Trang chủ » Chương 2. Đứa trẻ trong vai trò chủ nhân

Chương 2. Đứa trẻ trong vai trò chủ nhân

by Hậu Học Văn
201 views

“Hãy tự biết mình”

Một trong những đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất ngày nay là khám phá về các bản năng hướng đạo trong con người. Chính chúng tôi đã mở ra lĩnh vực nghiên cứu này và khởi động nó từ cái chưa từng có. Sự đóng góp chính của chúng tôi cho vấn đề nằm trong lĩnh vực này. Nó mở ra một hướng nghiên cứu mới mẻ, và các kết quả của nó đến nay đã là bằng chứng cho sự hiện hữu của những bản năng như vậy và là một phác họa đầu tiên về cách khảo sát chúng.

Một khảo sát như vậy chỉ có thể thực hiện được với đứa trẻ đã bình thường hóa, đang sống tự do trong một môi trường thích hợp cho nhu cầu của sự phát triển của nó. Và rồi, một bản chất mới tự biểu lộ, rõ rệt đến nỗi các đặc tính bình thường của nó phải được chấp nhận là những thực tại không thể chối cãi.

Vô số kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy một sự thật liên quan đến cả hai lĩnh vực, lĩnh vực của giáo dục và lĩnh vực của tổ chức xã hội loài người. Điều rõ ràng là nếu tổ chức con người với một bản chất khác với cái thường được biết, chính nó phải khác biệt, và chính giáo dục cũng có thể dẫn đến một sự bình thường hóa thế giới người lớn. Một cải cách xã hội như vậy không thể xảy ra bằng lí thuyết hay năng lực của vài nhà tổ chức, nhưng qua sự xuất hiện chậm rãi và liên tục của một thế giới mới giữa lòng cái cũ – thế giới của trẻ thơ và của thiếu niên.

Từ thế giới này, các điều được khai minh, và sự hướng dẫn tự nhiên cần thiết cho đời sống bình thường của xã hội, sẽ dần biến hóa. Giả định rằng các cải cách lí thuyết hoặc những nỗ lực cá nhân có thể lấp đầy khoảng trống quá lớn tạo ra bởi sự trấn áp trẻ em là điều thật sự vô lí. Không ai có thể khắc phục những tội ác ngày càng bành trướng mà cội rễ đầu tiên nằm trong thực tại là tất cả con người đều bất thường. Bởi tuổi sơ sinh của họ đã không thể phát triển theo đường hướng mà thiên nhiên đã vạch ra, do đó gánh chịu những sai lệch không thể chinh sửa.

Năng lượng chưa được biết có thể trợ giúp nhân loại là cái đang nằm tiềm ẩn bên trong đứa trẻ.

Nay là lúc để khôi phục lại châm ngôn: “Hãy tự biết mình!”. Đó là nguồn gốc của tất cả các ngành khoa học về sự sống đã giúp cải thiện và cứu sống sự sống thể chất con người bằng y học tân tiến và tiến bộ về vệ sinh, đánh dấu cái gần như là tầm mức của một nền văn minh cao nhất, một nền văn minh với đặc trưng là sự vệ sinh thân thể.

Nhưng trong lĩnh vực trí tuệ, con người vẫn chưa biết được chính mình. Những khảo sát đầu tiên con người tìm hiểu về bản chất vật lí được tiến hành trên các tử thi. Các nghiên cứu đầu tiên để hiểu được cái bản chất tinh thần của họ được thực hiện với con người đang sống, ngay từ lúc nó mới sinh ra.

Không có những tiếp cận cơ bản này, có lẽ sẽ không có lối mở ra cho sự tiến bộ hay đúng hơn, nếu ta có thể nói, cho sự sinh tồn của nhân loại trong nền văn minh của chúng ta. Tất cả khó khăn liên quan đến những vấn đề xã hội vẫn tồn tại mà chưa được giải quyết, như những khó khăn đã được hình dung ra trong khoa học sư phạm tân tiến. Bởi sự cải thiện trong giáo dục chỉ có thể có một điều căn bản, đó là sự bình thường hóa của đứa trẻ. Một khi điều này đã đạt được, không những các khó khăn về sư phạm sẽ có thể giải quyết, mà thật ra, chúng sẽ không còn tồn tại. Và, hơn nữa, các kết quả đạt được là những cái không hề được tìm kiếm và chúng kì diệu như phép lạ.

Có lẽ phương thức này cũng cần cho thế giới người lớn, và ở đây chỉ có một vấn đề thực, ẩn trong câu nói: “Hãy tự biết mình” – tri thức của những quy luật nằm bên dưới đang hướng dẫn sự phát triển tinh thần của con người. Nhưng đứa trẻ đã giải bài toán này rồi, và một con đường thực tiễn đã mở ra. Bên ngoài điều này, không có chỉ dấu của bất cứ sự cứu rỗi khả thi nào. Bởi mọi điều tốt đẹp khi đến tay những kẻ lệch lạc, họ đều tìm cách để chiếm hữu cho chính họ, và để biến chúng thành phương tiện của quyền lực. Thế nên một điều tốt bị phá hủy ngay trước khi nó có thể thành hữu ích, và do đó biến thành một mối nguy hiểm cho đời sống con người.

Đó là lí do tại sao mọi điều tốt, mọi tiến bộ, mọi khám phá có thể gia tăng cái ác đang làm khổ thế giới, như ta đã thấy trong trường hợp các máy móc, hình thức cụ thể nhất của tiến bộ xã hội đối với tất cả chúng ta. Mọi khám phá có ý nghĩa nâng cao và tiến bộ có thể bị sử dụng cho phá hoại, cho chiến tranh, và làm giàu cho riêng cá nhân. Tiến bộ về mặt vật lí, hóa học, và sinh học, và sự cải thiện các phương tiện giao thông chỉ làm tăng nguy cơ của sự tàn phá, khốn khổ và sự xuất hiện của cái man rợ độc ác, Vì thế, chúng ta không thể đặt hi vọng vào thế giới bên ngoài cho đến khi sự bình thường hóa của con người được nhìn nhận là một thành tựu căn bản của đời sống xã hội. Chỉ khi đó, tất cả các tiến bộ bên ngoài mới có thể đem đến phúc lợi và một hình thức văn minh cao hơn.

Do đó, chúng ta phải cậy đến trẻ thơ là chìa khóa cho số mệnh của sự sống tương lai của chúng ta. Bất cứ ai muốn thành công vì mục đích nào đó cho phúc lợi của xã hội, phải tìm đến đứa trẻ, không những để cứu nó khỏi bị lệch lạc, mà còn để học được từ đứa trẻ cái bí mật thực tiễn của sự sống của chính chúng ta. Từ quan điểm này, nhân vật trẻ thơ tự bộc lộ là đối tượng quyền năng và huyền bí cho ta suy ngẫm, bởi đứa trẻ nắm giữ cái bí mật của bản chất của chúng ta trong bản thân nó, trẻ thơ trở thành chủ nhân của chúng ta.

Sứ mệnh của cha mẹ

Cha mẹ của đứa trẻ không phải là người tạo ra nó mà là người giám hộ của nó. Họ phải che chở và chăm sóc nó, theo nghĩa sâu sắc nhất của một sứ mệnh thiêng liêng vượt khỏi các mối quan tâm và ý tưởng của đời sống bên ngoài. Đối với đứa trẻ, họ là các giám hộ siêu nhiên, nếu so sánh với các thiên thần hộ mệnh trong thần học, chỉ trực tiếp lệ thuộc vào cõi trời, họ có quyền năng lớn hơn bất cứ uy quyền nào của con người, và cha mẹ được kết hợp với đứa trẻ theo cách mà nó không hề nhận thức được, họ không thể tách rời khỏi đứa trẻ. Để thực hiện sứ mệnh này, cha mẹ phải thanh tẩy tình yêu mà thiên nhiên đã khắc ghi trong lòng họ, và họ phải hiểu rằng tình yêu là phần được ý thức của một sự hướng dẫn sâu xa hơn, không nên bị nhiễm bẩn bởi sự ích kỉ hay thờ ơ. Cha mẹ nên hình dung và tiếp thu vấn đề xã hội mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay, đó là cuộc đấu tranh cho quyền lợi của đứa trẻ trên thế giới.

Nhiều điều về quyền lợi của con người đã được đề cập đến trong những năm gần đây, và đặc biệt là về quyền lợi của người lao động, nhưng giờ đây đã đến lúc chúng ta phải nói lên quyền lợi xã hội của đứa trẻ, Vấn đề xã hội về quyền lợi của người lao động đã là nền tảng cho các thay đổi xã hội, bởi nhân loại sống nhờ vào lao động của con người, và do đó vấn đề này có quan hệ với đời sống vật chất của toàn thể nhân loại. Nhưng nếu người lao động sản xuất những thứ con người tiêu thụ và là kẻ sáng tạo ra những vật bên ngoài con người, thì đứa trẻ lại sản xuất ra chính nhân loại, và do đó, quyền lợi của trẻ em còn kêu gọi một sự cải cách xã hội mạnh mẽ hơn. Rõ ràng là xã hội con người phải dành sự chăm sóc khôn ngoan và hoàn hảo nhất cho đứa trẻ, để nhận từ đứa trẻ sức mạnh lớn lao hơn và các giá trị cao hơn trong nhân loại của tương lai.

Trái lại, xã hội đã bỏ bê và thật sự quên đi quyền lợi của đứa trẻ mà nó có lẽ đã giày vò và đàn áp một cách vô thức, xã hội đã không thể nhận ra giá trị, năng lực, bản chất cốt yếu của trẻ, thực tế này phải được nhìn nhận, và cảm xúc này phải đánh thức lương tâm nhân loại một cách mãnh liệt nhất.

Quyền lợi của trẻ thơ

Cho đến hôm qua, cho đến khởi nguyên của thế kỉ này, xã hội chưa hề mảy may quan tâm đến trẻ thơ. Xã hội đã bỏ mặc nó cho sự chăm sóc duy nhất của gia đình, sự che chở và bảo vệ duy nhất cho trẻ là uy quyền của người cha, ít nhiều là vết tích của cái đã được bộ luật La Mã thiết lập hơn hai ngàn năm trước.

Trong thời gian khá dài này, văn minh cải biến, sửa đổi những bộ luật để chúng có lợi và phục vụ cho người lớn, nhưng lại bỏ rơi đứa trẻ và không cho nó bất cứ sự bảo vệ xã hội nào. Đứa trẻ chỉ nhận được sự trợ giúp về vật chất, tinh thần và kiến thức mà gia đình sinh ra nó có thể cung ứng. Nếu gia đình của trẻ không có khả năng, trẻ phải phát triển trong sự bần cùng về mặt vật chất, tinh thần và tri thức nhưng xã hội lại không cảm thấy có trách nhiệm gì đối với nó. Đến bây giờ xã hội cũng không hề đòi hỏi gia đình phải chuẩn bị như thế nào đó, một cách đúng đắn, để chăm sóc đứa con sẽ trở thành thành viên của gia đình.

Nhà nước, quá nghiêm khắc trong việc đòi hỏi các văn bản chính thức và các thủ tục rườm rà, quá lo lắng kiểm soát tất cả mọi thứ liên quan đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất về trách nhiệm xã hội lại không mảy may quan tâm đến khả năng của những bậc làm cha mẹ tương lai trong việc che chở đầy đủ cho con cái và bảo vệ sự phát triển của chúng. Nhà nước chẳng cung cấp nơi dạy hay sự hướng dẫn nào cho các bậc cha mẹ. Trong phạm vi Nhà nước, ai muốn lập gia đình chỉ cần trải qua một nghi thức hôn phối. Từ tất cả những điều này, chúng ta có thể tuyên bố rằng xã hội từ ban sơ đã thờ ơ với những người lao động nhỏ bé mà thiên nhiên đã tín nhiệm trao cho vai trò xây dựng nên nhân loại. Giữa tiến bộ liên tục có lợi cho người lớn, trẻ em vẫn là những kẻ không thuộc xã hội con người, ở bên lề xã hội, bị cô lập, không có bất cứ phương tiện giao tiếp nào để khiến xã hội trở nên có ý thức về tình trạng của chúng. Trẻ em có lẽ là những nạn nhân mà xã hội không hề nhận thức được.

Và thực vậy, trẻ em là nạn nhân.

Chúng thực sự là nạn nhân, như khoa học đã nhìn nhận, khi khoảng nửa thế kỉ về trước, y khoa mới bắt đầu thật sự quan tâm đến giai đoạn thơ ấu. Vào thời ấy, trẻ em bị bỏ rơi nhiều hơn bây giờ, không có chuyên viên và bệnh viện riêng cho trẻ em. Chỉ khi các thống kê tiết lộ tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh trong năm đầu đời mới khiến người ta quá đỗi kinh ngạc.

Người ta bắt đầu nhận ra rằng mặc dù có nhiều đứa trẻ sinh ra trong các gia đình, chỉ có một số ít còn sống. Cái chết của trẻ nhỏ có vẻ tự nhiên đến nỗi các gia đình đã thấy quen thuộc và tự an ủi với ý nghĩ rằng con của họ đã lên thẳng tới thiên đàng. Chắc phải có một sự chuẩn bị tâm linh đặc biệt cho sự vâng phục nhẫn nhục đối với lối tuyển mộ các thiên thần nhỏ mà như người ta đã nói, Thiên chúa muốn có bên Ngài. Quá nhiều trẻ sơ sinh chết vì sự ngu dốt hay thiếu chăm sóc đúng đắn đến nỗi hiện tượng này đã được gọi là sự không ngừng “tàn sát kẻ vô tội”.

Các sự kiện được phơi bày với công chúng và lập tức, một phong trào tuyên truyền được xúc tiến để đánh thức lương tâm xã hội trước một nhận thức mới về trách nhiệm. Cho con ra đời là chưa đủ mà phải cứu sống sinh mạng ấy. Và khoa học cho biết cách thực hành: cha mẹ phải có tri thức mới và được hướng dẫn để chăm sóc sức khỏe của những đứa con sơ sinh của họ đúng cách.

Nhưng trẻ con không chỉ khốn khổ trong gia đình. Các nghiên cứu khoa học ở học đường phơi bày những sự hành hạ rất đáng lo ngại. Trong thập niên cuối của thế kỉ 19, y học đã phát hiện và khảo sát các chứng bệnh công nghiệp trong giới công nhân, từ đó dẫn đến yêu cầu đầu tiên cho vệ sinh công sở. Lúc ấy, người ta công nhận rằng ngoài các bệnh truyền nhiễm do mất vệ sinh, trẻ em cũng bị những bệnh “công nghiệp” – do lao động của chúng gây ra.

Trẻ em làm việc ở trường. Chúng bị nhốt vào đó, cam chịu những hành hạ cưỡng chế của xã hội. Lồng ngực hẹp khiến trẻ dễ mắc bệnh lao, hậu quả của những giờ dai dẳng khom mình trên các bàn viết, học đọc và viết, xương sống bị cong do luôn bị ép ở một vị trí; mắt bị cận vì đã cố gắng rất lâu để nhìn trong ánh sáng mờ. Cả cơ thể bị biến dạng như thể nó bị ép trong những không gian chật hẹp và đông đúc một thời gian dài.

Nhưng các hành hạ đối với chúng không chỉ xảy ra về mặt thể xác mà còn liên quan đến mặt tinh thần. Học hành bị ép buộc, và trí óc trẻ em bị mệt mỏi, vì nhàm chán và sợ sệt, hệ thần kinh bị kiệt sức. Chúng biếng nhác, bị thành kiến, chán nản, buồn bã, hung dữ, không có niềm tin vào bản thân, và không có sự vui tươi đáng yêu của trẻ thơ.

Những đứa trẻ bất hạnh! Những đứa trẻ bị áp bức!

Gia đình chúng không biết gì về tất cả điều này. Cha mẹ chỉ quan tâm đến việc đứa trẻ phải thi đỗ và học càng nhanh càng tốt để họ khỏi phải mất thời giờ và tiền bạc, Họ không quan tâm đến chính sự học hỏi hay sự thành đạt cao hơn về văn hóa, họ chỉ đơn thuần đáp ứng những đòi hỏi của xã hội, đáp ứng bổn phận bị bắt buộc, một bổn phận mà họ thấy nặng nề và tốn kém. Do dó, điều duy nhất mà họ quan tâm là con cái phải kiếm được một giấy thông hành để gia nhập đời sống xã hội trong thời gian ngắn nhất có thể.

Những cuộc khảo sát và điều tra nghiên cứu tiến hành trong giới học sinh vào thời gian ấy tiết lộ những điều đáng kinh ngạc khác. Nhiều trẻ em nghèo, khi đến trường, đã mệt mỏi vì các công việc lao động chúng làm vào buổi sáng, vài đứa đã phải đi bộ nhiều dặm để phân phối sữa cho khách hàng trước khi đến trường, vài đứa khác đã chạy và rao bán báo trên đường phố hay lao động ở nhà. Do đó, chúng đến trường trong đói khát, buồn ngủ với ước muốn duy nhất là được nghỉ ngơi. Các nạn nhân bé nhỏ và tội nghiệp này lại thường xuyên bị trừng phạt vì thiếu tập trung và không hiểu lời giảng của giáo viên. Giáo viên chỉ quan tâm đến trách nhiệm và hơn nữa đến uy quyền của họ, tìm cách đánh thức sự chú ý của các đứa trẻ kiệt sức này bằng hình phạt và đòi hỏi sự vâng lời với lời hăm dọa. Họ làm nhục học trò trước mặt bạn bè của chúng bằng cách quở trách chúng về sự thiếu khả năng hay lì lợm. Các trẻ em thiếu may mắn này cả đời bị bóc lột ở nhà và chịu hình phạt ở học đường.

Sự bất công mà các cuộc điều tra và khảo sát đầu tiên này phơi bày nhiều đến nỗi chúng gây nên phản ứng thật trong xã hội, Học đường và các quy tắc luật lệ liên quan được nhanh chóng điều chỉnh. Một chuyên ngành y học mới và quan trọng được khởi xướng, bao gồm sức khỏe học đường và sự vận dụng ảnh hưởng của nó để bảo vệ và lành mạnh hóa ở tất cả các trường học được công nhận tại các nước văn minh, Bác sĩ và giáo viên hợp tác với nhau vì lợi ích của học sinh, chúng ta có thể nói, đây là biện pháp xã hội đầu tiên chống lại một sai lầm vô thức từ xa xưa trong toàn thể nhân loại, và nó đánh dấu bước đầu tiên hướng đến sự phục hồi cho trẻ thơ trong xã hội.

Nếu nhìn lại qua sự thức tỉnh đầu tiên này và theo dòng lịch sử, chúng ta sẽ không tìm ra dữ kiện liên quan cho thấy sự công nhận các quyền lợi của trẻ em hay sự nhận thức trực giác về tầm quan trọng của đứa trẻ. Chỉ có Đức Ki-Tô gọi chúng đến với Ngài, chỉ cho người lớn rằng trẻ em là người hướng đạo lối vào Nước Trời cho họ, và đã cảnh báo về sự mù lòa của họ. Ngài đã cảnh báo chúng ta: “Nếu ngươi không cải hóa và trở nên giống những đứa trẻ nhỏ này, ngươi sẽ không bao giờ vào được Nước Trời.” Nhưng người lớn vẫn tiếp tục chỉ nghĩ về việc cải hóa đứa trẻ, xem họ là hình mẫu hoàn hảo cho đứa trẻ. Và dường như sự mù lòa kinh khủng của họ là không thể chữa trị được. Đây là bí ẩn của tâm hồn con người! Sự mù quáng này, vẫn còn là một hiện tượng hoàn vũ và có lẽ cũng xưa như chính nhân loại.

Thật ra trong mọi lí tưởng về giáo dục, trong mọi ngành sư phạm cho đến thời chúng ta, từ “giáo dục” luôn đồng nghĩa với từ “trừng phạt”. Mục đích vẫn luôn là để khuất phục đứa trẻ trước người lớn, kẻ đã tự mình thay thế cho tự nhiên và thay thế các quy luật của sự sống bằng chính óc lí luận và ý chí của họ. Mỗi quốc gia có những hình thức trừng phạt khác nhau. Trong các trường tư, những hình phạt cố định thường được nêu lên giống như họ đang phô trương các huy hiệu của trường, vài hình phạt sử dụng sự hạ nhục, như treo bảng yết thị trên lưng đứa trẻ, bắt chúng đội “nón tai lừa” của kẻ dốt hay bỏ chúng vào một cái cũi để kẻ đi ngang qua có thể cười chê và chế nhạo. Thường có những hình phạt tra tấn về thể xác. Trẻ bị bắt đứng hàng giờ ở một góc tường, mệt mỏi, chán nản vì ở không, chẳng thấy được gì, nhưng bị buộc phải giữ tư thế tại chỗ bằng chính ý chí của mình.

Những hình phạt khác là bắt chúng quỳ trên sàn nhà với đầu gối trần, hoặc bị roi vọt hay đánh bằng gậy trước công chúng. Một hình thức độc ác tinh vi hiện đại xuất phát từ học thuyết phối hợp gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục – một nguyên tắc cuối cùng đưa đến sự phối hợp nhà trường và gia đình để trừng phạt và hành hạ đứa trẻ. Đứa trẻ bị phạt ở trường bị bắt buộc phải báo cho gia đình để cha nó hiệp sức với thầy cô mà trừng phạt và mắng chửi nó. Rồi đứa trẻ bị buộc phải trình giấy báo của cha nó để chứng minh là nó đã tự buộc tội mình với kẻ hành hình kia của nó, người cha là kẻ, ít nhất về nguyên tắc, đã hợp lực để hành hạ chính con mình. Thế nên, đứa trẻ bị trừng phạt phải vác thánh giá

Không có ai bảo vệ nó, Tòa án mà trẻ có thể đến khiếu nại, như những tội nhân bị kết án ở đâu? Không hề có. Đâu là tình thương ở đó đứa trẻ tìm được chỗ ẩn náu và niềm an ủi? Không có gì cả. Nhà trường và gia đình đồng ý trừng phạt nó, bởi nếu không làm thế, hình phạt sẽ bị giảm đi và do đó giáo dục sẽ bị hạ thấp!

Nhưng gia đình đâu cần được nhắc nhở là phải phạt con họ. Các cuộc điều nghiên gần đây tìm hiểu về các hình phạt trẻ em trong gia đình (một cuộc khảo sát như thế được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội các Quốc gia) cho thấy đến nay, không có quốc gia nào, lớn hay nhỏ trên thế giới mà không có trẻ em không bị trừng phạt trong gia đình. Chúng bị sỉ vả thậm tệ, bị hành hung, đánh đập, tát tai, đấm đá, đuổi xa, nhốt vào phòng tối, bị hăm dọa bằng những thứ hiểm họa hoang đường, và không được hưởng những xoa dịu nho nhỏ là chốn ấn náu trong cơn đày đọa triền miên hay những niềm an ủi đối với những tra tấn phải chịu đựng một cách vô thức, ví dụ như được chơi với các bạn hay ăn bánh kẹo, trái cây.

Hồi cuối cùng một hình phạt quen thuộc là phải đi ngủ mà không được ăn tối, nến suốt đêm phải ngủ trong nhọc nhằn xáo trộn vì buồn và đói, Mặc dù những hình phạt như thế đã nhanh chóng biến mất trong những gia đình có học thức, chúng vẫn còn được sử dụng, và những thái độ cộc cằn, giọng nói cứng rắn, nghiêm khắc và hăm dọa là những hình thức hành xử thường xuyên đối với một đứa trẻ. Người lớn nghĩ rằng họ đương nhiên có quyền phạt đứa trẻ và bà mẹ nó phải nghĩ rằng tát tai nó là một nghĩa vụ.

Vậy mà hình phạt tùy tiện với thể xác giữa công chúng đã bị bãi bỏ cho người lớn bởi nó hạ thấp nhân phẩm và là sự ô nhục trong xã hội. Nhưng có điều gì ti tiện hơn là sỉ nhục và đánh đập một đứa trẻ không? Rõ ràng là lương tâm của con người về mặt này đã bị thui chột.

Tiến bộ văn minh ngày nay không phụ thuộc vào tiến bộ của cá thể, nó không xuất phát từ ngọn lửa cháy trong tâm hồn con người, nó là sự tiến tới của một cỗ máy vô cảm, lèo lái bởi một sức mạnh bên ngoài. Năng lượng thúc đẩy nó di chuyển xuất phát từ thế giới bên ngoài như một quyền lực to lớn vô hồn đến từ toàn thể xã hội và đang vận hành không khoan nhượng. Tiến tới! Luôn luôn tiến tới!

Xã hội như một đoàn tàu lớn đang chạy với một tốc độ chóng mặt hướng đến một mục tiêu xa vời, trong khi các cá thể tạo nên xã hội ấy có thể được so sánh với những hành khách ngủ gật trong các toa xe. Lương tâm ngái ngủ của họ là những trở ngại mạnh mẽ nhất đối với bất cứ sự hỗ trợ thiết yếu cho sự sống hay chân lí cứu rỗi nào. Nếu không phải thế, thế giới có lẽ đã có thể tiến bộ nhanh chóng; có lẽ sẽ không có sự tương phản nguy hiểm giữa sự gia tốc không ngừng của các phương tiện di chuyển và sự xơ cứng càng sâu sắc hơn của tinh thần con người. Bước đầu tiên, bước khó khăn nhất trong bất cứ phong trào xã hội nào hướng về một sự tiến bộ tập thể, là công tác đánh thức nhân loại đang ngái ngủ và vô cảm này và ép buộc nó phải lắng nghe lời kêu gọi.

Ngày nay điều cần thiết là xã hội như một tổng thể phải ý thức về đứa trẻ và tầm quan trọng của trẻ thơ, và phải mau chóng xử lí mối nguy hiểm của cái khoảng trống rộng lớn mà xã hội đang dựa vào. Nó phải lấp đầy khoảng trống này bằng cách dựng lên một thế giới cho đứa trẻ và công nhận các quyền lợi xã hội của trẻ. Tội ác lớn nhất mà xã hội đang phạm phải là phung phí và tiêu tán số tiền đáng lẽ dành cho trẻ em vào việc hủy diệt trẻ em và hủy diệt chính xã hội. Xã hội đã hành xử như một người giám hộ phung phí gia sản thừa kế của đứa trẻ.

Thế giới người lớn tiêu xài và chỉ xây cái gì cho chính họ, trong khi rõ ràng một phần lớn của cải của họ phải dành cho đứa trẻ. Sự thật này nằm ngay trong chính đời sống; các động vật, loài côn trùng bé nhỏ nhất có thể dạy ta điều ấy. Những con kiến dự trữ thức ăn cho ai? Con ong hút mật cho ai? Tại sao chim chóc tìm kiếm thức ăn và mang về tổ? Trong thiên nhiên không có một ví dụ nào về con mẹ nuốt trọn mọi thứ cho mình và bỏ mặc con nó trong thiếu thốn, vậy mà con người không làm gì cho đứa con của họ; họ chỉ cung cấp vừa đủ để giữ thân thể nó trong tình trạng thực vật, thế thôi.

Khi xã hội phung phí có nhu cầu cấp bách về tiền bạc, nó lấy từ các trường học, đặc biệt là các trường dành cho trẻ con, nơi đang che chở những hạt mầm của sự sống con người. Xã hội lấy tiền từ chỗ không có cánh tay hay tiếng nói nào để bảo vệ nó. Đây là một trong những tội ác và sai lầm vô lí nhất của nhân loại. Xã hội cũng không nhận thức được rằng nó nhân đôi sự hủy hoại khi nó dùng tiền của cho chiến tranh, nó hủy hoại vì ngăn chặn sự sống và phá hủy vì đem đến sự chết. Nhưng cả hai là một, và cùng một sai lầm vì chính qua sự thất bại không đảm bảo được sự phát triển của sự sống mà con người đã lớn lên một cách bất thường.

Do đó, người lớn phải được tổ chức lại, và lần này không phải cho họ, mà là cho con cái của họ. Họ phải lên tiếng đòi lại một quyền lợi mà họ không thấy được do sự mù lòa cố hữu của họ, nhưng nếu, một khi được nhận ra, nó là điều không thể chối cãi. Nếu xã hội đã là một giám hộ vô tâm với đứa trẻ, giờ đây nó phải phục hồi của cải và trả lại công bằng cho đứa trẻ.

Cha mẹ có một sứ mệnh rất quan trọng. Họ là những kẻ duy nhất có thể và phải cứu vớt con cái họ vì họ có quyền năng tổ chức tập thể xã hội và do đó có quyền hành động trong sự thực hành đời sống liên kết. Lương tâm họ phải cảm nhận được sức mạnh của sứ mệnh mà thiên nhiên đã giao phó cho họ, một sứ mệnh đặt họ lên trên xã hội, khiến họ thống lĩnh tất cả các hoàn cảnh vật chất, vì chắc chắn sự sống, tương lai của nhân loại nằm trong tay họ.

Nếu họ không làm thế, họ sẽ hành xử giống như quan Pontius Pilate.

Pilate ở xứ Palestine là kẻ có toàn quyền năng, vì ông ta có thế lực của Roma sau lưng, quyền lực đế quốc thống trị tất cả các quyền lực khác.

Pilate đã có thể cứu Đức Ki-Tô, ông ta đã có thể, nhưng ông ta đã không làm.

Một đám đông với những thành kiến cổ xưa, bám quá chặt vào luật lệ hiện hành, vào tập tục cổ xưa, đòi giết chết một kẻ vô tội. Đấng cứu Chuộc và Pilate đã phân vân và dửng dưng.

“Tôi có thể làm gì được”, có lẽ ông ta đã nghĩ như vậy, “nếu đây là những tập tục phổ biến?”.

Và ông ta đã rửa tay.

Ông ta có uy quyền để nói: “Không, ta sẽ không giết!”. Nhưng ông ta đã không nói ra.

Cha mẹ ngày nay hành xử như Pilate. Họ bỏ rơi con cái cho các tập tục xã hội, có quyền năng đến độ chúng có vẻ như là những điều tất yếu. Và thế là tấn bi kịch xã hội của đứa trẻ xảy ra. Xã hội bỏ rơi đứa trẻ cho gia đình chăm sóc, mà không cảm thấy có mảy may trách nhiệm, và gia đình giao con họ cho xã hội nhốt nó vào trong trường, tách nó khỏi mọi kiểm soát của gia đình.

Thế nên đứa trẻ lặp lại sự Thương Khó của Đức Ki-Tô bị điệu từ vua Herod đến quan Pilate, ném từ bên này qua bên kia, giữa hai quyền lực, mỗi bên giao Ngài cho trách nhiệm của bên kia.

Không ai lên tiếng bảo vệ đứa trẻ, nhưng hẳn phải có một tiếng nói có quyền để bảo vệ nó, tiếng nói của máu mủ, quyền lực của sự sống, thẩm quyền con người của cha mẹ nó.

Khi lương tâm của cha mẹ thức tỉnh, họ sẽ không hành động như Pilate, kẻ để che chở cho Đấng cứu Độ đã chối bỏ thần tính của Ngài, cột trói, đánh đập Ngài, và là kẻ đầu tiên sỉ nhục Ngài khi tuyên bố “Đây là Con Người (Ecce Homo)!”.

Tấn tuồng lịch sử này không được xem là một sự bào chữa cho Đức Ki-Tô mà như là tập đầu tiên của sự Thương Khó của Ngài.

Đây là con người – Ecce Homo

Vâng, đứa trẻ sẽ trải qua một sự thương khó, giống như sự Thương Khó của Đức KI-TÔ, Nhưng khởi đầu của mọi sự nằm trong Con Người Này, Ecce Homo. Hãy nhìn con người. Không có Thiên Chúa trong nó. Nó trống rỗng và đã bị sỉ nhục, đánh đập bởi một quyền lực cao hơn, lẽ ra có thể bảo vệ nó.

Sau đó nó bị lôi đi bởi đám đông, bởi nhà cầm quyền xã hội. Đối với đứa trẻ, nhà trường là một nơi với nhiều tai ương hơn cả thảm họa tự nhiên. Các tòa nhà lớn dường như được xây cho người lớn, và mọi thứ đều tỉ lệ tương xứng với người lớn – cửa sổ, cửa ra vào, các hành lang màu xám, tường trống trơn, ở đấy, trẻ con của vô số thế hệ trong bộ đồ đồng phục màu đen tang tóc trải qua suốt thời kì ấu thơ. Gia đình bỏ nó ở ngưỡng cửa, vì họ bị cấm vào. Nơi đây là sự tách rời của hai lĩnh vực và hai trách nhiệm. Và đối với đứa trẻ, khóc lóc, vô vọng, trái tim run lên vì sợ hãi, như thể nó đọc được trên cửa dòng chữ của Dante khắc ghi trên cổng Địa Ngục:

“Con người sẽ đi ngang ta để vào đô thị của sự khóc lóc. Con người băng qua ta để trở thành đám dân bị kết án.”

Đấy là một tiếng nói lạnh lùng, hăm dọa gọi nó đi vào với những bằng hữu vô danh, bị lên án tập thể như những sinh linh quỷ quyệt phải bị trừng phạt. Câu thơ của Dante lại hiện lên trong đầu ta:

“Đáng kiếp cho các người, những linh hồn xấu xa.”

Đứa trẻ sẽ đi đâu?

Trẻ sẽ đi đến nơi nó đã được ra lệnh, nơi nó đã được gửi đến.

Nó đã bị kết án. Nó sẽ đi vào một lớp học, và có người sẽ xử nó như quái vật Minos trong thơ của Dante, sẽ xoắn đuôi quanh thân thể đứa trẻ, chỉ cho linh hồn đi lạc đến khu vực nó đã được chỉ định. Nhưng ở đâu, cũng có thảm họa muôn đời, không lối thoát.

Khi đứa trẻ đã đi vào, trong lớp học đã được chỉ định, giáo viên sẽ đóng cửa lại. Từ đây cô giáo là chủ, cô ấy chỉ huy cái đám linh hồn này mà không có ai làm chứng hay kiểm soát.

Cô sẽ đóng cửa lại. Gia đình và xã hội đã phó mặc con cái của họ vào bàn tay uy quyền của cô. Người ta đã gieo hạt giống của mình trong gió, và gió đã mang đi. Từ đó những tứ chi mảnh khảnh, run rẩy, bị đóng vào thập gỗ hơn ba tiếng đồng hồ đau đớn, ba và ba tiếng trong nhiều ngày, nhiều tháng, và nhiều năm.

Tay chân đứa trẻ đã bị cột chặt vào bàn viết bởi những cái nhìn lạnh lùng, giữ chúng bất động như những chiếc đinh trong thân thể Đức Ki-Tô trên Thập giá. Hai bàn chân nhỏ bất động, hai bàn tay nhỏ đan vào nhau, nằm yên trên bàn viết. Và khi các tư tưởng của giáo viên được cố nhét vào cái trí tuệ đang khát khao chân lí và tri thức, đứa trẻ sẽ chịu đựng, cái đầu nhỏ cúi xuống trong tuân phục, tựa như đang chảy máu vì chiếc mũ gai.

Quả tim nhỏ tràn đầy yêu thương sẽ bị đâm thấu bởi sự thiếu hiểu biết của thế giới như bị đâm bởi lưỡi giáo. Cái văn hóa trao cho để làm giảm cơn khát về tri thức sẽ có vẻ cay đắng. Ngôi mộ của linh hồn đã không thể sống trong một thế giới quá giả tạo, với tất cả sự ngụy trang, đã được chuẩn bị, và khi linh hồn được đặt ở đó, lính canh, như để chế nhạo, sẽ được đặt quanh đó để canh chừng không cho nó sống lại.

Nhưng đứa trẻ luôn luôn sống lại, và trở về, tươi tắn, đổi mới, để sống giữa loài người.

Như Emerson đã nói, đứa trẻ là Đấng cứu Độ muôn đời, luôn luôn xuống giữa những kẻ đã sa ngã, để dẫn đưa họ về Nước Thiên Đàng.

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x