Trang chủ » Chương VIII: Nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo

Chương VIII: Nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo

by Hậu Học Văn
118 views

Hầu hết chúng ta đều đang cố gắng đào thoát khỏi chính mình; và vì nghệ thuật cung cấp cho ta phương tiện thích hợp và dễ dàng để làm việc đó, nó trở nên có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. Với mong muốn lãng quên chính mình, người thì đến với nghệ thuật, kẻ thì đến với rượu chè, còn những người khác thì đi theo các học thuyết tôn giáo hư ảo, huyễn hoặc.

Khi chúng ta sử dụng cái gì đó, dù có ý thức hay không có ý thức, để thoát khỏi chính mình, chúng ta lại đâm ra nghiện ngập nó. Phụ thuộc vào một người, một bài thơ hay những gì bạn muốn, như là một phương tiện để giải thoát mình khỏi những mối lo lắng và băn khoăn, dù tạm thời nguôi ngoai, chỉ làm nảy sinh thêm xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống mà thôi.

Trạng thái sáng tạo không hiện hữu ở nơi có xung đột, và do đó loại giáo dục đúng đắn nên giúp cá nhân đối diện với các vấn đề của mình và không ca ngợi những phương cách tránh né; nó nên giúp anh ta hiểu rõ và loại bỏ sự xung đột, bởi lẽ chỉ khi đó anh ta mới có thể đạt được trạng thái sáng tạo. Nghệ thuật thoát ly khỏi cuộc sống thì không có ý nghĩa gì cả.

Khi nghệ thuật tách ra khỏi đời sống hằng ngày, khi có sự cách biệt giữa đời sống và những nỗ lực của ta trên tấm voan vẽ, trên phiến đá cẩm thạch hay trong ngôn từ, thì nghệ thuật lại trở thành sự biểu hiện của cái ham muốn nông nỗi, tức là muốn thoát khỏi cái hiện thực mình đang sống. Lấp đi sự cách biệt này là rất khó, nhất là đối với những ai có tài năng hay giỏi về kỹ thuật; nhưng chỉ khi nào hố sâu cách biệt ấy được lấp đi thì cuộc sống của chúng ta mới trở nên toàn diện và nghệ thuật mới trở thành sự biểu hiện toàn diện của chính chúng ta.

Tâm trí có sức mạnh sinh ra những ảo tưởng; nếu không hiểu rõ những phương cách tạo tác của nó mà chạy theo cảm hứng thì có khác nào mời gọi mình tự lừa dối mình đâu. Cảm hứng đến khi ta cởi mở với nó, chứ không phải khi ta ve vãn nó. Cố gắng có được cảm hứng bằng bất cứ hình thức kích thích nào chỉ dẫn đến những thứ hoang đường mà thôi.

Trừ phi ta có ý thức về ý nghĩa của sự hiện hữu, không thì năng lực hay tài năng chỉ càng củng cố thêm cho cái tôi và những thèm khát của nó. Tài năng có xu hướng làm cho cá nhân cảm thấy mình là cái rốn của vũ trụ, và do đó tự tách mình ra; anh ta cảm thấy mình là duy nhất, là đỉnh cao muôn trượng không ai sánh bằng, tất cả những điều đó là mảnh đất dung dưỡng cho cái ác và không ngừng gây ra xung đột, khổ đau. Cái tôi là một mớ gồm nhiều thực thể, thực thể này lại đối lập với những thực thể còn lại. Nó là bãi chiến trường của những ham muốn xung đột với nhau, tâm điểm của cuộc đấu tranh thường trực giữa cái “của tôi” và cái “không phải của tôi”; và bao lâu chúng ta còn đề cao bản ngã, cái “tôi” và cái “của tôi” thì sự xung đột trong bản thân chúng ta và trong thế giới vẫn sẽ gia tăng.

Người nghệ sĩ đích thực là người vượt ra khỏi sự hão huyền của cái tôi và những tham vọng của nó. Có năng lực diễn tả tài tình, thế nhưng lại bị trói buộc trong những phương cách của thế nhân phàm tục, nên đã để cuộc đời vướng lụy vào những mối xung đột và mâu thuẫn. Sự ca ngợi hay nịnh bợ, một khi đã xâm nhập vào con tim, chúng sẽ thổi phồng cái tôi lên và theo đó hủy hoại khả năng tiếp thu; và thói sùng bái sự thành công, trong bất cứ lĩnh vực nào, rõ ràng sẽ gây hại cho trí tuệ.

Bất cứ xu hướng hay tài năng nào mà gây ra tình trạng tự cô lập, bất cứ hình thức tự đồng hóa nào, dù hứng thú đến đâu, cũng đều bóp méo sự tinh nhạy và tạo ra sự vô cảm. Độ tinh nhạy bị tê liệt khi tài năng trở thành cái gì đó riêng tư, tức là khi chúng ta đề cao cái “tôi” và cái “của tôi” – tôi vẽ, tôi viết, tôi sáng chế. Chỉ khi nào chúng ta ý thức về sự vận động của tư tưởng và tình cảm của chúng ta trong mối tương quan giữa cá nhân mình với người khác, với các sự vật và với thế giới tự nhiên, thì tinh thần của chúng ta mới cởi mở, linh hoạt, không bị trói buộc vào nhu cầu tự vệ hay theo đuổi; và chỉ khi đó chúng ta mới nhạy bén trước cái xấu và cái đẹp mà không bị bản ngã gây trở ngại.

Nhạy bén trước cái đẹp và cái xấu không phải là kết quả của sự gắn kết, vướng chấp; mà nó là thành quả của tình thương yêu, khi chúng ta không còn gây ra sự xung đột trong nội tại mình nữa. Khi đời sống nội tâm nghèo nàn, đơn điệu, chúng ta dễ buông mình theo mọi biểu hiện ở bên ngoài, buông mình theo của cải, quyền lực và những thứ ta sở hữu. Khi trái tim trống rỗng, chúng ta sẽ gom góp mọi thứ. Khi chúng ta tìm cách để lấp đầy cho trái tim, chúng ta sẽ bao bọc mình bằng những thứ mà chúng ta cho là đẹp đẽ, và vì chúng ta quá coi trọng chúng, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm cho bao nhiêu là sự khốn cùng và hủy hoại này.

Hám lợi không phải là yêu cái đẹp; nó nảy sinh từ sự ham muốn được an toàn, và cảm thấy được an toàn là không còn sự tinh nhạy. Ham muốn được an toàn sẽ tạo ra nỗi sợ; nó khởi động tiến trình tự cô lập bằng cách dựng lên những bức tường phòng ngự quanh chúng ta, và những bức tường này cản trở sự tinh nhạy. Dù một vật có đẹp đẽ đến mấy, nó cũng sớm mất đi vẻ quyến rũ trong mắt ta bởi chúng ta đã quen đến mức nhàm chán rồi. Cái đẹp vẫn còn đó, nhưng chúng ta không còn cởi mở với nó nữa, và nó đã bị hòa tan vào trong cuộc sống đơn điệu hằng ngày.

Bởi tâm hồn ta đã bị chai sạn và ta đã quên cách làm thế nào để sống tử tế, làm thế nào để nhìn ngắm những vì sao, để nhìn ngắm những ngọn cỏ lá cây, những hình ảnh phản chiếu trên mặt nước, cho nên ta mới cần đến sự kích thích từ những bức tranh và đồ trang sức, từ những cuốn sách và những thú vui vô tận. Chúng ta luôn tìm kiếm những nguồn hứng khởi mới mẻ, những cảm giác hồi hộp mới, chúng ta thèm nhiều thứ cảm giác hơn nữa. Nghệ thuật chính là sự thèm khát này và việc thỏa mãn nó khiến cho lý trí và tình cảm của ta trở nên xơ cứng, ù lì. Chừng nào chúng ta còn tìm kiếm cảm giác thì những cái mà chúng ta gọi là đẹp và xấu chỉ có ý nghĩa rất ư là giả tạo mà thôi. Niềm vui lâu bền chỉ có khi chúng ta có thể tiếp cận mọi thứ bằng cái nhìn thanh tân – vốn là điều không thể có được chừng nào chúng ta còn bị trói chặt vào những ham muốn của mình. Sự thèm muốn cảm giác và thỏa mãn không cho chúng ta trải nghiệm cái luôn mới mẻ ấy. Cảm giác có thể mua được, còn tình yêu cái đẹp thì không.

Khi chúng ta nhận biết sự trống rỗng của đầu óc và con tim mình mà không cần phải chạy tới bất cứ loại kích thích hay cảm giác nào, khi chúng ta hoàn toàn mang tâm thế cởi mở và nhạy bén thì chúng ta mới có thể sáng tạo, chỉ lúc ấy chúng ta mới tìm được niềm vui sáng tạo. Vun bồi cái bên ngoài mà không hiểu cái bên trong thì không có cách nào khác là phải dựng lên những giá trị dẫn dắt con người ta đến chỗ hủy hoại và đau khổ.

Học hành một kỹ thuật, hay phương thức, có thể mang lại cho chúng ta một công việc, nhưng nó sẽ không giúp chúng ta trở thành một người sáng tạo; trong khi ngược lại, nếu có niềm vui thích, nếu có ngọn lửa sáng tạo, nó sẽ tìm cách biểu hiện chính nó, người ta sẽ không cần học hành một phương pháp biểu đạt. Khi ta thực sự muốn viết một bài thơ, ta viết nó ra, và nếu có kỹ thuật thì ta viết hay hơn nhiều; nhưng tại sao lại chú trọng cái chỉ là phương tiện truyền đạt nếu ta chẳng có gì để mà nói? Khi có tình yêu trong trái tim, ta không phải đi tìm cách thức sắp đặt từ ngữ lại với nhau nữa.

Các nghệ sĩ và các nhà văn vĩ đại có thể là những con người sáng tạo, còn chúng ta thì không, chúng ta chỉ là những khán thính giả hay độc giả. Chúng ta đọc bao nhiêu là quyển sách thú vị, nghe bao nhiêu là bản nhạc hay, ngắm bao nhiêu là tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, chứ chúng ta chưa bao giờ trực tiếp trải nghiệm cái cao cả; sự trải nghiệm của chúng ta bao giờ cũng qua một bài thơ, qua một bức tranh, qua nhân cách của một vị thánh. Để hát ca, chúng ta phải có một bài hát trong tim mình, nhưng vì bài hát không còn nữa, cho nên chúng ta chạy theo người ca sĩ. Nếu không có người làm trung gian, chúng ta cảm thấy mình lạc lối; nhưng chúng ta phải bị lạc lối trước khi phát hiện ra bất cứ điều gì. Phát hiện là khởi đầu của sự sáng tạo; và nếu không có sự sáng tạo, dù chúng ta có làm gì đi nữa thì cũng không thể có hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại.

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể sống một cách hạnh phúc, sáng tạo, nếu chúng ta học được một phương pháp, một kỹ thuật, một phong cách; nhưng hạnh phúc sáng tạo chỉ đến khi đời sống nội tâm phong phú, nó không thể nào đạt được nhờ bất cứ hệ thống nào. Sự tự hoàn thiện, đó là một phương thức khác trong việc bảo đảm sự an toàn của cái “tôi” và cái “của tôi”, không phải là sáng tạo, cũng không phải là lòng yêu cái đẹp. Sáng tạo bắt đầu hiện diện khi có sự nhận biết liên tục về những phương cách của tâm trí và về những rào cản mà tâm trí đã dựng lên cho chính nó.

Tự do sáng tạo nảy sinh cùng với việc tự nhận biết chính mình; nhưng tự nhận biết chính mình không phải là một năng khiếu thiên bẩm. Ta có thể sáng tạo mà không cần đến bất cứ tài năng cụ thể nào. Sáng tạo là trạng thái tồn tại, trong đó các xung đột và mâu thuẫn của cái tôi đều vắng mặt, một trạng thái trong đó tâm trí không bị giam hãm trong những nhu cầu và chạy theo sự ham muốn.

Là người sáng tạo không phải đơn giản là sáng tác ra những bài thơ, tạc nên những pho tượng, hay sinh ra những đứa trẻ; sáng tạo ở trong trạng thái mà chân lý hiện diện. Chân lý bắt đầu hiện diện khi chúng ta hoàn toàn dừng bặt suy nghĩ, và suy nghĩ chỉ dừng khi không còn cái tôi, khi tâm trí không còn tạo tác nữa, tức là khi nó không còn là tù nhân cho những mưu cầu của chính nó. Khi tâm trí hoàn toàn bất động mà không bị ép buộc, hay được tập luyện để đi vào trạng thái tĩnh lặng, khi nó yên lặng vì cái tôi không hoạt động, thì lúc ấy có sự sáng tạo.

Tình yêu cái đẹp có thể tự nó biểu hiện trong một bài hát, trong một nụ cười, hay trong sự yên lặng; nhưng hầu hết chúng ta không có xu hướng yên lặng. Chúng ta không có thời gian để nhìn những chú chim, những đám mây đang lượn lờ trôi, vì chúng ta quá bận bịu với những mưu cầu và khoái lạc. Khi trong tim ta không có cái đẹp thì làm sao ta có thể giúp trẻ em thành người tỉnh táo và tinh nhạy? Chúng ta cố gắng mở lòng mình đón nhận cái đẹp trong khi tránh cái xấu; nhưng sự tránh né cái xấu lại khiến chúng ta trở thành người vô cảm. Nếu chúng ta muốn phát triển khả năng tinh nhạy nơi trẻ em, chúng ta phải mở lòng đón nhận cái đẹp và cái xấu, và phải nắm lấy mọi cơ hội để khơi dậy ở chúng niềm hân hoan khi nhìn ngắm không những cái đẹp do con người tạo ra mà còn cả cái đẹp của thiên nhiên.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x