Trang chủ » Trung Dung – Chương 21

Trung Dung – Chương 21

by Hậu Học Văn
178 views

CHƯƠNG XXI

Do chân thành mà thông sáng gọi là tính. Do thông sáng mà chân thành gọi là giáo. Chân thành thì thông sáng vậy. Thông sáng thì chân thành vậy.

Trên đây là chương thứ hai mươi mốt. Tử Tư tiếp lấy ý của Đức Khổng về thiên đạo và nhân đạo ở chương trên để lập ngôn. Từ đây xuống dưới, mười hai chương, đều là lời của Tử Tư nhắc đi nhắc lại để làm sáng tỏ ý tứ của chương này.

BÌNH GIẢI: 

Theo truyền thống Nho giáo từ Khổng tử đến Tử Tư, Chu Liêm Khê, Trình tử… thành () là chữ được dành cho Trời và những gì thuộc về Trời. Trong loài người, chỉ có bậc Thánh nhân mới được thông dự vào chữ thành. Như vậy, chữ thành được dành cho Thượng đế, cho thiên đạo, thiên lý, thiên tính và cho tâm tư của Thánh nhân.

Thành là chân thực, không sai lầm, duy nhất, không hai (chân thực, vô vọng, thuần nhất, bất nhị).

Đối với bậc Thánh nhân, thành bao gồm ba đức trí, nhân, dũng. Chu Liêm Khê nói “thành vô vi”: thành thì thuần nhiên, thanh tĩnh. Có thể nói theo ngôn ngữ con người thì thành là đặc tính của Trời.

Trong chương này, Tử Tư nói: “Tự thành minh vị chi tính”: Do thành mà có thông sáng gọi là tính. Như thế, ở thành minh tức là trong thành vốn sẵn thông sáng, hay nói khác đi, thông sáng là thuộc tính của thành. Đạo lý này dành cho bậc Thánh nhân. Chỉ duy có Thánh nhân sinh ra đã sẵn đức thành thể hiện trong tâm tư, cho nên Thánh nhân được thông sáng. Điều đó gọi là tính, tính này là tính thiện.

Tính trong câu “Tự thành minh vị chi tính” cũng chính là tính trong câu “Thiên mệnh chi vị tính” ở đầu chương một, sách Trung dung. Như vậy có thể nói thành minh là một tên gọi khác của Thiên mệnh. Hay nói cách khác, ở Thiên mệnh thành minh.

Thực ra, ai cũng có Thiên mệnh cả, không phân biệt phàm nhân hay Thánh nhân. Nhưng Thiên mệnh của Thánh nhân thì thể hiện rõ rệt không bị chôn vùi do khí chất hay do dục vọng. Còn Thiên mệnh của phàm nhân thì bị khí chất và dục vọng trùm lấp đi. Khí chất là những tính chất do cha mẹ, dòng tộc trao cho.

Dục vọng là những ham muốn hậu thiên của con người do ảnh hưởng bởi giáo dục, tập quán, hoàn cảnh.

Có dòng tộc tốt do tổ tiên nhiều đời duy trì đức hạnh thì trao cho con cháu khí chất tương đối thanh khiết tốt lành, khiến cho con cháu dễ hướng thiện.

Có dòng tộc xấu do tổ tiên nhiều đời đi trong nẻo ác, đường tà thì trao cho con cháu khí chất ô trọc, khiến cho con cháu dễ hướng về điều xấu.

Dục vọng là do con người tiếp thu giáo dục, tập quán. Hoàn cảnh gia đình, xã hội và quốc gia có thể trao cho con người những lời nói, những tấm gương tốt hoặc xấu. Một xã hội nặng về văn minh vật chất, văn hóa đồi trụy sẽ làm cho con người sống trong đó nảy sinh nhiều dục vọng thấp hèn.

Một khi Thiên mệnh bị trùm lấp, thành minh không triển khai, thì đó là tình trạng của phàm nhân. Muốn cho phàm nhân trở nên Thánh nhân, Tử Tư đưa ra đường lối: “Tự minh thành vị chi giáo.” (Do thông sáng mà chân thành gọi là giáo.)

Trong chương hai mươi ở trên, Khổng tử đã nêu ra đường lối giáo dục con người bằng năm phương thế: bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện và đốc hành.

Do việc áp dụng năm phương thế này, phàm nhân biết chọn điều tốt (trạch thiện) bỏ điều xấu, rồi lại ra sức làm sáng tỏ điều tốt (minh thiện). Làm sáng tỏ điều tốt thì đạt được thông sáng (minh); đạt được thông sáng, con người tức khắc thể hiện chân thành (thành).

Từ thành đến minh gọi là tính. Đó là đường lối của Thánh nhân, đồng thời cũng là đường lối vốn có của Trời, cho nên được gọi là thiên đạo.

Từ minh đến thành gọi là giáo. Đó là đường lối của phàm nhân tiến lên Thánh nhân, cho nên được gọi là nhân đạo.

Hai đường lối “thiên đạo” và “nhân đạo” tuy ngược chiều nhau nhưng cùng lấy thành làm gốc.

Có chân thành thì có thông sáng (thành tắc minh). Có thông sáng thì có chân thành (minh tắc thành).

Thánh nhân được thông dự đức thành của Trời nên được thông sáng tự nhiên, không cần nỗ lực. Phàm nhân do nỗ lực tu tập học hành mà nên thông sáng thì cũng được thông dự vào đức thành của Trời để trở nên thánh nhân; chỉ có nhanh hoặc chậm tùy theo nỗ lực và căn cơ của mỗi người.

Đó là tinh yếu của đạo Trung dung.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x