Trang chủ » 3. NHỮNG BÀI TIỂU LUẬN

3. NHỮNG BÀI TIỂU LUẬN

by Trung Kiên Lê
107 views

TÁC GIẢ - LỜI GIỚI THIỆU

I. PLATON

1. Bối cảnh

2. Socrate

3. Thời kỳ học hỏi của Platon

4. Vấn đề đạo đức

5. Vấn đề chính trị

6. Vấn đề tâm lý

7. Giải pháp tâm lý

8. Giải pháp chính trị

9. Giải pháp luân lý

10. Phê bình

II. ARISTOTE

1. Một chút lịch sử

2. Công việc của Aristote

3. Nền tảng của luận lý học

4. Hệ thống khoa học

5. Siêu hình học và thực chất của Thiên Chúa

6. Tâm lý học và bản chất của nghệ thuật

7. Đạo đức học và bản chất của hạnh phúc

8. Khoa học - chính trị

9. Phê bình

10. Tuổi già và chết

III. FRANCIS BACON

1. Từ ARISTOTE đến thời phục hưng

2. Sự nghiệp chính trị của Bacon

3. Những bài tiểu luận

4. Cuộc tái tạo vĩ đại

5. Phê bình

6. Kết luận

IV. SPINOZA

1. Tiểu sử

2. Luận về tôn giáo chính trị

3. Sự cải tiến trí năng

4. Đạo đức học

5. Chính trị luận

6. Ảnh hưởng của Spinoza

V. VOLTAIRE

1. Paris: Oedipe

2. London: những lá thơ từ Anh quốc

3. Cuộc sống ở Cỉrey

4. Ở Potsdam với hoàng đế Frédérique

5. Les délices: "Luận về đạo đức"

6. Ferney: Candide

7. Bách khoa tự điển và triết lý tự điển

8. Chống độc tài áp bức

9. Voltaire và Rousseau

10. Đoạn kết

VI. IMMANUEL KANT

1. Những nẻo đường đến KANT

2. Con người

3. Phê bình lý tính thuần túy

4. Phê bình lý tính thực tiễn

5. Về tôn giáo và lý trí

6. Về chính trị và nền hòa bình vĩnh cửu

7. Phê bình và đánh giá

8. Vài lời về Hegel

VII. SCHOPENHAUER

1. Thời đại

2. Con người

3. Thế giới kể như biểu tượng

4. Thế giới: dục vọng

5. Thế giơi: Sự ác

6. Minh triết về nhân sinh

7. Minh triết về cái chết

8. Phê bình

VIII. HERBERT SPENCER

1. COMTE và DARWIN

2. Sự phát triển của Spencer

3. Nguyên lý đầu

4. Sinh vật học: quá trình tiến hóa của sự sống

5. Tâm lý học: sự tiến hóa của tâm trí

6. Xã hội học: tiến hóa của xã hội

7. Đạo đức học: tiến hóa của đạo đức

8. Phê bình

9. Kết luận

IX. FRIEDRICH NIETZSCHE

1. Dòng dõi

2. Tuổi trẻ

3. Nietzsche và Wagner

4. Tiếng hát Zarathustra

5. Đạo đức siêu nhân

6. Siêu nhân

7. Suy tàn

8. Quý tộc

9. Phê bình

10. Kết cục

Sự tiến thân của ông dường như đã thực hiện giấc mộng Platon về một thánh vương (vị vua vừa là triết gia). Vì song song bước một với sự trèo lên thế lực chính trị, Bacon đã lên đến đỉnh cao của triết học. Thật hầu như không thể tin được rằng tài bác học và những công nghiệp văn chương của con người này lại chỉ là những biến cố và những chuyển hướng của một sự nghiệp chính trị đầy sóng gió. Châm ngôn của ông là: người ta sống hay nhất với một đời ẩn dật – Bene vixit qui bene latuit. Ông không thể biết rõ ông thích đời sống trầm mặc hơn hay đời sống hoạt động hơn.

Hy vọng của ông là vừa làm triết gia vừa làm chính khách như Seneca, mặc dù ông e ngại rằng hướng đi song đôi của đời ông như vậy sẽ làm ngắn tầm mục tiêu và giảm thiểu mức thu nhập của ông. “Thật khó nói – ông viết (Valerius Terminus, đoạn cuối)- xem sự pha lẫn suy tư với một đời sống hoạt động, hay sự rút lui hoàn toàn vào việc suy tư, có làm mất khả năng của tâm trí hơn hay cản trở nó hơn không?”. Ông cảm thấy rằng sự học tự nó không thể là cứu cánh hay minh triết, và một tri thức không được áp dụng trong hành động chỉ là một tri thức thiếu máu. “Dùng quá nhiều thì giờ vào việc học là lừ đừ; dùng quá nhiều sự học để trang hoàng là làm bộ; phán đoán hoàn toàn theo quy luật sách vở là tính khí của một học giả.

Người tài lên án sự học, người ngu thán phục nó, người minh triết sử dụng chính nó; bởi vì sự học không dạy sử dụng chính nó; nhưng đây là một sự minh triết ở bên ngoài và bên trên sự học đạt được nhờ quan sát (“Về sự học”). Đây là một điểm mới, đánh dấu sự chấm dứt cái học hàn lâm -nghĩa là ly khai giữa tri thức với thực dụng và quan sát- và đặt nặng khía cạnh kinh nghiệm và kết quả, làm nổi bật triết lý Anh và lên đến tột đỉnh của nó trong thuyết duy dụng. Không phải Bacon có lúc thôi yêu mến sách và suy tư; bằng những lời khiến ta nhớ đến Socrate, ông đã viết: “nếu không có triết học tôi không thiết sống (“Đề tặng cuốn Wisdom of the Ancients); và ông tự mô tả mình, cuối cùng là “một người có thiên tính thích hợp cho văn học hơn cho bất cứ việc gì khác, và đã bị một định mệnh nào đó đưa đẩy vào đời sống hoạt động phản lại khuynh hướng của tính khí mình” (Tăng tiến Tri thức). Ấn phẩm hầu như đầu tay của ông gọi là “Ca tụng tri thức” (1592); tính cách nồng nhiệt của nó đối với triết học khiến ta phải trích dẫn mới được:

“Lời ca ngợi của tôi sẽ dành cho chính tâm trí. Tâm trí là con người, và kiến thức là tâm trí, một người chỉ là những gì mà y biết… Há chẳng phải lạc thú của tình yêu lớn hơn lạc thú của giác quan, và há chẳng phải lạc thú của tri thức lớn hơn lạc thú của ái tình? Há chẳng phải lạc thú tự nhiên chân thật là thứ lạc thú mà người ta không bao giờ ngấy chán? Há chẳng phải chỉ có tri thức mới giải toả tâm trí khỏi mọi vọng động? Biết bao nhiêu điều chúng ta tưởng tượng song không có thật? Biết bao nhiêu điều ta đánh giá và xem trọng hơn chính thực bản chất chúng? Những tưởng tượng vô lối này, chính là những đám mây lầm lỗi đã chuyển thành những cơn bão tố của vọng động.

Thế thì có một hạnh phúc nào cho tâm thức con người, một hạnh phúc có thể nâng tâm thức ấy lên trên những hỗn mang của sự vật, ở đấy y có thể kính trọng trật tự của thiên nhiên và lầm lỗi của con người? Há chỉ có độc một niềm hoan lạc mà không có sự phát minh? Chỉ có sự hài lòng mà không có lợi lộc? Há chúng ta không đồng thời thấy rõ những báu vật của kho tàng thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của nó? Chân lý có thực khô cằn chăng? Há chúng ta sẽ không nhờ đấy mà có thể sản ra những hậu quả đáng giá, và đem lại cho nhân sinh những tiện nghi vô hạn?”

Sản phẩm văn chương tinh luyện nhất của ông, cuốn “Tiểu luận” (1597 – 1623), chứng tỏ ông vẫn còn bị dằn xé giữa hai tình yêu, yêu chính trị và yêu triết học. Trong bài “Tiểu luận về danh dự và tiếng tăm”, ông gán tất cả mức độ danh dự cho những công trình quân sự và chính trị, không một mức độ nào được quy cho công trình văn chương hay triết học. Nhưng trong bài tiểu luận “Bàn về chân lý”, ông viết: “Sự tìm tòi chân lý – sự bắt tình với nó; tri thức về chân lý – sự ca ngợi nó, niềm tin vào chân lý – sự thưởng thức nó, là điều kiện tối cao của thiên tính con người”. Trong những cuốn sách “chúng ta nói chuyện với thánh hiền, cũng như trong hành động ta nói chuyện với người ngu”.

Nghĩa là nếu chúng ta biết lựa chọn sách để đọc. “Một số sách chỉ đáng nếm qua” – để trích một đoạn thời danh – “một số khác đáng nuốt chửng, và một số ít đáng được nhai nghiền và tiêu hoá”; tất cả những nhóm này, chắc hẳn, đã họp thành một phần rất nhỏ của những đại dương và những thác mực trong đó hằng ngày thế giới được tắm rửa, bị đầu độc và chết đuối.

Dĩ nhiên “Tiểu luận” phải được kể trong số ít sách đáng được nhai nghiền và tiêu hoá. Hiếm khi ta tìm thấy nhiều hào thiện được gia vị và gia hương một cách tuyệt diệu như thế trong một đĩa ăn bé nhỏ. Bacon ghét rườm rà, và không ưa phung phí một tiếng nào; ông cho ta vô vàn của cải trong một câu ngắn; mỗi bài tiểu luận trong đó, với khoảng một, hai trang, đem lại sự tinh tế được chưng lọc, của một tâm trí bực thầy về một vấn đề chính yếu của đời sống. Thật khó nói xem bên hình thức, bên nội dung, bên nào tuyệt hơn; vì ở đây ngôn ngữ đã đến chỗ tuyệt xảo về tản văn cũng như ngôn ngữ Shakespeare đã tuyệt xảo về văn vần.

Đấy là một lối văn giống như văn của Tacite, hùng mạnh, cô đọng nhưng gọt giũa; và quả vậy một phần sự sáng sủa khúc triết của nó là nhờ ở sự mô phỏng khéo léo những từ ngữ La Tinh. Nhưng kho tàng ẩn dụ của nó đặc biệt có tính cách của thời đại Elizabeth, và phản ảnh sự dồi dào của thời Phục hưng; không người nào trong văn chương Anh lại sung túc về lối so sánh hàm súc và ý nhị như thế. Sự chưng bày phung phí những so sánh này là khuyết điểm độc nhất trong lối văn của Bacon: những ẩn dụ bóng gió tượng trưng bất tận đổ xuống như những nhát roi quất trên thần kinh của ta và cuối cùng làm cho ta chán mệt. Cuốn “Tiểu luận” giống như món ăn nặng nề nhiều gia vị, không thể tiêu hoá nhiều trong một lúc, nhưng nếu đọc mỗi lần bốn hay năm bài, thì chúng là dưỡng chất tinh thần bổ khoẻ nhất bằng Anh ngữ.

Ta có thể rút ra được gì từ sự minh triết đã được rút tỉa này? Có lẽ khởi điểm tốt nhất, và sự chuyển hướng đáng chú ý nhất từ những thời thượng của triết học trung cổ chính là sự chấp nhận hẳn nhiên của ông đối với đạo đức của Epicure. Quan điểm triết học “đừng sử dụng để khỏi mong muốn, đừng mong muốn để khỏi sợ hãi, có vẻ là một dấu hiệu của một tâm thức yếu đuối rụt rè. Và quả thế phần lớn những học thuyết của các triết gia dường như quá hoài nghi, và lo cho nhân loại quá mức cần thiết. Họ làm tăng thêm nỗi sợ chết khi đưa ra những phương pháp chống lại nó; bởi vì khi họ xem cuộc sống của con người chỉ là một kỷ luật chuẩn bị cho cái chết, thì dĩ nhiên kẻ thù ấy phải là ghê gớm, sự tự vệ chống lại nó được đặt ra triền miên” (Tăng tiến tri thức, VII, 2).

Không gì tai hại cho sức khoẻ bằng sự tiết chế dục vọng theo thuyết khắc kỷ; kéo dài một đời sống ra làm gì khi sự an phận thản nhiên đã biến nó thành ra sự chết trước kỳ? Ngoài ra, đấy là một nền triết học bất khả; vì bản năng sẽ vọt ra. “Bản năng thường bị che dấu, một đôi khi bị thắng lướt, nhưng hiếm khi chết hẳn. Sức mạnh bản năng còn dữ dội hơn khi quay trở lại; lý thuyết và sự giáo dục làm nó bớt cấp bách, nhưng tập tục chỉ biến đổi, hàng phục bản năng. Người ta chớ nên quá tin vào sự đắc thắng của mình đối với bản năng, vì nó sẽ nằm chôn vùi một thời gian lâu, nhưng sẽ sống dậy khi có dịp hay có sự cám dỗ. Bản năng cũng như cô gái của Aesop, biến từ một con mèo thành một người đàn bà, ngồi rất đoan trang ở đầu tấm phản, cho đến khi một con chuột chạy ngang trước mặt.

Bởi thế, một người hãy tránh hẳn cơ hội, hoặc đặt mình thường xuyên tiếp xúc với cơ hội để có thể ít bị xúc động vì nó[2]”. Quả thế, Bacon nghĩ rằng thân xác cần được tập quen với sự quá độ cũng như sự tiết chế: nếu không, ngay chỉ một lúc không tiết chế cũng đủ phá hoại nó. – Bởi thế một người quen ăn những thức ăn thuần khiết và dễ tiêu hoá nhất sẽ dễ dàng bị đau bụng khi vì quên hay vì hoàn cảnh bắt buộc, phải bỏ lệ -. Tuy nhiên “sự thay đổi nhiều lạc thú tốt hơn là sự quá đà”; vì “sức mạnh của bản năng nơi tuổi trẻ đã vi phạm nhiều sự quá độ khiến một người đến tuổi già phải trả giá chúng”. Sự trưởng thành của một người thường phải trả giá bằng tuổi trẻ y. Một đường lối hay hoặc để đạt đến sức khoẻ là một mẫu vườn; Bacon đã đồng ý với tác giả của Sáng thế ký rằng: “Đức Chúa trời lúc đầu dựng một khu vườn” và với Voltaire rằng chúng ta nên trồng tỉa khoảnh sân sau của mình.

Triết lý đạo đức trong cuốn “Tiểu luận” có mùi vị của Michiavel hơn là của Kitô giáo, mà Bacon thường chỉ trích gay gắt “Chúng ta mắc nợ của Machiavel và những nhà văn tương tự, những người tuyên bố một cách cởi mở không che đậy những gì con người làm thực sự, chứ không phải những gì y làm; bởi vì không thể nào nối liền sự khôn ngoan của một con rắn và sự ngây thơ của con bồ câu, nếu trước hết không có một tri thức về bản chất của sự ác; không có tri thức này thì đức hạnh bị phơi ra không được phòng vệ” (Tăng tiến tri thức, XII, 2). “Những người Ý có một câu cách ngôn khiếm nhã: Tanto buon che val niente, – tốt quá đến nỗi không ích vào việc gì” (Về sự tốt đẹp).

Bacon phối hợp lý thuyết của ông với thực hành, và khuyên nên có một hoà hợp giữa sự gian lận và lương thiện, giống như một hợp kim sẽ khiến cho chất kim loại kém tinh ròng nhưng mềm hơn, có thể sống dai hơn. Ông muốn có một sự nghiệp trọn vẹn và nhiều màu sắc, để quen với mọi thứ có thể mở rộng, đào sâu, tăng cường, làm sắc bén tâm trí. Ông không thán phục đời sống thuần tư tưởng; như Goethe, ông khinh bỉ thứ tri thức không đưa đến hành động: “người ta phải biết rằng trên sân khấu nhân sinh chỉ có những Thượng đế và thiên thần mới làm khán giả” (Tăng tiến tri thức, VII, 1).

Về tôn giáo, mặc dù đã hơn một lần bị lên án là vô thần và toàn bộ khuynh hướng triết học ông có tính cách thế tục và thuần lý, Bacon tỏ ra là một người đả kích sự bất tín rất hùng hồn và nghe ra có chiều thành thật. “Tôi chẳng thà tin mọi bài ngụ ngôn trong truyện hoang đường, và kinh Talmud và Alcoran, còn hơn tin rằng cái khung vũ trụ này lại không có một tâm thức… Với một ít triết lý rởm đời, tâm thức con người ngả về vô thần; nhưng sự uyên thâm về triết học đem tâm thức người lại gần tôn giáo.

Vì khi tâm thức con người nhìn vào những nguyên nhân phụ bị phân tán, đôi khi nó có thể an nghỉ trong chúng và không đi xa hơn; nhưng khi nó nhìn chuỗi dây xích của chúng, liên minh kết nối với nhau, nó phải bay đến Thượng đế và thần tính. Sự thờ ơ đối với tôn giáo là do rất nhiều yếu tố. “Những nguyên nhân của sự vô thần là sự phân chia nhiều tôn giáo; vì khi chỉ chia đôi, mỗi ngành tôn giáo sẽ gia tăng sự hăng hái cho cả đôi bên; nhưng nhiều ngành tôn giáo sẽ đưa đến vô thần… Và cuối cùng, nguyên nhân ấy là những thời đại của học giả, nhất là khi có hoà bình thịnh vượng; vì những lúc rối loạn và ngang trái, quả có làm cho tâm thức con người thiên về tôn giáo”.

Nhưng giá trị của Bacon nằm ở tâm lý học nhiều hơn ở thần học và đạo đức. Ông là một nhà phân tích xác đáng bản tính con người, sự quan sát tinh tế của ông rọi vào mọi tâm hồn. Ông độc đáo một cách mới mẻ về một đề tài nhạt nhẽo nhất thế giới. “Một người cưới vợ già thêm bảy tuổi trong tư tưởng ngay hôm đầu tiên”. “Người ta thường thấy những ông chồng xấu lại có vợ tốt” (Bacon là một ngoại lệ!). “Một đời độc thân tốt cho những giáo sĩ, vì lòng bác ái không thể nào tưới được xuống đất khi nó phải đổ đầy một cái ao trước đã… Người nào có vợ con tức đã đưa con tin cho vận số; vì gia đình là chướng ngại cho những công việc lớn, dù công việc ấy có tính chất thiện hay ác”. Bacon dường như bận việc quá nhiều không có thì giờ để yêu đương, và có lẽ ông không bao giờ cảm thức tình yêu một cách sâu xa. “Thật lạ lùng khi ta chú ý đến sự thái quá của thứ đam mê này…

Không một người đàn ông kiêu hãnh nào lại có thể nghĩ tốt về mình một cách phi lý như người đang yêu nghĩ về người mình yêu… Ta có thể thấy rằng trong số tất cả những người vĩ đại và xứng đáng không một người nào đã bị mê man điên dại vì yêu đương, điều ấy chứng tỏ những tâm hồn lớn và những công việc lớn vẫn thường tránh xa cái đam mê yếu đuối ấy” (“Về ái tình”).

Bacon đánh giá tình bằng hữu hơn tình yêu, mặc dù ngay cả tình bằng hữu ông cũng có thể có thái độ hoài nghi. “Có rất ít tình bằng hữu trên thế giới, và hiếm nhất là tình bằng hữu giữa những người ngang nhau, mối tình này thường hay được phóng đại. Tình bạn có thật là giữa người trên và người dưới, những người vì cảnh ngộ có thể hiểu nhau… Một hậu quả chính của tình bạn là niềm thoải mái và sự trút sạch nỗi đầy ứ của trái tim, mà đam mê đủ loại đã gây ra”. Một người bạn là một lỗ tai. “Những người cần bạn để thố lộ can tràng chính là những kẻ ăn thịt chính trái tim mình…

Kẻ nào có tâm sự đầy những ý tưởng, thì trí tuệ và hiểu biết của y sẽ sáng tỏ và tuôn ra trong khi bàn luận cảm giao với một người khác; ý tưởng của y tuôn ra dễ dàng hơn; y sắp đặt chúng một cách thứ tự hơn; y thấy rõ chúng sẽ ra thế nào khi biến thành lời; cuối cùng y trở nên minh triết hơn trước; và đó là nhờ một giờ đàm luận hơn là qua một ngày trầm tư. (“Về tình bằng hữu”).

Trong bài tiểu luận “Về tuổi trẻ và sự già nua” Bacon đã thu gọn một cuốn sách vào trong một đoạn văn. “Thanh niên thích hợp cho việc phát minh hơn là cho sự phán đoán, thích hợp cho sự thi hành hơn cho việc làm cố vấn, và thích hợp cho những kế hoạch mới hơn là cho công việc đã an bài; bởi vì cái kinh nghiệm của tuổi tác về những việc đã qua hướng dẫn họ, song về những việc mới lại lừa dối họ… Thanh niên, trong sự điều hành những hoạt động, thường ham hố ôm vào thật nhiều nhưng nắm được rất ít, có thể quấy động nhiều hơn trấn an; lao vào mục đích mà không biết xét đến phương tiện thứ lớp, theo đuổi một cách phi lý một vài nguyên tắc họ tình cờ bắt gặp, không biết biến chế, và điều này đã mang lại cho họ nhiều khó chịu bất ngờ…

Những người tuổi tác thì cản ngăn quá nhiều, cân nhắc quá lâu, không mấy khi chịu làm liều, thối lui quá sớm, và ít khi đẩy công việc đi đến giai đoạn toàn mãn nhất mà chỉ bằng lòng với một thành công tàm tạm. Dĩ nhiên cần dùng cả hai… Bởi vì những đức tính nơi hạng người này có thể sửa chữa những khuyết điểm nơi hạng người kia”. Tuy nhiên Bacon nghĩ rằng tuổi thanh và thiếu niên có lẽ được dành quá nhiều tự do, bởi thế đâm ra lêu lổng vô trật tự. “Các bậc cha mẹ nên chọn đúng lúc năng khiếu và con đường họ muốn con cái phải theo, bởi vì vào giai đoạn ấy trẻ dễ uốn nắn nhất; họ không nên quá chú tâm đến thiên tư của con cái đến độ tưởng rằng tốt hơn hết chúng nên theo những gì chúng ham thích.

Quả có đúng khi bảo rằng nếu một đứa trẻ có những ham thích hay năng khiếu phi thường vào một việc gì, thì không nên làm trái năng khiếu ấy; nhưng phần nhiều lời khuyên sau đây của Pythagore rất hợp lý: “Optimum lege suave et facile illud faciet…” “Hãy chọn việc tốt nhất, thói quen sẽ làm cho nó thú vị và dễ dàng” (“Về cha mẹ và con cái”). Vì “thói quen là vị thẩm phán chính trong đời người ta” (“Về thói quen”).

Về chính trị, những bài tiểu luận đưa ra một thuyết bảo thủ tự nhiên nơi người có khát vọng thống trị. Bacon muốn có một quyền hành trung ương mạnh. Chính thể quân chủ là hình thức cai trị tốt nhất; và thường hiệu năng một quốc gia thay đổi tuỳ sự tập trung quyền hành. “Có ba giai đoạn trong việc chính sự: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thảo luận hay cứu xét và giai đoạn thi hành. Bởi thế, nếu muốn nhanh chóng, chỉ giai đoạn giữa nên để cho nhiều người làm, còn đầu và cuối cho số ít” (“Về sự thi hành nhanh chóng”). Bacon là một nhà quân sự rõ rệt; ông phàn nàn sự phát triển kỹ nghệ, coi như không thích hợp cho chiến tranh và than phiền hoà bình kéo dài có thể ru ngủ con người chiến đấu trong ta.

Tuy nhiên ông công nhận tầm quan trọng của nguyên liệu: “Khi Croesus khoe với Solon chỗ vàng của mình, Solon nói không ngoa rằng nếu kẻ nào khác có sắt tốt hơn, kẻ ấy sẽ làm chủ tất cả số vàng ấy” (“Về sự vĩ đại đích thực của các vương quốc”).

Cũng như Aristote, Bacon khuyên nên tránh các cuộc cách mạng. “Cách thức chắc chắn nhất để đề phòng nổi loạn;… là dẹp hết chất liệu cho những cuộc nổi loạn; vì khi nhiên liệu đã sẵn sàng, thật khó biết khi nào tàn lửa sẽ châm đốt… Điều ấy không có nghĩa là muốn trừ loạn phải ráo riết dẹp tắt những cuộc hội thảo, trái lại, khinh thường những cuộc hội thảo ấy đôi khi là cách hay nhất để ngăn chận chúng; còn cứ lo đi quanh dẹp hội thảo thì chỉ làm cho chúng sống dai thêm… Chất liệu cho biến loạn có hai: nghèo túng và bất mãn.

Những nguyên nhân và động lực thúc đẩy các cuộc bạo động là sự canh tân tôn giáo; chính sách thuế khoá; thay đổi luật lệ; tước đặc quyền; sự đàn áp chung; sự tiến cử những người không xứng đáng, những người lạ; sự đói kém; lính giải ngũ; các đảng phái đâm ra tuyệt vọng; và bất cứ gì làm mếch lòng dân đều đoàn kết họ lại trong một chính nghĩa chung”. Mánh lới của nhà lãnh tụ dĩ nhiên là phải chia rẽ kẻ thù ra và đoàn kết bạn hữu lại”. Nói chung, sự chia rẽ và dập tắt mọi đảng phái… nghịch với chính quyền và đặt họ ở xa nhau hay ít nhất làm cho họ nghi kỵ lẫn nhau, không phải là một trường hợp tuyệt vọng khi những người cầm giềng mối quốc gia thì có đầy yếu tố bất hoà và phe đảng, còn những người chống lại quốc gia thì toàn vẹn nhất khối (“Về những cuộc bạo động và bất an”).

Một phương sách tốt hơn để tránh cách mạng là phân chia tài sản cho quân bình: “Tiền giống như phân bón, không tốt nếu không rải phân” (ibid.). Song điều này không có nghĩa chủ trương xã hội hay dân chủ. Bacon không tin vào dân chúng mà vào thời ông rất ít được giáo dục; sự nịnh bợ là mị dân”; và “Phocion, khi được dân chúng hoan hô, đã hỏi một câu đầy ý vị: “Ta có làm gì sai quấy đâu?” (“Tăng tiến tri thức”). Điều Bacon muốn trước tiên là một chế độ tiểu điền chủ gồm những tá điền sở hữu ruộng đất; rồi một giai cấp quý tộc để cầm quyền hành chánh, và trên hết là một vị quốc vương vừa là triết gia”.

Hầu như không có trường hợp nào trong đó một nền cai trị không được phồn thịnh dưới những nhà cầm quyền uyên bác” (ibid). Bacon kể đến Seneca, Antonius Pius và Aurelius; hy vọng của ông là hậu thế sẽ cộng thêm tên mình vào số đó.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: William Durant
Nguồn: DTV eBook

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x