Trang chủ » Chương 4: Hồi Quang điều tức

Chương 4: Hồi Quang điều tức

by Trung Kiên Lê
164 views

Tổ Sư nói :

Chỉ cần chuyên tâm thực hành “Tông chỉ”, chẳng cần biết có nghiệm hay không mà nghiệm tự đến. 
Ðại để có thể nói , những người mới học tĩnh tọa , thường không ngoài mắc hai tật là “hôn trầm” và “tán loạn”. 
Phương pháp chửa hai tật đó không ngoài việc để tâm vào việc điều tức (l) 

Chữ “Tức” trong tiếng “Hán” là do chữ “Tự” và chữ “Tâm” tạo nên , vì vậy nói “Tự Tâm ấy là tức”. 
Quả vậy, nếu “Tâm” mà động thì sẽ có “khí”. “Khí” vốn do “Tâm” hóa thành. 

Những ý nghĩ trong “Tâm” chúng ta đến rất nhanh, chỉ trong một chớp mắt, tương ứng với một hơi thở, có thể sản sinh một ý nghĩ, một vọng niệm , ý nghĩ là hô hấp trong, còn “khí” là hô hấp ngoài , cũng giống như sóng âm và âm hưởng lúc nào cũng đi liền với nhau như hình với bóng.

Trong một ngày, có chừng mấy vạn lần hít vào thở ra, tức là có bấy nhiêu vọng niệm. 
Và cứ như thế, tinh thần con người hao kiệt, như cây khô tro lạnh (2). Thế thì, liệu có thể dứt bõ hết mọi ý nghĩ được chăng ? 

– Không được. 

Chuyện không còn ý nghĩ không thể nào thực hiện được. Ðiều này cũng hệt như nói : dứt khoát không hít thở nữa. Rõ ràng không tài nào làm được. Thế thì chi bằng chửa bệnh này phải dùng thứ thuốc này, gắn “Tâm” với “Tức” (3) nhằm thống nhất chúng lại làm một. 

Vì vậy khi “Hồi quang”, đồng thời cũng phải điều tức.Công pháp điều tức hoàn toàn dùng “Nhĩ quang” (4). “Hồi quang” thì dùng “Nhãn quang”, còn điều tức thì dùng “Nhĩ quang”. “Nhãn quang” ở ngoài, đó là Nhật Nguyệt giao Quang , còn “Nhĩ quang” ở trong, ấy là Nhật Nguyệt giao Tinh vậy.

Tinh thật ra là trạng thái Quang ngưng đọng vậy , vốn dĩ là một , chỉ có tên gọi khác nhau mà thôi. Vì thế trí thông minh (5) của con người ta thật ra chỉ là Linh Quang vậy. Khi tĩnh tọa , sau khi lim dim hai mắt, tập trung vào ý nghĩ, gạt bỏ tất cả mọi tạp niệm. 

Nhưng gạt bỏ tạp niệm như thế e không thể làm được, vậy thì hãy tập trung lắng nghe âm thanh hơi thở . 
Phải thở sao cho Khí vào ra , tai không nghe thấy được: Nghe là nghe cái vô thanh, hễ đã có âm thanh tức chứng tỏ rằng Khí còn thô tháp, chưa nhỏ mịn , chưa tinh , cần kiên tâm thở thật nhỏ nhẹ , êm lặng.

Cứ như thế, càng thở càng nhỏ , càng nhỏ càng tĩnh , lâu dần sẽ đến một lúc ngày cả Khí êm nhẹ cũng đột nhiên chấm dứt. Lúc này Chân Tức (6) đã tới trước mặt , các vị có thể cảm nhận thấy bộ mặt chân thực của Tâm. Bởi lẽ, Tâm đã tinh tế thì Khí cũng sẽ tinh tế theo , chỉ cần ý nghĩ chuyên nhất là có thể điều động Chân Khí . 

Hô hấp đã tinh tế, Tâm cũng sẽ tinh tế theo, chỉ cần Khí chuyên nhất là có thể điều động được Chân Tâm. 
Người xưa chủ trương , trước khi định Tâm phải dưỡng Khí trước tiên , và cũng vì đối với Tâm Ý ta không biết bám víu vào đâu , cho lên ta lợi dụng điều tức làm bước mở đầu cho phép Ðịnh Tâm , như vậy gọi là “tập trung để thuần Khí “.

Các vị rất có thể chưa hiểu rõ ý nghĩa của từ “động”. Việc cầm dây kéo cho vật chuyển động cho ta ví dụ trực quan về “động”. Ta có thể nối dây vào một vật rồi cầm dây chạy cho vật chuyển động . Vậy thì tâm thân chẳng lẽ không thể dùng thuần tĩnh làm cho nó an định được hay sao ? 

Ðây chính là công pháp đơn giản do các bậc thánh hiền đúc rút được khi quan sát mối quan hệ qua lại giữa Tâm và Khí rồi đem tặng cho hậu thế .

Trong các Ðan thư thường nói : gà mái khi ấp trứng Tâm thường lắng nghe (7), đây quả là một diệu quyết .
Các vị hãy quan sát khi gà mái ấp trứng , ở đây gà dùng hơi ấm. Nhưng hơi ấm chỉ có thể làm nóng vỏ trứng , không thể xuyên thấu vào trong quả trứng được, ở đây chỉ có thể dùng Tâm để đưa hơi ấm vào trong. 

Gà mái , khi ấp trứng thường chăm chú lắng nghe, nhất tâm chuyên chú, khi Tâm đã đi vào trong trứng thì Khí cũng nhân đó vào theo, trứng tiếp nhận được hơi ấm , thế là phát triển dần dần thành gà con. Trong thời gian gà mẹ ấp trứng, đôi khi cũng nhảy ra khỏi ổ đi lại song ta thường thấy nó ở tư thế nghiêng đầu nghếch tai lắng nghe , tâm thần hoàn toàn vẫn để nơi quả trứng , chẳng hề gián đoạn , thế là “Thần” sống dậy .

“Thần” sống dậy được chính là do “Tâm” chết trước. Con người ta nếu quả làm chết được “Tâm” Thức thần thì Nguyên thần sẽ sống (8). Nhưng chuyện “Tâm” chết nói ở đây không phải là làm cho “Tâm” héo khô rồi chết, mà là làm cho “tâm” tập trung không phân tán.

Phật gia thường nói : “Chuyên tâm vào một việc , thử hỏi còn gì không làm được”. Tâm rất dễ phân tán, ở đây ta dùng “Khí” để an định nó , còn “Khí” thì lại dễ thô nháp , ta lại phải dùng “Tâm” làm cho nó nhỏ nhẹ , mịn màng. 

Cứ làm theo cách đó thử hỏi liệu còn tình trạng tâm thần bất định nữa chăng ? Về đại thể, hai bệnh hôn trầm và tán loạn, chỉ cần hằng ngày kiên trì tĩnh tọa, là có thể khắc phục được rất nhiều. Nếu như không ngồi tĩnh tọa, thì tuy luôn luôn có hiện tượng tán loạn, nhưng tự mình không phát giác được. 

Bây giờ biết có chứng bệnh tán loạn đó tồn tại , ấy chính là bước mở đầu thanh toán bệnh hoạn. Còn việc hôn trầm mà mình không tự nhận biết với hôn trầm mà tự mình có thể nhận biết được là hai việc cách xa nhau một trời một vực.

Hôn trầm không tự nhận biết là hôn trầm thực sự , còn hôn trầm mà tự mình có thể nhận biết được sẽ không còn là hoàn toàn hôn trầm nữa. Một khi đã trừ bỏ được hôn trầm, “Tâm” sẽ ngời ngời tỏa sáng .Tán loạn là “Thần” phiêu lãng , hôn trầm là “Thần” không sáng rõ. 

Tán loạn dễ trị, còn hôn trầm nan y. Ở đây ta có thể so sánh với tật bệnh vậy. Bệnh có đau, có ngứa. Tùy bệnh cho thuốc có thể chửa khỏi. Hôn trầm ví như loại bệnh tê dại tương đối khó chửa . Còn tán thì ta thu hồi , loạn thì ta chỉnh lý , nhưng hôn trầm thì lẳng lặng , lầm lỳ , thật rất khó xử lý. 

Tán loạn còn có giới hạn , còn hôn trầm thì hoàn toàn do phách thao túng , không giống như khi tán loạn còn có hồn tham dự . Khi hôn trầm hoàn toàn do âm khí làm chủ. Khi ngồi tĩnh tọa thiu thiu buồn ngủ , đó là giây phút bệnh hôn trầm len tới. Biện pháp tiêu trừ bệnh hôn trầm là điều tức .

“Tức” nói đây hơi miệng thở ra , mũi hít vào ; tuy không phải là chân tức, nhưng sự ra vào của chân tức lại gửi gắm vào hơi thở ra hít vào đó . Khi tĩnh tọa , trước hết cần tĩnh tâm thuần khí. Tâm tĩnh như thế nào ? Tập trung vào “Tức”. 

Sự vào ra của “Tức” duy chỉ có “Tâm” hiểu rõ mà thôi , không thể để tai nghe thấy . Không nghe thấy , “Tức” trở nên nhỏ mịn. “Tức” đã nhỏ mịn , khí sẽ trong. Nếu còn nghe thấy, “Tức” tỏ ra thô nháp ; hễ “Tức” đã thô nháp , khí sẽ đục .

Khí đã đục thì đương nhiên sẽ hôn trầm và buồn ngủ , đó là cái lẽ rất tự nhiên. Có điều, tập trung “Tâm” vào “Tức” cần phải biết vận dụng một cách khéo léo. Ðây chính là một lối tuy dùng đấy mà thực ra là không dùng. Không nên quá chú ý, chỉ cần lẳng lặng nghe là được. 

Làm thế nào lẳng lặng ? Hãy dùng nhãn quang tự chiếu , hai mắt chỉ hướng nội mà nhìn chứ không hướng ngoại. Mắt không hướng ngoại dĩ nhiên là hướng nội rồi ; phương pháp hướng nội mà nhìn thực sự không có đâu , bởi vì mắt quả thực không sao nhìn được vào bên trong cơ thể. 

Còn nghe như thế nào ? Phải dùng tai nghe , ở đây hai tai chỉ hướng nội lắng nghe chớ không hướng ngoại. 
Nghe đây là nghe cái vô thanh , nhìn đây là nhìn cái vô hình. Chỉ đơn thuần thực hiện mắt không hướng ngoại mà nhìn , tai không hướng ngoại lắng nghe , tâm thần vẫn có thể do bị bít kín mà muốn chạy lăng xăng ở bên trong. 

Chỉ có hướng nội mà nhìn, hướng nội lắng nghe , lúc ấy tâm thần mới không nhảy “phót” ra ngoài , cũng không chạy lăng xăng ở bên trong ; ở vào tâm trạng trung gian như thế ắt sẽ không bị hôn trầm. Ðó chính là phương pháp Nhật Nguyệt giao Tinh và giao Quang vậy. 

Thật ra khi hôn trầm buồn ngủ , không nên miễn cưỡng tĩnh tọa , hãy đứng dậy , đi đi lại lại, đợi cho thần lặng dịu hãy tiếp tục tĩnh tọa. Sáng sớm ngủ dậy , nếu có thời gian , ngồi tĩnh tọa khoảng thời gian một tuần hương là thích hợp nhất. Buổi chiều , công việc bộn bề , ngồi tĩnh tọa rất dễ lâm vào trạng thái hôn trầm. 

Tuy nhiên , cũng không nhất thiết hạn định cứ phải tĩnh tọa hết một tuần hương. Chỉ cần gạt bỏ hết mọi tạp niệm, ngồi tĩnh tọa với hiệu quả cao trong chốc lát , lâu dần sẽ tiến bộ , đồng thời không nảy sinh hiện tượng hôn trầm buồn ngủ.

Chú Thích

1 Tức : một hơi hít vào và thở ra là một “Tức”. Chữ “Tức” trong tiếng Hán là do chữ “Tự” và chữ “Tâm” tạo nên , vì vậy có thể hiểu là “bắt nguồn từ Tâm” hay “Xuất phát từ Tâm”. Thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ không thở bằng mũi và mồm, mà thông qua động mạch và tĩnh mạch rốn , trao đổi khí với cơ thể người mẹ , lúc này “Tâm” và “Tức” hợp nhất , nương tựa vào nhau một cách tự nhiên.

Sau khi chào đời , con người bắt đầu thở bằng mũi và mồm , bắt đầu phân thành thở êm nhẹ và thô nháp ,có điều khiển và không điều khiển. Vì “Thần” cư ngụ ở “Tâm”, phát xuất từ “Tâm”, cho nên điều “Tâm” chính là điều “Tức”. 

2. Tinh thần hao kiệt, như cây khô tro lạnh : con người bộc lộ sức sống dồi dào tất cả đều dựa vào tác dụng của Tinh Khí Thần trong cơ thể. Nếu như không biết “Hồi quang” , Thần Minh tự nhiên hao tán , rồi sẽ đến một ngày cạn kiệt ,giống như cây khô tro lạnh , không sức sống. “Hồi quang” chính là cách thu Tâm , định Thần không để phân tán ra ngoài , mà quay trở về ngưng kết với Tinh và Khí. 

3. Gắn “Tâm” với “Tức” : có nhiều phương pháp gắn “Tâm” với “Tức” như Số tức, Tùy tức, Thính tức v.v..mục đích của các phương pháp này đều nhằm đạt tới trạng thái Tâm Tức hợp nhất , mà hễ Tâm Tức đã hợp nhất mới có thể làm “Tâm” tĩnh , khiến cho Thần Khí giao hòa , phát hiện Thiên cơ .

4. Nhĩ quang : thận khai khiếu ở tai, ở nhĩ. 
Nhĩ quang là chức năng của thận Khí, biểu hiện thành thính giác. 
“Hồi nhĩ quang” được các nhà Luyện Ðan gọi là ngưng nhĩ vận. 

5. Thông minh : Trang Tử , trong “Ngoại vật” nói “Mắt tinh sáng là minh , Tai thính nhạy là thông”. 

6. Chân Tức : Tâm làm Khí xao động, khi Tâm đã nhập tĩnh tới cảnh giới hư vô , hơi thở vào ra không còn do Tâm điều khiển , Tâm Tức đã hòa làm một , đó là Chân Tức.

7. Gà mái khi ấp trứng Tâm thường lắng nghe : đây là một lối so sánh thường gặp trong các Ðan thư. 
Trong “Ðạo Ðức Kinh”, Lão Tử viết : “Ðạo pháp Tự nhiên”, tất cả mọi hiện tượng trong giới Tự nhiên điều tuân theo những quy luật phổ quát của Vũ Trụ. 

Các Ðạo gia quan sát các hiện tượng trong Trời Ðất , từ đó rút ra những lý lẽ của Phép Dưỡng sinh. 
“Gà mái khi ấp trứng Tâm thường lắng nghe” là một ví dụ điển hình về sự chiêm ngẫm , quan sát các hiện tượng tự nhiên của các Ðạo gia áp dụng vào trong công pháp Nội đan. Ðiều này không có gì là huyền bí cả. 

Qua điều chiêm ngẫm trên cho thấy , trong tập luyện, nếu ta tập trung chú ý, tích cực tìm tòi, gạt bỏ hết mọi tạp niệm , hòa đồng “Tiểu Ngã” và “Ðại Ngã” đó là con đường ngắn nhất trong tu luyện và học Ðạo.

8. Con người nếu làm chết được Tâm Thức thần thì Nguyên thần sẽ sống : điều này trái với thói thường, người bình thường không làm được . Thế nhưng , sinh tử là quá trình biện chứng. Người bình thường chỉ biết sống thuận theo năm tháng , không hề biết rằng trong sống có chết. Song người tu Ðạo lại đi ngược từ chết trở đi, như thế gọi là trong chết có sống. 

Ví phỏng con người “làm chết được Tâm” thì sẽ ít đam mê tham dục , không để Thần Minh hao tán , như thế có thể kéo dài cuộc sống con người. “Nguyên Thần sẽ sống” , có nghĩa Nguyên Thần hòa đồng với Tâm Vũ Trụ , thấu hiểu Thiên cơ , trường sinh bất lão. “Tâm chết , Thần sống” thực tế chỉ gạt bỏ Thức Thần , thức tỉnh Nguyên Thần.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x