Trang chủ » Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

by Trung Kiên Lê
77 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 1896) Vấn đề duy nhất khó lãnh hội nhất khi nghiên cứu triết học Advaita (nhất nguyên luận Vedānta), và vấn đề cứ luôn được nêu lên thành câu hỏi, đó là: Làm thế nào mà Cái Vô Hạn, Cái Tuyệt Đối biến thành cái hữu hạn[1]?

Hôm nay tôi lại nêu lên câu hỏi này, và tôi sẽ dùng hình ảnh để minh họa. Đây là Cái Tuyệt Đối (a), còn đây là vũ trụ (b). Cái Tuyệt Đối đã biến thành vũ trụ. Vũ trụ ở đây không chỉ có nghĩa là thế giới vật chất, mà còn gồm cả thế giới tinh thần và thế giới tâm linh – trời đất, và trên thực tế là toàn thể vạn hữu, tức tất cả những gì đang tồn tại.

Tâm thức là tên gọi của một sự biến dịch, thể xác cũng là tên gọi của một sự biến dịch khác, và cứ như thế, tất cả những sự biến dịch này cùng cấu tạo nên cái vũ trụ của chúng ta. Cái Tuyệt Đối (a) biến thành vũ trụ (b) thông qua thời gian, không gian và quan hệ nhân quả (c).

Đây là tư tưởng trọng tâm của Advaita. Thời gian, không gian và quan hệ nhân quả giống như một cái ly thủy tinh trong suốt, mà xuyên qua nó ta có thể nhìn thấy được Cái Tuyệt Đối, và khi được nhìn ở phía thấp hơn thì nó hiện ra như là vũ trụ.

Bây giờ, từ điều này, chúng ta rút ra ngay được ngay kết luận, đó là trong Cái Tuyệt Đối chẳng hề có thời gian, không gian hay quan hệ nhân quả. Ý niệm về thời gian không thể hiện hữu trong đó, bởi vì chẳng hề có tâm thức hay tư tưởng.

Ý niệm về không gian cũng không thể hiện hữu trong đó, bởi vì chẳng hề có sự biến dịch nào ở bên ngoài. Cái mà các bạn gọi là sự chuyển động hay quan hệ nhân quả cũng không thể tồn tại ở nơi chỉ có Nhất Thể.

Chúng ta phải hiểu điều này, và khắc sâu trong tư tưởng, đó là: cái mà chúng ta gọi là quan hệ nhân quả chỉ bắt đầu sau khi – nếu ta được quyền nói như vậy – Cái Tuyệt Đối suy biến thành thế giới hiện tượng chứ không phải trước; và ý chí của chúng ta, khát vọng của chúng ta cùng tất cả những thứ này đều luôn luôn đến sau điều đó.

Tôi cho rằng triết học Schopenhauer đã phạm sai lầm khi giải thích triết học Vedānta, vì triết học đó xem ý chí là tất cả. Schopenhauer đặt ý chí tại vị trí của Cái Tuyệt Đối.

Nhưng cái tuyệt đối đó không thể được hình dung như là ý chí, bởi vì ý chí là một cái gì đó có thể biến đổi và mang tính hiện tượng, và bên trên giới tuyến của thời gian, không gian cùng quan hệ nhân quả thì không có biến dịch, cũng chẳng hề có vận động; chỉ ở bên dưới giới tuyến đó thì mới bắt đầu có sự vận động bên trong và bên ngoài, mà ta gọi là tư tưởng.

Không thể có ý chí ở phía bên kia, và do đó, ý chí không thể là căn nguyên của vũ trụ. Khi đến gần hơn, ta sẽ thấy rằng trong thể xác chúng ta, ý chí không phải là căn nguyên của mọi hành động.

Tôi dịch chuyển cái ghế này, ý chí của tôi là căn nguyên của hành động đó, và cuối cùng ý chí đó sẽ hiện ra như là chuyển động cơ bắp. Nhưng cũng chính năng lực dịch chuyển cái ghế đó lại làm cho tim tôi đập, phổi tôi thở, v.v… mà không thông qua ý chí.

Giả sử rằng năng lực đó là như nhau thì nó chỉ trở thành ý chí khi được nâng lên bình diện ý thức; trước khi nó được nâng lên bình diện ý thức mà ta lại gọi nó là ý chí thì đó là sự sai lầm về tên gọi. Điều này tạo nên rất nhiều điều nhầm lẫn trong triết học Schopenhauer.

Một hòn đá rơi, và chúng ta hỏi vì sao? Câu hỏi chỉ có thể trở thành câu hỏi khi nó dựa trên giả thiết là không có gì xảy ra mà lại không có nguyên nhân.

Tôi đề nghị các bạn phải hiểu thật rõ ràng điều này, vì bất cứ khi nào chúng ta hỏi vì sao một sự việc bất kỳ nào đó xảy ra thì chúng ta mặc nhiên cho rằng tất cả mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân, có nghĩa là trước đó phải một cái gì đó tác động đến nó, hiểu như là nguyên nhân.

Sự kiện diễn ra trước đó và sự kiện diễn ra kế tiếp là cái mà chúng ta gọi là quy luật nhân quả. Điều này có nghĩa là mọi sự việc trong vũ trụ đều lần lượt là nhân và quả. Một sự việc là nhân của một sự việc diễn ra sau đó, và bản thân nó có thể là quả của một sự việc diễn ra trước đó.

Đây được gọi là quy luật nhân quả, và là điều kiện cần thiết cho tư duy của chúng ta. Chúng ta tin rằng mọi phân tử trong vũ trụ, cho dù là bất cứ phân tử nào, cũng đều nằm trong mối tương quan với mọi phân tử khác. Quan niệm này phát sinh như thế nào thì đã có nhiều cuộc tranh luận rồi.

Tại châu Âu, có những triết gia theo thuyết trực giác tin rằng quan niệm đó là bản tính cố hữu của nhân loại, một số triết gia khác lại tin rằng nó xuất phát từ kinh nghiệm, nhưng vấn đề vẫn chưa bao giờ ngã ngũ. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ thấy kinh điển Vedānta nói về điều này như thế nào.

Nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu chính cách thức đặt câu hỏi “vì sao” đó đã giả định trước một điều rằng: mọi sự vật bất kỳ quanh ta đều là quả của một sự vật nào đó đi trước, đồng thời là nhân của một sự vật nào đó tiếp theo.

Trong vấn đề này, có những người tin rằng không có gì trong vũ trụ có thể tồn tại độc lập, mà vạn vật đều hỗ tương tác động lẫn nhau. Hỗ tương tác động là quy luật của toàn thể vũ trụ.

Khi đặt câu hỏi cái gì tạo ra Cái Tuyệt Đối, chúng ta đã phạm sai lầm tai hại! Vì khi đặt câu hỏi này thì chúng ta phải giả định rằng Cái Tuyệt Đối cũng bị ràng buộc vào một cái gì đó, phải phụ thuộc vào một cái gì đó. Và khi giả định điều đó thì chúng ta đã kéo Cái Tuyệt Đối xuống bình diện của vũ trụ rồi.

Bởi vì trong Cái Tuyệt Đối thì không hề có thời gian, không gian, hay quan hệ nhân quả. Nó là cái một nhưng bao hàm tất cả, tức là nhất thể hàm dung [ all one]. Cái gì tự thân tồn tại thì không thể chịu tác động của bất kỳ nhân nào.

Cái gì tự do tự tại thì không thể chịu tác động của bất kỳ nhân nào, nếu không thế thì nó không còn tự do tự tại nữa mà bị ràng buộc trong mối tương quan. Cái gì nằm trong mối tương quan thì không thể tự do tự tại.

Do đó, chúng ta thấy ngay câu hỏi đó – vì sao Cái Vô Hạn lại biến thành Cái Hữu Hạn – đã là một câu hỏi bất thành, vì nó tự mâu thuẫn với chính nó.

Xuất phát từ tính chất tế nhị tinh vi của môn luận lý học trên bình diện nhận thức thông thường, ta có thể thấy được điều này từ phía bên kia, khi tìm hiểu Cái Tuyệt Đối biến thành tương đối như thế nào. Giả sử khi ta biết được lời giải đáp thì liệu Cái Tuyệt Đối vẫn còn là Cái Tuyệt Đối hay không? Rất có thể nó biến thành tương đối.

Theo cách hiểu thông thường của chúng ta thì kiến thức có nghĩa là gì? Chỉ khi một cái gì đó bị giới hạn trong tâm trí chúng ta thì chúng ta biết được, còn khi nó vượt ngoài tâm trí chúng ta thì ta không còn nhận thức được nữa.

Giờ đây, nếu Cái Tuyệt Đối bị giới hạn bởi tâm trí thì Nó không còn là Cái Tuyệt Đối nữa; Nó đã trở nên hữu hạn. Bất kỳ thứ gì bị giới hạn bởi tâm trí cũng biến thành hữu hạn. Bởi vậy, nhận thức được Cái Tuyệt Đối là một điều mâu thuẫn trong thuật ngữ.

Đó là lý do câu hỏi đó không bao giờ có lời giải đáp; vì khi giải đáp được thì Nó không còn là Cái Tuyệt Đối nữa. Thượng Đế mà ta nhận thức được thì không còn là Thượng Đế nữa, vì Ngài đã trở nên hữu hạn như chúng ta. Ta không thể nhận thức được Ngài vì Ngài là đấng Bất Khả Tri.

Nhưng Advaita tuyên bố rằng Thượng Đế còn hơn là đấng khả tri. Đây là sự kiện lớn lao cần phải học hỏi. Các bạn không cần phải làm quen với quan niệm Thượng Đế là đấng bất khả tri hiểu theo thuật ngữ của những người theo thuyết bất khả tri.

Ví dụ đây là cái ghế, chúng ta nhận biết điều đó. Nhưng những gì tồn tại ở ngoài cõi ether, hoặc liệu có người sống ở đấy không, thì điều đó đối với ta là xa lạ, không thể biết được. Còn Thượng Đế không phải là đấng khả tri hoặc bất khả tri theo nghĩa này.

Ngài vẫn là cái gì đó cao siêu hơn những gì được nhận biết, đó là cách ta hiểu về một đấng Thượng Đế xa lạ và bất khả tư nghì. Cách diễn đạt này không được dùng theo nghĩa mà người ta có thể nói về một số câu hỏi nào đó mang tính xa lạ và bất khả tri.

Thượng Đế còn hơn những gì được nhận biết. Ta biết được cái ghế, nhưng biết được Thượng Đế còn mãnh liệt hơn rất nhiều, bởi vì để biết được bản thân cái ghế thì ta phải biết được nó trong Thượng Đế và qua Thượng Đế. Ngài là Chứng Nhân, vị Chứng Nhân vĩnh cửu cho mọi kiến thức.

Tất cả những gì ta biết được đều phải biết được trong Ngài và qua Ngài. Ngài là bản thể tinh yếu của tự ngã chúng ta. Ngài là bản thể tinh yếu của cái Tôi này, và chúng ta không thể biết được bất cứ điều gì, trừ phi biết nó trong cái Tôi và qua cái Tôi đó.

Do đó, các bạn phải biết vạn vật trong Brahman và qua Brahman. Để biết cái ghế, các bạn phải biết nó trong Thượng Đế và qua Thượng Đế. Bởi thế, Thượng Đế vô cùng gần gũi thân cận với chúng ta hơn là chiếc ghế, nhưng đồng thời Ngài cũng cao xa hơn đến vô cùng.

Ngài không phải là cái khả tri hay là cái bất khả tri mà là cái gì đó vô cùng cao siêu hơn cả hai điều đó. Ngài chính là Thực Ngã của các bạn. “Ai có thể sống được một giây, ai có thể thở một giây trong vũ trụ này, nếu không có đấng Thế Tôn ngập tràn trong đó?” Bởi vì chúng ta thở trong Ngài và qua Ngài, chúng ta tồn tại trong Ngài và qua Ngài.

Ngài không đứng tại một nơi nào đó và khiến máu luân lưu trong cơ thể tôi. Điều này có nghĩa rằng Ngài là cốt tủy, là Bản Thể Tinh Yếu của tất cả những thứ đó, là Linh Hồn của linh hồn tôi.

Các bạn không thể bảo rằng các bạn biết được Ngài dù bằng bất cứ cách nào; vì điều đó hạ thấp Thượng Đế. Các bạn không thể thoát ra khỏi tự thân mình, bởi vậy các bạn không thể biết được Ngài. Kiến thức là tiến trình khách thể hóa.

Chẳng hạn, trong ký ức, các bạn đang biến nhiều thứ thành khách thể, đang phóng chiếu chúng ra khỏi tự thân. Mọi ký ức, mọi sự vật mà tôi đã thấy và biết đều ở cả trong tâm trí tôi.

Những hình ảnh, những ấn tượng của tất cả những điều này đều nằm trong tâm trí tôi, và mỗi khi tôi muốn nghĩ về chúng, muốn biết về chúng thì hành động đầu tiên của kiến thức là phóng chiếu chúng ra ngoài.

Với Thượng Đế thì ta không thể làm như thế, bởi vì Ngài là Bản Thể Tinh Yếu của linh hồn chúng ta, ta không thể phóng chiếu Ngài ra ngoài được.

Đây là một trong những đoạn kinh văn thâm thúy nhất trong kinh điển Vedānta: “Ngài là Bản Thể Tinh Yếu của linh hồn ngươi, Ngài là Chân Lý, Ngài là Thực Ngã, ngươi là Cái Đó, hỡi Shvetaketu”. Đó là ý nghĩa của câu nói: “Ngươi là Thượng Đế”.

Các bạn không thể mô tả Ngài bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Mọi nỗ lực của ngôn ngữ, gọi ngài là Cha, hoặc là người anh em, hoặc là người bạn chí thân, v.v… đều là những nỗ lực muốn khách thể hóa Thượng Đế, đó là điều bất khả. Ngài là Chủ Thể Vĩnh Cửu của muôn vật.

Tôi là chủ thể đối với cái ghế này, nên tôi thấy được nó; cũng thế đó, Thượng Đế là Chủ Thể Vĩnh Cửu của linh hồn tôi. Làm sao các bạn có thể khách thể hóa Ngài – Bản Thể Tinh Yếu của linh hồn các bạn, Thực Tính của vạn hữu?

Do đó, tôi muốn lặp lại với các bạn một lần nữa rằng: Thượng Đế không phải là cái khả tri hay là cái bất khả tri, mà là cái gì đó vô cùng cao siêu hơn cả hai điều này. Ngài hợp nhất với chúng ta, và những gì hợp nhất với chúng ta đều không phải là khả tri hay bất khả tri, giống như chính tự ngã của các bạn.

Các bạn không thể biết được tự ngã của mình; các bạn không thể đem nó ra ngoài, rồi biến thành một đối tượng để nhìn ngắm, bởi vì các bạn chính là cái đó, và không thể tách ra khỏi nó.

Mà nó cũng không phải là bất khả tri, bởi vì có gì mà các bạn lại có thể biết rõ hơn chính bản thân mình? Nó thực sự là trung tâm kiến thức của chúng ta. Đúng theo nghĩa này, Thượng Đế không phải là cái bất khả tri hay là cái khả tri mà là cái gì đó vô cùng cao siêu hơn cả hai điều đó, vì Ngài chính là Thực Ngã của chúng ta.

Trước hết, ta thấy rằng câu hỏi “Cái gì sinh ra Cái Tuyệt Đối?” đã tự mâu thuẫn về thuật ngữ; thứ hai, chúng ta thấy rằng quan niệm về Thượng Đế trong Advaita là Nhất Thể Tính [ Oneness] này; và do đó, chúng ta không thể khách thể hóa Ngài, vì chúng ta luôn sống và di chuyển trong Ngài, dù ta có biết đều đó hay không.

Mọi hành động của chúng ta đều thông qua Ngài. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là: thời gian, không gian và quan hệ nhân quả là gì? Advaita có nghĩa là phi nhị nguyên; không có hai thể mà chỉ có một thể.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng đây là một mệnh đề mà trong đó Cái Tuyệt Đối tự thân hiển lộ như là cái đa thù, thông qua bức màn của thời gian, không gian và quan hệ nhân quả.

Do vậy, ta thấy tựa hồ có hai thể – tức Cái Tuyệt Đối và Māyā (tổng số của thời gian, không gian và quan hệ nhân quả). Xét bề ngoài thì rõ ràng ta tin chắc là có hai thể. Nhưng người theo thuyết Advaita trả lời rằng không thể gọi nó là hai.

Để có hai thể thì phải có hai thực thể tồn tại độc lập, tự sinh. Trước hết, ta không thể bảo rằng thời gian, không gian và quan hệ nhân quả tồn tại độc lập.

Thời gian là sự tồn tại phụ thuộc hoàn toàn; nó thay đổi theo từng sự thay đổi trong tâm trí ta. Đôi khi trong giấc mơ, một người lại tưởng như mình sống hàng mấy năm, nhiều lúc một vài tháng lại thoáng qua như chỉ một giây.

Thứ hai, ý niệm về thời gian đôi khi cũng tan biến mất. Đối với không gian cũng thế. Ta không thể biết được không gian là gì. Ấy vậy mà không gian vẫn cứ tồn tại ở đấy, không thể xác định, và không thể tồn tại tách biệt với bất cứ đối tượng nào khác.

Quan hệ nhân quả cũng thế. Một thuộc tính đặc thù mà ta tìm thấy trong thời gian, không gian và quan hệ nhân quả là chúng không thể tồn tại độc lập với nhau.

Hãy thử tưởng tượng một không gian không có màu sắc, giới hạn, hay không có bất kỳ một mối quan hệ nào với những sự vật chung quanh – đó chỉ là không gian trừu tượng. Các bạn không thể làm được điều đó, các bạn buộc phải tư duy về một không gian nằm giữa hai giới hạn, hoặc giữa ba đối tượng.

Không gian phải kết hợp với một đối tượng nào đó mới tồn tại được. Đối với thời gian cũng vậy; các bạn không thể có bất kỳ ý niệm nào về một loại thời gian trừu tượng, mà các bạn phải dùng đến hai biến cố, một biến cố xảy ra trước và một biến cố khác tiếp theo sau, rồi kết hợp chúng lại bằng khái niệm kế tục trước sau.

Thời gian tùy thuộc vào hai biến cố, cũng giống như không gian tùy thuộc vào những đối tượng bên ngoài. Và ý niệm về quan hệ nhân quả thì không thể tách lìa khỏi thời gian và không gian. Cả ba: thời gian, không gian và quan hệ nhân quả đều có một tính chất đặc thù là chúng không thể tồn tại độc lập.

Thậm chí chúng không thể tồn tại như cái ghế hay bức tường kia. Chúng như cái bóng bao quanh tất cả sự vật mà các bạn không sao nắm bắt được. Chúng không thực sự tồn tại, thế nhưng chúng cũng không phải là không tồn tại, bởi vì nhờ chúng mà tất cả sự vật mới có thể hiển thị thành cái vũ trụ này.

Bởi vậy, trước tiên ta thấy rằng khi thời gian, không gian và quan hệ nhân quả kết hợp với nhau thì sự kết hợp đó không hề tồn tại mà cũng không không tồn tại; tiếp đó là chúng đôi khi tan biến. Ta hãy dùng sóng biển để minh họa. Hiển nhiên sóng với biển là một, nhưng khi ta nhận biết sóng là sóng thì nó khác với biển.

Cái gì tạo ra sự khác biệt đó? Do danh xưng và sắc tướng, nghĩa là ý niệm trong tâm thức và sắc tướng. Bây giờ, ta có thể tư duy sắc tướng của sóng [ wave – form] như là cái gì đó tách biệt với biển được không? Hiển nhiên là không.

Bởi vì sắc tướng của sóng phải luôn gắn liền với ý niệm biển. Nếu sóng rút xuống thì sắc tướng tan biến mất trong lúc đó, nhưng sắc tướng đó không phải là một ảo giác. Chừng nào sóng tồn tại thì sắc tướng tồn tại, và các bạn buộc phải nhìn sắc tướng.

Và đây là māyā. Toàn thể vũ trụ, do đó, có thể nói là một sắc tướng đặc thù; Cái Tuyệt Đối là biển cả mà trong đó các bạn và tôi, mặt trời và mặt trăng, cùng tất cả mọi thứ khác đều là những đợt sóng khác nhau đang nhấp nhô.

Cái gì khiến cho các con sóng khác nhau? Chỉ là do sắc tướng; và sắc tướng đó là thời gian, không gian và quan hệ nhân quả, tất cả đều tùy thuộc vào con sóng. Ngay khi con sóng vừa tan đi thì tất cả những thứ đó đếu biến mất.

Ngay khi một người vừa từ bỏ được māyā này, nó sẽ tan biến mất và anh ta trở nên tự do tự tại. Toàn bộ cuộc đấu tranh là thoát khỏi sự chấp trước vào thời gian, không gian cùng quan hệ nhân quả, vốn là những thứ luôn gây chướng ngại cho ta.

Thuyết tiến hóa là gì? Hai yếu tố là gì[2]? Một thế năng [ potential power] khủng khiếp đang cố tự hiển thị, còn hoàn cảnh thì cố ghìm nó xuống, và môi trường thì không cho phép nó hiển lộ. Thế đấy, để chiến đấu với môi trường này, năng lượng đó phải luôn khoác một hình thức mới.

Một con a – míp, trong cuộc đấu tranh đó, phải mang một thân xác khác, vượt qua chướng ngại, rồi lại tiếp tục mang một thân xác khác, tiếp tục vượt chướng ngại, cho đến khi nó biến thành con người.

Bây giờ, nếu các bạn đưa ý tưởng này đến một kết luận hợp lý thì phải đến một lúc cái năng lượng ở trong con a – míp và tiến hóa thành con người đó ắt sẽ chinh phục được tất cả những trở ngại mà thiên nhiên đặt trước nó, và do đó, sẽ thoát ra khỏi tất cả môi trường chung quanh.

Ý tưởng này nếu được diễn tả bằng siêu hình học sẽ mang hình thức như vầy: trong mọi sự vật đều có hai mặt đối lập, một cái là chủ thể, cái kia là khách thể, và mục đích của cuộc sống là phải để cho chủ thể làm chủ được khách thể.

Chẳng hạn, tôi thấy khó chịu vì có người la mắng tôi. Sự đấu tranh của tôi sẽ khiến tôi mạnh mẽ đủ để chiến thắng được môi trường quanh tôi, sao cho người đó có thể mắng chửi nhưng tôi lại không cảm thấy khó chịu.

Đó là cách thức mà tất cả chúng ta đều đấu tranh để chiến thắng. Đạo đức có nghĩa là gì? Đó là làm cho chủ thể mạnh mẽ lên bằng cách hòa thanh hài điệu với Cái Tuyệt Đối, để cho thiên nhiên hữu hạn không còn chế ngự chúng ta được nữa.

Kết luận hợp lý của triết học chúng ta là: phải đến lúc chúng ta sẽ chế ngự được tất cả môi trường, bởi vì thiên nhiên thì hữu hạn.

Đây là một điều khác nữa cần phải học hỏi. Làm sao các bạn biết được rằng thiên nhiên hữu hạn? Các bạn chỉ biết được điều đó nhờ siêu hình học. Thiên nhiên là Cái Vô Biên nằm trong những hạn độ. Bởi vậy nó mới hữu hạn.

Do đó, phải đến lúc chúng ta sẽ chế ngự được toàn thể môi trường. Và chúng ta chế ngự chúng như thế nào? Có lẽ ta không thể chế ngự được toàn thể môi trường khách quan. Ta không thể làm được điều đó. Con cá nhỏ muốn bay thoát khỏi kẻ thù trong dòng nước.

Làm thế nào nó có thể thực hiện được điều này? Nó phải mọc cánh và tiến hóa thành loài chim. Con cá đó không thể thay đổi được dòng nước hay không khí, mà sự biến đổi đó đã ở ngay trong chính tự thân nó. Sự biến đổi luôn mang tính chủ quan.

Thông qua thuyết tiến hóa, các bạn thấy rằng việc chế ngự thiên nhiên xuất phát từ sự biến đổi nơi chủ thể. Vận dụng điều này vào lĩnh vực tôn giáo và đạo đức, các bạn sẽ thấy rằng chế ngự điều xấu xa chỉ có thể xuất phát từ sự thay đổi mang yếu tố chủ quan mà thôi.

Đây là điểm đem lại toàn bộ sức mạnh cho hệ thống triết học Advaita: yếu tố chủ quan nơi con người. Bàn về điều xấu xa hay sự khốn khổ là chuyện tầm phào vô nghĩa, vì chúng không tồn tại bên ngoài tâm ta. Nếu tôi miễn nhiễm được với mọi điều sân si thì tôi không bao giờ nổi nóng.

Nếu tôi đề kháng được với mọi tư tưởng hận thù thì tôi không bao giờ cảm nhận được sự hận thù, bởi vì nó không thể chạm được vào tôi. Bởi vậy, đây là tiến trình mà nhờ đó ta chế ngự được thiên nhiên – nghĩa là thông qua chủ thể, và bằng cách hoàn thiện chủ thể.

Tôi xin đánh bạo mà nói rằng tôn giáo duy nhất phù hợp được với những công trình nghiên cứu hiện đại về phương diện vật lý lẫn đạo lý, thậm chí còn tiến xa hơn nữa, chính là triết học Advaita, và đó là lý do vì sao nó hấp dẫn các nhà khoa học hiện đại nhiều đến thế.

Các nhà khoa học đó thấy rằng những học thuyết nhị nguyên già cỗi không đủ đáp ứng cho họ, không làm thỏa mãn những yêu cầu bức thiết của họ. Con người không chỉ cần có đức tin mà còn phải có đức tin bằng trí năng nữa.

Giờ đây, ở vào nửa sau thế kỷ 19, những quan niệm đại loại như cho rằng tôn giáo xuất phát từ một cội nguồn khác với tôn giáo được truyền thừa từ thời cổ đại hẳn là điều sai lầm, những quan niệm đó cho thấy chúng vẫn còn điểm yếu và cần phải từ bỏ.

Tôi không muốn nói rằng tình trạng đó chỉ xảy ra tại quốc gia này, mà nó diễn ra ở khắp mọi nơi, và không ở đâu hơn trên chính đất nước của tôi. Triết học Advaita không bao giờ cho phép tất cả mọi người tiếp cận.

Thoạt tiên, chỉ một vài tu sĩ nắm giữ được nó và mang vào rừng, do đó triết học này có tên gọi là “Triết học núi rừng”. Vì lòng từ bi của bậc giác ngộ, Đức Phật đã đến và thuyết giảng giáo pháp đó cho quần chúng, khiến cả đất nước này đều quy y theo Phật.

Thật lâu về sau, khi những kẻ vô thần và những người theo thuyết bất khả tri phá hủy đất nước này lần nữa, người ta phát hiện ra rằng triết học Advaita là con đường duy nhất cứu đất nước Ấn Độ thoát khỏi thuyết duy vật.

Như vậy là triết học Advaita đã hai lần cứu Ấn Độ thoát khỏi thuyết duy vật. Trước khi Đức Phật ra đời, thuyết duy vật đã lan tràn đến mức độ khủng khiếp, và nó là một loại triết học đáng ghê sợ nhất, không phải dưới hình thức như ngày nay, mà mang một bản chất vô cùng tệ hại.

Theo một nghĩa nào đó thì tôi là một người duy vật, bởi vì tôi tin vào Thực Thể Duy Nhất. Đó là điều mà người duy vật muốn các bạn tin; chỉ khác một điểm: họ gọi nó là vật chất, còn tôi thì gọi là Thượng Đế. Người duy vật cho rằng những thứ như hy vọng, tôn giáo, cùng tất cả bao thứ khác đều phát sinh từ vật chất.

Tôi thì cho rằng tất cả những thứ đó đều phát sinh từ Brahman. Những thuyết duy vật chi phối xã hội Ấn Độ trước khi Đức Phật xuất thế chỉ là một thuyết duy vật thô sơ. Nó tuyên bố: “Hãy ăn uống và hưởng lạc; chẳng hề có Thượng Đế, linh hồn hay thiên đàng gì hết; tôn giáo chỉ là trò bừa bịp của bọn thầy tu nham hiểm”.

Thuyết đó dạy đạo lý rằng chừng nào còn sống thì cứ việc ăn chơi hưởng lạc, dù có phải đi vay mượn để ăn uống thì cũng đừng bao giờ bận tâm đến chuyện trả nợ làm chi. Đó là học thuyết duy vật cổ lỗ, và loại triết học đó lan tràn mạnh mẽ tới tận ngày nay, đến mức nó mang tên là “triết học bình dân”.

Đức Phật đưa triết học Vedānta ra ánh sáng, trao nó cho dân chúng, và cứu lấy đất nước Ấn Độ. Sau khi Đức Phật nhập diệt được một ngàn năm thì tình trạng tương tự lại tái diễn.

Đám đông hỗn tạp của đủ loại chủng tộc quy y theo Phật giáo nên theo lẽ tự nhiên thì sớm muộn gì Phật pháp cũng suy đồi, bởi vì hầu hết tín đám đồ đó đều là những người bình dân ít học.

Phật giáo không dạy về Thượng Đế, hay Pháp Tắc vũ trụ, cho nên dần dần đám đông quần chúng mang theo thần thánh và cả ma quỷ yêu tinh của họ để biến Phật giáo tại Ấn Độ thành một cái nồi khổng lồ chứa đủ thứ hổ lốn tạp nham.

Một lần nữa, thuyết duy vật giữ vai trò chủ đạo, khiến tầng lớp thượng lưu thì ăn chơi sa đọa, còn giới bình dân thì đâm ra mê tín dị đoan. Học phái Śankarāchārya trỗi dậy, và một lần nữa làm hồi sinh triết học Vedānta. Nó biến triết học này thành một loại triết học duy lý.

Trong các kinh thư Upanishad, những lập luận thường rất tối nghĩa. Đức Phật thì nhấn mạnh đến phương diện đạo lý của triết học này, còn học phái Śankarāchārya thì nhấn mạnh đến phương diện tri thức. Śankarāchārya biên tập lại, hợp lý hóa các lập luận và đưa cho mọi người một hệ thống triết học Advaita mạch lạc tuyệt vời.

Ngày nay, thuyết duy vật thắng thế ở châu Âu. Các bạn có thể cầu nguyện để những triết gia hoài nghi hiện đại được cứu rỗi, nhưng họ không nhượng bộ, họ cần đến lý trí.

Sự cứu rỗi châu Âu tùy thuộc vào một tôn giáo duy lý; và triết học Advaita – một loại triết học phi nhị nguyên, triết học về Nhất Thể, quan niệm về một Thượng Đế Phi Nhân Thể hay Thượng Đế Không Mang Hình Ảnh Con Người [ Impersonal God] – là tôn giáo duy nhất có thể thích hợp với bất kỳ dân tộc trí thức nào.

Triết học này xuất hiện bất cứ khi nào tôn giáo có vẻ như tan biến và tình trạng phi tôn giáo tựa hồ như thắng thế, đó là lý do vì sao nó đã bén rễ được trên vùng đất châu Âu và châu Mỹ. Tôi muốn trình bày thêm một điều nữa có liên quan với triết học này.

Trong các cổ thư Upanishad, ta thấy một nền văn học tao nhã, tác giả chúng là những nhà thơ. Plato nói thơ ca truyền cảm hứng đến với dân chúng, và tựa hồ những Rishi thời cổ – những nhà hiền triết thấu thị được Chân Lý – đã vượt lên cao hẳn với loài người để bày tỏ những chân lý đó bằng thơ ca.

Họ không truyền giảng, cũng chẳng triết lý hay viết lách gì cả. Âm nhạc trào dâng từ tâm hồn họ. Với Đức Phật, ta có được một tâm hồn vĩ đại bao trùm cả vũ trụ và một sự kham nhẫn vô bờ bến, khi Ngài biến tôn giáo thành thực tiễn và mang nó đến tận cửa của từng nhà.

Trong triết học Śankarāchārya ta lại thấy một trí năng mãnh liệt, dùng ánh sáng của lý trí để sáng soi muôn vật. Ngày nay, ta cần một vầng dương sáng chói của trí tuệ kết hợp với trái tim của Đức Phật – một trái tim diệu kỳ chan chứa sự thương yêu vô lượng.

Sự kết hợp này sẽ đem lại cho chúng ta một nền triết học cao cả nhất. Khoa học và tôn giáo sẽ cùng gặp gỡ để nắm tay nhau. Thơ ca và triết học sẽ trở thành bè bạn. Đó sẽ là tôn giáo của tương lai, và nếu ta có thể phát triển rộng thêm thì điều đó chắc chắn sẽ diễn ra ở mọi thời đại và cho mọi dân tộc.

Đây là điều duy nhất mà khoa học hiện đại có thể chấp nhận, bởi vì hầu như nó đã đến với nền khoa học rồi. Khi một nhà khoa học khẳng định rằng tất cả đều là biểu hiện của lực, điều đó há không nhắc nhở các bạn nhớ đến Thượng Đế mà các bạn đã từng nghe trong những kinh thư Upanishad hay sao?

“Khi tiến vào vũ trụ, ngọn lửa duy nhất tự biểu hiện trong muôn ngàn sắc tướng như thế nào thì Linh Hồn Duy Nhất cũng tự biểu hiện trong mỗi linh hồn như thế ấy, và còn vô tận vô biên hơn thế nữa”. Các bạn há không thấy khoa học hướng về đâu chăng?

Đất nước Ấn Độ thực hành khoa học thông qua nghiên cứu tâm thức, siêu hình học và luận lý học. Các quốc gia châu Âu lại khởi đầu khoa học từ thiên nhiên bên ngoài, và giờ đây cả hai đang đi đến cùng một kết quả.

Ta thấy rằng khi tìm kiếm thông qua tâm thức thì rốt cuộc ta cũng đi đến Nhất Thể Tính đó, Nhất Thể Phổ Quát đó, đến cái Linh Hồn của vạn hữu, Bản Thể Tinh Yếu và Thực Tại Tính của muôn vật, đến sự Tự Do cố hữu, niềm Lạc Phúc cố hữu, cái Vĩnh Viễn Thường Tồn.

Thông qua việc nghiên cứu vật chất bằng khoa học, ta cũng đi đến Nhất Thể Tính đó. Ngày nay, khoa học cho ta biết rằng vạn vật chỉ là sự biểu hiện của một nguồn năng lượng duy nhất vốn là tổng số năng lượng của tất cả sự vật tồn tại, và xu hướng của loài người là tiến đến tự do chứ không phải tiến đến nô lệ.

Tại sao con người lại cần phải đạo đức? Bởi vì con đường đi xuyên qua đạo đức sẽ đưa ta đến tự do, còn con đường đi xuyên qua vô luân chỉ dẫn đến nô lệ, ràng buộc. Một điểm đặc thù khác của hệ thống triết học Advaita là từ khởi thủy nó không phải là triết học phá hoại.

Đây là niềm vinh quang khác, là sự dũng cảm khi tuyên bố: “Đừng quấy nhiễu đức tin của bất kỳ ai, kể cả những kẻ mà sự vô minh ngu muội đã gắn kết họ với những hình thức sùng bái thấp kém nhất”. Điều đó có nghĩa là đừng quấy nhiễu, mà hãy giúp đỡ để mọi người ngày càng hướng thượng, bao gồm tất cả loài người.

Triết học đó thuyết giảng về một Thượng Đế là tổng số bao hàm tất cả. Nếu các bạn muốn tìm một tôn giáo phổ quát có thể thích hợp được với tất cả mọi người thì tôn giáo đó không thể được cấu thành từ những thành phần riêng lẻ, mà nó phải là tổng số và bao trùm mọi mức độ phát triển khác nhau của tôn giáo.

Ta không thể thấy rõ ý tưởng này trong bất kỳ một hệ thống tôn giáo nào khác. Mọi tôn giáo khác đều là những thành phần tương đương, cùng đấu tranh lẫn nhau để đạt đến cái toàn thể. Những thành phần đó tồn tại chỉ vì mục đích này thôi.

Do đó, ngay từ khởi thủy, triết học Advaita không hề mâu thuẫn với những tông phái đang tồn tại ở Ấn Độ. Ngày nay có những triết gia nhị nguyên luận, nhưng ở Ấn Độ thì số lượng những triết gia đó đông đảo nhất, bởi vì theo lẽ tự nhiên thì thuyết nhị nguyên luôn hấp dẫn những đầu óc ít hiểu biết.

Đó là cách giải thích vũ trụ tiện lợi và tự nhiên theo lý trí thông thường. Nhưng với những triết gia nhị nguyên đó, Advaita không hề tranh luận.

Người thì cho rằng Thượng Đế ở ngoài vũ trụ, tại một nơi nào đó trên thiên đàng; kẻ khác lại quan niệm rằng Ngài là Linh Hồn của mình, nên xem Ngài là một đối tượng cao xa bất kỳ nào cũng đều là báng bổ. Bất cứ ý tưởng nào về sự tách biệt giữa Ngài và ta cũng đều khủng khiếp.

Ngài là đấng thân thiết gần gũi trong những cái cận kề. Trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng không có một danh từ nào diễn đạt được ý tưởng cận kề này ngoài danh từ Nhất Thể Tính.

Triết gia Advaita không thỏa mãn với bất kỳ một tư tưởng nào khác, những triết gia nhị nguyên sửng sốt trước tư tưởng Advaita và cho đó là báng bổ, bất kính. Đồng thời, triết gia Advaita cũng hiểu rằng những tư tưởng kia phải là thế, cho nên ông ta không hề tranh luận với những triết gia nhị nguyên đi đúng đường.

Từ lập trường của mình, triết gia nhị nguyên phải nhìn thấy sự đa tạp. Đó là yếu tố thiết yếu cấu thành nên lập trường của họ. Hãy cứ để yên họ như thế. Triết gia Advaita biết rằng dù lý thuyết của các triết gia nhị nguyên có là gì đi nữa thì họ cũng đi đến cùng một mục đích như mình.

Do đó, ông ta hoàn toàn khác với các triết gia nhị nguyên vì những triết gia này bị gò bó trong quan điểm hạn hẹp của mình nên tin rằng tất cả quan điểm khác đều sai lầm.

Dĩ nhiên là những triết gia nhị nguyên khắp thế giới tin vào một Thượng Đế Nhân Thể, vị Thượng Đế đó giống hệt con người về hình dạng, có quyền năng vĩ đại, ưa thích người này, ghét bỏ kẻ kia. Ngài thấy hài lòng với một dân tộc hay một chủng tộc nào đó, và ban ơn phước cho họ.

Dĩ nhiên những triết gia nhị nguyên đi đến kết luận rằng Thượng Đế cũng có những tín đồ được Ngài đặc biệt yêu quý, và họ mong được là một trong những người đó.

Các bạn thấy rằng trong hầu hết mọi tôn giáo ta đều gặp ý tưởng này: “Chúng ta là những người được Thượng Đế của chúng ta yêu thương nhất, do dó hãy dốc lòng tin tưởng đặng hưởng ân phước của Người”.

Một số triết gia nhị nguyên còn hẹp hòi, nông cạn đến mức khăng khăng cho rằng chỉ có một số ít người nào được chọn để hưởng ân sủng của Chúa mới được cứu rỗi, còn những người khác dù có nỗ lực đến mấy cũng bị khước từ.

Tôi thách các bạn chỉ ra một tôn giáo nhị nguyên nào mà không có ít nhiều tư tưởng độc đoán này. Do vậy, theo lý tự nhiên, những tôn giáo nhị nguyên buộc phải chiến đấu và xung đột với nhau, từ xưa mãi đến tận bây giờ.

Hơn thế nữa, các triết gia nhị nguyên được đông đảo quần chúng tin theo là nhờ vào đầu óc phù phiếm hời hợt của đám người thất học. Đám người này cảm thấy họ là những tín đồ được đặc quyền hưởng ân sủng.

Các triết gia nhị nguyên cho rằng các bạn không thể nào là người đạo đức cho đến khi nào bạn tin vào một đấng Thượng Đế cầm roi trên tay để sẵn sàng trừng phạt bạn.

Đám đông cạn cợt thiếu suy nghĩ đó thường là những người theo quan điểm nhị nguyên, và những kẻ đáng thương đó đã bị đày đọa khốn khổ hàng mấy ngàn năm tại mọi quốc gia; bởi vậy, họ quan niệm cứu rỗi là thoát khỏi sự trừng phạt này.

Nhưng chúng ta thấy rằng những người ưu tú nhất và những người vĩ đại nhất đã từng sinh ra trên cõi thế đều làm việc với ý tưởng phi nhân thể cao thượng đó. Đó là người đã từng tuyên bố: “Ta và Cha ta là Một”, người mà quyền năng đã truyền xuống cho hàng triệu người.

Trong hai ngàn năm qua, vị đó vẫn mãi mãi hành động. Và chúng ta cũng biết rằng cũng chính người đó, bởi vì Ngài là người phi nhị nguyên, rất nhân ái với người khác. Đối với đám đông không thể lĩnh hội cái gì cao siêu hơn một Thượng Đế Nhân Thể thì Ngài phán: “Hãy cầu nguyện Cha các ngươi trên trời”.

Đối với những người tâm trí mở mang có thể hiểu được những giáo lý cao xa hơn thì Ngài phán: “Ta là cây nho, các ngươi là cành nhánh”; nhưng đối với những môn đồ mà Ngài có thể tự hiển lộ trọn vẹn hơn thì Ngài thuyết giảng chân lý tối thượng: “Ta và Cha ta là một”.

Đó là Đức Phật vĩ đại, người chưa hề quan tâm đến thần linh của những triết gia nhị nguyên, người bị gọi là kẻ vô thần và duy vật, tuy vậy Ngài lại là người sẵn sàng hy sinh thân mình vì một con dê đáng thương. Người đó đã khởi xướng những tư tưởng đạo đức cao siêu nhất mà bất kỳ một quốc gia nào có thể có được.

Bất cứ nơi nào có những chuẩn mực đạo đức thì đó là ánh sáng phát xuất từ người đó.

Ta không thể đem ép những tâm hồn vĩ đại của thế gian vào trong những khuôn khổ hạn hẹp và giữ chúng ở đó, nhất là tại thời điểm mà trong lịch sử nhân loại, trí năng đã phát triển đến mức cả một trăm năm trước đó cũng không bao giờ tưởng tượng nổi, khi mà làn sóng tri thức khoa học đã trỗi dậy mà không một người nào cách đó năm mươi năm từng mơ tưởng tới.

Đem ép con người vào trong những khuôn khổ hạn hẹp là các bạn đã làm họ suy đồi, biến thành loài vật và đám đông không có đầu óc. Làm như thế là các bạn giết chết sinh hoạt đạo đức. Cái còn thiếu giờ đây là sự kết hợp trái tim vĩ đại nhất với bộ óc uyên bác nhất, kết hợp tình yêu vô biên với kiến thức vô hạn.

Triết gia Vedānta không gán cho Thượng Đế một thuộc tính nào ngoài ba thứ sau đây: Ngài là Hiện Hữu Vô Lượng, Đại Trí Vô Lượng và Đại Bi Vô Lượng; và Ngài xem cả ba điều đó là một. Hiện Hữu mà không có Trí và Bi là điều không thể có; mà Trí thiếu Bi hay Bi thiếu Trí cũng là điều không thể có.

Điều mà chúng ta cần là sự hài hòa giữa Hiện Hữu Vô Lượng, Đại Trí Vô Lượng và Đại Bi Vô Lượng. Vì đó là mục tiêu của ta. Chúng ta cần sự hài hòa, chứ không phải sự phát triển một chiều. Ta có thể có được trí tuệ của một Śhankara với tâm hồn của một Đức Phật. Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ đấu tranh để đạt đến sự kết hợp thiêng liêng đó.

[1] Khái niệm tuyệt đối hay tương đối không phải hiểu theo cách thông thường. Tuyệt đối có nghĩa là tự tại, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào bất kỳ một đối tượng nào, còn tương đối có nghĩa là phụ thuộc lẫn nhau.

[2] Theo Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, thì sự tiến hóa tùy thuộc vào hai yếu tố: 1. Biến thể (variation) và 2. Thích nghi với môi trường.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x