Trang chủ » Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

by Trung Kiên Lê
64 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại New York, ngày 12 tháng 1 năm 1896)

Bất cứ nơi nào mà giác quan ta có thể đạt tới được, bất cứ thứ gì mà tâm trí ta có thể tưởng tượng ra thì ta đều thấy trong đó có sự hoạt động và phản động của hai lực; lực này đối kháng với lực kia và tạo nên tấn tuồng muôn thuở của hiện tượng lộn xộn mà ta thấy quanh ta, và của những gì ta cảm nhận được trong tâm trí.

Trong thế giới ngoại tại, hoạt động của những lực đối kháng tự biểu hiện như là lực hút và lực đẩy, hay là lực hướng tâm và lực ly tâm; còn trong thế giới nội tâm thì chúng biểu hiện như là tình yêu và hận thù, thiện và ác. Chúng ta khước từ sự vật này, nhưng lại cuốn hút sự vật khác.

Chúng ta bị sự vật này khước từ, nhưng lại bị sự vật khác lôi cuốn. Sống trong đời, ta thấy rằng nhiều khi ta bị cuốn hút về người này rất vô duyên vô cớ – có thể nói như vậy; nhưng rồi vào những lúc khác, ta lại bị người khác khước từ, cũng tương tự như vậy.

Đây là điều hiển nhiên với tất cả mọi người; và khi lĩnh vực hoạt động càng cao thì ảnh hưởng của những lực đối kháng càng mạnh mẽ, càng sâu sắc. Tôn giáo là cấp độ cao nhất của tư tưởng và đời sống con người, và trong đó, chúng ta thấy tác động của hai lực đối kháng đó rõ rệt nhất.

Tình yêu mãnh liệt nhất mà nhân loại từng biết đến được xuất phát từ tôn giáo; hận thù kinh khiếp nhất mà nhân loại từng biết đến cũng xuất phát từ tôn giáo.

Những ngôn từ cao nhã nhất về hòa bình mà thế giới từng nghe đến xuất phát từ những người trong lĩnh vực tôn giáo, mà những lời lăng mạ cay nghiệt nhất cũng được phát biểu bởi những người mang tinh thần tôn giáo.

Đối với bất kỳ tôn giáo nào, hễ mục tiêu càng cao siêu, và tổ chức càng tế vi thì những hoạt động của nó càng đáng kể. Không một động cơ nào của loài người lại nhận chìm thế giới vào máu nhiều như tôn giáo; đồng thời cũng không có gì lại xây dựng nhiều bệnh viện và nhà tế bần như nó.

Không một hoạt động nào của con người lại chăm lo không chỉ con người, mà cả đến những con vật hèn mọn nhất, như tôn giáo. Không có gì khiến chúng ta tàn ác như tôn giáo, mà cũng không có gì khiến chúng ta nhân hậu như tôn giáo.

Trong quá khứ đã thế, và chắc chắn trong tương lai cũng không khác.

Tuy nhiên, từ cảnh tượng nhiễu nhương hỗn loạn, từ sự xung đột và đấu tranh ác liệt, từ sự hận thù và ghen tỵ giữa các tôn giáo và giáo phái, thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy những tiếng nói mạnh mẽ, nhận chìm tất cả những tiếng ầm ĩ huyên náo kia đi; những tiếng nói đó vang vọng từ cực này sang cực khác, có thể nói như vậy, để tuyên bố về hòa bình và hòa hợp.

Điều đó sẽ đến chăng? Trên bình diện đấu tranh khốc liệt giữa các tôn giáo, có thể có một sự hài hòa miên tục ngự trị nơi đó chăng?

Trong nửa sau của thế kỷ này[1], thế giới chịu sự tác động của vấn đề hòa hợp; trong xã hội, người ta đề ra nhiều kế hoạch và nỗ lực biến chúng thành hiện thực; nhưng chúng ta biết thực hiện được những kế hoạch đó là điều khó khăn như thế nào rồi.

Mọi người thấy rằng hầu như không thể làm giảm bớt cơn cuồng nộ trong cuộc đấu tranh sinh tồn, cũng không thể làm dịu đi sự căng thẳng kinh khiếp nơi con người.

Vậy đó, nếu như đem lại được sự hòa hợp và hòa bình ở mức độ vật chất trong cuộc sống – tức phần thô thiển bên ngoài – đã là điều quá khó thì đem lại sự hòa hợp và hòa bình để thống trị bản tính nội tại của con người còn khó gấp ngàn lần.

Ngay lúc này, tôi muốn yêu cầu các bạn bước ra khỏi mạng lưới ngôn từ.

Ngay từ hồi còn nhỏ, tất cả chúng ta đều đã nghe nói đến những điều như tình yêu, hòa bình, nhân ái, bình đẳng và tứ hải giai huynh đệ, nhưng những từ đó đến với chúng ta chỉ toàn là chữ chứ không có nghĩa; những từ đó được chúng ta lặp đi lặp lại như những con vẹt, và ta làm thế là điều hoàn toàn tự nhiên.

Chúng ta không thể làm gì khác hơn. Các bậc vĩ nhân cảm nhận được những ý tưởng vĩ đại này trong trái tim mình, và đã tạo ra những từ đó; và đến lúc đó thì nhiều người hiểu được ý nghĩa của chúng.

Về sau, quần chúng ngu muội đã chọn lấy những từ này và đùa bỡn với chúng, rồi biến tôn giáo thành một một trò chơi chữ thuần túy, không có một chút gì được đưa vào thực tế.

Trò chơi chữ đó biến thành “tôn giáo của cha tôi”, “tôn giáo của đất nước tôi”, “tôn giáo của quê hương tôi”, v.v…

Theo một tôn giáo nào đó trở thành một phần nào của lòng yêu nước, mà lòng yêu nước thì luôn luôn thiên vị. Đem lại sự hài hợp cho tôn giáo luôn là điều khó khăn.

Tuy vậy, chúng ta sẽ xem xét vấn đề hòa hợp tôn giáo. Chúng ta thấy trong tôn giáo nào cũng có ba phần – ý tôi chỉ muốn nói đến mọi tôn giáo lớn đã được công nhận.

1. Phần thứ nhất là triết học, trình bày toàn bộ nội dung của tôn giáo đó, đề xướng những nguyên lý cơ bản, mục tiêu và những phương tiện để đạt đến mục tiêu đó.

2. Phần thứ hai là thần thoại, đó là phần triết học được cụ thể hóa. Phần này bao gồm những truyền thuyết liên quan đến hành trạng của con người hay của những siêu nhân, v.v… Đó là bản tóm tắt của triết học đã được cụ thể hóa trong hành trạng, ít nhiều đều mang tính tưởng tượng, về những con người hay những siêu nhân.

3. Phần thứ ba là nghi thức. Phần này còn cụ thể hơn nữa, nó được tạo ra từ những nghi thức và nghi lễ, từ nhiều điệu bộ thân xác đa dạng, từ hoa quả, hương đèn cùng nhiều thứ khác lôi cuốn được giác quan. Các bạn sẽ thấy rằng tất cả những tôn giáo được công nhận đều có ba yếu tố đó.

Tôn giáo này thì nhấn mạnh yếu tố này, tôn giáo khác thì lại nhấn mạnh yếu tố kia. Bây giờ, chúng ta hãy xét đến phần đầu tiên là triết học.

Đã có được một triết học phổ quát chưa? Chưa có. Mỗi tôn giáo đều đề xướng những giáo lý riêng của mình, và khăng khăng khẳng định chỉ có chúng mới là chân. Có phải chỉ làm thế mà thôi đâu, nó còn cho rằng những ai không tin vào giáo lý đó sẽ phải đọa vào một nơi khủng khiếp.

Thậm chí có người còn tuốt gươm ra để bắt người khác phải tin như họ. Điều đó không phải là do bản tính hung ác, mà do một cơn bệnh đặc biệt nơi não trạng con người, gọi là cuồng tín.

Những kẻ cuồng tín đó rất chân thành, họ là những kẻ chân thành nhất trong loài người; song họ lại hoàn toàn vô trách nhiệm như những kẻ điên rồ loạn trí trên thế gian này.

Bệnh cuồng tín là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất. Tất cả sự tàn ác nơi bản tính con người đều bị nó kích động.

Khi sự giận dữ bị khuấy động, thần kinh bị căng thẳng thì con người trở thành cọp dữ. Có sự tương đồng nào trong thần thoại, có sự hài hòa nào trong thần thoại, có một thần thoại phổ quát nào được mọi tôn giáo chấp nhận hay không? Chắc chắn là không.

Tôn giáo nào cũng có thần thoại riêng, và mỗi tôn giáo đều nói: “Những câu chuyện của chúng tôi đâu chỉ là thần thoại”. Chúng ta hãy cố hiểu vấn đề bằng các minh họa. Tôi chỉ có ý muốn minh họa, chứ không có ý chỉ trích bất kỳ tôn giáo nào.

Tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng Thượng Đế mang hình một con chim bồ câu mà giáng thế; đối với anh ta thì đó là lịch sử chứ không phải là thần thoại. Tín đồ Ấn giáo thì tin rằng Thượng Đế hóa thân thành con bò cái.

Các tín đồ Cơ Đốc giáo nói rằng tin như thế thì chỉ là thần thoại, chứ không phải là lịch sử; đó là mê tín.

Người Do Thái thì cho rằng nếu có một hình tượng nào được làm thành dạng cái hộp, hay cái tủ, có hai thiên thần đứng hai bên thì hình tượng đó có thể được đặt tại nơi Tối Linh: đó là hình tượng thiêng liêng của đức Jehovah. Nhưng nếu hình tượng đó mang hình thức một nam hay nữ xinh đẹp thì họ bảo: “Đó là ngẫu tượng đáng tởm, hãy đập vỡ nó đi!”.

Đó là sự thống nhất của chúng ta về thần thoại! Nếu một người nào đứng lên và nói: “Vị tiên tri của tôi đã làm chuyện kỳ diệu như thế này, như thế khác” thì những kẻ khác lại bảo: “Đó chỉ là mê tín”, nhưng đồng thời họ lại bảo rằng vị tiên tri của họ đã làm chuyện còn kỳ diệu hơn thế nữa, và họ cho đó là lịch sử.

Không một ai trong thế gian này, theo như tôi thấy, có đủ năng lực để phát hiện được sự khác biệt tế vi giữa lịch sử và thần thoại, giống như nó đang tồn tại trong đầu óc họ.

Tất cả những câu chuyện như thế, dù chúng có thuộc về bất kỳ tôn giáo nào, thực sự đều chỉ là thần thoại, đôi khi có thể được pha trộn với một ít lịch sử. Kế đến là phần nghi thức. Mỗi giáo phái đều có nghi thức riêng, và đều cho rằng nghi thức đó là thiêng thiêng, còn nghi thức của giáo phái khác chỉ là trò mê tín vớ vẩn.

Nếu một giáo phái sùng bài một biểu tượng nào đó thì giáo phái khác lại kêu: “Ôi! Thật đáng tởm!”. Thử lấy một hình thức thông dụng làm ví dụ.

Biểu tượng phallus (dương vật) chắc chắn là biểu tượng của tính dục, nhưng dần dần khía cạnh tính dục bị lãng quên, và nó trở thành biểu tượng của đấng Sáng Tạo. Những quốc gia dùng phallus làm biểu tượng không bao giờ nghĩ nó là phallus; họ xem nó chỉ là một biểu tượng, có thế thôi.

Nhưng một người thuộc một dân tộc khác hoặc một tín ngưỡng khác đến thì thấy nó không có chi khác ngoài cái dương vật, và bắt đầu lên án nó; nhưng đồng thời anh ta có thể làm một điều gì đó, mà những người được gọi là “tín đồ sùng bái phallus” cho là ghê tởm.

Tôi xin dùng hai điểm minh họa, đó là biểu tượng phallus và phép Thánh thể của Cơ Đốc giáo. Đối với tín đồ Cơ Đốc giáo thì phallus thật đáng kinh tởm, còn đối với tín đồ Ấn giáo thì phép Thánh thể thật đáng ghê sợ.

Họ bảo rằng phép Thánh thể của Cơ Đốc giáo, giết một người rồi ăn thịt và uống máu người đó để có được những phẩm chất tốt đẹp của anh ta, thì đó là ăn thịt người.

Một số bộ lạc man rợ vẫn làm điều đó; nếu có người nào đó gan dạ thì họ giết anh ta để ăn trái tim, vì họ tin rằng trái tim đó sẽ đem lại những đức tính can trường, quả cảm của người đó.

Ngay cả một tín đồ Cơ Đốc giáo sùng đạo như ngài John Lubbock[2] cũng thừa nhận điều này, và bảo rằng biểu tượng này trong Cơ Đốc giáo bắt nguồn từ ý tưởng man rợ đó.

Dĩ nhiên là các tín đồ Cơ Đốc giáo không thừa nhận quan điểm đó về khởi thủy của phép Thánh thể, và những gì mà quan điểm đó có thể bao hàm thì không bao giờ đến trong tâm trí họ. Nó đại diện cho những thánh sự, và đó là tất cả những gì họ muốn biết.

Thậm chí trong những nghi thức cũng không có một biểu tượng phổ quát nào được mọi người nhận biết và công nhận. Vậy thì tính phổ quát nằm ở đâu? Làm thế nào để có thể có một hình thức tôn giáo phổ quát? Tuy vậy, điều đó đã có sẵn rồi.

Và chúng ta hãy xem nó là gì. Tất cả chúng ta đều nghe nói đến tình huynh đệ đại đồng, và đặc biệt có nhiều đoàn thể đã đứng lên để truyền bá nó ra sao.

Tôi nhớ đến một câu chuyện cũ. Ở Ấn Độ, uống rượu bị xem là điều rất tồi tệ. Một đêm kia, có hai anh em muốn lén uống rượu; nhưng người chú của họ – một người rất nghiêm khắc theo khuôn phép – lại ngủ trong phòng sát bên.

Bởi vậy, trước khi uống rượu, họ bàn với nhau: “Mình phải giữ yên lặng, không thì chú sẽ thức dậy mất”. Khi đang uống rượu, họ cứ tiếp tục nhắc nhở cho nhau: “Yên lặng! Coi chừng chú thức dậy”, người nào cũng cố la lớn để át tiếng người kia.

Rồi khi tiếng la lối cứ lớn dần thì người chú thức giấc, ông đi vào phòng và phát hiện toàn bộ sự việc. Chúng ta giờ đây cũng đang la lối như những kẻ say rượu kia: “Tình huynh đệ đại đồng! Tất cả chúng ta đều bình đẳng, bởi vậy chúng ta hãy lập nên một giáo phái”.

Nhưng ngay khi thành lập được giáo phái thì các bạn lại phản đối sự bình đẳng, và sự bình đẳng không còn nữa. Tín đồ Hồi giáo giảng về tình huynh đệ đại đồng, nhưng trên thực tế thì thuyết đó đem tới điều gì?

Vì sao bất kỳ người nào không phải là tín đồ Hồi giáo đều không được chấp nhận vào trong tình huynh đệ đó, có khi còn bị cắt cổ nữa là khác? Tín đồ Cơ Đốc giáo cũng rao giảng về tình huynh đệ đại đồng, nhưng vì sao những ai không phải là tín đồ Cơ Đốc giáo đều phải đi đến một nơi để chịu cảnh thiêu đốt đời đời?

Chúng ta đi vào thế gian để tìm tình huynh đệ đại đồng và sự bình đẳng như thế đó. Khi nghe những lời nói như thế trong thế gian này, tôi xin các bạn hãy dè dặt đôi chút, vì đằng sau tất cả những lời nói đó thường là thói ích kỷ tồi tệ nhất.

“Giữa mùa đông, đôi khi có mây giông ùn ùn kéo đến, bầu trời gầm thét ầm ầm nhưng không có mưa; còn vào mùa mưa, những đám mây lặng lẽ lại làm cho thế giới ngập chìm trong nước”.

Bởi vậy, những người nào thực sự làm, và thực sự cảm nhận được tình huynh đệ đại đồng trong trái tim mình thì không nói nhiều, không lập một giáo phái nhỏ nào về tình huynh đệ đại đồng; nhưng những việc làm của họ, những hoạt động của họ, và trọn cuộc đời họ chứng minh một cách rõ ràng rằng họ thực sự cưu mang cảm thức về tình huynh đệ đại đồng cho toàn thể nhân loại, rằng họ yêu thương và đồng cảm với tất cả mọi người.

Họ không hề nói, họ làm và sống [3].

Thế giới này đầy những lời ba hoa khoác lác. Chúng ta cần một ít nhiệt tình để làm việc, và bớt nói đi. Cho đến nay, chúng ta thấy khó mà tìm cho được những yếu tố phổ quát trong tôn giáo, tuy nhiên chúng ta biết rằng chúng vẫn tồn tại.

Tất cả chúng ta đều là con người, nhưng tất cả chúng ta có bình đẳng không? Chắc chắn là không. Ai nói rằng chúng ta bình đẳng? Chỉ có kẻ loạn trí.

Tất cả chúng ta có bình đẳng về trí lực, thể lực và thể xác không? Người này có thể lực khỏe hơn người kia, người nọ có trí lực tốt hơn người khác. Nếu như tất cả chúng ta đều bình đẳng thì do đâu lại có sự bất bình đẳng trên thế gian này? Ai đã tạo ra nó? Chính chúng ta.

Bởi vì mỗi người chúng ta đều có thể lực, trí lực ít nhiều khác nhau nên điều đó đã tạo ra sự bất bình đẳng. Thế nhưng chúng ta lại biết rằng thuyết bình đẳng luôn vang động đến tận tâm hồn ta. Tất cả chúng ta đều là con người; nhưng có người là nam, có người là nữ.

Đây là người da đen, kia là người da trắng; nhưng tất cả đều là con người, tất cả đều thuộc về một nhân loại duy nhất. Gương mặt chúng ta rất khác nhau; tôi chưa bao giờ thấy có hai gương mặt giộng hệt nhau, thế nhưng tất cả chúng ta đều là con người.

Tính nhân loại duy nhất này nằm ở đâu? Tôi nhận ra một nam hay một nữ, hoặc đen đúa hoặc xinh đẹp; và trên tất cả những gương mặt đó, tôi nhận ra tính nhân loại trừu tượng chung cho tất cả mọi người.

Có thể tôi không nhận ra tính nhân loại này khi tôi cố nắm bắt lấy nó, cố cảm nhận được nó và cố biến nó thành hiện thực; tuy nhiên tôi biết chắc rằng nó có ở đó. Nếu tôi tin chắc về một điều gì thì đó là tính nhân loại chung cho tất cả chúng ta.

Nhờ vào chính thực thể phổ quát hóa này mà tôi thấy được các bạn, như là người nam hay người nữ.

Tôn giáo phổ quát cũng thế, nó xuyên suốt qua tất cả những tôn giáo khác nhau trên thế giới dưới hình thức Thượng Đế; nó phải tồn tại và chắc chắn tồn tại mãi mãi. “Ta là sợi chỉ xuyên suốt qua những hạt châu”, và mỗi hạt châu là một tôn giáo, hoặc thậm chí là một giáo phái, trong sợi chỉ đó.

Các hạt châu khác nhau như thế đó, và Thượng Đế là sợi chỉ xuyên suốt qua tất cả, chỉ có điều là phần đông nhân loại đều hoàn toàn không ý thức về điều này.

Thống nhất trong sai biệt đa thù là kế hoạch của vũ trụ. Tất cả chúng ta đều là con người, vậy mà tất cả chúng ta lại khác biệt với nhau. Với tư cách là một thành phần của nhân loại thì tôi với các bạn là một; với tư cách là ông X., bà Y. thì tôi khác với các bạn.

Với tư cách là một người nam thì bạn khác với một người nữ; nhưng với tư cách là một con người thì bạn với người nữ là một.

Với tư cách là con người thì các bạn khác với con vật; nhưng với tư cách là một sinh vật thì nam, nữ, thú vật, cỏ cây đều là một; và với tư cách là sự tồn tại thì các bạn với toàn thể vũ trụ này là một. Sự tồn tại phổ quát đó là Thượng Đế – tức Nhất Thể tối hậu trong vũ trụ.

Tất cả chúng ta đều là một trong Ngài. Đồng thời, trong sự hiển lộ bên ngoài thì vẫn luôn có những điểm khác biệt. Trong hoạt động của chúng ta, trong năng lực của chúng ta, khi chúng hiển lộ ra bên ngoài thì luôn luôn tồn tại những điểm khác biệt.

Vậy thì chúng ta thấy rằng nếu ý tưởng về một tôn giáo phổ quát có nghĩa là toàn thể nhân loại sẽ cùng tin vào một giáo lý duy nhất thì điều đó hoàn toàn bất khả. Nó không bao giờ xảy ra, cũng như sẽ không bao giờ có lúc mọi gương mặt sẽ giống hệt nhau.

Cũng thế, nếu chúng ta mong đợi sẽ có một thần thoại phổ quát duy nhất thì điều đó cũng hoàn toàn bất khả, không bao giờ có được.

Cũng không thể có được một nghi thức phổ quát. Những tình trạng bình đẳng như thế của sự vật sẽ không bao giờ thành hình; nếu điều đó xảy ra thì toàn bộ thế giới này sẽ bị hủy diệt, bởi vì tính đa thù sai biệt là nguyên lý đầu tiên của sự sống.

Cái gì đã khiến cho chúng ta trở thành những sinh thể được phú bẩm một hình hài? Sự khác biệt. Tình trạng quân bình tuyệt đối sẽ khiến chúng ta bị hủy diệt.

Thử lấy nhiệt lượng trong phòng này làm ví dụ, xu hướng của nó là khuếch tán trọn vẹn và đồng đều; giả sử nó đạt đến trạng thái khuếch tán đó thì nhiệt lượng đó sẽ không còn tồn tại vì những mục tiêu cụ thể nào nữa. Cái gì làm vũ trụ này có thể luôn vận động? Tình trạng mất quân bình.

Nhất thể tính của sự đồng dạng chỉ xảy đến khi vũ trụ này bị hủy diệt, bằng không thì điều đó không bao giờ có thể xảy ra. Không những thế, đạt đến trạng thái đó còn là điều nguy hiểm. Chúng ta không được mong muốn ai nấy trong chúng ta cũng đều suy nghĩ như nhau.

Nếu vậy thì sẽ không còn tư tưởng nào để tư duy nữa. Tất cả chúng ta đều sẽ giống hệt nhau, nhìn nhau như những xác ướp Ai Cập trong viện bảo tàng, mà trong đầu hoàn toàn rỗng tuếch, không có một tư tưởng nào[4].

Chính sự khác biệt và sai biệt này, chính tình trạng mất quân bình giữa chúng ta, đã trở thành linh hồn của sự tiến bộ, linh hồn của mọi tư tưởng trong chúng ta. Phải luôn luôn là như thế. Ý tôi muốn nói gì khi bàn về lý tưởng của tôn giáo phổ quát?

Tôi không có ý nói đến một triết học phổ quát, một thần thoại phổ quát hay một nghi thức phổ quát được mọi tôn giáo đều công nhận; vì tôi biết rằng thế giới này phải tiếp tục vận hành, như bánh xe lồng trong một bánh xe, cái cỗ máy rắc rối này, phức tạp nhất và kỳ diệu nhất.

Vậy thì chúng ta có thể làm được gì? Chúng ta có thể làm cho cỗ máy chạy trơn tru, giảm bớt lực ma sát, bôi thêm dầu mỡ vào các bánh xe, có thể nói như vậy. Bằng cách nào? Bằng cách nhận biết tính tất yếu tự nhiên của sự dị biệt đa thù.

Chúng ta phải học biết rằng có hàng trăm ngàn cách để diễn đạt chân lý, và cách nào cũng là chân, dù nó có dẫn đi xa đến đâu chăng nữa. Chúng ta phải học biết rằng cùng một sự vật nhưng ta có thể nhìn từ hàng trăm quan điểm khác nhau, nhưng cũng chỉ là một vật.

Thử lấy mặt trời mà ví dụ. Giả sử có một người đứng trên mặt đất để nhìn mặt trời vào buổi sáng, anh ta sẽ thấy mặt trời như trái bóng tròn.

Nhưng giả sử anh ta du hành về phía mặt trời, và dùng máy ảnh để chụp ảnh mặt trời tại mỗi giai đoạn trong suốt đường đi, cho tới khi anh ta đến được mặt trời.

Tấm ảnh chụp tại giai đoạn này có thể khác với những tấm ảnh chụp tại giai đoạn khác; trên thực tế, khi quay về mặt đất, anh ta có thể mang theo rất nhiều tấm ảnh tưởng chừng như khác nhau về mặt trời; tuy nhiên chúng ta đều biết rằng đó chỉ là một mặt trời duy nhất, được chụp bởi một người duy nhất, tại nhiều thời điểm khác nhau trong lộ trình của mình.

Đối với Thượng Đế cũng vậy.

Dù thông qua triết học cao siêu hoặc bình dân, dù thông qua thần thoại cao nhã hay thô thiển, dù thông qua những nghi lễ tinh tế nhất hay hình thức bái vật thì mọi giáo phái, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, dù có ý thức hay vô thức cũng đều đang phấn đấu để vươn lên, hướng đến Thượng Đế; mọi khải tượng về chân lý mà con người có được về đều là khải tượng về Thượng Đế, ngoài ra không có gì khác.

Ví dụ tất cả chúng ta cùng mang vật chứa để đi lấy nước tại một cái hồ. Kẻ mang cốc, người cầm bình, kẻ mang hũ, v.v… và tất cả chúng ta đều múc đầy nước.

Nước trong mỗi vật chứa sẽ có hình dạng giống như vật chứa mà chúng ta mang theo. Người mang theo cái cốc thì nước có hình cái cốc, người mang theo cái bình thì nước có hình cái bình, v.v…, nhưng dù vật chứa có là dạng gì đi nữa thì trong vật chứa cũng chỉ là nước chứ không phải là thứ gì khác.

Trường hợp tôn giáo cũng không khác. Tâm trí chúng ta giống như những vật chứa đó, và mỗi người trong chúng ta đều cố gắng thực chứng được Thượng Đế.

Thượng Đế giống như nước chứa đầy bên trong những vật chứa khác nhau, và khải tượng về Thượng Đế trong vật chứa nào sẽ mang hình thức của vật chứa đó. Tuy nhiên, Ngài vẫn là đấng Duy Nhất. Trong trường hợp nào Ngài cũng là Thượng Đế.

Đó là sự nhận biết duy nhất về tính phổ quát mà chúng ta có thể đạt được. Cho đến nay thì tất cả đều đúng về mặt lý thuyết.

Nhưng trên thực tế, liệu có cách nào tìm ra được sự hòa hợp cho tôn giáo? Chúng ta thấy rằng việc nhận biết mọi quan điểm khác nhau của các tôn giáo đều đã có từ thời rất xa xưa.

Tại Ấn Độ, tại Alexandria, tại châu Âu, tại Trung Quốc, tại Nhật Bản, tại Tây Tạng, và gần đây nhất là tại Mỹ, người ta đã thực hiện hàng trăm cuộc thử nghiệm nhằm định hình nên một tín điều tôn giáo hài hòa, để mọi tôn giáo đều hòa hợp lại trong tình yêu thương.

Tất cả những nỗ lực đó đều thất bại, bởi vì chúng không vận dụng một kế hoạch thực tế nào.

Có nhiều người thừa nhận rằng mọi tôn giáo trên thế giới đều đúng, nhưng họ không đưa ra được một giải pháp thực tế nào để đưa tất cả các tôn giáo đó lại bên nhau, khả dĩ giúp mỗi tôn giáo đều giữ được bản sắc riêng, khi thống hợp tất cả lại với nhau.

Một kế hoạch chỉ được xem là thực tế khi nào nó không phá hủy bản sắc cá nhân của bất cứ người nào trong tôn giáo, đồng thời chỉ ra cho họ thấy được điểm hòa hợp với tất cả những người khác.

Nhưng cho đến nay, mọi kế hoạch cho sự hòa hợp tôn giáo – những kế hoạch vốn đã được mang ra thử nghiệm – khi đề nghị dung nạp mọi quan điểm của tôn giáo thì trên thực tế lại tự trói buộc chúng vào một số giáo lý nào đó, và như thế lại tạo ra thêm những giáo phái mới nữa; rồi những giáo phái này lại đánh nhau, đấu tranh và đả kích lẫn nhau.

Tôi cũng có kế hoạch nhỏ của tôi. Tôi không biết nó có khả thi không, và tôi muốn trình bày cùng các bạn để cùng nhau thảo luận. Kế hoạch của tôi là gì? Trước hết, tôi muốn yêu cầu nhân loại chấp nhận câu châm ngôn này: “Đừng phá hủy”.

Những nhà cải cách bài trừ thánh tượng chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho thế giới. Đừng đập phá, đừng đạp đổ bất cứ thứ gì, mà hãy xây dựng. Hãy giúp đỡ, nếu các bạn có thể; còn nếu không thì hãy tụ thủ bàng quan, khoanh tay đứng nhìn sự việc diễn tiến.

Nếu các bạn không ra tay giúp đỡ được thì đừng làm tổn thương. Đừng nói một lời nào nghịch lại đức tin của bất cứ một ai, chừng nào họ còn chân thành. Thứ hai là hãy nắm lấy tay con người tại nơi họ đứng, và từ nơi đó hãy nâng họ lên cao.

Nếu quả thực Thượng Đế là tâm điểm của mọi tôn giáo, và mỗi người chúng ta đều đang di chuyển hướng đến Ngài dọc theo một trong những đường bán kính này thì chắc chắn tất cả chúng ta đều phải đạt đến tâm điểm đó.

Và tại tâm điểm này, nơi mọi đường bán kính đều đồng quy, tất cả những sự khác biệt giữa chúng ta đều sẽ tan biến. Nhưng trước khi đạt đến được tâm điểm đó thì chắc chắn vẫn còn những điểm bất đồng. Tất cả những đường bán kính đều đồng quy tại cùng một tâm.

Người này, tùy theo căn cơ, đi theo những đường này; người kia lại đi theo những đường khác; nhưng nếu như tất cả chúng ta đều lao nhanh theo con đường của mình thì chắc chắn sẽ đi đến tâm điểm, bởi vì “Đường nào cũng dẫn đến La Mã”.

Ai trong chúng ta cũng đều phát triển tự nhiên theo bản tính; tất cả mọi người sớm muộn gì cũng đều lần lượt biết được chân lý tối thượng; bởi vì, cuối cùng thì con người đều phải tự dạy mình. Các bạn và tôi có thể làm được gì? Các bạn có nghĩ rằng các bạn có thể dạy thậm chí cho một đứa bé hay không?

Các bạn không thể. Đứa bé tự dạy nó. Nhiệm vụ của các bạn là tạo cơ hội và loại bỏ những trở ngại cho nó. Một cái cây phát triển.

Các bạn có làm cho cây đó phát triển không? Nhiệm vụ của các bạn là rào quanh cây đó, và xem chừng không để thú vật đến ăn nó, thế là xong nhiệm vụ. Cái cây tự nó phát triển. Đối với sự phát triển tâm linh của mỗi người cũng thế.

Không một ai có thể dạy các bạn, không một ai có thể biến các bạn thành con người sống có đạo tâm. Các bạn phải tự dạy cho chính mình; sự phát triển của các bạn phải xuất phát từ nội tâm. Một vị thầy bên ngoài có thể dạy cho các bạn được gì?

Ông ta có thể gỡ bỏ một ít trở ngại, nhiệm vụ ông ta chấm dứt tại đó. Bởi vậy, nếu có thể thì hãy giúp đỡ, chứ đừng phá hủy. Hãy từ bỏ mọi ý nghĩ rằng các bạn có thể khiến cho người khác có được đạo tâm. Điều đó không thể. Không có một thầy nào khác cho các bạn, ngoại trừ chính linh hồn các bạn.

Hãy nhận biết điều đó. Điều gì xuất phát từ thế giới tâm linh? Trong xã hội, ta thấy quá nhiều căn cơ sai biệt, quá nhiều bản tính khác nhau.

Có hàng ngàn, hàng vạn tâm trí và thiên hướng khác nhau. Khái quát hóa toàn bộ những tâm trí và thiên hướng này là điều không thể, nhưng đối với mục tiêu thực tế của chúng ta thì phân chia chúng thành bốn loại theo đặc điểm là đủ.

1. Thứ nhất là những người thích hoạt động, ham làm việc; cơ bắp và bộ não của họ chứa nguồn năng lượng khổng lồ. Mục tiêu của họ là làm việc – xây bệnh viện, hoạt động từ thiện, làm đường xá, lập kế hoạch và tổ chức công việc.

2. Kế đến là những người đa cảm, họ yêu thích những điều cao nhã và cái đẹp đến mức thái quá. Họ ưa tư duy về cái đẹp, thích thưởng thức khía cạnh thẩm mỹ của thiên nhiên; họ yêu thương và tôn thờ vị Thượng Đế của Tình Thương.

Họ yêu quý những vĩ nhân của mọi thời đại, những nhà tiên tri tôn giáo cùng những Hóa Thân của Thượng Đế trên trần gian bằng cả trái tim. Họ không quan tâm đến việc lý trí có thể chứng minh được Đức Phật hay đấng Christ có tồn tại hay không.

Họ cũng không quan tâm Bài giảng trên núi của Chúa Jesus được giảng đích xác vào ngày nào, hoặc thần Krishna đản sinh vào ngày nào.

Đều họ quan tâm là nhân cách của những vị đó, là hình ảnh của những nhân vật họ kính yêu. Lý tưởng của họ là vậy. Đó là bản chất của một người có lòng yêu thương, của một người đa cảm.

3. Tiếp theo là những người thần bí, tâm trí họ muốn tự phân tích chính nó, muốn hiểu những hoạt động của tâm trí con người, muốn hiểu những năng lực nào đang hoạt động bên trong và muốn biết làm cách nào để điều khiển và chế ngự được chúng. Đây là những tâm trí có khuynh hướng thần bí.

4. Cuối cùng là những triết gia. Những người này muốn cân nhắc vạn sự, và vận dụng trí năng vượt quá những khả tính của triết học loài người.

Một tôn giáo muốn thỏa mãn được một bộ phận lớn nhất của nhân loại phải có đủ khả năng cung cấp thức ăn tinh thần cho đủ loại tâm trí, đủ loại căn cơ; và khi thiếu khả năng này thì mọi giáo phái đang hiện hữu đều trở nên phiến diện, một chiều.

Giả sử các bạn đến thăm một giáo phái giảng thuyết về tình yêu thương và cảm xúc. Họ ca hát, khóc lóc và giảng thuyết về tình yêu thương.

Nhưng khi các bạn nói: “Này các bạn, tất cả những điều này đều chính đáng; nhưng tôi cần đến một cái gì đó mạnh mẽ hơn thế – một chút lý trí và triết học.

Tôi muốn hiểu những sự việc này theo từng bước một theo cách hợp lý hơn” thì họ sẽ bảo: “Ra khỏi đây ngay”, họ không chỉ bắt các bạn biến đi cho khuất mắt, mà còn muốn tống khứ các bạn đến một nơi khác, nếu họ có thể làm được điều đó.

Kết quả là giáo phái đó chỉ giúp ích cho những người đa cảm, dễ bị cảm xúc. Họ không những không giúp đỡ kẻ khác, mà còn cố tìm cách tiêu diệt những người đó nữa. Phần hiểm ác nhất trong sự việc này là không những họ không muốn giúp đỡ kẻ khác, mà còn không tin vào sự chân thành của những người đó nữa.

Lại còn có những triết gia giảng thuyết về minh triết và phương Đông, dùng những ngôn từ đao to búa lớn của môn tâm lý học dài đến năm mươi âm tiết, nhưng nếu một người tầm thường như tôi đến hỏi họ: “Ông có thể nói cho tôi điều gì đó để tôi trở thành người sống có đạo tâm hay không?” thì điều trước tiên mà họ làm là mỉm cười, và bảo: “Này, lý trí của bạn còn quá thấp kém so với chúng tôi. Làm sao bạn có thể hiểu được thế giới tâm linh?”. Đó là những triết gia thuộc “cõi trên”.

Họ chỉ việc tống các bạn ra khỏi cửa.

Rồi đến những giáo phái thần bí thuyết giảng đủ điều, nào là những cảnh giới sống khác nhau, nào là những căn cơ khác biệt của tâm trí, nào là năng lực tâm trí có thể làm được gì, v.v…

Nếu các bạn là người tầm thường và nói: “Hãy chỉ cho tôi điều gì đó tốt đẹp mà tôi có thể làm được. Tôi không mặn mà lắm với cái lối học tư biện, các ông có thể chỉ ra cho tôi một cái gì đó phù hợp với tôi hay không?” thì họ sẽ tủm tỉm cười và bảo: “Hãy nghe gã khùng này nói nè, hắn chẳng biết gì cả, hắn sống thiệt là vô tích sự”.

Và điều này vẫn đang diễn khắp nơi trên thế giới. Tôi muốn đem những kẻ phát ngôn cực đoan của tất cả những giáo phái khác nhau này nhốt vô một căn phòng kín, và chụp ảnh những nụ cười nhạo báng xinh đẹp của họ! Đây là tình trạng tôn giáo hiện nay, tình trạng của sự việc hiện nay.

Điều tôi muốn truyền bá là một tôn giáo được tất cả mọi người cùng chấp nhận như nhau. Nó phải bình đẳng cho tất cả mọi người về các phương diện triết học, cảm xúc, thần bí, và bình đẳng về lợi ích khi thực hiện. Các vị giáo sư đại học – hoặc là những nhà khoa học hay các triết gia – đến thì họ sẽ ve vãn lý trí.

Hãy để họ có được tất cả những thứ họ cần. Sẽ có một điểm nằm ở cõi bên kia mà họ sẽ khám phá ra là họ không thể nào vươn đến, nếu không đoạn tuyệt với lý trí.

Nếu họ bảo: “Những quan niệm về Thượng Đế và cứu rỗi đều là trò mê tín, hãy từ bỏ chúng đi!” thì tôi sẽ đáp: “Này ngài triết gia, thể xác của ngài là trò mê tín còn lớn hơn nữa đấy. Hãy từ bỏ nó đi, đừng về nhà ăn tối, hay ngồi trên cái ghế triết học của ngài. Hãy từ thể xác đi, còn nếu không làm được thì hãy kêu gọi người giúp đỡ và ngồi xuống”.

Bởi vì tôn giáo phải có khả năng chỉ ra được phương pháp thực chứng triết học, nền triết học dạy cho chúng ta biết rằng thế giới này là một, và chỉ có một Tồn Tại duy nhất trong vũ trụ.

Cũng tương tự như thế, nếu một nhà thần bí đến thì chúng ta phải hoan nghênh chào đón, sẵn sàng trao cho ông ta bộ môn khoa học về phân tích tinh thần, và bày nó ra một cách thực tế trước mặt ông ta.

Nếu một người đa cảm đến thì chúng ta phải ngồi, và khóc cười cùng họ nhân danh Thượng Đế; chúng ta phải “uống cạn chén thương yêu và trở nên rồ dại”. Nếu một người ham hoạt động đến thì chúng ta cùng làm việc với họ bằng tất cả năng lực của mình.

Sự kết hợp những yếu tố này sẽ là lý tưởng cho việc tiếp cận gần gũi nhất đến một tôn giáo phổ quát. Xin Thượng Đế hãy cho tâm trí của tất cả mọi người đều được cấu tạo đầy đủ bởi bốn yếu tố: triết học, thần bí, cảm xúc và hoạt động!

Đó là lý tưởng, lý tưởng của tôi về một người hoàn hảo. Bất cứ người chỉ có một hoặc hai yếu tố trên trong tính cách thì tôi đều xem là người “phiến diện, một chiều”.

Và thế gian này hầu như đầy những người “phiến diện, một chiều” như thế; họ chỉ biết con đường mình đang theo đuổi, còn đối với mọi thứ khác họ đều cho là nguy hiểm và đáng kinh tởm. Quân bình được cả bốn yếu tố này một cách hài hòa, đó là lý tưởng của tôi về tôn giáo.

Và ta có thể đạt đến lý tưởng này bằng cái mà ở Ấn Độ chúng tôi gọi là yoga – nghĩa là sự hợp nhất. Đối với người thích hoạt động thì đó là sự hợp nhất giữa con người với toàn thể nhân loại, đối với người thần bí thì đó là sự hợp nhất giữa tiểu ngã bé nhỏ với Đại Ngã Tối Cao, đối với người yêu thương thì đó là sự hợp nhất giữa tự thân với Thần Tình Yêu, còn đối với triết gia thì đó là sự hợp nhất của tất cả vạn hữu.

Đó là ý nghĩa của yoga. Yoga là một từ Sanskrit, và yoga được chia làm bốn pháp môn với bốn tên gọi khác nhau bằng tiếng Sanskrit.

Người đi tìm sự hợp nhất theo pháp môn này được gọi là hành giả yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua hoạt động được gọi là karma-yogi.

Người đi tìm sự hợp nhất qua tình yêu được gọi là bkhati-yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua điều thần bí được gọi là rāja-yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua triết học được gọi là jnāna-yogi. Bởi vậy, từ yogi bao hàm cả bốn loại người này.

Trước tiên, tôi xin nói về rāja-yoga. Rāja-yoga, hay sự kiểm soát tâm trí, là gì? Ở xứ sở này, các bạn gán cho từ yoga đủ chuyện yêu ma quái đản.

Bởi vậy, tôi e rằng mình phải mở đầu bằng cách nói với các bạn nói rằng yoga hoàn toàn không có liên quan gì đến những thứ đó. Không một pháp môn yoga nào từ bỏ lý trí, không một pháp môn yoga nào bắt các bạn phải bịt mắt lại và giao phó lý trí các bạn vào tay của đám tu sĩ thuộc bất cứ loại nào.

Không một pháp môn yoga nào bắt các bạn phải tuân phục theo một vị sứ giả siêu nhiên nào hết. Pháp môn yoga nào cũng bắt các bạn phải bám chặt vào lý trí, và giữ nó cho thật chắc. Chúng ta sẽ thấy trong mọi sinh thể đều có ba công cụ nhận thức.

Thứ nhất là bản năng, mà ta thấy phát triển rất cao nơi loài vật; đó là công cụ nhận thức thấp kém nhất. Công cụ nhận thức thứ hai là gì? Là suy luận. Các bạn sẽ thấy nó phát triển rất cao nơi loài người.

Trước hết, bản năng là công cụ nhận thức chưa đầy đủ; đối với loài vật thì phạm vi hoạt động rất giới hạn, và bản năng hoạt động trong giới hạn đó. Khi đến với con người thì các bạn sẽ thấy bản năng đó được phát huy phong phú thành lý tính.

Phạm vi hoạt động cũng được mở rộng thêm ra. Tuy nhiên lý tính vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. Lý tính chỉ có thể đi một đoạn đường ngắn rồi ngừng lại, nó không thể đi xa thêm nữa; và nếu các bạn cứ ra sức đẩy nó đi tới thì hậu quả là tình trạng lộn xộn vô phương cứu chữa; bản thân lý tính sẽ trở nên phi lý.

Luận lý học trở thành một loại lập luận lẩn quẩn lòng vòng. Thử lấy ngay vật chất và lực – là những thứ làm nền tảng cho nhận thức của chúng ta – để làm ví dụ. Vật chất là gì? Đó là cái chịu tác động của lực. Vậy thì lực là gì? Là cái tác động lên vật chất.

Các bạn thấy ngay sự phức tạp mà những nhà lý luận gọi là “cái bập bênh”; đó là ý tưởng A phụ thuộc vào ý tưởng B, rồi ý tưởng B đó lại tùy thuộc vào ý tưởng A.

Các bạn sẽ thấy một rào chắn kiên cố dựng lên trước lý tính, mà khả năng suy luận không sao vượt qua nổi; thế nhưng nó lại nôn nóng đi vào Cõi Vô Biên ở Bên Kia.

Cái thế giới, cái vũ trụ mà giác quan chúng ta cảm nhận được, hay tâm trí ta suy tưởng được có thể nói chỉ là một nguyên tử của Cõi Vô Biên, được chiếu rọi trên bình diện của ý thức; và lý tính chúng ta chỉ hoạt động trong phạm vi hạn hẹp được xác định bởi mạng lưới của ý thức, chứ nó không thể vượt qua giới hạn đó.

Bởi vậy, phải có một công cụ nào khác đưa được chúng ta đến cõi bên kia, và công cụ đó được gọi là linh cảm. Bởi vậy, bản năng, lý tính và linh cảm là ba công cụ nhận thức. Bản năng thuộc về loài vật, lý tính thuộc về con người, còn linh cảm thuộc về các vị thánh triết.

Tuy nhiên, nơi mỗi người thì hạt giống của cả ba công cụ nhận thức đó đều có đủ, trong trạng thái phát triển ít hay nhiều. Để các công cụ nhận thức tinh thần này tiến hóa thì những hạt giống phải có sẵn nơi đó rồi. Cần phải nhớ rằng công cụ này là sự phát triển của công cụ kia, do đó, không mâu thuẫn với nó.

Chính lý tính phát triển thành linh cảm, nên linh cảm không mâu thuẫn với lý tính mà tựu thành cho lý tính. Những sự vật mà lý tính không sao lĩnh hội được lại được đưa ra ánh sáng nhờ linh cảm, và những sự vật đó không hề mâu thuẫn với lý tính.

Người già không mâu thuẫn với trẻ con, mà tựu thành cho đứa trẻ. Do đó, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng điều đại nguy hiểm nằm ở chỗ nhận lầm công cụ nhận thức thấp kém thành công cụ nhận thức cao siêu. Đã nhiều lần, bản năng được thế giới xem như là linh cảm, do đó mà có những lời tuyên bố sai lầm về năng khiếu tiên tri.

Một gã khờ hoặc một người nửa điên nửa tỉnh luôn nghĩ rằng những thứ hổ lốn trong đầu mình là linh cảm, và muốn người khác phải nghe theo.

Điều nhảm nhí phi lý nhất và mâu thuẫn nhất từng được thuyết giảng trong thế gian chỉ là một thứ biệt ngữ[5] mang tính bản năng của những đầu óc điên khùng rối loạn, đang cố cho đó là ngôn ngữ linh cảm.

Trắc nghiệm đầu tiên cho lời giáo huấn chân thực là nó phải không mâu thuẫn với lý tính. Các bạn sẽ thấy rằng đây là nền tảng của tất cả những pháp môn yoga. Chúng ta hãy xem rāja-yoga, tức pháp môn yoga tâm lý, hay phương thức hợp nhất bằng tâm lý.

Đây là một chủ đề rộng lớn, và tôi chỉ có thể chỉ ra cho các bạn thấy ý tưởng trọng tâm của pháp môn yoga này. Chúng ta chỉ có một phương thức thu hoạch tri thức.

Từ những người thấp kém nhất đến hành giả yogi cao siêu nhất, tất cả đều sử dụng một phương pháp như nhau, phương pháp đó là tập trung tư tưởng.

Nhà hóa học, khi làm việc trong phòng thí nghiệm, tập trung toàn bộ năng lực của tâm trí vào một tiêu điểm, rồi phóng chiếu chúng lên các nguyên tố và phân tích chúng; thế là ông ta đạt được tri thức mới.

Nhà thiên văn học cũng tập trung toàn bộ năng lực của tâm trí vào một tiêu điểm, rồi phóng chiếu chúng lên các đối tượng, thông qua một kính viễn vọng; các vì sao cùng những thiên hà cuồn cuộn kéo về phía trước, và hé lộ cho ông ta thấy những điều bí ẩn.

Tất cả các trường hợp khác cũng y như vậy với vị giáo sư ngồi trên ghế giảng, với anh sinh viên cầm cuốn sách, hay với tất cả những ai đang làm việc để tìm tri thức.

Các bạn đang lắng nghe tôi, nếu như lời tôi nói làm cho các bạn thấy hứng thú thì tâm trí các bạn sẽ tập trung vào đó; giả sử chuông đồng hồ có điểm chăng nữa thì các bạn cũng không nghe thấy, do mê mải tập trung. Các bạn càng tập trung tâm trí thì càng hiểu rõ tôi hơn; còn phần tôi, tôi càng tập trung tình yêu và năng lực của mình thì càng có khả năng diễn đạt những gì cần chuyển tải đến các bạn.

Năng lực tập trung càng mạnh thì thu thập tri thức càng nhiều, bởi vì đây là phương pháp duy nhất để thu thập tri thức. Ngay cả anh thợ đánh giày hèn kém nhất, nếu anh ta tập trung nhiều hơn thì đánh giày sẽ bóng hơn; người đầu bếp tập trung nhiều hơn thì sẽ nấu ăn ngon hơn.

Trong việc kiếm tiền hay sùng bái Thượng Đế, hay làm bất cứ việc gì, hễ năng lực tập trung càng mạnh thì kết quả càng tốt đẹp. Đây là tiếng gọi duy nhất, tiếng gõ cửa duy nhất mở ra những cánh cửa thiên nhiên, và để cho ánh sáng tuôn trào ra ngoài như thác lũ.

Cái này đây – tức năng lực tập trung tư tưởng – là chìa khóa duy nhất để mở kho tàng tri thức. Pháp môn rāja-yoga hầu như chỉ chuyên về việc tập trung tư tưởng. Trong tình trạng hiện nay của thể xác của chúng ta, chúng ta đã bị phân tâm quá nhiều; và tâm trí cứ phung phí năng lực vào hàng trăm thứ công việc.

Ngay khi tôi cố gắng định tâm và tập trung tâm trí vào một đối tượng tri thức thì hàng ngàn xung động không mong muốn khác cứ ào ạt tràn vào bộ não, hàng ngàn tư tưởng khác cứ ngập tràn trong tâm trí và làm nó rối loạn cả lên.

Làm thế nào để kiểm soát và chế ngự tâm trí, đó là toàn bộ chủ đề nghiên cứu trong pháp môn rāja-yoga. Bây giờ, ta hãy nói về karma-yoga, tức pháp môn đạt đến Thượng Đế bằng hoạt động.

Rõ ràng là trong xã hội có nhiều người dường như sinh ra là đã có thiên hướng muốn hoạt động, bằng cách này hay cách khác; tâm trí họ không thể chỉ tập trung vào một bình diện tư tưởng, mà họ cần phải có một ý tưởng được cụ thể hóa thành công việc, thấy được và sờ chạm được.

Cũng cần phải có một khoa học cho loại tâm trí này. Mỗi người chúng ta đều tham gia vào một công việc, nhưng phần đông chúng ta đều hoang phí quá nhiều năng lực, bởi vì ta không biết được bí quyết làm việc.

Karma-yoga giải thích điều bí ẩn này, đồng thời dạy cho chúng ta biết làm việc ở đâu và làm như thế nào, làm thế nào để vận dụng được tối đa năng lực của chúng ta vào công việc trước mắt.

Nhưng cùng với bí quyết này, chúng ta cũng phải xét đến sự phản kháng to lớn chống lại công việc, đó là: công việc là nguyên nhân gây nên đau khổ.

Mọi điều khốn khổ và đau khổ đều xuất phát từ tâm luyến cảm. Tôi muốn làm việc, tôi muốn làm điều tốt cho mọi người, nhưng có đến chín mươi phần trăm hoặc tất cả những người tôi giúp đỡ đều tỏ ra vô ơn bạc nghĩa và chống đối lại tôi, kết quả là tôi đau khổ.

Những chuyện như thế làm con người nản chí không muốn làm việc, nỗi sợ hãi khổ đau và khốn khổ làm lãng phí một phần lớn công việc và năng lực của con người. Karma-yoga dạy cho ta cách làm việc chỉ vì công việc, không luyến cảm, không quan tâm ai được giúp đỡ và giúp để làm gì[6].

Một karma-yogi làm việc chỉ vì đó là bản tính hoạt động của họ, bởi vì họ cảm thấy làm thế là tốt, và họ không nhắm đến một mục đích nào khác. Vị trí của họ trong thế gian này là làm người ban phát, và họ không bao giờ quan tâm đến chuyện nhận bất cứ thứ gì.

Họ biết rằng họ đang cho đi mà không đòi hỏi có gì đáp lại, do đó, họ vượt qua được mọi khốn khổ. Khổ đau, bất kể nó đến lúc nào, đều là kết quả của tâm luyến cảm. Kế đó là bhakti-yoga dành cho những người mang bản tính đa cảm, dễ xúc động, những người có lòng yêu thương.

Họ muốn yêu thương Thượng Đế; họ tin tưởng và vận dụng đủ mọi thứ nghi thức, hương hoa, đền thờ tráng lệ, hình thức xinh đẹp, cùng tất cả những điều như thế. Các bạn có ý muốn nói rằng họ sai chăng? Có một điều tôi phải nói cho các bạn biết.

Các bạn nên nhớ rằng, đặc biệt là ở xứ sở này, tất cả những bậc đạo sư tâm linh vĩ đại của thế giới đều chỉ được sản sinh ra từ những giáo phái có thần thoại và nghi lễ vô cùng phong phú.

Tất cả những giáo phái nào cố gắng sùng bái Thượng Đế không cần đến nghi thức cũng đều giày xéo không thương tiếc những điều cao đẹp và tôn nghiêm trong tôn giáo. Tôn giáo của họ là sự cuồng tín – một thứ cực kỳ khô cằn. Lịch sử thế giới đã là chứng nhân thường xuyên cho sự kiện này.

Bởi vậy, xin đừng chê bai, chỉ trích những nghi lễ và thần thoại này. Cứ để dân chúng có những thứ đó; ai thích thì cứ để cho họ có những thứ đó. Đừng có phô ra nụ cười chế nhạo rẻ tiền, và nói: “Họ là một lũ khùng, cứ để mặc họ có cái đó đi”.

Bởi vì không phải thế. Những bậc vĩ nhân mà tôi gặp trong đời mình, những vị có đời sống tâm linh phát triển kỳ diệu nhất, tất cả đều đã trải qua thanh quy giới luật của những nghi lễ này. Tôi thấy mình không xứng ngồi dưới chân các vị đó, phê phán các vị thật là điều xấu hổ cho tôi!

Làm sao tôi biết được những ý tưởng này đã ảnh hưởng đến tâm trí nhân loại ra sao? Tôi phải chấp nhận tư tưởng nào và từ bỏ tư tưởng nào? Chúng ta cứ ưa phê phán mọi thứ trên đời, mà chẳng có lý do xác đáng nào.

Cứ để mọi người có tất cả mọi thứ thần thoại mà họ cần, với những linh cảm đẹp đẽ; vì các bạn phải luôn luôn ghi nhớ rằng những bản tính đa cảm không hề quan tâm gì đến những định nghĩa trừu tượng về chân lý. Đối với họ thì Thượng Đế phải là cái gì đó cụ thể, là một sự vật duy nhất có thực.

Họ cảm nhận được, nghe được, thấy được Ngài và yêu thương Ngài. Hãy để họ có Thượng Đế của riêng mình. Đối với họ thì con người duy lý của các bạn giống như một kẻ ngốc, hễ nhìn thấy một pho tượng đẹp là muốn bẻ ra để xem nó được làm bằng chất liệu gì.

Bhakti-yoga dạy cho họ thương yêu mà không cần đến bất kỳ một động cơ kín đáo nào; họ thương yêu Thượng Đế và thích làm việc thiện vì thấy đó là điều tốt, chứ không phải để lên thiên đàng, để cầu con cái, của cải hay bất cứ thứ gì.

Bhakti-yoga dạy cho họ rằng bản thân sự thương yêu đã là phần thưởng tối cao của thương yêu rồi – chính Thượng Đế là Tình Thương. Pháp môn này dạy cho họ dâng đủ mọi thứ lễ vật lên Thượng Đế như là đấng Tạo Hóa, đấng Vô Sở Bất Tại, đấng Toàn Trí, đấng Cai Trị Toàn Năng, là Cha Mẹ.

Thành ngữ tối thượng để diễn tả Ngài, quan niệm tối cao mà tâm trí nhân loại có thể hình dung được Ngài, đó là: Ngài là Thượng Đế của Tình Thương. Bất cứ nơi đâu có tình thương yêu thì đó là Ngài. “Hễ nơi nào có tình thương thì đó là Ngài; đấng Chúa Tể ngự trị nơi nơi ấy”.

Nơi nào chồng hôn vợ thì Ngài ở trong nụ hôn đó; nơi nào mẹ hôn con thì Ngài ở trong nụ hôn đó; nơi nào bè bạn nắm tay nhau thì Ngài, đấng Chúa Tể, hiện hữu tại nơi ấy như là Thượng Đế của Tình Thương.

Khi nào một bậc vĩ nhân yêu thương và muốn giúp đỡ loài người thì Ngài hiện hữu ở đó, hào phóng ban phát Thương Yêu cho toàn thể loài người. Bất cứ nơi nào cõi lòng rộng mở thì Ngài hiện hữu ở nơi đó. Đó là lời dạy của pháp môn bhakti-yoga.

Cuối cùng, ta đến với các hành giả jnāna-yogi, đó là những triết gia, những nhà tư tưởng, những người muốn vượt cao hơn cõi hữu hình này. Họ là người không thỏa mãn với những sự vật vụn vặt, nhỏ bé trong thế gian này.

Quan niệm của họ là vượt qua thói quen ăn uống, cùng những sinh hoạt thường ngày. Thậm chí lời giảng dạy của hàng ngàn cuốn sách cũng không làm họ thỏa mãn. Thậm chí tất cả những nền khoa học cũng không làm họ thỏa mãn, giỏi lắm thì chúng chỉ giải thích được cái thế giới nhỏ bé này cho họ.

Vậy thì cái gì sẽ làm họ thỏa mãn? Cho dẫu hằng hà sa số cõi thế này cũng không làm họ thỏa mãn, họ xem chúng chỉ là một giọt nước trong cõi đại dương bao la của tồn tại.

Linh hồn họ muốn vượt qua tất cả để đi sâu vào tận bản tâm của vạn hữu bằng cách thấy được Thực Tại y như thực – bằng cách thể ngộ được Thực Tại đó, biến thành Nó và hợp nhất với Hằng Hữu Phổ Quát. Đó là triết gia.

Nói rằng Thượng Đế là Cha Mẹ, là đấng Sáng Tạo vũ trụ, là đấng Bảo Vệ và đấng Dẫn Đạo vũ trụ thì đối với họ cũng chưa phải là cách diễn tả tương xứng. Đối với các hành giả jnāna-yogi thì Ngài là Sự Sống của đời sống họ, Linh Hồn của linh hồn họ.

Thượng Đế là Chân Ngã của họ. Tất cả đều là Thượng Đế, không có gì chẳng phải là Ngài. Tất cả những thành phần mang bản chất phù du tử diệt của họ đều bị những cú đấm trầm trọng của triết học đánh cho tan nát và quét sạch đi.

Cái thực sự còn lại cuối cùng chính là Thượng Đế. Có hai con chim đậu trên cùng một cây, một con đậu trên ngọn, một con đậu dưới thấp.

Con chim trên ngọn thì trầm lặng và oai vệ, đắm chìm trong ánh hào quang rực rỡ của mình; con chim ở dưới thấp lúc thì ăn nhằm trái ngọt, lúc thì ăn nhằm trái đắng, nó nhảy nhót từ cành này sang cành kia, lúc thì thấy hạnh phúc, lúc thì thấy đau khổ.

Sau một thời gian, con chim ở dưới thấp ăn nhằm một trái cực kỳ đắng và thấy kinh tởm. Nó ngước lên nhìn và thấy con chim kia, diệu kỳ trong bộ lông vàng rực rỡ, không ăn trái ngọt mà cũng chẳng ăn trái đắng, không hạnh phúc cũng chẳng khổ đau, cứ trầm tĩnh, tập trung vào Chân Ngã, không thấy gì ngoài Chân Ngã của mình.

Con chim ở dưới thèm muốn trạng thái đó, nhưng chẳng bao lâu nó quên đi mất, rồi lại bắt đầu ăn trái cây. Được một hồi, nó lại ăn nhằm một trái cực kỳ đắng khác và thấy đau khổ, nó lại ngước lên nhìn và cố gắng đến gần con chim trên ngọn.

Lần nữa, nó lại quên bẵng đi, rồi sau một lúc, nó lại ngước nhìn lên, rồi nó cứ lặp đi lặp lại như thế, cho đến khi nó đến gần con chim xinh đẹp kia, và thấy ánh hào quang từ bộ lông vàng kia phản chiếu chung quanh người nó, nó cảm nhận được sự chuyển hóa và tựa hồ như tan biến đi.

Nó càng đến gần thêm nữa, mọi vật chung quanh nó tựa hồ như tan biến mất, rồi cuối cùng nó hiểu được hiện tượng kỳ diệu này. Có thể nói con chim ở dưới thấp chỉ là cái bóng trông như thật, hay chỉ là sự phản chiếu của con chim trên ngọn; tự bản chất, nó lúc nào cũng chính là con chim trên ngọn.

Chuyện con chim dưới thấp cứ lần lượt ăn nhằm trái cây ngọt hoặc đắng, hưởng hạnh phúc hoặc chịu khổ đau, chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ mà thôi, con chim chân thực vẫn mãi mãi ở nơi đó, trầm lặng an nhiên, rực rỡ và oai vệ, vượt ngoài mọi ưu sầu, khổ não.

Con chim ở trên ngọn cây là Thượng Đế, đấng Chúa Tể của vũ trụ, còn con chim ở dưới thấp là linh hồn con người, ăn những trái cây ngọt, đắng của trần gian.

Thỉnh thoảng, con người phải chịu một cú đấm nặng nề. Họ liền ngừng ăn trong một thời gian và hướng đến một đấng Thượng Đế xa lạ, rồi cơn lũ ánh sáng tràn đến. Họ nghĩ rằng thế gian này chỉ là một tấn tuồng hư huyễn.

Thế nhưng giác quan lại lôi họ xuống, và họ lại tiếp tục ăn những trái cây ngọt, đắng của trần gian như trước. Rồi họ lại bị một cú đấm như trời giáng. Tâm hồn họ lại mở rộng ra trước ánh linh quang. Cứ như thế, họ dần dần tiếp cận được với Thượng Đế, và khi càng đến gần thì họ càng thấy cái tự ngã cố hữu của mình tan biến mất.

Khi đến đủ gần thì họ thấy mình chính là Thượng Đế chứ không gì khác, rồi tuyên bố: “Đấng mà tôi đã mô tả cho các bạn như là Sự Sống của vũ trụ này, đấng đang hiện hữu trong nguyên tử, trong mặt trời, mặt trăng – thì Ngài chính là nền tảng cho sự sống của chúng ta, là Linh Hồn của mọi linh hồn.

Nói cho đúng hơn thì các bạn chính là Ngài”. Đây là lời dạy của pháp môn jnāna-yoga. Nó bảo cho con người biết rằng bản chất họ chính là thần linh. Nó chỉ cho con người thấy nhất thể chân thực của tồn tại, đó là: mỗi người chúng ta đều chính là Thượng Đế Tối Cao đang hiển thị trên thế gian này.

Tất cả chúng ta – từ loài sâu bọ thấp kém nhất đang bò dưới chân ta, cho đến những nhân vật tối cao mà chúng ta ngưỡng mộ và kính sợ – đều là những sự hiển lộ của cùng một Thượng Đế.

Cuối cùng, điều khẩn yếu là cần phải thực hành được tất cả những pháp môn yoga này, cứ lý thuyết suông thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Trước tiên, chúng ta phải nghe thuyết giảng về chúng, rồi chúng ta phải tư duy về chúng.

Chúng ta phải suy diễn những tư tưởng đó, khắc trong chúng trong trí não, chúng ta phải quán tưởng về chúng, thực chứng được chúng, cho đến lúc cuối cùng, khi chúng trở thành toàn bộ đời sống của chúng ta[7].

Tôn giáo không còn là một mớ ý tưởng hay lý thuyết nữa, cũng chẳng phải là sự chấp thuận bằng trí năng, mà nó đi sâu vào chính tự ngã của chúng ta. Khi dùng trí năng để chấp thuận thì hôm nay chúng ta có thể tán đồng nhiều chuyện điên rồ, để rồi hôm sau lại đổi ý hoàn toàn.

Nhưng tôn giáo chân thực thì không bao giờ thay đổi. Tôn giáo là tu tập, là thực chứng, chứ không phải là những lời nói suông, cũng chẳng phải là giáo lý hay lý thuyết, cho dù những thứ đó có đẹp đẽ đến mấy đi chăng nữa.

Tôn giáo là hiện hữu và chuyển hóa, chứ không phải là chuyện nghe theo rồi chấp nhận. Đó là sự chuyển hóa của toàn bộ linh hồn thành đức tin. Đó là tôn giáo.

[1] Tức giai đoạn 1850-1900.

[2] Nước Anh thời đó có nhiều nhân vật nổi tiếng đều mang tên John Lubbock, nên không rõ đại sư Vivekananda muốn nói đến ai.

[3] Lịch sử chứng minh cho ta thấy những triết thuyết hô hào xây dựng một “thế giới đại đồng” với tình huynh đệ trên toàn thế giới bằng những ngôn từ đao to búa lớn thực chất chỉ là những lời rỗng tuếch, và nó chỉ đem lại cho nhân loại vô vàn tang tóc. Nó đẩy lịch sử nhân loại vào một mô hình xã hội mang tính hủy diệt văn hóa còn hơn những xã hội mà nó muốn xóa bỏ bằng bạo lực.

[4] Đây là hình ảnh “bình đẳng” đáng sợ của những mô hình “thế giới đại đồng” được xây dựng bằng những tư duy ấu trĩ duy ý chí, trong đó mọi người ai nấy đều có cuộc sống và tư duy rập khuôn giống hệt như nhau.

[5] Biệt ngữ [ jargon] là thuật ngữ do một nhóm người nào đó dùng riêng, mà người khác không sao hiểu được.

[6] Đây là tinh thần “Vô công dụng hạnh” của Phật giáo.

[7] Đây cũng chính là pháp môn “văn, tư, tu” của Phật giáo. Nghe thuyết pháp hoặc học hỏi từ kinh điển là văn; nghiên cứu, trầm tư quán tưởng về những điều đã tiếp thu là tư; tu tập để thực chứng được điều đã học là tu.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x