Trang chủ » Chương VII: Tình dục và hôn nhân

Chương VII: Tình dục và hôn nhân

by Hậu Học Văn
100 views

Giống như những vấn đề khác của con người, vấn đề liên quan đến đam mê và thôi thúc tình dục của chúng ta rất phức tạp và khó khăn; nếu nhà giáo dục không tự mình khảo sát điều đó một cách kỹ lưỡng và nhận ra những ẩn ý của nó, thì làm thế nào anh ta có thể giúp những người mà anh ta đang giáo dục? Nếu bản thân cha mẹ hay người thầy bị rơi vào dòng xoáy ham muốn sắc dục, thì làm sao họ có thể hướng dẫn cho đứa trẻ được? Chúng ta có thể giúp đỡ đứa trẻ được chăng nếu bản thân chúng ta không hiểu ý nghĩa của toàn bộ vấn đề này? Cách thức nhà giáo dục truyền đạt sự hiểu biết về tình dục phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chính anh ta; nó phụ thuộc vào việc anh ta có phong thái nhẹ nhàng, điềm đạm không, hay là bị cuốn vào những ham muốn của chính mình.

Lúc này, tại sao tình dục lại trở thành một vấn đề đầy hoang mang và xung đột đối với hầu hết chúng ta? Tại sao nó trở thành một nhân tố thống trị trong đời sống của chúng ta? Một trong những nguyên do chính là chúng ta không sáng tạo; chúng ta không sáng tạo bởi vì toàn bộ nền văn hóa xã hội và đạo đức, cũng như các phương pháp giáo dục, đều dựa trên sự phát triển của trí năng. Giải pháp cho vấn đề về tình dục nằm ở hiểu biết rằng sự sáng tạo không diễn ra qua hoạt động của trí năng. Trái lại, sự sáng tạo chỉ có khi trí năng ở trong trạng thái bất động.

Trí năng, là cái trí chỉ có thể lặp lại, nhớ lại. Nó thường xuyên thêu dệt những ngôn từ mới và sắp xếp lại những ngôn từ cũ. Và vì hầu hết chúng ta đều cảm nhận và trải nghiệm chỉ thông qua não bộ, cho nên chúng ta sống chỉ bằng ngôn từ và kiểu lặp lại máy móc này. Rõ ràng đây không phải là sáng tạo; và vì chúng ta không sáng tạo, nên phương tiện sáng tạo duy nhất còn rơi rớt lại là tình dục. Tình dục là cái thuộc về tâm trí – phải lấp đầy để bù đắp cho sự trống trải nội tâm, nếu không sẽ sinh ra chán chường, tuyệt vọng.

Suy nghĩ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta náo hoạt, khô khan, giả dối và rỗng tuếch. Chúng ta bị đói khát về mặt cảm xúc; chúng ta lặp lại, trì trệ về mặt tôn giáo và trí tuệ; chúng ta bị điều hành và bị kiểm soát về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Chúng ta không phải là những người hạnh phúc, chúng ta không có sức sống và niềm vui hân hoan. Ở nhà, trong công việc, ở nhà thờ, ở trường, chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm trạng thái sáng tạo, không có sự giải phóng sâu sắc trong tư tưởng và hoạt động thường ngày. Bị trói buộc và giam hãm tứ bề, thì tình dục sẽ nghiễm nhiên trở thành lối thoát duy nhất, một trải nghiệm thường xuyên được tìm tới vì nó mang đến cho ta trạng thái hạnh phúc ngắn ngủi, trạng thái ấy diễn ra khi vắng mặt cái tôi. Vấn đề không phải là chuyện tình dục mà là sự ham muốn khơi dậy lại trạng thái hạnh phúc, có được và duy trì niềm khoái lạc, dù đó là khoái lạc tình dục hay bất cứ khoái lạc nào khác.

Đối tượng mà ta đang thực sự kiếm tìm là niềm đam mê mãnh liệt cái khoảnh khắc phủ nhận cái tôi này, đồng hóa bản thân với cái gì đó mà ta có thể hoàn toàn đánh mất chính mình. Vì cái tôi là thứ nhỏ bé tầm thường và là cội nguồn của sự đau khổ, dù ý thức hay vô thức, cho nên chúng ta đều muốn đánh mất chính mình trong trạng thái phấn khích ấy, trong những lối suy nghĩ kiêu ngạo, hay trong cảm giác thô thiển nào đó.

Khi ta tìm cách trốn thoát khỏi cái tôi thì phương tiện trốn thoát là rất quan trọng, và thế là chúng cũng trở thành nỗi đau khổ đối với ta. Nếu ta không tìm hiểu những trở ngại đang ngăn cản lối sống sáng tạo, tức lối sống không vướng lụy cái tôi, ta sẽ không thể hiểu những vấn đề liên quan đến tình dục.

Một trong những trở ngại cho lối sống sáng tạo là sự sợ hãi, mà kính trọng cũng là một biểu hiện của nỗi sợ. Những người đáng kính, tức những người bị bó buộc về luân lý, thì không ý thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa của cuộc sống. Họ bị vây bọc giữa những bức tường đứng đắn, đạo mạo của mình và không thể thấy được gì bên ngoài những bức tường ấy. Luân lý được tô vẽ bởi giai cấp xã hội của họ, dựa trên các quan điểm và đức tin tôn giáo, vốn không liên quan gì đến thực tại; và khi ẩn náu đằng sau thực tại ấy, họ đang sống trong thế giới của những ảo tưởng do chính họ tạo ra. Bất chấp cái luân lý tự mình áp đặt và thỏa mãn, những người đáng kính cũng sống trong sự hoang mang, khốn khổ và xung đột.

Sợ hãi, kết quả của việc theo đuổi cảm giác an toàn, khiến cho ta yên lòng, bắt chước và tuân phục thế lực thống trị, theo đó ngăn chặn lối sống sáng tạo. Sống sáng tạo là sống trong tự do, là sống không sợ hãi, cho nên trạng thái sáng tạo chỉ có thể có khi tinh thần không bị bó buộc vào sự ham muốn và thỏa mãn những ham muốn. Chỉ bằng cách quan sát trái tim và trí óc với một sự chú ý tinh tế thì ta mới có thể xóa sạch những phương cách ẩn giấu của ham muốn. Càng có tình yêu thương và suy nghĩ thấu đáo thì ham muốn càng khó chi phối tâm trí ta. Chỉ khi nào không có tình thương yêu thì cảm giác sẽ trở thành một vấn đề gây ám ảnh.

Để hiểu điều này, chúng ta sẽ đề cập đến cảm giác, không phải từ một phương diện mà từ mọi phương diện: giáo dục, tôn giáo, xã hội và đạo đức. Cảm giác trở nên quan trọng đối với chúng ta bởi do chúng ta đã chú trọng quá mức đến các giá trị giác quan.

Qua sách vở, qua quảng cáo, qua phim ảnh, và hàng nghìn hình thức khác, các phương diện khác nhau của cảm giác liên tục được nhấn mạnh. Những buổi duyệt binh, cuộc mít-tinh, những màn thánh lễ, kịch nghệ và các hình thức giải trí khác, tất cả đều khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự kích thích không ngừng nghỉ; và chúng ta lấy làm vui thích với sự khơi gợi này.

Thú vui thân xác được phát triển bằng mọi cách, đồng thời ý tưởng về sự trinh trắng lại được ủng hộ. Vì thế, trong ta dấy lên sự mâu thuẫn. Nhưng lạ lùng thay, chính sự mâu thuẫn này cũng là một yếu tố kích thích.

Chỉ khi ta hiểu rõ sự theo đuổi về mặt cảm giác ấy, tức một trong những hoạt động chủ chốt của tâm trí, thì khoái lạc, sự phấn khích và bạo lực sẽ không còn thống trị trong đời sống của ta nữa. Chính vì không có tình yêu cho nên tình dục, một hình thức theo đuổi cảm giác, đã trở thành vấn đề ám ảnh. Khi có tình yêu, sẽ có sự trinh trắng, sẽ không còn ai cố gắng trở thành người trinh trắng. Đức hạnh đến cùng với sự tự do, nó đến khi ta hiểu rõ cái đang tồn tại.

Khi còn trẻ, chúng ta thường có ham muốn tình dục mạnh mẽ, và hầu hết chúng ta cố gắng xử lý những ham muốn này bằng cách kiểm soát chúng và đưa chúng vào khuôn phép kỷ luật; vì nếu không kiềm chế, chúng ta sẽ bị ám ảnh bởi những ham muốn nhục dục. Tôn giáo rất quan tâm đến đạo đức tình dục; nhưng họ lại cho phép chúng ta sử dụng bạo lực và giết người nhân danh lòng yêu nước, buông mình vào thói đố kỵ và tàn nhẫn, xảo quyệt, theo đuổi quyền lực và sự thành công. Tại sao họ lại quan tâm đến loại đạo đức đặc thù này đến thế, chứ không công kích sự bóc lột, tham lam và chiến tranh? Đó chẳng phải là vì các tôn giáo tồn tại được là nhờ vào nỗi sợ hãi và hy vọng của chúng ta, sự đố kỵ và chia rẽ của chúng ta hay sao? Cho nên trong tôn giáo cũng như trong mọi lĩnh vực khác, tâm trí đều phóng chiếu những ham muốn của chính nó.

Chừng nào vẫn còn chưa thông hiểu sâu sắc về toàn bộ diễn trình của ham muốn, định chế hôn nhân như cách nó tồn tại hiện nay, dù ở phương Đông hay ở phương Tây, thì không thể có được câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề tình dục. Việc ký kết một bản hợp đồng hôn nhân không đồng nghĩa sẽ mang lại tình yêu, và cũng không phải cứ làm cho nhau thỏa mãn là cơ sở để gầy dựng tình yêu, hay cứ mang lại sự an toàn và yên tâm là sẽ có tình yêu. Tất cả những hành vi này đều thuộc về tâm trí, và đó là lý do tại sao tình yêu chiếm một vị trí quá nhỏ nhoi trong đời sống của chúng ta. Tình yêu không thuộc về tâm trí. Tình yêu hoàn toàn độc lập với tư tưởng cùng với những tính toán đầy ma mãnh, những nhu cầu và những phản ứng tự vệ. Khi có tình yêu, tình dục không bao giờ là vấn đề – chính việc thiếu vắng tình yêu mới gây ra vấn đề.

Sự cản trở và né tránh của tâm trí sinh ra vấn đề, chứ không phải tình dục hay bất cứ vấn đề cụ thể nào khác; đó là lý do tại sao thật quan trọng khi hiểu rõ diễn trình của tâm trí, bao gồm sự quyến rũ và lôi kéo của tâm trí, những phản ứng của tâm trí trước người có ngoại hình đẹp và người có ngoại hình xấu. Chúng ta nên quan sát bản thân, nhận biết về cách chúng ta đánh giá người khác, cách chúng ta ngắm nhìn những người đàn ông, những người phụ nữ. Chúng ta nên nhận thấy rằng gia đình trở thành trung tâm của sự chia rẽ và của các hoạt động chống lại xã hội khi nó được dùng như là phương tiện cho việc kéo dài sự tồn tại của bản ngã, vì lợi ích của việc tự coi mình là quan trọng. Gia đình và của cải, khi được tập trung vào cái tôi cùng với những ham muốn và mưu cầu ngày càng hạn hẹp, trở thành công cụ của quyền lực và của sự thống trị, nguồn gốc dẫn đến xung đột giữa cá nhân và xã hội.

Khó khăn trong tất cả các vấn đề này đó là bản thân chúng ta, những người làm cha làm mẹ và những người làm thầy, đã hoàn toàn trở nên mệt mỏi và mất hy vọng, vô cùng hoang mang và bất an; cuộc sống đè nặng lên vai chúng ta, và chúng ta muốn được thanh thản, chúng ta muốn được yêu thương. Đời sống nội tâm chúng ta nghèo nàn và thiếu thốn thì làm sao chúng ta có thể hy vọng sẽ giáo dục cho con cái mình một cách đúng đắn?

Đó là lý do tại sao vấn đề chính không phải là học sinh mà là người thầy; trái tim và tâm trí ta phải được thanh tẩy trước khi ta dạy bảo người khác. Nếu bản thân nhà giáo dục bị hoang mang, không chân thật, lạc lối trong mê lộ ham muốn của chính mình thì làm thế nào anh ta truyền đạt những điều thông thái, hay giúp người khác định ra lối đi đúng đắn trong cuộc đời? Nhưng chúng ta không phải là những cỗ máy được hiểu và được sửa chữa bởi các chuyên gia, chúng ta là kết quả của một loạt các ảnh hưởng và các biến cố lâu dài, và mỗi một người trong số chúng ta phải làm sáng tỏ và hiểu ra tình trạng hỗn loạn trong bản tính của chính mình.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x