Trang chủ » CHƯƠNG XXIX: ĐẠO CHÍCH (Đạo Chích)

CHƯƠNG XXIX: ĐẠO CHÍCH (Đạo Chích)

by Trung Kiên Lê
91 views

Vài lời thưa trước

I. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ và TÁC PHẨM

Chương I: Thời đại và cuộc sống

Chương II: Tác phẩm

Chương III: Văn bộ Trang Tử

Chương IV: Học thuyết của Trang

Kết

II. NỘI THIÊN

Chương I: Thảnh thơi tự tại (Tiêu dao du)

Chương II: Mọi vật ngang nhau (Tề vật luận)

Chương III: Phép dưỡng sinh (Dưỡng sinh chủ)

Chương IV: Thế gian (Nhân gian thế)

Chương V: Đức sung mãn và tự nhiên (Đức sung phù)

Chương VI: Đạo là đại tôn sư của ta (Đại tôn sư)

Chương VII: Lí tưởng của đế vương (Ứng đế vương)

III. NGOẠI THIÊN

Chương VIII: Ngón chân dính nhau (Biền mẫu)

Chương IX: Móng ngựa (Mã đề)

Chương X: Mở tráp (Khư khiếp)

Chương XI: Phóng nhiệm và khoan dung (Tại hựu)

Chương XII: Trời đất (Thiên địa)

Chương XIII: Đạo trời (Thiên đạo)

Chương XIV: Sự vận chuyển của trời (Thiên vận)

Chương XV: Mài luyện ý chí (Khắc ý)

Chương XVI: Sửa tính (Thiện tính)

Chương XVII: Nước mùa thu (Thu thuỷ)

Chương XVIII: Cực vui (Chí lạc)

Chương XIX: Hiểu được sự sống (Đạt sinh)

Chương XX: Cây trong núi (Sơn mộc)

Chương XXI: Điền Tử Phương

Chương XXII: Trí đi chơi phương bắc (Trí bắc du)

IV. TẠP THIÊN

Chương XXIII: Canh Tang Sở

Chương XXIV: Từ Vô Quỉ

Chương XXV: Tắc Dương

Chương XXVI: Ngoại vật

Chương XXVII: Ngụ ngôn

Chương XXVIII: Các ông vua nhường ngôi (Nhượng vương)

Chương XXIX: Đạo Chích

Chương XXX: Giảng về kiếm thuật (Thuyết kiếm)

Chương XXXI: Ông chài (Ngư phủ)

Chương XXXII: Liệt Ngự Khấu

Chương XXXIII: Thiên hạ

PHỤ LỤC

Chương I: Những biến cố lớn xảy ra trong đời Trang tử

Chương II: Bảy bài đã dịch trong bộ Liệt tử và Dương tử

Chương III: Danh ngôn, danh cú

1

Khổng Tử là bạn của Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí có một người em tên là Đạo Chích[748]. Đạo Chích cầm đầu chín ngàn bộ hạ hoành hành trong thiên hạ, xâm đoạt các nước chư hầu, đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt cóc vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên. Họ qua nơi nào, nếu là nước lớn thì cố giữ thành, nước nhỏ thì núp sau luỹ, dân tình khốn khổ.  

Khổng Tử bảo Liễu Hạ Quí:  

–  Làm cha thì phải răn đe con, làm anh thì phải dạy bảo em. Nếu cha không răn đe được con, anh không dạy bảo được em thì sao gọi là cha, là anh, để người ta quí được nữa?

Tiên sinh là bậc tài sĩ trên đời, em là Đạo Chích làm hại thiên hạ mà tiên sinh không biết dạy. Khâu tôi trộm lấy làm xấu hổ cho tiên sinh, xin thay tiên sinh lại thuyết phục nó.  

Liễu Hạ Quí đáp:  

–  Ông bảo làm cha phải răn đe con, làm anh thì phải dạy em. Nhưng nếu con em không chịu nghe lời cha, anh thì dù có tài biện thuyết như ông, phỏng làm gì được không? Mà thằng Chích lòng sôi nổi như suối nóng, ý chí như bão táp; nó mạnh đủ để đương đầu được với mọi kẻ thù, bẻm mép đủ để che giấu, tô điểm những tật của nó, hễ thuận ý nó thì nó ưa thích, trái ý nó thì nó giận, mắng chửi liền. Ông đừng nên đi.  

Khổng Tử không nghe, cứ đi. Nhan Hồi đánh xe [ngồi bên trái], Tử Cống ngồi bên phải [cho cân], thấy Đạo Chích đương nghỉ ngơi với bộ hạ ở phía Nam núi Thái Sơn. Họ băm gan người làm món ăn bữa chiều. Khổng Tử xuống xe, tiến lại gần người canh gác, bảo:  

–  Tôi là Khổng Khâu nước Lỗ, nghe tiếng tướng quân là người nghĩa khí cao, muốn xin yết kiến.   Nói rồi ông vái hai vái.  

Người đó vô thông báo, Đạo Chích nghe xong, nổi giận tới nỗi [nẩy lửa] sáng như ngôi sao, tóc dựng ngược muốn hất cái mũ lên. Hắn bảo:  

–  Tên Khổng Khâu đó, phải là kẻ xảo trá ở nước Lỗ đấy không? Ra bảo nó như vầy cho ta: “Mày là tên bày đặt ra lời này lẽ nọ rồi nói thác ra của vua Văn vua Võ, mày đội cái mũ trang sức loè loẹt[749], đeo dây lưng bằng da bò.

Mày ba hoa nói bậy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc![750] Mày khua môi múa mỏ, bày đặt ra điều thị phi để mê hoặc bọn vua chúa, khiến kẻ sĩ trong thiên hạ không trở về bản tính được; mượn cớ trọng hiếu đễ mà thực là chỉ cầu được phong hầu mà hưởng phú quí. Tội mày nặng lắm. Cút ngay đi, nếu không tao bầm gan mày để ăn bữa trưa!”.  

Nhưng Khổng Tử vẫn xin vô thông báo lần nữa, bảo:  

–  Tôi may mắn được quen ông Liễu Hạ Quí, xin được vô bái kiến dưới trướng.  

Người canh gác vô thông báo lần nữa. Đạo Chích bảo:  

–  Cho nó vô.  

Khổng Tử vội vàng tiến vô, không dám ngồi vào chiếu, lùi lại, vái Chích hai vái. Chích nổi giận đùng dùng, duỗi hai chân, đặt tay lên chuôi kiếm, ngó Khổng Tử trừng trừng, giận dữ như con cọp cái đương cho con bú mà bị quấy phá. Hắn bảo:  

–  Khâu, lại đây! Mày nói mà thuận ý tao thì được sống, nếu trái thì sẽ mất mạng đấy.  

Khổng Tử bảo:  

–  Khâu tôi nghe nói trong thiên hạ có ba đức quí: thân thể cao lớn, dong mạo đẹp đẽ vô cùng, bất luận già trẻ, sang hèn trông thấy đều thích, đó là đức quí thứ nhất; trí tuệ bao quát trời đất, biện biệt được mọi vật, đó là đức quí thứ nhì; dũng hãn quả cảm, qui tụ được nhiều binh lính mà thống lĩnh họ, đó là đức thứ ba, thấp hơn cả.

Ai mà có một trong ba đức đó thì đáng làm vua trong thiên hạ. Nay tướng quân có đủ cả ba: cao tám thước hai[751], diện mục đều sáng, môi đỏ như son, răng trắng như vỏ sò nước Tề[752], tiếng vang như chuông. Như vậy mà người ta gọi tướng quân là “tướng cướp tên Chích”, tôi trộm lấy làm xấu hổ cho tướng quân, lẽ nào lại chịu như vậy.

Nếu tướng quân chịu nghe lời tôi thì tôi sẽ vì tướng quân đi sứ Ngô, Việt ở phương Nam, Tề, Lỗ ở phương Bắc, Tống, Vệ ở phương Đông, Tấn, Sở ở phương Tây. Tôi sẽ thuyết phục người ta xây một cái thành mấy trăm dặm, lập một ấp lớn mấy trăm ngàn nhà, tôn tướng quân làm vua chư hầu, mà mở một cuộc đời mới từ nay; bãi binh, cho lính về, tập hợp anh em, nuôi nấng họ và cúng giỗ tổ tiên.

Đó là hành vi của bậc thánh nhân và kẻ sĩ có tài, thiên hạ chỉ mong được có vậy.  

Đạo Chích vẫn chưa nguôi giận, đáp:  

–  Khâu, lại đây! Kẻ nào bị thuyết phục vì lợi, hoặc nghe lời khuyên mà sửa tính, người đó chỉ là hạng ngu xuẩn, tầm thường. Nay tao cao lớn, dong mạo đẹp đẽ, ai trông thấy cũng thích, đó là cái đức cha mẹ tao di truyền lại chẳng đợi mày khen, tao cũng biết.

Mà tao nghe nói người nào thích khen trước mặt người khác thì sau lưng sẽ nói xấu người ta. Mày hứa cho ta một thành lớn với nhiều nhân dân, là muốn dùng lợi mà dụ dỗ tao, tao coi như hạng tầm thường. [Nếu được nữa đi thì] phỏng tao giữ được bao lâu?

Thành dù lớn tới mấy cũng không bằng cả thiên hạ được. Nghiêu, Thuấn làm chủ thiên hạ đấy mà con cháu không có một miếng đất cắm dùi; Thang, Vũ làm thiên tử đấy mà đời sau tuyệt diệt; như vậy chẳng do nắm được cái lợi lớn đấy ư?

Vả lại tao nghe rằng đời xưa cầm thú nhiều mà người ít, cho nên dân mới phải làm ổ để ở mà tránh chúng; ban ngày lượm hạt giẻ, trái “lật”, ban đêm ngủ ở trên cây, cho nên mới gọi là “thời ở trong ổ” [Sào thị chi dân]. Đời xưa, con người không có quần áo, mùa hè chất chứa cành cây để mùa đông đốt mà sưởi, cho nên gọi là “thời biết cách sống” [tri sinh chi dân].

Thời Thần Nông người ta ngủ ngon, sáng dậy thư thái. Người ta chỉ biết có mẹ mà không biết có cha, sống chung với hưu nai, cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, không có ý hại lẫn nhau. Đó là thời Đức tuyệt cao.

Nhưng rồi Hoàng Đế kém đức, giao chiến với Si Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, máu chảy tới trăm dặm; Thang đuổi vua đi, Võ vương giết Trụ. Từ đó về sau, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đa số đàn áp thiểu số. Từ Thang, Võ tới nay, chỉ toàn là bọn gây loạn thôi.

Mà bây giờ mày muốn theo đạo vua Văn, vua Võ, nắm ngôn luận trong thiên hạ để dạy đời sau. Mày bận áo rộng tay [áo của Nho sĩ], đeo cái đai hẹp kia, dùng xảo ngôn và hành vi giả dối để mê hoặc bọn vua chúa trong thiên hạ, mà mong được phú quí. Đạo tặc bậc nhất là mày đấy. Tại sao thiên hạ không gọi mày là thằng tướng cướp Khâu mà lại gọi tao là thằng tướng cướp Chích?

Mày dùng lời ngọt ngào để dụ dỗ Tử Lộ theo mày; nó bỏ cái mũ cao, cây kiếm dài đi, theo học mày, và thiên hạ đều khen Khổng Khâu biết ngăn bạo hành, cấm điều trái.

Nhưng rốt cuộc, Tử Lộ muốn giết vua nước Vệ mà thất bại, bị vua Vệ bằm thây làm mắm ở cửa Đông kinh thành; vậy là giáo dục của mày lầm lẫn rồi. Mầy tự hào là bậc thiên tài, thánh nhân ư? Mày bị đuổi hai lần ở Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề, bị vây ở khoảng giữa Trần và Thái, khắp thiên hạ không còn chỗ nào để dung thân.

Mày dạy Tử Lộ mà khiến thây nó bị băm ra làm mắm. Như vậy là cái Đạo của mày không ích gì cho mầy và cho người, có đáng cho ai nghe không?

Trên đời không ai được tôn sùng bằng Hoàng Đế, mà đức của Hoàng Đế cũng không hoàn toàn, gây chiến ở đồng Trác Lộc, máu chảy trăm dặm. Nghiêu làm cha thì bất từ, Thuấn làm con thì bất hiếu, Vũ bán thân bất toại[753]; Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ. Văn vương bị giam ở Dữu Lí[754]. Sáu[755] ông đó

được thiên hạ đề cao đấy. Nhưng xét cho kĩ, họ đều bị cái lợi mê hoặc mà mất bản chân, khiến họ làm ngược lại bản tính của họ; hành vi của họ thật đáng xấu hổ.

Hạng người mà thiên hạ khen là hiền thì có Bá Di, Thúc Tề. Hai ông ấy từ chối ngôi vua nước Cô Trúc để rồi chết đói trên núi Thú Dương, thịt xương không ai chôn cho. Bảo Tiêu tô điểm đức hạnh mà chê bai người đời, sau phải ôm cây mà chết[756].

Thân Đồ Địch can vua, vua không nghe, rồi ôm đá gieo mình xuống sông, làm mồi cho cá và ba ba[757]. Giới Tử Thôi rất trung quân, tự cắt đùi để nuôi Tấn Văn công trong khi bỏ nước mà đi, sau Văn công quên công Tử Thôi, Tử Thôi giận, bỏ vô rừng, ôm cây mà chịu chết thiêu.

Vĩ Sinh[758] hẹn với một người con gái ở dưới cầu, nàng không đến; nước sông dâng lên, Vĩ Sinh không về, ôm cột cầu mà chịu chết đuối. Sáu người đó chết không khác gì con chó bị giết, con heo bị nhận nước, tên hành khất cầm cái bầu đi xin ăn. Họ đều ham danh mà khinh chết, không nhớ tới cái điều căn bản là di dưỡng tuổi thọ.

Hạng người mà thiên hạ khen là trung thần, không ai bằng Tỉ Can và Ngũ Tử Tư[759], mà Tử Tư thì bị ném thây xuống sông, Tỉ Can bị moi tim. Hai ông ấy được gọi là trung thần ấy, rốt cuộc bị thiên hạ cười chê, như vật thì có gì đâu mà đáng khen.

Khâu, mày muốn thuyết tao, đem chuyện quỉ thần ra nói thì tao không biết; chứ nói chuyện người thì bất quá chỉ như vậy, tao biết cả rồi. Tao nói về tình người cho mày nghe này: mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng êm đềm, miệng muốn nếm vị ngon, chí khí (tức hoài bảo) muốn được thoả mãn.

Người ta thượng thọ thì trăm tuổi, trung thọ thì được tám mươi, hạ thọ được sáu mươi; mà trừ những lúc đau ốm suy yếu, những lúc có tang, buồn rầu lo lắng ra, thì mỗi tháng chỉ còn bốn năm ngày mở miệng ra cười được thôi.

Trời với đất vô cùng, kiếp người hữu hạn, đem cái thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác gì bóng câu qua cửa[760].

Kẻ nào không biết thoả mãn ý chí, giữ gìn thọ mệnh thì không hiểu gì về Đạo cả. Những lời nói của mày, Khâu, tao không chấp nhận được. Dông đi, về ngay đi, đừng nói thêm nữa! Cái Đạo của mày điên rồ vô nghĩa, xảo trá, hư nguỵ, không làm cho người ta bảo toàn được chân tính, không đáng đem ra bàn.  

Khổng Tử vái hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái như tro tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước xe, đầu cúi xuống, thở không ra hơi.  

Về tới phía ngoài cửa Đông kinh đô Lỗ thì gặp Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí hỏi:  

–  Mấy bữa rày không thấy mặt ông đâu. Mà sao xe và ngựa có vẻ như đi xa mới về. Bộ ông đi thăm thằng Chích về phỏng?  

Khổng Tử ngẩng mặt lên trời thở dài:  

–  Phải.  

–  Thế nó có nói gì trái ý ông như tôi đoán không?  

–  Có. Khâu tôi như người vô bệnh mà để người ta châm cứu vậy. Tôi đã chạy lại xoa đầu, vuốt râu cọp, suýt nữa bị cọp nhai.

2

Tử Trương hỏi Mãn Cẩu Đắc[761]:  

–  Sao không sửa đức hạnh? Đức không tốt thì không ai tin, không được ai tin thì không được giao cho chức vụ, không có chức vụ thì không có bổng lộc. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì nhân nghĩa vẫn là căn. Dù cho không cầu thanh danh lợi lộc, chỉ phản tỉnh thôi, cũng thấy rằng kẻ sĩ không thể một ngày nào là không sửa đức hạnh.  

Mãn Cẩu Đắc đáp:  

–  Vô liêm sỉ thì giàu có, [nói khéo] được nhiều người tin thì hiển vinh. Muốn được thanh danh và lợi lộc thì cơ hồ chỉ cần vô liêm sỉ và được nhiều người tin. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì được nhiều người tin mới là cần. Còn như không cầu thanh danh lợi lộc, mà phản tỉnh thì kẻ sĩ chỉ ôm được cái bản tính trời cho thôi.  

Tử Trương bảo:  

–  Xưa, Kiệt và Trụ, sang tới mức làm thiên tử, giàu tới mức có thiên hạ; nhưng ngày nay bảo những kẻ oa trữ: “Anh hành động như Kiệt và Trụ” thì kẻ đó đỏ mặt lên, bất bình; vậy là ngay bọn tiểu nhân cũng khinh Kiệt và Trụ.

Trọng Ni và Mặc Địch là hạng bình dân nghèo khổ, nhưng ngày nay bảo một tể tướng: “Hành vi của ông như của Trọng Ni và Mặc Địch” thì tất ông ta biến sắc, xấu hổ, rằng mình không xứng với lời khen đó; vậy là hai bậc hiền ấy quả được người đời quí trọng.

Cho nên có quyền thế như thiên tử vị tất được người ta quí, nghèo khổ như dân thường vị tất đã bị người ta khinh. Sự kính trọng hay khinh bỉ là do hành vi tốt hay xấu.  

Mãn Cẩu Đắc bảo:  

–  Kẻ cướp nhỏ thì bị bắt, kẻ cướp lớn thì được làm vua chư hầu. Ở cửa dinh các vua chư hầu, toàn là bọn giảng về nhân nghĩa[762]. Xưa kia, Tề Hoàn công là Tiểu Bạch giết anh và thu nạp chị dâu, mà Quản Trọng chịu làm bề tôi; Điền Thành tử giết vua, chiếm nước Tề[763] mà Khổng Tử chịu nhận lễ vật của y.

Vậy là bình luận thì chê người ta mà hành động thì chịu hạ mình trước người ta; chẳng phải là ngôn ngữ và hành vi giao chiến nhau ở trong lòng ư? Chẳng phải là mâu thuẫn ư? Cho nên có sách bảo: “Cái gì xấu? Cái gì đẹp? Thành công thì làm đầu, thất bại thì làm đuôi”.  

Tử Trương bảo:  

–  Nếu ông không có đức hạnh tốt thì trong chỗ thân thích gần xa không có luân thường, quí và tiện không hợp nghĩa, già trẻ không có trên dưới, như vậy thì làm sao phân biệt được ngũ luân và lục vị?[764]  

Mãn Cẩu Đắc đáp:  

–  Vua Nghiêu giết con cả, vua Thuấn đày người em cùng cha khác mẹ[765], như vậy là trong chỗ thân thích có luân thường không? Vua Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ như vậy là quí hay tiện [tức trên và dưới] có hợp nghĩa không?

Chu công giết anh[766], như vậy là trên dưới có thứ tự không? Nho gia thì ngôn luận giả dối, Mặc gia thì kiêm ái. Như vậy có phân biệt ngũ luân và lục vị không? Ông đề cao thanh danh, tôi đề cao lợi lộc. Sự thực cả thanh danh lẫn lợi lộc đều không thuận với lí, không làm sáng cái Đạo.

Tôi xin nói thẳng với ông này: “Tiểu nhân vì lợi lộc mà hi sinh, quân tử vì thanh danh mà hi sinh; mỗi bên đều vì một lí do riêng mà làm hư hỏng tình cảm cùng bản tính của mình, và đều là bỏ cái đáng làm và hi sinh cho cái không đáng làm.

Cho nên bảo: “Đừng như tiểu nhân [mà trục lợi] thì thuận theo được bản tính; đừng như quân tử [mà ham danh] thì theo được thiên lí. Dù cong dù ngay, cũng nên giúp bản tính của mình thuận ứng tự nhiên, quan sát bốn phương, cùng với bốn mùa mà thay đổi. Dù phải dù trái cũng phải giữ cái đạo lí trong thâm tâm mình.

Thực hiện được lí tưởng riêng của mình, như vậy mới gần Đạo được. Đừng nên cố chấp trong hành vi, đừng học đạo nhân nghĩa, mà hỏng việc mình làm. Đừng đeo đuổi phú quí, đừng mong gấp thành công, như vậy là bỏ mất Đạo tự nhiên[767].

Tỉ Can bị moi tim, Tử Tư bị khoét mắt[768], đó là cái hoạ trung quân; Trực Cung làm chứng cha ăn cắp cừu, Vĩ Sinh chết đuối, đó là cái vạ giữ chữ tín; Bảo tử ôm cây mà chết khô, Thăng tử[769] bị vu oan mà không tự bào chữa, đó là cái hại liêm khiết; Khổng Tử không thấy mẹ, Khuông tử không thấy cha[770], đó là cái hại của nhân nghĩa.

Những truyện ấy truyền lại cho đời sau, cho ta thấy kẻ sĩ mà ngôn ngữ chính trực, hành vi quả quyết thì gặp tai ương, chịu hoạ hoạn như vậy.

3

Vô Túc hỏi Tri Hoà[771]:  

–  Mọi người đều ham danh cầu lợi, chạy theo kẻ giàu làm thuộc hạ cho họ và tôn quí họ. Được người ta tôn sùng thì được trường thọ, thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ. Tại sao riêng anh lại không muốn làm như người ta, trí tuệ không đủ chăng, hay là biết đấy mà không đủ sức làm, nên cứ theo chính đạo, không dám rời?  

Tri Hoà đáp:  

–  Thí dụ có một kẻ trọc phú, tự so với những người cùng sinh một thời, ở cùng một làng, và tự nhận mình siêu quần bạt tục.

Như vậy là không có chính đạo để xét cổ kim, phân biệt thị phi, thay đổi theo thói tục, bỏ mất cái rất quan trọng là sinh mệnh, cái cực tôn quí là đại Đạo, mà muốn làm gì thì làm. Bàn với kẻ đó về việc giữ gìn sinh mệnh để được trường thọ, thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ, chẳng là khó quá ư?

Kẻ đó không quan tâm gì tới bệnh tật có hại cho thân thể, tới nỗi vui mừng hay lo sợ có hại cho tâm linh, hành động mà không biết để làm gì. Như vậy thì dù được làm thiên tử, có cả thiên hạ, cũng không tránh được hoạ.

Vô Túc bảo:  

–  Sự giàu có có lợi cho người ta đủ điều từ cái đẹp tới uy quyền trên đời, muốn gì được nấy; bậc chí nhân và thánh nhân không sao bì kịp. Người giàu có nhờ dũng lực của kẻ khác mà gây được uy thế, dùng mưu trí của kẻ khác mà hoá ra sáng suốt, nhờ đạo đức của kẻ khác mà được tiếng là hiền lương.

Tuy không có đất đai mà tôn nghiêm không khác gì vua một nước. Vả lại thanh sắc, hương vị, quyền thế, lòng người không cần phải học, thân thể không cần phải tập cho quen mà tự nhiên ai cũng thích. Ai cũng biết yêu ghét, trốn tránh, đeo đuổi mà chẳng cần có thầy dạy, đó là bản tính con người. Thiên hạ tuy chê bai thái độ đó nhưng mấy ai tránh được.  

Tri Hoà đáp:  

–  Bậc trí giả hành động là vì nhu cầu [vì cái lợi] của mọi người, mà không trái pháp độ, cho nên biết tri túc mà không tranh giành, không có lí do thì không đòi hỏi, tranh giành với bốn phương mà không biết mình tham.

Hễ cho là có dư rồi [tức người biết tri túc] thì từ bỏ ngoại vật, bỏ cả thiên hạ mà không tự cho mình là liêm. Cái thực chất của lòng tham lam và lòng liêm khiết không do ảnh hưởng của ngoại vật mà do tự xét lòng mình.

Có quyền thế của thiên tử mà không ỷ sự tôn quí đó để khinh người; giàu có làm chủ cả thiên hạ mà không dùng tiền của để giễu cợt người. Tính trước tai hoạ, suy nghĩ về sự phản phúc (thịnh rồi suy). Từ chối uy quyền lợi lộc vì biết nó có hại cho bản tính, chứ không phải vì muốn được thiên hạ khen.

Vua Nghiêu và vua Thuấn nhường thiên hạ [cho Thiện Quyển và Hứa Do], không phải vì yêu thiên hạ [muốn cho người có tài trị thiên hạ], mà vì không muốn để cho cái hoa mĩ làm hại sinh mệnh của mình.

Thiện Quyển và Hứa Do không nhận ngôi báu, không phải là làm bộ từ chối, mà vì không muốn bận việc nước mà hại cho mình. Bốn ông đó đều biết tìm cái lợi, từ bỏ cái hại cho mình, mà thiên hạ khen là hiền. Họ hiền thật đấy nhưng không phải để cầu danh.

Vô Túc bảo:  

–  Muốn giữ cái danh thì phải chịu khổ về thân thể, từ bỏ những cái thú[772], sống đạm bạc để duy trì sự sống, như vậy có khác gì đau khổ dai dẳng mà không chết cho?  

Tri Hoà đáp:  

–  Quân bình là phúc, hữu dư là hoạ, vật nào cũng vậy, mà hoạ lớn nhất là tiền của hữu dư. Bọn phú gia tai ồn tiếng chuông, tiếng trống, tiếng sáo; miệng ngấy những vị thịt và rượu, những cái đó ảnh hưởng xấu tới ý chí, hoá ra bỏ bê công việc.

Thực là loạn! Ăn tới nghẹn họng[773], ì à ì ạch như kẻ đội nặng mà leo núi. Đời gì mà khốn khổ! Tham tiền của mà bị nhục[774], tham quyền thì kiệt lực, ở không thì chìm đắm (trong sự nhàn cư), quen sung sướng đầy đủ thì hoá ra nô lệ [sự an lạc]; những cái đó đều là bệnh tật cả.

Muốn giàu có mà trục lợi thì mất tự do, như bị giam trong bốn bức tường mà không thoát ra được; tham quá, bao nhiêu cũng vơ, thật là nhục! Chứa chất của cải mà không dùng đến, cứ ôm vào ngực, không chịu bỏ ra, thì lòng đầy phiền não, muốn kiếm thêm hoài, không chịu ngừng, thật là rầu rĩ lo lắng.

Kẻ giàu có thì ở trong nhà phải phòng thủ nghiêm mật, cất nhiều lầu canh, nhiều hành lang, ra ngoài không dám đi một mình, sống chỉ những lo và sợ. Sáu cái đó [loạn, khổ, nhục, bệnh tật, rầu rĩ, lo sợ] đều là những hoạ lớn trong thiên hạ, bọn phú gia quên đi mà không để ý tới, đến khi tai hoạ xảy ra rồi mới dùng hết tâm tư, tiền của chỉ cầu được một ngày yên ổn mà không được cho!

Vậy đã chẳng được thanh danh, cũng chẳng được lợi lộc. Đem tất cả tinh thần, sinh lực ra để tranh giành mà rốt cuộc như vậy, chẳng là mê hoặc ư?

Nhận định

Chương này bút pháp rất tầm thường, không đáng cho vô một cuốn mà đời sau tôn xưng là một cuốn kinh: Nam Hoa Kinh; nhưng chúng tôi cũng dịch cho được trọn bộ và để độc giả thấy tính cách hỗn tạp của phần Tạp thiên.  

Cả ba bài đều là những đối thoại tưởng tượng giữa những nhân vật có thật (nhưng không sống cùng một thời với nhau) hoặc tượng trưng, đều dẫn những cố sự quen thuộc về Nghiêu, Thuấn, Tử Tư, Tỉ Can, Hứa Do, Kiệt, Trụ…  

Tầm thường nhất là bài 1: tác giả mạt sát Khổng Tử và chê tất cả các thánh hiền của Nho gia bằng một giọng ngây thơ, để khuyên người ta tha hồ hưởng lạc “vì trời đất vô cùng, đem thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác gì bóng câu qua cửa”.  

Bài 2 cũng chê đạo Khổng, cho thánh nhân của nhà Nho là ham danh mà ham danh cũng không hơn gì ham lợi. Trong bài này dùng chữ “tể tướng” mà theo La Căn Trạch, danh từ đó chỉ xuất hiện vào cuối thời Chiến Quốc.  

Bài 3 tương đối khá hơn, khuyên ta tri túc, nhất là đừng ham giàu sang, nhưng lí luận cũng không có gì đặc sắc.  

La Căn Trạch cho chương này do Đạo gia ở cuối đời Chiến Quốc viết. Thuyết đó có thể tin được.

[748] Liễu Hạ Quí tức Liễu Hạ Huệ, họ Triển, tên Cầm, nhà ở dưới gốc cây liễu, nên gọi là Liễu Hạ, nổi tiếng là trong sạch. Đạo Chích là tên cướp tên Chích, theo Tư Mã Thiên, sống đời Hoàng Đế. Bài này chỉ là ngụ ngôn vì Liễu Hạ Huệ, Đạo Chích và Khổng Tử sống ba thời khác nhau.

[749] Nguyên văn: quán chi mộc chi quan: đội cái mũ tua tủa như nhánh cây.

[750] Ý nói: đồ ăn hại.

[751] Mỗi thước hồi đó khoảng một gang tay.

[752] Nước Tề ở bờ biển.

[753] Vua Nghiêu giết con trưởng, có sách nói là không truyền ngôi cho con – Vua Thuấn cưới vợ mà không xin phép cha mẹ – Vua Vũ lo việc trị thuỷ (trừ cảnh lụt cho dân), dầm mưa dãi nắng mà sinh bệnh.

[754] Văn vương khi còn là Tây Bá bị vua Trụ giam bảy năm.

[755] Có sách bảo sở dĩ có sáu ông là vì Văn vương được người sau thêm vào, có sách sửa lại là “bảy”.

[756] Bảo Tiêu là một ẩn sĩ đời Chu, không vợ con, vô rừng ở, lượm trái cây mà ăn. Tử Cống nói khích: “Ông chê Chu mà ở trên đất của Chu, ăn trái cây của Chu. Như vậy có phải không?”. Bảo Tiêu bèn ôm cây mà chết khô.

[757] Truyện Thân Đồ Địch đã chép trong chương VI và XXVI.

[758] Giới Tử Thôi, cũng gọi là Giới Chi Thôi, trốn theo thái tử Trùng Nhĩ, sau thành Tấn Văn Công. Tấn Văn công thưởng các người tòng vong mà quên ông, ông cõng mẹ vào núi ở. Văn Công hối hận mời Thôi ra, Thôi không ra; Văn Công đốt núi để ông phải ra, nhưng ông ở lì trong núi mà chịu chết thiêu. Hôm đó là ngày mồng 3 tháng 3. Từ đó, vua ra lệnh này ấy cấm lửa, phải ăn nguội, để kỉ niệm Thôi. Tết đó là Tết Hàn thực – Vĩ Sinh là người nước Lỗ thời Chiến Quốc.

[759] Tỉ Can – chương Nhân gian thế bài 1. Ngũ Tử Tư tên là Viên, giúp Ngô vương Phù Sai thắng Việt vương Câu Tiển, sau vì can gián Phù Sai, Phù Sai ghét, bắt tự tử rồi ném thây xuống sông.

[760] Nguyên văn: kì kí chi quá khích dã, là con ngựa kì ngựa kí (loài ngựa chạy rất nhanh) vụt qua kẻ tường (hoặc một chỗ nứt ở đất, theo L.K.h.)

[761] Tử Trương là một môn sinh của Khổng Tử. Mãn Cẩu Đắc là một tên tưởng tượng có nghĩa là: thoả mãn về sự cẩu thả mà được danh lợi. Tên đó tượng trưng cho hạng người tham lam.

[762] Nguyên văn: chư hầu chi môn, nhân nghĩa tồn yên. H.C.H. dịch là: “trong nhà các vua chư hầu, việc làm nào cũng hợp nhân nghĩa”. Tôi ngờ là không hợp với nghĩa của cả đoạn.

[763] Coi bài 2 chương Khư khiếp.

[764] Ngũ luân ở đây là ông, cha, mình, con, cháu mình. Lục vị, cũng gọi là lục kỉ, là vua tôi, cha con, vợ chồng. Nhưng cũng có thuyết bảo ngũ luân là nhân nghĩa lễ trí tín; lục vị là cha mẹ, anh em, vợ chồng.

[765] Tên là Tượng, có sách nói là bị đày đi xa, có sách nói là được phong đất.

[766] Vương Quí là con thứ của Thái vương nhà Chu, cha của Văn vương. Chu công là con của Văn vương giết Quản và Thái vì hai người này muốn làm phản.

[767] Đoạn này tối nghĩa, mỗi nhà giảng một khác.

[768] Tử Tư can gián vua Ngô là Phù Sai, bị Phù Sai giết, bảo: “Ta chết rồi thì treo đầu lâu ta ở cửa Đông nước Ngô, để ta được thấy quân Việt diệt nước Ngô”. Phù Sai nỗi giạn, sai khoét mắt Tử Tư. Coi thêm chú thích bài 1 chương Đạo Chích.

[769] V.P.C. đọc là Thăng – Một thái tử của vua Tần bị sủng phi của cha vu oan mà không tự bào chữa, tự tử và chết. [Có lẽ cụ NHL muốn nói là: chữ 申 thay vì đọc Thân (申子 Thân Tử), cụ theo V.P.C. đọc là Thăng (Thăng Tử) – Goldfish].

[770] Khổng Tử lo chu du các nước để cứu vớt thiên hạ mà khi mẹ chết không được thấy mẹ. Có sách bảo có lẽ là Trần Trọng Tử vì liêm khiết, mà xa mẹ xa anh, ở ẩn một nơi. Khuông Tử, người nước Tề, can cha, cha không nghe, bị cha ghét, bèn di du học, cha chết không về được.

[771] Đây là những tên tưởng tượng. Vô Túc (không biết thế nào là đủ) tượng trưng cho sự tham lam. Tri Hoà (biết lẽ trung hoà) tượng trưng sự thủ phận, thanh liêm.

[772] Nguyên văn là cam: những cái ngon ngọt.

[773] Đoạn cuối này nhiều chỗ cũng mỗi sách giảng một khác. Như chỗ này, nguyên văn: cai nịch ư bằng khí, có sách dịch là chìm đắm mà thịnh khí.

[774] Nguyên văn là uỷ. Có sách giải là bệnh, có sách giải là oán.

❁ ❁ ❁

Nam Hoa Kinh – Trang Tử

Người dịch: Nguyễn Hiến Lê

Nguồn ebook: DTV eBook.
(Nếu bạn yêu thích, hãy mua sách giấy để ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x