Trang chủ » Bí quyết làm việc

Bí quyết làm việc

by Trung Kiên Lê
83 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Giúp đỡ kẻ khác về vật chất bằng cách đáp ứng được nhu cầu vật chất của họ, đó thực sự là sự giúp đỡ lớn lao; hễ nhu cầu càng lớn và sự giúp đỡ càng có tầm ảnh hưởng sâu xa thì sự giúp đỡ sẽ càng lớn theo.

Nếu sự thiếu thốn của một người có thể bị loại bỏ trong vòng một giờ thì đó là giúp đỡ anh ta thực sự; nếu sự thiếu thốn đó có thể bị loại bỏ trong vòng một năm thì càng giúp đỡ anh ta nhiều hơn nữa; nếu sự thiếu thốn đó có thể bị loại bỏ vĩnh viễn thì đó mới thực sự là sự giúp đỡ to lớn nhất dành cho anh ta.

Tri thức tâm linh là thứ duy nhất có thể hủy diệt vĩnh viễn sự khốn khổ của chúng ta; còn bất kỳ tri thức nào khác cũng chỉ có thể thỏa mãn được nhu cầu trong một thời gian mà thôi.

Chỉ có tri thức về Tâm Linh mới có thể hủy diệt vĩnh viễn căn nguyên của thiếu thốn; do đó, giúp đỡ một người về tâm linh là sự giúp đỡ to lớn nhất có thể đem đến được cho anh ta.

Ai ban cho con người tri thức tâm linh thì đó là ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại; bởi vậy ta thấy những ai giúp đỡ con người về nhu cầu tâm linh đều là những người có quyền năng nhất trong loài người, bởi vì tâm linh tính là nguồn thần hứng chân thực cho mọi hoạt động của chúng ta.

Một người mạnh mẽ và tráng kiện về tâm linh sẽ mạnh mẽ trong mọi phương diện khác, nếu anh ta muốn thế. Chừng nào mà con người chưa có được sức mạnh tâm linh thì ngay cả những nhu cầu vật chất cũng không thể được thỏa mãn đầy đủ. Tiếp theo sự giúp đỡ tâm linh là sự giúp đỡ tinh thần.

Tặng phẩm của tri thức cao cả hơn rất nhiều so với tặng phẩm bằng thực phẩm và y phục; nó còn cao cả hơn việc ban sự sống cho một người, bởi vì đời sống thực sự của một người cốt ở tri thức.

Ngu muội là chết, tri thức là sống. Đời sống có một giá trị rất đỗi nhỏ nhoi, nếu đó là cuộc sống trong bóng tối, mò mẫm trong vô minh và khốn khổ. Kế đó dĩ nhiên là sự giúp đỡ vật chất.

Do đó, khi cân nhắc giúp đỡ người nào, chúng ta không được nhầm lẫn cho rằng giúp đỡ vật chất là cách giúp đỡ duy nhất mà ta có thể đem đến cho họ. Đó không chỉ là cách giúp đỡ sau chót mà còn mà cách giúp đỡ ít ỏi nhất, bởi vì nó không mang lại sự thỏa mãn mãi mãi.

Sự khốn khổ mà tôi cảm nhận khi đói bụng sẽ được thỏa mãn bằng cách ăn uống, nhưng rồi cơn đói sẽ còn tiếp tục quay lại, sự khốn khổ của tôi chỉ chấm dứt vĩnh viễn khi tôi được thỏa mãn không còn thiếu thốn gì nữa.

Cơn đói sẽ không còn làm cho tôi khốn khổ; không một thảm cảnh nào, không một nỗi phiền muộn nào có thể làm cho tôi dao động được nữa. Do đó, sự giúp đỡ hướng ta đến sự mạnh mẽ tâm linh là sự giúp đỡ cao cả nhất, kế đó là sự giúp đỡ tinh thần, sau cùng là sự giúp đỡ vật chất.

Những nỗi khốn khổ trên thế gian này không thể chỉ dùng vật chất giúp đỡ mà chữa lành được. Chừng nào bản tính con người chưa thay đổi thì những nhu cầu vật chất sẽ luôn luôn nảy sinh, và con người cứ luôn luôn thọ nhận sự khốn khổ, và không một khối lượng giúp đỡ vật chất nào lại có thể chữa lành họ hoàn toàn.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là làm cho nhân loại trở nên thuần tịnh. Ngu muội là mẹ đẻ của mọi điều xấu ác cùng tất cả những cảnh khốn khổ mà chúng ta đang thấy.

Hãy để cho con người có được ánh sáng, hãy để cho họ được thuần tịnh, có được tâm linh mạnh mẽ và có học vấn, chỉ đến lúc đó thôi, chứ không phải trước đó, cảnh khốn khổ trên thế gian này sẽ chấm dứt.

Chúng ta có thể biến đổi mỗi căn nhà thành một dưỡng trí viện từ thiện, chúng ta có thể xây bệnh viện đầy khắp trên mặt đất này, thế nhưng cảnh khốn khổ của con người sẽ còn tiếp tục tồn tại chừng nào con người chưa thay đổi bản tính.

Chúng ta đọc đi đọc lại trong kinh Bhagavad Gitā rằng tất cả chúng ta phải làm việc không ngừng nghỉ. Mọi công việc tự bản chất đều gồm cả thiện lẫn ác.

Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì mà lại không đem đến điều tốt đẹp cho một nơi nào đó; chúng ta cũng không thể làm bất cứ điều gì mà lại không gây nên tổn hại tại một nơi nào đó. Mọi công việc tất nhiên đều pha trộn giữa thiện và ác, vậy mà chúng ta vẫn bị sai khiến phải làm việc không ngừng.

Cả thiện và ác đều tạo nên kết quả của chúng, sẽ tạo nên karma của chúng.

Việc thiện sẽ tạo ra hiệu quả tốt, việc ác sẽ gây nên hậu quả xấu.

Đối với bản chất phát sinh ràng buộc của công việc thì giải pháp đã đạt đến trong kinh Bhagavad Gitā là như vầy: nếu ta không bị ràng buộc vào công việc mình làm thì nó sẽ không thể tạo ra bất kỳ hiệu quả ràng buộc nào trên linh hồn chúng ta.

Đây là tư tưởng trọng tâm của Bhagavad Gitā: hãy làm việc không ngừng nhưng đừng bị ràng buộc. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu ý nghĩa của tinh thần làm việc “vô luyến cảm” này. Từ samskāra [1] có thể được dịch gần sát theo nghĩa là “xu hướng nội tại”.

Dùng ẩn dụ bằng hồ nước để minh họa, hồ nước dụ cho tâm trí, mỗi gợn nước hay mỗi con sóng phát khởi trong tâm trí khi lắng xuống sẽ không mất đi hoàn toàn, mà để lại một dấu vết và một khả năng trong tương lai để cho con sóng đó xuất hiện trở lại.

Dấu vết đó, với khả năng tái hiện của con sóng, là cái được gọi là samskāra. Mỗi công việc mà chúng ta làm, mỗi hành vi của thân, mỗi tư tưởng của ý đều để lại một ấn tượng trên chất liệu của tâm trí, và ngay cả khi những ấn tượng đó không hiện rõ lên bề mặt thì chúng cũng đủ mạnh để hoạt động ngầm trong tiềm thức.

Hiện thể của chúng ta – cái mà chúng ta đang là trong mỗi phút giây – được quyết định bởi tổng số những ấn tượng đó trên tâm trí. Cái mà tôi đang là ngay tại bây giờ là tổng số của những ấn tượng trong cuộc sống quá khứ của tôi.

Đó thực sự là ý nghĩa của cái gọi là tính cách, tính cách của mỗi người được quy định bởi tổng số những ấn tượng này. Nếu ấn tượng tốt chiếm ưu thế thì tính cách trở nên tốt đẹp, nếu ấn tượng xấu chiếm ưu thế thì tính cách trở nên xấu xa.

Nếu một người cứ thường xuyên nghe những lời độc ác, nghĩ những điều xấu xa, làm những điều tồi tệ thì tâm trí anh ta sẽ chứa đầy những ấn tượng xấu xa, và chúng sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng cùng công việc của anh ta mà anh ta không hề hay biết gì về điều đó.

Trên thực tế thì những ấn tượng xấu xa này vẫn luôn luôn hoạt động, hiệu quả hợp thành của chúng phải là điều ác, và người đó phải là người ác, anh ta không sao cưỡng lại được. Tổng số những ấn tượng đó trong anh ta sẽ tạo nên một lực thúc đẩy mãnh liệt bắt phải làm điều ác.

Anh ta sẽ chẳng khác nào một cỗ máy nằm trong tay của những ấn tượng của mình, và chúng sẽ buộc anh ta làm điều ác.

Tương tự như vậy, nếu một người luôn nghĩ những điều tốt đẹp, làm những điều thiện thì tổng số những ấn tượng đó sẽ tốt đẹp; và chúng, cũng theo cách tương tự, sẽ bắt anh ta làm điều tốt dù anh ta có muốn hay không.

Khi một người đã làm nhiều điều thiện, đã suy nghĩ nhiều ý tưởng tốt đẹp đến mức trong anh ta có xu hướng bắt phải làm điều thiện không sao cưỡng nổi; cho dù anh ta có muốn làm điều ác thì tâm trí anh ta, tức là tổng số các xu hướng của anh ta, sẽ không cho phép anh ta làm thế; các xu hướng đó sẽ kéo anh ta lùi lại, anh ta hoàn toàn chịu ảnh hưởng của những xu hướng tốt đẹp.

Trong trường hợp như thế, ta nói rằng tính cách tốt đẹp của một người đã được xác lập.

Khi một con rùa rụt đầu và chân vào trong mai, dù các bạn có thể giết nó, đập vỡ tan nó ra thành từng mảnh thì nó vẫn không thò đầu ra; tính cách của một người đã chế ngự được những động cơ và giác quan cũng được xác lập một cách bất biến như vậy đó.

Người đó chế ngự được những sức mạnh nội tâm, và không có gì có thể lôi kéo chúng ra ngoài khi anh ta không muốn.

Nhờ vào hoạt động phản ánh liên tục của những ý niệm tốt, của những ấn tượng tốt đang di chuyển trên bề mặt của tâm trí, mà xu hướng làm việc thiện càng trở nên mạnh mẽ, kết quả là chúng ta cảm thấy có thể kiểm soát được indriya, tức trung khu thần kinh.

Chỉ có như thế thì tính cách mới được xác lập, rồi chỉ có như thế thì con người mới đạt đến chân lý. Một người như thế sẽ được vĩnh viễn bình yên, sẽ không còn mối nguy hiểm nào cho anh ta nữa. Còn có một trạng thái cao hơn trạng thái có được xu hướng tốt đẹp này, đó là khát vọng giải thoát.

Các bạn nên nhớ rằng giải thoát linh hồn là mục tiêu của mọi pháp môn yoga, và pháp môn nào cũng dẫn đến cùng một thành quả.

Chỉ bằng cách làm việc không thôi, con người vẫn có thể đạt đến cảnh giới mà Đức Phật đạt đến phần lớn bằng thiền định, và đấng Christ đạt đến bằng cầu nguyện. Đức Phật là một jnāni hoạt động, còn Chúa Jesus là một bhakta, song cả hai vị đều đạt đến cùng một mục tiêu.

Điểm khó khăn nằm ở chỗ này. Giải thoát có nghĩa là tự do trọn vẹn – thoát ra khỏi vòng trói buộc của thiện lẫn ác. Một dây xích bằng vàng vẫn là một dây xích, chẳng khác gì một dây xích bằng sắt.

Giả sử có một cây gai mắc trong ngón tay tôi, và tôi dùng cây gai khác để lấy nó ra; khi đã lấy được cây gai kia ra rồi thì tôi phải vất cả hai cây gai đi; tôi chẳng cần phải giữ lại cây gai thứ hai làm gì, vì dù sao chúng vẫn chỉ là những cây gai.

Do đó, những xu hướng ác cần phải được hóa giải bởi những xu hướng thiện, những ấn tượng xấu trong tâm trí cần phải được loại bỏ bằng những làn sóng của ấn tượng tốt, cho đến khi tất cả những điều xấu ác hầu như mất hết, hoặc bị chế ngự và kìm hãm tại một xó trong tâm trí.

Nhưng rốt cuộc thì những xu hướng tốt cũng cần phải bị khuất phục.

Như thế thì “ràng buộc” sẽ biến thành “không ràng buộc”. Hãy làm việc, nhưng đừng để hành động hay tư tưởng tạo ra một ấn tượng sâu sắc nào trong tâm trí.

Hãy để cho những gợn sóng cứ đến rồi đi, hãy để những hành động to tát xuất phát từ cơ bắp và bộ não, nhưng đừng để chúng gây ra những ấn tượng sâu sắc nào trên linh hồn[2].

Làm thế nào để làm được điều này? Chúng ta thấy rằng bất kỳ hành động nào mà chúng ta quyến luyến cũng đều lưu lại ấn tượng.

Tôi có thể gặp cả trăm người trong ngày, và trong số đó tôi cũng gặp một người mà tôi yêu thích; đến tối về khi đi nghỉ, tôi có thể cố mường tượng lại tất cả những gương mặt mà tôi đã thấy, nhưng gương mặt duy nhất hiện ra trước tâm trí tôi là gương mặt mà tôi có thể chỉ gặp thoáng qua trong một phút và là gương mặt tôi yêu thích.

Tất cả những gương mặt khác đều biến mất.

Lòng quyến luyến của tôi đối với nhân vật đặc biệt đó đã tạo ra trong tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc hơn những gương mặt khác.

Xét về khía cạnh sinh lý học thì những ấn tượng đó đều giống nhau; mỗi gương mặt tôi nhìn thấy đều lưu hình ảnh trên võng mạc, và não bộ ghi nhận hình ảnh đó; tuy nhiên, hiệu quả mà chúng tác động trên tâm trí lại chẳng hề tương đồng.

Có thể hầu hết những gương mặt đó đều hoàn toàn mới lạ, mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới, thế nhưng chỉ có gương mặt duy nhất mà tôi mới nhìn thoáng qua đó lại tìm được những mối liên kết tiềm ẩn bên trong.

Có thể tôi đã lưu hình ảnh của người đó trong tâm trí nhiều năm rồi, đã biết hàng trăm điều về người đó, và cái nhìn duy nhất về người đó lần đầu tiên đã đánh thức hàng trăm kỷ niệm đang yên ngủ trong tâm trí tôi; và ấn tượng duy nhất này, do được lặp đi lặp lại có lẽ đến hàng trăm lần so với những gương mặt khác, đã tạo nên hiệu quả mãnh liệt trên tâm trí tôi. Bởi vậy, hãy giữ tinh thần “vô luyến cảm”.

Cứ để sự vật vận động, cứ để trí não tập trung vào công việc, cứ làm việc không ngừng, nhưng chớ để một gợn sóng nào chế ngự tâm trí. Hãy làm việc như thể các bạn là một kẻ xa lạ trên mảnh đất này, như một kẻ ngụ cư. Hãy làm việc không ngừng, nhưng đừng tự trói buộc lấy mình; trói buộc là điều khủng khiếp.

Thế gian này không phải là nơi chúng ta cư trú, nó chỉ là một trong nhiều giai đoạn mà chúng ta phải trải qua. Hãy nhớ lại lời nói vĩ đại của trường phái triết học Sāmkhya: “Toàn thể thiên nhiên dành để phụng sự cho linh hồn, chứ không phải linh hồn dành để phụng sự cho thiên nhiên”.

Lý do thực sự để thiên nhiên tồn tại là để giáo dục linh hồn, ngoài ra nó chẳng có ý nghĩa nào khác. Thiên nhiên hiện hữu ra đó vì linh hồn cần phải có tri thức, và nhờ tri thức mới tự giải thoát được cho mình.

Nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ không bao giờ bị trói buộc vào thiên nhiên nữa; chúng ta sẽ hiểu rằng thiên nhiên là một cuốn sách mà ta phải đọc, và khi đã thu thập được tri thức cần thiết rồi thì cuốn sách đó không còn giá trị gì với chúng ta nữa.

Tuy nhiên, thay vì điều đó, chúng ta lại tự đồng nhất mình với thiên nhiên, chúng ta nghĩ rằng linh hồn là dành để phụng sự cho thiên nhiên, tinh thần dành để phụng sự cho thể xác, và như một câu nói phổ biến, chúng ta nghĩ rằng con người “sống để mà ăn” chứ không phải “ăn để mà sống”.

Chúng ta liên tục mắc phải sai lầm; chúng ta xem thiên nhiên như là bản thân chúng ta và tự trói buộc mình vào nó; và khi sự trói buộc này xảy đến thì tạo ra ấn tượng sâu sắc trên linh hồn, ấn tượng đó ghìm chúng ta xuống và khiến cho chúng ta không còn làm việc với tinh thần tự do, mà như những kẻ nô lệ.

Trọn phần tinh túy của lời giáo huấn này là như vầy: các bạn nên làm việc như một chủ nhân, chứ không phải như một nô lệ; hãy làm việc không ngừng, nhưng đừng làm công việc của kẻ nô lệ.

Các bạn há không thấy mọi người làm việc như thế nào hay sao? Không một ai được nghỉ ngơi hoàn toàn; chín mươi chín phần trăm nhân loại như nô lệ, và hậu quả là sự khốn khổ; đó toàn là những công việc vị kỷ.

Hãy làm việc bằng tinh thần tự do! Hãy làm việc bằng tình yêu! Từ “tình yêu” rất khó hiểu; tình yêu không bao giờ đến khi chưa có tự do.

Không thể có tình yêu thực sự nơi một kẻ nô lệ. Nếu các bạn mua một kẻ nô lệ, dùng xiềng xích cùm anh ta lại và bắt anh ta làm việc cho các bạn thì anh ta sẽ làm việc như trâu ngựa, nhưng sẽ không bao giờ có được tình yêu nơi anh ta.

Bởi vậy, khi chính chúng ta làm việc như những kẻ nô lệ vì những sự vật trong thế gian này thì trong ta không thể có tình yêu, và công việc của chúng ta không phải là công việc chân thực.

Điều này đúng với những công việc làm vì người thân, vì bè bạn, và cũng đúng với những công việc làm cho chính bản thân chúng ta.

Công việc vị kỷ là công việc của kẻ nô lệ. Và đây là cách thử nghiệm: Mọi hành vi thương yêu đều mang đến hạnh phúc; không một hành vi thương yêu nào lại không mang lại phản ứng là bình yên và lạc phúc.

Tồn tại chân thực, tri thức chân thực, thương yêu chân thực vĩnh viễn kết hợp với nhau, cả ba trong một: Hễ nơi nào có một trong ba thì phải có hai cái kia; chúng cùng là ba khía cạnh bình đẳng của một Nhất Thể, không có cái nào thứ yếu, Tồn Tại – Tri Thức – Lạc Phúc.

Khi Tồn Tại đó trở thành tương đối thì chúng ta thấy nó như là thế giới; Tri Thức đó, đến lượt nó, chuyển biến thành tri thức về sự vật trong thế giới; và Lạc Phúc đó tạo nền tảng cho tình thương yêu chân thực mà trái tim con người từng biết đến.

Bởi vậy, tình yêu chân thực không bao giờ có thể phản ứng bằng cách gây ra đau khổ cho người đang yêu và kẻ được yêu.

Giả sử người đàn ông kia yêu một phụ nữ; anh ta muốn chiếm hữu nàng trọn vẹn, và cảm thấy ghen lồng lộn với mọi hành động của nàng; anh ta muốn nàng ngồi kế bên mình, đứng sát bên mình, ăn uống và hành động theo mệnh lệnh của anh ta.

Anh ta là nô lệ của nàng và muốn chiếm hữu nàng như nô lệ của mình. Đó không phải là tình yêu, mà là loại tình cảm bệnh hoạn của kẻ nô lệ, tự khoác lên mình lớp vỏ như là tình yêu.

Nó không thể là tình yêu, vì nó mang lại đau khổ; nếu nàng ta không làm theo những gì anh ta muốn thì điều đó sẽ khiến anh ta đau khổ.

Với tình yêu thì không hề có phản ứng mang lại khổ đau, nó chỉ đem đến lạc phúc; nếu không phải là thế thì đó không phải là tình yêu, đó là sự nhầm lẫn một thứ gì khác mà ta ngỡ là tình yêu.

Khi bạn đã thương yêu trọn vẹn chồng, vợ, con cái, toàn thể thế gian, thương yêu cả vũ trụ này đến mức không còn cảm thấy một phản ứng nào mang lại khổ đau hay lòng ghen tỵ, không còn một cảm xúc vị kỷ nào thì các bạn đang ở trong trạng thái tự do, không còn bị trói buộc.

Đấng Krisha nói: “Này Arjuna, hãy nhìn ta đây! Nếu ta ngừng làm việc chỉ trong một giây phút thôi thì toàn bộ vũ trụ này sẽ bị hủy diệt.

Ta chẳng nhận được gì từ công việc mình làm; ta là đấng Chúa Tể duy nhất, nhưng vì sao ta phải làm việc? Bởi vì ta thương yêu thế gian này”.

Thượng Đế không còn bị trói buộc, và cứ ung dung tự tại vì Ngài thương yêu. Tình thương yêu chân thật đó giúp chúng ta thoát vòng trói buộc.

Bất cứ nơi nào có sự trói buộc, còn luyến cảm với sự vật trần gian thì các bạn phải biết rằng tất cả điều đó là lực hấp dẫn giữa các phân tử vật chất – đó là lực luôn kéo hai thể xác lại càng lúc càng gần với nhau hơn, và nếu hai thể xác đó không thể đến đủ gần nhau thì phát sinh đau khổ; còn nơi nào có thương yêu chân thực thì tình yêu đó hoàn toàn không dựa trên sự ràng buộc thể xác.

Những cặp tình nhân như thế dù có cách xa nhau hàng ngàn dặm thì tình yêu của họ vẫn thủy chung không đổi, tình yêu đó không hề chết, và sẽ không bao giờ tạo ra bất kỳ phản ứng gây khổ đau nào.

Đạt đến tinh thần tự tại, vô luyến cảm này là công việc phải làm suốt cả đời người, nhưng ngay khi đạt đến cảnh giới đó thì chúng ta thành tựu mục tiêu của thương yêu và được giải thoát.

Mọi ràng buộc của thiên nhiên biến mất và chúng ta thấy thiên nhiên hiển lộ toàn chân, nó không còn rèn đúc xiềng xích để trói buộc chúng ta nữa; chúng ta hoàn toàn tự do, và chẳng còn quan tâm đến kết quả của việc làm nữa, vậy thì ai còn quan tâm chi đến kết quả sẽ ra sao?

Các bạn có đòi hỏi con cái mình phải đền đáp lại những gì các bạn đã làm cho chúng không? Bổn phận của các bạn là chăm lo cho chúng, sự việc chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi.

Trong mọi công việc mà các bạn làm cho một nhân vật đặc biệt, cho một thành phố hay một quốc gia, hãy giữ cùng một thái độ giống như các bạn làm đối với con cái mình – không hề mong báo đáp.

Nếu các bạn có thể luôn giữ được địa vị của một người ban phát – trong đó mọi thứ bạn ban phát đều là tặng phẩm miễn phí cho thế gian, không hề mong báo đáp – thì công việc đó sẽ không trói buộc các bạn. Sự trói buộc chỉ xảy đến khi ta cầu mong báo đáp.

Nếu làm việc như một nô lệ mang lại kết quả là lòng vị kỷ và sự ràng buộc thì làm việc như một ông chủ của chính tâm trí ta sẽ dẫn đến trạng thái lạc phúc của tinh thần vô luyến.

Chúng ta thường nói về các danh từ “quyền lợi” và “công lý”, nhưng chúng ta thấy trong thế giới này thì hai từ đó chỉ là lời nói của trẻ con.

Có hai thứ hướng dẫn được hành vi của con người: quyền lực và lòng nhân từ. Áp dụng quyền lực bao giờ cũng là áp dụng lòng vị kỷ. Mọi người, nam lẫn nữ, đều cố vận dụng tối đa quyền lực hay ưu thế mà họ có. Lòng nhân từ tự nó là thiên đàng rồi; muốn làm người lương thiện, tất cả chúng ta phải có lòng nhân từ.

Ngay đến công lý và quyền lực cũng cần dựa trên lòng nhân từ. Mọi tư tưởng mong cầu báo đáp từ những việc mình làm đều gây cản trở cho sự tiến bộ tâm linh của chúng ta; hơn thế nữa, rốt cuộc chúng còn mang đến sự khốn khổ.

Có một cách khác có thể thực hiện được ý tưởng về lòng nhân từ và lòng từ thiện vị tha; đó là xem công việc ta làm như là “sự sùng bái”, trong trường hợp chúng ta tin vào Thượng Đế Nhân Thể.

Tại đây, chúng ta phó thác mọi thành quả của công việc ta làm cho đấng Chúa Tể, và khi sùng bái Ngài theo cách đó, chúng ta không có quyền mong đợi bất cứ điều gì nơi nhân loại về những việc chúng ta làm. Chính đấng Chúa Tể cũng làm việc không ngừng và không bao giờ bị ràng buộc.

Giống như nước không thể làm ướt được lá sen, công việc cũng không thể nào trói buộc được người có lòng vị tha bằng cách làm phát sinh luyến cảm vào kết quả. Người vô ngã và vô luyến cảm có thể sống ngay giữa lòng phố thị đông đúc đầy tội lỗi mà không hề nhiễm vào tội lỗi.

Ý tưởng về sự tận hiến được minh họa bằng câu chuyện sau đây: Sau trận chiến Kurukshetra, năm anh em nhà Pāndava thực hiện một đại lễ hiến tế và phát chẩn cho người nghèo. Tất cả mọi người đều sửng sốt trước sự vĩ đại và phong phú của buổi lễ, bảo rằng chưa từng thấy một đại lễ nào như thế trên đời.

Nhưng khi nghi lễ kết thúc, một con chồn xuất hiện, một nửa mình nó thì vàng óng, nửa kia thì màu nâu; và nó lăn trên nền nhà của tòa lễ đường.

Nó nói với mọi người chung quanh: “Tất cả các vị đều là những kẻ dối trá, đây không phải là buổi lễ hiến tế”. “Sao!”, mọi người cùng kêu lên: “ngươi bảo đây không phải là buổi lễ hiến tế; vậy ngươi không biết là biết bao nhiêu tiền bạc, châu báu đã đổ ra cho người nghèo để họ được giàu có và hạnh phúc đó hay sao?

Đây là buổi lễ hiến tế kỳ diệu nhất mà con người từng có thể làm được”.

Con chồn bèn kể: “Ngày xưa có một vị Brahmin nghèo khổ sống với vợ, con và con dâu trong một ngôi làng nhỏ. Họ rất nghèo và sống nhờ vào những tặng phẩm ít ỏi từ việc giảng đạo và dạy học. Rồi nơi đó xảy ra một nạn đói kéo dài đến ba năm, và gia cảnh vị Brahmin càng khốn khổ hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, khi cả nhà đều chịu đói trong nhiều ngày thì buổi sáng nọ người cha mang về một chén nhỏ bột lúa mạch, mà ông may mắn có được; ông chia ra làm bốn phần cho mỗi người trong gia đình.

Họ nấu bột để chuẩn bị cho bữa ăn, và khi họ sắp ăn thì bỗng có tiếng gõ cửa. Người cha mở cửa ra và thấy một người khách lạ.

Thời bấy giờ ở Ấn Độ, khách là nhân vật linh thiêng, họ được xem là một vị thần hóa thân và cần được đối xử như thế. Bởi vậy vị Brahmin nghèo khổ kia bảo: – Xin mời vào, rất hân hạnh được chào đón ngài”. Ông đặt phần bột của mình trước mặt người khách để mời.

Người khách ăn hết thật lẹ rồi nói: – Ôi chao, ông giết tôi mất. Tôi nhịn đói đã mười ngày nay, và nhúm bột nhỏ xíu này càng làm tôi đói thêm nữa. Người vợ bèn bảo chồng: – Lấy phần bột của tôi đưa cho ông ta. Nhưng người chồng gạt đi, bảo: – Không được.

Tuy vậy, người vợ vẫn cứ nài nỉ mãi: – Ở đây có một người nghèo, bổn phận chúng ta là chủ nhà thì phải cung cấp thức ăn cho ông ta, bổn phận của tôi làm vợ là phải nhường cho ông ta phần của mình, vì ông có còn gì để nhường thêm cho ông ta nữa đâu.

Người vợ nói xong, liền nhường phần bột của mình cho vị khách. Ông ta cũng ăn nốt và than vẫn còn đói cồn cào.

Người con trai thấy bèn bảo: – Hãy nhường luôn phần của con đi, bổn phận của người con giúp cha làm tròn trách nhiệm. Người khách ăn nốt phần bột của người con trai, nhưng hãy còn đói, người con dâu thấy thế bèn nhường nốt phần bột của mình cho khách. Ăn chừng đó đã thấy no bụng, người khách bèn từ giã và chúc lành cho họ. Đêm hôm đó, cả nhà đều chết đói. Một vài hạt bột rơi trên nền nhà, khi tôi lăn trên đó thì một nửa thân tôi biến thành vàng óng như các vị đã thấy. Bởi vậy, tôi đã chu du khắp thế gian để tìm cho ra một buổi lễ hiến tế như thế, nhưng không nơi nào có được, không một nơi nào có thể biến một nửa phần thân kia của tôi thành màu vàng óng. Đó là lý do tôi bảo đây không phải là lễ hiến tế”.

Quan niệm về lòng từ thiện đang biến dần khỏi đất nước Ấn Độ, những bậc vĩ nhân ngày càng hiếm hoi dần.

Lần đầu tiên khi học tiếng Anh, tôi đọc cuốn truyện bằng tiếng Anh, trong đó có câu chuyện về một đứa bé có tinh thần trách nhiệm; nó rời nhà để đi kiếm việc làm và mang một ít tiền về cho người mẹ già, điều đó được khen ngợi trong ba hay bốn trang sách.

Điều đó là gì? Không một đứa nhỏ Ấn Độ nào hiểu được ý nghĩa đạo đức trong câu chuyện đó.

Đến bây giờ tôi mới hiểu được nó, khi nghe quan niệm của người phương Tây: “Ai chịu trách nhiệm phần người nấy”.

Có những người nhận hết mọi thứ về phần mình, và gạt bỏ cả cha mẹ, vợ con. Điều đó sẽ không bao giờ, và không một nơi đâu, là lý tưởng của một người chủ gia đình. Đến bây giờ thì các bạn thấy karma-yoga có ý nghĩa gì rồi; ngay lúc hấp hối, vẫn cứ giúp đỡ người khác mà không hề thắc mắc.

Có bị lừa phỉnh hàng triệu lần đi nữa thì cũng không bao giờ thắc mắc, và cũng đừng bao giờ nghĩ đến những gì các bạn đang làm.

Đừng bao giờ khoe khoang về những món quà các bạn tặng cho người nghèo, hoặc mong họ nhớ ơn, mà trái lại, các bạn còn phải mang ơn họ đã cho các bạn cơ hội để làm từ thiện.

Bởi vậy, dễ dàng thấy làm một người chủ gia đình lý tưởng khó hơn rất nhiều so với làm một sannyāsin lý tưởng; cuộc sống tại thế chân chính thực ra cũng gian khó như, nếu không muốn nói là gian khó hơn, cuộc sống xuất thế chân chính.

[1] Trong tư tưởng Phật giáo được dịch là “hành”.

[2] Đây chính là tinh thần “Vô công dụng hạnh” của Phật giáo, hay tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim Cương.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x