Trang chủ » Chương 12: Chu Thiên

Chương 12: Chu Thiên

by Trung Kiên Lê
166 views

Tổ Sư nói:
       Vận chuyển Chu Thiên không lấy sự vận hành của Khí làm chính, mà lấy Tâm tự nhiên nhi nhiên, vô vi nhi vi làm diệu quyết. Nếu chỉ chăm chăm làm cho Khí trong cơ thể ở phía này thì đi xuống, ở phía kia thì đi lên sẽ chẳng khác gì kéo gốc lên cho cây mau lớn, cầu mà không được.

Cách làm đúng đắn là không để Tâm mà làm cho Thần Khí tương hợp, không để Ý mà làm cho Chân Khí vận hành một cách tự nhiên: Xin các vị hãy nhìn lên bầu trời, vòm trời trông tựa như nửa một hình cầu được người ta chia ra thành 365 độ, Mặt Trời Mặt Trăng và các vì Sao không giây phút nào là không thay đổi vị trí trong Thiên Cầu, thế nhưng gàu sòng sao Bắc Đẩu từ xưa tới nay chẳng hề thay đổi, Tâm của chúng ta cũng như vậy. Tâm là gàu sòng.

Khí là các Sao, chuyển động quanh gàu sòng. Chân Khí trong cơ thế chúng ta vốn lưu thông khắp tứ chi bách hài, khi luyện công không nên dùng Ý dẫn Khí một cách thái quá, mà chỉ cần rèn luyện ý thức trong sự vận động của Khí, không ngừng gạt bỏ mọi tạp niệm, đợi tới lúc tạp niệm tiêu tán, Chính Khí xuất hiện, sau đó Đan Dược mới sinh thành. 
      

Đan Dược không phải là cái gì hữu hình, nó là Tính Quang và cũng là Khí Chân Nhất tiên thiên, Chân Khí này chỉ xuất hiện sau khi đã đi vào trạng thái nhất định, vạn niệm đều không, không thể dùng ý thức thu được Chân Khí từ một nơi nào đó. Ở đây nếu bảo rằng có thể lấy được Chân Khí tức là đã nhìn gà hóa cuốc, sai lầm tới mức không thể nào tưởng tượng nổi! Cách lấy nói trong Đan Kinh chỉ ý khác.

Nếu đã thấy được Tính Quang, tích góp ngày này qua ngày khác, công phu thâm hậu, trong Tâm tự nhiên thường có hiện tượng Ánh Sáng xuất hiện, Tâm Trí càng linh diệu, đó chính là bước dứt bỏ Thức Thần mà luyện Nguyên Thần, đợi tới khi gạt bỏ hết mọi vấn vương, Tâm không còn tạp niệm, trở về thể Thuần Dương tiên thiên, lúc ấy sẽ không còn bị chi phối bởi những ràng buộc thế gian, đạt tới cảnh giới cực lạc, giải thoát khỏi tất thảy mọi nỗi ưu phiền.

Nếu như các vị hôm nay nói “Long Hổ”, ngày mai bàn “Thủy Hỏa”, chỉ nói công pháp công lý ở đầu lưỡi, không thực hành, không thấy được bản tính , cuối cũng chẳng đi đến đâu, không thành Chính Quả. Tôi trước kia chịu khẩu quyết của Hỏa Long chân nhân, nên đã như vậy, không biết rằng trong Đan Kinh, Đạo Thư còn nói đến nhiều cách khác.
      

Trời Đất xoay vần một ngày là một Chu Thiên, Thiên Nhân tương ứng, Khí trong cơ thể cũng vận hành một Chu Thiên, trong một khắc cũng có một chu thiên, con người có thể làm cho Khảm Ly tương giao (2), tức là một Chu Thiên.

Trong cơ thể chúng ta Khảm Ly tương giao là kết quả của Hồi Quang phản chiếu, cần tiếp nối quay vòng như Trời Đất chẳng giây phút nào ngưng. Khảm Ly tương giao nguyên nhân là ở nơi ta, vì thế có lúc tương giao, cũng có lúc không tương giao không giống như Trời Đất xoay vần liên miên không dứt.

Nếu như Trời Đất, Âm Dương giao hòa, vạn vật trên Trời Đất như được tắm mình trong nắng xuân, tràn đầy sức sống. Lúc ấy, nếu chúng ta giữ được chính niệm, thành tâm, trung cung chính vị (3), thì tứ chi bách hài khoan
khoái lâng lâng, đó chính là “Phép tắm gội” nói đến trong Đan Kinh.

Lúc này nội thân và ngoại thân quyện hòa thành một, đó chẳng phải là “Đại Chu Thiên” thì là cái gì? Hỏa hậu vận hành Đại Chu Thiên cũng có Văn hỏa, Vũ hỏa to nhỏ khác nhau, nhưng dùng Hỏa hậu vào mục đích luyện đan thì ở tầng bậc này không phân biệt to và nhỏ.

Đợi tới khi công phu thuần thục, Chu Thiên tự nhiên vận hành, sẽ chẳng cần để tâm Khảm Ly thay cho cái gì, Trời Đất xoay chuyển ra sao, như thế nào là Khảm Ly tương giao, vận hành như thế nào là một Chu Thiên, hai Chu Thiên… Tất cả diễn ra tự nhiên nhi nhiên, không chủ định, thử hỏi như thế làm sao phân biệt được to và nhỏ?
      

Tóm lại, tu luyện đạt tới cảnh giới Âm Dương giao cấu, lấy Khảm điền Ly tương đối khó. Nếu như không phải là Âm Dương giao hòa một cách chân chính thì tuy có thấy thay đổi rất lớn, song rút cục là hư giả, hiệu quả rất ít ỏi.

Song nếu là Âm Dương giao hòa một cách chân chính thì Trời Đất Vạn Vật đều xoay chuyển Âm Dương một cách tương ứng. Cho dù sự vận hành diễn ra trên một tấc vuông cực kỳ nhỏ bé, song hiệu quả lại vô cùng to lớn.

Vì thế tôi luyện Kim Đan, nắm vững nguyên tắc Hỏa hậu là trước sau phải luôn luôn thuận theo sự biến đổi tự nhiên, đã đến lúc thì làm chưa đến lúc thì không làm, nếu làm mà không tự nhiên thì không tài nào thông suốt được với ngoại giới, Trời Đất kia vẫn hoàn là Trời Đất, Vạn Vạt vẫn chỉ thuộc chính mình, không hề có chuyện hòa đồng qua lại.

Nếu cố tìm cách ép chúng phải hòa đồng thì rồi cuối cùng vẫn không giao hòa thành một, tựa như Trời khô hạn là do Âm Dương bất hòa gây ra. Lúc này Trời Đất vẫn xoay vần như trước, nhưng người ta cảm nhận thấy có chút gì đó chẳng được tự nhiên.

Lúc này nếu chúng ta có thể điều động Chân Ý, chuyển động Âm Dương, điều hòa Tự Nhiên, thì tức khắc sẽ cảm thấy trong mình, ngoài mình có mưa móc tưới nhuần cây cỏ, núi sông khe lạch nước uốn lượn reo vui.

Cho dù lúc này đây thời tiết có chút gì khó chịu, nhưng sẽ cảm thấy nỗi bực bội đó bỗng vụt qua đi, lại cảm thấy khoan khoái dễ chịu, đó chính là nguyên lý Đại Chu Thiên.
      

Có người hỏi: Hoạt Tý Thời vốn rất kỳ diệu, nhưng đòi hỏi phải nhận thức đúng “Chính Tý Thời” (4) là gì. Điều này hình như có chút gì không được tự nhiên cho lắm, như thể nghĩ ra vậy. Tôi nói rằng, đây không phải là nghĩ ra, nếu không nói rõ Chính Tý Thời là gì thì dựa vào đâu mà phân biệt Hoạt Tý Thời.

Nếu đã nhận ra được sự biểu hiện của Hoạt Tý Thời thì rõ ràng Chính Tý Thời quả thực tồn tại, không có gì đáng nghi ngờ cả. Hoạt Tý Thời và Chính Tý Thời vừa giống nhau lại vừa không giống nhau, Chính và Hoạt cũng không phải là chết cứng, không biến đổi.

Nói tóm lại cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn, chỉ cần thực sự thực hiện được Âm Dương tương giao là không có chỗ nào là không “chính”, không có chỗ nào là không “hoạt”. Nếu như Âm Dương không thực sự tương giao thì còn nói gì được về Hoạt Tý Thời và Chính Tý Thời nữa cơ chứ?

Nói đến Hoạt Tý Thời, đó là trạng thái ta luôn luôn trải nghiệm. Nhưng trong Chính Tý Thời vào lúc nửa đêm, con người sẽ cảm thấy tinh thần sáng suốt, lòng dạ quang minh, khí lực sung mãn; khi ở vào trạng thái Hoạt Tý Thời, cảm giác lại càng kỳ diệu. Nếu như chưa trải nghiệm Hoạt Tý Thời là gì, nhưng đã tìm được cảm giác của Chính Tý Thời thì cảnh tượng thần kỳ của Hoạt Tý Thời sẽ càng thần diệu.

      

Chú Thích:
      

1. Chu Thiên: từ Chu Thiên vốn là thuật ngữ Cổ Thiên văn học, các nhà Nội Đan sử dụng để thuyết minh quá trình hun đúc, mức độ Lửa dùng khi Chân Khí vận hành trong hai mạch Nhâm Đốc, ám chỉ phép dùng Lửa khi “Luyện Đan” phải phù hợp với quy luật vận hành của các Thiên thể, đồng thời phân ra thành Tiểu Chu Thiên và Đại Chu Thiên.

Sự vận hành của Chu Thỉên tuy dựa trên cơ sở Nội Khí, nhưng không thể bám víu vào Khí, vì vậy cũng không thể bám víu vào Ý. Nếu dùng Ý dẫn Khí thì vẫn dừng ở mức độ “hữu vi”, lâu ngày có thể dẫn tới sau lệch. Chẳng hạn ngày nay nhiều người tập luyện khí công, cứ cố sức khai thông Chu Thiên, kết quả càng tập cơ thể càng “xấu” đi, thậm chí còn dẫn tới tình trạng tinh thần phân liệt v.v…

Tất cả chỉ là do không hiểu được nguyên lý vận hành tự nhiên của Khí. Ở đây cần lưu ý yếu lĩnh quan trọng: “Vô Tâm nhi thủ, vô Ý nhi hành”, nghĩa là tập trung tư tưởng một cách không chủ định, thực hành một cách không tùy ý, tự nhiên nhi nhiên…
      

2. Khảm Ly tương giao: tức Tâm Thận tương giao Thần Khí tương hợp, về thực chất là Chân Dương trong quẻ Khảm tương giao với Chân Âm trong quẻ Ly. Xét về mặt Chu Thiên, Trời Đất xoay vần hết một chu kỳ lại bắt đầu một chu kỳ mới, lúc này Dương thịnh thì Âm suy hoặc Âm thịnh thì Dương suy, cứ thế quay vòng bất tuyệt.

Ở trong bài, Tổ sư nói Khảm Ly tương giao tức là một Chu Thiên, Chu Thiên ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, theo bản chất vấn đề, bởi lẽ khi Khảm Ly tương giao, người tập sẽ được chứng nghiệm những diệu cảnh thiên hình vạn trạng, chứng tỏ Thánh Thai đã ngưng kết, Thần Đan đã luyện thành.
      

3. Trung cung chính vị: chỉ chính niệm, Tâm thành, không tạp niệm, Thân Tâm hòa hợp, nuôi dưỡng Thần Khí, thế giới trong Thân và ngoài Thân quyện hòa thành một.
      

4. Chính Tý Thời: chỉ những hiện tượng nảy sinh trong quá trình thực hành công pháp Đại Chu Thiên sau khi đã tu tập công pháp Tiểu Chu Thiên, Tinh Khí trong cơ thể sung mãn, vượng thịnh.

Trong Đan Kinh, những hiện tương này thường được gọi là “Lục căn chấn động”, bởi vì sau khi xảy ra những hiện tượng này, nhịp điệu trong cơ thể các nhà Nội Đan giao hòa với nhịp điệu Vũ Trụ và Trời Đất. Sở dĩ có những hiện tượng đó là do Hoạt Tý Thời Tiểu Chu Thiên đã chuyển thành Chính Tý Thời Đại Chu Thiên.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x