Trang chủ » Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

by Trung Kiên Lê
72 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Trước khi xét kỹ hơn vấn đề say sưa với bổn phận sẽ giúp chúng ta tiến bộ như thế nào về tâm linh, hãy để tôi trình bày cho các bạn một khía cạnh khác của cái mà đất nước Ấn Độ chúng tôi gọi là karma. Tôn giáo nào cũng có ba phần: triết học, thần thoại, và nghi thức.

Triết học dĩ nhiên là phần cốt tủy của mọi tôn giáo, thần thoại giải thích và minh họa triết học đó bằng cuộc đời ít nhiều mang tính truyền kỳ của những vĩ nhân, bằng những câu chuyện hay chuyện ngụ ngôn về những kỳ tích, v.v…, và nghi thức đem lại cho triết học một hình thức cụ thể hơn, để mọi người ai cũng có thể hiểu được – trên thực tế, nghi thức là triết học được cụ thể hóa.

Nghi thức đó là karma, nó cần thiết cho mọi tôn giáo, bởi vì phần lớn chúng ta không thể hiểu được những điều tâm linh trừu tượng, cho đến khi nào chúng ta phát triển nhiều về mặt tâm linh.

Thật dễ dàng để mọi người nghĩ rằng họ có thể hiểu được bất cứ điều gì, nhưng khi đụng đến kinh nghiệm thực tế, họ mới thấy rằng những ý tưởng trừu tượng kia thật là khó lãnh hội.

Bởi vậy biểu tượng giúp ích rất nhiều, và ta không thể bỏ qua phương pháp dùng biểu tượng để trình bày những vấn đề ra trước mắt chúng ta.

Từ thời vô cùng xa xưa, bất cứ tôn giáo loại nào cũng đều sử dụng biểu tượng. Theo nghĩa này thì chúng ta không thể tư duy trừ phi dùng biểu tượng, bản thân ngôn từ chỉ là biểu tượng của tư tưởng. Theo nghĩa khác thì mọi sự vật trong vũ trụ đều có thể được xem như là biểu tượng.

Toàn thể vũ trụ là một biểu tượng, và Thượng Đế là yếu tính nằm ở đằng sau. Cách diễn đạt bằng biểu tượng này không phải là sự sáng tạo của con người. Không có chuyện một nhóm tu sĩ ngồi lại với nhau để nghĩ ra những biểu tượng nào đó, rồi khai sinh ra chúng ra từ tâm trí của họ.

Những biểu tượng tôn giáo có sự phát triển tự nhiên. Nếu không thế thì tại sao một số biểu tượng nào đó lại liên kết được với những ý tưởng nào đó trong tâm trí của hầu hết mọi người? Một số biểu tượng nào đó thường rất phổ biến.

Nhiều người trong các bạn cho rằng thập tự giá lần đầu xuất hiện như là biểu tượng gắn liền với Cơ Đốc giáo, nhưng thực ra thì nó đã tồn tại rất lâu rồi, trước khi Moses ra đời, trước khi kinh Veda được khải thị, thậm chí còn trước cả bất kỳ tài liệu chép tay nào về sinh hoạt của con người.

Có bằng chứng cho thấy người Aztec và Phoenician đã sử dụng thập tự giá, hầu như chủng tộc nào cũng có thập tự giá này. Hơn thế nữa, biểu tượng về một đấng Cứu Thế bị đóng đinh, về một người bị đóng đinh trên thập tự giá, thì hầu như quốc gia nào cũng đều biết.

Đến nay, vòng tròn vẫn là một biểu tượng vĩ đại trên khắp thế giới. Do đó mới có biểu tượng phổ quát nhất trong mọi biểu tượng: biểu tượng swastika hay chữ vạn.

Có một thời, người ta cứ ngỡ rằng chính tín đồ Phật giáo đã mang nó đi truyền bá khắp thế giới, nhưng người ta khám phá ra là trước Phật giáo nhiều thế kỷ, biểu tượng này đã được nhiều dân tộc dùng đến rồi. Nó cũng đã được sử dụng tại Babylon và Ai Cập.

Điều này chứng minh được gì? Nó cho ta thấy rằng tất cả những biểu tượng này không thể chỉ thuần là quy ước. Hẳn phải có những lý do nào trong việc sử dụng chúng, và phải có mối quan hệ tự nhiên nào đó giữa chúng và tâm trí con người.

Ngôn ngữ không phải là kết quả của quy ước, nó không phải là chuyện mọi người đồng ý dùng một số ngôn từ nào đó để diễn đạt một ý tưởng nào đó.

Chưa hề có một ý tưởng nào lại không có ngôn từ tương ứng, và cũng không bao giờ có một ngôn từ nào lại không có một ý tưởng tương ứng, ý tưởng và ngôn từ không thể tách rời trong bản chất. Những biểu tượng diễn đạt ý tưởng có thể là biểu tượng âm thanh hay màu sắc.

Người câm điếc phải dùng đến những biểu tượng khác với biểu tượng âm thanh. Mọi tư tưởng trong tâm trí đều có hình thức như là phần đối chiếu của nó.

Trong triết học Sankrit gọi là nama-rupa – hay danh sắc, tức tên gọi và hình thức. Không thể nào dựa theo quy ước để tạo ra được một hệ thống biểu tượng như để tạo ra ngôn ngữ. Trong những biểu tượng mang tính nghi lễ trên thế giới, ta có được một cách biểu đạt tư tưởng tôn giáo của nhân loại.

Thật là dễ dàng khi nói rằng áp dụng các nghi lễ hay sử dụng đền thờ cùng những vật dụng cá nhân linh tinh như thế cũng chẳng có ích gì; trong thời buổi hiện đại, đứa bé nào cũng nói được câu đó.

Những tất cả mọi người cũng dễ dàng nhận ra rằng những tín đồ sùng bái trong một đền thờ, về nhiều phương diện, khác hẳn với những người không muốn sùng bái tại đó.

Bởi vậy, mối quan hệ gắn kết đền thờ, nghi lễ và những hình thức cụ thể khác với những tôn giáo đặc thù, mối quan hệ đó có xu hướng đưa vào tâm trí của các tín đồ những tư tưởng mà những sự vật cụ thể đó đại diện như là biểu tượng; và thật là thiếu sáng suốt khi bỏ qua mọi nghi lễ và cách diễn đạt bằng biểu tượng.

Nghiên cứu và thực hành những điều này dĩ nhiên là một phần của karma-yoga. Còn nhiều khía cạnh khác nhau khác nữa về bộ môn khoa học của công việc này. Một trong các khía cạnh đó là biết được mối quan hệ giữa tư tưởng và thế giới, cùng những gì có thể diễn đạt được bằng năng lực của ngôn từ.

Trong mọi tôn giáo, năng lực của ngôn từ đều được công nhận, nhiều đến mức có một số tôn giáo cho rằng vũ trụ đã được sáng tạo từ ngôn từ. Khía cạnh ngoại tại của tư tưởng về Thượng Đế là Ngôn Từ; bởi vì Thượng Đế suy ngẫm và quyết định trước khi Ngài sáng tạo vũ trụ; sự sáng tạo xuất phát từ Ngôn Từ.

Trong cuộc sống vật chất căng thẳng và vội vã, thần kinh chúng ta mất đi sự nhạy cảm và trở nên trơ lỳ. Càng có tuổi, càng bị cuộc đời quật ngã thì tâm hồn chúng ta càng trở nên chai sạn và thường quên mất những sự việc thường xuyên diễn ra một cách rõ ràng quanh mình.

Tuy nhiên, bản chất con người đôi khi tự khẳng định được nó, và chúng ta bị dẫn đến chỗ phải tìm hiểu sâu hơn hoặc kinh ngạc trước một số những sự kiện tầm thường này. Kinh ngạc, do đó, là bước đầu để thu nhận được ánh sáng.

Tách xa những giá trị tôn giáo và triết học cao siêu về Ngôn Từ, chúng ta có thể thấy rằng những biểu tượng âm thanh đóng vai chủ đạo trong tấn tuồng nhân sinh.

Tôi đang nói với các bạn đây. Dao động không khí từ lời tôi nói đi đến đôi tai các bạn, chúng chạm vào thần kinh và tạo ra hiệu ứng trong tâm trí các bạn. Các bạn không thể kháng cự lại điều này.

Có gì có thể kỳ diệu hơn thế? Một người gọi kẻ khác là thằng ngốc, người kia nghe thế bèn thu tay lại rồi giáng một nắm đấm mũi anh ta.

Hãy xem năng lực của ngôn từ! Một phụ nữ khốn khổ đang than khóc, một phụ nữ khác đến nói mấy lời dịu dàng, cái lưng đang cúi gập của người phụ nữ đang than khóc kia bỗng nhiên đứng thẳng lên, nỗi buồn biến mất và nàng đã mỉm cười trở lại.

Hãy nghĩ đến năng lực của ngôn từ! Chúng có sức mạnh to lớn trong cuộc sống bình dị đời thường cũng như trong nền triết học cao siêu. Chúng ta ngày đêm cứ vận dụng sức mạnh này mà không hề để tâm tìm hiểu. Biết được bản chất của sức mạnh này và vận dụng nó cũng là một phần của karma-yoga.

Bổn phận của chúng ta đối với người khác có nghĩa là giúp đỡ họ, là làm điều tốt cho thế gian. Vì sao chúng ta lại phải làm điều tốt cho thế gian? Bề ngoài có vẻ như là để giúp đỡ thế gian, nhưng thực ra là để giúp đỡ chính chúng ta.

Chúng ta nên luôn luôn tìm cách giúp đỡ thế gian. Điều đó nên là động cơ tối cao trong ta. Nhưng nếu xét cho thấu đáo, chúng ta thấy rằng thế gian này chẳng hề yêu cầu ta giúp đỡ chút nào. Thế giới này được tạo ra không phải là để các bạn hoặc tôi đến giúp đỡ.

Có lần tôi đọc được câu này trong một bài giảng: “Trọn thế giới xinh đẹp này thật là tốt đẹp, vì nó cho chúng ta thời gian và cơ hội để giúp đỡ người khác”. Hiển nhiên đó là một tình cảm vô cùng tốt đẹp, nhưng nói rằng thế giới cần đến sự giúp đỡ của chúng ta chẳng phải là bất kính hay sao?

Chúng ta không thể phủ nhận rằng trong thế gian này còn nhiều điều khốn khổ, bởi vậy, đi gặp và giúp đỡ kẻ khác là điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm, mặc dầu rốt cuộc chúng ta sẽ thấy rằng giúp kẻ khác chỉ là giúp chính mình. Hồi còn bé, tôi có vài con chuột bạch.

Chúng được nhốt trong một cái lồng nhỏ, trong đó có những bánh xe nhỏ, khi các con chuột cố trèo qua các bánh xe thì các bánh xe cứ xoay hoài, và chúng không thể đi đến chỗ nào được cả. Thế giới này và sự giúp đỡ mà chúng ta dành cho nó cũng như thế đấy.

Cái được duy nhất là chúng ta có dịp rèn luyện đạo đức. Thế giới này không tốt mà cũng chẳng xấu, mỗi người tạo ra một thế giới cho riêng mình.

Nếu một người mù bắt đầu hình dung thế giới thì nó hoặc mềm hoặc cứng, hoặc lạnh hoặc nóng. Chúng ta là một khối của hạnh phúc và khốn khổ, chúng ta đã thấy được điều đó hàng trăm lần trong đời rồi. Theo quy luật, người trẻ thì lạc quan còn người già thì bi quan.

Người trẻ còn có cả cuộc đời trước mắt, còn người già thì thở than đời mình đã đi qua, hàng trăm tham vọng mà họ không thể tựu thành đang đấu tranh trong tâm hồn họ.

Tuy nhiên, cả hai đều điên rồ như nhau cả. Cuộc đời tốt hay xấu là tùy thuộc vào trạng thái tâm trí khi chúng ta ngắm nhìn nó chứ không phải do bản thân nó. Lửa tự nó không tốt mà cũng chẳng xấu. Khi lửa sưởi ấm chúng ta, chúng ta bảo: “Lửa đẹp biết mấy!”.

Nhưng khi nó đốt cháy ngón tay chúng ta thì ta lại trách mắng nó. Hơn nữa, tự bản chất, lửa không tốt mà cũng chẳng xấu. Tùy theo cách chúng ta sử dụng mà nó tạo trong ta cảm giác tốt hay xấu, thế giới này cũng như vậy đó. Nó luôn hoàn hảo.

Hoàn hảo ở đây có nghĩa là nó hoàn toàn thích ứng để đạt đến những cứu cánh của mình. Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng nó sẽ tiếp tục vận hành một cách tốt đẹp mà không cần đến chúng ta, và chúng ta cũng chẳng cần bận tâm tìm cách giúp đỡ nó làm chi cho thêm nhức đầu.

Tuy vậy, các bạn phải làm điều tốt, khát vọng làm điều tốt là nguyên động lực cao thượng nhất mà chúng ta có được, nếu như các bạn hiểu rằng giúp đỡ được kẻ khác là một đặc ân.

Đừng có đứng trên một bục cao, rồi cầm tờ năm xu mà nói: “Cho anh đây này, anh bạn nghèo”, mà hãy tạ ơn vì có người nghèo khổ đó ở nơi đây để cho các bạn có thể tự giúp bản thân mình, khi trao cho anh ta một món quà. Không phải người nhận mà người cho mới được hưởng phước lành.

Hãy tạ ơn là các bạn có được cơ hội thể hiện năng lực của lòng nhân ái và từ bi cho thế gian này, và nhờ đó mà trở nên thuần tịnh và hoàn hảo.

Mọi hành vi tốt đẹp đều có xu hướng giúp chúng ta trở nên thuần tịnh và hoàn hảo. Giỏi lắm thì ta có thể làm được gì? Xây một bệnh vện, làm đường sá, hoặc xây một khu nhà từ thiện.

Chúng ta có thể tổ chức một buổi lạc quyên từ thiện và góp được hai hoặc ba triệu đô-la, chúng ta dùng một triệu để xây bệnh viện, triệu thứ hai dùng để mở tiệc khiêu vũ và uống rượu sâm-banh, còn triệu thứ ba thì để đám nhân viên ăn cắp hết một nửa, và cuối cùng chỉ còn một nửa đến tay người nghèo – thế nhưng tất cả những thứ đó có ý nghĩa gì?

Một trận bão khốc liệt kéo qua trong vòng năm phút có thể khiến cho tất cả các công trình đó sụp đổ tan tành. Rồi chúng ta sẽ làm gì? Một ngọn núi lửa bùng nổ có thể quét sạch hết tất cả đường sá, bệnh viện, thành phố và mọi công trình xây dựng của chúng ta.

Chúng ta hãy thôi nói những lời vớ vẩn về việc làm điều thiện cho thế giới. Thế giới này không chờ đến sự giúp đỡ của các bạn hay của tôi, tuy nhiên các bạn phải làm việc và thường xuyên làm điều tốt đẹp, bởi vì điều đó mang lại cho chúng ta lạc phúc.

Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể trở nên hoàn hảo. Những người ăn mày mà chúng ta giúp đỡ không ai nợ nợ chúng ta lấy một xu; trái lại, chúng ta nợ họ mọi thứ, bởi vì họ đã cho chúng ta cơ hội để thể hiện từ tâm.

Thật hoàn toàn sai lầm khi cho rằng chúng ta đã làm, hoặc có thể làm được, những điều tốt đẹp cho thế giới. Đó là một tư tưởng điên rồ, và mọi tư tưởng điên rồ đều mang đến khốn khổ.

Chúng ta nghĩ rằng mình đã giúp đỡ một vài người nào đó, và mong được họ cảm ơn, và khi họ không làm thế thì chúng ta cảm thấy bất hạnh.

Vì sao chúng ta lại phải mong chờ sự báo đáp cho những điều mình đã làm? Hãy mang ơn người mà các bạn giúp đỡ, hãy nghĩ đến họ như là Thượng Đế.

Được phép sùng bái Thượng Đế bằng cách giúp đỡ người khác, há đó chẳng phải là đặc ân sao? Nếu thực sự vô nhiễm, không bị ràng buộc thì chúng ta sẽ xả ly được mọi nỗi đau khổ vì đợi chờ tuyệt vọng, và có thể hân hoan làm điều tốt đẹp cho thế gian.

Sẽ không bao giờ có nỗi bất hạnh hay khốn khổ nào đến trong công việc được thực hiện bằng tinh thần xả ly vô luyến. Thế giới này cứ tiếp tục vận hành trong hạnh phúc và khốn khổ cho đến thiên thu.

Có một người nghèo nọ cần một ít tiền, và không biết bằng cách nào mà anh ta lại nghe đồn rằng nếu bắt được một con quỷ thì anh ta có thể sai nó mang đến cho anh ta tiền bạc hay bất cứ thứ gì anh ta muốn, vì vậy anh ta rất khát khao bắt được một con quỷ.

Anh ta đi tìm người nào có thể cho anh ta một con quỷ, và cuối cùng thì anh ta gặp một nhà hiền triết có nhiều quyền năng to lớn, và cầu xin vị này giúp đỡ.

Vị hiền triết hỏi anh ta sẽ làm gì với một con quỷ.

Anh ta đáp: – Tôi muốn có một con quỷ để nó làm việc cho tôi, xin ngài hãy dạy cho tôi cách bắt được một con quỷ, thưa ngài, tôi khát khao điều đó.

Vị hiền triết bảo: – Ngươi hãy về nhà đi, đừng tự quấy nhiễu mình nữa.

Hôm sau, anh ta lại quay lại gặp vị hiền triết và than khóc, van xin: – Hãy cho tôi một con quỷ, tôi phải có cho bằng được một con quỷ, xin ngài hãy giúp tôi.

Cuối cùng thì vị hiền triết thấy chán ghét, nên bảo: – Ngươi hãy cầm lấy lá bùa này, niệm thần chú thì một con quỷ sẽ hiện đến và làm tất cả những gì ngươi muốn. Nhưng hãy coi chừng, lũ quỷ này rất ghê gớm và phải bắt chúng làm việc liên tục. Nếu không có việc gì cho nó làm thì nó sẽ giết ngươi đó.

Anh ta trả lời: – Điều đó quá dễ, tôi sẽ giao công việc cho nó làm suốt đời.

Thế rồi anh ta đi vào rừng, sau khi niệm thần chú một hồi lâu thì một con quỷ khổng lồ xuất hiện và bảo: – Ta là một con quỷ. Ta đã bị phép thuật của ngươi khuất phục, nhưng ngươi phải bắt ta làm việc luôn luôn. Lúc ngươi không còn việc gì để ta làm thì ta sẽ giết ngươi.

Anh kia ra lệnh: – Hãy xây cho ta một tòa lâu đài.

Con quỷ đáp: – Xong rồi, tòa lâu đài đã xây xong.

Anh ta nói tiếp: – Hãy mang tiền đến đây.

Con quỷ đáp: – Xong rồi, tiền đây.

– Hãy đốn ngã khu rừng này và xây dựng một thành phố trên đó.

– Xong rồi, còn gì làm nữa không?”

Đến lúc anh ta mới bắt đầu thấy sợ, và nghĩ rằng không có gì để nó làm nữa, vì cái gì nó cũng chỉ làm loáng một cái là xong.

Con quỷ nói: – Hãy giao việc gì đó cho ta làm, nếu không ta sẽ ăn thịt ngươi. Kẻ khốn khổ kia thấy chẳng còn việc gì để nó làm nữa nên đâm ra kinh hoảng.

Bởi vậy, anh ta liền cắm đầu cắm cổ chạy, cuối cùng thì đến được chỗ nhà hiền triết, và nói: – Thưa ngài, xin hãy che chở cho tôi”.

Vị hiền triết bèn hỏi anh ta đầu đuôi câu chuyện, và người đàn ông kia đáp: – Tôi không còn gì để giao cho nó làm nữa. Tôi sai làm cái gì, nó cũng chỉ làm trong nháy mắt, bây giờ nó dọa ăn thịt tôi, nếu tôi không giao việc cho nó làm.

Vừa lúc đó, con quỷ chạy tới, nói: “Ta sẽ ăn thịt nhà ngươi”, và nó toan nuốt chửng anh ta. Anh ta run lẩy lẩy, và van xin vị hiền triết cứu mạng.

Vị hiền triết bảo: – Ta sẽ chỉ cho ngươi một lối thoát. Hãy nhìn con chó có cái đuôi cong kia kìa. Hãy mau rút gươm ra và cắt đuôi con chó, rồi đưa cho con quỷ, bảo nó kéo cho thẳng ra.

Anh ta bèn cắt ngay đuôi chó, đưa cho con quỷ, và bảo: – Hãy kéo thẳng cái đuôi này ra cho ta. Con quỷ cầm lấy cái đuôi, từ từ vuốt thẳng nó ra một cách cẩn thận, nhưng khi con quỷ vừa buông tay thì cái đuôi cứ cong lại như cũ.

Một lần nữa, con quỷ lại cần mẫn vuốt thẳng cái đuôi ra, nhưng khi nó vừa buông tay thì cái đuôi lâp tức cong lại như cũ. Một lần nữa, con quỷ lại kiên nhẫn vuốt thẳng cái đuôi ra, nhưng khi nó vừa buông tay thì cái đuôi vẫn cứ cong lại như cũ.

Con quỷ làm hết ngày này qua ngày khác, đến khi nó mệt lả và bảo: – Từ trước đến nay, suốt đời ta chưa bao giờ gặp phải khó khăn như thế này. Ta là một con quỷ kỳ cựu, nhưng suốt đời ta chưa bao giờ gặp phải khó khăn như thế này. Ta sẽ lập một thỏa ước với nhà ngươi, ngươi tha cho ta đi, còn ta sẽ cho ngươi giữ tất cả những gì ta đã tặng và hứa sẽ không làm hại ngươi.

Người kia quá đỗi vui mừng, và hân hoan chấp nhận lời đề nghị đó. Thế giới này cũng giống như cái đuôi con chó vậy, và mọi người cố gắng kéo cho nó thẳng ra hàng trăm năm nay rồi, nhưng khi họ buông tay thì nó lại cong như cũ.

Làm sao có thể khác được? Khi hiểu ra rằng thế gian này giống như đuôi con chó, và sẽ không bao giờ thẳng được thì chúng ta sẽ không bao giờ biến thành những kẻ cuồng tín. Một người trước tiên phải biết cách làm việc không bị trói buộc, rồi người đó sẽ không biến thành một kẻ cuồng tín.

Nếu thế giới này không có thói cuồng tín thì chắc hẳn nó đã tiến bộ hơn hiện nay rất nhiều rồi. Thật là sai lầm khi cho rằng thói cuồng tín có thể giúp nhân loại tiến bộ. Trái lại, nó còn là yếu tố gây trì trệ vì tạo ra hận thù và giận dữ, gây nên sự xung đột giữa con người với nhau và khiến họ trở nên trơ lỳ vô cảm.

Chúng ta cho rằng những gì mình làm hay sở hữu đều là thứ tốt đẹp nhất trên đời, còn những thứ mà người khác làm hay sở hữu đều vô giá trị. Bởi vậy, bất cứ khi nào trong bạn có xu hướng muốn biến thành một kẻ cuồng tín thì hãy luôn ghi nhớ đến câu chuyện cái đuôi cong của con chó.

Các bạn không cần phải âu lo hay trằn trọc mất ngủ vì thế giới, nó vẫn cứ tiếp vận động dù không có các bạn. Chỉ khi nào đã tránh được thói cuồng tín thì các bạn mới làm việc tốt.

Những người trầm tĩnh, điềm đạm, có óc phán đoán và thần kinh ôn hòa, có sự cảm thông và tình yêu sâu sắc mới là những người làm việc tốt, và do đó đem lại điều tốt đẹp cho bản thân.

Người cuồng tín là kẻ ngu xuẩn và vô cảm, anh ta không bao giờ có thể kéo thẳng thế giới ra, mà bản thân anh ta cũng chẳng bao giờ trở nên thuần tịnh hay hoàn hảo được.

Bài giảng hôm nay xin tóm tắt thành các ý chính sau đây:

Thứ nhất, chúng ta phải khắc ghi trong trí rằng tất cả chúng ta là những kẻ mắc nợ thế giới, chứ thế giới này chẳng hề nợ gì ta. Có cơ hội để làm được bất cứ điều gì cho thế giới, đối với tất cả chúng ta, đó là một đặc ân to lớn. Khi giúp đỡ thế giới thì thực ra chúng ta cũng đang tự giúp bản thân mình.

Thứ hai, là có một Thượng Đế trong vũ trụ này. Cho rằng vũ trụ này đang trôi dạt và đứng lại để các bạn và tôi giúp đỡ, đó là một quan điểm sai lầm. Thượng Đế luôn luôn hiện hữu trong đó. Ngài bất tử, luôn luôn hoạt động, luôn luôn thức tỉnh. Khi cả vũ trụ này yên ngủ, Ngài vẫn không ngủ, Ngài làm việc không ngừng, mọi hiện tượng biến dịch và biểu hiện của thế giới này đều là sự biến dịch và biểu hiện của Ngài.

Thứ ba, chúng ta không nên ghét bỏ bất kỳ một ai. Thế giới này vẫn mãi mãi là sự hòa lẫn giữa thiện và ác. Bổn phận của chúng ta là cảm thông với kẻ yếu, và thương yêu ngay cả kẻ làm điều ác. Thế giới này một phòng luyện tập đạo đức khổng lồ, trong đó tất cả chúng ta đều phải thực hành các bài tập mạnh dần về mặt tâm linh.

Thứ tư, chúng ta không được cuồng tín theo bất cứ kiểu nào, bởi vì cuồng tín đối nghịch với thương yêu. Các bạn nghe đám người cuồng tín nói liến thoắng: “Tôi không ghét người phạm tội, tôi chỉ ghét tội lỗi”, còn tôi thì sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất để xem thử gương mặt của người có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa tội lỗi và người phạm tội.

Nếu chúng ta có thể phân biệt rạch ròi được phẩm tính và bản chất thì chúng ta có thể trở thành những người hoàn hảo. Thực hiện điều này không phải dễ. Hơn nữa, càng trầm tĩnh thì thần kinh chúng ta càng ít bị quấy nhiễu, chúng ta sẽ càng thương yêu nhiều hơn và sẽ làm việc tốt hơn.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x