Trang chủ » Thứ tư, 28 tháng 3 năm 1984

Thứ tư, 28 tháng 3 năm 1984

by Hậu Học Văn
145 views

Hình như thủy triều ở Thái Bình Dương không lớn lắm, ít nhất tại bờ biển California, vì nó lên xuống thật nhẹ nhàng, khác hẳn những ngọn triều khổng lồ thường lui ra hàng trăm mét để mãnh liệt dội trở vào. Tiếng ồn của nó cũng khác, tùy con nước mạnh mẽ dội vào bờ hay rút ra khơi. Âm thanh của nó không giống chút nào tiếng gió lùa trong cây lá.

Mỗi vật dường như có một âm thanh riêng. Cái cây đơn độc trong đồng ruộng kia có âm hưởng đặc biệt phù hợp với nét hiu quạnh của nó. Những cây cù tùng từ muôn đời vẫn giữ gìn bài ca thâm sâu của chúng. Sự im lặng chính nó cũng có một âm điệu riêng. Và hiển nhiên còn có tiếng lải nhải bất tận của những con người đang bàn về công việc làm ăn, về chính trị và về những tiến bộ kỹ thuật của họ. Một quyển sách hay cũng có những âm hưởng đặc biệt. Cả đến không gian bao la vô tận cũng có cái nhịp điệu âm vang của nó.

Thủy triều lên và xuống rất giống tác động và phản ứng của con người, thật nhậm lẹ. Chúng ta có những hành động và phản ứng rất nhanh, không chừa một khoảng trống nào trước khi hành động; như khi được đặt một câu hỏi là ta vội cố tìm ngay câu trả lời, giải đáp cho một vấn đề. Không bao giờ có khoảng hở giữa hỏi và đáp.

Nhưng chúng ta không khác gì ngọn triều của sự sống, cả về nội tâm lẫn ngoại cảnh. Ta cố thiết lập một tương quan với ngoại giới vì cứ tưởng nội tâm là một thực thể tách biệt không dính dáng gì đến ngoại cảnh. Nhưng vận hành ở ngoại cảnh đương nhiên là một chuyển động vang dội từ bên trong, cả hai chỉ là một như thủy triều lên xuống.

Cái chuyển động bất tận của ngoại cảnh và nội tâm ấy chính là sự phản ứng lại trước mọi khiêu khích. Đời sống của chúng ta là vậy. Khi ta khởi sự triển khai một kế hoạch gì trong tâm, thì nội tâm ấy trở thành nô lệ cho ngoại cảnh. Như cái xã hội mà chúng ta đã tạo ra là ngoại cảnh, rồi nội tâm ta lại thành kẻ nô lệ cho ngoại cảnh ấy. Và sự phản kháng lại ngoại cảnh là sự phản kháng của nội tâm. Sự tác động và phản ứng bất tận, khắc khoải ấy chứa đầy sự khiếp đảm.

Có bao giờ cái hoạt động này ngừng nghỉ không? Ngọn triều lên xuống của nước biển dĩ nhiên biệt lập hẳn với hoạt động tương tác giữa ngoại cảnh và nội tâm, trong đó tâm biến thành cảnh, và cảnh khi đã thành rõ rệt, trở lại quấy nhiễu tâm; rồi tâm lại có phản ứng trước sự lấn lướt của cảnh. Cứ như thế cuộc đời diễn tiến, do một chuỗi liên tục khổ đau và lạc thú tạo thành.

Dường như chúng ta không bao giờ hiểu rằng chỉ có một chuyển động duy nhất, ngoại cảnh và nội tâm không phải là hai. Như cùng một con nước ấy rút ra khơi rồi dội trở vào bãi cát và ghềnh đá. Chính vì chúng ta tách rời ngoài với trong nên mâu thuẫn phát sinh, tạo ra tranh chấp và thống khổ.

Sự phân chia tâm và cảnh là một trong những nguyên nhân chính của tranh chấp, nhưng chúng ta dường như không bao giờ học được điều này. Học không chỉ là thuộc lòng mà là một hoạt động liên tục. Cần phải học cách sống mà không có sự mâu thuẫn của phân chia như thế. Ngoại cảnh và nội tâm là một tổng thể nằm trong một hoạt động duy nhất, bất phân.

Đương nhiên, tri thức ta có thể nắm được vấn đề ấy và chấp nhận nó như một lý thuyết hay khái niệm. Nhưng ta không bao giờ học hỏi được điều gì nếu chỉ sống bằng quan niệm. Những quan niệm trở thành những tĩnh vật; dù người ta có thể thay đổi quan niệm nhưng chúng vẫn là tĩnh vật cứng ngắc. Nhưng cái sự kiện cảm nhận được, thấy được sự sống không phải là hai hoạt động tâm và cảnh riêng biệt mà chỉ là một, biết được rằng mọi tương giao đều là cái hoạt động duy nhất ấy, ngọn triều đau khổ và khoái lạc, niềm vui và nỗi thất vọng, cô đơn và trốn chạy cô đơn, trực nhận không cần lời lẽ rằng cuộc đời là một tổng thể không phân chia, đó chính là học hỏi.

Và sự học này không cần thời gian, không phải là một diễn tiến từ từ vì khi ấy thì thời gian lại trở thành một yếu tố phân chia. Chỉ khi có sự tách rời cái toàn thể thành ra phân đoạn, cục bộ, thì mới có tác động của thời gian. Nhưng khi mà, trong một thoáng, ta thấy được thực tại về bản chất cái toàn thể là như vậy, thì cái nhất thể của nó được biểu hiện thành một chuỗi bất tận gồm tác động và phản ứng, như sáng và tối, ngày và đêm, vẻ đẹp và sự xấu xa….

Cái toàn thể ấy ở ngoài ngọn triều lên xuống của cuộc đời, của tác động và phản ứng. Cái đẹp không có đối lập. Hận thù không phải là cái đối nghịch với tình yêu.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x