Trang chủ » 7. YÊU LAO ĐỘNG, HAY LÀ THẮNG LỢI CỦA NHÀ NÔNG 

7. YÊU LAO ĐỘNG, HAY LÀ THẮNG LỢI CỦA NHÀ NÔNG 

by Trung Kiên Lê
104 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Hãy đổ mồ hôi trán để có được miếng ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, bởi từ đất ngươi đã được lấy ra. Sáng Thế III, 19

Đây là nhan đề và đề từ trong một tác phẩm của Timofei Mikhailovich Bondarev. Tôi đã đọc tác phẩm ấy dưới dạng bản thảo.

Công trình của Timofei Mikhailovich Bondarev theo tôi là tuyệt vời cả về mặt sức mạnh, sự sáng rõ và vẻ đẹp của ngôn từ, cả về mặt tính chân thực của xác tín; điều có thể thấy ờ từng dòng chữ, và cái chính, ở tầm quan trọng, sự đúng đắn và sâu sắc của tư tưởng cơ bản.

Tư tưởng cơ bản của tác phẩm này là như sau: trong mọi việc đời cái quan trọng không phải là cái nên bi.t hoặc biết được thì tốt, mà cái quan trọng là biết được trong tất cả các sự vật hay công việc tốt và cần cái gì quan trọng bậc nhất, cái gì bậc hai, cái gì bậc ba, v.v..

Nếu cái đó là quan trọng trong những việc đời, thì nó lại càng quan trọng trong những việc đạo, quy định những bổn phận của con người.

Tatien, sư phụ của giáo hội buổi khởi đầu, từng nói rằng sự bất hạnh của người đời phát sinh không hẳn từ việc họ không hiểu biết Thượng Đế, mà phần nhiều là bởi việc họ công nhận một Thượng Đế hư mạo, coi là Thượng Đế cái không phải là Thượng Đế. Cũng có thể nói như thế về những học thuyết về bổn phận con người. Sự bất hạnh và những tai ương của loài người phát xuất không hẳn từ việc họ không biết những bổn phận của mình mà thường là từ việc họ thừa nhận những bổn phận không chính đáng, xem là bổn phận của mình cái không phải là bổn phận của họ và không xem là bổn phận cái lẽ ra phải là bổn phận chính của họ.

Bondarev khẳng định rằng sự bất hạnh và mọi tai ương của loài người bắt nguon từ chỗ họ đã xem nhiều quyết định vô nghĩa và có hại là những bổn phận tôn giáo của mình, trong khi ấy thì lại quên đi và che mình và những người khác khỏi cái nghĩa vụ chính, trước tiên, không thể hồ nghi, được nêu ra trong chương đầu của Kinh Thánh: “Hãy đổ mồ hôi trán để có được miếng ăn.”

Đối với những ai tin vào tính thần thiêng và không thể sai lầm của Lời Thiên Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, giới luật này, được chính Chúa đưa ra và không bị bãi miễn ở đâu, là một chứng minh đầy đủ cho tính chân lí của nó. Còn đối với những ai không thừa nhận Thánh Kinh, thì ý nghĩa và tính chân lí của điều mục này, chỉ cần chúng ta không có định kiến xem xét nó như một biểu hiện đơn giản, phi siêu nhiên của minh triết con người, được chứng minh bằng sự xem xét các điều kiện sống của loài người, như Bondarev làm trong công trình của ông.

Một trở ngại cho sự xem xét như vậy, đáng tiếc, là việc nhiều người trong chúng ta đã quen với những kiến giải tùy tiện và vô nghĩa của giới thần học đối vớỉ những lời trong Thánh Kinh đến mức chỉ cần nhắc đến sự trùng khớp của một ý tưởng nào đó với Thánh Kinh đã là cớ để người ta tỏ thái độ khinh bỉ đối với ý tưởng ấy.

“Với tôi Kinh Thánh có nghĩa gì đâu! Chúng ta đều biết có thể lấy nó làm căn cứ cho bất cứ cái gì, vì trong sách ấy cái gì cũng bịa đặt.”

Những ý kiến ấy bất công: Thánh Kinh không có lỗi trong việc nó bị kiến giải sai và con người nói ra chân lí không có lỗi trong việc anh ta nói ra đúng cái chân lí mà đã được nói ra trong Thánh Kinh.

Không nên quên rằng, nếu ta giả định cái gọi là Kinh Thánh không phải là tác phẩm của Chúa Trời, mà là của những con người, thì chính viêc những sách của con người viết nên ấy, chứ không phải một cái gì khác, lại được nhân loại xem là sách của chính Chúa Trời, phải có một nguyên nhân nào chứ.

Và nguyên nhân ấy là rõ ràng.

Những sách ấy được xem là của thánh thần tối thượng bởi vì chúng cao hơn tất cả những gì mà loài người biết; và cũng bởi vì mặc dù thường xuyên bị phủ nhận, chúng vẫn được lưu truyền đến chúng ta và tiếp tục được xem là của thánh thần. Chúng được xem là của thánh thần và được lưu truyền tới chúng ta bởi vì ở chúng hàm chứa minh triết cao nhất của loài người. Điều đó có thể thấy trong nhiều trường hợp những sách được gọi Kinh Thánh (Biblie).

Và cái châm ngôn bị lãng quên, bị bỏ qua và không được hiểu theo nghĩa chính thực của nó trong kinh sách ấy, cái mà Bondarev minh giải và xem là quan trọng hàng đầu, là như thế.

Châm ngôn ấy và toàn bộ huyền thoại về cuộc sống trong vườn địa đàng thường được hiểu theo nghĩa đen, tức là tất cả đã xảy ra như đã được mô tả, nhưng thực chất là nó diễn đạt dưới dạng hình ảnh những ước vọng mâu thuẫn tồn tại trong bản chất con người.

Con người sợ chết nhưng lại phải chết, con người không hiểu biết về thiện và ác tưởng chừng sẽ hạnh phúc hơn, nhưng nó vươn tới sự hiểu biết ấy một cách không thể cưỡng nổi. Con người yêu thích sự nhàn rỗi và sao cho mọi mong muốn của nó được thỏa mãn mà nó không phải khổ đau, nhưng trong khi đó thì chỉ lao động và khổ đau mới cho nó và nòi giống của nó sự sống.

Châm ngôn này quan trọng không phải bởi vì đây được cho là lời của Thiên Chúa nói với chính Adam, mà bởi vì nó là chân lí, nó khẳng định một trong những định luật không thể hồ nghi của nhân sinh. Định luật hấp dẫn vũ trụ có tính chân lí không phải bởi nó được Newton nói ra, mà tôi biết và hàm ơn Newton vì ông ấy đã phát hiện cho tôi cái định luật vĩnh hằng ấy, nó đã làm sáng tỏ cho tôi cả một loạt hiện tượng.

Cũng là như thế với luật “hãy đổ mồ hôi trán để có được miếng ăn.” Luật ấy cũng làm sáng rõ cho tôi cả một loạt hiện tượng. Và một khi đã biết nó thì tôi không thể quên và tôi hàm ơn người đã phát hiện nó cho tôi.

Luật ấy tưởng là rất đơn giản và được biết từ lâu, nhưng chỉ là có vẻ như vậy thôi, và chỉ cần đưa mắt nhìn xung quanh là có thể nhận ra điều ngược lại. Loài người không chỉ không thừa nhận luật ấy, mà còn thừa nhận cái trái ngược hoàn toàn với nó. Loài người, theo xác tín của mình, từ hoàng đế đến anh ăn mày, chỉ muốn không thực hành mà lẩn tránh luật ấy. Tác phẩm đã được gọi tên của Bondarev toàn bộ nhằm vào mục đích giải thích tính vĩnh cửu, bất biến của luật ấy và tính tất yếu của những tai họa do sự rời bỏ nó.

Bondarev gọi luật ấy là luật cả, đứng đầu tất cả các luật khác.

Bondarev chứng minh rằng tội lỗi (tức là những lầm lạc, những hành vi sai trái) phát sinh chỉ từ sự rời bỏ luật này. Trong tất cả các bổn phận chính diện của con người, Bondarev xem là bổn phận chính, trước tiên và bất biến cái nghĩa vụ của từng người bằng tay mình làm ra bánh mì cho mình, hiểu từ bánh mì như là toàn bộ lao động nặng nhọc, tạp công cần thiết để con người khỏi phải chết đói và chết rét, tức là cả bánh mì (= cơm ăn – ND), cả đồ uống, cả áo quần, cả nhà ở, cả nhiên liệu sưởi ấm.

Tư tưởng cơ bản của Bondarev, đó là cái luật ấy (luật con người phải làm việc để sống), từ trước đến nay vẫn được coi là một tất yếu, cần được xem là một luật phúc hảo và có tính bắt buộc đối với mọi người.

Luật ấy cần phải được công nhận như là một luật tôn giáo, như việc tuân thủ ngày thứ bảy, cắt bao quy đầu ở người Do Thái, thực hành các bí lễ và ăn chay ở những người theo đạo Kitô của các giáo hội, hoặc cầu khấn ngày năm lần ở người Hồi giáo. Bondarev nói một điểm rằng chỉ cần con người xem lao động cơm áo là nghĩa vụ tôn giáo của mình, thế thì không một công việc riêng tư và chuyên biệt nào có thể cản trở họ làm việc này, cũng giống như không một công việc chuyên môn nào có thể cản trở những con chiên của giáo hội (Kitô) tuân thủ luật không làm việc trong những ngày lễ. Mỗi năm có đến hơn 80 ngày lễ, còn để thực hành lao động cơm áo, theo tính toán của Bondarev, chỉ cần 40 ngày.

Cho dù thoạt đầu ta có thấy là kì lạ đến đâu cái chuyện một phương tiện đơn giản đến thế, dễ hiểu với mọi người đến thế và không có gì là mưu lược thâm sâu như thế lại có thể là cứu sách giải thoát loài người khỏi hằng hà sa số những tai họa hiện nay, nhưng nếu nghĩ kĩ một chút thì sẽ thấy còn kì lạ hơn, làm thế nào chúng ta, đã có một phương sách đơn giản và rõ ràng, ai ai cũng biết từ lâu đến thế, lại có thể vứt bỏ nó để tìm kiếm sự chữa trị những tai ương của chúng ta trong đủ mọi mưu kế và xảo thuật. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút là sẽ thấy ngay, thực trạng đúng là như thế.

Người ta sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đóng đáy vào thùng đựng nước, nếu như họ cứ vò đầu nát óc tìm kiếm những phương kế thật thông minh để giữ lại nước trong thùng. Cũng như thế với mọi lo lắng của chúng ta cho sự chữa trị những tai ương hiện tồn.

Quả thật, mọi tai họa của loài người xuất phát từ đâu, nếu loại trừ những tai họa mà người đời trực tiếp gây ra cho nhau bằng những cuộc chém giết, hành quyết, bỏ tù, ẩu đả và những việc làm tàn ác khác, mà ở đấy tội lỗi của họ là họ không biết kiêng tránh bạo lực? Tất cả mọi tai họa của loài người, trừ bạo lực trực tiếp, đều phát sinh từ sự đói, sự thiếu thốn đủ kiểu, từ lao động nặng nhọc và bên cạnh đó từ sự thừa mứa và nhàn rỗi, với những thói hư tật xấu mà chúng đẻ ra. Thế thì có thể có một bổn phận nào thiêng liêng hơn cả nếu không phải là góp phần xóa bỏ sự bất bình đẳng ấy, xóa bỏ những tai họa của sự thiếu thốn ở những người này và của những cám dỗ ở những người khác. Và con người có thể trợ giúp cho sự xóa bỏ những tai họa ấy bằng cách nào khác, nếu của mình, như Bondarev nói?

Chúng ta đã tự làm rối mình, chúng ta đã đặt ra cho mình quá nhiều luật lệ, nào tôn giáo, nào xã hội, nào gia đình, quá nhiều quy tắc, như Isaye nói: quy tắc cho quy tắc, quy tắc chỗ này, quy tắc chỗ kia, đến nỗi đã để mất hoàn toàn sự hiểu biết cái gì là tốt và cái gì là xấu.

Một người chủ trì lễ thánh, người khác tập hợp quân đội hay những cống nạp cho quân đội, người thứ ba xử án, người thứ tư nghiên cứu sách vở, người thứ năm chữa bệnh, người thứ sáu dạy học và vin vào những lí do ấy để giải phóng mình khỏi lao động cơm áo, trút gánh nặng ấy lên những người khác mà quên đi rằng có những người đang chết vì lao động quá sức, vì đói khổ, và rằng để có người ca hát trong lễ thánh, để có người mà bảo vệ, có người mà xét xử, có người mà chữa trị, để dạy học, trước hết phải làm sao cho những người ấy không chết vì đói. Chúng ta quên đi rằng có thể có nhiều nghĩa vụ, nhưng trong chúng có nghĩa vụ trước tiên và nghĩa vụ cuối cùng, và không thể thực hiện cái cuối cùng mà bỏ qua cái trước tiên, cũng như không thể bừa ruộng mà trước đó không cày.

Đấy, học thuyết của Bondarev đưa chúng ta trở về với cái nhiệm vụ trước tiên không thể hồ nghĩ ấy trong lĩnh vực hoạt động thực tiễn. Bondarev cho thấy sự thi hành nhiệm vụ này không cản trở một cái gì, không vấp phải những trở ngại gì và đồng thời cứu thoát nhân loại khỏi những tai ương của thiếu thốn và cám dỗ. Sự thi hành nghĩa vụ này trước hết xóa bỏ sự phân chia đáng sợ thành hai giai cấp căm thù nhau và băng sự ve vãn che giấu sự căm thù ấy. Lao động cơm áo, Bondarev nói, sẽ bình đẳng hóa mọi người và cắt đi đôi cánh của sự xa xỉ và tà dục.

Không thể cày đất và đào giếng mà lại diện áo quần đắt giá, giữ cho hai tay được thơm sạch và nhấm nháp những sơn hào hải vị. Sự thực hiện một công việc chung của tất cả mọi người, một công việc phổ biến sẽ xích người gần lại với người. Lao động cơm áo, Bondarev nói, sẽ trả lại trí tuệ cho nhuqngx ai đã để mất nó, đã lìa bỏ lối sống thích hợp với con người, và sẽ mang lại hạnh phúc và sự mãn nguyện cho mọi người, bởi lẽ tất cả họ đều có một việc làm hữu ích không thể nghi ngờ và đầy niềm vui mà chính Thượng Đế hay những quy luật của tự nhiên đã định cho họ.

Lao động cơm áo, Bondarev nói, là phương thức cứu sống nhân loại. Chỉ cần loài người thừa nhận cái luật “đầu lòng” ấy là luật thần thánh và bất biến, chỉ cần từng người coi lao động cơm áo là nghĩa vụ không thể bãi miễn của mình, tức là chỉ cần mọi người kiếm sống bằng lao động (chân tay) của mình, thì tất cả mọi người sẽ đoàn kết trong niềm tin vào một Thượng Đế, trong tình thương yêu lẫn nhau và sẽ tiêu biến mọi tai họa đang làm khổ loài người đến thế.

Chúng ta đã quen đến thế với một trật tự đời sống khẳng định cái ngược lại, cụ thể khẳng định sự giàu có – phương tiện để không phải kiếm bát cơm manh áo – hoặc là ân sủng của Trời hoặc là biểu hiện của vị trí xã hội đặc biệt, đến nỗi ta cứ muốn, chẳng cần phân tích luận điểm này, lập tức phán quyết nó là hẹp hòi, phiến diện, trống rỗng và ngu ngốc. Nhưng cần phải phân tích và bàn thảo một cách nghiêm túc để thấy nó có đúng đắn hay không.

Chẳng phải chúng ta vẫn bàn thảo đủ mọi loại lí thuyết nào tôn giáo, nào chính trị? Thế thì ta sẽ bàn thảo cả thuyết của Bondarev, với tư cách một lí thuyết. Hãy suy xét, cái gì sẽ đến, nếu mà theo ý tưởng của Bondarev, hoạt động thuyết giáo sẽ hướng mọi nỗ lực của mình để minh xác luật tồn giáo này, nếu mà mọi người đều sẽ công nhận cái luật lao động là thiêng liêng và đi trước mọi luật.

Tất cả mọi người đều sẽ làm việc và sẽ ăn tấm bánh mì (= bát cơm – ND) do mình làm ra, và lương thực cũng như các nhu yếu phẩm khác sẽ không còn là đối tượng của sự mua bán nữa.

Cái gì sẽ đến lúc ấy?

Sẽ dẫn đến cái việc là sẽ không còn có những người chết vì nghèo thiếu. Nếu một người do những ngẫu nhiên bất hạnh không kiếm đủ cái ăn cho mình và gia đình mình, thì người khác, do những điều kiện thuận lợi mà có thừa, sẽ cho người không có. Sẽ cho chỉ vì anh ta sẽ không biết để đâu bột mì của mình, bởi không bán được. Sẽ dẫn đến cái việc là con người sẽ không bị sự nghèo khổ cám dỗ dùng mưu mẹo hoặc bạo lực giành lấy miếng ăn cho mình. Và do không còn mối cám dỗ ấy nữa, con người không dùng mưu mẹo và bạo lực nữa. Cái đó sẽ không còn cần thiết cho nó như hiện nay.

Nếu nó vẫn cứ dùng đến mưu mẹo và bạo lực, thì bởi vì nó yêu thích mưu mẹo và bạo lực, chứ không phải vì chúng cần thiết như hiện nay.

Đối với những kẻ yếu sức, những người vì lí do nào đó không thể làm ra được cái ăn cho mình, hoặc vì lí do nào đó miếng ăn đã mất đi, thì cũng sẽ không còn cần thiết bán mình, bán lao động, và nhiều khi cả linh hồn của mình để có được cái ăn.

Sẽ không còn cái ước nguyện của mọi người, như hiện giờ, bằng mọi cách giải phóng mình khỏi lao động cơm áo và trút nó sang những người khác, đè chết những kẻ yếu bằng lao động và giải phóng những kẻ mạnh khỏi mọi lao động.

Sẽ không còn cái định hướng của tư duy con người như hiện nay, khi mà mọi nỗ lực của trí tuệ con người đều được hướng vào không phải việc làm dễ lao động của những người lao động, mà làm dễ và tô điểm cho sự vô công rồi nghề của những kẻ vô công rồi nghề. Việc mọi người đều tham gia lao động cơm áo và thừa nhận nó là đi đầu trong mọi công việc của loài người sẽ làm được điều giống như một người sẽ làm với cái xe kéo bị lật ngược được một lũ ngốc hùng hục kéo đẩy, khi anh ta sẽ lật cỗ xe lại và đặt nó lên trên bánh của nó, vừa không làm hỏng cỗ xe, vừa làm cho nó đi nhẹ nhàng.

Mà cuộc sống của chúng ta, với thái độ khinh bỉ và phủ định lao động cơm áo và những chỉnh lí của ta cho cái lối sống ấy – chính là cỗ xe bị lật ngược mà chúng ta đang kéo. Và tất cả những chỉnh lí của chúng ta đều sẽ chẳng có tích sự gí, chừng nào chúng ta chưa lật cỗ xe lại và chưa đặt nó đứng như nó phải đứng.

Là như thế tư tưởng của Bondarev mà tôi hoàn toàn chia sẻ.

Tư tưởng của ông còn được tôi hình dung cho mình như thế này nữa: đã có thời loài người ăn thịt nhau. Nhưng ý thức về tính thống nhất của loài người đã phát triển đến mức việc ấy đã trở thành bất khả, và họ thôi không ăn thịt nhau nữa. Rồi đã có thời loài người bằng vũ lực cướp lao động của nhau và biến nhau thành nô lệ. Song ý thức nhân loại lại phát triển đến mức cái đó cũng không làm được nữa. Bạo lực vẫn được duy trì dưới những hình thức che giấu, đã bị hủy bỏ trong biểu hiện thô thiển của nó: con người đã không còn chỉếm hữu trực tiếp lao động của người khác.

Cái hình thức bạo lực tồn tại phổ biến trong thời đại chúng ta, ấy là những người này lợi dụng sự thiếu thốn của những người kia mà bắt họ phục tùng mình. Theo tư tưởng của Bondarev thì giờ đây đã đến lúc mà, cũng do ý thức về tính thống nhất của loài người, ngườita sẽ trở nên không thể lợi dụng sự thiếu thốn, tức là sự đói và sự rét của những người khác để bắt họ phục tùng mình; và để có được cái đó, mọi người, sau khi đã thừa nhận luật lao động cơm áo là bắt buộc cho mình, sẽ thừa nhận một cách vô điều kiện bổn phận của mình là không bán các nhu yếu phẩm, và trong những trương hợp can thiết cho nhau ăn, mặc và sưởi ấm.

Tôi còn xem xét tác phẩm này của Bondarev dưới một góc độ này nữa: ta vẫn hay nghe thấy những suy xét vê việc là chưa đủ nếu chỉ có những luật hay điều răn phản diện, tức là những quy định vê cái không được làm. Người ta nói: cần có những luật hay những điều răn, những quy định chính danh về những gì cụ thể phải làm. Người ta bảo năm điều răn của Kitô: 1) Không xem ai là hèn mọn hoặc mất trí và không giận dữ với ai; 2) Không coi sự giao hợp là một đối tượng của lạc thú, không ruồng bỏ người chồng hay người vợ mà ta một lần đã giao kết; 3) Không thề nguyện về bất cứ cái gì, không trói buộc ý chí của mình; 4) Cam chịu những bạc đãi và ngược đãi và không chống cự bằng bạo lực; 5) Không coi ai là kẻ thù của mình, thương yêu những kẻ thù cũng như những người thân thích – người ta bảo cả năm điều răn này của Kitô chỉ quy định những gì không được làm, nhưng không có điều răn hoặc luật nào về cái cụ thể phải làm.

Và quả thật, có thề thấy là kì lạ tại sao trong giáo thuyết của Kitô không có những điều răn cũng chính xác như thế về những điều phải làm. Nhưng cái đó chỉ có thể là kì lạ đối với ai không tin vào bản thân giáo thuyết của Kitô, được chứa đựng không phải trong năm điều răn này, mà trong giáo thuyết về cái chân (unchenie istiny).

Giáo thuyết về cái chân, được Kitô diễn đạt, không nằm trong những đạo luật và điều răn, mà chỉ trong một điều – trong ý nghĩa được mang lại cho cuộc sống. Ý nghĩa cốt lõi của giáo thuyết ấy là sự sống và cái phúc của sự sống không ở trong hạnh phúc cá nhân, mà ở sự phụng sự Thượng Đế và loài người. Và luận điểm này không phải là một mệnh lệnh như người đời nghĩ, mà phải thực hiện để được đền thưởng, cũng không phải là sự diễn đạt bí hiểm một cái gì đó huyền diệu và không thể hiểu, mà là sự khai lộ một luật sống trước kia bị che giấu, là sự chỉ ra rằng cuộc sống có thể là cái phúc chỉ với nhận thức như vậy về nó.

Vì thế toàn bộ giáo thuyết chính diện của Kitô được gói gọn trong một câu: hãy yêu Thượng Đế và đồng loại như chính bản thân mình. Và không thể có bất kì giải minh nào cho điều này. Nó là một vì nó là tất cả. Lề luật và những điều răn của Kitô, cũng như những lề luật và điều răn trong đạo Do Thái, đạo Phật, chỉ là sự chỉ ra những trường hợp khi mà những cám dỗ trần thế có thể đánh lạc con ngươi khỏi nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Vì vậy, những luật lệ và điều răn có thể có nhiều, còn giáo thuyết chính diện về cuộc sống, về cái cần phải làm thì chỉ có thể có một.

Cuộc sống của từng con người là sự chuyển động đến đâu đó; dù muốn hay không, nó chuyển động, nó sống. Đức Kitô chỉ ra cho con người con đường chân chính và chỉ ra cả những sự đi chệch có thể dẫn đưa con người sang những con đường sai lầm và những chỉ dẫn như thế có thể có nhiều: đó là những điều răn.

Đức Kitô đã đưa ra năm điều răn, và những điều răn Người đã đưa ra là những điều mà cho đến nay không thể thêm bớt một cái gì vào đó. Nhưng con đường được chỉ ra thì chỉ có một, bởi lẽ không thể có hơn một đường thẳng vạch hướng.

Cho nên, cái ý kiến cho rằng trong học thuyết của Kitô chỉ có những giới luật phủ định mà không có những giới luật khẳng định chỉ có lí với những ai không biết hoặc không tin vào bản thân giáo thuyết về cái chân, không tin vào đường hướng của cuộc sống chân chính mà Kitô đã vạch ra. Còn những ai tin vào tính chân chính của đường sống đã được Kitô chỉ thì tuyệt không cần tìm kiếm những giới luật khẳng định trong giáo thuyết của Người. Tất cả những hoạt động chính diện đa dạng nhất bắt nguồn từ học thuyết về đường sống chân chính, luôn luôn là rõ ràng và được xác định một cách không thể hồ nghi đối với họ.

Những người tin vào đường sống giống như – theo chính lời Kitô – một nguồn nước sống, tức là nguồn nước phun lên từ lòng đất. Toàn bộ hoạt động của họ tựa như dòng chảy của nước, nó chảy khắp nơi và mọi chốn, bất chấp những chướng ngại vật ngăn cản nó. Con người tín vào học thuyết của Kitô cũng ít có thể hỏi nó cần phải làm gì, tựa như nguồn nước phun trào từ lòng đất không thể hỏi điều đó. Nó chảy, đem nước đến cho đất, cho cỏ cây, chim thú, loài người. Người tin vào học thuyết của Kitô cũng làm như thế.

Con người tin vào học thuyết của Kitô sẽ không hỏi nó phải làm gì. Tình yêu thương trở thành lực sống của nó sẽ chỉ cho nó đúng đắn và chắc chắn ở đâu và cái gì phải làm trước và cái gì phải làm sau.

Chưa nói đến những chỉ dẫn chứa đầy trong học thuyết của Kitô khẳng định rằng công việc đầu tiên và bức thiết hơn cả của tình yêu thương là cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người bị rét mặc, giúp đỡ những người nghèo khổ và bị giam cầm – cả lí trí lẫn lương tâm và tình cảm – tất cả đều lôi kéo chúng ta tới cái việc là, trước khi thực hiện những công việc khác của tình yêu thương đối với những người đang sống, cần phải gìn giữ cuộc sống ấy nơi những người anh em của mình, giải thoát họ khỏi những khổ đau và cái chết trong cuộc đấu tranh không vừa sức với thiên nhiên, tức là lôi kéo ta tới cái việc đầu tiên, thiết yếu cho sự sống của con người trên mặt đất – tới cái lao động khởi thủy, thô sơ và nặng nhọc trên đất.

Tựa như mạch nước không thể hỏi nó phải đưa nước tới đâu – tưới lên cỏ, lên lá cây hay thấm vào rễ cỏ cây, cũng hệt như thế, con người tin vào giáo thuyết về cái chân không thể hỏi nó cần làm gì trước hết: dạy dỗ những người khác, bảo vệ họ, mua vui cho họ, đưa đến cho họ những lạc thú của cuộc đời hay cứu giúp họ khỏi sự thiếu nguồn sống. Và cũng hệt như nguồn nước chỉ chảy trên mặt đất và chứa đầy ao hồ, cho loài vật và con người nước uống, sau khi nó đã cho đất uống no, y như thế, cả con người tin vào giáo thuyết về cái chân có thể trợ giúp cho những nhu cầu ít bức thiết hơn của những người khác chỉ khi nó đã đáp ứng nhu cầu đầu tiên, tức là khi nó đã giúp sức cho sự nuôi sống mọi người, giải thoát họ khỏi sự chết vì vật lộn với thiếu thốn.

Con người tuyên tín không bằng lời nói mà bằng việc giáo thuyết về cái chân và tình yêu, không thể sai lầm trong việc xác định trước hết phải hướng hoạt động của mình vào đâu. Không bao giờ một người nhìn thấy ý nghĩa đời mình trong sự phụng sự những người khác lại có thể sai lầm đến nỗi bắt đầu phụng sự một nhân loại đang chịu đói chịu rét bằng việc viết những nghị quyết, đúc những khẩu súng đại bác, làm các đồ mỹ nghệ hay chơi vĩ cầm hoặc dương cầm.

Tình yêu thương không thể ngu xuẩn.

Tựa như tình yêu thương đối với từng người sẽ không cho phép người ta đọc tiểu thuyết cho người đang cồn cào vì đói nghe hoặc đeo hoa tai đắt tiền cho người đang run cầm cập vì rét, cũng như thế tình yêu nhân loại không thể cho phép phụng sự nó bằng cách mua vui cho những kẻ no thân béo cật và để mặc những người đang đói rét chết vì thiếu thốn.

Tình yêu thương chân chính – không bằng lời nói mà bằng việc làm – không những không thể ngu xuẩn, mà chỉ duy nhất nó mới mang lại sự anh minh và sáng suốt đích thực.

Và vì thế con người nhuần thấm tình yêu thương sẽ không lầm lạc, anh ta trước tiên sẽ làm những gì mà tình yêu thương đồng loại thôi thúc anh ta làm trước nhất – nâng đỡ sự sống của những người đói, rét và lao khổ, điều mà chỉ sự đấu tranh, đấu tranh trực tiếp với thiên nhiên mới nâng đỡ được.

Chỉ ai muốn đánh lừa mình và những người khác mới có thể, trong lúc đang có nguy cơ và trong khi muôn người đang đấu tranh với thiếu thốn, nghèo đói, lại từ chối giúp đỡ và làm gia tăng sự thiếu thốn của những người khác, đồng thời quả quyết vớỉ bản thân và với những người đang chết trước mắt anh ta, rằng anh ta đang bận việc hoặc đang cố nghĩ ra những cứu sách cho họ.

Không một ai chân thành nhìn thấy sự sống của mình trong sự phụng sự người khác lại nói như thế. Và nếu anh ta nói như thế, thì không bao giờ anh ta có thể tìm thấy sự xác nhận cho trò bịp của mình trong lương tâm mình, mà chỉ tìm thấy sự xác nhận ấy trong cái học thuyết nham hiểm về phân công lao động. Còn trong tất cả những biểu hiện của minh triết chân chính của loài người – từ đạo Khổng đến đạo Hồi – anh ta sẽ chỉ tìm thấy một điều, và điều ấy được diễn đạt với sức mạnh đặc biệt trong Kinh Phúc Âm, rằng yêu cầu phụng sự loài người không theo thuyết phân công lao động, mà bằng cách đơn giản nhất, tự nhiên nhất và duy nhất cần thiết – yêu cầu cứu giúp những người ốm, những người bị giam cầm, những người đang chịu đói và chịu rét.

Mà cứu giúp những người ốm, những người bị giam cầm, những người đang chịu đói chịu rét thì không thể bằng cách nào khác, mà chỉ bằng lao động trực tiếp, ngay bây giờ của mình, bởi vì những người ốm, những người đói rét không thể chờ, mà họ sẽ chết vì đói rét.

Nếu con người tin theo giáo thuyết về cái chân thì bản thân cuộc sống của anh ta, với nhu cầu phụng sự đồng loại, sẽ chỉ cho anh ta cái luật “đầu lòng” được ghi tạc trong sách đầu tiên của Kinh Thánh: “Hãy đổ mồ hôi trán để có được miếng ăn”, mà Bondarev gọi là luật cả và xem là luật khẳng định.

Luật này, quả thật là như thế đối vói những ai không thừa nhận ý nghĩa của cuộc sống đã được Kitô khai mở cho loài người, đã từng là như thế đối với loài người trước Kitô, và sẽ là như thế đối với những ai không tin theo học thuyết của Người. Luật ấy đòi hỏi tất cả mọi người, theo ý chí của Thượng Đế được thể hiện trong Kinh Thánh và trong lí trí của con người, phải kiếm ăn bằng lao động của mình. Đây là luật khẳng định. Và luật ấy là như thế, chừng nào loài người chưa lĩnh hội được ý nghĩa của cuộc sống trong giáo thuyết về cái chân.

Nhưng khi sự nhận thức được ý nghĩa cao nhất của cuộc sống đã được Kitô khai mở, luật lao động cơm áo, vẫn tiếp tục là chân chính như trước đây, đồng thời trở thành một bộ phận của học thuyết chính diện của Kitô về sự phụng sự loài người và thu nhận được ý nghĩa của một luật không phải là khẳng định, mà phủ định. Trong tâm thức Kitô, giáo luật ấy đơn thuần chỉ ra môt mối cám dô xưa cũ của loài ngươỉ, chỉ ra cái con người không được làm để khỏi đi lạc con đường chân lí.

Đối với con người tin theo kinh Cựu Ước và không thừa nhận giáo thuyết về cái chân, luật ấy có nghĩa thế này: hãy bằng hai tay mình làm ra bánh mì (= cái ăn – ND) cho mình. Còn đối với người theo đạo Kitô thì luật này mang nghĩa phủ định. Nó nói: đừng cho là có thể phụng sự nhân loại mà lại hưởng thụ lao động của những người khác và không làm ra cái ăn cho mình bằng hai tay mình.

Đối với những tín đồ Kitô giáo, luật này chỉ ra một trong những mối cám dỗ cổ xưa nhất và đáng sợ nhất vẫn đang làm khó loài người. Học thuyết của Bondarev nhằm vào chính mối cám dỗ ấy, mối cám dỗ đáng sợ do những hậu quả của nó và cổ xưa đến nỗi chúng ta khó khăn lắm mới có thể xem nó không là một thuộc tính tự nhiên của con người mà là một lầm lạc – cho nên học thuyết ấy có ý nghĩa bắt buộc như nhau cả với người chỉ tin vào kinh Cựu Ước trong Thánh Kinh, cả với người theo đạo Kitô tin vào toàn bô Thánh Kinh và cả với người không tin vào Thánh Kinh mà chỉ tin vào “lí trí lành mạnh” của mình.

Tôi còn có thể và muốn viết nhiều hơn nữa, để chứng minh tính chân lí của luận điểm này và bác bỏ những lập luận đa dạng và phức tạp chống lại nó có sẵn trong miệng từng người trong chúng ta: chúng ta biết chúng ta có lỗi và luôn luôn sẵn sàng biện minh cho mình. Nhưng dù tôi có viết bao nhiêu, dù có viết hay như thế nào, dù tôi sẽ nói có lí thế nào, tôi vẫn sẽ không thuyết phục được người đọc, nếu anh ta dùng lí trí của mình để đấu tranh với lí trí của tôi, còn trái tim của anh ta thì tiếp tục thờ ơ.

Vì vậy tôi xin bạn, hôi bạn đọc, dù chỉ trong khoảnh khắc dừng hoạt động lí trí của mình lại, đừng tranh luận, đừng chứng minh mà cứ thử hỏi trái tìm mình. Dù bạn có là ai, dù bạn có tài hoa thế nào, dù bạn có đôn hậu thế nào với những người bao quanh bạn, dù bạn có sống trong những điều kiện nào, bạn có thể yên tâm hay không lúc uống trà, lúc ăn trưa, lúc làm công việc nhà nước, nghệ thuật, y thuật, dạy học của bạn, khi bạn nghe thấy hoặc trông thấy bên hiên nhà mình một người đang đói, đang rét, đang đau ốm, đang kiệt sức? Thế mà người ấy luôn luôn có mặt, không ngay bên hiên nhà bạn thì cách 10 sagien, 10 versta. Người ấy luôn luôn tồn tại và bạn biết điều đó.

Và bạn không thể yên lòng, làm sao có thể có niềm vui sướng nào khi còn bị đầu độc bởi cái đó. Vậy không phải thấy họ bên hiên nhà mình, bạn cần phải ngăn cách mình khỏi họ, làm họ không bén mảng nữa bằng thái độ lạnh lùng của mình hoặc bỏ đi đến đâu đó, nơi không có họ. Nhưng họ có mặt khắp nơi.

Và giả dụ có tìm được nơi mà bạn sẽ không trông thấy họ nữa, thì vẫn không thể trốn tránh nhận thức về chân lí. Vậy thì làm thế nào bây giờ?

Bạn tự biết cái đó, và học thuyết của chân lí nói với bạn cái đó.

Bạn hãy hạ mình xuống tận hạ tầng (rời khỏi chỗ bạn tưởng là hạ tầng, nhưng đó lại là thượng tầng), hãy đứng bên cạnh những người cho những người đói ăn, cho những người rét mặc; đừng sợ một cái gì: sẽ không có cái gì xấu hơn đâu, mà sẽ chỉ tốt hơn về mọi phương diện. Hãy đứng vào hàng, bằng hai bàn tay yếu ớt của mình hãy bắt đầu cái công việc đầu tiên là mang lại cơm ăn áo mặc cho những người đói rét – hãy thực hành trực tiếp cái lao động cơm áo, thực hành trực tiếp đấu tranh với thiên nhiên, và lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy đất vững chắc dưới chân mình, cảm thấy ở nhà mình, cảm thấy được tự do, bảo đảm, không cần đi đâu hết, và bạn sẽ được trải nghiệm những niềm vui thuần khiết, không bị đầu độc, mà bạn sẽ không tìm được ở nơi nào khác, không sau cánh cửa nào, không sau tấm rèm nào.

Bạn sẽ được biết những niềm vui mà bây giờ chưa biết, lần đầu tiên bạn sẽ được biết những con người giản dị, mạnh mẽ, những anh em của bạn mà từ trước đến giờ từ xa vẫn nuôi sống bạn, và bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên nhận ra trong họ những phẩm giá bạn chưa từng biết tới, bạn sẽ nhận thấy một đức khiêm tốn, một tấm lòng đôn hậu đối với cá nhân bạn, khiến bạn phải cảm thấy mình chưa xứng đáng.

Thay vì sự khinh bỉ và nhạo báng mà bạn chờ đợi, bạn sẽ thấy một thái độ dịu dàng, một sự biết ơn và kính nể bạn vì sau khi suốt đời đã sống bằng lao động của họ và khinh miệt họ, bạn bỗng dưng tỉnh ngộ và bằng đôi tay vụng về muốn giúp đỡ họ.

Và bạn sẽ thấy rằng cái trước đây bạn tưởng là một cù lao, nơi bạn ngồi tránh nước biển đang dâng, cái cù lao ấy hóa ra lại là đầm lầy mà bạn đang ngập ngụa trong đó, còn biển mà bạn sợ đến thế, đó lại là đất khô, nơi bạn có thể bước đi vững vàng, yên tâm và vui sướng, và cũng sẽ không thể là khác được bởi vì từ con đường lầm lạc không phải bạn tự chọn mà bạn đã bị dắt vào, bạn sẽ bước ra con đường chân chính, từ sự lẩn tránh ý nguyện của Thượng Đế bạn sẽ bước vào sự thực hiện ý nguyện ấy.

[62] Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông (“Trudoliubie, ili torzhestvo zemledel’tsa”) Đây là lời tựa cho tác phẩm nghị luận cùng tên của một người nông dân Nga theo giáo phai ly khai bị đầy đi Siberia – Timofei Mikhailovich Bondarev (1820-1898). Tolstoi đã đọc công trình này dưới dạng bản thảo, trong vòng ba năm 1885-1888 đã trao đổi thư từ với tác giả của nó, cố gắng công bố nó trên báo chí Nga, nhưng không thành. Cuối cùng ông phải gửi bài viết của Bondarev ra nước ngoài. Ở đây, nó được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh, và cùng với lời tựa của Tolstoi được xuất bản thành sách riêng vào đầu những năm 1890 ở Paris và London. Những tư tưởng được diễn đạt trong bài viết này trùng hợp với ý tứ của bức thư nối tiếng của Tolstoi gửi nhà văn Pháp Romam Rolland (xem phần Thư từ của sách này).

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x