Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 10 – Hương Đảng

Luận Ngữ – Chương 10 – Hương Đảng

by Hậu Học Văn
248 views

HƯƠNG ĐẢNG ĐỆ THẬP

1. Đức Khổng tử ở làng xóm thì có dáng thật thà, dường như người không biết ăn nói. Ngài ở tông miếu, triều đình thì nói năng mau mắn rõ ràng, lại cẩn thận nữa.

BÌNH GIẢI:

Trên đây là lời nhận xét của các đệ tử hay của bà con lối xóm về cách ăn nói của Đức Khổng tử. Ở làng xóm quê nhà, Ngài tỏ ra là người thật thà, đơn sơ, ít nói. Có lẽ Ngài đã tự biết chân lý: “Gừng nhà không cay, bụt nhà không thiêng”; hay là “tiên tri không được trọng ở quê hương mình”. Vì thế, Ngài chẳng muốn ganh đua ngôn ngữ với ai.

Ở tông miếu, triều đình, là nơi cần đến sự biện luận chu đáo về quốc sự, cho nên Ngài mới thể hiện tài năng ăn nói mau mắn, rõ ràng và thận trọng. Tại đó, một lời nói ra đều có liên hệ mật thiết đến sự an nguy của quốc gia, cho nên không thể sơ suất được.

2. Trong triều, nói với các đại phu cấp dưới thì nghiêm nghị; nói với các đại phu cấp trên thì dịu dàng. Có vua hiện diện thì có dáng cung kính giữ gìn, lại có dáng trang trọng.

BÌNH GIẢI:

Trước khi bị thất sủng, phải rời quê hương đi lang thang ở đất khách, Đức Khổng tử đã từng giữ chức Nhiếp tướng sự trong triều đình nước Lỗ. Vừa là một vị đại phu cấp cao nắm quyền hành điều khiển các quan, vừa là một nhà đạo đức, Đức Khổng tử rất thận trọng và khéo léo trong ngôn ngữ và phong cách xử thế.

Đối với các quan đại phu cấp dưới, Ngài nói năng nghiêm nghị khiến cho các ông này phải nghiêm chỉnh thi hành công vụ mà không dám khinh nhờn, bê trễ. Đối với các quan đại phu cấp trên, gần như ngang hàng với mình, có ảnh hưởng lớn trong triều đình, Ngài nói năng dịu dàng, giữ tình hoà khí để tránh sự chống đối. Khi nào vua hiện diện, Ngài tỏ ra cung kính giữ gìn kỹ lưỡng và có dáng vẻ trang trọng lễ phép để được vua tín nhiệm, tránh được tiếng lộng quyền, xem nhẹ vua.

3. Nhà vua mời và khiến tiếp khách, Ngài có vẻ biến sắc, chân bước rụt rè. Cùng đứng vái chào khách bên tay trái tay phải; y phục đằng trước đằng sau tề chỉnh. Dẫn khách mau bước lên, tay như cánh chim. Khách lui, Ngài ắt trở về tuân mệnh nói: “Khách không quay lại nữa.”

BÌNH GIẢI:

Khách đến triều đình nước Lỗ hầu hết là các quan đại phu của các nước chư hầu nhà Chu, ngang hàng với nước Lỗ. Vua Lỗ uỷ nhiệm cho Đức Khổng tử việc tiếp khách; đó là một việc quan trọng. Uy tín và thể diện nước Lỗ tùy thuộc vào việc tiếp đón này. Nếu tiếp khách không lịch sự đúng lễ sẽ có hại cho nền ngoại giao của nước nhà. Vì thế, khi đón tiếp, Đức Khổng tử phải tỏ vẻ biến sắc mặt, chân bước rụt rè để biểu lộ thái độ trân trọng đề cao khách. Khi khách đứng tại thềm triều đình, Ngài cùng đứng hướng về họ và chắp tay vái chào khách cả hai bên trái phải. Dĩ nhiên y phục đằng trước mặt, đằng sau lưng phải gọn gàng tề chỉnh đủ lễ. Khi dẫn khách bước lên bậc cao để lễ chào vua, Ngài rảo bước và hai tay đưa ra đằng trước như cánh chim biểu lộ sự chân thành giới thiệu.

Đến khi khách từ biệt ra đi, Ngài thay mặt vua đưa tiễn cẩn thận một đoạn đường xa cho tới lúc khách không quay lại nhìn nữa, mới trở về báo lại cho vua biết.

4. Vào cửa đền vua, Ngài cúi khom mình, dường như cửa không đủ vừa. Ngài không đứng giữa cửa, đi không giẫm lên ngưỡng cửa. Qua chỗ vua ngồi, Ngài có vẻ biến sắc, chân bước rụt rè, lời nói khe khẽ. Ngài vén gấu áo mà bước lên công đường, cúi khom mình, nín hơi dường như không thở. Lui xuống một bậc thì sắc mặt thanh thản, có dáng vui vẻ. Xuống hết bậc thềm thì rảo bước, tay giơ ra như cánh chim. Trở lại chỗ của mình thì giữ dáng vẻ trang trọng.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên đây miêu tả cung cách, dáng mạo, ngôn ngữ và cách đi đứng, tiến thối của Đức Khổng tử khi vào trong triều đình có mặt vua và các quan. Tất cả cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ của Ngài đều thể hiện đức tính khiêm nhượng, cung kính của một công thần giữ lễ nghĩa với vua và các quan đồng triều, không có một chút gì tỏ ý kiêu căng, tự phụ, khoe mình. Ngài cố gắng tỏ ra mình là một con người tầm thường, bé nhỏ, một vô vị chân nhân kém đức thua tài. Thân làm đến chức Nhiếp tướng sự thay vua điều khiển các quan đại phu để lo việc nước mà khiêm hạ như thế, làm sao chẳng được mọi người tín nhiệm, nể phục và tuân theo?

5. Cầm ngọc khuê, Ngài cúi khom mình, như chẳng kham nổi. Nâng lên như vái chào, hạ xuống như trao ra. Ngài biến sắc như dáng run sợ, chân bước rụt rè như noi theo. Dâng lễ vật thì có dáng mạo ôn hoà. Đi thăm viếng riêng thì hoà nhã vui vẻ.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên nói về Đức Khổng tử khi phụng mệnh vua đi sứ nước ngoài. Ngài cầm cái thẻ bài ngọc khuê một cách trịnh trọng như lãnh một tín vật trong sứ mệnh ngoại giao trọng đại giữa hai nước. Khi dâng lễ vật lên cho vua nước bạn, Ngài có dáng mạo ôn hồ thể hiện mối tình liên kết hữu hảo giữa hai vua. Còn đến khi đi thăm viếng riêng các quan, Ngài thể hiện thái độ hoà nhã vui vẻ.

Đức Khổng tử ý tứ và cẩn thận như thế vì Ngài biết nghi thức ngoại giao giữa hai nước là quan trọng. Ngoại giao tốt có thể tránh được việc can qua, tạo nên nhiều phúc lợi; ngoại giao kém có thể gây nên sự xích mích hiềm thù giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

6. Người quân tử không phục sức vải màu xanh biếc, xanh sẫm; vải màu hồng, màu tía không dùng làm áo lót. Gặp mùa nóng thì mặc áo đơn mỏng thô, ắt phần bên ngoài thoát ra được. Áo dài đen đi với áo cừu lông dê con màu đen, áo dài trắng đi với áo cừu lông hươu non màu trắng, áo dài vàng đi với áo cừu lông chồn màu vàng. Mặc áo cừu lót mà dài, thì tay áo bên phải cắt ngắn. Ở nhà thì mặc áo lông chồn lông lạc dày. Khi cởi tang phục thì lại đeo đồ trang sức. Chẳng phải là xiêm áo dự lễ, thì ắt thâu bớt đi. Áo cao cừu đen, mũ đen, Ngài không dùng đi viếng người quá cố. Tháng tốt lành, Ngài ắt mặc triều phục đi chầu vua.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên đây là lời miêu tả về cách ăn mặc của Đức Khổng tử. Theo học giả Đoàn Trung Còn, sỡ dĩ người không mặc màu xanh biếc (hám) và màu xanh sẫm (trâu) bởi vì màu xanh biếc dùng khi ăn chay và tế tự, mầu xanh sẫm dùng lúc có tang. Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng hai màu đó dành cho lễ phục, nên ngài tránh dùng. Ngài lại không dùng áo lót (tiết phục) màu hồng, màu tía, vì đó là những màu phụ nữ ưa dùng.

Y phục của Ngài cũng thay đổi theo mùa. Mùa nóng thì mặc áo đơn mỏng, thô để dễ thoát mồ hôi. Còn những áo kép chắc là dùng trong mùa lạnh: áo dài đen đi với áo cao cừu đen, áo dài trắng đi với áo nghê cừu trắng, áo dài vàng đi với áo hồ cừu vàng. Áo kép gồm có áo ngoài và áo trong: y với cừu đi với nhau thành một cặp, mặc cho ấm. Màu đen đi với màu đen, trắng đi với trắng, vàng đi với vàng; không có lẫn lộn pha tạp màu sắc. Khi mặc áo cừu lót mà dài thì Ngài cho cắt ngắn tay áo bên phải, chắc là để dễ thao tác. Lúc ở nhà, Ngài mặc áo lông chồn lông lạc dày cho ấm và bền. Khi nào không mặc tang phục, thì Ngài có đeo đồ trang sức. Những y phục nào không phải là lễ phục thì Ngài thâu bớt cho ngắn để dễ đi lại và làm việc.

Ngài không mặc áo cừu đen và đội mũ đen đi viếng người quá cố, có lẽ vì màu đen thuộc về hành thủy, ở hướng Bắc, là một chính sắc đứng đầu ngũ sắc:

đen (thủy), đỏ (hỏa), xanh lá cây (mộc), trắng (kim), vàng (thổ). Hướng bắc là hướng của sao Bắc đẩu, lại là hướng dành cho vua. Do đó, y phục đen là cát phục (y phục tốt lành), Ngài không thể mặc đồ đen đi điếu tang được.

Ngoài ra, mỗi khi đi chầu vua, Ngài đều mặc triều phục chỉnh tề đúng qui cách theo nghi lễ.

Đọc đoạn văn trên, chúng ta thấy Đức Khổng tử rất ý tứ và kỹ lưỡng trong cách ăn mặc. Ngài quan niệm y phục phải biểu hiện phong cách, đức hạnh của người quân tử; ngoài ra còn phải đúng thời, đúng việc, hợp cảnh và hợp lý, hợp lẽ nữa.

7. Giữ chay, thì mặc áo sạch bằng vải; lại có áo ngủ, dài suốt một thân rưỡi; giữ chay ắt phải đổi thức ăn; ở cũng đổi chỗ.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên nói về việc giữ chay của Đức Khổng tử. Ngày xưa, trước khi tham dự nghi lễ tế Trời hoặc tổ tiên, vua và các quan đều phải giữ chay ba ngày. Giữ chay là việc cần thiết giúp cho thân thể và tinh thần được trong sáng để có thể tiếp cận với siêu nhiên giới, cảm thông với thần linh. Đức Khổng tử rất cẩn thận, chu đáo trong việc chay tịnh này.

Ban ngày, Ngài mặc áo sạch bằng vải gai thể hiện sự đơn sơ, mộc mạc. Ban đêm, Ngài mặc áo ngủ dài gấp rưỡi thân mình cho kín đáo. Khi giữ chay, dĩ nhiên phải thay đổi thực phẩm: bỏ rượu, thịt, tôm, cá… (thực phẩm động vật), chỉ dùng cơm, rau, đậu, hoa quả… (thực phẩm thực vật); ngoài ra còn thay đổi cả chỗ ở, đến cư ngụ trong một căn phòng tĩnh mịch, riêng biệt.

8. Cơm thì Ngài ưa thích gạo thật trắng sạch, nem thì ưa thích nhỏ. Cơm nát lại ôi, cá ươn lại thịt thiu thối thì không ăn. Cái gì có sắc xấu, không ăn; cái gì có mùi hôi, không ăn. Nấu chín quá hoặc chưa chín, không ăn; những gì trái mùi, không ăn. Cắt không ngay thẳng không ăn; không có nước chấm thích hợp, không ăn. Dù có nhiều thịt, Ngài cũng không dùng nhiều hơn cơm. Riêng về rượu thì không giới hạn, nhưng không uống say sưa. Rượu mua, nem bán ngoài chợ, không ăn. Ngài không bỏ ăn gừng. Ngài không ăn nhiều.

Cúng tế ở công miếu, thịt không để lâu. Thịt cúng tế không để quá ba ngày; quá ba ngày; Ngài không ăn thịt ấy.

Lúc ăn không bàn bạc; lúc ngủ không nói chuyện.

Dù chỉ có cơm thô, canh rau, Ngài vẫn khấn vái như lúc giữ chay.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên nói về cách ăn uống của Đức Khổng tử. Dĩ nhiên, lúc này Ngài đang làm quan lớn trong triều đình nước Lỗ. Qua đây, chúng ta cũng biết được rằng vào thời Xuân Thu (500 trước Công nguyên), nước Trung Hoa đã có một trình độ văn minh cao: có chợ bán cá, thịt, rượu, nem v.v…

Đức Khổng tử ưa thích ăn cơm gạo trắng sạch để tránh những bụi bẩn lẫn vào; ưa thích ăn nem nhỏ, vì nó dễ nhai, dễ nuốt và dễ tiêu hoá. Ngài không ăn cơm nát ôi, cá ươn, thịt thiu vì chúng đã nhiễm độc và mất chất dinh dưỡng. Thực phẩm nào có sắc xấu, mùi hôi, chứng tỏ nó đã hư hỏng, biến chất, Ngài không ăn để tránh bệnh tật. Thức ăn mà nấu chín quá thì kém chất bổ dưỡng, nếu chưa chín thì dễ sinh đau bụng. Ngài không ăn những thứ trái mùa, như gạo chiêm, trái cây chiêm, v.v. vì những thứ trái mùa cũng dễ gây nên bệnh tật (hấp thụ khí âm dương không bình thường).

Thịt cắt không ngay thẳng thể hiện tính cẩu thả trong công việc, Ngài không ăn để giải trừ tính ấy. Đồ ăn không có nước chấm thích hợp sẽ mất vị ngon nên Ngài không ăn.

Ngài dùng nhiều cơm hơn thịt, bởi vì cơm gạo là thức ăn căn bản có lượng âm dương quân bình nhất và không có độc tố. Ăn cơm nhiều, ít ăn thịt sẽ ít bệnh tật. Thịt có nhiều độc tố là ổ chứa trữ mầm bệnh.

Ngài không hạn chế rượu vì rượu giúp chống lại khí hậu lạnh, nhưng không uống đến độ say sưa. Rượu mua ngoài hàng, nem bán ngoài chợ Ngài không ăn, vì chất lượng không đảm bảo, dễ sinh bệnh. Ngài thường xuyên ăn gừng, vì gừng chống lại những uế khí, làm lành thực phẩm, làm êm dạ dày. Ngài không ăn nhiều, vì ăn quá no, dư thừa, vừa mệt dạ dày vừa mệt cơ thể, dễ sinh bệnh tật.

Sau khi tham dự cúng tế ở công miếu, được chia phần thịt tế, Ngài không dám để lâu, sợ thiu thối; có lẽ Ngài đem phân phát cho người thân quen. Còn thịt cúng tế trong gia đình là thịt mới, nhưng không được để quá ba ngày. Có lẽ ở Hoa Bắc (nước Lỗ) khí hậu lạnh cho nên thịt chín có thể để được ba ngày. Quá ba ngày, thịt đã thiu, Ngài không ăn nữa.

Trong lúc ăn, Ngài chỉ chuyên chú vào việc nhai kỹ lưỡng mà không bàn luận gì. Khi đi ngủ thì nằm ngủ ngay mà không nói chuyện với ai nữa để giấc ngủ được trọn.

Mặc dù khi chỉ có cơm thô, canh rau, Ngài vẫn khấn vái tạ ơn Trời, tạ ơn tổ tiên, nhờ đó mà Ngài được hưởng dùng.

Căn cứ vào những điều đã phân tích trên, Đức Khổng tử tỏ ra đã hiểu rõ về phép vệ sinh thực phẩm và đạo lý ăn uống, xứng đáng danh hiệu là bậc tôn sư thời cổ.

9. Chiếu không ngay thẳng, không ngồi.

BÌNH GIẢI:

Chiếc chiếu thường có hình vuông hay hình chữ nhật. Người trải chiếu nếu cẩn thận, biết lễ nghĩa, phải trải chiếc chiếu cho ngay thẳng, vuông vức. Người nào trải cẩu thả khiến cho chiếc chiếu xiên xẹo, méo mó; đó là bằng chứng cho thấy tâm tính người đó lệch lạc, kém đạo đức.

Đức Khổng tử nhìn thấy chiếc chiếu không ngay thẳng thì Ngài không ngồi, bởi vì ngồi vào tức là chấp nhận sự méo mó lệch lạc và tâm tính cũng chịu ảnh hưởng mà xiêu lệch theo. Ngài không ngồi, đòi hỏi phải trải chiếu lại cho ngay thẳng tử tế, tức là dạy cho người ta một bài học thực hành về đạo lý vậy.

10. Uống rượu với người làng, các cụ già chống gậy ra rồi, thì Ngài mới ra. Người làng làm lễ Na, Ngài mặc triều phục đứng dự ở bậc thềm phía đông.

BÌNH GIẢI:

Mặc dù là một vị quan lớn trong triều, khi dự tiệc, uống rượu với người làng, Đức Khổng tử vẫn tỏ ra khiêm tốn, nhường cho các cụ già ra ngồi bàn tiệc trước, Ngài mới ra sau.

Hằng năm vào tháng chạp, khi dân làng tổ chức lễ Na (một nghi lễ cổ để đuổi ôn dịch, tà khí, cho làng nước được mát mẻ, bình an), Ngài đứng ở thềm đằng đông; điều này có ý nghĩa rằng với chức sắc của triều đình, Ngài đóng vai chủ trì buổi lễ. (Hướng bắc dành cho vua, hướng nam dành cho bầy tôi, hướng đông dành cho chủ; hướng tây dành cho khách).

11. Hỏi thăm người ở nước khác, ngài vái hai lần rồi mới tiễn đi. Khang tử biếu thuốc, ngài vái nhận rồi nói: “Khâu này chưa thấu hiểu nên không dám nếm thử.”

BÌNH GIẢI:

Mỗi khi Đức Khổng tử nhắn người đi hỏi thăm kẻ quen thân ở nước khác, Ngài vái người ấy hai lần rồi mới tiễn chân lên đường. Học giả Nguyễn Hiến Lê giải thích rằng: “Một: vái người ông nhắn, hai: vái bạn ở xa.” Cử chỉ đó nói lên sự ân cần tha thiết của Đức Khổng tử đối với những người thân quen.

Đại phu Quí Khang Tử gửi biếu thuốc cho Đức Khổng tử. Ngài vái nhận thuốc tỏ lòng biết ơn, nhưng lại thanh minh với người đưa thuốc rằng: “Khâu này chưa thấu hiểu, nên không dám nếm thử.” Điều này chứng tỏ Đức Khổng tử rất thận trọng và sáng suốt trong cách ứng xử. Ngài trì hoãn việc nếm thử, không vội vàng uống ngay trước mặt sứ giả đưa thuốc để có thời giờ kiểm nghiệm lại chất thuốc xem nó tốt hay xấu, bổ ích hay độc hại thế nào.

12. Chuồng ngựa cháy, Đức Khổng tử ở triều về, nói: “Có người bị thương chăng?” Không hỏi đến ngựa.

BÌNH GIẢI:

Các quan lại ngày xưa nhiều khi quí ngựa hơn quí người, nếu người là những gia nhân, đầy tớ. Đức Khổng tử thì không vậy. Ngài quan tâm đến người hơn con ngựa hay cái chuồng ngựa. Ngay một câu hỏi đầu tiên khi bước chân về nhà trong lúc vội vàng hấp tấp, đã chứng tỏ lòng nhân ái của Đức Khổng tử sâu sắc đến đâu. Hỏi đến người mà không hỏi đến ngựa là quí người hơn quí của. Chú ý đến sự an nguy, đến hạnh phúc của con người là trọng tâm của tư tưởng Đức Khổng tử vậy.

13. Vua ban cho đồ ăn, ngài ắt ngồi giữa chiếu nếm trước. Vua ban cho thịt sống, ắt cho nấu chín rồi dâng lên tổ tiên. Vua ban cho con vật sống, thì nuôi nấng nó.

Khi hầu cơm vua, vua khấn vái, ngài nếm đồ ăn trước.

Khi ngài có bệnh, vua thăm, Ngài xoay đầu về hướng đông, đắp thêm triều phục, đặt đai lưng lên mình. Vua có lệnh gọi, ngài không đợi đóng xe ngựa mà đi bộ ngay.

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử chủ trương tôn quân là muốn cho đất nước được ổn định, xã hội thái bình. Trong một nước, vua như là cha mẹ của dân. Thái độ tôn quân của Đức Khổng tử thể hiện không những ở triều đình mà còn ở nhà khi vắng mặt vua.

Khi vua ban cho đồ ăn chín thì Ngài ngồi giữa chiếu (chính tịch) nếm trước để bày tỏ sự quí chuộng của vua ban. Khi vua ban cho thịt sống, Ngài cho nấu chín rồi dâng lên tổ tiên để chứng tỏ đó là của trọng. Khi vua ban cho con vật sống, Ngài nuôi nấng cẩn thận mà chẳng dám giết thịt.

Vào trường hợp được hân hạnh hầu cơm vua, trong khi chờ vua khấn vái Trời và tổ tiên thì Ngài nếm thử đồ ăn trước để tỏ ra sự săn sóc đặc biệt.

Khi Ngài có bệnh mà được vua đến thăm tận nhà, mặc dầu không dậy được, thì Ngài xoay đầu về hướng đông, vì hướng đông dành cho chủ nhà (hướng mặt trời mọc). Còn hướng bắc là hướng dành cho vua đứng (hướng của sao Bắc đẩu), Ngài xoay mặt về đó để thể hiện mình là bề tôi. Trên thân thể có đắp thêm triều phục và đai lưng để giữ lễ thần tử với vua như ở triều đình.

Khi vua có lệnh gọi, Ngài vội vàng chạy bộ đi ngay, không đợi đóng xe ngựa. Sở dĩ Ngài có thái độ tôn trọng vua như vậy cốt để giữ kỷ cương phép nước, khiến cho trật tự trên dưới được duy trì. Dĩ nhiên, trong quan điểm triết lý này, ông vua phải là một bậc quân tử xứng đáng thay Trời trị dân. Điểm này nằm trong học thuyết Chính danh Quân quân, thần thần” (Vua phải cho ra vua, bầy tôi ra bầy tôi). Nếu vua chẳng phải là ông vua xứng đáng, bầy tôi không thể tôn trọng vua như vậy.

14. Bạn bè chết mà chẳng có chốn trở về, Ngài nói: “Để ta an táng.” Bạn bè biếu tặng, mặc dầu là xe ngựa, nếu chẳng phải thịt để dâng cúng Ngài không vái lạy.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên nói về cách cư xử của Đức Khổng tử đối với bạn bè. Đối với những bạn bè chết mà không có bà con thân thích nhận về tẩm liệm, an táng, Ngài sẵn sàng đứng ra đảm nhận công việc thu xếp tang lễ cho người quá cố. Như thế, tình nghĩa của Ngài đối với bạn bè rất hậu.

Bạn bè nào biếu tặng phẩm vật cho Ngài, mặc dầu của đó đáng giá như xe ngựa, Ngài cũng không hề vái lạy. Ngài chỉ vái lạy bày tỏ nhiệt tình cám ơn đối với phẩm vật là thịt để dâng cúng tổ tiên. Như vậy, Ngài không lạy tạ vì nhận được phẩm vật đáng giá nhiều hay ít, mà chỉ lạy tạ tâm tình của bạn bè đã kính nhớ tổ tiên của Ngài.

15. Ngủ không nằm ngay như người chết. Ở nhà thì có dáng vẻ tự nhiên. Thấy người mặc áo tang, tuy quen biết, cũng thay đổi sắc mặt. Thấy người đội mũ quan và người mù, tuy gặp luôn, cũng giữ dáng cung kính. Gặp người mặc đồ tang, ngồi xe cũng tỏ bộ kính lễ ; kính lễ với cả người mang bản đồ kê dân số, đất đai.

Được đãi bữa tiệc lớn thì đổi sắc mặt mà đứng lên. Khi có sét đánh, gió mạnh, cũng đổi sắc mặt.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên đây nói thêm về cách sinh hoạt của Đức Khổng tử trong đời sống hằng ngày.

Khi ngủ, Ngài không nằm ngửa, tay chân xuôi thẳng như người chết. Ở đây không nói rõ, nhưng có thể Ngài ngủ theo cách thức của đạo sĩ ngày xưa. Cách ngủ của đạo gia là: nằm nghiêng về bên phải, đầu hướng về bắc, chân hướng về nam và mặt quay về tây. Nếu lý giải theo khoa học ngày nay, đầu bắc chân nam thuận với từ trường trái đất; do đó khí lực và huyết cầu không bị hao tổn. Ngoài ra, nằm nghiêng bên phải thì tim ở trên, tránh được tình trạng bị ngộp tim.

Ở nhà với gia đình, bè bạn, Ngài không có dáng cẩn trọng quan cách (bất dung) như ở trong triều, mà có dáng vẻ giản dị tự nhiên.

Thấy người mặc áo tang, tuy đã quen biết, Ngài vẫn tỏ ra dáng mạo buồn bã để chia sẻ niềm đau cùng người ấy. Ngài lại giữ dáng cung kính với người đội mũ quan vì họ là người tham gia vào việc trị nước; ngài cũng cung kính với người mù vì họ là người bị tật nguyền, đáng thương.

Ngài ngồi xe, khi gặp người mặc đồ tang thì vịn tay vào cái đòn ngang trên xe (thức), cúi đầu tỏ dấu kính lễ. Đối với người mang bản đồ kê dân số, đất đai (công chức nhà nước), ngài cũng vịn vào cái đòn ngang tỏ dấu kính lễ như vậy.

Khi được mời dự một bữa tiệc lớn, ngài biểu lộ dáng mạo biết ơn và đứng lên cảm tạ chủ nhân.

Gặp lúc có tiếng sét nổ hay có gió giật dữ dội, ngài cũng đổi sắc mặt tỏ dấu kính sợ quyền năng của Trời thể hiện trên thiên nhiên vạn vật.

16. Ngài lên xe thì đứng ngay thẳng,nắm lấy sợi dây chằng để níu lên. Ở trong xe, ngài không trông lại phía sau, không nói liến thoắng, không giơ tay chỉ trỏ.

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn này nói thêm chi tiết về phong cách của Đức Khổng tử trong sinh hoạt: Trường hợp lên ngồi xe. Ngài bước lên thẳng thắn, chững chạc, không vội vàng ngả nghiêng để khỏi bị vấp ngã. Ngài không ngối cổ lại về sau, tỏ ra sự dứt khoát trong hành trình, không bịn rịn, luyến tiếc điều gì. Ngài không nói liến thoắng hoặc giơ tay chỉ trỏ như những kẻ tầm thường. Đó là thái độ điềm đạm, trầm tĩnh, kín đáo, biểu hiện một tâm tư sâu sắc của một nhà hiền triết.

17. Thấy hình tướng người thì cất cánh bay, liệng quanh rồi sau mới đậu. Ngài nói: “Con trĩ mái trên sống núi, hiểu thời cơ thay, hiểu thời cơ thay!” Tử Lộ chắp tay hướng về nó; nó kêu lên ba tiếng rồi bay mất.

BÌNH GIẢI:

Nhìn con chim trĩ mái có thái độ khôn ngoan, Đức Khổng tử nhân đó nói về ý nghĩa chữ “thời” cho Tử Lộ nghe.

Sự khôn ngoan của con trĩ mái biểu hiện ra ở ba động tác: cất cánh bay, liệng quanh và đậu xuống.

– Thấy có dáng người, nó sợ bị người bắn hay bắt nên vội cất cánh bay. Đó là khôn ngoan trong cảnh giác.

– Trước khi quyết định đậu xuống nơi nào, nó liệng quanh, thấy không có gì nguy hiểm, mới chọn chỗ thích hợp đáp xuống. Đó là khôn ngoan trong thận trọng.

Như vậy, ý nghĩa chữ thời nằm ở chỗ:

– Thấy thời đáng tránh thì tránh cho nhanh.

– Thấy thời đáng xuất đầu lộ diện, đáng ở thì ở; nhưng trước khi ở cũng cần phải xét xem mình nên ở nơi chốn nào, địa vị nào, ở bao lâu.

Con chim trĩ mái mà còn biết như vậy, thế nhưng có nhiều người không biết, chẳng đáng tiếc lắm sao? Thiếu gì người vô tình trước tai hoạ cận kề, hoặc đã thấy tai họa sắp đến mà còn tham lam, luyến tiếc địa vị không chịu rời bỏ, né tránh! Thiếu gì người thấy có địa vị tốt, có chỗ ở đẹp, có quyền lợi nhiều thì vội nhào vào, không cần xét xem ở đấy có bẫy sập gì chăng, có thể ở lâu được chăng, có thích hợp với mình chăng, khả năng của mình có đảm đương được chăng?

Không biết thời có thể do ngu dốt ít học, hay cũng có thể do máu tham lam làm mờ trí khôn. Trong thiên hạ từ xưa tới nay, loại người giỏi giang thông tuệ mà bị máu tham làm cho lú lẫn đến nỗi đánh mất phẩm giá, đánh mất tính mệnh hay bị nhục nhã, chẳng phải ít !

Tử Lộ nghe lời thầy nói về con chim hiểu biết nghĩa thời nghĩa, tỏ ý khâm phục con chim, mới chắp tay hướng về nó thôi, mà nó đã hoảng hốt kêu lên và bay nhanh rồi. Con chim quả là có cảnh giác cao độ vậy.

Lời bàn thêm về Chương Hương Đảng

Trong sách Luận Ngữ, duy nhất có chương Hương Đảng này, ngoại trừ tiết 17, đã dành trọn vẹn 16 tiết để ghi lại những chi tiết tỉ mỉ về cử chỉ, ngôn ngữ, phong cách sinh hoạt của Đức Khổng tử khi ở triều đình, ở làng xóm, cũng như lúc ở nhà, lúc lên xe… Nhờ chương này, ngày nay chúng ta còn có thể biết kỹ lưỡng về nhân cách Đức Khổng tử.

Nhận xét về ngài, học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Ông khó tính trong việc ăn mặc và có vài thói quen kì cục.” (Khổng Tử, NXB Văn Hố: trang 106). Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã nêu ra những nét khó tính và kì cục theo nhận xét của nhiều người như sau:

– Khó tính, chẳng hạn món ăn mà chín quá, không ăn, cắt không ngay ngắn (hoặc không đúng cách) không ăn, nước chấm không thích hợp, không ăn; rượu bán ở cửa hàng không uống, thịt mua ở chợ không ăn…

– Kì cục, như cắt áo thì tay áo bên phải ngắn hơn bên trái để dễ làm việc; không bận áo lót màu hồng và màu tía, vì không phải là chính sắc; khi lên xe thì đứng ngay ngắn rồi mới nắm lấy sợi dây để bước lên; ngồi xe thì không quay đầu lại, không nói nhanh, không chỉ trỏ; ở triều đình, khi rảo bước tiến lên thì hai cánh tay đưa thẳng ra như cánh chim…

– Ở triều đình, cung kính thái quá, có vẻ như giả dối: “Khi vua lâm triều, thì ông cung kính, có vẻ không yên tâm”; “đi ngang qua ngai vua (dù là ngai trống) ông biến sắc, chân bước run run, nói như chẳng ra lời”. Khi đi sứ nước ngoài cầm thẻ ngọc khuê thì ông khom khom như bưng chẳng nổi (…), ông biến sắc như sợ sệt, chân rón rén bước từng bước như noi theo một vật gì.” (Sđđ: trang91-92).

Ở đây, chúng tôi không muốn bênh vực Đức Khổng tử, chống lại những nhận xét trên làm gì; nhưng để cho công bằng có lẽ chúng ta nên đặt ngài vào khung cảnh nước Lỗ thời Xuân Thu (cách đây trên 2500 năm); bấy giờ chúng ta mới thấy được ngài có khó tính và kì cục thật không.

Nếu đứng ở quan điểm ngày nay, thế kỷ 21, thời dân chủ tự do, văn minh tiên tiến, mà xét thì quả Đức Khổng tử khó tính và kì cục thật. Tuy nhiên, nếu đặt mình cùng thời với ngài, chúng ta sẽ thấy khác.

Thời ấy, nước Lỗ theo chế độ quân chủ, phong kiến, sinh hoạt theo lễ nghi nhà Chu, do Chu Công phác họa, có tôn ti trật tự rõ rệt, không phóng khoáng như thời nay. Ngoại trừ trường hợp nhà vua suy nhược, quyền thần áp bức, các thần tử trong triều từ tể tướng trở xuống đếu phải nơm nớp kính sợ vua, sơ suất một chút sẽ bị ghép vào tội khi quân phạm thượng, nhẹ thì bị giáng hoặc cách chức; nặng thì bị tử hình. Đức Khổng tử mang thân là một thượng đại phu, chức Nhiếp tướng sự (Tể tướng) trong triều đình nước Lỗ, dĩ nhiên phải có thái độ cung kính đối với vua để làm gương cho các quan, tạo nên thế ổn định trật tự trên dưới. Triều đình có ổn định trật tự, trên dưới mới bình an được. Những cung cách và ngôn ngữ của Đức Khổng tử trong triều đình chẳng phải là cử chỉ khiếp nhược, nịnh hót, đê hèn, mà chỉ là cung cách lễ nghi chung của các quan thời bấy giờ. Thậm chí cách ăn mặc cũng phần nhiều tuân theo qui định của lễ nghi hay theo mỹ quan của thời ấy. Các quan là những người làm việc nước, lãnh đạo dân chúng, không thể ăn mặc loè loẹt màu nọ sắc kia, không thể ăn nói bi bô như những dân thường ở thôn xóm, không thể có những cử chỉ lỗ mãng, thô tục như những kẻ buôn bán ở chợ búa.

Ngoài ra, bấy giờ, là một quan lớn bậc nhất ở triều đình mà Đức Khổng tử ăn uống theo kiểu được mô tả ở trên (cơm trắng, gỏi thái nhỏ, không ăn cơm ôi, cá ươn, thịt thiu… không có nước chấm thích hợp không ăn, v.v.) thì đâu có gì là khó tính? Giả như lúc ấy, ngài là một thầy giáo nghèo ở thôn xóm mà đòi hỏi như vậy, mới là khó tính thật. Vào thời ấy, các quan lớn năm thê, bảy thiếp, hầu lớn, hầu nhỏ, tham nhũng công quỹ, lấy của đút lót, ăn xài hoang phí, đòi hỏi cao lương mỹ vị, mới đáng gọi là khó tính chứ…

Như ở phần giải thích từng tiết phía trên, chúng tôi đã cố gắng luận ra ý nghĩa từng cử chỉ, từng cách ăn uống của ngài, thì thấy thảy đều hợp lý, hợp phép vệ sinh cả… không có gì đáng trách.

Học giả Nguyễn Hiến Lê tuy có nhận xét Đức Khổng tử khó tính và kì cục, nhưng cuối cùng ông cũng nói: “Ông cũng có những điểm đáng cho ta học”:

– Cách ăn ở của ông hợp vệ sinh: thức ăn mà sắc đã biến, hư rồi, không ăn, mùi hôi cũng không ăn, không đúng bữa không ăn, ăn thịt ít hơn cơm, rượu không uống tới say…

– Cách mặc thì lựa chọn màu thích hợp nhau: áo ngoài và áo trong cùng một màu, hoặc cùng đen, cùng trắng, cùng vàng cả, tùy màu ; ông quả có óc thẩm mỹ; lại thực tế, có sáng kiến nữa: áo ngủ dài gấp rưỡi thân người, để phủ kín mình và chân. Như vậy, ta thấy ông làm việc gì cũng suy nghĩ chín chắn không theo thói đời, không sợ khác người.”

(Sđđ: trang 92)

Tóm lại, Đức Khổng tử vừa là một ông quan, nhưng là ông quan thanh liêm, tận tuỵ, không tự cao tự đại, vừa là một hiền triết có ý thức đúng đắn về mọi hành vi của mình; cả lý thuyết lẫn thực hành đều nhất quán. Chương Hương đảng là một tài liệu đặc biệt giúp chúng ta hiểu rõ về đời sống thường nhật của ngài.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x