, mặc dù rất cao thượng. Vì thế một người dù có học vấn cao nhất nhưng nếu tin theo Comte thì về phương diện tôn giáo vẫn đứng thấp hơn đến mức không thể so sánh với một người thường dân nhất, nhưng tin vào Thượng Đế – bất kỳ Thượng Đế nào, chỉ cần đó là một sinh linh bất tận – và từ niềm tin ấy rút ra phép hành xử của mình. Những suy luật của phái Comte về “grand être” (sinh linh vĩ đại) không phải là niềm tin vào Thượng Đế và không thể thay thế nó.

Tôn giáo chân chính là một thái độ (quan hệ) phù hợp với trí tuệ và tri thức của con người, được con người xác lập giữa nó với sự sống bất tận bao quanh nó, gắn bó cuộc sống của nó với cái bất tận ấy và chi đạo những hành vi của nó.

IV

Những người thông thái thời nay, bất chấp thực tại là con người mọi lúc và mọi nơi đã và đang không sống được mà không có tôn giáo, hệt như anh thầy thuốc bất đắc dĩ của Molière quả quyết gan nằm ở bên hông trái: nous avons change tout cela – Chúng tôi đã thay đổi tất cả cái đó, cũng quả quyết rằng có thể và cần phải sống không có tôn giáo. Nhưng tôn giáo trước kia đã và hiện nay vẫn là động cơ chính, là trái tim của các xã hội con người, và thiếu nó, cũng như thiếu tim, thì không thể có cuộc sống có nghĩa lý. Xưa kia đã có và hiện giờ vẫn có nhiều tôn giáo khác nhau, vì mối quan hệ giữa con người vối cái vô cùng vô tận, với Thượng Đế hoặc các thần, biểu hiện khác nhau tùy theo thời đại và mức độ phát triển khác nhau của các dân tộc, nhưng chưa bao giờ có một xã hội người nào, từ thuở con người trở thành những sinh linh hữu trí, mà lại có thể sống và vì thế đã sống mà không có tôn giáo. Một cuộc sống như thế là bất khả.

Thực tình mà nói, trong đời sống của các dân tộc đã từng có và vẫn có những thời kỳ, khi mà tôn giáo thực định bị xuyên tạc và tụt hậu so với đời sống đến nỗi đã không thể hướng đạt được nó. Nhưng sự chấm dứt tác động tới đời sống con người ấy, xảy rạ trong thời gian nhất định đối với từng tôn giáo, chỉ mang tính nhất thời. Các tôn giáo, cũng như mọi sự sống, có thuộc tính nảy nở, phát triển, già đi, chết đi rồi lại hồi sinh và bao giờ cũng dưới dạng hoàn thiện hơn xưa. Sau thời kỳ phát triển cao nhất bao giờ cũng có thời tôn giáo suy yếu và ngừng trệ, sau đó thường đên thời hồi sinh và thiết lập một giáo thuyết hữu lý và sáng rõ hơn xưa.

Những thời kỳ thịnh phát, ngừng trệ và hồi sinh như thế đã có ở tất cả các tôn giáo: trong đạo Bàlamôn trầm mặc – ở đây, chỉ cần tôn giáo ấy bắt đầu trở nên già cỗi và hóa thạch dưới những hình thức thô lậu được thiết lập một lần và đi chệch ý nghĩa cơ bản của nó, tức thì xuất hiện một bên là đạo Bàlamôn phục sinh, bên kia là học thuyết cao cả của đạo Phật, thúc đẩy đi lên nhận thức của con người về quan hệ của nó với cái vô cùng vô tận. Cũng sự suy thoái như thế đã xảy ra trong tôn giáo của người Hy Lạp và người La Mã, và cũng sau sự suy thoái đến cực độ ấy đã xuất hiện đạo Kitô.

Tình hình cũng diễn ra như thế với đạo Kitô của các giáo hội đã thoái hóa thành tệ thờ bái thần tượng vào đạo đa thần, khi mà làm đối trọng với một đạo Kitô bị xuyên tạc ấy, đã xuất hiện một bên là giáo phái theo học thuyết của Thánh Paul và bên khác – để phản bác học thuyết về Tam vị nhất thể và Thánh Mẫu – xuất hiện đạo Hồi với tín điều cơ bản về một Thượng Đế thống nhất. Cũng điều ấy đã xảy ra với Kitô giáo trung cổ và thể chế Giáo hoàng đã gây nên phong trào cải cách tôn giáo. Cho nên những thời kỳ tôn giáo suy yếu theo nghĩa sự tác động của nó tới đời sống của đa số nhân loại giảm thiểu thực ra là điều kiện thiết yếu cho sự sống và sự phát triển của tất cả mọi học thuyết tôn giáo.

Sở dĩ có được điều này là vì mọi giáo thuyết trong cốt lõi chân chính của nó, cho dù nó có thô lậu đến đâu, đều xác định quan hệ giữa con người với cái bất tận, một quan hệ thống nhất cho tất cả mọi người. Mọi tôn giáo đều xem con người là bé nhỏ vô cùng so với cái bất tận, vì thế trong mọi tôn giáo đều hàm chứa quan niệm về sự bình đẳng của mọi người trước cái mà họ gọi là thần linh tối thượng, dù đó là sấm sét, là gió, cây, con vật, người anh hùng, ông vua đã chết và thậm chí còn sống, như ở La Mã. Vì vậy sự thừa nhận mọi người bình đẳng là đặc tính tất yếu, cơ bản của mọi tôn giáo. Nhưng vì trong thực tế chưa ở đâu và chưa bao giờ có và giờ đây cũng chưa có sự bình đẳng giữa người với người, cho nên chỉ cần xuất hiện một giáo thuyết mới, luôn luôn mang trong mình lời thừa nhận vị trí bình đẳng của tất cả mọi người, thì lập tức xuất hiện những người mà, do họ thu lợi được từ sự bất bình đẳng, bằng mọi cách sẽ cố gắng che giấu cái thuộc tính cơ bản ấy của tôn giáo, xuyên tạc bản thân giáo thuyết.

Người ta đã làm như thế mọi lúc và mọi nơi, ở đâu xuất hiện học thuyết tôn giáo mới. Và làm đa phần không phải một cách có ý thức, mà chỉ vì những người mà với họ sự bất bình đẳng là có lợi, những người cầm quyền, những người giàu có, để không thay đổi vị trí của mình, để cảm thấy mình có lẽ phải, trước giáo thuyết mà họ đã tiep nhận, bang mọi cách cố gắng đưa vào trong giáo thuyết ấy một cách hiêu mà với nó sự bất bình đẳng có thể tồn tại. Sự xuyên tạc tôn giáo ấy, mà với nó những người cai trị những người khác cảm thấy mình có lẽ phải, một cách tự nhiên lan nhiễm sang quần chúng, ám thị họ rằng sự phục tùng những người cầm quyền là đòi hỏi của tôn giáo mà họ tuyên tín.

V

Mọi hoạt động của con người đều khởi phát từ ba nguyên nhân thôi thúc: tình cảm, trí tuệ và sự ám thị – cái mà các thầy thuốc gọi là thôi miên. Đôi khi con người hành động dưới ảnh hưởng của tình cảm, cố gắng đạt được cái mong muốn; đôi khi nó hoạt động dưới ảnh hưởng chỉ của lý trí (trí tuệ) chỉ cho nó cái phải làm; đôi khi và nhiều hơn cả nó hành động vì nó tự mình hoặc những người khác đã ám thị cho nó kiểu hoạt động nhất định, và nó phục tùng một cách vô thức sự ám thị ấy. Trong những điều kiện sống bình thường, cả ba động cơ này đều tham gia hoạt động của con người.

Tình cảm thúc đẩy con người tới một hoạt động xác định, lý trí kiểm tra tính thích hợp của hoạt động ấy với môi trường xung quanh, với quá khứ và tương lai giả thiết, còn nhân tố ám thị thì bắt con người thực hiện một cách không cảm thấy và không suy nghĩ những hành vi được tình cảm thúc đẩy và lý trí tán thành. Giả sử không có tình cảm thôi thúc, thì con người sẽ chẳng tiến hành một công việc nào cả; giả sử không có lý trí, thì con người sẽ cùng một lúc giao mình cho nhiều tình cảm mâu thuẫn phương hại nó và những người khác; giả sử không có năng lực tuân thủ những ám thị của chính mình và của những người khác, thì con người sẽ phải trải nghiệm không ngớt cái tình cảm thôi thúc nó tới hoạt động nhất định, đồng thời cũng không ngừng căng thẳng trí não để kiểm tra tính hợp đích của tình cảm ấy.

Vì thế cả ba động cơ ấy đều cần thiết cho mọi hoạt động, dù đơn giản nhất, của con người. Nếu một ai đó đi từ chỗ này sang chỗ khác, thì điều ấy diễn ra bởi vì xúc cảm thôi thúc anh ta xê dịch, lý trí tán thành ý định ấy và chỉ định cách thực hiện (trong trường hợp này là bước đi theo đường hướng xác định) còn cơ bắp của thân thể thì phục tùng, vì thế mà con người đi theo đường hướng xác định. Trong khi nó đi thì cả cảm xúc lẫn lý trí của nó được giải phóng cho hoạt động khác, điều mà không thể có, nếu không có năng lực tuân thủ những ám thị. Cũng điều này diễn ra trong mọi hoạt động của con người, trong đó có hoạt động quan trọng nhất – hoạt động tôn giáo.

Tình cảm tạo ra nhu cầu thiết lập quan hệ giữa con người với Thượng Đế; trí tuệ xác định quan hệ ấy; những ám thị thúc đẩy con người hoạt động thích hợp với quan hệ ấy. Nhưng điều này diễn ra chỉ khi tôn giáo còn chưa bị xuyên tạc. Chỉ cân có sự xuyên tạc, tức thì yếu tố ám thị ngày càng gia tăng, còn hoạt động của tình cảm và trí tuệ thì ngày càng giảm thiểu. Những phương cách ám thị thì mọi lúc và mọi nơi đều thống nhất. Đó là, lợi dụng trạng thái khi mà con người nhạy cảm hơn cả trước sự ám thị (tuổi thơ, những sự kiện hệ trọng trong đời – sự chết, sự sinh đẻ, hôn nhân) tác động tới nó bằng những tác phẩm nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, diễn kịch, và trong trạng thái nhạy cảm đặc biệt ấy, giống như trạng thái bán thôi miên đạt được với một số người, ám thị cho con người cái mà người ám thị muốn.

Có thể quan sát hiện tượng này ở tất cả các giáo thuyết cổ xưa: cả ở giáo thuyết cao thượng của đạo Bàlamôn đã thoái hóa thành tục thờ bái thô thiển vô số thánh tượng trong các đền miếu khác nhau bằng tụng ca và đốt hương; cả trong đạo Do Thái cổ một thời đã được các nhà ngôn sứ truyền giảng nhưng về sau đã biến thành tục bái tế Chúa Trời trong một ngôi đền thống nhất to tát, với những thánh ca và lễ diễu hành trọng thể; cả trong đạo Phật cao cả, với những tu viện và những tượng Phật, với vô vàn nghi lễ trọng thể đã biến chất thành đạo Lạt Ma bí hiểm; và cả trong Đạo giáo với những phép phù thủy và thần chú của nó.

Bao giờ cũng thế, trong mọi học thuyết tôn giáo, khi chúng bắt đầu bị xuyên tạc, những người canh giữ giáo thuyết dùng mọi nỗ lực để dẫn đưa nhân quân vào trạng thái suy giảm hoạt động của lý trí và ám thị cho họ cái cần thiết cho các vị ấy. Mà trong mọi tôn giáo cần ám thị chỉ ba điều làm cơ sở cho mọi xuyên tạc mà các tôn giáo già cỗi mắc phải. Thứ nhất, đó là có những con người đặc biệt mà chỉ họ mới có thể làm môi giới giữa con người với thần linh tối thượng hay với các thần linh; thứ hai, đã và vẫn có những phép lạ chứng minh và xác nhận tính chân lý của những gì mà những người làm môi giới giữa nhân gian với thánh thần nói; và thứ ba là có những lời xác định, được truyền khẩu hay được ghi lại trong kinh sách, chúng thể hiện ý chí bất di bất dịch của thần linh tối thượng hay các thần và vì thế là linh thiêng và không thể sai lầm.

Và chỉ cần do ảnh hưởng của hoạt động thôi miên mà những điều ấy được tiếp thụ, tức thì tất cả những gì mà những người làm môi giới giữa loài người và thánh thần nói đều được xem như là chân lý thiêng liêng, và thế là mục đích chính của sự xuyên tạc tôn giáo đã đạt được – không chỉ luật bình đẳng giữa người với người được che giấu, mà còn được thiết lập và khẳng định một sự bất bình đẳng lớn nhất giữa những con người với nhau, họ bị phân chia không chỉ tùy theo sự thông hiểu giáo thuyết thành giới tăng lữ và giáo dân, mà còn tùy theo địa vị xã hội thành những người nắm quyền lực và những người phải phục tùng quyền lực – sự phân chia này, theo học thuyết của thánh Paul, được cho là do chính Thiên Chúa thiết lập.

VI

Sự bất bình đẳng giữa người với người, không chỉ giữa giới tăng lữ và giáo dân, mà cả giữa người giàu và người nghèo, giữa những chủ nô và nô lệ, đã được đạo Kitô của các giáo hội thiết chế dưới hình thức cũng xác định và kịch liệt như trong các tôn giáo khác.

Trong khi ấy thì, nếu xét theo những dữ liệu mà chúng ta có về trạng thái ban đầu của đạo Kitô và theo học thuyết được thể hiện trong các sách Phúc Âm thì hình như đã được thấy trước những phương sách xuyên tạc chính được sử dụng cả trong những tôn giáo khác và đã được phát biểu lời cảnh báo rành mạch chống lại những xuyên tạc ấy. Sự chống lại đẳng cấp tăng lữ đã được nói thẳng rằng không ai có thể làm thầy của người khác (đừng tự xưng là những người cha và những người thầy); sự chống lại sự gán định cho sách vở ý nghĩa thiêng liêng, đã được nói: quan trọng là tinh thần, chữ không phải nghĩa chữ, và con người không được tin vào những truyền tụng của giống người, rằng toàn bộ lề luật và sấm truyền, tức là những sách được xem là thánh kinh, chung quy chỉ dạy bảo: hãy ứng xử với người như mi muốn người ứng xử với mi.

Nếu đã không được nói gì chống lại những phép lạ, và chính kinh Phúc Âm mô tả những phép lạ mà người ta gán cho Giêsu, thì dẫu sao, căn cứ vào toàn bộ tinh thần của giáo thuyết, có thể thấy rằng Giêsu thiết lập tính chân chính của giáo thuyết ấy không phải trên những phép lạ, mà trên bản thân giáo thuyết (“Ai muốn biết học thuyết của ta có chân chính hay không hãy làm cái ta nói”). Song cái chính là đạo Kitô đã tuyên cáo sự bình đẳng của mọi người không còn như một kết luận rút ra từ tương quan giữa con người với cái bất tận, mà như là một học thuyết nền về tình huynh đệ của tất cả mọi người, vì tất cả mọi người đều được công nhận là con của Thiên Chúa. Và vì vậy tưởng là không có cách nào xuyên tạc đạo Kitô mà lại có thể xóa bỏ được ý thức về sự bình đẳng giữa người với người.

Nhưng trí khôn của con người vốn xảo quyệt, và đã được nghĩ ra, có thể là vô thức hay bán vô thức, một phương cách hoàn toàn mới (truc – mẹo, như người Pháp nói) để vô hiệu hóa những can gián trong kinh Phúc Âm và lời tuyên bố rành mạch về vị trí bình đẳng của mọi con người. Cái truc ấy là gán định tính không thể sai lầm không chỉ cho những chữ nhất định, mà còn cho một tập hợp người nhất định được gọi là giáo hội, mà giáo hội ấy lại có quyền chuyển giao tính không thể sai ấy cho những người được nó bầu.

Đã được nghĩ ra một thêm thắt nhỏ vào sách Phúc Âm, cụ thể là Kitô, trước khi lên trời, đã chuyển giao cho một số người xác định đặc quyền không chỉ truyền thụ chân lý của Thiên Chúa cho loài người (cứ theo lời văn của kinh Phúc Âm thì Người còn chuyển giao một quyền năng nữa, mà thông thường người ta không sử dụng – không bị thương tổn bởi rắn, bởi các loại thuốc độc, bởi lửa), mà còn cả quyền ban sự cứu rỗi hay không ban và cái chính, chuyển giao quyền ấy cho những người khác. Mà chỉ cần quan niệm về giáo hội được thiết lập vững chắc, tức thì mọi điều được nói trong kinh Phúc Âm ngăn cản sự xuyên tạc trở nên không còn hiệu lực, bởi lẽ giáo hội đã đứng trên cả trí tuệ, cả kinh sách được xem là linh thiêng. Trí tuệ bị coi là nguồn gốc của mọi lầm lạc, còn kinh Phúc Âm được kiến giải không như lý trí lành mạnh đòi hỏi, mà như những người hợp thành giáo hội thích muốn.

Và vì thế cả ba phương thức được áp dụng từ xưa để xuyên tạc tôn giáo: giới tăng lữ, những phép lạ và tính không thể sai lầm của kinh sách đều được thừa nhận trong đạo Kitô với tất cả sức mạnh của chúng. Được thừa nhận là chính đáng sự tồn tại của những người làm trung gian giữa Thượng Đế với loài người, bởi vì tính thiết yếu và chính đáng của những người trung gian ấy đã được giáo hội thừa nhận; đã được thừa nhận tính hữu thực của những phép lạ, bởi vì giáo hội không thể sai lầm đã chứng thực chúng; kinh sách được coi là sách thánh, bởi vì giáo hội công nhận điều đó.

Và đạo Kitô đã bị xuyên tạc, giống như tất cả các tôn giáo khác, chỉ với một khác biệt, ấy là, do đạo Kitô với một sự sáng tỏ đặc biệt đã tuyên cáo luận điểm cơ bản của mình về sự bình đẳng của tất cả mọi người, với tư cách là những người con của Thiên Chúa, cho nên cần phải bóp méo thật kịch liệt toàn bộ giáo thuyết ấy để che đi cái luận điểm cốt lõi của nó. Và quả là như thế, chưa bao giờ có một tôn giáo nào mà lại rao giảng những điều mâu thuẫn lộ liễu với trí tuệ và với tri thức hiện thời của loài người và vô đạo đức như những điều mà đạo Kitô của các giáo hội vẫn rao giảng.

Chưa nói đến những chuyện vô nghĩa trong kinh Cựu Ước như việc sáng tạo ra ánh sáng trước khi có mặt trời, sáng tạo ra thế giới 6.000 năm trước đây, việc lùa tất cả các loài vật xuống một con thuyền và về những trò vô đạo đức bỉ ổi như chỉ thị giết trẻ em và diệt chủng nhiều tộc người theo lệnh của Thiên Chúa, chưa nói đến cái thánh lễ lố bịch, mà về nó Voltaire từng nói rằng xưa nay đã và vẫn có những tôn giáo vô nghĩa, nhưng chưa bao giờ có một tôn giáo nào, mà ở đấy nghi lễ chính lại là sự ăn chính Thượng Đế của mình[87], có cái gì vô nghĩa hơn một thánh mẫu vừa là mẹ vừa là trinh nữ, hay chuyện bầu trời mở ra và từ đấy nghe thấy tiếng nói, hay chuyện Kitô bay lên trời và ngồi ở nơi nào đó bên phải Chúa Cha, hay chuyện Thiên Chúa vừa là một vừa là ba, không phải có ba thần, như là Brahma, Vishnu và Shiva, mà chỉ có một thôi, nhưng đóng thời lại là ba[88].

Và làm sao có thể có một cái gì vô luân hơn cái giáo thuyết khủng khiếp, mà theo đó một Thượng Đế độc ác và thích trả thù sát phạt tất cả mọi người xù tội lỗi của một Adam rồi, để cứu họ, lại cử con trai mình xuống cõi trần, biết trước rằng người đời sẽ giết chết anh ta và sẽ bị nguyền rủa vì tội ấy; hay chuyện để được giải cứu khỏi tội lỗi, con người phải thụ lễ rửa tội và phải tin rằng tất cả đều đã xảy ra đúng như thế, rằng pon trai của Chúa Trời đã bị loài người giết chết vì sự cứu rỗi loài người, và những ai không tin vào điều ấy những kẻ đó sẽ bị Chúa trừng phạt bằng những nhục hình vĩnh viễn.

Do đó, thậm chí không nói đến những điều được xem là những thêm thắt cho những tín điều chính của tôn giáo ấy, như niềm tin vào những thánh tích và những hình tượng thánh mẫu, như những lời cầu gửi tới các thánh nhân khác nhau, tùy theo chuyên môn của họ, không nói đến giáo lý về tiền định của phái tin lành – bản thân những cơ sở được nhất trí thừa nhận của tôn giáo ấy, như chúng được xác định bằng định thức Nicée[89], là vô nghĩa, vô luân và được đẩy tới mức độ mâu thuẫn với tình cảm và lý trí lành mạnh của con người, khiến con người không thể tin vào chúng.

Người ta có thể lặp lại bằng miệng một số lời nhất định, nhưng không thể tin vào cái không có ý nghĩa. Có thể nói bằng miệng: tôi tin Chúa Kitô đã bay lên trời và giờ đang ngồi bên phải Chúa Cha; hay Thiên Chúa là một nhưng đồng thời lại là ba; nhưng không ai có thể tin vào những thứ ấy, bởi vì những lời ấy hoàn toàn vô nghĩa. Cho nên nhân quần của thế giới chúng ta, tuyên tín một đạo Kitô bị xuyên tạc, trong thực tế không tin vào một cái gì cả. Và đây là đặc điểm của thời đại chúng ta.

VII

Con người của thời đại chúng ta không tin vào một cái gì cả, nhưng đồng thời căn cứ vào giới thuyết sai lầm về tín ngưỡng được rút ra từ thư gửi những người Do Thái mà người ta gán sai cho thánh Paul, lại tưởng rằng mình có đức tin. Theo giới thuyết ấy, tín ngưỡng là sự thực hiện (hypostasis) cái mong đợi và sự tin tưởng (elenxos) vào cái không thấy được. Thế nhưng, chưa nói về chuyện tín ngưỡng không thể là sự thực hiện cái mong đợi, bời vì tín ngưỡng là trạng thái nội tâm, còn sự thực hiện cái mong đợi là sự kiện ngoại tại, tín ngưỡng cũng không phải là sự tin tưởng vào cái không thấy được, bởi vì sự tin tưởng ấy, như tiếp theo đã được giải thích, dựa trên sự tín nhiệm vào lời chứng thực; nhưng tín nhiệm và tín ngưỡng là hai khái niệm khác nhau.

Tín ngưỡng không phải là hi vọng và cũng không phải là tín nhiệm mà là một tâm trạng đặc biệt. Tín ngưỡng là ý thức của con người về vị trí của nó trong thế giới, mà vị trí ấy bắt buộc nó hành xử theo một lối nhất định. Con người hành xử phù hợp với tín ngưỡng của mình không phải vì sách giáo lý dạy nó như thế, nó tin vào cái không thấy được như là vào cái thấy đứợc không phải vì hy vọng nhận được cái mong đợi, mà chỉ bởi vì, một khi nó đã xác định vị trí của mình trong thế giới thì nó một cách tự nhiên hành xử thích ứng với vị trí ấy.

Vì vậy nhà nông canh tác đất và người đi biển ra khơi không phải vì, như sách giáo lý nói, cả người này lẫn người kia tin vào cái không thể thấy và hy vọng hoạt động của mình được đền thưởng (hy vọng ấy có, nhưng không phải nó dẫn đường chỉ lối họ), mà bởi vì họ xem những hoạt động ấy là thiên chức của mình. Cũng vì thế, người có đức tín tôn giáo hành xử một cách nhất định không phải vì nó tin vào cái không thể thấy hoặc chờ mong đền thưởng cho hoạt động của mình, mà bởi vì, đã hiểu vị trí của mình trong thế giới, nó một cách tự nhiên hành xử thích hợp với vị trí ấy.

Nếu một người xác định vị trí của mình trong xã hội là một lao công, hay thợ cả, hay viên chức, hay thương nhân, thì nó sẽ cho là cần thiết làm việc và nó làm việc như một lao công, hay một thợ cả, hay một viên chức, một thương nhân. Cũng hệt như thế, cả con người nói chung, đã xác định như thế này hay thế kia vị trí của mình trong thế giới, thì sẽ tất yếu và tự nhiên hành xử theo sự xác định ấy (đôi khi thậm chí không phải sự xác định nữa, mà chỉ là ý thức mơ hồ).

Chẳng hạn một người, khi đã xác định vị trí của mình trong thế giới như sau: nó là thành viên của dân tộc được Chúa đặc tuyển, và muốn được Chúa phù hộ, dân tộc ấy phải thực hiện những đòi hỏi của Chúa – thì con người ấy sẽ sống như thế nào để thực hiện được những đòi hỏi ấy; một người khác, khi đã xác định mình đã và đang trải qua những kiếp sinh tồn khác nhau và tương lai tốt hơn hay xấu hơn của mình phụ thuộc vào những hành vi của mình, thì người ấy trong cuộc đời sẽ hành xử theo sự xác định ấy; và phép hành xử của người thứ ba – người xác định vị trí của mình như là một tập hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử, mà trong đó ý thức được thắp sáng một thời gian ngắn rồi sẽ tắt ngấm vĩnh viễn – sẽ khác phép hành xử của hai người trước.

Hành xử của những người ấy sẽ hoàn toàn khác nhau, bởi vì họ đã xác định khác nhau vị trí của họ, tức là họ có những tín ngưỡng khác nhau. Tín ngưỡng cũng là tôn giáo, chỉ với một khác biệt, ấy là dưới từ tôn giáo chúng ta hiểu một hiện tượng được quan sát từ bên ngoài, còn chúng ta gọi là tín ngưỡng cũng hiện tượng ấy, được con người chiêm nghiệm bên trong mình. Tín ngưỡng là quan hệ hữu thức của con người với thế giới vô tận, mà từ đó phát sinh định hướng hoạt động của nó.

Vì thế tín ngưỡng chân chính không bao giờ có thể là phi lý, là không phù hợp với những tri thức có được, và thuộc tính của nó không thể là tính siêu nhiên và vô nghĩa, như người ta nghĩ và như một sư phụ của giáo hội đã nói: credo quia absurdum – tôi tin, bởi vì cái đó vô nghĩa. Ngược lại, những điều khẳng định của tín ngưỡng chân chính, mặc dù không thể được chứng minh, nhưng không bao giờ chứa đựng một cái gì trái với lý trí và bất đồng với tri thức của con người, mà luôn luôn chỉ giải thích sáng rõ hơn những gì mà trong đời sống, nếu không có những điều mục của tín ngưỡng, sẽ là vô lý và mâu thuẫn lẫn nhau.

Thí dụ, người Do Thái cổ đại, khi anh ta tin rằng có một sinh linh tối thượng, vĩnh hằng và toàn năng, sinh linh ấy đã sáng tạo ra vũ trụ, trái đất, các loài vật và con người và đã hứa hẹn phù hộ dân tộc anh ta, nếu dân tộc anh ta tuân thủ lề luật của sinh linh ấy, thì anh ta không tin vào một cái gì đó vô lý, không dung hợp được với những hiểu biết của anh ta, mà ngược lại, chính tín ngưỡng ấy giải thích cho anh ta nhiều hiện tượng mà không có nó thì không giải thích được.

Hệt như thế, một người theo Ấn Độ giáo tin rằng linh hồn của chúng ta trong các kiếp trước đã sống trong những sinh vật khác nhau và tùy theo cuộc sống tốt hay xấu của chúng ta nó sẽ được nhập vào những sinh vật cao hơn hay thấp hơn ta trong kiếp này, nhờ tín ngưỡng ấy giải thích được cho mình nhiều hiện tượng không hiểu nổi, nếu không có nó. Tình hình cũng như thế với người xem sự sống là cái ác và mục đích cuộc đời là sự yên tĩnh đạt được nhờ diệt dục. Con người ấy tin không phải vào một cái gì đó vô lý mà ngược lại vào cái làm cho thế giới quan của anh ta trở nên hữu lý hơn là nếu không có tín ngưỡng ấy.

Cục diện cũng như thế với một tín đồ Kitô giáo thực thụ, tin Thiên Chúa là cha tinh thần của tất cả mọi người và tin rằng con người đạt được phúc lợi cao nhất khi nó ý thức được đạo làm con của nó đối với Thiên Chúa và tình huynh đệ của tất cả mọi người trong quan hệ với nhau. Tất cả những tín ngưỡng ấy nếu không có thể được chứng minh thì cũng tuyệt không vô lý, ngược lại, chúng mang đến một ý nghĩa hữu lý hơn cho nhiều hiện tượng đời sống mà không có chúng sẽ là vô lý và mâu thuẫn. Ngoài ra, tất cả những tín ngưỡng ấy, xác định vị trí của con người trong thế giới, tất yếu đòi hỏi những hành vi phù hợp với vị trí ấy. Vì vậy, khi mà học thuyết tôn giáo khẳng định những điều vô nghĩa, những điều không giải thích một cái gì mà chỉ làm rắc rối thêm nhận thức về cuộc sống, thì đó không phải là tín ngưỡng, mà là một hình thức xuyên tạc làm cho nó mất đi những thuộc tính chính yếu của tín ngưỡng chân chính.

Nhưng chính cái tín ngưỡng ấy không những không có ở những con người thời nay, mà họ thậm chí còn không biết đó là cái gì và dưới từ “tín ngưỡng” họ thường hiểu hoặc sự lặp lại bằng miệng cái được mạo nhận là bản chất của tín ngưỡng, hoặc sự thực hành những nghi lễ giúp họ nhận được cái mong muốn, như đạo Kitô của các giáo hội dạy họ.

VIII

Những con người trong thế giới của chúng ta sống mà không có một tín ngưỡng nào. Một bộ phận nhân quần, một thiểu số có học và giàu có đã thoát khỏi sự ám thị của giáo hội thì không còn tin vào bất cứ cái gì, bởi vì họ xem mọi tín ngưỡng hoặc là điều nhảm nhí, hoặc chỉ là một công cụ hữu ích để thông trị quần chúng. Còn cái đa số nghèo khổ, thất học thì, ngoại trừ một số ít người chân tín, do chịu tác động của sự thôi miên, tưởng rằng họ tin vào cái mà người ta ám thị cho họ dưới dạng tín ngưỡng, nhưng không phải là tín ngưỡng, vì nó không những không giải thích cho con người vị trí của nó trong thế giới mà còn làm mờ tối đi vị trí ấy.

Từ tình trạng ấy và từ tương quan ấy giữa một thiểu số bất tín, giả bộ và một đa số bị thôi miên mà hình thành đời sống của thế giới chúng ta, gọi là thế giới Kitô giáo. Và cuộc sống ấy, của cả thiểu số nắm trong tay những phương tiện thôi miên lẫn đa số bị thôi miên, thật đáng sợ cả về tính tàn nhẫn và vô lương của những kẻ nắm quyền lực cũng như tính lép vế và u mê của quần chúng lao động đông đảo. Chưa bao giờ, chưa trong một thời đại suy thoái tôn giáo nào mà sự coi khinh và lãng quên thuộc tính chính yếu của mọi tôn giáo, đặc biệt đạo Kitô – sự bình đẳng của mọi người – lại đến mức như trong thời đại chúng ta.

Nguyên nhân chính của sự tàn nhẫn khủng khiếp giữa người với người trong thời đại chúng ta, ngoài sự thiếu vắng tôn giáo, còn nằm ở tính phức tạp tinh vi của đời sống che khuất khỏi mắt con người hậu quả của những hành vi của họ. Cho dù những Attila, những Thành Cát Tư Hãn và những thuộc hạ của chúng xưa kia có tàn bạo đến đâu, nhưng khi họ giết người một cách mặt giáp mặt thì bản thân quá trình giết người phải gây cho họ cảm giác khó chịu, cũng như khó chịu cả những hậu quả của sự giết người: những tiếng gào rú của những người thân, những xác chết,…

Thành thử những hậu quả của sự tàn nhẫn kiềm chế sự tàn nhẫn. Còn trong thời đại chúng ta thì chúng ta giết người thông qua một hệ thống truyền dẫn phức tạp và những hậu quả của sự tàn nhẫn của chúng ta được dọn dẹp và che giấu khỏi ta một cách kỹ lưỡng đến nỗi không còn yếu tố nào kiềm chế sự tàn nhẫn; sự ứng xử tàn nhẫn của những người này đối với những người khác càng ngày càng gia tăng và trong thời đại ngày nay đã đi đến những giới hạn mà nó chưa bao giờ đi đến.

Tôi nghĩ rằng ngày nay giả sử không phải một tên ác ôn khét tiếng như Nero, mà chỉ một doanh nhân bình thường nhất muốn làm một cái ao bằng máu người cho những bệnh nhân giàu có tắm theo chỉ định của các thầy thuốc bác học, thì anh ta sẽ làm được cái đó mà không gặp trở ngại nào, chỉ cần anh ta làm dưới những hình thức lịch sự được mọi người chấp nhận, tức là không cưỡng bức ai trích máu mình, mà đặt người ta vào hoàn cảnh không trích máu thì không sống được, và còn mời các tăng lữ  và các nhà khoa học chứng kiến, thế thì thế nào các cao tăng cũng sẽ làm lễ tôn thiêng cái ao máu ấy, như họ từng tôn thiêng súng ống, đại bác, nhà tù, giá treo cổ, còn các nhà bác học thì sẽ vắt óc chứng minh cho sự cần thiết của một thiết chế như thế, cũng như họ đã vắt óc chứng minh sự can thiết của chiến tranh và của các nhà thổ.

Nguyên tắc cơ bản của mọi tôn giáo – sự bình đẳng giữa người với người – bị lãng quên, bị vứt bỏ và che khuất bởi đủ mọi giáo điều vô nghĩa chồng chéo lên nhau trong cái tôn giáo được tuyên tín, còn trong khoa học thì sự bất bình đẳng ấy, dưới dạng quy luật đấu tranh vì sinh tồn và sự sống sót của kẻ hữu năng nhất (the fittest) được thừa nhận là điều kiện tất yếu của sự sống ở một mức cao đến nỗi sự tiêu diệt hàng triệu mạng sống vì tiện nghi của một số người cầm quyền được xem là hiện tượng thông lệ nhất và tất yếu nhất, và được thường xuyên diễn lại.

Con người thời nay không thể hân hoan cho thỏa trước những thành tích kỳ vĩ, lộng lẫy, chưa từng có mà công nghệ thế kỷ XIX đã đạt được.

Không nghi ngờ gì là chưa bao giờ trong lịch sử có những thành tựu vật chất lớn như thế, tức là có sự làm chủ đến thế những sức mạnh tự nhiên, như trong thế kỷ XIX. Nhưng cũng không nghi ngờ gì là trong lịch sử chưa bao giờ có một tiền lệ nào về cuộc sống vô đạo đức đến thế, được giải phóng đến thế khỏi mọi sức mạnh kiềm chế những ham muốn thú vật của con người, như là cuộc sống mà nhân loại Kitô giáo của chúng ta, càng ngày càng hóa thú, đang sống. Thành tích vật chất mà loài người thế kỷ XIX đã đạt được, quả là to lớn; nhưng thành tích ấy đã được và đang được mua bằng sự coi khinh những yêu cầu sơ đẳng của đạo đức đến mức chưa bao giờ loài người sa vào, ngay trong những thời đại của Thành Cát Tư Hãn, Attila hay Nero.

Không cần tranh cãi, những xe bọc thép, đường sắt, sách in, đường hầm, máy ghi âm, tia X quang là tốt. Tất cả những thứ ấy rất tốt, nhưng, như Ruskin nói, cái cũng tốt và còn tốt hơn một cách không thể so sánh với bất cứ cái gì là những sinh mạng con người mà hiện nay đang bị hủy hoại không thương tiếc để có được những xe bọc thép, những đường sắt, những đường hầm không những không làm đẹp, mà làm xấu xí cuộc sống. Đáp trả ý kiến này, người ta thường nói rằng đang được nghĩ ra và trong tương lai sẽ được nghĩ ra những thiết bị mà với chúng cuộc sống của con người sẽ không bị phương hại như hiện giờ – nhưng cái đó không đúng.

Nếu con người không coi tất cả mọi người là anh em của mình và mạng sống của con người không được xem là vật thiêng liêng nhất mà không những không được xâm hại, nhưng còn phải duy trì và giữ gìn, coi đó là nghĩa vụ đầu tiên, không thể bỏ qua – tức là nếu loài người không có quan hệ tôn giáo với nhau, thì họ sẽ luôn luôn hãm hại nhau vì lợi ích của cá nhân mình. Không một kẻ ngốc nào đồng ý chi phí hàng nghìn bạc, nếu hắn có thể đạt cũng mục đích ấy, mà chỉ mất trăm bạc cộng với mấy mạng người nằm dưới quyền hắn. Ở Chicago, hằng năm người ta đè chết bằng đường sắt đại để một số người nhất định. Và những ông chủ đường sắt hoàn toàn có sở cứ không làm những thiết bị phòng tránh đè người vì họ đã tính ra rằng số tiền hằng năm phải trả cho những người thiệt hại hay gia đình họ ít hơn lãi suất từ số tiền vay để mua được những thiết bị ấy.

Rất có thể là người ta, bằng dư luận xã hội, sẽ làm cho những người vì lợi ích của mình mà hủy hoại mạng sống của những người khác phải xấu hổ, hoặc buộc họ làm những thiết bị nói trên. Nhưng nếu con người không có ý thức tôn giáo và làm những việc làm của mình trước mặt người đời chứ không phải Thượng Đế thì, làm những thiết bị bảo vệ sinh mạng con người ở chỗ này, ở chỗ khác họ sẽ lại sử dụng những mạng người như là vật liệu có lợi nhất để làm giàu.

Thật dễ chinh phục thiên nhiên và làm ra thật nhiều đường sắt, tàu thủy, viện bảo tàng,… nếu không thương tiếc mạng người. Các vua Ai Cập tự hào về những kim tự tháp của mình, và chúng ta cũng khâm phục chúng, quên đi về hàng triệu mạng sống của những người nô lệ đã bị hủy hoại tại những công trình xây dựng ấy. Cũng thế, chúng ta thán phục những lâu đài ở những cuộc triển lãm của chúng ta, những xe thiết giáp, những dịch vụ điện tín vượt đại dương mà quên đi về cái giá chúng ta phải trả cho những thứ ấy. Chúng ta sẽ có thể tự hào về mọi thứ ấy chỉ khi nào mọi thứ ấy được làm một cách tự do và bởi những con người tự do, chứ không bởi những nô lệ.

Các dân tộc Kitô giáo đã chinh phục và khuất phục người da đỏ châu Mỹ, người Ấn Độ, người châu Phi và hiện nay đang chinh phục và khuất phục người Trung Quốc và tự hào về điều đó. Song những cuộc chinh phục và khuất phục ấy xảy ra không phải bởi vì các dân tộc Kitô giáo đứng cao hơn về mặt tinh thần so với những dân tộc bị khuất phục, mà, ngược lại, bởi vì về tinh thần họ đứng thấp hơn đến mức không thể so sánh với những dân tộc ấy.

Chưa nói về người Ấn Độ và người Trung Quốc, ngay cả những người Zulu cũng đã và đang có những quy tắc tôn giáo, dù là thế nào đi nữa nhưng mang tính bắt buộc, chúng chỉ định những hành vi nhất định và cấm chỉ những hành vi khác; còn các dân tộc Kitô giáo chúng ta thì chẳng có bất kỳ quy tắc nào. La Mã chinh phục toàn thế giới sau khi nó đã giải phóng mình khỏi tôn giáo. Cũng tình hình ấy, chỉ ở mức độ mạnh hơn rất nhiều, đang diễn ra với các dân tộc Kitô giáo. Tất cả họ đều ở trong điều kiện thiếu vắng tôn giáo và vì vậy, mặc cho những xích mích nội bộ, tất cả đều liên kết thành một băng cướp mà ở đấy, sự trộm cắp, sự cướp giật, sự làm hư, sự giết hại từng người một hay hàng loạt người được thực hiện không những không có bất kỳ một cắn rứt lương tâm nào, mà còn với lòng tự mãn tự đại ghê gớm nhất, như vừa mới xảy ra ở Trung Quốc[90].

Như vậy, một số người không tin vào cái gì cả và tự hào về điều đó, những người khác thì giả bộ tin vào cái mà họ vì lợi ích của mình ám thị cho dân chúng dưới dạng tín ngưỡng, còn những người thứ ba – một đa số khổng lồ, toàn thể nhân quần – thì ngộ nhận là tín ngưỡng những gì mà người ta ám thị cho họ và tuân phục một cách nô lệ những gì mà những người ám thị cầm quyền vốn bản thân không tin vào cái gì cả, đòi hỏi ở họ.

Mà những người ám thị ấy đòi hỏi cũng cái mà tất cả những Nero cố gắng bằng bất cứ cái gì lấp đầy sự trống rỗng của cuộc sống của họ đòi hỏi sự thỏa mãn cái thú xa xỉ điên rồ bành trướng về mọi phía. Còn sự xa xỉ ấy thì không thể kiếm được bằng cái gì khác, ngoài nô dịch dân chúng; và cứ có sự nô dịch, thì tức khắc mức xa xỉ được gia tăng; sự gia tăng xa xỉ luôn luôn kéo theo tăng cường nô dịch, bởi lẽ chỉ những con người đói rét và bị trói buộc bởi nghèo đói mới có thể suốt đời làm cái không cần cho họ, nhưng cần cho sự phè phỡn của những người cai trị họ.

IX

Ở chương VI sách Sáng Thế có một đoạn có ý nghĩa thâm sâu, ở đấy người viết Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa trước cơn đại hồng thủy, nhận thấy rằng cái thần khí mà Ngài đã ban cho loài người để loài người phụng sự Ngài, toàn bộ thần khí ấy đã bị loài người sử dụng để phựng sự thân xác của họ – đã căm giận loài người đến nỗi phải hối hận là đã sáng tạo ra họ và trước khi tiêu diệt họ, đã quyết định rút ngắn cuộc đời của họ xuống còn có 120 năm. Đấy, chính cái mà vì nó, theo lời Thánh Kinh, Chúa Trời đã căm giận loài người và rút ngắn cuộc đời của họ – cái đó đã xảy ra với nhân loại của thế giới Ki tô giáo chúng ta.

Trí tuệ là sức mạnh của loài người, giúp họ xác định quan hệ với thế giới; mà vì chỉ có một quan hệ đúng đắn giữa con người vớỉ thế giới, cho nên sự thiết lập quan hệ ấy, tức là tôn giáo, đoàn kết người với người. Sự đoàn kết ấy đem lại cho loài người hạnh phúc cao nhất, cả về thể xác lẫn tinh thần, mà con người có thể có.

Thể đoàn kết hoàn hảo – ở trong trí tuệ hoàn hảo tối cao, vì thế hạnh phúc hoàn hảo là lý tưởng mà nhân loại hướng tới; song mọi tôn giáo giải đáp thống nhất được cho những thành viên của một xã hội nhất định những câu hỏi về thế giới là gì và họ là gì trong thế giới ấy – đều đoàn kết người với người và vì thế đẩy họ gần lại với hạnh phúc.

Nhưng khi trí tuệ sao nhãng nghĩa vụ thuộc về bản tính của mình – thiết lập quan hệ với Thượng Đế và hoạt động thích hợp với quan hệ ấy – và hướng mình không những tới việc phụng sự thân xác, và không những tới sự đấu tranh tàn ác với những người khác và những vật sống khác, mà còn vào việc biện chính cho cuộc sống xấu xa, đi ngược lại bản chất và sứ mệnh của con người, thì ắt xảy ra những tai họa khủng khiếp, mà giờ đây đa số loài người đang phải đau khổ chịu đựng, và xuất hiện tình trạng, mà với nó sự trở về với cuộc sống hữu lý, tốt lành được xem gần như bất khả hoàn toàn. Những dân tộc đa thần, liên kết với nhau bằng một giáo thuyết thô sơ nhất, lại gần gũi với ý thức về chân lý hơn nhiều so với các dân tộc Kitô giáo thời nay – những dân tộc sống không có bất kỳ tôn giáo nào, mà giữa họ những người tiên tiến nhất lại tin như đinh đóng cột và nhồi sọ cho những người khác rằng chẳng cần tôn giáo, rằng không có tôn giáo sẽ sống tốt hơn nhiều.

Giữa dân chúng đa thần có thể có những người ý thức được tính không tương thích giữa tín ngưỡng của họ và những tri thức đã gia tăng cũng như những nhu cầu của trí tuệ nơi họ; những người ấy có thể tạo ra hoặc tiếp thụ một giáo thuyết mới, thích hợp hơn với não trạng của dân chúng, và học thuyết ấy dần dần có thể được đồng bào và tín hữu của họ ủng hộ ngày càng đông. Nhưng nhân loại của thế giới chúng ta, mà trong số đó một số người coi tôn giáo chỉ là công cụ để cai trị những người khác, một số khác thì coi tôn giáo là điều nhảm nhí, còn những người thứ ba – cái đa số khổng lồ của quần chúng – bị nhồi sọ, bị lừa dối thô bạo, thì lại tưởng rằng họ có tôn giáo chân chính, nhân loại ấy trở nên không tác động được, không làm cho họ nhích về phía trước, về phía chân lý được.

Những con người như thế, kiêu hãnh về những cải tiến cần thiết cho đời sống thân xác của mình và về những hoạt động trí não tinh xảo nhưng trống rỗng, cốt chứng minh không chỉ lẽ phải, mà còn sự ưu việt của họ so với tất cả các dân tộc trong mọi thời đại lịch sử – những người ấy ngừng trệ trong sự ngu tối vô đạo đức, nhưng lại tin tưởng săt đá rằng họ đứng trên tầm cao chót vót mà loài người chưa bao giờ đạt tới và mỗi một bước tiến của họ trên con đường vô minh và vô luân lại nâng họ lên một tầm cao mới của sự khai hóa và tiến bộ.

X

Là tự nhiên đối với con người thiết lập quan hệ hài hòa giữa những hoạt động thân xác, thể chất và những hoạt động trí tuệ, tinh thần nơi mình. Con người không thể yên tâm, chừng nào chưa thiết lập được bằng cách này hay cách kia quan hệ hài hòa ấy. Nhưng sự hài hòa được thiết lập bằng hai phương cách. Một phương cách – khi con người quyết đoán bằng lý trí về tính cần thiết hay thích hợp của một hay nhiều hành vi nhất định và sau đó hành động theo quyết định của lý trí, và phương cách khác – khi con người thực hiện những hành vi dưới tác động của tình cảm, sau đó mới nghĩ ra cho chúng những giải thích hay biện hộ bằng lý trí.

Phương cách thứ nhất, hòa hợp hành xử với lý trí, thường gặp ở những người tuyên tín một tôn giáo nào đó và dựa vào giáo lý của nó mà biết họ cần phải thực hiện những hành vi nào và không được thực hiện những hành vi nào. Phương cách thứ hai thường gặp chủ yếu ở những người không tin đạo, những người không có căn cứ chung để xác định phẩm chất của những hành vi của mình và vì thế thường đạt tới sự hòa hợp giữa lý trí và hành xử không phải bằng cách đặt hành xử dưới sự chỉ huy của lý trí, mà bằng cách, sau khi đã hành động theo tiếng gọi của tình cảm, họ dùng lý trí để biện hộ cho những hành động của mình.

Người có đạo, biết cái gì trong hoạt động của mình và của những người khác là tốt hay xấu và vì sao cái này tốt mà cái kia xấu, khi nhìn thấy mâu thuẫn giữa những đòi hỏi của lý trí và những hành vi của mình và của những người khác, thì bằng mọi nỗ lực của trí tuệ cố tìm ra cách khắc phục những mâu thuẫn ấy, tức là học tập phương cách tốt nhất hòa hợp những hành vi của mình với những đòi hỏi của lý trí. Còn người vô đạo thì, do không được hướng dẫn cách xác định phẩm chất của các hành vi không phụ thuộc vào tính thích thú của chúng, thường để cho những tình cảm và cảm xúc hết sức đa dạng và nhiều khi mâu thuẫn lôi kéo mình và vô tình mắc vào những mâu thuẫn; khi đã mắc vào những mâu thuẫn thì nó cố gắng giải quyết hoặc che giấu chúng bằng những suy luận ít nhiều phức tạp và thông minh, nhưng luôn luôn dối trá. Vì thế, trong khi những lập luận của những người có đạo bao giờ cũng đơn giản, kiệm lời và chân thật, thì hoạt động trí não của những người vô đạo lại thường đặc biệt tế vi, lắm lời và xảo trá.

Xin lấy một thí dụ thông thường nhất. Một người mê đắm trụy lạc, tức là không biết giữ tiết hạnh, phản bội vợ hoặc không cưới vợ, sống trác táng. Nếu anh là người có tín ngưỡng, thì anh ta biết cái đó là xấu và toàn bộ hoạt động trí não của anh ta hướng tới việc tìm ra cho bằng được cách thoát khỏi thói hư tật xấu ấy của mình: không giao thiệp với những người đàn ông và đàn bà tà dâm, thu xếp cho mình một nếp sống khắc khổ, không cho phép mình nhìn phụ nữ như là đối tượng dục vọng của mình… Và tất cả cái đó đều đơn giản và ai ai cũng hiểu được. Nhưng nếu con người trụy lạc ấy vô đạo, thì anh ta thế nào cũng nghĩ ra đủ mọi cách giải thích vì sao yêu phụ nữ là tốt. Và bắt đầu đủ mọi thứ suy luận phức tạp nhất, tinh tế nhất và xảo trá nhất về sự hòa đồng hai tâm hồn, về cái đẹp, về tự do luyến ái,… mà càng được quảng bá thì càng làm mờ tối vấn đề và che giấu cái cần được thấy.

Cũng tình hình ấy xảy ra với những người vô đạo trong mọi lĩnh vực hoạt động và tư duy. Để che đi những mâu thuẫn nội tại, người ta góp nhặt trong đầu rặt những lập luận phức tạp và tế vi làm trí não ngập ngụa bởi đủ thứ nhảm nhí vô bổ, khiến con người sao nhãng cái trọng yếu và cơ bản, giúp nó chìm đắm trong giả dối mà không nhìn thấy sự giả dối ấy, như biết bao người trong thế giới của chúng ta đang sống.

“Người ta đã yêu thích bóng tối hơn ánh sáng, bởi vì những việc làm của họ độc ác” – kinh Phúc Âm nói. “Bởi lẽ bất kỳ ai làm điều ác đều thù ghét ánh sáng và không đi đến với ánh sáng, để những việc làm của nó không bị vạch trần, vì chúng độc ác.”

Vì thế, những người trong thế giới chúng ta, do không có tôn giáo, đã bày biện cho mình một lối sống tàn ác nhất, thú tính nhất, vô luân nhất, đồng thời cũng phát triển những hoạt động trí não phức tạp, tế vi và trống rỗng cốt che đi sự độc ác của lối sống ấy đến độ phức tạp không cần thiết và rối rắm cực kỳ, khiến đa số nhân loại mất đi khả năng nhìn thấy sự khác biệt giữa thiện và ác, chân lý và giả dối.

Đối với những người trong thế giới chúng ta đã không còn một vấn đề gì mà họ có thể tiếp cận trực tiếp và giản đơn: tất cả mọi vấn đề – kinh tế, nhà nước đối nội và đối ngoại, chính trị, ngoại giao, khoa học, ấy là chưa nói đến triết học và tôn giáo – đều được đặt ra một cách cố ý không đúng đắn và vì thế bị bao bọc bởi một màng dày đặc của những suy luận phức tạp không cần thiết, của những khái niệm và từ ngữ bị bóp méo một cách tinh vi, của những ngụy biện và tranh luận rắc rối đến nỗi tất cả những bàn thảo về những vấn đề ấy đều xoay quanh một chỗ, không thu nhận được cái gì, và tựa hồ bánh xe không có dây truyền lực, không đưa tới đâu cả, ngoài cái đích duy nhất mà vì nó chúng được bày ra, tức là che khuất khỏi chính mình và khỏi những người khác cái ác mà người ta đang sống trong đó và đang làm cái đó.

XI

Trong mọi lĩnh vực của cái gọi là khoa học của thời đại chúng ta – ta thấy cũng vẫn cái đặc điểm ấy, nó biến thành vô bổ tất cả mọi nỗ lực của trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực tri thức khác nhau. Đặc điểm ấy là ở chỗ tất cả những nghiên cứu khoa học thời nay đều bỏ qua một câu hỏi cơ bản cần được giải đáp và đều khảo cứu toàn những vấn đề phụ trợ, mà sự khảo cứu ấy không đưa đến cái gì hết và càng tiếp tục thì càng trở nên rắc rối hơn.

Tình hình cũng không thể khác được với một nền khoa học chọn đối tượng nghiên cứu một cách ngẫu hứng, chứ không theo những đòi hỏi của thế giới quan tôn giáo xác định cần nghiên cứu cái gì và vì sao, nghiên cứu cái gì trước và cái gì sau. Thí dụ, trong vấn đề ngày nay đã trở nên thời thượng của xã hội học hay kinh tế chính trị học tưởng chừng chi có một câu hỏi: vì sao và với mục đích gì một số người không làm gì cả, còn những người khác thì làm việc thay họ? (Còn có một câu hỏi nữa: vì sao mọi người lại làm việc một cách riêng rẽ, ngáng trở nhau, chứ không chung sức đồng lòng, bởi vì như thế sẽ có lợi hơn, nhưng câu hỏi này hàm ẩn trong câu hỏi trước. Không có bất bình đẳng, thì sẽ không có đấu tranh).

Tưởng chừng, chỉ có một câu hỏi ấy, nhưng khoa học lại không định đặt nó ra và trả lời nó, mà lại xây dựng những suy luận từ xa lắc xa lơ và tiến hành theo lối để không kết luận nào có thể giải quyết hay trợ giúp cho sự giải quyết vấn đề cơ bản ấy. Bắt đầu những suy luận về cái đã và đang tồn tại, mà cái đã và đang tồn tại ấy thì lại được xem xét như một cái gì đó bất di bất dịch, như thể quỹ đạo của các vì sao trên trời, và được chế tác một loạt khái niệm trừu tượng như giá trị, tư bản, lợi nhuận, tỷ lệ, và thế là được bày ra một trò chơi trí tuệ phức tạp, kéo dài đã một trăm năm của những cao thủ tranh luận không ngớt với nhau. Song thực ra vấn đề có thể được giải quyết một cách rất dễ dàng và đơn giản.

Giải pháp ấy là thế này: vì tất cả mọi người đều là anh em và bình đẳng với nhau, cho nên từng người một phải đối xử với người khác như nó muốn người khác đối xử với mình, và vì vậy tất cả vấn đề là ở sự xóa bỏ luật tôn giáo phi nghĩa và khôi phục luật chính nghĩa. Nhưng những người tiên tiến trong thế giới Kitô giáo không những không quyết định như thế mà, ngược lại, gắng sức che giấu khỏi nhân loại khả năng có một giải pháp như thế và vì lẽ ấy mà mải miết với những hoạt động trí óc vô bổ và trống rỗng mà họ gọi là khoa học.

Tình hình cũng như thế trong lĩnh vực tư pháp. Tưởng chừng chỉ có một câu hỏi cơ bản – vì sao có những người cho phép mình thực hiện bạo lực đối với những người khác, bóc lột họ, giam cầm, hành quyết, tống ra chiến trường và làm nhiều điều khác nữa. Giải pháp cho vấn đề rất đơn giản, nếu xem xét nó từ một điểm nhìn thích hợp duy nhất – điểm nhìn tôn giáo. Xét từ quan điểm tôn giáo, con người không thể và không được thực hiện bạo lực chống lại đồng loại, vì thế để giải quyết vấn đề chỉ cần một điều: phá bỏ tất cả những mê tín và những ngụy biện cho phép dùng bạo lực và giáo dục cho mọi người những nguyên lý tôn giáo loại trừ khả năng bạo lực.

Nhưng những người tiên tiến thời nay không những không làm như thế, mà còn sử dụng tất cả xảo thuật của trí khôn để che giấu khỏi những người khác khả năng và tính tất yếu của một giải pháp như thế. Họ viết hàng núi sách về những nền luật khác nhau – dân sự, hình sự, cảnh sát, tôn giáo, tài chính,… trình bày và tranh luận bất tận về những đề tài ấy mà cứ đinh ninh rằng họ làm một việc không những hữu ích mà còn tối quan trọng. Còn với câu hỏi, vì sao con người, vốn bình đẳng về bản chất, lại có thể người này xét xử, cưỡng bức, cướp bóc, sát phạt người kia, thì người ta không những không trả lời, mà còn không thừa nhận sự tồn tại của câu hỏi ấy. Theo học thuyết của họ thì hóa ra những hành vi bạo lực ấy không phải con người làm ra, mà là một cái gì đó trừu tượng được gọi là nhà nước.

Cũng hệt như thế, những người thông thái thời nay bỏ qua, cố tình không nói đến mọi vấn đề cơ bản và che giấu mọi mâu thuẫn nội tại trong mọi lĩnh vực tri thức. Trong các tri thức lịch sử chỉ có một câu hỏi quan trọng: nhân dân lao động, tức là 999/1.000 toàn thể loài người, đã sống thế nào? Song không có một cái gì dù chỉ na ná như một giải đáp cho câu hỏi ấy, nó thậm chí không tồn tại, nhưng hàng núi sách đã được các sử gia thuộc một trường phái viết về chuyện Louis đau họng thế nào, Elisabeth của Anh quốc và Ivan IV của Nga đã làm những trò bỉ ổi gì, ai là những quan thượng thư của họ và những anh bồi bút đã viết những bài thơ và hài kịch gì để mua vui cho những vua chúa ấy cùng những tình nhân và quan thượng thư của họ.

Những sử gia thuộc trường phái khác thì viết về những chuyện như địa hình của những nơi mà các tộc người đã sống ra sao, họ ăn uống và buôn bán cái gì, mặc những y phục gì – nói chung toàn những chuyên không thể có ảnh hưởng đến đời sống của các dân tộc nhưng là hậu quả của tôn giáo của họ, song tôn giáo thì lại được các nhà sử học xem là hậu quả của cách ăn và cách mặc của dân tộc ấy.

Trong khi ấy thì chỉ có thể trả lời câu hỏi: nhân dân lao động trước đây sống thế nào, nếu thừa nhận tôn giáo là điều kiện không thể thiếu cho đời sống của nhân dân, vì vậy giải đáp nằm ở sự nghiên cứu những tôn giáo mà các dân tộc đã tuyên tín, chính chúng đã đặt các dân tộc vào tình trạng mà họ đã sống trong đó.

Trong các tri thức lịch sử tự nhiên, tưởng chừng không có sự cần thiết gì đặc biệt để phải làm mờ tối lý trí lành mạnh của con người; nhưng ở đây cũng thế, theo cái nếp tư duy chung mà khoa học thời đại chúng ta đã hấp thụ, thay vì những giải đáp tự nhiên nhất cho câu hỏi: thực vật và động vật là gì và chúng được phân chia ra sao, được bày ra những phiếm luận nhàn tản, mông lung và hoàn toàn vô ích, chủ yếu với dụng ý bác bỏ sự tích sáng thế được kể trong Kinh Thánh, xung quanh vấn đề từ đâu đã phát sinh các vật sống, là điều mà không ai cần biết, mà cũng không thể biết được, bởi vì sự phát sinh ấy, dù chúng ta có giải thích thế nào, sẽ mãi mãi ẩn khuất khỏi chúng ta trong thời gian và không gian vô tận. Thế mà về những đề tài như thế đã được nghĩ ra những lý thuyết cùng những phản bác và bổ sung cho lý thuyết hợp thành hàng triệu cuốn sách mà từ chúng chi có một kết luận bất ngờ, đó là quy luật sự sống mà con người phải tuân thủ là đấu tranh vì sinh tồn.

Nhưng thế vẫn còn ít, những khoa học ứng dụng như công nghệ, y học do thiếu vắng yếu tố tôn giáo dẫn đường chỉ lối, cũng vô thức đi chệch sứ mệnh chân chính và thâu thái những đường hướng phát triển sai lac. Chẳng hạn, toàn bộ công nghệ được định hướng tới không phải việc làm cho lao động của nhân dân bớt nặng nhọc, mà tới những cải tiến chỉ cần cho những giai cấp giàu có và càng chia rẽ người giàu với người nghèo, các ông chủ với những nô lệ. Nếu lợi ích từ những sáng chế và cải tiến ấy, những mẩu nhỏ xíu của chúng rơi xuống quần chúng nhân dân, thì tuyệt không phải vì chúng được dành cho nhân dân mà chỉ vì, do ngay tính chất của chung, không thể cất giấu chúng đi đâu được.

Tình hình cũng thế trong khoa học trị bệnh, nó đã phát triển theo hướng sai lầm đến nỗi giờ đây chỉ khả thủ với các giai cấp giàu có; còn quần chúng nhân dân thì do lối sống, do sự nghèo túng của họ và do thái độ coi thường những vấn đề cải thiện đời sống của dân nghèo, chỉ có thể sử dụng sự cứu tế ấy trong những quy mô và với những điều kiện chỉ làm sáng tỏ thêm sự đi chệch đích của y học thời nay.

Sự xa rời và bóp méo những vấn đề cơ bản đáng kinh ngạc nhất ở cái mà thời nay gọi là triết học. Tưởng chừng có một câu hỏi duy nhất cần được triết học giải đáp: tôi phải làm gì? Và trong triết học của các dân tộc Kitô giáo đã có một số giải đáp cho câu hỏi ấy, mặc dù chúng gắn liền với nhiều nhầm lẫn ghê gớm và không cần thiết như ở Spinoza, ở Kant trong phê phán lý tính thực tiễn của ông ta, ở Schopenhauer và đặc biệt ở Rousseau, song vẫn là những giải đáp. Nhưng gần đây, từ thời Hegel, người đã công nhận tất cả những gì hiện hữu đều là hữu lý, câu hỏi: phải làm gì bị đẩy vào hậu trường, triết học dồn toàn bộ sự quan tâm của mình vào việc khảo sát cái hiện hữu và đặt nó xuống dưới những lý thuyết được tạo dựng trước. Đây là bậc đi xuống thứ nhất.

Bậc thứ hai, thấp hơn nữa của tư tưởng của con người, là sự thừa nhận đấu tranh vì sinh tồn là quy luật cơ bản, chỉ vì có thể trông thấy sự đấu tranh ấy ở các động vật và thực vật. Theo thuyết ấy, sự tiêu vong của những sinh vật yếu hơn là luật không nên ngăn cản. Cuối cùng, ở bậc thứ ba, những trò lập dị trẻ con của một Nietzsche nửa điên nửa khùng, thậm chí không hợp thành một cái gì đó hoàn chỉnh và mạch lạc mà chỉ là những phác thảo của một số ý tưởng vô luân và hoàn toàn vô căn cứ, lại được những bộ óc tiên tiến thời nay xem là lời cuối cùng của triết học. Trả lời câu hỏi: phải làm gì? Bây giờ người ta đã nói thẳng; hãy sống cho thỏa chí, không để ý đến đời sống của những người khác.

Giả sử có ai hồ nghi về sự mông muội và hóa thú ghê gớm mà loài người Kitô giáo thời nay đã đi đến, thì, chưa cần nói tới những tội ác gần đây nhất chống lại người Boer[91] và người Trung Quốc, được giáo hội bênh vực và được những kẻ mạnh của thế giới xem là những kỳ công, thì chỉ một sự thành công phi thường của những gì mà Nietzsche đã viết đã có thể làm chứng không thể chối cãi.

Xuất hiện những văn phẩm rời rạc, cốt gây ấn tượng một cách tầm thường nhất của một người Đức mắc chứng vĩ cuồng, lợi khẩu nhưng hạn hẹp và bất bình thường. Những văn phẩm ấy, cả về mặt tài năng lẫn tính đáng tin cậy lẽ ra không có một cơ may nào được công chúng để ý tới. Những văn phẩm như thế không chỉ trong thời của Kant, Leibniz, Hume, mà chỉ 50 năm trước đây sẽ không những không được để ý, mà còn không thể xuất hiện. Nhưng trong thời đại của chúng ta thì toàn thể cái gọi là nhân loại có học lại trầm trồ tán thưởng sự mất trí của ngài Nietzsche, tranh luận và giải thích ông ta, và những tác phẩm của ông được in bằng mọi thứ tiếng với số lượng ấn phẩm không thể đếm hết.

Turgenev có lần đã nhận xét sắc sảo rằng có những chân lý chung đảo ngược mà những kẻ bất tài muốn được để ý hay dùng đến. Thí dụ, mọi người đều biết là nước ướt, nhưng đột nhiên một ai đó với vẻ nghiêm trang lại nói rằng nước khô – không phải băng – mà nước khô, thế là mọi người sẽ để ý đến lời khẳng định đinh ninh ấy.

Cũng đúng như thế, cả thế giới biết rằng đức hạnh ở trong sự kìm nén dục vọng, trong sự tự chối từ. Điều này không phải chỉ đạo Kitô biết (mà Nietzsche thì lại tưởng lầm đang chiến đấu với tôn giáo ấy) mà là đạo luật tối cao và vĩnh cửu mà cả nhân loại đã vươn tới cả trong đạo Bàlamôn, cả trong đạo Phật, cả trong đạo Khổng, cả trong tôn giáo Ba Tư cổ.

Nhưng bỗng nhiên xuất hiện một người và tuyên bố anh ta đã nhận ra rằng sự tự chối từ, sự nhẫn nhịn, khiêm nhường, tình yêu thương – tất cả cái đó đều là những tật nguyền hãm hại con người (anh ta ngụ ý đạo Kitô, quên đi tất cả các tôn giáo khác). Dễ hiểu là sự khẳng định ấy thời gian đầu làm mọi người sửng sốt. Song, suy nghĩ một chút và không tìm thấy trong tác phẩm của anh ta một chứng minh nào cho luận điểm kỳ quặc ấy, bất kỳ ai có lý trí lẽ ra cũng phải quẳng cuốn sách ấy đi và lấy làm ngạc nhiên, rằng thời nay không có những viết lách nhảm nhí nào mà lại không tìm được người xuất bản. Nhưng với sách của Nietzsche thì lại không thế. Đa số các thức giả rởm phân tích một cách nghiêm túc thuyết siêu nhân, tôn tác giả của nó là nhà triết học vĩ đại, người kế thừa Descartes, Leibniz, Kant.

Mà tất cả chỉ vì đa số những thức giả rởm ấy của thời nay lấy làm khó chịu khi bị nhắc nhở về đức hạnh và về nền móng chính của nó – sự tự chối từ, tình yêu, tức là những điều giới hạn và lên án cuộc sống thú tính của họ, và họ mừng rơn bắt gặp một học thuyết mà, mặc dù được trình bày khá lủng củng và rời rạc, vẫn khẳng định cho cái cuộc sống mà họ đang sống – cuộc sống ích kỷ, tàn nhẫn, dựng xây hạnh phúc và sự vĩ đại của mình trên cuộc sống của những người khác.

XII

Kitô từng trách cứ những người pharisee và những người thông thái rởm chỉ biết sách vở, rằng họ cầm chìa khóa của nước Trời, nhưng không vào và cũng không cho người khác vào.

Các nhà thông thái chuyên đọc và viết sách thời nay cũng làm như thế: họ nắm giữ những chìa khóa hiện thời không phải của nước Trời, mà của văn hóa, nhưng tự họ không vào và cũng không cho người khác vào.

Các vị tư tế, giới tăng lữ bằng đủ trò lừa gạt và thôi miên đã nhồi sọ cho dân chúng rằng đạo Kitô không phải là giáo thuyết rao giảng sự bình đẳng của mọi người và vì vậy nó phá bỏ toàn bộ thể chế đời sống tà giáo hiện nay, mà ngược lại, đạo ấy ủng hộ, nâng đỡ thể chế ấy, đòi hỏi phân biệt người với người, như phân biệt sao trên trời, đòi hỏi công nhận mọi quyền lực đều là từ Thượng Đế và tuân phục không cãi lại cái quyền lực ấy, nhồi sọ cho những người bị áp bức nói chung rằng tình trạng của họ là do ý Chúa và họ phải chịu đựng nó một cách nhẫn nhịn và khiêm nhường và phục tùng những người áp bức mà những người ấy – những hoàng đế, quân vương, giáo hoàng, giám mục và những cấp chính quyền khác, thế tục và tôn giáo – thì lại có thể không những không nhẫn nhịn và khiêm nhường, mà còn được quyền chỉnh đốn, dạy dỗ, trừng phạt những người khác và sống trong hào nhoáng và xa xỉ, mà những người dưới quyền họ phải bảo đảm cho họ.

Nhờ cái giáo thuyết phi nghĩa ấy, được họ hết sức nâng đỡ, các giai cấp cầm quyền mới cai trị được nhân dân, bắt nó hầu hạ cho sự nhàn rỗi, sự xa xỉ và những thói hư tật xấu của họ. Trong khi ấy thì những người duy nhất đã thoát khỏi sự thôi miên ấy – các nhà khoa học, những người lẽ ra có thể giải thoát nhân dân khỏi ách áp bức và vẫn nói chính họ mong muốn điều đó – những người ấy, thay vì làm những việc nhằm đạt mục đích ấy thì lại làm cái hoàn toàn ngược lại mà vẫn tưởng bằng cách ấy họ phục vụ nhân dân.

Tưởng chừng chỉ cần những người ấy một cách hời hợt nhất quan trắc những gì là mối quan tâm ở đám cai trị dân chúng, là họ sẽ hiểu ngay cái gì làm cho vận động và cái gì kìm giữ các dân tộc trong tình thế nhất định và họ sẽ phải dồn mọi sức lực của mình vào cái động cơ ấy, nhưng họ lại không làm như thế mà còn cho việc ấy là hoàn toàn vô ích.

Những người ấy hình như không muốn nhìn thấy điều đó; họ nhiều khi dù cố gắng và thành tâm làm nhiều việc khác nhau cho nhân dân, họ lại không làm một việc cần thiết trước hết cho dân. Mà chỉ cần họ để ý một tí và nhận ra được, những người cầm quyền giữ khư khư thế nào cái động cơ mà nhờ có nó mới ai trị được dân, thì họ sẽ hiểu ra ngay cần phải hướng những nỗ lực của mình vào đâu để giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ.

Vua Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ nhất cái gì và bám chặt nhất cái gì? Và vì sao hoàng đế Nga đến thành phố nào cũng trước tiên đi viếng các thánh tích và tranh thờ? Và vì sao, mâu thuẫn với cung cách văn minh bóng bẩy đầy dụng ý của mình, hoàng đế Đức trong mọi diễn văn, hợp chỗ hay không hợp chỗ, đều nói về Thiên Chúa, vê đức Kitô, vê tính thiêng liêng của tôn giáo, của lời thề,…? Chẳng qua vì tât cả họ đều biết rằng quyền lực cua họ dựa vào quân đội, còn quân đội, ngay khả năng tồn tại của quân đội, thì chỉ dựa vào tôn giáo. Và nếu những người giàu hay tỏ ra mộ đạo một cách đặc biệt, giả bộ sùng tín, răm rắp đi lễ nhà thờ và tuân thủ ngày thứ bảy, thì tất cả cái đó được họ làm chủ yếu vì bản năng tự vệ mách bảo họ rằng cái tôn giáo mà họ tuyên tín liên quan đến vị trí đặc lợi của họ trong xã hội.

Tất cả những người ấy nhiều khi không biết cụ thể bằng cách nào quyền lực của họ được duy trì nhờ hoạt động lừa bịp của tôn giáo, nhưng nhờ bản năng tự vệ họ biết chỗ yếu của họ ở đâu, cái gì giữ gìn cho họ vị trí của họ, và họ trước hết bảo vệ chỗ yếu ấy. Những người ấy sẽ luôn luôn cho phép và đã từng cho phép, ở những chừng mực nhất định, sự tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, thậm chí tuyên truyền cách mạng; nhưng những cơ sở của tôn giáo thì họ sẽ không bao giờ cho đụng đến.

Cho nên nếu những con người tiên tiến của thời đại chúng ta – các nhà khoa học, phái tự do chủ nghĩa, phái xã hội chủ nghĩa, các nhà cách mạng, phái vô chính phủ – còn chưa hiểu được từ lịch sử và từ tâm lý học cái gì làm nên sự vận động của các dân tộc, thì bằng kinh nghiệm trực quan này họ có thể nhận ra rằng, động cơ ấy nằm không ở những điều kiện vật chất, mà chỉ ở tôn giáo.

Nhưng, kỳ lạ thay, các nhà khoa học, những con người tiên tiến của thời đại chúng ta, biết phân tích tinh vi đến thế và thấu hiểu đến thế các điều kiện sống của các dân tộc, lại không trông thấy cái đập vào mắt do sự hiển nhiên của nó. Nếu bằng lối hành xử như thế người ta cố tình bỏ mặc nhân dân trong sự vô tri tôn giáo của nó để giữ lấy vị trí đặc lợi của mình giữa thiểu số nhân loại, thì đó là sự lừa gạt khủng khiếp, ghê tởm. Những người hành xử như thế chính là những kẻ giả đạo đức, mà Kitô đã lên án hơn tất cả những kẻ khác, thậm chí ngài chỉ lên án những kẻ như thế, lên án bởị vì không có những tên ác ôn bất nhẫn nào mà lại mang nhiều độc ác vào đời sống của loài người như những người ấy.

Còn nếu những người ấy chân thành thì chỉ có một giải thích cho sự tối mắt kỳ lạ ấy, đó là cũng như quần chúng bị cái tôn giáo hư mạo ám thị, nhưng thức giả rởm ấy của thời đại chúng ta cũng bị khoa học hư mạo ám thị – khoa học ấy đã quyết đoán rằng sợi thần kinh chính mà nhờ có nó loài người đã và đang sống, bây giờ không còn cần thiết nữa và có thể được thay thế bằng một cái gì đó khác.

XIII

Đặc điểm của thời đại chúng ta chính ở sự lầm lạc hoặc sự gian trá ấy của những người có văn hóa, có học vấn, và nó cũng là nguyên nhân của tình trạng tai ương mà trong đó loài người Kitô giáo đang sống và của sự hóa thú đang càng ngày càng nhấn chìm nó.

Những người tiên tiến, có học của thế giới chúng ta thường khẳng định rằng những tín ngưỡng tôn giáo sai lầm mà quần chúng đang đi theo không có tầm quan trọng đặc biệt và không cần thiết, không đáng bỏ công đấu tranh trực diện với chúng như xưa kia Hume, Voltaire, Rousseau và những người khác đã đấu tranh. Theo họ thì khoa học, tức là những tri thức tản mạn mà họ truyền bá trong nhân dân, tự nó sẽ đạt được đích ấy, tức là khi con người đã biết được trái đất xa mặt trời bao nhiêu dặm và những kim loại nào có trên mặt trời và các vì sao thì họ sẽ thôi tin vào những học thuyết của giáo hội.

Trong điều khẳng định hoặc giả định chân thành hay không chân thành này có một sai lầm rất to lớn hoặc một sự gian lận xảo quyệt khủng khiếp. Từ tuổi ấu thơ non nớt nhất, tuổi mẫn cảm hơn cả với sự ám thị, khi mà người giáo dục có cẩn trọng bao nhiêu cũng không đủ trong tất cả những gì mà anh ta truyền thụ cho đứa trẻ, thì nó đã bị nhôi nhét những giáo điều không thể dung hợp với lý trí và tri thức, những giáo điều vô nghĩa và vô luân của cái gọi là Kitô giáo.

Người ta dạy cho trẻ những giáo điều mà lý trí lành mạnh không thể chứa nạp về Chúa ba ngôi, về sự giáng trần của một trong ba Chúa ấy để chuộc tội cho loài người, về sự chet đi sống lại và bay lên trời của vị Chúa ấy; dạy chờ mong cuộc giáng thế thứ hai và sự trừng phạt bằng những khổ đau vĩnh viễn những kẻ không tin vào những giáo điều ấy; dạy cầu nguyện cho những nhu cầu của mình và nhiều điều khác. Và khi mà tất cả những điều không thể dung hợp cả với lý trí, cả với tri thức hiện đại, cả với lương tâm con người ấy đã được in không phải trong tâm não mẫn cảm của trẻ, thì người ta để mặc nó một mình, tùy theo năng lực của mình, xử lý những mâu thuẫn phát sinh từ những giáo điều mà nó đã tiếp nhận và hấp thu như là chân lý không thể hồ nghi.

Và con người dần dần quen (và các nhà thần học ra sức giúp đỡ nó quen) với việc là không thể tin cậy lý trí, vì thế trên đời này mọi thứ có thể xảy ra, và trong con người không có một cái gì mà bằng nó con người có thể phân biệt thiện với ác, chân lý với giả dối, và trong lĩnh vực quan trọng nhất đối với nó – trong hành xử – con người phải lấy làm kim chỉ nam không phải trí tuệ của mình, mà là những gì mà người khác bảo nó. Dễ hiểu một nền giáo dục như thế sẽ phải gây ra những đọa lạc méo mó như thế nào trong thê giới tinh thần của con người, mà nền giáo dục ấy ở tuổi trưởng thành lại được yểm trợ bằng tất cả những phương tiện ám thị mà giới tăng lữ thường xuyên sử dụng trong quan hệ với dân chúng.

Nếu ngay người có tinh thần khỏe khoắn cũng rất khó nhọc và khổ sở mới thoát khỏi được tình trạng bị thôi miên mà trong đó anh ta được giáo dưỡng từ thơ ấu và bị giam giữ trong tuổi trưởng thành, thì những đọa lạc trong tâm thức anh ta, do anh ta được ám thị không tin cậy vào lý trí của mình, không thể mất đi mà không để lại dấu vết, tựa hồ như trong thế giới vật lý, sự đầu độc cơ thể bằng một chất độc mạnh không thể không để lại hậu quả. Được giải phóng khỏi sự thôi miên đánh lừa, một con người như thế, do căm ghét cái giả dối mà anh ta vừa thoát khỏi, một cách tự nhiên sẽ hấp thu cái học thuyết của những người tiên tiến xem mọi thứ tôn giáo đều là một trong những trở lực chính cho loài người trên đường tiến bộ. Mà đã hấp thu học thuyết ấy thì người ấy, cũng như các ông thầy của anh ta, sẽ trở thành một kẻ vô nguyên tắc, tức là vô lương tâm, trong cuộc sống chỉ nghe theo những dục vọng của mình và không những không lên án mình mà còn vì thế mà cho là mình đứng ở điểm phát triển tinh thần cao nhất khả thủ với con người.

Đấy, cái đó sẽ xảy ra với những ai có tinh thần khỏe mạnh nhất. Những ai không khỏe bằng thì, mặc dù cũng sẽ thức tỉnh và nếm trải sự hồ nghi, song sẽ không bao giờ tự giải phóng hoàn toàn khỏi những hư trá, mà trong môi trường ấy họ được giáo dưỡng và sẽ vào hùa với những lý thuyết mơ hồ và lắt léo khác nhau biện hộ cho những giáo điều vô nghĩa mà họ đã tiếp thụ hoặc chính họ sẽ nặn ra những lý thuyết như thế; thường xuyên sống trong thế giới của những nghi hoặc, những quan niệm tù mù, những ngụy biện và tự lừa dối, những người ấy sẽ chỉ giúp sức cho sự làm mù mắt quần chúng và cản trở sự thức tỉnh của họ.

Còn đa số dân chúng, không có cả sức lực lẫn khả năng chống lại sự ám thị, thì tà thế hệ này sang thế hệ khác sẽ sống và chết, như họ hiện đang sống, bị tước đi cái phúc lợi cao nhất của con người – nhân sinh quan tôn giáo chân chính, và sẽ luôn luôn chỉ là công cụ ngoan ngoãn trong tay các giai cấp thống trị đánh lừa họ.

Nhưng chính về sự lừa bịp khủng khiếp ấy, những người tiên tiến thời nay lại nói rằng cái đó không quan trọng và không đáng phải đấu tranh. Cách giải thích duy nhất cho điều khẳng định này, nếu những người khẳng định thành thật, là chính họ đang bị cái khoa học lầm lạc thôi miên; còn nếu họ không thành thật, thì là vì sự công kích cái tín ngưỡng đã định vị không có lợi và nhiều khi nguy hiểm. Thế này hay thế khác, trong mọi trường hợp, ý kiến cho rằng sự tuân thủ một tôn giáo sai lầm là bất hại hoặc không mấy quan trọng và vì thế có thể truyền bá văn hóa mà không cần đánh đổ sự lừa bịp tôn giáo – ý kiến ấy hoàn toàn không đúng.

Chỉ có thể cứu thoát loài người khỏi những tai họa của nó bằng cách đưa nó ra khỏi tình trạng bị thôi miên mà giới tăng lữ giam giữ nó trong đó, và khỏi những lầm lạc mà giới khoa học gây ra cho nó. Để rót một cái gì đó vào bình, cần phải đổ đi cái nó đang đựng. Cũng hệt như vậy, cần phải giải phóng những con người khỏi những dối trá đang giam giữ họ để họ có thể tiếp thụ một tôn giáo chân chính, tức là một thái độ đúng đắn, phù hợp với trình độ phát triển của nhân loại, đối với bản nguyên của tất cả – Thượng Đế và những chỉ dẫn cho hành động được rút ra từ thái độ ấy.

XIV

“Nhưng làm gì có tôn giáo chân chính? Tất cả các tôn giáo đều khác nhau vô cùng và chúng ta không có quyền gọi một tôn giáo nào là chân chính chỉ vì nó hợp với thị hiếu của chúng ta hơn” – một số người sẽ nói, họ thường xem xét tôn giáo chỉ theo những hình thức bề ngoài của chúng, như thể một thứ bệnh mà họ cảm thấy mình không mắc, nhưng những người khác vẫn mắc phải. Nhưng điều ấy không đúng: các tôn giáo khác nhau về hình thức bề ngoài, nhưng tất cả đều giống nhau trong những nguyên lý cơ bản. Và chính những nguyên lý cơ bản ấy của mọi tôn giáo hợp thành cái tôn giáo chân chính mà một mình nó tương thích với mọi người trong thời đại chúng ta, và sự hấp thu nó duy nhất có thể cứu thoát họ khỏi những tai họa của họ.

Loài người tồn tại đã lâu và giống như nó đã kế tục sáng chế ra những phương tiện thực tiễn, nó không thể không hun đúc nên những nguyên lý tinh thần làm nền móng cho đời sống của nó và những quy tắc hành xử phát sinh từ những nguyên lý ấy. Nếu một số người mù quáng không nhìn thấy chúng thì cái đó chưa chứng minh được rằng chúng không tồn tại. Cái tôn giáo chung cho tất cả mọi người trong thời đại ngày nay ấy không phải là một tôn giáo nào đó với tất cả những nét ngoại biệt và méo mó của nó, mà là thứ tôn giáo hợp thành từ những luận điểm tín ngưỡng như nhau trong tất cả các tôn giáo chúng ta được biết, được tuyên tín bởi hơn 9/10 nhân loại – tôn giáo ấy có và loài người còn chưa hóa thú đến cùng chỉ bởi vì những người ưu tú của tất cả mọi dân tộc mặc dù vô thức nhưng đều theo tôn giáo ấy và tuyên tín nó, và chỉ sự thôi miên lừa bịp, được thao tác bởi giới tăng lữ và giới khoa học, cản trở họ tiếp thụ nó một cách có ý thức.

Những luận điểm của tôn giáo chân chính ấy thân thuộc với mọi người đến mức khi chúng được tuyên cáo cho họ thì tức khắc được họ tiếp nhận như là một cái gì đó đã biết từ lâu và mặc nhiên. Đối với chúng ta, tôn giáo chân chính là đạo Kitô ở những điểm làm cho nó tương đồng không phải với những hình thức bề ngoài, mà với những luận điểm cơ bản của đạo Bàlamôn, đạo Khổng, Đạo giáo, đạo Phật, đạo Do Thái, thậm chí cả đạo Hồi. Cũng hệt như thế, cả với những người theo đạo Bàlamôn, đạo Khổng,… chân tôn giáo sẽ là cái tôn giáo mà những luận điểm cơ bản của nó tương đồng với những luận điểm cơ bản của tất cả các tôn giáo lớn khác. Và những luận điểm ấy rất giản dị, dễ hiểu và không nhiều lời.

Nội dung của những luận điểm ấy là: có Thượng Đế, khởi nguyên của tất cả; trong từng con người có một phần nhỏ của khởi nguyên thần thánh ấy, mà nó có thể làm giảm thiểu hay gia tăng bằng cuộc sống của mình; để gia tăng khởi nguyên ấy con người cần phải kiềm chế những dục vọng của mình và tăng cường tình thương yêu; mà phương sách thực tiễn để đạt được điều ấy là đối xử với những người khác như ta muốn được người khác đối xử với ta. Tất cả những điểm ấy đều là những điểm chung cả cho đạo Bàlamôn, cả cho đạo Do Thái, cả cho đạo Khổng, cả cho Đạo giáo, cả cho đạo Phật, cả cho đạo Kitô, cả cho đạo Hồi (Nếu đạo Phật không đưa ra giới thuyet ve Thượng Đế thì nó vẫn thừa nhận cái mà con người hòa mình vào, nhân chìm mình vào khi đạt Niết bàn. Song cái mà con người hội nhập, khi chìm vào Niết bàn, chính là cái khởi nguyên được xem là Thượng Đế trong đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi).

Nhưng cái đó không phải là tôn giáo”, những người thời nay sẽ nói, vì họ quen xem cái siêu nhiên, tức là cái vô nghĩa, là dấu hiệu chính của tôn giáo; “cái đó là tất cả những gì mà ngài muốn: triết học, đạo đức học, luân lý, nhưng không phải là tôn giáo”. Tôn giáo, theo quan niệm của họ, phải là phi lý và không thể hiểu được (credo quia absurdum). Trong khi ấy thì chỉ từ những luận điểm ấy hay nói đúng hơn, từ sự rao giảng chúng như là một học thuyết tôn giáo, trong quá trình xuyên tạc lâu dài mới dần dần xuất hiện tất cả những phép lạ và sự kiện siêu nhiên vô nghĩa mà người ta xem là những dấu hiệu cơ bản của tôn giáo. Khẳng định rằng tính siêu nhiên và tính vô nghĩa là những thuộc tính cơ bản của tôn giáo chẳng khác nào chỉ quan sát những trái táo thối mà khẳng định rằng vị đắng nhão và ảnh hưởng có hại tới dạ dày là thuộc tính cơ bản của quả táo.

Tôn giáo là sự xác định thái độ của con người với khỏi nguyên của tất cả và sứ mệnh của con người phát sinh từ thái độ ấy, cùng với những quy tắc hành xử phát sinh từ sứ mệnh ấy. Và cái tôn giáo chung, mà những luận điểm cơ bản của nó là thống nhất với tất cả các tín ngưỡng, đáp ứng hoàn toàn những yêu cầu ấy. Nó xác định quan hệ của con người với Thượng Đế như là quan hệ của bộ phận với chỉnh thể; từ quan hệ ấy nó rút ra sứ mệnh của con người, mà cốt lõi là gia tăng trong mình bản tính thánh thần; cũng thuộc sứ mệnh của con người rút ra những quy tắc thực tiễn từ một nguyên tắc: ứng xử với những người khác như ta muốn được người khác ứng xử với ta.

Nhiều người thường hoài nghi, và chính tôi một thời cũng hoài nghi rằng một nguyên tắc trừu tượng như nguyên tắc hãy đối xử với những người khác như ta muốn được người khác đối xử với ta có thể trở thành một nguyên tắc và một kim chỉ nam cho hành vi cũng có tính bắt buộc như là những quy tắc đơn giản hơn – ăn chay, cầu nguyện, thụ lễ ban thánh thể,… Nhưng sẽ là một giải đáp không thể bác bỏ cho mối hoài nghi ấy, nếu ta viện dẫn tâm trạng chẳng hạn của anh nông dân Nga – anh ta thà chết còn hơn nhổ miếng bánh thánh xuống phân, trong khi ấy thì anh ta lại sẵn sàng giết hại những người anh em của mình theo lệnh của người khác.

Vì sao những đòi hỏi được rút ra từ nguyên tắc – đối xử với người như ta muốn được người đối xử với ta – như là: không sát hại những anh em của mình, không mắng chửi, không tà dâm, không trả thù, không lợi dụng hoàn cảnh khó của anh em để thỏa mãn những ham thích của mình và nhiều điều khác lại không thể được giáo dục với cũng sức mạnh như thê và không thể trở thành những điều bắt buộc và không thể vi phạm như là niềm tin vào tính thiêng của lễ ban thánh thể, của các tượng thánh… đôi với những người mà ở họ tín ngưỡng dựa vào sự tín nhiệm nhiều hơn là ý thức nội tâm rõ ràng?

XV

Những chân lý của cái tôn giáo chung cho mọi người của thời đại chúng ta là giản dị, dễ hiểu và gần gũi với trái tim từng người đến nỗi tưởng chừng chỉ cần các bậc phụ huynh, những người cầm quyền và những thầy giáo, thay vì những giáo điều lỗi thời và vô nghĩa mà chính họ cũng không tin về những Chúa ba ngôi, những thánh mẫu, những cuộc cứu chuộc, về những Indra, Trimurti và những Phật Đà và Mahomet bay lên trời – thay vì tất cả cái đó, giáo dục cho trẻ em và người lớn những chân lý giản đơn và rõ ràng của tôn giáo chung cho mọi người, mà cốt lõi siêu hình học của nó là tinh thần của Thượng Đế sống trong con người, còn quy tắc thực tiễn là con người phải đối xử với những người khác như nó muốn được người khác đối xử với mình – thì toàn bộ đời sống loài người sẽ tự nó biến cải.

Chỉ cần hệt như hiện nay người ta nhồi sọ cho trẻ em và xác định cho người lớn niềm tin rằng Thiên Chúa đã cắt cử con trai mình xuống trần để chuộc tội của Adam và đã thiết lập hội thánh của mình, và cần phải tuân phục hội thánh ấy với tất cả những quy định phát sính từ nó về việc phải cầu nguyện và dâng lễ ở chỗ này và lúc này, lúc này cần kiêng thức ăn này và không làm việc trong những ngày này,… – hệt như thế, chỉ cần giáo dục và xác định rằng Thượng Đế là tinh thần, mà biểu hiện của tinh thần ấy sống trong ta và sức mạnh của nó ta có thể gia tăng bằng cuộc sống của mình.

Chỉ cần giáo dục cái đó với tất cả những gì phát sinh tự nhiên từ nguyên lý ấy, cũng như giờ đây người ta nhồi sọ những chuyện kể không cần thiết tí nào về những sự kiện không thể có, cùng với những phép tắc nghi lễ vô nghĩa bắt nguồn từ những chuyện hoang đường ấy – thế thì thay vì sự đấu tranh và chia rẽ ngu ngốc, rất nhanh, không cần sự giúp đỡ của các nhà ngoại giao, của luật pháp quốc tế, của những đại hội hòa bình và hội nghị của các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội chủ nghĩa thuộc đủ mọi phe phái, một cuộc sống thanh bình, hòa thuận, hạnh phúc của cả loài người được một tôn giáo thống nhất hướng đạo sẽ được thiết lập.

Nhưng không diễn ra một cái gì dẫu chỉ na ná như thế: sự dối trá của nền tôn giáo lầm lạc không những không bị bác bỏ, và một tôn giáo chân chính không những không được truyền bá, mà ngược lại, con người ngày càng lùi xa khả năng tiếp thụ chân lý.

Nguyên nhân chính, vì sao người đời lại không làm cái tự nhiên đến thế, thiết yếu đến thế và hữu khả đến thế, là ở chỗ nhân loại thời nay, do cuộc sống không có tôn giáo kéo dài, đã quen thu xếp và củng cố cuộc sống ấy bằng bạo lực, bằng lưỡi lê, đạn dược, ngục tù, giá treo cổ, đến nỗi người ta tưởng rằng một thể chế đời sống như thế không những là bình thường, mà còn không thể có thể chế khác. Không chỉ những ai thu lợi từ trật tự hiện hữu nghĩ thế, cả những người đau khổ vì trật tự ấy cũng bị ám thị và làm ngu đến mức họ cũng coi bạo lực là phương tiện duy nhất của sự tổ chức thiện lương xã hội loài người. Trong khi ấy thì chính sự tổ chức và củng cố đời sống xã hội bằng bạo lực ngày càng đẩy xa khỏi nhân quần khả năng thông hiểu nguyên nhân của những khổ đau của mình và từ đó khả năng có được một tổ chức thiện lương đích thực.

Đang diễn ra cái tương tự như việc mà một thầy thuốc tồi hoặc có ý đồ xấu làm, khi anh ta dồn bệnh sởi ác tính vào bên trong bệnh nhân, và bằng cách ấy không chỉ đánh lừa người bệnh, mà còn làm cho bệnh tăng thêm và sự chữa trị nó trở nên bất khả.

Những người cầm quyền đã nô dịch được quần chúng, quen nghĩ và nói: “après nous le déluge” – (Sau chúng tôi đại hồng thủy cũng được) thấy rất tiện lợi bằng quân đội, giới tăng lữ, binh lính và cảnh sát, bằng mối đe dọa của những lưỡi lê, đạn dược, ngục tù, nhà lao công, giá treo cổ bắt những người bị nô dịch tiếp tục sống trong cảnh bị làm ngu và nô dịch của họ và không ngăn cản họ tận dụng địa vị của họ. Và họ làm điều đó và gọi cái trật tự sự vật này là một kiểu tổ chức cái thiện, trong khi ấy thì không gì ngáng trở sự tổ chức cái thiện trong xã hội như cái đó. Thực chất, kiểu tổ chức này không phải tổ chức cái thiện, mà là tổ chức cái ác.

Nếu mà những người trong những xã hội của chúng ta, với những gì còn lai trong họ từ những nguyên lý tôn giáo dẫu sao vẫn sống trong quần chúng, hằng ngày không trông thấy ngay trước mắt mình những tội ác thường xuyên của những kẻ nhận trách nhiệm giữ gìn trật tự và đạo đức trong đời sống loài người – những cuộc chiến tranh, những cuộc hành hình, những nhà tù, những thuế má, những sự buôn bán thuốc phiẹn, rượu cồn – thì họ sẽ chẳng bao giờ làm dù chỉ một phần trăm những việc xấu xa, những sự lừa bịp, cưỡng bức, giết chóc mà họ hiện đang làm với niềm tin tưởng hoàn toàn rằng những việc ấy là thiện lương và phù hợp với bản tính con người.

Quy luật của đời sống con người nói rằng sự cải thiện nó cho từng con người riêng lẻ cũng như cả xã hội loài người chỉ có thể đạt được thông qua công cuộc hoàn thiện nội tại, đạo đức – tinh thần. Còn mọi cố gắng của con người làm tốt lên cuộc sống của mình bằng những hành động bạo lực đối với nhau thì chỉ là sự truyền bá và là tấm gương hữu hiệu nhất về cái ác, bởi vì chúng không những không làm cho cuộc sống tốt đẹp lên mà, ngược lại, làm gia tăng cái ác, nó như cục tuyết càng lăn càng to ra và càng cuốn loài người đi xa hơn khỏi khả năng duy nhất cải thiện cuộc sống của họ.

Bạo lực và tội ác, được thực hiện dưới chiêu bài hành pháp bởi chính những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự và đạo đức, càng trở thành tập tục thường nhật hơn và tàn bạo hơn và càng được biện chính nhiều hơn bằng sự nhồi sọ cái đội lốt tôn giáo, thì cũng với mức độ như thế, người đời ngày càng quan niệm đinh ninh hơn rằng luật sống của họ không phải là tình thương yêu và phụng sự lẫn nhau, mà là sự đấu tranh và ăn thịt nhau.

Và họ càng đinh ninh hơn trong cái quan niệm hạ họ xuống bậc dã thú ay thì càngTshó có thể tỉnh ngộ khỏi trạng thái bị thôi miên mà lâu nay họ vẫn sống trong đó và khó có thể tiếp nhận làm cơ sở cho đời sống cái tôn giáo chân chính, chung cho cả nhân loại trong thời đại chúng ta.

Hình thành một vòng luân quan: sự thiếu vắng tôn giáo khiến cho cuộc sống thú tính dựa trên bạo lực có khả năng trở thành hiện thực; cuôc sống thú tính dựa trên bạo lực càng ngày càng làm cho con người mất đi khả năng thoát khỏi thôi miên và hấp thụ tôn giáo chân chính thành bất khả. Vì vậy người ta không làm cái là tự nhiên, khả dĩ và cần thiết trong thời đai chúng ta: không phá vỡ sự lưa bịp của ngụy tôn giáo và không hấp thu và truyền bá chân tôn giáo.

XVI

Có thể có hay không lối ra từ cái vòng luẩn quẩn ấy, và nếu có thì ở đâu?

Ban đầu tưởng rằng những người phải dẫn dắt loài người ra khỏi cái vòng ay là các chính phủ đã nhận lấy nhiệm vụ lãnh đạo đời sống của các dân tộc vì lợi ích của họ. Bao người từng gắng sức thay thế thể chế đời sống đặt trên bạo lực bằng một thể chế khác, đặt trên sự phụng sự và thương yêu lẫn nhau, vẫn luôn nghĩ như thế.

Cũng nghĩ như thế cả các nhà cải cách Kitô giáo, cả những người sáng lập các học thuyết cộng sản khác nhau ở châu Âu, và cả nhà cải cách Trung Hoa trứ danh Mặc Tử, ông này đã từng kiến nghị chính phủ, vì lợi ích của dân, dạy cho các trẻ em ở trường không phải các binh pháp và võ thuật và khen thưởng cho người lớn không phải vì các chiến công, mà dạy cho cả trẻ em lẫn người lớn những nguyên tắc về sự tôn trọng và thương yêu lẫn nhau và khen thưởng, khích lệ chỉ những kỳ tích của lòng nhân ái. Cũng nghĩ như thế trong quá khứ và hiện tại nhiều nhà cải cách tôn giáo Nga xuất thân từ nhân dân mà nhiều người tôi đã và đang quen biết đích thân, từ ông Siutajev đến một cụ già đã 5 lần đệ sớ lên hoàng thượng đề nghị ra lệnh bãi bỏ nền tôn giáo lầm lạc và truyền giảng đạo Kitô chân chính.

Theo lẽ tự nhiên người ta tưởng rằng các chính phủ, lấy việc chăm lo cho lợi ích nhân dân để biện chính cho sự tồn tại của mình, phải mong muốn, vì sự gia tăng những lợi ích ấy, tận dụng cái phương tiện duy nhất không trong trường hợp nào có thể phương hại, mà chỉ có thể đem lại những hệ quả tốt lành nhất cho dân. Nhưng không bao giờ và không ở đâu các chính phủ lại nhận lấy nghĩa vụ ấy, ngược lại, họ luôn luôn và ở mọi nơi, với sự ngoan cố lớn nhất bênh vực, bảo vệ cái giáo thuyết hư trá, lỗi thời và bằng mọi phương tiện truy bức những ai cố truyền thụ cho dân những cơ sở của tôn giáo chân chính. Thực ra, tình hình cũng không thể khác được: bóc trần sự sai trái, giả dối của tôn giáo hiện hữu và truyền giảng tôn giáo chân chính – việc ấy đối với các chính phủ chẳng khác nào việc con người chặt đi cái cành cây mà anh ta đang ngồi trên đó.

Nhưng nếu các chính phủ không mong muốn cái đó, thì tưởng chừng các nhà khoa học chắc chắn phải làm được điều ấy, bởi lẽ, đã tự giải phóng khỏi cái tôn giáo lầm lạc, họ mong ước, như chính họ nói, phục vụ nhân dân đã nuôi dưỡng họ. Nhưng những người ấy, cũng như các chính phủ, không làm việc ấy: thứ nhất, vì họ cho là không hợp đích đương đầu với những rắc rối và hiểm họa bị truy bức từ phía chính phủ do việc họ tố cáo sự lừa bịp được chính phủ bênh vực, mà sự lừa bịp ấy, như họ tin tưởng, tự nó sẽ dần dần mất đi; thứ hai vì, coi tôn giáo là một lầm lạc đã bị vượt qua, họ không có cái gì đế mời chào dân chúng thay vì cái trò lừa bịp mà họ có thể đánh đổ.

Phần còn lại là cơ man những người thất học quen sống dưới sự thôi miên lừa dối của chính phủ và giáo hội cho nên tưởng rằng cái tôn giáo hư ngụy mà họ được nhồi sọ là tôn giáo chân chính duy nhất và không có và không thể có một tôn giáo nào khác. Đám quần chúng ấy chịu tác động thường hằng và ráo riết của sự thôi miên; từ thế hệ này sang thế hệ khác họ sống và chết trong trạng thái bị làm ngu mà giáo hội và chính phủ giam giữ họ, và giả sử họ thoát khỏi tình trạng hiện nay, thì tất yếu lại rơi vào trường học của các nhà khoa học phủ định tôn giáo, và ảnh hưởng của những người ấy cũng sẽ vô bổ và độc hại, như ảnh hưởng của những người thay hiện nay.

Thành thử, với một số người, điều ấy bất lợi, với những người khác, điều ấy bất khả.

XVII

Hình như không có lối thoát nào.

Và quả thật, đối với những người vô đạo không có và không thể có bất kỳ một lối nào thoát ra khỏi tình trạng này: những người thuộc các giai cấp thượng lưu cầm quyền nếu vẫn cứ tiếp tục giả bộ là bận tâm với lợi ích của quần chúng nhân dân, thì vẫn sẽ không bao giờ (mà họ cũng không thể làm điều ấy, một khi họ theo đuổi những mục tiêu thế tục) xóa bỏ sự mông muội và ách nô lệ của quần chúng, bởi vì chính chúng đem lại cho họ khả năng thống trị quần chúng. Cũng đúng như thế, cả những người thuộc tầng lớp bị nô dịch theo đuổi những mục đích thế tục, cũng không muốn làm xấu đi hơn nữa hoàn cảnh vốn đã khó khăn của mình bằng cách đấu tranh với các giai cấp thượng lưu, tố cáo giáo thuyết sai lệch và rao giảng giáo thuyết chân chính. Cả những người này lẫn những người kia chẳng việc gì phải làm điều đó và nếu họ là những người khôn ngoan thì họ sẽ chẳng bao giờ làm.

Song tình huống không phải là thế đối với những người có đạo, những con người mà, dù xã hội có hủ bại đến đâu, bao giờ cũng sẽ bằng cuộc sống của mình nuôi dưỡng lửa thiêng của tôn giáo mà không có nó thì không thể có được cuộc sống con người. Có những thời buổi (thời đại ngày nay là thế), khi mà không thấy được những con người ấy, khi mà họ, bị mọi người khinh rẻ và hạ nhục, sống suốt đời không được biết đến và như ở nước ta – trong lưu đây, trong ngục tù, trong các tiểu đoàn phạm binh; thế nhưng có họ, và nhờ họ mà cuộc sống có nghĩa lý của loài người được duy trì.

Và chính những người có đạo ấy, dù họ có ít ỏi bao nhiêu, một mình họ có thể phá vỡ và sẽ phá vỡ cái vòng luẩn quẩn giam hãm loài người. Những người ấy có thể làm được điều ấy, bởi vì tất cả những bất lợi và hiểm nguy ngáng trở con người thế tục chống lại thể chế đời sống hiện tồn không những không tồn tại đối với con người có đạo mà chỉ làm tăng thêm lòng hăng say của anh ta trong cuộc đấu tranh với cái sai trái và giả dối và trong sự truyền bá bằng lời nói và việc làm cái mà anh ta coi là chân lý của Thượng Đế. Nếu anh ta thuộc về các giai cấp cầm quyền, thì anh ta sẽ không muốn che giấu chân lý vì lợi lộc của địa vị cá nhân, nhưng ngược lại, căm ghét những lộc lợi ấy, anh ta sẽ dốc mọi tâm lực vào việc giải phóng mình khỏi những lợi lộc ấy và truyền giảng chân lý, bởi vì trong đời anh ta sẽ không còn mục đích nào khác, ngoài phụng sự Thượng Đế.

Còn nếu anh ta thuộc về tầng lớp bị nô dịch, thì cũng đúng như thế, từ bỏ nguyện vọng chung cho mọi người trong hoàn cảnh của anh ta là cải thiện những điều kiện của đời sống thân xác, anh ta sẽ không còn có một mục đích nào khác ngoài thực hiện ý chí của Thượng Đế bằng sự vạch trần cái sai trái giả dối và truyền bá chân lý, và không đau khổ và đe dọa nào còn có thể bắt buộc anh ta thôi sống phù hợp với cái ý nghĩa duy nhất mà anh ta đã nhận ra cho cuộc sống của mình.

Cả người này lẫn người kia đều sẽ hành xử cũng tự nhiên như một người thế tục đã quen lao động, chịu đựng gian khổ để làm giàu hay để chiều ý ông chủ, hòng nhận được nhiều lợi lộc từ ông chủ ấy. Bất kỳ con người tin đạo nào cũng hành xử như thế, bởi vì một tâm hồn được khai hóa bởi tôn giáo đã sống không chỉ bằng đời sống của thế gian, như những người vô đạo vẫn sống, mà sống bằng sự sống vĩnh cửu, vô tận, mà với sự sống ấy, những khổ đau và cái chết trong đời này cũng không đáng kể, như chai trên bàn tay và sự mỏi mệt của tứ chi đối với người thợ cày ruộng.

Đấy, chính những người ấy sẽ phá vỡ cái vòng luẩn quẩn hiện đang giam hãm nhân quần. Dù những người ấy có ít ỏi đến đâu, dù vị trí xã hội của họ có thấp kém đến đâu, dù học vấn và trí lực có yếu đến đâu, những con người ấy, hệt như ngọn lửa làm cháy thảo nguyên khô héo, sẽ đốt sáng toàn thế giới, thắp sáng tất cả các trái tim khô cằn vì cuộc sống lâu ngày không có tôn giáo và khao khát đổi mới.

Tôn giáo không phải là niềm tin được xác lập một lần là xong vào những sự kiện siêu nhiên được cho là đã xảy ra vào lúc nào đó, và vào tính thiết yếu của những nghi lễ và nguyện cầu nhất định; và cũng không phải, như các nhà khoa học nghĩ, là tàn dư của những mê tín dị đoan thời cổ xưa ngu tối đã không còn có ý nghĩa và tác dụng gì trong thời đại ngày nạy; tôn giáo là cái thái độ, được xác lập một cách phù hợp với lý trí và với tri thức hiện đại, của con người đối với sự sống vĩnh hằng và đối với Thượng Đế, mà chỉ một mình nó (thái độ ấy) thúc đẩy loài người tiến bước hướng tới mục đích được định trước cho nó.

“Hồn người là ngọn đèn của Thượng Đế” – ngạn ngữ anh minh của người Do Thái nói. Con người là vật sống yếu đuối, bất hạnh, chừng nào ánh sáng của Thượng Đế còn chưa chiếu sáng trong nó. Nhưng khi ánh sáng ấy bừng lên (mà nó chỉ bừng lên trong tâm hồn được khai sáng bởi tôn giáo) thì con người trở thành sinh linh hùng mạnh nhất thế giới. Và điều ấy không thể là khác, bởi vì khi ấy đã không phải sức mạnh của nó, mà sức mạnh của Thượng Đế hoạt động trong nó.

Đấy, tôn giáo chính là cái đó và bản chất của nó là ở đấy.

[1901 -1902]

Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu (“Chto takoe religija i V chem sushchnost’ jeje”) Khảo luận này được viết vào những năm 1901 – 1902. Trong thời kỳ này, Tolstoi bị ốm nặng, rất ít khả năng qua khỏi, cho nên vấn đề về tôn giáo lại càng trở nên quan trọng đối với ông và ông cảm thấy cần phải một lần nữa xác định đức tin của mình trong tương quan với những quan điểm phổ biến về tôn giáo cùng thời. Tư tưởng chủ đạo của khảo luận này là: tôn giáo đích thực ngày càng mất đi chỗ đứng trong xã hội hiện đại, nhưng chính vì thế những ai còn giữ được đức tin cần phải kiên định đến cùng với niềm tin của mình.

[87] … nghi lễ chính … là sự ăn chính Thượng Đế của mình – Ám chỉ lễ ban thánh thể trong đạo Kitô. Xem chú thích 86 cho bài trên.

[88] .. Thiên Chúa vừa là một, vừa là ba…- Tín điều về Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, một trong hai tín điều trung tâm của đạo Kitô.

[89] … định thức Nicée … – xem chú thích cho bài Tư bạch.

[90] … như vừa mới xảy ra ở Trung Quốc… – Tolstoi nói đến những cuộc xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc của các đế quốc phương Tây vào đầu thế kỷ XX.

[91]  … những tội ác gần đây nhất chống lại người Boer … – Chiến tranh Anh – Boer 1899 – 1902. Xem chú thích đầu tiên cho bài Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x