Trang chủ » Thứ hai, 9 tháng 5 năm 1983

Thứ hai, 9 tháng 5 năm 1983

by Hậu Học Văn
109 views

Điểm xuất phát của chúng ta là một nơi khá cao cho phép ta nhìn xuống tận đáy thung lũng. Theo con đường quanh co dài 3 cây số được viền bằng những cây sồi xứ California và thảm đan sâm lác đác những cổ thụ, ta băng qua dòng thác khô cạn, và trông thấy xa xa bên kia dãy núi, mặt biển xanh ngát. Nơi đây thanh tịnh quá, không gian như chìm lắng. Ta cúi xuống đối diện với những ngọn núi. Ta có thể leo núi hàng giờ, đi xuống một thung lũng khác rồi lại leo lên. Ta đã làm thế nhiều lần để đến tận đỉnh những dốc đá này. Phía bắc là bãi sa mạc rộng lớn hoang vu nóng bỏng. Nhưng không khí ở đây lại mát mẻ đến nỗi dù trời nắng ta vẫn phải khoác thêm áo.

Khi trở xuống, mải ngắm nhìn nhiều loại cây to, cây nhỏ và những con trùng nhỏ bé, ta bỗng nhiên nghe tiếng con rắn rung chuông. Một cú nhảy may thay khiến ta tránh được nó. Nó cách ta có 2 mét, đuôi ngoe nguẩy liên tục. Ta có thể nhìn đôi con ngươi không có mí mắt của nó. Con rắn không dài nhưng to bằng cánh tay đàn ông. Ta phải giữ một khoảng cách hợp lý để có thể nhìn chăm chú hoa văn trên da nó, cái đầu tam giác và cái lưỡi đen ngọ nguậy.

Cả hai chúng ta yên lặng quan sát nhau. Và đột nhiên, dù đang đối diện với ta, nó nhảy lùi một cú để nhường bước cho ta đi. Nó vẫn còn đứng đó kêu ríu rít, mắt không rời ta. Trò chơi kéo dài mười phút hay hơn nữa, rồi con vật trở nên mệt mỏi. Nó không nhúc nhích, chờ đợi, và không phản ứng nữa khi ta đến gần. Trong giây lát nó dường như mất hẳn nghị lực. Bây giờ ta đang ở sát bên nó. Trái với rắn hổ mang thường dựng lên khi lâm trận, loại này chỉ tiến tới. Nhưng con vật này đã mệt mỏi nên không cử động nữa, vì thế ta bỏ đi. Đây là một con vật khá nguy hiểm, có nọc độc, không biết sợ và sẵn sàng để ta đụng vào thân nó nếu ta muốn.

Xuống núi, ta suýt đạp phải con chim cút dắt theo một tá cút con. Những em bé này chạy tứ tung vào bụi rậm, mẹ chúng cuống quýt theo sau. Chúng chíp chíp gọi nhau. Ta dừng lại ở dưới thấp để ngắm chúng tuôn ra khỏi nơi trú ẩn nấp vào cánh mẹ. Không khí trên cao còn mát lạnh, chúng chờ ánh nhật quang sưởi ấm cả không gian lẫn mặt đất.

Dưới thấp nữa là ngọn thác bé nhỏ, cánh đồng đã mất vẻ xanh tươi, ta quay về phòng hơi mệt nhưng vui vì chuyến dạo chơi trong nắng mai. Ở đây chỉ toàn là cây cam với trái vàng óng, cây hồng và cây sim dưới những cây khuynh diệp thật to. Nhà ta êm đềm quá.

Sáng hôm nay thật dễ chịu với mọi hoạt động tấp nập của thiên nhiên. Những sinh vật nhỏ bé, những con sóc, loài gậm nhấm, hối hả tìm thức ăn buổi sáng. Chúng cũng khá phá hoại vì ăn rễ non của cây nhỏ. Thế nhưng con chó lại giết chúng nhanh hơn với chỉ một cú ngoạm vào răng! Mọi thứ đều khô cằn. Mưa đã đi qua và chỉ trở lại 4 tháng sau, nhưng thung lũng ở phía dưới vẫn còn lấp lánh. Một bầu không khí im lặng lạ lùng bao phủ trái đất, và tồn tại mặc cho tiếng ồn của thành phố và xe cộ. Có một cái gì thiêng liêng gần như sờ mó được. Trạng thái hài hòa với thiên nhiên, với tất cả tạo vật, tự nó đưa đến sự hài hòa với loài người. Nếu mất liên hệ với thiên nhiên, ta sẽ mất luôn sự tương quan với loài người.

Như thường lệ, sau bữa ăn đông người tụ hội, chúng ta có một cuộc thảo luận về ý nghĩa những danh từ, về trọng lượng của chúng, về nội dung, về ý nghĩa sâu xa, về giá trị của chúng và tình cảm mà chúng bao hàm hay gợi lên. Danh từ đương nhiên không bao giờ là chính sự vật, nó chỉ diễn đạt về sự vật. Sự giải thích không phải là vật thể mà nó giải thích. Danh từ, từ ngữ, câu văn và giải thích không phải là sự vật. Danh từ cốt gợi lên ý nghĩ, cảm giác, và ngay cả khi không được thốt ra, nó vẫn ẩn ý trong nó cảm giác của ta. Sự kiện chính nó không bao giờ có dấu vết trong trí óc trong lý thuyết, kết luận, sự mô tả và trừu tượng đều để lại một ấn tượng. Cái bàn không có một ấn tượng nào, nhưng “Thượng đế” thì có, dù của Ấn giáo, Ki-tô giáo hay Hồi giáo. Trái với vật thể, chính khái niệm và hình ảnh lại chạm đến bộ óc.

Với tín đồ Ki-tô giáo, danh từ “Jésus” hay “Christ” có một ý nghĩa quan trọng, gợi một tình cảm sâu xa, một cảm xúc. Nhưng danh từ ấy lại không có ý nghĩa gì với người theo đạo Ấn, đạo Phật hay đạo Hồi. Chúng không phải là vật thể. Do được sử dụng từ hơn 2000 năm nay, chúng đã in nét trong trí óc. Những người Hồi giáo cũng như Ki tô giáo đều có Thượng đế riêng, mà chỉ là những phóng ảnh của cái tư tưởng phản ứng trước nỗi sợ hãi và lạc thú.

Dường như ngôn ngữ không thật sự để lại dấu ấn trong trí óc, mà chính lý luận về ngôn ngữ, tính trừu tượng của một vài cảm giác biến thành ý nghĩ, biểu tượng, hình ảnh nhân cách hóa do cái tư tưởng mộng mơ hy vọng đã phóng ra. Tất cả những trừu tượng, những ý nghĩ, những kết luận ấy hoạt động trên trí óc. Nhưng chính vật thể như cái bàn, lại không bao giờ có khả năng ấy.

Danh từ “khổ” chẳng hạn người Ấn giáo hiểu một cách, Ki-tô giáo hiểu cách khác. Nhưng, dù danh từ dùng để diễn tả nó khác nhau, tất cả mọi người đều dự phần đau khổ. Khổ là một dữ kiện. Nhưng khi ta muốn thoát khổ bằng lý thuyết hay bằng cầu viện đến một nhân vật lý tưởng hay một biểu tượng nào đó thì những hình thức trốn chạy ấy tạo mẫu trí óc. Điều quan trọng là hiểu được rằng cái dữ kiện là khổ thì không ghi dấu trên óc não.

Từ “tham luyến” cũng thế: ta cần thấy được từ này, quan sát, quán chiếu nó, cảm nhận chiều sâu của nó, toàn bộ nội dung, hậu quả của nó, cái sự kiện rằng ta tham luyến – sự kiện chứ không phải danh từ. Hoạt động này không đòi hỏi trí óc phải xen vào, không đặt nó vào một khuôn mẫu, nhưng một khi ta tách rời khỏi sự kiện bằng tư duy thì chính động tác này, sự trốn chạy này không những xen vào yếu tố thời gian, mà còn khởi sự ảnh hưởng đến trí óc.

Tính dễ bị tổn thương làm ta vận vào mình sự khổ, rồi khổ lại khiến ta tự thu mình, dựng lên một bức tường tự vệ, trở nên cứng rắn và tàn nhẫn. Nhưng khi ta biết nhạy cảm mà không có những phản ứng tàn bạo xấu xa, rất bén nhạy trước từng chuyển động của nội tâm, bén nhạy trước cuộc đời, nhạy cảm đến độ không làm gì để phải hối tiếc, phải thương tổn, cũng không cần tự kỷ luật, thì thế là ta có được phẩm chất của sự sống vô biên.

Danh từ “Phật”, hình ảnh ấy, cảm tưởng ấy gợi nơi người Phật tử một tình cảm tôn kính tột bực thấm nhuần niềm tin; họ tìm thấy một nơi nương tựa trong cái hình ảnh do tư tưởng tạo ra ấy. Và vì tư tưởng gắn liền với tri thức đương nhiên bị hạn cuộc, nên hình ảnh ấy – vì chỉ liên quan đến một người, một biểu tượng hay một truyền thống cổ xưa – cũng chính là đầu mối của tranh chấp, nhưng tình cảm tôn kính tách khỏi mọi hình ảnh bên ngoài, mọi biểu tượng v.v…, thì tự nó không phải là một yếu tố có thể làm biến dạng trí óc.

Người đàn ông ngồi gần chúng ta là một con chiên ngoan đạo. Khi danh từ Ki-tô được thốt lên, ta thấy ngay nỗi niềm e dè đầy tôn kính nơi anh ta. Danh từ ấy đã để một dấu ấn trong bộ óc ấy. Anh tò mò quan sát hiện tượng giao lưu qua những danh từ, mỗi chủng tộc cho chúng một ý nghĩa khác nhau và tạo nên một sự phân chia, một giới hạn cho cái tình cảm mà tất cả nhân loại đều san sẻ. Nỗi khổ của con người chỉ là một, khổ là số phận của tất cả. Người Nga giải thích sự kiện khổ khác với lối giải thích của người Ấn giáo hay Ki-tô, nhưng chính cái cảm giác khổ, nỗi buồn sầu, cô độc … tình cảm ấy không bao giờ lèo lái bộ óc theo cách gì đặc biệt. Như vậy chúng ta phải chú ý đến những danh từ, ý thức sự tinh tế, ý nghĩa và trọng lượng của nó.

Tình cảm bao quát toàn cầu mà trong tương giao tất cả nhân loại đều có, tình cảm ấy chỉ có hiệu lực khi không còn nữa những danh từ quốc gia, bộ tộc, tôn giáo. Một danh từ có thể chứa đầy ý nghĩa và chiều sâu hay vô nghĩa. Đối với đa số chúng ta, những danh từ đã mất chiều sâu và trọng lượng. Con sông không còn là một con sông nào đó. Những dòng sông ở Mỹ quốc, Anh quốc, châu Âu hay Ấn độ đều là sông, nhưng khi xen vào một danh từ nhận dạng, thì lập tức có sự phân chia. Và sự phân chia này không là gì khác hơn là hình ảnh trong tâm về một con sông nào đó, phẩm chất của nước, chiều sâu và dòng chảy, vẻ đẹp của con sông.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x