Trang chủ » Trung Dung – Chương 14

Trung Dung – Chương 14

by Hậu Học Văn
252 views

CHƯƠNG XIV

Người quân tử hành động ở trong địa vị hiện tại của mình; không mong ước gì ở ngoài. Vốn sẵn giàu sang, hành động theo giàu sang. Vốn sẵn nghèo hèn, hành động theo nghèo hèn. Vốn sẵn là mọi rợ (quê mùa), hành động theo mọi rợ (quê mùa). Vốn sẵn hoạn nạn, hành động theo hoạn nạn. Người quân tử không vào đâu mà không được vui lòng.

Ở địa vị trên, không ức hiếp người dưới; ở địa vị dưới, không níu bám người trên. Làm cho mình trở nên công chính, mà không phải cầu cạnh vào người, thì không có oán hận. Trên không oán hận Trời, dưới không trách người. Cho nên người quân tử sống đơn sơ để đợi phận sự Trời trao cho. Kẻ tiểu nhân thi hành những việc nguy hiểm để cầu may.

Đức Khổng nói: “Bắn cung giống như người quân tử: chẳng trúng đích thì quay lại tìm (nguyên nhân) ở ngay mình.”

Trên đây là chương thứ mười bốn.

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, Tử Tư đã đề cập đến sự sinh hoạt của người quân tử theo đạo Trung dung trong đời sống hằng ngày. Từ ngữ quan trọng nhất trong đoạn văn này là chữ “tố”: hiện tại, vốn sẵn có. Bí quyết sống của người quân tử là chấp nhận “hiện tại”, chấp nhận cái tình trạng “vốn sẵn có” của mình. Người quân tử luôn luôn chú trọng tới địa vị hiện tại và hành động đáp ứng bổn phận, trách nhiệm của địa vị ấy, không mong muốn, không lo toan gì đến những điều ở ngoài thân phận của mình. Chỉ chú ý tới hiện tại, người quân tử không nuối tiếc quá khứ nên không bị thương tâm vì tiếc xót chuyện đã qua. Người quân tử cho rằng chuyện quá khứ ví như có xảy ra như ý mình, cũng có thể đó lại là điều không may. Mất cái nọ, được cái kia chẳng qua cũng tương tự như chuyện ông già ngoài quan ải mất ngựa (Tái ông thất mã). Người quân tử không mơ tưởng về tương lai bởi vì tương lai không thuộc về mình; vọng tưởng quá nhiều về tương lai là hão huyền.

Biết chấp nhận thực tại hiện có mới xứng đáng là bậc minh triết, mới luôn được an vui. Pháp môn Thiền ở Trung Hoa dạy các thiền sinh đi tìm sự giác ngộ để “kiến tính” thành Phật, thì bài học cơ bản không có gì khác hơn là: “hành động ở trong địa vị hiện tại của mình”.

Thiền truyện đã từng kể rằng một thiền sinh kia hỏi thiền sư: “Thiền là gì?” Thiền sư hỏi lại: “Chú đã ăn cơm chưa?” Trả lời: “Dạ, ăn rồi.” Thiền sư nói: “Ăn rồi thì rửa bát đi!” Rửa bát sau khi ăn chính là một hành vi thiền vậy.

Một thiền truyện khác cũng có ý nghĩa như thế:

“Ngày kia, có vị tăng hỏi thiền sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ IX: “Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?” Sư đáp: “Mặc áo, ăn cơm.” Thầy kia trả lời không hiểu. Sư đáp: “Không hiểu thì mặc áo ăn cơm.”

(Thiền luận của Suzuki, Trúc Thiên dịch, trang 30).

Để cho hiểu rõ hơn nữa tư tưởng của Nho giáo về sự thành tựu đạo Trung dung trong mấy chữ “tố kỳ vị nhi hành”, chúng ta hãy đọc một đoạn văn giải bày về Thiền đạo của Suzuki:

“Ngày kia, sư Bách Trượng gọi một thầy đến nói: ‘Thầy với tôi ra cày ruộng xong tôi sẽ nói cho nghe đại nghĩa của pháp Phật.’ Cày xong, thầy ta đến thỉnh giáo. Sư dang tay ra không nói gì.”

Có lẽ, rốt cuộc không có gì là bí mật trong thiền cả. Tất cả đều rộng mở trước mắt ông. Nếu ông ăn cơm, mặc áo, cày cuốc để vun trồng lúa thóc và rau cỏ, tức ông đã làm tất cả những gì phải làm trên trái đất này, như vậy là ông thành tựu cái vô cực của ông. Thành tựu bằng cách nào? Thưa, có người hỏi thiền sư Mục Châu: “Pháp Phật là gì?”, ngài đọc một câu chữ Phạn trong kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Trí huệ lớn đưa sang bờ giác). Người kia thú thật không hiểu, ngài bèn bình giải:

“Áo thầy rách đã bao năm,

Gió tung từng mảnh bay vồng lên mây.”

(Sđd: trang 32)

Phải chăng đại nghĩa của pháp Phật cũng chính là “tố kỳ vị nhi hành” của Tử Tư? Còn Kinh Thánh Tân Ước cũng không nói khác. Đối với những người quá lo lắng về của cải vật chất, Đức Giêsu nói: 

“Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Trời, cùng sự công chính của Người, và mọi điều đó sẽ được ban thêm cho các ngươi. Vậy chớ áy náy về ngày mai: mai sẽ lo cho mai. Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy.”

(Tin mừng Mathêô: 6, 33-34)

Đứng trong phạm trù triết Nho thì câu nói của Đức Giêsu là: hãy “suất tính” (trở về với Thiên mệnh) và “tố kỳ vị nhi hành”.

Thực ra, xét về mặt lý thuyết, chỉ cần năm chữ “tố kỳ vị nhi hành” đã đủ nói về cách sinh hoạt của người quân tử. Nhưng để rõ ràng chi tiết hơn, Tử Tư dẫn giải thêm: “Tố phú quí, hành hồ phú quí. Tố bần tiện, hành hồ bần tiện. Tố di địch, hành hồ di địch. Tố hoạn nạn, hành hồ hoạn nạn.”

Học làm quân tử không bắt buộc phải bỏ giàu sang. Giá như vốn sẵn giàu sang thì cứ sống giàu sang với dinh thự, xe cộ, điền sản… và các tiện nghi hiện đại; miễn là đừng bóc lột, khinh bỉ người khác; trái lại nên xử công bằng và bác ái đối với mọi người.

Học làm quân tử cũng đừng xấu hổ trong phận nghèo hèn. Bằng những phương thế công chính, hợp pháp, nếu có thể thoát được cảnh nghèo thì càng hay, bằng không người quân tử cứ tự hào trong cảnh nghèo, như thiền sư Mục Châu đã vịnh:

“Áo thầy rách đã bao năm

Gió tung từng mảnh bay vồng lên mây.”

Hình ảnh từng mảnh áo rách của thầy tăng nghèo “bay vồng lên mây” mới nên thơ, thú vị làm sao, có lẽ đã cực tả được nỗi niềm hân hoan của một tâm hồn an vui trong cõi đạo diệu huyền; mà những người giàu sang khó lòng có được!

Giá như vốn sẵn được sinh ra trong cảnh mọi rợ, quê mùa, thì người quân tử cứ sống đơn sơ giản dị như bà con lối xóm mọi rợ, quê mùa của mình. Ca dao Việt Nam đã từng nói đến cái vui của “thằng Bờm” có cái quạt mo mà biết bao phú ông muốn mua không được. Đó là niềm vui của một con người sống cảnh mọi rợ, quê mùa mà đạt đạo; chỉ một nắm xôi bé bỏng cũng đủ thỏa lòng mãn ý.

Giá như gặp phải cảnh hoạn nạn, trước khi có cơ hội thoát khỏi, người quân tử vẫn cứ bình tĩnh sống cùng hoạn nạn, không giãy dụa, giận hờn, than thở vô ích. Bởi vì “gian nan là bạn, hoạn nạn là con”; trong gian khó người quân tử càng phấn đấu, tích cực hơn để xiển dương lẽ đạo. Thực tế cho biết rằng có những bài học, có những kinh nghiệm mà nếu người ta không từng bị giam giữ trong nhà tù, cực kỳ thiếu thốn, khổ sở thì không thể nào phát huy được. Bằng chứng là phần Hậu thiên bát quái Thoán từ của Kinh Dịch đã được nghĩ ra trong thời gian vua Văn Vương bị nhốt tại ngục Dữu Lý 7 năm dưới triều vua Trụ nhà Ân. Nếu không có Thoán từ mở đầu thì chưa chắc Chu Công đã viết được Hào từ và Khổng tử viết được Thập dực; có lẽ Kinh Dịch chỉ vẻn vẹn có 64 trùng quái của Phục Hy mà thôi.

Trước cảnh hoạn nạn cháy nhà, có lẽ không ở đâu trên thế giới có được một bài thơ lạc quan như bài hài cú (haiku) của một thi sĩ Nhật Bản:

“Nhà tôi đã cháy rồi.

Không còn gì ngăn cản

tôi ngắm nhìn trăng sao nữa.”

Thi sĩ này nếu chẳng phải một thiền sư thì cũng hẳn là một người có tâm thiền hay một bậc quân tử ở cấp cao trong đạo Trung dung!

Vì thế, “người quân tử không vào đâu mà không được vui lòng” (Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên).

Dĩ nhiên, ở đây không phải Tử Tư đã chủ trương bần tiện hóa, di dịch hóa, hay hoạn nạn hóa con người, không muốn cho xã hội được thịnh vượng, văn minh, tiến bộ. Ông chỉ muốn nói rằng, dù ở trong cảnh giàu sang, nghèo hèn, mọi rợ hay hoạn nạn, người quân tử vẫn được tự đắc, được thư thái, bởi vì ở đâu cũng có đạo, tức là có sức sống siêu nhiên của Trời hiện diện. Bắt nhịp được với đạo thì đâu cũng là quê hương, đâu cũng là nước Trời.

Trong phần tiếp theo của chương này, Tử Tư lại giả định nếu người quân tử có cơ hội tham gia vào chính trị thì phải xử trí ra sao cho hợp đạo: “Ở địa vị trên, không ức hiếp người dưới, ở địa vị dưới, không níu bám người trên.

Ngày xưa, ở địa vị trên là giữ ngôi vua, quan; ngày nay là những vị lãnh đạo như Tổng thống, Thủ tướng, chủ tịch tỉnh, huyện… thì không cậy vào quyền thế, binh lực mà ức hiếp người cấp dưới, nhất là không ức hiếp dân chúng. Ở địa vị dưới như các viên chức tại các công sở, cơ quan… thì không níu bám, nịnh hót cấp trên, không hối lộ để mưu lợi cá nhân, hoặc để thăng quan tiến chức. Ai nấy, trên dưới đều thi hành bổn phận của mình theo pháp luật, thì đất nước mới ổn định, xã hội mới bình an.

Tân Ước có kể chuyện về Gioan Tẩy Giả trong khi thanh tẩy đã từng chỉ dẫn cho những người Do Thái tham gia việc nước vào đầu Công Nguyên. Tin mừng Luca chép rằng:

“Cả những người thu thuế cũng đến chịu thanh tẩy, và họ thưa với ông: ‘Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?’ Ông bảo họ: ‘Chớ đòi gì quá mức đã định cho các công.’ Cả lính tráng cũng hỏi ông rằng: ‘Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?’ và ông bảo họ: ‘Đừng khảo của người ta, đừng vu oan kiếm lợi. Hãy đành lòng với lương bổng trả cho các ông.’”

(Tin mừng Luca: 3, 12-14).

Dù ở thời đại nào, ở địa vị trên hay dưới, thì sống công chính phải là mẫu mực cho mọi người. Do đó, Tử Tư chủ trương phải “chính kỷ”: làm cho mình trở nên công chính, mà không phải cầu cạnh vào người, thì không có oán hận.

Đa số người đời hễ gặp thất bại, gặp việc bất như ý, nếu không oán Trời thì cũng trách người: hoặc đổ cho Trời không có mắt, hoặc đổ cho người vô ơn, bạc nghĩa, dốt nát…

Chẳng mấy ai biết tự trách mình theo sự khôn ngoan của cổ nhân: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (Trách mình trước, trách người sau.)

Ở đây, Tử Tư cho rằng nếu là quân tử thì trên không oán Trời, dưới không trách người. Gặp hoàn cảnh không thuận lợi, chẳng có cơ hội thi triển tài năng, người quân tử chỉ nên sống giản dị để đợi Mệnh, tức là đợi phận sự Trời trao cho.

Chúng ta nên biết rằng, ở Trung Hoa thời cổ, hầu như mọi người từ sĩ phu tới bình dân đều tin có Trời sinh ra vạn vật, tương tự dân Do Thái trong Cựu Ước tin vào Yavê Thiên Chúa. Các học phái có thể bất đồng quan điểm về nhiều điều nhưng đều đồng ý với nhau về sự chi phối của Trời đối với vũ trụ, nhân sinh. Chữ “mệnh” () ở đây được quen gọi là mệnh (mạng) Trời; nhưng cần được dịch cho rõ là: phận sự hay chức phận Trời trao cho mỗi người, nhất là đối với những người có tài đức.[102] Có người chỉ thiết tha với việc chính trị hay quân sự… nhưng Trời lại trao cho việc giáo dục; và chỉ trong công tác giáo dục, người ấy mới phát huy hết tiềm năng của mình. Dĩ nhiên người ngoài cuộc có thể giải thích là do hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng chỉ chính người ấy, sau khi sự việc đã an bài, mới nhận ra đâu là mệnh Trời dành cho mình.

Chữ Mệnh trong chương này có nghĩa khác với chữ Mệnh ở phần trên. Trong chương đầu, “thiên mệnh” nghĩa là tính bản nhiên, là phần tiên thiên nhận được ở Trời. Trong chương này, mệnh là phận sự hay chức phận được Trời trao cho trong giai đoạn hậu thiên.

Ngoài ra, còn một chữ Mệnh nữa, ngôn ngữ phổ thông đại chúng gọi là “số mệnh”, lại chỉ đến hậu quả mà một người phải chấp nhận theo luật nhân quả. Ví dụ “gieo gió gặp bão”; “gặt bão” là số mệnh dành cho người đã “gieo gió”.

Vào thời Chiến quốc, Mạnh tử đã tin vào mệnh Trời cho nên chẳng oán trách người. Nhờ Nhạc Chính tử tiến cử, nên vua nước Lỗ muốn đến gặp Mạnh tử. Nhưng vì lời gièm pha của sủng thần là Tang Thương mà cuộc hội ngộ không diễn ra. Biết chuyện, Mạnh Tử trả lời Nhạc Chính tử rằng:

Ngô chi bất ngộ Lỗ hầu, thiên dã. Tang thị chi tử, yên năng sử dư bất ngộ tai? (Ta không gặp được Lỗ Hầu, là do Trời vậy. Người con của họ Tang sao có thể khiến ta không gặp được?”

(Mạnh tử: Lương Huệ vương hạ, 16).

Có lẽ Mạnh tử biết rằng thay vì trao cho mình chức phận chính trị thì Trời lại trao cho ông chức phận tôn sư, tương tự như Khổng tử thời Xuân Thu, cho nên cuộc hội ngộ vua Lỗ mới bị cản trở.

Trái với cách ăn ở của người quân tử, kẻ tiểu nhân không thiết gì đến Mệnh Trời. Họ thường liều mệnh (bỏ rơi thiên mệnh) xông vào chốn nguy hiểm để cầu may.

Để biện minh cho lập trường “chính kỷ” là đúng đạo lý. Tử Tư đã trưng dẫn lời Khổng tử: “Bắn cung giống như người quân tử: chẳng trúng đích thì quay lại tìm nguyên nhân ở ngay mình.

Xét theo qui mô gần gũi, câu này của Khổng tử có nghĩa là: nếu mình hành động thất bại hay mình bị ghét bỏ, thay vì oán trời, trách người, thì phải quay lại tự xét mình xem có những khuyết điểm nào, để điều chỉnh lại, cũng như người tập bắn cung, thấy không trúng đích thì phải xét mình đã ngắm lệch hay đã rung tay…

Sự xét lại trong nghĩa này đã được Mạnh Tử phân giải như sau:

Ái nhân, bất thân, phản kỳ nhân. Trị nhân, bất trị, phản kỳ trị. Lễ nhân, bất đáp, phản kỳ kính. Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ. Kỳ thân chính nhi thiên hạ quy chi. (Yêu người, mà mình chẳng được thân yêu, phải xét lại lòng nhân của mình. Cai trị người, mà sự cai trị không nên, phải xét lại sự sáng suốt của mình. Giữ lễ với người, mà người không đáp lại, phải xét lại sự kính trọng của mình. Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình. Thân mình ngay thẳng thì mọi người sẽ quay về với mình.” (Mạnh tử: Ly lâu thượng, 4).

Xét theo quy mô cao xa, câu nói của Khổng tử có nghĩa: nếu mình không đạt đạo Trung dung, tâm tư không gặp gỡ thiên mệnh, bản thân không trở nên thiện hảo, tinh thần không được thư thái, vui vẻ (tự đắc), không đem được an hoà đến cho tha nhân, thì phải xét lại xem mình có bị dục vọng, bị tha vật sai sử không. Bởi vì nhiều dục vọng và đam mê vật chất làm cho tâm hồn hướng ngoại, hướng địa, không thể hướng nội, hướng thiên; do đó mình không thể thành tựu đạo Trung dung được.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x