Trang chủ » Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

by Trung Kiên Lê
52 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại Nhà thờ Universalist, Pasadena California, 28 tháng 1 năm 1900)

Không sự tìm tòi nào lại thân thiết với tâm trí con người cho bằng sự tìm tòi ánh sáng từ Thượng Đế.

Không một nghiên cứu nào, cho dù là ở quá khứ hay hiện tại, lại làm cho con người hao tâm tổn trí cho bằng việc nghiên cứu linh hồn, Thượng Đế và số phận con người.

Dù chúng ta có đắm chìm mải mê đến đâu đi nữa trong công việc hàng ngày, trong tham vọng, trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất thì thỉnh thoảng vẫn có lúc chúng ta tạm dừng, tâm trí ngưng lại để tìm hiểu về thế giới bên kia.

Đôi khi tâm trí thoáng thấy được cảnh giới bên kia giác quan, và kết quả là nó cố gắng vươn đến cảnh giới đó. Điều đó đã diễn ra xuyên suốt qua bao thời đại, tại mọi quốc gia.

Con người muốn nhìn qua thế giới bên kia, muốn khoáng trương bản thân; và tất cả những gì mà ta gọi là tiến bộ, tiến hóa đều được đo lường bằng công cuộc tìm tòi này: tìm kiếm số phận con người, và tìm kiếm Thượng Đế.

Những cuộc đấu tranh trong xã hội chúng ta giữa các quốc gia khác nhau được biểu hiện qua những tổ chức khác nhau như thế nào, thì cuộc đấu tranh tâm linh của con người cũng được biểu hiện qua nhiều tôn giáo khác nhau như thế ấy.

Và các tổ chức xã hội đó tranh cãi với nhau như thế nào, thì các tổ chức tôn giáo cũng thường xuyên gây chiến, thường xuyên tranh cãi với nhau như thế ấy.

Người của một tổ chức xã hội cụ thể nào đó tuyên bố rằng quyền sống chỉ thuộc về họ, và trong chừng mực có thể, họ áp dụng quyền đó để đàn áp những người yếu đuối với bất cứ giá nào.

Chúng ta biết rằng, hiện nay, cuộc đấu tranh khốc liệt kiểu đó đang diễn ra tại Nam Phi[1]. Tương tự như vậy, giáo phái nào cũng đều tuyên bố quyền sống độc tôn.

Bởi vậy, ta thấy rằng không có gì đem lại lạc phúc cho con người nhiều như tôn giáo, mà cũng không có gì mang đến kinh hoàng cho con người nhiều như tôn giáo.

Không có gì đã tạo ra hòa bình và thương yêu nhiều hơn tôn giáo, mà cũng không có gì làm nảy sinh lòng căm hờn khốc liệt hơn tôn giáo. Không có gì biến tình huynh đệ trở nên cụ thể hơn tôn giáo, mà cũng không có gì nuôi dưỡng lòng hận thù giữa người với người nhiều hơn tôn giáo.

Không có gì xây dựng nên nhiều cơ sở từ thiện, nhiều bệnh viện cho con người, thậm chí cho cả loài vật, nhiều hơn tôn giáo, mà cũng không có gì nhận chìm thế giới này vào máu nhiều hơn tôn giáo.

Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng từ trước đến nay vẫn luôn có dòng tư tưởng đối kháng ngầm, vẫn luôn có những nhóm người, những triết gia, những học giả nghiên cứu về tôn giáo đối chứng, những người này đã và đang cố gắng mang lại sự hòa hợp cho tất cả những giáo phái mâu thuẫn và xung khắc nhau.

Tại một số quốc gia nào đó, những nỗ lực này đã thành công, nhưng xét trong phạm vi toàn thế giới thì chúng đã thất bại.

Có những tôn giáo được truyền lại cho chúng ta từ thời thượng cổ, quan niệm rằng tất cả những giáo phái đều được quyền tồn tại, mỗi giáo phái đều có một ý nghĩa, một tư tưởng vĩ đại bên trong nó; và do đó, giáo phái nào cũng đều cần thiết cho sự tốt đẹp của thế giới và cần được hỗ trợ.

Trong thời hiện đại, ý tưởng tương tự cũng rất phổ biến, và người ta nỗ lực biến nó thành thực tiễn. Những nỗ lực này không phải lúc nào cũng thỏa mãn được sự kỳ vọng của chúng ta, hoặc mang lại hiệu quả như mong đợi.

Nói cho đúng thì điều khiến chúng ta cực kỳ thất vọng là đôi khi chúng ta thấy mình tranh cãi với nhau càng lúc càng nhiều.

Bây giờ, gác chuyện nghiên cứu mang tính giáo điều qua một bên, và nhìn sự vật theo cách thông thường, ta thấy rằng lúc khởi thủy thì mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều có một sức sống mãnh liệt phi thường. Một số người nói rằng họ không hay biết gì về điều này, nhưng sự ngu dốt đó không phải là lời bào chữa.

Nếu một người nói: “Tôi không biết về những gì đang diễn ra trong thế giới bên ngoài, do đó, tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới bên ngoài đều không tồn tại” thì không có cách gì biện minh cho anh ta được.

Giờ đây, những ai trong số các bạn quan sát trào lưu tư tưởng tôn giáo trên toàn thế giới sẽ hoàn toàn hiểu rằng không một tôn giáo lớn nào trên thế giới lại lụi tàn, không những thế mà mỗi tôn giáo đều đang phát triển.

Tín đồ Cơ Đốc giáo đang gia tăng, tín đồ Hồi giáo cũng đang gia tăng, tín đồ Ấn giáo phát triển đông đảo, tín đồ Do Thái giáo cũng không ngừng lớn mạnh, và khi họ đi khắp thế giới và gia tăng nhanh chóng thì số lượng tín đồ Do Thái giáo cũng thường xuyên lớn mạnh theo.

Trên thế giới, chỉ có một tôn giáo vĩ đại và cổ xưa bị lụi tàn, đó là Bái Hỏa giáo [ Zoroastrianism] – tôn giáo của những người Ba Tư cổ đại. Sau khi người Hồi giáo chinh phục Ba Tư, khoảng một trăm ngàn lưu dân Ba Tư đã đến định cư tại Ấn Độ, còn một số họ còn ở lại xứ Ba Tư cổ đại.

Những người còn ở lại xứ Ba Tư chịu sự bức hại thường xuyên của quân xâm lược Hồi giáo nên suy thoái dần, cho đến khi chỉ còn lại khoảng mười ngàn người; ở Ấn Độ thì số lưu dân lên đến tám mươi ngàn, nhưng họ cũng không phát triển thêm được nữa.

Dĩ nhiên là có những khó khăn ban đầu; họ không cải đạo được những người khác theo tôn giáo họ. Và rồi, nhúm người sống tại Ấn Độ đó, do anh em họ hàng lấy nhau theo tập quán độc hại, nên không sao phát triển thêm được.

Đây là ngoại lệ duy nhất, còn ngoài ra thì tất cả những tôn giáo lớn đều lớn mạnh, truyền bá khắp nơi và phát triển.

Chúng ta phải nhớ rằng tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều rất cổ xưa, không một tôn giáo nào trong số đó được hình thành trong thời hiện đại; và mọi tôn giáo trên thế giới đều phát tích tại vùng đất nằm giữa sông Ganges và Euphrates.

Không có một tôn giáo lớn nào xuất phát tại châu Âu hay châu Mỹ, hoàn toàn không có. Tất cả các tôn giáo đều có nguồn gốc từ châu Á, và thuộc về phần đất đó của thế giới.

Nếu lời của các khoa học gia hiện đại là đúng, nghĩa là chỉ có những gì thích nghi tốt nhất mới tồn tại được[2] thì những tôn giáo này, do vẫn còn tiếp tục tồn tại, đã chứng tỏ được rằng chúng thích hợp với một số người.

Chúng vẫn có lý do để tồn tại, vì chúng mang lại lợi ích cho nhiều người. Hãy nhìn các tín đồ Hồi giáo, họ phát triển tại một số nơi tại vùng Nam Á, rồi tỏa ra như một ngọn lửa hoang dại tràn lan khắp châu Phi như thế nào.

Tín đồ Phật giáo vẫn đang tiếp tục phát triển khắp cả vùng Trung Á, từ trước đến giờ. Tín đồ Ấn giáo, giống như người Do Thái, không bắt người khác cải đạo theo mình, nhưng dần dần theo kiểu mưa dầm thấm lâu, những người thuộc dân tộc khác gia nhập Ấn giáo, và bắt chước theo phong tục tập quán của người Ấn, rồi theo đạo lúc nào chẳng hay.

Cơ Đốc giáo, như các bạn đã biết, đang phát triển khắp nơi – nhưng tôi không dám chắc là những kết quả đó có giống như một nguồn năng lượng tuôn trào hay không.

Nỗ lực truyền đạo của tín đồ Cơ Đốc giáo có một nhược điểm trầm trọng – và đó là nhược điểm chung của mọi thế chế phương Tây: cỗ máy truyền đạo này tiêu thụ hết chín mươi phần trăm năng lượng, có quá nhiều hành vi máy móc. Truyền đạo luôn là công việc của những người châu Á.

Người phương Tây rất hoành tráng trong tổ chức, trong thể chế xã hội, quân đội, chính quyền, v.v… nhưng sang lĩnh vực truyền đạo thì họ không thể nào tiếp cận được người châu Á, vì người châu Á xem truyền đạo là công việc thường xuyên – họ biết điều đó và không sử dụng quá nhiều các hành vi máy móc.

Đây là một sự kiện trong lịch sử loài người hiện nay: tất cả những tôn giáo vĩ đại nhất đều tồn tại và đang phát triển lớn mạnh.

Và có một điều đầy ý nghĩa cho sự kiện này: nếu ý muốn của đấng Tạo Hóa toàn trí và vô cùng nhân ái là một trong những tôn giáo này cần phải chết đi, còn những tôn giáo khác cần phải tồn tại, thì điều đó hẳn đã phải xảy ra từ lâu lắm, rất lâu lắm rồi.

Nếu như thực tế chỉ có một tôn giáo là chân, còn những tôn giáo còn lại là giả, thì đến thời điểm này tôn giáo đó hẳn đã bao trùm cả thế giới rồi. Nhưng sự thật không phải vậy, không một tôn giáo nào giành được hết tất cả đất đứng.

Tôn giáo nào cũng có lúc hưng thịnh, có lúc suy vi. Bây giờ, thử nghĩ đến điều này: đất nước các bạn có hơn sáu chục triệu dân, mà chỉ có hai mươi mốt triệu người là thực sự theo đủ các loại tôn giáo. Như vậy, đâu phải lúc nào cũng là sự tiến bộ.

Có thể là tại mỗi quốc gia, nếu như thống kê thì các bạn sẽ thấy rằng các tôn giáo lúc thì tiến bộ, lúc thì tụt hậu. Các giáo phái luôn luôn gia tăng không ngừng.

Nếu một tôn giáo tuyên bố rằng nó nắm được tất cả chân lý, và Thượng Đế đã ban chân lý đó cho nó trong một cuốn kinh sách nào đó thì tại sao lại có nhiều giáo phái đến vậy? Trong vòng không quá năm mươi năm mà đã có đến hai mươi giáo phái được xây dựng trên một cùng một cuốn kinh.

Nếu Thượng Đế đã đặt trọn vẹn chân lý trong những cuốn kinh nào đó thì Ngài hẳn đã không ban cho chúng ta những cuốn kinh khác để chúng ta phải tranh cãi ồn ào về kinh điển. Điều đó tựa hồ như là sự thật.

Vì sao vậy? Thậm chí nếu một cuốn kinh nào đó – được Thượng Đế ban cho – chứa đựng trọn vẹn chân lý về tôn giáo thì nó vẫn không phục vụ được mục tiêu này, vì sẽ không một ai hiểu được nó cả.

Hãy lấy Kinh Thánh cùng tất cả những giáo phái của Cơ Đốc giáo làm ví dụ; cùng một kinh văn nhưng mỗi giáo phái đều có cách giải thích riêng, và giáo phái nào cũng nói rằng chỉ có mình mới hiểu đúng kinh văn, còn những giáo phái khác đều hiểu bậy.

Có nhiều giáo phái trong tín đồ Hồi giáo và tín đồ Phật giáo, còn trong tín đồ Ấn giáo thì có đến hàng trăm. Bây giờ, tôi đặt những sự kiện thực tế trước mặt các bạn để chứng minh cho các bạn thấy rằng bất kỳ nỗ lực nào muốn đưa toàn thể nhân loại đến một phương pháp tư duy chung về tâm linh đều đã thất bại, và sẽ tiếp tục thất bại.

Bất cứ người nào khởi xướng một học thuyết, thậm chí ngay cả hiện nay, sẽ thấy rằng: khi ông ta đi cách xa môn đồ hai mươi dặm thì những môn đồ đó sẽ lập nên hai mươi tông phái. Các bạn thấy điều đó vẫn cứ luôn diễn ra.

Các bạn không thể dung hợp tất cả thành một ý tưởng chung; đó là sự thật, và tôi cảm tạ Thượng Đế vì nó là vậy. Tôi không hề chống đối bất kỳ giáo phái nào. Tôi vui mừng vì tất cả các giáo phái đều cùng tồn tại, và tôi ước mong sao cho các giáo phái ngày càng tiếp tục phát triển nhiều thêm nữa.

Vì sao vậy? Chỉ đơn giản là như vầy: Nếu bạn và tôi, cùng tất cả những thính giả đang có mặt tại đây đều có cùng một tư tưởng, vậy thì sẽ không có tư tưởng nào để chúng ta tư duy đến nữa. Chúng ta biết rằng hai hoặc nhiều lực phải va chạm vào nhau mới sinh ra chuyển động.

Chính sự va đập của tư tưởng, sự khác biệt của tư tưởng, mới làm cho tư tưởng thức tỉnh.

Bây giờ, nếu tất cả chúng ta đều suy nghĩ giống nhau thì chúng ta chẳng khác gì những xác ướp Ai Cập trong viện bảo tàng đang nhìn nhau bằng ánh mắt vô hồn, không hơn không kém! Những con nước xoáy và nước cuốn chỉ xảy ra trong dòng nước lưu chuyển sinh động.

Không bao giờ có xoáy nước trong dòng nước tù đọng, lặng lờ. Khi những tôn giáo chết đi thì sẽ không còn các giáo phái nữa, đó sẽ là sự yên tĩnh và điều hòa của một nấm mồ. Hễ chừng nào con người còn tư duy thì sẽ còn những giáo phái. Biến động là dấu hiệu của sự sống, và nó phải như vậy.

Tôi cầu nguyện rằng các giáo phái sẽ gia tăng nhiều đến mức cuối cùng số các giáo phái sẽ nhiều bằng dân số, và mỗi người sẽ có một pháp môn riêng của mình, một phương pháp tư duy riêng về tôn giáo. Tuy nhiên, tình huống này đã tồn tại sẵn rồi.

Mỗi người chúng ta đều tư duy theo cách riêng của mình. Nhưng cách tư duy tự nhiên lúc nào cũng bị cản trở, và vẫn đang tiếp tục bị cản trở. Nếu người ta không trực tiếp dùng đến lưỡi gươm thì lại phải sử dụng đến những phương tiện khác.

Chúng ta thử nghe một trong những nhà truyền giáo lỗi lạc nhất ở New York nói: ông ta giảng rằng cần phải chinh phục người Philippines, vì đó là cách duy nhất để dạy đạo Cơ Đốc cho họ!

Họ đã là những tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng ông ta lại muốn biến họ thành những tín đồ theo giáo phái Trưởng Lão [ Presbyterianism]; và để thực hiện cho được điều này, ông sẵn sàng phạm mọi tội ác đẫm máu khủng khiếp đối với nòi giống của mình.

Thật là kinh khủng! Vậy mà đây là một trong những nhà truyền giáo lỗi lạc nhất của đất nước này, một trong người am hiểu nhất.

Hãy thử nghĩ đến tình trạng của thế giới khi một người như thế lại trơ tráo đứng lên để tuyên bố những điều cùng cực nhảm nhí như thế; và hãy thử nghĩ đến tình trạng của thế giới khi những thính giả lại hoan hô cổ vũ cho ông ta!

Văn minh là vậy đấy ư? Đó chỉ là thói khát máu cổ xưa của loài cọp dữ, của kẻ ăn thịt người, của lũ người man rợ được tái hiện dưới một danh từ mới, một hoàn cảnh mới. Nếu không phải thế thì đó có thể là cái gì cơ chứ?

Nếu tình trạng của sự vật là vậy thì hãy thử nghĩ đến những cảnh tượng kinh hoàng mà thế giới đã phải trải qua trong những thời đại xa xưa. Lịch sử chứng minh con cọp trong ta chỉ đang ngủ, chứ nó không chết. Khi thời cơ đến thì, như thường lệ, nó lại nhảy chồm lên, và nhe nanh giương vuốt.

Tách xa khỏi lưỡi gươm, tách xa khỏi những loại vũ khí bằng vật chất, còn có những loại vũ khí đáng sợ hơn nữa, đó là sự khinh bỉ, sự hận thù trong xã hội và sự tẩy chay của xã hội.

Sự thống khổ đang đổ ập lên đầu những người không suy nghĩ giống hệt như chúng ta là sự thống khổ khủng khiếp nhất trong tất cả những sự thống khổ. Và tại sao mọi người lại phải suy nghĩ giống hệt như chúng ta? Tôi chẳng thấy có lý do nào cả.

Nếu tôi là người duy lý thì tôi hẳn phải vui mừng là họ không suy nghĩ giống hệt như tôi. Tôi không muốn sống trong một xứ sở tựa nấm mồ. Tôi muốn được là một con người trong thế giới loài người. Những người biết tư duy phải khác biệt nhau; sự khác biệt là dấu hiệu của tư tưởng.

Nếu tôi là người ưa trầm tư suy tưởng thì chắc chắn tôi phải sống giữa những người ưa trầm tư suy tưởng có những ý kiến khác biệt nhau. Bây giờ lại nảy sinh một câu hỏi: làm thế nào để tất cả những tư tưởng đa dạng đó có thể đúng cả? Một điều được xem là đúng thì phủ định của nó phải sai.

Làm thế nào để những ý kiến mâu thuẫn có thể đồng thời đúng cả? Đây là vấn đề mà tôi định giải đáp. Nhưng trước hết, tôi xin hỏi các bạn: tất cả những tôn giáo trong đời này có thực sự mâu thuẫn nhau không? Tôi không muốn nói đến những hình thức bề ngoài che lấp mất những tư tưởng vĩ đại.

Tôi không muốn nói đến sự khác biệt giữa những tự viện, đền thờ, ngôn ngữ, nghi thức, kinh điển, v.v… được sử dụng trong nhiều tôn giáo khác nhau, mà tôi chỉ muốn nói đến phần linh hồn sâu thẳm bên trong mọi tôn giáo.

Tôn giáo nào cũng có phần linh hồn đằng sau nó; linh hồn của tôn giáo này có thể khác với linh hồn của tôn giáo kia, nhưng chúng có mâu thuẫn với nhau không? Chúng mâu thuẫn nhau hay bổ sung cho nhau? Đó mới là vấn đề.

Tôi đã nêu ra câu hỏi này khi chỉ là một đứa bé, và đã nghiên cứu nó suốt đời. Vì nghĩ rằng kết luận của mình có thể giúp ích được cho các bạn, nên tôi đặt nó trước các bạn đây. Tôi tin rằng các tôn giáo không mâu thuẫn nhau, mà chúng bổ sung cho nhau.

Mỗi tôn giáo, có thể nói như vậy, nêu lên một phần của chân lý phổ quát vĩ đại, và dồn toàn bộ sinh lực để thể hiện cho phần chân lý đó trở nên cụ thể. Do đó, chỉ có thêm vào, chứ không loại trừ. Đó là ý tưởng.

Hết hệ thống này đến hệ thống khác cứ nối tiếp nhau trỗi dậy, mỗi hệ thống đều thể hiện một ý tưởng vĩ đại; những lý tưởng phải được thêm vào những lý tưởng. Và cả nhân loại đều tiến bước như thế đó.

Con người không bao giờ tiến triển từ sai lầm đến chân lý, mà từ chân lý đến chân lý; từ chân lý thấp hơn đến chân lý cao hơn, chứ không bao giờ giờ từ sai lầm đến chân lý.

Đứa con có thể phát triển nhiều hơn người cha, vậy có phải là người cha ngu ngốc hơn? Đứa con chính là người cha cộng thêm một cái gì đó. Nếu tình trạng kiến thức của các bạn hiện nay nhiều hơn xa so với khi còn nhỏ thì các bạn sẽ khinh thường giai đoạn trước đó chăng?

Các bạn sẽ nhìn ngược lại quá khứ, và gọi đó là sự ngu ngốc chăng? Tình trạng kiến thức của các bạn hiện nay chính là kiến thức hồi con bé được cộng thêm một cái gì đó.

Vậy thì, chúng ta biết rằng có những quan điểm hầu như mâu thuẫn, xung khắc nhau về cùng một sự vật, nhưng tất cả chúng đều chỉ ra chung một thứ. Giả sử có một người đi về hướng mặt trời, trong quá trình đi, anh ta cứ chụp ảnh mặt trời tại từng giai đoạn.

Khi quay về, anh ta có nhiều tấm ảnh về mặt trời, mà anh ta bày ra trước chúng ta. Chúng ta thấy không có hai tấm nào giống nhau, thế nhưng ai có thể phủ nhận rằng tất cả đều là những tấm ảnh của cùng một mặt trời, được nhìn từ những điểm quan sát khác nhau?

Hãy thử chụp bốn tấm ảnh cho ngôi nhà thờ này từ bốn góc khác nhau, ta sẽ thấy chúng khác nhau biết là chừng nào, thế nhưng tất cả bốn tấm ảnh đó đều mô tả ngôi nhà thờ này.

Tương tự như vậy, chúng ta nhìn chân lý từ nhiều quan điểm khác nhau, tuỳ thuộc theo nơi sinh, giáo dục, môi trường, hoàn cảnh, v.v… Chúng ta quán sát chân lý, thu hoạch tối đa từ nó trong mức độ hoàn cảnh cho phép, đem tâm hồn điểm tô cho nó, dùng trí năng để hiểu nó và nắm bắt nó bằng tâm trí của mình.

Chúng ta chỉ có thể biết được chân lý trong mức độ liên quan với ta, trong mức độ chúng ta có thể đón nhận được nó. Điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa người này với người khác, thậm chí đôi lúc còn làm nảy sinh những quan niệm trái ngược nhau.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một chân lý phổ quát, và vĩ đại. Bởi vậy, theo quan niệm của tôi thì mọi tôn giáo đều là những lực lượng khác nhau trong nền kinh tế của Thượng Đế, hoạt động vì lợi ích của nhân loại; không một tôn giáo nào có thể chết đi, cũng không một tôn giáo nào có thể bị hủy hoại.

Cũng như các bạn không thể nào hủy hoại bất kỳ một sức mạnh nào trong thế giới tự nhiên thì cũng vậy, các bạn không thể nào hủy hoại được bất kỳ một sức mạnh nào trong thế giới tâm linh. Các bạn đã thấy rằng mọi tôn giáo đều đang sinh tồn.

Thỉnh thoảng, nó có thể hưng thịnh hoặc suy vi. Vào thời điểm này, nó có thể gần như bị lột sạch mọi lễ phục; nhưng vào thời điểm khác, nó lại có thể khoác đầy đủ mọi thứ lễ phục; nhưng lúc nào cũng vậy, linh hồn vẫn luôn ở đó, không bao giờ có thể bị mất đi.

Lý tưởng mà mọi tôn giáo mô tả không bao giờ bị mất đi, và do đó, mọi tôn giáo đều đang tiến bước một cách thông minh. Tôn giáo phổ quát mà các triết gia và bao người khác tại mọi quốc gia hằng mơ tưởng tới đã có sẵn rồi. Nó ở ngay đây.

Tình huynh đệ đại đồng giữa con người đã tồn tại sẵn như thế nào thì tôn giáo phổ quát cũng tồn tại như thế ấy. Ai trong số các bạn, những người đi đây đó khắp nơi, lại không tìm thấy những người anh em, chị em tại mọi quốc gia? Tôi đã thấy họ ở khắp nơi trên thế giới.

Tình huynh đệ đó đã có sẵn khắp nơi, chỉ vì nhiều người không nhận ra điều đó, nên họ mới làm đảo lộn mọi thứ bằng cách kêu gọi những tình huynh đệ mới. Tôn giáo phổ quát cũng đã tồn tại sẵn rồi.

Nếu giới tăng lữ cùng những người khác – những người tự cho rằng mình có trách nhiệm phải truyền giảng những tôn giáo khác nhau – chỉ cần ngưng truyền giảng trong một vài phút thôi thì chúng ta sẽ thấy tôn giáo phổ quát đó ở ngay đây.

Họ luôn khuấy rối nó vì quyền lợi của mình. Các bạn thấy rằng ở bất kỳ quốc gia nào, giới tăng lữ cũng đều rất bảo thủ. Vì sao thế? Có rất ít tu sĩ lãnh đạo được quần chúng; còn phần đông họ đều bị quần chúng dẫn dắt, và trở thành nô lệ và tôi tớ cho quần chúng.

Nếu các bạn nói cái này khô thì họ sẽ bảo rằng nó khô; nếu các bạn nói vật này đen thì họ sẽ bảo rằng nó đen. Nếu quần chúng tiến tới thì giới tăng lữ cũng phải tiến theo. Họ không thể lẽo đẽo ở đằng sau.

Bởi vậy, trước khi đổ lỗi cho các tu sĩ – trách cứ, đổ lỗi cho các tu sĩ hiện đang là vấn đề thời thượng – thì các bạn nên tự trách mình. Các bạn đón nhận những gì đáng phải nhận. Một vị tu sĩ muốn tặng cho các bạn những tư tưởng tiến bộ mới mẻ và dẫn dắt các bạn tiến lên phía trước thì số phận người đó sẽ ra sao?

Con cái ông ta có lẽ sẽ phải chết đói[3], còn bản thân ông ta hẳn phải rách rưới tả tơi. Ông ta cũng bị chi phối bởi cùng một luật lệ thế gian như các bạn. “Nếu các bạn tiếp tục đi”, ông ta bảo, “thì chúng ta hãy cũng nhau cất bước”.

Dĩ nhiên là có những tu sĩ ngoại lệ, không chịu khuất phục trước dư luận. Họ đã thấy được chân lý, và họ chỉ xem trọng chân lý đó. Chân lý đã bao trùm lấy họ, đã chiếm hữu trọn vẹn tâm hồn họ, có thể nói như vậy, nên họ chỉ không thể làm gì ngoài việc tiến lên phía trước.

Họ không bao giờ ngoái nhìn lại đằng sau, và không có quần chúng nào đi theo họ. Thượng Đế chỉ tồn tại đối với những con người đó, Ngài là ánh sáng soi đường cho họ, và họ đi theo ánh sáng đó. Tôi đã gặp một quý ông đa thê ở xứ sở này, ông ta cố thuyết phục tôi theo tín ngưỡng của ông.

Tôi bảo: – Tôi rất tôn trọng ý kiến của ông, nhưng có vài điểm chúng ta không hợp nhau. Tôi thuộc về tăng đoàn, còn ông thì tin vào chế độ đa thê. Vậy sao ông không đến Ấn Độ để truyền đạo nhỉ?

Ông ta sửng sốt, rồi nói: – Sao! Ông không tin vào bất kỳ cuộc hôn nhân nào, còn chúng tôi thì tin vào chế độ đa thê, vậy mà ông lại bảo tôi đến xứ sở của ông! Tôi đáp: – Vâng, người dân xứ tôi sẵn lòng lắng nghe mọi tư tưởng tôn giáo, bất kể nó từ đâu đến.

Tôi muốn ông đi Ấn Độ một chuyến, trước hết vì tôi có niềm tin mãnh liệt vào các giáo phái. Thứ hai, có nhiều người Ấn Độ không hề thỏa mãn với bất kỳ giáo phái nào đang có, do sự bất mãn này mà họ không hề quan tâm gì đến tôn giáo, biết đâu ông lại tranh thủ được đức tin của họ”.

Càng có nhiều giáo phái thì càng có nhiều cơ hội để quần chúng tập nhiễm tinh thần tôn giáo. Trong một khách sạn mà có đầy đủ các món ăn thì người khách nào cũng đều có cơ hội tìm được món ăn hợp khẩu vị.

Do đó, tôi muốn các giáo phái cứ sinh sôi nẩy nở ở khắp mọi quốc gia, để con người có cơ hội tiếp cận thế giới tâm linh. Đừng cho là con người không thích tôn giáo. Tôi không tin điều đó. Những nhà truyền giáo đã không thể đem lại cho quần chúng cái mà họ cần.

Một người, dù có thể bị gán nhãn hiệu là kẻ vô thần, là kẻ theo thuyết duy vật, hay một thứ gì đại loại như thế, nhưng nếu gặp được người mang đến cho anh ta chân lý cần thiết thì anh ta vẫn có thể trở thành một người sống có đạo tâm nhất trong cộng đồng.

Chúng ta chỉ có thể ăn theo cách của riêng mình. Chẳng hạn, người Ấn chúng tôi ăn bằng ngón tay. Ngón tay chúng tôi uyển chuyển hơn ngón tay các bạn, các bạn không thể nào sử dụng các ngón tay theo cách của chúng tôi được.

Con người không những cần phải được cung cấp thức ăn tinh thần, mà còn phải biết sử dụng thức ăn đó theo cách riêng của mình. Các bạn không những cần phải có những ý tưởng tâm linh, mà những ý tưởng đó phải đến với các bạn theo phương pháp riêng của từng người.

Những ý tưởng đó phải nói bằng ngôn ngữ riêng của các bạn, ngôn ngữ của linh hồn các bạn, và chỉ có chúng mới làm cho các bạn thỏa mãn.

Khi có người đến đây và nói bằng ngôn ngữ của tôi, đem lại chân lý trong ngôn ngữ của tôi thì tôi lập tức hiểu ngay, và đón nhận nó mãi mãi. Đó là một sự kiện to tát.

Bây giờ, từ điều này, chúng ta thấy được rằng căn cơ và tâm trí của con người vô cùng sai biệt, nên trách nhiệm của tôn giáo thật quá đỗi nặng nề! Một người đề xướng dăm ba giáo lý, và tuyên bố rằng tôn giáo của anh ta đáp ứng được cho toàn thể nhân loại.

Anh ta đi vào thế giới, tức cái chuồng thú của Thượng Đế, với cái lồng nhỏ trên tay, và nói: “Thượng Đế, con voi hay bất kỳ người nào cũng phải chui vào cái lồng này. Thậm chí nếu cần thì chúng ta phải cắt nhỏ con voi ra, để cho nó chui lọt vào trong đó”.

Có thể có một giáo phái với dăm ba ý tưởng, tín đồ giáo phái đó nói: “Mọi người ai nấy đều phải vào đây!”. “Nhưng không có chỗ cho họ”. “Đừng bận tâm! Cứ cắt nhỏ họ ra; tìm cách nhét họ vào; nếu họ không chịu vào thì sẽ bị đày xuống địa ngục.”

Không một nhà truyền giáo nào, không một giáo phái nào tôi từng gặp lại không đặt câu hỏi: “Tại sao mọi người lại không lắng nghe tôi?” Thay vào đó, họ nguyền rủa quần chúng và bảo: “Quần chúng là lũ ác độc”.

Họ không bao giờ hỏi: “Vì sao mọi người lại không lắng nghe lời tôi nói? Vì sao tôi không thể giúp họ nhìn thấy được chân lý? Vì sao tôi không thể nói bằng ngôn ngữ của chính họ? Vì sao tôi không thể mở mắt cho họ?”.

Chắc chắc những người đó nên hiểu biết thêm, và khi thấy quần chúng không nghe mình mà họ nguyền rủa bất kỳ ai trong số đó thì họ đang nguyền rủa chính mình.

Họ cứ luôn xem đó là lỗi của quần chúng! Họ không bao giờ cố gắng mở rộng giáo phái mình cho đủ lớn, để có thể ôm trọn tất cả mọi người.

Bởi vậy, chúng ta thấy ngay vì sao có những người đầu óc quá nông cạn, hẹp hòi; vì sao một phần vẫn cứ luôn luôn tuyên bố là toàn thể; vì sao cái hữu hạn nhỏ bé vẫn cứ luôn luôn tuyên bố là cái vô tận vô biên.

Thử nghĩ đến những giáo phái nhỏ bé, ra đời trong vòng vài trăm năm này từ những bộ não dễ phạm sai lầm của con người, lại dương dương tự đắc tuyên bố là hiểu biết trọn vẹn chân lý vô biên của Thượng Đế! Thử nghĩ đến thói khoác lác vênh váo đó!

Nếu nó chứng tỏ được điều gì thì đó là điều này: con người thật huênh hoang rỗng tuếch biết là ngần nào. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi những lời tuyên bố như thế luôn thất bại, và nhờ ơn Thượng Đế nhân từ, số phận của chúng được định sẵn là phải luôn luôn thất bại.

Về mặt này, không có ai nổi trội hơn tín đồ Hồi giáo. Mỗi bước tiến của họ đều được thực hiện với một thanh gươm, kinh Koran trên tay này, và thanh gươm trên tay kia: “Hãy tin kinh Koran, nếu không mi phải chết, không có chọn lựa nào khác!”

Lịch sử đã cho các bạn thấy họ đã thành công một cách phi thường như thế nào; trong vòng sáu trăm năm, không có gì ngăn cản nổi bước chân của họ, rồi đến một lúc họ phải hô ngừng lại. Số phận các tôn giáo khác cũng thế, nếu như chúng cứ đi theo phương pháp này.

Chúng ta thật là trẻ con! Ta luôn quên mất bản tính người. Khi mới khởi đầu cuộc sống, chúng ta nghĩ rằng số phận mình phải là cái gì đó rất đỗi phi thường, và không có gì có thể khiến ta đánh mất đi niềm tin ấy. Nhưng khi về già, chúng ta lại suy nghĩ khác.

Đối với tôn giáo cũng thế. Trong những giai đoạn đầu, khi mới truyền bá được chút đỉnh thì chúng đã có ý tưởng là sẽ thay đổi được tâm trí của toàn bộ nhân loại chỉ trong vòng một vài năm, chúng tiếp tục chém giết và tàn sát để bắt con người phải cải đạo bằng bạo lực, rồi chúng thất bại và bắt đầu hiểu biết hơn[4].

Chúng ta thấy rằng những giáo phái đó không thành công trong những gì họ làm lúc khởi đầu, đó là ơn phước lớn lao. Thử nghĩ nếu như một trong các giáo phái cuồng tín đó thành công trên toàn thế giới thì ngày nay con người sẽ ra sao?

Xin cảm tạ Thượng Đế là chúng đã không thành công được! Tuy nhiên, mỗi tôn giáo đó đều đại diện cho một chân lý vĩ đại, mỗi tôn giáo đều đại diện cho cái gì đó tuyệt hảo đặc thù – đó chính là linh hồn của nó. Một câu chuyện cổ hiện ra trong đầu tôi.

Ngày đó, có những mụ yêu tinh chuyên giết người và gây nên đủ thứ tai họa, nhưng không một ai có thể giết được họ, cho đến khi có người phát hiện ra rằng linh hồn họ nằm trong một loài chim. Và khi những con chim này còn bình an vô sự thì không một ai có thể hủy diệt được những mụ yêu tinh này.

Có thể nói là mỗi người chúng ta cũng có những con chim như thế đang cưu mang linh hồn của mình; chúng ta cũng có một lý tưởng, một sứ mệnh để thực hiện trong đời.

Cho dù các bạn có đánh mất bất cứ thứ gì đi nữa, nhưng chừng nào lý tưởng kia còn chưa bị mất, sứ mệnh kia còn chưa bị tổn thương thì không có gì có thể giết được các bạn.

Tài sản có thể đến rồi đi, tai họa có thể chất chồng cao như núi, nhưng nếu các bạn giữ cho lý tưởng được nguyên vẹn thì không có gì có thể giết được các bạn. Các bạn có thể già đi, thậm chí già đến một trăm tuổi, nhưng nếu sứ mệnh đó vẫn còn tinh khôi và tươi trẻ trong tâm hồn các bạn thì có gì có thể giết được các bạn?

Nhưng khi lý tưởng đã bị mất, sứ mệnh đã bị lãng quên thì không có gì có thể cứu được các bạn. Tất cả tài sản trên thế gian có đổ ra tràn lan như suối cũng không thể cứu được các bạn. Quốc gia là gì, nếu không phải là các cá nhân được nhân bội lên?

Do đó, mỗi quốc gia đều có sứ mệnh riêng để thực hiện nhằm tạo nên sự hòa hợp của giống nòi; và chừng nào quốc gia đó còn giữ được lý tưởng đó thì không có gì có thể hủy diệt được nó cả.

Nhưng nếu quốc gia đó từ bỏ sứ mệnh của mình trong đời sống để chạy theo một thứ gì khác thì sự sống của nó sẽ trở nên ngắn ngủi, và nó sẽ bị tiêu diệt. Đối với tôn giáo cũng thế. Sự kiện các tôn giáo còn tồn tại mãi bị hủy diệt… là hậu quả tất yếu của những quan điểm ấu trĩ này.

Cho đến tận ngày nay cho thấy chúng còn giữ được nguyên vẹn sứ mệnh đó.

Mặc dù có những sai lầm, mặc dù có những khó khăn, mặc dù có những tranh cãi, mặc dù tất cả những hình thức và hình tượng có bị khô cứng đi chăng nữa thì trái tim của mỗi tôn giáo vẫn còn tráng kiện – nó là trái tim đang co bóp, đang đập và tràn đầy sinh lực.

Không một tôn giáo nào trong số đó đánh mất đi sứ mệnh mà chúng có nhiệm vụ thực hiện. Nghiên cứu sứ mệnh đó là điều tuyệt vời.

Thử lấy Hồi giáo làm ví dụ. Tín đồ Cơ Đốc giáo không ghét tôn giáo nào cho bằng Hồi giáo. Họ cho đó là một thứ tôn giáo cực kỳ tồi tệ từ trước đến nay.

Nhưng ngay khi một người trở thành tín đồ Hồi giáo thì toàn thể thế giới Hồi giáo đều dang rộng vòng tay để đón chào anh ta như một người anh em, chẳng có mảy may phân biệt, một điều mà không có tôn giáo nào làm được.

Nếu một người da đỏ châu Mỹ của các bạn mà trở thành tín đồ Hồi giáo thì vị Sultan[5] của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng ngần ngại gì để ăn tối cùng anh ta. Nếu anh ta có thêm đầu óc thông minh nữa thì không một chức vụ nào có thể ngăn căn được bước chân thăng tiến của anh ta.

Tại đất nước này, tôi chưa bao giờ thấy một người da trắng và một người da đen lại có thể quỳ cầu nguyện bên nhau. Thử nghĩ đến điều này: Hồi giáo biến tất cả tín đồ đều bình đẳng, như vậy các bạn cũng thấy đó là điều tuyệt hảo của Hồi giáo.

Nhiều chỗ trong kinh Koran, các bạn thấy những ý tưởng vô cùng dâm dục về đời sống. Đừng bận tâm đến thứ đó. Điều mà Hồi giáo muốn rao giảng cho thế giới là tình huynh đệ thực tế giữa tất cả những tín đồ của nó.

Đó là phần cốt yếu của Hồi giáo; còn những thứ khác như quan niệm về thiên đàng, về đời sống, v.v… không phải của Hồi giáo. Chúng là phần thêm thắt về sau. Với người Ấn giáo, các bạn sẽ tìm thấy một ý tưởng mang tính quốc gia – đó là tâm linh tính [s pirituality].

Không có một tôn giáo nào khác, không có kinh điển thiêng liêng nào khác trên thế giới này, mà trong đó các bạn lại thấy định nghĩa quan niệm về Thượng Đế lại tiêu hao nhiều năng lực đến thế. Họ cố gắng mô tả linh hồn thanh khiết đến mức không một va chạm nào của thế gian có thể làm ô nhiễm được nó.

Tâm Linh phải được xem là mang thần tính, và Tâm Linh – hiểu như là Tâm Linh – thì không thể được đồng hóa với con người vật chất. Ý tưởng về nhất thể, về sự thực chứng Thượng Đế – tức đấng Vô Sở Bất Tại – được thuyết giảng khắp nơi trong nước.

Họ quan niệm rằng bảo Thượng Đế sống ở trên thiên đàng, cùng tất cả những điều đại loại như thế thì thật là nhảm nhí. Đó chỉ là ý tưởng mang thuần tính người theo thuyết nhân hình. Tất cả những thiên đàng từng tồn tại từ xưa đến nay đều ở ngay đây và ngay bây giờ.

Một phút giây trong cõi thời gian vô tận cũng hoàn toàn tốt đẹp như bất kỳ một phút giây nào khác. Nếu các bạn tin vào Thượng Đế thì các bạn có thể thấy Ngài ngay bây giờ. Người Ấn chúng tôi cho rằng tôn giáo bắt đầu khi các bạn thực chứng được một điều gì đó.

Đó không phải là niềm tin vào giáo lý, cũng không phải là sự chấp thuận bằng trí năng, hay là tuyên bố điều này điều nọ.

Nếu như có Thượng Đế thì các bạn đã thấy được Ngài chưa? Nếu bảo là “không” thì các bạn có quyền gì để tin nơi Ngài? Còn nếu các bạn còn hoài nghi không biết có Thượng Đế hay không thì sao các bạn lại không phấn đấu để thấy được Ngài?

Tại sao các bạn không từ bỏ thế gian, và tận hiến cả cuộc đời cho đối tượng duy nhất này? Xả ly và tâm linh tính là hai ý tưởng vĩ đại của Ấn Độ, và nhờ đất nước Ấn Độ bám chặt vào hai ý tưởng này mà những sai lầm của nó xem như không đáng kể.

Với tín đồ Cơ Đốc giáo thì tư tưởng trọng tâm mà họ truyền giảng cũng tương tự: “Hãy lưu tâm và cầu nguyện, vì cõi thiên đàng đã ở trong tay”; điều đó có nghĩa là: “Hãy giữ tâm thanh tịnh và hãy sẵn sàng”. Và tinh thần đó không bao giờ chết.

Các bạn nhớ rằng các tín đồ Cơ Đốc giáo, ngay trong thời buổi đen tối nhất, ngay trong những xứ sở Cơ Đốc giáo mê tín nhất, vẫn luôn sẵn sàng dọn mình để đón Chúa, bằng cách cố gắng giúp đỡ người khác, xây dựng bệnh viện, v.v…

Chừng nào mà các tín đồ Cơ Đốc giáo còn duy trì được lý tưởng này thì tôn giáo của họ vẫn còn sống. Lúc này, một lý tưởng hiện ra trong tâm trí tôi.

Có thể nó chỉ là một giấc mơ. Tôi không biết lý tưởng này đã từng được thực hiện trên đời này chưa, nhưng đôi lúc mơ một giấc mơ cũng tốt hơn là chết vì sự thật đắng cay. Những chân lý vĩ đại, ngay cả trong giấc mơ, vẫn tốt đẹp hơn những sự thật phũ phàng.

Bởi vậy, chúng ta hãy cùng mơ một giấc mơ.Các bạn biết rằng có rất nhiều loại căn cơ và tâm trí. Các bạn có thể là người duy lý có óc thực tế và có lương tri; các bạn không quan tâm gì đến hình thức, lễ nghi; mà các bạn cần đến những sự kiện tri thức rắn rỏi và dứt khoát; và chỉ những sự kiện đó mới làm các bạn thỏa mãn.

Rồi còn có những tín đồ Thanh giáo [ Puritan] và Hồi giáo không bao giờ cho phép đặt một bức tranh hay một pho tượng nào tại nơi họ thờ cúng. Hay lắm! Nhưng cũng có người khác có máu nghệ sĩ hơn.

Anh ta cần rất nhiều đến nghệ thuật – vẻ đẹp của đường nét, của màu sắc, của hoa và hình thể; anh ta cần đến những cây nến, những ngọn đèn cùng tất cả những nghi thức và nghi tiết trong lễ cúng bái để có thể thấy được Thượng Đế.

Tâm trí anh ta nhận dạng Thượng Đế qua những nghi thức đó, còn các bạn lại dùng trí năng để hình dung Ngài. Lại có những tín đồ sùng đạo, luôn kêu khóc cầu xin Thượng Đế; họ không có ý nghĩ nào khác ngoài việc sùng bái và tôn vinh Thượng Đế.

Rồi lại đến lượt triết gia, đứng bên ngoài tất cả những người này, và chế giễu họ. Vị triết gia đó suy nghĩ: “Những người này thật nhảm nhí! Quan niệm về Thượng Đế là thế đấy!”. Những người đó có thể cười nhạo lẫn nhau, nhưng ai cũng có một vị trí trong thế giới này.

Mọi tâm trí, mọi căn cơ thiên sai vạn biệt đó đều quan trọng. Nếu như có được một tôn giáo lý tưởng thì nó phải đủ sức bao quát để cung cấp đầy đủ thức ăn tinh thần cho mọi loại tâm trí, căn cơ.

Nó phải cung cấp được sức mạnh triết học cho triết gia, cung cấp tâm hồn ngoan đạo cho người sùng tín; còn đối với người coi trọng lễ nghi thì nó phải cung cấp những thứ mà nghi thức và nghi tiết lộng lẫy nhất có thể có được; đối với nhà thơ, nó phải đem lại nhiều cảm xúc tối đa cho tâm hồn mà anh ta có thể cảm thụ, bên cạnh nhiều thứ khác.

Để tạo ra được một tôn giáo bao quát như thế, chúng ta phải quay ngược lại điểm khởi nguyên của tôn giáo và đón nhận tất cả. Khẩu hiệu của chúng ta là chấp nhận chứ không phải loại trừ.

Không chỉ là khoan dung, vì cái gọi là sự khoan dung chỉ là sự bất kính, và tôi không tin điều đó. Tôi tin vào sự chấp nhận. Tại sao tôi phải tỏ ra khoan dung? Khoan dung có nghĩa là tôi nghĩ rằng bạn sai, nhưng tôi cho phép bạn được sống.

Nghĩ rằng các bạn và tôi cho phép người khác được sống, đó chẳng phải là sự bất kính hay sao? Tôi chấp nhận mọi tôn giáo trong quá khứ, và sùng kính tất cả tôn giáo đó; tôi tôn thờ Thượng Đế như tất cả mọi tín đồ trong đó, tuân theo bất kỳ nghi thức nào mà họ sùng bái Thượng Đế.

Tôi sẽ đi vào thánh đường Hồi giáo; tôi sẽ đi vào nhà thờ Cơ Đốc giáo và quỳ xuống trước hình tượng Chúa Jesus bị đóng đinh; tôi sẽ vào một ngôi chùa Phật giáo, xin quy y theo Phật và Pháp. Tôi sẽ đi vào rừng, và ngồi thiền với một tu sĩ Ấn giáo – người đang cố gắng nhìn thấy Ánh Sáng giác ngộ nơi tâm của mọi người.

Không những làm những điều đó, mà tôi còn mở rộng lòng ra để đón nhận mọi tôn giáo có thể có trong tương lai. Cuốn sách của Thượng Đế đã chấm dứt chưa? Hay là sự khai thị vẫn còn đang tiếp diễn? Nó là cuốn kỳ thư huyền diệu, chứa đựng sự khai thị tâm linh cho thế giới.

Kinh Thánh, kinh Veda, kinh Koran cùng tất cả những thánh thư khác cũng chỉ là nhiều trang kinh trong cuốn kỳ thư đó, còn vô số những trang kinh khác đang chờ được mở ra. Tôi muốn mở rộng tâm hồn ra để đón nhận tất cả những trang kinh đó.

Chúng ta đang đứng ở hiện tại, nhưng hãy mở rộng tâm hồn ra trước tương lai vô tận. Chúng ta dung nạp tất cả những gì trong quá khứ, hưởng thụ ánh sáng hiện tại, và mở rộng mọi cánh cửa lòng để chào đón tất cả những gì sẽ đến trong tương lai.

Xin đón chào tất cả những nhà tiên tri trong quá khứ, xin đón chào tất cả những bậc vĩ nhân thời hiện tại, và xin đón chào tất cả những vị sẽ đến trong tương lai!

[1] Chỉ cuộc chiến tranh Boer. [Ghi chú trong nguyên tác]

[2] Tức quan điểm “Survival of the fittest” của các nhà chủ trương thuyết tiến hóa thời bấy giờ, trong cơ chế chọn lọc tự nhiên ( natural selection).

[3] Tác giả muốn nói đến những tôn giáo mà tu sĩ được phép lập gia đình.

[4] Không riêng gì tôn giáo, mà ngay cả những triết thuyết muốn cải tạo thế giới bằng bạo lực cũng đi theo vết xe đổ đó. Sau những trận tàn sát đẫm máu cùng cực phi lý và phi nhân tính, thì xã hội đổ nát, văn hóa băng hoại, con người sống vô cảm, nhân cách

[5] Hoàng đế Hồi giáo.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x