Trang chủ » Trung Dung – Chương 19

Trung Dung – Chương 19

by Hậu Học Văn
186 views

CHƯƠNG XIX

Đức Khổng nói: “Võ Vương, Chu Công có đức hiếu thấu đáo vậy thay! Phàm có hiếu là khéo nối chí cha ông, khéo noi theo sự nghiệp cha ông.

“Vào mùa xuân, mùa thu sửa sang tổ miếu, trưng bày di vật, sắp đặt y phục của tổ tiên ra, dâng cúng thực phẩm theo mùa.

“Lễ Tông miếu cốt là đặt thứ tự hàng Chiêu, hàng Mục. Đặt thứ tự chức tước cốt là để phân biệt người sang người hèn. Đặt thứ tự chức việc cốt là để phân biệt người hiền.

“Trong nghi lễ mời rượu, kẻ dưới mời người trên, cốt là để cấp thấp được chung hưởng với cấp cao. Ăn tiệc thì theo tuổi tác, cốt là đặt thứ tự tuổi tác (già trẻ phân biệt).

“Đứng vào ngôi vị của cha ông, tiến hành nghi lễ của cha ông, tấu nhạc của cha ông, kính người mà cha ông tôn trọng, yêu người mà cha ông thân thiết, thờ người quá cố như thờ người sống, thờ người đã mất như thờ người hiện còn, đó là hiếu hết mức vậy.

“Lễ tế trời và lễ tế đất cốt để phụng thờ Thượng đế. Các lễ ở tông miếu cốt để tế tổ tiên của nhà vua. Làm sáng tỏ được lễ giao, lễ xã, sáng tỏ được ý nghĩa lễ đế, lễ thường, thì việc trị nước như nhìn ở bàn tay vậy.”

Trên đây là chương thứ mười chín.

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, Tử Tư trưng dẫn lời Khổng tử nói về đức hiếu của các bậc thánh hiền như Võ Vương và Chu Công. Đức hiếu của hai vị này không giống như đức hiếu của người tầm thường. Người tầm thường quan niệm có hiếu là biết phụng dưỡng cha mẹ khi các vị còn sống và táng tế chu đáo khi đã khuất. Còn Võ Vương, Chu Công, ngoài việc phụng dưỡng và táng tế như mọi người, hai ông lại lấy việc khéo nối chí cha ông, khéo noi theo sự nghiệp cha ông làm trọng. Cho nên Khổng tử mới ngợi khen các ông là những bậc có đức hiếu thấu đáo (đạt hiếu).

Hiểu một cách thật đúng đắn thì hiếu chính là kính trọng và phát triển dòng sống đã được trao cho mình. Người nào để cho dòng sống ấy tàn lụi nơi mình bằng những hành vi xấu xa, đó là kẻ bất hiếu! Tổ tiên thay Trời trao dòng sống cho mình, thì mình phải kính nhớ và noi gương tổ tiên trong những hành vi tốt để nối chí tổ tiên. Đó là đạo hiếu chân chính.

Từ căn bản đạo lý này, sau khi thu được giang sơn, thiên hạ từ tay hôn quân vô đạo là vua Trụ nhà Thương, Chu Công đã ấn định Chu Lễ để triển khai nền đạo đức chân chính ấy.

Trước hết, ông đặt ra lễ Đế và lễ Thường. Lễ Đế là một đại lễ có thiên tử chủ trì cho nên cứ 5 năm mới diễn ra một lần vào mùa xuân (Xuân Đế). Lễ Thường được tổ chức mỗi năm vào mùa thu (Thu Thường). Cả hai lễ này đều dành tế tổ tiên. Để được nghiêm trang, trước khi tổ chức lễ phải sửa sang tổ miếu, quét dọn, sơn vẽ cẩn thận. Để cho con cháu tưởng nhớ lại các hành vi, cử chỉ, công nghiệp của tổ tiên, thì phải trưng bày các di vật của tổ tiên đã sử dụng (tông khí), lại phải sắp đặt ra y phục của các ngài đã mặc (thường y). Sau đó là nghi thức dâng tiến thực phẩm theo mùa. Mùa xuân có thực phẩm mùa xuân, mùa thu có thực phẩm mùa thu.

Điều này vừa biểu lộ sự ân cần đối với tổ tiên, lại vừa có ý dạy con cháu, những người đang sống phải biết tuân theo qui luật dịch hóa của Trời. Ăn thực phẩm theo mùa, tránh thực phẩm chiêm (lúa, bắp và hoa quả trái mùa) tránh thực phẩm cũ, mốc mới có khả năng dinh dưỡng cao, mới có khả năng đề kháng mạnh đối với khí hậu, thời tiết, khiến cho sức khỏe được tốt hơn, ít bệnh tật hơn.

Cả hai lễ Xuân Đế, Thu Thường dành kính nhớ tổ tiên nên đều được tổ chức ở Tông miếu. Các miếu thờ được phân ra hai hàng Chiêu, Mục để phân biệt các con cháu gần xa với Thái Tổ, với mục đích ấn định trật tự trong dòng tộc, đồng thời nêu ra mẫu mực cho xã hội. Một xã hội thiếu trật tự thì không thể ổn định, bình an lâu dài được. Khi diễn ra lễ tế, các con cháu thuộc hàng nào thì đứng vào hàng đó (Chiêu hoặc Mục). Ngoài ra các quan chức trong triều tham dự lễ tế cũng được sắp xếp theo chức tước, theo chức vụ. Xếp theo chức tước để phân biệt ra quan nào ở cấp trên (quí), quan nào ở cấp dưới (tiện). Xếp theo chức vụ để phân biệt ra đâu là những người hiền tài, đức hạnh.

Sau lễ tế là đến lễ mời rượu (lữ thù) cấp dưới được mời rượu cấp trên, cốt để bày tỏ sự chung vui cộng hưởng giữa hai cấp, hòng xóa bớt đi những kỷ luật khắt khe, những hình thức phân cách khi phải thi hành việc nước trong ngày thường.

Đến lúc ăn tiệc kết thúc buổi lễ thì lại sắp xếp theo tuổi tác (yến mao). Bây giờ nghi thức không chú ý phân biệt phẩm trật nữa, mà lại phân biệt theo tuổi tác: người già ngồi ăn với người già, giới trẻ ăn với giới trẻ, để cho thấy tuổi già cần được kính trọng.

Thực hiện Chu lễ để cho vua quan ý thức được rằng một khi mình ở vào địa vị cha ông (tiễn kỳ vị), tức là làm thiên tử hay quan lại thì phải biết noi gương cha ông trong sự nghiệp tốt lành. Khi tiến hành nghi lễ thì bắt chước cách hành lễ của cha ông, tấu lại những bản nhạc xưa kia cha ông đã tấu để khỏi đánh mất truyền thống cội nguồn. Đồng thời cũng bắt chước cha ông kính trọng, thân yêu những người đức hạnh mà cha ông đã thân thiết.

Thực hiện nghi lễ “thờ người quá cố như thờ người sống, thờ người đã mất như thờ người hiện còn” để thể hiện niềm tin “chết chưa phải là hết mà vẫn còn tồn tại” và tin rằng “dòng sống không hề bị gián đoạn”. Kẻ chết và người sống xa cách nhau chỉ là tạm thời.

Đạo hiếu được đặt trong Chu Lễ như vậy quả là thấu đáo, đầy tính minh triết. Người nào thi hành và hiểu được trọn vẹn thực là người có hiếu hết mức.

Tuy nhiên, dòng sống được tổ tiên truyền lại chính là dòng sống đến từ trời đất, từ Thượng đế, chủ tể vạn vật. Cho nên, tế tổ tiên ở Tông miếu chưa đủ, còn phải có việc phụng thờ Thượng đế qua nghi lễ Giao Xã.

Lễ Giao được tổ chức ở ngoại thành. Người xưa thường chọn một ngôi đất bên ngoài kinh thành thuộc hướng nam, đắp cao lên để làm đàn tế Trời, gọi là đàn Nam Giao. Sở dĩ chọn ngôi đất hướng nam vì phương nam ấm áp, nhiều ánh sáng chiếu soi, thuộc cung Càn của Tiên thiên bát quái (biểu thị năng lực Trời), nắm giữ hành hỏa (biểu thị văn minh) và có gió lành (nam phong). Lễ Giao hướng về năng lực Trời (Càn) có dưỡng khí và ánh sáng. Lễ Xã hướng về năng lực Đất (Khôn) có nước và thực phẩm. Hai lễ Giao Xã tế Trời và tế Đất cốt để phụng thờ Thượng đế, tạ ơn Thượng đế đã ban cho loài người sự sống qua hai năng lực Càn Khôn, với nhị khí âm dương để loài người được nuôi nấng, trưởng thành, phát huy tài đức, lập nhiều kỳ công…

Như vậy, áp dụng Chu lễ trong việc kính nhớ tổ tiên và phụng thờ Thượng đế chính là thể hiện một phần nhân đạo trong đại đạo Trung Dung, trong đó con người là con trưởng của Thượng đế, là trung ương, là nơi giao hội của dất trời, vạn vật. Con người nếu biết mình là con của Thượng đế, có sứ mệnh cao cả ở trần gian thì sẽ bớt làm những điều sai trái xấu xa, sẽ không vi phạm phép nước, không gây tổn hại cho tha nhân. Nếu cả xã hội đều biết như thế, người người yêu thương lẫn nhau, thì nhân loại ắt thái bình, thịnh vượng. Trong chiều hướng đạo lý này, Mạnh tử đã nói: “Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn, sự tại dị, nhi cầu chư nan, nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình.” (Đạo ở gần, mà đi tìm ở xa, việc ở chỗ dễ dàng, mà đi tìm những việc khó khăn. Nếu người người đều thân yêu những người thân của mình, kính trọng người trên của mình, thì thiên hạ sẽ thái bình. (Mạnh tử: Ly lâu thượng, 11).

Trong nghi thức tế lễ lại có sự phân biệt xa gần, trên dưới, chức việc, tuổi tác, thể hiện sự kính trọng đối với người tài đức, người già cả. Đó là biết phân công, bố trí một cách hợp tình, hợp lý. Một người sẵn có đức hạnh, sẵn có sức khỏe, (vì biết sống theo Dịch lý tức là ăn uống theo mùa, biết thích ứng với môi trường sinh thái) lại có khả năng phân công, sắp đặt hợp lý những kẻ cộng tác với mình, thì người ấy dĩ nhiên biết cách trị nước khéo léo.

Do đó, Khổng tử mới đi đến kết luận rằng: “Làm sáng tỏ được lễ Giao, lễ Xã, sáng tỏ được ý nghĩa lễ Đế, lễ Thường, thì việc trị nước như nhìn ở bàn tay vậy.” (Minh hồ Giao Xã chi lễ, Đế Thường chi nghĩa, trị quốc kỳ như thị chư chưởng hồ!).

Như thế, cái hay của Chu công là dùng lễ nghi để giáo dục con người, dẫn con người đến điều thiện một cách tự nhiên mà không cần phải chú trọng nhiều tới hình pháp khắc nghiệt.

Nếu những nhà lãnh đạo đất nước hiểu rõ vai trò của lễ, khéo vận dụng lễ, biết tôn trọng phẩm giá con người, bao giờ cũng nêu gương trước mọi người, thì việc nước sẽ đơn giản đi nhiều và hiệu quả thu được lại không phải là nhỏ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x