Trang chủ » Đại Học – Tổng Luận

Đại Học – Tổng Luận

by Hậu Học Văn
517 views

Trong Khổng môn, Đại Học được coi là cuốn sách khởi đầu và là sách quan trọng nhất hướng dẫn người học tiến bước trong Nhân đạo.

Thầy Trình tử nói: “Đại Học, sách của họ Khổng để lại, là cửa vào đức hạnh của người mới học.” (Đại Học Khổng thị chi di thư, nhi sơ học nhập đức chi môn dã.). Đối với những người có duyên với Khổng học, có chí trở nên thánh hiền, muốn từ nhân đạo bước lên thánh đạo, thông dự với Trời trong thiên đạo, thì có sách Trung dung. Nhân đạo là đạo làm người, làm con người đích thực, con người công chính, con người hoàn hảo. Người hoàn hảo không chỉ thành tựu cho riêng mình, mà còn thành tựu cho mọi người, cùng nắm tay nhau đến cõi chí thiện. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, người hoàn hảo (Phật) không chỉ tự độ, mà còn độ tha, để “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), đạt tới giác hạnh viên mãn.

Muốn làm con người đích thực, phải hiểu bản thân con người vốn là gì. Nếu không hiểu bản thân con người là gì, không thể dựa vào đâu làm nền để thăng tiến. Nếu bản thân con người vốn không có gì là siêu việt, mà chỉ là một tổ hợp thuần cát bụi, thì cũng chẳng thể thăng tiến được; quá lắm chỉ là một nắm cát trong sa mạc mà thôi. Nếu chỉ có thế thôi, các triết gia còn phải bàn làm gì cho lắm! Tuy nhiên, từ cổ chí kim đã có vô số triết gia luận bàn, xây dựng nên những nền triết học đồ sộ, cho dù không đúng hẳn, vẫn cho thấy rằng bản thân con người là cái gì đó “không phải cát bụi”.

Bằng một câu vắn gọn, sách Đại học đã nói đến bản thân con người và sứ mệnh của con người trong trần gian như sau:

Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.

Sách Đại Học nói về minh triết, cho nên ngôn ngữ Đại học vắn gọn, cô đọng, ít lời nhiều ý. Nói theo kiểu luận lý học (logique) Tây phương, ngôn ngữ Đại học ngoại trương (extension) nhỏ, nội hàm (compréhension) lớn. Lớn không phải chỉ là lớn về không gian, thời gian, mà còn lớn về chiều kích siêu hình mênh mông, sâu xa thăm thẳm.

Về không gian, ngôn ngữ Đại học đề cập đến con người của mọi nơi, của toàn thể nhân loại.

Về thời gian, ngôn ngữ Đại học đề cập đến con người thuộc mọi thời, từ khi có loài người cho đến tận thế.

Về chiều kích siêu hình, Đại học đề cập đến con người tinh thần không bị hạn cuộc trong thân xác nhỏ nhoi, tương đối.

Người ta có thể hỏi: Tại sao minh triết lại nói kiểu vắn gọn khó hiểu như vậy?

Xin thưa: minh triết là viên ngọc quí Trời trao cho nhân loại qua các thánh hiền. Minh triết không phải là điều để nói chơi, nói đùa; không phải là cái phụ thuộc, có hay không cũng không quan hệ. Minh triết là chân lý chỉ đạo, là ánh sáng định hướng cho con người tìm thấy sự sống vĩnh hằng để được hạnh phúc an lạc. Vì thế, minh triết luôn luôn được trình bày một cách cô đọng, khó hiểu. Cô đọng khó hiểu để thử thách con người. Minh triết chỉ dành cho những người thành tâm thiện chí. Thiếu thành tâm, thiện chí không thể tiếp thu minh triết, bởi vì họ không hiểu gì cả. Thành tâm, thiện chí thuộc về con mắt tâm linh. Đó là sự thách đố ban đầu để kén chọn, tuyển lựa. Có lẽ phải mượn lời Đức Giêsu trong Tân Ước: “Ai có tai thì nghe.” (Matthêu: 13, 9) để nói về minh triết. Nghĩa là ai nghe hay không nghe, hưởng ứng hay không hưởng ứng thì tùy lòng!

Minh đức: Bản thể siêu hình của con người

Nói về bản thân con người , sách Đại học không nói rườm rà về thân xác con người. Thân xác con người là đối tượng nghiên cứu của cơ thể học, sinh vật học và y học; đó là tổ hợp của cát bụi và nước. Nói theo Phật giáo, thân xác là sự giả hợp của tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong (đất, nước, lửa, gió).

Sách Đại học chỉ nói tới minh đức là phần linh thiêng, cao cả nơi con người. Nói trống không như vậy, không chỉ riêng vào ai có nghĩa là Đại học nói đến mọi người trong mọi thời. Ai cũng có minh đức. Đại học không cần xác định có minh đức hay không theo kiểu nói ngày nay “Con người có linh hồn hay không?” Còn nói “có hay không” là kiểu nói nửa vời, nói tiêu cực, không xác tín. Đại học nói “minh minh đức” tức là đã khẳng định có “minh đức” rồi.

Còn cái điều thắc mắc có hay không có minh đức là phần vụ giải thích dành cho các triết gia đời sau.

Các bậc hiền triết như Khổng, Lão không hề quan tâm đến chuyện ấy. Thực ra người nêu ra thắc mắc ấy là người đã đánh mất trực giác ban sơ rồi. Người ấy đã chịu sự chi phối của lý trí nhị nguyên, của thói quen suy luận, tức là đã ở trong tình trạng sa đọa tinh thần rồi.

Những kẻ ấy thì nhiều, cho nên, chúng ta cũng tạm mở một dấu ngoặc để giải đáp gợi ý một chút.

Minh đức là linh hồn con người nói theo ngôn ngữ Tây phương. Người ta có thể gián tiếp thấy linh hồn qua tư tưởng, qua tình cảm, ý chí qua sự phản tỉnh và tự do. Tư tưởng, tình cảm, ý chí, sự phản tỉnh và tự do là những sinh hoạt tâm lý thuộc hiện tượng tinh thần con người. Như một bầu trời đầy sương mù vào ban đêm chỉ thấy được khi có ánh đèn pha chiếu soi, hiện tượng tinh thần chỉ có được khi có sự hiện diện của linh hồn ở đằng sau. Nói khác đi, chính minh đức là thực tại làm nền cho sinh hoạt tinh thần phong phú nơi con người, khiến cho con người khác con vật.

Trở lại với sách Đại Học, khi nói “làm sáng tỏ minh đức” (minh minh đức), Khổng tử muốn nói rằng minh đức vốn có từ trước, nhưng do chính con người đã làm cho mờ tối đi, hoặc do chính mình hoặc do di truyền, hoặc do cả hai. Với vỏn vẹn 3 chữ “minh minh đức” thôi, sách Đại học đã nêu ra đồng thời giải quyết vấn đề siêu hình đã từng làm nhức đầu biết bao nhiêu triết gia của nhân loại. Như vậy, sách Đại Học xác định:

– Con người có một nền tảng siêu hình tại bản thân, đó là minh đức.

– Nền tảng siêu hình ấy chính là bản tính con người.

– Bản tính ấy đã từng bị mờ tối đi.

– Điều tiên quyết trong sứ mệnh của con người là làm cho bản tính ấy được sáng tỏ trở lại.

Thân dân

Có làm sáng tỏ được minh đức, người ta mới thành tựu được bước thứ hai trong sứ mệnh làm người là thân dân (thân yêu mọi người). Dĩ nhiên, trong thực hành người ta có thể đồng thời vừa minh minh đức vừa thân dân, nhưng để thân dân cho rốt ráo, người ta cần minh minh đức thật trọn vẹn.

Ở đây, sách Đại học lại đặt ra một vấn đề tiếp theo. Đó là công nhận tha nhân đều có minh đức, và chính vì tha nhân có minh đức, cho nên bổn phận của con người là phải thân yêu tha nhân. Tuy không nói rõ ra, nhưng người học phải ngầm hiểu rằng công việc rốt ráo của sự thân yêu tha nhân là làm cho tha nhân cũng biết minh minh đức.

Do ý tứ tiềm tàng trong hai chữ thân dân, mà sang phần sau, Kinh văn mới nói đến việc trị quốc, bình thiên hạ cốt để “minh minh đức ư thiên hạ”.

Chỉ ư chí thiện

Với ba chữ “minh minh đức”, sách Đại học vừa xác định, vừa đưa ra cách thế giải quyết cho vấn đề thân phận con người. Tự mình minh minh đức, đồng thời giúp cho tha nhân cũng biết minh minh đức, tức là mọi người cùng “chỉ ư chí thiện” (dừng trong sự tốt lành cùng cực). “Chỉ ư chí thiện” là bước thứ ba của cương lĩnh Đại học. Không ai biết phần tiếp theo của “chỉ ư chí thiện” là thế nào? Bấy giờ nhân loại sẽ được hạnh phúc ra sao? Có nơi chốn nào nhân loại được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vĩnh cửu? Nơi đó là Thiên đường, Niết-bàn, hay Cung trời nào?

Chúng ta biết rằng “minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện” thuộc về phần hành; trong đó khởi sự bằng ba động từ (verbe) chỉ sự tiến hành: minh, thân, chỉ. Còn biết về kết quả của cuộc hành trình ba bước đó (hạnh phúc, nơi chốn hạnh phúc) thuộc về phần tri.

Ai đã từng thấm nhuần triết học Đông phương đều biết các thánh hiền Đông phương không có thói quen phân biệt tri với hành, tách tri với hành thành hai phần khác nhau. Các ngài luôn luôn gắn liền tri hành với nhau thành tri hành hiệp nhất. Trong tri hành, trong hành tri. Chẳng những thế, các ngài còn nhấn mạnh tới “hành động vô cầu”, hành động mà không cầu mong kết quả. Chỉ có “hành động vô cầu” mới có giá trị, mới thực sự giúp con người giải thoát. Như vậy, trong quan điểm của triết Đông thì cứ hành đi rồi sẽ tri. Nghĩa là cứ minh minh đức, cứ thân dân chỉ ư chí thiện đi, rồi sẽ biết hạnh phúc chân thật là thế nào, và nơi chốn nào là cõi phúc chân thật. Bởi vì chưa cần thành tựu ở cuối con đường sứ mệnh “chỉ ư chí thiện”, mà ngay lúc đang hành trình minh minh đức, thân dân, người ta đã được nếm mùi hạnh phúc đó rồi.

Sau khi nêu ra cương lĩnh ba bước, sách Đại học phác họa ra hai nẻo đường: một nẻo đường tự làm sáng tỏ minh đức cho chính mình, một nẻo đường làm sáng tỏ minh đức cho tha nhân. Sách Trung dung cũng nói đến hai nẻo đường:

Thành kỷ, nhân dã; thành vật, trí dã; tính chi đức dã; hiệp ngoại nội chi đạo dã: (Thành tựu cho mình là đức nhân, tác thành cho mọi vật là đức trí: đó là công năng của bản tính; đó là kết hợp đạo lý cả trong lẫn ngoài.) (Trung Dung, chương 25). Ở đây, minh minh đức thuộc về “thành kỷ” gọi là nội đạo; thân dân thuộc về “thành vật” (chữ vật ở đây chỉ chung mọi loài, trong đó có loài người), gọi là ngoại đạo.

Mở đầu phần nội đạo là câu: “Tri chỉ nhi hậu hữu định…”

Mở đầu phần ngoại đạo là câu “Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả…

Xen vào giữa hai nẻo đường nội ngoại là câu nói về phương pháp tiến bước trong mỗi nẻo đường: “Vật hữu bản mạt; sự hữu chung thủy. Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ.

Nội đạo

Sách Đại học không nói đến nội đạo, nhưng con đường tự làm sáng tỏ minh đức của mình chính là nội đạo của sách Trung dung. Làm sáng tỏ minh đức chính là thành tựu đức nhân nơi mình. Công giáo gọi đây là đường vào Cửa Hẹp. Vào Cửa Hẹp tức là từ bỏ con người riêng tư với những ý tưởng ô trọc xa rời ý Chúa. Trong Tân Ước, Đức Giêsu dạy hãy cầu nguyện. Cầu nguyện tức là từ bỏ ý riêng để cho ý mình với ý Chúa nên một. Bấy giờ linh hồn trong sáng không nhuốm bụi trần. Đó là tình trạng Minh Đức được sáng tỏ trọn vẹn.

Đi vào Minh triết, chúng ta không nên để cho mình vướng mắc trong ngôn ngữ để rồi nảy sinh ra những sự kỳ thị đây kia. Nói theo Trang tử thì “được cá phải quên nơm, được ý phải quên lời”.

Khổng tử đã nêu ra quá trình để đạt tới trạng thái minh đức được sáng tỏ như sau:

Tri chỉ nhi hậu hữu định. Định nhi hậu năng tĩnh. Tĩnh nhi hậu năng an.

An nhi hậu năng lự. Lự nhi hậu năng đắc.” “Tri chỉ” có thể được hiểu trong hai nghĩa:

– Tri chỉ là biết chỗ dừng lại. Đó là cõi chí thiện.

– Tri chỉ cũng là biết dừng lại.

Dừng lại sự ham muốn vô bờ bến của lòng người. Ý tưởng vọng động được dừng lại, thì tâm hồn sẽ ổn định. Tâm hồn ổn định sẽ khiến cho cõi tiềm thức nội tâm được thinh lặng và an bình. Đó là một quá trình đi từ ý thức vào sâu trong nội tâm. Ai đã từng tìm hiểu khoa Tâm lý học Tây phương hiện đại qua ba ngành: Tâm lý học cổ điển (Psychologie), Phân tâm học (Psychanalyse), Tâm lý học các miền sâu (Psychologie des profondeurs), thì sẽ thấy quá trình tâm lý được sách Đại học vạch ra: chỉ, định, tĩnh, an, lự rất phù hợp với qui trình tâm lý con người. Nếu người tu đạo hướng nội từng bước theo qui trình ấy ắt sẽ đắc đạo, tức là đạt được trạng thái minh đức sáng tỏ.

Ngoại đạo:

Ngoại đạo là con đường hướng ngoại: hướng về tha nhân, hướng ra xã hội. Con đường làm sáng tỏ minh đức cho mọi người của sách Đại học chính là con đường “thành vật” của sách Trung dung. Thành vật theo nghĩa gần gũi nhất là thành tựu cho tha nhân. Muốn cho tha nhân cũng “minh minh đức” thì phải biết tạo một môi trường thích hợp, một hoàn cảnh thuận tiện. Đối với đại chúng, những câu tục ngữ “Có thực mới vực được đạo”, “Phú quí sinh lễ nghĩa”, hay “Bần cùng sinh đạo tặc” vẫn có ý nghĩa nhất định, vẫn đáng để cho những nhà cai trị suy ngẫm. Vì thế, ở vai trò lãnh đạo quốc gia, người quân tử phải lo trị quốc, bình thiên hạ, tức là làm cho đất nước ổn định, xã hội thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, no đủ, rồi mới nói đến chuyện “minh minh đức”. Do đó, mở đầu phần ngoại đạo, Khổng tử nói: “Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc.

Muốn trị nước thành công, phải biết tề gia. Muốn tề gia, phải tu thân. Muốn tu thân, phải chính tâm. Muốn chính tâm, phải thành ý. Muốn thành ý, phải trí tri. Muốn trí tri, phải cách vật. Hay nói ngược lại, người cai trị phải thành tựu từ bước khởi đầu cho đến bước kết thúc là: vật cách, tri trí, ý thành, tâm chính, thân tu, gia tề, quốc trị, thiên hạ bình.

Thế là nẻo đường đi ra ngoài để thân yêu người (thân dân), giúp mọi người làm sáng tỏ minh đức gồm có 8 bước, gọi là Bát điều mục. Trong 8 bước đó, chỉ có 3 bước sau (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) là những bước chính thức hướng ra ngoài; còn 5 bước đầu (cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân) vẫn thuộc về chính con người lãnh đạo, 5 bước này lại có quan hệ rất chặt chẽ với 6 bước thuộc nội đạo: chỉ, định, tĩnh, an, lự, đắc.

Người lãnh đạo nào thành tựu được cả nội đạo ngoại đạo ấy tức là thành tựu được đạo “nội thánh ngoại vương” (trong là thánh, ngoài là vua). Đó là một vị Thánh vương, xứng đáng là Thiên tử thay Trời trị dân, thay Trời hoằng đạo trong cõi nhân sinh. Xem thế thì, từ xưa đến nay, người ta chỉ lạm dụng danh từ Thiên tử để rồi ép buộc dân theo ý mình, chứ thực ra chẳng riêng gì nước Trung Hoa, cả nhân loại cũng chưa có một vị Thánh vương như vậy!

Nói như thế, có phải cho rằng Khổng tử hay là sách Đại học đã nêu ra một lý tưởng quá siêu việt, một ảo tưởng vượt quá sức con người hay không?

Xin thưa, đã gọi là lý tưởng thì phải siêu việt. Khổng tử do công tu học đã nêu ra được những nguyên tắc hợp lý, chặt chẽ để xây dựng nên mẫu người lý tưởng ấy. Điều đó thật đáng ca ngợi rồi. Còn trong thực hành, những người học đạo Nho phải cố gắng, đạt được đến đâu hay đến đó, đạt được càng nhiều càng tốt. Đạt được một nửa những nguyên tắc ấy thôi, đã là bậc quân tử rồi. Ví thử, nhân loại đạt được một nửa là những quân tử, thì trái đất này đã đổi khác.

Phương pháp

Thực hành nội đạo ngoại đạo đều cần tới phương pháp. Có phương pháp thì tiến hành dễ dàng và sẽ thành công nhanh chóng. Không phương pháp công việc thực hành sẽ khó khăn gấp bội, người ta sẽ gặp lúng túng và thất bại.

Đi vào đạo Đại học, phải biết phân biệt gốc, ngọn (bản mạt) coi nặng điều chính, coi nhẹ điều phụ, lại phải biết phân biệt đầu cuối (chung thủy) tức là biết khởi đầu từ đâu, kết thúc ở đâu. Ngoài ra, trong một chuỗi công việc, người thực hành phải biết tiến hành trước sau cho có thứ tự (tiên hậu). Việc nào cần dành sức nhiều, việc nào chỉ cần dùng sức ít, cũng phải được cân nhắc. Đó là sự cân nhắc điều gì là dày (hậu), điều gì là mỏng (bạc), để có một sự chú tâm tương xứng.

Phương pháp của sách Đại học phải được xem như là một thứ luận lý học (logique) hay một thứ phương pháp luận (méthodologie) của Nho gia. Luận lý ở đây không có tính cách hình thức như của Aristote (Tam đoạn luận). Nó có thể được xem như diễn dịch toán học, từng bước một, mỗi bước dẫn tới một kết quả mới.

Cương lĩnh Đại học bao gồm toàn các hành vi đạo đức. Muốn đạt tới chí thiện, các hành vi đạo đức không dành riêng cho ai. Tất cả mọi người, từ vua quan, tức là cả hệ thống chính quyền cai trị, cho đến dân đen đều phải tu thân. Tu thân là khép mình trong khuôn khổ đạo đức.

Như thế, ngoài Đạo đức học là những giáo huấn gắn liền với đạo Nho, chúng ta còn thấy sách Đại học đề cập tới cả siêu hình học, tâm lý luận lý học. Trong khi triết Tây tách riêng đạo đức, siêu hình, tâm lý, luận lý thành các môn riêng biệt, thì sách Đại học gồm chung cả bốn môn trên làm nên một thứ triết lý cơ cấu chặt chẽ, nhất quán, bổ sung cho nhau. Đó là một nét đặc trưng của triết Đông vậy.

Đa số các học giả chú trọng vào phần Truyện hơn phần Kinh. Sau đây, chúng ta hãy nhìn chung lại mười chương truyện:

Chương 2 là chương “Tân dân. Không hiểu vì lý do gì mà người giải thích đã xa rời mất hai chữ “thân dân” của phần Kinh. Thậm chí, Trình tử còn muốn sửa chữ “thân” ra chữ “tân” nữa. Chu Hy và hầu hết các học giả sau này đều đồng ý như vậy. Đó là điều đáng tiếc!

Chương 5 là chương “Cách vật trí tri” thì đã mất hẳn. Chu Hy đã đem cách lý giải của mình vào, có nói là dựa theo Trình tử; xem chừng ra không hẳn đã thể hiện được ý tứ của Khổng tử trong phần Kinh.

Còn lại các chương gồm:

Chương 1 bàn về “minh minh đức”

Người giải thích chủ yếu trích dẫn mấy câu thuộc phần Chu Thư, Thương thư và Ngu thư trong Kinh thư:

– Một câu có chữ minh đức (nhưng minh ở đây, là động từ, chứ không phải là tính từ kết hợp với đức thành minh đức).

– Một câu có chữ minh mệnh.

– Một câu có chữ tuấn đức.

Như thế, phần giải thích 3 chữ minh minh đức ở đây chưa được sáng tỏ lắm.

Chương 3 bàn về “Chỉ ư chí thiện”

Người giải thích trích dẫn Kinh Thi, và một câu Kinh Thi và cả lời tán thán của Khổng tử cũng không cho kẻ hậu sinh thấy rõ được ý nghĩa hai chữ “chí thiện”, ngoài hai tấm gương đáng cho hậu thế soi chung: Văn Vương và Vệ Vũ Công. Văn Vương gồm đủ năm đức tính nhân, kính, hiếu, từ, tín. Vệ Vũ Công là người quân tử nhã nhặn, chịu khó rèn tập tính tốt và có dáng vẻ trang trọng, tươi tắn, uy nghi, khiến mọi người phải kính nể.

Xem thế, phần Kinh không nói rõ, phần Truyện cũng không giải rõ “chí thiện” là thế nào. Vậy ngày nay, chúng ta có thể hiểu “chí thiện” ra sao? Chí thiện là “trọn lành” thế thì người chí thiện hẳn là một bậc thánh. Thánh là gì? Thánh là con người quán Tam tài (thông suốt ba tài năng Trời, Đất, Người). Đó là con người lý tưởng có thể thông dự vào năng lực Trời, năng lực đất thấu rõ tình người và yêu thương con người. Nhờ có minh đức sáng tỏ, bậc Thánh có khả năng tiếp thu được ý Trời, đồng thời có khả năng thông tri, truyền đạt ý Trời cho mọi người và tận tụy phục vụ mọi người.

Chương 4 bàn về “Bản mạt”

Người giải thích chỉ nêu ra một trường hợp xử kiện để nói về việc biết gốc (bản), biết cùng tột. Sự giải thích dường như còn thiếu sót và có vẻ nghèo nàn.

Chương 6 bàn về “thành ý”

Người giải thích quả là xuất sắc khi dùng ví dụ: “như ghét mùi hôi thối, như ưa thích cảnh đẹp” (như ố ác xú, như hiếu hảo sắc) để nói lên ý thành thật. Tư tưởng trong phần này lại có ý qui hết về chương thứ nhất của sách Trung dung với 2 lần nhắc lại câu: “Cố quân tử tất thận kỳ độc dã.” Thận trọng lúc ở một mình quả là đường lối cần thiết dẫn tới “suất tính” để thành tựu thánh đạo.

Chương 7 bàn về “Chính tâm tu thân”

Người giải thích cho rằng cần phải chính được tình cảm. Tư tưởng ở đây cũng hàm ý qui chiếu về sách Trung Dung: Tình cảm khởi diễn thì phải trúng tiết. Trúng tiết là hoà, hoà thì chính đáng. Không trúng tiết thì không có hoà, tức là không chính đáng. Ví dụ: không đáng giận mà giận, không đáng sợ mà sợ, không đáng vui mà vui, không đáng buồn mà buồn… Những tình cảm đó diễn ra không trúng tiết, cho nên không chính đáng.

Ngoài ra, tình trạng “tâm bất tại”, nói theo nhà Phật là tình trạng “tâm viên ý mã” (lòng vượn ý ngựa), ý tưởng nhảy nhót bâng quơ, xa rời thực tại, cũng là tâm bất chính. Giữ cho tâm được chính ấy là tu thân.

Chương 8 bàn về “tu thân tề gia”

Người giải thích nhấn mạnh về sự cần thiết phải điều chỉnh sự thiên lệch trong tâm mình để yêu, ghét cho chính đáng mới “tu thân, tề gia” được. Ví dụ: quá yêu thương con mình, không nhận thấy lỗi lầm của nó thì không “tề gia” được.

Chương 9 bàn về “tề gia trị quốc”

Người giải thích cho rằng nhà là gốc của nước. Trước khi nghĩ đến việc trị nước, phải lo điều chỉnh việc nhà. Thế mà trong việc nhà lại cần phát triển các đức hiếu, đễ, từ. Giữ trọn đạo hiếu, đễ, từ thì gia đình có sự kính nhường, có phép tắc, có tình yêu thương, tức là tề gia. Đem những đức tính ấy triển khai ra ở qui mô lớn hơn tức là trị quốc. Người viết đã trích dẫn Kinh Thư (Khang Cáo), Kinh Thi để biện minh cho lý luận của mình.

Chương 10 bàn về “Trị quốc bình thiên hạ”

Người giải thích đã triển khai đức hiếu thành đức lão, đức đễ thành đức trưởng, đức từ thành đức tuất. Từ ba đức khởi đầu này, đạo lý trị quốc được chuyển sang đạo thứ: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.” (Điều gì mình không muốn đừng làm cho người.) Đó chính là đạo “hiệt củ”, là khuôn vàng thước ngọc trong việc đối xử với tha nhân.

Như vậy, việc trị nước phải đặt căn bản ở đức. Có đức mới giữ được mệnh trời, mới được dân ủng hộ. Giữa đức tài (của cải), phải xem đức là gốc, là chính; còn tài (của cải) chỉ là ngọn, là phụ. Nguyên tắc về bản mạt (gốc ngọn) trong phần Kinh đã được triển khai ở đây rất kỹ lưỡng.

Không những phải xem của cải là phụ, mà ngay cả tài năng cũng không phải điều trọng yếu đối với bậc lãnh đạo quốc gia. Giữa đức hạnh tài năng, đức phải được trọng hơn. Có đức mới quy tụ được những kẻ hiền tài, mới an được dân. Vận dụng đức trong việc trị nước tức là thi hành nhân nghĩa đó vậy. Việc chính trị thượng tôn điều nghĩa, mọi người đều theo điều nghĩa, mọi thứ lợi lộc trong nước đều qui về nghĩa, thì không có ai bị bóc lột, kinh tế sẽ phát triển tốt đẹp. Nghĩa chi phối mọi sinh hoạt trong nước thì tất cả đều là anh em, thiên hạ ắt sẽ được thái bình.

Tóm lại, cả hai phần Kinh và Truyện trong sách Đại học đều sát cánh với nhau cùng đề cao đạo đức. Trong cõi nhân sinh, cá nhân và xã hội luôn luôn liên kết với nhau. Xã hội tốt đẹp là do mỗi cá nhân, tức là mỗi phần tử tốt đẹp kết hợp lại.

Nêu ra những phương thế đặc biệt, phác họa ra những viễn cảnh huy hoàng mà không có những con người tương xứng thì cũng bằng không. Con người muốn trở nên tốt đẹp thì phải tu thân. Tu thân không phải là gò bó theo thứ giáo điều khổ hạnh, khắt khe nào. Tu thân tức là làm cho minh đức trong con người được sáng tỏ.

Như thế đạo lý trong sách Đại học là đạo lý nhất quán từ cá nhân tới đoàn thể, cần thiết cho mọi người không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Cho nên có thể coi đạo lý nhất quán này là đạo thống chung của nhân loại, không bị hạn cuộc trong không gian và thời gian, không bao giờ lỗi thời. Phần Kinh là một bản văn thật gọn gàng, ý tứ chặt chẽ, súc tích, sâu sắc. Xét về mặt nguyên tắc chủ đạo, phần Kinh này không hề thua sút một bản văn nào trong lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x