Trang chủ » Thứ sáu, 18 tháng 3 năm 1983

Thứ sáu, 18 tháng 3 năm 1983

by Hậu Học Văn
128 views

Ở máng ăn có ít nhất một tá chim vừa mổ hạt vừa ríu rít cãi nhau, rồi vụt bay đi khi một con chim to hơn xuất hiện. Chúng lại quay về với những tiếng cãi cọ, ồn ào, sau khi con chim lớn bỏ đi. Rồi một con mèo rờ tới, chúng lại nhốn nháo, kinh hãi. Một con hét lên thất thanh, nhiều con khác vùng vẫy khiến mèo đành bỏ cuộc. Đó không phải là con vật nuôi trong nhà mà là một trong những con mèo hoang với vóc dáng, thân hình và màu sắc khác hẳn mèo nuôi thường lởn vởn ở đó. Suốt ngày những con chim lớn nhỏ cứ vậy quanh cái máng ăn và chỉ rời chỗ khi xuất hiện con chim sẻ tàu luôn miệng trách móc thiên hạ, chúng thường xuyên đề phòng những con mèo và chỉ về tổ lúc xế chiều trả lại tĩnh lặng, bình yên cho khu vực. Mèo còn đi qua đi lại nhưng chim đã bay xa.

Sáng hôm ấy, mây thật sáng và không khí thật nặng nề, báo hiệu một cơn mưa. Mưa đã liên tục đến từ mấy tuần nay. Hồ chứa nước nhân tạo đã đầy ắp, tràn bờ. Những tảng đá bụi bờ và những cây đại thụ đang mong đợi ánh chiêu dương huy hoàng của xứ sở California trở về sau nhiều ngày mất dấu, bặt tăm.

Hãy tự hỏi tương lai của nhân loại ra sao? Tương lai của những đứa trẻ ngây thơ đang chơi đùa vui vẻ kia như thế nào. Tương lai là cái hôm nay chúng ta đang là. Nói theo lịch sử thì, mọi sự chỉ là một điệp khúc lặp đi lặp lại từ ngàn xưa đến ngày nay, sống, chết và tất cả các công việc phải làm trong đời sống. Chúng ta ít để ý đến tương lai. Từ sáng đến tối là các đài truyền hình luôn chiếu những phim giải trí, họa hoằn lắm mới có được một hai đài có chương trình khá nhưng lại quá ngắn. Phim ảnh làm vui bọn trẻ, các nhà quảng cáo lại duy trì lối giải trí ấy và tình trạng này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Tương lai của những đứa trẻ sẽ ra sao? Trong số những môn giải trí thì có thể thao, nơi có đến 30, 40, 50 ngàn người trên khán đài la het om xòm cổ vũ cho vài người trong sân chơi. Ngoài ra còn có những nghi thức và lễ lạt trong ngôi nhà thờ lớn mà ta tưởng là thánh thiện và thuần túy tôn giáo lắm, nhưng thật ra nó cũng chỉ là một môn giải trí, một kinh nghiệm cảm xúc và lãng mạn, một cảm tưởng sùng tín. Nếu ta quan sát sự cố này ở khắp nơi, nếu ta thấy tâm trí chỉ tràn ngập những trò giải trí những thú vui như thể thao thì ta phải nghiêm chỉnh tự hỏi mình rằng: tương lai là gì? Là một sự cỗ chỉ có mỗi một nội dung với nhiều hình thức khác nhau ư? Là vô số những trò chơi ư?

Nếu bạn không màng đến những gì sẽ xảy ra với mình thì ít nhất bạn cũng phải nghĩ đến cái cách mà thế giới của thể thao và hưởng thụ đã xâm chiếm tâm trí bạn và huân tập đời sống bạn như thế nào. Rồi chuyện này sẽ đưa bạn đến đâu, có lẽ nào bạn lại không quan tâm đến, bạn không lo đến ngày mai. Có thể vì bạn không nghĩ đến hay vì bạn thấy nó rắc rối quá, đáng lo quá, hay vì bạn cho là suy tư tới những năm chưa đến thì phiêu lưu quá. Tương lai không phải là sự già nua tuổi tác của chính mình mà là số phận. Nếu ta có thể nói may rủi do hậu quả của kiếp này ta tích lũy qúa nhiều cảm giác và những tìm kiếm lãng mạn trong cái thế giới có vô số thú vui xâm chiếm tâm trí chúng ta. Nếu bạn ý thức về tất cả những chuyện này thì tương lai của bạn sẽ thế nào.

Ta đã nói tương lai là cái mà hiện tại chúng ta đang là. Nếu không có sụ biến cải, không phải sự thay đổi nông cạn như thích ứng với một mô hình chính trị, tôn giáo hay xã hội mà là sự đổi thay sâu xa hơn nhiều một cuộc biến cải đòi hỏi thận trọng, tình yêu và chú ý. Nếu không có một biến cải căn rễ thì tương lai chỉ là cái gì hiện tại chúng ta đang làm hàng ngày trong đời sống. Thay đổi là một từ ngữ khó hiểu, thay đổi cái gì, thay đổi một mô hình, một quan niệm, một hệ thống chính trị, tôn giáo. Đổi cái này ra cái kia. Tất cả những thứ này đều ở trong phạm vi của cái đang là. Thay cái này thành cái khác do tư tưởng tạo thành trù tính và quyết định thì chỉ là cách mạng theo kiểu duy vật.

Hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ, thay đổi, có sự thay đổi hay không khi có một động cơ thúc đẩy, khi có một chiều hướng mục đích đặc biệt hướng đến một kết luận có vẻ hữu lý. Có lẽ tốt hơn hãy nói, chấm dứt cái đang là. Đây là một kết thúc, chứ không phải là một chuyển di từ cái đang là đến cái phải là vì thay đổi không phải vậy. Nhưng cái kết cục, cái chấm dứt, ta phải dùng từ gì cho chính xác nhỉ? Ta nghĩ là từ chấm dứt đúng, vậy nên ta sử dụng từ này. Chấm dứt, nhưng nếu sự chấm dứt có động cơ và có lý lẽ và là sản phẩm của một quyết định thì sự chấm dứt chỉ đươn thuần là một sự chuyển di từ cái này sang cái kia. Từ ngữ quyết định bao hàm một hành động của ý muốn. Tôi sẽ làm chuyện này, tôi sẽ không làm chuyện kia. Ý muốn nếu tham dự vào hành vi đưa đến chấm dứt sẽ trở thành nguyên nhân. Có nguyên nhân tất có động cơ, do đó không thực sự có chấm dứt nào cả.

Thế kỷ thứ 20 đã chứng kiến quá nhiều thay đổi do hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như do duy vật biện chứng phát do chủ nghĩa hoài nghi bao gồm những tin tưởng, những hoạt động, những nghi lễ tôn giáo. Chúng ta đang ở trong bước đầu của nề kỹ thuật vốn đã biến đổi rất nhiều thứ. Sẽ có những thay đổi quan trọng khi toàn bộ tiềm năng của vi tính được phát triển, khi máy vi tính chiếm ưu thế thì tâm trí con người sẽ ra sao. Đấy lại là một vấn đề khác mà ta cần lưu ý.

Chẳng mấy chốc kỹ nghệ hưởng thụ sẽ thống trị như nó đang trên đà phát triển, trong khi giới trẻ, những sinh viên đang bị dụ dỗ, ăn chơi mơ mộng và buông thả các giác quan thì những danh từ tiết chế và khổ hạnh biết mất. Người ta không còn một ý niệm nào về các đức tín ấy. Có thể bạn không muốn nghe đến những chuyện có liên quan đến khổ hạnh. Từ thủa ấu thơ bạn đã được huấn luyện tự tìm lấy niềm vui, tự tìm lối thoát bằng hưởng thụ tôn giáo hay những thứ khác. Đa số những nhà tâm lý học sẽ bảo bạn phải nói lên những gì bạn cảm nghĩ rằng mọi hình thức kỷ luật đề bất tường và đều đưa đến suy nhược thần kinh. Thế là càng lúc bạn càng tiến dần vào thế giới khoái lạc, thể thao và hưởng thụ. Một thế giới giúp bạn tránh né chính mình, tránh né cái bạn đang là.

Bạn bắt đầu thực tập khổ hạnh bằng cách tìm hiểu mình là ai. Sự tìm hiểu này không được kèm theo bất cứ một biến dạng, một tiên nghiệm hay một phản ứng nào trước khám phá về bản chất của mình. Quán sát và ý thức thật thoải mái các tư tưởng và mọi ý nghĩ hệt như quán sát bầy chim tung cánh một cách vô tư khiến ta nảy sinh một cảm giác khổ hạnh phi thường vượt qua mọi tiết chế, mọi trò chơi về chính mình và mọi ý tưởng ẫu trĩ về tiến bộ và hoàn thiện cá nhân. Đây là một quán sát đưa đến tự do phóng khoáng, thấm nhuần phẩm giá của khổ hạnh. Nhưng nếu ta nói điều này với một nhóm sinh viên, học sinh thời bây giờ thì chúng sẽ ngao ngán ngoảnh đầu ra cửa sổ bởi vì chúng đang sống trong một thế giới chỉ biết tìm kiếm thú vui cho riêng mình.

Một con sóc nâu to lớn từ trên cây trèo xuống máng nhâm nhi vài hạt rồi ngồi xuống nhìn quanh quất với đôi mắt to tròn như hai viên bi, đuôi xòe ra, cong lại và dựng đứng lên thật đẹp. Ngồi yên như thế được một lát nó bò xuống dọc theo những phiến đá phóng lên cây rồi biến mất.

Hình như con người lúc nào phải tránh né những gì họ đang là, tránh né cuộc sống, và tránh né tất cả những gì bao vậy họ, thế giới, đời sống thường nhật, cái chết và sự sinh ra. Bạn không ý thức được rằng càng trốn tránh chính mình và tìm vui một cách có ý thức hoặc vô ý thức thì sự xung đột, nỗi đam mê, nỗi sợ hãi, … trong bạn vẫn cứ tồn tại và cuối cùng thì chúng làm chủ được tình hình. Bạn luôn cố ngăn chúng lại, luôn gắng sức dẹp hẳn chúng qua một bên thế mà chúng vẫn trồi lên. Thú vui vừa là một trong những phần tử chủ chốt vừa đem lại những chống đối đau khổ và chán nản. Dập tắt lạc thú và khó chịu là một phần của những rối ren trong đời sống. Bạn sẽ không tránh khỏi đâu bạn ạ, bạn chỉ có thể tránh được cơn khủng khoảng trầm trọng và khó rò xét này.

Nếu bạn thực sự dấn thân không những vào tư tưởng của mình mà còn triệt để chú ý, quán sát sự biến động bao la của tư tưởng và của cái tôi. Bạn sẽ bảo rằng tất cả những thứ đó thật là nhàm chán, vô ích. Nhưng nếu bạn không cẩn thận, không đề phòng thì tương lai sẽ còn bị đen tối, khó chịu và mờ mịt hơn nữa. Viễn cảnh này không phải là để làm bạn bị nguội lạnh và xuống tinh thần nhưng nó là một sự kiện. Hôm nay bạn như thế nào thì ngày mai bạn như thế ấy. Đây là chuyện không thể tránh khỏi. Sự việc xảy ra chắc chắn như việc mặt trời mọc buổi sáng rồi lặn buổi tối. Đây là số phận của con người và của toàn thể nhân loại nếu ta không thay đổi tất cả. Nếu mỗi người trong chúng ta không tự mình thay đổi, không dự đoán phản ảnh của tư tưởng.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x