Trang chủ » Chương 2. Phương pháp của chúng tôi

Chương 2. Phương pháp của chúng tôi

by Hậu Học Văn
172 views

Phương pháp khởi đầu như thế nào?

Đặc điểm phương pháp giáo dục riêng của chúng tôi xem môi trường là mối quan tâm chính. Một sự canh tân khác đã gây nhiều chú ý và tranh luận là về vai trò của nhà giáo – nhà giáo thụ động “kẻ không thực thi các hoạt động và uy quyền của chính họ, vì điều đó có thể là trở ngại ngăn cản đứa trẻ tự hành động cho chính nó, và hài lòng khi thấy đứa trẻ hành động như vậy và tự mình có tiến bộ, mà không xem đó là do công lao của họ. Người thầy áp dụng lời của Thánh Gioan Tẩy Giả (người đã làm lễ Thánh Tẩy cho Đức Giêsu “ND) cho chính bản thân: “Người phải được nâng cao, nhưng ta phải hạ mình xuống.” Một nguyên tắc đặc trưng khác là sự tôn trọng đối với nhân cách của đứa trẻ, được thực hiện đến độ chưa từng có trong bất cứ phương pháp giáo dục nào khác.

Ba nguyên tắc chính yếu này đã được triển khai trong các cơ sở giáo dục đặc biệt, ban đầu được gọi là Casa dei Bambini, dịch sát nghĩa là “Ngôi Nhà của Trẻ em”, một tên gọi với hàm ý về một môi trường quen thuộc. Ai đã theo dõi phong trào giáo dục này điều biết rằng nó luôn gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là về các vai trò đảo ngược giữa người lớn và trẻ em: nhà giáo hầu như không giảng dạy gì cả, đứa trẻ là trung tâm của sinh hoạt, nó tự học, tự do chọn lựa công việc của chính nó và tự do trong vận động. Điều này nếu không bị coi là không tưởng, thì lại bị xem là phóng đại.

Trong khi đó, các sáng kiến về một môi trường vật chất, nơi mọi thứ phải cân đối theo dáng vóc của đứa trẻ đã được hoan hỉ đón nhận. Những căn phòng sáng sủa, những cửa sổ thấp trang hoàng hoa lá, và những món đồ nội thất nhỏ nhắn, nhiều kiểu, giống như nội thất của một ngôi nhà được trang bị đẹp đẽ, những bàn nhỏ, ghế bành nhỏ, rèm xinh xắn, kệ tủ thấp trong tầm tay của trẻ, nơi mà trẻ có thể cất hay lấy những món đồ khác nhau tùy ý, tất cả những điều này đã được xem như những cải tiến thực tiễn đích thực trong đời sống của trẻ. Tôi tin rằng có rất nhiều Ngôi Nhà của Trẻ đã duy trì tiêu chuẩn đặc trưng bên ngoài này và coi đó như là điều quan trọng hàng đầu.

Ngày nay, sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu và sau nhiều trải nghiệm, chúng tôi cảm thấy cần phải quay lại vấn đề và nhất là giải thích về nguồn gốc của phương pháp của chúng tôi.

Sẽ rất sai lầm khi tin rằng chỉ quan sát trẻ em một cách qua loa đã khiến chúng tôi đi đến kết luận đóng khung một tư tưởng khá táo bạo rằng có một bản chất ẩn kín ở đứa trẻ, và khi tin rằng, do từ trực cảm về điều này, ý tưởng về một loại trường đặc biệt và một phương pháp giáo dục đặc biệt đã nảy sinh. Không thể nào quan sát cái gì mà ta chưa biết đến, và bất cứ ai cũng không thể nào, bằng một trực cảm mơ hồ, bỗng nhiên tưởng tượng ra rằng một đứa trẻ có thể có hai bản chất, rồi nói “Bây giờ tôi sẽ cố gắng chứng minh bằng thực nghiệm”. Có lẽ phải nói rằng bất cứ điều gì mới đều phải tự xuất hiện bằng chính năng lượng của nó; nó phải nảy sinh và đánh động vào tâm trí, gợi lên bởi cái ta gọi là ngẫu nhiên.

Và thông thường, không ai hoài nghi nhiều hơn là kẻ đầu tiên được chứng kiến điều đó, họ bác bỏ sự kiện mới như bất cứ ai khác. Điều mới lạ phải được liên tục tái hiện, cho đến khi cuối cùng nó được nhìn ra, được công nhận và được nhiệt liệt đón nhận. Lúc đó, nhiệt tình khiến kẻ nhận ra nó đón nhận ánh sáng mới, yêu quý nó, hăng hái say mê nó và dâng hiến cuộc đời mình cho nó, nhiệt tình này có lẽ làm người khác tin rằng kẻ đó đã sáng tạo ra nó. Trong khi đó họ chỉ đơn thuần đạt đến điểm mà họ có thể nhận ra nó, và làm như người lái buôn trong Kinh Thánh, khi tìm thấy viên ngọc trai quý, đã bán đi tất cả những gì mình có để mua được nó. Khó khăn của chúng ta nằm trong việc phát hiện và khó tự thuyết phục bản thân về một cái gì mới mẻ, bởi chính các cánh cửa tri thức của chúng ta đã khép kín trước cái mới.

Đầu óc của chúng ta giống như một phòng khách quý tộc, khép kín đối với kẻ không có chức phận, muốn vào, phải được một người đã quen biết giới thiệu – chúng ta đi từ cái biết đến cái không biết. Trong khi cái mới phải phá vỡ cánh cửa đang đóng, hay chui vào, trong một lúc thảnh thơi, khi cánh cửa để hé. Lúc ấy, cái mới lạ gây ra kinh ngạc và cách mạng, ông Volta chắc hẳn đã trố mắt nhìn các chân co giật của con ếch bị lột da đã chết với sự hoài nghi. Tuy nhiên, ông ta đã ghi nhận sự kiện, và đã phân tách ra điện lực. Đôi lúc một sự cố tầm thường có thể mở ra những chân trời vô tận, bởi con người, do bản chất của nó là một kẻ đi tìm, thám hiểm, nhưng nếu không có sự phát hiện những chi tiết tầm thường ban đầu, sẽ không thể nào tiến bộ.

Trong vật lí và y học có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc xác định một hiện tượng mới. Một hiện tượng mới là phát hiện sơ khởi của các sự kiện trước đó không được biết đến, mà hầu như không ai nghĩ ra, tức là, tựa như chúng không hề hiện hữu. Một sự kiện luôn có tính khách quan và do đó không phụ thuộc vào trực giác. Trong trường hợp phải chứng minh sự hiện hữu của một sự kiện mới, phải chứng minh rằng sự kiện tự nó có thật, có nghĩa là nó phải được cách li. Giai đoạn thứ hai là khảo sát những điều kiện trong đó hiện tượng mới tự xuất hiện, để chúng ta có thể lặp lại và luôn luôn lặp lại được nó. Chỉ khi vấn đề cơ bản này đã được giải quyết, ta mới có thể khảo sát hiện tượng; lúc đó sự nghiên cứu mới bắt đầu, và khi tìm ra những điều mới lạ theo hướng mới, các nhà điều tra nghiên cứu có lẽ sẽ thực hiện thêm những khám phá thực sự khác nữa.

Đây là một vấn đề khác; rõ ràng là không ai có thể tìm kiếm cái họ không biết là có hiện hữu. Chắc hẳn là công việc nghiên cứu phải có một tiền đề, nó hàm ý một sự xuất hiện, có một hình thức nghiên cứu chỉ chuyên lặp lại, duy trì và đạt đến mức khắc phục một hiện tượng, để nó không biến mất như một ảo ảnh, mà trở thành một thực tại, một sở hữu có thể quản lí được, và do đó thực sự có giá trị.

Ngôi Nhà của Trẻ đầu tiên không phải là một chỗ sắp xếp cho một thí nghiệm giáo dục đã định sẵn, hay cho một thí nghiệm khoa học về giáo dục. Nó cung cấp một ví dụ về một khám phá sơ khởi có tất cả các đặc tính của “cái chưa biết” đã tự bộc lộ trước khi nó được nhận ra, về một sự kiện tầm thường có thể mở ra những chân trời bất tận.

Có những điều tôi đã viết từ lâu và vừa tìm ra trong đống giấy tờ cũ, có thể có giá trị tư liệu cho vấn đề này.

“Em là ai?”

Ngày 6, tháng 1, 1907, chúng tôi đã mở ngôi trường đầu tiên cho trẻ em bình thường từ ba đến sáu tuổi. Tôi không thể nói gì về các phương pháp của chúng tôi, vì chưa có phương pháp nào cả. Nhưng trong ngôi trường vừa mở, phương pháp của tôi sẽ sớm được hình thành. Ngày hôm ấy, không có gì hơn là năm mươi đứa trẻ vô cùng nghèo khổ, rách rưới, và nhút nhát, nhiều đứa đang khóc. Hầu hết các em là con cái của những phụ huynh thất học đã giao phó chúng cho tôi chăm sóc.

“Kế hoạch ban đầu là tập hợp các em nhỏ của các công nhân sống trong một chung cư dành cho người lao động để trẻ em không bị bỏ mặc chơi một mình trên cầu thang, nơi chúng sẽ làm bẩn tường và gây phiền toái. Nhằm mục tiêu đó, một căn phòng, một chỗ nương náu đã được dành ra trong chung cư, và tôi được yêu cầu nhận nhiệm vụ trông nom cái viện hẳn “sẽ có một tương lai” này.”

Có một cảm giác lạ lùng khiến tôi long trọng tuyên bố trong buổi khai mạc rằng đây là một dự án “vĩ đại” mà một ngày kia cả thế giới sẽ nói đến.

“Các lời đọc trong sách Thánh hôm ấy, là ngày Lễ Chúa Hiển Linh, vốn được đọc trong các nhà thờ, đối với tôi, có vẻ là một điềm và một lời tiên tri: “Và này bóng tối sẽ bao phủ mặt đất… nhưng Thiên Chúa sẽ hiện ra cho ngươi, và Dân Ngoại đạo sẽ đi trong ánh sáng của Ngài.” Những người hiện diện đều kinh ngạc và hỏi nhau tại sao tôi lại quan trọng hóa một cái viện cho trẻ con nghèo đến như vậy.

“Tôi bắt đầu công việc của mình giống như một người nông dân đã dành ra một kho hạt giống ngô tốt và tìm được một mảnh ruộng phì nhiêu để tự do gieo hạt. Nhưng tôi đã lầm. Hầu như tôi chưa cày lên các phiến đất của mảnh ruộng mà đã nhận được vàng thay vì hạt thóc: những cục đất ẩn giấu một kho tàng quý giá. Tôi không phải là người nông dân như tôi đã nghĩ. Đúng hơn, tôi giống như Aladdin không biết rằng anh ta đang nắm trong tay cái chìa khóa mở cửa các kho tàng bị giấu kín.

“Trên thực tế, công việc của tôi với những trẻ em bình thường này đã mang lại cho tôi một loạt bất ngờ. Có lẽ câu chuyện thần tiên tuyệt vời sau đây đáng được kể lại, “Thật là logic khi nghĩ rằng các phương pháp rất thành công này trong việc huấn luyện trẻ em khuyết tật lại có thể thực sự là chìa khóa dẫn đến sự phát triển tốt hơn ở trẻ bình thường, và những phương tiện này, nhờ đó tôi đã thành công trong việc tăng sức cho các đầu óc yếu kém và chỉnh lại các trí khôn lệch lạc, chúng lại nắm giữ các nguyên tắc về vệ sinh tâm thần tuyệt vời để hỗ trợ các đầu óc bình thường trở nên mạnh mẽ và ngay thẳng.

Trong tất cả chuyện này, không có gì là kì diệu cả, và lí thuyết giáo dục, đã là kết quả, có tính tích cực và khoa học nhất có thể, để thuyết phục các đầu óc thăng bằng và thận trọng. Nhưng điều này không loại trừ việc là những kết quả đầu tiên và bất ngờ đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và thường làm tôi hoài nghi.

“Những vật tôi đã trao cho những trẻ em bình thường này không có cùng tác dụng đối với chúng như đối với trẻ khuyết tật. Với một đứa trẻ chậm phát triển, thiết bị hữu ích cho tôi như một phương tiện khích động sự chú ý của trẻ, và tôi phải đem hết năng lực của mình để thuyết phục trẻ làm việc với chúng, và đúng là thiết bị đã giúp trẻ khuyết tật cải thiện sức khỏe tâm thần và học được cái gì đó. Nhưng ở đây một điều hoàn toàn trái ngược đã xảy ra. Đứa trẻ bị món đồ hấp dẫn, nó hoàn toàn tập trung vào vật ấy và tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ trong một trạng thái tập trung tuyệt vời.

Sau khi làm việc như thế, trẻ có vẻ hài lòng, thư thái, và hạnh phúc, vâng, đó là cảm giác thư thái mà bạn có thể đọc được trên những khuôn mặt nhỏ nhắn và bình thản, và trong những đôi mắt trẻ thơ long lanh với sự hài lòng về một công việc tự phát đã hoàn tất. Các vật mà tôi đã đưa cho các em giống như chìa khóa lên dây cót đồng hồ. Sau một lúc lên dây cót, đồng hồ tự chạy được. Nhưng ở đây, sau khi làm việc, đứa trẻ trở nên mạnh mẽ và khỏe mạnh về tinh thần hơn trước. Công việc như vậy đúng là một liều thuốc bổ cho tâm trí.

“Cần một thời gian để tôi tự thuyết phục mình rằng đây không phải là một ảo ảnh. Sau mỗi kinh nghiệm mới chứng minh điều này là thật, tôi tự bảo, “Tôi chưa tin được, lần sau tôi sẽ tin”. Do đó trong một thời gian dài, tôi vẫn hoài nghi và đồng thời lại vô cùng sửng sốt và lo âu. Bao nhiêu lần tôi đã trách cô giáo khi cô kể cho tôi nghe những gì các trẻ đã làm? “Điều duy nhất gây ấn tượng đối với tôi là sự thật”, tôi nghiêm khắc trả lời. Và tôi nhớ rằng cô ấy không phật ý mà lại trả lời trong nước mắt: “Bà nói đúng. Khi tôi nhìn thấy những điều như vậy, tôi nghĩ rằng chắc hẳn các thiên thần đã ban cảm hứng cho các trẻ em đó.”

“Một ngày nọ, trong cảm xúc lớn lao, tôi giữ trái tim mình trong hai tay như thể khuyến khích nó tăng thêm đức tin và tôi đứng trước các đứa trẻ, với lòng tôn kính và tự nhủ, “Các con là ai vậy?”. Phải chăng đây là những đứa trẻ mà Đấng Ki-Tô đã ôm vào lòng và nói lời thiêng liêng với chúng…? Tôi sẽ theo các con, để cùng vào Nước Trời với con.”

“Và cầm trong tay ngọn đuốc đức tin, tôi tiếp tục con đường của mình.”

Những trẻ em đầu tiên

Vậy chính may rủi đã dẫn tôi đến với các em. Chúng là những đứa trẻ khóc lóc, sợ sệt, nhút nhát đến nỗi ta không thể làm gì để chúng cất tiếng. Khuôn mặt chúng không cảm xúc, mắt chúng ngây dại như thể chúng chưa bao giờ nhìn thấy gì trong đời. Chúng thật sự là những đứa trẻ nghèo, bị ruồng bỏ, lớn lên trong bóng tối của những căn nhà tồi tàn, tăm tối, không được chăm sóc, và không có bất cứ điều gì để kích thích tâm trí của chúng. Bất cứ ai cũng có thể thấy rằng chúng thiếu dinh dưỡng, không cần phải là một y sĩ để có thể nhận ra rằng chúng có nhu cầu cấp bách được ăn uống, được ra nơi thoáng khí và ánh nắng mặt trời. Chúng là hoa chưa nở, nhưng không có sự tươi mát của những nụ chồi, những linh hồn ẩn giấu bên trong một lớp vỏ kín.

Sẽ thật thú vị nếu biết đâu là những hoàn cảnh khác thường đã khiến các em trải qua một sự biến đổi kì diệu như vậy, hay đúng hơn đã đem đến sự xuất hiện những đứa trẻ mới, mà tâm hồn tự biểu lộ với sự rạng rỡ như để chiếu rọi ánh sáng lên khắp trần gian?

Các tình huống này chắc sẽ phải đặc biệt thuận lợi cho sự “giải phóng tâm hồn của trẻ”. Tất cả những chướng ngại đàn áp chắc chắn đã bị tiêu hủy. Nhưng ai đã có thể kể ra những trở ngại này là gì? Hay các tình huống thuận lợi hoặc thật sự cần thiết cho một tâm hồn bị chôn vùi có thể nảy chồi và trổ hoa là gì? Nhiều thứ có vẻ hoàn toàn trái ngược với cái cần thiết cho một mục tiêu cao cả như thế.

Chúng ta có thể bắt đầu với gia cảnh của các trẻ này. Cha mẹ các em đến từ các tầng lớp thấp nhất của xã hội, bởi cha của chúng không phải là công nhân có việc làm thường xuyên, mà là những người lao động tầm thường, làm việc tạm thời, ngày qua ngày, và do đó không thể trông nom con cái. Hầu hết họ đều thất học.

Vì không thể tìm được một giáo viên đúng nghĩa cho một nhiệm sở không có tương lai, ý kiến đầu tiên là nên thuê cô con gái của người gác cổng làm cô trông trẻ, sau đó một cô gái có ăn học tốt hơn một chút được thuê để chăm sóc các em. Dù cô này đã từng học để trở thành một giáo viên, nhưng lúc ấy lại đang làm việc ở một phân xưởng, nên không có tham vọng làm cô giáo, và không có sự chuẩn bị – hay thành kiến – là những điều chắc khó tránh khỏi ở một giáo viên thực thụ. Ngôi trường mới của chúng tôi cũng trong một hoàn cảnh bất thường do nó không phải là một tổ chức từ thiện, mà được tài trợ thành lập bởi một công ti xây dựng đã khai chi phí này là một món được dùng gián tiếp cho việc bảo trì tòa nhà. Các em chỉ được tập họp ở đó để giữ cho khỏi làm hư hại bức tường của chung cư, và do đó giảm bớt chi phí sửa chữa.

Do đó, chúng tôi không thể làm công tác trợ cấp xã hội như cung cấp bữa ăn miễn phí ở trường hay dịch vụ y tế hoặc là có được một ngôi trường thực thụ chỉ nhằm mục đích giáo dục. Quỹ trợ cấp duy nhất đơn giản là số tiền cần thiết để thành lập một văn phòng với bàn ghế và một vài thiết bị bổ sung khác. Đây là lí do tại sao chúng tôi bắt đầu làm bàn ghế riêng của chúng tôi thay vì đi mua bàn học.

Nếu không vì những tình huống bất thường này, có lẽ chúng tôi đã không thể tách biệt các yếu tố thuần túy về tâm lí hoặc chứng minh ảnh hưởng của chúng đối với sự biến đổi của các trẻ này.

Ngôi Nhà của Trẻ đầu tiên như vậy không hẳn là một trường học, nhưng có thể được xem là thước đo, được bắt đầu từ con số không, ở bước đầu của bất cứ công trình nào.

Do không thể có bàn viết cho trẻ, bàn cho giáo viên, hay bất kì trang thiết bị nào khác của một ngôi trường bình thường, các bàn ghế đặc biệt được làm ra như để dùng cho một văn phòng hay một căn nhà. Đồng thời tôi đã cho chuẩn bị vài thiết bị khoa học chuẩn xác, giống những thứ tôi đã dùng trong một viện cho trẻ khuyết tật, vì vậy không có lí do gì để xem chúng là thiết bị học đường.

Không nên nghĩ rằng “môi trường” trong Ngôi Nhà của Trẻ đầu tiên vui tươi và đẹp đẽ như những nhà trẻ chúng ta thấy ngày nay. Những thứ trông ấn tượng nhất gồm một cái bàn chắc chắn cho giáo viên và một cái tủ lớn chứa đủ thứ đồ, có cánh cửa dày được khóa lại, và chìa khóa giao cho giáo viên giữ. Bàn cho trẻ em được làm chắc và bền; đủ dài cho ba đứa trẻ ngồi cùng một hàng, chúng được đặt cái trước cái sau, như các bàn viết trong trường học. Chỉ có những chiếc ghế nhỏ và những ghế bành nhỏ rất đơn giản cho mỗi đứa trẻ là điều mới lạ. Cả hoa cũng không có, điều mà sau này trở thành một đặc điểm của trường học của chúng tôi, bởi ngoài sân, dù vẫn trồng trọt, nhưng không có gì khác ngoài những bãi cỏ nhỏ và cây cối.

Trong môi trường như vậy, không có gì đáng khích lệ cho việc thực hiện bất kì thí nghiệm quan trọng nào, tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ lí thú nếu thử giáo dục các giác quan của bọn trẻ một cách có hệ thống, để thử nghiệm xem có điều gì khác biệt về phản ứng giữa những trẻ em bình thường với những trẻ em khuyết tật, và nhất là để tìm ra khả năng là có mối tương quan giữa các phản ứng của trẻ bình thường nhưng tuổi nhỏ hơn với các trẻ lớn hơn nhưng có khuyết tật.

Tuy nhiên, tôi không đặt quá nhiều hi vọng vào một thí nghiệm như vậy. Tôi không áp đặt sự hạn chế nào cho cô giáo và không đưa ra nhiệm vụ đặc biệt nào, tôi chỉ dạy cô cách sử dụng vài thiết bị luyện giác quan để cô có thể hướng dẫn các em sử dụng chính xác. Điều này xem ra dễ dàng và thích thú đối với cô. Nhưng tôi không ngăn cản cô có sáng kiến riêng. Thật vậy, sau một thời gian ngắn, tôi phát hiện ra rằng tự cô giáo đã làm thêm những món đồ khác như thập giá bọc trong giấy mạ vàng mà theo cô có thể dùng làm phần thưởng cho trẻ có hạnh kiểm tốt nhất.

Tôi thường thấy có một hay vài đứa trẻ đeo những món trang trí vô hại này trên ngực. Theo sáng kiến của cô, cô còn tự dạy tất cả bọn trẻ chào theo kiểu nhà binh, mặc dù đa số là các em gái nhỏ và đứa lớn nhất chỉ có năm tuổi. Nhưng điều này có vẻ làm cô hài lòng và tôi thấy chuyện này vừa không quan trọng vừa vớ vẩn. Thế là cuộc sống êm ả và cô lập của chúng tôi đã bắt đầu, và trong một thời gian dài không ai để ý đến chúng tôi đang làm gì.

Trẻ em đã cho tôi thấy gì

Tôi thấy cần tóm tắt các sự kiện chính của giai đoạn này, mặc dù làm như vậy là nói về những điều cực nhỏ đến nỗi chúng chỉ thuộc về những mẩu chuyện trẻ con thường bắt đầu bằng câu “Ngày xưa…” hơn là thuộc về một luận án quan trọng. Các hành động của chính tôi thật đơn giản, thật sự ngây ngô trẻ con, đến nỗi không ai muốn xem chúng là nghiêm túc về mặt khoa học. Tuy nhiên, nếu mô tả có hệ thống, sẽ cần đến rất nhiều quan sát về mặt tâm lí hay đúng hơn rất nhiều cuộc khám phá.

Lặp lại bài tập

Hiện tượng đầu tiên đánh thức sự chú ý của tôi là một cô bé khoảng ba tuổi đang tập xếp những thỏi hình trụ ra vào các khuôn gỗ (Chúng được lấy ra hay đặt vào các lỗ giống như nút đậy vào chai, nhưng chúng là những hình trụ có kích thước cách nhau từng bậc và mỗi cái hợp với lỗ tương ứng). Tôi đã ngạc nhiên khi thấy một đứa bé nhỏ như vậy lặp đi lặp lại bài tập với sự chú tâm mãnh liệt đến thế. Không thấy bé tăng tốc độ hay thành thạo hơn khi thực hiện công việc; đó là một thứ chuyển động không ngừng nghỉ.

Thôi thúc bởi thói quen, tôi bắt đầu đếm số lần cô bé lặp lại bài tập. Rồi tôi muốn xem sự tập trung lạ thường của cô bé có thể kéo dài bao lâu mà không bị xáo trộn, tôi bảo giáo viên để các trẻ khác hát và di chuyển xung quanh. Các em làm như thế nhưng cô bé kia vẫn không hề ngừng công việc của mình. Thế là tôi nhẹ nhàng nâng chiếc ghế bành mà cô bé đang ngồi trong đó và đặt nó lên một cái bàn nhỏ. Bé đã nhanh tay ôm chặt các thỏi hình trụ vào người và đặt chúng lên đầu gối, nhưng vẫn tiếp tục công việc đang làm. Từ lúc tôi bắt đầu đếm, cô bé đã lặp lại bài tập bốn mươi hai lần. Rồi cô bé dừng lại như vừa ra khỏi một giấc mơ và mỉm cười như thể cô rất hạnh phúc. Đôi mắt cô bé sáng rỡ và cô nhìn quanh.

Cô bé có vẻ thậm chí không để ý đến những gì chúng tôi đã làm nhưng không quấy rầy được bé. Và bây giờ, không có lí do rõ ràng, bé đã hoàn tất công việc. Nhưng cái gì đã được hoàn tất, và tại sao?

Việc này cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc đầu tiên vào những chiều sâu chưa được khám phá của tâm trí đứa trẻ. Bé gái rất nhỏ này ở độ tuổi khi sự chú ý còn thất thường, thoăn thoắt chuyền tay từ vật này đến vật khác mà không thể dừng. Vậy mà cô bé đã chăm chú vào việc mình đang làm đến mức cái Tôi của cô bé tỏ ra vô cảm đối với bất cứ kích thích nào bên ngoài, sự tập trung của cô bé đi kèm với một chuyển động nhịp nhàng của đôi tay, gợi lên bởi một vật được làm ra một cách chính xác và có kích thước được thay đổi tiệm tiến một cách khoa học.

Những sự kiện tương tự vẫn tái diễn ở những dịp khác nhau, và mỗi lần các em vừa bước ra khỏi một kinh nghiệm như vậy, chúng giống như những cá nhân đã được nghỉ ngơi, tràn trề sinh lực với vẻ mặt của những kẻ đã cảm nghiệm được một niềm vui lớn lao nào đó. Mặc dù những khoảng thời gian tập trung trí óc làm trẻ quên hết thế giới bên ngoài không xảy ra thường xuyên, tôi đã để ý đến một hành vi lạ lùng, có chung ở tất cả trẻ em, và cái quy luật thực tế tôi thấy trong mọi hành động của trẻ – cái tính chất đặc biệt của lao động trẻ em, mà sau này tôi đã gọi là “sự lặp lại bài tập”.

Một hôm, khi tôi nhìn các bàn tay bẩn nhỏ bé của các em đang làm việc, tôi nghĩ rằng mình sẽ dạy cho các em một cái gì thật sự hữu ích, đó là cách rửa tay. Tôi nhận thấy rằng các em cứ tiếp tục rửa ngay cả khi tay của các em đã sạch. Khi chúng rời trường, chúng lại rửa tay nữa. Vài bà mẹ nói với tôi rằng vào buổi sáng, con cái của họ chạy ra khỏi nhà và họ thấy chúng đang rửa tay ở các bồn nước, chúng rất tự hào khoe bàn tay sạch đến nỗi khiến người ta lầm chúng là những đứa bé ăn xin. Chúng lặp đi lặp lại bài tập dù không còn lí do thúc đẩy nào từ bên ngoài. Chúng tiếp tục rửa tay đã sạch vì một nhu cầu bên trong. Điều này cũng xảy ra trong rất nhiều dịp khác; nếu bài tập được chỉ dẫn với những chi tiết càng chính xác hơn thì dường như nó càng có thể trở thành một kích thích gây ra sự lặp lại vô tận của cùng một bài tập.

Tình cảm của trẻ đối với trật tự

Một chi tiết khác được phát hiện lần đầu tiên từ một việc rất đơn giản. Lũ trẻ sử dụng những học cụ được làm ra cho chúng, nhưng cô giáo là người phân phát cho chúng rồi sau đó đặt trở lại vị trí cũ. Cô nói với tôi rằng khi cô ấy sắp đặt đồ lại vị trí cũ, các em đứng dậy và đến đứng gần quanh cô. Bao nhiêu lần cô ấy bảo các em trở về chỗ ngồi, nhưng chúng luôn quay trở lại. Chuyện này xảy ra nhiều lần, nên cô kết luận rằng các em đã không vâng lời. Khi tôi quan sát bọn trẻ, tôi nhận ra rằng các em muốn tự mình đem các món đồ trở về vị trí của chúng, và tôi để cho các em làm như vậy. Và một lối sống mới bắt đầu cho trẻ, sắp xếp đồ vật cho ngăn nắp, dọn dẹp mọi xáo trộn cho có trật tự trở thành một công việc hấp dẫn. Nếu li nước tuột khỏi tay một đứa bé, mấy đứa khác sẽ chạy lại để nhặt các mảnh vỡ và lau khô sàn nhà.

Một ngày kia, giáo viên đánh rơi một cái hộp có chứa khoảng tám mươi ô vuông nhỏ có màu theo sắc độ khác nhau. Tôi nhớ vẻ lúng túng của cô vì rất khó nhìn ra quá nhiều sắc độ khác nhau để biết chúng nằm vào chỗ nào trong hộp. Nhưng các em lập tức chạy đến và trước sự kinh ngạc của chúng tôi, các em nhanh chóng sắp xếp chúng lại chính xác, theo đúng thứ tự, việc này cho thấy một sự nhạy cảm tuyệt vời đối với màu sắc mà chúng ta hẳn không có được.

Tự do chọn lựa

Một hôm, cô giáo đến trường hơi muộn, cô ấy đã quên khóa tủ và phát hiện rằng các em đã mở cửa tù và đang đứng quanh đó. Vài đứa đang lấy đồ ra và mang chúng đi. Cô giáo xem đây là một hành vi mang tính trộm cắp. Những em nào đã lấy cắp và tỏ ra thiếu tôn trọng với trường học và giáo viên của chúng phải bị xử lí khắt khe và phải dược dạy cho biết phân biệt phải trái, cô ấy đã nói vậy. Tôi thì ngược lại, cảm thấy mình phải diễn giải vụ việc như một dấu hiệu cho thấy những đứa trẻ lúc bấy giờ đã biết rõ các món đồ và đã có thể tự mình lựa chọn.

Và trường hợp này đúng là như vậy. Đây là khởi đầu của một sinh hoạt sống động và đầy thích thú cho trẻ. Trẻ em có sở thích riêng của mình, và các em lựa chọn công việc cho chính các em. Để giúp các em làm việc này, sau này chúng tôi đã sử dụng những kệ tủ thấp, xinh xắn, nơi đặt các học cụ ở tầm tay để các em có thể chọn cái tương ứng với những nhu cầu nội tại của mình. Thế là Nguyên tắc tự do lựa chọn được kèm theo với sự Lặp lại bài tập.

Sự tự do lựa chọn này thực hiện bởi trẻ em cho phép chúng tôi quan sát những xu hướng và nhu cầu tâm linh của trẻ.

Một trong những hệ quả thú vị đầu tiên là các em không chọn tất cả các học cụ khoa học đã chuẩn bị cho chúng mà chỉ chọn vài món. Các em hầu như luôn chọn cùng một món, vài món rõ ràng được ưa chuộng. Các món khác thì lại bị bỏ xó và dần bị phủ đầy bụi bặm.

Tôi đã chỉ cho các em xem tất cả các món đồ và bảo giáo viên giải thích và chỉ dẫn cách dùng. Nhưng mấy đứa trẻ không tự lấy những món mà chúng không thích.

Thế là tôi hiểu ra rằng trong môi trường đã chuẩn bị cho trẻ, tất cả mọi thứ không những phải xếp theo thứ tự, mà phải ở trong một số giới hạn chừng mực nào đó, và rồi sở thích và sự tập trung chú ý sẽ nảy sinh khi những gì rối rắm và thừa thãi đã được bỏ đi.

Trẻ không bao giờ chọn đồ chơi

Mặc dù trường học có một số đồ chơi thực sự tuyệt vời, bọn trẻ không bao giờ chọn chúng. Điều này làm tôi ngạc nhiên đến nỗi tôi đích thân quyết định chỉ cho các em cách sử dụng đồ chơi, dạy cách cầm các bật đĩa nhỏ của búp bê, nhóm lửa trong cái bếp tí hon của búp bê, và đặt một con búp bê xinh đẹp kế bên đó. Các em chú ý trong giây lát nhưng rồi lại bò đi, và chúng chưa bao giờ chọn những món đồ chơi này làm đối tượng của sự lựa chọn tự phát của chúng. Thế là tôi hiểu ra rằng trong cuộc đời của một đứa trẻ, có lẽ chơi là cái gì ít quan trọng mà trẻ em chỉ làm vì thiếu một cái gì đó tốt hơn để làm, nên trong tâm trí của trẻ-có những cái gì cao cả hơn dường như đã vượt lên trên những thú vui vô ích.

Điều này cũng đúng đối với chúng ta; chơi ván cờ tướng hoặc ván bài là chuyện đử vui trong lúc rảnh rỗi, chúng sẽ không còn là thú vui nếu chúng ta bị bắt buộc không được làm gì khác. Khi chúng ta có việc gì quan trọng và cấp bách hơn để làm, bộ bài sẽ bị bỏ quên, và đứa trẻ có những nhiệm vụ luôn quan trọng và thật sự cấp bách trước mắt. Mỗi giây phút trôi qua rất quý giá đối với đứa trẻ, nó biểu trưng cho sự chuyển tiếp từ một hình thái thấp hơn đến một hình thái cao hơn. Đứa trẻ luôn tăng trưởng, và tất cả những gì liên quan đến các phương tiện cho sự tăng trưởng của trẻ đều mê hoặc nó và khiến trẻ quên đi những chuyện phù phiếm.

Thưởng phạt

Một lần tôi bước vào trường và thấy một chú bé đang ngồi một mình trong chiếc ghế bành ở giữa căn phòng mà không có gì để làm; nó đeo trên ngực một chiếc huân chương trông rất bắt mắt mà giáo viên đã làm để thưởng cho trẻ ngoan. Cô ấy nói với tôi là chú bé đang bị phạt. Nhưng trước đó cô đã thưởng một đứa bé khác bằng cách đeo huân chương lên ngực nó. Và đứa bé này, đi ngang qua đứa bị phạt, đã trao lại chiếc huân chương cho nó, như thể đó là một món vô dụng, trở ngại cho người muốn làm việc. Đứa trẻ bị phạt thờ ơ nhìn chiếc huân chương và rồi bình thản nhìn quanh phòng, hầu như không có bất kì cảm giác nào về hình phạt đối với nó.

Điều này đủ cho thấy thưởng phạt là vô bổ, nhưng chúng tôi vẫn muốn tiếp tục quan sát thêm một thời gian, và sau rất nhiều thí nghiệm, chúng tôi nhận thấy sự việc luôn xảy ra như vậy, đến nỗi giáo viên cuối cùng gần như cảm thấy xấu hổ khi khen thưởng hay trừng phạt các trẻ này vì chúng dường như có vẻ thờ ơ đối với chuyện thưởng phạt.

Sau đó, chúng tôi bỏ việc thưởng phạt, cái thậm chí còn đáng ngạc nhiên nhất là trẻ em thường xuyên từ chối phần thưởng, sự kiện đứa trẻ cho đứa bị phạt chiếc huân chương của nó không phải để trả đũa mà vì nó xem đó là điều tốt nhất có thể làm với món đó, nói tóm lại để khỏi phải để ý đến vật đó nữa. Nhưng ngay cả trước đó, chúng tôi rất thường thấy mấy thập giá mạ vàng gắn lên ngực các em mà không hề gây ra một phản ứng nhỏ nào; đây là sự thức tĩnh của ý thức, sự xuất hiện của ý thức tinh tế về phẩm cách mà trước đó các em chưa hề có.

Bài tập im lặng

Một bữa kia, tôi bước vào lớp học, trong tay tôi ẵm một bé gái bốn tháng tuổi mà tôi đã nhận từ tay bà mẹ ở ngoài sân. Em bé được quấn chặt trong tã theo tục lệ dân gian. Khuôn mặt bé tròn trịa và hồng hào, và bé không khóc, sự yên lặng của nó khiến tôi ngạc nhiên, và tôi muốn chia sẻ cảm giác của mình với các em. “Thấy không? Bé không gây ra một tiếng động nào”. Và nói đùa, tôi thêm vào, “Thấy bé giữ im lặng ghê chưa… Không ai trong các con có thể yên lặng như thế”.

Và thật bất ngờ, tôi thấy các em đang chăm chú nhìn tôi một cách kì lạ. Dường như chúng đang dán mắt vào môi tôi và cảm nhận được một cách sâu sắc những gì tôi đang nói. “Để ý bé thở nè” tôi tiếp tục, “hơi thở của em bé nhẹ nhàng quá. Không ai trong các con có thể thở như bé mà không gây một tiếng động…”. Ngạc nhiên và bất động, các em bắt đầu nín thở. Lúc ấy, có sự im lặng khác thường; tiếng tích-tắc của đồng hồ, thường không ai nghe thấy, bắt đầu trở nên rõ ràng. Dường như em bé đã mang đến một bầu không khí im lặng chưa từng có trong cuộc sống thường nhật. Đó là vì không ai làm một cử động dù nhỏ nhất nào.

Và điều này đem lại ước muốn được nghe sự im lặng, và từ đó tạo lại sự im lặng. Tất cả các em đều hào hứng làm việc này, nếu sự hào hứng không bao hàm tính bốc đồng phải tìm cách biểu lộ ra bên ngoài. Nhưng ở đây là biểu hiện một mối tương quan nảy sinh từ một ước vọng sâu sắc. Lập tức, các em ngồi yên, kiểm soát chính cả hơi thở của mình, và chúng ngồi như thế với nét mặt bình thản và vẻ tập trung mãnh liệt của những người đang ngồi thiền. Dần dần giữa sự im lặng đầy ấn tượng này, tất cả chúng tôi nghe thấy những âm thanh nhẹ nhất, một giọt nước rơi ở xa và tiếng ríu rít của một con chim từ xa. Việc này là nguồn gốc của bài tập về sự yên lặng của chúng tôi.

Một ngày nọ, tôi bỗng có ý sử dụng sự yên lặng để kiểm tra lòng ước ao được nghe của trẻ em, thế là, tôi nghĩ ra việc gọi các em bằng tên trong tiếng thì thầm, từ một khoảng cách nào đó, như trong vài thử nghiệm y học. Em nào nghe được tên cửa mình thì phải đến với tôi, mà đi cách nào để không gây ra một tiếng động. Với bốn mươi đứa trẻ, bài tập kiên nhẫn chờ đợi đòi hỏi một sự kiên nhẫn mà tôi nghĩ là bất khả, vì vậy tôi đã mang theo kẹo để thưởng cho mỗi em khi chúng đến bên tôi. Nhưng những đứa trẻ từ chối không nhận kẹo. Có vẻ như thể các em đang nói, “Đừng làm hỏng kinh nghiệm đẹp đẽ này của chúng con. Tâm trí chúng con vẫn còn đầy thích thú. Xin đừng làm chúng con phân tâm”.

Do đó, tôi đã hiểu rằng trẻ em không những nhạy cảm với sự yên lặng mà còn với tiếng thì thầm gọi chúng trong yên lặng. Chúng sẽ từ từ rón rén bước đến, trên đầu ngón chân, cẩn thận không chạm vào vật gì, và không gây ra âm thanh nào cả. Sau này, tôi nhận ra rõ ràng rằng tất cả các bài tập liên quan đến cử động đều có thể kiểm soát sai lầm, như trong trường hợp này, sai sót được kiểm tra bằng các tiếng động trong sự im lặng, giúp đứa trẻ hoàn thiện các năng lực của nó. Nên lặp lại bài tập có thể dẫn đến một sự tập luyện ngoại tại bằng hành động, tinh tế đến nỗi khó có thể đạt được bằng lời chỉ dẫn bên ngoài.

Những đứa trẻ của chúng tôi học cách làm thế nào để dì chuyển xung quanh đồ vật mà không đụng vào, và làm thế nào để chạy nhẹ nhàng mà không gây ra tiếng động, nhờ vậy trở nên tỉnh táo và nhanh nhẹn. Và trẻ vui mừng về sự hoàn hảo của các thành tích chúng đã đạt được, cái trẻ em quan tâm là tự khám phá ra bản thân, phát hiện các tiềm năng của chúng và có thể luyện tập trong một thế giới huyền bí như nơi mà cuộc sống đang biến chuyển.

Trẻ từ chối bánh kẹo

Phải trải qua một thời gian dài trước khi tôi tự thuyết phục được mình rằng có một nguyên nhân nội tại trong việc trẻ em từ chối bánh kẹo – bánh kẹo được trao làm phần thưởng hay không có lí do là thứ thức ăn bất thường và không cần thiết. Tôi thấy sự từ chối này thật khác thường, khiến tôi quyết định lặp đi lặp lại thí nghiệm này nhiều lần vì ai cũng biết trẻ con luôn ham kẹo ngọt. Tôi mang một số bánh kẹo đến trường, nhưng các em từ chối không lấy hoặc để kẹo bánh vào trong túi áo choàng. Vì tất cả các em đều rất nghèo, tôi nghĩ rằng có lẽ chúng muốn đem kẹo về nhà, tôi bảo với chúng “Những viên kẹo này cô dành cho các con, còn đây là kẹo các con có thể đem về nhà”.

Chúng lấy kẹo, nhưng lại bỏ tất cả vào trong túi mà không ăn. Tuy vậy, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng cảm kích vì món quà, như có lần khi một đứa trong số bọn trẻ bị bệnh, cô giáo đã đến nhà thăm, cậu bé biết ơn cô giáo đến mức nó mở một cái hộp nhỏ và lấy ra một viên kẹo lớn mà nó đã nhận được ở trường và đưa cho cô. Viên kẹo hấp dẫn đã nằm đó nhiều tuần lễ và đứa bé không hề đụng đến. Cảm nghĩ này có giống của các nhà tu hành chạy trốn cuộc sống dễ dãi và những vật bên ngoài vô ích đối với cái tốt đẹp thật sự của cuộc đời, một khi họ đã tiến xa trên bậc thang của đời sống tâm linh không? Chắc chắn là thái độ này rất phổ biến trong đám trẻ con đến nỗi có nhiều khách sau này đến thăm trường chúng tôi chỉ để kiểm chứng hiện tượng này, và họ- đã viết về nó trong nhiều quyển sách.

Đây là một sự kiện tâm lí tự phát và tự nhiên ở trẻ em. Đương nhiên không ai nghĩ đến việc dạy chúng ăn năn đền tội và từ bỏ kẹo bánh, không ai lại có ý tưởng độc đáo và tuyệt vời để khẳng định là: “Trẻ con khồng nên chơi hay ăn kẹo.” Ngay cả bộ óc hoang tưởng cũng không nghĩ và làm như vậy. Những mẩu chuyện đáng ngạc nhiên được truyền đi khắp thế giới về một nhân vật quan trọng đã tặng cho đám trẻ những cái bánh bích quy, có dạng hình học, và đám trẻ, thay vì ăn bánh, chỉ chăm chú nhìn bánh và nói, “Đây là một hình tròn! Đây là một hình chữ nhật!”, có một câu chuyện vui khác về một đứa nhỏ, nhà nghèo, đã quan sát mẹ mình nấu nướng trong bếp. Bà lấy một khúc bơ còn nguyên, và đứa trẻ nói, “Đó là một hình chữ nhật!”. Mẹ nó cắt một góc và đứa con nói, “Bây giờ mẹ có một hình tam giác”, và nó nói thêm, “Chỗ còn lại là một hình thang”. Và nó không bao giờ thốt ra lời cầu xin thông thường “Hãy cho con bánh mì và bơ”.

Ý thức về nhân phẩm

Tôi có thể kể ra nhiều việc khác cho thấy các đặc tính thú vị này. Một bữa kia, tôi quyết định dạy các em một bài học hơi hài hước là làm thế nào để hỉ mũi. Sau khi đã cho các em xem những cách sử dụng khăn tay khác nhau, tôi kết thúc bằng cách chỉ cho các em làm thế nào để thực hiện điều đó càng kín đáo, ít gây tiếng động càng tốt, tôi lấy khăn tay ra, với một thao tác kín đáo khó gây chú ý. Các em nghe và nhìn tôi trong sự chú ý say mê, không cười đùa, và tôi tự hỏi tại sao. Nhưng khi tôi vừa mới chấm dứt biểu diễn thì chúng bừng dậy vỗ tay, như trong một rạp hát, khi một nữ diễn viên lớn – khơi dậy một sự hoan nghênh khó kiềm chế. Thế là tôi thực sự cực kì kính ngạc.

Tôi chưa bao giờ nghe ai kể những đứa bé nhỏ như vậy đã trở thành đám khán giả vỗ tay hoan nghênh hay những bàn tay nhỏ có thể bộc lộ cảm xúc nhiệt liệt như thế. Tôi bỗng nhận ra có lẽ tôi đã chạm vào một điểm nhạy cảm trong đời sống xã hội của thế giới bé nhỏ này. Vấn đề tôi đã đề cập là việc trẻ em liên tưởng đến một cách hạ nhục liên tục khi luôn luôn bị chế giễu, trẻ em luôn bị mắng do chuyện hỉ mũi. Mọi người la mắng chúng, mọi người sỉ nhục chúng (trong dân gian, chúng còn thường bị gọi là “thò lò mũi xanh”), và cuối cùng, nhất là ở trường, chúng phải mang một khăn tay ghim vào áo choàng ngoài cửa chúng để khỏi mất.

Lúc ấy, chiếc khăn tay giống như một vết nhơ và một phù hiệu ô nhục. Nhưng không ai thực sự dạy chúng phải hỉ mũi như thế nào mà không trực tiếp đả kích bọn trẻ. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của trẻ, hay hơn nữa chúng ta phải cố gắng hiểu rằng trẻ em nhạy cảm với mọi sự chế nhạo chúng vì trẻ có cảm giác bị sỉ nhục. Bài học như tôi dạy các em đã đem lại công lí cho trẻ, phục hồi và giúp trẻ tự nâng mình lên trong đời sống xã hội. Đó là cách tôi đã diễn giải sự việc, bởi sau đó, qua nhiều kinh nghiệm lâu dài, tôi khám phá ra rằng trẻ em có ý thức sâu sắc về phẩm cách cá nhân, và tâm hồn các em có thể bị tổn thương, bị giày vò và áp bức, theo cách mà người lớn không thể nào tưởng tượng được.

Ngày hôm đó không kết thúc như vậy. Khi tôi sắp sửa đi về, các em bắt đầu hét to “Cảm ơn cô, cảm ơn cô đã dạy chúng con”. Khi tôi rời tòa nhà, các em xếp hàng lặng lẽ theo sau dọc theo lề đường, cho đến khi tôi nói với chúng: “Khi các con quay trở vào, hãy chạy bằng đầu ngón chân và hãy cẩn thận không đụng vào góc tường.” Chúng quay lại và biến mất sau cánh cổng như thể chúng đang bay. Tôi đã làm cho những em bé nhỏ xíu đáng thương này xúc động vì phẩm giá xã hội của chúng.

Một hôm, một cuộc viếng thăm quan trọng được thông báo, vị khách muốn ở lại một mình với các em để quan sát chúng. Tôi khuyên giáo viên: “Dịp này, chỉ cần để mọi việc tự nhiên xảy ra.” và quay sang các em, tôi nói: “Ngày mai, các con sẽ có khách, cô rất mong họ sẽ nghĩ các con là những đứa trẻ ngoan nhất thế giới.” về sau, tôi hỏi giáo viên là cuộc thăm viếng diễn ra như thế nào. Cô kể tôi nghe: “Thành công lớn. Vài đứa đem ghế mời khách và lịch sự thưa: “Xỉn mời ông ngồi.” Những đứa khác nói: “Xin chào ông.” Và khi khách về, tất cả các em tụ lại và nhìn qua cửa sổ rồi cùng hét to “Cảm ơn ông đã đến thăm, xin chào tạm biệt!”

Tôi hỏi “Nhưng tại sao lại có tất cả những chào hỏi và chuẩn bị như vậy? Tôi đã bảo cô đừng làm điều gì khác thường mà chỉ để mọi việc xảy ra tự nhiên thôi mà.”

“Nhưng tôi đâu có nói gì với các em”, cô trả lời. “Chính các em tự mình…”, và cô nói thêm, “Chính mắt tôi cũng không tin được những gì tôi đã thấy và tôi(tự nhủ chắc các thiên thần đã xui khiến các em…”. Cô tiếp tục giải thích rằng các em đã tự làm tốt mọi việc, mỗi đứa tiếp tục làm một việc riêng trong yên lặng khiến vị khách thật sự cảm động.

Trong một thời gian, tôi vẫn còn hoài nghi và không tin, tôi vẫn truy vấn cô giáo để biết chắc chắn là không có chuẩn bị hay tập dượt gì cả. Nhưng cuối cùng tôi đã hiểu, các em đã có nhận thức về nhân phẩm của chính mình, chúng có tự ái và chúng biết cách tổ chức công việc của chúng và biết cách tiếp khách với lòng ưu ái và sự vui vẻ thân thiện. Chúng kính trọng khách của mình và hãnh diện cho họ thấy cái tốt nhất chúng có thể làm. Tôi đã chẳng nói với các em đó sao: “Cô muốn khách nghĩ rằng các con là những đứa trẻ ngoan nhất thế giới.” Nhưng chắc chắn không phải lời thúc giục của tôi đã khiến chúng hành động như thế. Chỉ cần tôi nói với các em, “Các con sẽ có một người khách đến thăm viếng”, thì giống như loan báo sự xuất hiện của khách mời trong phòng khách, và thế là sẽ có một đám nhỏ nhanh nhẹn và có trách nhiệm, với phẩm cách và lễ độ, sẵn sàng làm những việc cần làm.

Tôi hiểu có một điều rất đơn giản nhưng gần như tuyệt vời. Trẻ em không rụt rè. Bây giờ không có chướng ngại nào đặt ra giữa tâm hồn của trẻ và môi trường xung quanh chúng. Chúng đã khai mở hoàn toàn và tự nhiên như bông sen nở ra những cánh hoa trắng của nó để đón nhận được những tia sáng mặt trời và tỏa ra một hương thơm tinh tế. Trẻ không có gì để che giấu, không có gì để cất đi, không có gì để sợ. Đơn giản là như vậy, chúng ta có thể nói, sự an nhiên thoải mái của trẻ là kết quả của sự thích ứng tức thời và hoàn hảo với môi trường của chúng.

Các tâm trí thức tỉnh, năng động đang hoạt động trong thế giới, luôn an nhiên tự tại, tòa ra ánh sáng tâm linh và hơi ấm làm tan biến các cuộn dây quấn trói tâm hồn của người lớn khi họ tiếp xúc với các em. Những trẻ này đã tiếp đón mọi người với lòng thương mến. Vì vậy, nhiều nhân vật quan trọng bắt đầu đến thăm các em để đón nhận những cảm giác mới mẻ và tươi mát, và đám trẻ trở thành trung tâm của một đời sống xã hội nhộn nhịp. Thật thú vị khi thấy ngay những người khách bình thường cũng bắt đầu bộc lộ những cảm tình khác hơn cách thông thường của họ. Ví dụ, những phụ nữ ăn mặc thanh lịch mang trang sức như khi đi viếng thăm người họ muốn tôn vinh, và họ thích thú trước sự ngưỡng mộ của những đứa trẻ thật tươi tắn, ngây thơ và không chút ganh tị; họ hạnh phúc được nghe các em bày tỏ sự trầm trồ khen ngợi.

Các em vuốt ve các thứ đẹp đẽ và bàn tay mềm mại, thơm tho của những người phụ nữ này. Một lần, có một bé trai đến gần một phụ nữ đang có tang và tựa cái đầu nhỏ của nó vào người bà, rồi nó cầm lấy bàn tay của bà và giữ nó giữa đôi tay của mình. Sau này, bà ấy nói với nhiều xúc động rằng không ai mang đến cho bà nhiều an ủi như đứa bé đó.

Kỉ luật tự phát

Mặc cho phong cách an nhiên và tự do của các em, nhìn chung, chúng vẫn cho ta cảm tưởng chúng có kỉ luật lạ thường. Chúng lặng lẽ làm việc, mỗi đứa chú tâm vào công việc riêng của mình, chúng lặng lẽ đi tới đi lui, lấy học cụ mới hay đặt lại chỗ cũ các vật mà chúng đã dùng. Chúng đi ra khỏi lớp học, nhìn quanh sân rồi lại trở vào. Chúng thực hành các điều cô giáo kêu gọi một cách nhanh chóng lạ thường. Cô giáo kể tôi nghe: “Các em luôn sẵn sàng làm đúng y lời tôi bảo nên tôi bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm với từng lời tôi thốt ra.” và đúng như thế, nếu cô ấy muốn các trẻ thực hành bài tập về sự yên lặng, các em sẽ ngồi bất động trước khi cô chưa dứt lời yêu cầu. “Bây giờ chúng ta sẽ giữ im…”.

Mặc cho sự tuân phục rõ rệt này, chúng biết tự hành động theo ý riêng của mình, tùy ý sắp xếp giờ giấc và việc làm trong ngày của chúng. Trẻ tự lấy học cụ theo ý và dọn dẹp trường lớp cho ngăn nắp; nếu giáo viên đến muộn hoặc để các em ở lại một mình, mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp như thế. Điều này chính là cái đặc biệt lôi cuốn người quan sát trẻ – trật tự và kỉ luật kết hợp với sự hồn nhiên.

Kỉ luật hoàn hảo này, thật rõ ràng ngay cả lúc nó xuất hiện trong im lặng sâu xa, sự vâng lời này khiến trẻ em hãng hái thực hành những gì được nói với chúng, thậm chí ngay cả khi chưa được nói ra, chúng chỉ đoán mà chưa nghe, đã xảy ra từ lúc nào? Lớp học hoàn toàn yên lặng khi các em làm việc và di chuyển. Không ai bắt buộc chúng yến lặng, và hơn thế nữa, không ai có thể tạo ra được sự yên lặng bằng các phương tiện bên ngoài, có lẽ các em nhỏ này đã tìm ra quỹ đạo của chu kì của chúng, như các ngôi sao đi vòng quanh không mệt mỏi nhưng vẫn chiếu sáng muôn đời mà không hề chệch khỏi vị trí của chúng? Lời Thánh Kinh nói về chúng, có thể áp dụng cho các trẻ em như thế, “Và các vì sao đã tỏa sáng trong canh thức và đã vui mừng; chúng chiếu rực rỡ sự viên mãn của chúng đến Đấng đã tạo nên chúng”.

Một kỉ luật tự nhiên như vậy dường như làm thăng hoa môi trường tại đó, và biểu lộ như một phần của kỉ luật phổ quát đang cai quản thế giới. Chính cái kỉ luật mà vị tiên tri đã nói đến như là cái mà con người đã đánh mất. “Người trẻ đã thấy ánh sáng và cư ngụ trên địa cầu, nhưng đường lối kỉ luật, chúng không biết đến.” Ta có cảm tưởng rằng cái kỉ luật tự nhiên này phải cung cấp nền tảng cho tất cả các hình thức kỉ luật khác đã được ấn định – ví dụ như trong đời sống xã hội “bởi những quan tâm tức thời bên ngoài. Thật vậy, một trong những điều khơi dậy mối quan tâm lớn lao nhất và cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho tư duy, dường như đang nắm giữ một điều gì bí ẩn, lại đích thực là cái thực tại về trật tự và kỉ luật được kết hợp thật chặt chẽ với nhau này do kết quả của sự tự do.

Một ngày nọ, con gái của Thủ tướng chính phủ nước ta muốn đi theo vị đại sứ của nước Argentina trong một buổi viếng thăm Ngôi Nhà của Trẻ. Viên đại sứ đã quyết định không báo trước cuộc viếng thăm để ông có thể chứng kiến sự hồn nhiên của trẻ em mà ông từng nghe nói đến. Tuy nhiên, khi đến trường, ông được biết là trường đã đóng cửa vì là ngày nghỉ lễ. Vài trẻ em ở sân sau xuất hiện, chúng lập tức đến gặp ông, một đứa nói, gần như tự nhiên “Không sao đâu dù hôm nay là ngày lễ.

Tất cả tụi con đều ở trong tòa nhà này và bác gác cổng có chìa khóa”. Rồi mấy đứa trẻ chạy đi gọi các bạn và cửa lớp học được mở ra, tất cả các em đều ngồi xuống làm việc. Sự hồn nhiên kì diệu của đám trẻ là điều chắc chắn không nghi ngờ được. Những bà mẹ của các đứa trẻ đều biết việc này. Ta có thể tưởng tượng là họ kinh ngạc bao nhiêu khi thấy các vị khách đi vào sân nhà để gặp các em. Hoàng hậu nước Ý, và chính Nhà Vua và một số nhân vật quyền cao chức trọng mà họ không bao giờ nghĩ sẽ được thấy mặt dù đứng từ xa. Nhưng đây không phải là điều họ nói với tôi. Thay vào đó, họ đến để tâm sự những điều riêng tư trong gia đình, “Mấy đứa nhỏ ba, bốn tuổi này nói với chúng tôi những lời mà nếu là người khác nói có thể làm phật lòng chúng tôi.

Ví dụ, các cháu nói: “Tay mẹ bẩn, mẹ nên rửa đi”, hay “Mẹ phải giặt sạch các vết bẩn trên áo quần của mẹ.” Khi chúng tôi nghe các cháu nói vậy, chúng tôi không phật ý. Các cháu nói với chúng tôi những chuyện nghe như trong giấc mơ”. Thật vậy, những người nghèo này trở nên sạch sẽ và tươm tất hơn. Các chậu vỡ bắt đầu biến mất khỏi bậu cửa sổ. Dần dần cửa sổ sạch hơn và hoa phong lữ bắt đầu nở trên các cửa sổ quanh sân. Nhưng sự kiện ấn tượng nhất là vài người phụ nữ nghèo thường đặt ở bậu cửa sổ của trường, ở tầng trệt, vài món ăn họ đã nấu và muốn gửi cho cô giáo để tỏ sự biết ơn, mà không cho cô ấy biết là của ai.

“Con đã viết được! Con đã viết được!”

Một hôm, có hai ba bà mẹ đại diện các cha mẹ đến gặp tôi và xin tôi dạy con họ học đọc và viết. Những người phụ nữ này mù chữ. Khi tôi phản đối vì cảm thấy công tác này không nằm trong dự định của tôi, họ kiên quyết van nài.

Thế là những chuyện bất ngờ nhất đã xảy đến. Tôi chỉ dạy các cháu bé bốn hay năm tuổi vài chữ trong bộ vần mà tôi đã nhờ giáo viên cắt ra từ giấy cứng. Một số chữ được làm từ giấy nhám để trẻ có thể sờ lên và cảm nhận được dạng chữ để viết, tôi đặt những chữ này lên một tấm ván, sắp xếp các chữ cùng dạng với nhau, để bàn tay các em phải di chuyển theo động tác đồng nhất khi các em sờ vào chữ. Cô giáo hài lòng với cách sắp xếp này và không làm gì hơn để giúp các em.

Tôi đã không hiểu tại sao các em lại tỏ ra thật phấn khởi. Chúng đi vòng vòng, tay cầm từng chữ của bảng chữ cái như cầm biểu ngữ và vui mừng la to. Nhưng tại sao? Một hôm tôi bắt gặp một cậu bé vừa bước một mình vừa lặp lại: “Để viết Sofia, mình phải có một chữ ‘S’, một chữ ‘O’, một chữ ‘F’ một chữ T và một chữ ‘A’”. và cậu bé lặp lại các âm làm thành chữ đó như vậy. Như thế, bé đã tiến hành một cuộc nghiên cứu và phân tích từ mà cậu có trong đầu và tìm các âm cấu tạo ra từ này.

Với mối quan tâm sâu sắc của kẻ đang làm một cuộc khám phá, cậu bé đã hiểu rằng mỗi một âm tương ứng với một chữ cái trong bảng chữ cái abc. Và trên thực tế, viết thành tiếng đâu có phải là điều gì khác hơn là mối tương quan giữa một kí hiệu và một âm. Ngôn ngữ tự thân nó là tiếng nói; chữ viết thực sự không gì khác hơn là chuyển dịch từng tiếng (chuyển âm thành kí hiệu – ND). Mọi tiến bộ của chữ viết nảy sinh từ điểm tiếp cận này từ đó hai ngôn ngữ (chữ viết và tiếng nói “ND) biến hóa song song với nhau. Ban đầu, một thứ, ngôn ngữ viết, từng giọt rơi xuống từ thứ kia, sau đó chúng sẽ tạo thành một dòng rõ rệt, với các từ ngữ và diễn từ.

Đây là bí mật thực thụ, là chìa khóa mà một khi đã khám phá ra sẽ đem đến một lợi ích hai mặt. Nó cho phép bàn tay nắm bắt một kĩ năng cốt yếu, lao động hầu như vô thức, như ngôn ngữ nói, đồng thời tạo ra một ngôn ngữ khác phản ánh được nó trong từng chi tiết. Trí óc và bàn tay, cả hai đều giành được thắng lợi. Bàn tay mang đến một kích thích mới mẻ, và các giọt nước trở thành dòng thác. Ngôn ngữ cuối cùng có được chữ viết tương ứng. Bời nó là một dòng nước, một dòng thác nhưng lại đo các giọt âm thanh nhỏ tạo thành.

Một khi bảng chữ abc đã hình thành, chữ viết cũng phải hình thành một cách hợp lí như một hệ quả tự nhiên. Bởi lẽ đó, bàn tay phải có khả năng vẽ nên các kí hiệu. Các kí tự tạo thành con chữ chỉ đơn thuần là kí hiệu biểu trưng, do đó rất dễ vẽ nên. Nhưng tôi chưa hề suy nghĩ về những điều này trước khi một sự kiện lớn lao nhất đã xảy ra trong Ngôi Nhà của Trẻ.

Một hôm, một đứa bé bắt đầu viết. Nó ngạc nhiên đến nỗi nó la to: “Tôi viết được rồi, tôi viết được rồi!”. Các em khác phấn khởi chạy đến để nhìn những chữ mà anh bạn nhỏ đã viết trên sàn nhà với một cục phấn. “Con nữa, con nữa!”. Những đứa khác la lên và chạy đi. Chúng chạy đi tìm dụng cụ để viết. Vài đứa tụ quanh tấm bảng đen. Mấy đứa khác nằm dài trên sàn nhà, và thế là chữ viết bắt đầu phát triển như một sự bùng nổ. Hoạt động không mệt mỏi này thật sự như một dòng thác. Chúng viết khắp nơi, trên cửa, trên tường và cả trên các ổ bánh mì ở nhà. Các em nhỏ chỉ mới khoảng bốn tuổi. Khám phá rằng chúng có thể viết trở thành một sự kiện bất ngờ. Cô giáo sẽ kể cho tôi, ví dụ như: “Bé này bắt đầu viết hôm qua lúc 3 giờ chiều.”

Chúng tôi cảm thấy như là đang có phép lạ. Nhưng khi chúng tôi cho các em sách đọc, và nhiều người nghe nói chuyện đã xảy ra đem đến cho chúng tôi vài quyển sách in có những hình ảnh rất đẹp, thì những quyển sách này lại chỉ được đón nhận một cách lạnh nhạt, như những thứ có hình ảnh đẹp nhưng lại làm mất tập trung đối với thao tác viết chữ đang rất hấp dẫn và hoàn toàn thu hút các em.

Có lẽ, những em nhỏ này chưa hề thấy sách, nhưng chúng tôi đã cố thử làm cho các em để ý đến sách trong một thời gian rất lâu mà không được. Và cũng không thể làm cho chúng hiểu được đọc là gì! Nên chúng tôi cất sách đi và đợi đến khi thuận lợi hơn. Chúng cũng không hề đọc cái đã được viết bằng tay. Rất hiếm khi thấy có đứa nào cố đọc cái đứa khác đã viết, đúng ra, chúng dường như không thể đọc chữ. Nhiều em quay lại và nhìn tôi sửng sốt khi tôi đọc lớn tiếng những chữ mà các em đã viết, như để hỏi, “Sao cô biết vậy?”.

Năng lực đọc đến sau

Chỉ khoảng sáu tháng sau các em mới bắt đầu hiểu đọc là gì, và chúng chỉ làm thế bằng cách liên kết đọc với viết. Mắt chúng theo dõi tay tôi khi tôi viết chữ trên một mảnh giấy và bắt đầu hiểu ra là tôi đang truyền đạt tư tưởng của tôi như thể tôi đang nói. Vừa khi việc này trở thành rõ ràng đối với các em, chúng bắt đầu lấy những miếng giấy mà tôi đã viết câu gì lên đó rồi mang chúng đến một góc và thử đọc. Các em đọc trong đầu chứ không phát thành âm.

Ta biết các em đã hiểu được chữ viết qua nụ cười bất ngờ hiện lên một lúc, trên khuôn mặt nhỏ nhắn, trước đó căng thẳng vì cố gắng và qua sự nhảy mừng khe khẽ dường như được khơi dậy từ một dòng suối ẩn tàng. Thế là chúng đi vòng vòng. Mỗi câu tôi viết có chứa một “mệnh lệnh” như tôi có thể đưa ra bằng lời nói: “Mở cửa sổ”, “Đến gần cô”, và những việc tương tự. Đấy là cách chúng bắt đầu đọc. Cuối cùng các em có thể đọc những câu dài có chứa nhiều lệnh phức tạp. Nhưng dường như chữ viết được chúng hiểu đơn thuần là một phương cách khác để tự diễn đạt, một hình thức khác của tiếng nói, có vai trò tương tự là được truyền trực tiếp từ người này cho người khác.

Thật vậy, khi khách đến viếng thăm, nhiều đứa trong số các em nhỏ mà lúc trước gần như quá lớn tiếng chào đón bây giờ lại giữ im lặng. Chúng đứng dậy và đến tấm bảng đen để viết: Xin mời ngồi, cảm ơn đến thăm”, và đại loại như thế.

Một hôm, chúng tôi kể về một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra ở Sicilia: một cuộc động đất đã phá hủy hoàn toàn thành phố Messina với hàng trăm ngàn nạn nhân. Một đứa bé khoảng năm tuổi đứng dậy và bắt đầu viết: “Con tiếc…”.

Chúng tôi quan sát và đoán rằng cậu bé sẽ tỏ nỗi đau buồn về những gì đã xảy ra. Nhưng chú bé tiếp tục viết: “Con tiếc là con còn nhỏ.” Điều này dường như là một suy tư vị kĩ lạ lùng, nhưng chú bé viết tiếp: “Nếu con lớn, con sẽ đi giúp.” Bé đã viết một bài văn nhỏ, đồng thời bộc lộ tấm lòng nhân hậu của mình. Bé là con của một phụ nữ đã nuôi nấng bé bằng việc bán những giỏ rau thơm trên đường phố.

Sau đó, còn xảy ra một chuyện nữa không kém phần ngạc nhiên. Trong khi chúng tôi chuẩn bị vật liệu để dạy bảng chữ abc kiểu chữ in cho mấy đứa nhỏ để có thể đem sách ra thử lần nữa, những đứa trẻ bắt đầu đọc tất cả những chữ in mà chúng có thể tìm ở trường, và có vài chữ thật khó mà đọc ra, chẳng hạn như chữ in kiểu Gothic trên một tấm lịch. Cùng thời gian đó, cha mẹ các em đến kể rằng các em thường dừng bước trên đường để đọc các bảng hiệu của các cửa tiệm, nên khó mà đi dạo với chúng được. Rõ ràng là các em không quan tâm đến chuyện đọc chữ mà chỉ chú ý đến việc đoán ra các kí tự. Đây là một hình thức viết khác mà các em muốn học, và chúng có thể làm thế chỉ bằng cách giải mã ý nghĩa của các từ ngữ. Đầu óc các em cũng làm việc theo thể thức như đầu óc của người lớn đang nghiền ngẫm về một đồng chữ khắc thời tiền sử, cho đến khi ý nghĩa mà họ thu lượm được chứng minh cho họ rằng họ đã giải mã chính xác các kí hiệu mà họ không biết. Sự quan tâm bất ngờ và say mê đối với bất cứ cái gì có chữ in cũng xuất phát từ một động lực như thế.

Nếu chúng tôi đã quá vội vàng giải thích các chữ in cho các em, có lẽ chúng tôi đã dập tắt mối quan tâm và nhiệt tình truy đoán ra cái không quen thuộc, cương quyết buộc các em đọc sách quá sớm, không đúng lúc có lẽ sẽ đưa đến một hậu quả trái ngược với ý giúp ích; theo đuổi mối lợi ít quan trọng hơn có lẽ sẽ giảm thiểu các năng lực trong tâm trí năng động của trẻ. Kết quả là sách vở được giữ lại lâu hơn trong kệ tủ. Chỉ một thời gian sau, đám trẻ mới tiếp cận với sách.

Việc này bắt đầu bằng một sự kiện thật sự hào hứng. Một đứa bé đến trường đầy phấn chấn. Nó giấu một mẩu giấy nhăn nhúm trong bàn tay và tâm sự với một trong các bạn của nó rằng: “Đố biết cái gì trong mảnh giấy này.” “Chẳng có gì hết; chỉ là một tờ giấy rách.” “Không, có một câu chuyện.” “Có câu chuyện trên đấy à?” Việc này thu hút một đám trẻ tò mò. Đứa bé chọn một mảnh giấy từ một đống rác, và nó bắt đầu đọc một câu chuyện. Thế là cuối cùng các em hiểu ra ý nghĩa của sách vở và sau đó, sách trở thành món có nhu cầu cao. Tuy nhiên nhiều đứa trẻ, khi thấy cái gì lí thú trong sách, chúng bèn xé trang đó ra và mang đi.

Tội nghiệp mấy quyển sách! Cách khám phá ra giá trị của sách thật đáng sửng sốt. Trật tự êm ả bình thường trong trường bị gián đoạn, và chúng tôi phải kiểm tra các bàn tay nhỏ nhắn hăng hái đã trở thành phá hoại chỉ đơn thuần vì yêu sách. Ngay cả trước khi các em đọc sách và học biết quý sách, các em với một chút giúp đỡ của chúng tôi đã học đánh vần cho đúng và viết tốt đến nỗi có thể so chúng với trẻ học lớp ba trường tiểu học.

Những trẻ em mới

Suốt thời gian này, không có gì được thực hiện để cải thiện sức khỏe thể chất của các cháu nhỏ. Nhưng bây giờ không ai nhìn ra những đứa trẻ thiếu ăn, xanh xao như cần thêm rất nhiều thức ăn, thuốc bổ và chăm sóc về y tế, qua dáng vẻ hồng hào và linh hoạt của chúng. Các em rất khỏe mạnh như đã được chữa hết bệnh nhờ không khí trong lành và ánh sáng mặt trời. Quả thật, nếu các nguyên nhân tâm lí buồn chán có thể ảnh hưởng đến sự biến dưỡng hay chuyển hóa thức ăn làm giảm sinh lực của ta, điều ngược lại cũng có thể xảy ra: một nguyên nhân tâm thần phấn chấn có thể làm tăng mức chuyển hóa thức ăn và tất cả các chức năng về thể chất của ta. Chúng tôi đã chứng minh được điều này. Giờ đây điều này chắc hẳn không gây ra ngạc nhiên, nhưng vào thời ấy, chúng đã gây ra sự sửng sốt kinh ngạc.

Thiên hạ nói đến các “phép lạ” và báo chí bình luận hay đến độ tin tức về những đứa trẻ kì diệu lan ra như lửa rừng trên khắp thế giới. Nhiều sách viết về các em nhỏ này, chúng tạo cảm hứng cho các nhà viết tiểu thuyết, họ viết chính xác về những gì họ đã thấy, nhưng có vẻ như đang diễn tả một thế giới nào khác. Thiên hạ nói đến sự khám phá ra linh hồn của con người, về phép lạ, họ còn trích dẫn những mẩu đối thoại giữa các trẻ nhỏ. Một quyển sách mới nhất ở Anh quốc viết về các em, có tựa Những trẻ em mới. Từ các nước xa xôi, đặc biệt từ châu Mỹ, nhiều người đến để kiểm chứng những chuyện đáng ngạc nhiên. Đám trẻ con của chúng tôi hẳn cũng có thể lặp lại các lời trong Kinh Thánh được đọc ở nhà thờ ngày 6, tháng Giêng, lễ Ba Vua, hôm khai giảng ngôi trường: “Hãy ngước mắt nhìn quanh và thấy, tất cả đều tụ tập: Họ đến với các ngươi… nhiều kẻ từ phương xa bên kia bờ đại dương sẽ tụ về quanh các ngươi.”

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x