Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 14 – Hiến Vấn

Luận Ngữ – Chương 14 – Hiến Vấn

by Hậu Học Văn
619 views

HIẾN VẤN ĐỆ THẬP TỨ

1. Ông Hiến hỏi về sự hổ thẹn. Đức Khổng Tử nói: “Nước có đạo lý ăn bổng lộc; nước không có đạo lý, ăn bổng lộc; hổ thẹn vậy.”

“Hiếu thắng, khoe khoang, oán giận, ham muốn, mà không thể hiện ra, có thể là nhân chăng?”

Đức Khổng Tử nói:“Có thể là làm được những điều khó. Là nhân, thì ta không biết được.”

BÌNH GIẢI:

Ông Hiến là Nguyên Hiến, hay Nguyên Tư, đệ tử của Đức Khổng Tử. Ông này hỏi thầy về sự hổ thẹn đối với việc làm quan ăn lương. Đức Khổng Tử nói vắn tắt, nhưng chúng ta nên hiểu như thế này: trong lúc đất nước có đạo lý, xã hội ổn định, ra làm quan, được hưởng bổng lộc; đó là lẽ đương nhiên. Khi đất nước không có đạo lý, xã hội loạn lạc, chế độ thay đổi; một kẽ sĩ có tiết tháo lẽ ra phải cáo quan ẩn dật, thế mà vẫn cứ ở lại làm quan, chẳng đem được sự trị an cho dân, lại còn a dua, xu nịnh nhà cầm quyền mới để hưởng bổng lộc; đó là điều đáng hổ thẹn.

Đối với câu hỏi về con người đã nén được những tính xấu như: hiếu thắng, khoe khoang, oán giận, ham muốn, không để bộc lộ ra, có phải là người nhân không, Đức Khổng Tử cho rằng, giữ được những tính xấu đó không để chúng phát hiện ra, đó là điều khó làm, nhưng không hẳn là người nhân. Nhân là một đức tính vừa cao quý, vừa rộng lớn, bao quát tất cả các đức tính khác. Đức Khổng Tử đã từng trả lời Nhan-Hồi: “Khắc kỷ, phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ, phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. (Khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép là làm điều nhân. Một ngày khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép, mọi người sẽ trở về điều nhân.) (Nhan Uyên, 1)

Theo những khuôn phép tốt đẹp của các thánh hiền xưa để chinh phục lấy mình người ta sẽ giải trừ được vật tính, bấy giờ nhân tính đích thực mới xuất hiện. Người ấy trở nên con người lý tưởng là bậc nhân; nếu người ấy ở cương vị cai trị đất nước, mới có thể khiến thiên hạ quy phục được.

2. Đức Khổng Tử nói: “Kẻ sĩ chỉ lưu tâm đến đời sống bình lặng, không đủ để làm nên kẻ sĩ vậy.”

BÌNH GIẢI:

Kẻ sĩ là người học đạo thánh hiền. Người ấy phải có tấm lòng quảng đại, nghĩ đến tha nhân, sẵn sàng quên mình tham gia vào các công việc cải thiện xã hội, giáo dục nhân sinh, trị an đất nước, để cho đạo được phổ biến trong đời. Khi có ý nguyện như vậy, kẻ sĩ không nề gian nan, vất vả, hy sinh, miễn sao đạt được mục đích. Dân chúng còn lầm than, xã hội chưa thái bình ổn định, kẻ sĩ còn phải long đong đây đó để phục vụ mọi người. 

Còn người có học đạo thánh hiền mà chỉ nghĩ sao cho mình có chỗ ăn, chỗ ở tươm tất, sống một cuộc đời bình lặng, ích kỷ, chỉ lo “độc thiện kỳ thân” (tốt đẹp cho riêng mình) mà không nghĩ đến quốc gia, xã hội, như vậy người ấy không xứng đáng là kẻ sĩ.

3. Đức Khổng Tử nói: “Nước có đạo lý, nói lời cao thượng, hành động cao thượng; nước không có đạo lý, hành động cao thượng, nói lời nhũn nhặn.”

BÌNH GIẢI:

Nước có đạo lý là nước có một nền chính trị ổn định, có tôn ti trật tự, luân thường đạo đức được đề cao, mọi người trong xã hội sống chan hoà tình nghĩa với nhau. Bấy giờ, kẻ học đạo thánh hiền phải nói lời cao thượng và hành động cao thượng. Lời cao thượng là những lời nói có khả năng thăng hoa tinh thần con người, đề cao sự hy sinh, sự đoàn kết… đóng góp vào sự ổn định, hạnh phúc của xã hội, giúp cho mọi người càng ngày càng đạt tới trình độ văn hoá cao hơn. Hành động cao thượng là những việc làm có tính vị tha, đầy nghĩa khí, không ích kỷ vụ lợi.

Nước không có đạo lý là nước rối loạn, trên thì vua quan độc ác gian tham, dưới thì dân chúng hầu hết là hạng tiểu nhân, lừa gạt, dối trá lẫn nhau… Vào thời buổi ấy, kẻ học đạo thánh hiền phải hành động cao thượng để duy trì nền tảng đạo đức, nhưng phải nói lời nhũn nhặn, khiêm tốn, không làm mất lòng người, để tránh nguy cầu an, để chờ đợi một tương lai sáng sủa hơn. Làm mất lòng người thì chiêu họa, chuốc oán vào thân một cách vô ích.

4. Đức Khổng Tử nói: ”Người có đức ắt có khả năng ngôn ngữ; người có khả năng ngôn ngữ chưa hẳn đã có đức. Người có lòng nhân ắt có tinh thần mạnh mẽ; người có tinh thần mạnh mẽ chưa hẳn đã có lòng nhân.”

BÌNH GIẢI:

Người có đức là người sống trung thực theo đạo trời, lúc nào tâm hồn cũng bình an, trong sáng, thành khẩn, ắt có khả năng diễn đạt tình ý của mình một cách chân thật, đơn giản, khiến cho người khác dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm vui lòng người; do đó mà có khả năng ngôn ngữ.

Người có khả năng ngôn ngữ là người khéo trau chuốt lời nói để thuyết phục người khác. Nhưng nếu khéo trau chuốt lời nói quá đáng thường đưa đến tình trạng dối gạt người ta, dùng sự ngụy biện để thuyết phục người, đó là điều mà cổ nhân gọi là “xảo ngôn – 巧言”. Dùng “xảo ngôn” để làm đẹp lòng người, khiến người phải theo ý mình, thì ít có lòng nhân (tiển hỹ nhân – 鮮矣 ). Ít có lòng nhân, ấy là không có đức vậy. Vì thế, người có khả năng ngôn ngữ chưa hẳn đã có đức.

Người có lòng nhân là người biết yêu thương con người, có sức mạnh tinh thần để kiềm chế những tật xấu, không làm điều gì phương hại đến người khác. Hơn nữa, sức mạnh tinh thần của lòng nhân còn thúc đẩy người ta hy sinh, giúp đỡ người khác. Đó là đức dũng (tinh thần mạnh mẽ) đi kèm theo đức nhân.

Còn người chỉ có tinh thần mạnh mẽ tức là có dũng khí hơn người. Người ấy có thể chịu đựng gian khổ, với tính khí táo bạo, người ấy có thể giẫm đạp lên gươm giáo, băng qua lửa đạn để thắng địch, giành lấy thành công. Nhưng dũng khí có thể đưa đến sự tàn nhẫn, ác độc, bất nhân. Vì thế, một người có dũng khí chưa hẳn đã có lòng nhân.

5. Nam Cung Quát hỏi Đức Khổng Tử rằng:”Ông Nghệ bắn giỏi, ông Nghiệu kéo thuyền, đều chết không an lành như thế. Ông Vũ, ông Tắc tự mình trồng lúa mà có thiên hạ.” Đức Khổng Tử không trả lời.

Nam Cung Quát ra. Đức Khổng Tử nói: “Người ấy là bậc quân tử thay! Người ấy chuộng đức hạnh thay!”

BÌNH GIẢI:

Khi đem chuyện ông Nghệ, ông Nghiệu và ông Vũ, ông Tắc ra thắc mắc với Đức Khổng Tử, Nam Cung Quát có ý đặt vấn đề rằng: Phải chăng những kẻ vũ dũng, mặc dầu mạnh mẽ về thể chất lại hay bị chết chẳng an lành? Phải chăng những người có đức hạnh chân chất lại dễ nắm được quyền lãnh đạo đất nước dài lâu?

Đức Khổng Tử không trả lời Nam Cung Quát, có nghĩa là ngài không muốn Nam Cung Quát đụng chạm tới những nhà cai trị đương thời mà mang họa; bởi vì họ (thời Xuân Thu) hầu hết là hạng người vũ dũng mà thất đức. Không trả lời là muốn bảo vệ tính mệnh cho cả thầy lẫn trò vậy. Thật là kín đáo và tế nhị thay!

Đợi đến lúc Nam Cung Quát đi rồi, Đức Khổng Tử mới khen ngợi ông là người quân tử, chuộng đức. Như thế, Đức Khổng Tử đã xác nhận quan điểm của Nam Cung Quát là đúng. Vũ dũng, tàn nhẫn sẽ gặp tai ương, bất đắc kỳ tử. Chuộng đức hạnh sẽ có sự nghiệp tốt đẹp lâu dài.

6. Đức Khổng Tử nói: ”Người quân tử mà không nhân hậu, cũng có chứ! Chưa từng có kẻ tiểu nhân mà lại nhân hậu.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho sắp đặt thứ bậc con người tiến hoá từ thấp lên cao như sau: tiểu nhân, quân tử, hiền nhân, thánh nhân.

Tiểu nhân là những người chỉ chú trọng tới những giá trị vật chất như: của cải, tiền bạc, ăn uống, may mặc, địa vị, quyền bính, dục tình…

Quân tử là những người bước vào đường đạo đức, đề cao những giá trị tinh thần như: vị tha, nhân hậu, khoan dung, độ lượng, hy sinh, quảng đại, khiêm nhượng, tha thứ…

Hiền nhân là những người quân tử đích thực, đã thành tựu trọn vẹn đức nhân.

Thánh nhân là bậc hiền nhân đã thành tựu đức thành, cho nên đạt tới trình độ phối Thiên, trở nên con người lý tưởng, đứng đầu vạn vật.

Bởi vì quân tử là những người đang dấn thân trên đường đạo đức, đang học tập đức nhân, cho nên những hành vi của họ có khi chưa được nhân hậu. Còn tiểu nhân chưa bước vào đường đạo đức, cho nên những hành vi của tiểu nhân đều có tính ích kỷ, tư lợi, vì thế thường hay bất nhân.

7. Đức Khổng Tử nói: ”Thương yêu, mà chẳng chịu khó nhọc ư? Trung thành, mà chẳng khuyên bảo ư?“

BÌNH GIẢI:

Thương yêu người nào, ấy là ta phải chịu khó nhọc vì người ấy. Vợ chồng thương yêu nhau thì phải khó nhọc vì nhau, chẳng quản công lao hy sinh, phục vụ nhau. Cha mẹ thương yêu con thì phải khó nhọc vì con, chăm sóc, nâng đỡ, an ủi, lo lắng cho con được nên người. Con cái thương yêu cha mẹ thì phải khó nhọc vì cha mẹ, chăm sóc, đỡ đần trong tuổi già, để cha mẹ được trường thọ. Thậm chí thương yêu bạn bè, thương yêu tổ quốc đồng bào cũng vậy. Người nào càng thương yêu nhiều, ắt người ấy càng ra sức phục vụ, chịu khó nhọc đến quên mình.

Cũng tương tự như thế, trung thành với người nào, ấy là ta muốn cho người ấy nên tốt, cho nên ta phải hết lòng khuyên bảo người ấy đi theo chính đạo. Một người bề dưới mà thực sự trung thành với bậc quốc trưởng, ắt là phải khuyên bảo vị quốc trưởng ấy theo chính đạo để có thể duy trì được địa vị và quyền bính lâu dài.

8. Đức Khổng Tử nói: ”Làm văn thư ngoại giao thì ông Tỳ Thầm phác thảo, ông Thế Thúc bàn xét lại, ông Tử Vũ coi việc ngoại giao, sửa chữa trau chuốt; ông Tử Sản ở Đông Lý thêm bớt cho hay.”

BÌNH GIẢI:

Đây là lời Đức Khổng Tử nói về phương thức soạn văn thư ngoại giao (từ lệnh) ở nước Trịnh thời Xuân Thu. Mỗi khi cần phải gửi văn thư ngoại giao cho một nước nào, trước hết vua Trịnh giao việc phác thảo văn thư cho ông Tỳ Thầm. Sau đó, bản văn được giao cho ông Thế Thúc, bàn xét lại xem những điều nói trong văn thư có xác đáng, hợp lẽ chăng. Thế rồi, bản văn được giao cho viên quan phụ trách việc ngoại giao là ông Tử Vũ, sửa chữa trau chuốt cho phù hợp với lời lẽ ngoại giao. Cuối cùng, bản văn lại được chuyển đến cho ông Tử Sản ở Đông Lý, nổi tiếng là một nhà cai trị khôn ngoan, tế nhị, một hiền giả đương thời, thêm bớt chữ nghĩa cho hay khéo hơn.

Một văn thư ngoại giao mà qua tay bốn viên quan soạn thảo, xem xét, tu sửa, trau chuốt như vậy, cho nên mới được hoàn chỉnh, vừa đạt được ý muốn của vua Trịnh, vừa tránh được sự mếch lòng đối với thiên tử nhà Chu, hoặc với các nước chư hầu bạn.

Nói như vậy, Đức Khổng Tử muốn dạy cho các đệ tử biết cần phải thận trọng lắm trong việc soạn thảo văn thư ngoại giao hay soạn từ lệnh ban bố cho quốc dân.

9. Có người hỏi về Tử Sản. Đức Khổng Tử nói: “Người có lòng nhân ái.” Hỏi về Tử Tây. Đáp: “Người ấy ư! Người ấy ư!” Hỏi về Quản Trọng. Đáp: “Đó là con người, đã chiếm lấy ấp Biền ba trăm hộ của họ Bá, khiến phải ăn uống đạm bạc, mà trót đời vẫn không một lời oán hận.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn này nói về ý kiến của Đức Khổng Tử đối với ba nhân vật thời Xuân Thu.

Đối với Tử Sản, ngài cho rằng ông này là người có lòng nhân ái, làm quan lớn mà hay ban ơn cho dân chúng.

Đối với Tử Tây, ngài không muốn bình phẩm điều gì. Tử Tây tức là công tử Thân của nước Sở, một người hiền, đã từng từ chối ngôi Sở Vương nhưng lại ngăn cản Sở Chiêu Vương trọng dụng Đức Khổng Tử. Có lẽ Đức Khổng Tử ít nhiều buồn lòng với Tử Tây, nhưng ngài cũng tôn trọng ông này, cho nên không muốn bình phẩm; hoặc không nhận thấy khuyết điểm đáng nói.

Còn Quản Trọng tức là Quản Di Ngô, làm Tướng quốc nước Tề dưới triều đại Tề Hoàn Công. Ông này có tài lớn về chính trị, giỏi dùng người, hiểu thời vụ. Cho nên đã khiến nước Tề trở nên cường thịnh nhất vào thời Xuân Thu. Tề Hoàn Công đã tôn ông làm Trọng Phụ và rất ưu ái, trọng nể ông; cho nên đã lấy ấp Biền ba trăm hộ của họ Bá mà phong cho ông. Họ Bá mất ấp Biền trở nên nghèo khó, phải ăn uống đạm bạc, thế mà đến trót đời vẫn không có một lời oán hận Quản Trọng. Đủ biết Quản Trọng là một con người đặc biệt, được mọi người kính nể, không ai dám ghen tuông hay chê trách điều gì.

10. Đức Khổng Tử nói: “Nghèo mà không oán hận, khó; giàu mà không kiêu căng, dễ.”

BÌNH GIẢI:

Mang thân phận nghèo, người ta hay than vãn oán hận. Người ta có thể oán Trời trách đất, oán cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè; oán thời thế, oán cả nhà cầm quyền.

oán Trời trách đất vì đã không cho họ số mệnh tốt đẹp. oán cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè… Vì đã không giúp đỡ, săn sóc họ. oán thời thế vì thời thế không thuận lợi cho họ. oán nhà cầm quyền vì không có chính sách cai trị thích hợp cho họ. Kẻ nghèo nào mà không dày công tu đức thì thường than oán như vậy. Cho nên nghèo mà không oán hận là điều khó. Chỉ người nào tu đức đến mức hiền thánh mới không oán hận thôi.

Còn người giàu thì thường kiêu căng như con ngựa lồng vó. Kiêu căng vì tự cho mình tài giỏi, khôn ngoan hơn người. Nhận thấy mình không tài giỏi gì cả là biết tự khiêm. Muốn tự khiêm phải thành khẩn xét lại mình. Thành khẩn xét lại mình cũng không dễ, nhưng dù sao so với sự hãm dẹp oán hận vẫn là dễ hơn.

11. Đức Khổng Tử nói: “Ông Mạnh Công Xước làm gia thần cho họ Triệu, họ Ngụy thì thừa khả năng; nhưng không thể làm quan đại phu cho nước Đằng, nước Tiết.”

BÌNH GIẢI:

Ông Mạnh Công Xước là quan đại phu nước Lỗ. Đức Khổng Tử cho rằng tài năng của ông chỉ có thể làm gia thần cho họ Triệu, họ Ngụy. Triệu, Ngụy là hai quan khanh của nước Tấn.

Ví như có làm quan đại phu cho nước Đằng, nước Tiết, là hai tiểu quốc cũng không được; huống chi làm đại phu nước Lỗ. Bởi vì Mạnh Công Xước chỉ có đức mà kém tài.

12. Tử Lộ hỏi về người hoàn toàn. Đức Khổng Tử nói: “Ví bằng có sự khôn ngoan của Tang Vũ Trọng, có tính không ham muốn của Công Xước, có sự mạnh mẽ của Biện Trang Tử, có tài nghề của Nhiễm Cầu, lại lấy lễ nhạc làm văn vẻ, cũng có thể coi là người hoàn toàn vậy.”

Ngài nói thêm: “Nhưng người hoàn toàn thời nay đâu hẳn phải như thế? Thấy lợi mà nghĩ đến điều nghĩa, thấy nguy mà chấp nhận số mệnh, ước hẹn đã lâu mà không quên lời nói trong đời mình, [như vậy] cũng có thể xem là người hoàn toàn vậy.”

BÌNH GIẢI:

Theo Đức Khổng, người hoàn toàn là người gồm đủ cả sự khôn ngoan sáng suốt (trí), tính không tham lam (nhân), tinh thần mạnh mẽ (dũng), tài khéo kỹ thuật, lại thông hiểu lễ nhạc. Tóm lại, người hoàn toàn kết hợp những cái hay của bốn nhân vật: Tang Vũ Trọng, Mạnh Công Xước, Biện Trang Tử, Nhiễm Cầu, cộng thêm sự thông hiểu lễ nhạc, biết vận dụng lễ nhạc để trang sức cho đời sống nữa. Một con người đầy đủ những ưu điểm như vậy, không thể tìm đâu ra vào thời Xuân Thu. Cho nên Đức Khổng Tử mới hạ thấp xuống một mức, cho rằng người nào có được những đức tính như:

– Thấy điều lợi trước mắt mà không quên điều nghĩa, tức là không vì lợi lộc mà làm điều bất nghĩa.

– Gặp tình cảnh nguy khốn mà không hèn nhát, sẵn sàng đem sinh mệnh mà duy trì chính nghĩa, đạo lý.

– Giữ lời ước hẹn hay lời hứa đã lâu mà không quên có cơ hội thuận tiện sẽ thực hiện.

Người như thế cũng có thể được xem là người hoàn toàn, tức là đạt tới bậc thành nhân.

13. Đức Khổng Tử hỏi Công Minh Giả về ông Công Thúc Văn Tử rằng: “Có thực thầy ông không nói, không cười, không nhận của chăng?”

Công Minh Giả đáp rằng: “Ai bảo như thế là quá đáng rồi. Thầy tôi gặp lúc mới nói, nên người ta không chán lời ông nói. Gặp lúc vui mới cười, nên người ta không chán ông cười. Hợp điều nghĩa mới nhận, nên người ta không chán ông nhận.”

Đức Khổng Tử nói: ”Thế ấy ư? Há thế ấy sao?”

BÌNH GIẢI:

Công Thúc Văn Tử là một quan đại phu nước Vệ; Công Minh Giả, đệ tử của ông, cũng là người nước Vệ. Nghe đồn Công Thúc Văn Tử là người không nói, không cười, không nhận của biếu, Đức Khổng Tử muốn hỏi Công Minh Giả cho rõ.

Theo lời ông này, Công Thúc Văn Tử gặp lúc đáng nói mới nói, gặp lúc vui mới cười, gặp của biếu mà hợp điều nghĩa mới nhận, do đó Công Thúc Văn Tử được lòng mọi người. Không ai chán ông cả. Nếu đúng như vậy, Văn Tử quả là người vừa nắm được chữ thời, vừa hành động hợp nghĩa; ắt Văn Tử đã đạt tới trình độ bậc hiền.

Nghe qua, Đức Khổng Tử tỏ ra ngạc nhiên và hơi lộ vẻ hoài nghi. Bởi vì thường qua lại nước Vệ, sao Đức Khổng Tử không nhận ra con người đặc biệt ấy? Giả như vua nước Vệ mà có một quan đại phu đặc biệt như thế phò tá, hẳn nước Vệ không đến nỗi suy vong!

14. Đức Khổng Tử nói: “Tang Vũ Trọng xin đất Phòng cho con nối dõi ở nước Lỗ. Tuy nói rằng không đòi hỏi vua, ta không tin.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử nói câu này có ý chê Tang Vũ Trọng đã đòi hỏi, đồng thời gây áp lực với vua, như thế là một bề tôi uy hiếp vua.

Nguyên Tang Vũ Trọng là đại phu nước Lỗ, đã được vua phong cho đất Phòng. Đến khi có tội, Tang Vũ Trọng bỏ đi; nhưng sau đó lại sai người đến yêu sách vua Lỗ, đòi phải cho con cháu mình làm chủ đất ấy. Được như vậy, Tang Vũ Trọng mới lánh đi hẳn. Đó là đòi hỏi vua một cách quá đáng; sao nói là không được?

15. Đức Khổng Tử nói: ”Tấn Văn Công lừa lọc mà không ngay thẳng, Tề Hoàn Công ngay thẳng mà không lừa lọc.”

BÌNH GIẢI:

Tấn Văn Công và Tề Hoàn Công là hai vị bá chủ trong Ngũ Bá thời Xuân Thu. Ngũ Bá gồm: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Công.

Dưới con mắt của Đức Khổng, Tấn Văn Công là người lừa lọc mà không ngay thẳng; trái lại, Tề Hoàn Công nhờ hai vị danh thần là Bảo Thúc Nha và Quản Trọng mà biết xử sự ngay thẳng, lại biết dùng những hiền tài trong nước, cho nên nước Tề mới cường thịnh.

Tiêu biểu cho sự ngay thẳng, không lừa lọc của Tề Hoàn Công là trường hợp ông giữ lời hứa với Tào Mạt trong cuộc hội thề cùng vua Lỗ tại đất Kha. Trong cuộc hội thề, Tề Hoàn Công bị Tào Mạt (bề tôi vua Lỗ) dùng chủy thủ uy hiếp, phải hứa trả Toại Ấp cho nước Lỗ. Sau đó, nhờ nghe lời khuyên của Quản Trọng, giữ chữ tín, bằng lòng trả đất mà Tề Hoàn Công được tiếng là ngay thẳng, không lừa lọc và được các nước chư hầu tôn làm bá chủ.

16. Tử Lộ nói: “Hoàn Công giết công tử Củ, Thiệu Hốt chết theo; Quản Trọng không chết; có thể nói chưa có đức nhân chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Hoàn Công nhiều lần hội họp chư hầu, không dùng đến xe trận, đó là công sức của Quản Trọng. Đức nhân của ông ấy là như vậy! Đức nhân của ông ấy là như vậy!

BÌNH GIẢI:

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Thế Gia, vào thời Xuân Thu, Tề Tương Công có hai người em cùng cha khác mẹ là công tử Củ và công tử Tiểu Bạch. Thấy Tương Công là hôn quân vô đạo, sợ vạ lây, Công tử Củ chạy sang nước Lỗ, có Thiệu Hốt và Quản Trọng theo phò tá; công tử Tiểu Bạch trốn sang nước Cử, có Bảo Thúc Nha theo phò tá.

Một thời gian sau, Vô Tri giết Tương Công để tự lập làm vua. Nhưng rồi, Vô Tri lại bị người Ung Lâm đánh úp mà giết chết. Quan đại phu nước Tề là Cao Hề lén mời công tử Tiểu Bạch gấp rút về nước, lên ngôi, tức Tề Hoàn Công. Hoàn Công đưa thư cho nước Lỗ yêu cầu giết Công Tử Củ.

Công tử Củ bị giết tại Sinh Đậu. Thiệu Hốt tự sát. Quản Trọng chẳng những không chết theo công tử Củ, lại còn về giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá.

Người đời cho rằng Thiệu Hốt mới xứng đáng là bậc nhân vì trung thành với công tử Củ, còn Quản Trọng thì không. Do đó, Tử Lộ đem vấn đề này ra chất vấn Đức Khổng Tử.

Đức Khổng Tử luận rằng Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công trị an nước Tề, tạo nên hoà khí giữa các nước chư hầu; nhiều lần cùng các chư hầu hội họp mà không cần dùng tới binh lực, xe trận để ép buộc. Đó là Quản Trọng đã thực hành đức nhân ở quy mô lớn lao.

Không chết theo công tử Củ là bỏ điều nghĩa nhỏ, đem ơn ích cho muôn người mới thực là làm điều nhân lớn vậy.

17. Tử Cống nói: “Quản Trọng chẳng phải người có đức nhân ư? Hoàn Công giết công tử Củ, không chết theo, lại còn làm tướng cho [ông ta].”

Đức Khổng Tử nói: “Quản Trọng làm tướng cho Hoàn Công lãnh đạo chư hầu. Một sửa thiên hạ cho chính, dân chúng đến nay còn chịu ơn. Nếu không có Quản Trọng, ta đã phải gióc tóc mặc áo vạt trái rồi. Há như những đàn ông, đàn bà thông thường cố giữ điều tín nhỏ, tự treo cổ ở ngòi rạch mà chẳng người nào biết đến sao?”

BÌNH GIẢI:

Ở đoạn trên, Đức Khổng Tử đã giải đáp cho thắc mắc của Tử Lộ về đức nhân của Quản Trọng. Trong đoạn này, trả lời cho vấn nạn của Tử Cống, Đức Khổng Tử nói rõ hơn.

Sự nghiệp về đức nhân của Quản Trọng chính là giúp Tề Hoàn Công thống nhất và đem thiên hạ về chính đạo, trong đó có Đức Khổng Tử và các học trò. Nếu không có Quản Trọng ổn định Trung nguyên, chận đứng sự xâm lấn của rợ Bắc Phương thì nay, hậu thời Xuân Thu, toàn dân Trung Hoa đã biến thành một đám mọi rợ, thiếu văn hoá, đã phải gióc tóc và mặc áo vạt trái như những Tây nhung, Bắc địch rồi. Quản Trọng không phải loại đàn ông đàn bà thông thường, khư khư giữ điều trung tín nhỏ nhoi, tự treo cổ nơi ngòi rạch để tỏ lòng trung thành với một cá nhân tầm thường như công tử Củ.

Cố giữ điều nhân nhỏ nhoi mà chết uổng như vậy, nào có ích gì cho ai!

Thời nghĩa của chữ nhân rộng lớn lắm thay! Đâu có hạn hẹp, cục bộ như quan niệm của đám hủ nho hương nguyện ở một góc làng xã quê mùa!

18. Gia Thần của Công Thúc Văn Tử, đại phu Soạn, đã lên chức cùng Văn Tử ở công triều. Đức Khổng Tử nghe thấy vậy, nói: “Có thể đáng gọi là tốt đẹp (văn) vậy.“

BÌNH GIẢI:

Ông Soạn vốn là gia thần của Công Thúc Văn Tử, quan đại phu nước Vệ. Thế rồi, ông Soạn được thăng chức đại phu, trở thành đại phu Soạn, cùng đứng ngang hàng với Văn Tử trong công triều nước Vệ. Điều đó diễn ra, có nghĩa là Công Thúc Văn Tử không hề dìm tài ông Soạn, trái lại, còn đề cao hoặc giới thiệu ông Soạn với vua Lỗ nữa. Như vậy Văn Tử quả là một bậc hiền, biết tôn trọng, cất nhắc người có tài. Ông quả xứng đáng với chữ văn trong cái tên Công Thúc Văn Tử. Văn () nghĩa là tốt đẹp, có lòng nhân hậu.

19. Đức Khổng Tử nói về sự vô đạo của Vệ Linh Công. Khang Tử nói: “Đã như thế, sao mà không mất ngôi?“

Đức Khổng Tử nói: ”Trọng Thúc Ngữ coi sóc về tân khách, Chúc Đà coi sóc việc tông miếu, Vương Tôn Giả coi sóc về quân đội. Đã như thế, sao mất được?“

BÌNH GIẢI:

Một lần kia, Đức Khổng Tử nói chuyện với Quý Khang Tử, quan đại phu nước Lỗ, về sự vô đạo của Vệ Linh Công. Vô đạo nghĩa là làm những việc càn bậy, không theo luân lý đạo đức.

Quý Khang Tử mới chất vấn rằng: “Đã như thế, sao mà không mất ngôi?” Bởi vì theo lẽ thường, vua đã sống vô đạo thì các quan chia rẽ, hư đốn, tham nhũng, bè phái, triều đình sẽ mất kỷ cương và dân chúng phải lầm than đói khổ; giặc giã nổi lên, sự rối loạn ắt sẽ xảy ra. Nếu tình trạng đó kéo dài, chẳng những vua mất ngôi mà nước cũng mất về tay ngoại bang nữa.

Đức Khổng Tử mới giải thích rằng: Tuy Vệ Linh Công vô đạo nhưng lại biết dùng những hiền tài như: Trọng Thúc Ngữ coi sóc về tân khách, tức là phụ trách chu đáo việc ngoại giao; Chúc Đà coi sóc việc tông miếu, tức là phụ trách chu đáo việc lễ nghi tế tự, Vương Tôn Giả coi sóc về quân đội, phụ trách chu đáo việc võ bị, quốc phòng cẩn mật, nội loạn không thể manh nha, ngoại thù không dám xâm lấn. Vì thế, ngôi vua của Vệ Linh Công không mất.

Tuy không mất ngôi, nhưng quốc gia không thể thịnh vượng được, việc ổn định chỉ nhất thời thôi. Nếu sự vô đạo kéo dài lâu ngày, việc càn bậy sẽ lây lan trong hàng ngũ quan lại, lòng quân sẽ thất vọng, nao núng; lòng dân sẽ ly tán. Bấy giờ, sự sụp đổ của chế độ, sự suy vong của đất nước sẽ diễn ra như trúc chẻ, ngói tan.

20. Đức Khổng Tử nói: “Nói mà không cảm thấy hổ thẹn, khi làm sẽ thấy khó.”

BÌNH GIẢI:

Người nào nói ra mà không cảm thấy hổ thẹn, ắt sẽ thường nói quá lời và hành động thiếu thận trọng. Nói quá lời tức là nói khoác lác, vượt quá khả năng của mình. Lời nói đã vượt quá khả năng của mình, lại thêm chủ quan, thiếu thận trọng, ắt là khó lòng thực hiện cho nên việc.

Vì thế, học làm người quân tử phải biết dè dặt lời nói. Liệu nói ra mà khó làm, chẳng thà đừng nói thì tốt hơn. Làm một người lãnh đạo không nên tín nhiệm những người nói không biết hổ thẹn. Giao việc cho loại người ấy, ắt có ngày sẽ thất vọng và nguy hại sẽ tới không lường được.

Cuối thời Tam Quốc bên Trung Hoa, Khổng Minh phải khóc lóc hối hận vì đã giao việc giữ Nhai Đình cho Mã Thốc. Chung cuộc, Nhai Đình bị thất thủ, lôi kéo theo Ba Thục bị mất và sự nghiệp nhà Thục Hán bị cuốn trôi như nước lã ra sông!

21. Trần Thành Tử giết Giản Công. Đức Khổng Tử tắm gội, rồi vào triều báo cho vua Ai Công rằng: “Trần Hằng giết vua, xin cho đánh dẹp.”

Vua nói: “Hãy báo cho ba nhà.”

Đức Khổng Tử nói: “Vì tôi theo sau hàng đại phu nên chẳng dám không báo. Vua nói: ‘Hãy báo cho ba nhà biết’, ba nhà ấy bảo: ‘Không thể được.’” Đức Khổng Tử nói: “Vì tôi theo sau hàng đại phu, nên chẳng dám không báo.”

BÌNH GIẢI:

Trần Thành Tử tức Trần Hằng, là quan đại phu nước Tề đã giết vua Tề Giản Công. Đó là tội phản nghịch. Đức Khổng, lúc này đã thôi làm quan; nhưng dù sao cũng đã từng là đại phu nước Lỗ, không muốn việc ấy tái diễn tại nước Lỗ hay ở một nước chư hầu khác; cho nên mới xin vua Lỗ Ai Công ra quân hỏi tội Trần Hằng. Vua Lỗ vốn là dòng dõi của Chu Công, miêu duệ của Nhà Chu. Nay nhà Chu suy yếu, vua Lỗ thay nhà Chu đánh dẹp kẻ phản nghịch để giữ gìn kỷ cương, ổn định chư hầu là hợp lẽ.

Tuy nhiên, lúc này, Lỗ Ai Công chỉ là vua bù nhìn, quyền hành, binh lực đều nằm trong tay ba nhà Mạnh Tôn, Thúc Tôn và Quý Tôn. Ai Công không tự mình quyết định được điều gì, vì thế, mới bảo Đức Khổng Tử thông báo cho ba nhà biết.

Nhưng ba nhà Mạnh, Thúc, Quý đều là những bề tôi lấn quyền vua, họ không thể hỏi tội Trần Hằng. Hỏi tội Trần Hằng chính là tự vạch tội của họ. Do đó, cả ba nhà đều không đồng ý xuất quân đánh dẹp. Đức Khổng Tử cũng đoán biết điều đó, nhưng chẳng lẽ ngài đã từng làm đại phu nước Lỗ, lại làm ngơ mà không báo cáo?

22. Tử Lộ hỏi về việc thờ vua. Đức Khổng Tử nói: “Đừng lừa dối, mà hãy can thiệp vào.”

BÌNH GIẢI:

Căn cứ vào lời dạy của Đức Khổng Tử cho Tử Lộ về việc thờ vua ở đây, chúng ta mới thấy quan niệm thờ vua, trung thành với vua của các hậu Nho ở những giai đoạn lịch sử về sau rõ ràng là sai lầm.

Không biết ai trong các hậu Nho ấy đã nêu ra truyền ngôn sau: “Trung thần bất sự nhị quân. Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung: Người bề tôi trung không thờ hai vua. Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung thành.” Thế mà, có người đã gán câu này cho Đức Khổng Tử và nói rằng đó là lời đức thánh dạy. Thật là oan uổng biết bao nhiêu! Câu đó có phải là của Hán Nho chăng, hay là của nhóm Nho nào trong các triều đại về sau? Qua đó, chúng ta thấy quả đạo Nho đã bị bẻ quẹo đi biết bao để phục vụ cho những cường quyền, những hôn quân vô đạo!

Ở đây, Đức Khổng Tử nói rõ về đạo lý thờ vua là: Đừng lừa dối hay lấn ép vua, mà phải can thiệp hay góp ý với vua, can gián vua, đừng để vua sa vào những sự lầm lạc, những tội ác, những tật xấu…

Đạo lý này luôn luôn đúng cho mọi thời, mọi nơi. Thời đại nào, các người ở cấp thừa hành (bề tôi) biết vận dụng đạo lý ấy thì đất nước ắt được thái bình, thịnh trị. Trái lại, thời đại nào các người ở cấp thừa hành lừa dối, nịnh hót, lấn ép hoặc làm ngơ trước những sai lầm của người trên, ắt đất nước sẽ rối loạn, dân chúng sẽ thống khổ.

23. Đức Khổng Tử nói: “Quân tử hướng đến cao cả, tiểu nhân hướng đến thấp hèn.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử bao giờ cũng lo tu thân theo hướng đạo đức để trở nên bậc hiền thánh; đó là lý tưởng cao cả của một người hoàn toàn. Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ hướng đến danh lợi, nhằm đáp ứng những nhu cầu thấp hèn của thân xác. Đó là hướng đến của những người tầm thường.

24. Đức Khổng Tử nói: “Người học thời xưa vì mình; người học thời nay vì người.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử sống vào thời Xuân Thu (khoảng 500 năm trước Công nguyên); cho nên chữ “cổ” (thời xưa) phải được hiểu là giai đoạn lịch sử trước thời Xuân Thu vài trăm năm, có thể vào khoảng đời của Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, tức là đầu nhà Chu hoặc xa hơn nữa. Còn chữ “kim” (thời nay) chính là chỉ thời Xuân Thu mà Đức Khổng Tử đang sống. Đó là một thời đại loạn, thiên hạ đua nhau tranh danh đoạt lợi, với vô số tội lỗi xuất hiện trong xã hội: cha con, vợ chồng giết lẫn nhau; bạn bè phỉnh gạt lẫn nhau; chiến tranh liên miên trong mấy trăm năm…

Câu trên của Đức Khổng Tử có ý nghĩa rằng: người thời xưa học vì mình, học cho mình, tức là học cốt để cho mình được tiến lên bậc quân tử, bậc hiền thánh. Người thời nay học vì người, tức là học cốt để được người khác khen ngợi, để đáp ứng sự mong mỏi của người khác. Người thời đó (Xuân Thu) mong thân nhân của mình có danh tiếng, có địa vị, quyền uy trong nước để cả họ được nhờ.

25. Cừ Bá Ngọc sai người đến với Đức Khổng. Đức Khổng Tử ngồi với người ấy mà hỏi rằng: “Phu tử làm gì?”

Đáp rằng: “Phu tử muốn hạn chế lầm lỗi của mình, nhưng chưa được.” Sứ giả đi ra, Đức Khổng Tử nói: “Khôn khéo thay! Khôn khéo thay!”

BÌNH GIẢI:

Cừ Bá Ngọc, quan đại phu nước Vệ, vốn là bạn thâm giao của Đức Khổng Tử khi ngài bỏ Lỗ sang Vệ. Nay, Bá Ngọc sai người đến thăm Đức Khổng, ngài vui vẻ mời ngồi và lên tiếng hỏi thăm.

Sứ giả nói: “Phu tử (thầy tôi) muốn hạn chế lầm lỗi của mình, nhưng chưa được.” Câu trả lời này có hai điểm hay:

Thứ nhất, câu nói cho biết Cừ Bá Ngọc là một bậc hiền vì muốn bớt lầm lỗi của mình. Người muốn bớt lầm lỗi chính là một bậc quân tử trọng đức hạnh, lúc nào cũng muốn thượng đạt, trở nên người hoàn toàn.

Thứ hai, câu nói cho biết Cừ Bá Ngọc là một người khiêm tốn, vì tự nhận chưa bớt lỗi được như ý nguyện.

Một vị sứ giả ra đi, khéo léo nêu được những ưu điểm của chủ mình mà không cần phải đề cao. Vì thế, Đức Khổng Tử không tiếc lời, khen ngợi sứ giả của Cừ Bá Ngọc là người khôn khéo, là một sứ giả xứng đáng. Quả là thầy nào trò ấy.

26. Tăng Tử nói: “Người quân tử suy nghĩ không ra ngoài chức vị của mình.”

BÌNH GIẢI:

Tăng Tử tức là Tăng Sâm, người đệ tử xuất sắc của Đức Khổng Tử sau Nhan Hồi. Ông này là người trung thực, tư tưởng của ông tuy không phóng khoáng như Đức Khổng, thầy Nhan, nhưng luôn luôn hướng về đạo đức cá nhân.

Ông cho rằng người quân tử không nên suy nghĩ điều gì ra ngoài chức vị của mình, mà nên chú trọng về bổn phận. Mỗi người có một bổn phận cần phải làm tròn. Bổn phận là những điều đòi hỏi ở một con người trong chức vị nào đó.

Ở chức vị một ông vua lãnh đạo đất nước thì bổn phận là suy nghĩ làm sao để cho dân được no ấm, thái bình. Ở chức vị một bề tôi thì bổn phận là suy nghĩ về việc giúp vua trị nuớc. Ở địa vị một người cha trong gia đình thì bổn phận là suy nghĩ về việc tạo hạnh phúc cho vợ con. Ở địa vị một ông thầy dạy học thì bổn phận là suy nghĩ sao cho các học trò của mình được mở mang trí tuệ, thăng tiến đức hạnh v.v…

Nếu mỗi người quân tử đều biết suy nghĩ để làm tròn bổn phận của mình mà không mất thời giờ suy tính, can thiệp sang phạm vi bổn phận của người khác thì guồng máy xã hội sẽ ổn định và phát triển tốt đẹp, mầm mống rối loạn không thể nảy nở được.

27. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử xấu hổ về lời nói mà vượt quá hành động.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên nếu đặt dấu phẩy vào sau chữ ngôn (), tức là: “Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành”, sẽ được dịch là: “Người quân tử xấu hổ về lời nói, mà hành động thì vượt quá”, tức là: người quân tử thích nói ít, làm nhiều. Cả hai cách dịch đều có nghĩa tương tự nhau; nhưng thông thường người ta quen hiểu theo cách dịch thứ nhất.

Kẻ tiểu nhân thì hay đại ngôn, tức là nói nhiều mà làm ít, hoặc giỏi nói mà chẳng làm gì cả, chỉ muốn người khác làm thôi, bởi vì thông thường, nói dễ, làm khó. Trái lại, người quân tử luôn luôn chú trọng vào hành động, cho nên nói ít mà cố gắng làm nhiều; hoặc chỉ làm những điều cần làm mà không phô trương bằng lời nói. Người quân tử cảm thấy xấu hổ một khi nói về điều gì mà mình không làm được hay chưa làm được trọn vẹn.

28. Đức Khổng Tử nói: “Đường lối của người quân tử có ba điều mà ta không thể làm được: có đức nhân, không lo buồn; có đức trí, không ngờ vực, có đức dũng, không sợ sệt.” Tử Cống nói: ”Thầy tự bày tỏ như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nhân, trí, dũng là ba đức của người quân tử, hay là ba đường lối mà người quân tử phải tiến bước. Người học làm quân tử phải hiện thực đồng thời cả ba đức đó.

Đức nhân ở trình độ phổ thông là yêu người (ái nhân). Đã yêu người thì “điều gì mình không muốn, đừng làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Hơn nữa, yêu người tức là “điều gì mình muốn lập thì lập cho người, điều gì mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người” (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân).

Đức nhân lại bao gồm những đức tính tốt khác như : cung, khoan, tín, mẫn, huệ (cung kính, khoan dung, trung tín, chăm chỉ, sáng suốt). Ở trình độ cao, nhân nghĩa là “tự chinh phục lấy mình, tuân theo lễ (khắc kỷ phục lễ ). Thế mà tuân theo lễ nghĩa là “không nói điều gì trái lễ, không nhìn điều gì trái lễ, không nghe điều gì trái lễ, không làm điều gì trái lễ” (Phi lễ vật ngôn, phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật động.). Lễ là tiết điệu uyên nguyên của trời đất. Giữ lễ là kết hợp mọi điều tốt đẹp (gia hội túc dĩ hợp lễ) để biểu hiện ra trong tương giao xã hội.

Người quân tử thành tựu đức nhân có thể trở nên con người lý tưởng, tức là người hoàn toàn. Đã thành người hoàn toàn thì không lo buồn gì nữa, bởi vì có cảm thấy điều gì bất như ý đâu!

Đức trí là năng lực sáng suốt, hiểu rõ mọi cớ sự trong thiên hạ. Trí ở trình độ cao, không còn là vận dụng lý trí để suy nghĩ mà là dùng trực giác để thấu tỏ (cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố). Đã đạt đến mức này, làm sao còn ngờ vực điều gì!

Đức dũng là năng lực mạnh mẽ của tinh thần. Người quân tử có tinh thần thực sự mạnh mẽ thì không còn sợ sệt, không còn bị nghiêng ngã trước những thế lực trần gian. Theo cách nói của Mạnh Tử, đó là: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang mà không phóng đãng, nghèo hèn mà không dời đổi, uy lực không khuất phục được).

Hiểu được nhân, trí, dũng như thế mới biết rằng Đức Khổng Tử thành thật khi nói rằng: “Ta không thể làm được” (ngã vô năng yên). Câu nói đó không phải Đức Khổng Tử tự nhún quá đáng mà là câu nói thật! Cũng có thể bảo Đức Khổng Tử tự khiêm khi hiểu tự khiêm là nhận định đúng đắn về thực chất của mình. Có lẽ, nói cho đúng là: “Ta chưa thể làm được trọn vẹn những đức tính ấy.” Bởi vì, ngài đã từng tâm sự với các đệ tử: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm).

Đức Khổng Tử chưa đạt tới mức bậc thánh bậc nhân; dĩ nhiên ba đức nhân, trí, dũng lý tưởng kia, ngài cũng chưa hiện thực được hoàn toàn. Do đó, Tử Cống nhận xét rất đúng rằng: “Thầy tự bày tỏ như vậy.” (Phu tử tự đạo dã.)

Thế là cả thầy lẫn trò đều thành thực: thầy không dối trá và trò không đề cao thầy.

29. Tử Cống so sánh người. Đức Khổng Tử nói: “Trò Tứ nhọc nhằn vậy thay! Còn ta thì chẳng nhàn rỗi.”

BÌNH GIẢI:

Tử Cống có thói quen so sánh người này với người kia; trong khi đó, dĩ nhiên có sự chê khen người hay kẻ dở. Đức Khổng Tử dùng chữ hiền () để nói về thói quen đó của Tử Cống, không phải ngài khen ông giỏi giang, tài đức; ngài cũng không có ý mỉa mai Tử Cống, bởi vì ngài không có kiểu nói đó.

Chữ hiền ở đây nên hiểu là “nhọc nhằn” (nghĩa thứ 5 của chữ hiền () theo tự điển Hán Việt của Thiều Chửu). Vì dùng chữ hiền theo nghĩa “nhọc nhằn” nên Đức Khổng Tử mới nói thêm rằng “còn ta thì chẳng nhàn rỗi” để làm cái việc so sánh như vậy. Đức Khổng Tử muốn Tử Cống dành thời giờ để học tập, tu đức hơn là phải nhọc sức so sánh, phê phán người. So sánh như vậy cũng chưa hẳn là chính xác, đúng đắn. Điều đó không ích lợi cho mình, mà lại còn làm mất lòng người.

30. Đức Khổng Tử nói: “Đừng lo người ta không biết mình, hãy lo mình không có khả năng thôi.”

BÌNH GIẢI:

Người học đạo quân tử chẳng nên lo người ta không biết đến tài năng của mình, chỉ nên lo rằng mình không có đủ khả năng gánh vác việc đời khi cơ hội đến.

Đã tương đối có đủ khả năng rồi, thế nào cũng có cơ hội cho mình phát huy. Không có cơ hội lớn thì có cơ hội nhỏ, miễn là mình có thiện chí làm việc. Nếu không gặp cơ hội lớn để đảm đương việc quốc gia, ít ra cũng gặp cơ hội nhỏ để giúp ích cho họ hàng, làng xóm. Không gặp cơ hội lớn thì đỡ phải nhọc lòng toan tính. Đó cũng là một điều hay; người quân tử sẽ được nhàn thân để cầu đạo. Đạo đây là niềm an vui thư thái tinh thần trong cõi nhân sinh, là “độc thiện kỳ thân” vậy.

31. Đức Khổng Tử nói: “Không toan lường sự giả dối, không nghĩ rằng không tin được, hoặc giả cũng hiểu biết trước, chính là người giỏi vậy!”

BÌNH GIẢI:

Khi giao tiếp với một người lạ hay gặp một sự việc mới lạ, mà ta không dự đoán trước rằng người ấy giả dối hay sự việc ấy ẩn giấu âm mưu lừa đảo; ta cũng không nghĩ rằng người ấy hay việc ấy không đáng tin; thế rồi ta lại hiểu ngay được trước khi sự giả dối diễn ra. Đức Khổng Tử cho rằng người nào mà trực giác được như vậy để có đối sách thích ứng, người ấy thật là người giỏi!

32. Vi Sinh Mẫu bảo Đức Khổng Tử rằng: “Sao ông Khâu lại hay lăng xăng như vậy? Phải chăng là khoe tài ư?”

Đức Khổng Tử nói: “Chẳng dám khoe tài đâu, mà giận ghét sự cố chấp thôi.”

BÌNH GIẢI:

Vi Sinh Mẫu nhận thấy Đức Khổng Tử là người hay ngược xuôi du thuyết trong các nước chư hầu; lúc thì bàn việc chính trị với vua này; khi thì luận về thế sự với đại phu nọ. Dĩ nhiên, ông không có cảm tình với Đức Khổng, nhất là không hiểu mục đích công việc của ngài. Vì thế đã cho rằng ngài nếu không phải là kẻ hiếu sự, cũng là người muốn khoe tài cùng thiên hạ.

Đức Khổng Tử không giận; nhân đó đã phân trần về lập trường của mình. Ngài ghét sự cố chấp của giới cầm quyền lúc bấy giờ. Xã hội loài người cũng như vũ trụ thiên nhiên là một thực tại luôn luôn biến đổi. Chữ thời chính là chiều kích biến đổi của vũ trụ nhân sinh; do đó người làm chính trị cần phải biết linh động biến đổi, tức là phải canh cải mọi việc để ứng với thời. Thời thế đã biến đổi thì những hình thái cai trị, những luật tắc trong xã hội cũng cần phải được sửa đổi để phù hợp với nhân tâm. Mặc dầu đạo lý không thay nhưng cách ứng xử, cách sinh hoạt của con người trong xã hội phải thay đổi. Không thể khư khư cố chấp vào những hình thức cai trị cũ kỹ, lỗi thời để khuôn đúc mọi người trong một khuôn khổ cứng nhắc được. Cơ cấu chính trị được xây dựng nên để phục vụ mọi người trong đó dân chúng là số đông, chứ không phải chỉ phục vụ một thiểu số ở giai cấp quan lại cầm quyền. Những gì không đáp ứng nhu cầu của số đông cần phải thải bỏ.

33. Đức Khổng Tử nói: “Ngựa ký không phải được đề cao do sức của nó, mà được đề cao do đức của nó.”

BÌNH GIẢI:

là giống ngựa có khả năng chạy nghìn dặm (thiên lý mã) nhưng lại có tính thuần lương (thuần thục hiền hành). Tương truyền, là giống ngựa có gốc ở vùng Ký Châu, phía bắc Trung Hoa. Vì Ký Châu có khí hậu lạnh lẽo, khắc nghiệt; cho nên giống ngựa ở đó giỏi chịu đựng gian khổ. Ngựa ký tuy có tài ngày đêm đi nghìn dặm, nhưng người ta ca ngợi nó không phải vì sức khỏe mạnh, mà vì cái đức thuần thục hiền hành của nó.

Nói câu này, Đức Khổng Tử muốn chú trọng tới đức hạnh của một con người. Người có tài cao cần phải có đức hạnh tốt. Có tài mà thiếu đức, chẳng khác nào con ngựa khỏe mà không thuần, hung hăng hí lộng, háu dá, hay trở chứng thì vô ích, không dùng được.

34. Có người nói rằng: “Lấy ân huệ báo lại oán thù, như thế được chăng?” Đức Khổng Tử nói: “Lấy gì báo lại ân huệ? Lấy công chính báo lại oán thù; lấy ân huệ báo lại ân huệ.”

BÌNH GIẢI:

Căn cứ vào câu trả lời ở đây, xưa nay người ta thường cho rằng đạo đức trong Nho giáo hẹp hòi. Trong khi Lão Tử, Phật Thích Ca, Chúa Giêsu đều chủ trương “dĩ đức báo oán”, thì Đức Khổng Tử lại chủ trương “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”.

Dĩ trực báo oán”, lấy ngay thẳng báo lại oán thù, phải chăng Đức Khổng Tử dạy người ta báo thù?

Trực là sự ngay thẳng, đồng thời cũng là sự công chính. Thực hiện công chính nghĩa là đem điều chính đến cho mọi người theo lẽ công bằng, có vay có trả. Đức Khổng Tử là bậc thầy đã từng là một nhà cai trị, vì ngài đã từng là Đại tư khấu (Bộ trưởng Tư pháp), là Tể tướng (Thủ tướng: Nhiếp tướng sự) của nước Lỗ, dĩ nhiên ngài phải dạy người ta lấy sự công chính tức là lấy pháp luật để giải quyết oán thù. Lấy ân huệ báo lại oán thù (dĩ đức báo oán), dĩ nhiên là một quy luật đạo đức hoàn thiện, tuyệt vời; nhưng điều ấy chỉ dành cho cá nhân. Cá nhân nào muốn trở nên thánh thiện thì cần phải theo châm ngôn ấy.

Trên phương diện trị an xã hội, lãnh đạo đất nước, mọi người trong xã hội chưa hoàn toàn là những người tốt, trong đó có nhiều kẻ tiểu nhân, đầu trộm đuôi cướp, nếu áp dụng quy luật đạo đức “dĩ đức báo oán”, có lẽ đám tiểu nhân sẽ tha hồ tung hoành mà không bị trừng trị, đất nước sẽ rối loạn mất! Đối với một xã hội vàng thau lẫn lộn, những kẻ xấu vô lương tâm nhiều hơn người tốt, ắt phải dùng luật pháp nghiêm minh (dĩ trực) để khắc chế tội phạm, đem sự công chính đến cho mọi người.

Chủ trương của Đức Khổng Tử quả là chủ trương thực dụng, cần thiết cho sự ổn định xã hội.

35. Đức Khổng Tử nói: “Chẳng ai biết ta cả!”

Tử Cống nói: “Sao lại nói chẳng ai biết thầy?”

Đức Khổng Tử nói: “Không oán trời, không trách người, học từ dưới thấp mà hướng lên cao, biết ta chỉ có Trời thôi!”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử cho rằng chẳng ai biết mình như thế nào! Người thì khen ngài quá mức, kẻ thì chê bai quá lời. Các đệ tử và những người ái mộ nghĩ rằng ngài là bậc thánh. Một số kẻ khác chê ngài khoe tài, hiếu sự, hoặc cố gắng làm công việc vô ích. Vì vậy, Đức Khổng Tử tự nghĩ rằng chỉ có Trời thấu tỏ lòng mình thôi!

Có nhiều kẻ không thành công hay gặp cảnh ngộ long đong vất vả thì oán Trời đã không cho họ cơ hội thuận lợi; hoặc trách người đã không ủng hộ, đã cản trở họ. Trong khi đó, Đức Khổng Tử không oán Trời, không trách người, chỉ một mực chuyên chú học tập từ chỗ không biết gì, mà tiến lên cao, thông hiểu đạo lý trong thiên hạ.

Quả thực, Đức Khổng Tử không phải sinh ra đã biết nên không phải bậc thánh. Ngài cũng không bày chuyện ngược xuôi để cầu danh lợi cho riêng mình. Ngài chỉ là một người đầy thiện chí, hết lòng với nhân tâm thế đạo.

36. Công Bá Liêu nói gièm Tử Lộ với Quý Tôn. Tử Phục Cảnh Bá đem việc ấy đi báo, nói: “Ông ta có ý nghi ngờ vì Công Bá Liêu, sức tôi có thể bêu hắn ở chốn chợ búa hoặc triều đình.”

Đức Khổng Tử nói: “Đạo thi hành được, mệnh vậy. Đạo bị bỏ đi, mệnh vậy. Công Bá Liêu làm sao bằng mệnh được?”

BÌNH GIẢI:

Tử Lộ làm gia thần cho họ Quý Tôn, một trong ba họ có thế lực nhất nước Lỗ. Tử Lộ là môn đệ của Đức Khổng, dĩ nhiên đem đạo lý của thầy mình ra thi hành. Công Bá Liêu nói gièm Tử Lộ với Quý Tôn, tức là muốn Quý Tôn sa thải Tử Lộ. Nếu Tử Lộ bị sa thải, ấy là đạo lý của Đức Khổng Tử bị phế bỏ.

Bấy giờ, trong hàng đại phu nước Lỗ có Tử Phục Cảnh Bá. Ông này báo việc ấy cho Đức Khổng Tử biết và nói rằng sức ông ta có thể khiến cho Công Bá Liêu bị giết bêu thây ở chợ búa hoặc triều đình.

Tuy nhiên Đức Khổng Tử gạt việc ấy đi, lấy lý rằng: Đạo có thi hành được hay bị bỏ đi cũng là do mệnh Trời. Khả năng của Công Bá Liêu sao có thể sánh với mệnh Trời, làm gì cản trở mệnh Trời được?

Đọc kinh sách Nho giáo, chúng ta nhận thấy Đức Khổng Tử tin rằng có một thực tại siêu hình chi phối vũ trụ nhân sinh được gọi là Thiên (Trời). Năng lực Thiên rất cường kiện, không nghỉ, không mệt, chi phối, điều động vũ trụ nhân sinh được gọi là Thiên mệnh (mệnh Trời). Ở đây, Đức Khổng Tử nói tắt là mệnh.

Đạo lý của Đức Khổng Tử (Nho giáo) là đạo Trời đã được khải thị cho các thánh hiền đời xưa. Đức Khổng Tử chỉ là người tiếp thu, minh giải và truyền đạt. Đạo Trời tùy thời đóng mở tương tự hiện tượng hạn hán, lũ lụt trong thiên nhiên. Người ta khó lòng lý giải được hiện tượng hạn hán, lũ lụt thì cũng khó lòng lý giải đựơc sự đóng mở của đạo Trời. Đạo Trời mở tức là lúc đạo lý truyền đạt, phát triển được trong xã hội. Đạo Trời đóng tức là lúc đạo lý bị người đời bỏ phế, bị bế tắc, thiên hạ không tiếp thu.

Phải chăng sự đóng mở của Đạo Trời có tương quan với lý nhân quả trong cõi nhân sinh cũng như lý nhân quả trong thiên nhiên? Ngày nay, người ta đã cho rằng sinh hoạt của con người có liên hệ nhân quả với hiện tượng hạn hán, lũ lụt. Chặt phá rừng và xả khí thải vô tội vạ trong không trung là nhân mà hiện tượng hạn hán, lũ lụt là quả. Tương tự như thế, khi nào loài người ngoan cố trong tội lỗi, lòng dạ chai đá thì đạo đóng, khi nào loài người đau khổ quá, biết ăn năn sám hối, cải tà quy chánh, thì đạo mở. Đóng hay mở đều thuộc về mệnh Trời. Có lẽ, cũng trong niềm tin ấy, Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều: “Khi nên, Trời cũng chiều người” là vậy chăng?

Đối với Đức Khổng, Ngài tự bạch: “Ngũ thập nhi tri Thiên mệnh” (Năm mươi tuổi thì biết mệnh Trời). Đó là ngài biết mệnh Trời dành cho mình cũng như biết mệnh Trời dành cho xã hội Trung Hoa thời Xuân Thu. Có lẽ vì biết mệnh Trời cho nên ngài mới trả lời với Tử Phục Cảnh Bá như vậy. Thời Xuân Thu là thời đại trong đó đa số thiên hạ ở xã hội Trung Hoa sa đọa trong tội ác, các gương xấu diễn ra ùn ùn như nước lũ; cho nên đạo Trời đóng lại. Đạo Trời đóng theo lý nhân quả của Trời tương ứng với sự rối loạn của thời Xuân Thu; chứ đâu phải một cá nhân Công Bá Liêu gièm pha mà có thể làm cho đạo Trời đóng được! Vì thế, cần gì phải kết tội Công Bá Liêu, giết Công Bá Liêu một cách vô ích!

37. Đức Khổng Tử nói: “Người tài đức thì xa lánh đời, bậc tiếp theo là xa lánh nơi ở, bậc tiếp nữa là xa lánh hình sắc, bậc tiếp nữa là xa lánh lời nói.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn trên nói về cách hành xử của bậc hiền, tức là người tài đức. Theo quan niệm của Nho Giáo, bậc hiền là người quân tử đã thành tựu đức nhân, tức là người thành tựu đạo lý nơi mình; người ấy có đủ tài năng và đức hạnh. Dĩ nhiên, bậc hiền thấu hiểu đạo Trời. Như trên đã nói, đạo Trời có lúc đóng, lúc mở. Khi thấy đạo Trời mở, tức là có thời cơ thuận lợi để hành đạo, bậc hiền đem thân ra gánh vác việc thiên hạ. Khi thấy đạo Trời đóng, tức là lúc xã hội rối loạn tăm tối, trên dưới đua nhau chạy theo lợi nhuận và thói xấu, bậc hiền hành xử tùy theo từng trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, bậc hiền xa lánh đời (tỵ thế) nghĩa là đóng vai một kẻ ngu khờ, không tham dự bất cứ một việc gì trong xã hội. Nói theo Nguyễn Khuyến, đó là trường hợp Mẹ Mốc:

“Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà, Làm thế để cho qua mắt tục.

Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.”

Trước sức xâm lược của người Pháp và trước sự bất lực, sự tối tăm, sự sa đọa của triều Nguyễn, Nguyễn Khuyến lấy cớ mắt loà để từ chối hợp tác.

Trường hợp thứ hai, bậc hiền xa lánh nơi ở (tỵ địa). Đó là không cư ngụ ở đất nước đang loạn lạc, đạo lý bị phế bỏ (loạn bang bất cư).

Trường hợp thứ ba, bậc hiền xa lánh những loại người dùng hình sắc đẹp đẽ, lộng lẫy, khiếm lễ bên ngoài để làm rối loạn nhân tình.

Trường hợp thứ tư, bậc hiền xa lánh những lời nói có hại cho nhân tâm thế đạo, thiếu xây dựng, vi phạm đạo lý truyền thống… Đó là trường hợp bỏ đi của Đức Khổng Tử khi ngài nghe thấy lời nói tiêu cực của Tề Cảnh Công: “Ngô lão hỹ, bất năng dụng dã.” (Ta già rồi, không thể dùng ông được).

38. Đức Khổng Tử nói: “Đã có bảy người đi lánh đời vậy.”

BÌNH GIẢI:

Câu này tiếp theo ý câu trên. Sau khi nói về cách hành xử của bậc hiền, Đức Khổng Tử xác nhận bấy giờ, ở nước Lỗ, đã có tới bảy người hiền đi ẩn dật (tỵ thế). Điều đó chứng tỏ nền chính trị nước Lỗ lúc ấy suy thoái lắm. Trường hợp này ứng vào quẻ (bế tắc). Quẻ Thiên Địa Bĩ có tượng như sau:

Nội quái là quẻ Khôn gồm ba hào âm, tượng trưng cho một bầy tiểu nhân. Ngoại quái là quẻ Kiền gồm ba hào dương, tượng trưng cho một nhóm quân tử. Áp dụng cho việc chính trị trong nước, quẻ Bĩ chỉ trường hợp: một bầy tiểu nhân lũng đoạn bên cạnh vua trong triều đình (nội), còn các bậc quân tử (hiền giả) thì lánh xa ra ngoài (ngoại), không tham dự chính quyền.

Xét tình hình nước Lỗ bấy giờ, trong triều có ba họ Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn nắm hết binh quyền, uy hiếp vua Lỗ (ba hào âm nội quái). Bên ngoài, các bậc hiền (7 người) đua nhau đi ẩn dật (ba hào dương ngoại quái). Bảo làm sao nước Lỗ không suy vong! Chính trị rơi vào quẻ Bĩ tức là vận nước bế tắc mất rồi. Mệnh Trời sẽ đóng trên nước Lỗ! Chẳng trách được, sang thời Chiến Quốc, sau khi Đức Khổng Tử tạ thế một thời gian, nước Lỗ bị xoá sổ trong danh sách các nước chư hầu thời ấy.

39. Tử Lộ ngủ đêm ở Thạch Môn. Người mở cửa thành sáng sớm nói: “Từ đâu đến?”

Tử Lộ nói: “Từ họ Khổng đến.”

Người ấy nói: “Là người biết không thể được mà vẫn làm đấy ư?”

BÌNH GIẢI:

Một hôm nọ, Tử Lộ có lẽ vì lỡ độ đường phải ngủ đêm tại Thạch Môn, một cổng đá thành ngoại. Sáng sớm hôm sau, người mở cửa thành mới trao đổi lời nói với Tử Lộ. Khi biết ông này từ nơi họ Khổng đến, Thần Môn bèn nhận xét về Đức Khổng Tử rằng: “Là người biết không thể được mà vẫn làm đấy ư?”

Câu này vừa tỏ ý khâm phục lại vừa có ý mỉa mai. Khâm phục ở chỗ biết Đức Khổng Tử là bậc hiền, một người hiểu thời thế: thời thế suy loạn không thể cứu vãn được. Mỉa mai ở chỗ chê Đức Khổng Tử ngoan cố, cứ muốn ngược xuôi đây đó để làm cái chuyện không thể được. Cái chuyện không thể được đó là phục hồi sự ổn định cho thiên hạ thời Xuân Thu.

Câu nói trên đã cho thấy Thần Môn cũng là một bậc hiền tỵ thế thời bấy giờ chứ chẳng phải một kẻ mở đóng cửa thành tầm thường!

40. Đức Khổng Tử đánh khánh ở nước Vệ. Có người vác sọt cỏ đi qua cửa nhà họ Khổng, nói: “Người đánh khánh có tâm tư thay!” Rồi lại nói: “Tiếng đá canh canh hẹp hòi làm sao! Chẳng ai biết mình, thì bỏ đi thôi. ‘Sâu thì để áo mà lội, nông thì xắn áo mà đi.’”

Đức Khổng Tử nói: “Quả quyết thay! Không cãi lẽ làm gì.”

BÌNH GIẢI:

Sau khi bỏ nước Lỗ sang trú ngụ tại nước Vệ, Đức Khổng Tử thường đánh khánh để giải khuây. Tâm sự ưu thời mẫn thế của ngài biểu hiện trong tiếng khánh; như thế trình độ nhạc lý và khả năng tấu nhạc của Đức Khổng Tử không phải tầm thường. Thế mà, một người vác sọt cỏ đi qua cửa lại nhận ra được. Người ấy thấy tiếng khánh đã biểu lộ tâm tư người đánh, vì thế mới khen là “hữu tâm”, nghĩa là có tấm lòng ưu ái nhân quần xã hội. Điều đó chứng tỏ, người vác sọt cỏ có trình độ thẩm âm rất cao. Chưa hết, ông ta lại phân tích được âm thanh canh canh của tiếng khánh đá thể hiện tính cách hẹp hòi cố chấp của người tấu nhạc. Người tấu nhạc hẹp hòi cố chấp ở chỗ nào? Đó là Đức Khổng Tử cứ khăng khăng xuôi ngược để bàn việc ổn định thiên hạ và muốn nhân cơ hội biểu lộ tài mình.

Sau khi phê bình tiếng khánh, người vác sọt cỏ cho biết quan điểm của mình: “Chẳng ai biết mình thì bỏ đi thôi. Sâu thì để áo mà lội, nông thì xắn áo mà đi.” “Thâm tắc lệ, thiển tắc khế” là hai câu Kinh Thi trong bài Bào hữu khổ diệp (Bầu có lá đắng) của Thiên Bội Phong. Nguyên văn là:

Bào hữu khổ diệp, Tế hữu thâm thiệp. Thâm tắc lệ, Thiển tắc khế.

Trái bầu kia lại còn lá đắng,

Bến sang sông gặp chặng nước sâu.

Lội sâu cứ mặc áo vào,

Lội qua nước cạn xăn cao tùy thời.

(Dịch giả: Tạ Quang Phát, Kinh Thi, Quyển Thượng, trang 146-147, NXB Văn học 2004)

Hai câu này có ý nói người ta phải biết linh động, thích ứng tùy thời, chứ không phải khăng khăng giữ mãi một lập trường bất biến. Ý tứ của hai câu Kinh Thi này cũng tương tự như ý tứ trong lời của vị ẩn giả nói với Khuất Nguyên bên bờ sông Mịch La:

Sông Tương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.

Sông Tương nước đục lờ đờ,

Thì ta lội xuống để mà rửa chân.

Đức Khổng Tử thấy lập trường của người vác sọt cỏ minh bạch, quả quyết như vậy, cho nên Ngài bảo các đệ tử đừng cãi lẽ với ông ta làm gì.

Thế thì người vác sọt cỏ đó hẳn là một bậc hiền tỵ thế của nước Vệ thời bấy giờ.

41. Tử Trương nói: “Kinh Thư nói rằng: ‘Vua Cao Tông ở nhà cư tang ba năm không nói. Có nghĩa ra sao?”

Đức Khổng Tử nói: “Nào riêng gì Cao Tông? Người xưa đều như vậy. Vua chết, tất cả trăm quan đều vâng nghe Tể tướng trong ba năm.

BÌNH GIẢI:

Kinh Thư tường thuật về việc cư tang của vua Cao Tông (Vũ Đinh) nhà Thương, khoảng năm 1324-1265 trước Công nguyên. Bấy giờ, mỗi khi một vị vua từ trần, vua mới từ bỏ triều chính vào cư tang ở nhà lượng âm. Lượng âm là căn nhà đơn sơ, tĩnh mịch dành cho vua ở trong thời gian chịu tang ba năm. Trong thời gian đó, vua không bàn luận gì về việc chính trị. Tất cả trăm quan đều quay về nghe lệnh của Tể tướng để cho vua được an tĩnh chiêm niệm. Đây là một nghi lễ chung cho các vua thời cổ ở Trung Hoa, không phải riêng cho Cao Tông. Thời ấy, việc nước trôi chảy đều đặn, chậm chạp, ít có những sự đột biến như ngày nay.

42. Đức Khổng Tử nói: “Người trên ưa thích lễ, thì dân dễ điều khiển.”

BÌNH GIẢI:

Người trên chỉ vua quan, người cầm quyền trong nước. Nếu vua quan, giới lãnh đạo đều ưa thích lễ, có nghĩa là dùng cách cư xử tốt đẹp với nhau và với dân, thì dân sẽ bắt chước theo mà cư xử tốt đẹp. Hiện tượng đó cũng tự nhiên như hiện tượng vật lý: Sự phản chiếu của ánh sáng, sự dội lại của âm thanh. Cả hai phía, trên và dưới đều cư xử tốt đẹp với nhau thì sự điều khiển việc nước trở nên dễ dàng. Có điều gì cần sai khiến dân làm, dân sẽ vui vẻ làm ngay. Bấy giờ, lệnh với tình đi đôi với nhau. Nếu lệnh mà không có tình, sự sai khiến sẽ khó khăn, dân chúng bướng bỉnh và có thể chống cự lại. Lệnh kèm theo tình, thì việc làm sẽ là tình nguyện, dân không cảm thấy bị ép buộc. Lễ đưa đến tình, trong tình có sự hy sinh, chia sẻ. Trên hy sinh cho dưới, dân hy sinh cho trên, việc gì mà chẳng dễ dàng trôi chảy.

43. Tử Lộ hỏi về người quân tử. Đức Khổng Tử nói: “Sửa mình trở nên kính.” Hỏi: “Như thế thôi ư?”

Đáp: “Sửa mình làm cho người được an bình.” Hỏi: “Như thế thôi ư?”

Đáp: “Sửa mình làm cho trăm họ được an bình. Sửa mình làm cho trăm họ được an bình; Nghiêu, Thuấn còn khó làm điều đó cho được.”

BÌNH GIẢI:

Tử Lộ ba lần gạn hỏi về người quân tử; mỗi câu hỏi dường như muốn đào sâu thêm về thực chất của người quân tử. Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu rõ quy mô của đạo quân tử trong Nho giáo như thế nào.

Qua ba câu trả lời, Đức Khổng Tử không hề định nghĩa thực chất quân tử là gì, mà chỉ nói đến thành tựu của người quân tử trong ba quy mô, từ nhỏ đến lớn, từ gần ra xa. Có thực chất mà không thành tựu, điều đó có ơn ích gì!

Câu trả lời “Sửa mình trở nên kính” nói đến quy mô nhỏ, thành tựu ngay tại chính cá nhân người quân tử. Ở đây, chữ kính có một nghĩa đặc biệt: “trong lòng tốt lành”. Như vậy, chữ kính có nghĩa nội; còn chữ cung đi kèm với kính có nghĩa ngoại: “ngoài mặt hiền hậu”.

Bước thứ nhất của người quân tử là thành tựu đức kính ngay trong bản thân. Đó là: tâm hồn trở nên tốt lành. Mọi ý nghĩ đều trong sáng, ngay thẳng, không có tối tăm, tà khuất.

Câu trả lời “Sửa mình làm cho người được an bình” nói đến quy mô rộng hơn, lan tới những người xung quanh.

Như thế, bước thứ hai của người quân tử là sửa mình làm sao để đem đến an bình cho thân nhân; trong đó có: cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, hàng xóm… Sự hiện diện của người quân tử ở đâu, nơi đó có sự an vui tốt đẹp. Nhờ có tấm lòng tốt lành, người quân tử trở nên một phương tiện giúp cho những người lân cận được an vui.

Câu trả lời “Sửa mình làm cho trăm họ được an bình” nói đến quy mô rộng lớn nhất. Đó là bước thứ ba của người quân tử, sửa mình làm sao để cho mọi người trong xã hội, cho cả toàn dân thiên hạ được an bình. Dĩ nhiên, ở đây phải có yếu tố thời cơ. Phải gặp thời cơ thuận tiện, người quân tử ở vai trò lãnh đạo đất nước, mới đạt tới quy mô lớn như thế. Cái công nghiệp ấy vĩ đại thay! Đến những bậc thánh vương huyền thoại như Nghiêu, Thuấn cũng khó lòng làm được trọn vẹn. Tương truyền, ngày xưa, vua Nghiêu chỉ ngồi buông rủ áo quần (thùy y thường), thi hành đường lối “vô vi” mà thiên hạ được an trị: ban đêm, cửa ngõ không cần đóng mà không mất trộm; của rơi ngoài đường không có người nhặt (đạo bất thập di). Khiến cho sau này, trong Đạo đức kinh, Lão tử phải tiếc nhớ mãi!

Cái thịnh đức ấy của người quân tử thực ra mới chỉ là ước mơ của Đức Khổng Tử. Ngài phác họa ra như là một mục đích để các đệ tử cố gắng vươn tới; chứ Ngài cũng chưa thành tựu được. Người quân tử đạt tới mức ấy đã trở thành thánh nhân rồi.

Chế độ phong kiến được thành hình đã lâu, nhưng rõ nét nhất vào đầu đời nhà Chu. Sau khi lật đổ sự cai trị hà khắc của vua Trụ nhà Ân, thấy nước Trung Hoa rộng lớn quá, chính sách trung ương tập quyền không đủ khả năng điều động việc cai trị được ổn thoả, nhà Chu đã phong hầu, cắt đất (phong tước kiến địa: phong kiến) cho con cháu và các công thần để phân quyền cai trị. Vì vậy, thời ấy, Trung Hoa có cả trăm nước nhỏ, tập hợp thành các nước chư hầu của nhà Chu do các công tước lãnh đạo: Lỗ Ẩn Công, Tề Hoàn Công, Tấn Hiến Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công, Vệ Linh Công…

Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa (thế kỷ 3 trước Công nguyên), theo lời tâu của Lý Tư, chế độ phong kiến đã bị bãi bỏ. Các triều đại về sau (Hán, Tấn, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh) chỉ còn lại tàn dư chế độ phong kiến, chứ thực chất chế độ ấy không còn.

Đức Khổng Tử sống vào giữa thời Xuân Thu; nước Trung Hoa đang diễn biến từ chế độ phong kiến chuyển dần sang tình trạng thống nhất của thời Tần, qua trung gian là thời Chiến Quốc (trăm nước chư hầu chỉ còn lại bảy nước).

Ngài thấy chúng sinh lầm than, xã hội rối loạn, nên cố gắng thu góp tinh hoa của đạo lý truyền thống đã có sẵn (tập đại thành), xây dựng nên một mẫu người quân tử. Đó là một mẫu người lý tưởng gồm đủ tài đức, nhưng nghiêng nặng về đức hơn (đức thắng tài). Ngài mong mỏi rằng việc đào tạo được những người quân tử như thế, thì khi gặp thời cơ thuận lợi họ sẽ có đủ tài đức để ổn định việc cai trị, giúp dân chúng được an bình. Đối với chế độ phong kiến hiện hành vào thời đó, Ngài không tỏ thái độ phản bác mà phải tạm chấp nhận là vì điều đó mang lại sự an ổn cho dân hơn so với chủ trương chống đối, phản loạn trong tình hình bấy giờ. Đây chính là lý do Ngài tỏ rõ thái độ trung quân và xem đó như một nguyên tắc sống của người bầy tôi mẫu mực. Hơn nữa, là một nhà giáo dục hơn là chính trị, Ngài không hề có tham vọng vận động thời thế để một sớm một chiều làm thay đổi chế độ.

Chế độ quân chủ phong kiến hay chế độ dân chủ cộng hoà đều được hình thành trong quá trình tiến hoá của nhân loại qua từng giai đoạn lịch sử, với nhiều yếu tố chi phối. Khi sinh hoạt của xã hội loài người còn đơn sơ hoặc chưa phát triển cao lắm thì chế độ quân chủ phong kiến có thể là thích hợp. Khi loài người đã tiến bộ, dân trí được mở mang thì chế độ dân chủ cộng hoà sẽ thích hợp hơn… Mỗi một chế độ có thể có những ưu nhược điểm khác nhau khi so sánh, nhưng quan trọng nhất vẫn là phẩm chất, đức độ của những con người điều hành trong chế độ đó. Nếu một chế độ là tốt đẹp nhưng con người điều hành lại không có năng lực, đạo đức thì việc cai trị cũng không thể nào tốt được.

Đức Khổng Tử không hề đề cập đến việc thay đổi chế độ, thay đổi chính thể, mà chỉ tập trung học thuyết của Ngài vào sự giáo dục, đào tạo con người tốt đẹp cho xã hội. Có con người tốt đẹp thì chế độ nào cũng khả dĩ chấp nhận được. Việc thay đổi hoàn thiện con người trong đạo Nho là khiến cho con người lột xác từ kẻ tiểu nhân tiến lên bậc quân tử. Nếu không gặp thời, người quân tử sẽ tự cải thiện chính mình để làm người con, người chồng, người bạn tốt… Nếu gặp thời cơ thuận lợi, người quân tử sẽ góp sức cải thiện đất nước để xã hội được thái bình, thịnh vượng. Cho nên, có người bảo rằng mẫu người quân tử được xây dựng để duy trì chế độ phong kiến là không đúng. Một cách khách quan và chính xác hơn, phải nói rằng mẫu người quân tử trong đạo Nho được xây dựng để cải thiện chế độ phong kiến. Trong khi chế độ phong kiến đang cưỡng ép, bóc lột dân thì những người quân tử đúng nghĩa có thể góp phần làm cho chế độ ấy nới lỏng hơn, tôn trọng nhân phẩm và dân quyền hơn.

44. Nguyên Nhưỡng ngồi xoạc cẳng ra đợi. Đức Khổng Tử nói: “Bé thì không khiêm thuận, lớn thì không thi triển được gì, già thì không chết, đúng là làm hại.” Rồi lấy gậy gõ vào cẳng chân ông ta.

BÌNH GIẢI:

Nguyên Nhưỡng vốn là một người quen cũ của Đức Khổng Tử. Ông ta ngồi xoạc cẳng ra đợi Đức Khổng Tử đến. Đó là một hình trạng thiếu lịch sự (vô lễ). Đức Khổng Tử nhân đó nói đến ba giai đoạn trong cuộc đời Nguyên Nhưỡng, một cuộc đời vô tích sự, để răn dạy các thế hệ sau.

Khi còn bé, lẽ ra cần phải biết nhún nhường, thuận theo người lớn để học tập, thì Nguyên Nhưỡng chẳng khiêm thuận, nghĩa là chỉ bướng bỉnh, hỗn hào. Khi lớn lên, lẽ ra cần phải thi triển tài năng để giúp đời, thì Nguyên Nhưỡng chẳng có tài đức gì để phô bày ra. Một người chẳng những vô ích lại còn nêu gương xấu như vậy, lẽ ra chết được sớm thì tốt hơn, thế mà Nguyên Nhưỡng vẫn cứ sống để báo hại bà con lối xóm. Thật là một trường hợp đáng phàn nàn!

45. Một đứa trẻ xóm Khuyết được dùng để truyền đạt lời mời khách. Có người hỏi rằng: “Nó đã tiến bộ rồi ư?”

Đức Khổng Tử nói: “Ta thấy nó ở vào chỗ của người trên; thấy nó cùng đi ngang hàng với người trên; chẳng phải nó cầu tiến bộ mà là muốn nhanh chóng thành tựu.”

BÌNH GIẢI:

Xóm Khuyết là quê cũ của Đức Khổng Tử tại nước Lỗ. Ở đó, có một đứa trẻ được đưa đến cửa Khổng để cầu học. Đức Khổng Tử đã trao cho nó một công việc là truyền đạt lời nói của Ngài cho khách. Thấy vậy, có người tưởng nó đã tiến bộ rồi, mới hỏi Đức Khổng Tử: “Nó đã tiến bộ rồi ư?” 

Đứa trẻ đó không biết lễ nghĩa là gì; còn bé mà dám ngồi vào chỗ của người lớn, cùng đi sánh vai với người trên mà không biết nhường bước. Như thế, nó không cầu tiến bộ từ từ mà lại muốn thành người lớn ngay. Vì lý do đó, Đức Khổng Tử không cho nó ngồi học mà sai nó đi đây đó truyền đạt thư từ, nói năng để học tập thêm về lễ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x