Trang chủ » Trung Dung – Chương 20

Trung Dung – Chương 20

by Hậu Học Văn
337 views

CHƯƠNG XX

Đoạn 1: Vua Ai Công hỏi về việc chính trị. Đức Khổng nói: “Việc chính trị của vua Văn, vua Võ được nêu trong sách vở. Người như thế còn thì nền chính trị như vậy được phát huy. Người như thế mất thì nền chính trị như vậy dứt. Đường lối của người mau mắn giúp cho chính trị; tính chất của đất mau mắn giúp cho cây cối. Này, việc chính trị, như cây lác, cây lau vậy. Cho nên làm chính trị do tại người, chọn người cốt ở mình; sửa mình cốt ở đạo, sửa đạo cốt ở lòng nhân. Có lòng nhân ấy là người chân chính, thân yêu người thân là đức lớn. Có nghĩa ấy là cư xử thích đáng; trọng người hiền là đức lớn. Thân yêu người thân thì bớt dần (theo gần xa), trọng người hiền thì theo thứ bậc, lễ do đó sinh ra vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, Tử Tư dùng lời Khổng tử để trình bày về việc chính trị dưới ánh sáng soi dẫn của đạo Trung dung.

Trả lời cho vua Lỗ Ai Công hỏi về việc chính trị, Khổng tử nói: “việc chính trị của vua Văn, vua Võ được nêu trong sách vở”. Đó là Khổng tử có ý muốn nói về một nền chính trị lý tưởng. Vậy nội dung của nền chính trị ấy ra sao?

Kinh Thư đã ghi chép vắn tắt về việc cai trị của Võ Vương như sau:

“Dùng làm quan chỉ kén người hiền; coi sóc mọi việc chỉ dùng người có tài năng. Trọng năm bậc thường dạy dân, nhất là về ba việc: việc sinh kế của dân, việc tang tóc và việc tế lễ. Thận trọng chữ tín, sáng tỏ điều nghĩa. Tôn dùng người có đức, báo đáp người có công. Bấy giờ, vua Võ Vương chỉ ngồi rũ áo, chắp tay mà thiên hạ vẫn được thịnh trị.”

Kinh Thư: Vũ Thành, 9, bản dịch của Thẩm Quỳnh).

Kinh Thư cũng chép lời ông Cơ tử tâu vua Võ Vương về nghệ thuật trị dân gồm có Hồng phạm cửu trù: 1. Ngũ hành; 2. Ngũ sự; 3. Bát chính; 4. Ngũ kỷ; 5. Hoàng cực; 6. Tam đức; 7. Kê nghi; 8. Thứ trưng; 9. Ngũ phúc, Lục cực.

Sau đây là các điều mục cửu trù:

1. Ngũ hành:

Muốn cai trị dân tốt phải hiểu rõ về thiên nhiên, vật lý để dạy dân phát triển kinh tế, qui hoạch việc định cư. Ngũ hành gồm: thủy (nước), hỏa (lửa), mộc (cây cối), kim (kim khí), thổ (đất đai).

2. Ngũ sự:

Dung mạo nên kính cẩn.

Lời nói theo lẽ phải.

Mắt trông sáng suốt.

Tai nghe có ý tứ.

Trí nghĩ cho thấu lẽ.

Dung mạo kính cẩn thì nghiêm chính. Lời nói theo lẽ phải thì rõ ràng. Mắt sáng thì khôn. Tai nghe có ý thì nhiều mưu kế. Trí nghĩ tinh thông thì là bậc thánh nhân.

3. Bát chính:

Phải lo cho dân 8 điều: sự ăn uống của dân, tiền của, việc tế tự, việc công chính (nhà cửa, đất đai), việc giáo dục, hình luật, việc tiếp tân (tiếp nhân xử thế), việc binh bị.

4. Ngũ kỷ:

Làm chính trị phải hiểu rõ về sự chuyển vận của thời gian gồm: năm, tháng, ngày, các vị tinh tú, lịch số.

5. Hoàng cực:

Hoàng cực là ngôi vị thay Trời trị dân, cho nên vua phải trở nên mực thước cho dân bắt chước. Được như vậy mới được hưởng phúc lành của Trời, để rồi lại ban ơn phước cho dân. Mực thước của vua là lời huấn thị cho thiên hạ. Đó cũng là huấn thị của Trời. Tất cả thứ dân theo huấn thị của vua, theo mực thước của vua mà hạnh kiểm được sáng sủa như vua. Như thế vua mới là cha mẹ của dân.

6. Tam đức:

Người cai trị cần có ba đức là:

Chính trực (ngay thẳng).

Cương (cứng rắn).

Nhu (mềm dẻo).

Dân chúng có nhiều hạng người, cho nên người cai trị phải linh động dùng ba đức trên mà điều khiển.

7. Kê nghi:

Trong trường hợp nan giải, ngờ vực, vua phải tự trong lòng mưu toan, bàn với khanh sĩ, hỏi ý kiến dân chúng và hỏi ý Trời bằng phép bốc phệ (bói rùa hay bói bằng cỏ thi). Đúc kết các ý kiến, nếu đa số đồng ý là tốt. (Phép bốc phệ có hẳn cho biết ý Trời không, ngày nay nhiều người không công nhận, nhưng có thể coi đó là một cách để giải tỏa mối ngờ vực, khó quyết định).

8. Thứ trưng:

Đó là các điềm trời biểu lộ ra: mưa, nắng, nóng, rét, gió. Năm thứ này có đều đặn hợp thời tiết thì các loài cây cỏ mới tốt tươi. Một thứ trong năm thứ trên nhiều quá thì xấu. Ví dụ: mưa nhiều thì lụt, không mưa thì đại hạn…

Nhà vua phải căn cứ vào “thứ trưng” mà điều chỉnh đức độ và đường lối cai trị của mình, lại phải dạy dân cách ứng phó trước những tình huống xấu.

9. Ngũ phúc, Lục cực:

Vua quan cai trị tốt, dân sẽ được hưởng ngũ phúc.

Sống lâu (thọ).

Giàu có (phú).

Mạnh khỏe, bình yên (khang ninh).

Ưa chuộng nhân đức (hiếu đức).

Về già được yên ổn trọn đời (khảo chung mệnh).

Lục cực là những hậu quả mà dân phải gánh chịu do việc cai trị xấu:

Chết non

Nghèo nàn

Tật bệnh

Tội ác

Lo buồn

Nhu nhược

(Theo Kinh Thư, Thẩm Quỳnh dịch: trang 225-242)

Hồng phạm Cửu trù là phương thức cai trị của vua Hạ Vũ do nhận được sự mặc khải của Trời. Các bậc thánh vương đời cổ như Vũ, Thang, Văn, Võ đều áp dụng Hồng phạm. Bao giờ Hồng phạm được áp dụng thì dân chúng ấm no, đất nước được an ninh, xã hội ổn định thái bình, văn hóa giáo dục phát triển tốt. Đạo trị nước theo khuôn mẫu Hồng phạm được gọi là Đế đạo. Người làm vua trong Đế đạo phải soi mình trong gương dân; dân an vui chứng tỏ mình cai trị tốt, dân buồn khổ chứng tỏ mình cai trị xấu. Cho nên Võ Vương đã lấy lời cổ nhân khuyên em là Khang Thúc rằng: “Nhân vô ư thủy giám, đương ư dân giám.” (Người ta không soi gương nước, nên lấy dân làm gương soi.) (Kinh Thư: Tửu cáo, 12).

Sau khi nhắc tới việc chính trị của Văn Vương, Võ Vương. Khổng tử nói với Lỗ Ai Công: “Người như thế còn thì nền chính trị như vậy được phát huy. Người như thế mất thì nền chính trị như vậy dứt.” Khổng tử có ý muốn nói: ngày nay nếu có người đức hạnh như Văn, Võ thì nền chính trị tốt đẹp được phát huy. Nếu chỉ có những người cai trị thất đức thì nền chính trị tốt không còn; trái lại chỉ có sự lầm than, khốn khổ, loạn lạc, bạo tàn trên đất nước mà thôi. Nói như thế, tức là Khổng tử mong muốn Lỗ Ai Công bắt chước Văn, Võ mà thi hành Đế đạo cho dân chúng được nhờ.

Khổng tử đặt vấn đề như trên có nghĩa là ngài coi trọng nhân sự hơn chính thể: có người cai trị tốt thì hơn là có chính thể tốt. Chính thể có thể là quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, hay dân chủ, cộng hoà hay một chính thể nào khác trong tương lai, nhưng nếu không có con người cai trị tốt, thì chính thể ấy cũng hỏng. Tuy nhiên, nếu có con người tốt, nhưng chính thể vụng, luộm thuộm, phân công chồng chéo thì nền chính trị cũng không hoàn toàn tốt. Hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới theo chính thể cộng hoà, dân chủ với tam quyền phân lập: Lập pháp trao cho Quốc hội dân cử, hành pháp trao cho chính phủ, Tư pháp trao cho Toà án. Ngoài ra, lại có thêm đệ tứ quyền (nhận xét và phê bình) dành cho báo chí. Thế là, về mặt chính thể, nền chính trị ngày nay có nhiều ưu điểm hơn ngày xưa. Nếu lại có những con người tốt như Văn vương, Võ Vương, Y doãn, Chu công… làm những nhà lãnh đạo đất nước thì việc chính trị coi như toàn hảo.

Do đó, Khổng tử đã nói thêm: “Đường lối của người mau mắn giúp cho chính trị, tính chất của đất mau mắn giúp cho cây cối.” (Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ). Đất tốt giúp cho cây cối chóng lớn và sản sinh nhiều hoa trái làm sao, thì người tốt cũng làm cho chính trị phát triển tươi đẹp như vậy.

Khổng tử lại còn so sánh việc chính trị với cây lác, cây lau (Phù, chính dã giả, bồ lư dã). Cây lác, cây lau là những loài cỏ mọc rất mau, và tàn lụi cũng chóng. Người cai trị tốt có thể khiến cho chính trị phát triển nhanh lẹ, có thể làm hưng phấn tinh thần dân chúng trong chốc lát để kích thích họ tham gia những cuộc cách mạng lớn lao. Trái lại, người cai trị xấu có thể làm cho chính trị suy sụp trong một vài ngày và làm cho xã hội rối loạn tức thời.

Vì thế, đứng ở cương vị một lãnh tụ của dân nước, cần phải biết chọn người hợp tác với mình (cố vi chính tại nhân). Việc chọn người cốt yếu ở mình (thủ nhân dĩ thân). Mình làm gương tốt thì sẽ tìm được người tốt. Do đó, làm người cai trị thì phải biết sửa mình. Sửa mình thì phải lấy đạo lý làm chuẩn mực (tu thân dĩ đạo). Sửa mình theo đạo thì phải lấy lòng nhân làm căn bản (tu đạo dĩ nhân). Có lòng nhân mới là con người đích thực (nhân giả nhân dã). Thiếu lòng nhân, người ta chẳng khác gì loài cầm thú. Lòng nhân khởi đi từ việc thân yêu những người thân của mình. Cho nên, Khổng tử nói: “thân yêu người thân là đức lớn” (thân thân vi đại). Người thân là những người gần gũi với mình như: ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, chú bác, cô dì, cậu mợ, bè bạn, hàng xóm… sau nữa là đồng bào trong nước.

Ngày nay, nói đến thân yêu bà con có vẻ là tầm thường, hẹp hòi, cục bộ, thiếu tính đại đồng, không có gì là bác ái, hay nói theo Mặc tử là thiếu kiêm ái. Nhưng có ở trong thời Khổng tử (Xuân Thu, Chiến quốc) mới thấy câu nói “thân thân vi đại” là có giá trị chừng nào, mới đáng là bước khởi đầu của lòng nhân. Bởi vì vào thời ấy theo Sử Ký của Tư Mã Thiên hay theo bộ Đông châu liệt quốc, thì chuyện con giết cha, cha giết con, cha con cướp vợ của nhau, vợ chồng giết nhau, anh em, bè bạn lừa gạt, hãm hại lẫn nhau xảy ra rất thường. Ví dụ: Triệu chủ phụ bị con nhốt bỏ đói đến chết ở cung Sa Khâu là một bằng chứng tiêu biểu. Người ta vì ham danh, hám lợi, kình quyền, đam mê dục tình mà bỏ quên tình thân không phải ít.

Có thân yêu người thân rồi, đôn đốc thêm lòng nhân mới có thể yêu rộng, yêu xa tới đồng bào và toàn thể nhân loại. Nếu người thân không yêu mà chỉ nói chuyện yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu vật loại, thì đó chỉ là những lời vu khoát mà thôi!

Đã nói “lòng nhân” thì phải nói đến “đức nghĩa”, nghĩa đi kèm với nhân. Nghĩa là sự cư xử thích đáng (nghĩa giả nghi dã) cho phù hợp với từng loại người, từng trường hợp, từng cấp độ. Đối với người làm chính trị (vua, quan), việc tôn trọng các hiền sĩ là việc nghĩa lớn. Hiền sĩ được tôn trọng thì những người có tài đức mới hưởng ứng để giúp việc cai trị; nhiều sáng kiến được đóng góp thì việc chính trị mới thành công, đất nước mới hưng thịnh.

Thân yêu người thân thì thân từ gần ra xa (thân thân chi sái). Ví dụ: phải làm tròn bổn phận với cha mẹ, vợ con trước, rồi mới lo cho anh em, bè bạn sau…

Tôn trọng người hiền thì phải theo thứ bậc (tôn hiền chi đẳng). Tùy theo người hiền có tài đức cao hay thấp, mà có sự xử đãi tương xứng, trao cho chức vụ tương xứng.

Do những cấp độ khác nhau trong cư xử mà có lễ nghi phát sinh: lễ với người trên, kẻ dưới, lễ với kẻ gần người xa, lễ với bậc đại hiền dĩ nhiên phải khác lễ với kẻ sĩ thông thường…

Đoạn 2: Ở cấp dưới mà không được tín nhiệm ở cấp trên, không thể trị dân được.

Cho nên người quân tử không thể không sửa mình. Muốn sửa mình, không thể không phục vụ những người thân. Muốn phục vụ những người thân, không thể không biết về con người. Muốn biết về con người, không thể không biết Trời.

Đường lối thành tựu của mọi người có năm, để thi hành được đường lối ấy có ba. Gọi là: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè giao thiệp; đó là năm đường lối thành tựu của mọi người. Trí, nhân, dũng là ba năng lực thành tựu của mọi người. Để thi hành được ba năng lực đó chỉ có một (năng lực).

Hoặc sinh ra đã biết những đường lối ấy, hoặc được học rồi mới biết; hoặc khốn khổ rồi mới biết. Đến khi biết chỉ là một (như nhau). Hoặc an nhiên mà thi hành những đường lối ấy, hoặc vì lợi mà thi hành, hoặc gắng gượng mà thi hành. Đến khi thành công vẫn là một.”

Đức Khổng nói: “Yêu thích học hỏi thì gần đức trí. Ra sức thực hành thì gần đức nhân. Biết hổ thẹn thì gần đức dũng. Biết ba điều ấy, thì biết cách sửa mình. Biết cách sửa mình, thì biết cách trị người. Biết cách trị người, thì biết cách trị mọi người và nước nhà vậy.

BÌNH GIẢI:

Chủ đề của chương này là việc chính trị. Cho nên bất cứ điều gì Khổng tử nói ở đây đều phải qui kết về chính trị thì ý tứ mới sáng tỏ.

Trong phần trên, Khổng tử đã nói về cương lĩnh của chính trị, đặc biệt nhấn mạnh về những điều kiện để có thể làm một ông vua, một vị lãnh đạo dân nước tốt. Ở phần này, ngài đề cập đến những điều kiện để có thể trở nên một ông quan cai trị, một người thừa hành cấp trên tốt. Vì thế Khổng tử mới nói: “Ở cấp dưới mà không được sự tín nhiệm ở cấp trên, không thể trị dân được.”

Dĩ nhiên, với chủ trương “chính giả chính dã: chính trị là làm cho ngay thẳng” (Luận ngữ: Nhan Uyên), Khổng tử không bao giờ dạy cấp dưới phải luồn lọt, đút lót, nịnh hót hay chiều lòng… cấp trên để được tín nhiệm. Ngài muốn cấp dưới phải thể hiện tài đức, giỏi giang trong công việc.

Muốn vậy, người quân tử cấp dưới cần phải sửa mình. Muốn sửa mình theo đức hạnh thì phải quên mình đi để phục vụ những người thân. Người xưa quá đề cao đạo hiếu nên hiểu chữ “thân” trong câu này “tu tu thân, bất khả dĩ sự thân” theo nghĩa hẹp là “cha mẹ”. Tuy nhiên, xét ý tứ toàn chương, chữ “thân” phải được hiểu là những người gần gũi. Những người gần gũi của một ông quan (quân tử cấp dưới) là: vua, cha mẹ, vợ con, anh em, bè bạn. Những người này nằm trong đạo thống ngũ luân (được nhắc tới sau) mà người quân tử phải chấp hành.

Chữ “sự” ở đây cũng không nên hiểu theo nghĩa hẹp là “phụng thờ”, mà phải được hiểu theo nghĩa rộng là “phục vụ”.

Khổng tử nói tiếp: “Muốn phục vụ những người thân, không thể không biết về con người.” (Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhân.) Câu này của Khổng tử hàm chứa tinh thần khoa học. Con người là một tổng thể tâm sinh lý bao gồm: thể xác, tinh thần (sinh hoạt tâm lý) và hồn thiêng. Nếu không biết rõ về con người, thì việc phục vụ chẳng đem lại ơn ích gì mà có khi lại phản tác dụng, làm cho “người được phục vụ” bị khổ sở, bất bình. Ví dụ: phục vụ cha mẹ mà chỉ lo cho cha mẹ ăn, không biết làm vui lòng cha mẹ, “phục vụ” vợ con mà bắt vợ con ăn uống, đi đứng hoàn toàn theo ý mình, thì khác gì cai tù của vợ con!

Như vậy, cần phải học cho biết về con người với toàn bộ cơ cấu tâm sinh lý, mới có thể phục vụ con người cho tốt được.

Khổng tử nói rõ thêm: “Muốn biết về con người, không thể không biết Trời.” (Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên.)

Bởi vì Trời sinh ra con người, trao thiên mệnh cho con người, cho nên muốn biết con người phải biết Trời. Nếu chỉ coi con người là một thứ động vật, tương tự như những loài động vật khác, không thấy trong con người có chiều kích tâm linh tương thông với Trời, không thấy trong con người có hồn thiêng, không thấy trong con người có một sinh hoạt tinh thần rất phong phú, làm sao hiểu được con người? Con người không giống con vật; vì danh dự, phẩm giá, con người có khi thà chịu chết đói chứ không chịu nhục, thà bị giết chứ không từ bỏ lý tưởng để được sống. Con vật đâu có thế!

Vậy muốn biết người phải biết Trời; tức là biết rằng Trời là một Thực thể siêu việt, tối hậu, huyền nhiệm, vô thủy vô chung, đã sáng tạo ra con người thiêng liêng hơn vạn vật, cho con người khả năng trở nên thánh, nên thần. Biết rằng con người có tiềm năng hiền thánh, vì thế không thể phục vụ con người như chăn nuôi một loài động vật quí hiếm hay như phụng thờ một ngẫu tượng đáng sợ!

Nói về phục vụ con người, Khổng tử nhắc tới đạo thống mà cổ nhân đã đúc kết thành năm đường lối thành tựu cho mọi người trong xã hội. Đạo thống đó là ngũ luân: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè.

Làm bầy tôi phải trung với vua.
Làm con phải hiếu thảo với cha mẹ.
Làm chồng phải xướng xuất cho vợ con theo.
Làm anh phải hiền lương với em.
Làm bạn bè giao thiệp phải giữ niềm tin.

Để có thể thành tựu được nhân đạo (ngũ luân), thì phải vận dụng tới ba đức, tức là ba năng lực: trí, nhân, dũng.

Trí là sự hiểu biết thấu đáo, sáng suốt để phân biệt. Ví dụ: thế nào là trung chân chính, hiếu chân chính, thân yêu chân chính… để tránh mù quáng.

Nhân là sự yêu người bằng hành động, bằng việc làm (lực hành), chứ không phải yêu bằng môi miệng.

Dũng là mạnh dạn tinh thần để biết tự kiềm chế những nết xấu của mình, và có sức phấn đấu trong khi gặp gian khó, nguy hiểm.

Để có thể thi hành được ba đức (năng lực) trên, cần có một năng lực duy nhất là đức thành. Thành () là sự thành khẩn qui kết cả trí, nhân, dũng, giúp con người thành tựu được nhân đạo (ngũ luân).

Chữ thành () gồm ba chữ biểu thị ba năng lực trong con người:

ngôn (): lời nói (có gốc là trí khôn: trí).

lực (): sức mạnh (có gốc là tình yêu: nhân).

qua (): ngọn giáo (biểu thị sự mạnh mẽ: dũng)

Để biết về những đường lối của nhân đạo (ngũ luân), Khổng tử cho rằng có ba trường hợp khác nhau:

Có người sinh ra do trí thông minh đặc biệt đã biết.

Có người biết được là do giáo dục, được cha mẹ hoặc thầy giáo dạy bảo cho.

Có người phải đương đầu với những nỗi khốn khổ, đau đớn trong đời, trí khôn mới vỡ ra mà biết.

Ví dụ: Có người gặp giai đoạn nước mất nhà tan, trước cảnh tượng quân thù xâm lược giày xéo, mới biết được rằng cần có một lãnh tụ anh minh (ông vua) lãnh đạo đất nước và mọi người dân cùng chung sức, chung lòng hỗ trợ ông ấy để giữ cho đất nước được thái bình. Trung thành với lãnh tụ là đức trung trong đạo vua tôi vậy.

Có người sau khi cha mẹ đã khuất, bị sống trong đơn độc thiếu tình phụ tử, mẫu tử đùm bọc, lúc ấy mới nghĩ tới đức hiếu.

Có người, sau khi góa vợ, sống cô đơn lạnh lẽo, mới thấy tình nghĩa phu thê là đáng quí.

Có người, sau khi anh em, bè bạn đã đi xa, tứ cố vô thân, không có người thông cảm, ủi an, giúp đỡ, chuyện trò, mới thấy tình anh em, bè bạn là cần thiết.

Để biết thì có ba trường hợp, nhưng khi đã biết rồi, thì thấu đáo như nhau. Người sinh ra đã biết tuy chưa có kinh nghiệm nhưng do trực giác nhạy bén, hoặc do thấy tình cảnh người khác mà suy ra, cũng cảm thấy thấu đáo không kém người đã từng trải kinh nghiệm.

Còn nói đến việc thi hành những đường lối của nhân đạo ngũ luân cũng có ba trường hợp. Ví dụ:

– Có người an nhiên vui vẻ thi hành đức hiếu, chẳng phàn nàn than thở.

– Có người sốt sắng thi hành đức hiếu vì nhận được nhiều của cải điền sản của cha mẹ dành cho (lợi).

– Có người gắng gượng mà thi hành đức hiếu để lương tâm khỏi áy náy, hoặc để người ngoài khỏi chê cười.

Tuy cách thế thi hành có khác, nhưng khi thành công vẫn là một: cha mẹ được phụng dưỡng. Nhưng xét về giá trị, người an nhiên vui vẻ thi hành nhân đạo ngũ luân vẫn có giá trị hơn loại người thứ hai, thứ ba. Người ấy quả là có nhân cách của bậc thánh hiền.

Khổng tử lại chỉ ra phương thức để cho người ta xét người:

– Người nào yêu thích học hỏi thì gần đức trí, sớm muộn gì cũng thành bậc trí.

– Người nào ra sức phục vụ tha nhân thì gần đức nhân, sớm muộn gì cũng thành bậc nhân.

– Người nào hổ thẹn trước những cảnh cám dỗ thấp hèn, biết tự kiềm chế mình, thì gần đức Dũng, sớm muộn gì cũng thành bậc dũng.

Người nào biết trí, nhân, dũng và sống theo động lực của Trí, Nhân, Dũng, ắt là biết cách sửa mình để trở nên người hoàn thiện. Biết cách sửa mình thì sẽ biết phương pháp giúp người nên hoàn thiện. Biết phương pháp giúp một người, mở rộng phương pháp ra, có thể giúp cho mọi người trong nước trở nên hoàn thiện. Làm cho mọi người nên hoàn thiện là thành tựu việc chính trị, làm cho xã hội ổn định, dân chúng hạnh phúc, đất nước thái bình.

Đoạn 3: 

Đại khái việc cai trị thiên hạ quốc gia có chín đạo thường; đó là: sửa đổi chính mình, tôn trọng bậc hiền, thân yêu người thân, kính trọng đại thần, thể lòng quần thần, thương dân như con, vỗ về công nhân, hoà nhã người xa, bảo bọc chư hầu.

Sửa đổi chính mình thì tạo lập được đạo đức. Tôn trọng bậc hiền thì không bị nghi hoặc. Thân yêu người thân thì chú bác anh em không oán trách. Kính trọng đại thần thì không bị mù quáng. Đặt mình vào lòng quần thần mà xét (thể lòng quần thần) thì các sĩ phu hết lòng báo đáp. Thương dân như con thì khuyến khích được dân chúng (trăm họ). Vỗ về công nhân thì của cải đầy đủ. Hoà nhã với người xa thì bốn phương theo về. Bảo bọc các nước chư hầu thì thiên hạ tâm phục.

Giữ chay thanh khiết, ăn mặc chỉnh tề, không phải lễ không hành động, cốt để sửa đổi chính mình. Từ bỏ lời gièm pha, nịnh hót, xa lánh nữ sắc, không màng của cải, quí chuộng đức hạnh; cốt để khuyến khích bậc hiền.

Cho địa vị cao bổng lộc hậu, chia sẻ nỗi niềm yêu ghét (với họ hàng), cốt để khuyến khích việc thân yêu người thân.

Cho đầy đủ quan chức để tùy nghi sử dụng, cốt để khuyến khích đại thần.

Hết lòng, tỏ niềm tin, cho bổng lộc hậu, cốt để khuyến khích sĩ phu.

Sử dụng phải thời, nhẹ trong thuế khóa; cốt để khuyến khích dân chúng.

Hằng ngày xem xét, hằng tháng thử nghiệm cho tương xứng với công việc, cốt để khuyến khích các công nhân.

Tiễn người đi, đón kẻ đến, khen người lành, thương xót người kém sức, cốt để hoà nhã với người phương xa.

Tiếp nối dòng dõi bị đứt, nâng đỡ nước suy sụp, giúp cho khỏi loạn, giữ cho khỏi nghiêng đổ, định thời hạn cho việc dâng lễ vật, của tiễn nhiều mà của dâng ít, cốt để bảo bọc các nước chư hầu.

Đại khái việc cai trị thiên hạ quốc gia có chín đạo thường, để thi hành được những đường lối ấy, chỉ có một điều thôi.

BÌNH GIẢI:

Lỗ Ai Công là vua của nước Lỗ, thuộc dòng dõi Chu Công, một chư hầu của nhà Chu vào thời Xuân Thu, Chiến quốc. Khi Lỗ Ai Công hỏi về việc chính trị,ở hai đoạn trên, Khổng tử đã trình bày những nét chính yếu của một nền chính trị lý tưởng dưới thời Văn Vương, Võ Vương. Tuy ngài không nói tới Hồng phạm cửu trù, nhưng đã là một người làm chính trị, đã đọc Kinh Thư nói về việc cai trị của Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ như Ai Công thì ắt phải biết Hồng phạm cửu trù. Đọc phần trên, chúng ta đã biết Khổng tử qui kết việc chính trị vào chính con người: người cai trị quan trọng hơn thể chế chính trị. Có người cai trị tốt thì có kết quả tốt; việc chính trị thành tựu, đó là thiên hạ được thái bình.

Trong đoạn này, Khổng tử đề cập tới Cửu Kinh, và phân tích kỹ về Cửu Kinh cho Lỗ Ai Công nghe. Như thế, thâm ý Khổng tử, một thần dân của vua Lỗ, là muốn vua Lỗ nếu có thể sẽ tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên xưa là Chu Công để vực lại một nhà Chu đang suy tàn, hấp hối. Ý tứ đó thể hiện rõ nhất trong đường lối thứ 9 của Cửu Kinh: “hoài chư hầu” (bảo bọc chư hầu). Đường lối “hoài chư hầu” là đành cho thiên tử. Thế mà, bấy giờ nhà Chu đang là thiên tử, Lỗ Ai Công là vua chư hầu. Dạy Lỗ Ai Công “hoài chư hầu” tức là có ý dạy cho Lỗ Ai Công cố gắng trở nên thiên tử hay ít ra cũng làm bá chủ, hộ vực thiên tử.

Trước hết, Khổng tử đã nêu ra 9 đạo thường (Cửu Kinh) để cai trị thiên hạ quốc gia:

Sửa đổi chính mình.
Tôn trọng bậc hiền.
Thân yêu người thân.
Kính trọng đại thần.
Thể lòng quần thần.
Thương dân như con.
Vỗ về công nhân.
Hoà nhã người xa.
Bảo bọc chư hầu.

Chúng ta có thể căn cứ vào sự phân tích của Khổng tử mà giải bày như sau về Cửu Kinh:

1. Trong đạo trị nước, việc sửa mình của vua (nói theo ngôn ngữ ngày nay là: của tổng thống, chủ tịch…) phải được đặt lên hàng đầu. Sửa mình theo các nguyên tắc đạo đức, thì tất cả mọi người trong nước từ các đại thần cho tới thường dân cũng theo gương vua. Do đó, nền đạo đức tầm cỡ quốc gia mới được tạo lập. Ai cũng hướng về đạo đức thì việc cai trị không còn gì khó nữa.

2. Thứ đến, vua phải gần gũi, tôn trọng những người có đức hạnh, tài năng, khôn ngoan (các bậc hiền), nhờ sự góp ý của các bậc hiền mà vua tránh được những điều nghi hoặc, thông tỏ được mọi vấn đề về quốc kế dân sinh.

3. Để duy trì đoàn kết nội bộ, vua phải thân yêu những người trong dòng tộc của mình, vỗ yên họ để tránh mầm mống chống đối, phá đám, ngay sát bên mình.

4. Vua phải kính trọng các quan đại thần, những người trực tiếp hợp tác với mình trong bộ máy cai trị trung ương. Đó là những người tài đức, già dặn kinh nghiệm trong trường đời; nên họ có thể làm cố vấn cho vua, giúp vua ứng xử những việc quốc gia trọng đại; không bị mù quáng u mê, không bị lừa gạt.

5. Vua phải đặt mình vào địa vị của các quan lớn, quan nhỏ (quần thần), lấy lòng mình làm lòng họ, để có thể biết được khó khăn của họ, công sức của họ, biết được nhu cầu của họ mà ân thưởng xứng đáng và chiếu cố họ trong những tình cảnh bất trắc. Hiểu và chăm sóc chu đáo cho họ thì họ mới hết lòng báo đáo ơn vua.

6. Vua phải thương dân như con, thấy dân đói rét cũng như thấy con mình đói rét… lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân. Vì thế, phải tìm mọi biện pháp để dân chúng được an cư lạc nghiệp, được ấm no, được học hành. Có như vậy, mới khuyến khích được dân chúng tham gia việc nước, và đóng góp công sức cho đất nước.

7. Vua phải an ủi, vỗ về các công nhân thợ thuyền, những người chế tác vật dụng, làm ra của cải, sản vật. Họ được vỗ về, đền bù khó nhọc, thì sẽ cố gắng hết mình làm ra các dụng cụ, chế tác các hóa phẩm có chất lượng cao, làm giàu cho đất nước.

8. Vua phải có đường lối hoà nhã với các sứ giả, các khách thương từ phương xa tới, để cho mọi người bốn phương nghe tiếng sẽ hết lòng ngưỡng mộ, mong ước được hưởng sự cai trị của vua.

9. Đối với các nước nhỏ trong hàng chư hầu, vua phải có chính sách bảo bọc, hỗ trợ, đừng ỷ mạnh hiếp yếu… thì thiên hạ khắp nơi sẽ tâm phục và kính sợ uy danh.

Sau khi phân tích những điều lợi, Khổng tử lại nói đến cách thi hành Cửu Kinh:

1. Giữ chay thanh khiết, ăn mặc chỉnh tề, không phải lễ không hành động.

Lời dạy của Khổng tử về cách sửa mình dành cho một ông vua, nhất là một ông vua muốn trở nên thiên tử, đúng là lời dạy dành cho một đạo sĩ, nếu không muốn nói là một giáo sĩ, một bậc nhân cao cấp. Câu “phi lễ bất động” dành cho vua ở đây có ý nghĩa giống hệt như câu dành cho đệ tử cao cấp nhất trong Khổng môn là Nhan Hồi: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không phải lễ chớ nhìn, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ hành động.) (Luận Ngữ: Nhan Uyên, 1).

Vua có trở nên một đạo sĩ hay giáo sĩ thì mới xứng đáng là con Trời (Thiên tử), thay Trời hành đạo. Bởi vì đạo do vua cầm giềng mối chính là đạo Trung dung.

Ngay trong một điểm này thôi, chúng ta cũng rõ được tại sao Khổng tử chu du liệt quốc trong 13 năm mà không có ông vua nào dùng Khổng tử, hoặc chấp nhận đường lối chính trị của Khổng tử! Lý do rất đơn giản là vào thời Xuân Thu, Chiến quốc, từ thiên tử nhà Chu tới các vua chư hầu, có ông vua nào muốn làm đạo sĩ đâu!

Cũng tương tự như vậy, vào cuối thời Chiến quốc, khi Vệ Ưởng nói về một nền chính trị lý tưởng (Đế đạo, Vương đạo) thì vua Tần đã ngủ gật. Chỉ khi Vệ Ưởng nói về Bá đạo với những mưu thuật, những hình pháp nặng nề thì vua Tần mới hưởng ứng khối trá! Điều đó chứng tỏ rằng trong suốt lịch sử Trung Quốc từ thời Xuân Thu đến nay không có ông vua nào xứng đáng là Thiên tử theo nghĩa trong Cửu Kinh cả.

Thế thì, vào đầu thế kỷ 20, trước tình trạng Trung quốc bị Tây phương xâm lược, nhiều trí thức nước này đã đổ tội cho Khổng tử làm chậm lụt, làm suy nhược Trung quốc là oan cho Khổng tử. Bởi vì đâu có ông vua nào chịu áp dụng đúng đắn đường lối chính trị của Khổng tử!

2. Vua phải từ bỏ những lời nói gièm pha của bọn tiểu nhân đối với người tài giỏi do lòng đố kỵ ghen tuông, từ bỏ những lời tâng bốc nịnh hót của cấp dưới muốn được trọng dụng. Vua phải lánh xa nữ sắc là thứ làm bại hoại tinh thần, thể chất, suy đồi phong hóa. Vua phải biết coi rẻ của cải (tiện hóa) để dạy người ta bỏ thói gian tham, quí chuộng đức hạnh để khích lệ người nhân đức. Làm được những điều ấy tức là vua ở trong phần tử đồng thanh đồng khí với bậc hiền. Do đó, theo qui luật “đồng thanhtương ứng, đồng khí tương cầu” (Dịch), các bậc hiền sẽ đua nhau về giúp, trong nước sẽ không còn kẻ sĩ ẩn dật nữa. Như thế, quốc gia ắt hưng vượng.

3. Muốn tỏ lòng thân yêu người thân, tức là bà con họ hàng, chú bác, anh em, Khổng tử cho rằng vua phải trao cho họ địa vị cao, cấp bổng lộc hậu, chia sẻ nỗi niềm yêu ghét với họ.

Trong ba điểm ở mục này, ngày nay chúng ta không còn chấp nhận được điểm 1 và 2 (cho địa vị cao, bổng lộc hậu) nữa. Những điều này chỉ thích hợp cho cái thời mà người ta quan niệm: “một người làm quan cả họ được nhờ” như tục ngữ xưa đã nói. Trong chính thể dân chủ, cộng hoà ngày nay, chỉ người có tài đức mẫn cán mới được đảm đương địa vị cao và hưởng bổng lộc hậu. Lãnh tụ nào chia sẻ địa vị cho thân nhân (nhất là những người thiếu tài đức) sẽ bị dân chúng chê bai là “gia đình trị”. Chỉ còn điểm thứ 3 (đồng kỳ hiếu ố: chia sẻ nỗi niềm yêu ghét) là còn có thể chấp nhận được trên phương diện tình cảm với họ hàng.

4. Để khuyến khích các đại thần chăm lo việc nước, nhà vua phải trao cho họ đầy đủ quan có khả năng để họ tùy nghi sử dụng trong các phủ, bộ. Muốn vậy, vua phải chỉ thị cho triều đình mở nhà quốc học, tổ chức các khoa thi để kén chọn nhân tài.

5. Để khuyến khích các sĩ phu, các quan chức cấp dưới, nhà vua phải tỏ ra hết lòng chiếu cố, tin tưởng nơi họ, biết đến công sức của họ để ban thưởng bổng lộc hậu.

6. Đối với dân chúng, nhà vua cần sai khiến dân phải thời mỗi khi cần họ góp sức (ví dụ: chỉ gọi dân đi phu vào thời gian họ rảnh công việc đồng áng), thu nhẹ thuế khóa để dân có thể sống no đủ. Đó là cách khuyến khích dân chúng.

7. Để khuyến khích công nhân thợ thuyền, hằng ngày phải cử người xem xét công việc họ làm trong các công xưởng; hằng tháng phải có cuộc kiểm tra để đánh giá công việc, sản phẩm và trả lương tương xứng với công sức của họ.

8. Nhà vua phải có chính sách đưa đón những sứ giả, khách du lịch, khách thương từ các nước chư hầu tới. Người nào tốt lành thì khen ngợi, người nào kém cỏi thì vỗ về, thương xót, nâng đỡ. Đó là cách cư xử hoà nhã với người phương xa.

9. Đối với các nước chư hầu, vua nước nào bị gian thần hãm hại, thì cho tìm kiếm con cháu để tiếp nối dòng dõi cho vua ấy. Nước nào suy sụp thì nâng đỡ, nước nào loạn lạc thì giúp ổn định, nước nào nghiêng đổ thì giữ vững. Nhận lễ vật dâng hiến của chư hầu thì phải theo hạn kỳ, không được sách nhiễu. Lễ vật của chư hầu đem đến chỉ cần ít để bày tỏ lòng thành, còn lễ vật ban tặng thì phải nhiều hơn để làm cho họ vui lòng. Đó là đường lối bảo bọc chư hầu.

Đến đây, chúng ta nhận thấy rằng Cửu kinh chính là đường lối mở rộng của cương lĩnh sách Đại học (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), cũng khởi đi từ việc sửa mình, đến việc sắp xếp yên ổn gia đình, rồi mới đến việc trị nước, và cuối cùng tiến đến việc làm cho thiên hạ được thái bình. Thứ tự của cương lĩnh Đại học và thứ tự của Cửu kinh như nhau, cũng tiến từ gần ra xa.

Nếu lại so sánh Hồng phạm cửu trù Cửu kinh, chúng ta nhận thấy Hồng phạm nghiêng về thiên đạo, hẳn là cao hơn Cửu kinh một mức. Hồng phạm đòi hỏi vua phải đủ tư cách thánh nhân để ở ngôi Hoàng Cực là ngôi Trời, phải hiểu biết về Ngũ hành là địa lý thiên nhiên, hiểu biết về Ngũ kỷ là thiên văn, hiểu biết về Thứ trưng là khả năng cảm ứng với thiên địa. Hồng phạm đòi hỏi lo nhiều cho dân (Bát chính) hơn là lo bắt dân làm sai dịch, lo thu thuế, để dân đạt được Ngũ phúc, tránh Lục cực.

Còn Cửu kinh nghiêng về nhân thuật (thuật lấy lòng người: hiền nhân, thân nhân, đại thần, quần thần, thứ dân, bách công, viên nhân, chư hầu).

Do đó, xưa nay, những kẻ sĩ vẫn có truyền thống cho đường lối cai trị theo Hồng phạm cửu trù là Đế đạo (đạo của các đời Ngũ đế) và đường lối cai trị theo Cửu kinh là Vương đạo (đạo của các bậc vương đời sau). Thực ra, các bậc vương đời sau cũng chưa theo hết được vương đạo.

Dĩ nhiên, Đế đạo thì cao hơn Vương đạo. Tuy vậy cả Đế đạo và Vương đạo đều là những đường lối chính trị nằm trong đạo Trung Dung, tùy thời thi hành.

Vào cuối thời Xuân Thu và trọn thời Chiến quốc, các vua chẳng những không lo cho dân ấm no, cũng chẳng cần lấy lòng dân, trước sau chỉ cốt làm cho dân sợ hãi mà phải một mực tuân hành lệnh vua.

Vào đầu thời Chiến quốc, Tử Tư triển khai đạo Trung dung để cố níu lại tình trạng suy sụp của nhân đạo, chỉ nhắc lại lời Khổng tử nói phớt qua đường lối chính trị của Văn, Võ là có ý nói xa tới Đế đạo (Hồng phạm Cửu trù), còn nói kỹ tới Vương đạo (Cửu kinh), cũng không ra ngoài ý tùy thời. Bởi vì vào thời Xuân Thu, Chiến quốc, cai trị theo Vương đạo Cửu kinh cũng đã là khó lắm đối với các nhà chính trị thời ấy rồi; còn nói chi tới Đế đạo thánh thiện nữa!

Đoạn 4: Hễ công việc được liệu sớm thì nên; không lo liệu sớm thì hỏng. Lời nói được sắp đặt trước thì không vấp váp. Công việc được sắp đặt trước thì không bị rắc rối. Hành động được sắp đặt trước thì không bị sai lầm đáng tiếc. Đường lối được sắp đặt trước thì không bị bế tắc.

Ở cấp dưới mà không được sự tín nhiệm của cấp trên không thể cai trị dân được. Để được sự tín nhiệm của cấp trên thì có đường lối: không tạo được niềm tin ở bè bạn thì không được người trên tín nhiệm. Để được bè bạn tin tưởng thì có đường lối: không thuận thảo với người thân thì không được bè bạn tin tưởng. Để được thuận thảo với người thân thì có đường lối: quay trở lại chính mình mà không chân thành thì không thuận thảo với người thân được. Để chân thành với chính mình thì có đường lối: không làm sáng tỏ điều tốt lành thì không chân thành với mình được.

BÌNH GIẢI:

Ở phần trên, Khổng tử đã nói đến nền tảng của việc chính trị, nói đến ba năng lực để hoàn thành nhân đạo ngũ luân là trí, nhân, dũng, lại nói đến đại cương về đường lối cai trị Cửu kinh. Ở đoạn này, Khổng tử nói về kỹ thuật để đưa đến thành công. Kỹ thuật thành công nằm trong những chữ “dự” (liệu sớm) và “tiền định” (sắp đặt trước).

Chẳng những làm chính trị mà ngay cả làm những công việc nhỏ mọn hằng ngày cũng cần phải biết liệu sớm và sắp đặt trước. Khổng tử đã nêu ra một số trường hợp tiêu biểu: công việc, lời nói, hành động, đường lối, nếu biết liệu sớm và sắp đặt trước thì tránh được những sự hư hỏng, vấp váp, rắc rối, sai lầm, bế tắc.

Khổng tử lại cẩn thận nhắc tới một điều kiện quan trọng trong việc cai trị là “được lòng”, tức là “được sự tín nhiệm” (hoạch).

Trong một hệ thống chính quyền cai trị ắt phải phân ra các cấp: cấp dưới và cấp trên. Người dưới không được người trên tín nhiệm thì việc cai trị không thành. Để nói lên sự cần thiết phải có sự hoà hợp giữa cấp dưới và cấp trên, Khổng tử dùng cách hành văn phủ định sóng đôi, dùng hai chữ “không” (bất) trong một câu văn:

– Không được cấp trên tín nhiệm, không cai trị dân được.
– Không được bạn bè tin tưởng, không được cấp trên tín nhiệm.
– Không thuận thảo với người thân, không được bạn bè tin tưởng.
– Không chân thành quay trở lại mình, không thuận thảo với người thân được.
– Không làm sáng tỏ điều tốt lành, không chân thành với mình được.

Dùng cách hành văn này, Khổng tử có ý muốn nói đó là những điều kiện tối thiểu, điều kiện cần và đủ, không có không được.

Một người có thể kém tài, nhưng những điều tối thiểu cần phải có để được tín nhiệm là:

– Bày tỏ điều tốt lành để chứng tỏ mình chân thành.
– Thể hiện sự chân thành để thuận thảo với người thân.
– Thuận thảo với người thân để làm cho bạn bè tin tưởng.
– Làm cho bạn bè tin tưởng để người trên tín nhiệm.
– Làm cho người trên tín nhiệm để có thể trị được dân.

Tóm lại điều kiện tối thiểu và tiên quyết nằm ở chữ thành (). Thành chính là một điều mà Khổng tử muốn người học hay người đọc sách phải hiểu ngầm trong hai câu văn ở phần trên:

– “Trí, nhân, dũng tam giả, thiên hạ chi đạt đức dã. Sở dĩ hành chi giả nhất .” (Trí, nhân, dũng là ba năng lực thành tựu của mọi người. Để thi hành được những năng lực ấy, chỉ có một điều thôi).

– “Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh, sở dĩ hành chi giả nhất dã.” (Đại khái việc cai trị thiên hạ quốc gia có chín đạo thường, để thi hành được những đường lối ấy, chỉ có một điều thôi).

Giấu đi một chữ thành là cách hành văn “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) của cổ nhân cốt để kích thích người đọc động não suy tư. Người nào có thiện chí thì sẽ suy nghĩ ra, nếu chẳng có thiện chí mà bỏ qua, cũng chẳng đáng nói làm chi nữa!

Đoạn 5: Chân thành là đạo của Trời, trở nên chân thành là đạo của người. Có chân thành, không cố gắng mà vẫn trúng, không suy nghĩ mà vẫn được, thong thả thư thái trong đạo Trung; đó là thánh nhân vậy. Để trở nên chân thành, thì phải chọn điều tốt lành mà nắm chắc lấy.

Học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân tích cho sáng tỏ, làm cho hết lòng. Có điều chưa học, học chưa nỗ lực, không chịu bỏ. Có điều chưa hỏi, hỏi mà chưa biết, không chịu bỏ. Có điều chưa nghĩ, nghĩ mà chưa ra, không chịu bỏ. Có điều chưa phân tích, phân tích mà chưa

sáng tỏ, không chịu bỏ. Có điều chưa làm, làm mà chưa hết lòng, không chịu bỏ.

Người nỗ lực một, mình nỗ lực một trăm; người nỗ lực mười, mình nỗ lực một nghìn. Quả như nỗ lực theo đường lối ấy, tuy dốt nát ắt phải sáng tỏ, tuy yếu đuối ắt phải mạnh mẽ.

Trên đây là chương thứ hai mươi.

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn trên Khổng tử đã qui kết tất cả năng lực của người thi hành đạo Trung dung trong nhân luân và trong việc chính trị vào một chữ thành. Ở đoạn kết này, Khổng tử nói rõ về chữ thành ấy, đồng thời nêu ra những phương thế để người ta có thể đạt tới chữ thành như đạo Trời.

Thành là chân thành hay thành thực. Đó là đạo của Trời, Trời hành động hoàn toàn chân thành, trước sau không hề dối trá, sai chạy.

Hãy nhìn các hiện tượng thiên nhiên ở qui mô lớn cũng như qui mô nhỏ.

Khoa học thực nghiệm cho biết:

Mặt trời cách trái đất một khoảng cách nhất định: chừng 150 triệu cây số. Trái đất quay xung quanh mặt trời theo quỹ đạo bầu dục. Thời gian quay đủ một vòng khoảng 365 ngày 6 giờ… Độ nghiêng của trục trái đất là 23o27’. Do khoảng cách, độ quay và độ nghiêng đó, mà có hiện tượng đổi mùa trong một năm: xuân, hạ, thu, đông, có những ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí để san sẻ ánh sáng mặt trời trên trái đất… Từ đó nảy sinh các hiện tượng xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng: mùa xuân trăm hoa đua nở, mùa hạ cây cối phát triển, mùa thu lá rụng trái kết, mùa đông tàng trữ sinh lực để chuẩn bị cho một chu kỳ vận hành mới…

Khoa học cũng cho biết: nước sôi ở 100 độ C, đông cứng ở 0 độC. Các kim loại như: sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạc… mỗi thứ đều có một độ nóng chảy chính xác không sai chạy.

Ngoài ra, các hạt thảo mộc hễ gặp nước ẩm thì nẩy mầm; đến khi trưởng thành thì cho hoa, cho trái tùy theo từng loài vào một mùa nhất định (nếu không có sự can thiệp bất thường của con người).

Lại còn cá hồi thì dù đi bao xa cũng lội về nguồn mà đẻ trứng. Cá voi thì cho con bú sữa, sữa mẹ phun mạnh xuyên qua nước biển vào miệng con. Gà con mới nở đã biết mổ…

Nhìn lại con người, chúng ta thấy: con người được cưu mang trong lòng mẹ khoảng 9 tháng 10 ngày thì chào đời, sau đó mọc răng, vỡ tiếng, mọc râu… đều theo một trình tự nhất định.

Tất cả những điều đó đều do Trời hành động, hàng bao nhiêu trăm triệu năm rồi, không thay đổi.

Ngay đến những hiện tượng thiên nhiên bất thường như giông bão đều có điềm báo trước: “Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

Đó là Trời đã thành thật trong đường lối của mình (thiên đạo). Nếu Trời không chân thành thì đã không có những định luật chi phối vũ trụ vạn vật; và các nhà khoa học cũng chẳng tìm đâu ra định luật để chinh phục thiên nhiên.

Trái lại, con người thì dối trá, lỗi hẹn, sai chạy rất nhiều, nói một đường làm một nẻo, nay thế này mai thế khác. Hiếm có người chân thành.

Tuy nhiên, trong muôn triệu người, đôi khi cũng có một người vốn sinh ra đã bẩm thụ đức thành của Trời. Cho nên con người ấy không cần cố gắng mà vẫn làm đúng theo đạo, chẳng cần phải bận tâm suy nghĩ mà vẫn hiểu thấu đáo, thảnh thơi trong đường ngay nẻo chính (thung dung Trung đạo). Người ấy hẳn là bậc thánh nhân. Con người như thế ấy, chính Khổng tử cũng tự nhận mình chưa đạt được. Ngài đã từng nói với các đệ tử: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm: Như làm bậc thánh, bậc nhân, thì ta đâu dám!” (Luận Ngữ: Thuật nhi, 33). Ngài chỉ dám xác nhận với các đệ tử rằng: “Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã: Ta đâu phải sinh ra đã biết, chỉ ham thích cổ học, mau mắn tìm hiểu mà thôi.” (Luận ngữ: Thuật nhi, 19).

Trong lịch sử Phật giáo Trung quốc, duy có một người có thể được coi như một bậc thánh nhân, không cần học mà hiểu rõ lẽ đạo, làm đúng lẽ đạo như câu sách Trung dung trên đây đã nói: “Thành giả, bất miễn nhi trúng, bất tư nhi đắc, thung dung Trung đạo; thánh nhân dã.” (Có chân thành, không cố gắng mà vẫn đúng, không suy nghĩ mà vẫn được, thong thả thư thái trong đường ngay nẻo chính: thánh nhân vậy.) Người đó tương truyền là Lục tổ Huệ Năng (638 – 713).

Huệ Năng là người Tân Châu, xứ Lĩnh Nam, vốn làm nghề bán củi. Một ngày kia, Huệ Năng đến cầu pháp với thiền sư Hoằng Nhẫn, ngỏ ý muốn làm Phật. Hoằng Nhẫn hỏi đùa:

– Ngươi là người Lĩnh Nam, thuộc giống man di, sao có thể làm Phật được? Huệ Năng nhanh nhẩu đáp:

– Người có nam bắc, Phật tánh vốn không nam bắc. Thân mường mán này với thân Hoà thượng tuy có khác, nhưng Phật tánh có chi khác biệt?

Câu trả lời làm cho Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giật mình, biết rằng trong con người quê mùa này tính Phật đã triển khai rực rỡ. Nói theo ngôn ngữ triết nho của sách Trung dung thì Huệ Năng có sẵn đức thành của Trời rồi.

Thế là Huệ Năng được giao việc giã gạo cho nhà chùa. Hơn tám tháng trời làm công việc tầm thường ấy, Huệ Năng không được học giáo pháp gì, cũng chẳng được xuống tóc làm tăng sĩ. Nhân khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cho môn nhân trong chùa biết ý định muốn truyền ngôi vị Lục tổ cho người nào có thể tỏ ra đạt lý đạo, Huệ Năng tuy không biết chữ đã nhờ một tăng sinh đọc cho nghe bài kệ của thượng tọa Thần Tú và sau đó nhờ tăng sinh ấy viết giùm một bài kệ trên vách chùa (bên cạnh bài của Thần Tú) như sau:

“Bồ đề bản vô thụ,

Minh kính diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật.

Hà xứ nhạ trần ai.”

Nghĩa là:

Bồ-đề vốn chẳng phải cây,

Gương sáng cũng chẳng phải đài.

Xưa nay vốn không một vật,

Chỗ nào bám được bụi nhơ?

Huệ Năng làm bài kệ này để bác bỏ quan điểm của thượng tọa Thần Tú cho rằng cần phải siêng năng “phủi quét” tâm thức của mình hằng ngày, đừng để nhuốm bụi trần mới mong giác ngộ.

Bài kệ của Huệ Năng có ý nói rằng: Giác ngộ vốn không cây, tâm thanh tịnh (gương sáng) vốn không có trú sở. Nếu cho thân mình là cây giác ngộ, lòng mình là gương sáng theo quan điểm của Thần Tú là chấp trước (vướng mắc). Có sự phân biệt ra vật nọ, vật kia, có bụi hay không bụi, nhơ nhớp hay sạch sẽ… Đó là hệ quả của tâm phân biệt. Phải vượt lên tâm phân biệt mới có giác ngộ chân thật.

Do bài kệ này mà một cư sĩ chưa chính thức học Phật pháp như Huệ Năng đã được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn chọn làm Lục tổ của thiền Trung quốc, kế thừa giáo pháp của Bồ-đề Đạt-ma.

Qua đây, chúng ta thấy rõ ràng Huệ Năng là trường hợp đặc biệt của một bậc thánh nhân có sẵn đức thành của Trời (hay có Phật tính). Ông không học, không nghĩ mà vẫn trúng đạo, vẫn hiểu đạo thấu đáo, không vất vả khổ hạnh mà vẫn đạt chánh giác; trước sau thảnh thơi sống một cuộc đời giản dị, chất phác.

Còn đối với Khổng tử, vì vốn sinh ra không phải là thánh nhân, ngài chăm chỉ học hỏi, tu thân. Do trực giác tâm linh và chiêm nghiệm một đời, Khổng tử đã khẳng định: chân thành là đạo của Trời; và lý tưởng của đạo Trung dung là đưa ra những phương thế giúp cho con người trở nên chân thành như Trời.

Muốn trở nên chân thành, người ta phải chọn lấy điều tốt lành và nắm giữ cho chắc; loại bỏ đi những gì là xấu, là sai trái như người chọn trái cây vậy.

Vào đời Tống bên Trung Hoa, Trình Y Xuyên là một ví dụ tiêu biểu cho công phu chọn điều thiện, bỏ điều xấu. Tương truyền ông có hai cái lọ để ở bên cạnh chỗ ngồi. Mỗi khi nghĩ một điều thiện, thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào trong lọ. Mỗi khi nghĩ đến một điều xấu, thì ông lại bỏ một hạt đậu đen vào cái lọ kia. Sau một thời gian, kiểm tra số đậu trong hai lọ, ông thấy đậu đen nhiều, đậu trắng ít. Điều đó chứng tỏ tâm tư ông vẫn còn nghiêng về điều xấu nhiều hơn. Cứ như thế theo dõi, lâu dần, đậu trắng nhiều hơn đậu đen. Cuối cùng, chỉ còn toàn là đậu trắng. Như thế, tâm tư ông đã hoàn toàn trở nên thiện hảo. Do đó, Trình Y Xuyên đã trở nên một hiền triết nổi tiếng ở Trung Hoa vào thế kỷ 11. Người ta đã gọi tên “Cửa Khổng sân Trình” để chỉ cái lò đào tạo nên những bậc quân tử trong đạo Nho là lý do như vậy.

Khổng tử cho biết muốn phân biệt đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, thì phải vận dụng năm phương thế: bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện và đốc hành.

– Bác học (học rộng) để biết nhiều, mở mang kiến thức về mọi mặt.

– Thẩm vấn (xét hỏi kỹ) để tìm hiểu chi tiết, ngọn ngành.

– Thận tư (nghĩ cẩn thận) để cân nhắc cho thấu đáo.

– Minh biện (phân tích sáng tỏ) để làm cho rõ sự lý, nguyên nhân và hậu quả.

– Đốc hành (làm hết lòng) để thể nhập những điều tốt vào trong mình.

Có điều gì mình chưa được học, bây giờ thấy cần phải học, thì chăm chỉ học, tìm ra phương pháp mới để học đến nơi, nếu chưa thành tựu, chưa thôi. Có điều gì chưa hỏi, nay hỏi mà chưa biết rõ, thì phải tìm người hỏi đến cùng, không bỏ qua. Có điều gì chưa nghĩ ngợi, nay nghĩ đến mà chưa ra, thì tiếp tục suy đi nghĩ lại, không chịu bỏ. Có điều gì chưa phân tích, nay đã phân tích mà chưa sáng tỏ, thì phân tích kỹ lưỡng hơn cho rõ trắng đen, cho rõ ưu, khuyết, không bỏ nửa chừng. Có điều gì chưa làm, nay làm mà chưa hết lòng, chưa thu được kết quả rõ rệt, thì chưa ngừng nghỉ.

Người ta phấn đấu một phần, mình phấn đấu một trăm phần; người ta phấn đấu mười phần, mình phấn đấu một nghìn phần. Nếu ai đó học tập mà theo đường lối trên đây, dù dốt nát mấy cũng nên thông sáng; dù yếu đuối mấy cũng trở nên hùng mạnh; dù là kẻ tiểu nhân ti tiện cũng trở nên bậc hiền thánh, thành tựu đạo Trung dung, có đức thành để kết hợp với Trời.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x