Trang chủ » Đại Học – Phần Truyện [Chương 1 – 5]

Đại Học – Phần Truyện [Chương 1 – 5]

by Hậu Học Văn
239 views

Chương I. Minh Minh Đức

Thiên Khang Cáo nói rằng: “Hay làm sáng tỏ đức.”

Thiên Thái Giáp nói rằng: “Nhìn lại xét cho rõ cái phần sáng láng của Trời.”

Thiên Đế Điển nói rằng: “Hay làm sáng tỏ đức lớn lao.”

Đều là [nói việc] tự làm sáng tỏ ra.

Trên đây là chương đầu của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa của] “minh minh đức”.

BÌNH GIẢI:

Để làm sáng tỏ ý nghĩa ba chữ “minh minh đức” trong cương lĩnh đại học, phần Truyện này trích dẫn ba câu trong Kinh Thư.

Chúng ta nên nhớ rằng, Kinh Thư hay Thượng Thư là một tác phẩm có thế giá vào hàng kinh điển bậc nhất trong đạo Nho, Khổng tử rất tôn trọng.

Câu thứ nhất trích ở thiên Khang Cáo. Thiên này nhắc lại lời của Vũ Vương khuyên em tên là Phong, tự Khang Thúc, khi phong cho làm Mạnh hầu ở đất Vệ. Nguyên văn lời của Vũ Vương là:

Duy nãi phi hiển khảo Văn Vương khắc minh đức, thận phạt” (Riêng đức hiển khảo Văn Vương lớn lao của ngươi hay làm sáng tỏ đức và thận trọng về việc hình phạt.)

Ba chữ “khắc minh đức” (克明德) được tách ra cho biết rằng Văn Vương hay làm sáng tỏ đức của mình. Ở đây, “minh” là động từ: làm sáng tỏ; “đức” là danh từ chỉ năng lực hay một số đức tính nào đó. Vì thế, chữ “đức” ở trong câu này không còn chỉ rõ “minh đức” là năng lực sáng láng, năng lực bản nhiên do Trời phú cho con người.

Như thế, chúng ta không chắc được câu này có phải do Khổng tử hay Tăng tử trích dẫn, dùng để giải thích ba chữ “minh minh đức” (克明德) hay không.

Câu thứ hai trích ở thiên Thái Giáp, thiên này nhắc lại lời của Y Doãn khuyên vua Thái Giáp. Y Doãn là hiền thần nhà Thương, đã từng phục vụ vị vua khai sáng nhà Thương là Thành Thang. Sau khi thấy vua Thái Giáp không thuận theo lời khuyên bảo của quan A hành (một chức quan như thủ tướng), Y Doãn đã dâng thư nhắc lại tấm gương của vua Thành Thang (hoàng phụ của vua Thái Giáp) như sau:

Tiên Vương cố thị Thiên chi minh mệnh, dĩ thừa thượng hạ thần kỳ, xã, tắc, tông miếu, võng bất chi túc. Đại ý là, đấng tiên vương (Vua Thành Thang) thường quay lại chính mình để xét cho rõ “minh mệnh” Trời đã trao cho và phải cẩn thận hành động sao cho xứng với “minh mệnh” ấy.

Hai chữ “minh mệnh” trong câu này dường như vừa chỉ cái “Thiên mệnh chi vị tính” của sách Trung Dung, lại vừa chỉ đến cái “mệnh lệnh” mà Trời trao cho làm vua, cai trị trăm họ.

Nếu hiểu theo nghĩa “Thiên mệnh chi vị tính” thì “minh mệnh” mới có nghĩa như chữ “minh đức”.

Câu thứ ba trích ở thiên Đế điển, tức Nghiêu điển. Thiên này là lời sử thần khen ngợi vua Đế Nghiêu:

Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. Cửu tộc ký mục, bình chương bách tính. Bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang. Lê dân ô biến thời ung. (Hay làm sáng tỏ đức lớn lao, để thân yêu người trong họ chín đời. Các người trong họ chín đời hoà mục rồi, lại làm cho trăm họ đều tốt đẹp. Trăm họ sáng tỏ, thì hoà hiệp cả muôn nước (chư hầu). Nhân dân trong thiên hạ đều biến đổi hoà vui cả.”

Hai chữ “tuấn đức” (俊德) trong câu này có thể được hiểu như “minh đức”. “Tuấn đức” (đức lớn lao) là đức thông dự với đức cao cả của Trời. Về phương diện siêu hình, tuấn đức không bị lệ thuộc vào không gian, thời gian, cho nên được gọi là lớn lao (tuấn). Vì thuộc về Trời, đức này đã lớn lao lại sáng láng; do đó “tuấn đức” với “minh đức” là một. Hay đó là một thực thể trong con người mang hai tên. Nói theo sách Trung dung thì thực thể ấy có tên là Thiên mệnh (Thiên mệnh chi vị tính). Như vậy tuấn đức hay minh đức là tính bản nhiên của con người.

Tuy hai chữ “tuấn đức” ở đây không giảng rõ được thêm hai chữ “minh đức” là bao nhiêu, nhưng cả câu trên nói lên được đầy đủ ba bước của cương lĩnh đại học:

– “Minh tuấn đức” (明俊德) tức là “minh minh đức”.

– “Thân cửu tộc. Cửu tộc ký mục, bình chương bách tính tức là “thân dân”.

– “Bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang. Lê dân ô biến thời ung tức là “chỉ ư chí thiện”.

Xét phần Truyện này, chúng ta nhận thấy người giải thích (có thể là Khổng tử, Tăng tử, hay một vài đệ tử nào khác) đã cố gắng dùng cổ kinh để làm sáng tỏ ba chữ “minh minh đức” và muốn chứng minh rằng “minh minh đức” là đúng đắn, là đường lối phải theo. Mặc dù việc giải thích không đưa ra được điều gì mới mẻ; nhưng chúng ta nên biết rằng người xưa, nhất là những người trong hàng môn đệ, không có thói quen tự phát biểu ý kiến mình, sợ bị mang tiếng là tự thị; trái lại chỉ mượn cổ nhân để minh chứng mà thôi.

Sau khi trích dẫn ba câu trong Kinh Thư, người giải thích kết luận: “Giai tự minh dã.” Có nghĩa là cả ba trường hợp: Văn Vương, Thành Thang và Đế Nghiêu, các ngài đều tự mình làm sáng tỏ đức sáng ra; đó là bước khởi đầu tiến hành tu thân. Vì thế, người giải thích muốn kín đáo nhắc nhở những người học bậc đại học rằng hãy noi theo các thánh vương đời trước tự làm sáng tỏ minh đức của mình để có thể bước lên đường chí thiện, với mục tiêu làm cho muôn dân được thái bình.

Chương II. Tân Dân

Bồn tắm của vua Thang có bài văn để ghi nhớ rằng: “Ví như mỗi ngày một mới, thì ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới.”

Thiên Khang Cáo nói rằng: “Hãy tạo nên sự đổi mới trong dân chúng.”

Kinh Thi nói rằng: “Nhà Chu tuy là nước đã lâu đời, nhưng có mệnh đổi mới.”

Vậy nên bậc quân tử không có chỗ nào mà không vận dụng đến cùng tột. Trên đây là chương thứ hai của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa] “tân dân.”

BÌNH GIẢI:

Trong phần Kinh ở trên, bước thứ hai của cương lĩnh đại học, sau “minh minh đức”, là “thân dân” (thân yêu mọi người). Thế mà trong chương 2 của phần Truyện này, người giải thích lại trưng ra ba câu cổ kinh đều có chữ “tân” (đổi mới) để làm sáng tỏ ý nghĩa hai chữ – “tân dân” (đổi mới dân chúng), có phải là một sự nhầm lẫn chăng?

Vì có sự sai lệch từ “thân dân” (親民) ra “tân dân” (新民) này mà Trình tử mới cho rằng phải sửa chữ “thân” () ở phần Kinh ra chữ “tân” () mới đúng, mới hợp lẽ. Chu Hy cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên, như chúng ta đã xác định ở phần trên, phải lấy chữ “thân” () mới đúng ý Khổng tử, mới đúng là bước thứ hai của cương lĩnh đại học, thế thì chúng ta nghĩ sao về việc thích nghĩa hai chữ “tân dân” (新民) ở phần Truyện.

Đẻ giải quyết sự nhầm lẫn lệch lạc ở đây, chúng ta đành phải đặt ra giả thuyết rằng: Có lẽ phần giải thích hai chữ “thân dân” (親民) đã bị mất từ lâu rồi; cho nên người giải thích thuộc thế hệ sau, có thể là một môn đệ nào đó của Tăng tử hay một môn đệ sau nữa, không dám tự ý giải thích hai chữ “thân dân”, nên đã lấy mấy câu trong cổ kinh có chữ “tân” để thay thế vào phần Truyện đã bị mất. Mãi đến thời Tống (cách Khổng tử và Tăng tử trên 1000 năm sau), Trình tử và Chu Hy không có cách gì điều chỉnh lại được. Hơn nữa, xét ra hai chữ “tân dân” (đổi mới dân chúng) cũng có cái lý của nó: đó là sau khi làm sáng tỏ đức sáng của mình, tức là đổi mới chính mình, thì việc tiếp theo là mở rộng việc đổi mới tới dân chúng.

Trình tử đã biện minh như sau:

Tân giả, cách kỳ cựu chi vị dã, ngôn ký tự minh kỳ minh đức, hựu đương suy dĩ cập nhân, sử chi diệc hữu dĩ khứ kỳ cựu nhiễm chi ô dã. ” (Tân nghĩa là thay đổi các điều cũ. Nghĩa là khi đã tự làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, thì phải mở rộng công việc mình đến người khác, khiến cho họ cũng bỏ được những thứ ô trọc họ đã tiêm nhiễm từ lâu.” (Trích theo Bửu Dưỡng, Sđd: trang 60).

Thế là lập trường của Trình tử và Chu Hy được đa số các Nho gia Trung Quốc cũng như Việt Nam chấp nhận cho mãi tới ngày nay.

Về ý nghĩa hai chữ “thân dân” trong cương lĩnh đại học, chúng ta đã giải thích ở phần trên. Giờ đây chúng ta cứ tôn trọng truyền thống 1.000 năm của hai chữ “tân dân” trong phần Truyện này và cố gắng giải thích cho rõ.

Vua Thành Thang, sau khi đuổi vua Kiệt nhà Hạ ra đất Nam Sào, đã cai trị dân bằng đức độ, chứ không bằng vũ lực và chính sách đàn áp, khắc nghiệt. Ngài tự đổi mới đức hạnh hằng ngày để làm gương cho dân. Kinh Thư chép lời ngài rằng: “Đức nhật tân, vạn bang duy hoài. Chí tự mãn, cửu tộc nãi ly. Vương mậu chiêu đại đức, kiến trung vu dân, dĩ nghĩa chế sự; dĩ lễ chế tâm, thùy dụ hậu côn.” (Đức độ một ngày một mới, muôn nước đều tâm phục; nếu tự mình lấy làm mãn chí, thì ngay đến người trong họ chín đời cũng phân ly. Nhà vua sáng tỏ đức lớn, dựng đạo trung cho dân; theo điều nghĩa mà xử sự, theo lễ phép mà chính tâm truyền cho con cháu về sau nữa.) (Kinh Thư, Thiên Trọng Hủy chi cáo, Thẩm Quỳnh dịch).

Tương truyền, cái bồn tắm của ngài có khắc một bài văn để ghi nhớ và tự răn rằng: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân. ” (Ví như mỗi ngày một mới, thì ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới.)

Mỗi ngày một mới”, đó là qui luật biến dịch của vũ trụ hiện tượng mà ai ai cũng phải công nhận; không có gì đứng yên bao giờ. Hiền triết Héraclite ở Hy Lạp cổ đại đã từng nói một câu thời danh: “Người ta không bao giờ có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Sở dĩ như vậy là vì:

– Dòng sông hôm qua và dòng sông hôm nay không hoàn toàn giống nhau. Dòng nước hôm qua đã ra tới biển rồi; hôm nay lại có một dòng nước từ trên nguồn mới chảy xuống. Mấy cánh bèo bên bờ sông hôm qua, nay đã trôi đi mất; thay vào đó là mấy cành cây khô mới dạt vào bờ.

– Con người tắm trên bến sông hôm qua, đã trở thành con người mới trong hôm nay. Hôm nay, người ấy bước xuống dòng sông nhưng trên mái tóc đã có thêm vài sợi bạc sau một đêm dài nghĩ ngợi, và nỗi lòng của người ấy đượm vẻ thê lương, nặng trĩu…

Câu danh ngôn của Héraclite quả thực đã nói lên một chân lý: mọi vật luôn luôn đổi thay, hôm nay mới hơn hôm qua, ngày mai lại mới hơn hôm nay.

Trước dòng đời trôi chảy không ngừng nghỉ như vậy, Khổng tử đã từng than thở khi nhìn dòng nước: “Chảy mãi thế này ư, ngày đêm không thôi!” (Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!).

Từ chân lý này, vua Thành Thang đã nói: “Ví như mỗi ngày một mới”; điều này có nghĩa: nếu ai ai cũng đã công nhận “mỗi ngày một mới” là một qui luật, thì phải thực hiện một hệ quả thích hợp với qui luật ấy; đó là: “ngày ngày phải đổi mới”. Không đổi mới không được; không đổi mới sẽ bị ủng tắc, sẽ bị lạc hậu, sẽ bị đào thải! Ai không đổi mới, sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi dòng tiến hóa. Dân tộc nào không chịu đổi mới cho kịp thời sẽ bị thua sút, tụt hậu so với những dân tộc khác, khó lòng tránh khỏi ách xâm lược. Vì thế, người ta cứ phải “ngày lại ngày đổi mới” (hựu nhật tân) liên tục không bao giờ ngừng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết “đổi mới” không phải là “chạy theo những cái mới”. “Đổi mới” là làm cho tốt đẹp hơn cũ; còn “chạy theo những cái mới” không hẳn là tốt đẹp. Có nhiều cái mới là những cái xấu, cái hư hỏng, làm băng hoại tinh thần, thể xác con người. Nếu theo mới hoàn toàn, không phân biệt tốt xấu; và thải bỏ những cái cũ không phân biệt tốt xấu, chúng ta sẽ nhanh chóng rơi vào chỗ đánh mất chính mình, vì chỉ biết chạy theo cái mới mà không tự mình có chủ kiến phân biệt.

Hơn nữa, chúng ta lại cần phải biết đổi mới cái gì?

Dĩ nhiên, vua Thành Thang không gạt bỏ ý tưởng đổi mới cách sinh hoạt, đổi mới các cơ chế, pháp độ cho thích hợp với thời thế đổi thay; nhưng chủ ý của ngài vẫn nhấn mạnh vào việc đổi mới tâm hồn, làm cho các đức hạnh, các tập quán mỗi ngày một tốt hơn nhắm tới đích chí thiện. Ví dụ: đã nhân từ thì nhân từ hơn; đã khiêm nhượng thì khiêm nhượng hơn, đã bác ái thì bác ái hơn nữa…

Để làm sáng tỏ chữ “tân”, người giải thích phần Truyện này lại trích dẫn một câu sách thuộc thiên Khang Cáo nói rằng: “Tác tân dân.” (Hãy tạo nên sự đổi mới trong dân chúng.) Nguyên văn câu này như sau:

Dĩ! Nhữ duy tiểu tử. Nãi phục duy hoằng vương, ứng báo Ân dân. Diệc duy trợ vương trạch thiên mệnh, tác tân dân.” (Thôi! Nhà ngươi còn ít tuổi. Phận sự cốt phải truyền bá đức ý nhà vua, giữ gìn cho dân nước Ân được yên ổn. Cũng phải giúp vua định vững mệnh Trời và làm cho nhân dân có đức hạnh mới.) (Kinh Thư, Khang Cáo 7, Thẩm Quỳnh dịch).

Đây là lời Vũ Vương khuyên em là Khang Thúc khi cử ông này đi làm vua chư hầu cai trị nước Vệ. Bổn phận của vua chư hầu là phải giữ gìn cho dân chúng được yên ổn, giúp thiên tử giữ vững mệnh Trời và đổi mới đức hạnh trong dân chúng, để dân xa dần điều tội lỗi và tránh điều tai hại. Vua tự đổi mới chính mình ra sao thì cũng phải tạo điều kiện, tạo phương thế giúp dân đổi mới như vậy.

Ngoài ra người giải thích phần Truyện này không quên trích dẫn một câu Kinh Thi: “Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân. (Nhà Chu tuy là nước đã lâu đời, nhưng có mệnh đổi mới.)

Mệnh đổi mới” ở đây có nghĩa là có mệnh Trời thay nhà Ân làm chủ thiên hạ, nước Chu là một nước nhỏ đã có từ lâu ở miền Thiểm Tây vào thời cổ đại Trung Hoa. Xét về vị trí địa lý, về sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, nước Chu không có gì đặc biệt hơn các chư hầu khác của nhà Ân. Duy có một điều nước Chu hơn, đó là Chu Văn Vương khéo tu nhân tích đức, kế thừa truyền thống nhân đức của Thái Vương và Vương Quí. Văn Vương đã trị dân bằng đức trị, luôn luôn đổi mới chính mình và khuyến khích dân chúng cũng đổi mới đức hạnh như vậy. Do đó, nước Chu đã lôi kéo được mệnh Trời về phía mình, làm cho các nước chư hầu tâm phục, để rồi Vũ Vương có thể thanh toán vua Trụ tàn bạo, trở nên thiên tử cai trị cả thiên hạ.

Sau khi trưng dẫn ba trường hợp: Thành Thang, Vũ Vương, Văn Vương, cả ba vua đều chú trọng đến việc đổi mới khiến cho mỗi ngày đức hạnh càng được tốt hơn, người giải thích phần Truyện đã đi đến kết luận:

Thị cố quân tử vô sở bất dụng kỳ cực. (Vậy nên bậc quân tử không có chỗ nào mà không vận dụng đến cùng tột.)

Các vua Thành Thang, Vũ Vương, Văn Vương là những bậc quân tử đã vận dụng đến cùng tột sự đổi mới từ trong ra ngoài, từ cá nhân đến đoàn thể để cho dân chúng được thái bình an lạc đất nước được thịnh trị. Vì thế, những người theo bậc đại học, đang học tập trở nên hiền nhân quân tử cũng nên theo đó mà cố gắng hết sức đổi mới cả tâm hồn lẫn thân thể, đổi mới gia đình mình và nếu có cơ hội thuận tiện sau này sẽ đổi mới cả đất nước.

Chương III. Chỉ Ư Chí Thiện

Kinh Thi rằng: “Chốn kinh kỳ nghìn dặm, là nơi dân dừng lại.”

Kinh Thi rằng: “Chim vàng líu lo, đậu lại góc gò.” Đức Khổng nói: “Ôi đậu lại, biết chỗ nào đậu, có thể nào người mà không như chim sao?”

Kinh Thi rằng: “Văn Vương sâu xa chừng nào! Ôi, biết dừng cùng với sự sáng suốt kết với niềm cung kính.” Ở địa vị vua, (ngài) dừng lại trong đức nhân; ở địa vị bầy tôi, dừng lại trong đức kính; ở địa vị người con, dừng lại trong đức hiếu; ở địa vị người cha, dừng lại trong đức từ; cùng với người trong nước kết giao, dừng lại trong đức tín.”

Kinh Thi rằng:

“Nhìn bên khuỷu sông Kỳ kia, Bụi tre xanh ngăn ngắt.

Có người quân tử nhã nhặn, Như khắc, như giũa, Như trau, như mài!

Nghiêm biết bao, mạnh biết bao, Sáng tỏ biết bao, rực rỡ biết bao! Có người quân tử nhã nhặn, Trọn đời chẳng thể nào quên!” (Tản Đà dịch như sau:

“Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ. Tre non mới mọc xanh rì vườn ai. Người sao văn vẻ hỡi người, Nhường như cắt, đánh, giũa, mài bấy nay. Lẫm liệt thay, rực rỡ thay, Hỡi người quân tử biết ngày nào quên”). Như khắc như giũa, ấy là đường lối học tập. Như trau, như mài, ấy là tự sửa mình.

Nghiêm biết bao, mạnh biết bao, ấy là đáng kính nể. Sáng tỏ biết bao, rực rỡ biết bao, ấy là thật uy nghi.

Có người quân tử nhã nhặn, trọn đời chẳng thể nào quên, ấy là đường lối thịnh đức chí thiện, dân không thể quên được vậy.

Kinh Thi rằng: “Hỡi ôi, các vua đời trước, người ta chẳng quên.” Người quân tử quí trọng tài năng đức hạnh, mà thân yêu người thân; kẻ tiểu nhân yêu thích điều vui, mà hưởng nhờ điều lợi. Vì thế hết đời người ta chẳng quên vậy.

Trên đây là chương thứ ba của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa] “chỉ ư chí thiện”.

BÌNH GIẢI:

Trong phần Truyện này, có một câu “Tử viết” (Đức Khổng nói), đó là bằng chứng cho biết phần Truyện này không phải của Khổng tử.

Như vậy, nó chỉ có thể là lời của Tăng tử hoặc của một vài môn đệ đời sau góp nhặt ý của Tăng tử, cộng thêm ý của mình mà viết nên.

Để giải rõ điểm thứ ba của cương lĩnh đại học “chỉ ư chí thiện”, người giải thích trước hết trích dẫn một câu Kinh Thi:

Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ: Chốn kinh kỳ nghìn dặm, là nơi dân dừng lại.” Câu này vốn là một câu trong bài thơ Huyền điểu, thiên Thương tụng, nói về chỗ vua nhà Chu đặt kinh đô (Bang kỳ). Trong đó có chữ “chỉ” là dừng lại hay cư ngụ. Vào thời ấy, chốn kinh kỳ là nơi có nhiều ưu điểm:

– Được bảo đảm an ninh, tránh khỏi trộm cướp (vì đó là nơi vua đóng đô).

– Luật pháp được thi hành nghiêm chỉnh, tránh được sự hà hiếp của các quan lại địa phương.

– Thương mại phồn thịnh (vì có nhiều khách thương tới trao đổi hàng hóa).

– Có văn hóa, dễ có cơ hội học hỏi và phát triển tài năng…

Nhất là vua nhà Chu giỏi trị nước, cho nên các ưu điểm trên càng được nâng cao. Vì thế dân chúng khắp nơi đua nhau tìm cách đến đó sinh sống. Biết “chỉ” ở chốn kinh kỳ, xét về một phương diện nào đó, là một sự khôn ngoan. Tuy nhiên sự chọn lựa này không thể được gọi là “chỉ ư chí thiện” (dừng lại trong sự tốt lành cùng cực). Bởi vì, có thể kinh kỳ là nơi phát triển mạnh về văn minh vật chất, là nơi tranh đua danh lợi, địa vị.., khiến cho những người ở đó dễ nảy sinh tính bon chen, khó lòng giữ được tâm hồn trong sạch.

Trích dẫn câu này xem ra chưa đủ sức thuyết phục và chưa làm sáng tỏ được 4 chữ “chỉ ư chí thiện”, cho nên người giải thích phần Truyện lại nêu ra câu Kinh Thi thứ hai:

Miên man hoàng điểu, chỉ ư khâu ngung: Chim vàng líu lo, đậu lại góc gò.”

Đây là câu trích ở bài thơ Miên Man, thiên Tiểu Nhã, diễn tả con chim vàng líu lo khi tìm được một chỗ đậu vừa lòng. Câu này cũng chỉ có một chữ “chỉ” (dừng lại, đậu lại). Đức Khổng nhận thấy câu này có chữ “chỉ” mới động lòng muốn dạy các đệ tử một bài học: Con chim mà còn biết chọn chỗ đậu (tri kỳ sở chỉ), chẳng lẽ con người không biết tìm chỗ dừng lại cho đời mình hay sao? Đức Khổng tuy không nói tới “chỉ ư chí thiện” nhưng hàm ý muốn nhắn nhủ các đệ tử hãy chọn “chí thiện” là chỗ dừng chân, là mục đích học tập thăng tiến, là bến đỗ của đời mình.

Xem chừng ra, người giải thích cố gắng tìm những câu trong Kinh Thi có chữ “chỉ”, cho dù không có 4 chữ “chỉ ư chí thiện”, để phần nào làm sáng tỏ lời Kinh, cho nên đã trích dẫn một câu nữa:

Mục mục Văn Vương ô tập hy kính chỉ: Văn Vương sâu xa chừng nào! Ôi biết dừng cùng với sự sáng suốt kết hợp niềm cung kính.”

Có lẽ vì thấy ý tứ của chữ “chỉ” trong câu này có vẻ mơ hồ, cho nên người giải thích phần Truyện mới thêm những lời sau này để giải rõ về sự dừng lại của Văn Vương:

Vi nhân quân, chỉ ư nhân; vi nhân thần, chỉ ư kính, vi nhân tử, chỉ ư hiếu; vi nhân phụ, chỉ ư từ; dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín: Ở địa vị vua, (ngài) dừng lại trong đức nhân; ở địa vị bầy tôi, dừng lại trong đức kính; ở địa vị người con, dừng lại trong đức hiếu; ở địa vị người cha, dừng lại trong đức từ; cùng với người trong nước kết giao, dừng lại trong đức tín.”

Như thế, có nghĩa là Văn Vương gồm đủ năm đức tính: nhân, kính, hiếu, từ, tín.

Lòng nhân của một vị vua là thương yêu dân như con, lúc nào cũng chăm chắm lo cho dân được an lạc hạnh phúc.

Là một chư hầu của nhà Ân, Văn Vương luôn luôn tôn kính vua Trụ; mặc dù vua Trụ bạo ngược, ngài vẫn không có hành động soán nghịch. Cho dù là vua của một nước quyền cao chức trọng, Văn Vương vẫn hết lòng hiếu thảo với Vương Quí là cha.

Đối với Vũ vương, Chu Công… là các con, Văn Vương cư xử từ ái, khuyên dạy răn bảo, không có sự khắc nghiệt.

Giao kết với mọi người trong thiên hạ, từ các vua chư hầu cho tới các quan và dân chúng, Văn vương luôn luôn giữ điều tín nghĩa, không dối trá, lừa đảo.

Văn vương quả là một tấm gương lớn cho người đời sau về các đức hạnh: nhân, kính, hiếu, từ, tín. Tuy nhiên, trong năm đức này, nhân là đức quan trọng, sâu xa và bao la nhất, bao gồm các đức hạnh khác. Trình bày như trên chúng ta vẫn không thấy rõ đức nhân của Văn vương đạt tới mức độ nào, do đó không biết được Văn Vương đã đạt tới mức “chí thiện” (trọn lành) chưa? Và như vậy, bốn chữ “chỉ ư chí thiện” vẫn chưa được giải rõ!

Có lẽ, chính người giải thích phần Truyện vẫn chưa cảm thấy mãn ý về “chỉ ư chí thiện”; vì thế, ông đã nêu ra một bài Kinh Thi khác để cố gắng dẫn chứng:

“Chiêm bỉ Kỳ úc, Lục trúc a a!

Hữu phỉ quân tử, Như thiết như tha, Như trác như ma.

Sắt hề, giản hề, Hách hề, huyến hề!

Hữu phỉ quân tử, Chung bất khả huyên hề.”

(Nhìn bên khuỷu sông Kỳ kia, Bụi tre xanh ngăn ngắt.

Có người quân tử nhã nhặn, Như khắc, như giũa, Như trau, như mài!

Nghiêm biết bao, mạnh biết bao, Sáng tỏ biết bao, rực rỡ biết bao!

Có người quân tử nhã nhặn, Trọn đời chẳng thể nào quên.)

Đây là bài thơ Kỳ Úc, thiên Vệ phong trong Kinh Thi; nội dung khen ngợi Vệ Vũ Công.

Vũ Công là miêu duệ của Khang Thúc, thuộc dòng dõi Văn Vương, cai trị nước Vệ vào khoảng đầu thời Xuân Thu. Dân chúng nước Vệ mộ mến ông, đã làm bài thơ trên để ghi nhớ. Người giải thích phần Truyện đã cho chúng ta biết ý nghĩa những lời ca ngợi ấy:

– Như khắc, như giũa chỉ đường lối học tập chăm chỉ, chịu khó của người quân tử nhã nhặn (Vệ Vũ Công).

– Như trau như mài chỉ công phu nhẫn nại tự sửa mình, từ bỏ tật xấu, biểu hiện tính tốt.

– Nghiêm nghị (sắt), mạnh dạn (giản), sáng tỏ (hách), rực rỡ (huyến) biểu thị dáng vẻ trang trọng mà tươi tắn, có phong thái uy nghi khiến mọi người phải kính nể, sợ sệt.

Đối với người quân tử nhã nhặn tiến bước trong đường lối thịnh đức chí thiện ấy, dân chúng trọn đời không thể nào quên được.

Căn cứ vào bài Kinh Thi này, chúng ta thấy cách thức học tập tu thân của Vệ Vũ Công quả là đường lối thăng tiến đạo đức đáng ngợi khen và đáng nêu gương. Tuy nhiên bảo rằng Vệ Vũ Công đã đạt tới mức Chí thiện (trọn lành) hay chưa thì nội dung bài thơ vẫn chưa xác định được, bởi vì “chí thiện, tuyệt hảo” là những gì mà ngôn ngữ rất khó miêu tả. Biết được sự hạn chế ấy của ngôn ngữ, cho nên người giải thích đành trích dẫn một câu Kinh Thi chót cho chương này.

Ô hô tiền vương bất vong: Hỡi ôi, các vua đời trước, người ta chẳng quên.” Và người viết phần Truyện cũng triển khai thêm ý tứ do câu Kinh Thi trên gợi ra như sau:

Quân tử hiền kỳ hiền, nhi thân kỳ thân; tiểu nhân lạc kỳ lạc, nhi lợi kỳ lợi. Thử dĩ một thế bất vong dã: Người quân tử quí trọng tài năng đức hạnh, mà thân yêu người thân, kẻ tiểu nhân yêu thích điều vui, mà hưởng nhờ điều lợi. Vì thế hết đời người ta chẳng quên vậy.”

Người xưa thường phân chia những người trong xã hội ra thành hai loại: quân tử là những người thuộc giới cầm quyền cai trị và giới trí thức, tiểu nhân là những người dân thường thuộc quảng đại quần chúng. Nghĩa chữ quân tử và tiểu nhân trong câu sách ở đây cần được hiểu như vậy.

Những người cai trị và giới trí thức (quân tử) cảm phục trước tấm gương đạo đức của các vua đời trước (như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Vệ Vũ Công…), theo gương các ngài “quí trọng tài năng đức hạnh, thân yêu người thân” để bước lên đường chí thiện. Còn những người dân thường (tiểu nhân) thì “yêu thích những điều vui, hưởng nhờ điều lợi” (lạc kỳ lạc, nhi lợi kỳ lợi) do những thể chế, pháp độ tốt đẹp mà các ngài để lại; do đó xã hội được ổn định thái bình. Vì thế, toàn thể dân chúng bao gồm cả quân tử lẫn tiểu nhân đều hết đời chẳng quên.

Đọc đến đây chúng ta thấy mặc dù người giải thích phần Truyện đã có gắng hết mức để giải rõ 4 chữ “chỉ ư chí thiện” của lời Khổng tử trong phần Kinh, nhưng chữ “chí thiện” (trọn lành) xem ra vẫn chưa được sáng tỏ lắm. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng người xưa không có thói quen tự mình giải thích lời cổ nhân mà chỉ tìm những lời của kinh sách đã có sẵn để làm cho rõ nghĩa mà thôi.

Thực ra, đối với người xưa, những hành vi và đường lối của các tiền vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… đã là chí thiện rồi. Đến như Phan Bội Châu cũng đồng ý như thế khi nhận xét về câu kết thúc phần Truyện thuộc chương này: “Quân tử hiền kỳ hiền nhi thân kỳ thân, tiểu nhân lạc kỳ lạc nhi lợi kỳ lợi.” Ông viết: “Công việc bình thiên hạ đến đó là hoàn toàn triệt để, mà chính là hai chữ “chí thiện” ở đầu kinh đó vậy” (Khổng học đăng, quyển I, trang 268).

Chương IV. Bản Mạt

Đức Khổng nói: “Xử kiện, ta cũng như người. Ắt là phải khiến cho không có việc kiện chứ.”

(Khiến cho) những kẻ gian dối không nói được hết lời, (khiến cho) lòng dân rất sợ sệt. Đó gọi là biết gốc.

Trên đây là chương thứ tư của phần Truyện, giải rõ [ý nghĩa] “gốc, ngọn.”

Đó gọi là biết gốc, đó gọi là biết cùng tột vậy.

BÌNH GIẢI:

Để làm cho rõ ý nghĩa thế nào là “bản, mạt” (gốc, ngọn) trong lời Kinh “vật hữu bản mạt” ở trên, người giải thích phần Truyện đã trích dẫn một câu nói của Khổng tử được chép trong sách Luận ngữ: “Thính tụng ngô do nhân dã. Tất dã sử vô tụng hồ. Xử kiện, ta cũng như người. Ắt là phải khiến cho không có việc kiện chứ!” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 13).

Tuy nhiên câu lý giải tiếp theo của người viết phần Truyện lại làm cho nhiều học giả nghiên cứu phải thắc mắc và không hoàn toàn đồng ý với nhau: “Vô tình giả, bất đắc tận kỳ từ, đại úy dân chí. Thử vị tri bản. Những kẻ gian dối không nói được hết lời, lòng dân rất sợ sệt. Đó gọi là biết gốc.”

Thẳng thắn mà nói, chúng ta nhận thấy ý tứ trong câu này có vẻ chẳng ăn nhập gì vào câu nói của Khổng tử ở trên. Thậm chí, 4 chữ “đại úy dân chí”, có người còn dịch là “rất sợ hãi chí của dân” hay “phải sợ dân chí” (Tạ Thanh Bạch).

Như thế, nguyên văn phần Truyện lúc ban đầu có lẽ đã bị mất đi vài chữ hay vài câu nói đó, cho nên bây giờ cứ dịch theo phần còn sót lại, thì thấy ý tứ không được thông suốt sáng tỏ. Theo Phạm Ngọc Khuê, chính Chu Hy cũng cho rằng trong phần này chắc còn thiếu một đoạn văn.

Vì thiếu nhất quán và sáng tỏ trong bản văn, do đó trong các học giả đã có những khuynh hướng giải thích khác nhau về chương này. Trước đây đã từng có khuynh hướng giải thích rằng:

Muốn cho không có việc kiện cáo trong dân, hay nói khác đi, muốn cho dân chúng không còn dám đem nhau đến cửa quan kiện cáo lôi thôi nữa, thì vị quan xử kiện phải có một sự học thấu tới gốc (bản), tức là tự mình làm sáng tỏ minh đức của mình. Đứng trước một vị quan sáng suốt, thấu tình đạt lý, những kẻ gian dối (vô tình) không còn dám nói dối quanh co, dài lời biện bạch, già hàm lão khẩu (bất đắc tận kỳ từ); và dân chúng thì rất sợ sệt, không còn dám đem nhau đến cửa quan kiện cáo nữa (đại úy dân chí). Biết quay về mình để “minh minh đức” như thế gọi là biết gốc (thử vị tri bản).

Tiêu biểu cho khuynh hướng giải thích này là Đoàn Trung Còn. Cụ dịch và giải chương này như sau:

“Đức Khổng dạy rằng: ‘Xử kiện thì ta cũng xử được như người. Nhưng phải làm cho đừng có những việc kiện tụng, há không phải là hay hơn sao?” Tức nhiên nhà cầm quyền phải là bực quang minh chính đại, khiến kẻ chẳng thật tình, kẻ gian ác chẳng có thế già hàm lão khẩu mà hãm hại người hiền; chí dân kính phục mình, họ chẳng dám bày ra những cuộc thưa kiện. Đó mới gọi là biết cái gốc.” (Tứ Thơ: Đại Học, Trung Dung của Đoàn Trung Còn, trang 14, 15).

Tuy vậy, cứ bình tâm mà xét, căn cứ vào ý tứ của Khổng tử, chúng ta thấy lối giải thích này chưa diễn đạt trung thực cái điều mong ước tích cực đúng tinh thần Khổng tử. Bởi vì cho dù dân chúng có sợ sự quang minh chính đại của nhà cầm quyền, không dám đưa nhau đi kiện; điều đó không hẳn đã giải quyết được những mối hiềm khích trong dân. Không giải quyết được những mối hiềm khích thì hận thù không dứt; vì thế xã hội đâu có thái bình, ổn định, an lạc được!

Khi phát biểu: “Ắt là phải khiến cho không có việc kiện chứ” (Tất dã sử vô tụng hồ!), hẳn là Đức Khổng có ý muốn nói: Làm thế nào cho dân chúng được giác ngộ để mọi người thương mến nhau, không còn gây ra sự tranh chấp, xích mích với nhau, không còn gây thiệt hại cho nhau; do đó không có việc kiện cáo xảy ra nữa.

Trước khi chu du liệt quốc 13 năm rồi về quê dạy học trong tuổi già, Đức Khổng đã từng giữ chức Tư khấu (tức Hình bộ thượng thư, như là bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày nay) ở nước Lỗ. Như thế, ngài xử kiện đâu có thua ai. Qua kinh nghiệm xét xử, ngài thấy rằng căn cứ vào lời khai của hai bên nguyên cáo và bị cáo, việc xử kiện không ra ngoài việc xét xử bộc lộ các hành vi ở bên ngoài, rồi căn cứ vào Hình luật để định án. Việc ấy tuy không dễ nhưng cũng có thể đạt kết quả với một quan án thông minh, cần mẫn. Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là giải quyết ở phần ngọn, tức là giải quyết sau khi việc kiện cáo đã xảy ra rồi. Phải làm sao cho dân tự nguyện không cần đến việc xét xử nữa, nghĩa là thiết lập được công bằng xã hội, nhân ái được đề cao mới thật là đạt tới phần gốc.

Muốn vậy, cần phải dạy dân tu thân, tự làm sáng tỏ minh đức ở trong mình, thân yêu lẫn nhau (thân dân), để trong dân chúng không còn kẻ gian dối (tình) nữa. Không còn kẻ gian dối thì sẽ “không còn tình trạng dài lời biện bạch, dài lời vu oan giá họa cho người” (bất đắc tận kỳ từ). Ngoài ra, do tu thân mà dân chúng phát triển đức tự trọng, biết sợ pháp luật, sợ dư luận (đại úy dân chí), không còn dám gây ra việc kiện cáo nữa.

Làm được như vậy (minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện) tức là biết gốc, biết đến cùng tột.

Trong chương này, người giải thích phần Truyện (Tăng tử hoặc môn đệ của Tăng tử) đã vận dụng một câu nói của Khổng tử về việc kiện tụng để giải rõ thế nào là “bản, mạt”. Điều này tuy mang ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng nếu hiểu “bản, mạt” chỉ có vậy thôi, e rằng không diễn được hết ý tứ của lời Kinh ở phần trên.

Lời Kinh viết: “Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy. Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ.” (Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối. Biết chỗ trước sau, thì gần được chân lý.)

Như vậy ý nghĩa của những chữ “bản mạt, chung thủy, tiên hậu” phải được gắn bó với nhau. Sáu chữ trên đi với nhau trong một mạch văn là có ý muốn nói rằng: muốn thành công trong bất cứ một công việc gì, hay đặc biệt hơn cả là muốn đạt chân lý (Đạo), thì người học ở bậc đại học phải biết “phân biệt” và thi hành đúng “trật tự.”

Phân biệt đâu là gốc (bản), đâu là ngọn (mạt).

Phân biệt cần phải khởi đầu (thủy) từ đâu và đến đâu là kết thúc (chung).

Phân biệt việc nào nên tiến hành trước (tiên), việc nào nên tiến hành sau (hậu).

Phân biệt rồi thi hành đúng theo trật tự thì mới có thể đạt kết quả. Nếu không biết phân biệt hoặc đã phân biệt rồi, mà thi hành không đúng trật tự thì sẽ khó nhọc và không thành công.

Như trong ba điểm cương lĩnh đại học (minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện), muốn tiến hành đúng, phải khởi đi từ “minh minh đức” là bản (gốc), là thủy (bắt đầu), là tiên (trước). Còn “thân dân” là mạt (ngọn), là chung (cuối), là hậu (sau).

Đối với “chỉ ư chí thiện” thì “minh minh đức” và “thân dân” lại là bản, là thủy, là tiên. Nếu ai muốn đạt tới chí thiện thì không thể tiến hành bằng cách đảo lộn trật tự này. Thực ra trong khi thực hành, người ta có thể tiến hành song song việc “minh minh đức” cùng với việc “thân dân”, nhưng minh minh đức vẫn là việc cốt tủy. Không thể “thân yêu mọi người” (thân dân) và “dừng lại trong trọn lành” (chí thiện) nếu không bắt đầu từ việc tự mình làm sáng tỏ minh đức của mình (minh minh đức).

Ngoài ra, những bước tiến thứ tự mà Đức Khổng tử đã vạch ra (chỉ, định, tĩnh, an, lạc, đắc) giúp cho con người thành tựu việc minh minh đức cũng phải được phân biệt theo “gốc ngọn, đầu cuối, trước sau”.

Chỉ là gốc của định.

Định là gốc của tĩnh.

Tĩnh là gốc của an.

An là gốc của lự.

Lự là gốc của đắc.

Sáu bước này phải được diễn tiến theo một trật tự trước sau (tiên hậu) rõ ràng. Phải khởi đầu (thủy) từ chỉ mới có thể đạt tới kết thúc (chung) là đắc. Không thể thành công nếu đảo lộn trật tự ấy. Giá như ai đó muốn tính liệu suy tư (lự) về việc thành đạo mà không chịu dừng lại (chỉ) những dục vọng đam mê của mình, thì sự tính liệu suy tư ấy chỉ đưa đến rối loạn tâm thần mà thôi!

Sau nữa, trong Bát điều mục dành cho việc “tu thân” và “bình thiên hạ” cũng phải theo thứ tự “bản mạt, thủy chung, tiên hậu”. Muốn “tu thân” thì phải theo thứ tự:

– Cách vật

– Trí tri

– Thành ý

– Chính tâm

Trong đó cách vật là gốc, chính tâm là ngọn. Muốn “bình thiên hạ” thì phải tiến hành từng bước theo thứ tự:

– Tu thân

– Tề gia

– Trị quốc

– Bình thiên hạ

Trong đó tu thân là gốc, bình thiên hạ là ngọn, tề gia, trị quốc là hai bước trung gian. Không bao giờ có cảnh tượng thiên hạ thái bình, dân chúng an lạc, một khi những bậc lãnh đạo không chịu tu thân, tề gia!

Biết chú trọng đến gốc và thành tựu ở gốc, thì ngọn sẽ thành tựu dễ dàng. Việc “bình thiên hạ” cũng như việc trồng cây. Muốn có hoa thơm trái ngọt (mạt), chỉ cần chăm bón vào gốc rễ (bản). Do đó, kết thúc phần Kinh, Đức Khổng tử mới nói:

Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Kỳ bản loạn, nhi mạt trị giả, phủ hỷ. Kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giải hậu, vị chi hữu dã: Từ thiên tử cho tới người thường dân, tất cả đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Gốc rối loạn, mà ngọn được sửa trị, chẳng có vậy. Nơi đáng dày lại mỏng, mà nơi đáng mỏng lại dày, chưa hề có vậy.”

Như thế, phần Truyện của chương 4 này đem việc xử kiện để bàn về “bản mạt”, đó là chỉ đưa một việc ra làm ví dụ tiêu biểu. Không phải ý của Khổng tử khi nêu ra vấn đề “bản mạt” chỉ giới hạn trong việc xử kiện mà thôi!

Chương V. Cách Vật Trí Tri

Trên đây là chương thứ năm của phần Truyện, vốn là giải rõ ý nghĩa của “cách vật trí tri”, nhưng ngày nay đã mất rồi.

Khoảng thời gian trước, (tôi) đã từng trộm lấy ý của thầy Trình tử để thêm vào rằng: Cái gọi là “trí tri tại cách vật” ấy là muốn nói cho sự hiểu biết của ta đạt tới chỗ thấu đáo, thì phải tìm đến cùng cái lý của sự vật. Bởi vì tính thiêng liêng của tâm hồn con người, chẳng có gì không biết! Thế mà, sự vật trong thiên hạ, chẳng có gì không có lý do! Duy chưa xét đến cùng cái lý, cho nên sự hiểu biết không được rốt ráo. Vì vậy, bậc đại học bắt đầu dạy dỗ, ắt khiến cho người học biết rằng sự vật trong thiên hạ chẳng có gì mà không nhân cái lý đã biết, rồi mở rộng đến cùng để tìm đến chỗ tột bậc. Đến khi dùng sức được lâu dài, mà một sớm thấu rõ thông suốt hết, thì mọi vật từ ngoài vào trong, từ tinh túy đến thô sơ, không có gì không thấu đáo; thế là toàn thể tâm hồn ta, dùng vào mọi sự, không chỗ nào không thấu suốt. Đó gọi là “vật cách”; đó gọi là biết cùng tột vậy.

BÌNH GIẢI:

Theo lời Chu Hy ở đây thì chương 5 phần Truyện đã bị mất từ lâu, kể cả Trình tử, không ai còn biết nghĩa lý ở trong ấy dùng để giải rõ “cách vật trí tri” của lời Kinh là thế nào. Đó là một điều rất đáng tiếc cho giới học giả hậu sinh, không được biết ý kiến của Tăng tử hoặc các môn đệ của ông, những người đã sống vào thời đại hậu Khổng tử.

Tuy nhiên, Chu Hy đã bày tỏ thiện chí trong việc nghiên cứu học thuật tư tưởng cổ nhân bằng cách vận dụng tư tưởng của Trình tử để thuyết minh về vấn đề này. Ông nói: “Cái gọi là ‘trí tri tại cách vật’ ấy là nói muốn cho sự hiểu biết của ta đạt tới chỗ thấu đáo thì phải tìm đến cùng cái lý của sự vật.” (Sở vị ‘trí tri tại cách vật giả’, ngôn dục trí ngô chi trí, tại tức vật nhi cùng kỳ lý dã.)

Trọng tâm câu nói của Chu Hy nằm trong chữ : muốn “cách vật” để “trí tri” thì phải tìm đến cùng cái của sự vật (tức vật nhi cùng kỳ lý dã).

Về phần thích nghĩa này của Chu Hy thay cho chương 5 phần Truyện đã mất, nhiều học giả Việt Nam trước kia chỉ dịch phớt qua, riêng cụ Phan Bội Châu thì bỏ hẳn không dịch, cũng không chép vào trong phần giải thích sách Đại Học (Khổng học đăng).

Chúng ta biết rằng Chu Hy là một bậc đại nho “tập đại thành”, có thế giá rất lớn trong thời Nam Tống. Phần chú giải Kinh Truyện của ông được Tống triều công nhận, dùng làm sách giáo khoa cho các thế hệ học trò về sau; cho nên tư tưởng của ông ảnh hưởng rất nhiều vào giới hậu học. Đầu thế kỷ 20, trước cao trào duy tân và du nhập Tây học, đã có nhiều lời chê bai nặng nề về cái học của Tống Nho, cho là cái học lầm lạc, làm hỏng cái học Khổng Mạnh; và cũng qui cho Tống Nho cái tội làm chậm tiến, bại hoại nền tư tưởng, học thuật Hoa Việt, đến nỗi không theo kịp đà tiến của văn minh học thuật Tây phương… Tiêu biểu là cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng đã viết báo mạt sát Tống Nho như sau:

“Điều khốn nạn nhứt là học khoa cử, phải theo thuyết Tống Nho, mà lại nhận học Tống Nho là học đạo Khổng Mạnh! Từ đó bao nhiêu giẻ rách canh thừa của Tống Nho, do học trò đời Minh đời Thanh phô trương thêu dệt thêm, làm mối hàng đắt mà bán sang cho ta, nào là Đại toàn, Thể chú, Giảng giải, Mông dân, Tồn Nghi, Vy căn, Bị chỉ, gì gì đủ thứ, đều là giống thuốc “nhồi sọ” mà người mình vẫn tôn phụng làm khuôn mẫu thánh hiền, lầm lạc đến thế là cùng!” (“Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?” của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, đăng trong báo Tiếng Dân, trích lại từ Phụ lục của Khổng học đăng II; trang 781).

Có lẽ quá bực dọc về nỗi mất nước, chậm tiến của dân ta dưới thời Pháp thuộc mà cụ Minh Viên nặng lời như thế với Tống Nho chăng? Trích những lời ấy ra đây, chúng ta không có ý muốn biện minh cho Tống Nho hay hoàn toàn đồng ý với cụ Minh Viên (đó là những vấn đề khác, ngoài sách này); nhưng chúng ta chỉ muốn nói rằng cái biết của con người, dù người ấy có thiện chí thế nào, thì cũng là cái biết tương đối. Vì thế, nhân đây, để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa vấn đề “cách vật trí tri” của người xưa, chúng ta hãy xét lại quan niệm của Trình tử và Chu Hy, những đại biểu sáng giá của Tống Nho, về đề tài có liên hệ đến ý tứ trong chương này. Chúng ta làm như vậy để xem quan niệm của các ông có thể dùng được cho việc làm rõ nghĩa lời Kinh và có thể áp dụng được cho người muốn tu thân theo đạo Đại Học hay không?

Như trên đã nói, Chy Hy cho rằng muốn hiểu rõ vật thì phải tìm ra cái của vật. Vậy là gì?

Thực ra, trong lịch sử triết học Trung Quốc, có lẽ chữ “” chỉ một thực tại siêu hình hay qui luật phổ biến dành cho vạn vật, bắt đầu với Mạnh Tử, Trang tử, Tuân tử, Hàn Phi tử… và trong Dịch truyện. Dịch truyện viết: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ” (Giản dị mà cái lý trong thiên hạ thấy được.)

Tùy theo sự suy tư, chiêm nghiệm mà mỗi triết gia có một quan niệm về Lý khác nhau. Vào thời Tiên Tần, Trang tử, Hàn Phi tử cho là qui luật riêng của mỗi vật. Trang tử viết: “Vạn vật thù lý: Muôn vật có lý khác nhau.” Hàn Phi tử viết: “Vạn vật các dị lý: Muôn vật, mỗi thứ có lý khác nhau.”

Đến thời Bắc Tống, đối với Trình Hạo (Minh Đạo) thường được hiểu là qui luật phổ biến chung cho mọi vật. Ông gọi qui luật đó là “thiên lý”. Tạ Lương Tá đã giải rõ quan niệm của thầy mình (Trình Minh Đạo) như sau:

“Xét về nghĩa ‘cách vật cùng lý’ cần phải nhận cho ra thiên lý mới được. Thiên lý có nghĩa là cái lý tự nhiên, không một tơ hào bày đặt. Nay người ta chợt trông thấy một đứa bé sắp ngã xuống giếng, thì người ta ai cũng có lòng hoảng sợ thương hại. Vừa chợt thấy mà lòng thương hại hoảng sợ, đó tức là thiên lý (…) “Thiên” chỉ là “” mà thôi (…). Ông Minh Đạo từng đã nói:

“Cái học của ta tuy có chỗ sở thụ (do người truyền cho) nhưng hai chữ “thiên lý” thì chính tự mình ta tìm ra.” (Trích theo Đại cương Triết học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Quyển Thượng, trang 204).

Như vậy “cách vật cùng lý” theo Trình Minh Đạo là tìm cho ra cái qui luật phổ biến chi phối vật ấy.

Sang đến Trình Y Xuyên (Trình Di), thì là “lý sở dĩ nhiên” (tại sao mà thế). Ông nói: “Sái tảo ứng đối, thị kỳ nhiên, tất hữu sở dĩ nhiên: Vẩy nước, quét tước, thưa gửi là như thế, tất phải có cái lý sở dĩ nhiên.” (tại sao mà thế). Ông còn nói: “Hữu vật tất hữu tắc, nhất vật tu hữu nhất lý: Có vật ắt có phép tắc, mỗi vật phải có một lý.”

Về cái lý sở dĩ nhiên ấy, Trình Y Xuyên cho rằng nó có đủ ở nơi tâm ta: “Vắng lặng chẳng động, hễ cảm là thông, đó là nói về lý ở nơi con người.

Còn bàn về đạo ở nơi vũ trụ, vạn vật, thì muôn lý đều đủ, không còn phải nói cảm cùng không cảm.” (Sđd: trang 207).

Ông lại nói:

Vạn vật giai thị nhất lý, chí như nhất vật nhất sự tuy tiểu, giải hữu thị lý… nhất vật chi lý tức vạn vật chi lý: Muôn vật đều cùng một lý, một sự vật dù nhỏ nhít, cũng vẫn có cái lý chung ấy.”… Lý của một vật, tức là lý của muôn vật… (Ngữ lục, Sđd: trang 207).

Từ căn bản là những quan niệm về của hai anh em họ Trình, khoảng 100 năm sau, ở đời Nam Tống, Chu Hy đã kết hợp học thuyết của Chu Liêm Khê về Thái Cực cùng với học thuyết của họ để lập thành một học thuyết tổng hợp về Lý Thái Cực. Chu Hy nói:

Thái Cực chỉ thị thiên địa vạn vật chi lý: Thái Cực chỉ là lý của trời đất, muôn vật.” (Toàn thư, Quyển 49. Sđd: trang 219). Ông xác định thêm:

Tổng thiên địa vạn vật chi lý, tiện thị Thái Cực: Tổng thể các lý của trời đất muôn vật là Thái Cực.”

Với quan niệm tổng hợp về này, Chu Hy đã vận dụng vào việc bổ khuyết cho vấn đề lý giải hai chữ “cách vật” trong sách Đại Học. Vì chủ trương “Thiên hạ chi vật, mạc bất hữu lý.” (Mọi vật trong thiên hạ, chẳng có vật nào là không có lý.), Chu Hy cho rằng muốn “cách vật” thì phải tìm cho đến cùng cái lý của sự vật (tức vật nhi cùng kỳ lý dã). Để có thể tìm đến cùng lý, ông nói rằng:

Luận cái lý của thiên hạ, thì những điều yếu diệu tinh vi đều chính đáng cả, xưa nay không di dịch. Duy có thánh nhân mới có thể biết hết được, mà những việc làm, lời nói của thánh nhân không có điều gì là không làm phép tắc cho thiên hạ và đời sau. Ai thuận theo là quân tử mà cát, ai trái không theo là tiểu nhân mà hung. Cái điển tích rõ ràng, cái hậu quả tất nhiên, điều gì cũng đủ ở trong kinh huấn sử sách. Muốn cùng cái lý của thiên hạ, mà không lấy đó mà tìm, thì chính là ngảnh mặt vào tường mà đứng vậy. Vì thế mà sự cùng lý phải bởi sự đọc sách vậy.

(Trích dẫn theo Trần Trọng Kim trong Nho giáo, Quyển Hạ, trang 165, 166.)

Về điểm này, Trần Trọng Kim đã có nhận xét chí lý như sau:

Ông tin rằng các lý tự nhiên là thánh hiền đã nói cả trong sách, cho nên mới nói rằng: ‘Đọc sách để xem cái ý của thánh hiền, nhân cái ý của thánh hiền để xem cái lý tự nhiên.’ Thành thử hai chữ cùng lý của ông chỉ chủ ở sự đọc sách vậy. Cái ý kiến ấy có phần hẹp hòi, là vì lý thì có vô cùng chi lý, mà sách thì chỉ bàn xét cái vô cùng, thì sao cho xiết được. Bởi cái tư tưởng ấy cho nên cái học của ông về sau thành ra câu thúc, không mở mang ra được.” (Nho giáo, Quyển hạ, trang 166).

Ngoài ra, vì cho rằng cái lý trong con người thông dự với Lý Thái Cực và cái lý trong con người cũng là lý của muôn vật (quan niệm của Y Xuyên); do đó Chu Hy mới nói trong phần “Bổ cách vật truyện” ở trên rằng:

Cái nhân tâm chi linh, mạc bất hữu tri: Bởi vì tính thiêng liêng của tâm hồn con người, chẳng có gì không biết!”

Từ căn bản của niềm tin này, Chu Hy đã tiến xa hơn trong đường suy luận khi viết:

Duy chưa xét đến cùng cái lý, cho nên sự hiểu biết không được rốt ráo. Vì vậy, bậc đại học bắt đầu dạy dỗ, ắt khiến cho người học biết rằng sự vật trong thiên hạ chẳng có gì mà không nhân cái lý đã biết, rồi mở rộng đến cùng để tìm đến chỗ tột bậc. Đến khi dùng sức được lâu dài, mà một sớm thấu rõ thông suốt hết, thì mọi vật từ ngoài vào trong, từ tinh túy đến thô sơ, không có gì không thấu đáo; thế là toàn thể tâm hồn ta, dùng vào mọi sự, không chỗ nào không thấu suốt. Đó gọi là ‘vật cách’, đó gọi là biết cùng tột vậy.

Xét lại toàn bộ học thuyết của Chu Hy, một đại biểu sáng giá nhất của Tống Nho, về “cách vật cùng lý”, chúng ta có mấy nhận định sau đây:

Cho dù có Thái Cực là cái tổng thể của vũ trụ vạn vật, nhưng lý ấy chỉ thể hiện tính phổ biến toàn vẹn chu tri nơi Đấng Tạo Hóa là Thực tại vô thủy, vô chung, toàn năng, toàn trí. Còn ấy một khi đã thể nhập con người cụ thể, tức là vào không thời gian, thì ấy ắt bị hạn cuộc. Vì bị hạn cuộc, cho nên con người không thể nào thông dự với mọi lý của vạn vật để có thể hiểu biết hết được. Nói rằng: “Tính thiêng liêng của tâm hồn con người, chẳng có gì không biết” (Nhân tâm chi linh, mạc bất hữu tri) là một câu nói quá phận, không nhận ra cái hữu hạn của con người.

Khi Chu Hy nói rằng: “Sự vật trong thiên hạ chẳng có gì mà không nhân cái lý đã biết, rồi mở rộng đến cùng để tìm đến chỗ tột bậc.” (Phàm thiên hạ chi vật, mạc bất nhân kỳ dĩ tri chi lý, nhi ích cùng chi, dĩ cầu chí hồ kỳ cực.); đó là ông muốn nói về phương pháp cần được sử dụng để tìm chân lý. Tuy ông không nói rõ về các phương pháp ấy, nhưng căn cứ vào câu “nhân cái lý đã biết, rồi mở rộng đến cùng” (nhân kỳ dĩ tri chi lý, nhi ích cùng chi), chắc là không ra ngoài các phương pháp suy tưởng mà triết Tây đã nhắc đến. Đó là: trực giác, suy luận (diễn dịch, qui nạp, loại suy), phân tích và tổng hợp.

Tuy nhiên ai đã từng có kinh nghiệm suy tư tìm hiểu thì dù có vận dụng rốt ráo các phương pháp ấy, người ta cũng không thể thông biết hết mọi sự, mọi thứ trên đời. Thực tế cho thấy rằng bên Tây phương, người ta đã vận dụng tích cực các phương pháp suy tưởng ấy cùng với các máy móc, các phương tiện khoa học tân kỳ, tinh vi để tìm hiểu về vũ trụ, vạn vật qua rất nhiều môn học như: vật lý, hóa học, địa lý, sinh vật học, thiên văn học, hải dương học, nguyên tử học… Thế mà cái biết của nhân loại ngày nay cũng chỉ là cái biết tương đối và hạn chế. Đâu có nhà bác học nào dám nói rằng đã biết hết mọi sự, biết đến cùng tột?

Thế mà Chu Hy dám nói: “Đến khi dùng sức được lâu dài, mà một sớm thấu rõ thông suốt hết, thì mọi vật từ ngoài vào trong, từ tinh túy đến thô sơ, không có gì không thấu đáo; thế là toàn thể tâm hồn ta, dùng vào mọi sự, không chỗ nào không thấu suốt.” (Chí ư dụng lực chi cửu, nhi nhất đán hoát nhiên quán thông yên, tắc chúng vật chi biểu lý, tinh thô, vô bất đạo, nhi ngô tâm chi toàn thể, đại dụng, vô bất minh hỹ.) Nói như vậy chẳng là đại ngôn, quá lời hay sao! E rằng vào lúc còn sinh thời, Khổng tử cũng không nói quá như vậy. Ví dụ, khi trả lời đệ tử hỏi về việc chết, Khổng tử nói: “Vị tri sinh, an tri tử?” (Chưa biết việc sống, sao biết việc chết?) Chẳng trách được, về sau Vương Dương Minh theo những lời dạy ấy để “cách vật” đến nỗi đã phát bệnh. Về chuyện này, Trần Trọng Kim viết:

Khi Dương Minh mới 17 tuổi, đến Giang Tây cưới vợ rồi lúc trở về đi thuyền qua huyện Quảng Tín có lên bái yết Lâu Nhất Trai, nghe cái học cách vật của Tống nho. Nhất Trai nói rằng: ‘Người ta có thể học đến làm thánh nhân được.’ Ông lấy làm khế hợp. Từ đó ông về lấy sách của Chu Hối Am (Chu Hy) ra học. Một hôm ông nghĩ rằng: Tiên nho bảo mọi vật có trong ngoài và tinh thô, một cỏ một cây đều có đủ cái lý. Ông lấy cây trúc chẻ ra xem, nghĩ mãi không thấy cái lý, lấy làm buồn bực, đến nỗi thành bệnh. Ông tự an ủi rằng làm bậc thánh hiền là phải có phận, bèn theo đời mà học từ chương.

Sau khi ông đỗ hương thí, ông vào thi hội không đỗ, về nghĩ ngợi, cho sự học từ chương không đủ làm cho mình suốt đến đạo được. Năm 27 tuổi, một hôm ông đọc bài sớ của Chu Hối Am dâng cho vua Quang Tông nhà Tống có nói rằng: ‘Phải lấy sự cư kính và tri chí làm cái gốc của sự đọc sách, phải lấy sự theo tuần tự cho đến chỗ tinh vi làm cái phép của sự đọc sách.’ Ông mới hối rằng: khi trước ta dùng sức tuy cần mà chưa từng theo tuần tự để đến chỗ tinh vi, cho nên không có cái sở đắc. Từ đó ông cứ tuần tự mà nghĩ ngợi, song càng nghĩ càng thấy vật lý và tâm của mình như là chia ra làm hai vậy, trong bụng vẫn bàng hoàng không biết tự xử ra sao, rồi trầm uất và bệnh cũ lại phát ra.” (Nho giáo, Quyển hạ, trang 241).

Xem như vậy, tuy chưa cố ý luận bàn về những ưu khuyết điểm của cái học Tống nho, ở đây chúng ta đã thấy học thuyết của Chu Hy đã để lại một số di hại cho những học trò quá thành tín với đường lối của ông như sau:

– Quá chú trọng vào tính thiêng liêng của tâm, không nghiên cứu về vật bằng phương pháp thực nghiệm; do đó nảy sinh tình trạng cứ suy tưởng mông lung, không để tâm đến những điều thiết thực.

– Cho rằng có thể tìm thấy chân lý ở trong sách, vì thế khoa học thực nghiệm không có cơ phát triển được. Do đó có sự ly cách giữa người đọc sách và những người sinh hoạt trong thế gian.

– Tin tưởng rằng chỉ có thánh hiền (Khổng, Mạnh) mới có thể biết hết được, điều gì cũng có đủ trong kinh huấn sử sách (Nho giáo), cho nên không cần và cũng không nên học điều gì thêm ở các sách khác.

Đó chính là những lý do khiến cho sự học vấn ở Trung Hoa và Việt Nam bị bế tắc cả gần 1.000 năm, không phát triển được, chỉ nặng về việc đẽo gọt từ chương. Hậu quả là làm cho dân tộc chậm tiến và nảy sinh óc kỳ thị, bất khoan dung với những nền học vấn khác.

Trở lại vấn đề “cách vật trí tri”, nếu theo sự hướng dẫn của Chu Hy, “cách vật” mãi mà không “cùng lý”, “trí tri” không thành tựu, thì sao có thể tiến đến những bước tiếp theo là “thành ý, chính tâm” để tu thân được? Thế mà lời Kinh của Đức Khổng lại nói: “Vật cách nhi hậu tri chí…” Bây giờ loay hoay mãi mà không cách vật được (không hiểu thấu đáo sự vật) thì biết đâu mà tu thân! Thân không tu, sao có tề gia, trị quốc, bình thiên hạ! Đó là cái điều bế tắc trong sự học của Tống Nho!

Như vậy, trở lại với lời Kinh, trong tinh thần của Khổng tử, chúng ta phải hiểu “cách vật” theo một hướng khác mới có thể “trí tri” để có thể thành tựu việc tu thân. (Xin xem lại phần Cách vật ở trên khi giải thích lời Kinh của Khổng tử).

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x