Trang chủ » Con người thực và con người biểu kiến

Con người thực và con người biểu kiến

by Trung Kiên Lê
63 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại New York)

Hiện giờ, chúng ta đang đứng đây, đưa mắt nhìn về phía trước vài dặm. Con người đã luôn làm thế từ khi họ bắt đầu tư duy. Họ luôn nhìn về phía trước, theo hướng trước mặt. Họ muốn biết mình sẽ đi đâu, sau khi xác thân này tan rã.

Nhiều học thuyết đã được truyền giảng, hết hệ thống triết học này đến hệ thống triết học khác đã đưa ra nhiều cách lý giải. Một số bị chối bỏ, một số được chấp nhận, và sự việc phải là như thế, chừng nào con người còn hiện hữu ở thế gian này, chừng nào con người còn biết tư duy.

Mọi hệ thống đều chứa ít nhiều chân lý. Trong tất cả những hệ thống đó có rất nhiều thứ không phải là chân lý. Tôi sẽ cố gắng trình bày cho các bạn tổng số và bản chất cùng kết quả của những cuộc tìm tòi nghiên cứu theo hướng này, đã được thực hiện tại Ấn Độ.

Tôi sẽ cố gắng tạo sự hài hòa giữa các tư tưởng khác nhau về những đề tài này, vì thỉnh thoảng chúng lại được các triết gia Ấn Độ đề xướng. Tôi sẽ cố gắng tạo sự hài hòa giữa các nhà tâm lý học với các nhà siêu hình học, và nếu có thể thì sẽ tạo luôn sự hài hòa giữa họ với các nhà khoa học hiện đại.

Chủ đề duy nhất trong triết học Vedānta là đi tìm Nhất Thể. Tín đồ Ấn giáo không quan tâm đến hiện tượng sai biệt đa thù; họ luôn đi tìm cái chung, tức là cái phổ quát. “Biết được một thì biết được tất cả, cái Một đó là gì?”

Đó là chủ đề duy nhất. “Biết được một nắm đất sét là biết được tất cả về đất sét; cũng vậy, cái đó là gì – cái mà khi biết được nó thì ta biết được toàn thể vũ trụ?”. Đó là cuộc tìm kiếm duy nhất.

Theo các triết gia Ấn Độ, một phần của thế giới hiện tượng này có thể được phân giải thành một dạng vật chất mà họ gọi là ākāśa. Tất cả những thứ mà ta nhìn, cảm nhận, sờ, ngửi, nếm được ở quanh ta chỉ là những biểu hiện khác nhau của ākāśa.

Nó vô cùng tế vi và tràn ngập khắp nơi. Tất cả những cái mà ta gọi là thể rắn, thể lỏng hoặc thể hơi, tất cả những hình ảnh, hình thể hay thể xác, tất cả trái đất, mặt trời, mặt trăng, tinh tú cũng đều được tạo thành từ ākāśa.

Lực nào tác động trên ākāśa để tạo nên cái vũ trụ này từ nó? Cũng với ākāśa, còn tồn tại một lực phổ quát nữa. Mọi dạng năng lượng trong vũ trụ – chuyển động, lực hấp dẫn, thậm chí cả tư tưởng – cũng chỉ là những biểu hiện khác nhau của một năng lượng duy nhất, mà các triết gia Ấn Độ gọi là prāna.

Prāna này, khi tác động lên ākāśa, đã tạo ra toàn bộ vũ trụ này. Vào lúc khởi đầu một chu kỳ, có thể nói là prāna ngủ say giữa lòng đại dương ākāśa vô tận.

Thoạt đầu, prāna tịch nhiên bất động. Rồi do tác động của prāna, cả đại dương ākāśa chuyển động; prāna bắt đầu dịch chuyển, dao động, rồi từ đại dương ākāśa đó sinh ra vô số các thiên thể – mặt trời, mặt trăng, tinh tú – trái đất, con người, loài vật, cây cỏ, cùng sự biểu hiện của tất cả các lực và hiện tượng.

Theo các triết gia này, mọi hình thức biểu hiện của năng lực đều là prāna.

Mọi biểu hiện vật chất đều là ākāśa.

Khi chu kỳ kết thúc, tất cả những cái mà ta gọi là thể rắn sẽ tan chảy thành hình thức kế tiếp tế vi hơn, tức là hình thức thể lỏng; rồi thể lỏng này biến thành thể hơi, rồi thành những dao động nhiệt đồng nhất hơn; cuối cùng tất cả đều tan chảy về lại trạng thái ākāśa nguyên thủy; tất cả những cái mà hiện nay ta gọi là lực hút, lực đẩy hay sự chuyển động, sẽ từ từ tan thành trạng thái prāna nguyên thủy.

Rồi người ta cho rằng prāna này lại ngủ thiếp đi một chu kỳ, rồi lại tỉnh giấc, lại ném tung muôn vật ra ngoài; và khi chu kỳ này kết thúc thì muôn vật sẽ lại thoái hóa, suy tàn.

Quá trình sáng tạo này cứ diễn đi diễn lại mãi như thế, hết chìm xuống rồi lại lên cao, hết lắc lư ra sau rồi lại ra trước; nói theo ngôn ngữ hiện đại thì cứ hết một chu kỳ tĩnh lại đến một chu kỳ động. Ở chu kỳ này thì nó tiềm ẩn, đến chu kỳ tiếp thì nó hiển lộ.

Sự luân phiên này cứ tiếp tục diễn ra cho đến vô cùng. Tuy nhiên, sự phân tích này cũng không được hoàn toàn. Điều này thì nền vật lý hiện đại đã biết quá rõ rồi. Vượt qua khỏi phạm vi đó thì những nghiên cứu của vật lý hiện đại không sao với tới được. Nhưng cuộc tìm kiếm vẫn không dừng lại.

Chúng ta vẫn chưa biết được cái, mà khi biết được nó rồi thì ta có thể biết được toàn thể vũ trụ[1]. Chúng ta phân giải toàn thể vũ trụ thành hai thành tố mà chúng ta gọi là vật chất và năng lượng, giống với cái mà các triết gia Ấn Độ gọi là ākāśa và prāna.

Bước tiếp theo là phân giải ākāśa và prāna trở về trạng thái nguyên thủy của chúng. Cả hai đều có thể được phân giải thành một thực thể cao hơn, gọi là tâm trí. Chính từ tâm trí – mahat, hay năng lực tư tưởng phổ hiện khắp vũ trụ – mà hai thành tố đó mới được tạo ra.

Tư tưởng là một dạng hiển lộ còn tế vi hơn cả ākāśa hay prāna. Tư tưởng tự phân hóa thành hai. Tư tưởng phổ quát tồn tại từ lúc khởi thủy, rồi hiển lộ, chuyển biến và tự tiến hóa thành ākāśa và prāna. Khi hai thành tố này kết hợp lại thì tạo ra vũ trụ.

Tiếp theo, chúng ta đến với bộ môn tâm lý học. Tôi đang nhìn các bạn. Nhờ đôi mắt mà những cảm giác bên ngoài được mang đến cho tôi; những dây thần kinh cảm giác truyền cảm giác đến não. Đôi mắt không phải cơ quan thị giác.

Chúng chỉ là khí cụ bên ngoài, vì nếu như cơ quan thực đứng đằng sau đó – tức cơ quan truyền cảm giác đến não – mà bị phá hủy thì dù có tới hai chục đôi mắt, tôi cũng không thể nhìn thấy các bạn được. Hình ảnh trên võng mạc có thể rất hoàn chỉnh, song tôi vẫn sẽ không nhìn thấy các bạn.

Do đó, cơ quan này khác biệt với khí cụ của nó; đằng sau khí cụ, tức đôi mắt, phải có một cơ quan. Tất cả các cảm giác khác cũng đều vậy cả. Mũi không phải là giác quan để ngửi mùi; nó chỉ là khí cụ, và đằng sau nó mới là cơ quan.

Với mọi giác quan mà ta có, trước hết là có một khí cụ bên ngoài trong thể xác; đằng sau đó, cũng trong thể xác ấy, là cơ quan; nhưng như thế vẫn chưa đủ. Giả sử tôi đang nói chuyện với các bạn, và các bạn đang chăm chú lắng nghe.

Có chuyện gì đó xảy ra, chẳng hạn tiếng chuông đổ, nhưng có thể các bạn không nghe thấy.

Dao động âm thanh truyền đến tai bạn, đập vào màng nhĩ, ấn tượng đó được dây thần kinh truyền tới não; nếu toàn bộ quá trình được hoàn tất khi ấn tượng đó được truyền tới não, vậy thì cớ sao các bạn không nghe? Còn thiếu một điều gì đó: tâm trí các bạn không gắn bó với cơ quan.

Khi tâm trí tự tách mình ra khỏi cơ quan thì dù cơ quan có truyền bất kỳ tín hiệu nào đến với nó, tâm trí vẫn không tiếp nhận được. Khi tâm trí kết nối với cơ quan thì chỉ có nó mới tiếp nhận được những tín hiệu đó mà thôi. Song như thế vẫn chưa giải thích được sự nhận thức.

Khí cụ có thể truyền cảm giác từ bên ngoài vào, cơ quan có thể truyền cảm giác đó vào bên trong, tâm trí có thể kết nối với cơ quan, nhưng sự nhận thức vẫn không hoàn tất. Còn cần đến một yếu tố nữa: phải có một phản ứng bên trong.

Cùng với phản ứng này, tri thức xuất hiện. Cái ở bên ngoài truyền, có thể nói như vậy, dòng tín hiệu vào não tôi. Tâm trí tôi đón nhận nó, đệ trình nó lên trí năng, trí năng gộp nó vào chung với những ấn tượng đã tiếp nhận trước đó, và truyền một dòng các phản ứng; và cùng với phản ứng này, xuất hiện sự nhận thức.

Như thế, ở đây là ý chí. Trạng thái phản ứng của tâm trí được gọi là buddhi, hay trí năng. Thế nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được sự nhận thức hoàn chỉnh. Cần có thêm một bước nữa. Giả sử ở đây có một máy quay phim[2], ở đằng kia là một tấm màn, và tôi muốn chiếu một hình ảnh lên tấm màn đó.

Tôi cần phải làm gì? Tôi phải điều chỉnh chùm các tia sáng khác nhau đi qua máy quay để chiếu trên tấm màn và tập trung vào đấy. Muốn hình ảnh chuyển động thì cần phải có một cái gì đấy, nhưng hình ảnh không chuyển động.

Tôi không thể tạo nên một hình ảnh mà trên nó có cái gì đó chuyển động; “cái gì đó” phải tĩnh tại, bởi vì những tia sáng – mà tôi chiếu trên nó – đang chuyển động, và những tia sáng đang chuyển động này phải được gom tụ, hợp nhất và được hoàn tất trên một cái gì đó tĩnh tại.

Trường hợp những cảm giác được các cơ quan của chúng ta truyền vào bên trong và đệ trình lên não, rồi đến lượt não đệ trình trước trí năng cũng tương tự như vậy. Quá trình này không thể hoàn tất trừ phi có một cái gì đó tồn tại vĩnh cửu ở đằng sau, mà trên đó chúng ta có thể hợp nhất được tất cả những ấn tượng.

Cái đem lại tính thống nhất cho nhiều biến đổi trong bản thể của chúng ta, cái đó là gì? Cái duy trì được sự thống nhất cho cái được gọi là bản sắc cá nhân, luôn dịch chuyển từ thời điểm này sang thời điểm khác, cái đó là gì?

Cái mà trên đó mọi ấn tượng khác nhau của chúng ta xuyên thấu qua; cái mà trên đó mọi nhận thức đều, có thể nói như vậy, hội tụ về và dung hóa nhau để tạo thành một chỉnh thể hợp nhất, cái đó là gì?

Chúng ta đã thấy rằng cần phải có một cái gì đó để phục vụ cho cứu cánh này, và chúng ta cũng thấy rằng “cái gì đó” phải bất động đối với thể xác và tâm trí. Tấm màn, mà máy quay đang chiếu hình ảnh lên đó, là bất động đối với các tia sáng, nếu không thì không thể có hình ảnh nào.

Điều đó muốn nói rằng, chủ thể tiếp nhận phải là một cá nhân. “Cái gì đó” này, cái mà trên đó tâm trí đang vẽ nên mọi hình ảnh, và mọi cảm giác của chúng ta – được truyền đi bởi tâm trí và trí năng – được đặt lên và hợp thành một thể thống nhất, cái đó được gọi là linh hồn con người.

Chúng ta đã thấy rằng tâm trí phổ quát bao trùm vũ trụ [ universal cosmic mind] tự phân đôi thành ākāśa và prāna, và bên kia tâm trí đó, chúng ta tìm thấy linh hồn trong ta. Trong vũ trụ, đằng sau tâm trí phổ quát kia, có một Linh Hồn hiện hữu, mà chúng ta gọi là Thượng Đế.

Nơi cá nhân, đó là linh hồn con người. Trong vũ trụ, tâm trí phổ quát tiến hóa thành ākāśa và prāna như thế nào, thì chúng ta thấy rằng Linh Hồn Phổ Quát cũng tự tiến hóa thành tâm trí như thế ấy.

Đối với con người cá nhân thì có thực là thế chăng? Tâm trí con người có phải là chủ thể sáng tạo ra thể xác, và linh hồn có phải là chủ thể sáng tạo ra tâm trí?

Điều đó muốn nói rằng: thể xác, tâm trí và linh hồn là ba thực thể tồn tại khác nhau hay chúng là ba trong một, hay chúng là ba trạng thái tồn tại khác nhau của cũng một thực thể? Chúng ta sẽ cố gắng tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Bước thứ nhất mà lúc này ta đã đạt được là thế này: đây là phần thể xác bên ngoài, đằng sau nó là các cơ quan, tâm trí và trí năng; và đằng sau nữa là linh hồn. Bước đầu tiên mà chúng ta tìm thấy là, có thể nói như vậy, linh hồn tách biệt với thể xác, tách biệt với chính tâm trí.

Những quan điểm trong thế giới tôn giáo sở dĩ bị phân hóa là do điểm này, và sự phân hóa đó như vầy: tất cả những tôn giáo được gọi chung là nhị nguyên thì chủ trương linh hồn là hữu vi [ conditioned], nó có nhiều phẩm tính khác nhau, và mọi cảm xúc vui buồn, sướng khổ đều thực sự thuộc về linh hồn.

Những người phi nhị nguyên thì phủ nhận linh hồn có những phẩm tính như thế, họ bảo linh hồn là vô vi [ unconditioned].

Trước hết tôi xin chọn ra các nhà nhị nguyên luận và thử trình bày cho các bạn thấy lập trường của họ về linh hồn và số phận; sau đó là những hệ thống triết học mâu thuẫn với họ; và cuối cùng, chúng ta thử tìm ra sự hài hòa mà triết học phi nhị nguyên đem lại cho chúng ta.

Linh hồn con người, do tách biệt với tâm trí và thể xác, do không được cấu tạo từ ākāśa và prāna, nên nó phải bất tử. Vì sao? Chết đối với chúng ta có nghĩa là gì? Sự tan rã. Và điều này chỉ xảy ra với những sự vật nào là kết quả của sự cấu thành. Bất kỳ sự vật nào được cấu thành từ hai hoặc ba thành phần thì phải đến lúc tan rã.

Chỉ có sự vật nào không phải là kết quả của sự cấu thành thì mới không bị tan rã, và do đó, không bao giờ chết. Nó phải bất tử. Nó phải tồn tại vĩnh viễn. Nó phải tự hữu, không do đâu sáng tạo. Bất cứ tạo vật nào cũng đều là sự vật được cấu thành, chưa ai từng thấy được một sự vật nào được tạo ra từ hư không.

Tất cả những tạo vật mà chúng ta biết đều là sự kết hợp của những sự vật có sẵn để tạo thành hình thể mới. Bởi vậy, linh hồn con người, vốn thuần nhất, đã tồn tại vĩnh viễn và sẽ tồn tại vĩnh viễn. Khi thể xác này tan rã thì linh hồn vẫn tiếp tục sống.

Theo các triết gia Vedānta, khi thể xác này tan rã thì các luồng sinh lực của con người sẽ quay về lại với tâm trí; còn tâm trí thì phân giải – có thể nói như vậy – vào prāna, và prāna nhập vào linh hồn con người; linh hồn con người thoát ra để khoác lấy – có thể nói như vậy – cái mà họ gọi là một thể xác tinh, hay thể xác tinh thần, thể xác tâm linh, tùy theo cách mà các bạn gọi.

Trong thể xác này có tiềm ẩn samskāra của con người. Samskāra là gì? Tâm trí như hồ nước, mỗi suy nghĩ đều như con sóng xao động trên mặt hồ. Các con sóng dao động xuống lên, hiện ra rồi mất đi trên mặt hồ như thế nào thì các làn sóng tư tưởng cũng dao động, hiện ra rồi mất đi trong tâm trí như vậy.

Nhưng các làn sóng tư tưởng đó không mất hẳn. Chúng trở nên càng lúc càng tế vi hơn; nhưng tất cả đều nằm chờ ở đấy, sẵn sàng khởi động vào một thời điểm khác, khi chúng được gọi ra để thực hiện điều đó. Hồi ức chỉ là sự gợi lại những tư tưởng dưới dạng sóng – những tư tưởng đã tồn tại trong trạng thái tế vi.

Do đó, tất cả những gì ta tư duy hay hành động đều được lưu giữ trong tâm trí, chúng nằm cả ở đó dưới dạng tế vi; rồi khi một người chết, tổng số những ấn tượng sử dụng thể xác tế vi đó như là môi trường trung gian.

Có thể nói là linh hồn khoác lấy những ấn tượng và thể xác tế vi này để ra ngoài, và số phận của linh hồn được định đoạt bởi kết quả của tất cả những lực khác nhau, những lực này được đại diện bởi những ấn tượng khác nhau.

Theo các triết gia Vedānta, có ba tiêu đích khác nhau cho linh hồn.

Những người sống thiên về tâm linh, khi chết đi, sẽ đi theo những tia sáng mặt trời để đến cái gọi là tinh cầu mặt trời hay nhật cầu [ solar sphere]; nương theo nhật cầu, họ đi đến tinh cầu mặt trăng hay nguyệt cầu [ lunar sphere]; rồi nương theo nguyệt cầu, họ đi đến tinh cầu ánh sáng hay quang cầu [ sphere of lighting]; tại nơi đây họ gặp những linh hồn khác đang hưởng lạc phúc.

Những linh hồn này sẽ hướng dẫn kẻ mới đến này đi tới một tinh cầu tối cao trong tất cả các tinh cầu gọi là Brahmaloka tức cõi trời của Brahmā.

Tại cõi trời đó, linh hồn đạt đến cảnh giới toàn nhiên phổ hiện và sự toàn năng, linh hồn hầu như đầy quyền năng và toàn trí như chính Thượng Đế; theo các triết gia nhị nguyên thì linh hồn sẽ ở nơi đó mãi mãi; còn với các triết gia phi nhị nguyên thì các linh hồn đó hợp nhất Linh Hồn Vũ Trụ ở cuối chu kỳ.

Loại thứ hai là những người làm điều thiện vì động cơ ích kỷ; nhờ làm việc thiện nên sau khi chết đi, họ được đưa đến nơi gọi là nguyệt cầu, tại nơi đây còn có những cõi trời khác, và họ có được thể xác tế vi của chư thiên.

Họ trở thành chư thiên, sống ở đó và hưởng lạc phúc trong một thời gian dài; sau khi thời gian hưởng lạc phúc chấm dứt, nghiệp (karma) cũ lại hoạt động và họ sa xuống cõi trần trở lại; họ rơi xuống xuyên qua các tinh cầu của không khí và mây cùng tất cả những vùng khác nữa; cuối cùng, họ sa xuống trần theo những hạt mưa.

Trong cõi trần, họ nhập vào các loại mễ cốc, rốt cuộc họ bị con người ăn lấy, những người này cung cấp cho họ phần chất liệu để tái tạo thành một thể xác mới. Loại cuối cùng là những người ác độc, khi chết đi thì họ biến thành ma quỷ, sống ở khoảng giữa nguyệt cầu và trái đất.

Một số muốn tìm cách quấy phá con người, số khác tỏ ra thân thiện hơn. Sau khi sống ở đó một thời gian, những linh hồn này sa xuống lại trần gian và biến thành loài vật.

Sau khi sống trong thể xác loài vật một thời gian, những linh hồn này được giải thoát, và quay lại làm người, như thế là có cơ hội khác để tìm đường giải thoát.

Như vậy, chúng ta thấy rằng những người nào gần như đạt đến trạng thái hoàn hảo, trong tâm chỉ còn chút ít điều bất tịnh, mới lên được cõi Brahmaloka bằng tia sáng mặt trời; người nào thuộc hạng trung, làm điều thiện vì muốn lên được cõi trời, những người đó lên được các cõi trời trong nguyệt cầu và mang thể xác tế vi, nhưng rồi họ phải quay lại làm người, và do đó có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện mình.

Những người độc ác biến thành ma quỷ, rồi trở thành súc vật, nhưng sau thời gian đó, họ lại được làm người, và do đó có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện mình. Trái đất này được gọi là karma-bhumi, hay cõi nghiệp. Chỉ ở trong cõi này, con người mới tạo ra thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Khi một người muốn thác sinh lên cõi trời, và làm điều tốt vì mục đích đó thì anh ta sẽ trở nên lương thiện và sẽ không làm điều gì để tạo ác nghiệp.

Anh ta chỉ hưởng thụ được thiện quả từ việc làm của mình trong đời, và khi thiện quả đã hết thì nghiệp lực từ những hành vi xấu xa mà anh ta đã làm trong nhiều kiếp trước sẽ dồn cả lại để kéo anh ta đọa xuống trần gian.

Cũng tương tự như vậy, những kẻ nào biến thành ma quỷ sẽ giữ nguyên hiện trạng mà không tạo thêm nghiệp chướng sẽ phải gánh chịu quả báo từ những hành vi xấu xa trong quá khứ, sau đó họ còn phải mang thể xác loài vật một thời gian nữa mà không tạo thêm nghiệp chướng.

Sau khi mãn hạn, họ cũng được làm người trở lại. Tình trạng thưởng phạt theo thiện nghiệp hay ác nghiệp không hề có năng lực cải thiện được nghiệp, ta chỉ có thể hưởng thụ hay gánh chịu những tình trạng đó mà thôi.

Nếu như tạo ra nghiệp cực thiện hay cực ác, ta sẽ thấy ngay quả báo nhãn tiền. Chẳng hạn một người suốt đời làm nhiều điều ác, nhưng lại có làm một điều thiện thì thiện quả xuất hiện nhãn tiền, nhưng khi thiện quả đã hết thì những hành vi độc ác lại sẵn sàng tạo ra quả báo.

Còn những người nào làm điều thiện và có những công đức to lớn, nhưng nếp sống nói chung không theo chánh nghiệp thì được phong thần.

Sau một thời gian đã sống trong thể xác của chư thần và hưởng thụ quyền năng của chư thần thì họ trở lại làm người; đến khi thiện quả đã hết thì ác quả bắt đầu tác động.

Những kẻ cùng hung cực ác đều bị biến thành ma quỷ, mang thể xác ma quỷ; đến khi ác quả đã hết thì nhờ thiện quả tích lũy từ những việc làm tốt nho nhỏ ngày trước, họ cũng được làm người trở lại.

Con đường dẫn đến cõi Brahmaloka với quả vị bất hoàn, nghĩa là không còn đầu thai nữa, được gọi là Devayāna (Thiên thừa) có nghĩa là Con Đường đến với Chư Thiên; còn con đường dẫn đến cõi trời được gọi là Pitriyāna, có nghĩa là Con Đường đến với Tổ Tiên.

Do đó, con người, theo triết học Vedānta, là sinh thể vĩ đại nhất trong vũ trụ, và cõi thế này là nơi tốt đẹp nhất trong vũ trụ, bởi vì chỉ ở nơi đây, con người mới có cơ hội để hoàn thiện mình. Thiên thần hay chư thiên, hoặc các bạn có thể gọi bằng bất cứ tên gì, tất cả đều phải trở thành người, nếu họ muốn được toàn hảo.

Đời người là một trung tâm to lớn, là thế quân bình tuyệt diệu. Chúng ta xét tiếp đến khía cạnh triết học khác. Có những tín đồ Phật giáo phủ nhận thuyết linh hồn mà tôi vừa mới trình bày. Họ nêu câu hỏi: “Có ích gì khi giả định rằng có một chất liệu nền làm bối cảnh cho thể xác và tâm trí?

Sao ta không để cho tư tưởng cứ tiếp tục vận hành? Sao cần phải chấp nhận một chất liệu nền thứ ba vượt ngoài cái tổ chức hữu cơ này – được cấu thành từ thể xác và tâm trí, một chất liệu nền thứ ba được gọi là linh hồn? Nó có tác dụng gì?

Tổ chức hữu cơ này chưa đủ để giải thích chính nó sao? Sao lại phải lấy thêm một cái thứ ba nào đó?”. Lập luận này rất thuyết phục. Cách lý luận rất mạnh mẽ.

Cho đến lúc này thì chỉ cần xét đến việc nghiên cứu bên ngoài thôi, chúng ta cũng thấy được tổ chức hữu cơ này đã là sự giải thích đầy đủ về chính nó rồi – ít nhất thì cũng có nhiều người trong chúng ta thấy được điều đó trong cách thuyết minh này.

Vậy thì sao phải cần đến linh hồn như là chất liệu nền, như là một cái gì đó phi tâm trí, phi thể xác đứng ra làm bối cảnh cho cả tâm trí và thể xác? Chỉ có tâm trí và thể xác mà thôi. Thể xác là tên gọi của một dòng vật chất biến dịch không ngừng.

Còn tâm trí là tên gọi của một dòng ý thức hoặc tư tưởng biến dịch không ngừng. Cái gì tạo nên sự thống nhất bề ngoài cho hai dòng này? Sự thống nhất này không tồn tại, chúng ta hãy nói thế. Hãy lấy ví dụ một ngọn đuốc đang quay thật nhanh trước mặt các bạn.

Các bạn thấy một vòng lửa. Vòng lửa đó không hề tồn tại, mà chỉ do ngọn lửa quay liên tục nên tạo ra dạng một vòng lửa. Do đó, không hề có sự thống nhất trong cuộc sống này; nó là một khối vật chất khổng lồ đang liên tục tuôn chảy, và các bạn có thể gọi toàn thể khối vật chất đó là một khối thống nhất, chứ không hơn.

Tâm trí cũng vậy, mỗi tư tưởng đều tách biệt với nhau, chỉ có dòng chảy ào ạt đó mới tạo cho ta cái ảo tưởng về sự thống nhất; do đó không cần đến chất liệu nền thứ ba. Hiện tượng phổ quát này giữa thể xác và tâm trí là tất cả những gì thực hữu; đừng đặt cái gì đằng sau nó.

Các bạn sẽ thấy rằng tư tưởng này của Phật giáo đã được một số tông phái tôn giáo và trường phái triết học hiện nay chấp nhận, và tất cả đều tuyên bố rằng đó là phát kiến mới mẻ của chính họ.

Đây là quan điểm trọng tâm của hầu hết các tông phái Phật giáo: thế giới này tự nó mãn túc, ta không cần phải tra hỏi về căn nguyên của nó làm chi.

Cái vũ trụ thuộc giác quan này, đó là tất cả những gì thực sự hiện hữu, có ích gì khi tư duy về một cái gì đó chống đỡ cả vũ trụ này? Muôn vật đều là sự tích hợp của những phẩm tính, sao lại phải cần đến một bản thể giả định có sẵn trong muôn vật?

Khái niệm về bản thể phát sinh từ hiện tượng các phẩm tính nối tiếp nhau biến đổi quá mau chóng, chứ không phải từ một cái gì đó bất biến tồn tại đằng sau chúng. Chúng ta thấy một số các lập luận này thật là tuyệt diệu, và chúng dễ dàng hấp dẫn những trải nghiệm thông thường của con người.

Trong thực tế, trong một triệu người, không có lấy một người có thể tư duy khác với hiện tượng trên. Đối với tuyệt đại đa số, thiên nhiên hiên ra như một khối biến dịch khổng lồ, quay cuồng trong cơn lốc, kết hợp lẫn nhau.

Rất ít người trong chúng ta có thể thấy được đại dương tĩnh lặng phía sau. Đối với chúng ta, đại dương đó luôn cuồn cuộn sóng, vũ trụ này hiện ra với chúng ta như những cơn ba đào dữ dội.

Do đó, chúng ta thấy có hai quan niệm: quan niệm thứ nhất cho rằng đằng sau thể xác và tâm trí là một bản thể bất biến, bất động; quan niệm thứ hai thì cho rằng trong vũ trụ không hề có cái gì là bất biến, bất động cả; tất cả đều biến dịch, và chỉ có biến dịch mà thôi.

Giải pháp cho sự khác biệt này xuất hiện trong bước tư tưởng tiếp theo, đó là thuyết phi nhị nguyên. Thuyết này bảo rằng các triết gia nhị nguyên đúng khi đi tìm một nền tảng bất biến đằng sau vạn vật; vì chúng ta không thể hình dung được sự biến dịch nếu không có cái gì đó bất biến.

Chúng ta chỉ có thể hình dung được một sự vật nào đó biến dịch là nhờ biết đến một cái gì đó ít biến dịch hơn, và cái ít biến dịch hơn đó phải ít biến dịch hơn khi so sánh với một cái gì khác nữa, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến khi chúng ta buộc phải chấp nhận là có một cái gì đó không bao giờ biến dịch.

Toàn bộ sự hiển lộ này phải từng đã hiện hữu trong trạng thái không hiển lộ, tĩnh lặng tịch nhiên, có thể nói đó là thế quân bình của những lực đối kháng, khi không một lực nào tác động; bởi vì lực chỉ tác động khi thế tĩnh tại bị phá vỡ.

Vũ trụ luôn vội vã hồi phục lại trạng thái tĩnh tại ban đầu. Nếu chúng ta tin chắc được một sự kiện bất kỳ nào đó trong vũ trụ thì sẽ tin chắc được điều này.

Khi một triết gia nhị nguyên tuyên bố rằng có một cái gì đó không hề biến dịch thì họ hoàn toàn đúng, nhưng cách phân tích của họ lại sai khi cho rằng cái nền tảng đó không phải là thể xác hoặc tâm trí, mà tách rời cả hai.

Chừng nào mà các luận sư Phật giáo còn cho rằng toàn thể vũ trụ này là một đại khối biến dịch thì họ hoàn toàn đúng, chừng nào mà tôi còn tách biệt với vũ trụ này, chừng nào mà tôi còn đứng nhìn sự vật trước mắt tôi, chừng nào mà còn có chủ thể năng tri và khách thể sở tri, còn có người quán tưởng và sự vật được quán tưởng thì vũ trụ luôn luôn hiện ra như một đại khối không ngừng biến dịch.

Nhưng trong thực tế thì không hề có biến dịch hay bất biến trong vũ trụ này. Linh hồn, tâm trí và thể xác không phải là ba thực thể tồn tại độc lập, bởi vì cái tổ chức hữu cơ được cấu thành từ ba cái đó thực ra chỉ là một.

Cũng cùng một thực thể nhưng lại hiển lộ lúc thì như thể xác, lúc thì như tâm trí, lúc thì như là cái gì đó vượt khỏi tâm trí lẫn thể xác, nhưng không lúc nào hiển lộ đồng thời như là cả ba.

Người nào thấy được thể xác thì thậm chí không thấy được tâm trí; người nào thấy được tâm trí thì không thấy được cái gọi là linh hồn; người nào thấy được linh hồn thì không còn thấy thể xác và tâm trí, vì đối với họ cả thể xác và tâm trí đều biến mất.

Người nào chỉ thấy sự chuyển động thì không bao giờ thấy được sự tĩnh lặng tuyệt đối, và người nào đã thấy được sự tĩnh lặng tuyệt đối thì không còn thấy sự chuyển động nữa, vì đối với anh ta sự chuyển động đã biến mất. Nhìn sợi dây ngỡ là con rắn.

Người nào nhìn sợi dây mà ngỡ là con rắn thì chỉ thấy con rắn, vì đối với người đó sợi dây đã biến mất. Chỉ khi không còn vọng tưởng thì anh ta mới nhìn thấy sợi dây, vì con rắn đã biến mất. Như vậy, chỉ có một sự tồn tại duy nhất bao trùm vạn hữu, và nó xuất hiện như là hiện tượng sai biệt đa thù.

Chân Ngã, hay Linh Hồn, hay Bản Thể, đó là tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ. Nói theo ngôn ngữ của các triết gia phi nhị nguyên thì Chân Ngã, hay Linh Hồn hay Bản Thể đó chính là Brahman, và Nó hiển lộ trong sai biệt đa thù là do sự đan xen của tên gọi và hình thể. Hãy nhìn sóng ngoài biển khơi.

Không một ngọn sóng nào thực sự khác với biển, nhưng cái gì làm cho sóng biển tựa như khác biệt? Đó là tên gọi và hình thể – hình thể của sóng, và tên gọi mà ta gán cho nó: “sóng”. Đây là những cái làm cho nó khác với biển. Khi tên gọi và hình thể không còn thì sóng chính là biển.

Ai có thể tìm thấy sự khác biệt thực sự giữa biển và sóng? Cho nên toàn thể vũ trụ này chỉ là một Tồn Tại duy nhất, chính tên gọi và hình thể đã tạo nên mọi sự sai biệt đa thù.

Khi mặt trời chiếu vào hàng triệu bong bóng nước, trong mỗi bong bóng hiện ra một mặt trời hầu như trọn vẹn, điều đó diễn ra như thế nào thì Linh Hồn duy nhất, Chân Ngã duy nhất, Tồn Tại duy nhất của vũ trụ này, khi được phản chiếu trong tất cả các tên gọi và hình thể khác nhau, cũng hiển lộ sự sai biệt đa thù như thế ấy; nhưng trên thực tế, Nó là nhất thể.

Không hề có “Tôi” hay “Anh” mà tất cả đều là một. Hoặc tất cả đều là “Tôi”, hoặc tất cả đều là “Anh”. Ý tưởng về tính nhị nguyên, về sự phân đôi là hoàn toàn hư vọng, và toàn thể vũ trụ này, như ta thường biết, là kết quả của một tri thức hư vọng.

Khi không còn sinh tâm phân biệt, và khi không còn thấy có hai mà chỉ là một thì con người thấy mình chính là cái vũ trụ này.

Chính tôi là cái vũ trụ này như nó hiện đang tồn tại: một đại khối biến dịch không ngừng. Chính tôi là đấng vượt qua mọi biến dịch, mọi phẩm tính, tôi là đấng toàn mãn vĩnh viễn, là đấng hưởng lạc phúc đời đời.

Do đó, chỉ có một Ātman duy nhất, một Chân Ngã duy nhất, vĩnh viễn thuần tịnh, vĩnh viễn toàn hảo, vĩnh viễn bất khả biến và vĩnh viễn bất biến. Nó chưa hề biến dịch, và tất cả những biến dịch trong vũ trụ này chỉ là hiện tượng bên ngoài của Chân Ngã duy nhất đó mà thôi.

Tên gọi và hình thể đã vẽ trên Chân Ngã đó tất cả những giấc mơ, chính hình thể đã làm cho sóng khác với biển. Giả sử sóng lắng xuống thì hình thể có còn chăng? Không, nó sẽ tan biến. Sự tồn tại của sóng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại của biển, nhưng sự tồn tại của biển lại không hề phụ thuộc gì vào sự tồn tại của sóng.

Hình thể còn tồn tại chừng nào sóng còn tồn tại, nhưng khi sóng rời bỏ hình thể thì hình thể cũng tan biến theo, nó không thể tiếp tục tồn tại được. Tên gọi và hình thể này được sinh ra từ cái gọi là māyā. Chính māyā này mới tạo ra từng cá thể, làm cái này khác với cái kia.

Thế nhưng māyā lại không tồn tại. Māyā không thể nói là tồn tại. Hình thể không thể nói là tồn tại, bởi vì nó tùy thuộc vào sự tồn tại của sự vật khác. Nhưng cũng không thể nói là hình thể không tồn tại, bởi vì nó tạo nên sự khác biệt giữa muôn ngàn sự vật.

Theo triết học Advaita thì māyā hay vô minh này – hay tên gọi và hình thể, hay theo cách gọi ở châu Âu là “thời gian, không gian và quan hệ nhân quả” – đang chứng minh cho ta thấy, từ sự Tồn Tại Vô Biên duy nhất này, tính sai biệt đa thù của vũ trụ.

Xét về mặt bản thể thì vũ trụ này là một. Chừng nào ta còn nghĩ rằng có hai thực thể tối hậu thì ta còn mắc vào sai lầm. Khi hiểu được rằng tất cả là một thì ta mới tư duy đúng đắn. Điều này đang được chứng minh trong đời sống hàng ngày, trên bình diện vật chất, trên bình diện tinh thần lẫn bình diện tâm linh.

Hôm nay, điều này đã chứng minh, đó là: các bạn và tôi, mặt trời, mặt trăng, các vì sao chỉ là những tên gọi khác nhau của những đốm nhỏ khác nhau trên cùng một đại dương vật chất,và đại dương đó không ngừng thay hình đổi dạng.

Một hạt năng lượng nào đó cách đấy mấy tháng còn ở trong mặt trời, giờ đây có thể đang ở nơi con người, hôm sau nó có thể ở nơi một con vật, hôm sau nữa nó có thể ở trong một cái cây. Nó cứ luôn đến và đi. Tất cả đều là một khối vật chất vô tận, duy nhất, không thể tách ly, chỉ khác biệt nhau do tên gọi và hình thể.

Điểm này được gọi là mặt trời, điểm kia được gọi là mặt trăng, điểm khác là các vì sao, điểm khác là con người, điểm khác nữa là cầm thú, điểm khác là cỏ cây, v.v… Tất cả những tên gọi đó đều là hư giả, chúng không có tự tính, bởi vì toàn thể là một khối vật chất biến dịch không ngừng.

Cũng vũ trụ này, nếu quán chiếu từ một quan điểm khác thì nó là một đại dương tư tưởng, trong đó mỗi người trong chúng ta là những đốm nhỏ được gọi là tâm trí đặc thù. Bạn là một tâm trí, tôi là một tâm trí, mọi người ai ai cũng đều là một tâm trí.

Và cũng chính vũ trụ này, nếu quán chiếu từ quan điểm Tri Thức, khi đôi mắt gột sạch hết mê lầm, khi tâm trí trở nên thuần tịnh thì nó hiển lộ như một Hằng Hữu Tuyệt Đối nguyên vẹn, mãi mãi thuần tịnh, mãi mãi bất biến và bất tử.

Toàn bộ mạt thế luận [ eschatology] ba cấp này của các triết gia nhị nguyên sẽ là gì, với quan điểm khi một người chết đi thì anh ta lên thiên đàng, hoặc đi đến cõi này cõi nọ; còn người ác thì thành ma quỷ, thành súc vật, v.v…? Chẳng có cái gì đến cũng chẳng có cái gì đi cả, các triết gia phi nhị nguyên tuyên bố.

Các bạn có thể đến và đi như thế nào? Các bạn là vô biên, vậy thì còn có chỗ nào cho các bạn đến? Trong một ngôi trường nọ, người ta tổ chức kiểm tra cho một số học sinh tiểu học. Vị giám khảo đặt ra những câu hỏi khó đủ dạng cho các em học sinh một cách điên rồ.

Trong số các câu đó, có câu này: “Vì sao trái đất không rơi?”. Ý đồ của ông ta là đưa ra ý tưởng về lực hấp dẫn hoặc một chân lý khoa học rối rắm nào khác cho các em học sinh này. Phần lớn các đứa trẻ đều không hiểu câu hỏi, nên chúng trả lời linh tinh đủ kiểu.

Nhưng có một bé gái thông minh trả lời bằng một câu hỏi khác: “Nó sẽ rơi xuống đâu cơ chứ?”. Bản thân câu hỏi của vị giám khảo thoạt nhìn đã thấy vô nghĩa rồi. Chẳng có lên hay xuống nào trong cái vũ trụ này; ý tưởng đó chỉ có ý nghĩa tương đối.

Đối với Linh Hồn cũng vậy: nêu câu hỏi tử hay sinh về Nó là điều hoàn toàn vô nghĩa. Ai đến và ai đi? Đâu là nơi mà các bạn không hiện hữu? Đâu là cõi trời mà các bạn đã chẳng từng qua? Chân Ngã con người toàn nhiên phổ hiện. Nó còn phải đến đâu? Đâu là nơi nó chưa từng đến? Nó hiện hữu khắp nơi.

Do đó, tất cả những giấc mơ trẻ con cùng những ảo tưởng khờ khạo về lẽ sinh tử tồn vong, về các cõi trời, về các cõi trời cao hơn và các thế giới thấp hơn, tất cả đều lập tức tan biến hoàn toàn; và nó tan biến gần như hoàn toàn sau khi hiển lộ những cõi trời đó như là một vài cảnh tượng trên đường đi đến Brahmaloka.

Nó vẫn tiếp tục đối với những người ngu dốt. Cả thế gian này tin tưởng vào chuyện lên thiên đàng, chết đi rồi đầu thai, việc đó ra sao? Tôi đang nghiên cứu một cuốn sách, đọc hết trang này rồi lật sang trang khác. Đọc đến một trang, xong rồi lật tiếp. Ai thay đổi? Ai đến và đi? Không phải tôi mà là cuốn sách.

Toàn thể thế giới tự nhiên là cuốn sách bày ra trước Linh Hồn. Cứ hết chương này đến chương khác được đọc xong rồi lại lật qua, và thỉnh thoảng một cảnh tượng lại mở ra. Cảnh đó được đọc rồi lại lật qua. Một cảnh tượng khác lại xuất hiện, nhưng Linh Hồn vẫn thế – vĩnh viễn tịch nhiên.

Chỉ có cảnh tượng thiên nhiên là biến đổi, chứ không phải Linh Hồn con người. Linh Hồn đó không bao giờ biến đổi. Sinh tử chỉ diễn ra trong thế giới tự nhiên chứ không phải trong tâm hồn các bạn.

Nhưng những người ngu lại mắc phải ảo tưởng, giống như chúng ta mắc phải ảo tưởng mặt trời đang chuyển động chứ không phải trái đất, y như cách chúng ta cứ ngỡ rằng mình đang chết chứ không phải thiên nhiên. Tất cả những điều này, do đó, đều là ảo giác.

Giống như ảo giác khi ta ngồi trên xe lửa nhìn cánh đồng, ta ngỡ cánh đồng đang dịch chuyển chứ không phải xe lửa; ảo giác của chúng ta về lẽ sinh tử cũng y hệt như vậy.

Khi một người bị đóng khung trong một tâm trí nào đó thì họ thấy những cảnh tượng tồn tại như mặt trời, mặt trăng, tinh tú; và tất cả những người có cùng một trạng thái tâm trí đó cũng sẽ thấy những sự vật tương tự. Giữa các bạn và tôi có thể có hàng triệu sinh thể đang tồn tại trên những bình diện khác nhau.

Chúng sẽ không bao giờ thấy được chúng ta, và chúng ta cũng không bao giờ thấy được chúng; ta chỉ thấy được những người có cùng trạng thái tâm trí với ta và cùng một bình diện tồn tại như ta. Những nhạc cụ này chỉ ứng họa với nhau khi có sự hài hòa trong dao động âm thanh, có thể nói như vậy.

Nếu trạng thái dao động, mà những sinh thể đó gọi là “dao động – người” [ man-vibration], bị thay đổi thì không còn nhìn thấy con người nữa, toàn thể “vũ trụ – người” sẽ biến mất, và thay vào đó là một cảnh tượng khác bày ra trước mắt chúng ta; có thể đó là “vũ trụ thần linh”, cũng có thể đó là thế giới của lũ ác nhân hoặc của đám yêu ma quỷ quái.

Nhưng tất cả cũng chỉ là những cách nhìn khác nhau về một vũ trụ duy nhất. Vũ trụ này, khi được nhìn từ bình diện con người, thì ta thấy nào là mặt trời, mặt trăng, tinh tú cùng bao sự vật khác, v.v… – nhưng cũng chính nó, khi được nhìn từ bình diện tội ác thì lại hiện ra như là một nơi trừng phạt.

Những ai muốn quán tưởng vũ trụ này như là thiên đàng thì nó chính là thiên đàng. Những ai mơ tưởng tìm đến một Thượng Đế ngự trị trên ngai vàng, mong muốn đến trước mặt Ngài để ngợi ca suốt kiếp thì khi chết đi, họ chỉ thấy cảnh tượng mà họ cưu mang trong tâm trí.

Chính vũ trụ này sẽ biến đổi thành một thiên đàng bao la, với đủ loại thiên thần có cánh bay lượn khắp nơi, và một Thượng Đế ngồi trên ngôi báu. Tất cả những cảnh tượng thiên đàng này đều do con người tự tạo ra.

Cho nên các triết gia Advaita nói rằng những gì người theo thuyết nhị nguyên tin tưởng đều đúng, nhưng đó chỉ thuần là sản phẩm do họ tự tạo ra. Nào là các cõi trời, ma quỷ, thần linh, nào là luân hồi, tái sinh, tất cả những thứ đó đều chỉ là thần thoại.

Đời sống con người cũng vậy. Sai lầm to lớn mà con người phạm phải là cứ cho rằng chỉ đời sống này mới là thực. Họ hiểu đủ tận tường về thế giới này, khi gọi những thứ khác là thần thoại, song không bao giờ chịu chấp nhận những thứ đó có vị trí tương đương.

Toàn bộ sự vật, giống như chúng đang hiển lộ, chỉ là thần thoại; và lời dối trá lớn nhất trong tất cả những lời dối trá là: chúng ta là những thể xác mà chúng ta chưa hề mang, thậm chí chưa hề có thể có. Chúng ta chỉ là con người, đó là lời dối trá lớn nhất trong tất cả những lời dối trá, vì chúng ta chính là Thượng Đế của vũ trụ này.

Khi sùng bái Thượng Đế là chúng ta đang sùng bái chính cái Chân Ngã sâu kín của mình. Cho rằng các bạn sinh ra là người có tội hay là người độc ác, đó là lời dối trá tồi tệ nhất mà các bạn từng tự nhủ với mình. Kẻ có tội là kẻ nhìn thấy tội lỗi nơi người khác.

Giả sử trong căn phòng này có một đứa bé, và các bạn đặt một túi vàng trên bàn. Giả sử có một tên trộm lẻn vào, lấy túi vàng đi. Đối với đứa bé thì tất cả đều như nhau; bởi vì chẳng có tên trộm nào ở trong phòng, cũng không có tên trộm nào ở ngoài phòng.

Đối với những kẻ tội lỗi hay độc ác thì có những điều xấu xa đồi bại ở bên ngoài, còn đối với người tốt thì không có. Bởi vậy, những kẻ độc ác thấy thế gian này giống như một địa ngục, còn những người chính trực thì thấy nó như một thiên đàng; trong khi những người có tâm toàn thiện lại thực chứng được nó như là Thượng Đế.

Chỉ khi nào con người nhìn thấy vũ trụ này như Thượng Đế thì lúc đó những tấm màn che mới rơi khỏi đôi mắt, và người đó, do giữ được tâm thuần nhiên thanh tịnh, mới thấy toàn bộ cảnh tượng đều thay đổi.

Tất cả những cơn ác mộng đã từng đày đọa anh ta hàng triệu năm qua giờ đây đều tan biến; và người nào nghĩ mình là con người, hoặc là thần thánh, hoặc là quỷ sứ, người nào tự nghĩ rằng mình đang sống ở nơi thấp hèn hay cao quý, chốn trần gian hay trên thiên giới, v.v… cũng đều thấy rằng họ thực sự hiện hữu khắp nơi, rằng toàn bộ thời gian đều ở trong họ, chứ không phải họ đang ở trong thời gian; rằng tất cả thiên đàng đều ở trong họ, chứ không phải họ đang ở trong bất kỳ thiên đàng nào; rằng mọi thần thánh mà con người đã từng sùng bái lâu nay đều ở trong họ, chứ không phải họ đang ở trong bất kỳ một vị thần nào.

Người đó sáng tạo ra thần linh và ma quỷ, cỏ cây và cầm thú cùng đất đá, chân tính con người mở phơi lồng lộng ra trước người đó, cao siêu hơn những cõi trời, hoàn hảo hơn cái vũ trụ này của chúng ta, vô tận hơn cõi thời gian vô tận, toàn nhiên phổ hiện hơn cả cõi ê-te toàn nhiên phổ hiện.

Chỉ có như thế, con người mới đạt đến tinh thần vô úy và cảnh giới giải thoát. Thế là mọi vọng tưởng sẽ hoại diệt, bao khốn khổ sẽ tiêu tan, và tất cả nỗi sợ hãi đều chấm dứt mãi mãi.

Sinh biến mất, và cùng với nó là tử; khổ đau biến mất và cùng với nó là lạc thú; trái đất biến mất, và cùng với nó là các cõi trời; thể xác biến mất, và cùng với nó là tâm trí. Bởi vì khi con người biến mất thì vũ trụ này cũng biến theo luôn, có thể nói như vậy.

Cuộc đấu tranh liên tục, hăng say và luôn hoạt động của các lực ngừng lại vĩnh viễn; tất cả những gì hiển lộ như là lực và vật chất, như là những sự đấu tranh trong thế giới tự nhiên, như là chính thế giới tự nhiên, như là trời và đất, như là cỏ cây và cầm thú, như là con người và thần linh, tất cả những gì chuyển biến thành sự Tồn Tại vô biên duy nhất, nguyên vẹn, bất biến, tất cả những thứ đó đều ngừng lại vĩnh viễn, và bậc trí giả thấy mình hợp nhất với Cái Tồn Tại này.

“Giống như những đám mây đủ màu trôi đến trước bầu trời, ngừng lại một lúc rồi tan đi”, tất cả những cảnh tượng trời đất, trăng sao, chư thần cùng những lạc thú và khổ đau cũng xuất hiện trước linh hồn như vậy đó; nhưng tất cả đều sẽ qua đi chỉ để lại đằng sau là Tinh Thần bất biến và vô tận.

Bầu trời không bao giờ thay đổi, chỉ có những đám mây là thay đổi. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Tinh Thần thay đổi. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta bất tịnh, bị giới hạn và bị tách biệt. Con người chân thực là Tồn Tại duy nhất. Có hai câu hỏi được nêu lên.

Câu thứ nhất là: “Có thể thực chứng được điều đó không? Nó là học thuyết, là triết học đấy, nhưng liệu có thể thực chứng được nó không?”. Câu trả lời là có. Trong thế giới này vẫn có những người sống mà không hề mắc một vọng tưởng nào.

Họ có chết ngay sau khi thực chứng hay không? Không nhanh như ta nghĩ. Hai bánh xe, được nối nhau bởi một trục, đang chạy cùng nhau. Nếu tôi giữ lại một bánh xe, và dùng rìu chặt đứt cái trục ra thì cái bánh xe tôi đang giữ sẽ ngừng lại, còn bánh xe kia sẽ tiếp tục chạy thêm một lúc nữa theo đà rồi ngã xuống.

Hằng Hữu thuần tịnh và hoàn hảo này, tức Linh Hồn, là một bánh xe, và cái ảo giác bên ngoài về thể xác và tâm trí là bánh xe còn lại; cả hai được nối kết nhau qua cái trục là hành vi, là nghiệp ( karma).

Tri thức là cái rìu dùng để chặt đứt sự ràng buộc giữa chúng; và bánh xe linh hồn sẽ ngưng lại, nghĩa là ngưng suy nghĩ rằng Nó đang đến rồi đi, đang sống và đang chết, ngưng suy nghĩ rằng nó là một bộ phận của thế giới tự nhiên và những nhu cầu cùng khát vọng, mà sẽ thấy rằng Nó hoàn hảo và vô dục.

Nhưng trong cái bánh xe kia, bánh xe của thể xác và tâm trí, vẫn còn cái đà của những hành vi trong quá khứ; do đó, nó sẽ còn sống thêm một thời gian nữa, cho đến khi cái đà của những hành vi quá khứ yếu dần đi và mất hẳn, lúc đó thể xác và tâm trí mới ngã xuống, Linh Hồn được tự do.

Đâu còn chuyện lên thiên đàng rồi đầu thai trở lại, thậm chí cũng chẳng có chuyện lên đến cõi Brahmaloka, hay những cõi trời cao nhất, bởi vì Linh Hồn còn phải đến từ đâu hoặc đi về đâu?

Người nào, trong đời này, mà đạt đến trạng thái tâm linh đó, người nào thấy được cảnh tượng bình thường của thế giới biến đổi, dù chỉ trong một phút thôi, và thấy được thực tại hiển lộ thì người đó được gọi là “giải thoát khi còn sống”. Đó là mục tiêu của các triết gia Vedānta: đạt đến giải thoát khi còn sống.

Có lần, khi ở vùng Tây Ấn, tôi du hành đến một vùng sa mạc. Suốt nhiều ngày đêm, tôi đi bộ băng qua sa mạc đó, và tôi vô cùng kinh ngạc khi ngày nào cũng thấy những hồ nước xinh đẹp, có cây cối bao quanh, bóng cây phản chiếu lung linh dưới mặt hồ.

Tôi tự nhủ thầm: “Trông nó đẹp biết bao – vậy mà người ta gọi đây là xứ sở sa mạc!”. Gần một tháng trời, tôi cứ đi như thế, luôn trông thấy những hồ nước tuyệt diệu với cây cối đó.

Một hôm, tôi thấy rất khát, và cần phải uống nước; bởi vậy tôi liền đi đến một trong những cái hồ nước trong vắt và đẹp đẽ kia; nhưng khi tôi đến gần thì nó biến mất. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: “Đây là ảo ảnh mà mình đã đọc suốt đời”.

Cùng với ý nghĩ đó, tôi chợt hiểu ra rằng suốt mấy tháng trời qua, ngày nào tôi cũng thấy ảo ảnh mà không hề hay biết. Sáng hôm sau, tôi lại lên đường. Hồ nước kia vẫn còn đó, nhưng khi vừa thấy cảnh tượng đó là trong tôi hiện ra ngay ý tưởng: đó chỉ là ảo ảnh, chứ không phải là hồ nước thực sự.

Vũ trụ này cũng vậy. Tất cả chúng ta đều đang du hành trong vũ trụ hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác, mà không hề biết rằng nó chỉ là ảo ảnh. Một ngày kia, nó sẽ bùng vỡ, nhưng rồi nó sẽ quay về.

Thể xác này vẫn phải còn lại do nghiệp lực trong quá khứ, cho nên ảo ảnh sẽ quay về. Thế giới này sẽ còn quay về chừng nào chúng ta còn bị nghiệp lực chi phối: nam nữ, cầm thú, cỏ cây, thân bằng quyến thuộc, tất cả sẽ quay về lại với chúng ta.

Nghiệp lực sẽ không còn mang sức mạnh như cũ, dưới ảnh hưởng của tri thức mới, nó sẽ bị phá vỡ, độc tố của nó sẽ không còn. Nghiệp lực sẽ bị chuyển hóa, vì khi nó xuất hiện thì trong ta cũng xuất hiện ý tưởng rằng giờ đây ta đã hiểu nó quá rõ rồi, đã phân biệt rạch ròi giữa thực tại và ảo ảnh rồi.

Lúc đó, thế giới không sẽ còn hiện ra như trước nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một hiểm họa. Chúng ta thường thấy mọi người cứ vin theo triết học này và nói: “Tôi vượt trên thiện ác, siêu quá thị phi nên không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đạo đức nữa, tôi có thể làm gì tùy thích”.

Những kẻ khùng điên kiểu đó, hiện nay các bạn có thể gặp rất nhiều ở đất nước này, họ bảo: “Tôi không bị ràng buộc, tôi chính là Thượng Đế, hãy để mặc tôi làm gì tùy thích”. Không phải thế, mặc dù đúng là Linh Hồn vượt lên trên mọi quy luật vật lý, tinh thần và đạo đức.

Bên trong quy luật là ràng buộc, bên ngoài quy luật là tự do. Đúng là tự do là bản chất của Linh Hồn, nó hưởng quyền thừa kế. Tự do chân thực đó của Linh Hồn tỏa sáng xuyên qua những lớp màn vật chất, dưới hình thức tự do bề ngoài của con người.

Bất kỳ lúc nào trong đời, bạn cũng cảm thấy mình được tự do. Chúng ta không thể sống, nói, thở trong một phút chốc nếu không cảm thấy tự do; nhưng đồng thời, một tư tưởng bé nhỏ cho thấy rằng chúng ta giống như những cỗ máy, không hề có tự do.

Vậy thì cái nào đúng? Có phải ý tưởng về tự do chỉ là một ảo tưởng? Một bên cho rằng tự do là một ảo tưởng, một bên lại cho rằng ràng buộc là một ảo tưởng. Điều này diễn ra như thế nào? Thực sự là con người được tự do; con người chân thực, người -thực-sự-là-người thì chỉ có thể tự do chứ không thể là gì khác được.

Chỉ khi đi vào thế giới của māyā, đi vào thế giới của danh và tướng, của tên gọi và hình thể thì con người mới bị trói buộc. Tự do ý chí là cách gọi sai lầm. Ý chí không bao giờ có thể tự do. Sao có thể thế được? Chỉ khi nào con người chân thực bị ràng buộc thì ý chí anh ta sẽ phát sinh, chứ không phải phát sinh trước đó.

Ý chí con người thì bị ràng buộc, nhưng cái làm nền tảng cho ý chí lại vĩnh viễn tự do. Do đó, ngay trong trạng thái bị ràng buộc – mà ta gọi là đời sống con người hay đời sống chư thần, ở trần gian hay trên các cõi trời – chúng ta vẫn còn hồi tưởng lại sự tự do đó – sự tự do vốn là của chúng ta – bằng quyền của thần linh.

Dù có ý thức hay không thì tất cả chúng ta vẫn đang đấu tranh hướng về điều đó. Khi một người đạt đến cảnh giới tự do của chính mình thì còn quy luật nào ràng buộc anh ta được nữa? Không một quy luật nào vũ trụ này có thể trói buộc được anh ta, bởi vì vũ trụ này chính là vũ trụ của anh ta.

Người đó là toàn thể cái vũ trụ này. Có thể nói người đó là toàn thể cái vũ trụ này, hoặc cũng có thể nói là không còn vũ trụ nào dành cho anh ta cả. Như vậy, làm sao anh ta có thể có những ý tưởng hẹp hòi về giới tính hoặc quốc gia?

Làm sao anh ta có thể nói: “Tôi là nam”, hay “Tôi là nữ” hoặc “Tôi là đứa bé”? Những thứ đó chẳng phải là chuyện huyễn hoặc hoang đường sao? Làm sao người đó có thể bảo đây là những quyền của nam giới, kia là những quyền của nữ giới? Không một ai có quyền gì cả, không một ai tồn tại tách biệt được cả.

Không hề có nam hay nữ, linh hồn không có giới tính, và mãi mãi thuần tịnh. Nói rằng tôi là nam hay tôi là nữ, nói rằng tôi thuộc về quốc gia này hay quốc gia kia, đó là những lời dối trá. Trọn thế giới này là đất nước của tôi, toàn thể vũ trụ này là vũ trụ của tôi, vì tôi đã khoác nó vào người như là thể xác của mình.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng trong đời này có những người sẵn sàng khẳng định giáo lý của mình, nhưng đồng thời lại làm những điều mà ta phải gọi là bẩn thỉu. Nếu ta hỏi vì sao họ lại làm thế thì họ sẽ đáp là do chúng ta mắc phải vọng tưởng, chứ họ không thể làm điều gì sai quấy cả.

Bài thử nghiệm, mà qua đó họ bị phê phán, là gì? Nó thế này đây. Mặc dù thiện ác đều được những trạng thái hiển lộ được quy định của Linh Hồn, tuy nhiên ác là lớp vỏ bọc bên ngoài cùng, còn thiện là lớp vỏ bọc gần với Con Người Chân Thực hơn, tức Chân Ngã.

Trừ phi con người cắt đứt được lớp vỏ ác, bằng không thì anh ta không thể nào đạt đến lớp vỏ thiện; trừ phi anh ta cắt đứt được cả lớp vỏ ác lẫn lớp vỏ thiện, bằng không thì anh ta không thể nào đạt đến Chân Ngã.

Đối với người đã đạt đến Chân Ngã, còn gì làm anh ta quyến luyến được? Một chút nghiệp, một chút đà trong quá khứ, nhưng tất cả đều là cái đà tốt.

Không một ai có thể thấy và thực chứng được chân lý, cho đến khi nào cái đà xấu trong quá khứ yếu dần đi rồi chấm dứt hoàn toàn, và những điều bất tịnh trong quá khứ cũng bị thiêu sạch hoàn toàn.

Bởi vậy, đối với người đã đạt đến Chân Ngã và thấy được chân lý thì những thứ còn khiến người đó lưu luyến chỉ là phần sót lại của những ấn tượng tốt trong quá khứ, tức là cái đà tốt đẹp.

Thậm chí nếu người đó còn sống trong một thể xác và làm việc không ngừng thì anh ta chỉ làm toàn điều tốt, môi chỉ nói lời chúc phúc, tay chỉ làm điều thiện, đầu chỉ suy nghĩ điều hay; người đó đến đâu là đem hạnh phúc đến đấy. Bản thân người đó là nguồn lạc phúc sinh động.

Một người như thế, chỉ cần có mặt thôi cũng đủ để cảm hóa kẻ độc ác nhất thành vị thánh. Ngay cả khi không nói gì thì sự hiện diện của người đó cũng đem lại lạc phúc cho nhân loại.

Người như thế có thể làm điều gì xấu được? Các bạn phải nhớ rằng giữa sự thực chứng và giảng thuyết suông có sự khác biệt một trời một vực. Bất kỳ gã điên rồ nào cũng có thể nói được. Thậm chí các con vẹt cũng có thể nói. Nói là một chuyện, còn thực chứng lại là chuyện khác.

Triết học, giáo lý, lập luận, kinh sách, học thuyết, giáo hội, tông phái cùng tất cả những thứ khác đều tốt đẹp theo cách của chúng, nhưng một khi đã chứng ngộ thì những thứ đó đều rụng rơi hết thảy.

Ví dụ bản đồ rất có ích, nhưng khi nhìn thấy một quốc gia, và nhìn lại bản đồ thì các bạn thấy sự khác biệt to lớn biết là dường nào!

Bởi vậy, những người đã chứng ngộ được Chân Lý thì chẳng cần gì đến những thứ lý luận hay những trò thể thao của trí năng mới hiểu được Chân Lý; đối với với những người đó thì nó là sự sống của đời họ, được cụ thể hóa rõ ràng hơn nữa.

Theo các vị hiền triết của triết học Vedānta, nó “như trái cây trong bàn tay”, các bạn có thể đứng lên và nói “Nó đây rồi”. Bởi vậy, những người chứng ngộ được Chân Lý sẽ đứng lên và nói “Chân Ngã đây rồi”.

Các bạn có thể tranh luận với họ cả năm, nhưng họ sẽ mỉm cười với các bạn; họ xem điều tranh luận đó chẳng khác gì chuyện vớ vẩn của con nít, và họ để mặc đám con nít cứ bi bô thoả sức.

Họ thực chứng được Chân Lý và thấy thỏa mãn. Giả sử các bạn đã nhìn thấy một xứ sở nào đó, rồi một người khác đến cố gắng tranh luận với các bạn rằng xứ sở đó không hề tồn tại, thì dù anh ta có lập luận đến vô biên vô tận song thái độ duy nhất trong tâm trí các bạn đối với kẻ đó hẳn sẽ là: nên đưa anh ta vào nhà thương điên là hợp lý nhất.

Bởi vậy, người chứng ngộ nói: “Trọn những lời thuyết giảng trong thế gian này về những tôn giáo cỏn con của nó chỉ là những lời vớ vẩn tầm phào; chỉ có chứng ngộ mới là linh hồn, mới là phần tối tinh yếu của tôn giáo”. Có thể thực chứng tôn giáo.

Các bạn đã sẵn sàng chưa? Các bạn có cần nó không? Các bạn sẽ thực chứng tôn giáo nếu các bạn thực hành điều đó, và các bạn sẽ là những người có tinh thần tôn giáo thực thụ. Không có sự khác biệt nào giữa các bạn với những kẻ vô thần, cho đến khi nào các bạn thực chứng được tôn giáo.

Kẻ vô thần là những người thành thực, còn ai nói rằng họ tin vào tôn giáo nhưng chẳng bao giờ nỗ lực thực chứng nó thì đó là những người không thành thực chút nào.

Câu hỏi tiếp theo là muốn biết cái gì sẽ đến sau khi chứng ngộ.

Giả sử chúng ta đã chứng được cảnh giới hợp nhất cùng vũ trụ, chúng ta là Hằng Hữu Vô Biên duy nhất, và giả sử chúng ta đã thực chứng được rằng Chân Ngã này là Tồn Tại duy nhất và Nó chính là cái Chân Ngã đang tự thân hiển lộ qua muôn ngàn hình tướng trong hiện tượng giới; vậy thì cái gì sẽ xảy đến với chúng ta sau khi chứng ngộ?

Phải chăng chúng ta sẽ chui vào một xó, ngồi im ở đó rồi chờ chết? “Làm điều thiện cho thế gian này thì có ích gì?” – câu hỏi thật là xưa cũ! Trước hết, vì sao phải làm điều thiện cho thế gian này?

Có lý do nào để ta phải làm việc đó? Một người bất kỳ lấy quyền gì để đặt ra câu hỏi: “Làm điều thiện cho thế gian này thì có ích gì?” Điều đó có nghĩa là gì? Trẻ con thì thích kẹo. Giả sử các bạn đang nghiên cứu về hiện tượng truyền điện, và có đứa bé hỏi: “Những thứ này có mua được kẹo không?” Các bạn sẽ trả lời “Không”.

Đứa bé sẽ hỏi: “Vậy thì nghiên cứu nó có ích gì chớ?”. Cũng giống vậy, con người sẽ đứng lên và nói: “Làm điều thiện cho thế gian này thì có ích gì? Nó có đem lại tiền bạc không?” “Không”. “Có chi hay ho trong việc làm đó hay không?” Đó là những gì mà con người hiểu về việc làm điều thiện cho cõi đời này.

Tuy nhiên, chứng ngộ sẽ đem mọi điều tốt đẹp đến với thế gian. Mọi người ngại rằng khi họ đã đạt đến cảnh giới đó, khi họ đã chứng ngộ rằng tất cả là một thì suối nguồn thương yêu sẽ khô cạn, mọi thứ trong đời sẽ kéo nhau đi sạch, và mọi thứ mà họ yêu thích sẽ tan biến hết, có thể nói như vậy, trong đời này và cả trong những đời sau.

Mọi người không bao giờ ngừng suy nghĩ rằng những người hoạt động vĩ đại nhất trên thế gian là những người đã ban cấp một ý niệm nhỏ nhất trên bản sắc cá nhân của họ. Vậy thì con người chỉ yêu thương khi họ thấy đối tượng yêu thương của họ không phải là sự vật nhỏ mọn, thấp hèn và phù du tử diệt.

Vậy thì con người chỉ yêu khi họ thấy đối tượng thương yêu của họ không phải là một cục đất, mà thực sự là một Thượng Đế. Người vợ sẽ yêu chồng hơn, khi nghĩ rằng chồng mình chính là Thượng Đế. Người chồng cũng sẽ yêu vợ hơn, khi biết rằng vợ mình chính là Thượng Đế.

Người mẹ sẽ yêu bầy con hơn, khi nghĩ rằng chúng chính là Thượng Đế. Người ta sẽ yêu thương kẻ thù không đội trời chung của mình, khi biết rằng kẻ thù đó chính là Thượng Đế.

Người ta sẽ yêu thương một bậc thánh nhân, khi biết rằng bậc thánh đó chính là Thượng Đế, chính con người đó cũng sẽ yêu thương những kẻ cùng cực xấu xa, tội lỗi bởi vì anh ta hiểu rằng nền tảng của những kẻ cùng cực xấu xa, tội lỗi đó chính là Ngài, vị Chúa Tể.

Một người như thế sẽ làm rung chuyển cả thế giới. Đối với với người đó thì cái tự ngã nhỏ bé đã chết đi, và thay vào đó là Thượng Đế. Toàn thể vũ trụ sẽ chuyển biến vì người đó. Bao phiền não, khổ đau đều dứt tận; bao đấu tranh, chiến đấu đều từ giã ra đi.

Thay vì là một ngục tù, vũ trụ này sẽ biến thành một sân chơi. Lúc đó cả vũ trụ sẽ diễm lệ vô ngần! Chỉ người đó mới có quyền đứng lên và nói: “Thế gian xinh đẹp biết bao!” Chỉ người đó mới có quyền nói rằng mọi sự đều tốt đẹp.

Đó là sự tốt đẹp vĩ đại mà sự chứng ngộ mang đến cho thế gian; nếu toàn thể nhân loại thực chứng được chỉ một phần vô cùng nhỏ của chân lý vĩ đại này thì bộ mặt cả thế giới sẽ thay đổi, thay vì là nơi cãi cọ đánh nhau, nó sẽ là một nơi hòa bình ngự trị.

Sự vội vã thô lỗ và khiếm nhã, mà chúng ta bộc lộ ra khi cứ phải giành giật để tìm cách lấn lướt hơn người, sẽ biến mất khỏi thế gian này. Cùng với nó, tất cả sự đấu tranh, hận thù, ganh tỵ sẽ biến mất luôn, mọi tội lỗi xấu xa cũng tiêu tan vĩnh viễn.

Chư thần sẽ sống trên thế gian này. Trái đất này sẽ biến thành một thiên đàng, thử hỏi còn điều gì xấu xa tội lỗi khi chư thần đùa với chư thần, khi chư thần làm việc với chư thần, khi chư thần thương yêu chư thần. Đó là lợi ích vĩ đại từ sự chứng thực thế giới tâm linh.

Mọi thứ các bạn nhìn thấy trong xã hội đều thay đổi và chuyển biến. Các bạn sẽ không còn nghĩ rằng con người ác độc, đó là cái được to lớn đầu tiên. Các bạn sẽ không còn đứng lên và đưa ánh mắt giễu cợt nhìn người nghèo khổ khi họ phạm phải một sai lầm.

Quý bà quý cô sẽ không còn tỏ vẻ khinh khi một bà lão nghèo khổ bước đi trên đường trong đêm tối, bởi vì quý vị sẽ thấy ở ngay nơi ấy cũng có Thượng Đế.

Các bạn sẽ không còn nghĩ đến chuyện ganh tỵ hay trừng phạt. Chúng sẽ tan biến hết; và tình yêu, lý tưởng yêu thương vĩ đại sẽ mạnh mẽ đến mức không cần đến bất kỳ một loại roi vọt nào để uốn nắn con người đi đúng hướng.

Nếu một phần triệu nam nữ trong thế giới này chỉ ngồi xuống, và nói trong một vài phút: “Tất cả các bạn đều là Thượng Đế, tất cả các bạn đều là sự hiển lộ của Bản Tính Thần Linh sống động duy nhất!” thì cả thế giới này sẽ thay đổi hẳn ngay trong vòng nửa giờ.

Thay vì ném những khối bom hận thù khủng khiếp vào từng ngóc ngách, thay vì khơi ngòi cho những dòng chảy ganh tỵ và tư tưởng ác độc thì ở mọi quốc gia, mọi người đều nghĩ rằng tất cả đều là Ngài. Ngài là tất cả những gì các bạn thấy và cảm nhận được.

Làm sao các bạn có thể thấy được điều xấu ác, trừ phi trong tâm hồn các bạn có điều xấu ác? Làm sao các bạn có thể nhìn thấy được một tên trộm, trừ phi hắn ngồi đó, trong tận sâu thẳm của tâm hồn các bạn? Làm sao các bạn có thể nhìn thấy được một kẻ sát nhân, trừ phi chính các bạn là kẻ sát nhân?

Hãy làm điều thiện, rồi điều ác tự nhiên sẽ biến mất khỏi tâm hồn các bạn. Như vậy, cả vũ trụ này đều thay đổi. Đây là cái được to lớn nhất đối với xã hội. Đây là cái được to lớn nhất đối với tổ chức loài người. Những tư tưởng này đã được tư duy, phác họa nơi những người Ấn Độ thời cổ đại.

Vì nhiều lý do, chẳng hạn do tính độc quyền của những vị đạo sư cùng những cuộc xâm lăng của nước ngoài, nên những tư tưởng này chưa được truyền bá. Thế nhưng chúng là những chân lý vĩ đại, và chúng hoạt động ở bất cứ nơi đâu thì ở đó con người biến thành thần thánh.

Trọn cuộc đời tôi đã thay đổi là nhờ tiếp xúc với một vị trong những bậc đạo sư thần thánh đó, một vị mà tôi sẽ nói chuyện cùng các bạn vào chủ nhật tới, và đã tới lúc để những tư tưởng này được truyền bá ra khắp thế giới.

Thay vì chỉ sống trong những đền thờ, thay vì chôn vùi mình trong những cuốn sách triết học mà chỉ các học giả mới nghiên cứu, thay vì chỉ là sở hữu của những tông phái độc quyền và những học giả, những tư tưởng đó sẽ được gieo rắc khắp nơi trên toàn thế giới, nhờ đó chúng sẽ trở thành tài sản chung của vị thánh lẫn kẻ tội lỗi, của nam lẫn nữ, của bậc thức giả lẫn người ngu dốt.

Nó sẽ thấm nhuần vào bầu khí quyển của thế giới, và ngay cả không khí mà ta đang thở cũng sẽ nói với mọi người về những nhịp đập của nó. “Bạn là Cái Đó”.

Và toàn thể vũ trụ này, với vố số mặt trời, mặt trăng, thông mọi sự vật biết nói, sẽ cất tiếng cùng một giọng: “Bạn là Cái Đó”.

[1] Đó là “tính” theo tinh thần Nho giáo: “Năng tận kỳ tính tắc năng tận nhân chi tính. Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hĩ. 能 盡 其 性 則 能 盡 人 之 性. 能 盡 人 之 性 則 能 盡 物 之 性. 能 盡 物 之 性 則 可 以 贊 天 地 之 化 育. 可 以 贊 天 地 之 化 育 則 可 以 與 天 地 參 矣. Có thể thấu triệt được trọn vẹn bản tính của mình thì mới có thể thấu triệt được trọn vẹn bản tính của người; có thể thấu triệt được trọn vẹn bản tính của người thì mới có thể thấu triệt được trọn vẹn bản tính của muôn vật; có thể thấu triệt được trọn vẹn bản tính của muôn vật thì mới có thể giúp vào việc hóa sinh của trời đất; có thể giúp vào việc hóa sinh của trời trời thì mới có thể cùng tham dự với trời đất”. (Trung Dung, XXII)

[2] Co lẽ đại sư ám chỉ cái đèn chiếu [magic latern] [Ghi chú trong nguyên tác]

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x