Trang chủ » 3. TOLSTOI VỚI VLADIMIR SOLOVIEV

3. TOLSTOI VỚI VLADIMIR SOLOVIEV

by Trung Kiên Lê
87 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tiểu dẫn – Với Vladimir Sergeevich Soloviev (1853-1900) Tolstoi quen biết từ năm 1875 và mặc dù có những bất đồng tư tưởng khá sâu sắc, luôn luôn quý trọng nhà triết học kỳ tài này, trẻ hơn ông những 25 tuổi. Soloviev nhiều lần gặp gỡ, đàm đạo và trao đổi thư từ với Tolstoi. Đáng tiếc những thư từ ấy còn lại rất không đầy đủ. Dưới đây được chọn dịch 3 thư của Tolstoi và 3 thư của Soloviev, trong đó có 1 thư không gửi, trình bày điểm mấu chốt trong những bất đồng ý kiến giữa Tolstoi và Soloviev.

1. Soloviev gửi Tolstoi

[cuối tháng Hai 1890]

Thưa tiên sinh Lev Nikolaevich vô cùng kính mến, chúng tôi viết cho tiên sinh về một việc rất quan trọng. Ở đây đang có những tin đồn, mà chúng tôi đã có điều kiện nhận thấy là xác thực – về những quy định mới cho người Do Thái ở Nga[318]. Bằng những quy định ấy người Do Thái bị tước đi hầu như mọi khả năng tồn tại ngay ở trong cái gọi là vùng định cư.[319]

Hiện nay ở ta, bất cứ ai không đồng tình với sự truy bức ấy và cho rằng người Do Thái cũng là người như mọi người đều bị coi là kẻ phản quốc, tên điên hay bị lũ “phản Chúa”[320] mua. Tất nhiên, tất cả cái đó sẽ không làm cho tiên sinh sợ. Rất đáng mong muốn, sao cho tiên sinh cất tiếng chống lại trò xấu xa bỉ ổi ấy. “Chừng nào con chưa vạch mặt được tên bất chính ấy với những việc bất chính của hắn, con chưa dám cầu xin Người trừng trị hắn.” Tiến hành sự vạch mặt ấy dưới hình thức nào, cái đó phụ thuộc hoàn toàn vào tiên sinh. Tốt nhất nếu tiên sinh lên tiếng một mình, nhân danh chỉ cá nhân mình. Nếu vì một lẽ nào đó tiên sinh thấy việc ấy là bất khả thì sẽ có thể viết một cái gì đó mang tính thập thể.[321]

Mong tiên sinh vui lòng cho một ai trong chúng tôi biết tiên sinh nghĩ gì về điều này.

Chúng tôi sẽ nóng lòng chờ thư trả lời của tiên sinh. Hết lòng trung thành với tiên sinh.

Vladimir Soloviev Emily Dillon[322]

2. Tolstoi gửi Soloviev

[15 tháng ba 1890]

Rất cảm ơn anh, Vladimir Sergeevich và ông Dillon vì các bạn đã khuyến dụ và tạo cho tôi cơ hội tham gia một việc làm tốt lành.

Tôi hết long mừng vui được tham gia vào công việc này và biết trước rằng nếu anh, Vladimir Sergeevich, sẽ bày tỏ những gì mà anh nghĩ về vấn đề này, thì anh sẽ bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của cả tôi nữa, bởi vì cơ sở của thái độ ghê tởm của chúng ta đối với mọi biện pháp áp bức dân tộc Do Thái là một – đó là ý thức về tình anh em với tất cả mọi dân tộc, nhất là với những người Do Thái, mà giữa họ đức Kitô đã sống và họ đã phải chịu nhiều đau khổ đến thế do sự ngu tối tà giáo của những kẻ tự xưng là con chiên của chúa Kitô.

Với anh, sẽ là tự nhiên viết ra cái đó, vì anh biết cái gì cụ thể đang đe dọa người Do Thái và người ta đang nói những gì về tất cả cái đó. Còn tôi thì không thể mệnh lệnh cho mình viết về một đề tài được đặt, khi chưa có thôi thúc từ bên trong.

Cầu Chúa phù trợ cho anh trong công việc phúc hậu này.

Yêu mến anh

Lev Tolstoi

3. Tolstoi gửi Soloviev

7 tháng Tám 1894

Vladimir Sergeevich quý mến, hôm nay tôi giở thư anh ra để viết trả lời và phát khiep thấy đã hơn một tháng trôi qua. Cảm ơn những ý định tốt lành của anh và hân hoan chờ đợi sự thực hiện chúng[323]. Bs Krauskopp[324] hóa ra là một người mang tinh thần rất không Kitô giáo, nhưng cái đó không ngăn cản kế hoạch của ông ta rất có lý và cũng không ngăn cản tôi cảm thông với ông ấy, mặc dù sự cảm thông của tôi vị tất hữu dụng cho ông ta. Còn tinh thần phi Kitô giáo thì tôi tìm thấy trong cuốn sách mỏng[325] ông ấy cho tôi viết về đề tài “Mắt đền mắt” và sự bất kháng Kitô giáo. Ông ta nói ở đấy rằng “Mắt đền mắt” là đúng, còn giơ má [cho tát] là không đúng và trong trường hợp bị tát vào má và cướp áo ngoài thì cần phải không giớ má khác và không cho cả áo trong, mà phải giơ nắm đấm và cái roi. Cái đó tôi thấy rất tởm, mặc dù đã đến lúc cần phải quen với những trò tởm lợm nhự thế trong khung cảnh những cuộc hành quyết bủa vây chúng ta.

Tôi đã đọc bài Kết cục của một cuộc tranh luận[326] của anh và tình cờ lại trông thấy bài đáp trả của Tikhomirov[327]. Mong anh thứ lỗi cho tôi không được thỉnh cầu mà vẫn khuyến dụ, nhưng yếu mến và kính trọng anh, tôi không thể kìm giữ mình để không khuyên anh hãy từ chối hẳn việc tranh luận đi. Anh sẽ gìn giữ được biết bao sức lực! Mà có cái để anh đáng bộ sức vào. Gặt hái sẽ được nhiều lắm! Thân ái siết chặt tay anh.

L.Tolstoi

4. Soloviev gửi Tolstoi

28 tháng Bảy – 2 tháng Tám 1894. Peterburg

Tiên sinh Lev Nikolaevich quý mến!

Từ khi viết bức thư cuối cùng của mình, gửi qua ô. Krauskopf[328], tôi đã hai lần ốm nặng, vì vậy không muốn trì hoãn lâu hơn nữa câu chuyện hệ trọng mà tôi phải nói với tiên sinh.

Tất cả những bất đồng ý kiến của chúng ta có thể được tập trung vào một điểm cụ thể – vào sự phục sinh của Kitô.

Tôi nghĩ rằng trong thế giới quan của bản thân tiên sinh (nếu tôi hiểu đúng những trước tác gần đấy của tiên sinh) không có cái gì cản trở thừa nhận chân lý của sự phục sinh, mà thậm chí còn có cái bắt buộc thừa nhận nó. Xin được nói về sự phục sinh nói chung, sau đó về sự phục sinh của Kitô.

1) Tiên sinh chấp nhận rằng thế giới chúng ta luôn luôn thay hình đổi dạng theo hướng đi lên, chuyển từ những hình thái và bậc tồn tại thấp hơn lên những hình thái và bậc cao hơn hay hoàn hảo hơn;

2) Tiên sinh thừa nhận sự tương tác giữa đời sống nội tâm tinh thần với đời sống ngoại tại, thân xác;

3) Trên cơ sở sự tương tác ấy tiên sinh thừa nhận rằng độ hoàn hảo của sinh linh tinh thần thể hiện ở chỗ sự sống tinh thần nội tại của nó khuất phục, làm chủ sự sống thân xác. Xuất phát từ ba điểm ấy, tôi nghĩ, cần phải đến với chân lý về sự phục sinh. Vấn đề là ở chỗ sức mạnh tinh thần trong quan hệ với tồn tại vật chất không phải là một đại lượng thường hằng, mà là một đại lượng gia tăng. Trong thế giới động vật nó nói chung ở trong trạng thái tiềm ẩn; trong loài người, nó tự giải phóng và trở nên thấy được. Nhưng sự giải phóng ấy ban đầu diễn ra chỉ trong ý tưởng, dưới hình thức ý thức hữu trí: tôi phân biệt mình với cái tự nhiên sinh vật của mình, ý thức được sự không, phụ thuộc nội tại vào nó và sự ưu việt so với nó.

Những ý thức ấy có thể trở thành một cơ đồ hay không? Không những có thể, mà một phần đã trở thành. Giống như trong thế giới động vật chúng ta rõ ràng tìm thấy những phôi mầm hay ánh lóe của cuộc sống hữu trí, cũng thế trong nhân loại rõ ràng tồn tại những phôi mầm của trạng thái hoàn hảo cao nhất, mà ở đấy tinh thần thực sự làm chủ sự sống vật chất. Nó đấu tranh với những cuồng vọng tối tăm của cái tự nhiên vật chất và bắt chúng khuất phục mình (chứ không chỉ phân biệt mình với chúng). Sự đầy đủ nhiều hơn hay ít hơn của chiến thắng ấy phụ thuộc vào mức độ hoàn hảo tính thần. Thắng lợi cực đoan của bản nguyên vật chất thù địch là sự chết, tức là sự phóng thích sự sống hỗn mang của các bộ phận vật chất cùng với phá vỡ mọi quan hệ hữu trí, hợp đích giữa chúng. Sự chết là chiến thắng rõ ràng của cái vô nghĩa đối với ý nghĩa, của sự hỗn mang đối với trật tự hoàn vũ. Cái này đặc biệt rõ ràng đối với các sinh vật cấp cao.

Cái chết của con người là sự hủy diệt một cơ thể hoàn hảo, tức là một hình thức hợp đích và một công cụ của sự sống hữu trí cao nhất. Một sự chiến thắng như thế của cái thấp hơn đối với cái cao hơn, một sự tước vũ khí như vậy của bản nguyên tinh thần cho thấy rõ tính chưa đủ sức mạnh của bản nguyên ấy. Thế nhưng sức mạnh ấy gia tăng. Đối với con người sự bất tử, cũng như trí tuệ đối với con vật; ý nghĩa của thế giới động vật là động vật hữu trí, tức là con người. Ý nghĩa của loài người là con người bất tử, tức là Ki tô. Cũng như giới động vật hướng tới trí tuệ, y như thế nhân loại hướng tới sự bất tử. Nếu sự đấu tranh với cái hỗn mang và với sự chết là thực chất của; quá trình hoàn vũ, mà trong đó phương diện sáng tươi, tinh thần mặc dù chậm chạp và dần dà, nhưng vẫn chiến thắng, thì sự phục sinh, tức là chiến thắng thực sự và cuối cùng của sinh linh sống động đối với sự chết, là một: thành tố không thể thiếu được của quá trình ấy, về nguyên tắc nó đến đây thì kết thúc; toàn bộ diễn trình tiếp theo, nói nghiêm ngặt, chỉ mang tính chất mở rộng – đó là sự phổ biến hóa cái chiến thắng cá thể ấy hay là sự quảng bá những hệ quả của nó ra toàn bộ loài người và toàn thế giới.

Nếu hiểu dưới từ “phép lạ” một sự việc mâu thuẫn với diễn trình chung của sự vật và vì thế là bất khả thể, thì sự phục sinh là cái đối lập trực tiếp với phép lạ – đó là sự kiện thiết yếu tuyệt đối trong diễn trình chung của sự vật; còn nếu hiểu dưới từ “phép lạ” một sự kiện xảy ra lần đầu tiên, chưa từng có bao giờ, thì sự phục sinh của “người đầu tiên từ cõi chết dĩ nhiên là phép lạ – cũng là phép lạ y như sự xuất hiện của một tế bào hữu cơ đầu tiên trong thế giới vô cơ, hoặc sự xuất hiện của một động vật giữa thảo mộc nguyên thủy, hay con người đầu tiên giữa những động vật họ người. Lịch sử tự nhiên không mảy may hồ nghi về những phép lạ ấy, cũng như thể phép lạ phục sinh là không thể hồ nghi nếu xem xét lịch sử nhân loại.

Dĩ nhiên, xét từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật máy móc thì tất cả cái đó là – nul et non à venir[329]. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên, nếu từ điểm nhìn của tiên sinh lại nghe thấy một phản bác nào đó có tính nguyên tắc. Tôi tin chắc rằng đối với tiên sinh ý tưởng phục sinh và “người đầu tiên từ cõi chết” cũng tự nhiên như đối với tôi. Nhưng có một câu hỏi: nó đã được thực hiện hay chưa ở nhân vật lịch sử, mà về sự phục sinh của người ấy các sách Phúc Âm kể cho ta? Đây là những căn cứ mà tôi lấy để xác nhận sự tin tưởng của tôi về sự phục sinh có thật của nhân vật ấy, Giêsu Kitô, với tư cách người đầu tiên trở về từ cõi chết.

I. Chiến thắng sự chết là hệ quả tất yếu tự nhiên của thể hoàn hảo tinh thần nội tại; và nhân vật mà ở đấy yếu tố tinh thần thể hiện sức mạnh tuyệt đối và vĩnh viễn đối với tất cả những gì thấp hơn – nhân vật ấy không thể bị khuất phục bởi cái chết; sức mạnh tinh thần, đạt tới độ viên mãn của sự hoàn hảo, tất yếu, có thể nói, tràn ra khỏi bờ vực của sự sống chủ quan – tâm thức, lan sang cả sự sống vật chất, biến cải nó, sau đó tinh thần hóa nó toàn bộ và gắn kết mình với nó không tách rời. Nhưng chính hình tượng của sự hoàn hảo tinh thần viên mãn ấy tôi tìm thấy trong Kitô của các sách Phúc Âm; xem hình tượng ấy là một hư cấu là điều tôi không thể làm, do rất nhiều nguyên nhân không cần dẫn ra ở đây, cũng như tiên sinh không coi Kitô của các sách Phúc Âm là một huyền thoại. Nếu con người hoàn hảo tinh thần ấy quả thật từng tồn tại, thì người ấy chắc chắn đã là người đầu tiên trở về từ cõi chết và chẳng phải chờ đợi một người nào khác.

II. Căn cứ thứ hai của niềm tin nơi tôi xin được làm sáng rõ bằng sự so sánh lấy từ một lĩnh vực khác. Khi mà nhà thiên văn học Le Verrier bằng những tính toán xác định đã đi đến nhận thức rằng sau quỹ đạo của hành tinh Uran (sao Thổ) phải có một hành tinh khác, rồi sau đó ông ta trông thấy nó trong kính viễn vọng đúng như nó phải tồn tại theo những tính toán của ông, thì tất ông ta có một lý do hợp lý nào để nghĩ rằng cái hành tinh ông ta đang trông thấy ấy không phải là hành tinh mà ông ta đã tính ra, rằng nó không không thật, còn hành tinh thật thì sẽ chỉ có thể được phát hiện trong tương lai.

Tương tự như thế, khi mà dựa vào ý nghĩa chưng của tiến trình hoàn vũ và lịch sử và trình tự của các giai đoạn của nó, chúng ta thấy rằng sau khi bản nguyên tinh thần đã thể hiện mình dưới hình thức ý tưởng – một mặt, trong triết học và nghệ thuật của người Hy Lạp, mặt khác – trong lý tưởng đạo đức tôn giáo của các nhà tiên tri Do Thái (khái niệm Vương quốc của Thiên Chúa) — bước tiếp tục, cao nhất của sự khải huyền ấy sẽ phải là sự hiện diện cá thể và hiện thực của cũng bản nguyên tinh thần ấy, sự nhập thể của nó vào một cá thể con người sống động mà không chỉ trong tư tưởng và trong những hình tượng nghệ thuật, mà trong thực tại phải cho thay sức mạnh và chiến thắng của tinh thần đối với bản nguyên thù địch tồi tệ, với biểu hiện cực đoan của nó – sự chết, tức là phải thực sự làm sống lại thân thể vật chất của mình và biến cải nó thành thân thể tinh thần, – và khi mà đồng thời ở những nhân chứng thấy tận mắt, ở những người Do Thái thất học và không có một ý niệm gì về tiến trình hoàn vũ với những giai đoạn của nó, chúng ta tìm thấy sự mô tả đúng một con người như thế, cá thể và hiện thực, biểu lộ trong mình bản nguyên tinh thần ấy, và đáng để ý là họ, những người Do Thái ấy, với niềm kinh ngạc, như trước một sự kiện bất ngờ và không thể tưởng tượng được đối với họ, đã kể rằng con người ấy đã sống lại, tức là họ đã đưa ra một cách thuần túy thực chứng, như là một trình tự sự việc cái mà đối với chúng ta, có mối liên lạc logic nội tại – khi thấy một sự trùng hợp như thế thì chúng ta tuyệt không có quyền buộc tội những nhân chứng ấy đã bịa ra những sự việc mà ý nghĩa của chúng không rõ đối với chính họ.

Cái đó sẽ gần như chúng ta sẽ giả định rằng những công nhân lắp ống kính viễn vọng ở đài thiên văn Paris, mặc dù không biết gì hết về những tính toán của Le Verrier, tuy vậy đã cố tình làm sao cho ông ta nhìn thấy qua kính viễn vọng ấy bóng ma của Hải tinh không tồn tại.

III. Về căn cứ thứ ba của niềm tin nơi tôi về sự phục sinh của Kitô tôi chỉ nói vài lời, bởi vì nó được quá quen biết, mặc dù cái đó không hề giảm thiểu sức mạnh của nó. Vấn đề là ở chỗ, không có thực tại của cuộc phục sinh thì nhiệt tình phi thường của cộng đồng các tông đồ sẽ không có đủ cơ sở và nói chung toàn bộ lịch sử khởi thủy của đạo Kitô sẽ là một loạt những điều bất khả thể. Bằng không sẽ phải thừa nhận (như một số người từng làm) rằng trong lịch sử đạo Kitô tuyệt không có thế kỷ thứ nhất, rằng nó bắt đầu trực tiếp từ thế kỷ thứ hai hoặc thậm chí thế kỷ thứ ba [sau công nguyên].

Cá nhân tôi, từ khi tôi thừa nhận rằng lịch sử thế giới và nhân loại có ý nghĩa, thì tôi không còn một hồ nghi nào về sự phục sinh của Kito và tất cả những lập luận phản bác chân lý ấy bằng sự yếu ớt của mình chỉ xác nhận niềm tin nơi tôi. Chỉ một lập luận duy nhất độc đáo và nghiêm túc mà tôi biết là của tiên sinh. Trong một lần trò chuyện gần đây với tôi, tiên sinh có nói rằng nếu thừa nhận sự phục sinh và từ đó, thừa nhận ý nghĩa ngoại biệt, siêu nhiên của Kitô thì điều đó sẽ khiến những người theo đạo Kitô trông cậy nhiều hơn, để được cứu rỗi, vào sức mạnh huyền bí của sinh linh siêu nhiên ấy, chứ không phải vào lao động tu luyện đạo đức của mình. Thế nhưng sự lạm dụng chân lý như thế cuối cùng sẽ chỉ vạch mặt những kẻ lạm dụng.

Bởi lẽ trong thực tế đức Kitô, mặc dù đã phục sinh, không thể làm gì đến cùng cho chúng ta nếu không có sự tham gia của chính chúng ta, cho nên đối với những tín đồ chính thực và thành tâm của Kitô không thể có một nguy cơ hiện thực nào của chủ nghĩa tĩnh tịch. Còn có thể giả định một nguy cơ như thế, giá như Kitô đã phục sinh là một thực tại thấy được đối với họ, nhưng trong những điều kiện hiện nay, khi mà mối liên lạc cá nhân với Người chỉ có thể mang tính tinh thần, mà cái đó đòi hỏi một lao động tinh thần ở con người, thì chỉ có những kẻ giả đạo đức hay vô liêm sỉ mới có thể vin vào thiên ân để coi nhẹ những nghĩa vụ đạo đức. Vả lại Thần-Nhân không phải là cái tuyệt đối thu hút tất cả của các nhà thần học phương Đông, và sự liên kết với Người không thể là thụ động một chiều. Người là “người đầu tiên trở về từ cõi chết”, người chỉ đường và ngọn cờ của sự sống năng động, của sự đấu tranh và sự hoàn thiện hóa, chứ không phải sự chìm đắm vào Niết bàn.

Trong mọi trường hợp, dù những hậu quả thực tiễn của sự phục sinh của Kitô có là thế nào, vấn đề về chân lý của sự phục sinh ấy được giải quyết không phải bởi chúng.

Với tôi sẽ là kỳ thủ cao độ được biết tiên sinh sẽ nói gì có tính cốt yếu về điều này. Nếu tiên sinh chưa thích thú hoặc chưa có thì giờ thì tôi sẽ chờ khi nào được gặp lại tiên sinh. Mong tiên sinh được dồi dào sức khỏe, xin kính chào tất cả các thân nhân của tiên sinh.

Hết lòng trung thành với tiên sinh.

Vlad. Soloviev[330]

5. Soloviev gửi Tolstoi

Tiên sinh Lev Nikolaevich kính mến,

Từ cuối tháng Bảy vẫn nằm ở chỗ  tôi một bức thư dài gửi tiên sinh về điểm chính yếu của những bất đồng ý kiến mang tính tôn giáo giữa chúng ta; nhưng tôi không bằng lòng với sự trình bày tư tưởng của mình, mà những hiểu lầm từ xa thì thường rất đáng tiếc. Khi nào gặp nhau (tôi hy vọng vào tháng Giêng tới) tôi sẽ đọc cho tiên sinh nghe như thể một đề tài cho cuộc đàm thoại miệng[331]. […]

Không thay đổi nội dung những quan điểm của mình, tôi ngày một kiên định trong xác tín rằng đạo đức là điều kiện đầu tiên và nhất thiết của mọi cái khác và không có điều kiện ấy thì mọi chuyện cao siêu và thâm sâu không chỉ mất đi phẩm giá và mọi tác dụng tốt lành, mà còn có thể biến thành những trò bỉ ổi đáng khiếp nhất. Xác tín này xích tôi lại gần với tiên sinh trong thực chất sự việc, bên ngoài mọi tình cảm cá nhân Kitô giáo. Nhưng với N.N. Strakhov[332] thì tôi sẽ giải hòa chủ yếu “trên cơ sở chính xác của luật pháp”, tức là vì lời dạy của Kinh Phúc Âm và tình cảm cá nhân mà không có sự đồng tình nào trong những quan điểm và khuynh hướng, sự đồng tình ấy xem ra càng ngày càng trở nên bất khả giữa chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi đã quyết định hòa giải và thiết nghĩ sẽ không vấp phải những cản trở từ phía ông ta. Lời khuyên bảo đôn hậu của tiên sinh đừng tiếp tục tranh luận nữa đã đến như là một sự xác nhận, rất quý đối với tôi, cho một quyết định đã được đưa ra. Tôi đã nguội lạnh với cuộc tranh luận ấy đến mức thậm chí đã không đọc những bài viết tiếp theo của Tikhomirov[333] và Rozanov[334] và cả bài của N.N[335]. Hay là sẽ đọc bài cuối cùng này vì lịch sự, chỉ sau khi đã hòa giải.

Mong tiên sinh được dồi dào sức khỏe, hỡi người bạn và người thầy trong sự nghiệp đức lý. Rất mong và hy vọng chóng được gặp lại tiên sinh.

Chân thành kính yêu tiến sinh,

Vlad. Soloviev

Hiện nay tôi đang sống ở Phần Lan, bên hồ Saima hoàn toàn một mình trong một ngôi nhà lớn, trống không; nhưng về Peterburg mấy ngày, mắc luôn viêm trực tràng chảy máu nhiều. Chỉ cần khỏi là tôi sẽ trở lại ngay với sự cô đơn của mình […]

6. Tolstoi gửi Soloviev

[9-15 tháng Mười Một 1894]

[9-15 tháng Mười Một 1894] Bức thư thân tình, hay tuyệt của anh đã làm tôi rất vui sướng, Vladimir Sergeevich yêu quý ạ. Tôi tin chắc giữa chúng ta sẽ không có bất đồng ý kiến nữa. Và nếu lại xảy ra, thì ta hãy cùng nhau cố gắng để nó biến đi, và để đạt được cái đó, chúng ta sẽ làm việc, không thuyết phục nhau, mà kiểm tra lại mình. Với anh, tôi luôn thấy chúng ta phải đồng tâm nhất trí và làm việc vai kề vai. Tôi đã cảm thấy như thế ngay sau khi được quen biết anh; sau đó cảm giác ấy mất đi, bị che lấp bởi một cái gì đó, nhưng cảm giác đầu tiên, cũng như trong mọi trường hợp là chính xác. Với anh, tôi luôn thấy được thoải mái, bởi vì tin hoàn toàn vào sự chân thành của anh.

Rất vui mừng là anh sẽ không tranh luận nữa.

Thái độ của anh đối với Strakhov[336] tôi hiểu và chia sẻ. Thái độ của tôi cũng na ná như thế: tôi quý con người, nhưng nhiều khi ngỡ ngàng trước những phán xét của người ấy. Sự khác nhau giữa chúng ta bây giờ còn ở chỗ có lẽ anh chờ đợi nhiều ở triều đại mới[337], còn tôi thì không chờ một cái gì và thiết nghĩ, để giúp sức cho sự sưởi ấm cả một khối lớn, hay chỉ một phần của nó, tôi không có và không thể có một phương tiện nào khác, ngoài gia tăng nhiệt lượng ở trong mình, còn mọi nỗ lực dành cho một việc nào khác sẽ chỉ là sự lãng phí năng lượng.

Tất cả mọi người trong gia đình tôi gửi lời hỏi thăm anh, còn tôi thì thân thiết ôm hôn anh.

L.Tolstoi

Hy vọng, giờ đây anh đã bình phục và đã hoặc đang trở lại chốn cô đơn tuyệt đẹp của mình. Anh đã làm tuyệt hay.

[318] Bài Do Thái là một yếu tố thường hằng trong chính sách đối nội của nhà nước Nga không chỉ thời Sa hoàng. Những năm 1890-1891 nhà đương cục Nga đã thực hiện một loạt biện pháp hạn chế các quyền cưu trú, làm ăn, học hành, đi lại, của người hoạt động xã hội Do Thái.

[319] “Vùng định cư” cho dân Do Thái ở Nga cổ truyền là các tỉnh phía Nam, tuy nhiên dần dần nhiều người thuộc dân tộc này được cho phép sinh sống cả ở những tỉnh phía Bắc, trong đó có vùng Moskva. Theo sắc lệnh ký ngày 28 tháng Ba 19891, ngay cả những người thợ thủ công Do Thái đã được phép sống và làm ăn ở Moskva và tỉnh Moskva cũng phải trở về cùng định cư cũ.

[320] Trong tiếng Nga có từ khinh miệt chỉ riêng từ Do Thái – “zhid”, ở đây tạm dịch là kẻ “phản Chúa” (dân tộc Do Thái đã không chấp nhận đạo Kitô và tiếp tục theo tôn giáo của mình)

[321] Một lời hiệu triệu như thế đã được Soloviev soạn thảo và được Tolstoi ký. Soloviev đã thu được hơn 50 chữ ký của những danh nhân Nga và có thể thu thập đượcnhiều hơn nữa, Bộ trưởng Nội vụ Nga đã ra thông tư nghiêm cấm các báo đăng lời hiệu triệu này. Nó chỉ được công bố trên tờ báo Times của Anh, không có chữ ký. Bản tiếng Nga của lời kêu gọi này chỉ được đăng năm 1909, trong sưu tập thư từ của Soloviev.

[322] Nhà báo Anh, sống lâu năm ở Nga, viết nhiều về văn học Nga. Chơi thân với Soloviev.

[323] Soloviev dự định in một tuyến tập hệ thống hóa những tác phẩm tôn giáo – đạo đức học của Tolstoi dưới đầu đề: “Phê phán ngụy Ki tô giáo. Từ những trước tác của Lev Tolsoi.”

[324] Joseph Krauskopf (1858-1923) – một giáo trưởng Do Thái sang Nga vào năm 1894 để tìm hiểu tình hình của các cộng đồng Do Thái ở Nga. Được đại sứ Mỹ ở Nga giới thiệu đã gặp Tolstoi. Sau này lập một trường nông nghiệp ở Mỹ, xem Tolstoi là người cổ vũ trong việc này.

[325] Trong sách “mắt đền mắt hay giơ má” (1894) của mình, vị giáo trưởng Do Thái này bày tỏ sự không đồng tình với học thuyết “Không chống lại cái ác” của đạo Ki tô và khẳng định nó không có nguồn gốc Do Thái.

[326] Bài viết tranh lúận với phe “thân Slave” của Soloviev, đăng trên báo giữa năm 1894.

[327] L.A.TiKhomirov – một trong những đối thủ của Soloviev trong cuộc tranh luận kéo dài này.

[328] Xem chú thích số 2 cho thư số 3.

[329] Sự trống rỗng và nhảm nhí (tiếng Pháp)._ND.

[330] Thư này đã không được gửi vì Soloviev không hài long với cách diễn đạt những tư tưởng tâm huyết của mình, sau này chúng sẽ được ông trình bày cặn kẽ và với nhiều chứng minh trong tác phẩm triết học lớn nhất của ông – “Biện chính cái thiện” (1897). Xem thư số 5 sau.

[331] Tolstoi lần đầu tiên được đọc cho nghe bức thư nói trên của Soloviev chỉ sau khi triết gia này đã qua đời, vào mùa hè 1901, nhưng ông đã không thay đổi ý kiến của mình. Với ông, Kitô mãi mãi chỉ là người, chứ không phải Thần – Nhân, và đã chết mà không phục sinh.

[332] N.N.Strakhov (1828-1898) – triết gia và nhà chính luận Nga, quan hệ thân thiết lâu năm với Tolstoi, thuộc phái “thân Slave”, tranh luận gay gắt và dai dẳng với Soloviev.

[333] Xem chú thích 5 cho thư số 3.

[334] V.V.Rozanov (1857-1918) – nhà văn và triết gia Nga giữ lập trường bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa; tranh luận nhiều với Soloviev.

[335] Tức là N.N.Strakhov; Soloviev nói đến một bài viết gần nhất của Strakhov bênh phái “thân Slave” và phản bác Soloviev.

[336] Xem chú thích 2, 5 cho thư trước

[337] Tolstoi nói đến Sa hoàng Nikolai đệ Nhị lên ngôi ngày 25 tháng Mười 1894 sau khi Alexander III qua đời. Soloviev quả thật trong mấy năm đầu đã đặt một số hy vọng vào ông vua mới, còn rất trẻ này.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x