Trang chủ » Trung Dung – Chương 16

Trung Dung – Chương 16

by Hậu Học Văn
190 views

CHƯƠNG XVI

Đức Khổng nói: “Những linh lực siêu nhiên tạo nên sức mạnh thật là sung mãn vậy thay! Nhìn mà không thấy, lóng tai mà không nghe; lồng trong vạn vật mà chẳng bỏ sót. Khiến cho người trong thiên hạ trai giới tinh khiết, mặc y phục trang trọng để dự việc tế tự. Đầy dẫy mênh mang, dường như ở trên ta, như ở bên trái bên phải ta.”

Kinh Thi nói: “Linh lực siêu nhiên tới đó, không thể lường được, phương chi có thể thờ ơ vậy.”

Ôi, kín ẩn mà vẫn hiển hiện, thực thể ấy không thể che giấu là như thế! Trên đây là chương thứ mười sáu.

BÌNH GIẢI:

Từ ngàn xưa, khắp nơi trên thế giới, khi thấy sấm sét chuyển động râm ran, mưa gào, gió giật… con người chưa có trình độ khoa học đã cho rằng có các vị thần chủ quản những hiện tượng kinh khủng ấy. Đồng thời, họ tin có cả thần sông, thần núi, thần mặt trời, mặt trăng v.v… Lâu dần, người ta tin thêm rằng các bậc anh hùng, tài đức sau khi chết cũng trở thành thần, thông dự vào hiện tượng thiên nhiên và tác động trên cõi nhân sinh. Do đó, các vua thời phong kiến đã có tục viết sắc phong thần cho các anh hùng, liệt sĩ, danh nhân đã khuất… Thêm vào đó, người ta cũng cho rằng kẻ ác chết rồi hóa thành quỉ ma đi tác quái trong dân gian. Thế là người ta hội nhập cả thần trên trời (thế lực thiên nhiên) lẫn thần có gốc là người (anh hùng liệt sĩ đã chết), cộng với quỉ ma (hồn kẻ ác) thành hai tiếng “quỉ thần”.

Tiến thêm một bước nữa, người ta nhân cách hóa lên thành “thằng quỉ” và “ông thần”. Đó là quan niệm về quỉ thần của người bình dân.

Xuất thân từ giới bình dân, Mặc tử đã định nghĩa “quỉ thần” một cách bình dân như sau: “Cổ chí kim chi vi quỉ, phi tha dã, hữu thiên quỉ thần, diệc hữu sơn thủy quỉ thần giả, diệc hữu nhân tử nhi vi quỉ giả. (Từ xưa tới nay gọi là quỉ thần thì không ngoài những hạng này: quỉ thần ở trời, quỉ thần sông núi và người chết mà thành quỉ.) (Minh quỉ hạ, trích theo Nguyễn Hiến Lê trong Mặc Học, trang 144).

Trước họ Mặc, thời Xuân Thu, trong khi giảng đạo cho các môn đệ, Khổng tử hiếm khi nói tới “thần”, sợ người ta hiểu lầm sinh ra mê tín. Luận ngữ chép: “Tử bất ngứ: quái, lực, loạn, thần.” Ngài không nói về việc quái lạ, về sức mạnh, về việc rối loạn, về thần. (Luận ngữ: Thuật nhi, 20).

Chỉ có một đôi lần, Khổng tử nói tới “quỉ” nhưng theo một nghĩa khác thường: “Phi kỳ quỉ nhi tế chi, siểm dã” (Chẳng phải vong linh tổ tiên mình mà cúng tế, ấy là nịnh bợ.) (Luận ngữ: Vi chính 24).

Chữ “quỉ” ở đây được dùng để chỉ đến tổ tiên của mình. Ý Khổng tử muốn nói: Có tế để tưởng niệm thì chỉ tế hương hồn tổ tiên của mình thôi, chẳng cần tế hồn nào khác. Sang đầu thời Chiến quốc, có lẽ thấy thiên hạ loạn lạc vì có nhiều kẻ bất nhân bất nghĩa, Mặc tử e rằng giảng đạo lý cao xa như phái Nho thì người ta không sợ, cho nên ông đã viết cả một thiên “minh quỉ” để nói về quỉ, cốt cho những kẻ ác phải sợ. Mặc tử nói:

Quỉ thần chi phạt, bất khả vi phú quí, chúng cường, dũng lực cường vũ, kiên giáp lợi binh, quỉ thần chi phạt tất thắng chi.” (Quỉ thần trừng trị, dù giàu sang, đông đảo, mạnh mẽ, có võ lực, áo giáp cứng, binh khí bén, quỉ thần tất cũng thắng được.) (Sđd: trang 152).

Tuy nhiên, đặc điểm về quan niệm quỉ thần của Mặc tử có khác với người thường: Quỉ thưởng người hiền phạt kẻ ác, chứ không có chuyện quỉ quấy rầy hay cám dỗ người lành như người ta tưởng. Thế là Mặc tử cho rằng quỉ thần thi hành luật Trời. Ông đi tới kết luận:

“Như vậy là quỉ thần thưởng được người hiền, phạt được kẻ bạo ngược, thi hành (chủ trương có quỉ thần) ở trong nước với vạn dân, tức là thi hành cái đạo trị được nước, làm lợi được cho vạn dân. Quan chức nào coi kho lẫm của nhà nước mà không liêm khiết, trai gái nào mà sống lẫn lộn lén lút với nhau, quỉ thần tất thấy; người dân nào mà dâm bạo trộm cướp, làm giặc làm loạn, dùng khí giới, thuốc độc, nước lửa để chặn kẻ vô tội ở trên đường, cướp xe ngựa, áo mỏng, áo lông của người để làm lợi cho mình, quỉ thần tất thấy. Như vậy là quan chức nào coi kho lẫm của nhà nước, không dám không liêm khiết, thấy người thiện không dám không thưởng, thấy kẻ bạo ngược không dám không trị tội. Do đó sẽ không còn những kẻ dâm bạo, trộm cướp, làm giặc, làm loạn, dùng khí giới thuốc độc nước lửa để chặn kẻ vô tội ở trên đường, cướp ngựa xe, áo mỏng, áo lông của người để làm lợi cho mình, thế là thiên hạ yên…”

(Sđd: trang 153).

Ở đây, nhắc đến quan niệm quỉ thần thời thượng cổ và đặc biệt là quan niệm của Mặc tử cốt để chuẩn bị giới thiệu quan niệm quỉ thần của đạo Nho do đại biểu sáng giá là Tử Tư trích dẫn lời Khổng tử sau đây. Chúng ta đặt sang một bên sự nhận xét và phê bình về đường lối của Mặc tử dùng chủ trương có quỉ thần để trị nước an dân.

Khổng tử nói:

“Những linh lực siêu nhiên tạo nên sức mạnh, thật là sung mãn vậy thay! Nhìn mà không thấy, lóng tai mà không nghe; lồng trong vạn vật mà chẳng bỏ sót. Khiến cho người trong thiên hạ trai giới tinh khiết, mặc y phục trang trọng để dự việc tế tự. Đầy dẫy mênh mang, dường như ở trên ta, như ở bên trái bên phải ta.”

Sở dĩ chúng tôi dịch như trên, vì đã tổng hợp quan niệm về quỉ thần của các bậc Nho triết ở các thời đại sau này:

– Vào thời Tống, Trình tử cho quỉ thần là công dụng của trời đất. Trương tử cho quỉ thần là lương năng của hai khí âm dương. Chu tử bảo rằng: Lấy hai khí mà nói, thì quỉ là âm linh, mà thần là dương linh. Lấy một khí mà nói, thì khí đến mà phát ra là thần, khí phản mà trở về (khuất) là quỉ. Nhưng thật ra chỉ là một linh vật mà thôi. (Trích theo Hồng Liên Lê Xuân Giáo trong Trung Dung tập chú, phần Chú giải của Chu Hy, trang 59).

– Bên Tây phương, Remusat, Intorcetta dịch quỉ thần là Esprits. Legge dịch quỉ thần là Spirits, hay Spiritual beings (những thực thể thiêng liêng). Như vậy, quỉ thần không có nghĩa là thần linh và ma quỉ theo nghĩa thông thường, mà chính là: hai phương diện của Đạo, cũng như âm dương là hai phương diện của Đạo (Trích theo Nguyễn Văn Thọ trong Trung Dung giảng luận, bản đánh máy, trang 125).

– Ở Việt Nam, đây là ý kiến của Phan Bội Châu: “Đạo Trung dung là không việc gì mà không bao bọc hết. Nói về phương diện thiển hiển thời xem ở nhân sự; nói về phương diện thâm vi thời xét đến chân lý quỉ thần. Chữ “quỉ thần” ở trung dung không phải như chữ “quỉ thần” ở đầu miệng các bác phù thủy. Nguyên chân lý của vũ trụ đã có dương thời có âm; đã có minh thời có u; đã có sinh thời có hóa; bản thể của chân lý vẫn như thế. Nhưng đến lúc tác dụng của chân lý thời âm với dương, u với minh, hóa với sinh, thường tiếp tục mà bổ trợ cho nhau; theo về mặt dương, minh, sinh mà nói thời gọi bằng thần; theo về mặt âm, u, hóa mà nói thời gọi bằng quỉ. Quỉ vẫn là thần ở trong bản thể, mà thần lại là quỉ ở nơi tác dụng. Vì bản thể có thực tướng, nên nói “thần” phải kềm với chữ ‘quỉ”, vì công dụng không phạm vi, nên nói quỉ phải cặp với thần. Nhưng mà quỉ thần là thuộc về triết lý, nếu chúng ta không thông thấu triết học thời khó hiểu cho tới nơi.” (Khổng học đăng, quyển I của Phan Bội Châu: Chân lý của quỉ thần, trang 340).

Ngày nay, dưới cái nhìn của các nhà khoa học vi vật lý, toàn thể vũ trụ thiên nhiên đều không ra ngoài hai chữ “động” và “lực”. Vạn vật từ vi mô tới vĩ mô đều động liên tục với tốc độ kinh hồn và tác động trên nhau, hấp dẫn nhau dưới dạng lực. Do động mà có biến hóa; biến hóa là chuyển hóa từ âm sang dương hay ngược lại. Hãy nhìn vào một cơ cấu nguyên tử:

“Nguyên tử gồm các hạt và những hạt đó không được cấu thành từ một chất liệu vật chất nào. Khi quan sát chúng, ta không hề thấy chất liệu nào cả, điều mà ta thấy là những cấu trúc động, chúng liên tục chuyển hóa lẫn nhau, một vũ điệu triền miên của vũ trụ.”

(Đạo của vật lý. Nguyên tác: The Tao of Physics của Fritjof Capra;

Nguyễn Tường Bách biên dịch, trang 24).

Do động và lực chi phối mà các nguyên tử hoặc thấp hơn nữa là các hạt hạ nguyên tử (subatomic) đan dệt vào nhau rung rinh như những tấm lưới vừa như là sóng vừa như là hạt.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho biết rằng trong vũ trụ có nhiều tia sáng mạnh mẽ lạ lùng, về một phương diện nào đó thì có lợi, vè một phương diện khác thì có hại cho con người. Ví dụ: tia X, tia laser, tia hồng ngoại, tia tử ngoại…

Những phát minh của khoa học hiện đại được tóm tắt ở trên đã đánh động chúng ta về câu sách Trung Dung trong chương 16 này:

“Những linh lực siêu nhiên (quỉ thần) tạo nên sức mạnh thật là sung mãn vậy thay! Nhìn mà không thấy, lóng tai mà không nghe, lồng trong vạn vật mà chẳng bỏ sót… đầy dẫy mênh mang, dường như ở trên ta, như ở bên trái, bên phải ta.”

Người xưa, tuy với hai chữ thô thiển “quỉ thần”, nhưng bằng tri kiến tâm linh, chứ không phải bằng các máy móc tinh vi đã nhận định rất đúng về những linh lực siêu nhiên trong vũ trụ. Những chữ “lồng trong vạn vật mà chẳng bỏ sót” đã diễn tả chính xác “những linh lực siêu nhiên” tác động trong cơ cấu nguyên tử, trên các hạt hạ nguyên tử ra sao để cho chúng di chuyển với tốc độ kinh hồn!

Nhà vật lý Hoa Kỳ Fritjof Capra đã đưa ý kiến về “Tri kiến tâm linh” như sau khi ông đối chiếu khoa Vật lý hiện đại với Minh triết Đông phương:

“Tri kiến tâm linh không bao giờ nhờ quan sát mà đạt được, mà là nhờ sự tham gia toàn vẹn với tất cả tính chất của mình. Khái niệm tham gia đó trở thành then chốt trong thế giới quan phương Đông.”

(Sđd: trang 167).

Để giúp con người có thể tham gia vào các linh lực siêu nhiên ấy, các bậc thánh nhân xưa đã đặt ra lệ giữ chay tịnh và ăn mặc trang trọng, nghiêm chỉnh trong lúc tế tự. Nhưng tiếc thay, những nghi lễ tế tự ấy đã bị những đầu óc thô thiển làm cho méo mó, lệch lạc đi, để lâu dần trở thành các hình thức mê tín dị đoan mà những nhà trí thức thời mới khó lòng chấp nhận được.

Để cũng cố cho nhận định của mình về sức mạnh của các linh lực siêu nhiên (quỉ thần), Khổng tử đã trích dẫn thêm Kinh Thi: “Thần chi cách tư, bất khả đạc tư; thẩn khả dịch tư.” (Linh lực siêu nhiên tới đó, không thể lường được; sao dám có thể thờ ơ vậy!) Chữ “vậy” ở đây dùng để dịch chữ “tư”, trợ ngữ từ, làm cho câu thơ được chắc ý.

Trong bài thơ này, bậc hiền nhân thấu thị của kinh Thi chỉ dùng duy nhất một chữ “thần” để nói tới linh lực siêu nhiên tác động vào con người. Linh lực ấy xuất phát từ trời, từ Thượng đế, cao cả, huyền nhiệm, không thể đo lường, cho nên con người phải tỉnh táo, thành khẩn tiếp nhận, không thể thờ ơ, khinh nhờn được.

Bằng kinh nghiệm và tri kiến tâm linh của một đời tu đạo, Khổng tử đã nhận thấy những linh lực siêu nhiên tuy tế vi nhưng lại hiển hiện rõ ràng (Phù vi chi hiển).Chữ “vi” và chữ “hiển” chỉ đến hai mặt của một thực thể thuộc thiên đạo. Chữ “vi” (tế vi) tương đương với chữ “ẩn” (kín đáo), chữ “hiển” (hiển hiện) tương đương với chữ “phí” (rộng lớn) trong câu “quân tử chi đạo phí nhi ẩn” mở đầu chương 12 ở trên.

Như vậy linh lực siêu nhiên (quỉ thần) vừa tế vi vừa hiển hiện hay vừa rộng lớn vừa kín đáo là một thể thành thật (thành) không thể che giấu được (Thành chi bất khả yểm như thử phù!); trái lại cần phải được công khai xác nhận, cần phải được mọi người hiểu thấu đáo.

Vậy linh lực siêu nhiên (quỉ thần) tiềm tàng trong vạn vật được Tử Tư dùng lời Khổng tử và Kinh Thi nêu ra trong chương này là những thực thể thuộc về phần thiên đạo của đạo Trung dung. Thiên đạo ấy bao trùm vũ trụ vạn vật, chi phối muôn tinh cầu, sông núi, đại dương, chi phối nhịp tim, hơi thở của con người, điều khiển tiếng kêu của con ve… phô diễn ở nghìn sắc hoa… lồng trong thiên nhiên, mênh mang bao la… Nói theo tiếng ngày nay là vũ trụ đạo (đạo chi phối không-thời-gian) hay nói theo nhà vật lý Fritjof Capra thì đó là “đạo của vật lý”. (The Tao of Physics)

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x