Trang chủ » Chương 3. Những điều đã được khai triển thêm

Chương 3. Những điều đã được khai triển thêm

by Hậu Học Văn
182 views

Nguyên tắc đã thiết lập

Bài tường thuật ngắn gọn về các vụ việc và các ấn tượng này chưa làm sáng tỏ bao nhiêu về vấn đề “phương pháp”. Phương pháp nào đã đem lại những kết quả này?

Và đây là quan điểm.

Ta không thể nhìn thấy phương pháp, ta nhìn thấy đứa trẻ. Ta nhìn thấy tâm hồn của đứa trẻ được giải phóng khỏi các trở ngại, đang hành động theo bản tính của nó. Các đặc tính của tuổi thơ mà chúng tôi chợt bắt được chỉ đơn thuần là một phần của sự sống, giống như các màu lông của chim chóc hay hương thơm của hoa cỏ; chúng hoàn toàn không phải là sản phẩm của một “phương pháp giáo dục” nào. Song hiển nhiên là các điều tự nhiên này có thể bị ảnh hưởng bởi một nền giáo dục muốn bảo vệ chúng, muốn vun trồng chúng và hỗ trợ sự phát triển của chúng.

Ngay đối với loài hoa, có màu sắc và hương thơm tự nhiên, con người còn có thể tác động thông qua trồng trọt; họ có thể tạo ra một số đặc tính, cải tạo các đặc tính ban đầu cho thêm phần đẹp đẽ. Hiện tượng đã xảy ra ở Ngôi Nhà của Trẻ có những đặc điểm tự nhiên về mặt tâm lí. Các đặc điểm này không hiển nhiên như các đặc điểm tự nhiên của sự sống thực vật, vì đời sống tinh thần biến đổi đến nỗi các đặc điểm của nó có thể hoàn toàn biến mất trong một môi trường không thuận lợi và bị thay thế bởi những cái khác, vì thế, trước khi tiến đến sự phát triển về giáo dục, chúng ta phải tạo ra những điều kiện môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của những đặc tính bình thường đã bị ẩn đi.

Với mục tiêu ấy, chỉ cần tháo gỡ các chướng ngại vật; đó là bước đầu tiên và là nền móng của giáo dục. Do đó, vấn đề không chỉ là phát triển các đặc tính đã có sẵn, mà trên hết, là khám phá bản chất thật sự của đứa trẻ, rồi sau đó mơi có thể bồi dưỡng sự phát triển bình thường của nó.

Nếu chúng ta xem xét loạt tình huống đầu tiên, được tạo ra một cách tình cờ, đã dẫn đến sự xuất hiện của những đặc tính bình thường, chúng ta có thể ghi nhận một vài điểm đặc biệt quan trọng. Điều đầu tiên là cung cấp một môi trường dễ chịu, nơi trẻ không cảm thấy bị bó buộc. Những đứa trẻ đến từ các căn nhà lụp xụp tồi tàn chắc chắn đã nhận thấy môi trường mới của chúng thật thú vị, nào là lớp học sạch sẽ, màu trắng với những bàn ghế nhỏ mới, nào là những chiếc ghế bành tí xíu làm riêng cho trẻ, và những bãi cỏ nhỏ trong sân chơi ấm áp ánh mặt trời.

Điều thứ hai là vai trò tiêu cực của người lớn. Cha mẹ mù chữ, cô giáo là một người lao động không có tham vọng và định kiến như một giáo viên thực thụ. Điều này tạo ra một hoàn cảnh có thể xem là một sự “yên ổn về mặt tri thức”. Ta luôn thấy rằng giáo viên phải ung dung bình thản, nhưng sự ung dung bình thản được yêu cầu là cái bình thản do cá tính và bản lĩnh, ở đây là một sự ung dung bình thản sâu sắc hơn, một trạng thái trống không hay (tốt hơn) là tự do khỏi sự mê muội về tư duy, tạo nên một sự trong suốt nội tâm, một sự tự do không vướng mắc về mặt trí tuệ.

Một trạng thái như vậy gần giống như sự trong sạch về trí tuệ mà Thánh Francisco thành Assisi đã cảm nghiệm, thường bị ngộ nhận là ngu ngơ, trong khi nó lại là một trạng thái tâm thần sẵn sàng giác ngộ để đón nhận sự mặc khải thiêng liêng. Tương tự là một sự khiêm tốn về tâm linh chuẩn bị cho ta khả năng hiểu được đứa trẻ và do đó phải là phần cốt yếu nhất trong sự chuẩn bị của một người thầy.

Một tình huống đáng ghi nhận khác là sự cung cấp những vật có tính khoa học thích hợp, hấp dẫn trẻ, được làm hoàn hảo nhằm giáo dục giác quan, với những thứ, ví dụ như các khung để học thắt dây, cho phép phân tích và hoàn thiện các động tác. Tất cả những điều này là để đánh thức sự tập trung chú ý. Điều này không thể xảy ra nếu như người giáo viên chỉ giảng dạy bằng lời nói để khêu gợi năng lượng của trẻ từ bên ngoài. Cho tới lúc này, chúng ta có một môi trường thích hợp, sự khiêm tốn nơi người giáo viên và những thiết bị khoa học. Đấy là ba đặc điểm nhìn thấy được ở bên ngoài của phương pháp.

Bây giờ chúng ta hãy khám phá một số biểu hiện ở trẻ em.

Cái thích hợp nhất, giống như một chiếc đũa thần mở rộng cửa cho các đặc tính bình thường, đó là hoạt động kiên định tập trung vào một công việc duy nhất, một bài tập với một vật ngoại tại nào đó, với các cử động của bàn tay được hướng dẫn bởi trí tuệ. Và ở đây, chúng ta thấy sự bộc lộ của những đặc tính rõ ràng đến từ một thôi thúc nội tại, như sự “lặp lại bài tập” và “tự do lựa chọn các vật”. Chính lúc đó đứa trẻ đích thực sẽ xuất hiện bừng sáng niềm vui và không mệt mỏi vì hoạt động giống như sự chuyển hóa tinh thần được kết nối với sự sống và do đó với sự tăng trưởng của đứa trẻ.

Kể từ đây, chính sự lựa chọn của đứa trẻ sẽ hướng dẫn nó. Trẻ nhiệt tình đáp ứng các thử thách như trong bài tập im lặng; trẻ vui thích bởi một số bài học mở ra trước mắt trẻ con đường đưa đến công lí và nhân phẩm. Trẻ hăm hở hấp thu những phương tiện giúp trẻ phát triển tâm trí của nó. Nhưng trẻ quay lưng khỏi những điều khác như phần thưởng, kẹo bánh và đồ chơi. Hơn nữa, trẻ thơ cho chúng tôi thấy rằng trật tự và kỉ luật là những nhu cầu tất yếu và là biểu hiện tất yếu khi liên quan đến trẻ. Và trong khi ấy nó vẫn thực sự còn là đứa bé, tươi tắn, thật thà, vui vẻ, linh hoạt, hét hò tràn đầy phấn khởi, vỗ tay, lớn tiếng chào hỏi, nồng nhiệt cảm ơn, gọi tên và chạy theo ta để tỏ lòng biết ơn. Nó thân thiện với mọi người, chiêm ngưỡng mọi thứ và tự thích ứng với mọi sự.

Chúng ta hãy chọn ra những gì trẻ đã chọn lựa, và chú trọng đến những biểu lộ hồn nhiên của trẻ để làm thành một danh mục. Và đồng thời chúng ta hãy ghi nhận những gì trẻ bỏ qua, để có một danh mục những thứ không cần thiết nhằm tránh phung phí thời giờ.

Danh mục thứ nhất gồm: Lặp lại bài tập. Tự do lựa chọn. Tự kiểm tra lỗi lầm. Phân tích các động tác. Tập im lặng, cư xử đẹp trong quan hệ xã hội. Trật tự trong môi trường. Chăm sóc vệ sinh cá nhân. Tập luyện giác quan. Tách biệt viết và đọc. Viết trước khi đọc. Đọc không cần sách. Kỉ luật trong tự do hoạt động.

Và danh mục thứ hai gồm: Bỏ phần thưởng và hình phạt. Bỏ tập sách đánh vần ‘abc’. Bỏ bài học tập thể. Bỏ kế hoạch và thi cử. Bỏ đồ chơi và tham lam. Bỏ bàn viết cao riêng cho giáo viên.

Hiển nhiên là từ bản danh mục kép này, chúng ta có thể tìm thấy bản phác thảo của một phương pháp giáo dục. Nói một cách ngắn gọn, chính bản thân trẻ em đã cung cấp cho ta những định hướng thực tiễn và tích cực, hay nói đúng hơn, những hướng dẫn có tính thực nghiệm để xây nên một hệ thống giáo dục, trong đó các lựa chọn của trẻ em hướng dẫn sự thành hình của phương pháp và nhiệt tình sinh động của trẻ đóng vai trò kiểm tra sai sót.

Thật kì diệu khi nhận ra rằng trong suốt quá trình xây dựng một phương pháp giáo dục đích thực, hình thành từ những trải nghiệm thu thập qua một thời gian dài, những nguyên tắc ban đầu này, xuất phát từ số không vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến phôi thai của động vật có xương sống, trong phôi xuất hiện một đường được gọi là đường hay lằn sơ khai: nó là một hình dạng có thực nhưng vẫn chưa có thực chất; rồi sau này nó mới trở thành cột sống, chúng ta có thể tiếp tục so sánh thêm.

Trong động vật có xương sống, chúng ta thấy cái toàn thể được chia ra làm ba phần đầu, ngực và bụng; rồi một số điểm từ từ đến sau theo một tiến hóa có trật tự đã định và cuối cùng cứng dần, đó là các đốt xương sống. Thế nên trong bản phác thảo sơ khởi của phương pháp giáo dục của chúng tôi, có cái toàn thể, có một đường căn bản trong đó ba thành tố cốt yếu nổi bật lên – môi trường, giáo viên và các học cụ với một số đặc điểm thay đổi dần dần, như các đốt xương sống vậy.

Theo dõi sự triển khai tuần tự này là điều thú vị, một công việc đầu tiên trong xã hội loài người được dắt dẫn bởi đứa trẻ, cho thấy sự tiến hóa của những nguyên tắc ban đầu được bộc lộ như những điều mặc khải bất ngờ. Tiến hóa là từ tốt nhất để diễn tả sự phát triển tuần tự của phương pháp độc đáo này; bởi các chi tiết mới mẻ được tạo ra bởi sự sống vẫn đang biến chuyển trong tương quan với mội trường của nó. Tuy nhiên, môi trường này là một môi trường đặc biệt, bởi qua việc làm của người lớn, môi trường này cũng là một đáp ứng tích cực và thiết yếu đối với những khuôn mẫu mới được bộc lo qua sự tiến hóa của chính đời sống đứa trẻ.

Sự áp dụng phổ biến nhanh chóng lạ thường của phương pháp này cho các trường học của trẻ em xuất thân từ mọi điều kiện xã hội và từ mọi chủng tộc, đã mở rộng kinh nghiệm của chúng tôi đến độ chúng tôi có thể ghi nhận một cách chắc chắn, không chút hoài nghi sự hiện hữu của những đặc tính bất biến của các xu hướng phổ quát, và do đó chúng tôi có thể nói đến các quy luật tự nhiên phải tạo thành nền tảng cho công cuộc giáo dục.

Các trường học phát triển từ Ngôi Nhà của Trẻ đầu tiên đặc biệt đáng chú ý do họ được gợi hứng bởi cùng nguyên tắc là chờ đợi các biểu lộ tự phát hồn nhiên của trẻ chứ không thiết lập sẵn các phương pháp cố định từ bên ngoài.

Trẻ mồ côi ở Messina

Có thể thấy một ví dụ ấn tượng và nổi tiếng ở một trong những Ngôi Nhà của Trẻ đầu tiên được thành lập ở Roma. Hoàn cảnh ra đời của nó còn lạ lùng hơn ngôi trường đầu tiên của chúng tôi, vì ở đây tập hợp những trẻ mồ côi đã sống sót sau khi trải qua một trong những tai họa lớn nhất, trận động đất ở Messina vào năm 1908, sáu mươi đứa trẻ này đã được tìm thấy giữa cảnh hoang tàn đổ nát. Không ai biết tên hay vị trí xã hội của chúng. Một cơn sốc kinh hoàng khiến chúng trở nên giống nhau, đờ đẫn, thinh lặng, lơ đễnh. Khó cho chúng ăn và ngủ. Đêm đến, chúng la hét và khóc lóc.

Một môi trường thú vị được tạo ra cho chúng, và Hoàng hậu nước Ý đặc biệt quan tâm đến chúng. Các thiết bị nội thất nhỏ nhắn được làm ra, sơn màu tươi sáng, các tủ nhỏ, màn cửa sổ màu sáng, bàn tròn nhỏ rất thấp sơn màu tươi sáng, những bàn hình chữ nhật hơi cao hơn, ghế đẩu và ghế bành, vật dụng trên bàn ăn đặc biệt hấp dẫn. Từ những thứ nhỏ xinh như đĩa, dao, nĩa, thìa, và khăn ăn, cho đến những bánh xà phòng và khăn tay cũng có kích thước vừa với bàn tay nhỏ đang còn cần thời gian để phát triển của các em. Vật nào cũng có trang trí, biểu trưng sự sang trọng. Trên tường có tranh ảnh đẹp và các bình hoa được đặt khắp nơi. Địa điểm được chọn là một tu viện của các nữ tu dòng Thánh Francisco, có vườn rộng rãi, lối đi rộng, những luống hoa đẹp, có hồ cá vàng, và chuồng bồ câu. Giữa khung cảnh này, các nữ tu trong bộ áo thụng màu nhạt, nghiêm nghị trong bộ khăn che đầu dài đi qua đi lại trong thanh bình và tĩnh lặng.

Những nữ tu dạy các em cách cư sự đẹp, và dần dần dạy kĩ thêm về chi tiết. Trong số các nữ tu, có nhiều người từng thuộc tầng lớp quý tộc, họ thực hành các lề lối tỉ mỉ nhất về cách hành xử trong cái đời sống xã hội mà họ đã từ bỏ, họ cố tìm trong kí ức và trong những thói quen tập tục trước đó những chi tiết mà họ có thể nhớ lại bởi không gì thoả mãn được đám trẻ. Các em học cách cư xử như những ông hoàng ở bàn ăn, và còn học cách phục vụ ở bàn ăn như những người hầu bàn tốt nhất. Bữa ăn không còn thu hút trẻ do thức ăn, mà do cái tinh thần về sự chỉn chu, bữa ăn như một bài tập về các động tác có kiểm soát, về các tri thức được tiếp thu đầy phấn chấn, và dần dần các em lấy lại được sự ngon miệng tự nhiên ở độ tuổi của mình và cùng với ăn ngon là một giấc ngủ yên.

Sự thay đổi ở những đứa trẻ này gây ra một ấn tượng sâu sắc. Ta đã có thể thấy các em chạy nhảy khi chúng mang đồ vật vào trong vườn, hay khi với vẻ mặt tỉnh táo và vui tươi, các em khiêng bàn ghế ra khỏi phòng và sắp xếp chúng theo một hình vuông nhỏ dưới tán cây mà không làm vỡ hay đụng vào vật khác. Chính ở đây từ “cải hóa” lần đầu tiên được sử dụng. “Các em nhỏ này khiến tôi liên tưởng đến những người đã cải đạo”, một trong những nhà văn nữ nổi tiếng của Ý đương thời đã nói như vậy, “không có sự cải hóa nào kì diệu hơn như sự chinh phục được nỗi u buồn và suy nhược, và nâng ta lên một bình diện cao hơn của sự sống”.

Ý tưởng này đem đến một hình thức tâm linh cho cái hiện tượng đầy ấn tượng không thể giải thích nhưng không ai không nhìn ra, đã khuấy động tâm trí nhiều người, và từ ngữ này thịnh hành khá lâu mặc cho nó mang tính nghịch lí. Bởi quan niệm về sự cải hóa dường như đi ngược với trạng thái hồn nhiên của tuổi thơ. Nhưng ở đây có một sự biến đổi về tâm linh khiến đứa trẻ được giải thoát khỏi sự đau khổ, sự bỏ rơi và đã tái sinh trong hiềm vui. Buồn bã và tội lỗi, cả hai điều là những tình trạng cho thấy sự xa rời nguồn mạch các năng lượng của sự sống, và về khía cạnh này, khi trẻ có khả năng phục hồi được những năng lượng này tức là chúng đã được cải hóa. Thế là buồn phiền và tội lỗi biến mất như màn đêm, nhường chỗ cho ánh bình minh trong niềm vui và sự thanh tẩy.

Thật vậy, cả hai đều có trong các ân sủng của Chúa Thánh Linh. Ngài được gọi là “Đấng An ủi cao cả nhất”, “Chất bổ dưỡng ngọt ngào”, “thanh thản trong lao động”, “an ủi trong khóc lóc”. Ngài thanh tẩy cái xấu xa, tưới mát cái khô khan, chữa lành vết thương, uốn mềm sự cứng cỏi, và ban sức khỏe cùng niềm vui bất tận. Không có gì trong con người mà không có sự nâng đỡ của Ngài, không có gì thiếu Ngài mà không gây tổn thương.

Thật vậy, điều này đã xảy ra với đám trẻ của chúng tôi. Có một sự phục sinh từ đau buồn đến niềm vui, với sự biến mất nhiều khiếm khuyết đã hằn sâu mà người ta lo rằng không sửa đổi được. Nhưng còn có cái gì hơn thế nữa “những đặc điểm thường được xem là đáng được khen cũng đã biến mất. Đúng là trẻ nhỏ đã đem đến một sự khai sáng khiến ta sửng sốt. Nihil est innoxium… Mọi sự trong con người đã bị hiểu sai và mọi sự phải được hoàn toàn đổi mới. Và cách duy nhất cho sự canh tân này là trở về với nguồn mạch duy nhất của các năng lượng sáng tạo.

Nếu không có được sự chứng minh phức tạp từ các trẻ nhỏ đã đến với ngôi trường của chúng tôi trong những điều kiện bất thường nhất của đời sống, thì chúng tôi đã không thể phân biệt được tốt với xấu trong cá tính của trẻ; bởi trước đây, người lớn đã quyết định rằng đứa trẻ chỉ tốt khi nó thích nghi với các điều kiện đời sống của người lớn và ngược lại. Qua những luận cứ trái nghịch này, các đặc tính tự nhiên của trẻ vẫn bị giấu kín. Đứa trẻ đích thực đã biến mất; nó là kẻ vô danh trong thế giới của người lớn; cái tốt và cái xấu đều cùng nhau tiếp tục chôn vùi đứa trẻ.

Trẻ em của gia đình khá giả

Một tầng lớp trẻ em khác sống trong những điều kiện xã hội ngoại lệ là trẻ em của các gia đình giàu có. Có lẽ ta sẽ nghĩ rằng giáo dục các em này dễ dàng hơn các trẻ em nghèo trong ngôi trường đầu tiên của chúng tôi hay các trẻ mồ côi do động đất ở Messina. Vậy cái gì thực sự đã được cải hóa ở chúng? Trẻ em của gia đình giàu được nhiều đặc ân, được bao bọc bởi mọi sự chăm sóc mà xã hội có thể cung cấp, nhưng để phá tan thành kiến này tôi sẽ trích vài trang từ quyển sổ cũ của tôi, trong đó những giáo viên công tác trong các trường của chúng tôi ở châu Âu và châu Mỹ thành thật kể lại những cảm tưởng đầu tiên và những khó khăn gặp phải, khiến ta nghĩ đến lời của Thánh Francisco khi ngài tán dương các sinh vật bé mọn: “Chị châu chấu ơi, hãy đến gần đây, chính trong các sinh vật nhỏ bé nhất mà lòng nhân từ của Đấng Tạo hóa được bộc lộ một cách rõ ràng nhất.”

Sự đẹp đẽ trong môi trường với muôn vàn bông hoa vẫn không hấp dẫn đứa trẻ nhà giàu. Các lối đi trong vườn không mê hoặc được nó. Cũng không tạo được sự nối kết giữa đứa trẻ và học cụ. Giáo viên ngỡ ngàng trước những đứa trẻ không tự lao vào các học cụ được đưa ra, như cô đã hi vọng, để chọn những vật theo ý thích riêng của chính các em. Trong khi ở trường của trẻ con nghèo, thường là ngay từ đầu các em sẽ chạy ngay đến các vật được trao cho. Nhưng trẻ em nhà giàu, đã có thừa mọi món đồ chơi cầu kì, ít khi cảm thấy bị thu hút bởi những kích thích dành cho chúng.

Một giáo viên người Mỹ, cô G. viết thư cho tôi từ Washington như sau: “Các em giành giật nhau các món đồ. Nếu tôi thử chỉ dẫn cái gì cho một đứa trong bọn chúng, những đứa khác sẽ bỏ ngay cái chúng đang cầm trong tay và ồn ào xúm quanh tôi, không có mục đích gì cả. Khi tôi vừa giải thích xong một học cụ, tất cả các em đều bu quanh và giành nhau. Các em không có vẻ thật sự chú ý vào học cụ. Chúng đi từ món này qua món khác mà không dừng lại ở món nào.

Có một em không thể ở yên được một chỗ, đến nỗi nó không thể ngồi lâu đủ để chạm tay vào bất cứ món nào chúng tôi đưa cho. Trong nhiều trường hợp, các em di chuyển không mục đích. Chúng chỉ chạy vòng vòng trong lớp, trong đầu không có mục tiêu. Chúng chẳng chú ý tôn trọng vật gì khi di chuyển; chúng đụng bàn, đẩy ghế và giẫm lên các món học cụ. Đôi khi, chúng bắt đầu làm một việc gì ở một chỗ, rồi chạy đi, lấy món khác và rồi lại bỏ đi.”

Cô D, viết thư từ Paris: “Tôi phải thú thật là kinh nghiệm của tôi thật đáng nản. Các em nhỏ không thể tập trung vào công việc lâu hơn một phút, chúng không kiên trì, và không chủ động, chúng thường nối đuôi nhau đi vòng vòng như một bầy cừu. Khi một đứa lấy món nào, những đứa còn lại đều muốn bắt chước. Đôi khi, chúng chỉ lăn tròn trên sàn nhà, làm đổ cả ghế.”

Mô tả ngắn gọn sau đây đến từ một trường có nhiều trẻ em nhà giàu ở Roma: “Quan tâm chính của chúng tôi là kỉ luật. Các em lạc hướng trong công việc và từ chối không theo lời hướng dẫn.”

Bây giờ là vài mô tả về sự xuất hiện của kỉ luật. Cô G. kể tiếp các kinh nghiệm ở Washington: “Trong vài ngày, cái khối những hạt phân tử quay cuồng (những đứa trẻ mất trật tự) bắt đầu có hình dạng nhất định. Dường như bọn trẻ bắt đầu tự định hướng; chúng bắt đầu chú ý đến những món đồ mà lúc trước chúng khinh thường coi như là những món đồ chơi ngớ ngẩn, và kết quả của sự chú ý mới này là chúng bắt đầu hành xử như những cá thể độc lập, rất là cá thể hóa. Thế là một vật thu hút sự chú ý hoàn toàn của một đứa không có chút nào hấp dẫn đối với đứa khác nữa; những đứa trẻ khác biệt nhau trong cách thể hiện mối quan tâm của chúng.

“Cuộc chiến chỉ thật sự thắng khi đứa trẻ tìm được cái gì hoặc một vật đặc biệt nào đó khơi dậy được một sự quan tâm sâu sắc và tự phát ở trẻ. Đôi khi sự nhiệt tình nảy sinh bất ngờ, nhanh chóng lạ kì. Một lần với từng học cụ học tập, tôi thử gây chú ý ở một em, mà không đạt được kết quả nào. Rồi tình cờ tôi đưa cho nó xem hai miếng thẻ, một miếng đỏ một miếng xanh, lưu ý nó về các màu sắc khác nhau. Nó lập tức chìa tay ra lấy ngay như thể rất khao khát, và chỉ trong một bài học đã học biết được năm màu. Trong những ngày kế tiếp, nó lấy tất cả những món đồ mà lúc trước nó đã coi thường và dần dần quan tâm đến chúng.

“Một em khác lúc đầu có khả năng tập trung rất thấp, đã vượt qua được trạng thái hỗn độn này khi chú ý đến một trong những món đồ phức tạp nhất, cái có tên là “thanh gỗ học số”. Nó chơi liên tục với mấy thanh gỗ đó cả tuần lễ, học đếm và làm những bài toán cộng đơn giản. Rồi nó bắt đầu quay lại với những bộ học cụ đơn giản hơn, các thỏi hình trụ, các tấm inset kim loại và quan tâm đến mỗi phần của bộ học cụ. “Ngay lúc các em tìm được cái gì hấp dẫn đối với chúng, sự hỗn độn nhanh chóng biến mất và cũng kết thúc luôn sự lang thang của tâm trí.”.

Cũng giáo viên đó mô tả sự thức tỉnh của nhân cách đứa trẻ như sau: “Có hai chị em, một đứa ba tuổi và đứa kia năm tuổi. Đứa ba tuổi không có cá tính chút nào, bởi cô bé bắt chước chị nó y chang trong mọi việc. Nếu đứa lớn có cây bút chì màu xanh, đứa nhỏ hơn sẽ bồn chồn cho đến khi nó cũng có một cây bút chì màu xanh. Nếu đứa lớn ăn bánh mì với bơ, đứa nhỏ không ăn gì khác ngoài bánh mì với bơ, và vân vân… Đứa bé hoàn toàn không để ý gì đến bất cứ thứ gì ở trường: nó chỉ đi theo chị nó, bắt chước tất cả những gì chị nó làm.

Tuy nhiên một hôm, nó bỗng chú ý đến các hình khối vuông màu hồng. Nó dựng thành một cái tháp, và nó trở nên hăng say hơn. Nó lặp lại bài tập này nhiều lần, quên hẳn chị nó. Việc này làm đứa lớn ngạc nhiên đến nỗi nó gọi em nó và hỏi: “Tại sao chị đang tô một vòng tròn mà em lại xây một cái tháp?” Từ hôm đó, cô bé đã có được cá tính của mình, bắt đầu tự phát triển và thôi không còn là cái bóng của chị nó nữa.”

Cô D. kể lại chuyện một bé gái bốn tuổi hoàn toàn không thể bưng li nước mà không làm đổ, dù li nước chỉ đầy có phân nửa, đến mức nó cố ý tránh làm công việc này, vì nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ làm được. Sau khi để ý đến một bài tập dùng một học cụ loại khác, cô bé bắt đầu bưng các li nước một cách rất dễ dàng. Khi các bạn học của cô bé đang vẽ màu nước, nó say mê với việc mang nước đến cho mọi người mà không làm đổ một giọt. Một sự việc khác rất kì lạ được cô B, một giáo viên người Úc kể lại cho chúng tôi. Có một cô bé ở trường chưa phát triển được khả năng nói, bé không thể nói gì được ngoài việc ú ớ vài âm thanh không rõ rằng, cha mẹ đưa cô bé đi bác sĩ để xem cô có gì bất thường không. Một hôm, cô bé chú ý đến các khối hình trụ và bỏ ra nhiều giờ để làm việc với học cụ này, bé lấy các hình trụ bằng gỗ ra khỏi lỗ của chúng rồi lại đặt trở vào. Sau khi đã làm đi làm lại rất nhiều lần với sự chú ý tột độ, nó chạy đến nói với giáo viên, “Cô ơi đến xem nè!”.

Cô B. kể về niềm vui của các em khi làm việc. “Mấy đứa trẻ bộc lộ niềm hãnh diện mà chúng ta cảm thấy khi đã tự mình tạo được cái gì thật sự mới lạ. Chúng múa vòng vòng, lấy tay quàng quanh cổ của tôi khi chúng đã học làm được cái gì rất đơn giản, và chúng nói với tôi: “Con làm tất cả một mình đó. Cô không nghĩ là con có thể làm được cái này, phải không? Và hôm nay con làm hay hơn hôm qua.”

Cô D. báo cáo: “Sau lễ Giáng Sinh, có một sự thay đổi lớn trong lớp. Dường như trật tự đã được thiết lập mà không cần đến sự can thiệp của tôi. Các em nhỏ dường như quá bận rộn với công việc của chúng để có thể tiếp tục những hành động vô trật tự chúng đã làm trước đó. Chúng tự ý đến kệ tủ để chọn lấy những vật mà trước đó chúng chán ngán, và chúng lấy hết món này đến món khác, mà không hề có vẻ mệt mỏi. Một bầu không khí lao động lan rộng trong lớp. Các em nhỏ trước kia đã chọn các món học cụ của chúng do ngẫu hứng chốc lát, bậy giờ đã cảm thấy nhu cầu co một thứ luật lệ, một kỉ luật nội tại riêng cho bản thân; chúng tập trung nỗ lực vào những công việc chính xác và có hệ thống, và cảm nhận được một sự hài lòng thật sự khi khắc phục được các khó khăn. Công việc chính xác này tạo ra một kết quả tức thời đối với tính khí của chúng. Trẻ trở thành chủ nhân của chính nó.”

Một ví dụ làm cô D. kinh ngạc nhất là chuyện một đứa bốn tuổi rưỡi có trí tưởng tượng cực kì sống động đến độ khi một vật được trao cho nó, dù không để ý đến hình dạng của vật nhưng nó lập tức nhân cách hóa vật đó, và cùng lúc cả bản thân nó nữa, nó nói liên tục, tưởng tượng nó là ai đó, và không thể tập trung chú ý vào chính các món đồ. Trong khi tâm trí của nó sao nhãng như thế, nó không thể làm bất cứ thao tác chính xác nào dù chỉ là cài một cái cúc áo. Bỗng nhiên có cái gì kì diệu bắt đầu tác động trong nó. Cô nói: “Tôi ngạc nhiên thấy có một sự thay đổi lạ kì ở đứa bé. Nó lấy một trong những bài tập mà nó thích nhất ra làm, và sau đó chuyển sang tất cả các bài tập khác. Nó làm hết bài tập này đến bài tập khác. Và nhờ vậy nó mới yên tĩnh.”

Sự bình thường đích thực

Có thể kể gần như không xuể các câu chuyện có thật và giống nhau được mô tả bởi các giáo viên đã dạy học trước khi một phương pháp chắc chắn được thiết lập. Những việc và những khó khăn tương tự, dù ở mức độ thấp hơn hầu hết đều có ở các em nhỏ hạnh phúc, có bố mẹ thông minh và thương yêu chăm sóc chúng. Có những khó khăn tâm linh liên hệ với sự giàu có về vật chất, những điều này giải thích vì sao Bài Giảng Trên Núi đã đánh động được mọi trái tim: “Phục cho những người nghèo khó về tinh thần!… Phục cho những kẻ than khóc!”

Nhưng tất cả đều được mời gọi và vượt qua được những khó khăn riêng biệt, tất cả đều có thể đáp lời gọi. Vì thế hiện tượng gọi là “cải hóa” là điều đặc trưng cho tuổi ấu thơ. Nó bao hàm một sự thay đổi chớp nhoáng, đôi khi tức thời, luôn bởi cùng một nguyên nhân. Khó mà kể ra được ví dụ duy nhất về sự cải hóa nào mà không liên quan đến sự tập trung vào một công việc thú vị. Và những sự cải hóa đã xảy ra ở nhiều trường hợp khác nhau. Các em nhỏ bị kích động bởi óc hoang tưởng đã trở nên bình thản. Các em buồn nản đã lấy lại được sự vững vàng. Và tất cả đã cùng tiến tới trên con đường lao động và kỉ luật, tiếp tục một sự tiến bộ tự biến chuyển, cái tiến bộ được thúc đẩy bởi một năng lượng nội tại nào đó, mà khi đã tìm được một lối ra, có thể tự bộc lộ qua hành vi hướng ngoại.

Những sự kiện bất ngờ xuất hiện như dấu hiệu dự báo sự phát triển tiếp nối sẽ có một đặc tính bùng nổ. Có thể so sánh chúng với cái răng đầu tiên bất ngờ nhú ra, hay tiếng nói đầu tiên bé đột nhiên thốt ra hay bước đi đầu tiên của bé. Sau cái răng đầu tiên, cả hai hàm răng lần lượt từng cái sẽ mọc ra, sau tiếng nói đầu tiên, ngôn ngữ phát triển, và sau bước đi đầu tiên, nghệ thuật bước đi trên hai chân được sở hữu vĩnh viễn. Thế là sự phát triển đã bị chững lại, hay đúng hơn, đã bị xoay sai hướng, ở tất cả các trẻ em, thuộc mọi thành phần xã hội.

Sự quảng bá các trường học của chúng tôi trên khắp thế giới, ở mọi chủng tộc, đã cho thấy sự cải hóa này của trẻ là một điều mang tính phổ quát cho nhân loại. Ta có thể thực hiện một cuộc khảo sát tỉ mỉ về số lượng không kể hết được của các đặc tính sẽ phai mờ dần để luôn được thay thế bởi cùng một cái cấu trúc của sự sống. Do đó, từ lúc sự sống bắt đầu, trong trẻ nhỏ, các sai lầm liên tục xảy ra, bóp méo cái mẫu người có tâm lí tự nhiên, và dẫn đến vô số lệch lạc.

Điều đặc biệt chúng tôi ghi nhận trong những sự cải hóa của đứa trẻ là một sự phục hồi về tâm lí, trở lại trạng thái bình thường. Đứa trẻ có vẻ kì diệu do sự thông minh trước tuổi, kẻ anh hùng đã tự khắc phục được chính bản thân và sự đau buồn của chính bản thân, đã tìm được nghị lực để sống và có niềm thanh thản mới, đứa trẻ có tâm hồn phong phú chọn làm việc có kỉ luật thay vì đi theo những cái phù phiếm trong đời sống, đó là những đứa trẻ bình thường. Và cái ta gọi là sự cải hóa khi nó chỉ bao hàm sự xuất hiện của một sự kiện đáng ngạc nhiên, sau khi đã tìm được nhiều trải nghiệm, phải được xem là một sự bình thường hóa. Có một bản chất ẩn tàng trong con người, một bản chất bị vùi lấp và do đó không ai hiểu, ấy thế mà đó chỉ đơn giản là bản chất đích thực của nó, cái bản chất được mang lại bởi sự sáng tạo, bởi sức khỏe.

Cách diễn dịch này không xóa đi những đặc điểm của sự cải hóa, thậm chí có lẽ ngay cả người lớn cũng có thể được kêu gọi trở thành cái mà họ phải là, nhưng điều này khó khăn đến nỗi một sự thay đổi như vậy không thể được xem đơn thuần là một sự quay về với bản chất con người. Trong khi ở đứa trẻ, những đặc điểm tinh thần bình thường có thể xuất hiện dễ dàng, và rồi tất cả những đặc điểm chệch hướng khỏi cái bình thường cùng biến mất, giống như khi sức khỏe được phục hồi, tất cả các triệu chứng của bệnh tật đều tan biến.

Nếu ta quan sát trẻ em dưới ánh sáng của hiểu biết này, rất nhiều khi chúng ta có thể nhận ra những xuất hiện tự phát của tính chất bình thường đó cho dù ở giữa những điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Và, các biểu hiện của một sự phát triển bình thường, cho dù đã bị bỏ qua bởi lẽ chúng không được nhìn nhận hay hỗ trợ, chúng trở lại như là những năng lượng tất yếu tự tìm một chỗ giữa các trở ngại để tồn tại. Ta có thể cho rằng các năng lượng bình thường của một đứa trẻ dạy ta một bài học về sự tha thứ, như trong lời Đức Ki-Tô: “Ngươi sẽ tha thứ không phải bảy lần, mà là bảy mươi bảy lần.”

Do đó, bản chất thâm sâu hơn của đứa trẻ tái hiện không chỉ bảy lần mà là bảy mươi bảy lần, dù bị ức chế bởi người lớn. Vì thế, đây không phải là một giai đoạn chuyển tiếp trong giai đoạn sơ sinh đang nuốt chửng các đặc tính bình thường ở trẻ, mà là một cuộc đấu tranh gây ra do sự ức chế liên tục.

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x