Trang chủ » 6. TOLSTOI VỚI M. GANDHI

6. TOLSTOI VỚI M. GANDHI

by Trung Kiên Lê
79 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tiểu dẫn – Lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, người được cả thế giới biết đến dưới tên Mahatma (Thánh) Gandhi (1869-1948) trong tiểu sử tự thuật và nhiều bài viết và nói của mình đã cho biết, những tác phẩm của Tolstoi – nhà tư tưởng đã ảnh hưởng mãnh liệt thế nào tới ông từ khi ông còn rất trẻ và còn chưa hoạt động chính trị – xã hội. Một trong những phát biểu như thế của Gandhi về Tolstoi được đưa vào sách này. Nhưng sự trao đổi thư từ trực tiếp giữa hai vĩ nhân này chỉ bắt đầu từ cuối 1909, vào năm cuối cùng của cuộc đời Tolstoi. Hồi đó, Gandhi sống ở Nam Phi và lãnh đạo phong trào đấu tranh phi bạo lực của cộng đồng người Ấn Độ sống ở vùng Transvaal chống lại chính sách phân biệt chủng tộc của chính quyền thuộc địa Anh, giành các quyền con người.

Dưới đây là những thư từ trao đổi giữa Gandhi và Tolstoi cùng diễn văn của Gandhi trong lễ kỷ niệm 100 năm sinh Tolstoi (1928).

1. Gandhi gửi Tolstoi

London, 1 tháng Mười 1909

Thưa quý ngài.

Tôi mạnh dạn xin lưu ý ngài tới những gì đang diễn ra ở Transvaal (Nam Phi) đã gần ba năm nay.

Ở thuộc địa ấy có một quần cư người Ấn Độ thuộc Anh, khoảng 13.000 người. Những người Ấn ấy đã nhiều năm rất khổ sở vì những hạn chế quyền lợi khác nhau. Sự kỳ thị chống lại những người da màu, và về một số phương diện chống lại người châu Á nói chung, ở nước này rất mạnh. Trong quan hệ với người châu Á, điều này được giải thích bằng sự cạnh tranh trong thương mại. Sự kỳ thị này đã đạt đỉnh điểm ba năm trước đây, khi một đạo luật đặc biệt dành cho người châu Á[358] được thông qua nhằm mục đích, như tôi và nhiều người khác nghĩ, hạ nhục và tước bỏ phẩm chất con người ở những người là đối tượng áp dụng của nó. Tôi ý thức được rằng sự tuân hành một đạo luật kiểu này là không thể tương dung với học thuyết không chống cự cái ác, và bây giờ chúng tôi vẫn giữ xác tín ấy. Ngoài ra, tôi được hạnh phúc nghiên cứu những trước tác của ngài, chúng đã đặt dấu ấn sâu sắc lên thế giới quan của tôi.

Những người Ấn Độ thuộc Anh, được chúng tôi giải thích về thực chất vấn đề, đã nhất trí không tuân hành đạo luật ấy, thà bị bỏ tù hay chịu đựng những hình phạt khác mà theo luật pháp có thể được áp dụng chống lại sự vi phạm đạo luật này. Hệ quả của việc này là gần một nửa cư dân Ấn Độ, không đủ sức chịu đựng sự căng thẳng của đấu tranh và những đau khổ khi bị bỏ tù, đã chọn di cư khỏi vùng Transvaal, chứ không phục tùng cái đạo luật mà họ cho là hạ nhục họ. Trong nửa còn lại, gần 2500 người nghe theo lương tâm của mình đã chọn ngồi tù – một số người đã ngồi đến năm lần. Sự giam giữ dao động từ bốn ngày đến sáu tháng, trong đa số trường hợp kèm theo lao động khổ sai. Nhiều người Ấn Độ về mặt vật chất đã phá sản hoàn toàn.

Hiện nay trong các nhà tù ở Transvaal đang giam giữ khoảng 100 người chống cự thụ động như thế. Một số người trong họ từ trước đây đã rất nghèo, kiếm sống từ ngày này qua ngày khác. Vì thế chúng tôi đã phải nuôi vợ con họ bằng những tiền quyên góp thu thập được chủ yếu cũng tự những người chống cự thụ động như thế. Tất cả cái đó đã đòi hỏi một sự cố gắng chịu đựng lớn lao từ những người Ấn thuộc Anh, nhưng theo ý kiến của tôi, họ đã tỏ ra rất kiên cường. Cuộc đấu tranh còn tiếp tục và chưa biết bao giờ mớỉ kết thúc, nhưng nó đã chứng tỏ, ít nhất cho một số người trong chúng tôi, rằng sự chống cự thụ động có thể và phải chiến thắng ở nơi mà bạo lực võ biền bất lực. Chúng tôi cũng ngộ ra rằng nếu cuộc đấu tranh không phân thắng bại thì chỉ do sự yếu đuối của chúng tôi, nó reo rắc trong trí não của nhà cầm quyền niềm tin rằng chúng tôi sẽ không đủ sức chịu đựng những đau khổ kéo dài.

Tôi tới đây với một người bạn củạ tôi để gặp một số nhân vật trong chính phủ đế quốc và trình bày với họ thực chất vấn đề và đề nghị hủy bỏ sự bất công. Bản thân những người chống cự thụ động đã tuyên bố họ không có cái gì chung với sự cầu xin chính phủ, nhưng đoàn đại biểu đã được cử đi theo yêu cầu của những thành viên yếu sức nhất của cộng đồng người Ấn, vì vậy nó nhiều phần hơn phản ánh sự yếu ớt, chứ không phải sức mạnh của cộng đồng ấy.

Nhưng trong thời gian ở đây, nơi tôi đã nảy ra một ý tưởng, ấy là nếu tổ chức một cuộc thi viết báo về vấn đề tính hữu đức và hiệu quả của sự chống cự thụ động, thì hoạt động này sẽ làm cho phong trào của chúng tôi được biết đến nhiều hơn và sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ. Một người bạn của tôi đặt ra câu hỏi về việc có được phép hay không, xét từ phương diện đạo đức, tổ chức một cuộc thi như thế. Anh ấy cho rằng cầu viện ý kiến của công chúng không phù hợp với tin thần chân chính của sự chống cự thụ động và sẽ chỉ đem lại cho chúng tôi những ý kiến được mua. Tôi có thể hay không đề nghị ngài phát biểu về vấn đề này từ góc độ đức lý? Nếu ngài thấy không có gì xấu xa trong mong muốn có được ý kiến của những cá nhân khác nhau, thì ngài có thể gọi tên cho tôi những người mà tôi nên đề nghị viết riêng về vấn đề này?

Còn một hoàn cảnh nữa khiến tôi chiếm mất thời gian của ngài. Nhờ một người bạn, tôi có trong tay một bản sao “Thư gửi một người Ấn Độ”[359] của ngài, viết về những cuộc bạo loạn hiện nay ở Ấn Độ. Xem ra nó thể hiện những quan điểm của ngài. Người bạn của tôi muốn bỏ tiền ra in và phát hành 20.000 bản bức thư ấy, cũng như chuyển ngữ nó. Nhưng chúng tôi không kiếm được nguyên bản của nó, vì vậy không cho mình có quyền in ấn nó, chừng nào chúng tôi chưa tin chắc vào tính chính xác của bản sao bức thư này và rằng nó đúng là của ngài. Tôi mạnh dạn gửi kèm theo đây một bản sao từ bản sao ấy và sẽ rất biết ơn ngài nếu ngài cho tôi biết, đây có đúng là thư của ngài hay không, bản sao có trung thành hay không và ngài có đồng ý cho quảng bá nó bằng cách này hay không. Giả sử ngài muốn bổ sung một cái gì đó vào bức thư thì xin ngài hãy làm.

Tôi chỉ dám đưa ra một kiến nghị. Trong mục kết thúc xem ra ngài muốn làm cho người đọc đừng tin vào thuyết luân hồi nữa. Tôi không biết (nếu nói thế này không phải là xấc xược từ phía tôi) ngài đã nghiên cứu chuyên biệt vấn đề này chưa. Niềm tin vào luân hồi, hay là về sự hóa kiếp của các sinh linh, rất quý giá đối với hàng triệu người ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc. Có thể nói, đối với nhiều người đó là vấn đề của kinh nghiệm cá nhân chứ không phải là một giả định lý thuyết nữa. Niềm tin ấy giải thích có lý nhiều bí ẩn của cuộc sống. Nó từng là niềm an ủi cho nhiều người chống cự thụ động trong khi họ bị giam cầm trong nhà tù ở Transvaal. Mục đích của thư này không phải là thuyết phục ngài tin vào tính chân lý của thuyết ấy, mà chỉ cầu xin ngài, nếu có thể thì loại bỏ từ “luân hồi” khỏi danh sách những khái niệm mà ngài muốn cho người đọc bức thư của ngài không tin vào chúng nữa. Ngài viện dẫn nhiều đức Krishna và đưa ra nhiều trích dẫn[360]. Tôi sẽ rất biết ơn ngài, nếu ngài cho tôi biết tên cuốn sách, mà từ đó ngài đã dẫn những đoạn trích ấy.

Tôi đã làm ngài mệt bằng thư này. Tôi biết những ai ngưỡng mộ và cố gắng noi gương ngài không có quyền chiếm thì giờ của ngài và cần phải hết sức kiêng tránh làm khó ngài bằng bất cứ cái gì. Nhưng mặc dù như vậy, tôi, một người ngài tuyệt không quen biết, vẫn bạo gan viết lá thư này gửi ngài, vì chân lý và với mục đích được nghe thấy lời khuyên của ngài về nhưng vấn đề, mà sự giải quyết chúng ngài đã biến thành nhiệm vụ của đời mình.

Tôn kính, đầy tớ trung thành của ngài

M.KGandhi

[Trên phong bì:]

Kính gửi bá tước Lev Tolstoi,

Yasnaya Polyana,

Nước Nga

2. Tolstoi gửi Gandhi

Yasnaya Polyana, 7 tháng Mười 1909

Tôi vừa nhận được bức thư của ông, một bức thư kỳ thú cao độ và đem lại cho tôi một niềm vui lớn. Cầu Thượng Đế giúp đỡ những người anh em và cộng sự yêu quý của chúng ta ở Transvaal. Cũng cuộc đấu tranh ấy của cái nhu chống lại cái cương[361], của sự khiêm nhường và tình yêu chống lại sự ngạo mạn và bạo lực ngày càng bộc lộ rõ hơn ở nước chúng tôi, đặc biệt thông qua một trong hhững xung đột gay gắt nhất giữa luật tôn giáo là luật thế tục – bằng sự chối từ quân dịch. Những vụ chối từ như thế ngày một nhiều hơn.

Thư gửi một người Ấn Độ do tôi viết, bản dịch rất tốt. Tên cuốn sách về Knshna sẽ được gửi đến ngài từ Moskva.

Thực lòng mà nói tôi không muốn bỏ từ reincarnation[362], bởi vì theo ý kiến của tôi niềm tin vào reincarnation không bao giờ có thể vững chắc như niềm tin vào sự không chết của linh hồn và vào sự công bằng và tình yêu thương của Thượng Đế. Thế nhưng ông cứ xử lý như ông muốn.

Tôi chỉ có thể mừng vui trước việc thư của tôi sẽ được dịch ra tiếng Ấn và được phát hành.

Tôi nghĩ, competition, tức là sự khuyến khích bằng tiền trong những công việc tôn giáo là không thích hợp. Nếu tôi có thể phục vụ bằng cái gì đó cho công việc xuất bản của các ngài, thì tôi sẽ rất mừng vui.

Xin gửi tới ngài lời chào huynh đệ. Sung sướng được giao tiếp với ngài.

L. Tolstoi

3. Gandhi gửi Tolstoi

London, 10.XI.1909

Thưa quý ngài,

Xin được nhiệt tâm cám ơn ngài về bức thư bảo đảm liên quan đến “Thư gửi một người Ấn Độ”[363] và những vấn đề đã được đề cập trong bức thư gửi ngài.

Tôi đã không viết cho ngài, do không muốn làm phiền ngài, vì tôi được biết rằng ngài đang ốm, mà sự thể hiện bằng văn tự lòng biết ơn của tôi thì chỉ là chuyện hình thức đơn sơ. Nhưng ngài Aylmer Maude mà tôi may mắn được gặp đã quả quyết với tôi rằng ngài hoàn toàn khỏe mạnh và sáng sáng đều đặn đọc và viết thư. Những thông tin ấy làm tôi rất vui mừng và tôi quyết định lại một lần nữa viết cho ngài về những công việc mà, tôi biết, có ý nghĩa lớn nhất, xét theo học thuyết của ngài.

Xin gửi cùng với thư này một cuốn sách được viết bởi một trong những người bạn của tôi – một người Anh hiện đang sống ở Nam Phi[364]. Cuốn sách này liên quan đến đời tôi và soi rọi ánh sáng xuống cuộc đấu tranh mà tôi gắn kết và hiến dâng cuộc đời mình. Bởi tôi rất muốn tranh thủ được sự quan tâm và thiện cảm của ngài đối với chúng tôi, cho nên tôi đã nghĩ rằng ngài sẽ không cho việc gửi sách là điều quấy rầy.

Theo ý kiến của tôi, những người Ấn Độ ở Transvaal đang tiến hành một cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, bởi vì cuộc đấu tranh ấy là lý tưởng cả về mặt mục đích đặt ra lẫn những phương pháp đạt tới đích ấy. Tôi không biết một thí dụ nào khác về sự đấu tranh mà trong đó những người tham gia lại không mong muốn rút ra từ đó bất cứ một lợi ích cá nhân nào và trong quá trình đấu tranh, một nửa những người tham gia đã chịu đựng những đau khổ và thử thách lớn đến thế vì sự thắng lợi của nguyên tắc.

Tôi không có điều kiện quảng bá cuộc đấu tranh của chúng tôi một cách rộng rãi như tôi mong muốn. Trong thời đại chúng ta, ngài có lẽ có ảnh hưởng lớn nhất tới những giới xã hội rộng rãi nhất. Nếu ngài thấy là thỏa đáng những thực tế được trình bày trong sách của ông Doke và nếu ngài cho rằng những thực tế ấy biện chính cho những kết luận mà tôi đã đi tới thì tôi có thể hay không đề nghị ngài dùng ảnh hưởng của mình để bằng bất cứ phương cách nào mà ngài cho là chấp nhận được quảng bá phong trào của chúng tôi? Nếu nó ưu thắng thì đây sẽ không chỉ là một thắng lợi của đức tin, tình yêu và chân lý chống lại sự bất tín, lòng hận thù và cái giả dối, mà rất có thể sẽ là một tấm gương cho hàng triệu con người ở Ấn Độ và các châu lục khác đang có nguy cơ rơi xuống dưới gót của những kẻ áp bức. Nó chắc chắn sẽ trợ giúp nhiều cho sự thất bại của phe chủ trương bạo lực, ít nhất là ở Ấn Độ. Nếu chúng tôi sẽ kiên định đến cùng – mà tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ kiên định – thì tôi không có một chút hoài nghi nào vào thắng lợi cuối cùng. Sự ủng hộ của ngài, dành cho chúng tôi, chỉ có thể củng cố quyết tâm của chúng tôi.

Những đàm phán nhằm mục đích giải quyết vấn đề này thực ra đã thất bại. Cùng với người cộng sự của mình, tuần sau tôi trở về Nam Phi, nơi lệnh bắt giam đang chờ đợi tôi. Tôi có thể nói thêm rằng người con trai của tôi đã vui sướng kề vai sát cánh với tôi trong cuộc đấu tranh này hiện giờ đang thụ án sáu tháng lao động khổ sai. Đây đã là lần thứ tư cậu ấy bị bỏ tù trong quá trình đấu tranh.

Nếu ngài có lòng nhân hậu trả lời bức thư này[365] thì mong ngài viết cho tôi theo địa chỉ: Johannesburg, Nam Phi, hòm thư 6522.

Với niềm hy vọng bức thư của tôi sẽ được thấy ngài dồi dào sức khỏe, mãi mãi là đầy tớ trung thành của ngài.

M. Gandhi

4. Gandhi gửi Tolstoi

Johannesburg, 4 tháng Tư 1910

Thưa ngài,

Có lẽ ngài còn nhớ cuộc trao đổi thư từ giữa tôi với ngài hồi tôi lưu trú ở London. Với tư cách mệt môn đệ khiêm tốn của ngài, xin gửi tới ngài cùng với bức thư này một cuốn sách nhỏ do tôi viết[366]. Đây là bản dịch của chính tôi từ tiếng Gujarati. Thật kỳ thú là chính phủ Ấn Độ đã tịch thu cuốn sách viết bằng tiếng này. Cho nên tôi đã vội công bố bản dịch. Tôi rất không muốn quấy rầy ngài nhưng nếu sức khỏe của ngài cho phép và nếu ngài tìm được thời gian xem qua cuốn sách thì chẳng cần phải nói, ý kiến phê phán của ngài sẽ là quý giá hơn cả đối với tôi. Xin gửi ngài cả mấy bản sao bức thư của ngài gửi tới một người Ấn Độ mà ngài đã cho phép tôi công bố. Nó cũng đã được dịch ra một trong những phương ngữ Ấn Độ.

Mãi mãi là đầy tớ trung thành của ngài.

M.K. Gandhi

5.Tolstoi gửi Gandhi

Người bạn quý mến,

Tôi đã đọc cuốn sách với niềm thích thú lớn nhất, bởi vì tôi nghĩ rằng vấn đề mà ông bàn thảo ở đấy – sự chống cự thụ động – là một vấn đề tối quan trọng không chỉ cho Ấn Độ, mà còn cho cả nhân loại.

Tôi không tìm ra được những thư trước của ông, nhưng tình cờ tôi tìm ra cuốn tiểu sử của ông do J. Doke viết[367], nó đã khiến tôi quan tâm và khiến cho bức thư của ông trở nên dễ hiểu và cảm thông đối với tôi.

Hiện nay tôi không khỏe mạnh hoàn toàn, cho nên chưa viết được cho ông tất cả những gì mà tôi muốn nói về cuốn sách của ông và toàn bộ hoạt động của ông mà tôi đánh giá rất cao, nhưng thế nào tôi cũng viết cho ông, khi cảm thấy mình tốt hơn.

Người bạn và người anh em của ông,

Lev Tolstoi

25 tháng Tư (8 tháng Năm) 1910.

Yasnaya Polyana.

6. Gandhi gửi Tolstoi

Johannesburg, 15 tháng Tám 1910

Thưa ngài,

Tôi rất biết ơn ngài vì bức thư cổ lệ đầy nhiệt tâm ngày 8 tháng Năm năm nay. Tôi rất lấy làm quý ý kiến chung của ngài về cuốn sách nhỏ Ấn Độ tự quản của tôi và sẽ chờ mong, khi nào ngài có thì giờ thì ngài sẽ phát biểu về nó tỉ mỉ hơn, như ngài đã có lòng nhân từ hứa với tôi trong thư của mình.

Ông Kallenbach[368] viết cho ngài về “trại Tolstoi”. Ông Kallenbach với tôi là bạn đã lâu năm. Tôi có thể nói về ông ấy rằng ông ấy đã kinh qua đa số những thử thách mà ngài mô tả một cách hình ảnh đến thế trong Tự bạch của mình. Không trước tác nào của một ai khác lại để lại cho ông ta ấn tượng mạnh mẽ như những trước tác của ngài và để kích thích những nỗ lực tiếp theo nhằm đạt tới những lý tưởng mà ngài tiên báo cho thế giới, ông ấy sau khi trao đổi với tôi đã cho phép mình gọi cái trại của mình bằng tên của ngài.

Từ những số Indian Opinion gửi theo đây ngài có thể biết được kỹ hơn về hành động cao thượng của ông ta đã giao trại của mình cho những người không kháng cự sử dụng.

Tôi đã không dám làm mất thì giờ của ngài bằng những chi tiết ấy, nếu mà ngài không thể hiện sự quan tâm của cá nhân mình tới phong trào chống cự thụ động ở Transvaal.

Đầy tớ trung thành của ngài 

M.K. Gandhi

7. Tolstoi gửi Gandhi

7 tháng Chín 1910. Kochety

Tôi đã nhận được tạp chí Indian Opinion của ông và mừng vui được đọc tất cả những gì viết ở đấy về những người không kháng cự. Và tôi muốn được nói với ông những ý nghĩ mà những gì vừa đọc khơi gợi nên trong tôi.

Càng sống lâu và đặc biệt giờ đây, khi tôi cảm nhận rất sống động sự gần gũi của cái chết, thì tôi càng muốn nói với những người khác cái mà tôi cảm nhận đặc biệt sống động và cái mà theo tôi có tầm quan trọng vô cùng to lớn – cụ thể là cái được gọi là sự bất kháng thực ra không phải là cái gì khác mà là giáo thuyết tình yêu không bị bóp méo bởi những kiến giải sai trái.

Tình yêu, hay là ước nguyện kết đoàn của các linh hồn con người và hoạt động bắt nguồn từ ước nguyện ấy là quy luật cao nhất và duy nhất của cuộc sống con người – cái này ai ai cũng cảm thấy và biết trong thâm tâm mình (như chúng ta thấy rõ hơn cả ở trẻ em), ai ai cũng biết, chừng nào chưa bị vướng mắc bởi những học thuyết sai trái của thế gian. Luật ấy được tuyên cáo bởi tất cả những hiền giả của thế giới, nào Ấn Độ, nào Trung Quốc, Do Thái, Hy Lạp, La Mã. Thiết nghĩ, nó đã được diễn đạt rõ ràng hơn cả bởi Kitô, người thậm chí đã nói thẳng rằng toàn bộ luật thánh và sấm ký là ở đấy. Nhưng không phải chỉ thế, tiên lượng được những xuyên tạc mà cái luật ấy phải và có thể phải hứng chịu,

Người đã chỉ thẳng ra nguy cơ xuyên tạc nằm sẵn trong những ai sống bằng những lợi ích trần thế – cụ thể là nguy cơ cho phép mình bảo vệ những lợi ích ấy bằng vũ lực, tức là, như người nói, bằng những cú đánh đáp trả những cú đánh, bằng sức mạnh lấy lại những đồ bị cướp đi, v.v… và v.v… Người biết, cũng như bất kỳ một ai có trí tuệ đều không thể không biết, rằng sự sử dụng vũ lực không thể tương dung với tình yêu với tư cách luật cơ bản của cuộc sống, rằng chỉ cần cho phép dùng bạo lực, bất cứ trong trường hợp nào, tức là đã công nhận tính bất túc của luật tình yêu, vì vậy mà bản thân luật ấy bị phủ định. Toàn bộ nền văn minh Kitô giáo, bề ngoài hào nhoáng đến thế, đã lớn lên trên sự ngộ nhận và mâu thuẫn lộ liễu và kỳ lạ, đôi khi hữu thức nhưng đa phần là vô thức ấy.

Thực ra, chỉ cần chấp nhận nguyên lý kháng cự mà vẫn công nhận tình yêu thương, thì đã không còn và không thể có tình yêu thương như là luật sống, mà khi đã không còn luật yêu thương, thì sẽ không có một luật nào khác, ngoài bạo lực, tức là quyền lực của kẻ mạnh hơn. Và nhân loại Kitô giáo đã sống 19 thế kỷ như thế. Thực tình mà nói, trong mọi thời đại loài người chỉ dùng bạo lực để tổ chức đời sống của mình. Sự khác biệt giữa đời sống của các dân tộc Kitô giáo so với các dân tộc khác là ở chỗ, trong thế giới Kitô giáo luật yêu thương đã được diễn đạt một cách rõ ràng và xác đinh như nó không được diễn đạt trong bất kỳ một học thuyết tôn giáo nào khác, và những con người của thế giới Kitô giáo đã long trọng chấp nhận cái luật ấy, nhưng đồng thời lại cho phép mình dùng bạo lực và đã xây dựng cuộc sống của mình trên bạo lực.

Thành thử toàn bộ đời sống của các dân tộc Kitô giáo là một mâu thuẫn liên tục giữa cái mà họ tuyên tín với cái mà trên đó, họ đã dựng xây cuộc sống của mình: mâu thuẫn giữa tình yêu thương được công nhận là luật sống và bạo lực được công nhận thậm chí là một tất yếu dưới nhiều hình thức khác nhau, như quyền lực của những người cai trị, như các tòa án và quân đội, và không những được công nhận mà còn được tâng bốc. Mâu thuẫn ấy ngày một gia tăng cùng với sự phát triển con người trong thế giới Kitô giáo và trong thời gian gần đây đã đạt mức giớỉ hạn. Vấn đề bây giờ rõ ràng được đặt ra thế này: hoặc công nhận là chúng tôi không thừa nhận bất kỳ một học thuyết tôn giáo – đạo đức nào và trong tổ chức đời sống của mình chỉ lấy quyền lực của kẻ mạnh làm kim chỉ nam, hoặc công nhận rằng tất cả những thuế má thu nạp bằng bạo lực, tất cả các cơ quan tòa án và cảnh sát và, cái chính, quân đội của chúng tôi phải bị hủy bỏ.

Mùa xuân năm nay, trong cuộc sát hạch về thánh luật ở một trong những học viện dành cho phụ nữ tại Moskva, thầy dạy thánh luật và một giáo chủ có mặt đã hỏi các nữ sinh về các giới luật và đặc biệt là giới luật thứ sáu[369]. Sau câu trả lời đúng về giới luật, vị giáo chủ thường đặt thêm một câu hỏi: có phải luật của Chúa luôn luôn, trong mọi trường hợp đều cấm giết người hay không, và các nữ sinh bất hạnh, bị những vị thầy của mình tha hóa, đã phải trả lời và đã trả lời rằng, không luôn luôn, rằng được phép giết người trên chiến trường và khi trừng phạt những kẻ phạm tội[370].

Tuy vậy, khi một trong những cô gái bất hạnh ấy (chuyện tôi kể không phải là bịa đặt mà là chuyện có thật, được một người tai nghe mắt thấy thuật lại cho tôi) phải trả lời cũng câu hỏi thường lệ ấy: sự giết người có phải lúc nào cũng là tội lỗi hay không? Cô ta, hồi hộp và đỏ mặt tía tai, nhưng vẫn cương quyết trả lời rằng đúng, lúc nào cũng là tội lỗi, và đối đáp mọi ngụy biện thường tình của vị giáo chủ, một mực khẳng định rằng sự giết nguời luôn luôn bị ngăn cấm, bị cấm cả trong kinh Cựu ước và bị cả Đức Kitô cấm và không chỉ sự giết người mà còn mọi điều ác chống lại người huynh đệ. Và bất chấp toàn bộ sự oai vệ và nghệ thuật hùng biện của mình, vị giáo chủ đã phải âm miệng, và cô nữ sinh đã ra về như một người thắng trận.

Đúng, chúng ta có thể nói tràn lan trên báo chí của chúng ta về những thành tựu của ngành hàng không, về những quan hệ ngoại giao phức tạp, về những câu lạc bộ khác nhau, về những phát minh, những hiệp hội đủ loại, về cái gọi là những tác phẩm nghệ thuật và ẻm nhẹm đi cái mà cô gái ấy đã nói, nhưng ém nhẹm mãi cũng không được, bởi vì cái đó, với độ mơ hồ khác nhau, nhưng được mọi người trong thế giới Kitô giáo đều cảm thấy. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đoàn quân cứu trợ[371], tình hạng tội phạm gia tăng, sự thất nghiệp của dân chúng, sự xa xỉ điên rồ ngày một gia tăng của những kẻ giàu và sự bần cùng của những người nghèo, số lượng tăng lên một cách đáng sợ của những vụ tự tử – tất cả cái đó là những dấu hiệu của cái mâu thuẫn nội tại, mà phải được và không thể không được giải quyết. Và tất nhiên, giải quyết theo hướng thừa nhận quy luật tình yêu và phủ nhận mọi bạo lực. Vì vậy hoạt động của các bạn ở Transvaal, như chúng tôi ở đầu kia thế giới cảm nhận, là công việc trọng tâm nhất, quan trọng nhất trong tất cả các việc hiện đang được làm trên thế giới, và các dân tộc không chỉ của thế giới Kitô giáo, mà còn của toàn thế giới sẽ tham gia vào việc ấy.

Tôi nghĩ, ông sẽ thích thú được biết cả ở nước Nga của chúng tôi hoạt động này cũng đang phát triển nhanh dưới hình thức từ chối quân dịch, những vụ từ chối như thế mỗi năm một nhiều hơn. Cho dù có nhỏ bé đến đâu số lượng những người không kháng cự nơi các bạn và những người chối từ ở Nga của chúng tôi có ít ỏi đến đâu, cả những người này lẫn những người kia đều có thể mạnh dạn nói rằng Thượng Đế ở bên họ. Mà Thượng Đế thì hùng mạnh hơn con người.

Giữa sự công nhận đạo Kitô, ngay dưới hình thức bị bóp méo mà nó được truyền bá giữa các dân tộc Kitô giáo, và sự đồng thời công nhận tính cần thiết của quân đội và ráo riết vũ trang để giết người với quy mô khủng khiếp trong các cuộc chiến có một mâu thuẫn lộ liễu, gay gắt đến mức tất yếu sớm hay muộn, có lẽ rất sớm nó sẽ bột phát và sẽ xóa bỏ hoặc sự thừa nhận đạo Kitô, vẫn còn cần thiết để duy trì quyền lực, hoặc sự tồn tại của quân đội và mọi hình thức bạo lực được nó nâng đỡ, còn cần thiết hơn cho cái quyền lực ấy.

Mâu thuẫn này được tất cả các chính phủ, cả chính phủ Anh quốc của các bạn lẫn chính phủ Nga của chúng tôi cảm thấy và, xuất phát từ bản năng tự vệ tự nhiên, bị các chính phủ ấy truy bức một cách ráo riết hơn nhiều, như chúng tôi thấy ở Nga vắ như có thể thấy từ những bài trên tạp chí của ông, so với bất kỳ một hoạt động chống chính phủ nào. Các chính phủ biết nguy cơ chính cho họ là ở đâu và trong vấn đề này, họ canh giữ tinh tường đã không chỉ những lợi ích của mình, mà còn vấn đề tồn tại hay không tồn tại.

Với lòng kính trọng hoàn hảo,

Lev Tolstoi [372]

Phụ lục

Mahatma Gandhi

TOLSTOI CỦA TÔI

(Diễn văn tại mít tinh kỷ niệm 100 năm sinh Tolstoi ở Delhi)

Bốn mươi năm về trước, khi tôi đang phải chống chọi với một cuộc tấn công rất nghiêm trọng của chủ nghĩa hoài nghi và ngờ vực, tôi đã được đọc sách “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta” của Tolstoi và nó đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Thưở ấy tôi còn là người chủ trương bạo lực. Cuốn sách của Tolstoi đã chữa tôi khỏi bệnh hoài nghi và biến tôi thành người theo thuyết ahimsa (phi bạo lực) một cách có xác tín. Cái đã làm tôi kinh ngạc hơn cả ở Tolstoi là ông luôn luôn lấy việc làm củng cố cho những điều rao giảng của mình và chấp nhận mọi hi sinh vì chân lý. Thật đáng ngạc nhiên, Tolstoi đã sống giản dị và khiêm tốn thế nào! Sinh ra và được giáo dưỡng trong hoàn cảnh đầy tiện nghi và xa xỉ của một gia đình quý tộc thượng lưu, được hào phóng ban thưởng mọi phúc lợi trần gian có thể mong muốn, con người ấy sau khi nếm trải mọi lạc thú của cuộc sống đã quay lưng lại với chúng trong tuổi hoa của mình và không bao giờ để cho chúng cám dỗ mình nữa.

Ông là người trung thực nhất của thời đại mình. Toàn bộ cuộc đời của ông là sự tìm kiếm thường hằng, sự nỗ lực không ngớt tìm tới chân lý và dẫn đưa nó vào đời sống. Tolstoi không bao giờ che giấu sự thật, tô điểm cho nó; không sợ quyền lực tôn giáo cũng như thế tục, ông đã cho thế giới thấy cái chân lý hoàn vũ, vô điều kiện và không thoái nhượng.

Ông là người chủ trương phi bạo lực vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Không một ai ở phương Tây, cả hước cũng như sau ông, lại viết về phi bạo lực nhiều đến thế và kiên trì đến thế, với sự thấu thị và nhìn xa thấy rộng đến thế. Còn hơn thế nữa, cống hiến xuất sắc của Tolstoi vào sự phát triển tư tưởng phi bạo lực có thể làm xấu mặt những kiến giải hẹp hòi và sai lạc về tư tưởng ấy bởi những người cổ xúy cho ahimsa ở nước ta. Mặc dù Ấn Độ kiêu hãnh tuyên bố về quyền của mình được gọi là Karmabhumi – nước đã thực hiện ahimsa, mặc dù các nhà hiền triết cổ đại của chúng ta đã có những phát hiện tuyệt vời trong lĩnh vực này, cái mà hiện giờ ở ta được gọi là ahimsa giống như một bức biếm họa.

Ahimsa thực thụ phải là sự tự do hoàn toàn khỏi ác ý, phẫn nộ và căm thù, là lòng yêu thương vô hạn đối vớỉ tất cả những gì tồn tại. Bằng cuộc đời của mình, nêu gương sáng về một ahimsa chân chính và cao chót vót, Tolstoi với lòng thương yêu loài người mênh mông như biển cả nơi ông hiện giờ vẫn là ngọn hải đăng và nguồn cổ vũ không cạn kiệt cho chúng ta. Những người phê bình Tolstoi từng viết rằng ông đã thất bại trong cuộc đời, rằng ông cuối cùng đã không thực hiện được lý tưởng của mình – không tìm ra được cái que xanh bí ẩn mà ông cả đòi tìm kiếm. Tôi không đồng tình với những người ấy. Đúng,

Tolstoi tự viết về những sự bất thành của mình. Nhưng cái đó chỉ xác nhận sự vĩ đại của ông. Tolstoi đã không thực hiện được ước mơ của mình, nhưng thân phận của con người là thế. Không một sinh linh nào bằng thịt và máu lại có thể đạt được thể hoàn hảo vì lý do đơn giản là thể hoàn hảo là không thể hình dung, chừng nào ta chưa khắc phục được hoàn toàn chủ nghĩa vị kỷ của mình, mà không thể thoát khỏi chủ nghĩa vị kỷ, chừng nào còn mang xiềng xích của nhục thể. Tolstoi thích nhắc đi nhắc lại: chỉ cần bạn tin đã đạt được lý tưởng, thì tức khắc sự tiếp tục phát hiển dừng lại và bắt đầu sự đi ngược lại, bởi lẽ giá trị của lý tưởng là ở chỗ chúng ta tiến gần đến nó bao nhiêu thì nó xa dần bấy nhiêu. Do đó những tuyên bố nói rằng Tolstoi, như chính ông thú nhận, đã không thực hiện được lý tưởng của mình, tuyệt không giảm thiểu chút nào sự vĩ đại của ông, mà chỉ nhấn mạnh đức khiêm tốn nơi ông.

Người ta hay làm ồn ào về cái gọi là những mâu thuẫn trong cuộc đời của Tolstoi, thế nhưng những mâu thuẫn ấy là hư ảo nhiều hơn là có thật. Phát triển liên tục là quy luật của sự sống, thành thử một người nghiêm ngặt tuân theo những giáo điều của chính mình chỉ vì sợ tỏ ra không nhất quán tất yếu đặt mình vào vị trí của kẻ ngốc. Vì thế mà Emerson từng nói rằng sự nhất quán ngu ngốc là con ngáo ộp của những trí tuệ hạn hẹp. Sự không nhất quán được nói nhiều đến thế của Tolstoi là dấu chỉ về sự phát triển của ông và về sự trung thành tha thiết của ông với sự thật. Tolstoi hay có vẻ không trước sau như một bởi vì ông luôn luôn thấy chật hẹp trong khuôn khổ học thuyết của chính mình, về những sự bất thành công của ông mọi người đều biết, về những khổ tâm của ông và những chiến thắng của ông đối với chính mình – chỉ một mình ông biết.

Thế gian chỉ thấy những thất bại của ông, còn thắng lợi thì trước hết chính ông không nhận ra. Những địch thủ của ông cố gắng lập vốn cho mình trên những sai lầm của ông, nhưng Tolstoi luôn luôn là nhà phê bình nghiêm khắc nhất của chính mình. Ông không tha thứ cho mình; những người phê phán ông chưa kịp chỉ ra những sai lầm của ông, thì ông đã tự tuyên cáo về chúng cho cả thế giới biết, khuếch đại chúng lên gấp nghìn lần và đặt ra cho mình hình phạt mà ông thấy là cần thiết. Tolstoi luôn luôn hoan nghênh sự phê phán, ngay cả khi nó có vẻ gay gắt quá mức, và cũng như tat cả các vĩ nhân, sợ hãi sự ngợi khen của người đời. Ông vĩ đại cả trong những lầm lạc của mình, và chúng là dấu chỉ không phải của sự vô vọng, mà của thắng lợi của những lý tưởng nơi ông.

Còn một tư tưởng vĩ đại nữa của Tolstoi – “lao động vì bánh mì (bát cơm_ND) hằng ngày”. Mỗi một người có nghĩa vụ đổ mồ hôi trán ra để kiếm cái ăn; sự nghèo đói khốc liệt trên thế giới phải được giải thích bằng việc người đời lẩn tránh thực hiện nghĩa vụ ấy của mình. Tolstoi gọi là sự giả dối và bịp bợm tất cả những đề án cải thiện cuộc sông củá quân chúng lao khổ bằng hoạt động từ thiện của những kẻ giàu có, sống trong xa xỉ và nhàn rỗi; hãy để họ trèo từ xương sống của những người nghèo xuống đất, ông nói, thế thì việc làm từ thiện được phô trương đến thế sẽ không còn cần thiết cho ai cả.

Tin đạo đối với Tolstoi có nghĩa là lao động. Và vê già, con người ấy, đã sống cả đời trong nhung lụa, bắt đầu học lao động chân tay nặng nhọc. Ông trở thành người thợ đóng giày và người nông dân, làm việc không vươn vai tám tiếng mỗi ngày. Nhưng lao động chân tay đã không làm cùn trí tuệ hùng cường của ông – ngược lại, chỉ làm cho nó thêm sắc sảo và sáng chói; chính trong thời kỳ ấy, vào những giờ phút tự do khỏi cái lao động nặng nhọc mà ông đã tự chọn, ông đã viết nên cuốn sách Nghệ thuật là gì? mà ông xem là tác phẩm hay nhất của mình.

Hiện giờ từ phương Tây đã tràn vào nước chúng ta một dòng thác của văn chương sách báo bị lây nhiễm bởi virut nuông chiều mọi sự yếu đuối của con người, văn chương sách báo ấy lại được đưa đến dưới hình thức bắt mắt, cho nên thanh niên ta cần phải cảnh giác hơn bao giờ hết. Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của những lý tưởng đổi thay và những thử thách nặng nề, và trong thời kỳ khủng hoảng này, cái quan trọng hơn cả là sao cho đối với thanh niên, đặc biệt thanh niên Ấn Độ, sự tự hạn chế của Tolstoi trở thành một tấm gương, bởi vì chỉ nó mới có thể mang lại tự do chân chính cho chúng ta, cho đất nước chúng ta và toàn thế giới. Chúng ta tự mình nhiều hơn là Anh quốc hay một ai đó khác nữa, ngăn chặn con đường của mình đi tới tự do bằng sự trơ ì, sự vô cảm và vô vi xã hội của mình. Nếu chúng ta tẩy sạch khỏi mình vết nhơ ấy, thì không một thế lực nào trên trái đất có thể cản trở chúng ta dành lấy svaraj (nền tự quản) chính đáng.

Trong giờ phút của những thử thách đã trử thành số phận của chúng ta, thanh niên chúng ta nhất thiết cần phải tâm niệm và làm theo ba điều răn cơ bản của Tolstoi đã được nhắc đến ở trên.

[1928] [358] Con người và siêu nhân. Xem thư trước của Tolstoi.

[358] Cái gọi là “luật đen” ban hành ngày 22 tháng Tám năm 1906, hạn chế quyền cư trú và đi lại của người Ấn Độ ở Nam Phi và thực chất đặt họ vào vị trí nô lệ.

[359] Xem văn bản và chú thích cho bài “Thư gửi một người Ấn Độ” được đưa vào sách này.

[360] Trong “Thư gửi một người Ấn Độ” trước từng chương Tolstoi trích dẫn những châm ngôn của đức Krishna mà không chỉ nguồn. Tất cả chúng đều được lấy từ sách: Baba Premanand Bharati. Shree Krishna. The Sord of Love, New York, 1904.

[361] Người dịch cho phép mình Hán hóa hai từ “mềm” và “cứng” trong nguyên tác, bởi vì sự đồng vọng với Lão Tử và triết học phương Đông ở đây là quá rõ ràng.

[362] sự hóa kiếp (nghĩa chữ: sự tái nhập thân)

[363] Bài viết này đã nhanh chóng được dịch ra một trong những sinh ngữ của Ấn Độ và xuất bản với lời tựa của Gandhi, mà trong đó ông thể hiện sự đồng tình cao độ với những tư tưởng của Tolstoi.

[364] Gandhi nói đến sách: J. Doke. M.K. Gandhi. An Indian patriot in South Africa. London, 1909.

[365] Không rõ vì sao (nhiều phần hơn cả do bị ốm) Tolstoi đã không trả lời bức thư này, và năm tháng sau, Gandhi đã viết cho ông bức thư thứ ba.

[366] Đây là sách: Gandhi. The Indian Home Rule (Ấn Độ tự quản). Johannesburg, 1901.

[367] Xem chú thích 3 cho thư số 3.

[369] “Đừng giết người”, theo luật của Moses được ghi trong kinh Cựu Ước.

[370] Giới luật thứ sáu của Moses được giải thích như thế trong “Giáo lý của hội thánh chính thống” được giảng dạy như là môn học bắt buộc trong tất cả các trường của nước Nga trước cách mạng.

[371]  Đoàn quân cứu trợ (Arm of Salvation) – một tổ chức tôn giáo từ thiện của Anh, được xây dựng theo kiểu mẫu quân đội.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x