Trang chủ » Những giai đoạn đầu tiên

Những giai đoạn đầu tiên

by Trung Kiên Lê
80 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Rāja-yoga được chia ra làm tám giai đoạn.

1. Giai đoạn đầu tiên là yama, tức ngũ giới: không sát sinh, không gian dối, không trộm cắp, không tà dâm và không thọ lãnh lễ vật.

2. Kế đó là niyama tức ngũ hạnh: tịnh hạnh, an vui, khổ hạnh, nghiên cứu và tận hiến cho Thượng Đế.

3. Rồi đến āsana, tức tư thế.

4. Giai đoạn thứ tư là prānāyāma, tức kiểm soát prāna (nguyên sinh khí).

5. Giai đoạn thứ năm là pratyāhārā, tức kiểm soát giác quan trước các đối tượng.

6. Giai đoạn thứ sáu là drāranā, tức chú tâm vào một điểm.

7. Giai đoạn thứ bảy là dhyānā, tức thiền.

8. Giai đoạn thứ tám là samādhi, tức định hay siêu thức[1]. Yama và niyama là những giới luật đạo đức, nếu không có nó thì không thể thực hành thành công bất kỳ pháp môn yoga nào.

Khi đã có nền tảng vững chắc về giới luật thì hành giả yogi bắt đầu thực chứng được những thành quả của công phu tu tập, nếu thiếu chúng thì không thể có được thành quả nào. Một hành giả yogi không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai bằng ý nghĩ, hành động hay lời nói.

Lòng từ bi của người đó không chỉ dành cho loài người, mà còn đi xa hơn nữa để bao trùm toàn thể thế giới. Tiếp theo là āsana, tức tư thế, gồm một loạt các bài tập về thể xác lẫn tinh thần cần phải thực hành hàng ngày, cho đến khi đạt đến những trạng thái nào đó cao siêu hơn.

Bởi vậy, tìm được tư thế để hành giả có thể duy trì lâu dài là điều tuyệt đối cần thiết. Tư thế nào dễ nhất đối với mỗi hành giả chính là tư thế cần phải dùng. Một tư thế có thể rất dễ với người này, nhưng lại quá khó đối với người khác.

Sau đây, trong suốt quá trình nghiên cứu về những vấn đề tâm lý học, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều hoạt động liên tục diễn ra trong thể xác này.

Những dòng thần kinh sẽ bị dịch chuyển và đưa vào một dòng chảy mới. Những loại dao động mới sẽ khởi đầu, và toàn bộ cấu trúc của thể xác sẽ được tái tạo, có thể nói như vậy.

Nhưng phần chính của hoạt động này sẽ nằm dọc theo cột sống, do đó, điều duy nhất cần thiết cho tư thế này là giữ cho cột sống được thoải mái, ngồi thật thẳng, giữ cho ba phần – ngực, cổ và đầu – nằm theo một đường thẳng.

Hãy để xương sườn chống đỡ toàn bộ sức nặng cơ thể, như vậy các bạn sẽ có một tư thế thoải mái tự nhiên, với cột sống đứng thẳng. Tự nhiên các bạn sẽ nhận ra một điều là ta không thể nghĩ ra được những tư tưởng rất cao xa với lồng ngực gập lại.

Tư thế này của rāja-yoga có ít nhiều điểm tương tự với Hatha-yoga, là pháp môn yoga chuyên rèn luyện thể xác, với mục đích tạo ra một thân thể cực kỳ khỏe mạnh.

Chúng ta không cần quan tâm đến pháp môn yoga đó ở đây, bởi vì nó rất khó thực hành, không thể học được trong ngày một ngày hai, và cuối cùng nó cũng chẳng giúp cho tâm linh tiến bộ được bao nhiêu. Nhiều bài tập thực hành hatha-yoga, các bạn có thể tìm thấy nơi Delsarte và những nơi khác.

Đối tượng của những bài luyện tập này chỉ dành cho thể xác, chứ không phải tâm linh.

Không một cơ bắp nào trên cơ thể mà hành giả hatha-yogi lại không có khả năng kiểm soát hoàn toàn, ông ta có thể ra lệnh cho trái tim ngừng đập hoặc tiếp tục đập, tương tự như vậy, ông ta có thể buộc mọi bộ phận cơ thể hoạt động theo lệnh của mình.

Kết quả đạt được từ pháp môn yoga này là giúp con người trường thọ, sức khỏe là ý tưởng chính, là mục tiêu duy nhất của hành giả hatha-yogi.

Ông ta quyết định không mắc bệnh, vậy là không bao giờ mắc bệnh. Ông ta sống rất thọ, một trăm năm chẳng là gì đối với một hành giả hatha-yogi, ông ta luôn luôn trẻ trung và tươi tắn cho đến một trăm năm mươi tuổi, không một sợi tóc hoa râm.

Nhưng chỉ có thế thôi. Một cây đa đôi khi sống đến năm ngàn tuổi, nhưng nó cũng vẫn chỉ là một cây đa chứ không là gì khác. Nếu một người sống thọ thì cũng chỉ là một con thú khỏe mạnh. Một vài bài tập thông thường của hatha-yoga tỏ ra rất hữu ích.

Chẳng hạn một số bạn thấy chữa bệnh nhức đầu bằng cách uống nước lạnh bằng mũi lúc vừa thức giấc là điều tốt, cả ngày hôm đó, đầu óc các bạn tươi mát, và các bạn sẽ không bị cảm lạnh.

Làm điều này thật dễ, đặt lỗ mũi bạn vào trong nước, rồi hít nước vào trong cổ họng. Sau khi đã học cách giữ tư thế ngồi vững vàng, ngay ngắn, hành giả phải – theo một số trường phái – thực hành bài tập được gọi là tẩy uế thần kinh.

Một số người đã loại bỏ phần này, xem như không thuộc về Rāja-yoga, nhưng một nhà chú giải lỗi lạc đầy thẩm quyền là Śankarāchārya lại khuyên nên thực hành nó, tôi tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, và xin trích lời hướng dẫn trực tiếp của ông từ bản chú giải kinh Śvetāśvatara Upanisad: Khi tâm trí đã được prānāyāma loại bỏ toàn bộ những thứ cặn bã ra ngoài thì nó trở nên cố định trong Brahman, do đó, prānāyāma được chỉ bày.

Trước tiên, các dây thần kinh được tẩy uế, tiếp theo đó là năng lực để thực hành prānāyāma. Dùng ngón tay cái bịt kín lỗ mũi bên phải, để lỗ mũi bên trái hít thật đầy không khí đến mức tối đa, rồi lập tức bịt kín lỗ mũi bên trái, và tống hết không khí ra ngoài bằng lỗ mũi bên phải.

Rồi lại dùng lỗ mũi bên phải hít thật đầy không khí đến mức tối đa, và tống hết không khí ra ngoài bằng lỗ mũi bên trái. Thực hành như thế mỗi ngày ba hoặc năm lần, vào các thời điểm: trước lúc bình minh, giữa trưa, buổi chiều và nửa đêm, thần kinh của hành giả sẽ được tẩy uế. Lúc đó mới bắt đầu prānāyāma.

Thực hành là điều tuyệt đối cần thiết. Các bạn có thể ngồi nghe tôi giảng cả giờ mỗi ngày, nhưng nếu không thực hành thì các bạn cũng sẽ chẳng tiến bộ thêm một bước nào. Tất cả điều tùy thuộc vào công phu thực hành. Chúng ta không bao giờ hiểu những điều này, cho đến chừng nào chúng ta trải nghiệm được chúng.

Chúng ta phải tự mình thấy và cảm nhận được chúng. Chỉ lắng nghe các lời giải thích và lý thuyết suông sẽ chẳng làm được gì. Có một số trở ngại trong thực hành.

Trở ngại thứ nhất là thân thể không khỏe mạnh, nếu thân thể không ở trong trạng thái thích hợp thì việc thực hành sẽ gặp trở ngại. Bởi vậy, chúng ta phải giữ gìn thân thể trong tình trạng sức khỏe tốt, chúng ta phải quan tâm đến thực phẩm mình ăn uống và hành vi mình làm.

Hãy luôn vận dụng một thứ nỗ lực tinh thần, thường được gọi là “Khoa học Cơ Đốc giáo”[2], để giữ gìn cho thân thể khỏe mạnh. Thế là đủ, không cần gì thêm cho thể xác nữa. Chúng ta đừng quên rằng sức khỏe chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh.

Nếu sức khỏe là cứu cánh thì chúng ta chẳng khác gì loài vật, loài vật hiếm khi đau ốm. Trở ngại thứ hai là tính hoài nghi. Chúng ta luôn nghi ngờ về những thứ mà mình không thấy được. Con người, cho dù có cố gắng đến cách mấy đi nữa, cũng không thể sống bằng những lời nói suông được.

Bởi vậy, chúng ta đâm ra hoài nghi, không biết được chút sự thật nào trong những lời dạy đó hay không, ngay cả những người ưu tú nhất trong chúng ta cũng đôi khi không tránh khỏi nghi ngờ.

Chỉ cần thực hành trong một đôi ngày là ta sẽ có được một ý niệm thoáng qua, đủ để đem đến cho chúng ta sự động viên khuyến khích và nguồn hy vọng. Đúng như lời của một nhà chú giải Yoga: “Khi đạt được một bằng chứng, dầu nhỏ đến mấy đi nữa, nó cũng cho chúng ta niềm tin trọn vẹn vào pháp môn Yoga”.

Chẳng hạn, sau một vài tháng tập luyện đầu tiên, các bạn sẽ thấy rằng mình bắt đầu có thể đọc được tư tưởng của người khác, chúng hiện ra với các bạn dưới hình thức một bức tranh. Có thể các bạn sẽ nghe được một thứ gì đó đang diễn ra ở một nơi rất xa, nếu các bạn muốn tập trung tinh thần để lắng nhe.

Những ý niệm thoáng qua này sẽ đến theo từng chút một, nhưng đủ để đem đến cho các bạn niềm tin, sức mạnh và hy vọng.

Chẳng hạn, nếu tập trung tư tưởng vào chóp mũi, một vài ngày sau các bạn sẽ bắt đầu ngửi thấy một mùi hương vô cùng tuyệt diệu, và điều đó đủ để chứng minh cho các bạn thấy rằng có những nhận thức tinh thần có thể hiển lộ mà không cần phải tiếp xúc với đối tượng hữu hình.

Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng những thứ đó chỉ là phương tiện, còn mục tiêu, cứu cánh và cùng đích của mọi sự tập luyện này là để giải thoát linh hồn. Chế ngự toàn bộ bản tính ta, không để sót một thứ gì, đó phải là mục đích.

Chúng ta phải là chủ nhân chứ không phải là nô lệ của bản tính mình, cả tinh thần lẫn thể xác đều không thể là chủ nhân của ta, và chúng ta cũng không được quên rằng thể xác thuộc về chúng ta, chứ không phải chúng ta thuộc về thể xác. Một vị thần và một con quỷ đến học hỏi về Chân Ngã với một vị đại hiền triết.

Họ học hỏi trong một thời gian dài, và cuối cùng vị hiền triết đó bảo: “Các ngươi chính là Đấng mà các ngươi đang tìm kiếm”. Cả hai đều nghĩ rằng thể xác họ là Chân Ngã.

Con quỷ cực kỳ thỏa mãn, quay về bảo với người dân của nó: “Ta đã học đầy đủ mọi thứ cần học, hãy ăn chơi vui vẻ, chúng ta chính là Chân Ngã, ngoài ra chẳng có gì nữa”. Bản chất của con quỷ vốn ngu muội, u mê, nên nó không bao giờ tìm hiểu gì thêm nữa, mà hoàn toàn thỏa mãn với ý nghĩ rằng nó là Thượng Đế, còn thể xác có nghĩa là Chân Ngã.

Còn vị thần thì bản chất thanh tịnh hơn. Thoạt đầu, ông ta phạm sai lầm khi nghĩ rằng: “Ta, thể xác này, là Brahman, bởi vậy hãy giữ cho thể xác được cường tráng, mạnh khỏe, hãy ăn ngon mặc đẹp, và hưởng thụ đủ mọi lạc thú”.

Nhưng chẳng mấy chốc, vị thần thấy rằng điều đó không thể là ý nghĩa trong lời dạy của nhà hiền triết, sư phụ của mình; hẳn phải có một cái gì đó cao siêu hơn nữa. Bởi vậy, ông ta bèn quay lại và hỏi: – Bạch sư phụ, có phải người đã dạy con rằng thể xác này là Chân Ngã? Nếu vậy, sao con lại thấy mọi thể xác đều bị chết, nhưng Chân Ngã thì không thể chết được.

Vị hiền triết đáp: – Hãy tìm đi, ngươi là Đấng đó. Vị thần bèn nghĩ rằng ý của vị hiền triết muốn nói đến những dòng sinh lực làm cho cơ thể hoạt động. Nhưng chỉ sau một thời gian, vị thần thấy rằng nếu ông ta ăn thì những dòng sinh lực đó mới mạnh mẽ, còn ông ta nhịn đói thì chúng trở nên yếu ớt, bạc nhược.

Vị thần bèn quay lại và hỏi: – Bạch sư phụ, có phải ý người muốn nói rằng những dòng sinh lực là Chân Ngã? Vị hiền triết đáp: – Hãy tự tìm đi, ngươi là Đấng đó. Một lần nữa, vị thần quay về nhà, và nghĩ rằng có lẽ tâm trí chính là Chân Ngã.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông ta ngẫm thấy tư tưởng quá đa dạng, lúc thiện lúc ác, tâm trí biến đối quá bất thường không thể là Chân Ngã được. Vị thần bèn quay lại với nhà hiền triết và nói: – Bạch sư phụ, con không tin rằng tâm trí là Chân Ngã.

Có phải ý của người là thế không? Vị hiền triết đáp: – Không, ngươi là Đấng đó, hãy tự mình tìm đi.

Vị thần quay về, và cuối cùng nhận thấy rằng mình chính là Chân Ngã, siêu việt mọi tư tưởng, là cái duy nhất, không sinh không diệt, đao kiếm không thể đâm thủng, lửa không thể đốt cháy, gió không thể làm cho khô héo, nước không thể làm cho tan rã, nó vô thủy vô chung, là Hằng Hữu bất động, vô hình, toàn trí, toàn năng, chẳng phải là thể xác hay tâm trí mà vượt lên trên cả hai.

Bởi thế, vị thần thấy thỏa mãn, còn con quỷ đáng thương kia, do quá mê say thân xác, nên không đạt đến chân lý được.

Thế gian này có rất nhiều người có bản chất giống như con quỷ đó, nhưng cũng có một số người có bản chất giống như vị thần kia. Nếu người nào đề nghị dạy bất kỳ một môn khoa học nào nhằm nâng cao khả năng hưởng lạc thì sẽ có đông đảo mọi người sẵn sàng nghe theo ông ta.

Nhưng nếu có người nào đứng ra chứng minh cho nhân loại thấy mục tiêu tối thượng thì có rất ít người nghe theo. Rất hiếm người có khả năng thấu hiểu được mục tiêu tối cao, còn số người đủ kiên trì để đạt đến nó lại càng hiếm hoi hơn nữa.

Nhưng cũng có một số ít người biết rằng dù có kéo dài thể xác đến vài ngàn năm đi nữa thì rốt cuộc cũng sẽ kết thúc như nhau. Khi những lực duy trì cho thể xác mất đi thì nó phải sụp đổ.

Không một ai từng sinh ra đời lại có thể ngăn thể xác mình ngưng biến đổi, dù chỉ trong một thoáng chốc. Thể xác là tên gọi của một loạt các biến đổi.

“Giống như trong một con sông, những khối nước không ngừng biến đổi trước mắt các bạn trong từng thoáng chốc, những khối nước mới đang trôi đến, nhưng vẫn mang hình thể tương tự, thì thể xác này cũng vậy”.

Tuy nhiên, thể xác cần phải được giữ gìn cho cường tráng và khỏe mạnh, nó là công cụ tốt nhất mà ta có được. Thể xác con người là thể xác vĩ đại nhất trong vũ trụ, và con người là sinh vật vĩ đại nhất.

Con người cao cả hơn tất cả các loài thú, cao cả hơn tất cả các thiên thần, không có gì vĩ đại hơn con người. Ngay cả các deva, tức chư thiên, cũng giáng trần để đạt được giải thoát qua thân xác con người. Chỉ có con người mới đạt được sự hoàn hảo, ngay cả các deva cũng không làm được.

Theo các tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo thì Thượng Đế sáng tạo nên loài người sau khi đã tạo nên các thiên thần cùng muôn loài, sau khi tạo nên con người thì Ngài cho gọi tất cả các thiên thần đến để chào hỏi con người, tất cả thiên thần đều làm thế trừ Iblis, bởi vậy Thượng Đế nguyền rủa anh ta và bắt làm quỷ Sa-tăng.

Đằng sau câu chuyện ngụ ngôn này là một chân lý vĩ đại: sự khai sinh ra con người là sự khai sinh vĩ đại nhất mà chúng ta có được.

Những sinh vật thấp kém như loài thú thì đần độn, và phần lớn chúng được tạo thành từ tama. Loài vật không có bất kỳ tư tưởng cao siêu nào, ngay cả chư thần, hay các deva, cũng không thể đạt nào được sự giải thoát trực tiếp nếu không sinh làm người.

Tương tự như vậy, trong xã hội loài người, quá giàu có hay quá nghèo khổ đều là chướng ngại, ngăn không cho linh hồn tiến hóa cao hơn. Chính từ giai cấp trung lưu đã sản sinh ra những vĩ nhân của thế giới. Ở đây, các lực đó được điều chỉnh và cân xứng như nhau.

Quay lại với chủ đề của chúng ta, giai đoạn kế tiếp là prānāyāma hay điều khiển hơi thở. Điều đó có liên quan gì đến việc tập trung năng lực của tâm trí? Hơi thở giống như cái bánh đà của cái cỗ máy là thể xác này.

Trong động cơ lớn, các bạn thấy bành đà khởi động trước, rồi sự chuyển động đó được truyền vào cỗ máy càng lúc càng tinh tế, cho đến khi cả cơ chế tinh tế nhất và nhẹ nhàng nhất trong cỗ máy đều vận hành hài hòa. Hơi thở là cái bánh đà đó, nó cung cấp và điều tiết động lực đến mọi bộ phận trong thể xác này.

Ngày xưa có viên đại thần thờ một vị vua vĩ đại. Ông bị thất sủng, và nhà vua hạ lệnh giam ông ta trên đỉnh của một tòa tháp rất cao để trừng phạt. Lệnh được thi hành, và viên đại thần bị bỏ rơi trên đó cho đến chết. Nhưng ông có một bà vợ trung thành.

Khi màn đêm buông xuống, bà đến chỗ ngọn tháp và gọi người chồng ở tuốt trên cao, hỏi mình có thể giúp được gì. Viên đại thần bảo bà vợ đêm hôm sau quay lại và mang theo một sợi thừng dài, một cuộn dây chắc, một sợi chỉ gói đồ, một sợi chỉ tơ, một con bọ hung và một ít mật ong.

Bà vợ rất lấy làm lạ, nhưng vẫn nghe lời chồng và mang theo những thứ ông cần. Viên đại thần bảo vợ buộc thật chắc sợi chỉ tơ vào thân con bọ hung, rồi bôi một giọt mật ong lên sừng của nó, sau đó thả nó bò tự do trên tường với cái đầu hướng lên trên.

Bà vợ làm y theo lời dặn, và con bọ hung bắt đầu cuộc hành trình. Con bọ hung ngửi thấy mùi mật ong trước mũi nên cứ từ từ bò lên trên, hy vọng sẽ đến được chỗ có mật, cho đến khi nó bò đến tận đỉnh tháp thì viên đại thần bắt được nó, và nắm được sợi chỉ tơ.

Ông bảo vợ cột đầu kia của sợi chỉ tơ vào sợi chỉ cột đồ, và sau khi ông kéo lên được sợi chỉ cột đồ thì ông cũng y theo cách đó để kéo lên theo sợi dây chắc, và cuối cùng là sợi dây thừng. Công việc còn lại rất dễ dàng. Viên đại thần dùng sợi dây thừng để leo xuống đất và trốn thoát.

Trong cơ thể chúng ta, hơi thở là “sợi chỉ tơ”, khi nắm được nó và học cách điều khiển nó thì ta có thể nắm được “sợi chỉ cột đồ” là những dòng thần kinh, và từ đó, ta nắm được “sợi dây chắc” là tư tưởng, và cuối cùng là sợi thừng prānāyāma, kiểm soát được prānāyāma thì chúng ta đạt đến tự do.

Chúng ta chẳng biết chút gì về thể xác của mình, chúng ta không thể biết được. Giỏi lắm thì chúng ta lấy một xác chết, mổ xẻ nó ra, cũng có những người có thể bắt một con vật sống và mổ nó ra để xem cái gì nằm ở bên trong cơ thể đó.

Dẫu có làm thế thì điều đó cũng chẳng liên quan gì đến cơ thể chúng ta. Chúng ta hiểu biết rất ít về cơ thể mình. Vì sao như thế? Bởi vì sự chú tâm của chúng ta chưa đủ sức để phân biệt những vận động vô cùng tế vi đang diễn ra ở bên trong.

Chúng ta chỉ có thể biết được những vận động đó khi tâm trí trở nên tinh tế hơn và, có thể nói như vậy, đi sâu hơn vào cơ thể. Để có được nhận thức tinh tế đó, chúng ta phải bắt đầu bằng những nhận thức thô hơn.

Chúng ta phải nắm được cho bằng được cái đang điều khiển sự vận hành của động cơ này, và đó là prāna, mà biểu hiện rõ rệt nhất của nó là hơi thở.

Sau đó, cùng với hơi thở, chúng ta sẽ từ từ tiến vào bên trong cơ thể, và điều đó giúp ta có thể phát hiện ra những nguồn lực tế vi, tức những dòng thần kinh chu lưu trong cơ thể. Ngay khi nhận ra được điều đó, và học cách cảm nhận chúng, chúng ta sẽ bắt đầu chế ngự được chúng, và chế ngự được toàn bộ cơ thể mình.

Tâm trí cũng nhờ những dòng thần kinh đó mà vận động, do đó, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến trạng thái chế ngự được toàn bộ thân tâm, biến cả hai thành kẻ tôi tớ của mình. Tri thức là sức mạnh.

Chúng ta phải nắm bắt được sức mạnh này, bởi vậy chúng ta phải bắt đầu tại điểm khởi đầu là prānāyāma, nghĩa là chế ngự prāna, hay điều khí. Prānāyāma này là một chủ đề dài, sẽ cần đến vài bài giảng nữa để giải thích đầy đủ về nó. Chúng ta sẽ giải thích từng phần một.

Dần dần, chúng ta sẽ hiểu đâu là lý do phải thực hành những bài tập này, và hiểu được những lực đang vận động trong cơ thể là gì. Tất cả những điều này sẽ đến với chúng ta, nhưng nó đòi hỏi sự thực hành kiên trì, và bằng chứng sẽ đến nhờ công phu tập luyện.

Chừng nào các bạn chưa tự thực chứng lấy điều đó thì không một khối lượng lý luận nào tôi gởi đến các bạn lại có thể trở thành bằng chứng cho các bạn được.

Ngay khi các bạn cảm nhận được những dòng khí đó chuyển động khắp châu thân thì những nỗi nghi ngờ đều tan biến, nhưng điều đó đòi hỏi phải luyện tập kiên trì hàng ngày.

Các bạn phải luyện tập tối thiểu hai lần mỗi ngày, và thời điểm thích hợp nhất là lúc gần rạng đông và chạng vạng tối. Khi đêm chuyển sang ngày và ngày chuyển sang đêm sẽ phát sinh một trạng thái tương đối yên tĩnh. Lúc rạng đông và hoàng hôn là hai thời điểm yên tĩnh.

Cơ thể các bạn cũng có khuynh hướng trở nên yên tĩnh tại các thời điểm đó. Chúng ta sẽ lợi dụng trạng thái đó của tự nhiên để bắt đầu tập luyện.

Hãy giữ một quy tắc là không được ăn uống cho đến khi đã tập xong, nếu các bạn làm thế thì sức mạnh sắc nhọn của cơn đói sẽ bẻ gãy sự lười biếng của các bạn.

Ở Ấn Độ, người ta dạy trẻ em không được ăn uống gì cho đến khi tập luyện hoặc làm lễ xong, sau một thời gian thì điều này trở nên tự nhiên, đứa nhỏ sẽ không còn thấy đói cho đến khi nó tắm rửa và tập luyện xong. Trong số các bạn, ai có đủ điều kiện thì nên có một căn phòng riêng để tập luyện một mình.

Đừng ngủ trong phòng đó, phải giữ nó được thiêng liêng. Các bạn chớ nên bước vô phòng đó trước khi tắm rửa, và thân tâm phải hoàn toàn trong sạch.

Nhớ luôn luôn đặt hoa trong phòng đó, hoa là môi trường cực tốt một một hành giả yogi, và treo thêm những tranh ảnh đẹp. Đốt hương mỗi sáng và chiều. Đừng có cãi vã, hoặc nổi nóng hay có những tư tưởng thô tục trong căn phòng đó.

Chỉ để cho những người nào có tư tưởng giống như bạn bước vào phòng đó mà thôi. Như thế, dần dần trong phòng sẽ tạo ra một bầu không khí linh thiêng, và mỗi khi các bạn gặp cảnh khốn khổ, muộn phiền, hoài nghi hay tâm trí bị xáo trộn, chỉ cần bước vô căn phòng đó là các bạn sẽ thấy tâm hồn bình thản trở lại.

Đó là quan niệm của đền thờ hay giáo đường, thậm chí hiện nay tại một số đền thờ hay giáo đường, các bạn cũng còn tìm được cảm giác đó, song phần lớn thì quan niệm này đã bị đánh mất.

Trong thực tế, nếu gìn giữ những dao động tâm linh tại một nơi nào đó thì các bạn biến nó thành một chốn linh thiêng.

Những người nào không có được một phòng riêng thì có thể tập luyện tại bất cứ nơi nào họ thích. Các bạn hãy ngồi trong tư thế thật thẳng, và điều đầu tiên cần làm là gởi một luồng tư tưởng linh thiêng đến với muôn loài.

Hãy lặp đi lặp lại trong tâm trí: “Cầu cho muôn loài đều được hạnh phúc, cầu cho muôn loài đều được bình an, cầu cho muôn loài đều hưởng lạc phúc”. Hãy làm như thế đến cả bốn phương đông, tây, nam, bắc. Càng làm như thế, các bạn cảm thấy mình càng tốt đẹp hơn.

Cuối cùng các bạn sẽ thấy rằng cách dễ nhất để giữ cho bản thân mình khỏe mạnh là mong cho người khác được khỏe mạnh, cách dễ nhất để mình được hạnh phúc là mong cho người khác được hạnh phúc.

Sau khi làm thế rồi, ai tin Thượng Đế thì nên cầu nguyện – đừng có cầu nguyện vì tiền bạc, vì sức khỏe hay để lên thiên đàng, mà hãy cầu nguyện vì tri thức và ánh sáng, mọi cách cầu nguyện khác đều ích kỷ.

Điều cần làm tiếp theo là hãy quán tưởng rằng thể xác các bạn rất vững chắc, cường tráng và khỏe mạnh, bởi vì nó là khí cụ tốt nhất mà các bạn có được. Hãy quán tưởng nó cứng cáp như kim cương, và với sự trợ giúp của thể xác, các bạn sẽ vượt qua được biển đời.

Những kẻ yếu đuối, bạc nhược sẽ không bao giờ đạt đến giải thoát, hãy vất bỏ mọi sự yếu đuối, bạc nhược. Hãy bảo với thể xác các bạn rằng nó cường tráng, hãy bảo với tâm trí các bạn rằng nó cường tráng, và hãy có niềm tin bao la cùng một niềm hy vọng vô bờ bến nơi bản thân các bạn.

[1] Giai đoạn thứ 1 và 2 là các bước chuẩn bị, āsana là giai đoạn điều thân hay điều khiển cơ thể, prānāyāma là giai đoạn điều tức hay kiểm soát hơi thở, pratyāhārā là giai đoạn điều tâm hay kiểm soát giác quan trước các đối tượng ngoại giới. Thực ra dịch prānāyāma là điều tức theo cách dịch phổ biến không được chính xác lắm. Đọc phần tiếp theo ta sẽ rõ.

[2] Khoa học Cơ Đốc giáo (Christian Science) được Mary Baker Eddy (1821–1910) phát triển vào thế kỷ 19. Năm 1866, bà bị ngã và bị liệt tạm thời, nhưng theo bà thì nhờ cảm hứng từ Kinh Thánh mà bà được chữa khỏi bệnh liệt. Tư tưởng của bà được trình bày trong tác phẩm Science and Health (Khoa học và Sức khỏe, 1875) cho rằng bệnh tật chỉ là ảo giác, và chỉ có thể được chữa lành bằng cầu nguyện.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x