Trang chủ » 30. THAM LUẬN CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỘI HÒA BÌNH TẠI STOKHOLM 

30. THAM LUẬN CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỘI HÒA BÌNH TẠI STOKHOLM 

by Trung Kiên Lê
89 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Thưa những người anh em khả ái,

Chúng ta tập hợp nhau về đây để chống chiến tranh. Chống chiến tranh, có nghĩa là chống lại cái việc mà vì nó, tất cả nhân dân thế giới, hàng triệu triệu người phải cống nạp vào tay mấy chục người, đôi khi chỉ vào tay một người, không chi hàng tỷ rúp, taler, franc, yên, phần lớn số tiền dành dụm do lao động mà có, cống nạp mà không kiểm tra được tiền của ấy được sử dụng ra sao, và không những thế, họ còn giao phó cả bản thân, cả cuộc sống của mình cho những người đó

Và chúng ta, mấy chục cá nhân từ mọi nơi trên thế giới tập trung về đây, không có bất cứ lợi thế nào, và điều chủ yếu là không có bất cứ quyền lực nào trước bất cứ ai, chúng ta chủ tâm đấu tranh, và nếu chúng ta đã muốn đấu tranh, thì chúng ta hy vọng sẽ chiến thắng thế lực to lớn đó, không phải thế lực cùa một chính phủ, mà là của tất cả mọi chính phủ đang nắm trong tay quyền kiểm soát số tiền hàng tỷ đồng, quân đội hàng triệu người, và đang biết rất rõ rằng vị trí của họ, tức là của những người cấu thành chính phủ, chỉ dựa vào quân đội, mà quân đội thì chỉ có ý nghĩa khi có chiến tranh, chính chiến tranh mà chúng ta muốn đấu tranh để chống lại, mà chúng ta muốn tiêu diệt.

Một cuộc tranh đấu không cân sức như vậy chắc sẽ bị coi là hành động ngông cuồng. Nhưng nếu chịu suy nghĩ về ý nghĩa của những phương tiện đấu tranh đang ở trong tay những kẻ mà chúng ta muốn chống lại, với những phương tiện mà chúng ta có, thì điều đáng ngạc nhiên không phải là chuyện chúng ta quyết chí đấu tranh, mà đáng ngạc nhiên ở chỗ vẫn còn tồn tại cái mà chúng ta muốn đấu tranh chống lại. Trong tay họ là ngân sách hàng tỷ đồng, là quân đội hàng triệu người, trong tay chúng ta chỉ có một phương tiện duy nhất nhưng lại hùng mạnh nhất trên đời – chân lý.

Cho nên, dù lực lượng của chúng ta có nhỏ bé thế nào đi nữa so với lực lượng của đối phương, thắng lợi của chúng ta là điều không thể hồ nghi, cũng nhự không thể hồ nghi về chiến thắng của vầng thái dương đang lên đẩy lùi đêm tối.

Thắng lợi của chúng ta là chắc chắn, nhưng với một điều kiện, đó là khi lên tiếng bày tỏ một chân lý, chúng ta bày tỏ chân lý đó một cách toàn diện, không có bất cứ một thỏa hiệp, nhân nhượng hoặc giảm nhẹ nào. Chân lý đó giản dị, rõ ràng, hiển nhiên và tất yếu không chỉ đối với một tín đồ Kitô giáo, mà đối với bất kỳ người nào có lí trí, thành thử chỉ cần nêu rõ toàn bộ chân lý đó trong toàn bộ ý nghĩa của nó, để không còn ai có thể phản đối chân lý ấy.

Chân lý ấy trong toàn bộ ý nghĩa của nó hàng nghìn năm trước đã ghi lại thành luật, mà chúng ta thừa nhận là luật của Thượng Đế, bằng hai từ: đừng giết (người), chân lý này nói rõ rằng con người không được, không bao giờ được, trong bất cứ trường hợp nào vì bất cứ nguyên cớ nào, cũng không được giết hại người khác.

Chân lý ấy là hiển nhiên, là điều mà ai ai cũng thừa nhận, là bắt buộc đến mức chỉ cần đưa ra trước tất thảy mọi người, thế thì cái ác có tên gọi “chiến tranh” sẽ trở nên hoàn toàn không thể thực hiện được.

Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng nếu chúng ta, những người tập trung tại đây trong Đại hội hòa bình, thay cho việc nêu lên một cách rõ ràng và xác đáng chân lý đó, chúng ta lại kêu gọi các chính phủ, kiến nghị với họ những biện pháp khác nhau để giảm nhẹ cái ác của chiến tranh, hoặc để cho chiến tranh xuất hiện thưa hơn, thì chúng ta sẽ giống như những người đã có trong tay chìa khóa mở cửa, song lại cứ lao vào những bức tường mà biết chắc sức lực của mình không đủ để phá hủy.

Trước mắt chúng ta là hàng triệu binh sĩ được trang bị súng ống, càng ngày càng được trang bị tốt hơn, được huấn luyện thiện nghệ hơn để chém giết thành công hơn. Chúng ta biết rằng hàng triệu con người đó không hề có mảy may nguyện vọng nào giết hại những người giống như mình, phần lớn họ không biết cả nguyên cớ mà người ta vin vào để buộc họ phải làm cái việc mà họ kinh tởm và họ khổ sở vì tình cảnh bị cai trị, bị cưỡng bức của mình, chúng ta biết rằng những cuộc giết chóc mà thỉnh thoảng những người này phải làm, được thực hiện theo lệnh của chính phủ; chúng ta biết rằng sự tồn tại của chính phủ tất yếu dẫn đến việc phải có quân đội. Thế mà chúng ta, những người mong muốn tiêu diệt chiến tranh, lại không thấy một cái gì hợp đích hơn là đề xuất, mà đề xuất với ai chứ? Với các chính phủ chỉ tồn tại được nhờ vào quân đội, tức là nhờ vào chiến tranh, những biện pháp có thể triệt diệt chiến tranh, tức là đề xuất với các chính phủ những biện pháp tự triệt tiêu.

Các chính phủ sẽ vui lòng lắng nghe tất cả những lời phát biểu đó, biết rằng những suy xét đó không những sẽ không loại bỏ chiến tranh và sẽ không phá hoại chính quyền, nhưng sẽ che khuất hơn nữa khỏi mắt dân chúng những gì mà họ cần che giấu để cho chiến tranh, quân đội và chính họ, những người điều khiển quân đội, có thể tồn tại.

“Nhưng cái đó chính là chủ nghĩa vô chính phủ mất rồi: loài người chưa bao giờ sống mà không có chính phủ và nhà nước. Bởi vậy, chính phủ, nhà nước và lực lượng vũ trang bảo vệ họ chính là những điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của các dân tộc” – sẽ có người bảo tôi như vậy.

Chưa nói đến chuyện không có quân đội hay các cuộc chiến bảo vệ các chính phủ và nhà nước thì đời sống của các dân tộc Kitô giáo, cũng như của tất cả các dân tộc khác có thể tồn tại được hay không, nhưng cứ cho rằng, vì lợi ích của mình, con người cần phải tuân phục một cách nô lệ những thiết chế bao gồm rặt những nhân vật không quen biết được gọi là các chính phủ, cần phải cống nạp cho các thiết chế ấy các sản phẩm lao động của mình, cần phải tuân thủ mọi yêu cầu của các thiết chế ấy, kể cả việc giết chết những người thân thích gần gũi nhất, cứ cho là như thế đi nữa thì dẫu sao trong thế giới của chúng ta vẫn còn lại một khó khăn không giải quyết được.

Khó khăn đó là không thể dung hòa đạo Kitô – mà tất cả các vị thành viên chính phủ đều nhấn mạnh đặc biệt rằng họ là tín đồ của tôn giáo này – với quân đội cũng gồm các tín đồ Kitô giáo đang được rèn luyện để giết người. Cho dù có xuyên tạc, bóp méo học thuyết Kitô giáo thế nào, cho dù có ém nhẹm thế nào những luận điểm chính của nó, thì ý nghĩa chủ yếu của đạo Kitô vẫn là kính yêu Thiên Chúa và yêu thương đồng loại. Kính yêu Chúa có nghĩa là yêu kính thể hoàn hảo cao nhất của đức hạnh, còn yêu thương đồng loại là yêu thương tất cả mọi người xung quanh ta không có sự phân biệt. Vì thế, thiết tưởng tất yếu phải thừa nhận một trong hai thứ, hoặc đạo Kitô với lòng kính Chúa yêu người, hoặc nhà nước với quân đội và chinh chiến?

Rất có thể đạo Kitô đã lỗi thời và khi lựa chọn một trong hai thứ, hoặc đạo Kitô và tình yêu thương, hoặc nhà nước và sự giết người, những người đương thời của chúng ta sẽ thấy rằng sự tồn tại của nhà nước và sự giết người quan trọng hơn đạo Kitô, đến mức phải quên đi tôn giáo này và chỉ giữ lại cái quan trọng hơn đối với người đời là nhà nước và sự giết người.

Tất cả những điều đó đều có thể, ít nhất là người đời có thể nghĩ và cảm thấy như vậy. Nhưng nếu thế thì cần phải nói đúng như vậy. Cần phải nói không úp mở rằng trong thời đại ngày nay, con người cần phải chấm dứt tin tưởng vào những gì mà minh triết tổng hợp của cả nhân loại khẳng định, những gì mà luật của Chúa Trời được loài người tuyên tín đã nêu, những gì đã được khắc ghi bằng những đường nét không thể phai mờ trong tâm trí mỗi một con người, và phải chỉ tuân theo mệnh lệnh, kể cả lệnh giết người, của các hoàng đế, quốc vương, lên ngôi theo thừa kế, hay của các vị tổng thống, nghị sĩ, được bầu bán với bao gian kế khác nhau. Nếu vậy thì cần nói thẳng ra.

Nhưng lại không thể nói được như thế. Và không chỉ không thể nói như thế, mà còn không thể nói cả điều này lẫn điều kia. Nói rằng đạo Kitô cấm giết người, thì sẽ không còn quân đội, không còn nhà nước. Nếu nói rằng chúng tôi, các nhà cầm quyền, thừa nhận giết người là hợp pháp và chúng tôi chống đạo Kitô, thì chẳng ai tuân phục một chính phủ xây dựng quyền lực của mình dựa trên sự giết người như vậy. Mà ngoài ra, nếu được phép giết người trong chiến tranh, thì cũng cần cho nhân dân cái quyền đó để họ đòi quyền lợi của mình trong các cuộc cách mạng. Và những chính phủ nào không có khả năng nói điều này cũng như điều kia, đều cố gắng che giấu khỏi các thần dân cái song đề nhất định phải giải quyết ấy.

Chính vì vậy, để chống lại cái ác của chiến tranh, chúng ta, những người đang tập trung tại đây, nếu chúng ta quả thật mong muốn đạt được mục đích của mình, cần phải làm một điều duy nhất: đặt cái song đề đó một cách rõ ràng và dứt khoát trước những người hợp thành chính phủ, cũng như trước quần chúng nhân dân hợp thành quân đội. Để làm điều đó, chúng ta không những cần nhắc lại một cách rõ ràng và công khai chân lý người không được giết người, mà cần giải minh rằng không một suy tính nào có thể hủy bỏ được tính bắt buộc của chân lý ấy đối với nhân loại Kitô giáo.

Vì vậy tôi đê nghị đại hội chúng ta nên soạn thảo và công bố một bản hiệu triệu gửi đến tất cả mọi người, đặc biệt là các dân tộc Kitô giáo, trong đó chúng ta sẽ nói một cách rõ ràng và dứt khoát về cái điều mà ai cũng biết, nhưng không ai, hoặc hầu như không ai nói, đó là; chiến tranh không phải là chuyện tốt đẹp đáng khen, như đa số thừa nhận hiện nay, mà giống như bất cứ sự giết người nào, là một tội ác bẩn thiu và bỉ ổi, cả đối với những người tự do chọn nghề binh, cũng như đối với tất cả những ai vì sợ bị trừng trị hoặc vì những mục đích vụ lợi mà đã lựa chọn nó.

Đối với những ai tự do chọn nghề binh, tôi đề nghị nêu rõ trong lời hiệu triệu đó một cách rõ ràng và dứt khoát rằng bất chấp tất cả tính trang trọng, hào nhoáng và sự tán thưởng của mọi người đối với binh nghiệp, hoạt động quân sự luôn luôn là tội ác đáng xấu hổ, và người ta giữ chức vụ càng cao trong đẳng cấp nhà binh thì tội ác đó càng lớn và càng đáng xấu hổ hơn.

Tôi cũng đề nghị nói rõ và dứt khoát đối với những người từ tầng lớp bình dân, buộc phải vào phục vụ quân đội do bị đe dọa trừng phạt hoặc bị mua chuộc, về cái trọng tội chống lại cả tín ngưỡng của mình, cả đạo đức và cà lý trí lành mạnh mà họ mắc phải khi đồng ý nhập ngũ: chống lại tín ngưỡng, bởi vì đã gia nhập hàng ngũ những kẻ giết người, họ vi phạm luật của Chúa Trời mà chính họ thừa nhận; chống lại đạo đức bởi do sợ chính quyền trừng phạt hoặc vì hám lợi mà họ đồng ý làm những điều tự trong lòng mình biết là không tốt; chống lại cả lý trí lành mạnh bởi vì khi đã liều thân gia nhập quân đội thì nếu chiến tranh xảy ra, họ có thể sẽ phải hứng chịu những tai vạ lớn hơn cả những tai vạ sẽ gặp phải trong trường hợp từ chối nhập ngũ; và cái chính, họ rõ ràng chống lại lý trí bởi vì họ gia nhập tầng lớp của chính những người đã cướp đi tự do của họ và ép buộc họ đi lính.

Đối với cả những người này lẫn những người kia, giá có thể, tôi rất muốn nêu một cách rõ ràng trong lời hiệu triệu một ý rằng, đối với những ai thật sự có học thức và do đó không vướng vào thói mê tín nghề binh (mà những người như thế ngày càng nhiều hơn), thì binh nghiệp và quân hàm, dù người ta có cố gắng đến đâu che đậy đi ý nghĩa thật sự của nó, là điều đáng xấu hổ hơn nhiều so với công việc và chức danh của đao phủ, bởi vì đao phủ chỉ giết những người bị xem là những kẻ tội phạm nguy hiểm, còn nhà binh thì phải giết tất cả những ai mà anh ta được lệnh giết chết, ngay cả những người gần gũi nhất của anh ta hay những con người ưu tú nhất.

Nhân loại nói chung, đặc biệt là nhân loại Kitô giáo của chúng ta, đã sống đến một tình trạng mâu thuẫn căng thẳng giữa các yêu cầu đạo đức của mình và chế độ xã hội hiện hành, đến mức giờ đây đã không thể tránh khỏi việc thay đổi không phải cái không thể không đổi thay, các yêu cầu đạo đức xã hội, mà là cái có thể thay đổi – thể chế xã hội. Sự thay đổi này, đươc tạo nên bởi mâu thuẫn nội tại và thể hiện đặc biệt rõ nét ở những chuẩn bị cho chiến tranh, được trù bị từ mọi phía và mỗi năm, mỗi ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Sự căng thẳng đòi hỏi thay đổi đó trong thời đại chúng ta đã lên đến mức mà, giống như để chuyển chất lỏng thành chất rắn chỉ cần một dòng điện nhỏ, hệt như thế, để chuyển từ cuộc sống tàn bạo và phi lý của loài người thời nay, với những sự chia rẽ, với những cuộc gia tăng vũ trang và quân đội, sang một cuộc sống hữu lý, đáp ứng yêu cầu của tâm thức loài người hiện đại, có thể chỉ cần một nỗ lực không lớn lắm, đôi khi chỉ cần một lời nói. Mỗi một nỗ lực như thế, mỗi lời nói như thế có thể là một xúc tác cho chất lỏng đã quá nguội kia, để lập tức biến nó thành chất rắn. Tại sao đại hội của chúng ta lại không thể là một nỗ lực như vậy?

Giống như trong truyện cổ Andersen, khi ông vua long trọng đi trong đám diễu hành qua phố xá và dân chúng trầm trồ thán phục bộ quần áo mới của ngài, một lời của con trẻ nói lên cái điều ai cũng nghĩ trong lòng mà không nói ra, đã thay đổi toàn bộ mọi thứ. Đứa trẻ nói: Hoàng thượng không mặc gì cả, và thế là sự thôi miên bay biến, nhà vua trở nên xấu hổ, và tất cả những người tự huyễn hoặc mình rằng nhà vua mặc bộ quần áo tuyệt đẹp bỗng thấy nhà vua cởi truồng. Chúng ta cũng cần phải như vậy, phải nói lên cái điều mà ai cũng biết, rằng cho dù gọi việc giết người bằng cái tên gì đi nữa, thì giết người vẫn cứ là giết người, một tội ác đáng nguyền rủa. Chỉ cần nói một cách rõ ràng, dứt khoát và lớn tiếng, như chúng ta có thể làm ở đây, thì nhân quần sẽ thôi không thấy cái mà họ tưởng là đang thấy, và sẽ thấy điều mà họ quả thật đang chứng kiến trên thực tế.

Họ sẽ thôi không thấy: sự phục vụ tổ quốc, tinh thần chiến đấu anh hùng, lòng yêu nước, mà sẽ thấy sự giết người trần trụi và phạm pháp. Mà nếu dân chúng thấy được cái đó, họ sẽ làm cái điều như trong truyện cổ tích: những người làm nên tội ác sẽ thấy xấu hổ, còn những ai tự huyễn hoặc rằng họ không thấy những tội ác giết người, sẽ thấy tội ác đó và sẽ thôi không là kẻ giết người nữa.

Nhưng các dân tộc sẽ tự vệ thế nào trước kẻ thù, làm thế nào để duy trì trật tự nội bộ, làm thế nào để các dân tộc có thể sống được mà không có quân đội?

Cuộc sống của những người khước từ giết người sẽ được sắp xếp ra sao, chúng ta không biết và không thể biết. Có một điều chắc chắn là đối với nhưng người có trí tuệ và lương tâm sẽ là tự nhiên hơn sống phù hợp với các phẩm chất đó, chứ không phục tùng như nô lệ những kẻ ra lệnh cho họ giết nhau, và vì thế hình thức tổ chức xã hội của những con người mà hành động không bị chi phối bởi bạo lực, bởi sự đe dọa giết chết, mà tuân theo lý trí và lương tâm, trong mọi trường hợp sẽ không tồi hơn hình thức tổ chức xã hội mà họ đang sống bây giờ.

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Tôi sẽ lấy làm tiếc, nếu những gì tôi nêu trên xúc phạm hay làm cho ai đó phiền muộn hoặc gây ra cho họ mối ác cảm. Nhưng một người già 80 tuổi đang chờ đón thần chết như tôi sẽ rất xấu hổ và có tội, nếu không nói ra tất cả chân lý, như tôi hiểu, chân lý mà tôi tin tưởng chắc chắn rằng chỉ có nó mới giúp loài người tránh được vô số tai họa do chiến tranh gây ra mà họ đang phải chịu đựng.

4 tháng Tám 1909

[134] Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm (“Doklad, prigotovlennyj dlja kongressa mira V Stokholme”) Vào giữa tháng Sáu 1909, Tolstoi nhận được thư mời tham gia Đại hội hòa bình dự định tổ chức tại Stokholm vào tháng Chín năm ấy. Tolstoi đã chuẩn bị tham luận này và định đi Stokholm để đọc nó tại đại hội, nhưng đại hội đã bị hoãn lại do có đình công lớn ở thủ đô Thụy Điển. Tolstoi vẫn gửi tham luận của mình cho ủy ban tổ chức đại hội, nhưng khi đại hội được triệu tập thì người ta đã không công bố nó vì thấy nội dung của nó quá gay gắt, không phù hợp với tôn chỉ đấu tranh ôn hòa mà đại hội này theo đuổi.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x