Trang chủ » 4. TOLSTOI VỚI ROMAIN ROLLAND

4. TOLSTOI VỚI ROMAIN ROLLAND

by Trung Kiên Lê
190 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tiểu đẫn – Trong các nhà văn Pháp hoạt động vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Romain Rolland (1866-1944) có quan hệ tinh thần mật thiết hơn cả với Tolstoi. Năm 1887, hồi còn là sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Paris và chưa bước vào nghề viết văn và nghiên cứu âm nhạc, người thanh niên đa tài này đã viết cho Tolstoi một lá thư đầy tâm huyêt, xin ý kiến của Tolstoi về việc cần phải sống thế nào, cần phải bằng sáng tạo nghệ thuật phục vụ loài người thế nào. Tolstoi đã trả lời Rolland bằng một bức thư dài, sau này (năm 1902) đã được Rolland in cùng với lời tựa của mình thành một cuốn sách mỏng riêng. Sau khi Tolstoi qua đời, Rolland đã viết về ông hẳn một công trình tiểu sử Cuộc đời Tolstoi, in năm 1911 và tái bản có bổ sung năm 1928.

Trong 6 bức thư của Rolland gửi Tolstoi chúng tôi chọn dịch 3 bức, cùng với lời tựa của ông cho thư của Tolstoi.

1. Rolland gửi Tolstoi

Paris, 16 tháng Tư 87

Thưa bá tước vô cùng quý mến!

Tôi sẽ không dám viết cho ngài chỉ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ cuồng nhiệt của mình đối với những trước tác của ngài, thiết nghĩ, tôi biết ngài quá tốt qua những tiểu thuyết của ngài để có thể gửi tới ngài những lời khen ngợi tầm thường, bị bộ óc vĩ đại của ngài khinh rẻ, vả lại cái đó sẽ gần như là một sự xấc xược về phía tôi, bởi vì tôi còn rất trẻ. Nhưng cái thôi thúc tôi làm điều đó là ước vọng cháy bỏng được biết cần phải sống thế nào, mà chỉ từ một mình ngài tôi mới có thể chờ đợi câu trả lời, bởi vì chỉ ngài mới đặt ra những câu hỏi ám ảnh tôi.

Ý nghĩ về cái chết hành hạ tôi, mà ý nghĩ ấy thì tôi tìm thấy hầu như trên từng trang của những tiểu thuyết của ngài, tôi không thể và thậm chí sẽ không cố gắng diễn tả truyện Ivan Ilich[338] của ngài đã khuấy động thế nào những tâm tư thầm kín nhất nơi tôi. Tôi không muốn ngài nghĩ rằng ngài đang có quan hệ với một tên nịnh bợ tầm thường viết cho ngài chỉ cốt để viết, cốt cầu cạnh nhận được từ ngài một dòng chữ – tôi có thể cam đoan với ngài rằng tôi nói hoàn toàn chân thành về mối bận tâm triết học vô cùng to lớn mà những tiểu thuyết của ngài đã làm thức dậy trong tôi.

Tôi đã nhận ra rằng cuộc sống trần tục, cuộc sống danh lợi không phải là một cuộc sống chân chính bởi vì nó kết thúc bằng cái chết; sự sống chỉ có thể trở thành cái phúc, nếu chúng ta tiêu diệt được sự chết. Cuộc sống chân chính toàn bộ là ở sự từ chối đối lập một cách ích kỷ mình với đồng loại của mình, ở khát vọng trở thành một bộ phận sống động của Hữu Thể Thống Nhất (l’Un). Như vậy, chúng ta hãy sống trong Hữu Thể Thống Nhất, mà chỉ một mình nó mới là sự sống chân chính. Hãy tiêu diệt sự chết, hòa đồng sự tồn sinh của mình với sự tồn tại của toàn thể vũ trụ.

Thưa ngài, tôi có cảm tưởng đây chính là cái mà ngài muốn nói lên – nhưng đây cũng là tư tưởng của tôi! Tôi hiểu, sự tự chối bỏ như thế có thể đạt được bằng cách giàm thiểu tối đa, diệt trừ đi cái ý thức cá nhân của chúng ta, diệt trừ tất cả những gì khiến chúng ta phải cảm thấy cái cá nhân tội lỗi của ta, cái “tôi” đáng ghét của chúng ta. Năm quy tắc tự chối bỏ của ngài tôi thấy là rất đúng, mặc dù tôi nghĩ rằng đối với dân tộc Pháp có lẽ cần bổ sung một số nguyên tắc nữa. Nhưng cái đó không mấy quan trọng. Dân tộc nào cũng có những hình thức luân lý của mình. Cái khiến tôi quan tâm là chính cốt lõi học thuyết của ngài, – như vậy, ngài nghĩ rằng cần phải kiêng tránh những ham muốn và quyến luyến phù phiếm, cần phải làm việc vì mọi người không xuất phát từ lòng thương yêu mọi người (bằng cách ấy chúng ta sẽ chỉ đề cao cá nhân mình, làm tâm hồn mình tràn hgập những đam mê dục vọng của con người) mà cần phải làm việc để không suy nghi nữa; chỉ có những Việc Làm Thiện Hảo, chỉ có lòng nhân ái trong thực tiễn, chỉ có lao động chân tay mới bứt chúng ta ra khỏi những ý nghĩ đen tối về cái tôi vị kỷ của chúng ta và mang lại cho chúng ta cái phúc duy nhất, sự trấn yên của trí tuệ và sự thanh thản của tâm hồn.

Chính sự quên mình ấy, sự thanh thản có sức chữa trị ấy tôi hết lòng nguyện ước, tôi tìm kiếm và hi vọng đạt được; nhưng thưa ngài, tại sao ngài lại muốn cho lao động chân tay trở thành phương tiện cho mục đích ấy? Đến đây thì tôi đưa ra câu hỏi khiến tôi bận tâm tha thiết nhất – tại sao ngài lại lên án Nghệ Thuật? Tại sao, ngược lại, ngài lại không dùng nó như là một phương tiện hoàn hảo nhất để đạt tới sự tự chối bỏ mà ngài đòi hỏi? Tôi vừa mới say sưa đọc xong tác phẩm mới của ngài Thế thì chúng ta phải làm gì?[339]. Sự giải quyết vấn đề về nghệ thuật ở đấy được để lại cho lần sau. Ngài nói ngài lên án nghệ thuật nhưng tạm chưa đưa ra tất cả các lý lẽ cho sự phán quyết của mình.

Cho phép tôi không chờ đợi (bởi vì tôi còn trẻ) tự hỏi ngài về chúng. Như tôi hiểu, ngài lên án nghệ thuật bởi vì nhìn thấy ở nó một nguyện vọng ích kỷ có được những khoải cảm tinh tế mà chỉ có thể nhân lên gấp trăm lần cảm giác cái “tôi” của mình, nâng cao đến cực độ sự nhạy cảm của chúng ta. Than ôi! Tôi biết rõ rằng ngay cả đối với phần lớn các nghệ sĩ chân chính đây là đối tượng của Nghệ Thuật: chủ nghĩa duy cảm quý phái hay chủ nghĩa duy cảm của những con người mà ở họ các giác quan đạt độ tinh tế cực kỳ. Thế nhưng thưa ngài, có hay không ở đây còn một cái gì đó nữa, một cái gì đó mà đối với một số người chính là cái Tất Cả? Cụ thể là – sự quên mình, sự biến mất của Cá Thể đã hòa tan mình trong Cảm Xúc, mà cá thể ấy cuối cùng thậm chí không còn được cảm thấy nữa, khi mà cảm xúc ấy đạt tới độ phức tạp vô tận, thí dụ như trong Âm Nhạc.

Bạn không còn nữa – bạn không nhớ gì, không ý thức mà chỉ có một đại dương của những cảm giác tế vi vô tận. Đó là sự hư không, sự biến mất trong cái Thống Nhất, sự xuất thần, trạng thái thôi miên của thính giác và thị giác, tôi dám nói, của toàn bộ sinh linh tinh thần của bạn. Nhưng chẳng phải bằng cách ấy chúng ta đã đạt được sự yên tĩnh của tinh thần mà ngài nói tới? Cái chết không có quyền năng đối với chúng ta nữa! Chúng ta đã tiêu diệt nó, một khi đã thoát khỏi sự sống.

Tôi biết, ngài sẽ trách cứ tôi đã quên đi rằng Nghệ Thuật – đó chỉ là bông hoa của cái ác, là sự hoàn kết của tất cả các bất công xã hội. Những người khác phải lao động, phải đau khổ vì nghèo túng để cho tôi có điều kiện tiếp tục là người vô dụng, chăm sóc chỉ cho hạnh phúc của mình – cái hạnh phúc mà tôi lẽ ra có thể, với mức thành công cũng như thế, nếu không cao hơn, đạt được bằng lao động chân tay, làm việc vì phúc lợi của những người khác.

Nhưng tại sao ngài lại muốn tôi phải hoạt động, phải làm việc, phải đau khổ vì hạnh phúc của những người khác và của mình? Xét cho cùng, cố gắng kéo dài cuộc sống của chúng ta để làm gì? Trong lao động tôi tìm thấy sự quên lãng, nhưng cuộc sống của tôi vẫn tiếp tục, và tôi sẽ ban cuộc sống cho những người khác: tôi sẽ có con, và chúng cũng sẽ đau khổ như tôi chừng nào chưa hiểu được như tôi rằng hạnh phúc là ở sự quên lãng sự từ chối suy nghĩ. Nhưng tại sao lại không chấm dứt cái đó ngay lập tức? Ngài tiêu diệt cái chết bằng cách giữ gìn sự sống mà toàn bộ giá trị của nó chỉ ở chỗ cái chết không có quyền năng đối với nó, thế thì tại sao cùng với sự chết không triệt tiêu cả sự sống? Mà chính cái đó Nghệ Thuật mang đến cho tôi – sự chấm dứt của hành động, sự chấm dứt của tư duy và đồng thời cả sự chấm dứt của cái chết. Tại sao xuất thần lại không thể là một trạng thái cao hơn hành động trống rỗng?

Nếu ngài cho rằng tôi không đúng thì mong ngài hãy nhân từ chỉ cho tôi, tôi không đúng cụ thể ở đâu? Không trong một tiểu thuyết nào của ngài mà tôi đã đọc tôi thấy ngài đề cập vấn đề này. Tôi mê đắm Nghệ Thuật bởi vì nó giải phóng cái cá nhân nhỏ bé thảm hại của tôi: trong nghệ thuật tôi biến mất, hòa làm một với sự hòa điệu vô tận của âm thanh và sắc màu, nơi ấy tư duy tiêu biến và cà cái chết nữa. Giả sử tôi muốn lao động canh tác đất, thì tôi sẽ vẫn tiếp tục tư duy. Xin ngài nhớ cho là có những dân tộc đã già cỗi; họ không thể trở về với những thói quen đà bị quên đi trong biết bao nhiêu thế kỷ. Ngài có cho là ngay cả trong học thuyết của ngài Nghệ Thuật có thể đóng một vai trò to lớn đối với các dân tộc ấy, họ đang chết vì sự quá tinh tế của những xúc cảm và sự dư thừa của nền văn minh của mình?

Mong ngài hãy nhân từ tha thứ cho bức thư dài dòng của tôi; biết lòng đôn hậu của ngài, tôi tin chắc nó sẽ không gây cho ngài sự khó chịu và ngài sẽ sẵn lòng xua tan những nghi hoặc của một người thanh niên Pháp ngưỡng mộ và yêu mến ngài sâu sắc.[340]

Romain Rolland

Romain Rolland  Sinh viên École Normale[341]

Rue Ulm No 45, Paris

[Trên phong bì:]

Kính gửi ngài bá tước Léon Tolstoi, nhà văn,

Moskva, nước Nga.

2. Rolland gửi Tolstoi

[tháng Chín 1887]

Thưa ngài, tôi đã bạo gan viết cho ngài, gửi đi Moskva; bức thư ấy của tôi có đến tay ngài hay không? Tôi hy vọng thư này sẽ được may mắn hơn. Tôi không thể bàng quan và nhếch mép cười nhìn đời như những đồng bào của tôi. Những nghiên cứu khoa học, những công trình thực chứng của họ theo tôi là trống rỗng và chỉ có thể, trong trường hợp tốt nhất, đẩy lùi cái giờ phút của những suy tư về những gì mà một cách tất yếu và định mệnh sẽ hiện lên trước chúng ta vào phút lâm chung. Tôi không thể chối bỏ sự nhận thức về cơ sở đức lý của mọi sự vật; làm thế sẽ có nghĩa là chối bỏ bản thân sự sống. Và tôi kinh ngạc thấy biết bao người trong nhân dân tuy vậy vẫn sống và chết hạnh phúc bởi vì họ có một đức tin khiêm tốn và lòng nhân ái chất phác.

Tôi nghĩ cả với chúng ta sẽ là tốt hơn trở về với trạng thái những con người bình dị ấy, chia sẻ những tín ngưỡng của họ, trở thành những người như họ. Tôi thiết tưởng tất cả chúng ta đều là những hạt nhỏ vô tận của một linh hồn vũ trụ vĩ đại, và cái Chân Phúc là hy sinh mình vì những người khác. Nhưng bằng cách nào? Trong thời gian khá dài tôi hy vọng rằng Nghệ Thuật sẽ cứu rỗi tôi, từng bước diệt trừ cái “tôi” của tôi và thông qua thưởng thức [nghệ thuật] dẫn dắt tới sự tự hy sinh. Nhưng cuối cùng tôi lại vẫn tìm ra mình trong sự mê đắm nghệ thuật; đó vẫn là chủ nghĩa ích kỷ, chỉ hữu trí hơn; làm tế vi những thụ cảm của mình, tôi mở rộng sự tồn tại của mình mà chính tôi xem là tồi tệ. Có nghĩa là cần phải đạt tới cái đó bằng lao động không suy nghĩ. Nhưng bằng lao động nào cụ thể? Có đúng phải là lao động chân tay, và là dạng lao động chân tay nào?

Và, cuối cùng, tôi van xin ngài hãy nói cho tôi toàn bộ sự thật, có quả là từ khi ngài đã tìm ra chân lý, ngài luôn luôn được hạnh phúc vì chân lý ấy, có cựa quậy hay không trong ngài những phản đối lập tức bị trấn áp chống lại kiểu thức tồn tại không suy nghĩ mà ngài mong muốn cho mình và cho những người khác? Tóm lại, có quả là dễ dàng như thế không đè bẹp tư tưởng trong mình chỉ bằng một sự lao động? Xin ngài hãy trả lời tôi, tôi cần đến thế một lời khuyên!

Tôi không có một người hướng đạo tinh thần nào. Xung quanh – toàn những kẻ bàng quan, hoài nghi, tài tử, ích ký. Ngài có cho rằng nếu mà tôi có thể toàn tâm toàn ý hiến mình cho cái lao động mà ngài rao giảng, thì cái đó sẽ giải phóng hoàn toàn tôi khỏi những nghi hoặc và tuyệt vọng và tôi sẽ không lo âu, hồi tưởng, nuối tiếc gì về cuộc sống đã qua, rằng tôi sẽ có thể tức khắc xóa bỏ tất cả những gì đã tạo nên cái tôi của tôi từ thuở ấu thơ? Và hãy trà lời cho tôi điều chính yếu: những lời phúc hậu của ngài chỉ dành cho nhân dân Nga hay dành cho cả chúng tôi, những người Pháp, cho tất cả những người đang đau khổ và tuyệt vọng? Một trong những môn đệ khiêm tốn và nhiệt thành của ngài,

Romain Rolland

3. Tolstoi gửi Rolland[342]

[Yasnaya Polyana, 3-4 tháng Mười 1887]

Người anh em quý mến!

Tôi đã nhận được cả lá thư thứ nhất của anh. Nó đã làm xúc động trái tim tôi. Tôi đã rơm rớm nước mắt khi đọc nó. Tôi định viết trà lời nhưng đã không có thời gian, nhất là bởi vì – chưa nói đến sự khó khăn viết bằng tiếng Pháp đối với tôi – tôi sẽ phải trả lời rất tỉ mỉ những câu hỏi của anh, mà đa phần dựa trên sự hiểu lầm.

Anh hỏi tôi: tại sao lao động chân tay lại là một trong những điều kiện cơ bản của hạnh phúc chân chính? Có cần tự nguyện từ bỏ lao động trí óc, những hoạt động khoa học và nghệ thuật mà anh cảm thấy không tương dung được với lao động chân tay?

Tôi đã trả lời những câu hỏi ấy, như có thể trả lời, trong cuốn sách mang nhan đề Thế thì chúng ta phải làm gì? – mà tôi nghe nói đã được dịch ra tiếng Pháp.[343] Tôi không bao giờ coi lao động chân tay là một nguyên tắc độc lập, mà chỉ luôn luôn coi nó là một  ứng dụng đơn giản nhất và tự nhiên cho nguyên tắc đạo đức – ứng dụng này hiện ra trước tiên trước trí tuệ của mỗi một con người thành tâm.

Trong xã hội hư hỏng của chúng ta (xã hội của những người gọi là có học) lao động chân tay là bắt buộc chỉ bởi vì khuyết tật chính của xã hội ấy đã và đang là sự giải phóng mình khỏi dạng lao động ấy và hưởng thụ tuyệt không có đi có lại lao động của những tầng lớp nghèo khổ, dốt nát, bắt hạnh, thực chất là những nô lệ, tựa như những nô lệ trong thế giới cổ đại.

Bằng chứng đầu tiên về lòng thành của những người sống trong xã hội chúng ta nhưng lại tuyên tín những nguyên tắc Kitô giáo, triết học hay nhân đạo sẽ là sự cố gắng, trong khả năng của mình, thoát khỏi cái mâu thuẫn ấy.

Phương cách đơn giản nhất và luôn luôn có sẵn để đạt được cái đó trước hết là lao động chân tay để chăm sóc bản thân mình. Tôi sẽ không bao giờ tin vào tính thành thật của những tín niệm tôn giáo, hay triết học, hay nhân đạo của một người hằng ngày bắt con hầu đổ cho mình cái bô đêm.

Quy tắc đạo đức đơn giản nhất và ngắn gọn nhất – đó là làm sao bắt những người khác phục vụ mình ít nhất và tự mình phục vụ những người khác nhiều nhất. Đòi hỏi ở những người khác ít nhất và cho họ nhiều nhất.

Quy tắc này, mang lại ý nghĩa hữu lý cho sự tồn tại của chúng ta và cái hạnh phúc bắt nguồn từ đó, đồng thời cũng giải quyết mọi khó khăn, trong đó có cái khó khăn đang hiện lên trước anh: cái gì sẽ còn lại cho hoạt động trí óc, cho khoa học, nghệ thuật?

Nếu tuân thủ quy tắc này thì tôi chỉ có thể được hạnh phúc và mãn nguyện khi tin chắc rằng hoạt động của tôi là hữu ích cho những người khác (sự làm hài lòng những người mà vì họ tôi hành động đã là một thêm thắt, một hạnh phúc bổ sung mà tôi không tính tới và không thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn hành vi nơi tôi). Niềm tin tưởng vững chắc của tôi rằng cái tôi làm không phải là một cái gì đó vô ích, cũng không phải là cái tai ác, mà là cái có lợi cho những người khác, vì thế là điều kiện chính của hạnh phúc nơi tôi.

Đấy, chính điều đó một cách bất giác thôi thúc con người hữu đức và thành tâm chọn lao động chân tay chứ không phài lao động khoa học và nghệ thuật. Cuốn sách mà tôi đang viết và vì nó tôi cần đến lao động của những người sắp chữ; bản giao hưởng mà tôi đang sáng tóc và vì nó tôi cần đến lao động của những nhạc công; những thí nghiệm mà tôi thực hành và vì chúng mà tôi cần đến lao động của những ngườii làm ra những dụng cự thí nghiệm; bức tranh mà tôi vẽ và vì nó mà tôi cần đến những người làm ra các loại màu và vải – tất cả những thứ ấy có thể hữu ích cho loài người, nhưng cũng có thể, và thường đa phần là như thế, hoàn toàn vô ích và thậm chí có hại.

Và cứ thế, trong khi tôi làm những thứ ấy, mà sự: hữu ích của chúng rất khả nghi, nhưng vì chúng mà tôi phải bắt làm việc ca những người khác, thì từ mọi phía bủa vây tôi muôn vàn những công việc mà cần phải làm, mà chắc chắn sẽ có lợi cho những người khác và để làm, tôi không cần ai giúp đỡ: xách một vật nặng giúp một người mệt mỏi; cày một thửa ruộng, mà chủ của nó không cày được vì ốm; băng bó một vết thương, v.v…, Nhưng ta sẽ không nói về vô số những công việc bao quanh ta, mà để làm không cần ai giúp đỡ ta và chúng mang lại sự hài lòng trực tiếp cho những ai mà vì họ ta làm. Trồng được một cây, nuôi cho lớn được một con bê, cọ sạch được một cái giếng – đó là những công việc rõ ràng hữu ích cho những người khác và bất kỳ một ai có lòng thành đều không thể không ưa thích hơn những công việc khả nghi, mà về chúng trong thế giới của chúng ta được giảng giải như là về sứ mệnh cao cả nhất và quý giá nhất của con người.

Sứ mệnh của nhà ngôn sứ (le prophète) là cao cả và quý giá. Nhưng chúng ta biết họ là ai, những linh mục xem mình là những nhà ngôn sứ chỉ bởi vì cái đó có lợi cho họ và họ có điều kiện tự xưng là những nhà ngôn sứ.

Không phải ai được giáo dục làm ngôn sứ thì ắt là nhà ngôn sứ, mà chỉ ai có xác tín nội tâm rằng mình là, phải là và không thể không là nhà ngôn sứ – chỉ người ấy mới là nhà ngôn sứ đích thực. Một xác tín như thế là hi hữu và chỉ có thể được chứng minh bằng những hy sinh của con người cho sứ mệnh của mình.

Cũng như thế có thể nói về khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính. Một Lully[344] nào đó liều lĩnh bỏ việc ở nhà bếp để được thỏa thích chơi vĩ cầm, bằng sự hi sinh như thế chứng minh thiên chức của mình. Nhưng một học sinh hay sinh viên nhạc viện, mà nghĩa vụ duy nhất là học cái người khác dạy cho, thậm chí không cần chứng minh thiên chức của mình, mà chỉ đơn thuần tận dụng cái vị trí xã hội mà họ tưởng là một đặc quyền đặc lợi.

Lao động chân tay là bổn phận và hạnh phúc của mọi người, hoạt động trí óc là hoạt động đặc biệt, nó trở thành bổn phận và hạnh phúc chỉ cho những ai có thiên chức tương ứng. Thiên chức ấy có thể được chỉ ra và được chứng minh chỉ trong trường hợp, khi mà nhà khoa học hay nghệ sĩ hy sinh sự yên tĩnh và phúc lợi của mình để đi theo sứ mệnh của mình. Một người vẫn tiếp tục thực hiện trách nhiệm duy trì cuộc sống của mình bằng lao động của hai bàn tay mình, nhưng đồng thời lại, rút ngắn sự nghỉ dưỡng của mình, tìm ra khả năng tư duy và lao động có năng suất trong lĩnh vực trí não – bằng cách ấy chứng minh sứ mệnh của mình. Còn ai giải phóng mình khỏi cái nghĩa vụ đạo đức là chung cho tất cả mọi người và lấy lý do yêu thích khoa học hay nghệ thuật để thu xếp cho mình một cuộc sống của kẻ ăn bám – người ấy sẽ không bao giờ làm ra một cái gì ngoài ngụy khoa học và ngụy nghệ thuật.

Những tác phẩm của khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính là những sản phẩm của những hy sinh nơi con người, chứ tuyệt không phải của những lợi ích vật chất này nọ.

Thế nhưng cái gì sẽ đến với khoa học và nghệ thuật? – Biết bao lần tôi đã phải nghe thay câu hỏi ấy từ những người mà tuyệt không quan tâm tí nào đến cả khoa học lẫn nghệ thuật và thậm chí không có một quan niệm rõ ràng, dù chỉ ở mức tối thiểu, khoa học và nghệ thuật là gì! Có thể nghĩ rằng những người ấy không quý cái gì bằng hạnh phúc của nhân loại mà theo quan niệm của họ nằm ở sự phát triển cái mà họ gọi là những khoa học và những nghệ thuật.

Nhưng tại sao lại xảy ra cái việc là có những kẻ mất trí đến mức dám phủ nhận tính hữu ích của khoa học và nghệ thuật? Có những người làm nghề thủ công, có những người canh tác đất, và không lọt vào đầu một ai ý nghĩ tranh luận về sự hữu ích của họ, và không một người lao động nào nảy ra trong đầu ý nghĩ cần phải chứng minh lao động của mình là hữu ích. Anh ta sản xuất; sản phẩm của anh ta là cần thiết và là phúc lợi cho những người khác. Họ sử dụng chúng và chẳng ai nghi ngờ về sự hữu ích của chúng và lại càng chẳng ai chứng minh điều đó.

Những người làm khoa học và nghệ thuật cũng ở trong những điều kiện như thế. Thế thì tại sao lại xảy ra cái chuyện là có những người bằng mọi sức lực cố gắng chứng minh tính hữu ích của họ?

Vấn đề là ở chỗ những nhà khoa học và nghệ sĩ chân chính không chiếm hữu cho mình bất kỳ một quyền lợi nào; họ cống hiến những sản phẩm của lao động nơi họ; những sản phẩm ấy là hữu ích, và chúng tuyệt không cần đến những quyền và những chứng minh nào đó xác nhận quyền tồn tại của chúng. Nhưng tuuệt đại đa số những người tự xưng là những nhà khoa học và những nghệ sĩ biết rất rõ rằng những gì họ làm ra không xứng đáng được người đời sử dụng, và đấy là nguyên nhân duy nhất vì sao họ lại cố gắng đến thế – tựa như các linh mục của mọi thời đại – chứng minh cho bằng được rằng hoạt động của họ là không thể thiếu cho hạnh phúc của nhân loại.

Khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính muôn thuở tồn tại và sẽ tồn tại muôn thuở, tựa như tất cả các dạng thức khác của hoạt động con người và không thể và sẽ là vô bổ tranh luận hay chứng minh về sự cần thiết của chúng.

Cái vai trò giả dối hiện nay của khoa học và nghệ thuật trong xã hội của chúng ta phát sinh từ chỗ những người gọi là có học, đứng đầu là các nhà khoa học và nghệ sĩ, hợp thành một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, tựa như các vị linh mục. Và đẳng cấp này có tất cả những khuyết tật vốn là thuộc tính của mọi đẳng cấp. Khuyết tật của đẳng cấp là nó làm bẩn và hạ thấp chính cái nguyên tắc, mà vì nó đẳng cấp ấy được tổ chức. Thay vì tôn giáo chân chính ta có ngụy tôn giáo. Thay vì khoa học thực thụ – ngụy khoa học. Cũng là như thế với nghệ thuật. Khuyết tật của đẳng cấp là ở chỗ nó gây ra áp lực đối với quần chúng và ngoài ra còn cướp đi nơi họ cái mà trước đây được dự định quảng bá giữa họ. Song khuyết tật chính yếu nhất của đẳng cấp hàm chứa ở sự mâu thuẫn an ủi những thành viên của nó giữa nguyên tắc mà họ đề ra với phương thức, lề lối hành động của họ.

Ngoại trừ những kẻ bảo vệ cái nguyên tắc lố bịch khoa học vì khoa học và nghệ thuật vì nghệ thuật, tất cả những người bênh vực văn minh đều buộc phải khẳng định rằng khoa học và nghệ thuật là một phúc lớn cho nhân loại.

Song cái phúc ấy là ở đâu? Là thế nào những dấu hiệu mà theo đó có thể phân biệt cái phúc, cái thiện với cái ác? Những người bênh vực khoa học và nghệ thuật bằng mọi cách lẩn tránh trả lời những câu hỏi ấy. Họ thậm chí khẳng định rằng không thể định nghĩa được cái thiện và cái đẹp. “Cái lương hảo nói chung, – họ nói – cái thiện, cái đẹp là không thể định nghĩa.” Nhưng họ nói láo. Trong mọi thời đại nhân loại trong vận động đi lên của mình chỉ làm mỗi cái việc là xác định mỗi cái thiện và cái đẹp. Cái thiện đã được định nghĩa nhiều thế kỷ trước đây. Nhưng các vị này không thích định nghĩa ấy. Nó phơi bày sự vô nghĩa hay thậm chí cả những hậu quả tai hại, trái ngược với cái thiện và cái đẹp của cái mà họ gọi là những khoa học và những nghệ thuật của mình. Cái thiện và cái đẹp đã được xác định nhiều thế kỷ trước đây. Những người Bàlamôn, những Phật tử hiền minh, các nhà hiền triết Trung Hoa, Do Thái, Ai Cập, các nhà khắc kỷ Hy Lạp đã xác định chúng, còn kinh Phúc Âm thì đã đưa ra định nghĩa chính xác nhất về chúng.

Tất cả những gì đoàn kết loài người là cái thiện và cái đẹp; tất cả những gì chia rẽ nó là cái ác và cái xấu.

Công thức này ai ai cũng biết. Nó được khắc trong tim chúng ta. Đối với nhân loại, cái thiện và cái đẹp là cái đoàn kết người với người. Vậy thì, giả dụ những người bênh vực khoa học và nghệ thuật quả thật hướng tới hạnh phúc của lo i người, thì họ đã biết hạnh phúc của con người là ở đâu, và một khi đã biết điều đó thì họ sẽ chỉ bận tâm với những khoa học và những nghệ thuật dẫn tới mục đích ấy. Thế thì sẽ không có khoa học pháp lý, khoa học quân sự, kinh tế chính trị học và khoa học tài chính, bởi lẽ tất cả các khoa học ấy không theo đuổi một mục đích nào khác, ngoài lợi ích của những dân tộc này và thiệt hại của những dân tộc kia. Nếu mà cái phúc hảo quả thực là tiêu chí của các khoa học và nghệ thuật, thì không bao giờ những kết quả khảo nghiệm của các khoa học chính xác, bé nhỏ vô cùng so với cái chân phúc của loài người, lại có thể thu lượm được ý nghĩa như chúng đương có; và đặc biệt sẽ không có được ý nghĩa như thế những tác phẩm của các nghệ thuật của chúng ta, may ra chỉ thích dụng cho việc xua tan trong chốc lát nỗi buồn chán của những kẻ vô công rồi nghề.

Minh triết con người không nằm trong nhận thức các sự vật. Có hằng hà sa số những sự vật mà chúng ta không thể nhận biết. Minh triết không phải là làm sao biết được thật nhiều. Minh triết của con người ở sự nhận biết cái trật tự mà trong đó sẽ là bổ ích hiểu biết sự vật; nó tựu trung là năng lực phân bố những tri thức của mình cho thích ứng với độ quan trọng của chúng.

Trong khi ấy thì trong tất cả các khoa học mà con người có thể biết và cần phải biết, chính yếu nhất là khoa học về việc cần phải sống thế nào để làm thật ít điều ác và làm thật nhiều điều thiện; trong tất cả các nghệ thuật chính yếu nhất là nghệ thuật tránh cái ác và làm cái thiện một cách ít mất sức nhất. Nếu là thế thì té ra, giữa tất cả các khoa học và nghệ thuật có tham vọng phụng sự hạnh phúc của nhân loại, cái khoa học quan trọng nhất và cái nghệ thuật quan trọng nhất không những không tồn tại, mà còn bị loại bỏ khỏi danh sách các khoa học và nghệ thuật.

Cái mà trong thế giới chúng ta được gọi là những khoa học và nghệ thuật không phải là cái gì khác mà chỉ là một “Humbug”[345] khổng lồ, một mê tín khổng lồ mà chúng ta thường rơi vào ngay sau khi giải phóng mình khỏi cái mê tín cũ vào nhà thờ. Đế nhìn thấy rõ con đường mà chúng ta cần phải đi theo, cần phải làm lại từ đầu, – cần phải hất xuống cái mũ liền áo mà đội nó thì ấm đấy, nhưng nó che mắt ta. Sự cám dỗ là rất lớn. Chúng ta ra đời, rồi bằng lao động hay nhiều phần hơn bằng sự khôn khéo dần dần leo theo những bậc thang lên cao và bỗng nhận ra mình giữa giới đặc quyền đặc lợi, giữa những vị tư tế của văn minh và văn hóa, và cần phải có – cũng như một tăng lữ Bàlamôn hay một linh mục

Công giáo phải có – một lòng thành và một tình yêu lớn với chân lý và cái thiện để hoài nghi những nguyên tắc mà nhờ chúng ta có được cái vị trí có lợi cho mình. Nhưng với những ai nghiêm túc, tựa như anh, đặt ra cho mình câu hỏi của đời người – thì không có sự lựa chọn. Để có được một cái nhìn thấu thị sự vật, họ phải tự giải phóng khỏi cái mê tín mà họ đang sống trong đó, mặc dù mê tín ấy có lợi lắm lắm cho họ. Đó là điều kiện sine qua non[346]. Sẽ là vô bổ suy luận với một người ngoan cố níu lấy một tín điều nào đó, dù chỉ ở một điểm nào đó.

Tư duy của người ấy không tự do hoàn toàn khỏi tất cả những định kiến, và dù anh ta có suy luận bao nhiêu, anh ta vẫn không tiến gần lại được với chân lý. Cái tín điều đã được định trước sẽ chặn đứng và bóp méo tất cả những suy luận của anh ta. Có những tín điều tôn giáo và có cả những tín ngưỡng về nền văn minh của chúng ta. Chúng giống nhau hoàn toàn. Một người Công giáo sẽ nói: “Tôi có thể suy luận, nhưng chỉ trong khuôn khổ của cái mà kinh sách và truyền thống của chúng tôi dạy, mà kinh sách và truyền thống ấy thì sở hữu chân lý viên mãn và bất biến.” Một tín đồ của văn minh sẽ nói: “Sự suy xét của tôi dừng lại trước những dữ liệu của văn minh, của khoa học và nghệ thuật. Khoa học của chúng ta là tổng thể của tri thức chân chính của nhân loại. Nếu khoa học ấy còn chưa nắm được thì nó sẽ nắm được toàn bộ chân lý. Nền nghệ thuật của chúng ta với những truyền thống cổ điển là nền nghệ thuật chân chính duy nhất.

” Người Công giáo sẽ nói: “Bên ngoài con người chỉ tồn tại một-vật-trong nó, như người Đức nói – đó là giáo hội.” Người của thế giới chúng ta thì nói: “Bên ngoài con người chỉ có một vật-trong-nó – đó là văn minh.” Chúng ta dễ thấy những sai lầm trong suy luận của những người mê tín bởi vì chúng ta không chia sẻ những mê tín ấy. Nhưng khi một người tin vào một tôn giáo thực định nào đó, ngay cả người Công giáo, thì anh ta tin tưởng tuyệt đối rằng chỉ có một tôn giáo chân chính – đó là tôn giáo mà anh ta tuyên tín; và thậm chí anh ta thấy tính chân chính của tôn giáo của anh ta không cần phải được chứng minh.

Cũng hệt như thế với chúng ta, những người mê tín văn minh: chúng ta tin tưởng sắt đá rằng chỉ có một nền văn minh chân chính – đó là văn minh của chúng ta và chúng ta hầu như không thể tìm thấy những sai lầm trong những suy luận của chúng ta, khi chúng ta cố gắng chứng minh rằng trong tất cả các thời đại và tất cả các dân tộc chỉ có thời đại ngày nay và mấy triệu người sống trên bán đảo gọi là châu Âu là có một nền văn minh chân chính bao gồm những khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính.

Để nhận biết chân lý cuộc sống, mà nó đơn giản lắm, không cần phải nắm vững một cái gì đó khẳng định, một triết học nào đó, một khoa học sâu sắc nào đó, mà chỉ cần có một thuộc tính phủ định: không mê tín dị đoan.

Phải đưa mình trở về với trạng thái của đứa trẻ hay của một Descartes và tự nhủ: tôi không biết gì hết và vì vậy không tin vào cái gì và chỉ mong muốn một điều: nhận ra chân lý của cuộc sống – cái cuộc sống mà tôi phải kinh qua.

Và câu trả lời đã được đưa ra nhiều thế kỷ trước đây và nó giản dị và rõ ràng.

Cảm giác nội tâm của tôi nói với tôi rằng tôi muốn được hạnh phúc, tôi cần hạnh phúc cho tôi, cho tôi thôi. Trí tuệ nói với tôi: tất cả mọi người đều mong muốn cái đó. Tất cả những sinh linh chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân giống như tôi sẽ đè bẹp tôi: rõ ràng tôi không thể có được cái hạnh phúc mà tôi mong muốn, trong khi ấy thì toàn bộ cuộc sống của tôi là ở sự khao khát hạnh phúc ấy. Không có khả năng có được hạnh phúc, không khao khát nó tức là không sống.

Nghĩa là tôi không thể sống?

Tư duy suy luận nói với tôi rằng với một cấu tạo nhân thế, mà trong đó tất cả mọi sinh linh chỉ khao khát hạnh phúc cho bản thân mình, tôi – một sinh linh khao khát cũng cái đó – không thể đạt tới hạnh phúc ấy; tôi không thể sống. Nhưng tuy vậy, bất chấp kết luận rõ ràng đến thế, chúng ta vẫn sống và vẫn khao khát hướng tới hạnh phúc, tới cái phúc hảo. Chúng ta nói với mình: tôi có thể có được hạnh phúc chỉ trong trường hợp, nếu mà mọi người khác sẽ yêu quý tôi hơn họ yêu quý bản thân họ. Đó là chuyện không thể có.

Nhưng mặc dù là thế, tất cả chúng ta vẫn sống, và toàn bộ hoạt động của chúng ta, những khát vọng giàu sang, vinh quang, quyền lực ở chúng ta không phải là cái gì khác mà chỉ là một nỗ lực liên tục bắt những người khác yêu quý chúng ta hơn họ yêu quý chính họ. Sự giàu sang, vinh quang, quyền lực cho chúng ta một cái gì đó na ná như cái trật tự sự vật ấy là chúng ta hầu như hài lòng, có điều thỉnh thoảng chúng ta lại quên mất rằng đây chỉ là cái na ná chứ không phải có thật. Tất cả mọi người đều yêu quý mình hơn yêu quý chúng ta và hạnh phúc là không thể có. Có nhưng người (mà số lượng ngày một gia tăng) do không thể giải quyết được khó khăn này mà tự vẫn, phán rằng cuộc sống chỉ là một trò lừa.

Nhưng tuy vậy đáp án cho bài toán này cực kỳ đơn giản và nó tự ám thị mình cho chúng ta. Tôi chỉ có được hạnh phúc, khi nào trên thế gian sẽ tồn tại một thể thống nội tại, mà theo nó mọi người sẽ yêu quý những người khác hơn bản thân mình. Cả thế gian sẽ hạnh phúc, nếu như tất cả mọi sinh linh sẽ không yêu quý mình, mà yêu quý những người khác.

Tôi là một sinh linh con người, và trí tuệ phát hiện cho tôi một quy luật bảo đảm hạnh phúc của tất cả các sinh linh. Tôi phải tuân theo quy luật của trí tuệ nơi tôi – tôi phải yêu quý những người khác hơn yêu quý mình.

Chỉ cần con người làm một suy luận như thế, thì cuộc sống lập tức sẽ hiện ra trước nó khác xưa. Tất cả các vật sống đều tiêu diệt lẫn nhau; nhưng tất cả các vật sống cũng yêu thương nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Sự sống được duy trì không phải bằng sự tiêu diệt, mà bằng sự đồng cảm giữa các sinh vật, sự đồng cảm ấy biểu lộ trong tôi như là tình cảm yêu quý, yêu thương. Chỉ cần tôi bắt đầu hiểu diễn biến sự vật trong thế giới này, là tôi nhận ra ngay rằng chỉ một yếu tố đồng cảm tương hỗ tạo ra sự tiến bộ của nhân loại. Toàn bộ lịch sử không phải là cái gì khác mà là sự làm sáng rõ và ngày một sáng rõ hơn và áp dụng vào thực tiễn nguyên tắc duy nhất ấy về tình đoàn kết của tất cả các vật sống. Như vậy, sự suy luận được xác nhận bằng toàn bộ kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm cá nhân.

Nhưng bên ngoài mọi suy xét, con người tìm thấy ngay trong tình cảm nội tâm của mình một chứng minh có sức thuyết phục nhất cho suy luân vừa dẫn. Hạnh phúc lớn nhất khả thể đối với con người, trạng thái tự do nhất, phúc lạc nhất của nó là trạng thái tự chối bỏ và yêu thương. Trí tuệ phát hiện cho con người con đường hạnh phúc duy nhất khả thể, còn tình cảm thì thôi thúc nó bước lên con đường ấy.

Nếu những ý tưởng mà tôi cố gắng diễn đạt anh thấy là chưa đủ rõ ràng thì mong anh đừng phán xét chúng quá nghiêm khắc. Tôi hi đến lúc nào đó anh sẽ đọc chúng được trình bày mạch lạc hơn và chính xác hơn.

Tôi chỉ muốn anh hình dung được cách nhìn sự vật của tôi.

Lev Tolstoi

4. Rolland gửi Tolstoi

Paris, 21 tháng Bảy 1901

Người bạn yêu quý, xa xôi đến thế và gần gũi đến thế với chúng tôi, trong những ngày gần đây tôi không ngớt nghĩ về người. Tôi không thể diên tả nổi tuyệt vọng của mình khi được biết người mắc bệnh[347] và niềm an ủi mà cái tin về việc sức khỏe của người trở nên tốt hơn, đã mang lại cho tôi. Chắc chắn người không nhớ tôi. Xưa kia tôi đã viết cho người và đã nhận được từ người một bức thư rất đôn hậu, nó đã ảnh hưởng lớn tới đời sống trí tuệ và đạo đức nơi tôi. Và nếu tôi đã không tiếp tục trao đổi thư từ với người thì chỉ vì sợ cướp đi của người một cách phí phạm một phần thời gian và hoạt động năng sản của người, như nhiều kẻ vô công rồi nghề vẫn làm. Nhưng trong tư tưởng tôi không bao giờ ngừng sống bên người và không ngừng lấy lương tâm của người để kiểm tra lương tâm của mình. Mong người hãy ở lại thật dài lâu với chúng tôi.

Chưa bao giờ trí tuệ của người, sự độc lập và sức khỏe tinh thần của người lại cần thiết như trong thời điểm này khi mà toàn bộ châu Âu tỏ ra đã đánh mất cảm giác về chân lý, công lý và lý trí lành mạnh, cứ như bị lây nhiễm một bệnh điên tập thể nào đó, bởi lẽ tôi vẫn thiên về cho nó là ốm đau nhiều hơn là đốn mạt. Người bạn yêu quý, người hãy trường thọ làm vinh dự cho nhân loại. Quả thật, nếu không có những tâm hồn như của người, thì giờ đây dễ rơi vào tuyệt vọng trước một thế giới ngày một rời bỏ sự tiến bộ chân chính và đang lùi bước dưới chiêu bài văn minh. Xin người hãy tin vào tình cảm sâu sắc của tôi. Xin người tin rằng ở chính nước Pháp này mà có thể người ít có cảm tình, bởi vì chính nơi đây người nhận thấy nhiều hơn cả những biểu hiện của sự lăng xăng phù phiếm và trí tuệ rởm, chính ở đây có những tâm hồn thầm lặng yêu kính người, nghiền ngẫm những lời của người và tìm thấy ở chúng, cũng như trong tâm thức của mình sự nâng đỡ cho mình, những người đấu tranh theo cách của mình cho sự nghiệp của trí tuệ, nó cũng là sự nghiệp của hạnh phúc con người.

Romain Rolland

Phụ lục: Romain Rolland

LỜI NÓI ĐẦU CHO THƯ CỦA TOLSTOI

Bức thư được in sau đây thuộc về thời kỳ đã xa xưa, khi mà Tolstoi còn chưa viết một công trình lớn nào về nghệ thuật hay, nói đúng hơn, chống lại nghệ thuật, mà trong tổng thể được ông xem như là một hệ thống rộng lớn làm hủ bại [con người], một sự sùng bái khoái lạc, một mê tín vụ lợi của tầng lớp chóp bu của xã hội châu Âu đắm chìm trong những lạc thú vị kỷ. Mặc dù vào nãm 1887 cà Bản sonat Kreutzer lẫn Nghệ thuật là gì còn chưa ra mắt bạn đọc, sự ác cảm gay gắt của Tolstoi đối với nghệ thuật đương đại đã bộc lộ rõ ràng trong những văn phẩm của ông.

Tôi yêu sâu sắc – và chưa bao giờ ngừng yêu – Tolstoi. Trong vòng hai hay ba năm trước đó tôi đã sống trong vòng vây của bầu không khí tư tưởng của ông, thấm thía những trước tác của ông: Chiến tranh và hòa bình Anna Karenina và Cái chết của Ivan llich hơn bất cứ một tác phẩm lớn nào của văn học Pháp. Lòng đôn hậu, trí thông minh, tính trung thực tuyệt đối của con người vĩ đại ấy đã biến ông trong con mắt của tôi thành người hướng đạo đáng tin cậy nhất trong tình trạng vô chính phủ đạo đức – tinh thần của thời đại chúng ta.

Thế nhưng, mặt khác, tôi yêu say đắm nghệ thuật, từ thơ ấu tôi được nuôi dưỡng bằng nghệ thuật, đặc biệt âm nhạc và không thể sống mà không có nó. Âm nhạc cần thiết cho tôi như bánh mì. Vì vậy tôi đã bối rối vô cùng khi đọc được ở người mà tôi đã quen tôn kính những đả kích gay gắt chống lại sự vô luân của nghệ thuật! Bởi lẽ tôi cảm thấy rất rõ rằng không có gì lành mạnh hơn hơi thở tôi hấp thụ được từ sáng tác của các nghệ sĩ vĩ đại.

Trong một bức tranh nào đó của Rembrandt tôi cảm thụ được không chỉ sự hân hoan của cái đẹp, mà cả sức mạnh của trí tuệ và tình yêu tuông trào từ những trái tim vĩ đại ấy. Tolstoi nói về sự đốn mạt của nghệ thuật làm hủ bại và chia rẽ nhân loại. Nhưng ở đâu tôi đã được rèn luyện tốt hơn, ở đâu đã tiến lại gần hơn với mọi người trong tình huynh đệ, nếu không phải trong thần hứng của Ơđip làm vua[348] hay Bản giao hưởng với giàn hợp xướng[349]. Nhưng tôi còn ít tin vào mình, tôi buồn rầu nghĩ rằng có thể tôi đang tiêu tốn phí phạm cuộc đời mình, trong khi ấy thì tôi ước ao đến thế sao cho nó trở nên hữu ích cho mọi người…

Tôi đã viết cho Tolstoi. Ông đã trả lời tôi ngày 4 tháng Mười năm 1887. Bức thư của ông không cần phải chú giải. Nó phản chiếu ánh sáng trong vắt của tâm hồn ông, nơi mà tất cả đều là trí tuệ và lòng thương yêu con người. Nó được viết với bản tính hồn hậu của người nghệ sĩ vĩ đại ấy, không hề chăm lo cho văn phong, chỉ cốt làm sao cho người khác hiểu được mình, không e ngại nhắc lại tư tưởng của mình chừng nào ông chưa đóng nó như đinh vào đầu người đọc. Tuồng như ta nghe thấy tiếng nói không gò bó của ông: ông không viết, ông đàm đạo.

Tôi chỉ muốn nói, hiện giờ tôi cảm thấy một cách cao độ thế nào, cao hơn nhiều so với thời điểm nhận được bức thư này, rằng tôi đồng tình với những tư tưởng của ông. Tôi lấy làm tiếc là Tolstoi đã hay sai lầm trong sự đánh giá vĩ nhân này hay vĩ nhân kia, như chẳng hạn Beethoven hay Wagner và ông đã lên án họ một cách oan uổng do chưa hiểu biết họ đầy đủ, hay ông đã phán xét về nghệ thuật Pháp căn cứ vào một nhóm nghệ sĩ suy đồi đúng là nực cười (trừ một số ngoại lệ rất hãn hữu) – thực tình mà nói, cái đó dễ hiểu, khi ta biết những bài thơ kiểu cách rởm và những tạp chí không lành mạnh của họ đã khiến ông phẫn nộ thế nào, nhưng tôi lại thấy rằng quan điểm chung của ông về nghệ thuật là đúng đắn tuyệt đối.

Đúng, những thành quả của khoa học chân chính về nghệ thuật chân chính – đó là những thành quả của sự hy sinh, chứ không phải của những lợi ích vật chất. Không chỉ đạo đức, mà cả bản thân nghệ thuật cũng được lợi, nếu nó sẽ không còn là sở hữu riêng biệt của một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi. Tôi, một nghệ sĩ, tự mình trước tiên cầu mong sao cho sóm đến cái thời khi mà nghệ thuật hòa mình vào quảng đại quần chúng và được tẩy rửa khỏi những ưu đãi, những lương hưu trí, những huân chương và vinh hạnh quan phương. Tôi kêu gọi thời đại ấy vì phẩm giá của nghê thuật đang bị làm ô uế bởi hàng ngàn kẻ ăn hại sống nhân danh nó.

Nghệ thuật không phải là đường danh lợi, nó phải là sứ mệnh. Sứ mệnh có thể được nhận ra và kiểm định chỉ khi nào nhà khoa học và nghệ sĩ hy sinh sự yên tĩnh và phúc lợi của mình để đi theo thiên chức của mình. Nhưng trong nền văn minh hiện thời chỉ những nghệ sĩ thực sự lớn mới chấp nhận những hy sinh đích thực; một mình họ phải đương đầu với những vật cản nặng nề, họ từ chối buôn bán những tư tưởng của mình, từ chối làm điếm vì thú vui của khách hàng trụy lạc đãi ngộ hậu hĩnh những kẻ tổ chức cho chúng những cuộc truy hoan tinh thần. Nếu chúng ta hủy bỏ đi những đặc quyền đặc lợi của nghệ thuật và làm khó sự đến với nó thì tuyệt không nên sợ là bằng cách ấy chúng ta sẽ gia tăng đau khổ của các nghệ sĩ chân chính – chúng ta sẽ chỉ gạt bỏ cái đám đông ăn hại làm những công việc trí óc chỉ để khác biệt với dân chúng và khỏi phải làm những việc nặng nề hơn.

Thế giới cần không phải hàng vạn những cái gọi là tác phẩm nghệ thuật, hằng năm xuất hiện tại những triển lãm ở Paris, hàng trăm kịch phẩm sân khấu, hàng ngàn tiểu thuyết. Nó cần ba – bốn thiên tài trong một thế kỷ và một quần chúng có thường hằng trí tuệ sống động, thiện tâm và sự nhạy cảm với cái đẹp, một quần chúng với trái tim lành mạnh, trí khôn lành mạnh, cặp mắt lành mạnh, có năng lực nhận ra, cảm thấy và hiểu được những gì là đẹp và tốt trên thế gian và dày công tu luyện để làm sao lấy cái đẹp và cái thiện tô điểm cho đời sống.

Thú thực, tôi sẽ không lấy làm khó chịu nếu mà các nghệ sĩ bị bắt buộc tuân thủ những điều kiện sống phổ biến, nếu mà có thể phân công giữa tất cà mọi người không có ngoại lệ toàn bộ khối lượng lao động chân tay cần thiết cho sự duy trì và bảo dưỡng tòa nhà xã hội. Cái lao động ấy, được phân công giữa tất cả mọi người, sẽ không nặng nhọc đến nỗi càn trở những nghệ sĩ chân chính ngoài ra còn làm cà cái công việc của mình, nhưng nó sẽ là đủ để tước đi nơi những nghệ sĩ giả hiệu mọi hứng thú dành thì giờ nghỉ dưỡng cho lao động sáng tạo. Mà sự lành mạnh của nghệ thuật thì sẽ được lợi từ đó biết bao!…

Goethe từng nói ở đâu đó: “Càng viết nhiều hay đọc nhiều thì chính ta càng dễ trở thành một cuốn sách.” Tính giả tạo, bệnh hoan và vô sinh của nghệ thuật đương đại bắt nguồn từ chỗ nó không có cội rễ trong đời sống trần tục; nó được làm ra không bởi những người sống, những người có máu thịt, mà băng “những người của ngòi bút” – những kẻ viết văn, những người bằng giấy được nhét đầy những ngôn từ, những màu sắc, những tranh ảnh, những âm thanh của nhạc cụ, những chiết xuất cảm xúc đựng trong ống kính. Còn những nghệ sĩ chân chính thì, để không phải buôn bán nghệ thuật của mình, quá nhiều khi phải kiếm sống bằng một dạng lao động trí óc khác nào đó và song song với nó làm nghệ thuật. Mà một nghề nghiệp như thế ngáng trở trí tưởng tượng sáng tạo hơn đến mức không thể so sánh với lao động chân tay, làm mệt thân thể nhưng để trí óc được tự do!

“Sao lại thế – các nhà “duy mỹ” của chúng ta sẽ nhao nhao phản đối – lẽ nào vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật sẽ không bị thiệt hại vì cái đó? Lẽ nào nghệ thuật lại không là một cái gì đó ngoại biệt? Lẽ nào nó lại đồng ý chia sẻ với bất cứ một cái gì? Lẽ nào toàn bộ thời gian trong ngày không được thuộc về nó?”

Tôi hỏi tất cả các nghệ sĩ có lòng thành: lẽ nào nếu có cả ngày tự do thì bạn sẽ sáng tác được nhiều hơn và tốt hơn so với khi bạn chỉ có hai giờ tự do trong một ngày? Bản thân tôi từng nhận ra điều ngược lại. Những cản trở không vô ích đối với trí não. Một tự do quá lớn là người cổ vũ tồi: nó quyến dỗ trí tuệ trờ nên vô vi, bàng quan. Con người cần được thúc bách. Nếu mà cuộc đời của nó không ngắn ngủi đến thế, thì nó sẽ không sống gấp đến thế. Bị xiết chặt trong giới hạn của giờ giấc, nó càng hăng say hoạt động. Thiên tài khao khát chướng ngại và những chướng ngại tạo ra thiên tài.

Còn tài năng thì chúng ta thậm chí có quá nhiều. Nền văn hóa của chúng ta đã sặc mùi bởi những tài năng hoàn toàn vô dụng, thậm chí có hại tuyệt đối. Nếu như thậm chí một phần lớn trong họ sẽ biến mất, nếu như thậm chí sẽ trở nên ít đi những họa sĩ, những nhạc sĩ, nhà văn, nhà phê bình, nghệ sĩ dương cầm, diễn viên, nhà báo, thì sẽ chẳng phải là cái họa gì lớn; thậm chí, đó sẽ là một phúc lớn. Và ngay cả giả dụ vì thế mà nghệ thuật sẽ bị tổn hại về phương diện sự tinh khiết của hình thức, phong cách, tài nghệ kỹ thuật, tôi sẽ tiếc ít vì điều đó, nếu tinh lực và sức khỏe của nghệ thuật được gia tăng. Có những ngày mà tôi không một chút phẫn nộ nghĩ về sự đốt cháy thư viện ở Alexandrie[350]. Có ích lợi gì cho chúng ta cái quá vãng chết cứng ấy, nó chỉ đè nặng thêm chúng ta, sự chồng chất những khoa học, những nghệ thuật, những nền văn minh xếp ngổn ngang bên trên cuộc sống? Ai sẽ cứu thoát chúng ta khỏi chúng?

“Khoa học số một trên thế gian – Tolstoi đã nói – là sống thế nào để làm thật ít điều ác và thật nhiều điều thiện. Nghệ thuật số một là làm sao tránh cái ác và làm cái thiện một cách ít mất sức nhất.”

1902

[338] Tên đầy đủ của truyện này Cái chết của Ivan Ilich công bố lần đầu tiên năm 1886, tác phẩm này của Tolstoi bằng sức mạnh nghệ thuật của mình đã chấn động toàn bộ giới trí thức châu Âu. Nhà văn Pháp trứ danh Guy de Maupasant đọc xong nó nói: “Tất cả những viết lách của tôi không có giá trị gì hết so với cái này”.

[339] Khảo luận dài của Tolstoi Thế thì chúng ta phải làm gì? Lần đầu tiên được in toàn văn không phải ở trong nước, mà ở Geneve năm 1886 và lập tức được dịch ra nhiều Âu ngữ và được báo chí châu Âu sôi nổi bình luận.

[340] Tolstoi, lúc ấy đương bận viết tác phẩm triết học Về cuộc sống (được đưa vào toàn văn sách này) đã không trả lời ngay bức thư này, khiến Rolland trong tháng Chín năm 1887 ấy đã viết cho ông bức thư thứ hai được dịch sau đây.

[341] Escole Normale (trường sư phạm) ở Paris là trường đại học rất có uy tín của Pháp, đã đào tạo được nhiều nhà nghiên cứu và sáng tác có tên tuổi toàn cầu (trong đó có Ngô Bảo Châu của Việt Nam).

[342] Thư được viết bằng tiếng Pháp và lần đầu tiên được Romain Rolland công bố năm 1902. Xem phần phụ lục.

[343] Khảo luận Thế thì chúng ta phải làm gì được dịch ra tiếng Pháp năm 1887

[344] jean Bastiste Lully (1632-1687) – nhạc sĩ Pháp gốc Ý, hồi còn bé làm phụ bếp cho một gia đình quý tộc, thường bỏ việc trốn lên tầng sát mái để luyện tập chơi vĩ cầm.

[345] “trò bịp bợm nhảm nhí” (tiếng Anh)_ND

[346] tiền quyết (Latin)

[347] Tin Tolstoi mắc bệnh nặng và khó lòng bình phục đã làm cho dư luận thế giới lo âu. Đây là một trong nhiều bức thư và điện gửi tới ông từ nước ngoài trong những ngày này.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x