Trang chủ » Chương V: Ngôi trường lý tưởng

Chương V: Ngôi trường lý tưởng

by Hậu Học Văn
78 views

Loại hình giáo dục đúng đắn quan tâm đến sự tự do cá nhân, có thể mang lại sự hợp tác thực sự giữa cá nhân và tập thể; nhưng sự tự do này không thể đạt được bằng cách theo đuổi sự đề cao vai trò của cá nhân và sự thành công của riêng bản thân. Tự do đi cùng với sự nhận biết chính mình, tức là lúc tinh thần đã vượt trên mọi rào cản xung quanh để thỏa mãn khao khát có được sự an toàn.

Chức năng của giáo dục là giúp mỗi cá nhân nhận diện tất cả những trở ngại tâm lý này, chứ không áp đặt các khuôn mẫu ứng xử mới, các cách tư duy mới. Những lối áp đặt như thế sẽ không bao giờ khơi dậy được trí tuệ, sự thông hiểu có tính sáng tạo, mà sẽ chỉ khuôn buộc thêm cho cá nhân. Hẳn đây là điều đang xảy ra trên toàn thế giới, và đó là lý do tại sao các vấn đề của chúng ta cứ tiếp tục tăng theo cấp số nhân.

Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của cuộc sống thì chúng ta mới có thể có được nền giáo dục chân chính; nhưng để hiểu được thì tâm trí phải khéo léo giải phóng nó ra khỏi ham muốn được tưởng thưởng, vốn là cái sản sinh ra nỗi sợ hãi và sự tuân phục. Nếu chúng ta coi con cái như là tài sản của mình, nếu xem chúng là sự tiếp nối cái tôi thiển cận của chúng ta và là sự hiện thực hóa các tham vọng của chúng ta, thì chúng ta sẽ dựng lên một môi trường sống, tức một cấu trúc xã hội, không có tình thương yêu, mà chỉ có mỗi một thứ là sự theo đuổi các lợi ích vị kỷ.

Một cơ sở giáo dục lớn và phát triển mạnh trong đó hàng trăm trẻ em được học cùng nhau, cùng với mọi sự phô trương và thành công kèm theo của nó, có thể sản sinh ra những người thư ký ngân hàng và người bán hàng giỏi, những nhà công nghiệp hay viên chức, tóm lại là những con người hời hợt có năng lực về kỹ thuật; nhưng ta chỉ có thể hy vọng vào các cá nhân toàn diện mà chỉ những mái trường nhỏ mới có thể sản sinh ra mà thôi. Đó là lý do tại sao việc sở hữu những mái trường với số lượng nhỏ các cô, cậu bé và những người thầy chân chính thì quan trọng hơn nhiều so với việc thực hành các phương pháp mới nhất và tốt nhất trong những ngôi trường lớn.

Khổ nỗi, một trong những khó khăn phiền toái của chúng ta là chúng ta nghĩ mình phải tiến hành trên quy mô lớn. Hầu hết chúng ta muốn những ngôi trường lớn với những tòa nhà đồ sộ, cho dù rõ ràng chúng không phải là loại trung tâm giáo dục đúng đắn, bởi lẽ chúng ta kỳ vọng tạo sự thay đổi hay tác động đến cái mà chúng ta gọi là đám đông.

Nhưng đám đông ấy là ai? Chính là bạn và tôi. Chúng ta đừng để mình lạc lối trong suy nghĩ rằng đám đông cũng cần phải được giáo dục một cách đúng đắn. Tập trung vào đám đông là một cách tránh né việc hành động ngay tức khắc. Sự giáo dục đúng đắn sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta bắt đầu với cái tức khắc, nếu chúng ta ý thức về bản thân trong quan hệ của mình với con cái, với bạn bè và những người hàng xóm. Hành động của chúng ta trong thế giới mình đang sống, trong thế giới gia đình và bạn bè, sẽ lan tỏa sức ảnh hưởng và mở rộng sự tác động.

Bằng cách ý thức đầy đủ về chính mình trong tất cả các mối tương quan, chúng ta sẽ bắt đầu phát hiện ra những sự mù mờ, lẫn lộn và những giới hạn ở bản thân mà trước giờ chúng ta vẫn thực sự không biết; và khi ý thức về chúng, chúng ta sẽ hiểu và theo đó xóa bỏ được chúng. Nếu không có ý thức này và sự nhận biết về chính mình, thì bất cứ sự cải cách nào trong giáo dục hay trong các lĩnh vực khác sẽ chỉ dẫn đến sự chống đối và tình trạng khốn cùng thêm mà thôi.

Khi xây dựng những ngôi trường rộng lớn và sử dụng những người thầy là người lệ thuộc vào một hệ thống thay vì là người tỉnh táo, biết quan sát mối tương quan giữa họ và các học trò của mình, chúng ta chỉ khuyến khích hoạt động tích lũy các dữ kiện, sự phát triển năng lực và thói quen tư duy một cách máy móc theo một khuôn mẫu nào đó; chắc chắn không một điều gì trong số này giúp học sinh phát triển thành một con người toàn diện. Các hệ thống có thể hữu ích trong phạm vi hẹp đối với những nhà giáo dục tỉnh táo và thận trọng, nhưng chúng không đánh thức được trí tuệ. Thế nhưng điều lạ lùng là những từ như “hệ thống”, “trường học” lại trở nên vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Các biểu tượng đã thế chỗ thực tại, và chúng ta bằng lòng với việc nó nên như vậy; vì thực tại là thứ gây phiền phức, trong khi đó những cái bóng của nó thì mang lại cảm giác dễ chịu.

Không một giá trị nền tảng nào có thể đạt được nhờ vào sự giáo dục đám đông, mà chỉ có thể nhờ vào việc học tập và thông hiểu những khó khăn, xu hướng và năng lực của từng đứa trẻ; những ai ý thức về điều này, những ai nghiêm túc trong việc muốn hiểu bản thân mình và giúp đỡ thế hệ trẻ nên ngồi lại với nhau, lập ra một ngôi trường mang ý nghĩa sống còn trong cuộc đời đứa trẻ, qua đó giúp em trở thành con người toàn diện và có trí tuệ. Để mở ra một ngôi trường như thế, họ không cần chờ cho đến khi có đủ các phương tiện cần thiết. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người thầy đích thực tại nhà, và những cơ hội sẽ chóng đến.

Những ai yêu thương con cái mình và con cái của những người xung quanh, những ai có thái độ nghiêm túc, sẽ tìm cách xoay xở để lập ra một trường học đúng đắn như thế ở đâu đó quanh góc phố hay ngay tại nhà của họ. Rồi tiền bạc sẽ đến – nhưng tiền bạc là điều ít quan trọng nhất. Để duy trì được một ngôi trường nhỏ thuộc loại hình giáo dục đúng đắn như thế đương nhiên là rất khó khăn nếu xét về mặt tài chính; nó chỉ có thể phát triển dựa trên tinh thần cống hiến chứ không phải dựa vào tài khoản lớn trong ngân hàng. Tiền bạc bao giờ cũng làm hỏng việc nếu không có tình yêu thương và sự thông hiểu. Nhưng nếu đó thực sự là một ngôi trường có giá trị, thì tất yếu sẽ tìm được mạnh thường quân. Khi có tình thương yêu dành cho bọn trẻ thì mọi chuyện đều có thể.

Chừng nào mà ngôi trường còn được coi là quan trọng nhất thì đứa trẻ sẽ không được quan tâm phát triển đúng với tiềm năng. Nhà giáo dục chân chính quan tâm đến cá nhân, chứ không quan tâm đến số lượng học sinh mà anh ta có; và một nhà giáo dục như thế sẽ phát hiện ra rằng anh ta có thể có một mái trường đầy ý nghĩa và hừng hực bầu nhiệt huyết mà nhiều bậc phụ huynh sẽ ủng hộ. Nhưng người thầy này phải có sự quan tâm nhiệt tình; nếu anh ta không có nhiệt huyết, anh ta sẽ có một ngôi trường như bao ngôi trường khác mà thôi.

Nếu các bậc cha mẹ thực sự yêu thương con cái, họ sẽ sử dụng hệ thống pháp lý và các phương tiện khác để lập ra những ngôi trường nhỏ có những người thầy đúng nghĩa; và họ sẽ không bị cản bước trước thực tế là các trường nhỏ sẽ tốn kém kinh phí và khó tìm ra những người thầy thực thụ.

Tuy nhiên, họ nên nhận ra rằng chắc chắn sẽ có sự chống đối từ những cá nhân hám lợi, từ các chính phủ và các tổ chức tôn giáo, vì những ngôi trường như thế nhất định phải có tính cách mạng sâu sắc. Cuộc cách mạng đích thực không phải là một thứ bạo lực, nó xảy ra qua tiến trình vun bồi sự hợp nhất toàn diện và trí tuệ của con người, do chính cuộc sống của họ, là những người sẽ dần dần tạo ra những sự thay đổi triệt để trong xã hội.

Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả những người thầy trong ngôi trường này nên đến với nhau một cách tự nguyện, không bị thuyết phục hay được người khác lựa chọn; vì việc tự nguyện thoát ra khỏi thói thường của thế giới là cơ sở đúng đắn duy nhất cho một trung tâm giáo dục thực sự. Nếu những người thầy giúp đỡ lẫn nhau và giúp học trò hiểu được các giá trị đúng đắn thì nhất định phải luôn có ý thức tỉnh táo trong mối tương quan hằng ngày của họ.

Trong trạng thái biệt lập của một ngôi trường nhỏ, người ta sẽ có xu hướng quên mất thực tế rằng còn có một thế giới ở bên ngoài, cùng với tình trạng xung đột, hủy hoại và khốn cùng ngày càng gia tăng của nó. Thế giới ấy không tách biệt với chúng ta. Trái lại, nó là một phần của chúng ta, vì chúng ta đã tạo ra nó như thực trạng hiện nay, và đó là lý do tại sao nếu chúng ta muốn có sự thay đổi cơ bản trong cấu trúc xã hội thì trước hết chúng ta phải có nền giáo dục đúng đắn.

Chỉ có nền giáo dục đúng đắn, chứ không phải các ý thức hệ, các nhà lãnh đạo và những cuộc cách mạng về kinh tế, mới có thể mang lại một giải pháp bền vững cho những vấn nạn và những tình cảnh khốn khổ của chúng ta; và thấy được đây thật sự không phải là vấn đề về sự thuyết phục thuộc trí tuệ hay cảm xúc, cũng không phải về những tranh cãi, những lập luận ranh mãnh.

Nếu hạt nhân của tập thể người thầy trong một trường học thuộc loại đúng đắn dư thừa sự tận tình và năng động, nó sẽ thu hút được những người có cùng mục đích, còn những ai không quan tâm thì chẳng mấy chốc sẽ nhận thấy mình trở nên thừa thãi. Nếu trung tâm có mục đích và tỉnh táo thì khu vực ngoại vi thờ ơ lãnh đạm sẽ tàn lụi và mất đi; nhưng nếu trung tâm thờ ơ lãnh đạm, thì toàn bộ nhóm người sẽ dao động và suy yếu.

Trung tâm không thể được tạo thành từ duy nhất người hiệu trưởng. Lòng nhiệt tình hay sự quan tâm nếu chỉ lệ thuộc vào một con người chắc chắn sẽ suy giảm và tiêu tan. Sự quan tâm như thế là giả tạo, hay thay đổi và vô giá trị, vì nó có thể bị lèo lái và biến thành cái phục dịch cho những ý thích bất chợt và những sở thích nhất thời của người khác. Nếu người hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền thì tinh thần tự do và hợp tác chắc chắn không thể tồn tại. Một tính cách mạnh mẽ có thể xây dựng được một trường học hạng nhất, nhưng nỗi sợ hãi và thói quỵ lụy từ từ len lỏi vào, rồi phần còn lại của nhà trường được hợp thành từ những kẻ bất tài vô dụng.

Một nhóm người như thế không dẫn đến sự tự do và thông hiểu mỗi một cá nhân. Tập thể người thầy không nên được đặt dưới sự thống trị của hiệu trưởng, và người hiệu trưởng không nên gánh vác mọi trách nhiệm; trái lại, mỗi một người thầy nên cảm thấy có trách nhiệm đối với tập thể. Nếu chỉ có một số ít người quan tâm, thì sự dửng dưng hoặc đối lập với phần còn lại sẽ cản trở hay vô hiệu hóa nỗ lực chung.

Ta có thể hoài nghi liệu một trường học có thể hoạt động mà không có một uy quyền trung tâm; nhưng ta thực sự không biết bởi lẽ nó chưa bao giờ được thử nghiệm. Chắc chắn, trong một nhóm các nhà giáo dục chân chính, vấn đề về uy quyền này sẽ không bao giờ nảy sinh. Khi tất cả đều đang phấn đấu để có tự do và trí tuệ, sự hợp tác lẫn nhau có thể hiện diện ở mọi cấp độ. Đối với những ai không dành toàn tâm toàn ý và ý định lâu dài vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đúng đắn, không có một uy quyền trung tâm dường như là một lý thuyết viển vông; nhưng nếu người ta tận tâm tận tình với lối giáo dục đúng đắn thì người ta không đòi hỏi phải bị thúc giục, định hướng hay kiểm soát. Những người thầy có trí tuệ đều linh hoạt trong việc vận dụng năng lực của họ; khi cố gắng đạt được sự tự do cá thể, họ tuân theo những quy chế và làm những gì cần thiết cho lợi ích của nhà trường. Sự quan tâm nghiêm túc là khởi đầu cho năng lực và cả hai đều được tăng cường hơn nữa qua quá trình thực hiện.

Nếu người ta không hiểu rõ hàm ý thuộc về tâm lý của sự vâng lời, việc đơn thuần quyết định không tuân theo uy quyền sẽ chỉ dẫn đến tình trạng hỗn loạn mà thôi. Sự hỗn loạn như thế không phải do thiếu vắng uy quyền, mà là do không có sự quan tâm sâu sắc lẫn nhau trong lối giáo dục đúng đắn. Nếu có mối quan tâm thực sự thì sẽ có sự điều chỉnh thường xuyên và cẩn trọng đối với mỗi người thầy để đáp ứng những đòi hỏi và những nhu cầu thiết yếu của việc vận hành một ngôi trường. Trong bất cứ mối tương quan nào, những sự xích mích và hiểu nhầm là không thể tránh khỏi; nhưng chúng bị phóng đại khi không có sự liên hệ thân tình trong mối quan tâm chung.

Phải có sự hợp tác không giới hạn giữa tất cả những người thầy trong trường học thuộc loại đúng đắn. Toàn bộ giáo viên nên gặp gỡ thường xuyên, bàn về các vấn đề khác nhau của nhà trường; và khi họ nhất trí với nhau về phương hướng hành động nào đó, chắc chắn sẽ chẳng có khó khăn trong việc thực hiện những gì đã được quyết định. Nếu quyết định nào được đa số đưa ra nhưng không được một người thầy tán thành, nó có thể được bàn bạc lại ở lần họp sau.

Không một người thầy nào nên sợ hãi hiệu trưởng, cũng không một hiệu trưởng nào nên thấy bị đe dọa bởi những người thầy thâm niên. Sự nhất trí và vui vẻ chỉ có thể xảy ra khi tất cả mọi người đều cảm thấy hoàn toàn bình đẳng với nhau. Điều quan trọng là cảm giác bình đẳng này là yếu tố nổi bật trong loại trường học đích thực, vì lẽ người ta chỉ có thể thực sự hợp tác khi họ không còn bận tâm sự ưu trội và sự kém cỏi nữa. Nếu có sự tin cậy lẫn nhau thì bất cứ khó khăn hay hiểu nhầm nào cũng sẽ không bị gạt đi, mà sẽ được đối mặt, và sự tin tưởng sẽ được khôi phục.

Nếu những người thầy không chắc chắn về nghề nghiệp và mối quan tâm của chính mình, chắc chắn họ sẽ ganh tỵ và chống đối lẫn nhau, và họ sẽ dùng hết mọi năng lượng của mình cho những chuyện vặt vãnh và những cuộc tranh cãi tốn công phí sức; trong khi đó, tâm trạng cáu gắt và sự bất đồng ý kiến đầy nông nỗi sẽ mau chóng tan đi nếu người ta nhiệt tình quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục đích thực. Khi ấy, những chi tiết tưởng chừng to tát được trả lại đúng với kích thước bình thường của chúng, sự xích mích và những xung khắc cá nhân hóa ra chỉ là hão huyền và có tính phá hoại, mọi cuộc nói chuyện và bàn bạc đều giúp người ta nhận ra đâu là điều đúng đắn chứ không phải ai là người đúng lý.

Những ai đang làm việc cùng nhau vì một dự định chung cần nói ra những khó khăn và sự hiểu nhầm, vì điều đó giúp làm sáng tỏ sự mù mờ, lẫn lộn có thể có trong suy nghĩ của ta. Khi có sự quan tâm hợp mục đích, giữa các người thầy cũng phải có tinh thần thẳng thắn và tình đồng nghiệp với nhau, và như thế mối xung khắc giữa họ sẽ không bao giờ xảy ra; nếu không có sự quan tâm ấy, thì dù ngoài mặt họ có thể hợp tác vì lợi ích của nhau nhưng đằng sau là xung đột và thù địch ngấm ngầm.

Đương nhiên, có thể có những nhân tố khác gây ra mối bất hòa giữa các thành viên trong tập thể giáo viên. Người thầy này có thể làm việc quá mức, người thầy kia có thể có những mối lo lắng cá nhân hay gia đình, còn những người khác thì lại không cảm thấy thiết tha gì với những việc mình làm. Chắc chắn tất cả những vấn đề này có thể được bàn luận thấu triệt và thẳng thắn tại cuộc họp giáo viên, vì có quan tâm lẫn nhau thì người ta mới hợp tác với nhau. Rõ ràng là chẳng có điều quan trọng sống còn nào có thể được tạo ra nếu người làm thì ít mà người ngồi chơi xơi nước lại quá nhiều.

Sự phân chia công việc một cách bình đẳng tạo cho mọi người sự thong dong, và chắc chắn mỗi người phải có một lượng thời gian rảnh rang nhất định. Một người thầy làm việc quá sức sẽ trở thành vấn đề cho chính anh ta và cho những người khác. Nếu người ta bị căng thẳng quá, họ dễ trở nên lờ đờ, biếng nhác, và nhất là đối với những ai đang làm công việc mà họ không thích thì tình hình lại càng tệ hơn. Việc phục hồi sức lực không thể xảy ra nếu người ta cứ phải liên tục hoạt động, cả thể chất lẫn tinh thần; nhưng khoảng thời gian thảnh thơi này có thể được bố trí một cách thuận lợi sao cho mọi người đều chấp nhận.

Trạng thái thong dong của mỗi người chẳng ai giống ai. Với những người thiết tha với công việc thì bản thân công việc ấy chính là sự thong dong của họ; làm những gì mình thích, chẳng hạn như học một cái gì đó, là một hình thức thư giãn. Đối với những người khác, thong dong có thể là được thu mình vào góc riêng tư.

Nếu nhà giáo dục cần phải có một khoảng thời gian nhất định cho riêng mình, anh ta chỉ nên chịu trách nhiệm cho số lượng học sinh mà anh ta có thể dễ dàng xử lý. Mối tương quan sinh động trực tiếp giữa người thầy và người trò hầu như là không thể xảy ra khi người thầy bị đè nặng bởi số lượng người học quá nhiều và không thể ứng phó nổi.

Còn có một lý do khác tại sao các trường học nên được duy trì ở quy mô nhỏ, đó là với một số lượng học sinh rất hạn chế trong một lớp học, người thầy có thể chú ý sát sao hơn đến từng người. Khi nhóm học sinh quá đông, anh ta không thể làm điều này được, và thế là việc thưởng phạt trở thành một phương cách tăng cường kỷ luật rất thuận tiện và dễ dãi.

Loại hình giáo dục đúng đắn không thể xảy ra ở những ngôi trường có sĩ số học sinh đông. Muốn học hành thì trẻ em cần phải có sự kiên nhẫn, tỉnh táo và trí tuệ. Để quan sát những xu hướng, thái độ, tính tình của đứa trẻ, để thông hiểu những hoàn cảnh khó khăn của em, chúng ta cần xét tới yếu tố di truyền và sự ảnh hưởng của cha mẹ chứ không chỉ đơn thuần coi em như là thuộc về một phạm trù nhất định – tất cả những việc này đòi hỏi người thầy phải có đầu óc nhanh nhạy và linh hoạt, không bị trở ngại bởi bất cứ hệ thống hay thành kiến nào. Nó đòi hỏi người thầy phải có kỹ năng, quan tâm sâu sắc và trên hết có tình cảm thương yêu đối với trẻ em; và việc tạo ra được những nhà giáo dục có những phẩm chất ấy là một trong những vấn đề chủ đạo của chúng ta hiện nay.

Tinh thần tự do cá nhân và trí tuệ lúc nào cũng phải thâm nhập toàn ngôi trường. Điều này cần được thảo luận kỹ càng và việc thỉnh thoảng mới ngẫu nhiên nhắc đến mấy chữ “tự do” và “trí tuệ” sẽ chẳng có nghĩa lý gì mấy.

Việc thầy và trò gặp gỡ nhau một cách đều đặn để bàn luận tất cả những vấn đề về việc sống hạnh phúc trong toàn trường là yếu tố then chốt. Nên lập ra một hội đồng học sinh mà người thầy là những người đại diện để có thể bàn bạc cho rốt ráo tất cả các vấn đề về kỷ luật, vệ sinh, thức ăn, v.v. và cũng có thể góp phần hướng dẫn cho những em học sinh phần nào sống buông thả, thờ ơ, dửng dưng hay cứng đầu cứng cổ.

Học sinh nên chọn lựa trong số các em những bạn chịu trách nhiệm cho việc thực hiện các quyết định và giúp giám sát chung. Sau rốt, chế độ tự quản trong nhà trường là sự chuẩn bị cho chế độ tự quản trong cuộc sống sau này. Nếu, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đứa trẻ học được cách quan tâm tới người khác, học cách sống vô ngã và trí tuệ trong bất cứ cuộc bàn luận nào về các vấn đề hằng ngày, khi lớn lên em sẽ có thể đối diện một cách có hiệu quả và giữ tâm thế bình thản trước những thử thách lớn hơn và phức tạp hơn trong cuộc sống. Nhà trường nên khuyến khích trẻ em thông hiểu những hoàn cảnh khó khăn và những nét cá tính riêng biệt, những tâm trạng và khí chất của người khác; vì sau đó khi chúng lớn lên, chúng sẽ chín chắn hơn và kiên nhẫn hơn trong quan hệ giữa chúng với mọi người.

Chính tinh thần tự do và trí tuệ này cũng phải thể hiện rõ ràng trong việc học tập của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ phải là người có óc sáng tạo chứ không phải là cỗ máy tự động, thì em không nên được khuyến khích chấp nhận các công thức hay kết luận. Ngay cả khi học một môn khoa học, chúng ta nên lập luận cùng với em, giúp em hiểu được vấn đề trong tính toàn thể và sử dụng năng lực phán đoán của riêng mình.

Thế còn sự hướng dẫn thì sao? Chẳng lẽ không cần đến bất kỳ sự hướng dẫn nào ư? Câu trả lời phụ thuộc vào việc người ta quan niệm thế nào là “sự hướng dẫn”. Nếu như trong trái tim mình, người thầy đã xóa sạch mọi nỗi sợ hãi và ham muốn thống trị thì họ mới có thể giúp học sinh hướng tới sự thông hiểu sáng tạo và tự do; nhưng nếu có sự ham muốn ý thức hay vô thức là hướng em đến một mục tiêu đặc thù thì rõ ràng họ đang gây trở ngại cho sự phát triển của em. Hướng dẫn đi đến một mục tiêu đặc thù, dù đó là do mình tạo ra hay bị người khác áp đặt, sẽ làm hỏng tính sáng tạo.

Nếu nhà giáo dục chú tâm tới tự do và cá thể chứ không chú tâm tới những quan niệm đã có từ trước, anh ta sẽ giúp đứa trẻ biết cách nhận diện sự tự do đó bằng cách khuyến khích em hiểu rõ môi trường sống của chính em, tính khí của em, nền tảng tôn giáo và gia đình của em, cùng với tất cả những ảnh hưởng và tác động có thể có của chúng lên em. Nếu có tình thương yêu và tự do trong trái tim thì người thầy sẽ đến với từng học sinh một cách tế nhị qua việc quan tâm đến những nhu cầu và khó khăn của em; và thế là các em sẽ không phải là những cỗ máy tự hoạt động theo các phương pháp và công thức nữa, mà là những con người tự nhiên, luôn tỉnh táo và thao thức.

Loại giáo dục đúng đắn cũng phải giúp học sinh phát hiện ra điều gì em quan tâm nhất. Nếu em không tìm ra được thiên hướng thực sự của mình, toàn bộ cuộc sống dường như bị lãng phí; em sẽ cảm thấy ngán ngẩm khi phải làm điều gì đó mà mình không muốn làm. Nếu em muốn làm một người nghệ sĩ chứ không phải làm một người thư ký văn phòng, em sẽ sống cuộc đời trong sự bực bội và héo mòn. Cho nên biết mình muốn làm gì và xét xem việc đó có đáng để làm hay không là điều quan trọng. Một cậu bé có thể muốn trở thành một người lính; nhưng trước khi làm người lính, em phải được giúp đỡ để phát hiện xem binh nghiệp có ích gì cho toàn thể nhân loại không.

Nền giáo dục đúng đắn phải giúp học sinh không những phát triển các năng lực của em mà còn hiểu những mối quan tâm lớn nhất của chính em. Trong một thế giới bị phá nát bởi các cuộc chiến tranh, sự phá hoại và khốn cùng, chúng ta phải xây dựng một trật tự xã hội mới và tạo ra một lối sống khác.

Trách nhiệm xây dựng một xã hội khai minh và hòa bình chủ yếu dựa vào nhà giáo dục, và rõ ràng nếu cảm xúc không bị xao động thì anh ta có một cơ hội rất lớn góp phần vào việc hoàn thành sự thay đổi xã hội ấy. Loại hình giáo dục đúng đắn không phụ thuộc vào các quy chế của bất cứ chính quyền nào hay các phương pháp của bất cứ hệ thống nào; nó nằm ngay trong tay chúng ta, trong tay các bậc cha mẹ và trong tay những người thầy.

Nếu cha mẹ thực sự chăm lo cho con cái, họ ắt phải xây dựng một xã hội mới; nhưng về cơ bản, hầu hết các bậc cha mẹ đều không quan tâm, và thế là họ không dành thời gian cho vấn đề đáng lẽ cấp bách nhất ấy. Họ dành thời gian cho việc kiếm tiền, cho những thú vui, cho các lễ hội và thờ cúng, nhưng lại không có thời gian để xét xem đâu là loại giáo dục đúng đắn cho con cái. Đây là một thực tế mà đa số mọi người không muốn đối mặt. Có thể họ hiểu đối mặt với điều đó có nghĩa là họ ắt phải từ bỏ những thú vui và những trò tiêu khiển riêng, và chắc chắn họ không sẵn lòng làm như vậy. Cho nên họ gửi con cái đến những ngôi trường mà ở đó người thầy cũng không quan tâm tới chúng nhiều hơn họ. Tại sao anh ta lại phải quan tâm? Dạy học đối với anh ta chỉ là một cái nghề, một phương tiện kiếm cơm thôi mà.

Cái thế giới chúng ta đã tạo ra thật quá hời hợt, quá giả tạo, quá xấu xí nếu nhìn vào phía sau bức màn; và chúng ta trang trí cho bức màn ấy với hy vọng rằng mọi thứ sẽ phần nào đúng đắn. Khổ nỗi, hầu hết mọi người lại không có thái độ nghiêm túc về cuộc sống, có lẽ trừ những lúc phải đi kiếm tiền, tranh giành quyền lực và chạy theo những thú vui nhục dục. Họ không muốn đối mặt với bao nhiêu thứ phức tạp khác của cuộc sống, và đó là lý do tại sao khi trẻ em lớn lên, chúng không chín chắn và sống phiến diện như cha mẹ chúng, thường xuyên vật lộn với chính mình và với xã hội.

Thật dễ dàng khi tuyên bố rằng chúng ta yêu thương con cái mình, nhưng liệu có tình yêu trong trái tim không khi chúng ta chấp nhận những điều kiện xã hội hiện tồn, khi chúng ta không muốn tạo ra sự thay đổi căn cơ trong cái xã hội đầy rẫy sự tàn phá này? Chừng nào chúng ta còn trông đợi các nhà chuyên môn giáo dục con cái mình, thì sự nhiễu nhương và khốn cùng này sẽ còn tiếp diễn; vì các nhà chuyên môn, chỉ quan tâm tới bộ phận chứ không quan tâm tới toàn thể, bản thân họ vốn đã sống phiến diện rồi.

Thay vì là một nghề có trách nhiệm và cao quý nhất, giáo dục hiện nay bị coi thường, và hầu hết những người làm công tác giáo dục đều bị ấn định theo lối mòn. Họ thực sự không quan tâm đến sự hợp nhất toàn diện và trí tuệ, mà chỉ quan tâm tới việc truyền đạt thông tin; và một người chỉ biết truyền đạt thông tin với thế giới đang vụn vỡ quanh anh ta thì đó không phải là một nhà giáo dục.

Nhà giáo dục không đơn thuần là người cung cấp thông tin; anh ta là người chỉ ra con đường đến với trí tuệ, đến với chân lý. Chân lý quan trọng hơn người thầy nhiều. Tìm kiếm chân lý là tôn giáo đích thực, và chân lý không thuộc một đất nước nào, không thuộc một tín điều nào, nó không được tìm thấy nơi các đền chùa, nhà thờ hay thánh đường. Nếu không tìm kiếm chân lý, xã hội sẽ sớm lụi tàn. Để tạo ra một xã hội mới, mỗi người chúng ta phải là một người thầy đích thực, điều đó có nghĩa là chúng ta phải đồng thời vừa là người trò vừa là người thầy; chúng ta phải tự giáo dục chính mình.

Nếu một trật tự xã hội mới được xác lập, những người đi dạy chỉ để kiếm đồng lương chắc chắn không thể có được vị trí là người thầy. Coi hoạt động giáo dục như là phương tiện kiếm sống là một hình thức bóc lột trẻ em vì lợi ích của chính mình. Trong một xã hội khai minh, những người thầy sẽ không quan tâm đến cuộc sống sung túc cho riêng mình, và cộng đồng sẽ cung ứng cho những nhu cầu của họ.

Người thầy đích thực không phải là người lập ra một tổ chức giáo dục đầy ấn tượng, không phải là một công cụ trong tay các chính trị gia, cũng không phải là người gắn với một lý tưởng, một lòng tin hay một đất nước. Người thầy thực sự là người giàu có trong tâm hồn, nên sẽ không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho riêng mình; anh ta không tham vọng và không tìm kiếm quyền lực dưới bất cứ hình thức nào; anh ta không lấy việc dạy học làm phương tiện hòng giành được chức vụ hay uy quyền, và theo đó anh ta thoát ly khỏi sự cưỡng chế của xã hội và sự kiểm soát của các chính quyền. Những người thầy như thế có vị trí hàng đầu trong nền văn minh đã được khai hóa, vì nền văn hóa đích thực không dựa trên những người kỹ sư hay các nhà kỹ thuật, mà dựa trên các nhà giáo dục.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x