Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 15 – Vệ Linh Công

Luận Ngữ – Chương 15 – Vệ Linh Công

by Hậu Học Văn
677 views

VỆ LINH CÔNG ĐỆ THẬP NGŨ

1. Vệ Linh Công hỏi về việc chiến trận với Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Việc tế lễ thì từng được nghe. Việc quân lính thì chưa được học.” Ngày hôm sau Ngài bèn ra đi.

Ở nước Trần bị hết lương thực, những người đi theo bị ốm, chẳng ai dậy được. Tử Lộ tỏ ra tức giận nói: “Người quân tử cũng có lúc khốn cùng ư?” Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử vững vàng lúc khốn cùng; kẻ tiểu nhân khốn cùng thì phóng túng.”

BÌNH GIẢI:

Sau khi từ quan tại nước Lỗ là quê hương bản quán, Đức Khổng Tử đến nước Vệ. Vệ Linh Công hỏi Đức Khổng Tử về việc chiến đấu. Đức Khổng Tử tránh nói về việc chiến đấu, không phải Ngài giả dối hay Ngài không biết.

Thực ra, tuy không học chuyên về việc chiến trận, nhưng Ngài cũng biết cách vận dụng việc chiến đấu để hỗ trợ cho chính trị. Bằng chứng là khi ở chức vụ Tể tướng (Nhiếp tướng sự) của nước Lỗ, Ngài đã từng dụng binh để phò tá vua Lỗ đi phó hội với nước Tề. Để cho vua Lỗ có đủ sức mạnh trong khi đàm đạo với vua Tề, đồng thời phòng ngừa bất trắc, sợ bị vua Tề uy hiếp, Đức Khổng Tử đã kín đáo cho quân dàn trận ở xa xa phía sau, khiến cho vua Tề phải trọng nể vua Lỗ và thảo luận đúng đắn về việc hoà hiếu giữa hai nước Tề, Lỗ.

Sở dĩ Đức Khổng Tử không bàn về chiến trận cho Vệ Linh Công nghe, bởi vì ông này là kẻ vô đạo; sợ nói về thuật chiến đấu với kẻ vô đạo giống như chắp thêm cánh cho hổ thì nguy hiểm. Biết không thể đem điều nhân chính lễ nghĩa nói với vua Vệ; cho nên hôm sau ngài cùng đệ tử lên đường sang nước khác.

Trong thời gian Đức Khổng Tử đang ở ranh giới hai nước Trần, Sái, vua nước Sở sai sứ giả đến mời Ngài. Bọn đại phu cầm quyền hai nước Trần, Sái sợ nước Sở dùng Ngài thì nguy cho họ; vì thế đã sai quân vây Ngài ở giữa rừng. Lúc đó, lương thực cạn sạch; những đệ tử đi theo Ngài bị ốm vì đói. Bấy giờ, Tử Lộ là người nóng nảy, cường dũng nhất trong hàng đệ tử mới tỏ ý giận. Câu “Người quân tử cũng có lúc khốn cùng ư?” biểu hiện ý tưởng hoài nghi của Tử Lộ về đạo lý quân tử do Thầy truyền đạt. Đạo lý quân tử có thực đúng đắn và hữu dụng chăng?

Hỏi như vậy chứng tỏ Tử Lộ chẳng hiểu gì về lẽ biến dịch trong đời. Cùng, thông, bĩ, thái là lẽ tự nhiên; hết cùng đến thông, hết đến thái. Người ta hơn nhau ở chỗ kiên định lập trường mà thôi. Biết giữ vững đạo lý lúc khốn cùng là quân tử, còn phóng túng, làm bậy lúc khốn cùng là tiểu nhân.

Trong hàng đệ tử ấy chỉ có Nhan Hồi là người vững bền trong đạo lý quân tử và tỏ lời an ủi Đức Khổng Tử: “Đạo của Thầy cực kỳ rộng lớn, cho nên người đời chẳng dung nạp được Thầy. Tuy nhiên, Thầy cứ theo đạo ấy và khuyếch sung nó. Người đời chẳng dung nạp được Thầy, đủ thấy Thầy là bậc quân tử. Đạo ấy chẳng sửa thì thầy trò ta xấu. Đạo ấy sửa rồi mà chẳng được dùng thì kẻ có nước (bọn vương hầu) xấu. Người đời chẳng dung nạp được Thầy, đủ thấy Thầy là bậc quân tử.”

Rồi Khổng Tử sai Tử Cống đến nước Sở, vua Sở Chiêu Vương cho đem quân đi đón Khổng Tử. Nhờ vậy, Khổng Tử thoát nạn. (Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, trang 253. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Lá Bối 1970.)

2. Đức Khổng Tử nói: “Này trò Tứ, ngươi cho rằng ta học nhiều mà hiểu biết thấu đáo đấy chăng?”

Đáp rằng: “Đúng vậy. Chẳng phải thế sao?”

Trả lời: “ Chẳng phải thế. Ta lấy một mà thông suốt hết.”

BÌNH GIẢI:

Chẳng riêng Tử Cống (trò Tứ), mà các môn đệ khác đều cho rằng Đức Khổng Tử là người học nhiều mà trở nên người hiểu biết thấu đáo mọi sự. Ở đây, Ngài xác định: “Chẳng phải thế!” Nếu do học mà biết hết thì một đời người gồm mấy chục năm ngắn ngủi, làm sao học cho hết mọi kiến thức! Chẳng qua, Đức Khổng Tử cũng như các hiền triết khác của nhân loại như Lão Tử hay các đạo sĩ thấu thị (Rishi) của Ấn Độ, đều đi vào con đường tìm về cội nguồn chân lý mới có thể thông hiểu được những vấn đề thuộc về vũ trụ nhân sinh. Đức Khổng Tử thì trở về nắm lấy Thiên mệnh (Thiên mệnh chi vị tính); Lão Tử thì nắm lấy Đạo, thông dự vào Đức; các đạo sĩ Ấn Độ thì bước vào cuộc thực nghiệm tâm linh để tìm thấy Tự ngã (Atman). Tất cả những đường lối đó tuy có khác nhau về danh hiệu, khác nhau ít nhiều về phương thức tu tập, nhưng đều là những cái học về Một (Nhất) để từ đó thông suốt (quán) được tất cả. Cái học đó, trong Kinh Dịch các hiền triết cổ Trung Hoa đã phác họa bằng đồ hình sau:

Thái Cực đồ là một đồ hình gồm bảy vòng tròn. Vòng tròn trong cùng ở chính giữa, hoàn toàn trắng biểu thị cõi Đạo, cõi Toàn nhất. Nhất Thái cực, là đại năng lực của thực tại siêu hình (Vô cực). Nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh Tân Ước thì cõi Toàn nhất là Nước Trời. Nói theo ngôn ngữ Lão học thì đó là cảnh giới của Đạo (thực tại siêu hình), từ đó triển khai ra năng lực của Đức sinh dưỡng vạn vật.

Do Thái cực triển khai mà có lưỡng nghi: âm, dương (vòng tròn 2). Lưỡng nghi triển khai thành Tứ tượng (vòng tròn 3). Tứ tượng (Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm) triển khai thành Bát quái (vòng tròn 4). Bát quái (Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn) triển khai thành các vòng tròn 5, vòng tròn 6, vòng tròn 7. Những vòng tròn này biểu thị các hình thái đa tạp của vạn vật.

Vòng tròn 7 biểu thị cõi trần gian, thế giới của nhị nguyên phân cách, tranh tối tranh sáng, bao gồm thiện ác và những hiện tượng đối nghịch, xung khắc lẫn nhau. Trong vòng tròn 7 có chi chít những đốm đen và trắng. Đốm đen chỉ vật chất (âm); đốm trắng chỉ năng lực siêu hình (dương).

Càng ra xa khỏi tâm trung ương (vòng tròn 1) các đốm đen (vật chất) càng làm cho người ta bị hoa mắt, không còn nhận rõ những đốm trắng (năng lực siêu hình) nữa, tuy rằng những đốm trắng vẫn còn đó. Bấy giờ, những đốm trắng trở nên nhỏ nhoi như những đốm sáng đom đóm, lập lòe trong màn đêm mịt mù.

Nếu người ta cứ chạy theo danh lợi và những thú vui vật chất, tức là cứ luẩn quẩn ở vòng ngoài (ly tâm), thì hậu quả là cứ bị ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh dằn vặt, khiến cho khổ sở khôn nguôi. Nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh Tân Ước thì ở đó người ta cứ khát hoài khôn nguôi, mặc dầu ngày nào cũng ra giếng lấy nước về uống (cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria bên giếng Jacob).

Nếu ai đi theo hướng ngược lại, tức là hướng quy tâm, người đó càng ngày càng thấy rõ về các thực tại thế gian, càng nhận ra cái vô thường ảo ảnh của cuộc đời. Cho đến lúc trở về Nhất (vòng tròn 1), người đó sẽ thấu tỏ về cơ cấu vạn vật. Hướng đi này, Kinh Thánh Tân Ước gọi là “thờ Cha trong tinh thần và chân lý”. Bấy giờ, tự trong lòng người ấy sẽ nảy sinh một nguồn suối đưa đến sự sống đời đời và con người không bao giờ còn bị “khát” nữa.

Như vậy, cái học về Nhất là cái học hướng nội để tìm ra Nhất. Nắm được Nhất, với một tâm thức trong sáng, từ trong tâm trí (vòng tròn 1) nhìn ra cõi ngoài, người ta sẽ hiểu thấu mọi sự mà không cần học những cái chi li vụn vặt ở vòng ngoài.

Trong Đạo đức kinh, Lão Tử gọi cái học đó là “Bất xuất hộ tri thiên hạ; bất khuy dũ kiến thiên đạo” (Không ra khỏi nhà mà biết việc thiên hạ; không nhìn cửa sổ mà thấy được đạo Trời.). Đạo Trời có luật nhân quả; mọi việc trong thiên hạ đều không thoát khỏi luật nhân quả đó.

Trong chương Lý nhân, Đức Khổng Tử từng nói với Tăng Tử: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi.” (Đạo của ta chỉ có một mà xuyên suốt hết.) Câu này cùng ý nghĩa như câu nói với Tử Cống: “Dư nhất dĩ quán chi.

Chữ Nhất ấy khi đem diễn giải cho các bạn đồng môn ở trình độ thấp hơn, Tăng Tử nói: “Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hỹ.” (Đạo của Thầy là trung thứ mà thôi.). Trung là thấu tỏ đạo Trời (Nhất), Thứ là yêu thương tất cả mọi người. Đó là cái học xuyên suốt trên dưới, xuyên suốt hai cõi hữu hình và siêu hình. Đó là cái học để đắc Đạo, đắc Nhất. Đắc Nhất thì hiểu thấu đáo hết.

3. Đức Khổng Tử nói: “Trò Do, người biết đạo đức ít ỏi lắm.”

BÌNH GIẢI:

Người biết đạo đức là người đã trải qua một quá trình tu thân. Biết đạo đức không chỉ là nghe qua về các quy luật đạo đức. Nghe nói về đạo đức mà tự thân không thực hành thì không thực sự biết đạo đức.

Người nào thực hành đạo đức lâu ngày sẽ thấy đạo đức rất hay, rất quý; bởi vì đạo đức đem lại sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, đồng thời sẽ tạo nên một vầng hào quang tốt đẹp quanh mình. Người có đạo đức luôn được an vui thư thái, không bị phiền muộn, đau đớn, khủng hoảng…

Thế mà người chịu khó tu thân, thường xuyên theo dõi tính hạnh của mình để thăng tiến mỗi ngày trên đường đạo đức lại rất ít ỏi. Vì thế, Đức Khổng Tử mới than thở cùng Tử Lộ rằng: “Người biết đạo đức ít ỏi lắm!”

4. Đức Khổng Tử nói: “Không làm mà được an trị, chỉ có vua Thuấn thôi ư! Ôi, có làm gì chăng? Tự mình biểu lộ lòng thành khẩn, quay mặt về phương nam một cách chính đáng mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Không làm mà được an trị”(Vô vi nhi trị) là cách hành sử đặc biệt thuộc về Đế đạo của các thánh vương thời cổ Trung Hoa. Theo ký ức truyền thống, người xưa thường cho rằng vào thời đại Hoàng kim (Đường Ngu) trước Công nguyên khoảng 23 thế kỷ, các vua như Đế Nghiêu, Đế Thuấn cai trị dân bằng phương thế giản dị, chứ không cầu kỳ cưỡng ép như lối cai trị của các thời đại sau (kể từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cho tới nay). Xưa nay, người ta vẫn truyền ngôn rằng có ba đường lối cai trị gọi là: Đế đạo, Vương đạo Bá đạo.

Đế đạo là đường lối cai trị của các vua Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Các Ngài nhân từ, thương yêu dân như con, bao giờ cũng hết lòng vì dân, thuận theo đạo Trời và lòng dân mà điều khiển đất nước. Cho nên, dân chúng được thỏa thích, an cư lạc nghiệp; trong nước không có trộm cướp, của rơi ngoài đường không có ai nhặt.

Vương đạo là đường lối cai trị của các vua đầu đời Chu như Văn Vương, Vũ Vương, kén chọn những bậc hiền tài ra giúp vua trị nước và đặt ra các luật tắc để ổn định trên dưới. Đường lối này tương đối tốt, tuy nhiên đã kém hơn Đế đạo vì có thêm các lễ nghi phiền tối do Chu Công đặt ra.

Bá đạo là đường lối cai trị của các công hầu từ thời Ngũ Bá (Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương) trở về sau. Đường lối này dùng mưu thuật, quỷ kế và hình pháp nặng nề để cai trị. Đỉnh cao của Bá đạo được thi hành dưới thời Vệ Ưởng và Lý Tư ở nước Tần, nhất là vào triều đại Tần Thuỷ Hoàng. Trong đó, dân chúng quằn quại khổ sở vì sưu cao thuế nặng và các hình phạt khắc nghiệt. Tương truyền, khi Vệ Ưởng vào yết kiến vua Tần, lần thứ nhất ông đem Đế đạo ra thuyết, vua Tần ngủ gật. Lần thứ hai, ông đem Vương đạo ra thuyết, vua Tần ngó ra cửa sổ nhìn chim bay. Lần thứ ba, đem Bá đạo ra thuyết, vua Tần thích chí, tham gia bàn bạc và trao ngay chức Tướng quốc cho ông để cai trị dân theo đường lối ấy.

Như vậy, “vô vi nhi trị” của Đế đạo là đường lối cai trị lý tưởng, tốt đẹp hết mức mà cả Khổng Tử lẫn Lão Tử đều khen ngợi. Khi nhắc đến lối cai trị ấy, các Ngài hằng thở than tiếc xót.

Vậy vua Thuấn đã làm gì?

Đức Khổng Tử giải thích vắn tắt cho các đệ tử: Vua Thuấn chỉ tự mình biểu lộ lòng thành khẩn (cung kỷ) với mọi người và quay mặt về phương nam một cách chính đáng mà thôi.

Ngày xưa, vua được quan niệm có địa vị như sao Bắc đẩu trên bầu trời. Bắc đẩu là chính tinh mà các tinh tú xung quanh phải chầu về. Vì thế, vua cũng bắt chước sao Bắc đẩu nghĩa là ngồi quay lưng về phương bắc, quay mặt về phương nam, thuận theo đạo Trời mà cai trị. Đã thuận theo đạo Trời thì mọi ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ phải chính đáng. Thế mà, Kinh Thi cho biết rằng Trời lại thương dân:

“Hoàng hỹ Thượng Đế, Lâm hạ hữu hách, Giám quan tứ phương, Cầu dân chi mạc.”

(Lớn thay Thượng Đế, Soi xuống rõ ràng, Xem xét bốn phương, Tìm sự khốn khổ của dân.)

Vua đã chính đáng trong đạo Trời, lại biểu lộ lòng thành khẩn thương yêu dân chúng như con, thì mọi người sẽ vâng nghe lời vua khuyên dạy, bắt chước các hạnh kiểm tốt lành của vua. Thế là đất nước được an trị, thái bình mà không cần phải dùng tới những mưu mẹo xảo trá lừa dối, không cần phải dùng tới vũ lực đàn áp và không cần dùng tới các hình phạt nặng nề.

5. Tử Trương hỏi về việc đi lại. Đức Khổng Tử nói: “Lời nói trung tín, hành động dốc lòng kính cẩn, dù ở nước mọi rợ vẫn đi lại được. Lời nói không trung tín, hành động không dốc lòng kính cẩn, dù ở quê hương mình, có đi lại được sao? Đứng thì thấy những điều ấy như xen ở đằng trước. Ngồi thì thấy những điều ấy như dựa vào càng xe. Ôi, sau đó mới đi lại được.”

Tử Trương viết những điều ấy vào dải áo.

BÌNH GIẢI:

Tử Trương hỏi Đức Khổng Tử về việc đi lại, giao dịch làm sao cho trót lọt, tốt đẹp. Đức Khổng Tử giảng rằng cần phải giữ hai điều: lời nói trung tín và hành động dốc lòng kính cẩn.

Lời nói trung tín là lời nói căn cứ trên đạo lý thường hằng được mọi người công nhận, luôn luôn thành thật, không có ý châm biếm, dối trá, lừa đảo, nịnh hót. Hành động dốc lòng kính cẩn là những cử chỉ và những việc làm không phải đóng kịch, mà thể hiện đức khiêm cung, tôn trọng người khác, không phô trương, khinh mạn.

Nếu giữ được những điều ấy thì đi đến bất cứ nơi nào, dù là đất mọi rợ thiếu văn hoá ở phương nam hay phương bắc, vẫn được người ta đón tiếp ân cần, hưởng ứng, nâng đỡ và ái mộ. Như vậy việc đi lại, giao dịch sẽ được trót lọt, tốt đẹp. Trái lại, người nào ăn nói giả dối, thất hứa, bẻm mép, nịnh bợ, điêu ngoa; ngoài ra lại thêm những hành vi, cử chỉ ngạo mạn, khinh người, kênh kiệu, lỗ mãng; dù có đi lại ở quê hương bản quán của mình, người ấy cũng bị ghét bỏ, cản trở.

Vậy, trước khi tính đến chuyện đi đâu, giao dịch việc gì, cần phải tu sửa tính hạnh mình trở nên người đạo đức; phải làm sao cho những ngôn ngữ, cử chỉ trung tín, kính cẩn như đeo bám, gắn chặt bên mình thường xuyên, thì mới có thể đi lại thành công tốt đẹp được.

6. Đức Khổng Tử nói: “Thẳng thắn thay Sử Ngư! Nước có đạo, thì như mũi tên; nước không có đạo, cũng như mũi tên. Quân tử thay Cừ Bá Ngọc! Nước có đạo, ra làm quan; nước không có đạo, thì thu mình ẩn đi.”

BÌNH GIẢI:

Sử Ngư và Cừ Bá Ngọc là hai vị đại phu của nước Vệ, nhưng tính khí hai ông khác nhau. Sử Ngư thì thẳng thắn. Gặp lúc đất nước thái bình thịnh trị (hữu đạo) hay gặp lúc đất nước loạn lạc (vô đạo), ông cũng thẳng thắn như một mũi tên. Cừ Bá Ngọc thì uyển chuyển tùy thời. Gặp lúc đất nước thái bình, ông ra làm quan, đem tài năng phục vụ dân chúng. Gặp lúc đất nước loạn lạc, ông đi ẩn dật, thu giấu tài năng của mình.

Đức Khổng Tử chỉ khen Sử Ngư là thẳng thắn, chứ không khen là quân tử như Cừ Bá Ngọc. Thẳng thắn là một đức tốt nhưng chưa phải tính hạnh của quân tử. Thẳng thắn quá có khi nguy hại cho tính mệnh của mình; nhất là trong thời loạn lạc, là lúc có lắm tiểu nhân hoành hành. Lão Tử đã từng nói: “Thái cương tắc chiết” (Cứng quá thì gãy). Thẳng thắn mà bị giết chết chỉ có lợi cho bè lũ tiểu nhân, chứ đâu có lợi gì cho dân chúng. Còn người quân tử thì tùy thời hành sử. Lúc cần thẳng thắn thì thẳng thắn. Lúc thẳng thắn mà chẳng đạt kết quả gì, lại còn nguy hại cho bản thân mình, người quân tử tránh né để bảo toàn tính mệnh thì hơn. Tục ngữ nói: “Tránh voi chẳng hổ mặt nào” là thế. Gìn giữ tính mệnh để chờ thời cơ khác lại đem tài năng ra giúp đời chẳng hơn sao?

Thẳng thắn và quân tử, nếu đem so sánh với nhau thì quân tử ở bậc trên. Thẳng thắn chỉ là một phần phẩm tính của quân tử mà thôi. Căn cứ vào lời khen của Đức Khổng Tử, mới thấy Cừ Bá Ngọc thông hiểu Dịch lý hơn Sử Ngư. Cừ Bá Ngọc biết biến thông, Sử Ngư cố chấp.

7. Đức Khổng Tử nói: “Có thể cùng nói chuyện với ai mà không nói, đó là mất người. Không thể cùng nói chuyện với ai mà vẫn nói, đó là mất lời. Bậc sáng suốt không làm mất người, cũng không làm mất lời.”

BÌNH GIẢI:

Trong xã hội, có người đáng cho ta đàm đạo. Người ấy có thể mở trí thêm cho ta, cảnh giác ta, hoặc người ấy có thể nghe lời ta nói mà cải thiện, lại đem lời ta mà chỉ bảo cho kẻ khác. Người ấy có thể là thầy hoặc là bạn tri âm của ta. Nếu gặp người như vậy mà ta hà tiện lời nói, hoặc bỏ qua mà không đàm đạo cùng, đó là ta đã đánh mất một người tốt, một người tri kỷ tri âm.

Còn đối với người nào ngoan cố trong điều xấu, không thích nghe ta nói, hoặc không đáng để ta đàm đạo, mà ta lại cố nói, đó là ta đã uổng phí mất lời nói và phí thời giờ; đôi khi lại còn rước lấy tai họa vào mình nữa. Chẳng vậy mà Kinh Thánh Tân Ước đã từng khuyên rằng chớ đem ngọc cho heo; chẳng những nó không biết ngọc quý, nó chà đạp đã đành, lại còn tức giận quay lại cắn ta nữa. Ngọc đây là lời chân lý đó vậy. Ý của Đức Khổng Tử và ý trong Tân Ước tương tự nhau. Có điều trong hoàn cảnh đất nước Do Thái thời cổ, lời của Đức Giêsu có vẻ mãnh liệt hơn.

Vì vậy, bậc sáng suốt luôn luôn biết thích ứng tùy thời, tùy cảnh ngộ, không để mất người tốt, không để mất cơ hội tốt để giải bày chân lý, cũng không uổng phí mất lời nói của mình.

8. Đức Khổng Tử nói: “Người có chí hướng về đức nhân, không cầu được sống mà hại đức nhân, có khi chịu chết để thành tựu đức nhân.”

BÌNH GIẢI:

Đức nhân là đức hạnh cao nhất trong Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Nhân là đầu mối cùng là căn bản cho các đức hạnh khác. Thành tựu đức nhân mới xứng đáng là con người lý tưởng (Nhân giả nhân dã – 仁者人也). Mạng sống của con người quý thật, nhưng đối với người có chí hướng về đức nhân, muốn trở nên con người đích thực thì không thể hèn nhát cầu sống mà làm hại đức nhân. Trong trường hợp đặc biệt, người ấy đành phải chấp nhận sự chết để thành tựu đức nhân. Chết mà thành tựu đức nhân tức là bậc thánh tử vì đạo vậy.

9. Tử Cống hỏi về cách hiện thực đức nhân. Đức Khổng Tử nói: “Người thợ muốn hoàn thiện công việc, ắt trước hết tạo khí cụ sắc bén. Sống ở nước nào, hãy tôn thờ vị đại phu hiền đức; hãy kết bạn với kẻ sĩ có nhân.”

BÌNH GIẢI:

Người thợ nề muốn xây tường cho đẹp cần sắm một cái bay tốt. Người thợ mộc muốn đóng một chiếc tủ khéo cần phải giũa cưa cho sắc, mài đục cho bén.

Cũng vậy, muốn hiện thực đức nhân, người ta cần phải có khí cụ hỗ trợ. Khí cụ đó là thầy và bạn. Đã tìm được thầy lại phải cần có bạn nữa; vì “học thầy không tày học bạn”. Do đó, Đức Khổng Tử đã chỉ bảo cho Tử Cống rằng: sống ở một đất nước nào, hãy tôn thờ một bậc đại phu tài đức nào đó làm thầy để ông ấy dạy dỗ mình và hãy kết bạn với những kẻ sĩ có đức nhân để rèn tập đức nhân.

10. Nhan Uyên hỏi về việc trị nước. Đức Khổng Tử nói: “Thi hành thời gian nhà Hạ; cưỡi xe nhà Ân; đội mũ miện nhà Chu; nhạc theo điệu Thiều vũ; dẹp bỏ âm thanh nước Trịnh; xa lánh kẻ nịnh hót. Âm thanh nước Trịnh thì vô lễ; kẻ nịnh hót thì nguy hiểm.”

BÌNH GIẢI:

Nhan Uyên (Hồi) là đệ tử xuất sắc nhất trong Khổng môn; nghe thầy giảng ít mà hiểu nhiều. Vì thế, trả lời cho ông về đạo trị nước, Đức Khổng Tử đã nói ở trình độ cao. Đó là trình độ đạo lược, chứ không phải trình độ chính lược hay chính thuật. Chính lược và chính thuật dành cho cấp bậc thừa hành từ quan đại phu trở xuống, nói về đường lối lãnh đạo, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính… Trình độ đạo lược dành cho thiên tử, vua chư hầu và các thượng khanh (Tam Công). Đạo lược trị nước của Đức Khổng Tử gồm những điều sau:

Thi hành thời gian nhà Hạ: Đó là dùng lịch theo nhà Hạ. Nhà Hạ (2205- 1766 trước Công nguyên) của vua Đại Vũ lấy thời gian khởi đầu năm vào tháng Dần (tháng Giêng âm lịch). Tháng Dần dành cho đời sống con người (Nhân sinh ư dần). Nhà Ân, còn gọi là nhà Thương (1766-1122 trước Công nguyên) của vua Thành Thang, khởi đầu năm vào tháng Sửu (tháng Chạp âm lịch). Nhà Chu (1121-221 trước Công nguyên) của Văn Vương, Vũ Vương khởi đầu năm vào tháng Tý (tháng Mười một âm lịch).

Tháng Giêng ứng vào quẻ Thái:

Trong đó ba hào Dương mở ra vận hội tốt đẹp cho năm mới (Tam dương khai thái) vào khoảng tiết Lập xuân, sau khi trời đất vừa trải qua một mùa đông rét mướt, khô cằn của các tiết: Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.

Còn lịch nhà Ân khởi đầu năm ứng vào quẻ Lâm:


Lịch nhà Chu khởi đầu năm ứng vào quẻ Phục:

Tháng 11 (quẻ Phục) và tháng 12 (quẻ Lâm) là thời gian khí dương còn yếu, trời chưa ấm áp, cây cối chưa trổ hoa; con người khởi đầu công việc vào thời gian ấy chưa thuận tiện. Thi hành theo lịch nhà Hạ, khởi đầu mọi công việc trong một năm vào tháng Giêng, đầu mùa xuân, tinh thần sẽ phấn chấn, hăng hái; nông nghiệp sẽ thịnh đạt.

Cưỡi xe nhà Ân: Xe nhà Ân là loại xe gỗ to, cứng chắc, thuận lợi cho việc chuyên chở trên đường xa gập ghềnh.

Mũ miện nhà Chu: Mũ miện nhà Chu do Chu Công sáng chế thì đẹp đẽ trong nghi lễ triều đình. Mũ miện nhà Chu thể hiện sự văn vẻ, lịch sự mà không loè loẹt.

Nhạc theo điệu Thiều vũ: Nhạc Thiều vũ là nhạc của vua Thuấn tấu cùng vũ khúc, tương truyền rất du dương, tươi sáng, đẹp đẽ như ánh nắng mùa xuân, có khả năng tạo nên bầu không khí hoà ái trong triều đình.

Dẹp bỏ âm thanh nước Trịnh: Âm thanh nước Trịnh có tiếng là gợi tình, thiếu lễ vào thời Xuân Thu; cho nên cần phải dẹp bỏ để trật tự xã hội được ổn định.

Xa lánh kẻ nịnh hót: Kẻ nịnh hót là người dùng lời ngon ngọt ru ngủ, tâng bốc người trên để thủ lợi, dẫn người trên vào nẻo quấy đường tà; vì thế kẻ nịnh hót rất nguy hiểm cho tiền đồ đất nước.

Làm một nhà hiền triết cố vấn cho vua hay giữ quyền lãnh đạo đất nước, phải nắm lấy những điểm trên của đạo lược, đất nước mới ổn định, thịnh vượng, thái bình lâu dài.

Tuy Đức Khổng Tử nói vắn tắt như vậy, nhưng cần phải hiểu rộng ra rằng: làm việc trị nước phải biết tiến hành mọi việc cho phù hợp với thời thế, lúc nào đáng làm điều gì, lúc nào không. Lại phải biết thích ứng với khu vực địa lý (đường gập ghềnh phải dùng xe bền chắc). Ngoài ra việc đội mũ miện thích hợp hay phục sức không xa hoa không hà tiện; tấu nhạc vui tươi hoà hoãn, dẹp bỏ âm thanh dâm dật, thiếu lễ; xa lánh kẻ gian nịnh. Tất cả những điều đó chính là tạo nên một bầu không khí tốt đẹp giữa mọi người trong sinh hoạt xã hội. Phù hợp với thời thế là đáp ứng yếu tố thiên thời; thích ứng với khu vực địa lý là đáp ứng yếu tố địa lợi; tạo nên bầu khí sinh hoạt tốt đẹp trong xã hội là đáp ứng yếu tố nhân hoà. Làm chính trị mà đạt được cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà ắt hẳn phải thành công lớn.

Giảng cho Nhan Uyên như thế, tức là Đức Khổng Tử thầm kỳ vọng vào Nhan Uyên sau này gặp thời cơ có thể làm một vị vua hiền thay cho nhà Chu đã suy vong, hay làm một cố vấn tối cao của triều đình để mở ra một vận hội tốt đẹp, chấm dứt thời Xuân Thu loạn lạc lúc bấy giờ. Cho nên ai bảo Đức Khổng Tử là người tôn Chu, muốn duy trì nhà Chu mãi mãi, đó là người ấy đọc Luận ngữ chưa kỹ vậy.

11. Đức Khổng Tử nói: “Người không lo xa, ắt có buồn gần.”

BÌNH GIẢI:

Người không lo xa là kẻ ăn xổi ở thì, thiếu đề cao cảnh giác, ắt sẽ gặp sự buồn gần. Nếu người ấy đứng cương vị người chồng, người cha trong gia đình, sự buồn phiền sẽ vương lụy tới tất cả vợ con. Ở cương vị lãnh đạo đất nước, người ấy sẽ đem lại sự buồn phiền cho cả một dân tộc trong nhiều thế hệ. Không lo xa thì không biết tiên liệu. Không biết tiên liệu sẽ không hành động kịp thời mỗi khi có sự trắc trở xảy đến. Sự trắc trở có thể là sự thiếu thốn, tật bệnh, tai họa do thiên nhiên hay do con người gây ra.

12. Đức Khổng Tử nói: “Quá vậy thay! Ta chưa thấy ai ưa thích đức hạnh như ưa thích sắc đẹp.”

BÌNH GIẢI:

Câu này giống hệt như câu nói ở Chương IX (Tử Hãn), tiết 17, chỉ thêm có ba chữ “Dĩ hỹ hồ” biểu thị nỗi thất vọng của Đức Khổng Tử.

Người ưa thích đức hạnh là người có tâm thức hướng nội, yêu mến các giá trị tinh thần. Người ưa thích sắc đẹp là người có tâm thức hướng ngoại, thường bị các giá trị bên ngoài quyến rũ. Thời Xuân Thu mà Đức Khổng Tử đang sống là thời đại loạn, các giá trị tinh thần bị lãng quên; người ta đua nhau hướng về các giá trị vật chất (cảnh đẹp, người đẹp, vật đẹp). Thời nay cũng giống như thời Xuân Thu chăng? (Xin xem lại Chương Tử Hãn, tiết 17).

13. Đức Khổng Tử nói: “Tang Văn Trọng trộm cắp chức vị đó ư? Biết Liễu Hạ Huệ là bậc tài đức mà chẳng cùng đứng với ông.”

BÌNH GIẢI:

Tang Văn Trọng là bậc đại phu nước Lỗ. Ở Chương V (Công Dã Tràng), tiết 17, Đức Khổng Tử đã chê Tang Văn Trọng không phải là người khôn sáng vì ông này cất nhà đẹp đẽ cho một con rùa lớn ở.

Trong tiết này, Đức Khổng Tử lại coi Tang Văn Trọng là kẻ trộm cắp chức vị vì ông đã không làm tròn phận sự của một vị đại phu trong triều đình. Liễu Hạ Huệ (ông Huệ xứ Liễu Hạ) là một phương danh mà dân Lỗ đã tôn xưng ông Triển Hoạch hay Hộ, vì ông hay ban ơn huệ cho dân. Tang Văn Trọng biết Liễu Hạ Huệ là bậc tài đức nhưng không chịu tiến cử lên vua để cùng làm quan trong triều. Chức vị đại phu là giúp vua trị nước, thế mà thấy người tài đức không chịu tiến cử tức là không làm tròn phận sự, đó là một hình thức trộm cắp chức vị vậy.

14. Đức Khổng Tử nói: “Tự mình nhận lấy nhiều mà ít trách người, thì xa được điều oán hận.”

BÌNH GIẢI:

Câu này có ý nghĩa giống như câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”(Trước tự trách mình, sau mới trách người.) Người ta sống trong xã hội là sống trong tương quan. Bất cứ sự thành công hay sự thất bại nào cũng có sự liên hệ mật thiết giữa ta và người hay tùy thuộc vào hoàn cảnh. Khi thành công, không nên tự phụ mà phải biết rằng đã có sự hỗ trợ cố ý hay vô tình của người khác. Khi thất bại, ta phải biết nhận trách nhiệm, nhận ra nhiều phần lỗi về mình (hậu) mà ít trách móc người (bạc). Như thế, người sẽ không oán ta và ta cũng tránh được sự oán hận đối với người. Cả hai trường hợp đều xa được điều oán; khiến cho điều oán không làm cho ta nhức nhối.

15. Đức Khổng Tử nói: “Người nào không nói ‘như thế là sao, như thế là sao’, ta hết biết như thế là sao nữa.”

BÌNH GIẢI:

Người nào học hành hay gặp một vấn đề gì mà không biết thắc mắc, không biết hỏi duyên cớ, hậu quả; nghĩa là người ấy không hề chịu động não một chút nào; Đức Khổng Tử không biết người ấy hướng chiều về đâu; không biết người ấy hiểu đến đâu; cho nên Ngài cũng không biết dạy dỗ người ấy ra sao.

Vì thế, trong phương pháp học tập, người ta cần phải chịu khó suy nghĩ, tìm tòi; những gì chưa hiểu biết cần phải học hỏi cho ra manh mối mới tiến bộ được.

16. Đức Khổng Tử nói: “Tụ tập suốt ngày, lời nói chẳng theo nghĩa lý, thích làm những chuyện khôn vặt, khó khăn vậy thay!”

BÌNH GIẢI:

Câu này nhắm vào một nhóm tiểu nhân hay một bọn thiếu niên nào đó. Suốt ngày họ tụ tập với nhau, vô công rỗi nghề, nói năng ngông cuồng, hỗn hào, thô tục, không theo khuôn khổ nghĩa lý nào. Thế rồi họ hùa nhau làm những điều khôn vặt, mưu tìm những điều lợi nhỏ nhất thời mà gây hại cho người khác, hoặc tác hại cho chính họ về sau. Đối với những kẻ ấy, Đức Khổng Tử cho rằng họ khó mà thăng tiến được; họ không thể trở nên bậc quân tử hữu ích, đôi khi còn rước họa vào thân.

17. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử lấy điều nghĩa làm cội gốc, lấy điều lễ hành động, lấy khiêm tốn phát biểu, lấy niềm tin thành tựu. Thật là bậc quân tử thay!”

BÌNH GIẢI:

Điều nghĩa là sự đối đãi tốt lành, trọng hậu với mọi người. Người quân tử khi giao thiệp với mọi người phải đặt căn bản trên sự đối đãi tốt lành. Có nhiều loại nghĩa như nghĩa cha con, nghĩa chồng vợ, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào… Tất cả đều chỉ sự đối đãi tốt lành trong từng mối quan hệ khác nhau.

Điều lễ là sự cư xử đẹp lòng người. Điều lễ áp dụng cho cả người trên lẫn kẻ dưới. Khi hành động, người quân tử phải có dáng điệu, cử chỉ, y phục khiến cho người trên, kẻ dưới đều được đẹp lòng.

Khiêm tốn là thái độ nhún nhường tôn trọng người khác. Khi giao tiếp, người quân tử phải bày tỏ sự nhún nhường trong ngôn ngữ, cử chỉ, không bao giờ tỏ thái độ kiêu hãnh với người.

Niềm tin là kết quả của sự thành khẩn trước sau như một, không lừa đảo, dối trá. Mình chỉ tạo được niềm tin nơi người khác khi mình không dối trá. Người quân tử khi đã hứa hẹn với bất cứ ai một điều gì thì phải giữ cho trọn. Giữ được niềm tin, thiên hạ mới hỗ trợ mình để nên việc.

Ai thực hiện được bốn điều nghĩa, lễ, tốn, tín mới thực xứng danh quân tử.

18. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử lo buồn vì không đủ khả năng; chẳng lo buồn vì người ta không biết mình.”

BÌNH GIẢI:

Đã là người quân tử thì luôn luôn tự khiêm, nghĩa là tự thấy mình chưa đủ khả năng về tài cũng như đức. Như thế, người quân tử có lo buồn chăng cũng chỉ là lo buồn về tình trạng chưa đủ tài đức đó và cố gắng mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Khi biết mình chưa đủ tài đức thì còn lo gì đến chuyện người ta không biết mình? Người ta không biết mình là tốt. Ví như người ta biết mình rồi, mời đến và giao việc cho mình, có phải là vất vả cho mình không? Có phải là vô tình khiến cho cái dở của mình lộ ra không?

Vả lại, người quân tử bao giờ cũng chú ý đến yếu tố thời mệnh. Khi không gặp thời thích hợp, khi không có mệnh Trời, thì mong người ta biết mình để làm gì? Khi gặp thời và có mệnh, dẫu có muốn ẩn mình đi không cho người biết cũng không được.

19. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử buồn vì cho đến hết đời mà tên mình không được nêu lên.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người lo tu học để phục vụ nhân sinh, cũng như trái bầu, trái bí được sinh ra cho người ta ăn vậy. Tình cảnh cũng tương tự như người đầu bếp ra công nấu nướng đãi khách; thế mà khách không đến, hoặc đến mà không ăn. Nay đã tận tuỵ suốt đời vì lý tưởng quân tử, thế nhưng rốt cục cũng không gặp cơ hội để thi thố tài năng của mình; chẳng ai biết đến cái tên của mình, đến sự hiện diện của mình trên thế gian. Vì thế người quân tử thất thời cảm thấy buồn cho thân phận mình.

Có lẽ Đức Khổng Tử cũng có tâm sự như vậy; bởi vì ngay vào thời Xuân Thu, Ngài chẳng có danh tiếng như Chu Công nhà Chu, như Quản Trọng, Án Anh của nước Tề… Đi đâu Ngài cũng không được trọng dụng; có khi bị vây hãm đến tuyệt lương, bị các thức giả chê bai chẳng ít.

Tuy nhiên, cái thời Xuân Thu, Chiến Quốc đó đã qua đi; kể từ đời Hán cho đến bây giờ, có nhà hiền triết nào ở Trung Hoa được tôn xưng bằng Ngài?

20. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử tìm kiếm ở mình; kẻ tiểu nhân tìm kiếm ở người.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử có niềm tự tin, có lòng tự trọng và biết lo xa, biết chuẩn bị; cho nên đối với bất cứ việc gì xảy đến, người quân tử trước hết tìm kiếm ở mình khả năng thích ứng, tác động, đối phó. Bất đắc dĩ mới phải tìm sự hỗ trợ nơi người. Trái lại, kẻ tiểu nhân lúc bình thường chẳng chịu khó học tập để thăng tiến bản thân, lại thiếu niềm tin, tự trọng, cho nên gặp việc bất thường, mặc dù nhỏ nhoi cũng chỉ biết cậy trông ở người, đem lại gánh nặng cho người mà không cảm thấy hổ thẹn. Lại còn có những kẻ hèn kém hơn nữa, suốt đời chỉ biết nương tựa, còn nhỏ thì nương tựa cha mẹ, anh em; lớn lên nương tựa vào vợ; chưa đến nỗi già đã nương tựa vào con. Cổ nhân gọi đó là hạng “giá áo, túi cơm”(cái giá để mắc áo, cái túi để đựng cơm) cũng đúng lắm!

21. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử giữ mình nghiêm ngặt mà không tranh giành; tụ họp mà không bè phái.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử luôn luôn giữ mình trong lễ giáo một cách chặt chẽ, không buông thả phóng túng trong dục vọng, không tranh giành hơn thiệt với người về địa vị, chức quyền, lợi lộc; vì thế mà không gây xích mích với ai. Người quân tử sẵn sàng tụ họp, hoà đồng với mọi người trong điều nghĩa; nhưng không kéo bè, kết phái gây chia rẽ, mà luôn duy trì mối đoàn kết hợp nhất trong xã hội.

22. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử không vì lời nói mà cất nhắc người; không vì người mà bỏ lời nói.”

BÌNH GIẢI:

Câu này nói đến sự thận trọng, kỹ lưỡng của người quân tử. Khi nghe thấy một người nào đó nói những điều hay, người quân tử không vội vàng cất nhắc hay tiến dẫn người ấy vào một chức vụ nào, bởi vì còn phải xét xem đức hạnh của người ấy nữa. Có người nói năng rất khôn ngoan, kiến thức rộng rãi, tỏ ra giỏi giang, nhưng hạnh kiểm xấu, làm việc kém cỏi. Người nào nói hay, hạnh kiểm tốt; làm việc chăm chỉ giỏi giang, mới nên cất nhắc vào chức vụ quan trọng.

Đối với một người dở, thất đức bất tài, người quân tử vẫn lắng nghe người ấy nói, bởi vì có khi người ấy vẫn nói được những lời hay đáng được ghi nhận.

23. Tử Cống hỏi rằng: “Có một lời nào có thể đem làm suốt đời chăng?” Đức Khổng Tử nói: “Xem người khác như mình thôi! Điều gì mình không muốn, chớ đem đến cho người khác.”

BÌNH GIẢI:

Đạo nghĩa trong đời thì nhiều, dù bao nhiêu sách vở cũng không thể nói hết, nhưng chung quy có thể gom lại một chữ “thứ” () mà thôi: Chữ “thứ” hợp bởi chữ “như” () ở trên và chữ “tâm” () ở dưới, nghĩa là: “tấm lòng xem người như mình”. Xem người như mình, ngang hàng với mình, bằng mình. Mình không muốn điều gì, đừng làm cho người khác điều ấy. Tích cực hơn nữa, mình muốn điều gì cũng làm điều ấy cho người. Mình muốn điều tốt lành, hãy làm điều tốt lành cho người. Đó là đạo thống nền tảng của nhân loại, đều có trong những tôn giáo lớn.

24. Đức Khổng Tử nói: “Ta đối với người, có chê ai, khen ai chăng? Như người có chỗ đáng khen, thì có dò thử đã. Với dân đời nay thì cứ lấy đường lối ngay thẳng của Ba đời mà thi hành.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử giải thích với các đệ tử rằng Ngài không chê bai, khen ngợi ai một cách vô cớ. Có trường hợp khen người nào, Ngài cũng phải thăm dò, khảo sát trước, thấy điều đáng khen mới khen. Còn đối với dân chúng, Ngài hành sử theo đường lối ngay thẳng của ba đời Hạ, Thương, Chu. Các vua của ba đời ấy phạt kẻ ác, thưởng người thiện rõ ràng. Khi cai trị nước Lỗ, Ngài cũng áp dụng như vậy.

25. Đức Khổng Tử nói: “Ta còn thấy bản văn bỏ trống của một quan viết sử; thấy người có ngựa, cho người khác mượn cưỡi. Ngày nay không có nữa.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử kể lại hai sự kiện mà Ngài đã thấy ngày trước (có lẽ khi còn nhỏ); đến thời Ngài dạy các đệ tử (ngày nay), không còn nữa. Một là: bản văn thiếu sót một đoạn của quan viết sử vì ông ta có điều nghi nan, chưa biết rõ ràng, nên bỏ trống không viết. Hai là: một người có ngựa cho người khác mượn cưỡi.

Sự kiện thứ nhất nói lên rằng: người xưa rất thận trọng trong việc nói và viết. Cái gì biết rõ mới viết thành lời; cái gì không biết hay chưa biết rõ thì không viết, bỏ trống vì còn nghi ngờ. Điều đó rất tốt trong việc phê phán; rất có lợi cho học thuật sau này. Nhất là trong việc viết sử. Sử là sự thuật lại những việc đã xảy ra để cho người đời sau này biết điều hay, điều phải mà bắt chước, biết điều sai trái mà tránh né. Sử mà viết không đúng sự thật thì nguy hiểm biết chừng nào! Người đời sau biết đâu mà nhận thức đúng đắn, biết đâu mẫu mực mà hành động!

Sự kiện thứ hai nói lên rằng: ngày xưa, người ta thuần phác và tin nhau; cho nên mới có chuyện người này cho người khác mượn ngựa cưỡi mà không sợ mất. Ngày nay kẻ gian dối thì nhiều; cho nên không ai tin được ai nữa.

Đức Khổng Tử kể lại rồi than: “Ngày nay, không có nữa!” Thế là, vào thời ấy (trước Công nguyên khoảng trên 5 thế kỷ) con người đã sa đọa, không còn trung thực, thuần phác như xưa. Không còn sử quan thành khẩn viết sử; chỉ có những người bóp méo lịch sử, tâng bốc vua này, mạt sát vua kia… một cách chủ quan. Không còn có người dám tin vào người khác; bởi vì người thành thật thì hiếm hoi; kẻ gian giảo, lừa lọc thì quá nhiều.

26. Đức Khổng Tử nói: “Lời nói xảo trá làm cho đạo đức rối loạn. Điều nhỏ không nhịn thì làm hỏng mưu lược lớn.”

BÌNH GIẢI:

Lời nói xảo trá là những lời được uốn sửa, trau chuốt để làm vừa lòng người khác. Đó là những lời thiếu trung thực, chỉ cốt đưa đẩy cho vừa tai người nghe. Đã thiếu trung thực thì không thể phù hợp với đạo đức; hơn nữa, còn làm rối loạn đạo đức. Lời nói xảo trá có thể biến tốt ra xấu, xấu ra tốt, ngay thẳng ra cong queo, có ra không, đổi trắng thành đen… như thế tức là làm cho những tiêu chuẩn đạo đức bị rối loạn. Với lời nói xảo trá, người ta có thể biến quân tử thành tiểu nhân và ngược lại, có thể đưa một kẻ dốt nát, bất tài lên đến tận mây xanh để lừa phỉnh người khác. Lời nói xảo trá tung ra những hỏa mù có thể lung lạc được những người nổi tiếng thông minh, khôn ngoan. Xã hội mà có nhiều người ăn nói xảo trá sẽ trở thành một xã hội đảo điên.

Để có thể trở nên người đức hạnh và thành công trong đời, chẳng những phải xa lánh những người nói xảo trá, lại còn phải biết nhẫn nhịn. Nếu không nhẫn nhịn được những điều nhỏ nhặt, người ta có thể làm hỏng mưu lược lớn, kế hoạch lớn. Những việc chính trị, quân sự, ngoại giao, thương mại… được xem như những mặt trận của một quốc gia. Ai đảm đương những mặt trận ấy lại càng cần nhẫn nhịn. Chỉ sơ sót một chút không nhẫn nhịn được, mưu lược lớn bị phá hỏng, người ta dễ dàng thua trận lắm.

27. Đức Khổng Tử nói: “Đám đông ghét ai, ắt phải xét lại. Đám đông ưa thích ai, cũng phải xét lại.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử khuyên các đệ tử không nên a dua theo đám đông. Người nào bị đám đông ghét, chưa hẳn là xấu; vì vậy phải xét lại xem thực chất ra sao. Người nào được đám đông ưa thích, chưa hẳn là tốt, do đó cũng phải xét lại.

Đám đông bao gồm những con người dưới phố, ngoài đồng. Họ rất bồng bột, xốc nổi, dễ nghe tuyên truyền, dễ bị thúc đẩy, khích động. Lập trường của họ có thể thay đổi trái ngược chỉ trong một ngày đêm. Họ không có được nhận định đúng đắn, khách quan, vô tư. Cho nên những người họ ưa, họ ghét cần phải được xem xét lại cẩn thận. Không thể về hùa và đánh giá một ai khi chưa có thời giờ tìm hiểu thấu đáo.

Thực tế cho biết người khôn ngoan hẳn hoi mà tham dự vào một đám đông rất dễ trở nên mù quáng; bởi vì tâm tình người ấy dễ bị ảnh hưởng, chao đảo bởi sự khích động của đám đông.

28. Đức Khổng Tử nói: “Con người có thể mở rộng đạo; chẳng phải đạo mở rộng người.”

BÌNH GIẢI:

Đạo là những nguyên tắc giúp cho con người sống tốt hơn để tiến đến hoàn thiện. Do thiện chí và nỗ lực, con người có thể mở rộng đạo ngay tại chính mình, từng giây từng phút, trong mọi sinh hoạt của đời sống. Hơn nữa, con người còn có thể mở rộng đạo ra cho những người khác để biến cải cả xã hội nên tốt. Như vậy, đạo có thể được mở rộng hay không là do con người; chứ những nguyên tắc đạo đức đâu có thể tự làm việc mở rộng được. Đạo từ bi bác ái chỉ có thể được mở rộng, truyền ra do những con người có tâm từ ái, đem yêu thương đến cho tha nhân. Nếu chẳng có người từ ái thì đạo từ bi bác ái cũng không thể hoằng dương được.

29. Đức Khổng Tử nói: “Lỗi lầm mà không sửa đổi, thật là lỗi vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trần gian là một thế giới tương đối để cho con người có cơ hội tiến hoá. Con người còn phải tiến hoá có nghĩa là con người bất toàn. Vì bất toàn cho nên có lỗi lầm. Là con người bình thường, ai cũng có lỗi lầm, không nhiều thì ít. Ai đó có lỗi lầm mà biết sửa đổi, chẳng những không đáng trách mà còn đáng khen. Đã biết sửa lỗi, thì người ấy xem như không có lỗi nữa.

Đáng tiếc cho người nào có lỗi mà không chịu sửa đổi; điều đó mới là lỗi thật sự.

30. Đức Khổng Tử nói: “Ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để nghĩ ngợi; không có ích, không bằng học vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử tự nêu trường hợp của chính mình ra để cho các học trò thấy mà rút kinh nghiệm. Trước kia, Ngài đã từng quên ăn, quên ngủ để suy nghĩ nhưng chẳng hiểu được gì thêm. Giả như Ngài dùng thời gian ấy mà học thì ích lợi hơn nhiều, tiến bộ hơn nhiều. Ngoài ra, suy nghĩ lung tung còn đưa đến tai hại là tinh thần dễ bị suy nhược, thể xác bải hoải; hoặc có thể rơi vào trạng thái thác loạn, bối rối, hồ nghi, không biết đâu là thực hư nữa.

31. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử toan tính về đạo, không toan tính về miếng ăn. Cày ruộng thôi, mà có khi phải chịu đói. Học tập thôi, mà lại có của cải. Người quân tử lo về đạo, không lo nghèo.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử khuyên các học trò đi vào đường lối quân tử, chỉ cần toan tính về đạo mà không cần toan tính về miếng ăn. Toan tính về đạo tức là làm sao cho mình mỗi ngày một thăng tiến hơn về đạo đức và làm sao cho mọi người trong xã hội cũng thăng tiến về đạo đức.

Ngài nêu ra ví dụ: người nông dân chỉ lo cày ruộng quanh năm; lúc nào cũng toan tính về miếng ăn, thế mà có khi cũng bị đói vì gặp năm mất mùa do nắng hạn, mưa lũ hay sâu rầy phá phách. Còn người quân tử chỉ lo học tập, chẳng hề toan tính về miếng ăn; thế mà việc học lại đưa của cải đến cho. Của cải có thể do vua quan ban cho vì muốn mời người quân tử làm việc nước. Của cải có thể do dân chúng đem cho vì muốn mời người quân tử làm thầy dạy con cái mình. Vì thế, người quân tử chỉ nên lo làm sao cho đạo hoằng hoá trong thiên hạ mà chẳng cần lo lắng về cái nghèo.

Dĩ nhiên, câu nói trên chỉ thích hợp với thời đại cách đây 2500 năm; trong đó có tới 95% dân chúng là nông dân, thợ thuyền, không tới 5% là người đi học làm quân tử. Ngày nay, số người đi học đã nhiều, những người quân tử thời mới, ngoài việc lo đạo, cũng cần lo đến của ăn bằng cách đem cái học của mình ra giúp cải thiện nông nghiệp để dân chúng khỏi đói và bớt cực khổ.

32. Đức Khổng Tử nói: “Sự hiểu biết thấu đáo, mà không giữ được đức nhân, tuy có đạt được, rồi cũng mất. Sự hiểu biết thấu đáo, giữ được đức nhân, mà không nghiêm trang khi tới với dân, thì dân không kính. Sự hiểu biết thấu đáo, giữ được đức nhân, nghiêm trang khi tới với dân, mà hành động không theo lễ, chưa phải là hoàn toàn.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn này nói đến đạo trị dân. Những chữ “chi” trong nhóm từ “trí cập chi, đắc chi, thất chi” đều chỉ đến đạo ấy. Đức Khổng Tử cho rằng, ngoài kiến thức phổ thông về đạo trị dân, muốn thành công hoàn toàn cần phải bổ túc ba điều nữa. Đó là: có lòng thương yêu dân (nhân), nghiêm trang khi tới với dân (trang), phải tế nhị và lịch sự trong hành động (lễ). Những lời của Ngài cần được làm sáng tỏ như sau:

Mặc dù có sự hiểu biết thấu đáo về đạo trị dân, mà không có lòng thương yêu dân, tuy có đạt được đạo ấy rồi cũng mất, tức là không được dân ủng hộ đến cùng.

Mặc dù có sự hiểu biết thấu đáo về đạo trị dân, có lòng thương yêu dân, mà không nghiêm trang khi giao tiếp với dân, thì dân không kính, tức là coi thường hoặc khinh nhờn.

Mặc dù có sự hiểu biết, có lòng thương yêu, có sự nghiêm trang, nhưng lại không lịch sự, tế nhị trong hành động, thì việc trị dân chưa hoàn toàn vì chưa được dân quý. Thương yêu dân thì dân biết ơn. Nghiêm trang với dân thì dân kính trọng. Tế nhị, lịch sự (giữ lễ) với dân thì dân yêu quý. Người nào cai trị mà được dân yêu quý khi gần; được dân thương nhớ khi xa; được dân thương xót đau đớn khi chết; thế mới gọi là thành công hoàn toàn trong đạo trị dân.

33. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử không thể biết điều nhỏ nhặt, nhưng có thể đảm đương việc lớn. Kẻ tiểu nhân không thể đảm đương việc lớn, nhưng có thể biết điều nhỏ nhặt.”

BÌNH GIẢI:

Điều nhỏ nhặt là những việc chỉ cần học hỏi trong vài ngày hoặc vài tháng; cũng có thể là những việc vặt vãnh trong nhà như: sửa cái bàn, đóng cái vách, chặt cái cây hay nấu nướng thức ăn, may vá cái áo… Người quân tử thường không rành, không khéo, hoặc không thích những việc vặt vãnh ấy. Lý do là người quân tử luôn luôn bận tâm về những việc quốc gia đại sự hoặc ưu tư về những vấn đề triết lý nhân sinh… Nếu trao cho người quân tử những việc nhỏ nhặt ấy, chắc là người quân tử không thể làm tròn phận sự. Nếu đánh giá người quân tử qua những điều ấy, quả là oan uổng cho họ. Tuy nhiên nếu trao những việc quốc gia đại sự cho người quân tử, họ có thể đảm đương được và thành công hơn là làm việc nhỏ.

Trái lại, kẻ tiểu nhân không thể đảm đương việc lớn, bởi vì họ có bao giờ để tâm học hỏi hay suy nghĩ đến những việc ấy. Họ chỉ có thể thành công trong những việc nhỏ nhặt mà thôi.

34. Đức Khổng Tử nói: “Dân chúng đối với đức nhân, rất cần hơn nước lửa. Nước lửa, ta thấy có người giẫm lên mà chết; chưa thấy người giẫm lên đức nhân mà chết.”

BÌNH GIẢI:

Nước lửa cần thiết cho dân chúng trong sinh hoạt. Không có nước lửa, người ta nấu nướng, ăn uống làm sao được? Tuy nhiên, đức nhân nói chung còn cần thiết hơn nước lửa nhiều. Không có đức nhân chủ trì có nghĩa là không có tình yêu thương giữa người với người, xã hội sẽ bạo loạn, dân chúng sẽ khổ sở khôn xiết. Như vậy, người cai trị dân chúng phải lấy đức nhân làm căn bản trong mọi hành động như đi một đôi giày. Lấy đức nhân làm nền không khác gì giẫm lên đức nhân, lấy đức nhân làm giày đi.

Nước lửa tuy cần thiết nhưng đã có người giẫm lên nước bị chết đuối, giẫm lên lửa bị chết bỏng. Còn giẫm lên đức nhân, lấy đức nhân làm nền, đâu có ai chết bao giờ? Nhà lãnh đạo nào lấy đức nhân cai trị còn được dân chúng lấy thân làm phên giậu che chở; vì thế mạng sống còn được bảo toàn lâu dài hơn nữa.

35. Đức Khổng Tử nói: “Đảm nhận điều nhân thì không nhường cho thầy.”

BÌNH GIẢI:

Điều nhân là điều tốt cho mọi người. Mọi người đều có bổn phận thi hành điều nhân để cho gia đình, xã hội được an vui. Vì thế, mỗi khi gặp điều nhân thì cần làm ngay, không phải nhường nhịn cho ai, ngay cả đối với thầy mình. Nhường nhịn cơm áo, nhường nhịn địa vị, quyền bính cho thầy là phải; nhưng gặp điều nhân thì cứ tiến hành càng nhanh càng tốt. Dắt một người mù đang muốn qua đường; nâng đỡ một em bé bị té ngã; đó là những điều nhân. Ta hãy làm liền, đâu phải nhường cho ai, chờ đợi ai?

36. Đức Khổng Tử nói: “Quân tử chính đính, nhưng không giữ điều tín vặt.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử giữ bền đạo lý chân chính, trước sau như một; không bao giờ rời bỏ lý tưởng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; luôn luôn sống theo đạo Trời. Tuy nhiên, người quân tử không cố chấp những điều tín vặt vãnh. Ví dụ, hứa hẹn với ai một điều nhỏ nhặt nào đó đã lâu, nhưng vì đại nghĩa quan trọng hơn, người quân tử không thể bỏ việc lớn để đáp ứng cái điều nhỏ đã hứa ấy.

Hoặc như chuyện về ông Vũ (sau này được vua Thuấn truyền ngôi, lập ra nhà Hạ) có kể rằng: Khi ông nhận nhiệm vụ đi trị thuỷ (đào mương, khai kênh) để rút nước chua đi, dẫn nước ngọt vào ruộng; có ba lần ông đi qua nhà mình mà không ghé vào thăm gia đình. Như thế, ông Vũ đã vì lý tưởng phục vụ dân chúng mà bỏ qua sự thăm viếng cha mẹ, vợ con, là điều nhỏ.

37. Đức Khổng Tử nói: “Phụng sự vua, hãy kính cẩn trong công việc, sau mới đến bổng lộc.”

BÌNH GIẢI:

Phụng sự vua không phải thờ phụng cá nhân ông vua, mà là giúp vua cai trị đất nước. Công việc do vua giao phó có liên quan đến sinh mệnh của toàn dân. Vì thế phải kính cẩn thận trọng trong công việc của mình; phải tận tụy mưu ích cho toàn dân trước khi nghĩ đến lương bổng, thù lao.

38. Đức Khổng Tử nói: “Đều được dạy dỗ không kể loại người nào.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử đã tự nhận biết thiên chức của Ngài là giáo dục thiên hạ; cho nên Ngài chủ trương dạy dỗ cho tất cả mọi người không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, khôn dại, thiện ác… miễn là họ có thiện chí cầu học.

39. Đức Khổng Tử nói: “Đạo lý không cùng đường lối, không thể cùng mưu tính với nhau.”

BÌNH GIẢI:

Mỗi học thuyết, mỗi tôn giáo, mỗi đảng phái đều có quan điểm riêng về những vấn đề nhân sinh. Vì thế, đạo lý sống và đường lối giải quyết trong cách sinh hoạt khác nhau. Cho nên không thể cùng mưu tính với nhau để hành động chung được. Hai bên chỉ có thể tôn trọng lẫn nhau để chia thời gian, chia phạm vi cho nhau hoạt động mà thôi.

40. Đức Khổng Tử nói : “Lời nói diễn ý thấu đáo thì thôi.”

BÌNH GIẢI:

Lời nói cốt để diễn ý tứ, vì thế cần phải sáng tỏ, giản dị; không nên dùng những chữ nghĩa cầu kỳ, những lời lẽ trau chuốt quá mức khiến cho lời nói thêm tối nghĩa. Lời nói nếu chuyển đạt được cho người nghe hiểu những ý tưởng mình muốn nói, đó là thành công rồi.

41. Sư Miện ra mắt. Khi đến bên thềm, Đức Khổng Tử nói: “Thềm đây.” Đến bên chiếu, Đức Khổng Tử nói: “Chiếu đây.” Tất cả đều ngồi xong, Đức Khổng Tử thông báo cho ông biết: “Ông mỗ ngồi đây; ông mỗ ngồi đây.”

Sư Miện ra đi, Tử Trương hỏi rằng: “Đường lối nói chuyện với nhạc sư là thế ư ?”

Đức Khổng Tử nói: “Đúng thế, cố nhiên đó là đường lối giúp đỡ nhạc sư vậy.”

BÌNH GIẢI:

Sư Miện là nhạc sư điều khiển dàn nhạc cung đình nước Lỗ. Vào thời Xuân Thu, để việc học nhạc và tấu nhạc được tinh, các nhạc quan hầu hết tự lấy lá thuốc đốt lên, xông cho mù mắt. Như vậy, bao nhiêu sự nhạy bén của tinh thần gom cả vào tai và đôi tay. Thời ấy, ở nước Tấn có nhạc sư Khoáng nổi tiếng nhất cũng ở trong trường hợp như vậy.

Vì nhạc sư Miện không nhìn thấy gì, cho nên Đức Khổng Tử phải giới thiệu cái thềm cho ông bước lên, cái chiếu cho ông ngồi xuống; sau đó lại giới thiệu từng quan khách ngồi ở đâu cho ông biết: người này ngồi hướng này; người kia ngồi hướng nọ. Giúp đỡ nhạc sư mù như thế là đối đãi theo lễ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x