Trang chủ » 20. GỬI NHÂN DÂN LAO ĐỘNG

20. GỬI NHÂN DÂN LAO ĐỘNG

by Trung Kiên Lê
104 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

“Các người sẽ nhận ra chân lý và chân lý sẽ làm cho các người trở nên tự do.”

John, VIII, 32

Tôi sống không còn lâu nữa, cho nên trước khi chết tôi muốn được nói với các bạn, những người lao động, những điều mà tôi nghĩ về tình trạng bị áp bức của các bạn và về những phương tiện mà bằng chúng, các bạn có thể giải phóng mình khỏi tình trạng ấy.

Có thể một vài điều từ những gì tôi suy nghĩ (mà tôi đã nghĩ nhiều về chuyện này) sẽ thích dụng cho các bạn.

Đương nhiên tôi nói với những người lao động Nga mà giữa họ, tôi đang sống và hiểu biết họ hơn những người lao động của các nước khác. Nhưng tôi hy vọng cả với những người lao động ở các nước khác, một vài suy nghĩ của tôi cũng có thể không vô bổ.

I

Bất cứ ai có mắt và có trái tim cũng đều thấy rằng các bạn, những người lao động, phải sống suốt đời trong nghèo khó và trong lao động nặng nhọc không cần thiết, trong khi ấy thì những người khác, không lao động, lại hưởng tất cả những gì mà các bạn làm, rằng các bạn là những nô lệ của những người ấy, và đây là điều lẽ ra không được có.

Nhưng làm thế nào để cái đó không có nữa?

Phương tiện đầu tiên, đơn giản nhất và tự nhiên nhất đã và đang được nghĩ tới nhằm thực hiện điều đó là bằng vũ lực tước đoạt của những người sống bằng lao động của các bạn những gì mà họ hưởng không chính đáng. Từ thời thượng cổ những người nô lệ ở La Mã đã xử sự như thế; trong thời trung cổ, nông dân ở Đức và Pháp cũng xử sự như thế. Cả ở Nga vào thời Stepan Razin và Pugachev, người ta đã nhiều lần xử sự như thế, và hiện nay những người lao động Nga đôi khi cũng làm như thế.

Những người lao động bị bạc đãi thường nghĩ trước hết tới phương tiện ấy, nhưng thực ra phương tiện này không những không bao giờ đạt được mục đích của nó, mà phần nhiều thường làm xấu đi chứ không làm tốt lên thân phận của những người lao động. Ngày xưa, khi mà quyền lực của chính phủ chưa mạnh như ngày nay, còn có thể hy vọng vào thành công của các cuộc nổi loạn kiểu ấy; nhưng giờ đây khi mà chính phủ luôn luôn bênh vực những người không lao động, nắm trong tay cả những khoản tiền khổng lồ, cả đường sắt, cả điện tín, cả cảnh sát, cả những lực lượng an ninh đặc nhiệm, cả quân đội, thì tất cả những toan tính như thế đều kết thúc giống như những manh động gần đây ở các tỉnh Poltava và Kharkov, tức là những người nổi loạn chém giết, hành hạ những người khác, và quyền lực của những người không lao động đối với những người lao động càng được củng cố và trở nên bền vững hơn.

Cố đấu tranh với bạo lực bằng bạo lực, các bạn, những người lao động, hành động như một người bị trói để cởi trói chomình lại cứ kéo những sợi dây trói buộc anh ta: anh ta sẽ chỉ kéo chặt hơn những nút dây đang giam hãm anh. Tình trạng cũng là thế với những mưu toan bằng bạo lực lấy lại cáí đã bị tước đoạt bằng thủ đoạn nhưng đang được giữ bằng bạo lực.

II

Phương tiện bạo loạn không đưa tới đích và không làm tốt lên mà phần nhiều chỉ làm xấu đi tình trạng của những người lao động – điều này bây giờ đã trở thành hiển nhiên. Vì thế, trong thời gian gần đây, những người mong muốn, hay ít nhất nói rằng họ mong muốn, những điều tốt lành cho nhân dân lao động đã nghĩ ra một phương tiện mới nhằm giải phóng những người lao động.

Phương tiện mới ấy căn cứ vào học thuyết nói rằng tất cả những người lao động sau khi đã mất đi toàn bộ đất đai mà trước đó họ sở hữu và đã trở thành công nhân làm thuê ở các nhà máy (điều mà theo học thuyết ấy phải tất yếu diễn ra, y như mặt trời phải mọc vào giờ nhất định), bằng việc tổ chức những công đoàn, hiệp hội, những cuộc biểu tình và bầu những đại diện của mình vào các nghị viện sẽ ngày càng cải thiện tình trạng của mình, và cuối cùng sẽ chiếm hữu tất cả các nhà máy, xưởng, nói chung tất cả mọi công cụ lao động, trong đó có cả đất đai, và khi ấy họ sẽ trở nên hoàn toàn tự do và no ấm. Mặc dù học thuyết khuyến nghị phương tiện này đầy rẫy những mơ hồ, những luận điểm võ đoán, những mâu thuân và những điều nhảm nhí đơn thuần nhưng trong thời gian gần đây nó ngày càng được truyền bá rộng hơn.

Học thuyết này được tiếp nhận không chỉ ở những nước mà đa số dân cư mấy thế hệ đã thoát ly nghề nông mà còn cả ở những nước đa số người lao động còn chưa có ý định rời bỏ đất.

Cứ tưởng cái học thuyết đòi hỏi người lao động nông thôn đổi những điều kiện quen thuộc, lành mạnh và vui tươi của lao động nông nghiệp lấy những điều kiện không lành mạnh, buồn tẻ và độc hại của lao động đơn điệu và làm mông muội con người ở nhà máy, đổi vị thế độc lập mà người lao động nông thôn luôn luôn cảm thấy từ việc bằng lao động của mình thỏa mãn hầu hết mọi nhu cầu của mình lấy tình cảnh phụ thuộc một cách nô lệ vào ông chủ của người công nhân nhà máy – cứ tưởng học thuyết ấy sẽ không thể có được một tí thành công nào ở những nước nơi mà người lao động còn chưa rời bỏ nghề nông. Nhưng sự rao giảng cái học thuyết thời thượng, được gọi là chủ nghĩa xã hội ấy, cả ở những nước như Nga, nơi mà 98% người lao động đang sống bằng nghề nông, lại được tiếp nhận hào hứng bởi cái 2% nhân dân lao động đã hay đang rời bỏ nghề nông.

Điều này xảy ra do việc những người lao động từ bỏ nông nghiệp vô hình trung trở thành con mồi của những cám dỗ gắn liền với đời sống nhà máy và đô thị. Còn sự biện hộ cho những cám dỗ ấy thì họ tìm thấy trong học thuyết xã hội chủ nghĩa xem sự gia tăng nhu cầu là dấu hiệu của sự hoàn thiện con người.

Những người lao động ấy, ngấu nghiến những mẩu vụn của học thuyết xã hội chủ nghĩa, hăng say rao giảng học thuyết ấy cho những người anh em của mình, và từ sự rao giảng ấy và từ những nhu cầu mới nảy sinh, họ xem mình là những con người tiên tiến, đứng cao hơn một cách không thể sánh vói anh mugic cục mịch làm nghề nông. Thật may, những người lao động như thế ở Nga còn rất ít: tuyệt đại đa số dân lao động Nga, được hợp thành từ những người canh tác đất, chưa bao giờ nghe nói về học thuyết xã hội chủ nghĩa; còn nếu có nghe nói thì cũng chỉ xem học thuyết ấy như là một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với họ và không dính dáng gì đến những nhu cầu đích thực của họ.

Tất cả những mưu mô của phái xã hội chủ nghĩa về những hiệp hội, những hoạt động biểu tình, bầu cử đại diện vào nghị viện, mà nhờ chúng các công nhân nhà máy cố gắng cải thiện tình cảnh nô lệ của mình với những người lao động nông nghiệp tự do lại không có một ý nghĩa nào hết.

Nếu người lao động nông nghiệp cần một cái gì, thì đó tuyệt đối không phải là sự tăng lương, không phải sự giảm bớt giờ làm việc, không phải những quỹ chung, v.v… mà chỉ là đất đai – cái ở khắp nơi họ còn có quá ít để có thể nuôi sống mình và gia đình mình. Mà về cái duy nhất cần thiết ấy cho những người lao động nông thôn thì trong học thuyết xã hội chủ nghĩa lại không thấy nói gì.

III

Đất, đất đai tự do là phương tiện duy nhất để cải thiện tình huống và tự giải phóng khỏi ách nô lệ – điều này tất cả những người lao động thông minh ở Nga đều hiểu.

Một người nông dân Nga thuộc giáo phái Stunde viết cho một người quen như sau: “Nếu làm cách mạng mà đất vẫn sẽ là sở hữu tư nhân thì tất nhiên chẳng đáng làm. Đấy, những người anh em của chúng ta sống ở Rumani kể rằng bên ấy có hiến pháp, có nghị viện, nhưng hầu như toàn bộ đất đai vẫn nằm trong tay địa chủ, vậy thì dân chúng có ích lợi gì từ cái nghị viện ấy? Trong nghị viện, họ kể, chỉ có mỗi một việc ấy là đảng này tranh đấu với đảng kia, nhưng dân thì vẫn bị nô dịch khủng khiếp và bị buộc chặt vào các điền chủ. Các điền chủ lập trên đất của mình những trang trại. Người ta cho người mugic thuê khoảng một nửa đất và thường chỉ cho thuê một năm.

Nếu người mugic đã canh tác tốt mảnh đất ấy, thì năm sau người ta sẽ gieo trồng ở đấy và cho anh mugic thuê đất ở chỗ khác. Những người bần nông ấy sống mấy năm trên đất của một điền chủ mà vẫn mắc nợ y. Chính phủ tước đi của họ cái cuối cùng, bắt nộp thuế khóa, cống nạp, và thế là ngựa, bò, xe kéo, cày, quần áo, vải giường, bát đĩa – tất cả phải bán phá giá. Khi ấy thì người bần nông phải đem cả gia đình đói khổ của mình sang với một điền chủ mới mà anh ta tưởng là sẽ nhân từ hơn. Người ấy cho anh ta vay mượn bò kéo, cày bừa, hạt giống, v.v… Nhưng qua một thời gian, sự việc lại lặp lại. Và người bần nông trở về với điền chủ cũ… Vào mùa gặt những điền chủ tự gieo trồng thuê nhân công, nhưng cách thức trả công của họ là chi sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, và chi hiếm hoi mới có một điền chủ trả công cho những người làm, còn đa số, nếu không phải tất cả, thì không trả dù chi một nửa!

Và không có tòa án nào hết! Đấy, anh thấy chưa, hiến pháp là thế đấy! Nghị viện là thế đấy! Cho nên đất là điều kiện đầu tiên mà dân chúng phải đòi cho bằng được! Còn các nhà máy và xưởng thợ thì, tôi nghĩ, sẽ tự được chuyển giao cho công nhân, khi nông dân nhận được ruộng đất và họ sẽ làm việc trên đất ấy và sống tự do bằng lao động ấy. Khi ấy nhiều người sẽ từ chối làm việc ở nhà máy và xưởng thợ, vì thế các công nhân sẽ ít bị cạnh tranh hơn. Tiền lương của họ sẽ tăng, và họ sẽ có thể thành lập các tổ và quỹ và những thứ khác, và sẽ có thể trực tiếp cạnh tranh với chủ, và khi cánh chủ thấy sở hữu nhà máy không có lợi thì họ sẽ thỏa hiệp với công nhân. Đối tượng chính của cuộc chiến là đất! Điều này cần được giải thích cho cả các công nhân. Nếu nhờ đấu tranh mà họ có được tăng lương thì cũng chỉ tạm thời, để trấn an nhân tâm. Nhưng rồi điều kiện sống lại thay đôi, và nêu cứ một người bất mãn lại có mười người chờ chiếm chỗ của anh ta thì làm sao có thể đòi tăng lương?”

Nếu những tin tức được thông báo trong thư này về thể chế ở Rumani không hoàn toàn chính xác, nếu ở các nước khác không có sự hà hiếp như vậy thì dẫu sao thực chất vấn đề, cụ thể là điều kiện trước tiên để cải thiện tình cảnh của những người lao động là đất tự do, vẫn được trình bày trong bức thư này một cách sáng rõ phi thường.

IV

“Đối tượng chính của cuộc chiến là đất!”, người nông dân Nga thiếu học ấy viết. Song, các nhà xã hội chủ nghĩa thông thái thì lại nói rằng đối tượng tranh chấp chính là nhà máy, xưởng thợ, sau đó mới là đất. Để những người lao động có được đất, theo học thuyết xã hội chủ nghĩa, cần phải đấu tranh với lũ tư bản để sở hữu được các nhà máy và xưởng thợ và chỉ khi họ đã sở hữu được chúng thì họ mới được sở hữu cả đất nữa. Dân chúng cần có đất, nhưng người ta lại bảo họ rằng để có được đất, họ trước tiên phải từ bỏ nó rồi sau đó bằng một quá trình phức tạp được các nhà tiên tri xã hội chủ nghĩa tiên định, sẽ thu nhận lại nó cùng với những nhà máy và xưởng thợ hoàn toàn không cần thiết cho họ. Cái yêu cầu thu nhận những nhà máy và xưởng thợ không cần thiết cho người canh tác đất để có được đất giống như những thủ đoạn mà những người cho vay nặng lãi vẫn dùng.

Bạn xin vay một nghìn rúp bằng tiền – bạn chỉ cần tiền, nhưng người cho vay nói với bạn: “Tôi không thể cho ông vay chỉ một nghìn rúp, ông hãy cầm lấy của tôi năm nghìn, trong đó bốn nghìn dưới dạng mấy trăm put (đơn vị đo trọng lượng Nga, bằng 16 kg) xà phòng, mấy cuộn vải lụa và một số đồ dùng khác không cần cho ông, chỉ khi ấy thì tôi mới có thể cho ông vay một nghìn rúp mà ông cân.”

Cũng như thế, các nhà xã hội chủ nghĩa quyết đoán hoàn toàn không đúng rằng đất cũng là công cụ lao động như nhà máy hay xưởng thợ, khuyến nghị với những người lao động khổ sở chỉ vì thiếu đất canh tác rằng họ cần phải rời bỏ đất, nắm lấy những nhà máy sản xuất đại bác, súng ống, nước hoa, xà phòng, gương kính, dải lụa và những xa xỉ phẩm khác, và chỉ sau khi những người lao động ấy đã học được cách làm ra tốt và nhanh những gương kính, dải lụa nhưng lại trở nên không có năng lực canh tác đất nữa thì mới sở hữu cả đất.

V

Dù có là quái lạ thế nào trông thấy một người lao động đã từ bỏ cuộc sống ở nông thôn, giữa ruộng vườn và đồng cỏ, để một chục năm sau, và đôi khi sau mấy thế hệ, mừng rỡ nhận được từ chủ mình một ngôi nhà nhỏ ở nơi không khí đã nhiễm độc với một mảnh vườn ba xagien – đơn vị đo chiều dài Nga, bằng 3.13m mà ở đấy có thể trồng được một chục gốc dưa chuột với vài cây hướng dương, nỗi mừng vui ấy cũng dễ hiểu.

Khả năng sống trên đất, bằng lao động của mình kiếm ăn từ đất luôn luôn đã và mãi mãi là một trong những điều kiện chính cho cuộc sống hạnh phúc và độc lập của con người. Mọi người từng biết và vẫn luôn luôn biết điều ấy, và vì vậy xưa kia cũng như ngày nay và mai sau con người đã, đang và sẽ hướng về một đời sống giống như thế, như cá hướng về nước.

Nhưng học thuyết xã hội chủ nghĩa lại nói rằng để có hạnh phúc, con người không cần một đời sống giữa cây cỏ và động vật, với khả năng bằng lao động canh tác đất thỏa mãn hầu hết những nhu cầu của mình, mà cần một đời sống trong những trung tâm công nghiệp với không khí ô nhiễm, nhưng với những nhu cầu mỗi ngày một tăng, mà sự thỏa mãn chúng chỉ có thể đạt được băng lao động vô nghĩa ở nhà máy.

Và những người lao động, rối trí bởi những cám dỗ của đời sống công nghiệp, tin vào điều đó và đổ hết sức lực vào cuộc đau tranh đáng thương với cánh tư bản vì số giờ làm việc và mấy đồng xu cho thêm, mà lại tưởng mình đang làm một việc rất quan trọng, trong khi ấy thì việc duy nhất quan trọng mà những người lao động bị bứt khỏi đất phải dồn hết sức vào, đó là tìm ra phương cách trở về với đời sống giữa thiên nhiên và với lao động canh tác đất. Nhưng, các nhà xã hội chủ nghĩa nói, cứ cho rằng đời sống giữa thiên nhiên quả thật tốt hơn đời sống ở nhà máy, nhưng hiện nay đã có quá nhiều công nhân nhà máy và họ đã từ lâu rời bỏ cuộc sống nhà nông đến nỗi sự trở về với đời sống trên đất đối với họ đã trở thành không thể.

Không thể bởi vì sự chuyển dịch như vậy sẽ chỉ làm giảm thiểu một cách hoàn toàn không cần thiết sản phẩm công nghiệp tạo thành tài sản quốc gia. Ngoài ra, giả sử không xảy ra chuyện ấy, thì vân sẽ không đủ đất tự do để cho các công nhân nhà máy định cư và canh tác kiếm sống.

Nói rằng việc dân công nghiệp trở về với đất sẽ làm giảm sút tài sản của loài người là không đúng, bởi vì cuộc sống trên đất không loại trừ khả năng những người lao động có thể dành một phần thời gian của mình cho lao động công nghiệp tại nhà hay thậm chí tại nhà máy. Còn nếu do sự chuyển dịch ấy mà việc sản xuất nhiều vật vô ích và có hại, giờ đây được chế tạo nhanh đến thế ở các nhà máy lớn, sẽ giảm bớt và cũng sẽ chấm dứt tình trạng sản xuất dư thừa những đồ dùng cần thiết – một hiện tượng ngày nay đã trở nên quen thuộc – song lại gia tăng số lượng ngũ cốc, rau quả, gia cầm, thì cái đó tuyệt không làm giảm sút mà chỉ làm gia tăng tài sản của loài người.

Còn lập luận nói rằng sẽ không đủ đất để định cư và nuôi sống tất cả những công nhân nhà máy cũng không đúng, bởi vì ở đa số nước, chưa nói đến Nga, nơi mà đất đai, hiện nay bị các điền chủ lớn chiếm giữ, đủ để cho tất cả các công nhân công nghiệp ở Nga và châu Âu định cư, ngay cả ở những nước như Anh và Bỉ, những đất hiện nay thuộc về các điền chủ lớn, đủ để nuôi sống tất cả các công nhân nhà máy, chỉ cần trình độ canh tác đất đạt tới độ hoàn thiện khả dĩ với những thành tựu kỹ thuật ngày nay, hoặc ít nhất là tới độ hoàn thiện đã có được hàng ngàn năm trước ở Trung Quốc.

Những ai quan tâm đến vấn đề này hãy đọc các cuốn sách La conquête du pain – sự chinh phục bánh mì (tiếng Pháp), tên tiếng Nga của tác phẩm Bánh mì và tự do và Field, Factries and Workshops – đồng ruộng, nhà máy và xưởng thợ của Kropotkin, và cuốn sách nhỏ rất hay Vườn mì của Popov, do nhà xuất bản Posrednik ấn hành, thì họ sẽ thấy rằng năng suất nông nghiệp, nếu đất được canh tác tốt, có thể gia tăng gấp bao nhiêu lần nữa, và một lượng người lớn hơn gấp bao lần so với hiện nay có thể kiếm sống từ một diện tích đất. Còn những phương thức cải tiến canh tác thì nhất định sẽ được các điền chủ nhỏ áp dụng, nếu họ sẽ không bị bắt buộc, như hiện nay, nộp mọi thu nhập của mình cho những điền chủ lớn đã cho họ thuê đất, những người này thì tuyệt không thấy cần phải gia tăng năng suất đất, một khi chẳng lo lắng gì mà họ vẫn thu được từ đất những lợi nhuận lớn.

Người ta bảo: chẳng bao giờ đủ đất tự do cho mọi người lao động, lo lắng làm gì đến việc làm sao cho họ lấy lại đất từ tay các điền chủ.

Lập luận này tương tự như lập luận mà một chủ nhà sẽ làm trước một đám người trong bão tố và rét mướt đứng túm tụm trước cửa ngôi nhà vắng người ở và xin nương náu: “Không nên cho họ vào nhà, vì chắc gì đủ chỗ cho tất cả.” Hãy cứ cho những ai cầu xin vào nhà, rồi qua việc họ thu xếp với nhau sẽ thấy có đủ chỗ cho mọi người không, hay chỉ cho một bộ phận. Ngay cả nếu không đủ chỗ cho tất cả thì tại sao lại không cho vào một lượng người có thể tìm được chỗ?

Với đất đai cũng thế. Hãy cấp đất đang bị chiếm giữ cho những người lao động cầu xin có đất, rồi sẽ rõ có đủ đất hay không.

Ngoài ra, lập luận về sự không đủ đất cho những người lao động hiện đang làm việc ở các nhà máy còn không đúng cả về thực chất. Nếu dân nhà máy hiện giờ ăn bánh mì mua, thì không có lý do gì để cho họ lại không thể, thay vì phải mua bánh mì do những người khác sản xuất, tự canh tác đất để sản sinh ra bánh mì nuôi sống họ, bất cứ đất ấy ở đâu: ở Ấn Độ, ở Achentina, ở châu Úc hay ở Siberia.

Cho nên tất cả những luận thuyết, vì sao công nhân nhà máy không nên và không được trở về với đất, đều không có căn cứ nào hết, ngược lại, sự trở về như thế sẽ không phương hại chút nào đến lợi ích chung, mà sẽ chỉ còn làm gia tăng nó và sẽ xóa bỏ nạn đói kinh niên ở Ấn Độ, ở Nga và nhiều nơi khác, nạn đói ấy, rõ ràng hơn tất cả mọi thứ khác, cho thấy sự phân phối đất hiện nay là không hợp lý.

Có điều, ở những nơi mà công nghiệp nhà máy phát triển đặc biệt, như ở Anh, Bỉ và một số bang nước Mỹ, cuộc sống của những người lao động đã biến chất đến nỗi việc họ trở về với đất xem ra rất khó. Nhưng tính khó khăn của sự trở về với đời sống nhà nông như thế tuyệt nhiên không loại trừ khả năng thực hiện một sự chuyển dịch như thế. Để cho sự chuyển dịch ấy được thực hiện, trước hết cần làm sao cho những người lao động hiểu ra rằng sự chuyển dịch ấy là cần thiết cho lợi ích của họ và họ sẽ tự tìm kiếm những phương cách thực hiện nó, chứ không coi, như học thuyết xã hội chủ nghĩa dạy bảo họ, cái ách nô lệ tại nhà máy hiện nay là trạng thái vĩnh viễn không đổi thay mà chỉ có thể được giảm nhẹ, chứ không bị xóa bỏ.

Cho nên cái những người lao động đã rời bỏ ruộng đất và sống bằng làm việc ở nhà máy cần không phải là những hiệp hội, những đoàn thể, những cuộc bãi công và những cuộc diễu hành ấu trĩ với cờ quạt trong ngày 1 tháng Năm, v.v… mà chỉ cần một điều: tìm những phương cách giải phóng mình khỏi ách nô lệ nhà máy và trở về với đất, mà trở ngại chính cho việc này là sự chiếm giữ đất đai bởi những người không canh tác đất. về việc này, họ cần phải cầu thỉnh và đòi hỏi ở các chính phủ của mình. Và đòi cái đó, họ sẽ không đòi một cái gì của người khác, không thuộc về họ, mà chỉ đòi trả lại cho họ cái quyền không thể nghi ngờ nhất và không thể tước đoạt nhất mà con vật nào cũng có – sống trên đất và kiếm sống từ đất mà không phải xin phép người khác, về việc ấy, những đại biểu của nhân dân lao động trong các nghị viện phải đấu tranh, báo chí bênh vực người lao động phải truyền bá, và bản thân các công nhân nhà máy phải chuẩn bị thực hiện.

Vấn đề là thế đối với những người lao động đã rời bỏ đất. Còn với những người, như đa số dân lao động Nga hiện giờ vẫn sinh sống 98% trên đất, thì vấn đề là làm sao không từ giã đất và, không sa ngã trước những cám dỗ của đời sống nhà máy đang lôi cuốn họ, cải thiện hoàn cảnh của mình.

Để có cái đó, cần làm một việc: giao lại đất đang bị các điền chủ lớn chiếm giữ cho những người lao động.

Các vị hãy hỏi bất kỳ người nông dân Nga nào đang kiếm sống ở đô thị mà các vị bắt gặp, vì sao cuộc sống của anh ấy không tốt, và tất cả sẽ trả lời một câu: vì không có đất, không có gì để canh tác. Thế mà chính ở nước Nga ta, nơi toàn dân rên xiết không ngớt về sự thiếu đất, một số người mong muốn phục vu nhân dân lại rao giảng cho họ không phải nhưng phương sách lấy lại đất đai bị chiếm đoạt, mà là những thủ đoạn đấu tranh với cánh tư bản ở nhà máy.

“Nhưng lẽ nào tất cả mọi người đều phải sống ở làng quê và làm nghề nông?”, những người đã quen với lối sống phi tự nhiên của nhân loại hiện đại đến nỗi họ thấy điều ấy là một cái gì đó kỳ quặc và bất khả, sẽ hỏi như thế. Nhưng vì sao mọi người lại không nên sống ở làng quê và không nên làm nghề nông? Còn nếu vẫn có những người có thị hiếu kỳ quặc đến nỗi họ ưa thích sự nô lệ ở nhà máy hơn là cuộc sống nông thôn, thì sẽ không có gì cản trở họ. Vấn đề chỉ ở chỗ làm sao cho từng người một có khả năng sống như người. Khi chúng ta nói mong sao ai ai cũng có thể có gia đình, chúng ta không nói rằng ai ai cũng phải kết hôn và phải có con, mà chỉ nói rằng một chế độ xã hội mà trong đó con người không có được khả năng ấy là chế độ tồi tệ.

VI

Ngay trong thời chế độ nông nô, những người nông dân từng nói với chủ của họ: “Chúng tôi là của các ngài, nhưng đất là của chúng tôi”, tức là theo ý họ, cho dù việc người sở hữu người có bất chính và tàn nhẫn đến đâu thì việc người không lao động trên đất nhưng lại sở hữu đất còn bất chính và tàn nhẫn hơn nữa. Có điều gần đây một số nông dân Nga, bắt chước các điền chủ, bắt đầu tậu đất và buôn bán đất, xem sự sở hữu đất là hợp pháp và không sợ bị tước đoạt. Nhưng chỉ một số ít người nông nổi và mù quáng vì hám lợi mới làm như thế.

Còn đa số, tất cả những nông dân Nga thực thụ, đều quan niệm đinh ninh rằng đất không thể là và không được là sở hữu của những người không canh tác nó, và nếu giờ đây đất vẫn bị những người không lao động chiếm đoạt của những người lao động, thì sẽ đến ngày nó được lấy đi khỏi những người hiện đang sở hữu nó và trở thành, như nó luôn luôn phải là, tài sản chung. Và khi những người nông dân Nga cho rằng cái đó phải đến và sẽ đến trong thời gian rất gần, thì họ hoàn toàn có lý. Đã đến lúc, khi mà tính bất công, tính vô lý và tàn nhẫn của việc sở hữu đất bởi những người không lao động trên đất trở nên cũng hiển nhiên như 50 năm trước đây đã trở nên hiển nhiên tính bất công, vô lý và tàn nhẫn của sự sở hữu nông nô.

Do những phương thức áp bức khác đã bị xóa bỏ hay vì loài người đã được khai hóa hơn, chỉ có điều giờ đây mọi người (cả những ai có lẫn những ai không có đất) đã thấy rõ cái mà trước đây không thấy, ấy là nếu một người nông dân suốt đời lao động và tiếp tục lao động mà vân không có đủ bánh mì bởi vì không có chỗ gieo trồng lúa mì, không có sữa cho con trẻ và người già bởi vì không có bãi chăn thả gia súc, không có gỗ để sửa sang ngôi nhà đã mục nát và để sưởi ấm, trong khi ấy thì một điền chủ không lao động, sống trong điền trang mênh mông của mình, nuôi lũ chó con bằng sữa, xây quán hóng mát và chuồng ngựa với vách bằng kính gương, chăn nuôi cừu, trồng rừng và vườn trên diện tích hàng chục ngàn đêxiatina – đơn vị đo lường diện tích Nga, bằng 1.09 hecta, chi tiêu và ăn uống một tuần với số tiền đủ để nuôi sống cả một làng bên cạnh đang chịu đói – thì một thể chế đời sống như thế rõ ràng không được phép tồn tại.

Sự bất công, vô lý và tàn nhẫn của tình trạng ấy bây giờ đã đập vào mắt mọi người, cũng như trước đây đã đập vào mắt mọi người sự bất công, vô lý và tàn nhẫn của chế độ nông nô. Và khi mà mọi người đã thấy rõ tính bất công, vô lý và tàn nhẫn của một chế độ nào đó thì chế độ ấy bằng cách này hay cách khác tất yếu phải cáo chung. Chế độ nông nô đã cáo chung như thế, chế độ sở hữu ruộng đất cũng phải và sẽ phải cáo chung như thế trong thời gian rất gần.

VII

Chế độ sở hữu ruộng đất tất yếu phải bị xóa bỏ, bởi vì sự bất công, vô lý và tàn nhẫn của nó dã trở nên quá hiển nhiên, vấn đề chỉ ở chỗ, nó sẽ bị xóa bỏ bằng cách nào? Chế độ nông nô và nô lệ không chỉ ở Nga mà còn ở tất cả các nước đã bị hủy bỏ bằng sắc lệnh của các chính phủ. Và tưởng chừng, chế độ sở hữu đất đai cũng có thể được hủy bỏ bằng sắc lệnh như thế. Nhưng vị tất một sắc lệnh như thế có thể và sẽ được các chính phủ ban hành.

Tất cả các chính phủ đều được tạo thành bởi những người sống bằng lao động của kẻ khác. Mà sự sở hữu đất đai, hơn mọi cái khác, tạo điều kiện cho cuộc sống như thế. Do đó không chỉ những người cầm quyền và những điền chủ lớn sẽ không cho phép xóa bỏ sở hữu đất, mà cả những người không liên quan đến chính phủ hoặc chế độ sở hữu đất như các viên chức, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các thương nhân phục vụ cho những người giàu đều bằng bản năng cảm thấy quyền sở hữu đất gắn liền với địa vị ưu đãi của họ, cho nên họ luôn luôn hoặc bênh vực quyền ấy, hoặc, trong khi chỉ trích mọi thứ khác không quan trọng bằng, không bao giờ đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai.

Một minh họa đáng kinh ngạc cho lập trường, như thế của những người thuộc các tầng lớp giàu có ta có thể thấy trong sự thay đổi những quan điểm về sở hữu đất của Herbert Spencer lừng danh. Chừng nào Herbert Spencer còn là một thanh niên mới khởi nghiệp, chưa có quan hệ với các giới phú gia và cầm quyền, thì trong vấn đề về sở hữu đất, ông ta luôn giữ thái độ không khác gì thái độ với vấn đề ấy của bất kỳ một ai không bị trói buộc bởi những định kiến: ông ta phủ định nó một cách cấp tiến nhất, vạch trần tính bất công của nó. Nhưng nhiều thập niên trôi qua, Herbert Spencer từ một thanh niên vô danh tiểu tốt trở thành một văn sĩ trứ danh đã thiết lập quan hệ với những chính phủ và những nhà điền chủ, ông ta đã thay đổi triệt để những quan điểm của mình đến nỗi đã phải lo thủ tiêu đi nhưng ấn phẩm mà ở đấy ông đã phát biểu mạnh mẽ nhưng tư tưởng đúng đắn về tính bất chính của sở hữu đất đai.

Thành thử đa số những người sống dư dật nếu không hữu thức thì bằng bản năng cảm nhận được rằng vị trí được ưu đãi của họ dựa trên chế độ sở hữu đất. Chính vì thế mà các nghị viện trong những chăm lo giả tạo của họ cho lợi ích của nhân dân luôn đề xướng, bàn thảo và thông qua nhiều biện pháp đa dạng nhất mà theo họ, sẽ phải cải thiện tình trạng của dân, nhưng không bao giờ có cái biện pháp mà một mình nó quả thật sẽ cải thiện tình trạng của dân và cần cho dân: xóa bỏ sở hữu đất đai.

Cho nên, để giải quyết vấn đề về sở hữu đất, trước hết cần đập tan sự làm lơ theo thỏa hiệp được thiết lập hữu thức xung quanh vấn đề ấy. Tình hình là thế ở các nước, nơi mà một phần quyền lực thuộc về các nghị viện. Còn ở Nga, nơi toàn bộ quyền lực nằm trong tay Sa hoàng thì sắc lệnh xóa bỏ sở hữu đất đai lại càng ít có khả năng hơn. Ở Nga, quyền lực chỉ danh nghĩa nằm trong tay Sa hoàng, trong thực tế thì nó nằm trong tay hàng trăm con người ngẫu nhiên, họ hàng và những người thân cận của Sa hoàng, họ bắt buộc ông ta làm tất cả những gì mà họ cần. Mà những người ấy sở hữu những diện tích đất khổng lồ, và vì vậy họ sẽ không bao giờ cho phép Sa hoàng, ngay cả nếu ông ta muốn, giải phóng đất đai khỏi quyền lực của các địa chủ. Dẫu Sa hoàng – người đã giải phóng nông dân[97] – đã phải rất khó nhọc mới bắt được những người thân cận của mình từ bỏ chế độ nông nô, song ông ta đã có thể làm được điều đó, bởi vì những người thân cận của ông vẫn chiếm giữ đất. Còn khi từ bỏ đất, thì những người thân cận và họ hàng của Sa hoàng biết rằng họ mất đi khả năng cuối cùng để sống như họ đã quen sống.

Thành thử hoàn toàn không thể chờ đợi sự giải phóng đất từ các chính phủ nói chung và từ Sa hoàng ở Nga nói riêng.

Không thể tước đoạt bằng bạo lực đất đai bị các điền chủ chiếm giữ, bởi vì sức mạnh bao giờ cũng sẽ ở phía những người đã nắm được quyền lực. Chờ đợi sự giải phóng đất theo phương thức mà các nhà xã hội chủ nghĩa kiến nghị, tức là sẵn sàng đổi những điều kiện sống tốt lấy những điều kiện xấu nhất hòng bắt được con sếu trên trời, là điều vô nghĩa.

Bất kỳ ai có lý trí cũng thấy rằng phương thức ấy không những không giải phóng, mà chỉ càng làm cho những người lao động trở thành nô lệ của các ông chủ, còn trong tương lai thì chuẩn bị họ cho một chế độ nô lệ mới trong quan hệ với những người chủ của chế độ mới. Còn chờ đợi sự xóa bỏ sở hữu ruộng đất từ chính phủ dân biểu, hoặc, như những nông dân Nga đang chờ đợi đã hai triều đại, từ Sa hoàng, thì lại càng vô nghĩa, bởi tất cả những người thân cận của Sa hoàng và bàn thân Sa hoàng đều sở hữu những diện tích đất rất lớn, và mặc dù họ giả bộ là rất quan tâm đến quyền lợi của dân cày, họ sẽ không bao giờ giao cho dân cái mà nó duy nhất cần – đất đai, vì họ biết nếu không còn chế độ sở hữu đất thì họ sẽ mất đi cái địa vị đặc lợi của những người nhàn rỗi, sử dụng lao động của những người khác.

Thế thì những người lao động phải làm gì để giải phóng mình khỏi ách áp bức hiện nay?

VIII

Ban đầu tưởng chẳng làm gì được, tưởng như những người lao động bị trói chặt đến mức không có một khả năng nào giải phóng họ. Nhưng chỉ tưởng là thế thôi. Chỉ cần những người lao động suy nghĩ sâu một chút về những nguyên nhân cho cảnh nô dịch của họ, thì họ sẽ thấy rằng, ngoại trừ các cuộc bạo loạn, ngoại trừ chủ nghĩa xã hội và những hy vọng hão huyền vào các chính phủ, vào Sa hoàng ở Nga, họ có một phương thức giải phóng, mà không ai và không cái gì có thể ngăn cản, luôn luôn đã và đang nằm trong tay họ.

Quả là thế: nguyên nhân làm nên tình trạng khốn khổ của người lao động chi có một, đó là những đất đai cần thiết cho họ bị các điền chủ chiếm đoạt. Thế nhưng cái gì tạo điều kiện cho các địa chủ chiếm đoạt những đất đai ấy?

Thứ nhất, đó là mỗi khi những người lao động thử chiếm lấy những đất ấy thì người ta cử quân đội đến xua đuổi, đánh đập, giết chết những người lao động chiếm đất và trả lại nó cho địa chủ. Song, quân đội ấy thì lại được hình thành từ chính các bạn, những người lao động. Thành thử chính các bạn, những người lao động, khi đăng lính và tuân lệnh cấp trên thì bằng cách ấy, các bạn tạo điều kiện cho các địa chủ sở hữu đất đai mà lẽ ra phải thuộc về các bạn (Về việc người theo đạo Kitô không thể đi lính, tức là không thể cam kết giết hại những đồng loại của mình, và phải từ chối sử dụng vũ khí, tôi đã viết nhiều lần và, nhân tiện nói, cả trong cuốn sách nhỏ Những điều người lính cần nhớ, ở đấy tôi đã cố gắng xuất phát từ kinh Phúc Âm cho thấy vì sao bất kỳ người nào theo đạo Kitô cũng phải hành động như thế).

Nhưng ngoài việc bằng sự tham gia quân ngũ các bạn cho phép giới địa chủ sở hữu đất đai mà lẽ ra phải là của mọi người, trong đó có các bạn, các bạn còn cho phép họ sở hữu đất bằng cách làm việc trên đất của họ và thuê đất ấy. Chỉ cần các bạn, những người lao động, thôi làm việc ấy, thì tức khắc việc sở hữu ruộng đất không những sẽ trở nên vô ích, mà còn trở nên không thể đối với giới điền chủ, và đất đai sẽ trở thành sở hữu chung. Cho dù các điền chủ có cố đến đâu thay thế người làm công bằng máy móc, và thay vì gieo trồng lúa mì phát triển chăn nuôi gia súc hay trồng rừng, thì họ vẫn không thể không sử dụng nhân công, do đó người này theo người kia, họ sẽ phải từ chối đất đai của mình.

Cho nên, phương tiện giải phóng các bạn, những người lao động, khỏi ách nô dịch hiện nay của các bạn chỉ vẻn vẹn là, một khi đã hiểu sở hữu đất là tội ác, thì không dính dáng vào tội ác ấy cả dưới hình thức những người lính cướp đất của những người lao động, cả dưới hình thức những người làm việc trên đất địa chủ, cả dưới hình thức những người thuê đất ấy.

IX

IX “Thế nhưng, – có người sẽ cãi lại – cả việc không tham gia quân dịch, cả sự không làm việc trên đất và không thuê đất của địa chủ sẽ có hiệu lực chỉ trong trường hợp, khi mà mọi người lao động trên toàn thế giới làm một cuộc đình công chung chối từ quân dịch, chối từ canh tác đất và thuê đất của địa chủ, nhưng điều ấy không có và không thể có. Nếu một bộ phận dân lao động đồng ý không đi lính, không làm thuê và không thuê đất của địa chủ, thì những người lao động khác, nhiều khi thuộc các dân tộc khác, sẽ không thấy cần phải chối từ, thế là sở hữu đất đai của địa chủ sẽ không bị suy suyển. Thành thử những người lao động nào từ chối sở hữu đất sẽ chỉ dại dột để mất đi những lợi ích của mình mà không cải thiện được tình trạng của mọi người.” Lời phản bác này sẽ hoàn toàn đúng, nếu nói đến việc đình công.

Nhưng cái mà tôi khuyến nghị không phải là đình công. Tôi không hô hào đình công, mà khuyến nghị những người lao động từ chối tham gia quân dịch để khỏi phải thực hiện bạo lực chống lại những người anh em của mình, từ chối làm việc trên đất và thuê đất của địa chủ không phải vì điều ấy bất lợi cho những người lao động và sản sinh ra cái nô dịch họ, mà bởi vì sự tham gia ấy là việc làm xấu mà mọi người đều phải kiêng tránh, y như phải kiêng tránh không chỉ đích thị sự giết người, sự đánh cắp, cướp bóc, v.v… mà cả sự tham gia vào những việc làm như thế.

Còn việc dính dáng vào tính bất chính của sở hữu ruộng đất và tham gia duy trì nó là việc xấu không thể hồ nghi thì chỉ cần những người lao động tập trung suy nghĩ về ý nghĩa của sự dính dáng như thế vào sở hữu ruộng đất của những người không lao động là họ sẽ thấy rõ ngay. Bởi lẽ duy trì sở hữu ruộng đất của địa chủ tức là trở thành nguyên nhân của những thiếu thốn và khổ đau của hàng vạn dân và hàng vạn người già và trẻ em thiếu ăn, làm việc quá sức và chết sớm chỉ vì không được giao ruộng đất đã bị địa chủ chiếm giữ. Và nếu hậu quả của việc sở hữu ruộng đất bởi các địa chủ là thế, mà chúng là thế và điều này ai ai cũng thấy rõ ràng, thì sự dính dáng vào sở hữu ruộng đất của địa chủ và duy trì nó là một việc xấu mà ai ai cũng phải kiêng tránh.

Hàng trăm triệu người chẳng cần một cuộc đình công nào mà vẫn coi việc cho vay nặng lãi, sự trụy lạc, sự hà hiếp người yếu, trộm cướp, giết người và nhiều việc làm khác là xấu và kiêng làm những việc ấy. Thế thì lẽ ra những người lao động cũng phải ứng xử như thế đối với chế độ sở hữu ruộng đất. Bản thân họ nhìn thấy tất cả tính bất chính của sự sở hữu ấy và coi nó là một việc xấu xa, tàn nhẫn. Thế thì tại sao họ lại không chỉ tham gia, mà còn duy trì sự sở hữu ấy?

X

Cho nên tôi khuyến nghị không phải sự đình công, mà sự ý thức rõ ràng tính tội ác, tội lỗi của sự tham gia sở hữu ruộng đất và từ ý thức ấy – sự từ chối tham gia. Có điều một sự chối từ như vậy, khác với sự đình công, không liên kết tất cả những người hữu quan trong một quyết định và vì vậy không thể đem đến những kết quả được định trước, như là sự đình công, nếu nó thành công, nhưng thay vì cái đó, sự chối từ như thế lại tạo ra mối đoàn kết bền vững và trường cửu hơn rất nhiều so với đình công. Sự đoàn kết nhân tạo giữa người với người, xuất hiện trong đình công, chấm dứt ngay lập tức, khi mà mục đích của đình công đã đạt được, còn sự đoàn kết do ứng xử giống nhau hoặc sự cùng kiêng tránh do nhận thức như nhau thì không những không bao giờ kết thúc, mà còn ngày một trở nên bền vững hơn, thu hút nhân quần ngày một đông đảo hơn.

Điều này có thể và sẽ phải đến, nếu những người lao động từ chối tham gia sở hữu ruộng đất không phải bằng đình công, mà do ý thức được tính tội lỗi của sự tham gia như vậy. Rất có thể là ngay cả sau khi những người lao động đã hieu tính bất chính của sự tham gia vào sở hữu ruộng đất địa chủ, thì vẫn chỉ một bộ phận nhỏ trong họ sẽ từ chối làm việc trên đất và thuê đất địa chủ; nhưng vì sự từ chối ấy sẽ xuất phát không từ một thỏa hiệp có ý nghĩa cục bộ và nhất thời mà từ ý thức về cái phải có và cái không được có, mà ý thức ấy là bắt buộc trong mọi thời và đối với mọi người, cho nên một cách tự nhiên, số người lao động được chỉ bảo cả bằng lời nói lẫn việc làm về sự bất chính của sở hữu ruộng đất và những hậu quả của sự bất chính ấy – số người ấy sẽ luôn luôn gia tăng.

Tuyệt đối không thể biết trước việc những người lao động ý thức được rằng dính dáng vào sở hữu ruộng đất là việc xấu sẽ dẫn đến những biến đổi gì trong các thể chế xã hội, nhưng không thể nghi ngờ, ý thức ấy càng phổ biến thì những biến đổi ấy sẽ càng lớn. Những biến đổi ấy có thể thể hiện ở chỗ, mặc dù chỉ một bộ phận người lao động từ chối làm thuê cho địa chủ và thuê đất của họ, nhưng những địa chủ sẽ thấy sở hữu đất là không có lợi nữa và sẽ bước vào những thỏa hiệp có lợi cho người lao động hơn hoặc từ chối hẳn sở hữu ruộng đất. Cũng có thể những người lao động bị gọi đi lính do ngày càng giác ngộ tính bất chính của sở hữu ruộng đất sẽ từ chối dùng bạo lực chống lại những người anh em lao động nông thôn của mình, vì vậy chính phủ sẽ buộc phải chấm dứt bảo vệ sở hữu đất của địa chủ và đất đai ấy sẽ trở thành tự do. Cuối cùng, cũng có thể là chính phủ, hiểu được tính tất yếu của việc giải phóng đất, sẽ thấy cần phải ngăn ngừa chiến thắng của người lao động bằng cách chụp lên nó hình thức của một sắc lệnh và bằng đạo luật sẽ hủy bỏ sở hữu ruộng đất.

Những biến đổi có thể xảy ra trong quan hệ ruộng đất do việc những người lao động ý thức được tính bất chính của việc tham gia vào sở hữu ruộng đất có thể rất đa dạng và khó thấy trước chúng cụ thể là thế nào, nhưng có một điều không thể hồ nghi, đó là không một nỗ lực nào của con người xử sự trong việc này như Thượng Đế mong muốn hay là theo lương tâm của mình sẽ mất đi một cách phí uổng.

“Tôi sẽ làm được gì nếu một mình chống lại tất cả?” – người ta hay nói vậy mỗi khi cần phải làm một việc không được đa số tán thành. Những người ấy nghĩ rằng vì sự thành công của công việc cần có tất cả mọi người hay chí ít cần có nhiều người, song cần có nhiều người chỉ để làm việc xấu. Còn để làm việc tốt, một người là đủ, bởi vì Thượng Đế luôn luôn ở bên những ai làm việc tốt. Mà Thượng Đế ở bên ai, thì mọi người sớm muộn cũng sẽ ở bên người ấy.

Bất luận thế nào đi nữa, thì mọi cải thiện trong hoàn cảnh của những người lao động sẽ chỉ diễn ra từ việc bản thân họ sẽ hành động phù hợp hơn với ý chí của Thượng Đế, phù hợp hơn với lương tâm, tức là một cách có đạo đức hơn là trước đây họ hành động.

XI

Những người lao động từng thử tự giải phóng bằng bạo lực, bằng những cuộc nổi loạn, nhưng họ đã không đạt mục đích. Họ đã thử và đang thử tự giải phóng bằng các thủ đoạn xã hội chủ nghĩa: các hiệp hội, các cuộc bãi công, biểu tình, bầu cử vào nghị viện, nhưng tất cả những thứ ấy trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ nhất thời làm nhẹ đi lao động khổ sai của những người nô lệ, song không những không giải phóng họ, mà còn làm vững thêm ách nô lệ.

Những người lao động đã và đang thử tự giải phóng môi người riêng rẽ bằng cách tham gia duy trì tính bất chính của chế độ sở hữu đất mà chính họ lên án, và nếu tình trạng của một số người – không thường xuyên và không bền – có được cải thiện từ sự tham gia vào việc xấu ấy thì tình cảnh của tất cả mọi người chỉ xấu thêm. Thực trạng là thế, bởi lẽ chỉ những hoạt động chính nghĩa, phù hợp với nguyên tắc đối xử với người như ta muốn 1 người đối xử với ta – chỉ những hoạt động ấy – mới cải thiện bền vững hoàn cảnh con người (không phải một người, mà cả xã hội người). Còn cả ba phương tiện mà cho đến nay những người lao động vẫn sử dụng, đều không chính nghĩa và không phù hợp với nguyên tắc làm cho người cái ta muốn người làm cho ta.

Phương tiện bạo loạn, tức là dùng bạo lực chống lại những người coi đất đai họ thừa hưởng hay tậu được bằng tiết kiệm là sở hữu của họ, không phù hợp với nguyên tắc làm cho người cái ta muốn người làm cho ta, bởi vì không một ai tham gia bạo loạn lại mong muốn người khác tước đi của anh ta cái anh ta cho là của mình, vả lại, sự tước đoạt ấy thường kèm theo bạo lực tàn nhẫn.

Ở mức độ không ít hơn cũng không phù hợp với nguyên tắc làm cho người cái ta muốn người làm cho ta toàn bộ hoạt động của phái xã hội chủ nghĩa. Nó không phù hợp với nguyên tắc ấy, thứ nhất, bởi vì lấy đấu tranh giai cấp làm nguyên lý của mình, nó làm gợi lên trong những người lao động những tình cảm thù địch với những người chủ và những người không lao động nói chung, mà cũng những tình cảm ấy, xuất phát từ phía chủ, sẽ không thể là đáng mong muốn cho những người lao động. Nó không phù hợp với nguyên tắc còn bởi trong các cuộc đình công những người lao động vì thành công của công việc nhiều khi buộc phải sử dụng bạo lực chống lại những người lao động khác, đồng tộc hay dị tộc, muốn chiếm chỗ của họ.

Cũng đúng như thế, không chỉ không phù hợp với nguyên tắc làm cho người cái ta muốn người khác cho ta, mà còn trực tiếp vô đạo đức cả cái học thuyết hứa hẹn chuyển giao cho những người công nhân tất cả mọi công cụ lao động – xưởng thợ và nhà máy, biến chúng thành sở hữu hoàn toàn của họ. Bất kỳ một nhà máy nào cũng là thành quả của rất nhiều người lao động không chỉ hiện nay, không chỉ những người tổ chức nhà máy, chuẩn bị vật liệu để xây dựng nó và nuôi dưỡng nhân công trong thời gian xây dựng, mà còn vô số những người làm việc trí óc cũng như chân tay thuộc các thế hệ trước, mà không có lao động của họ thì không một nhà máy nào có thể tồn tại.

Tính hết được phần tham gia của mọi người vào sự tổ chức một nhà máy là việc tuyệt đối không thể làm được, và vì vậy, theo ngay học thuyết của các nhà xã hội chủ nghĩa thì mọi nhà máy, cũng như đất đai, đều là tài sản chung của toàn dân, chỉ với một khác biệt là sở hữu đất đai có thể được xóa bỏ ngay lập tức, không chờ đợi sự công hữu hóa tất cả các công cụ lao động. Còn nhà máy thì chỉ có thể trở thành tài sản hợp pháp của toàn dân khi mà một hoang tưởng bất khả thi của phái xã hội chủ nghĩa được thực hiện: sự công hữu hóa tất cả, theo nghĩa chữ, tất cả các công cụ lao động, chứ không phải khi mà, như đa số những người công nhân xã hội chủ nghĩa dự định, họ tước đoạt các nhà máy của chủ và biến thành sở hữu của mình. Người chủ không có tí quyền sở hữu nhà máy nào, nhưng các công nhân cũng có ít quyền như thế đối với bất kỳ một nhà máy nào, chừng nào cái mơ tưởng viển vông về sự công hữu hóa tất cả các công cụ lao động chưa thành hiện thực.

Vì thế mà tôi nói rằng cái học thuyết hứa hẹn cho công nhân sự sở hữu những nhà máy nơi họ làm việc trước khi tất cả mọi công cụ lao động được công hữu hóa, như người ta vẫn dự kiến, là một học thuyết không chỉ đi ngược lại nguyên tắc vàng làm cho người cái ta muốn người làm cho ta, mà còn trực tiếp vô đạo đức.

Cũng y như thế, không phù hợp với nguyên tắc làm cho người cái ta muốn người làm cho ta cả, sự duy trì sở hữu ruộng đất bởi chính những người lao động bằng cách đi lính và thực hiện bạo lực của lính tráng hay băng cách làm thuê và thuê đất. Sự duy trì sở hữu ruộng đất bằng những cách ấy không phù hợp bởi vì nếu những hành vi như thế có cải thiện tạm thời tình trạng của những người có hành vi đó, thì chúng chắc chắn làm xấu đi tình trạng của những người lao động khác.

Thành thử tất cả các phương tiện mà cho đến nay những người lao động vẫn sử dụng nhằm tự giải phóng, cả bạo lực trực tiếp và hoạt động xã hội chủ nghĩa cũng như những hành vi của các cá nhân riêng lẻ vì lợi ích của mình mà duy trì sự bất chính của sở hữu ruộng đất, đều không đạt đích, bởi lẽ tất cả chúng đều không phù hợp với nguyên tắc đạo đức cơ bản: hãy làm cho người cái ta muốn người làm cho ta.

Còn cái sẽ giải phóng những người lao động khỏi cảnh nô lệ của họ thì thậm chí không phải là hoạt động, mà chỉ là sự kiêng tránh tội lỗi, chỉ vì sự kiêng tránh như thế là công chính và hữu luân, tức là phù hợp với ý chí của Thượng Đế.

XII

“Nhưng còn sự nghèo khó, – người ta sẽ nói lại – cho dù con người có vững tin đến đâu về sự bất chính của sở hữu ruộng đất, anh ta sẽ khó giữ mình để, nếu là lính, không đi đến chỗ được phái đến, hoặc không làm thuê cho địa chủ, nếu việc làm ấy có thể mang sữa về cho những đứa con đang đói của anh ta. Hoặc làm sao người nông dân có thể kiêng tránh thuê đất của địa chủ, khi anh ta chỉ có nửa đêxiatina tính theo đầu người và anh ta biết rằng không thể nuôi sống được mình với gia đình băng sô đat mình có?” Quả thật, cả điều thứ nhất, cả điều thứ hai, cả điều thứ ba đều rất khó, song cũng khó như thế mọi sự kiêng tránh việc xấu. Trong khi ấy thì đa số loài người kiêng tránh được những việc xấu.

Mà sự kiêng tránh ở đây ít khó khăn hơn là trong đa phần những việc xấu khác, còn cái hại từ việc xấu, từ sư tham gia chiếm giữ ruộng đất, lại hiển nhiên hơn là trong nhiều việc xấu khác mà con người biết kiêng tránh. Tôi không nói về sự từ chối tham gia quân ngũ, khi quân đội được phái đi đàn áp nông dân. Đúng là để dám từ chối việc ấy, cần có sự dũng cảm đặc biệt và sự sẵn sàng hi sinh bản thân mình, vì vậy không phải ai cũng có thể làm được điều đó, song cả những trường hợp khi cần áp dụng sự chối từ ấy cũng ít xảy ra. Nhưng để không làm thuê trên đất địa chủ và không thuê đất ấy thì cần ít nỗ lực và ít hi sinh hơn nhiều.

Chỉ cần mọi người lao động giác ngộ đầy đủ rằng làm thuê cho địa chủ và thuê đất của chúng là việc xấu, thì những người làm thuê và thuê đất như thế sẽ ngày một ít đi. Hàng triệu người vẫn sinh sống mà không cần đến đất của địa chủ, làm thủ công tại nhà hoặc thậm chí làm những nghề phụ đa dạng nhất xa nhà. Cũng không cần đến ruộng đất của địa chủ là hàng trăm ngàn và hàng triệu nông dân, – những người không quản khó khăn, rời bỏ những chỗ ở cũ di cư đến những chỗ mới, nơi họ được cấp đủ đất, và trên đất mới ấy họ đa phần không những không đói khổ, mà còn trở nên giàu có và mau chóng quên đi cảnh nghèo khó đã buộc họ rời khỏi nơi cư ngụ trước đây.

Cũng sống mà không làm việc cho địa chủ và không thuê đất của họ còn có cả những nông dân, những người chủ giỏi, mà mặc dù có ít đất nhưng biết sống cần kiệm và canh tác tốt đất của mình. Và còn hàng ngàn người khác nữa cũng không cần phải làm thuê trên đất hay thuê đất của địa chủ, đó là những người sống một đời sống Kitô giáo, tức là sống không phải mỗi người cho mình, mà giúp đỡ lẫn nhau, như hàng chục cộng đồng Kitô giáo ở Nga, mà trong đó tôi đặc biệt quen biết những người Dukhobor (xem lại chú thích bài Nhân hội nghị về hòa bình).

Sự nghèo khó chỉ có thể có trong xã hội người sống theo quy luật động vật đấu tranh lẫn nhau. Còn trong những xã hội Kitô giáo thì không thể có sự nghèo khó. Chỉ cần mọi người chia sẻ với nhau những gì họ có, thì ai cần gì sẽ có cái đó, mà lại còn lại nhiều thứ. Khi dân chúng nghe đức Kitô giảng đạo cảm thấy đói thì Ngài, biết là một số người có mang theo thức ăn, đã lệnh cho mọi người ngồi thành vòng và ai có thức ăn thì chuyển về một phía cho người ngồi bên cạnh, để rồi những người ấy khi đã hết đói thì chuyển tiếp phần còn lại cho những người khác. Và khi đã chuyển qua một vòng và mọi người đã no nê, người ta còn thu góp được nhiều thức ăn còn lại.[98]

Cũng như thế, trong xã hội của những người ứng xử tương tự, không có sự nghèo khó, và những người ấy không cần phải làm việc cho địa chủ hay thuê đất của họ. Cho nên sự nghèo khó không phải lúc nào cũng là nguyen nhân đủ để cho con người làm điều có hại cho những anh em của mình.

Nếu những người lao động hiện giờ vẫn làm thuê cho địa chủ và thuê đất của họ, thì chỉ vì họ chưa hiểu hết tính tội lỗi của những hành vi như thế, cũng như toàn bộ những ác hại mà họ bằng cách ấy gây ra cho những người anh em và cho chính mình. Càng nhiều người hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc tham gia vào sở hữu ruộng đất của mình, thì quyền lực của những người không lao động đối với những người lao động sẽ dần dần tự nó bị xóa bỏ.

XIII

Phương thức duy nhất đúng đắn và chắc chắn để cải thiện tình cảnh của người lao động, đồng thời cũng phù hợp với ý chí của Thượng Đế là giải phóng đất khỏi sự chiếm giữ của địa chủ. Mà việc giải phóng đất ấy có thể đạt được, ngoài việc những ngưòi lao động sẽ từ chối tham gia quân ngũ mỗi khi quân đội được phái đi đàn áp nhân dân lao động, còn bằng sự kiềng tránh làm việc trên đất địa chủ và thuê đất của địa chủ. Nhưng cái đó chưa đủ. Ngoài việc các bạn cần giác ngộ rằng vì lợi ích của mình, các bạn cần giải phóng đất khỏi sự chiếm giữ của địa chủ, mà sự giải phóng ấy có thể đạt được bằng sự kiêng tránh bạo lực chống lại người anh em của mình và kiêng tránh lao động trên đất địa chủ cũng như thuê đất ấy, các bạn còn cần biết trước phải xử lý thế nào với đất đai, khi nó được giải phóng khỏi sự chiếm giữ của địa chủ, phải phân phối nó thế nào giữa những người lao động.

Đa số trong các bạn thường nghĩ chỉ cần tước đất của những kẻ không lao động thì mọi sự sẽ trở nên êm đẹp. Nhưng không phải thế. Nói thì dễ: tước đất của những kẻ không lao động và giao cho những người lao động. Nhưng làm thế nào để không vi phạm công bằng và không tạo điều kiện cho những người giàu lại thu mua những khoảng đất lớn, và bằng cách ấy lại thống trị những người lao động. Giao cho, như một số người trong các bạn nghĩ, từng người lao động riêng lẻ hoặc từng tập đoàn quyền gặt hái và cày cấy ở đâu họ muốn, như ngày xưa đã làm và ngày nay những người kazăc vẫn làm, là điều khả dĩ chỉ ở đâu dân ít mà đất nhiều, và chất đất lại đồng đều.

Còn ở đâu dân đông hơn khả năng đất có thể nuôi sống và chất đất lại khác nhau, thì cần phải nghĩ ra cách khác để sử dụng đất. Chia đất theo đầu người? Nhưng nếu chia đất theo đầu người, thì cả những người không muốn làm việc trên đất cũng sẽ được phát đất và những người không làm việc ấy sẽ cho thuê hay bán đất cho dân thu mua giàu có, và sẽ lại xuất hiện những người sở hữu số đất lớn nhưng không lao động trên đất. Cấm những người không lao động bán hoặc cho thuê ruộng đất của mình? Nhưng khí ấy thì ruộng đất thuộc về người không muốn hay không thể canh tác sẽ để nguyên không được sử dụng. Ngoài ra, khi chia đất theo đầu người thì làm thế nào quân bình hóa được nó theo chất lượng?

Có loại đất đen màu mỡ và có đất cất, đất lầy không màu mỡ, có đất trong các thành phố mang lại 1.000 rúp và nhiều hơn thu nhập từ từng đêxiatina, và có đất ở những vùng hẻo lánh không mang lại thu nhập nào. Như vậy phải phân phối đất thế nào để không thể tái hiện sự sở hữu đất bởi những người không làm việc trên đất và không có những người bị bạc đãi, không có những tranh cãi, xích mích, xung đột lẫn nhau vì đất? Nhiều người đã từ lâu bận tâm bàn thảo và giải quyết những vấn đề ấy. Và nhiều dự án nhằm phân phối đúng đắn đất đai giữa những người lao động đã được nghĩ tới.

Không nói tới những dự án tổ chức xã hội được gọi là cộng sản chủ nghĩa, mà ở đấy đất đai được coi là tài sản chung và được tất cả mọi người hợp lực canh tác, tôi được biết những dự án sau đây:

Dự án của một người Anh tên là William Ogilvie sống vào thế kỷ XVIII. Ogilvie nói rằng do mỗi người sinh ra trên mặt đất đều từ đó mà có quyền không thể bác bỏ sống trên đất và kiếm sống bằng những sản phẩm của đất, cho nên quyền ấy không thể bị giới hạn bởi sự việc là một số người xem những không gian đất lớn là sở hữu của họ. Vì thế mà từng người có quyền sở hữu không mất tiền một lượng đất bằng phần của anh ta. Còn nếu ai sở hữu đất nhiều hơn phần của anh ta, sử dụng cả những thửa đất mà lẽ ra là của những người khác nhưng những người ấy lại không đòi hỏi đến, thì người sở hữu ấy phải nộp thuế cho nhà nước.

Một người Anh khác, Thomas Spence, muộn hơn chút ít, giải quyết vấn đề ruộng đất bằng cách coi toàn bộ đất đai là sở hữu của những họ đạo, cho nên các họ đạo có thể sử dụng nó theo ý muốn của mình. Bằng cách ấy sở hữu tư nhân của các cá nhân riêng lẻ bị xóa bỏ hoàn toàn.

Như một minh họa tuyệt vời cho quan điểm của Spence về sở hữu ruộng đất, có thể dẫn câu chuyện về một trường hợp đã xảy ra với chính ông ta vào năm 1788 ở Goldonbridge mà ông gọi là “một chuyện đùa trong rừng”.

“Một hôm tôi đang hái hạt dẻ trong rừng thì một người chui ra từ bụi rậm và hỏi tôi: ông làm gì ở đây?

Tôi trả lời: hái hạt dẻ.

-Hái hạt dẻ à? Sao ông dám nói thế?

-Sao lại không dám? – tôi hỏi lại – Lẽ nào ông lại hồ nghi quyền của con khỉ hay con sóc thu lượm hạt dẻ? Thế thì tôi thua kém những sinh vật ấy ở chỗ nào và vì sao tôi lại không được có quyền như chúng? – tôi nói – còn ông là ai và ông có quyền gì quấy rầy tôi?

-Tôi sẽ cho ông biết tôi là ai khi tôi tống giam ông về tội ông đã vi phạm quyền của người khác!

-Hay thật nhỉ! – tôi nói – Làm sao tôi có thể vi phạm quyền của người khác ở nơi mà không ai trồng trọt, không ai canh tác? Bởi vì hạt dẻ là tặng phẩm trực tiếp của thiên nhiên cho con người cũng như cho loài vật, bất cứ ai muốn dùng chúng để duy trì cuộc sống của mình, vì thế chúng là của chung.

-Nhưng tôi nói với ông rằng khu rừng này không phải là của chúng mà là của quận công Portland.

-Thế à? Thế thì nhờ ông chuyển tới quận công lời kính chào của tôi. Nhưng vì thiên nhiên không biết đến cả ông ta lẫn tôi, còn trong các kho của nó thì chỉ có một nguyên tắc: ai đến trước thì được trước, cho nên ông hãy bảo quận công rằng nếu ông ta muốn ăn hạt dẻ thì ông ta hãy nhanh chân lên.”

Cuối cùng Spence nói thêm rằng nếu mà người ta muốn bắt ông ta bảo vệ một xứ sở, nơi mà ông không có quyền bứt một quả hạt dẻ, thì ông sẽ quăng súng của mình đi và bảo: “Hãy để cho quận công Portland, người cho rằng đất này là của ông ta, chiến đấu vì nó.”

Cũng giải quyết vấn đề như thế còn có cả Thomas Paine, tác giả lừng danh của Age of Raison và Rights of Man – thế kỷ của trí tuệ và Những quyền của con người. Giải pháp của ông ta có một đặc điểm là, coi đất đai là sở hữu chung, ông kiến nghị hủy bỏ quyền sở hữu của các chủ sở hữu cá thể bằng cách không cho phép thừa kế quyền sở hữu đất, thành thử đất đai sau khi chủ sở hữu chết sẽ trở thành tài sản của nhân dân.

Sau Thomas Paine, đã trong thế kỷ của chúng ta, Patrick Edward Dove cũng viết và suy nghĩ về chuyện này. Nội dung thuyết của Dove là giá trị của đất phát xuất từ hai nguồn: từ những thuộc tính của bản thân đất và từ những công sức đã bỏ ra trên đất ấy. Giá trị của đất xuất phát từ những công sức bỏ ra có thể là tài sản của tư nhân, song giá trị của đất, xuất phát từ những thuộc tính của nó là tài sản của toàn dân và vì vậy không thể thuộc về những tư nhân, như hiện nay được công nhận, mà phải là sở hữu của toàn dân. (Những thông tin này được tôi lấy ra từ cuốn sách hay tuyệt của nhà văn Anh Morison Davidson Những người tiền bối của Henry George (Precursors of Henry George). L.T.)

Cũng tương tự như thế dự án của Hiệp hội trả lại đất cho người lao động “The Land reclaiming Society” ở Nhật Bản; cot lõi của dự án ấy là: mỗi người có quyền sở hữu một lượng đất bằng phần được tính cho anh ta với điều kiện phải trả thuế tương ứng, vì vậy ai ai cũng có thể đòi người sở hữu nhiều đất hơn cái phần được quy định nhượng cho anh ta số đất còn thiếu. Song, theo tôi dự án tốt nhất, công bằng hơn cả và có tính thực thi hơn cả là dự án của Henry George, được gọi là dự án “thuế thống nhất “.

XIV

Cá nhân tôi xem dự án của Henry George là công bằng nhất, đem lại nhiều phúc lợi nhất và cái chính là tiện lợi cho thực thi nhất trong tất cả các dự án mà tôi biết. Có thể hình dung dự án ấy dưới hình thức thu nhỏ như thế này: ta cứ tưởng tượng ra rằng ở một địa phương nào đó toàn bộ đất đai thuộc về hai điền chủ – một rất giàu và sống ở nước ngoài, một thì không giàu và sống và làm ăn tại nhà – và khoảng một trăm nông dân sở hữu ít ruộng đất. Ngoài ra, ở địa phương ấy có mấy chục thợ thủ công, thương nhân và viên chức sống bằng làm thuê và thuê nhà ở. Ta cứ giả thiết rằng tất cả các cư dân của địa phương ấy, sau khi đi đến nhận thức rằng đất đai là tài sản chung, quyết định sử dụng đất một cách phù hợp với nhận thức ấy.

Vậy họ phải xử sự thế nào?

Không tước đất của những ai đang sở hữu nó và cho phép bất kỳ ai sử dụng đất mà anh ta thích, bởi vì sẽ có nhiều người ưa thích cũng một miếng đất ấy và sẽ xảy ra những cuộc cãi vã vô tận. Tập hợp tất cả thành một tập đoàn và cùng nhau cày bừa, cắt cỏ, thu hoạch rồi sau đó chia nhau – không tiện lợi, bởi vì một số người có cày, ngựa, xe kéo, số khác không có, và ngoài ra một số người không biết và không có sức để canh tác đất. Phân chia toàn bộ đất theo đầu người thành những thửa đồng đều nhau về chất lượng sẽ là việc rất khó. Còn nếu chia đất đai thành những mảnh nhỏ chất lượng khác nhau như thế nào để cho từng người có được cả phần đất chia tốt, cả phần trung bình, cả phần tồi, và lại cả đất cày cấy, đất cắt cỏ, đất rừng, thì sẽ có quá nhiều mảnh đất nhỏ.

Ngoài ra, sự phân phối như vậy còn nguy hiểm ở chỗ những người không muốn làm việc hay túng quẫn sẽ bán đất của mình cho những nhà giàu, và sẽ lại hình thành giới chủ đất lớn. Vì thế các cư dân của địa phương quyết định vẫn để đất như trong hiện trạng cho những người sở hữu nó, nhưng buộc mỗi người sở hữu đất nộp vào quỹ chung một số tiền ngang bằng mức thu nhập mà theo sự định giá đất được thực hiện trước (không phải theo công sức bỏ ra, mà theo chất lượng và vị trí đất) đất đai mà họ sử dụng đem lại cho họ, và quyết định chia đều số tiền ấy cho nhau.

Nhưng vì việc thu tiền như thế từ tất cả những người sở hữu đất và sau đó phân phát tiền ấy đồng đều cho mọi cư dân là việc khó, vả lại tất cả mọi cư dân đều trả tiền cho những nhu cầu công cộng: trường học, nhà thờ, cứu hỏa, chăn gia súc, sửa đường, v.v…, và luôn luôn không đủ tiền cho những nhu cầu xã hội, cho nên các cư dân của địa phương quyết định thay vì thu tiền từ những lợi nhuận ruộng đất và phát cho mọi người rồi lại thu một phần tiền ấy dưới dạng đóng góp, cống nạp – từ nay thu và sử dụng toàn bộ lợi nhuận từ đất phục vụ những nhu cầu chung.

Thỏa ước với nhau như thế, các cư dân của địa phương yêu cầu các điền chủ nộp những khoản tiền phải trả cho số đất mà họ sở hữu và cũng đòi hỏi như thế từ các nông dân có ít đất. Còn từ mấy chục người không sở hữu một tí đất nào thì họ không đòi hỏi gì, mà cho họ hưởng lợi không mất tiền từ tất cả những gì được thiết chế từ những thu nhập địa chính.

Cách thu xếp như thế dẫn đến việc là một trong những địa chủ không sống ở làng và sản xuất được ít từ đất của mình, thấy rằng với thuế đất như thế này thì sẽ không có lợi tiếp tục sở hữu đất và chối từ nó. Còn một địa chủ khác, một chủ giỏi, thì chối từ một phần đất và giữ lại chỉ cái phần mà trên đó anh ta có thể sản xuất ra nhiều hơn mức thuế mà anh ta phải trả cho đất anh ta sử dụng.

Còn những nông dân có ít đất mà lại có nhiều nhân lực và không đủ đất cho họ, cũng như một số người không có đất, song muốn kiếm sống bằng lao động trên đất thì nhận lấy đất được các địa chủ bỏ. Thành thử, với giải pháp như thế, xuất hiện khả năng cho tất cả cư dân của địa phương ấy sống trên đất và kiếm sống từ đất, và toàn bộ đất đai được chuyển vào tay hoặc ở lại trong tay những ai yêu thích lao động trên đất và biết sản xuất ra nhiều từ đất. Các định chế xã hội của cư dân địa phương được cải thiện, bởi vì giờ đây đã thu được nhiều hơn xưa kia tiền cho những nhu cầu chung, và cái chính là toàn bộ sự chuyển dịch sở hữu ruộng đất ấy được thực hành mà không có bất kỳ tranh cãi, xích mích, phá phách và bạo lực nào, chỉ bằng sự tình nguyện chối từ ruộng đất của những người không biết lao động có lợi trên đất.

Dự án của Henry George là thế trong áp dụng cho từng nước riêng lẻ hoặc thậm chí cho cả loài người. Dự án ấy công bằng, đem lại nhiều phúc lợi, và cái chính là tiện lợi cho sự áp dụng ở mọi nơi, trong mọi xã hội, bất kỳ ở đó được thiết lập thể chế sở hữu đất đai như thế nào.

Vì thế mà cá nhân tôi coi dự án này là tốt nhất trong tất cả các dự án hiện có. Nhưng đó là ý kiến của cá nhân tôi, nó có thể sai lầm. Còn các bạn, những người lao động, khi đến lúc các bạn phải xử lý đất đai, thì tự các bạn hãy bàn thảo cả những dự án này lẫn tất cả các dự án khác và chọn lấy cái nào mà các bạn thấy tốt nhất, hoặc các bạn sẽ tự nghĩ ra một dự án có thể công bằng hơn và tiện lợi hơn cho thực thi. Tôi đã trình bày tỉ mỉ những dự án ấy để các bạn, những người lao động, hiểu thấu một mặt là toàn bộ sự bất công của sở hữu ruộng đất, mặt khác là toàn bộ tính khó khăn và phức tạp của việc phân phối đất, để không mắc phải những sai lầm do xử lý đất đai thiếu suy nghĩ có thể làm cho tình trạng của các bạn xấu hơn hiện nay, hoặc do sự tranh giành đất đai giữa những cá thể riêng lẻ và các tập đoàn hay do sự chiếm hữu đất trong những cuộc cải cách mới.

XV

Xin nhắc lại tóm tắt cốt lõi những gì tôi muốn nói với các bạn. cốt lõi những gì tôi muốn nói với các bạn là ở chỗ tôi khuyên các bạn, những người lao động, thứ nhất, hiểu thật rõ các bạn cần cụ thể cái gì, và không mất công sức thu kiếm cái hoàn toàn không cần thiết cho các bạn. Các bạn chỉ cần một thứ: đất đai tự do, mà trên đấy các bạn có thể sống và nuôi sống mình.

Điều thứ hai mà tôi khuyên các bạn là các bạn cần hiểu thật rõ bằng những con đường cụ thể nào để các bạn có thể thu nhận được đất đai cần cho các bạn. Các bạn có thể thu nhận được đất không phải bằng các cuộc bạo loạn, cầu Thượng Đế can ngăn các bạn khỏi những việc làm như thế, hay bằng các cuộc biểu tình, bãi công, hay thông qua các đại biểu thuộc phái xã hội chủ nghĩa ở các nghị viện, mà chỉ bằng việc không tham gia vào cái mà các bạn cho là xấu xa, tức là không ủng hộ sự bất chính của sở hữu ruộng đất bằng những bạo lực do quân đội thực hiện cũng như không làm thuê trên đất địa chủ và không thuê đất ấy.

do, mà trên đấy các bạn có thể sống và nuôi sống mình.

Điều thứ hai mà tôi khuyên các bạn là các bạn cần hiểu thật rõ bằng những con đường cụ thể nào để các bạn có thể thu nhận được đất đai cần cho các bạn. Các bạn có thể thu nhận được đất không phải bằng các cuộc bạo loạn, cầu Thượng Đế can ngăn các bạn khỏi những việc làm như thế, hay bằng các cuộc biểu tình, bãi công, hay thông qua các đại biểu thuộc phái xã hội chủ nghĩa ở các nghị viện, mà chỉ bằng việc không tham gia vào cái mà các bạn cho là xấu xa, tức là không ủng hộ sự bất chính của sở hữu ruộng đất bằng những bạo lực do quân đội thực hiện cũng như không làm thuê trên đất địa chủ và không thuê đất ấy.

Điều thứ ba mà tôi khuyên các bạn đó là các bạn cần suy tính trước sẽ xử lý đất đai như thế nào khi nó đã trở thành tự do.

Để cho các bạn suy tính được đúng đắn vấn đề ấy, các bạn không nên nghĩ răng ruộng đất thoát khỏi tay địa chủ sẽ trở thành sở hữu của các bạn, mà cân hiểu rằng, để ruộng đất được sử dụng đúng đắn và được phân phối đúng đăn giữa tất cả mọi người, không bạc đãi một ai, cần phải không thừa nhận quyên của bất cứ một ai sở hữu dù chỉ một sagien ruộng đất. Chỉ coi đất đai cũng là một tài sàn chung của mọi người như là hơi ấm của mặt trời hay không khí, các bạn mới có thể phân phối một cách công bằng, không bạc đãi một ai, sự sử dụng đất giữa tất cả mọi người theo một trong những dự án hiện có hay theo một dự án mới nào đó mà các bạn sẽ cùng nhau soạn thảo ra hoặc lựa chọn.

Điều thứ tư, và là điều chính yếu nhất mà tôi khuyến dụ các bạn, đó là để đạt được tất cả những gì mà các bạn cần, các bạn nên hướng sức lực của mình không phải vào cuộc đấu tranh với các giai cấp thống trị bằng các cuộc bạo loạn, cách mạng hay bằng những hoạt động xã hội chủ nghĩa, mà chỉ vào chính bản thân mình, vào việc làm thế nào để sống tốt hơn.

Người ta hay cho sự đời là tồi tệ chỉ vì chính người ta sống tồi tệ. Đối với con người không có gì tệ hại hơn việc nghĩ rằng nguyên nhân tình cảnh tai ương của nó không nằm bên trong nó mà ở những điều kiện bên ngoài. Chỉ cần một người hay một xã hội người tưởng rằng cái ác mà họ phải chịu đựng xuất phát từ những điều kiện bên ngoài, thế thì họ sẽ dốc toàn bộ sức lực và sự quan tâm của mình vào việc thay đổi những điều kiện ngoại giới ấy, và cái ác sẽ gia tăng. Nhưng chỉ cần cá nhân hoặc xã hội loài người thành tâm hướng vào chính mình, và cố tìm trong mình và trong đời sống của mình những nguyên nhân của cái ác gây đau khổ cho họ, thì những nguyên nhân ấy sẽ được tìm thấy tức thì và sẽ tự chúng triệt tiêu.

Hãy tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa và chân lý của Ngài, còn tất cả những thứ khác sẽ tự đến với các bạn. Đó là luật cơ bản của đời sống con người, Các vị sống tồi tê, trái ngược với ý chí của Thiên Chúa, thì chẳng toan tính nào có thể đem lại cho các vị cái phúc lộc mà các vị tìm kiếm. Các vị sống tốt, tốt theo nghĩa đạo đức, thuận với ý chí của Chúa, chẳng hề nỗ lực đạt tới phúc lộc, nhưng phúc lộc ấy tự nó sẽ hình thành giữa các vị bằng cách mà các vị chưa bao giờ nghĩ tới.

Tưởng chừng thật tự nhiên và đơn giản lao mình vào cái cửa mà đằng sau có cái bạn đang rất cần, và lại càng tự nhiên hơn, khi mà sau lưng bạn cả một đám đông chen nhau xô đẩy và áp sát bạn vào cánh cửa. Nhưng chúng ta càng kiên quyết lao vào cái cửa mà đằng sau có cái ta xem là phúc lộc thì lại càng ít hy vọng lọt được qua cánh cửa. Cửa ấy chỉ mở về phía chúng ta.

Thành thử để đạt được cái chân phúc, con người cần phải chăm lo không cho những điều kiện bên ngoài, mà chỉ cho sự biến đổi chính mình: cần phải thôi làm những điều xấu, nếu đã làm, và bắt đầu làm những điều tốt, nếu nó chưa làm. Tất cả những cửa dẫn tới cái chân phúc bao giờ cũng mở chỉ về phía ta.

Chúng ta nói: nhân dân lao động bị nô dịch bởi chính phủ, bởi những nhà giàu. Thế nhưng những người hợp thành chính phủ và các giai cấp giàu có là ai? Họ là những tráng sĩ anh hùng mà mỗi người có thể chiến thắng hàng chục, hàng trăm nhân dân lao động? Hay là họ rất đông, còn dân thợ thuyền thì lại rất ít? Hay là chỉ họ, những người cầm quyền và có của, mới biết làm tất cả những nghề cần thiết và sản xuất ra tất cả mọi thứ để loài người tồn tại?

Chẳng cái thứ nhất, chẳng cái thứ hai, chẳng cái thứ ba: những người ấy không phải là những anh hùng tráng sĩ, mà ngược lại, là những con người suy nhược, bất lực, và họ không hề đông, mà ít hơn rất nhiều lần so với người lao động. Và tất cả những gì cần cho đời sống của loài người không phải do họ mà do dân thợ thuyền sản xuất ra, còn họ thì vừa không biết vừa không muốn làm cái gì và chỉ tiêu phí cái mà người lao động làm ra. Thế thì vì sao một nhóm người yếu đuối, nhàn tản, không biết và không muốn làm một cái gì lại cai trị hàng triệu người lao động?

Chỉ có một câu trả lời: cái đó diễn ra bởi những người lao động trong đời sống của mình cũng tuân theo những quy tắc và luật lệ, mà những kẻ áp bức họ tuân theo. Nếu những người lao động làm việc và không hưởng lợi từ công sức của những người nghèo hèn ở mức như giới cầm quyền và phú gia vô công rồi nghề hưởng thì điều này không phải vì họ cho cái đó là không tốt, mà chỉ vì họ không có điều kiện và không biết làm như những người cầm quyền và giàu có khôn khéo, xảo quyệt hơn những người khác vẫn làm. Những người cầm quyền và giàu có thống trị người lao động chỉ vì những người lao động cũng mong ước y như thế và cũng bằng những phương cách ấy thống trị người anh em lao động của mình.

Cũng chính vì lẽ ấy – vì nhân sinh quan như nhau – cho nên những người lao động không thể đứng dậy chống lại một cách đích thực những kẻ áp bức họ: dù người lao động có khổ sở đên đâu do bị những kẻ có quyền và có của áp bức, nhưng trong thâm tâm anh ta biết rằng anh ta cũng sẽ đối xử, hoặc có thể đang đối xử ở quy mô nhỏ, y như thế với những người anh em của mình. Những người lao động đã trói buộc mình bằng ý muốn nô dịch lẫn nhau, vì vậy mà những người khôn khéo hơn, đã nắm được sức mạnh và quyền lực, mới dễ bê nô dịch họ.

Giả sử những người lao động trong suy nghĩ không phải là những kẻ nô dịch người khác, như là lũ cầm quyền và phú hào chỉ biết chăm lo gây dựng lợi ích cho mình, lợi dụng cảnh thiếu khó của đồng loại, mà biết sống với nhau như anh em, nhớ đến nhau và giúp đỡ lẫn nhau thì sẽ không ai có thể nô dịch được họ. Vì thế, để cho những người lao động tự giải phóng khỏi ách thống trị mà giới cầm quyền và nhà giàu đang giam giữ họ, chỉ có một phương cách: chối bỏ những nguyên lý mà họ dùng làm kim chỉ nam trong đời sống của mình, tức là chấm dứt phụng sự thần tài và bắt đầu phục vụ thần thánh.

Những người bạn giả danh của nhân dân nói với các bạn, và chính các bạn, ít nhất một số người trong các bạn, cũng nói với mình rằng phải thay đổi toàn bộ chế độ hiện nay: nắm lấy những công cụ lao động và ruộng đất, lật đổ chính phủ hiện thời và thiết lập chính phủ mới. Và các bạn tin vào điều đó, hy vọng và làm việc nhằm đạt tới những mục đích ấy. Song, cứ cho rằng các bạn sẽ đạt được điều mong muốn: lật đổ được chính phủ hiện thời và thiết lập một chính phủ mới, nắm được toàn bộ nhà máy, công xưởng, đất đai.

Vì sao các bạn lại nghĩ rằng những người sẽ hợp thành chính phủ mới sẽ hành động theo những nguyên lý mới, khác những nguyên lý đang làm kim chỉ nam cho chính phủ hiện thời? Còn nếu họ vẫn hành động theo những nguyên lý hiện hữu, thì họ, cũng hệt như những người đang cầm quyền, sẽ cố gắng không chỉ giữ cho bằng được, mà còn tăng cường quyền lực của mình, và vì lợi ích của mình rút ra từ quyền lực ấy hết thảy những gì có thể. Vì sao các bạn lại giả định rằng những người sẽ cai quản các nhà máy và đất đai (tất cả mọi người không thể cai quản toàn bộ các thiết chế), vốn là những người đồng quan điểm với người hiện nay, sẽ không tìm ra những phương cách hệt như hiện nay nhằm vơ vét cho mình phần béo bở nhất, và chỉ để lại những cái không thể thiếu cho những kẻ tăm tối, nhu mì.

Có người sẽ nói: “Tất cả sẽ được thu xếp sao cho điều đó không thể xảy ra.” Thế nhưng làm sao có thể thu xếp tốt hơn Thượng Đế hay thiên nhiên – đất thuộc về tất cả mọi người đang sống và sinh ra trên nó, thế mà loài người đã tìm cách phá vỡ cả sự xếp đặt ấy của Đấng Tối Cao. Còn để thay hình biến thể những chế định của con người thì ở những người mà trong đời mình chỉ biết chăm lo cho lợi ích cá nhân sẽ luôn luôn có muôn vạn phương kế. Không bao giờ có những thay đổi thể chế bên ngoài nào mà cải thiện được hay có thể cải thiện được hoàn cảnh của con người. Vì vậy, lời khuyến dụ thứ tư và chính yếu nhất của tôi đối với các bạn, những người lao động, ấy là: không lên án những người khác, những người đang áp bức các bạn, hãy nhìn lại chính mình và thay đổi cuộc sống nội tâm của mình.

Các bạn sẽ nghĩ rằng việc chính đáng và hữu ích là bằng sức mạnh giành giật, chiếm hữu cho mình cái mà bằng bạo lực đã bị tước đoạt và chiếm giữ của các bạn, hoặc sẽ nghĩ rằng, theo học thuyết của những người lầm lạc sẽ là chính đáng và hữu ích tham gia đấu tranh giai cấp và đạt cho bằng được sự chuyển giao sở hữu đối với những công cụ lao động được những người khác làm ra; các bạn sẽ nghĩ rằng đã làm lính thì các bạn phải phục tùng cấp trên mỗi khi họ lệnh cho các bạn cưỡng bức, chém giết những người anh em của các bạn, chứ không phải tuân phục Thượng Đế – người không lệnh cho các bạn làm điều đó, hoặc sẽ nghĩ rằng, duy trì sự bất chính của sở hữu ruộng đất bằng làm việc trên đất địa chủ hay thuê đất ấy, các bạn không làm một điều gì xấu xa – thế thì hoàn cảnh của các bạn sẽ chỉ xấu đi và xấu đi hơn nữa, và các bạn sẽ mãi mãi là những người nô lệ.

Còn nếu các bạn ngộ ra rằng để có được cái chân phúc, các bạn chỉ cần sống theo luật của Thượng Đế bằng một cuộc sống ái hữu, làm cho người cái mà ta muốn người làm cho ta, thế thì theo mức độ mà các bạn hiểu được, và đã hiểu thì thực hành điều đó, sẽ trở thành hiện thực cái chân phúc mà các bạn mong ước và ách nô lệ của các bạn sẽ được xóa bỏ. “Các người sẽ nhận ra chân lý, và chân lý sẽ làm cho các người trở nên tự do.”

Yasnaya Polyana, tháng Chín năm 1902

Gửi nhân dân lao động (“K rabochemu narodu”) Bài này được viết cũng trong thời gian Tolstoi bị ốm nặng, cùng với thư gửi Sa hoàng Nikolai II (xem trang 995-1002). Và cũng V.G.Chertkov đã in nó thành sách riêng như là phụ trương của báo Ngôn luận tự do (“Svobodnoe slovo”) vào năm 1902.

[97] … Sa hoàng, người đã giải phóng nông dân … – Ngày 19 tháng Hai 1891, hoàng đế Nga Alexander II đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ chế độ nông nô, vì vậy ông được gọi là Sa hoàng – Người giải phóng.

[98] … người ta còn thu góp lại nhiều thức ăn còn lại – Tolstoi kiến giải lại sự tích thần kỳ nổi tiếng được kể trong kinh Phúc Âm (Matthieu, V-VI) về việc Kitô bằng 5 tấm bánh mì cho ăn no cả một đám đông nghe ông thuyết giáo.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x