Trang chủ » Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

by Trung Kiên Lê
55 views

Chúng ta thấy tình yêu hiện diện khắp nơi trong thiên nhiên. Bất cứ điều gì tốt đẹp, vĩ đại và siêu tuyệt trong xã hội đều là kết quả của tình yêu đó; còn những điều gì xấu xa, nói đúng hơn là hiểm ác, quỷ quyệt cũng đều là kết quả của tình yêu đó, nhưng đi chệch hướng.

Cũng chính một cảm xúc đó, cái cảm xúc đem lại cho ta một tình yêu thuần khiết và gắn bó thiêng liêng giữa vợ chồng, thì đồng thời nó cũng đem lại một loại tình yêu tìm thỏa mãn trong nhục dục thấp hèn.

Cảm xúc thì giống nhau, nhưng sự biểu hiện của nó khác nhau trong những trường hợp khác nhau.

Cũng là một tình yêu, nhưng chỉ do đi đúng hướng hay đi chệch hướng, mà nó thúc đẩy người này làm việc thiện và bố thí tất cả tài sản của mình cho người nghèo, hoặc buộc người kia phải cắt cổ người anh em để cướp sạch tiền bạc, của cải.

Người trước thì yêu thương người khác cũng mạnh như kẻ sau yêu bản thân.

Trong trường hợp kẻ sau thì hướng đi thì lòng yêu thương bị dẫn dắt sai đường, nhưng nó lại đúng và thích hợp trong trường hợp khác.

Cũng một ngọn lửa, nó nấu chín bữa ăn nhưng cũng có thể đốt cháy một đứa bé; điều đó không phải là lỗi nơi ngọn lửa nếu nó làm thế; sự khác biệt nằm ở cách thức nó được sử dụng.

Do đó, tình yêu – niềm khát khao chát bỏng được giao tiếp, sự ham muốn mãnh liệt của cả hai bên muốn được kết hợp thành một và sau hết có thể là sự ham muốn mãnh liệt của tất cả mọi người muốn hòa hợp thành một – hiển lộ khắp mọi nơi dưới những hình thức cao siêu hay thấp kém tùy theo trường hợp.

Bhakti-yoga là khoa học về tình yêu cao cả hơn; nó chỉ cho ta cách hướng dẫn nó; nó chỉ cho ta cách kiểm soát nó, điều khiển nó, vận dụng nó, hướng nó đến mục tiêu mới ra làm sao, có thể nói như vậy, và từ nó ta thu thập được những kết quả vinh quang nhất và cao siêu nhất như thế nào; nghĩa là làm thế nào để nó đưa ta đến niềm lạc phúc tâm linh.

Bhakti-yoga không nói: “Hãy từ bỏ”; mà nó chỉ nói: “Hãy yêu thương, hãy yêu thương đấng Tối Cao”. Và tất cả những thứ thấp hèn nhỏ mọn tự nhiên tách lìa khỏi hành giả bhakti, đối tượng yêu thương của người đó chỉ là đấng Tối Cao. “Tôi không thể nói gì về Người cả, ngoài một điều duy nhất: Người là Tình yêu của tôi.

Người thật là đẹp đẽ, ôi, người thật là tươi đẹp! Người chính là Cái Đẹp”. Rốt cuộc, điều thật sự đòi hỏi chúng ta trong pháp môn này là: lòng khát khao mà ta hướng đến cái đẹp phải được hướng đến Thượng Đế.

Vẻ đẹp trên gương mặt con người, trên bầu trời, trong muôn vì sao, trong vầng trăng là gì? Đó chỉ là một sự lãnh hội một phần Vẻ Đẹp Thiêng Liêng chân thực và bao trùm vạn hữu. “Nhờ Ngài tỏa sáng nên muôn vật được tỏa sáng.

Chính nhờ ánh sáng của Ngài mà muôn vật đều tỏa sáng. Hãy giữ lấy vị trí cao cả đó của một hành giả bhakta, vị trí giúp các bạn quên ngay lập tức tất cả những cá tính nhỏ bé của mình. Hãy lánh xa những tham chấp ích kỷ nhỏ nhen của thế gian.

Đừng xem nhân loại là trung tâm của mọi lợi ích cao cả và mang bản chất người nơi bạn. Hãy trụ vững như một nhân chứng, quan sát và nghiên cứu hiện tượng tự nhiên.

Hãy giữ tâm vô luyến cảm với con người, và hãy xem thử cảm xúc thương yêu mãnh liệt đó tự nó hoạt động như thế nào trong thế giới này. Đôi khi có sự va chạm nhỏ, song đó chỉ là điều xảy ra trong quá trình đấu tranh để đạt đến một tình yêu chân thực và cao cả hơn.

Đôi khi có một cuộc chiến nhỏ, hoặc một sự sụp đổ nho nhỏ, nhưng tất cả chỉ là chuyện ngẫu nhiên. Hãy đứng qua một bên, và cứ để mặc những va chạm đó tự do diễn ra.

Các bạn chỉ cảm nhận được sự va chạm đó khi các bạn trôi theo dòng chảy của thế giới; nhưng khi đứng qua một bên để ngắm nhìn nó như một nhân chứng và như một nhà nghiên cứu, có thể các bạn sẽ nhìn thấy được hàng triệu triệu phương thức mà Thượng Đế dùng để hiển lộ Ngài như là tình yêu.

“Bất cứ nơi nào có niềm lạc phúc, dù trong những sự vật mang tính nhục cảm nhất, nơi đó vẫn loé lên một tia lửa của niềm Lạc Phúc Vĩnh Hằng, đó chính là đấng Chúa Tể”.

Ngay cả trong những cảm xúc hấp dẫn thấp hèn nhất vẫn có mầm mống của tình yêu thiêng liêng.

Một trong những danh xưng của Thượng Đế trong tiếng Sankrit là Hari, và từ đó có nghĩa là “Người cuốn hút tất cả vạn vật về với mình”.

Trên thực tế, Ngài là lực hấp dẫn duy nhất được cảm nhận bởi tâm hồn con người. Ai có thể thực sự lôi cuốn được một linh hồn? Chỉ có Ngài!

Các bạn nghĩ rằng vật chất chết có thể thực sự lôi cuốn được linh hồn sao? Đã không bao giờ có, và sẽ không bao giờ có.

Khi các bạn thấy một người đàn ông chạy theo một khuôn mặt khả ái, các bạn có nghĩ rằng một nhúm các phân tử vật chất được sắp xếp thành gương mặt đó đã thực sự lôi cuốn người đàn ông chăng? Hoàn toàn không.

Đằng sau những phân tử vật chất được sắp xếp đó phải là vở diễn của ảnh hưởng thần thánh và tình yêu thần thánh. Kẻ ngu không biết được điều này, tuy nhiên dù vô thức hay có ý thức, họ vẫn bị nó, và chỉ có nó thôi, lôi cuốn.

Như thế đó, ngay cả những hình thức hấp dẫn thấp kém nhất cũng lấy năng lượng của chúng từ nơi Thượng Đế.

“Không một ai, này người yêu dấu, yêu người chồng chỉ vì đó là người chồng; chính Ātman, đấng Chúa Tể bên trong mới khiến cho người chồng được yêu thương”.

Những người vợ yêu thương chồng có thể biết hoặc không biết điều này, nhưng tất cả đều giống như nhau. “Không một ai, này người yêu dấu, yêu người vợ chỉ vì đó là người vợ, mà chính Ātman, Chân Ngã bên trong của người vợ được yêu thương”.

Tương tự như vậy, không một ai yêu thương đứa trẻ hay một thứ bất kỳ nào khác trên thế gian này mà không vì Thượng Đế ở bên trong đó.

Thượng Đế là khối nam châm vĩ đại, còn chúng ta giống như những mạt sắt; chúng ta thường xuyên bị hút về phía Ngài, và chúng ta đang đấu tranh để đến được với Ngài. Tất cả sự đấu tranh của chúng ta trong thế gian này chắc chắn không nhắm đến những mục tiêu vị kỷ.

Những kẻ khờ khạo không biết mình đang làm gì, công việc của họ trong đời, rốt cuộc lại, cũng chỉ để tiếp cận với khối nam châm vĩ đại kia.

Tất cả mọi cuộc đấu tranh và chiến đấu khủng khiếp trong đời sống cũng chỉ cốt để chúng ta tiến về với Ngài lúc chung cuộc, và hợp nhất với Ngài.

Một hành giả bhakti-yoga, tuy nhiên, biết ý nghĩa của những cuộc đấu tranh trong đời sống; anh ta hiểu được nó. Anh ta trải qua một chuỗi dài những cuộc đấu tranh này và biết chúng có ý nghĩa gì, và khát khao thoát ra khỏi sự va chạm với chúng.

Anh ta muốn tránh sự xung đột, và đi thẳng vào trung tâm của mọi lực hấp dẫn – đó là đấng Hari vĩ đại.

Đây là sự buông xả của một hành giả bhakta: lực hút mãnh liệt hướng về Thượng Đế đã khiến cho mọi lực hút khác đối với anh ta đều tan biến hết; tình yêu mãnh liệt vô biên dành cho Thượng Đế đã ăn sâu vào tâm hồn anh ta, và không còn chỗ cho tình yêu nào khác ở nơi đó.

Làm sao có thể khác hơn được chứ? Bhakti làm tràn ngập tâm hồn anh ta bằng những dòng nước thiêng liêng của Đại Dương Yêu Thương – đại dương đó chính là Thượng Đế; không còn chỗ cho những tình yêu vặt vãnh.

Điều đó muốn nói rằng: sự buông xả của hành giả bhakta là vairāgya, là tâm vô luyến cảm đối với tất cả những sự vật không phải là Thượng Đế, nó là kết quả từ anurāga hay sự gắn bó cao cả với Thượng Đế.

Đây là bước chuẩn bị lý tưởng để đạt đến bhakti tối thượng. Khi sự buông xả này đến thì cánh cổng sẽ mở rộng để linh hồn đi qua và đạt đến những cảnh giới cao chót vót của lòng sùng đạo tối cao, hay parā-bhakti.

Đến lúc này, chúng ta mới bắt đầu hiểu được parā-bhakti là gì; và chỉ người nào đã đi vào tận bên trong sâu thẳm của điện thờ parā-bhakti mới có quyền nói rằng mọi hình thức và mọi biểu tượng đối với anh ta đều vô ích, chúng chỉ là những pháp trợ đạo để giúp anh ta chứng ngộ mà thôi.

Chỉ người ấy mới đạt đến trạng thái yêu thương tối thượng, thường được gọi là tình huynh đệ của con người; những người còn lại chỉ nói suông.

Người đó không còn thấy các tướng sai biệt; Đại Dương Tình Yêu hùng vĩ đã nhập vào tâm hồn người đó, và anh ta không còn thấy con người nơi con người, mà chỉ thấy đấng Thân Yêu của mình hiện diện khắp nơi.

Trên mỗi gương mặt, anh ta đều thấy hình ảnh Hari tỏa sáng rực rỡ. Ánh sáng mặt trời hay ánh sáng mặt trăng đều là sự hiển lộ của Ngài.

Bất cứ nơi nào có vẻ đẹp hay sự hùng vĩ uy nghiêm thì đối với người đó, tất cả đều là Ngài. Các hành giả bhakta như thế vẫn còn đang sống; thế giới này chưa bao giờ thiếu vắng họ.

Dù bị rắn độc cắn, họ cũng chỉ bảo rằng một sứ giả đã đến với họ từ đấng Thân Yêu. Chỉ có những người đó mới có quyền nói đến tình huynh đệ đại đồng.

Họ không có cảm giác phẫn hận, tâm trí họ không bao giờ phản ứng bằng hình thức hận thù hay ghen tỵ. Thế giới ngoại tại, thế giới của giác quan đã vĩnh viễn biến mất với họ. Làm sao họ có thể giận dữ khi mà họ luôn luôn, bằng tình yêu thương, có thể nhìn thấy được Thực Tại đàng sau những cảnh tượng kia?

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x