Trang chủ » Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

by Trung Kiên Lê
75 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Theo triết học Sankhya, thế giới được cấu tạo từ ba lực, trong tiếng Sanskrit gọi là sattva, raja và tama. Trong thế giới vật chất, chúng hiển lộ thành những cái mà chúng ta có thể gọi là các trạng thái cân bằng, động và tĩnh.

Tama tiêu biểu cho bóng tối hay sự bất động; còn raja là trạng thái hoạt động, được biểu hiện như là lực hút hoặc lực đẩy; còn sattva là trạng thái cân bằng của cả hai.

Nơi người nào cũng có ba lực này. Lúc thì tama hay sự thụ động thắng thế, chúng ta đâm ra lười biếng, không thể hoạt động; chúng ta ù lỳ thụ động do bị trói buộc bởi một số ý tưởng nào đó hoặc bởi sự trì độn thuần túy. Lúc khác thì raja hay sự năng động thắng thế, còn lúc khác nữa thì cả hai ở trạng thái cân bằng.

Hơn nữa, nơi những người khác, một trong ba lực này thường thống trị. Đặc điểm của người này thì thụ động, đờ đẫn và lười biếng; của người khác thì hoạt động, mạnh mẽ và hiển lộ năng lực; nơi những người khác nữa ta lại thấy sự dịu dàng, điềm đạm và nho nhã do giữ quân bình được các hai trạng thái hoạt động và thụ động.

Bởi vậy nơi mọi sinh linh – loài vật, cỏ cây và con người – chúng ta thấy được ít nhiều sự biểu hiện tiêu biểu của cả ba lực này.

Karma-yoga đặc biệt xử lý cả ba yếu tố này bằng cách dạy cho chúng ta biết chúng là gì và cách thức vận dụng chúng, điều đó giúp chúng ta làm công việc của mình tốt hơn. Xã hội loài người là một tổ chức phân cấp.

Tất cả chúng ta đều biết đến đạo đức, tất cả chúng ta đều biết đến bổn phận, nhưng đồng thời chúng ta lại thấy rằng ý nghĩa đạo đức lại rất khác biệt nhau tại những xứ sở khác nhau.

Điều được xem là đạo đức ở đất nước này có thể bị cho là hoàn toàn vô đạo đức tại một đất nước khác Chẳng hạn, tại đất nước này anh em cô cậu có thể lấy nhau, trong khi tại đất nước khác điều đó bị xem là quá vô luân; ở quốc gia này, đàn ông có thể cưới chị em dâu thì điều đó bị xem là vô luân tại quốc gia khác; tại xứ sở này, đàn ông chỉ được có một vợ, tại xứ sở khác thì họ lại được quyền có nhiều vợ, v.v…

Tương tự như thế, trong mọi quan niệm đạo đức, ta lại thấy chuẩn mực cũng vô cùng khác nhau, tuy nhiên chúng ta lại cảm thấy rằng chắc hẳn phải một chuẩn mực chung về đạo đức. Đối với bổn phận cũng thế. Quan niệm về bổn phận khác nhau tùy theo từng quốc gia khác nhau.

Tại quốc gia này, nếu một người không làm một số điều nào đó thì người ta sẽ bảo anh ta cư xử sai lầm; trong khi nếu anh làm những điều đó tại một quốc gia khác thì người ta cũng sẽ bảo là anh ta không cư xử đúng mực; tuy vậy, chúng ta lại cảm thấy rằng chắc hẳn phải một quan niệm chung về bổn phận.

Cũng tương tự như vậy, tầng lớp xã hội này cho rằng những việc nào đó là bổn phận của họ; trong khi tầng lớp khác lại suy nghĩ hoàn toàn khác, và thấy ghê tởm nếu phải làm những việc đó.

Có hai con đường rộng mở cho chúng ta: 1. Con đường của kẻ ngu, cho rằng chỉ một con đường duy nhất đi đến chân lý, còn tất cả những con đường khác đều sai lầm[1]. 2.

Con đường của người trí, chấp nhận rằng do căn cơ khác nhau, hoặc do hoàn cảnh sống khác nhau mà bổn phận và đạo đức cũng có thể khác nhau.

Điều quan trọng là phải biết rằng có nhiều cấp độ về bổn phận và đạo đức – rằng bổn phận trong điều kiện sống này, xét trong một số hoàn cảnh, sẽ không là và không thể là bổn phận trong điều kiện sống khác.

Chẳng hạn, tất cả các vị đại chân sư đều dạy: “Đừng chống lại điều ác” – bất kháng [ non-resistance] là lý tưởng đạo đức tối cao.

Tất cả chúng ta đều biết rằng nếu một số nào đó trong chúng ta cố gắng thực hành trọn vẹn châm ngôn đó thì toàn bộ cơ cấu xã hội đổ vỡ tan tành, kẻ ác có thể chiếm đoạt tài sản và mạng sống của chúng ta, và chúng mặc tình làm mưa làm gió tùy thích.

Chỉ cần một ngày thực hành tinh thần bất kháng thôi cũng có thể dẫn [1] Đây là con đường ta luôn gặp trong những tôn giáo cực đoan và những thể chế xã hội độc tài đến thảm họa. Tuy vậy, bằng trực giác, trong tận thâm tâm, chúng ta lại cảm nhận được chân lý trong lời dạy “Đừng chống lại điều ác”.

Đối với chúng ta, điều này có vẻ như là lý tưởng tối cao, vậy mà chỉ nội việc giảng dạy giáo lý đó thôi lại tương đương với việc kết án một bộ phận lớn loài người.

Không chỉ có vậy thôi, nó còn có thể khiến con người cảm thấy rằng họ đang luôn làm điều xấu xa và khiến ý thức họ phân vân trong mọi hành động; điều đó làm con người yếu đuối, và việc thường xuyên chối bỏ bản thân còn đẻ ra nhiều tội lỗi hơn cả sự yếu đuối.

Đối với người bắt đầu ghét bỏ bản thân thì cánh cổng suy đồi đã sẵn sàng mở rộng, điều đó cũng đúng với một đất nước. Bổn phận đầu tiên của chúng ta là không được ghét bỏ bản thân mình, bởi vì muốn đi tới, trước hết chúng ta phải có niềm tin nơi bản thân, sau đó mới là niềm tin nơi Thượng Đế.

Kẻ nào không tin vào bản thân mình thì không bao giờ có thể có được niềm tin nơi Thượng Đế. Do đó, giải pháp duy nhất cho chúng ta là thừa nhận rằng bổn phận và đạo đức biến đổi tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.

Kẻ chống lại điều ác đâu phải nhất thiết là đang luôn luôn làm điều sai, mà trong những hoàn cảnh nào khác nhau, anh ta lại có bổn phận phải chống lại điều ác.

Khi đọc Bhagavad-Gitā, nhiều người trong các bạn ở những quốc gia phương Tây có thể thấy kinh ngạc với chương hai, trong đó Arjuna từ chối chiến đấu hay kháng cự, vì kẻ thù của anh ta toàn là thân bằng quyến thuộc, và biện hộ rằng bất kháng là lý tưởng tối cao của tình thương yêu.

Śri Krishna gọi anh ta là kẻ đạo đức giả và là một thằng hèn. Đây là bài học lớn đầu tiên cho tất cả chúng ta học hỏi – trong mọi chuyện thì hai cực đoan lại giống hệt nhau. Thái độ năng động cùng cực và thụ động cùng cực luôn luôn tương đồng.

Khi dao động của ánh sáng quá chậm thì ta không thấy được chúng, mà khi dao động của chúng quá nhanh thì ta cũng không thấy được chúng. Đối với âm thanh cũng vậy, khi tần số âm quá thấp thì ta không nghe được, mà khi tần số âm quá cao thì ta cũng không nghe được.

Về bản chất thì sự khác biệt giữa kháng cự và bất kháng cũng như vậy.

Một người không kháng cự vì nhu nhược, lười biếng và không thể kháng cự chứ không phải anh không muốn; người khác lại biết rằng nếu muốn thì anh ta có thể tung ra một cú đấm không ai đỡ nổi, nhưng anh ta không những không làm thế mà còn chúc lành cho kẻ thù.

Kẻ kháng cự do nhu nhược không hề phạm tội, và do đó không thể đón nhận được lợi ích gì từ thái độ bất kháng, trong khi người khác có thể phạm tội nếu kháng cự. Đức Phật từ bỏ ngai vàng và khước từ địa vị, đó là sự từ bỏ chân thực; nhưng không thể có chuyện từ bỏ đối với một kẻ ăn mày không có gì để từ bỏ.

Bởi vậy, chúng ta cần phải luôn luôn thận trọng về ý nghĩa thực sự mà ta muốn nói, khi đề cập đến sự bất kháng và tình yêu lý tưởng.

Trước hết, chúng ta phải quan tâm tìm hiểu thử mình có năng lực kháng cự hay không đã. Sau đó, nếu có năng lực kháng cự mà chúng ta lại từ chối nó và thực hành tinh thần bất kháng thì chúng ta đang thực hiện một hành động thương yêu vĩ đại; còn nếu như chúng ta không có khả năng kháng cự, mà đồng thời lại cố tự lừa bản thân để tin rằng mình đang bị thúc đẩy bởi những động cơ thương yêu tối thượng thì đó là chúng ta đang làm điều hoàn toàn trái ngược.

Arjuna biến thành một anh chàng hèn nhát khi nhìn thấy đội quân hùng mạnh của đối phương. “Tình yêu” của anh ta đã khiến anh ta quên hết bổn phận đối với đất nước và nhà vua.

Đó là lý do Śri Krishna gọi anh ta là một kẻ đạo đức giả: “Ngươi ăn nói như một nhà hiền triết, nhưng hành động của nhà người đã tố cáo ngươi là một kẻ hèn nhát; bởi vậy, hãy đứng lên và chiến đấu!”. Đó là tư tưởng trọng tâm của karma-yoga.

Hành giả karma-yogi là người hiểu rằng lý tưởng tối cao là tinh thần bất kháng, và cũng biết rằng bất kháng là biểu hiện tối cao của sức mạnh; nhưng anh ta cũng hiểu rằng cái gọi là sự kháng cự lại cái ác chỉ là một bước đi trên con đường dẫn đến sự biểu hiện của sức mạnh tối cao này, nghĩa là, tinh thần bất kháng.

Trước khi đạt đến lý tưởng tối cao, bổn phận của con người là phải kháng cự lại cái ác; hãy để họ làm việc, chiến đấu, hãy để họ xông thẳng vào vấn đề. Chỉ khi nào họ đạt được năng lực kháng cự thì sự bất kháng sẽ trở thành đức hạnh.

Có lần tôi gặp ở đất nước tôi một người mà trước kia tôi đã biết là rất ngu ngốc, đần độn; anh ta chẳng biết một thứ gì cả, mà cũng chẳng ham muốn hiểu biết điều gì, và cứ sống ù lì như một con vật vậy. Anh ta hỏi tôi cần phải làm gì để biết được Thượng Đế, làm thế nào để giải thoát.

Tôi hỏi: – Anh có biết nói dối không? Anh ta đáp: – Không. Tôi bảo: – Vậy thì anh ta hãy học cách nói dối đi.

Chẳng thà nói dối còn tốt hơn là làm một con vật hay một súc gỗ. Anh sống thụ động; nên chắc chắn không thể đạt đến cảnh giới giải thoát, vốn vượt quá mọi trạng thái hoạt động, tĩnh lặng và thanh thản; anh cũng quá lù đù nên không thể làm được điều gì ác.

Dĩ nhiên đó chỉ là một trường hợp cực đoan,và tôi đã trêu chọc anh ta, nhưng ý tôi muốn nói rằng một người cần phải hoạt động để vượt qua trạng thái hoạt động đó mà đi vào cảnh giới tĩnh lặng toàn mãn. Cần phải tránh sự thụ động bằng mọi cách.

Hoạt động luôn luôn có nghĩa là kháng cự. Hãy kháng cự mọi điều ác, trong tinh thần lẫn thể xác, và khi các bạn đã kháng cự thành công thì sự tĩnh lặng sẽ đến. Nói suông “Đừng ghét ai hết; đừng kháng cự lại điều ác” thì rất dễ, nhưng chúng ta thừa biết lời khuyên đó có ý nghĩa gì trong thực tế.

Khi những cặp mắt trong xã hội cứ đăm đăm xoi mói nhìn ta thì chúng ta có thể phô bày sự bất kháng, nhưng trong thâm tâm ta thì đó là luôn là căn bệnh ung thư. Chúng ta cảm nhận được nhu cầu tuyệt đối của sự bất kháng, nhưng chúng ta lại cảm nhận rằng kháng cự có lẽ sẽ tốt hơn.

Hơn thế nữa, nếu các bạn ham muốn của cải, đồng thời lại biết rằng cả thế gian này xem bọn trọc phú chỉ biết có đồng tiền là những kẻ vô cùng độc ác, thì có lẽ các bạn sẽ không dám lao vào cuộc đấu tranh để làm giàu, thế nhưng tâm trí các bạn vẫn ngày đêm bị ám ảnh bởi đồng tiền.

Điều đó là đạo đức giả và chẳng giúp ích được gì. Cứ lao vào cõi đời, rồi sau một thời gian, khi các bạn đã trải qua mọi khổ đau và khoái lạc trong đó, thì sự từ bỏ sẽ đến; tiếp đó sự tĩnh lặng sẽ đến.

Do đó, hãy thực hiện khát vọng đối với quyền lực và mọi thứ khác, và sau khi đã hoàn thành được khát vọng đó, sẽ đến lúc các bạn thấy rằng những thứ đó đều rất vặt vãnh tầm thường; nhưng khi các bạn chưa hoàn thành được khát vọng đó, chưa trải qua hết cảnh hoạt động đó thì các bạn không thể nào đạt đến trạng thái tĩnh lặng, thanh thản và buông xả.

Những tư tưởng về sự thanh thản và từ bỏ này đã được thuyết giảng suốt hàng ngàn năm qua, ai cũng đã từng nghe đến chúng từ hồi còn bé, thế nhưng chúng ta thấy có rất ít người đạt đến giai đoạn này.

Tôi không biết liệu suốt đời mình đã gặp được hai mươi người thực sự có tinh thần tĩnh lặng và bất kháng chưa, và tôi đã du hành khắp một nửa thế giới rồi.

Ai cũng tiếp nhận lý tưởng riêng cho mình và cố gắng hoàn thành nó; cách đó đem đến sự tiến bộ an toàn hơn là tiếp nhận lý tưởng của người khác, mà mình không bao giờ hy vọng có thể hoàn thành. Ví dụ, chúng ta bắt một đứa bé đi bộ hai mươi dặm.

Hoặc đứa bé sẽ chết, hoặc trong số một ngàn đứa chỉ có được một đứa bò hết quãng đường hai mươi dặm để đến đích, và ngất ngư gần chết.

Điều đó đại khái cũng giống như những gì ta đang cố làm cho thế gian này. Không phải tất cả nam nữ, trong bất kỳ xã hội nào, đều có tâm trí, năng lực giống nhau, hoặc có khả năng làm việc như nhau; bởi vậy họ có những lý tưởng khác nhau, và chúng ta không có quyền chế nhạo bất kỳ lý tưởng nào.

Hãy để cho mọi người làm hết sức mình để thực hiện lý tưởng đó. Dùng tiêu chuẩn của các bạn để phán xét tôi, hoặc ngược lại, đều là điều không đúng. Cây táo không thể được đánh giá theo tiêu chuẩn của cây sồi, mà cây sồi cũng không thể được đánh giá theo tiêu chuẩn của cây táo.

Muốn đánh giá cây táo, các bạn phải dùng tiêu chuẩn riêng của cây táo; muốn đánh giá cây sồi, các bạn phải dùng tiêu chuẩn riêng của cây sồi.

Thống nhất trong đa thù là kế hoạch của sáng tạo. Tuy nhiên, từng cá nhân nam nữ có thể khác nhau, cho nên có sự thống nhất nơi nền tảng. Từng cá nhân khác nhau trong tính cách và tầng lớp nam nữ, đó là sự khác biệt tự nhiên trong sáng tạo.

Từ đó, chúng ta không nên phán xét mọi người theo cùng một tiêu chuẩn, và không nên đặt trước họ một lý tưởng chung. Cách giải quyết như thế chỉ tạo ra cuộc đấu tranh trái quy luật tự nhiên, và kết quả là con người tự ghét bỏ bản thân và bị ngăn cản không trở thành người có đạo tâm và lương thiện.

Nhiệm vụ của chúng ta là khuyến khích tất cả mọi người cùng đấu tranh để vươn tới lý tưởng tối cao, đồng thời phấn đấu để lý tưởng đó được gần gũi tối đa với chân lý.

Trong nền đạo đức Ấn Độ, chúng ta thấy rằng sự kiện này đã được công nhận từ thời kỳ thượng cổ, và trong các kinh điển bàn về đạo lý, người ta đã đặt ra những luật lệ khác nhau cho những hạng người khác nhau – chủ gia đình, vānaprasthin (người ở ẩn) và sannyāsin (tu sĩ xuất thế).

Cuộc sống của mỗi cá nhân, theo kinh điển Hindu, có những bổn phận đặc thù, khác với những bổn phận chung cho nhân loại.

Người Hindu bắt đầu cuộc đời như một người đi học, sau đó họ cưới vợ và làm chủ gia đình; khi về già, họ lui về sống ẩn dật; và cuối cùng họ từ bỏ thế gian và trở thành một sannyāsin. Mỗi giai đoạn đó của cuộc đời đều gắn liền với những bổn phận cụ thể nào đó.

Về thực chất thì không có giai đoạn nào cao quý hơn giai đoạn nào. Cuộc sống của một người lập gia đình cũng hoàn toàn vĩ đại như cuộc sống của một người độc thân hiến trọn đời cho hoạt động tôn giáo. Người phu quét rác trên đường phố cũng hoàn toàn vĩ đại và vinh quang như ông vua trên ngai vàng.

Thử bắt ông vua từ bỏ ngai vàng để làm công việc của người phu quét rác, và xem thử ông ta làm việc ra sao. Thử bắt người phu quét rác ngồi lên ngai vàng rồi xem thử anh ta cai trị đất nước như thế nào.

Thật là vô ích khi nói rằng những người xuất thế lại vĩ đại hơn những người nhập thế; sống trong thế gian và sùng bái Thượng Đế còn khó gấp vạn lần so với việc từ bỏ nó để ung dung sống một cuộc đời tiêu dao thế ngoại.

Bốn giai đoạn trong đời sống ở Ấn Độ về sau này được giảm xuống còn hai – đó là giai đoạn làm chủ gia đình và giai đoạn làm tu sĩ.

Người chủ gia đình cưới vợ và lo làm tròn bổn phận của một công dân, còn người tu sĩ thì tận hiến năng lực để phụng sự cho tôn giáo, cho việc thuyết pháp và sùng bái Thượng Đế.

Tôi sẽ trình bày cùng các bạn một vài đoạn kinh văn từ Mahānirvāna Tantra, là kinh thư bàn về chủ đề này; và các bạn sẽ thấy rằng đối với người đàn ông thì làm chủ gia đình và thực hành trọn vẹn bổn phận là điều vô cùng khó khăn: Người chủ gia đình phải phụng hiến cho Thượng Đế, mục tiêu của cuộc đời anh ta là tìm hiểu Thượng Đế.

Tuy nhiên, anh ta phải làm việc thường xuyên, thực hành mọi bổn phận của mình, anh ta phải dâng hiến mọi thành quả hoạt động của mình cho Thượng Đế.

Điều khó khăn nhất trong thế gian này là làm việc mà không màng đến kết quả, là giúp đỡ người khác mà không bao giờ nghĩ đến việc họ phải nhớ ơn mình, là làm việc thiện mà đồng thời không bao giờ mong đợi đến tiếng tăm, danh vọng hoặc bất kỳ thứ gì.

Ngay cả một kẻ cùng cực hèn nhát cũng trở nên can đảm khi được mọi người ca ngợi.

Một gã ngốc nghếch có thể làm những hành động anh dũng khi xã hội khen ngợi anh ta, nhưng một người thường xuyên làm việc tốt mà không màng đến sự khen ngợi của đồng loại thì đó mới thực sự là sự hy sinh cao cả nhất mà con người có thể làm được.

Bổn phận cao cả của người chủ gia đình là kiếm sống, nhưng anh ta phải quan tâm đến việc làm điều đó mà không nói dối, không lường gạt hay cướp bóc của người khác; và người đó phải nhớ rằng cuộc đời của anh ta là phụng sự Thượng Đế và người nghèo.

Do biết rằng mẹ cha là những người đại diện cho Thượng Đế, người chủ gia đình luôn tìm đủ mọi cách để làm vui lòng mẹ cha. Nếu mẹ cha được hài lòng thì Thượng Đế hài lòng về người đó. Đứa con không bao giờ buông những lời cộc cằn với mẹ cha mới thực sự là đứa con ngoan.

Trước mặt mẹ cha, người con không được nói những lời bỡn cợt, không được tỏ thái độ bồn chồn, giận dữ hay nóng nảy. Trước mặt mẹ hoặc cha, người con phải cúi thấp để chào, và đứng lên khi thấy cha mẹ đến, và không được ngồi cho đến chừng nào các vị cho ngồi.

Nếu người chủ gia đình có đồ ăn thức uống hay quần áo mà không hiểu rằng cha mẹ, vợ con và người nghèo là những người cần được cung cấp trước tiên thì anh ta đang phạm tội. Mẹ cha sinh ra cho ta xác thân này, nên ta phải chịu trăm đắng nghìn cay để báo hiếu.

Bổn phận của người chủ gia đình đối với vợ cũng vậy. Anh ta không được la mắng vợ, mà phải luôn luôn xem vợ như là mẹ của mình. Thậm chí khi lâm vào cảnh sa cơ lỡ vận, cùng cực khó khăn anh ta cũng không được bỏ vợ, nếu nàng vẫn tỏ ra đức hạnh và thủy chung với chồng.

Người nào âu yếm người phụ nữ nào khác ngoài vợ mình, – chỉ cần tơ tưởng đến chuyện sờ mó vào người nàng ta thôi thì anh ta cũng bị đọa vào địa ngục.

Trước mặt phụ nữ, người đàn ông không được ăn nói khiếm nhã, và phô trương quyền lực. Anh ta không được nói: “Tôi đã làm được cái này, và tôi đã làm được cái nọ”.

Người chủ gia đình phải luôn luôn làm vui lòng vợ bằng tiền bạc, quần áo, tình yêu, sự thủy chung, và những lời nói ngọt ngào; anh ta không bao giờ được làm bất cứ điều gì khiến vợ phật lòng.

Người chồng nào thành công trong việc nhận được tình yêu của một người vợ đức hạnh là đã thành công trong tôn giáo của mình và có được tất cả mọi nết tốt. Sau đây là bổn phận đối với con cái: Con trai phải được thương yêu nuôi dưỡng cho đến năm bốn tuổi; và nên được giáo dục cho đến năm mười sáu tuổi.

Khi được hai mươi tuổi thì nó cần phải đi kiếm việc làm; lúc đó nó cần được người cha đối xử thương yêu như người ngang hàng. Tương tự như vậy, con gái cũng phải được nuôi dưỡng và giáo dục vô cùng cẩn thận. Khi con gái đi lấy chồng thì người cha nên cho vàng bạc, của cải.

Tiếp theo đó là bổn phận của người chủ gia đình đối với anh chị em, con cái của anh chị em nếu họ nghèo khó; bổn phận đối với bà con họ hàng, bạn bè và tôi tớ. Sau đó là bổn phận đối với hàng xóm láng giềng, với người nghèo và những người đến xin giúp đỡ.

Nếu người chủ gia đình có đầy đủ phương tiện mà không chịu giúp đỡ bà con họ hàng cùng người nghèo thì anh ta chỉ là con vật, chứ không xứng đáng làm người. Cần tránh sự đam mê quá đáng vào chuyện ăn uống, quần áo, chăm sóc thể xác, trau chuốt tóc tai.

Người chủ gia đình phải giữ cho tâm hồn và thể xác được thuần tịnh, luôn luôn hoạt động và sẵn sàng cho công việc. Đối với kẻ thù thì người chủ gia đình phải là một anh hùng. Anh ta phải kháng cự lại chúng. Đó là bổn phận của người chủ gia đình.

Anh ta không được ngồi trong một xó mà than khóc, và không được nói nhảm nhí về sự bất kháng. Nếu không chứng tỏ được mình là một anh hùng đối với kẻ thù thì anh ta đã không làm tròn trách nhiệm. Còn đối với thân bằng quyến thuộc thì anh ta phải dịu dàng như một con cừu.

Nhiệm vụ của người chủ gia đình là không được tỏ lòng tôn trọng đối với kẻ ác, nếu anh ta tôn trọng kẻ ác trên thế gian này thì anh ta tiếp tay cho điều ác, và anh ta càng phạm sai lầm lớn nếu tỏ ra khinh thường những người lương thiện đáng kính.

Anh ta không được quá vồ vập với bạn bè, không được kết giao bừa bãi khắp nơi, mà phải quan sát hành vi và cách cư xử của người mà mình muốn kết bạn, cân nhắc đắn đo rồi sau đó mới làm bạn. Có ba điều người chủ gia đình không được nói tới.

Anh ta không được nói về danh tiếng của mình nơi công cộng, không được truyền bá tên tuổi và thế lực của bản thân, cũng không được nói về tài sản của mình hay những gì mà người khác tâm sự riêng với anh ta. Người chủ gia đình không được than vãn mình nghèo hay khoe khoang mình giàu.

Cứ để người chủ gia đình giữ kín ý định của mình, đó là bổn phận của anh ta đối với tôn giáo. Đó không chỉ là sự khôn ngoan thế tục, nếu người chủ gia đình không làm được như thế thì anh ta bị xem là vô đạo đức. Người chủ gia đình là nền tảng, là trụ cột của toàn xã hội.

Anh ta là người chủ của kinh tế gia đình. Những người nghèo khổ, yếu đuối, trẻ em và phụ nữ không có khả năng lao động đều sống dựa vào người chủ gia đình; do vậy, những bổn phận đó khiến anh ta thấy mình mạnh mẽ khi thực hiện chúng, và khiến anh ta không nghĩ rằng anh ta đang thực hiện những điều thấp hơn lý tưởng của mình.

Bởi thế, nếu làm điều gì đó không xứng đáng hoặc phạm sai lầm thì người chủ gia đình không được nói cho mọi người biết; nếu tham gia vào công việc kinh doanh nào đó mà biết chắc là sẽ thất bại thì anh ta cũng không được nói về nó.

Những chuyện bộc bạch, trải lòng ra như thế không những không cần thiết mà còn làm thần kinh người chủ gia đình suy nhược, khiến anh ta không còn xứng đáng để thực hiện những bổn phận hợp pháp trong đời. Đồng thời, anh ta cũng phải phấn đấu để đạt cho hai điều này: thứ nhất là tri thức, thứ hai là của cải.

Đó là nhiệm vụ của một người chủ gia đình, nếu không thực hiện được thì anh ta chẳng còn ra thể thống con người nữa.

Một người chủ gia đình mà không nỗ lực làm giàu là kẻ vô đạo đức. Nếu anh ta lười biếng và thỏa mãn sống một đời nhàn rỗi thì anh ta là kẻ vô đạo đức, vì còn hàng trăm người trông cậy vào anh ta. Nếu anh ta giàu có thì sẽ giúp đỡ được hàng trăm người khác.

Nếu trong thành phố này không có hàng trăm người nỗ lực làm giàu và tích lũy tài sản, thì tất cả nền văn minh, nhà tế bần và dinh thự ở đâu mà có? Trong trường hợp như thế, chạy theo sự giàu có không có chi là xấu, vì của cải đó là để phân phát ra.

Người chủ gia đình là trung tâm của đời sống và xã hội.

Đối với người đó, kiếm tiền và xài tiền một cách cao thượng là sùng bái Thượng Đế[1]; bởi vì người chủ gia đình nào phấn đấu làm giàu bằng những phương tiện tốt đẹp và nhắm đến mục tiêu tốt đẹp thì trên thực tế cũng đang làm điều tương tự để đạt đến giải thoát, như nhà ẩn tu khổ hạnh trong thảo am đang làm khi cầu nguyện; đối với hai hạng người này, chúng ta chỉ thấy được những khía cạnh khác nhau của cùng một đức hạnh là buông xả và hy sinh bản thân được gợi hứng từ lòng sùng tín với Thượng Đế và tất cả những gì thuộcvề Ngài.

Người chủ gia đình phải phấn đấu bằng mọi cách để đạt được tiếng thơm. Anh ta không được cờ bạc, không được làm việc trong công ty kẻ xấu, không được nói dối và không được gây phiền toái cho người khác.

Con người thường hay tham gia vào những công việc mà họ không có cách nào hoàn thành nổi, nên kết quả là họ phải lừa đảo kẻ khác để đạt được mục đích.

Tiếp theo đó, trong mọi công việc thì thời gian cũng là yếu tố cần phải quan tâm đến; những thứ ở thời điểm này có thể là một thất bại, nhưng tại thời điểm khác thì có thể là một thành công vĩ đại.

Người chủ gia đình điềm đạm phải nói sự thật, và nói từ tốn, dùng những lời dịu dàng dễ nghe để đem lại điều tốt đẹp cho người khác; anh ta không nên ba hoa về mình hoặc chỉ trích người khác.

Bằng cách đào giếng, trồng cây ven đường, xây nhà nghỉ cho người và thú vật, xây dựng cầu đường, người chủ gia đình cũng đi đến cùng một mục tiêu như hành giả karma-yogi vĩ đại nhất. [1] Đây là trường hợp của những tỷ phú người Mỹ, chẳng hạn như Bill Gates.

Những người này đem trí lực ra làm giàu, như một cách để khẳng định mình, để rồi dùng phần lớn tài sản đó làm từ thiện hoặc thực hiện những công trình phục vụ cho xã hội, chứ không để lại cả cho con. Nó hoàn toàn khác hẳn tư tưởng “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” đáng kinh tởm của một số người.

Những người này dùng mọi thủ đoạn bất nghĩa để tích lũy của cải dành lại cho con, tạo ra một thế hệ bất tài ăn bám, sống phè phỡn bằng những đồng tiền tội lỗi từ mẹ cha, đẩy xã hội lún sâu vào sự ngu dốt và băng hoại.

Trên đây là một phần trong giáo lý karma-yoga – hoạt động, bàn về bổn phận của người chủ gia đình.

Còn có một đoạn kinh văn khác sau đây, trong đó Mahānirvāna Tantra nói rằng: “nếu người chủ gia đình chết trên chiến trường, vì chiến đấu cho quê hương hay tôn giáo của mình thì người đó cùng đi đến cùng một mục tiêu mà hành giả yogi đạt đến bằng thiền định”, cho thấy bổn phận người này chẳng khác người kia.

Đồng thời, kinh điển cũng chẳng nói bổn phận nào cao hay bổn phận nào thấp. Mỗi bổn phận đều có vị trí của riêng nó và chúng ta, tùy theo hoàn cảnh gặp phải, đều phải chu toàn bổn phận của mình.

Từ tất cả những điều này phát sinh một quan niệm duy nhất: lên án sự yếu đuối, nhu nhược. Đây là một quan niệm đặc thù trong tất cả giáo lý của chúng tôi mà tôi ưa thích, dù là trong triết học, tôn giáo hay công việc.

Nếu các bạn đọc kinh Veda, các bạn sẽ thấy từ này luôn luôn được nhắc đi nhắc lại: vô úy – không sợ hãi bất cứ điều gì. Sợ hãi là dấu hiệu của sự nhu nhược. Một người phải lo chu toàn bổn phận của mình, không cần đếm xỉa gì đến những lời châm chọc hay nhạo báng của người đời.

Nếu một người xuất thế để sùng bái Thượng Đế thì anh ta không được nghĩ rằng những người nhập thế đang làm điều tốt cho thế gian lại không phải đang sùng bái Thượng Đế; còn những người đang sống trong thế gian vì vợ, vì con cũng không được cho rằng những người từ bỏ thế gian là đám người lông bông thấp kém.

Mỗi người đều vĩ đại trong địa vị của riêng mình. Tôi xin dùng một câu chuyện để minh họa cho ý tưởng này. Có một vị vua nọ thường đặt câu hỏi cho tất cả những sannyāsin đến đất nước mình: “Ai vĩ đại hơn – người từ bỏ thế gian để thành một sannyāsin hay người tại thế chăm lo thực hiện bổn phận của một người chủ gia đình?”.

Nhiều nhà thông thái tìm cách giải đáp câu hỏi đó. Một số người khẳng định rằng vị sannyāsin vĩ đại hơn, nhà vua bèn yêu cầu chứng minh lời khẳng định của họ. Khi họ không thể chứng minh được thì ông bắt họ hoàn tục để cưới vợ, và làm người chủ gia đình.

Một số khác lại nói: “Người chủ gia đình làm trong bổn phận mình là người vĩ đại hơn”. Với những người này, nhà vua cũng yêu cầu đưa ra bằng chứng. Khi họ không thể trưng ra bằng chứng thì ông cũng bắt họ hoàn tục để làm người chủ gia đình.

Cuối cùng có một vị sannyāsin trẻ tuổi đến, và nhà vua cũng hỏi giống y như vậy. Người này đáp: “Tâu bệ hạ, người nào cũng vĩ đại như nhau trong địa vị của mình”. Nhà vua phán: “Hãy chứng minh cho ta thấy điều đó”.

Vị sannyāsin đáp: “Tôi sẽ chứng minh cho ngài thấy, nhưng ngài phải đi theo tôi và sống như tôi trong một vài ngày thì tôi mới có thể chứng minh cho ngài thấy những lời tôi nói”. Nhà vua đồng ý và đi theo vị sannyāsin ra khỏi xứ sở mình, và đi qua nhiều xứ khác cho đến khi họ đến một vương quốc rộng lớn.

Tại kinh đô vương quốc này đang diễn ra một cuộc đại lễ. Nhà vua và vị sannyāsin nghe tiếng trống và tiếng nhạc vang vọng, họ cũng nghe cả lời của những người truyền lệnh; dân chúng mặc lễ phục tụ tập trên đường phố, và một tuyên cáo được đưa ra.

Nhà vua và vị sannyāsin đứng ở đó để xem những gì đang diễn ra. Người truyền lệnh đọc lớn tuyên cáo rằng nàng công chúa, con của vị vua xứ đó, đang chuẩn bị kén chồng trong số những người đang tụ tập trước mặt nàng.

Theo tục lệ cổ xưa ở Ấn Độ thì các cô công chúa kén chồng theo cách này. Mỗi nàng đều có quan niệm riêng về mẫu người đàn ông mà họ muốn chọn làm chồng.

Cô thì muốn người chồng đẹp trai nhất, cô thì muốn người chồng uyên bác nhất, cô lại muốn người chồng giàu có nhất, v.v… Tất cả những hoàng tử lân bang đều trau chuốt trong những bộ y phục xinh đẹp nhất và trình diện trước mặt nàng.

Đôi khi họ cũng có những người truyền lệnh riêng để liệt kê những ưu thế của họ, cùng lý do vì sao họ hy vọng công chúa sẽ chọn mình. Nàng công chúa ngồi trên ngai vàng và được đưa đi quanh các nơi, giữa một hàng quân vô cùng rực rỡ, nàng nhìn và nghe nói về các hoàng tử.

Nếu không hài lòng với những gì đã nghe và thấy thì nàng bảo những kiệu phu: “Đi tiếp”, và chẳng còn quan tâm gì thêm đến những kẻ bị bỏ rơi.

Tuy nhiên, nếu công chúa vừa lòng với người nào trong số họ thì nàng ném vòng hoa vào anh ta, và người đó trở thành phò mã. Vị công chúa của đất nước, nơi mà nhà vua và vị sannyāsin mới đến, cũng đang kén chồng theo một trong các nghi lễ lý thú ấy.

Nàng là vị công chúa đẹp nhất thế gian, và vị phò mã sẽ là người trị vì vương quốc sau khi vua cha băng hà. Nàng có ý chọn một phò mã điển trai nhất, nhưng chẳng một ai khiến nàng thấy hài lòng. Những lễ hội như thế này đã được tổ chức một đôi lần, nhưng công chúa vẫn chưa kén chọn được một ai.

Lễ hội này là lễ hội tưng bừng nhất, số người đến dự đông hơn bao giờ hết. Công chúa leo lên kiệu vàng, và đám kiệu phu khiêng nàng đi từ chỗ này đến chỗ khác. Tựa hồ như nàng chẳng quan tâm đến một ai, và mọi người đều thất vọng, cho là lễ hội này cũng lại thất bại.

Bỗng nhiên có một chàng trai trẻ đi đến, một sannyāsin, đẹp rực rỡ như mặt trời hiện xuống thế gian, và đứng tại một góc của đám đông đang tụ họp, quan sát những gì đang diễn ra. Kiệu vàng của công chúa đến gần anh ta, và khi công chúa vừa thấy vị sannyāsin đó, nàng liền ngừng lại và ném vòng hoa vào anh ta.

Vị sannyāsin nắm vòng hoa vất đi, và la lên: – Chuyện gì nhảm nhí thế này? Tôi là một sannyāsin. Hôn nhân có ý nghĩa gì với tôi cơ chứ.

Nhà vua xứ đó nghĩ rằng chắc người này nghèo khó nên không dám cưới công chúa, liền nói: – Bây giờ lễ hồi môn của con gái ta là một nửa vương quốc này, và sau khi ta mất thì trọn cả vương quốc. Nói xong, ông đặt vòng hoa lên người vị sannyāsin.

Chàng trai trẻ liền vất nó đi một lần nữa, và bảo: – Nhảm nhí! Tôi có muốn lấy vợ đâu. Rồi chàng ta bước thật lẹ ra khỏi đám đông. Lúc này, cô công chúa đã mê mệt với chàng trai đó đến độ nàng nói: “Ta phải cưới cho được người này, nếu không ta sẽ chết”, rồi nàng đuổi theo để đem chàng ta về.

Lúc đó, vị sannyāsin của chúng ta – người đã đưa nhà vua đến đây – bảo nhà vua: “Tâu bệ hạ, chúng ta hãy đi theo cặp đó”. Thế là họ đi theo sau hai người kia, nhưng giữ một khoảng cách khá xa. Vị sannyāsin trẻ tuổi – người từ chối kết hôn với công chúa – đi vào một vùng quê được mấy dặm đường.

Khi đến một khu rừng thì anh ta đi vào trong đó, cô công chúa cũng đi theo, hai người của chúng ta cũng đi theo họ. Do vị sannyāsin trẻ (người từ chối kết hôn với công chúa) đã quen sống với núi rừng, nên biết rõ mọi đường đi ngoằn ngoèo phức tạp trong đó.

Chàng ta đột nhiên rẽ vào một trong những con đường đó và biến mất, khiến cô công chúa không sao tìm thấy được. Sau khi tìm kiếm một hồi lâu, nàng ngồi dưới một gốc cây và than khóc, vì không biết theo lối nào mà ra. Lúc đó, nhà vua và vị sannyāsin trẻ tuổi của chúng ta mới đến bên nàng và bảo: – Đừng khóc lóc nữa.

Chúng tôi sẽ chỉ đường cho cô ra khỏi khu rừng này; nhưng bây giờ trời đã quá tối rồi không thể tìm được lối ra. Nơi đây có một cây cổ thụ, chúng ta hãy nghỉ ngơi dưới gốc cây này, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường sớm và chỉ cho cô lối ra”.

Lúc bấy giờ, có một con chim nhỏ sống cùng vợ và ba con chim non sống trong một cái tổ trên cây đó. Con chim nhỏ đó nhìn xuống và thấy ba người ngồi dưới gốc cây, bèn nói với chim mái: – Mình ơi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Có mấy vị khách đến nhà mà bây giờ là mùa đông, mình lại không có lửa.

Bởi vậy, nó bèn bay đi, tha một ít củi chụm trong mỏ và thả xuống trước mặt các vị khách để họ có thể châm thêm dầu vào và nhóm lửa. Nhưng con chim nhỏ vẫn chưa thấy hài lòng. Nó bảo với vợ: – Này mình, chúng ta phải làm gì bây giờ? Chẳng có gì để cho những người đó ăn mà họ lại đang đói.

Mình là chủ nhà, phải có bổn phận nuôi dưỡng cho bất kỳ ai đến nhà. Tôi phải làm việc mà tôi có thể làm được. Tôi phải hy sinh thân xác tôi cho họ. Nói xong, nó lao vào giữa đống lửa và chết thiêu. Những vị khách nhìn thấy nó rơi xuống nhưng không sao cứu kịp, vì nó lao xuống quá nhanh.

Vợ con chim nhỏ thấy việc chồng đã làm, bèn nói: – Ở đây có đến ba người, mà chỉ có một con chim nhỏ cho họ ăn. Vậy thì không đủ, nhiệm vụ của ta là vợ thì không được để những cố gắng của chồng trở nên vô ích; hãy để họ có thêm cái thân xác này của ta.

Nói xong, nó cũng lao vào lửa và bị cháy thiêu. Lúc này chỉ còn lại ba con chim con, chúng nhìn mọi việc diễn ra và thấy rằng vẫn không đủ thức ăn cho cả ba người khách, nên bảo nhau: – Cha mẹ ta đã làm điều họ có thể làm được, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Bổn phận của chúng ta là phải nối tiếp công việc của cha mẹ, hãy để thân xác chúng ta đi theo luôn. Rồi chúng cùng lao vào ngọn lửa.

Ngạc nhiên trước những chuyện xảy ra, dĩ nhiên cả ba người không sao ăn nổi thịt chim. Suốt một đêm trôi qua, họ không ăn uống gì; đến sáng hôm sau, nhà vua và vị sannyāsin chỉ đường cho nàng công chúa ra khỏi rừng để nàng quay lại với vua cha.

Lúc đó, vị sannyāsin mới bảo với nhà vua: – Tâu bệ hạ, bây giờ thì ngài đã thấy rằng người nào cũng vĩ đại trong chức vị riêng của mình. Nếu ngài muốn sống trong thế gian thì hãy sống như những con chim kia, sẵn sàng hy sinh cho người khác.

Còn nếu muốn từ bỏ thế gian thì hãy làm như vị sannyāsin trẻ tuổi nọ, không màng chi đến tuyệt thế giai nhân và vương quốc. Nếu ngài muốn làm một người chủ gia đình, thì hãy sống hy sinh đời sống mình vì sự an lạc của kẻ khác; còn nếu ngài muốn chọn con đường xuất thế thì đừng màng chi đến sắc đẹp, tiền bạc và quyền lực.

Người nào cũng vĩ đại trong chức vị riêng của mình, bổn phận của người này không phải là bổn phận của người kia”.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x