Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 19 – Tử Trương

Luận Ngữ – Chương 19 – Tử Trương

by Hậu Học Văn
282 views

TỬ TRƯƠNG ĐỆ THẬP CỬU

1. Thầy Tử Trương nói: “Kẻ sĩ thấy nguy thì liều mạng; thấy được, nghĩ đến điều nghĩa; tế lễ, nghĩ đến kính; chịu tang, nghĩ đến đau thương; thế là được rồi.”

BÌNH GIẢI:

Theo quan niệm của Tử Trương, một đệ tử Đức Khổng Tử, kẻ sĩ (người có học, có hạnh) thấy người khác gặp nguy hiểm, phải liều thân mà cứu giúp. Khi tự nhiên mà gặp được mối lợi, kẻ sĩ phải xét xem mối lợi ấy có hợp đạo nghĩa không, có thiệt hại cho ai không. Khi tế Trời hoặc tế cúng tổ tiên, kẻ sĩ phải thể hiện lòng tôn kính. Khi chịu tang người thân hay gặp cảnh tang thương, kẻ sĩ phải có tâm tình đau thương để tiếc nhớ người thân hay chia sẻ nỗi buồn đau với người khác. Được thế, coi như xứng danh kẻ sĩ rồi.

2. Thầy Tử Trương nói: “Giữ đức mà chẳng phát huy, tin đạo mà chẳng dốc lòng; sao có thể là có? Sao có thể là không?”

BÌNH GIẢI:

Người giữ đức mà chẳng tìm cơ hội để truyền bá triển khai nhân đức cho mọi người; người tin đạo mà chẳng dốc lòng theo đạo đến cùng, lại chẳng ra sức thực hành đạo trong đời sống; không thể đánh giá người ấy là có đạo đức hay không? Người ấy dù hiện diện trong đời hay không hiện diện cũng không quan trọng.

3. Đệ tử của thầy Tử Hạ hỏi thầy Tử Trương về việc kết giao. Thầy Tử Trương hỏi: “Thầy Tử Hạ nói thế nào?”

Đáp rằng: “Thầy Tử Hạ nói: Người khá thì giao thiệp; người không khá thì cự tuyệt.”

Thầy Tử Trương nói: “Khác với điều ta được nghe. Người quân tử tôn trọng bậc hiền mà bao dung mọi người; khen ngợi người tốt mà thương xót kẻ kém tài năng. Ta là bậc đại hiền ư? Thì người nào mà chẳng bao dung được? Ta chẳng hiền đức ư? Người ta sẽ cự tuyệt ta. Làm sao lại cự tuyệt người được?”

BÌNH GIẢI:

Tử Hạ và Tử Trương đều là môn đệ của Đức Khổng Tử, nhưng tính khí hai người khác nhau. Tử Hạ hẹp hòi; Tử Trương phóng khoáng, đại lượng. Xem cuộc đối thoại giữa học trò của Tử Hạ với Tử Trương thì biết.

Tử Hạ chủ trương chỉ nên kết giao với người khá, tức là người tương đối tốt, còn cự tuyệt, xa lánh người không tốt, người kém cỏi. Tử Trương nhớ lời giảng dạy của Đức Khổng Tử: “tôn trọng bậc hiền, khen ngợi người tốt mà bao dung mọi người, nhất là thương xót người kém”. Như vậy, Tử Trương chủ trương kết giao với mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi dở. Ông cho rằng đã là người hiền thì bao dung được tất cả mọi người.

4. Thầy Tử Hạ nói: “Tuy là đường lối nhỏ mọn, ắt phải có sự xem xét; đi xa vào sợ rằng bị trầm trệ, cho nên người quân tử không tiến hành.”

BÌNH GIẢI:

Trong cái học thời cổ, người quân tử được đào luyện với mục đích ra làm quan cai trị hoặc làm thầy dạy dỗ kẻ khác. Vì thế, mới có câu: “Tiến vi quan, thối vi sư” (Tiến lên làm quan, lui xuống làm thầy.) Người quân tử không đi vào đường lối nhỏ mọn, tức là đi làm những nghề thủ công, nghề canh nông…

Tuy không chủ trương làm những nghề đó, nhưng người quân tử cũng nên để mắt quan sát cho biết để lãnh đạo. Không nên đi xa, tìm hiểu sâu vào những nghề đó, sợ rằng người quân tử sẽ bị trói buộc, trầm trệ trong đó mà bỏ quên phận sự chính của mình là lãnh đạo quần chúng, ổn định đất nước hay dạy dỗ người đời về đạo lý và những lẽ khôn ngoan.

5. Thầy Tử Hạ nói: “Mỗi ngày biết những điều mình không biết, mỗi tháng không quên những điều mình đã biết; có thể bảo là hiếu học rồi vậy.”

BÌNH GIẢI:

Hiếu học là ham thích học hỏi. Để đáng gọi là người hiếu học, người ấy mỗi ngày phải tìm hiểu cho biết những điều mình không biết; sau đó phải ôn tập lại thường xuyên mỗi tháng đừng để quên những điều mình đã biết rồi. Cứ như thế tiếp tục mãi, người hiếu học mới trở nên thông sáng để có thể làm thầy dẫn đường chỉ lối cho người khác.

6. Thầy Tử Hạ nói: “Học rộng mà dốc lòng giữ ý chí, hỏi han những điều cần kíp mà suy nghĩ những điều gần gũi, đức nhân ở tại trong đó vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đỉnh cao của đạo người quân tử là đức nhân. Đức nhân tuy cao sâu nhưng lại rất gần gũi đạo làm người. Vì thế, người quân tử phải học cho rộng và luôn luôn ra sức giữ vững ý chí; chứ không phải học rộng biết nhiều để rồi vong thân. Ý chí của người quân tử là đạt tới bậc trọn lành (chỉ ư chí thiện) và phục vụ mọi người để tạo nên cảnh thái bình thịnh trị trong xã hội. Đó là chí hướng (ý chí có định hướng) của kẻ học đạo. Do đó, ngoài việc học rộng và giữ chí hướng, người học cần phải hỏi han cho biết về những điều thiết thực, cần kíp có liên quan tới sinh hoạt của con người, phải suy nghĩ về những điều gần gũi hằng ngày để chu toàn mọi việc, trước khi dành thời gian hỏi han, suy nghĩ về những vấn đề xa xôi thuộc lãnh vực siêu hình.

Qua đây, chúng ta mới hiểu được rằng đức nhân trong Nho giáo không phải chỉ đơn giản là lòng nhân từ mà thôi; cao rộng hơn, đức nhân là năng lực tạo thành con người toàn diện bao gồm nhiều chiều hướng để hoàn thiện chính mình, phục vụ và hoàn thiện tha nhân, để đạo Trời được phổ biến trong cõi nhân sinh.

7. Thầy Tử Hạ nói: “Trăm thứ thợ thuyền phải ở nơi có hàng quán mới thành được việc. Người quân tử có học mới đạt được đạo.”

BÌNH GIẢI:

Mọi ngành nghề thủ công muốn phát triển, phải đặt cửa hàng hay xưởng thợ ở chốn thị tứ, nơi có nhiều người qua lại tham quan, mua bán, thì hàng hoá mới bán được. Cũng tương tự như vậy, người quân tử muốn đạt được đạo phải chịu khó học tập nhiều. Học với nhiều thầy, đọc nhiều sách mới mở mang kiến thức và chuyên chăm tập luyện các nhân đức mới có thể bước vào cõi đạo để thấu hiểu các nguyên lý chi phối đời người và chi phối vũ trụ thiên nhiên.

8. Thầy Tử Hạ nói: “Kẻ tiểu nhân có lỗi lầm ắt tạo vẻ đẹp bên ngoài.”

BÌNH GIẢI: 

Tiểu nhân là kẻ không trung thực, quen đi đường trái mà sống dối trá. Khi kẻ ấy phạm lỗi lầm thì hay tạo nên vẻ đẹp bề ngoài bằng cách đóng kịch giả đạo đức ngoài môi miệng, làm bộ ngoan ngoãn, thật thà, hiền hậu để che đậy những nết xấu của mình.

9. Thầy Tử Hạ nói: “Người quân tử có ba dáng thay đổi: trông xa thì có vẻ trang trọng đáng nể; tới gần có vẻ ôn hoà; nghe lời nói có vẻ nghiêm nghị.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử chú trọng về sự tu thân, luôn lấy việc sửa mình làm gốc (dĩ tu thân vi bản); vì thế, quen tự điều chỉnh mình về tư tưởng, dáng mạo và ngôn ngữ theo chính đạo. Do đó, chính đạo biểu hiện trên người quân tử thành ba dáng vẻ. Nhìn từ đằng xa thì thấy người quân tử lộ vẻ trang trọng đáng cho mọi người kính nể. Khi đến gần thì thấy người quân tử tỏ vẻ ôn hoà, dịu hiền. Khi nghe người quân tử nói thì thấy lời nào cũng hợp đạo lý, ý nghĩa rõ ràng, sâu sắc, chín chắn cho nên có tính chất nghiêm nghị, không có ý mỉa mai, bỡn cợt, đáng làm khuôn mẫu để dẫn đường chỉ lối cho người ta.

10. Thầy Tử Hạ nói: “Người quân tử tạo được niềm tin, rồi sau mới khiến dân lao nhọc. Chưa tạo được niềm tin, thì bị coi là bạo ngược với họ. Tạo được niềm tin rồi sau mới can ngăn; chưa tạo được niềm tin thì bị coi là chê bai họ.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử ở đây là một vị quan cai trị. Người ấy muốn sai khiến dân làm những công việc lao nhọc; ví dụ như khai kênh, đắp đê, bắc cầu… thì trước đó phải tạo được niềm tin nơi dân chúng. Muốn tạo niềm tin, người quân tử phải biểu hiện đức độ, tài năng và hết lòng thương yêu dân. Khi dân đã tin rồi, họ sẽ vui lòng trong công việc lao nhọc mà không phàn nàn, oán trách. Nếu không làm cho dân tin mà khiến dân phải lao nhọc, dân sẽ cho rằng quan thi hành chính sách bạo ngược, tàn ác.

Tương tự, khi một người muốn can ngăn ai, nhất là can ngăn vua, trước hết phải tạo được niềm tin. Nếu không, người ấy sẽ bị mang tiếng là chê bai, báng bổ. Có khi do can ngăn mà rước họa vào mình.

11. Thầy Tử Hạ nói: “Năng lực lớn không vượt qua khuôn khổ, năng lực nhỏ có thể ra ngoài hay ở trong khuôn khổ cũng được.”

BÌNH GIẢI:

Trong câu này, “đại đức” có nghĩa là khả năng vận dụng năng lực trong công việc lớn; “nhàn” là khuôn khổ, phạm vi hay mức giới hạn. “Tiểu đức” là khả năng vận dụng năng lực trong công việc nhỏ mọn. Người nào khi làm những công việc lớn lao mà không vượt qua giới hạn đạo đức, lễ giáo, luật pháp cho phép; thì trong công việc nhỏ mọn có thể tùy tiện hoặc ra ngoài giới hạn (xuất) hoặc ở trong giới hạn (nhập) cũng không đáng trách.

Vì đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, ngay thẳng; có khi phức tạp, đa đoan; cho nên người ta có quyền linh động tùy nghi thích ứng cho phù hợp (ngộ biến tòng quyền) chứ không phải lúc nào cũng nhất nhất giữ chặt lễ giáo hay lề luật (chấp kinh).

12. Thầy Tử Du nói: “Những học trò nhỏ của Tử Hạ, đảm nhận việc vẩy nước quét nhà, đối đáp, tới lui thì được, đó là ngọn thôi, gốc thì không, như thế sao được?”

Thầy Tử Hạ nghe thấy, nói: “Ôi! Lời Du sai rồi. Đạo của người quân tử, có cái cần truyền dạy trước, có cái dạy đến mỏi mệt về sau. Ví như loài cây cỏ, phải phân chia ra khác nhau. Đạo của người quân tử, đâu có lừa dối? Cái người có được cả đầu lẫn cuối, chỉ riêng có bậc thánh nhân chăng?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Du cho rằng các học trò nhỏ của thầy Tử Hạ mới chỉ được dạy đạo ở trình độ thấp, mới đạt được phần ngọn của đạo. Đó là biết phép vệ sinh (quét tước), biết cách đối đáp, thưa gửi, chào hỏi, tới lui phải phép mà thôi. Còn phần gốc của đạo là chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật để rồi tiến tới việc tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì chưa được. Dạy đạo như vậy đầy đủ sao được?

Thầy Tử Hạ cho rằng thầy Tử Du nhận định như thế là sai lầm. Bởi vì muốn dạy cho thành đạo cần phải biết phân biệt: cái gì đáng dạy trước, cái gì đáng dạy sau; dạy một cách trường kỳ, miên mật. Lại phải biết phân biệt các học trò thành nhiều loại như người ta phân loại cây cỏ. Có người kém cỏi, chậm lụt; có người thông minh, nhạy bén; cho nên phải tùy khả năng, trình độ học trò mà giảng dạy. Giảng dạy cùng một lúc cả ngọn lẫn gốc, cả những điều sơ đẳng với những điều cao siêu thì người ta không thể hiểu được. Chỉ riêng các bậc thánh nhân mới có thể tiếp thu thấu đáo cùng lúc đạo lý từ thấp lên cao, từ khởi đầu tới chung cuộc mà thôi!

13. Thầy Tử Hạ nói: “Người làm quan mà thừa thời giờ thì học. Người đi học mà thừa thời giờ thì ra làm quan.”

BÌNH GIẢI:

Người làm quan, sau khi đã làm đầy đủ bổn phận của cấp trên trao phó, đã làm đủ những công việc lợi ích cho dân, còn rảnh thời gian thì nên chịu khó học tập thêm để mở mang kiến thức, để thấu tỏ đạo lý. Người đi học, sau khi đã học tập tương đối đầy đủ, hiểu biết những điều cần thiết để xử lý việc đời, còn rảnh thời gian thì nên ra làm quan để giúp vua trị nước, khiến cho dân chúng được an bình thịnh vượng. Làm quan không phải để cầu bổng lộc cho riêng mình mà làm quan để thi hành bổn phận của một người trí thức đối với xã hội.

Quan niệm như vậy, Tử Hạ đã đề cao việc học còn hơn việc làm quan. Học như thế không phải chỉ để hiểu biết kiến thức suông, mà học để hoàn thiện chính mình, học để trở nên bậc thánh hiền. Học để hoàn thiện thì cần phải học cả đời.

14. Thầy Tử Du nói: “Việc tang chế mà đạt đến sự buồn thương thì thôi.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Du là học trò trong cửa Khổng nên chịu ảnh hưởng tinh thần chừng mực của Đức Khổng Tử; không chấp nhận điều gì thái quá.

Việc tang chế là biểu lộ sự đau buồn, thương tiếc, nhớ ơn người quá cố, người đã có công sinh dưỡng hay giúp đỡ, dạy dỗ mình. Vậy việc tang cốt sao thể hiện được nỗi lòng đau buồn tiếc thương thì thôi; không nên tổ chức các nghi lễ rình rang, cầu kỳ, ăn uống linh đình tốn kém; hoặc không nên đau đớn thái quá đến phát bệnh, nguy hại đến tính mệnh, hay làm phiền người khác.

15. Thầy Tử Du nói: “Bạn ta là Tử Trương, làm những việc khó làm; nhưng vẫn chưa phải là bậc nhân.”

BÌNH GIẢI:

Tử Trương tức là Tư Mã Sư, tính tình nghiêm nghị, luôn luôn nỗ lực học tập, có khả năng hơn người. Tuy nhiên, ông ta có chí hướng ra làm quan cầu bổng lộc, chưa lấy làm đủ trong thân phận của mình. Vì thế, Tử Du đánh giá Tử Trương chưa phải là bậc nhân. Bậc nhân lấy lý tưởng hoàn thiện chính mình và giúp người hoàn thiện là căn bản, chứ không nhắm tới bổng lộc.

16. Thầy Tăng Tử nói: “Tử Trương oai nghi, bệ vệ thay! Khó mà cùng đi chung làm điều nhân với anh.”

BÌNH GIẢI:

Câu này của thầy Tăng Tử lại càng làm rõ nghĩa thêm câu trên của thầy Tử Du. Tử Trương có dáng oai nghi, bệ vệ; đó là dáng vẻ quan cách của một người có chí hướng thích ở trên dân, gần gũi với vua, hưởng thụ bổng lộc. Tử Trương không có dáng vẻ giản dị, thân mật, khiêm cung của một bậc nhân; cho nên Tăng Tử không thể cùng với ông ấy thực hiện đức nhân được.

17. Thầy Tăng Tử nói: “Ta có nghe ở Thầy rằng: ‘Người ta dù chưa tự mình làm rốt ráo, ắt phải rốt ráo trong việc tang cha mẹ chứ.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tăng Tử nhắc lại lời Đức Khổng Tử ở đây cốt ý khuyên người ta phải hết lòng trong việc tang cha mẹ. Người ta có thể chưa nỗ lực hết mình trong mọi công việc để gặt hái thành quả đến nơi đến chốn; nhưng trong việc tang dành cho cha mẹ, không thể không cố gắng rốt ráo được.

Cha mẹ là những người vừa có công sinh, vừa có công nuôi nấng, bế bồng, dẫn dắt, dạy dỗ trong nhiều năm. Trong những mối tình cảm giữa người với người, mối tình cảm giữa con cái và cha mẹ phải là thâm sâu, trọng hậu nhất.

Do đó khi cha mẹ quá cố, nghĩa vụ của con cái phải là bày tỏ hết lòng nỗi xót thương, nhớ tiếc mới trọn đạo hiếu.

18. Thầy Tăng Tử nói: “Ta có nghe ở Thầy rằng: ‘Đạo hiếu của Mạnh Trang Tử: điều gì khác của ông ta thì có thể làm được; còn việc không thay đổi người bề tôi của cha, và cách cai trị của cha; những điều đó khó làm được.”

BÌNH GIẢI:

Tăng Tử nhắc lại ở đây lời Đức Khổng Tử nói về đạo hiếu của Mạnh Trang Tử. Mạnh Trang Tử là con của Mạnh Hiến Tử, thay cha làm đại phu nước Lỗ, cùng chia quyền bính của hai họ Quý và Thúc.

Việc nhắc lại đó dường như tỏ ra Tăng Tử khâm phục Mạnh Trang Tử. Tuy nhiên căn cứ vào lời Đức Khổng Tử mà suy xét cho kỹ, chúng ta có thể thấy Đức Khổng Tử ngầm ý không đồng quan điểm với Mạnh Trang Tử. Ngài cho rằng khó bắt chước Mạnh Trang Tử hai điều:

– Không thay đổi người bề tôi của cha.

– Không thay đổi cách cai trị của cha. Tại sao lại khó bắt chước?

Khó bắt chước, bởi vì trong hai việc này, Mạnh Trang Tử tỏ ra là người bảo thủ, cố chấp. Chính trị là việc quan hệ tới dân nước, cần phải tùy thời mà canh cải. Người bề tôi nào, ông quan nào không thích ứng được với tình thế chính trị mới thì phải thay đổi. Đường lối cai trị nào, chính sách nào không còn hợp thời, không còn đáp ứng được lòng mong mỏi của dân chúng, không đem lại tiến bộ, thái bình thịnh vượng cho đất nước thì cần phải thay đổi. Sao lại cứ khư khư giữ đạo hiếu với cha mà duy trì mãi đường lối thủ cựu? Hiểu đạo hiếu như Mạnh Trang Tử là sai lầm thay!

Đức Khổng Tử là một hiền triết; Ngài hiểu rõ chữ thời quan hệ thế nào và cần phải linh động canh cải thế nào, cho nên mới bảo rằng quan điểm cố chấp của Mạnh Trang Tử là khó làm theo được (thị nan năng dã). Tăng Tử đã không tinh ý nhận ra được quan điểm tiến bộ của thầy mình. Không theo Mạnh Trang Tử tức là tiến bộ rồi. Có lẽ trong hàng đệ tử của Đức Khổng Tử có Tử Du là hiểu đạo hiếu hơn cả chăng, khi ông nói: “Việc tang chế mà đạt đến sự buồn thương thì thôi.” (Tang trí hồ ai nhi chỉ.). Sau khi cha mẹ đã quá cố, đạo hiếu chỉ còn là bày tỏ lòng thương nhớ, tiếc xót là đủ; đâu cần phải cố giữ lại những điều đã lỗi thời mà lại liên hệ tới sự tiến bộ của cả một số đông dân chúng. Phải chăng bởi vì đồng quan điểm với Tăng Tử (khâm phục Mạnh Trang Tử) mà học thuật và chính trị của Trung Hoa đã lận đận trong khoảng trên 2000 năm?

19. Họ Mạnh khiến Dương Phu làm quan phụ trách hình pháp; đi hỏi với Tăng Tử. Tăng Tử nói: “Người trên đã bỏ mất đạo, dân chúng phóng túng đã lâu rồi. Nếu như nắm được tình cảnh của họ thì hãy thương xót mà đừng mừng rỡ.”

BÌNH GIẢI:

Được họ Mạnh mời làm quan phụ trách hình án, Dương Phu đi hỏi thầy mình là Tăng Tử về phép tắc của một phán quan (viên quan chuyên điều tra về tội phạm và xử án). Qua lời dạy của Tăng Tử, chúng ta có thể hiểu như sau: Người trên tức là vua quan đã bỏ mất đạo làm người, chẳng nêu gương tốt cho dân nữa. Vì vậy lâu nay dân chúng đã táng tận lương tâm, sống phóng túng chẳng có kỷ cương gì. Họ phạm tội đã đành nhưng trách nhiệm thuộc về người trên. Người trên là những người có học, có điều kiện sinh hoạt tốt, được hưởng lương cao bổng lộc do tiền thuế của dân. Họ cầm quyền mà không thi hành đủ bổn phận của người lãnh đạo. Dân chúng không được lãnh đạo tốt, không được giáo dục tử tế, không có những gương lành để theo, lại đói rách. ắt phải sinh ra trộm cắp và phạm đủ thứ tội lỗi. Vì thế, một vị phán quan có lương tâm, sau khi đã dùng khả năng minh sát để nắm được tình cảnh của các phạm nhân thì nên thương xót họ; nghĩa là nhẹ về hình phạt mà nặng về giáo dục. Chẳng nên tự hào, mừng rỡ về tài năng minh sát của mình và chẳng nên dùng những hình phạt quá khắc nghiệt.

Với lời dạy của Tăng Tử, chúng ta thấy được hai điều:

Sự ổn định của xã hội có liên hệ mật thiết với đạo đức của giới cầm quyền. Giới cầm quyền giữ đạo đức thì dân chúng cũng có đạo đức và xã hội sẽ ổn định.

Lối giáo hố của Tăng Tử, đại diện cho Nho giáo chính truyền nhiều tính khoan dung, nhân từ hơn là khắc nghiệt.

20. Thầy Tử Cống nói: “Những điều xấu của vua Trụ không đến nỗi quá tệ như thế. Vì vậy người quân tử ghét ở chốn bần tiện mạt hạng; những điều xấu trong thiên hạ đều dồn về đó.”

BÌNH GIẢI:

Vua Trụ là vị vua cuối đời nhà Ân. Ông ta có làm những điều xấu nhưng không đến nỗi quá xấu, độc ác thậm tệ như những lời thêu dệt trong dân gian. Ngày nay, người ta biết về những tội ác của vua Trụ hầu hết là do đọc bộ truyện Phong Thần của Hứa Trọng Lâm. Hứa Trọng Lâm viết truyện Phong Thần trong trường hợp bất đắc dĩ, cần có tiền cho con gái đi lấy chồng. Có lẽ ông đã thu gom những chuyện xấu của vua Trụ được kể lan man từ đời nọ đến đời kia trong dân gian; và có thể còn cường điệu hoá thêm nữa, chứ không có truy cứu, tìm hiểu cẩn thận. Dân gian thường có khuynh hướng tô vẽ thêm rồi kể cho nhau nghe để mua vui, không cần chú trọng đến tính trung thực. Đã xấu thì vẽ vời cho xấu thêm; đã tốt thì tô điểm, thần thánh hoá thêm.

Tử Cống sống vào thời Xuân Thu, được gần gũi Đức Khổng Tử là người nói năng trung thực, tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử. Cho nên lời của Tử Cống có thể tin được.

Từ trường hợp vua Trụ mà suy ra, Tử Cống rất sợ sống chung lộn với giới hạ lưu, tức là đám cùng đinh mạt hạng, vô đạo đức, thiếu lễ nghĩa. Người ta thường lấy hình ảnh của dòng nước chảy và chia ra làm ba: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu để biểu thị ba loại người trong xã hội. Thượng lưu (đầu dòng sông) chỉ giới quyền quý, giới trí thức. Trung lưu (giữa dòng sông) chỉ giới có tài sản và trình độ học vấn ở mức trung bình. Hạ lưu (cuối dòng sông) chỉ giới nghèo hèn, thiếu giáo dục, ô hợp, thành phần mạt hạng của xã hội như rác rưởi, đọng ở cuối dòng sông. Những người ở giới hạ lưu, ngoài thời gian phải lao động cực nhọc, họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện xấu trong thiên hạ, đồng thời thêu dệt thêm cho có vẻ lạ lùng, khác thường. Đó là lý do khiến người quân tử, trong đó có Tử Cống, ghét ở chốn hạ lưu ô hợp, sợ rằng sẽ bị mang tiếng lây, sẽ bị chụp mũ như trường hợp của vua Trụ.

21. Thầy Tử Cống nói: “Người quân tử mắc lỗi như mặt trời, mặt trăng bị che khuất. Có lỗi, người ta đều trông thấy; sửa đổi đi, người ta đều kính mến.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử thường có địa vị cao trong xã hội; hoặc ở địa vị lãnh đạo chỉ huy, hoặc ở bậc thầy dạy dỗ. Mọi người nhìn lên người quân tử cũng như hướng về mặt trời, mặt trăng. Nếu người quân tử mắc lỗi, chẳng khác gì mặt trời, mặt trăng bị che khuất trong hiện tượng nhật thực, nguyệt thực vậy. Ai ai cũng chăm chú mà nhìn. Khi mặt trời, mặt trăng hết bị che khuất, người ta vui mừng thế nào, thì khi người quân tử biết sửa đổi lỗi lầm, người ta cũng vui mừng như thế và tỏ lòng kính mến. Mặt trời, mặt trăng cần thiết để soi sáng cho thế gian, người quân tử cũng cần thiết để soi sáng cho đời như vậy. Xã hội mà thiếu người quân tử nêu gương tốt, xã hội mới tối tăm làm sao!

22. Công tôn Triều nước Vệ hỏi Tử Cống rằng: “Trọng Ni học ra sao?”

Tử Cống đáp: “Đạo của vua Văn, vua Vũ chưa hề rơi rụng xuống đất, thì ở tại con người. Bậc hiền đức ghi nhớ được những điều lớn lao; người tầm thường ghi nhớ được những điều nhỏ mọn. Chẳng đâu không có đạo của vua Văn, vua Vũ. Thầy tôi sao chẳng học được, mà chỉ có một ông thầy bình thường thôi sao?”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử (Trọng Ni) có một sức học uyên bác, có sự hiểu biết thấu đáo tường tận về sự lý trong thiên hạ; vì thế Công tôn Triều nước Vệ muốn hỏi Tử Cống xem Đức Khổng Tử học hành ra sao, học với ai, học ở đâu.

Tử Cống trả lời một cách chung mà chúng ta có thể hiểu như thế này: đạo của vua Văn, vua Vũ chưa hề bị mất đi, mà còn tồn tại trong lòng người. Đạo ấy truyền từ đời nọ sang đời kia; tùy theo trình độ của mỗi người mà sự tiếp thu được nhiều hay ít. Những người vốn bẩm tính thông minh, hiền đức, học một hiểu mười, thì ghi nhớ được những điều cao siêu, lớn lao (Hình như thượng). Những người tầm thường thì ghi nhớ được những điều phổ thông cần thiết cho đời sống hằng ngày (Hình như hạ).

Đạo của Văn, Vũ là đạo thống được truyền lại từ ngàn xưa, cho nên cũng là đạo Trời chi phối cõi nhân sinh; do đó ở đâu cũng có; nếu ai có lòng thành khẩn, biết nhìn, biết nghe, biết suy nghĩ thì có thể thu lượm và hiểu được đạo ấy. Đức Khổng Tử là người có tâm tư nhạy bén, có lòng nhẫn nại tìm hiểu, có sự minh sát thận trọng, có thiện chí trở nên bậc hiền thánh; vì thế lúc nào cũng là cơ hội tốt để cho Ngài học; Ngài tìm ra nghĩa lý bất cứ ở đâu. Cho nên Ngài đã học được nhiều. Chớ Ngài không cần phải học ở một ông thầy riêng rẽ bình thường như cách học của mọi người. Gặp người giỏi, Ngài học cái giỏi của người ấy. Gặp người dở, Ngài tìm ra nguyên nhân tạo nên điều dở để chỉ cho các đệ tử biết đường tránh né. Ngài sẵn sàng học hỏi với những kẻ sĩ ẩn dật mang thân phận một người tầm thường lam lũ trong chốn quê mùa.

23. Thúc Tôn Võ Thúc nói với các quan đại phu ở trong triều đình rằng: “Tử Cống giỏi hơn Trọng Ni.”

Tử Phục Cảnh Bá bèn nói lại với Tử Cống. Tử Cống nói: “Lấy vách tường của cung điện làm ví dụ. Tường nhà của Tứ cao ngang vai; ngó vào thấy được những vẻ đẹp tốt trong nhà cửa. Tường của thầy tôi (Đức Khổng Tử) cao tới mấy nhận. Không tìm được cửa mà vào thì không thấy được những cái đẹp đẽ của tông miếu, những sự giàu có của trăm quan. Tìm được ra cửa, e rằng có ít người vậy. Lời nói của ông Thúc Tôn Võ Thúc không đúng rồi!

BÌNH GIẢI:

Thúc Tôn Võ Thúc là quan đại phu trong triều đình nước Lỗ, thuộc dòng họ Thúc Tôn, một trong ba nhà quyền thế Quý, Thúc, Mạnh. Giữa triều đình, trước mặt văn võ bá quan, Thúc Tôn Võ Thúc nhận xét rằng Tử Cống tài giỏi hơn Khổng Trọng Ni. Tử Phục Cảnh Bá đem lời ấy thuật lại cho thầy Tử Cống nghe. Thầy Tử Cống lấy vách tường cung điện ra làm ví dụ để giải thích.

Trên thực tế, những cung điện nguy nga thường có tường vách cao dày bao quanh; những nhà cửa dân dã thì không có tường vách bao quanh, hoặc nếu có chỉ thấp mỏng, nhỏ mọn. Nhà của thầy Tử Cống (Đoan Mộc Tứ) có tường bao quanh cao chỉ tới vai; vì thế, ai ở ngoài nhìn vào cũng thấy tất cả nhà cửa, vườn tược. Nhà của Đức Khổng Tử có tường bao quanh cao tới mấy nhận (gần 5m); do đó, đứng ngoài nhìn vào không thể thấy được nhà cửa của Ngài cao rộng, xinh đẹp ra sao; lại cứ tưởng nhà cửa bên trong thấp bé, xấu xí. Trừ phi ai đó biết tìm ra cửa hay được dẫn dắt vào mới thấy rõ được.

Tìm hiểu về tài đức của thầy Tử Cống và Đức Khổng Tử qua kinh sách Nho giáo, chúng ta thấy được như sau:

Thầy Tử Cống là người buôn bán cho nên có tài ăn nói, lý lẽ rõ ràng, gãy gọn; cách giao thiệp linh hoạt khéo léo; cho nên, nếu căn cứ vào ngôn ngữ, người ta có thể lầm tưởng thầy Tử Cống tài giỏi hơn Đức Khổng Tử.

Tuy nhiên, thầy Tử Cống đã tự nhận mình không bằng thầy Nhan Hồi: “Tứ dã, hà cảm vọng Hồi? Hồi dã văn nhất dĩ tri thập. Tứ dã văn nhất dĩ tri nhị.(Tứ sao dám mong bằng Hồi? Hồi nghe một thì biết mười. Tứ nghe một biết hai.).(Luận ngữ, Công Dã Tràng, 8). Thế mà thầy Nhan Hồi là đệ tử xuất sắc nhất trong cửa Khổng vẫn nhận Đức Khổng Tử làm thầy; sao bảo Tử Cống hơn Đức Khổng Tử được?

Cái học của Đức Khổng Tử vừa có chiều rộng, vừa có chiều cao và chiều sâu. Bên cạnh những lời nói về đạo lý trong cõi nhân sinh như tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (nhân đạo), Ngài thường xen vào những câu nói có ý nghĩa sâu sắc thuộc chiều kích Thiên đạo Thánh đạo. Thiên đạo là đạo Trời chi phối vũ trụ vạn vật. Thánh đạo là đường lối dẫn người ta tiến từ quân tử lên bậc hiền thánh.

Thiên đạo Thánh đạo đều thuộc về Hình Nhi thượng học, cái học cao siêu thuộc về siêu hình. Lời nói của Ngài còn bao hàm Tâm đạo là cái học hướng nội để cùng lý, tận tính, người thường khó hiểu nổi. Cả Nhân đạo, Thiên đạo Thánh đạo được đệ tử Ngài ghi chép lại trong các sách Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và nhất là Kinh Dịch (Đại, Tiểu Tượng Truyện và Hệ Từ); ý nghĩa cao siêu, huyền diệu.

Trong cửa Khổng chỉ có một số người như Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Cống, Tử Tư, Mạnh Kha, Chu Liêm Khê, Trình Tử, Chu Hy… có thể hiểu được ít nhiều mà thôi. Có thể dùng một câu của Chu Hy trong phần mở đầu sách Trung Dung mà nói về cái học ấy: “Phóng chi tắc di lục hợp, quyện chi tắc thối tàng ư mật; kỳ vị vô cùng, giai thực học dã. Thiện độc giả, ngoạn sách nhi hữu đắc yên, tắc chung thân dụng chi, hữu bất năng tận giả hỹ. (Mở rộng ra thì đầy sáu cõi, thu lại thì lui vào ẩn náu nơi kín đáo. Vị của nó vô cùng, đều là thực học. Người khéo đọc sách suy nghĩ tìm tòi mà đạt được, thì dùng suốt đời, không thể cạn hết vậy.” (Trung Dung, Chu Hy chương cú).

Thiện độc giả” là con người “tìm được cửa mà vào” như trong ví dụ của thầy Tử Cống. Thầy Tử Cống cho rằng loại người đó ít lắm. Muốn tìm ra được cửa phải tồn tâm dưỡng tính. Nếu không tồn tâm dưỡng tính, sao có thể hiểu được đạo Trời như trong câu: “Thành giả, thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã. (Chân thành là đạo của Trời, trở nên chân thành là đạo của người.) (Trung Dung, chương 19, 5).

Thúc Tôn Võ Thúc là người chỉ chú trọng tới quyền lợi của cá nhân, gia đình; chẳng để ý gì tới quyền lợi của dân chúng; khư khư giữ địa vị ưu thắng cho dòng họ Thúc Tôn, sánh với họ Quý, họ Mạnh, sao có thể biết cửa vào cõi đạo mà đánh giá Đức Khổng Tử đúng đắn cho được?

24. Thúc Tôn Võ Thúc chê bai Trọng Ni. Thầy Tử Cống nói: “Chẳng nên làm thế. Trọng Ni không thể chê bai được. Tài đức của người khác như gò đống, còn có thể vượt qua. Trọng Ni như mặt trời, mặt trăng, không thể vượt qua được. Người tuy muốn cự tuyệt nào có làm hại đến mặt trời, mặt trăng được đâu? Chỉ cho thấy nhiều rằng mình không biết cân nhắc đó thôi.”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn trên, Thúc Tôn Võ Thúc đã nhận xét rằng Tử Cống tài giỏi hơn Đức Khổng Tử; ngoài ra, có thể còn chê bai Ngài thêm nữa. Cho nên Tử Cống mới ra sức biện hộ cho thầy mình.

Thầy Tử Cống cho rằng chê bai Đức Khổng Tử là việc làm vô ích; bởi vì tài đức của Ngài cao hơn người ta tưởng, vượt xa sự hiểu biết của người ta, cũng tương tự như mặt trời, mặt trăng vượt trên vạn vật vậy. Tư tưởng của Ngài nhiều chỗ thuộc lãnh vực siêu hình, vượt trên sự vật hữu hình; những người tầm thường không thể hiểu thấu được. Người nào muốn cự tuyệt, xa lánh mặt trời, mặt trăng chẳng thể làm hại mặt trời, mặt trăng được. Cũng thế, người nào muốn cự tuyệt Đức Khổng Tử chẳng làm hại đến uy tín của Ngài được. Người nào chê bai Đức Khổng Tử chỉ tỏ cho người ta biết rằng người ấy không biết cân nhắc trước sau, nặng nhẹ, không biết tự xét mình và xét người. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng người ấy không có sự bao dung được người.

So sánh Đức Khổng Tử với mặt trời, mặt trăng, thầy Tử Cống đã tỏ ra quá đề cao thầy mình. Tuy nhiên, nhận xét ấy cũng có phần chính xác, bởi vì trên 2.500 năm qua, tư tưởng của Đức Khổng Tử vẫn còn được cả thế giới tìm hiểu, vận dụng, nhân cách của Ngài vẫn còn được tôn trọng. Trong khi đó, nào ai biết đến tài đức của Thúc Tôn Võ Thúc! Có chăng là biết rằng Thúc Tôn Võ Thúc đã tỵ hiềm với Đức Khổng Tử mà thôi!

25. Trần Tử Cầm bảo thầy Tử Cống rằng: “Anh khiêm cung thôi. Trọng Ni há tài giỏi hơn anh được?”

Thầy Tử Cống nói: “Người quân tử nói một lời thì nên người sáng suốt, nói một lời thì thành kẻ tối tăm; lời nói không thể không cẩn thận.

Không thể theo kịp thầy ta được, giống như không thể bắc thang mà leo lên trời được. Thầy ta mà có được nước nhà, thì nói được rằng: ‘Gây dựng, dân đứng vững; dẫn dắt, dân tiến hành; vỗ yên, dân kéo đến; khởi động, dân hoà hợp. Sống thì được tôn trọng, chết thì được thương xót.’ Như thế làm sao có thể theo kịp thầy được?”

BÌNH GIẢI:

Trần Tử Cầm tức là Trần Cang, một đệ tử của Đức Khổng Tử, có lẽ vào cỡ đàn em của Tử Cống. Chắc Tử Cầm thấy Thúc Tôn Võ Thúc khen Tử Cống giỏi hơn thầy Trọng Ni, thế mà cứ thấy Tử Cống một mực hạ mình và đề cao thầy; cho nên Tử Cầm cảm phục sự khiêm cung của Tử Cống và cho rằng thầy Trọng Ni không hơn anh được. Tử Cống cũng có thể bằng thầy. Thấy vậy, thầy Tử Cống mới cho Tử Cầm một bài học về sự thận trọng lời nói; đồng thời trình bày rõ hơn về tài đức của thầy.

Là đệ tử, thầy Tử Cống cảm thấy mình không thể sánh với Đức Khổng Tử được, vì tài đức của Ngài quá cao. Tử Cống nhận xét rằng giả như Đức Khổng Tử mà có thời cơ nắm được quyền cai trị đất nước, thì có thể dùng một câu nói của người xưa để miêu tả tài đức của thầy như sau: “Thầy gầy dựng cho dân, dân sẽ vững vàng tự cường, tự phát triển được; thầy dẫn dắt dân, dân sẽ tiến bước trên nẻo đường chính đáng; thầy vỗ yên dân, dân từ bốn phương sẽ kéo đến quy phục; thầy phát động dân hoàn thành công việc gì, dân sẽ cùng chung sức và hoà hợp với nhau. Khi còn sống thầy được tôn kính, quý mến; khi chết thầy được mọi người thương xót, tiếc nhớ.”

Được như vậy, không phải là cai trị theo phương thế tầm thường như kỹ thuật lãnh đạo hay dùng biện pháp vũ lực. Thành công lớn lao như thế là cách dùng đạo mà cai trị. Dùng đạo cai trị thì dân phát triển tốt lành và thuận thảo; khác với cách dùng thuật mà cai trị. Dùng thuật cai trị thì dân cũng được yên trong một thời gian nhưng tính tình xảo trá, chỉ chờ cơ hội mà làm loạn. Dân sẽ nghi ngờ lẫn nhau và sống với nhau không có tình thương chân thật.

Cái khó của việc cai trị bằng đạo là chính nhà cầm quyền phải giữ đạo trước, dân mới bắt chước theo.

Câu nói của thầy Tử Cống dùng để miêu tả tài đức của Đức Khổng Tử ở trên đã có từ xưa; có lẽ để nói về đường lối cai trị của các vị thánh vương đời cổ như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… hay các bậc hiền thần như Y Doãn, Chu Công.

Với tài đức như thế, các đệ tử như thầy Tử Cống sao có thể theo kịp thầy được?

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x