Trang chủ » Trung Dung – Chương 2

Trung Dung – Chương 2

by Hậu Học Văn
378 views

CHƯƠNG II

Trọng Ni (Đức Khổng tử) nói: “Người quân tử giữ đạo trung dung, kẻ tiểu nhân trái đạo trung dung. Đường lối trung dung của người quân tử là quân tử thì tùy thời giữ trung. Đường lối trung dung của kẻ tiểu nhân là tiểu nhân thì không kiêng sợ gì.” Trên đây là chương thứ hai.

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho thường phân chia đa số nhân loại thành hai loại người: quân tử và tiểu nhân. Quân tử là những người gìn giữ những đạo lý căn bản: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (ngũ thường) và luôn nỗ lực thăng tiến trong điều thiện.

Tiểu nhân là những người có tâm địa nhỏ nhen, chỉ chú trọng tới danh lợi và hành động theo tư dục.

Sách Luận Ngữ, kinh Dịch và Mạnh tử đã nêu ra khá nhiều câu tiêu biểu để đặc tả hai mẫu người: quân tử và tiểu nhân. Sau đây là những câu đáng lưu ý:

Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”: Quân tử hiểu rõ về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về điều lợi (Luận ngữ, Lý nhân 4).

Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”: Quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người. (Luận ngữ, Vệ linh công 15).

Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái”: Quân tử thư thái mà không kiêu, tiểu nhân kiêu mà không thư thái. (Luận ngữ, Tử Lộ 13).

Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà”: Quân tử hoà với mọi người mà không về hùa, tiểu nhân về hùa mà không hoà. (Luận ngữ, Tử lộ 13).

Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”: Quân tử chung khắp cả mọi người mà không thiên vị, tiểu nhân thiên vị mà không chung. (Luận ngữ, Vi chính 2).

Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ”: Quân tử cố giữ lúc khốn cùng, tiểu nhân khốn cùng thì làm bậy. (Luận ngữ, Vệ linh công 15).

“Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị” Quân tử gây thành cái hay cho người, không gây cái xấu cho người; tiểu nhân ngược lại. (Luận ngữ, Nhan Uyên 12).

Quân tử ưu đạo, bất ưu bần.”: Quân tử lo đạo, không lo nghèo. (Luận ngữ, Vệ linh công 11).

Quân tử căng nhi bất tranh”: Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai. (Luận ngữ, Vệ linh công 15).

Quân tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hành”: Quân tử muốn nói thì chậm, mà làm thì nhanh.” (Luận ngữ, Lý Nhân 4).

Quân tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc”: Quân tử giao thiệp với người trên thì không nịnh, giao thiệp với người dưới thì không nhàm” (Kinh Dịch: Hệ từ hạ).

Quân tử kiến cơ nhi tác”: Quân tử xem cái phần tinh vi của sự biến động mà hành động” (Kinh Dịch: Hệ từ hạ).

Quân tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại”: Quân tử lấy kính để giữ bên trong cho thẳng, lấy nghĩa để làm khuôn phép bên ngoài. (Kinh Dịch: Văn ngôn truyện).

Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thích tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nạn, kiến đắc tư nghĩa.”:

Người quân tử có chín điều xét nét: nhìn thì xét cho sáng, nghe thì xét cho rõ, sắc mặt thì giữ ôn hoà, tướng mạo thì giữ khiêm cung, nói năng thì giữ trung thực, làm việc thì giữ kính cẩn, nghi ngờ thì lo hỏi han, giận dữ thì nghĩ đến hoạn nạn, thấy cái được thì nghĩ đến điều nghĩa” (Luận ngữ, Quí thị, 10).

Sau này, Mạnh tử đã ca ngợi con người có nhân cách và đạo đức của một bậc quân tử thì xứng đáng gọi là đại trượng phu:

“Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo; đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quí bất năng dâm; bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất; thử chi vị đại trượng phu.”: (Ở chỗ rộng rãi của thiên hạ; đắc chí thì cùng dân noi theo đạo. Không đắc chí thì một mình thực hành đạo, giàu sang thì không phóng đãng, nghèo hèn thì không đổi lòng; quyền uy vũ lực không đè nén được; thế mới gọi là đại trượng phu.)

(Mạnh tử: Đằng văn công hạ: 2).

Quân tử không phải chỉ có đạo đức mà thôi; Đức Khổng tử cho rằng người quân tử phải đủ cả phần phẩm chất bên trong và phần văn hoa bên ngoài. Ngài nói: “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân nhiên hậu quân tử: Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kém thành thực, văn chất tươi tốt, hẳn là quân tử.” (Luận ngữ, Ung dã, 16).

Kinh Thi đã từng mô tả con người “văn chất tươi tốt” ấy như sau:

Chiêm bỉ kỳ úc, Lục trúc a a.

Hữu phỉ quân tử, Như thiết như tha, Như trác như ma,

Sắt hề giản hề, Hách hề huyên hề,

Hữu phỉ quân tử,Chung bất khả huyền hề.

(Kinh Thi, Quốc Phong, Vệ)

“Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai.

Người sao văn vẻ hỡi người,

Dường như cắt đánh giũa mài bấy nay.

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.”

(Kinh Thi, Tản Đà dịch)

Trái với quân tử, tiểu nhân là hạng người tha hồ để cho vật dục lôi cuốn, thấy lợi thì tối mắt, sa đọa, trụy lạc, dùng ngôn ngữ khéo léo để che đậy lòng dạ xấu xa… Họ kiêu căng, phách lối nhưng lại thích nhờ vả, cầu cạnh người khác. Họ không thích hoà hoãn, tha thứ mà lại thích a dua, bè đảng để sinh sự… Nói chung, tiểu nhân không nghĩ gì đến đạo đức, đến những giá trị tinh thần cao thượng, mà chỉ nghĩ đến những điều nhỏ nhen, thấp kém.

Trong chương này, Khổng tử nói “quân tử trung dung” có nghĩa là: Quân tử luôn luôn duy trì “thiên mệnh”, noi theo “tính” bản nhiên để đạt đạo “trung hoà”. Còn “Tiểu nhân phản trung dung” có nghĩa là: Tiểu nhân đánh mất “thiên mệnh”, xa rời “tính” bản nhiên, bỏ đạo “trung hoà” để rồi vong thân trong vật giới.

Ở đây, Khổng tử nêu ra một đạo lý mới, đó là cách hành xử đạo trung dung theo thời: Quân tử thì tùy thời giữ trung (Quân tử nhi thời trung).

Muốn hiểu hai chữ “thời trung”, chúng ta cần biết chữ “thời” mang các nghĩa:

– Thời gian: giờ, ngày, tháng, năm.

– Thời tiết, mùa: xuân, hạ, thu, đông.

– Thời tuổi: thiếu niên, trung niên, lão niên.

– Thời thế: loạn lạc, thái bình…

Như thế, “thời trung” có nghĩa là: linh động giữ đạo trung, giữ điều thiện cho phù hợp với cả bốn loại thời trên. Cũng là giữ điều thiện hay thi hành điều thiện nhưng cần phải linh động theo giờ, theo ngày… theo mùa, theo tuổi tác, và theo cả thời loạn hay thời bình. Dĩ nhiên điều thiện ở tuổi trẻ không hoàn toàn giống điều thiện trong tuổi già, cũng như điều thiện trong thời loạn, trong lúc gấp rút không hoàn toàn giống điều thiện trong thời bình, trong lúc ổn định, thảnh thơi. Chẳng những thế, điều thiện còn phải linh động theo không gian, theo địa phương: điều thiện ở miền xuôi (nơi sinh sống của đồng bào Kinh) không hoàn toàn giống điều thiện ở miền ngược (địa bàn của đồng bào thiểu số). Toàn bộ Kinh Dịch đã bàn đến chữ “thời” này. Do đó, Trình tử nói: “Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo dã: tùy thời đổi thay để theo đạo vậy” (Chu Dịch, Trình tử truyện tự) và Khổng tử đã từng tán thán trong Thoán truyện của quẻ Trạch Lôi Tùy: “Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai!: Nghĩa lý của việc tùy thời lớn lao vậy thay!”

Giữ đạo trung, thi hành điều thiện mà không biết tùy thời là con người cố chấp, bảo thủ, đâu xứng đáng là quân tử!

Vào thời Xuân Thu, Khổng tử đã tỏ ra là bậc thầy trong cách hành xử linh động “thời trung”. Mạnh tử thuật lại:

“Khổng tử chi khứ Tề, tiếp tích nhi hành. Khứ Lỗ, viết: “Trì trì ngô hành dã.” Khứ phụ mẫu quốc chi đạo dã. Khả dĩ tốc nhi tốc; khả dĩ cửu nhi cửu; khả dĩ xử nhi xử; khả dĩ sĩ nhi sĩ; Khổng tử dã. (Đức Khổng tử khi ra khỏi nước Tề, tiếp lấy gạo mới vo mà ra đi. Rời nước Lỗ, ngài nói: ‘Ta đi chậm chậm thôi.’ Đó là đường lối rời bỏ đất nước của cha mẹ vậy. Lúc cần gấp thì gấp, lúc cần ở lâu thì ở lâu, lúc cần ở ẩn thì ở ẩn, lúc nên ra làm quan thì ra làm quan. Đức Khổng là như vậy.”

(Mạnh tử: Vạn chương hạ, 1).

Cũng là ra đi mà có lúc nhanh, lúc chậm: nhanh để tránh rủi ro, chậm để tỏ lòng luyến nhớ. Lúc cần gấp như chữa cháy thì phải gấp. Lúc cần ở lâu một nơi nào để thi hành cho trọn công việc thì phải ở lâu. Vào thời loạn lạc, việc chính trị tối tăm, trên dưới vô đạo thì cần phải ở ẩn. Vào lúc đất nước có những bậc lãnh đạo sáng suốt, biết chuộng đạo đức, biết trọng người hiền tài thì nên ra làm quan. Vì biết hành xử tùy thời như vậy, cho nên Mạnh tử đã ca ngợi rằng: “Khổng tử thánh chi thời giả dã.” (Đức Khổng là bậc thánh về thời vậy.) Mỗi thời có một cách hành xử khác nhau nhưng chung qui vẫn không rời bỏ đạo lý, không rời bỏ điều thiện, tức là “thời trung”.

Tuy nhiên, làm rõ nghĩa chữ thời, chúng ta lại phải chú ý tới chữ “vị” thường đi kèm với chữ thời thành “thời vị”. Người quân tử phải biết địa vị hay vị trí của mình trong thời mà giữ đạo trung cho thích hợp.

Ví dụ: Quẻ Thuần Kiền (càn) trong Kinh Dịch có 6 hào dương chỉ con người trong 6 thời vị khác nhau, mỗi thời vị lại có một cái trung riêng.

6. ______________
5. ______________
4. ______________
3. ______________
2. ______________
1. ______________

Quẻ Thuần Kiền

1. Hào Sơ Cửu: “Tiềm long vật dụng”: Rồng ẩn, chớ làm gì. Hào này lấy chữ “vật dụng” (chớ làm gì) làm trung.

2. Hào Cửu Nhị: “Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.” Rồng hiện trên mặt ruộng, nên ra gặp bậc đại nhân (người có tài đức ở vai lãnh đạo). Hào này lấy “kiến” (gặp) làm trung.

3. Hào Cửu Tam: “Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu”: Quân tử suốt ngày hăng hái tự cường tu tỉnh, tối có điều lo sợ, có thể nguy hiểm, nhưng không lỗi. Hào này lấy “kiền kiền” (tự cường tu tỉnh) làm trung.

4. Hào Cửu Tứ: “Hoặc dược tại uyên, vô cữu”: có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (tùy thời), không lỗi. Hào này lấy “hoặc dược, tại uyên” (tùy thời) làm trung.

5. Hào Cửu Ngũ: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”: rồng bay trên trời, nên gặp bậc đại nhân (người có tài đức ở cấp dưới hay nằm trong dân dã). Hào này lấy “kiến” (gặp) làm trung.

6. Hào Thượng Cửu: “Kháng long hữu hối”: rồng lên cao, có ăn năn. Hào này lấy “hối” (ăn năn) làm trung.

Như vậy, giữ đạo trung là lưu hành theo thiên đạo linh động tùy thời, tùy vị.

Ở Việt Nam, những bậc đại nho như Chu Văn An (thời Trần), Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc), Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thời Lê Trịnh), La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (thời Tây Sơn), Nguyễn Khuyến (thời Pháp thuộc)… đều là những vị biết tùy thời giữ trung cả. Trong đó có hai vị đã linh động giữ trung một cách đặc biệt, đó là Lê Hữu Trác và Nguyễn Khuyến. Lê Hữu Trác thì bỏ cái học quan trường để nghiên cứu nghề thuốc vì thấy làm quan thanh liêm trong thời loạn quả là rất khó. Nguyễn Khuyến thì giả mù loà, hướng mắt vào cây cột, chào một viên công sứ Pháp để khỏi làm quan với người Pháp.

Ngược lại đường lối của quân tử, kẻ tiểu nhân không giữ đạo trung dung thực sự. Họ không noi theo tính, không giữ gìn thiên mệnh. Đôi khi họ cũng tự hào là trung dung, nhưng trung dung của họ quả thực được hiểu theo nghĩa “lưng chừng, ba phải”, lập trường không rõ rệt, miễn sao thu được nhiều lợi và thỏa mãn dục vọng riêng tư. Cho nên, trong hành động kẻ tiểu nhân chẳng e dè, kiêng sợ gì cả.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x