Trang chủ » Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984

Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984

by Hậu Học Văn
120 views

Ta đang ở khoảng 450 mét độ cao, nơi ngôi nhà dựa lưng vào dãy đồi được bao quanh bởi vườn cam và lê tàu. Điểm cao nhất vùng đạt đến 2250 mét. Ta có thể gọi tuyệt đỉnh này là núi; tên nó là Topa Topa. Khi xưa người Thượng sống ở đây. Khi đó chắc họ trông lạ lắm, một giống nòi dễ thương. Có thể họ cũng dữ dằn, nhưng những kẻ tiêu diệt họ lại còn dã man hơn. Ở đây, sau một ngày mưa, vạn vật mệt mỏi chờ đợi một cơn giông khác, trong khi thế giới loài hoa và những bụi gai đang tận hưởng một ban mai an lành; kìa, những ngọn lá lấp lánh như đang được gọt dũa. Ô! đằng kia có một bụi hồng đỏ chói; chúng tuyệt làm sao với vẻ đẹp thắm thiết, với mùi hương lan tỏa, với nét bất di bất dịch!

Ta đã mượn chiếc xe hơi tuy cũ nhưng khéo được giữ gìn, bóng loáng, êm như ru, đi trên con đường nhỏ bằng phẳng xuyên qua làng, ngang qua những căn nhà xinh xinh, những ngôi trường, những vườn lê tàu rồi chạy loanh quanh đến đường trũng. Xe lại leo lên từ khúc quanh này đến khúc quanh khác cho đến 1650 mét không chừng. Khi xe ngừng lại, ta thấy mình đang ở trên cao, thật cao, trên những dãy đồi bao phủ bởi một màu xanh của bụi rậm và cây cối pha lẫn vài nhát cắt của vực sâu. Ta ngỡ mình đang ở trong vương quốc của chư Thiên.

Con đường vắng vẻ này xuyên qua một vùng hoang vu đưa đến một thành phố lớn cách đây hơn 3 cây số. Ở phía nam, tít xa là biển Thái Bình Dương. Nơi đây thanh tịnh quá. Con người đã tạo nên con đường này nhưng may mắn thay lại không để dấu vết nào khác khi họ đi qua. Cũng có xảy ra vài đám cháy nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Ta quan sát vết đen của vài gốc cây bị nung khô, nhưng cỏ xanh đã mọc tràn lên xung quanh. Sau những trận mưa rào, tất cả lại trổ hoa tím, xanh và vàng với những đóm đỏ thắm lác đác đây đó. Chưa bao giờ vẻ huy hoàng của mặt đất lại phô bày ở đây đức khoan dung sâu xa của mình đến thế.

Ta ngồi xuống vỉa hè của con đường, trên mặt đất. Mặt đất luôn sạch sẽ. Thế là những con trùng be bé, những con kiến bò chạy tứ tung. Không có một con thú hoang nào cả, lạ thật. Có lẽ ban đêm những con nai, chó sói, thỏ rừng, thỏ nuôi mới đến đây. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy ngang phá vỡ nét trang nghiêm trong trắng của bầu tĩnh mịch. Đúng là một nơi khác thường.

Ngôn từ không biết đo lường sự phát triển của những dãy đồi trong không gian cùng sắc xanh của bầu trời đang bao phủ vùng sa mạc xa xăm. Đó là toàn thể trái đất. Không khí tĩnh mịch uy nghiêm đến nỗi ta không dám thốt nên lời và ngôn từ cũng không sao tả được nét thanh tịnh này. Thi sĩ có thể phóng bút, nhưng chữ nghĩa nào phải là hành động, ngôn ngữ đâu phải là sự vật. Và ngồi đây, gần một tảng đá nóng bỏng, con người không còn hiện hữu. Vắng bóng tự ngã, sự thật duy nhất chỉ là quang cảnh này, nét gợn sóng của dãy đồi, dáng cao của ngọn núi, tính phong phú của những thung lũng tắm mình trong một màu xanh thẳm.

Các nền văn minh đều duy trì khái niệm đo lường. Những tòa nhà thật đẹp đều được dựa trên các đo lường toán học. Thành lũy Acropole và cung điện Parthénon huy hoàng cùng những cao ốc 110 tầng ở New York đều được dựng lên bằng sự đo lường.

Lượng giá không chỉ là một luật lệ; nó là một phần thuộc về bản chất của trí óc; cái to, cái nhỏ, cái vừa, cái hơn. Diễn tiến so sánh ấy hiện hữu từ muôn thuở. Ta không ngừng đánh giá. Nào là trải qua các kỳ thi ở trường tiểu học, trung học, đại học, lối sống của ta hoàn toàn trở nên một chuỗi những ước lượng so sánh: xấu với đẹp, quý tộc với thấp hèn, tổng thể giá trị của ta, những cuộc tranh luận không đưa đến đâu, uy quyền của con người cũng như uy quyền của các quốc gia. Thẩm định đã là một điều tất yếu của con người. Và trí óc, vốn cần thiết cho đo lường và so sánh, gắng sức tìm kiếm ngôn từ để lượng giá cái vô biên. Diễn tiến này lan dài hàng thế kỷ – những vị thánh chúa và những thần linh, định mức tầm rộng của thế giới cũng như tốc độ của lực sĩ – và sự so sánh này đã nảy sinh biết bao sợ hãi lẫn buồn sầu!

Và bây giờ trên tảng đá này, một con tắc kè đến sưởi nắng ở rất gần ta. Vì nó nằm yên nên ta có thể quan sát đôi mắt đen nhánh, những cái vảy từ sống lưng đến chiếc đuôi dài của nó. Sau một đêm băng giá, nó đến tảng đá bốc lửa dưới ánh nắng này chớ đợi một con muỗi hay một con trùng nào ngang qua rồi nhẩm tính khoảng cách để nuốt chửng con mồi.

Ta nên sống mà không so sánh, không một thước đo nội tâm, không bao giờ ví cái mình đang là với cái mình phải là. Chữ “thiền” không chỉ có nghĩa là xem xét, quan sát, suy tư, gạn hỏi, thăm dò; theo tiếng Sanskrit, thiền còn có nghĩa sâu xa hơn, là “trở nên”. Thiền không được bao gồm lượng giá, cũng không được là một hành vi thư thái được thành tựu trong một tư thế lựa chọn. Thiền phải được xảy ra hoàn toàn vô ý thức, không biết đến sự tham gia của con người. Thiền thoải mái chỉ là một hình thức khác của tham vọng, một đề tài qua những cách biểu lộ khác nhau. Mục tiêu của thiền có thể thay đổi; thiền có thể có những đường hướng cao thượng hơn, nhưng mục đích của nó là mong muốn được hoàn thành, chẳng khác gì mục đích của thương gia hay của người xây nhà thờ.

Thiền là hành động không mong cầu, không ngôn từ kèm theo hoạt động của tư tưởng. Thiền phải vượt qua mọi cân nhắc. Vì chỉ có thế thiền mới là hành động trong cõi vô biên mà con người không đo lường được, không mục đích, không có chấm dứt cũng chẳng có bắt đầu. Và điều này có tác động một cách lạ lùng trong đời sống hàng ngày, vì cuộc sống là một và do đó trở nên thiêng liêng. Cái gì thiêng liêng không bao giờ có thể bị tiêu diệt. Giết là một trọng tội. Hủy hoại là một tiếng thét tuyệt vọng, hệt như tiếng thét của con chim bị nhốt trong lồng. Dường như ta không hiểu rõ sự sống thiêng liêng đến như thế nào, không phải sự sống của riêng mình mà sự sống của hàng ngàn sinh vật của tất cả các triều đại. Và hành động của sức mạnh cao cả nhất, linh thiêng nhất, thánh thiện nhất tung hoành trong thiền không lượng giá.

Hôm ấy, bên bờ sông- ôi, các con sông mới đẹp làm sao; đừng cho rằng trên đời chỉ có mỗi một con sông linh thiêng mà tất cả các con sông đều có thần tính giám hộ – vâng, hôm ấy, ủ mình trong lớp áo thú, một người đàn ông đã ngồi bên bờ sông, nhắm mắt, dấu đôi tay, bất động. Ông lập đi lập lại mấy lời với những ngón tay lần tràng hạt. Ông đã làm thế từ bao năm nay, từng hạt rồi từng hạt. Và dưới chân ông, nước sông lững lờ trôi. Sông bắt nguồn trên những ngọn núi tuyết xa xôi.

Khởi nguồn từ một con sông nhỏ bé, nó chảy xuống phía nam, đón nhận những thác nước, những con sông để biến thành một con sông rộng lớn được tôn kính trong địa phận này của thế giới. Không ai biết người đàn ông này vừa tụng chú vừa lần tràng đã bao lâu rồi. Ông ta đang thiền định – chí ít thì mọi người đều tưởng thế, và có lẽ ông cũng cho là vậy. Khách đi đường nhìn ông, ngưng nói chuyện một lúc, rồi trở lại với những tiếng cười và câu chuyện.

Người đàn ông với dáng dấp gần như bất động (vì chỉ có những ngón tay cử động nhẹ dưới lớp áo) đã ngồi đấy từ lâu lắm rồi, hoàn toàn chú tâm vào thế giới riêng của mình. Ông chỉ nghe âm thanh của những lời mình thốt ra, tiết tấu và lễ nhạc của chúng. Và ông bảo là ông đang thiền đó. Cõi đời này có hàng ngàn người giống ông ta trong bầu yên lặng của những tu viện, trong những thành phố, trên những dãy đồi, bên bờ sông.

Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ, những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền định. Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi của ban mai. Thiền cần phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x