Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 17 – Dương Hóa

Luận Ngữ – Chương 17 – Dương Hóa

by Hậu Học Văn
369 views

DƯƠNG HÓA ĐỆ THẬP THẤT

1. Dương Hố muốn ra mắt Đức Khổng Tử; Đức Khổng Tử không tiếp; nên đưa làm quà cho ngài một con heo con. Đức Khổng Tử chờ cơ hội ông ta không ở nhà mà đến chào thăm. Gặp nhau trên đường, ông ta bảo Đức Khổng Tử: “Lại đây, tôi cùng ông nói chuyện” Nói rằng: “Ôm giữ vật báu mà nước nhà rối loạn, có thể gọi là bậc nhân chăng ?”

Đáp: “Không thể”

“Thích theo việc quan mà cứ để mất cơ hội, có thể gọi là bậc trí chăng?”

Đáp : “Không thể”

“Ngày tháng trôi đi, năm chẳng chờ ta.”

Đức Khổng Tử nói : “Vâng, tôi sắp ra làm quan đây.”

BÌNH GIẢI:

Dương Hoá còn gọi là Dương Hổ, gia thần của họ Quý. Ông này có mưu đồ soán nghịch, có lần đã cướp quyền bính của Quý Hoàn Tử. Dương Hoá muốn mời Đức Khổng Tử đến hợp tác với mình; nhưng Đức Khổng Tử luôn tránh né.

Để lấy lòng và cố tình tìm gặp, một lần kia Dương Hoá sai người đem biếu Đức Khổng Tử một con heo con. Theo lễ, Đức Khổng Tử phải đến tạ ơn. Vì ngài không muốn gặp mặt, cho nên đã chờ cơ hội Dương Hoá đi vắng rồi mới đến nhà cho có hình thức. Tuy nhiên, trên đường đi lại gặp Dương Hoá. Dương Hoá vừa nói khích vừa muốn thuyết phục Đức Khổng Tử ra giúp mình. Biết Dương Hoá là kẻ bất nhân, không thể cộng tác được, Đức Khổng Tử chỉ đối đáp qua loa rồi tìm cách tháo lui.

2. Đức Khổng Tử nói: “Tính con người cùng gần gũi nhau, do thói quen hoá ra xa nhau.”

BÌNH GIẢI:

Sách Trung Dung nói: “Thiên mệnh chi vị tính 天命之謂性。 (Cái mà Trời trao cho gọi là tính.) Đã là con người, ai cũng nhận được ở Trời cái tính bản nhiên. Do đó, tính bản nhiên của mọi người gần giống như nhau, vốn tốt lành. Với thời gian trôi qua trong chiều dài lịch sử hàng triệu năm, con người sống trong những không gian khác nhau, bắt chước, thâm nhiễm những thói quen khác nhau, xấu có, tốt có, lành dữ lẫn lộn. Vì thế, tính con người hoá ra khác xa nhau. Những tính ấy được di truyền xuống cho con cháu nhiều đời sau và được tập nhiễm pha tạp nhiều thói quen khác; cho nên tính con người càng ngày càng khác xa nhau.

3. Đức Khổng Tử nói: “Chỉ riêng người sáng suốt bậc cao và đứa dốt nát thấp kém là không dời đổi.”

BÌNH GIẢI:

Người sáng suốt bậc cao là người được sinh ra trong một dòng tộc đã nhiều đời tu đức tốt lành, giữ được gần trọn vẹn bản tính thuần nhiên ban đầu. Người ấy có khí chất thanh cao, tinh thần trong sáng bẩm sinh; cho nên người ấy có sống chung với đám người ô hợp thô lỗ vẫn không dời đổi tính tình.

Trái lại, đứa dốt nát thấp kém là người được sinh ra trong một dòng tộc tập nhiễm lâu đời lắm nết xấu, lại lười biếng; cho nên khí chất ô trọc, tinh thần mờ tối; có nết xấu nào cứ duy trì mãi không dời đổi được.

Hai loại người trên chỉ là thiểu số trong xã hội. Đa số người ta ở vào bậc trung, khoảng giữa hai loại người trên; tính tình pha lẫn tốt xấu, hoặc tốt nhiều, xấu ít, hoặc xấu nhiều, tốt ít. Loại người bậc trung này nếu được sống trong hoàn cảnh tốt, được giáo dục tốt, vẫn có thể thay đổi tính tình được, nhanh hay chậm, ít hay nhiều.

4. Đức Khổng Tử đến Vũ Thành, nghe thấy tiếng đàn ca, Ngài mỉm miệng cười nói: “Cắt gà sao dùng tới dao mổ trâu?”

Tử Du đáp rằng: “Xưa kia, Yển này đã nghe thầy nói: ‘Người quân tử học đạo thì yêu người; kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến.’

Đức Khổng Tử nói: “Này các trò, lời của Yển phải đấy. Lời trước của ta là nói đùa đó thôi.”

BÌNH GIẢI:

Vũ Thành là một ấp nhỏ của nước Lỗ; tại đây có vị quan tể cai trị là Tử Du.

Ông này trước khi làm quan vốn là đệ tử của Đức Khổng Tử.

Một hôm, Đức Khổng Tử cùng với một nhóm đệ tử đến thăm Tử Du tại ấp Vũ Thành. Nghe thấy tiếng đàn hát từ trong ấp vẳng ra, ngài rất vui mừng. Bèn mở miệng nói đùa: “Cắt gà sao dùng tới dao mổ trâu?” Câu này có ý rằng: cai trị một cái ấp nhỏ bé như thế này đâu cần phải vận dụng tới lễ nhạc là phương thức cai trị một quốc gia.

Nghe thầy nói vậy, Tử Du thanh minh với đại ý dạy lễ nhạc cho dân tức là dạy đạo cho dân; bởi vì lễ nhạc là một phần của đạo lý. Lễ nhạc tốt có thể điều chỉnh được lòng người. Người quân tử học đạo thì biết yêu người; kẻ tiểu nhân học đạo sẽ dễ sai khiến vì đã ít nhiều trở nên thiện hảo, không còn ngạo mạn, ngang bướng nữa. Vì vậy, dù đám dân đó ít hay nhiều, thì dạy đạo là điều phải lẽ.

Nghe Tử Du biện minh rành rẽ, hợp lý như vậy. Đức Khổng Tử phải khen ngợi là đúng và cải chính cho các đệ tử biết lời nói vừa rồi của mình chỉ là câu nói đùa cho vui.

Tiếc thay cho Tử Du, có tài đức như thế mà chỉ được cai trị một ấp Vũ Thành nhỏ nhoi. Giá như ông có quyền cai trị cả nước Lỗ, thì Đức Khổng Tử đâu phải đi lang thang tìm minh chủ và dân chúng sẽ được hưởng ơn mưa móc nhiều biết bao!

5. Công Sơn Phất Nhiễu lấy ấp Phí làm phản. Được mời, Đức Khổng Tử muốn đi. Tử Lộ không vui, nói: “Không đi đâu thì thôi. Sao phải đi đến họ Công Sơn?” Đức Khổng Tử nói: “Phàm cho mời ta, há không hay sao? Nếu như có dùng ta, ta sẽ phục hưng nhà Đông Chu chăng?”

BÌNH GIẢI:

Công Sơn Phất Nhiễu, gia thần của họ Quý, đã cùng với Dương Hoá làm phản họ Quý, chiếm ấp Phí, bắt giam Quý Hoàn Tử. Sau đó, ông này cho mời Đức Khổng Tử đến phù tá. Đức Khổng Tử thấy Công Sơn Phất Nhiễu chống lại họ Quý tiếm quyền vua Lỗ chứ không chống vua Lỗ; cho nên định tới hợp tác.

Tử Lộ là người bộc trực, thấy Công Sơn Phất Nhiễu không hành động theo chính đạo, mới can ngăn Đức Khổng Tử đừng đi. Ý định của Đức Khổng Tử là nương theo tình thế mới mà lái Công Sơn Phất Nhiễu trao quyền bính lại cho vua Lỗ. Được như vậy, bấy giờ Đức Khổng Tử sẽ giúp vua Lỗ ổn định chính trị, vỗ yên trăm họ và tiến xa hơn nữa, dùng thế lực thịnh vượng của nước Lỗ hỗ trợ và chỉnh đốn nhà Đông Chu đang hồi suy sụp; bởi vì vua nước Lỗ vốn là dòng dõi Chu Công, con của Chu Văn Vương. Tuy có chủ đích như thế nhưng vì Tử Lộ can gián và vì tình thế không thuận tiện, nên Đức Khổng Tử đã bỏ qua việc hợp tác với Công Sơn Phất Nhiễu.

6. Tử Trương hỏi về đức nhân với Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử nói: “Thường thi hành năm điều đối với thiên hạ là nhân vậy.”

Liền thưa hỏi những điều ấy.

[Đức Khổng Tử] nói: “Cung kính, tha thứ, giữ lời hứa, siêng năng, ban ơn. Cung kính thì không bị khinh nhờn; tha thứ thì được lòng mọi người, giữ lời hứa thì được người tín nhiệm; siêng năng thì thành công; ban ơn thì đủ để sai khiến được người.”

BÌNH GIẢI:

Tử Trương là một đệ tử có ý hướng ra làm quan cai trị để hưởng lộc nước; vì thế, trả lời cho Tử Trương về đức nhân, Đức Khổng Tử cũng đáp ứng xu hướng tinh thần của ông. Đức nhân dành cho một vị quan cai trị bao gồm năm điều: cung, khoan, tín, mẫn, huệ.

Làm quan mà có thái độ cung kính nghiêm trang (cung) trong khi giao tiếp với dân thì không bị khinh nhờn; đồng thời cũng ít bị cấp trên lấn áp.

Có sự rộng lượng tha thứ (khoan) thì được mọi người yêu mến, tòng phục.

Nói ra điều gì thì giữ lời hứa trước sau như một (tín) ắt được mọi người tín nhiệm, sẵn sàng tuân giữ và tin theo.

Siêng năng gắng gỏi trong công việc (mẫn) thì dễ thành công vì được nhiều người giúp đỡ.

Hay ban ơn cho người dưới (huệ) thì được người nhớ ơn, cho nên dễ sai khiến người.

7. Phật Bật mời, Đức Khổng Tử muốn đi. Tử Lộ nói: “Xưa kia, Do này nghe thầy nói rằng: ‘Thân thiết với người làm điều không tốt, người quân tử chẳng tham gia.’ Phật Bật lấy ấp Trung Mâu làm phản. Thầy đi đến đó, thế là thế nào?”

Đức Khổng Tử nói: “Phải rồi, có lời nói như vậy. [Nhưng] chẳng phải ta có nói: Vật cứng chắc dù mài cũng chẳng chẳng mỏng đi đó sao? Lại chẳng nói: Cái thật trắng có đem nhuộm đen cũng chẳng thâm đó sao? Ta há là quả bầu ư, buộc đó mà chẳng đem ăn sao?”

BÌNH GIẢI:

Phật Bật là gia thần của một quan đại phu ở nước Tấn, được cai trị ấp Trung Mâu. Nhân có cuộc rối loạn, Phật Bật chiếm ấp Trung Mâu, làm phản. Đức Khổng Tử được Phật Bật mời trong dịp này. Ngài định ra đi. Tử Lộ khuyên can ngài đừng đến hợp tác với Phật Bật, vì y là kẻ phản trắc.

Đức Khổng Tử xác nhận có dạy các đệ tử rằng: người quân tử không gia nhập phe đảng với kẻ làm điều xấu. Tuy nhiên, ngài tin rằng với bản lĩnh vững vàng sẵn có, như vật cứng không thể bị mài mòn, như vật trắng không thể nhuộm đen, ngài không thể bị Phật Bật lôi vào đường xấu. Ngài chỉ muốn nhân cơ hội mà hướng dẫn Phật Bật bước sang chính đạo để phục vụ dân chúng lầm than.

Trong cuộc đối thoại với Tử Lộ này, ngài hé lộ sự tiếc xót cho tài năng của mình không gặp thời để thi thố. Ngài tự so sánh thân phận mình với quả bầu. Quả bầu được sinh ra để cho người ta ăn chứ đâu phải để buộc treo mãi. Cũng vậy, ngài được sinh ra và một đời chăm chỉ tu tập, trau dồi tài đức cốt để làm lợi ích cho xã hội, chứ đâu phải bị bỏ hoài.

Tuy có lập trường như thế, nhưng rồi ngài cũng không đến với Phật Bật.

8. Đức Khổng Tử nói: “Này Do, ngươi đã nghe về sáu đức và sáu điều che lấp chưa?”

Đáp: “Dạ chưa.”

“Ở đó, ta nói cho ngươi: Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội. Thích đức trí mà chẳng thích học, điều che lấp là phóng túng. Thích đức tín mà chẳng thích học, điều che lấp là tổn hại. Thích đức trực (ngay thẳng) mà chẳng thích học, điều che lấp là sỗ sàng. Thích đức dũng mà chẳng thích học, điều che lấp là phá rối. Thích đức cương (cứng rắn) mà chẳng thích học, điều che lấp là ngông cuồng.”

BÌNH GIẢI:

Người bước vào đạo quân tử thường ưa thích sáu đức: nhân, trí, tín, trực, dũng, cương; nhưng không mấy ai để ý đến sáu điều che lấp và làm hỏng sáu đức đó. Một khi không biết thì hậu quả của sự ưa thích sẽ dẫn đến nguy hiểm.

Đức nhân là tấm lòng tốt lành, tử tế đối với mọi người. Tuy nhiên, thể hiện đức nhân như thế nào cho thích hợp trong từng trường hợp riêng lẻ, đó là điều khó. Có trường hợp nên cư xử tử tế; cũng có khi phải tránh né. Gặp kẻ tàn nhẫn, xảo quyệt thì nên tránh né hơn là gần gũi mà tử tế. Gần gũi mà thật thà tử tế có thể bị lường gạt. Để cho kẻ xấu ác lường gạt, lợi dụng mình; đó là ngu muội. Vì thế cần phải học để biết cách thể hiện đức nhân. Ngu muội chính là điều che lấp, làm hỏng đức nhân vậy.

Đức trí là năng lực sáng suốt, giúp người ta phân biệt tốt xấu để thích ứng xử lý trong mọi tình huống. Nhưng sáng suốt quá trở thành kiêu ngạo, khinh người và dễ nảy sinh hành động phóng túng, coi thường thiên hạ. Vậy cần phải học để biết cách vận dụng sự sáng suốt để hành động một cách khiêm hạ, đẹp lòng mọi người.

Đức tín là giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người. Nhưng phải học cho biết để dè dặt trong lời hứa kẻo vướng vào lời hứa mà bị tổn hại đến mình.

Đức trực là tính ngay thẳng trong ngôn ngữ và hành vi. Nhưng sống trong xã hội, giao thiệp với đủ mọi loại người, người ta cần phải linh động uyển chuyển tùy thời, tùy chỗ mà trình bày quan điểm của mình. Lúc nào cũng nói 

làm ngay thẳng sẽ trở nên người sỗ sàng, gắt gao, khiến cho người khác phải ghét và không hợp tác, không thể hoà đồng với mọi người được.

Đức dũng là năng lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần phải học cho biết để phát huy năng lực ấy ra sao. Nếu mạnh mẽ quá mức, người ta dễ biến thành kẻ phá rối, gây loạn như một dòng nước lũ, lợi ít mà hại nhiều.

Đức cương là tính cứng rắn trong hành động. Nhưng Lão Tử nói: “Thái cương tắc chiết” (Cứng quá thì bị gãy.) Người cứng rắn thái quá dễ sinh ra ngông cuồng, bạo ngược, không biết nhường nhịn ai. Vì thế, cần phải học cho biết lúc nào nên cương (cứng rắn), lúc nào nên nhu (mềm dẻo). Thế mà trong thực tế, nhiều khi nhu lại thắng cương, nhược lại thắng cường.

9. Đức Khổng Tử nói: “Các học trò sao chẳng học Kinh Thi? Kinh Thi có thể dấy lên niềm vui thích, có thể giúp xét thấu, có thể giúp hợp đoàn, có thể giúp biết đường oán giận. Gần thì biết phục vụ cha; xa thì biết phục vụ vua; ghi nhớ được nhiều tên chim chóc, thú vật, cỏ cây.”

BÌNH GIẢI:

Kinh Thi là một trong Lục Kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) của đạo Nho. Thời Xuân Thu, những học trò mới bước vào cửa Khổng phải học Kinh Thi trước hết.

Kinh Thi có nhiều bài ca dao, bài hát nói lên tâm tình trung thực của con người. Vì thế, học Thi để dấy lên niềm vui thích yêu mến đời sống, phát triển tình người. Kinh Thi còn nói đến phong tục, đời sống chính trị, nết xấu, nết tốt của dân các nước chư hầu, khiến cho người ta học tập khả năng quan sát, nhận định, tìm hiểu thấu đáo dân tình và tâm lý con người. Nhờ biết thấu đáo dân tình, người ta mới có thể kết hợp thành một đoàn thể sống chung với nhau. Kinh Thi còn phê phán cách cai trị đương thời, nêu ra kẻ xấu, người tốt, khiến cho người học biết cần phải oán giận, xa lánh hạng người nào.

Kinh Thi còn dạy cho biết nghĩa vụ; ở gần thì biết phục vụ trong nhà; ở xa thì biết phục vụ vua là người lãnh đạo đất nước, giúp vua trị nước an dân. Ngoài ra, học Kinh Thi người ta còn biết thêm và ghi nhớ được nhiều tên các chim muông, cầm thú, cỏ cây.

10. Đức Khổng Tử bảo Bá Ngư rằng: “Ngươi đã học Chu Nam, Chiêu Nam chưa? Người mà không học Chu Nam, Chiêu Nam, cũng như đứng sát mặt vào tường vậy.”

BÌNH GIẢI:

Chu Nam và Chiêu Nam (Thiệu Nam) là hai chương đầu của Kinh Thi. Chu Nam bao gồm những bài hát nói đến phong hoá của các nước chư hầu phương nam thấm nhuần văn hố nhà Chu do Chu Công truyền bá.

Chiêu Nam hay Thiệâu Nam là những bài hát nói đến phong hoá của các nước thấm nhuần sự truyền bá của Thiệu Công. Thơ Chu Nam và Chiêu Nam được coi là thơ chính phong, bởi vì hướng dẫn người ta sống một cuộc đời chính đính từ gia đình ra tới xã hội. Thời xưa, không học thơ Chu Nam, người ta sẽ không biết sống đạo làm người ra sao, cũng tương tự như người đứng quay mặt vào tường thì không biết tiến tới thế nào. Trình Tử nói: “Muốn yên trị quốc gia, trước hết phải chính đính gia đình. Nếu các gia đình trong thiên hạ đều chính đính thì cả thiên hạ đều yên trị vậy.” (Trích theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập I, NXB Văn học, trang 110)

Sau đây là hai bài Kinh Thi tiêu biểu mở đầu phần Chu Nam và mở đầu phần Chiêu Nam.

Quan thư

Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu.

Dịch thơ:

Quan quan kìa tiếng thư cưu,

Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.

U nhàn thục nữ thế này,

Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Thước sào

Duy thước hữu sào,

Duy cưu cư chi.

Chi tử vu quy,

Bách lưỡng nhạ chi.

Dịch thơ:

Chim thước có cái ổ xinh,

Chim cưu bay đến chiếm giành ở trong.

Nay nàng đến buổi lấy chồng,

Hằng trăm xe ngựa đến cùng đón dâu.

(Sđd: trang 35 và 71)

11. Đức Khổng Tử nói: “Nói rằng lễ, nói rằng lễ, rằng ngọc lụa thôi sao? Nói rằng nhạc, nói rằng nhạc, rằng chuông trống thôi sao?”

BÌNH GIẢI:

Lễ là biểu hiện sự tốt đẹp giữa người trên và người dưới, giữa người nọ và người kia. Trong lễ có cung kính, có quý trọng, có ái mộ. Đâu phải lễ chỉ là trang sức bằng ngọc bảo, phục sức bằng nhung lụa? Nếu trong lòng thiếu sự cung kính, sự quý trọng, sự ái mộ và không biểu hiện được những ý tứ đó ra ngoài, sao có thể gọi là lễ được?

Nhạc là dùng âm thanh để biểu hiện sự hoà hợp. Chuông, trống, đàn sáo… hoà hợp với nhau theo quy luật của thanh âm, tạo nên khúc nhạc du dương, nhịp nhàng, cốt để tạo mối hoà khí trong tâm hồn, tạo mối hoà khí giữa mọi người trong xã hội; đó là chủ đích của nhạc. Có chuông, trống, đàn, sáo… mà không tạo được hoà khí, đâu có thể gọi là nhạc?

Vì không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của lễ nhạc, cho nên nhiều khi người ta chỉ tạo ra được hình thức của lễ nhạc mà thôi.

12. Đức Khổng Tử nói: “Dáng mạo nghiêm nghị mà bên trong yếu đuối, ví như kẻ tiểu nhân, cũng giống kẻ trộm đào tường vậy chăng?”

BÌNH GIẢI: 

Con người mà dáng mạo bề ngoài có vẻ nghiêm nghị đàng hoàng nhưng trong lòng lại yếu hèn; đó là loại người giả hình. Người ấy chẳng khác gì kẻ tiểu nhân hay cũng giống như kẻ trộm đào tường, khoét vách. Kẻ tiểu nhân thì không thành thật. Kẻ trộm thì giả dối: ban đêm đi ăn cắp của người; ban ngày làm bộ nghiêm trang đạo đức. Ba loại người ấy cũng giống nhau ở chỗ không tôn trọng sự thật; đó là những kẻ chuyên đóng kịch, giả nhân giả nghĩa để lừa người, làm những việc bất chính.

Trong ba loại ấy, loại giả hình làm bộ nghiêm nghị đàng hoàng nguy hiểm hơn cả, vì họ có thể dùng dáng mạo nghiêm nghị để giữ những vai trò quan trọng trong xã hội, gây nguy hại cho nhiều người.

13. Đức Khổng Tử nói: “Kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức vậy.”

BÌNH GIẢI:

Chữ nguyện () cũng đọc là nguyên, nghĩa là nguồn gốc. Hương nguyện chỉ những kẻ đàn anh trong làng xóm như lý trưởng, xã trưởng và các chức sự… Những kẻ này thường có nguồn gốc cha truyền con nối, được người dân kính trọng, sợ hãi vì vai trò lãnh đạo của họ trong làng xóm. Họ là trung gian của đám quan lại địa phương với đám dân thường. Họ mở miệng ra là nói điều nhân nghĩa, hiếu đễ, hay dùng luật lệ, phép tắc để bắt bẻ, chê bai người khác. Tuy nhiên, trong thực chất, họ là những kẻ đạo đức giả, là tay sai cho các quan trên để đàn áp lương dân. Họ lén lút làm những điều xấu, nhưng trước mặt mọi người vẫn làm ra vẻ con người tử tế, mẫu mực. Vì thế, Đức Khổng Tử cho họ là những kẻ làm hại đạo đức hơn ai hết.

Đám hương nguyện này có lẽ nên so sánh với những người Biệt phái ở Do Thái vào thời Chúa Jêsu. Họ luôn luôn phô trương đạo đức hình thức để nhận lại sự tôn kính của người khác nhưng lòng dạ lại đen tối, tham lam, nhỏ nhen.

14. Đức Khổng Tử nói: “Đạo nghe rồi mà đem nói ra ở ngoài đường, đó là bỏ mất đạo đức vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đạo lý là những điều sau khi được nghe rồi cần phải nâng niu suy ngẫm trong lòng và đem hiện thực ngay trong cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ của mình, thì mới hữu ích. Do đó mình mới được hoán cải và thăng tiến, trở nên bậc quân tử thánh hiền.

Nếu nghe đạo rồi mà đem ra ngoài đường để khoe khoang, tuyên truyền, tỏ ra mình là người rõ thông đạo lý để cho người ta khen ngợi; đó là bỏ mất đạo đức.

Đạo đã bị bỏ rơi ngoài đường thì đạo đâu còn lưu lại trong mình. Như thế, việc nghe đạo trở thành vô ích.

Ý nghĩa câu trên rất thâm sâu; nhưng có người lại hiểu là: những điều nghe được ở ngoài đường thì không phải sự thật; thế mà cứ đem thuật lại cho người khác, đó là bỏ mất đức hạnh của mình.

15. Đức Khổng Tử nói: “Người đê tiện có thể được cùng phục vụ vua hay chăng? Lúc chưa đạt được, thì lo lắng cho được. Đã được rồi, lại sợ mất. Ví bằng sợ mất, không có điều gì mà chẳng làm.”

BÌNH GIẢI:

Người đê tiện là kẻ tiểu nhân, suốt đời chỉ nghĩ đến tước lộc, đâu có nghĩ đến quyền lợi của dân chúng. Lúc chưa được tước lộc, kẻ ấy lo lắng, chạy chọt, nịnh hót cho được. Khi đã được tước lộc rồi, kẻ ấy lại sợ lọt vào tay người khác. Vì luôn luôn sợ mất tước lộc, cho nên không kể đến thủ đoạn nào (vô sở bất chí), dù gian dối hay hiểm độc, kẻ ấy vẫn có thể sử dụng để duy trì tước lộc, địa vị của mình.

Một người như thế, không thể dùng vào việc trị nước; không thể để cho người ấy phục vụ vua để có cơ hội thao túng chính quyền. Người ấy nếu được tham gia việc chính trị sẽ mang tai hoạ đến cho đất nước và làm khổ dân chúng.

16. Đức Khổng Tử nói: “Ngày xưa, người dân có ba thói không tốt; ngày nay, có lẽ những điều ấy không có nữa. Ngày xưa, người ngông thì phóng khoáng; ngày nay, người ngông lại phóng túng. Ngày xưa, người nghiêm ngặt thì ngay thẳng; ngày nay, người nghiêm ngặt lại giận dữ, hằn học. Ngày xưa, người kém hiểu biết thì chính đáng, thật thà; ngày nay, người kém hiểu biết chỉ gian dối mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa ở đây chỉ khoảng thời Tây Chu trở về trước; ngày nay chỉ thời Đông Chu, tức là thời Xuân Thu mà Đức Khổng Tử đang sống.

Ngày xưa, người dân có ba thói không tốt (tật); tuy nhiên những thói đó dù sao vẫn đáng khen, mà ngày nay không còn nữa. Đó là thói ngông (cuồng), thói nghiêm ngặt (căng) và thói kém hiểu biết hay dốt nát (ngu).

Ngày xưa, người ngông thì phóng khoáng, đơn sơ, không câu nệ vào những phép tắc lễ nghi vụn vặt, chi li; tâm hồn thanh cao, rộng rãi. Người nghiêm nghị thì ngay thẳng, không buông theo thị hiếu của xã hội, tự lập trong nếp sống riêng tư mà không sinh sự với người khác. Người kém hiểu biết tuy có ngu dốt vì kiến thức chưa mở mang, nhưng có nếp sống chính đáng, thật thà, mộc mạc.

Ngày nay, những thói tật đó vẫn còn nhưng chúng đã biến thái sang một dạng khác, tệ hại hơn nhiều. Có người vẫn ngông cuồng nhưng phóng túng, vô kỷ luật, phá phách làng xóm, gây rối cho xã hội. Có người vẫn nghiêm ngặt, nhưng thiếu khoan dung, độ lượng; ai không hợp ý mình thì giận dữ, hằn học. Có người vẫn ngu dốt vì kém học thức nhưng không còn thật thà, mộc mạc nữa; trái lại luôn gian dối, lừa đảo.

Ngày nay, người ta thường tự hào là văn minh tiến bộ hơn xưa, nhưng chính sự lệ thuộc vào vật chất và khoa học kỹ thuật đã khiến cho những thói tật phổ thông của con người trở nên xấu xa, tệ hại hơn xưa.

17. Đức Khổng Tử nói: “Ghét màu tía cướp mất màu đỏ. Ghét thanh nhạc nước Trịnh làm rối loạn chính nhạc. Ghét hạng khéo miệng làm nghiêng đổ nước nhà.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, người ta quan niệm rằng chính sắc bao gồm ngũ sắc (năm màu): đen, đỏ, xanh, trắng, vàng. Ngũ sắc được sắp theo khung ngũ hành: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ; được đặt vào bốn phương và chính giữa: bắc, nam, đông, tây, trung ương.

Màu đỏ thuộc về hành hỏa ở phương Nam, nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Do đó, màu đỏ được coi là màu tốt đẹp, biểu thị sự thịnh vượng, sự văn minh rực rỡ. Còn màu tía là màu pha trộn giữa màu xanh và màu đỏ, có khi thêm chút đen; trong đó, màu đỏ bị cướp mất chính sắc. Đức Khổng Tử là người ưa thích sự chính đáng, nguyên tuyền. Ở màu tía, chính sắc đỏ bị cướp mất, mang ý nghĩa là chính đạo bị lấn áp, bị tước đoạt hay bị pha trộn. Vì thế, Ngài ghét màu tía.

Cũng tương tự như vậy, nhã nhạc là chính nhạc, nhạc thanh nhã làm êm dịu tâm hồn; còn thanh nhạc nước Trịnh có tiếng là dâm nhạc, tục nhạc, làm rối loạn tình người. Một khi Trịnh thanh làm rối loạn nhã nhạc, khiến cho lòng người xa rời chính đạo thì Đức Khổng Tử chẳng ưa.

Ngài cũng ghét hạng người khéo miệng, lưỡi bén như dao, dùng lời nói để nịnh hót, bợ đỡ, gièm pha; bởi vì hạng người ấy, ở trong gia đình thì làm nghiêng nhà, khiến cha mẹ anh em bất hoà; ở trong nước thì làm đổ nước, khiến cho người nọ thanh toán kẻ kia.

18. Đức Khổng Tử nói: “Ta muốn không nói nữa.”

Tử Cống thưa: “Thầy mà không nói thì con noi theo làm sao?”

Đức Khổng Tử nói: “Trời có nói đâu? Bốn mùa vận hành; trăm vật sinh sôi, trời có nói đâu?”

BÌNH GIẢI:

Có lẽ Đức Khổng Tử nói câu này vào giai đoạn cuối đời, sau khi đã du thuyết nhiều nước trong thiên hạ và đã dạy dỗ môn đệ nhiều lời. Ngài cảm nghiệm thấy Trời chỉ chú trọng vào hành động hơn là nói thành lời. Trời luôn luôn hành động mạnh mẽ cho nên mới khiến cho thiên nhiên biến chuyển thành từng chu kỳ có tiết điệu đều đặn mà người ta gọi là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cũng do Trời tác động trên thiên nhiên mới có hiện tượng sinh sôi nảy nở bất tận của muôn vật. Thế mà Trời không nói gì cả, không khoe khoang, không cậy công, không thuyết minh, cứ để tự nhiên cho người ta cảm nghiệm lấy. Hiểu được chân lý này, Đức Khổng Tử không còn muốn nói nữa vì tự cảm thấy xấu hổ về kiến thức hạn hẹp và sự khôn ngoan bé bỏng của mình.

Lão Tử thì nói: “Lắm lời coi như bế tắc, chẳng bằng giữ chính đạo.” (Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung).

19. Nhũ Bi muốn ra mắt Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử khước từ lấy cớ bệnh. Người chuyển lời ra khỏi nhà, ngài cầm cây đàn sắt mà hát, khiến cho khách nghe thấy.

BÌNH GIẢI:

Nhũ Bi là người nước Lỗ, muốn vào yết kiến Đức Khổng Tử. Ngài lấy cớ bị bệnh mà khước từ, không tiếp. Tuy nhiên, vừa khi gia nhân chuyển lời khước từ (tương mệnh giả) của ngài đến với Nhũ Bi ở ngoài sân, ngài liền cầm cây đàn sắt vừa gảy vừa hát cốt cho Nhũ Bi nghe thấy và biết rằng ngài không muốn tiếp.

Có lẽ đây cũng là một cách giáo dục (giáo dục gián tiếp) của Đức Khổng Tử. Tiếp người để rồi phải nói thẳng ra cái lỗi của người, ngài là người tế nhị, không muốn như vậy; và ngài cũng không thể giả dối khen ngợi khi người chẳng có gì đáng khen. Ngài hiểu rõ tâm lý phổ thông của con người: “lời thật mất lòng”. Vì thế, ngài chỉ muốn kín đáo cho người tự nhận ra rằng mình có sự sai trái nào đó cần phải sửa đổi, mới đáng được tiếp kiến.

20. Tể Ngã hỏi: “Việc chịu tang ba năm, một năm đã là lâu rồi. Người quân tử ba năm mà không tập lễ nghi, lễ nghi ắt hỏng đi; ba năm không tập nhạc, nhạc ắt quên mất. Lúa cũ đã hết, lúa mới đã thu hoạch; những cây dùi lấy lửa đã cháy cả. Một năm có thể đủ rồi.”

Đức Khổng Tử nói: “Ăn gạo thơm, mặc đồ gấm ngươi có thấy an lòng chăng?”

Đáp: “An lòng.”

“Ngươi thấy an lòng thì cứ làm đi. Ôi, người quân tử chịu tang, ăn miếng ngon chẳng biết ngọt, nghe âm nhạc chẳng thấy vui, sống ở nơi của mình mà chẳng an lòng. Cho nên chẳng làm như thế. Nay ngươi thấy an lòng, thì cứ làm.”

Tể Ngã ra khỏi, Đức Khổng Tử nói: “Trò Dư không có lòng nhân vậy. Con người sinh ra ba năm, sau đó mới khỏi cha mẹ bế bồng. Ôi, chịu tang ba năm, đó là việc tang phổ thông của mọi người. Trò Dư không được cha mẹ yêu quý trong ba năm chăng?”

BÌNH GIẢI:

Sau khi nhà Chu là chủ đất nước Trung Hoa, Chu Công đặt ra Chu Lễ để ổn định thiên hạ, trong đó có lệ con cái chịu tang cha mẹ ba năm, với ý tạ ơn cha mẹ đã nuôi nấng, bế bồng vất vả trong ba năm trường, trước khi đứa con tự bưng được bát cơm mà ăn. Trong thời gian chịu tang, con cái mặc áo thô, ăn gạo xấu; có khi còn làm nhà tạm bên mộ cha mẹ, sống ở đó để tỏ lòng thương tiếc tưởng nhớ.

Việc chịu tang cốt ý là đề cao cái tình người cho trọng hậu. Người ta có duy trì được cái tình đối với cha mẹ, sau đó mới có thể khuyếch đại mối tình ấy để yêu mến anh em, vợ con, bè bạn, đồng bào và nhân loại. Kẻ đã lạt lẽo với cha mẹ thì không thể đằm thắm trong những tình cảm khác.

Nay Tể Ngã cho rằng chỉ cần chịu tang một năm là đủ; lấy cớ rằng nếu người quân tử dành thời giờ cư tang mà bỏ cả việc tập tành lễ nhạc, thì lễ nhạc hỏng mất. Ông ta nêu ra chu kỳ một năm về việc tiêu thụ lúa cũ, thu hoạch lúa mới. Chu kỳ ấy cũng chi phối mọi sinh hoạt con người; trong đó có việc thay đổi những cây dùi lấy lửa. Người Trung Hoa xưa có thói quen mỗi mùa dùng một loại cây để dùi mà cho lửa. Sau khi đã luân phiên dùng hết những cây dùi, đó là dấu chỉ một năm đã qua. Tể Ngã nêu ra luận cứ này để thuyết phục Đức Khổng Tử chấp nhận việc chịu tang cha mẹ chỉ nên kéo dài trong một năm.

Đức Khổng Tử đã không đồng ý và cho rằng Tể Ngã là kẻ không có lòng nhân. Lòng nhân đặt nền tảng trên tình người. Nay tình người đã thiếu thốn, cạn kiệt thì còn nhân sao được. Tể Ngã sợ ba năm không tập lễ nhạc sẽ quên hết nhưng Tể Ngã có biết đâu rằng lễ nhạc được đặt ra cũng chỉ cốt để nuôi cái tình người. Nay tình người đã thiếu thì còn tập tành lễ nhạc làm chi?

21. Đức Khổng Tử nói: “Ăn no suốt ngày, chẳng chỗ nào để dụng tâm, khó khăn thay! Sao không chơi bài chơi cờ? Làm điều đó còn tốt hơn ở không.”

BÌNH GIẢI:

Người nào chỉ ăn no rồi ngồi không, không để tâm vào một việc gì, thì rất có hại, khó lòng nên người được.

Ăn không ngồi rồi, thân xác sẽ rã rời, mệt nhọc, tinh thần đình trệ, dễ bị lôi cuốn vào những hành vi xấu, chẳng thà dùng thời giờ để chơi bài, chơi cờ giải trí, tinh thần sẽ được minh mẫn thì còn tốt hơn ngồi không.

22. Tử Lộ nói: “Người quân tử có nên đề cao sức mạnh chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử đặt nghĩa lên trên. Quân tử có sức mạnh mà không có nghĩa thì làm loạn. Kẻ tiểu nhân có sức mạnh mà không có nghĩa là phường trộm cướp.”

BÌNH GIẢI:

Dũng là sức mạnh thể chất. Trong hàng đệ tử của Đức Khổng Tử, Tử Lộ có tiếng là dũng mãnh hơn hết, vì thế ông vẫn có tâm ý hướng chiều về đó. Đức Khổng Tử cho biết người quân tử phải chuộng nghĩa. Nghĩa là mối tương giao tốt đẹp giữa người với người. Người quân tử có sức mạnh mà không có nghĩa, nếu ở địa vị cao sẽ trở thành kẻ loạn nghịch. Kẻ tiểu nhân có sức mạnh mà không có nghĩa sẽ trở thành kẻ trộm cướp gây rối loạn trong xã hội.

23. Tử Cống nói: “Người quân tử cũng có ghét chăng?”

Đức Khổng Tử nói: “Có ghét. Ghét kẻ bêu riếu điều xấu của người; ghét kẻ ở địa vị dưới mà chê người trên; ghét kẻ dũng mãnh mà không có lễ phép; ghét kẻ bạo dạn cương quyết mà bị che lấp (kẻ liều lĩnh đến nỗi bế tắc).

Lại nói: “Trò Tứ, cũng ghét chứ?”

[Tử Cống đáp:] “Ghét kẻ đi rình mò mà cho là sáng suốt; ghét kẻ không khiêm tốn mà cho là dũng mãnh; ghét kẻ bới móc việc riêng của người mà cho là ngay thẳng.”

BÌNH GIẢI:

Người ta thường nghĩ rằng quân tử là người nhân đức, chỉ biết yêu người mà không ghét người. Ở đây, Đức Khổng Tử cho biết người quân tử cũng ghét. Ai có những nết xấu đáng ghét thì phải ghét. Đó là lẽ tự nhiên. Có ghét những nết xấu của người mới nghĩ đến phương thế cải thiện cho người. Đức Khổng Tử nêu ra mấy trường hợp tiêu biểu:

– Ghét kẻ bêu riếu điều xấu của người: Con người thường có điều xấu. Nhưng khi điều xấu ấy chưa lộ ra, nếu muốn xây dựng cho người, ta chỉ nên tìm dịp thuận tiện để khuyên bảo, không nên phơi bày điều xấu của người ra để làm mất danh dự của người. Phơi bày điều xấu của người chính là cố tình làm hại người.

– Ghét kẻ ở địa vị dưới mà chê người trên: Người trên dù khôn ngoan tới đâu cũng không hoàn toàn. Kẻ ở dưới mà chê người trên, khiến người trên mất uy tín trong việc lãnh đạo thì trật tự sẽ hỏng hết. Muốn xây dựng, chỉ nên kín đáo và tế nhị góp ý riêng với người trên mà thôi.

– Ghét kẻ dũng mãnh mà không lễ phép: Kẻ dũng mãnh rất cần có lễ phép trong giao thiệp mới tạo nên sự hài hoà. Dũng mãnh mà vô lễ chỉ tạo nên sự đổ vỡ, tan tác.

– Ghét kẻ liều lĩnh đễn nỗi bế tắc: Kẻ liều lĩnh là kẻ bạo dạn cương quyết dám làm những việc hiểm nguy nhưng không thông suốt sự lý trước sau, chưa cân nhắc thận trọng đã vội hành động; như vậy sẽ bị bế tắc hoặc gặp những tai họa bất ưng xảy đến.

Tử Cống đồng ý với thầy và nói thêm ý riêng của mình:

– Ghét kẻ đi rình mò mà cho là sáng suốt: Đó là kẻ không an phận thủ thường, không tự phấn đấu mà chỉ chú tâm rình mò công việc của người khác để học lóm hoặc chê bai, chẳng chịu phát huy sáng kiến của mình.

– Ghét kẻ không khiêm tốn mà cho là dũng mãnh: Đó là kẻ ngông nghênh, kiêu ngạo, tự cho mình là hay là phải; đã không biết đó là khuyết điểm cần phải sửa, lại còn tưởng mình là mạnh mẽ hơn người.

– Ghét kẻ bới móc việc riêng của người mà cho là ngay thẳng: Việc riêng của người không can dự gì đến mình, nếu mình không có nhiệm vụ của quan án (của công an, cảnh sát). Bới móc việc riêng của người là vi phạm quyền tự do cá nhân. Đó là việc sai trái chứ không phải tính ngay thẳng. Người quân tử luôn luôn tự sửa mình để thăng tiến trong nhân đạo; nếu không thuộc bổn phận của mình thì đừng can thiệp vào việc người. Nếu thấy người có điều gì xấu thì nên kín đáo khuyên bảo, can ngăn mà tránh chạm đến lòng tự ái của người, tránh làm mất danh dự, phẩm giá của người trong xã hội.

24. Đức Khổng Tử nói: “Chỉ riêng bọn tớ gái và tớ trai là khó đối đãi. Gần gũi thì họ khinh nhờn; xa cách thì họ oán giận.”

BÌNH GIẢI:

Đám tớ gái, tớ trai là những người thuộc giới nghèo khó, ít học hoặc không học cho nên kém hiểu biết, kém văn hoá và thiếu lễ nghĩa. Nếu người chủ thương xót họ thì họ khinh nhờn, có khi xử ngang hàng với chủ. Nếu người chủ cư xử xa cách, nghiêm trang với họ thì họ oán giận, cho rằng bị khinh bỉ.

25. Đức Khổng Tử nói: “Bốn mươi tuổi mà người ta thấy ghét, chung cuộc của kẻ ấy đã hỏng rồi.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Xuân Thu, ngoại trừ các bậc đạo sĩ biết đường lối dưỡng sinh, đa số người ta khó lòng thọ tới 70 tuổi. Thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường nhận xét: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy. 人生七十古來希 (Người ta sống tới 70 tuổi xưa nay hiếm có.) Như vậy, người sống tới tuổi 40, đã trải qua quá nửa đời người, bắt đầu bước sang tuổi già. Thế mà người ấy chẳng chịu tu thân tích đức; ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi toàn thể hiện những nết xấu khiến người ta thấy ghét; vậy thì xem như cho đến cuối đời người ấy không thành công gì được, và cũng không còn hy vọng tạo được uy tín gì trong xã hội. Như thế , người ấy đã uổng phí cả một đời!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x