Trang chủ » Chương 13: Khuyến thế ca

Chương 13: Khuyến thế ca

by Trung Kiên Lê
223 views

Tổ Sư nói:
       Từ tận đáy lòng, tôi yêu thương con người, muốn giúp con người tránh được nhưng nỗi khổ đau nơi trần thế, nên đôi lúc nặng lời, song thâm tâm một tấm lòng nhân ái. Đức Phật Như Lai cũng do nhân duyên đã chỉ ra cho ảo diệu của vòng sinh tử luân hồi, cũng vì thương sót người đời lẩn quẩn trong vòng sầu não không được giải thoát.

Thái Thượng Lão Quân (1) chỉ dạy người đời; vì có thân nên lúc được lúc mất, có vinh có nhục, vì vậy cần tu luyện Nguyên Thần tới cảnh giới hư linh, nhưng người đời không hiểu, vẫn cứ sống như xưa… Tôi lúc này nói đến con đường tu luyện thành chân. “Kinh Dịch” nói: “Hoàng trung thông lý, chính vị cư thể”, chỉ rõ khiếu Huyền Quan xuất hiện khi Tâm thành, Ý thực, nội ngoại tương thông.

Giờ Tý sinh Dương, giờ Ngọ sinh Âm, ngưng Thần định Tức sẽ làm Âm Dương tương hợp, chẳng thể phân ly, Hồi quang phản chiếu, an Thần Tổ khiếu (2) thì vạn vật sẽ hòa hợp. Chân Dương trong quẻ Khảm tức là Đại Dược, nhưng muốn cho Đại Dược sinh thành, Tâm cần phải tĩnh. Khi Đại Dược sinh thành sẽ có Ánh Sáng chói lòa.

Nếu Ánh Dương xuất hiện, vầng Mặt Trời luôn sáng chính là cảnh tượng lúc Đại dược Sản sinh. Người đời chỉ chăm chăm tranh danh, trục lợi làm cho Thần Quang thất thoát, Tinh Khí hao tổn, không biết lấy Khảm điền Ly, làm cho Tâm Thận chia lìa, không có cách gì hòa hợp.

Đạo Người và Đạo Trời vốn rất gần nhau. Vậy làm cách nào cho Đạo Người hợp với Đạo Trời? Lão Tử nói: “Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo tuân theo những qui luật vốn có của mình”. Nếu Trời phù hợp thì Đạo sẽ tự phù hợp.

Tu tập phép tĩnh tọa, trong lòng không nghĩ vẫn vơ, dẹp bỏ mọi ưu phiền, Tâm thanh tĩnh không gợn mảy may tạp niệm, đó chính là trạng thái vô cực, tiên thiên của con người là vô cực. Lúc ở trạng thái vô cực, Vũ Trụ quyện hòa thành một, không bận gợn, vô niệm vô tâm, tất thảy mọi nỗi lo lắng hậu thiên đều rũ sạch lúc này Tính Mệnh hợp nhau, không chia cách.

Thức Thần hậu thiên khuấy động Nguyên Thần tiên thiên, phàm Tâm hậu thiên phải chết Nguyên Thần tiên thiên mới sống không gì cản trở. Muốn cho Tính Mệnh trương tồn thì Tâm phải chết, Thần phải sống, vứt bỏ Ý Thức hậu thiên mới nhìn thấy được diện mạo chân thực tiên thiên.

Thấy được Tính thì Mệnh còn, lúc này Huyền Châu lóe rạng, biến hóa tài tình, người thường không sao mường tượng nổi. Rồi một mai xóa bỏ vô minh, gột rửa hết mọi ưu phiền, sẽ bước chân vào Thánh Cảnh, chín rồng vờn hạt châu.

Dương Khí tràn đầy, sấm sét lòe sáng quét sạch quần ma, cuốn trôi cặn bã, lúc này Thánh Thai ngưng kết, Dương Thần hư linh. Tất thảy những diễn biến nói trên đều lấy ngưng Thần định Tức làm cơ sở, không ngoài dùng chân công để luyện mình, vì thế phải dùng Đại pháp “Tẩy Tâm thoái Tạng”, “Mộc dục ôn dưỡng”, thanh tịnh vô vi, đắm mình trong cảnh giới cực lạc.
      

Trước kia, để giúp ca kỹ Trương Trân (3), tôi đã viết tặng cô mấy dòng, trong đó chứa đựng tông chỉ của công pháp. Sau giờ Tý trước giờ Ngọ nói trong nhưng dòng chữ ấy không phải chỉ thời gian, mà là chỉ Khảm Ly, tức Âm Dương.

Định tức là thở đều đều quy vào bộ vị Trung Hoàng, tức là phải đạt tới “Thai Tức”. Trong “Thai Tức Minh” nói: “Tức tức quy tê, thọ dữ thiên tề” (Tập trung hơi thở vào vùng rốn, sống lâu cùng Trời Đất). Nghĩa của “tọa” ở đây là chỉ không động tâm, “giáp tích” không chỉ mạch Đốc ở sống lưng, mà là chỉ con đường đi thẳng vào cảnh giới Ngọc Thanh. “Song quan” ở đây rất khó giải thích.

Điều quan trọng nhất khi luyện công là Tâm hư tịch, không bận gợn điều gì. Nếu làm được như vậy tân dịch sẽ có thể hóa thành Khí, máu cũng có thể trở thành Khí vô hình, nhờ vậy mà từ vật hữu tình hậu thiên có thể biến thành vật vô hình tiên thiên. Và cứ tiếp tục suy luận như thế ta có thể lần lần từng bước luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn Hư, luyện Hư hợp Đạo; mà đã hợp Đạo thì công thành, công đã thành ắt sẽ được giải thoát.

Khẩu quyết có thể kể không bao giờ hết, trên đây là một ví dụ. Còn đoạn mô tả “Sấm sét vang động núi rừng” chính là ví dụ về hiện tượng Chân Khí sinh thành; đoạn mô tả “Hoàng nha xuất thổ” (Mầm non nhú ra khỏi đất) chính là nói về hiện tượng Chân Dược nảy sinh, và tất thảy những kết quả trên đều xây dựng trên cơ sở Thần thủ song quan (Thần tập trung ở song quan).

Chỉ một đoạn mô tả ngắn gọn đã thâu tóm toàn bộ “Đại Đạo” tu hành, nếu hiểu được cặn kẽ sẽ không bao giờ bị mê hoặc trước những lời khoa trương khoác lác của kẻ khác.
      

Xưa kia Khổng Tử và Nhan Hồi cùng trèo lên đỉnh ngọn Thái Sơn, phóng tầm mắt nhìn dõi phía xa xa thấy ở địa phận Đông Ngô dưới chân núi có đoàn ngựa trắng đang tung vó phi như bay. Nhan Hồi cố sức nhìn cho rõ rồi nói: “Nhìn bầy ngựa phi nước kiệu bụi mù nom như một dải lụa trắng”.

Trời! Sao Nhan Hồi lại phí phạm nhãn lực đến nhường ấy! Kết quả hao tổn Thần Quang, nhãn lực cạn kiệt vì vậy mà mất sớm! Các vị luyện tập công pháp Hồi Quang nên lấy đó làm răn!
      

Hồi Quang, tất cả qui tụ ở chỗ thực hành chuyên tâm, chăm chú, chỉ cần Chân Tức ngưng chiếu ở Trung cung, lâu dần tự nhiên sẽ như có Thần minh chỉ bảo tự mình sẽ có thể xử lý mọi sự đổi thay.
       

Tóm lại, Hồi Quang có thể phân thành những giai đoạn khác nhau, Tâm tĩnh Khí định là giai đoạn cơ sở, Tâm vong Khí ngưng là giai đoạn hiệu nghiệm, Khí tức Tâm không là giai đoạn kết Đan, Tâm Khí hỗn nhất là giai đoạn ôn dưỡng, minh Tâm kiến Tính là tiêu chí chứng tỏ đã tu thành Đại Đạo.

Trong số các vị mỗi người nên kiên nhẫn tu luyện, nếu lãng phí thời gian thì quả thật là đáng tiếc, bảy vị chúng ta đây cần tăng cường tu tập. Nếu một ngày không tu luyện, tức là một ngày chúng ta gần ma quỷ. Nếu ta tu
luyện trong từng hơi thở thì hơi thở đó sẽ giúp ta từng bước tiến gần các bậc Chân Tiên. Muốn thoát thai, lột xác, tranh quyền với Tạo Hóa tự nhiên, chúng ta phải khởi sự từ đây, mong các vị gắng sức!

      

Chú Thích:
      

1: Thái Thượng Lão Quân: Tên gọi tôn kính đối với Lão Tử. Sách “Đạo Đức Kinh” Lão Tử nói: “Ngô sở dĩ đại hoạn giả, vị ngô hữu thận Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn”? (Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân. Giá như ta không có thân, ta đâu còn có lo?).
      

2. Tổ khiếu: chỉ cửa “Huyền Tẫn”. Sách “Tính Mệnh Khuê Chỉ” nói: “Đề cập tới Tổ khiếu, Lão Tử muốn nói đến cửa Huyền Tẫn”. Khi Hồi Quang Tổ khiếu thì Âm Dương hòa hợp, Thần làm chủ, mọi bộ phận yên vị đâu vào đấy, không có gì trục trặc.
      

3. Trương Trân: một ca kỹ đời Tống, đã viết gửi Lã Động Tân bảy chữ: “Muộn tổn ngã, vọng Sư bất chí” (Nỗi buồn vày vò tiện nữ, mong ngóng sư phụ mà không thấy). Lã Động Tân đã viết cho Trương Trân hai bài từ, sau này được tập hợp trong “Thuần Dương tiên sinh thi tập”.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x