Trang chủ » Trung Dung – Chương 22

Trung Dung – Chương 22

by Hậu Học Văn
219 views

CHƯƠNG XXII

Chỉ có bậc chân thành hết mức trong thiên hạ mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật thì có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất. Có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất thì có thể cùng tham dự với trời đất vậy.

Trên đây là chương thứ hai mươi hai.

BÌNH GIẢI:

Bậc chân thành hết mức (chí thành) mà Tử Tư nói ở đây chính là bậc Thánh nhân. Chỉ có bậc Thánh nhân được thông dự vào đức thành của Trời mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình. Bản tính ở đây tức là chữ tính trong câu “Thiên mệnh chi vị tính” ở chương một và trong câu “Tự thành minh vị chi tính” ở chương 21.

Cái phần thiên mệnh phú bẩm cho con người thì như nhau; nhưng vì mỗi con người đều khác nhau, cho nên đối với phàm nhân, muốn tìm ra Thiên mệnh để có thành minh thì phải hiểu biết và thể hiện trọn vẹn bản tính của mình. Có như vậy mới đạt tới thiên mệnh (Tận kỳ tính dĩ chí ư mệnh).

Các tiên nho, tiêu biểu là Vương Dương Minh, cho rằng cái biết (tri) và cái làm (hành) không bao giờ tách khỏi nhau (tri hành hợp nhất): trong tri hành, trong hành tri, nhờ tri, hành mới trọn vẹn; nhờ hành, tri mới thấu đáo. Do đó chữ “tận” trong “tận kỳ tính” phải được hiểu rốt ráo là “hiểu biết và thể hiện trọn vẹn”. Trong đạo học Đông phương không hề có chuyện “hiểu biết suông mà không thể hiện”, cũng như các bậc thầy không bao giờ công nhận các đệ tử chỉ có “thể hiện (hành động) suông mà không hiểu biết”.

Không thể hiện rốt ráo bản tính của mình, làm sao có thể biết “tính” ấy sâu rộng tới đâu, phong phú, tốt đẹp tới đâu. Cũng như một người tuy biết trong ruộng của mình có kho tàng quí báu, nhưng nếu không đào bới cho kỹ để đem hết kho tàng ấy ra ánh sáng, làm sao biết được kho tàng ấy có bao nhiêu vàng ngọc châu báu, đáng giá tới mức nào! Việc thể hiện bản tính của mình tương tự như việc khai quật kho tàng vậy.

Chính mình thể hiện bản tính của mình, cũng như người chủ kho tàng cầm xẻng đào lấy, không ai có thể đào giúp được.

Chữ “kỳ” () trong “tận kỳ tính” rất quan trọng. Kỳ là của mình, chứ không phải của ai khác. Với chữ kỳ này, Tử Tư muốn nói, con người có bổn phận trở nên hoàn thiện, nhưng là hoàn thiện với những nét đặc trưng của mình. Mỗi con người trong cõi nhân sinh là một thực thể đặc thù, có những nét riêng biệt khác nhau. Con người phải trở nên tốt đẹp trong cái dáng vẻ riêng biệt của mình như muôn hoa phô bày muôn sắc, muôn vẻ trong một vườn hoa. Nếu mọi người trở nên hoàn toàn giống nhau, thì cuộc đời mất ý nghĩa, thế gian mất vẻ đẹp và cõi nhân sinh trở nên vô vị, chẳng khác gì trong một vườn hoa chỉ duy nhất có một loài hoa! Người thợ gốm nào cả đời chỉ tạo ra được mỗi một loại độc bình nào đó, thì ấy là người thợ gốm dở. Dĩ nhiên, Đấng Tạo hóa (Trời) không bao giờ muốn bị mang tiếng là dở, cho nên luôn luôn mong muốn mọi người thi triển sự hoàn thiện theo dáng vẻ riêng của mỗi người. Do đó, Đức Giêsu trong Tân Ước đã nói rằng: “Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở.”

(Gioan: 14,2). Có nghĩa là Nước Trời cũng như một vườn hoa, mỗi Thánh nhân hoàn thiện theo kiểu của mình sẽ có một chỗ riêng trong đó, tương tự như mỗi loài hoa (hồng, cúc, thược dược…) có một vị trí riêng trong vườn hoa vậy.

Ngày nay, cả thế giới đều nhận ra rằng: một nhân loại đa chủng tộc, đa văn hóa là một thực tế đáng trân trọng, đáng đề cao. Mỗi quốc gia cần có một chính thể phóng khoáng chấp nhận đa chủng tộc, đa văn hóa, mọi người được bình đẳng, tự do phát triển những nét riêng tư lành mạnh để có nhiều ưu điểm được phô diễn. Âm thanh của cây vĩ cầm hay của cây dương cầm tuyệt diệu thật đấy, nhưng nếu cả một dàn nhạc giao hưởng chỉ có một loại nhạc khí thì không thể hay được. Ngoài ra, người ta lại muốn nghe thêm nào là tiếng hồ, tiếng nhị, tiếng đàn bầu… của người Kinh, tiếng đàn tính, đàn tơ rưng… của người thiểu số Việt Nam, nào là tiếng tì bà của người Trung Hoa… để cảm nghiệm được những nét tinh túy của một nền âm nhạc Đông phương…

Cũng như xu hướng của nhân loại ngày nay là muốn có một thế giới đa cực; không ai muốn có một thế giới đơn cực qui tụ quyền bính điều hành vào một quốc gia nào đó. Điều đó chứng tỏ mọi người đã nhận ra một chân lý có từ ngàn xưa rằng: chân lý duy nhất nhưng đa diện, và có nhiều con đường dẫn đến chân lý.

Tóm lại, trở về phạm trù triết Nho, thiên thì có một, thiên mệnh ban cho con người thì như nhau, nhưng bản tính con người thì có nhiều, do đó, mỗi người có một chức phận (mệnh) khác nhau và phải thành toàn tùy theo bản tính của mình trong cõi nhân sinh.

Sau khi đã bàn về chữ tận và chữ kỳ, bây giờ chúng ta bàn tới chữ tính. Tại sao tính của mỗi người lại khác nhau? Hay là, tại sao mỗi người lại có một “kỳ tính” (tính của mình) riêng rẽ?

Sở dĩ như vậy là vì mỗi người được cấu tạo, tổ hợp với những độ số khác nhau. Sách lễ Ký đã định nghĩa con người như sau: Nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã ” (Con người là năng lực của trời đất, sự giao hoà của âm dương, sự tụ hội của những linh lực siêu nhiên, cái khí tính túy của ngũ hành.” (Lễ vận, 9).

Bên phía trời Tây, con người được định nghĩa đơn giản hơn nhiều. Aristote cho rằng con người là một con vật biết suy lý. Pascal lại bảo: Con người là một cây sậy biết tư duy.

Cả hai định nghĩa của Tây phương về con người đều quá giản lược, nên không nói lên được cơ cấu phức tạp và chiều kích thâm sâu của tinh thần con người. Cho nên chúng ta hãy dùng định nghĩa của sách Lễ Ký trong Nho giáo để từ đó tìm cách phác họa vài nét về thực thể con người.

1. Con người là năng lực của thiên địa (trời đất).

Theo Chu Liêm Khê (1017 – 1073), cái gốc nguyên thủy của vũ trụ thì vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng, ở ngoài tất cả những cái mà con người có thể ý hội, thế mà vẫn làm khu nữu (thân gốc) cho vạn vật. Nhưng vì không biết dùng chữ gì mà gọi cho đúng, cho nên mới gọi là vô cực. Vô cực không phải là không hẳn, nhưng chính là cái tự tại, vô thủy, vô chung, bất sinh, bất diệt. Cái tự tại ấy không phát ra là vô cực, mà phát ra là thái cực. Vậy vô cực thái cực là một thể. Xét về mặt sinh hóa thì thái cực là cái khởi điểm nguyên thủy của vạn hữu. Có cái khởi điểm ấy rồi mới có sự sinh sinh hóa hóa vô cùng. Chu Liêm Khê lĩnh hội được ý nghĩa uyên thâm ấy, cho nên ông nói ở phần đầu Thái cực đồ thuyết rằng: “Vô cực nhi thái cực.” (Vô cực mà thái cực.)

Theo Dịch lý, thái cực triển khai hai nguồn năng lực khác nhau nhưng bổ sung cho nhau gọi là lưỡng nghi. Lưỡng nghi tức là hai năng lực tiên thiên càn khôn.

Trong câu sách Lễ Ký “con người là năng lực của thiên địa”, thiên địa (trời đất) chỉ cho càn khôn vậy. Thiên địa là hai năng lực tiên thiên cấu thành vũ trụ vạn vật cho nên rất cường kiện, rất nhu thuận, khó lòng hình dung, khó lòng diễn tả nổi. Tuy nhiên, nói một cách đơn sơ thì, năng lực thiên (trời) là ánh sáng và dưỡng khí; năng lực địa (đất) bao gồm nước và các chất dinh dưỡng nuôi sống các loài thực vật; thực vật lại nuôi dưỡng các loài động vật trong đó có con người.

Tóm lại, trong phần thứ nhất của câu định nghĩa ở trên (Lễ Ký) thì con người là một hợp thể tinh túy của năng lực trời đất (Thiên Địa).

2. Con người là sự giao hoà của âm dương:

Âm dương là hai yếu tố căn bản của vạn vật. So với càn khôn, âm dương cũng là một cặp lưỡng nghi nhưng ở qui mô nhỏ hơn. Trong vũ trụ, đâu đâu cũng có sự giao hoà giữa hai yếu tố thì mới thành hình. Nhưng ở con người, sự giao hoà âm dương có một độ số hoàn mỹ nhất. Với một cặp âm dương đặc biệt, sự giao hoà giữa cha và mẹ đã tạo nên một con người có khả năng vô hạn để làm chủ vạn vật và tiến lên bậc hiền thánh.

Bên Tây phương, triết gia Pascal đã nói tới hai cái vô cùng trong vũ trụ: “vô cùng to lớn” và “vô cùng bé nhỏ”. Vô cùng to lớn là thế giới các thiên hà với vô số tinh cầu vĩ đại. Vô cùng bé nhỏ là cơ cấu nguyên tử với những thành tố hết sức tế vi. Gần đây, Linh mục Teilhard de Chardin, một khoa học gia ngành Cổ sinh vật học đã nhận thấy có một cái “vô cùng thứ ba”, bên cạnh hai cái vô cùng của Pascal, là “vô cùng phức hợp”. Trong thế giới động vật, con người đã đạt tới mức độ phức hợp cao hơn hết: bộ óc con người là tiêu biểu. Đó là một hệ thống rất phức tạp và tinh vi, gồm trên 14 ngàn triệu tế bào.

Sự phức hợp này không những là một hiện tượng về lượng mà còn về phẩm. Như thế, với một bộ óc phức hợp và tinh vi tối đa, có thể nói rằng sự giao hoà giữa hai yếu tố âm dương trong con người đã đạt mức cao nhất, hoàn hảo nhất, vượt xa các loài khác trong vũ trụ. Do đó con người đứng tận chóp đỉnh trên đường tiến hóa của vũ trụ.

3. Con người là sự tụ hội của những linh lực siêu nhiên (quỉ thần chi hội):

Ở chương thứ 16, trong khi giải thích câu nói của Khổng tử: “Quỉ thần chi vi đức, kỳ thịnh hỹ hồ”, quỉ thần đã được dẫn giải là những linh lực siêu nhiên. Theo phạm trù triết nho, con người và vạn vật đều thoát thai từ thái cực, cho nên đều có năng lực của thiên địa, đều có sự giao hoà của âm dương nhưng có khác nhau về độ số. Tuy nhiên, điều làm cho con người hơn vạn vật và có địa vị trên vạn vật là ở con người có sự tiếp nhận Thiên mệnh và có sự giao hội của những linh lực siêu nhiên ở tầm mức rất cao.

Nhờ có Thiên mệnh tiềm tàng ở trong, nhờ có cơ cấu tế bào não phong phú, phức hợp và nhờ có một hệ thần kinh tinh vi nhạy bén, con người là một phẩm vật có khả năng tiếp thu các linh lực từ Trời, từ vũ trụ, vạn vật; nhất là có khả năng gìn giữ được những linh lực do tổ tiên nhiều ngàn đời truyền lại. Khoa tâm lý học các miền sâu (Psychologie des Profondeurs) ngày nay đã cho rằng con người có một tiềm thức cộng thông có thể bắt mối liên hệ với các thế hệ quá khứ và tương lai của loài người, lại còn có cửa ngõ ăn thông sang siêu nhiên giới để có thể trong một trường hợp đặc biệt nào đó nhận được thông điệp từ siêu nhiên giới. Do đó, các tiên nho đã cho rằng con người thiêng liêng hơn muôn vật (nhân linh ư vạn vật).

Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến những linh lực do giống nòi tổ tiên truyền lại.

Là một cá nhân trong cộng đồng nhân loại, mỗi người được tiếp nhận linh lực của tổ tiên giống người từ hàng trăm ngàn năm trước, khi mới có những con người đầu tiên. Đó là thủy tổ loài người mà huyền thoại Cựu Ước gọi là ông Adam và bà Eva. Cá nhân đó lại thuộc về một dân tộc; cho nên con người ấy lại được tiếp nhận linh lực riêng do tổ tiên giống nòi của dân tộc ấy truyền lại. Cá nhân đó cũng thuộc về một dòng họ, vì thế con người ấy khó lòng ra ngoài ảnh hưởng của linh lực do ông bà cha mẹ để lại cho.

Ví dụ: một người Việt Nam ngoài linh lực của tổ phụ, tổ mẫu loài người, còn tiếp thu linh lực của một dòng giống hùng tráng và cao thượng của tổ tiên Lạc Hồng, của con Rồng cháu Tiên, của các vị vua Hùng thời lập quốc. Người Việt Nam ấy lại mang họ hoặc Lý, Lê, Trần, Nguyễn, Vũ, Mạc… dĩ nhiên cũng có trong huyết thống và trong tinh thần những nét đặc trưng của linh lực thuộc dòng họ của mình.

Tất cả những sự khôn ngoan, sự nhẫn nại cần cù ở trong một nền văn hóa riêng biệt đặc sắc đã kết tụ thành linh lực hay hoạt lực trong mỗi con người Việt Nam. Linh lực ấy như một mối dây thiêng liêng nối kết những người Việt lại với nhau và sẵn sàng bùng lên, tỏa sáng trong ánh mắt, trong giọng nói, tiếng cười mỗi khi có dịp.

Bởi vì có thiên mệnh, cho nên con người vừa có khả năng liên kết với Trời nhờ linh lực siêu nhiên do thiên mệnh, vừa có khả năng giao lưu hội thông với muôn thế hệ. Nhờ linh lực siêu nhiên do giống nòi qua trung gian của linh lực ông bà tổ tiên, con người còn có thể giao lưu với khí thiêng sông núi, chung đúc anh linh của các anh hùng hào kiệt, liệt sĩ… làm cho con người ấy khi phải sống xa quê cha đất tổ thì cảm thấy thương nhớ, thao thức không nguôi!

Tất cả những linh lực đó tuy vô hình, siêu hình nhưng thấp thoáng ẩn hiện trong tâm thức con người, đôi khi lại còn phóng ngoại tạo nên hình tượng trên những danh lam thắng cảnh, đền đài miếu mạo, để đánh động con người trong những lúc vận nước suy vi, trong những lúc tinh thần hoang mang suy sụp hay thăng hoa phấn chấn.

Đó là những cái làm cho con người hơn loài vật và có một tiềm năng, một khả thể to lớn. Nếu biết đúc kết, tổng hợp, vận dụng những linh lực ấy, con người có thể trở nên thánh, nên thần.

4. Con người là khí tinh túy của ngũ hành:

Ngũ hành là năm hành chất căn bản tạo nên dáng mạo của vũ trụ vạn vật. Sở dĩ gọi là hành chất bởi vì đó là vật chất nhưng có khả năng chuyển hóa biến dịch (hành: đi).

Ngũ hành gồm: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ.

Thủy chỉ chung nước, chất lỏng.

Hỏa chỉ chung lửa, sức nóng.

Mộc chỉ chung cây cối, khả năng uốn dẻo.

Kim chỉ chung các thứ kim loại, khả năng đàn hồi.

Thổ chỉ chung đất, khả năng cung cấp chất dinh dưỡng nuôi thảo mộc, cốc loại (gồm chứa 4 hành: thủy, hỏa, mộc, kim).

Khí là vật chất ở dạng năng lượng, cho nên không có hình. Bao giờ khí tụ, cô đọng lại, mới tạo nên hình. Trong thiên nhiên, bất cứ sinh vật nào dù là thực vật hay động vật đều hàm chứa năng lượng ngũ hành, tuy có khác nhau về độ số, nhiều hay ít.

Trước hết là loài thực vật. Thực vật hút màu đất (thổ), chất khoáng trong đó có các kim loại như sắt, đồng, kẽm (kim) dưới dạng muối khoáng hoà tan trong nước (thủy), và tiếp thu nhiệt năng (hỏa) từ ánh sáng mặt trời để tăng trưởng thành cây cối với thân, lá, hoa, quả (mộc).

Các loài động vật trong đó có con người ăn rau quả cây lá và chuyển hóa ngũ hành trong thực vật trở nên chất dinh dưỡng nuôi thân thể. Như vậy, ngũ hành vào con người qua ngả thực vật hay động vật (thịt cá…) dưới dạng năng lượng ngũ hành gián tiếp gọi là khí ngũ hành.

Con người là giống loài khôn ngoan nhất trong các loài động vật cho nên đã biết tuyển lựa gạo, bắp, rau, quả, cá, thịt… kén những phẩm vật tươi tốt nhất để làm thức ăn, lại biết tẩy rửa, nấu nướng để có được những thực phẩm bổ dưỡng, tinh sạch. Do đó năng lượng ngũ hành được đem vào con người là khí tinh túy (tú khí), hơn hẳn năng lượng ngũ hành do các loài vật khác tiếp thu. Nhờ vào khí tinh túy của ngũ hành, con người vừa có một thân thể mỹ miều, vừa có một tinh thần minh mẫn khôn ngoan.

Tóm lại, con người là một cơ cấu tổng hợp của những yếu tố: trời đất (thiên địa), âm dương, linh lực siêu nhiên (quỉ thần), khí tinh túy của ngũ hành với những độ số khác nhau, ít hoặc nhiều. Những độ số khác nhau này tùy thuộc vào không điểm (nơi chốn sinh trưởng và cư trú) và thời điểm (thời gian ra đời và thời gian sinh hoạt), cho nên không có ai giống hệt ai. Nghĩa là, từ khi có loài người trên trái đất, cứ có một con người là có một bản tính riêng, không bao giờ hoàn toàn giống nhau.

Vì vậy, chỉ có bậc Thánh nhân thành tựu đạo Trung dung mới có thể hiểu biết thấu đáo và thể hiện trọn vẹn bản tính của mình (Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính.)

Một khi đã hiểu biết và thể hiện trọn vẹn bản tính của mình, Thánh nhân có thể hiểu biết người khác và giúp đỡ người khác tiến bước trong đạo Trung dung để trong tương lai người ấy cũng có thể hiểu biết và thể hiện trọn vẹn bản tính của họ, trở thành một thánh nhân khác nữa (Năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính.)

Ngoài ra, bởi vì con người và vạn vật cùng được triển khai từ thái cực nên cả người lẫn vật đều có chung tiềm năng của thái cực.

Do đó, các Tiên nho chủ trương “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” (Trời đất muôn vật cùng một thể); từ đó rút ra hệ luận: “Nhân nhân vật vật các hữu thái cực.” (Người người vật vật tất cả đều có tiềm năng thái cực.) Chúng ta cần phải hiểu: khi nói “nhất thể” hay “các hữu thái cực”, cổ nhân muốn nói rằng mọi người mọi vật cùng có chung cội nguồn, cũng có tiềm năng thái cực là linh lực siêu nhiên ở trong, tuy khác nhau về độ số kết hợp, khác nhau về trình độ tiến hóa, cho nên tất cả được coi như anh em một nhà, trong đó loài người được xem như huynh trưởng của tạo vật. Loài người có sứ mệnh giúp nhau và đưa các tạo vật cùng thăng tiến đến mức tốt đẹp.

Đã cùng một thể, thánh nhân chẳng những hiểu biết bản tính của con người mà còn hiểu biết luôn bản tính của vật nữa. Do đó, Tử Tư nói: “Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính.” (Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính người, thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính vật.) Điều đó là một hệ luận tự nhiên. Chẳng vậy mà Mạnh Tử đã từng nói:

“Vạn vật giai bị ư ngã hỹ. Phản thân nhi thành lạc mạc đại yên.” (Muôn vật đều đầy đủ ở mình. Quay trở về mình mà đạt đức thành (thành tựu đạo trung dung), còn niềm vui nào lớn cho bằng.)

(Mạnh tử: Tận tâm thượng, 4).

Tử Tư lại nói thêm: “Năng tận vật chi tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục.”: Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật thì có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất.

Hiểu biết bản tính của vật có nghĩa là hiểu rõ độ số của năng lực càn khôn, độ số của năng lượng âm dương, độ số của khí ngũ hành trong vật. Do đó mà biết sức sinh trưởng, sức phát triển và sức tiến hóa của vật trong không gian và thời gian.

Ví dụ: nuôi nấng một giống loài nào, nếu hiểu thấu bản tính của nó, sẽ biết cách làm cho giống loài đó được sinh sôi nảy nở, khỏe mạnh, tốt đẹp. Trồng một loại cây cối, rau quả, thóc lúa nào, sẽ biết gieo hạt vào thời thích hợp trong năm, trồng cấy ở vùng thổ nhưỡng nào thì có lợi, tưới bón săn sóc ra sao thì đạt kết quả tối ưu…

Vào thời Xuân Thu, Chiến quốc, có hai nhân vật tuy chưa đạt tới mức chí thành, chưa phải là thánh nhân; nhưng do công tu học, chiêm nghiệm, họ đã thành công lớn cả trong việc chính trị lẫn trong nông nghiệp. Đó là: đại phu Bách Lý Hề ở nước Tần và quân sư Phạm Lãi ở nước Việt.

Đại phu Bách Lý Hề khi phải lưu lạc tha phương ở nước Sở làm nghề chăn trâu. Tương truyền, ông nuôi con trâu nào cũng béo khỏe. Tiếng đồn đến tai vua Sở. Sở Vương triệu ông vào hỏi về bí quyết nuôi trâu. Bách Lý hề thưa: “Tâu Đại Vương, kẻ hèn này chỉ có hai bí quyết: cho trâu ăn có chừng mực và suốt ngày chỉ nghĩ đến trâu.

Hai bí quyết này tuy đơn giản nhưng đã chứng tỏ Bách Lý Hề hiểu thấu tính vật (loài trâu). “Ăn có chừng mực” có thể hiểu là ăn với số lượng thực phẩm vừa đủ, không thiếu, không thừa. “Chừng mực” còn chỉ đến phẩm chất của thực phẩm: chọn những loại cỏ nào (yếu tố âm dương, ngũ hành) cần thiết cho trâu tùy theo tuổi, tùy theo lúc nghỉ ngơi hay lúc cày bừa. “Suốt ngày chỉ nghĩ đến trâu” để nhận ra những tập tính, những bệnh tật của trâu, để điều chỉnh săn sóc, sao cho trâu luôn được thoải mái.

Tài năng của Bách Lý Hề thể hiện trong việc nuôi trâu sau này đã được áp dụng trong việc chính trị ở nước Tần (từ trâu chuyển sang người và làm cho nước Tần trở nên cường thịnh).

Còn quân sư Phạm Lãi, sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn đại thắng Ngô Phù Sai, phục hưng nước Việt, ông đã bỏ sang Tề, Sở làm nghề trồng tỉa và chăn nuôi gia súc, lấy hiệu là Chi di tử bì và Đào Chu Công. Ông đã vận dụng sự hiểu biết của ông về tính người chuyển sang sự hiểu biết về tính vật, đã thành công lớn trong nông nghiệp về cả hai ngành chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn trái.

Hai trường hợp tiêu biểu này đã minh chứng quan niệm của cổ nhân Nho giáo cho rằng: chỉ cần “cùng lý tận tính” (suy tư cho hết sự lý và hiểu thấu đáo bản tính) thì có thể vận dụng cái biết của mình vào muôn việc và việc nào cũng thành công.

Hiểu biết và thực hiện trọn vẹn bản tính của vật, làm cho vật được phồn thịnh, ấy là Thánh nhân đã giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất (hai năng lực càn khôn) vậy. (Tán thiên địa chi hóa dục.)

Từ khả năng “tận kỳ tính” là nhân, Tử Tư rút ra những hệ luận liên tiếp để đi đến quả. Quả này là ngôi vị to tát, đáng quí, đáng trọng của Thánh nhân trong quá trình tiến hóa của vũ trụ vạn vật. “Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hỹ”: Có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất thì có thể cùng tham dự với trời đất vậy.

Thánh nhân là con người tiến hóa đến mức cao nhất trong phương hướng đạo Trung dung. Tử Tư cho rằng đến mức tột cùng ấy, Thánh nhân đã giúp trời đất trong việc hóa dục nhân sinh, tức là thánh nhân tham dự với trời đất, hay nói cách khác, thánh nhân là tham tán cho trời đất.

Chữ tham () ở đây, ngoài nghĩa là tham dự, cộng tác còn có nghĩa: hợp thành bộ ba. Bởi vì tham là ba (tam) theo nghĩa liên kết.

Nói khác đi, thánh nhân cùng với trời đất hợp thành bộ ba Tam tài: thiên, địa, nhân (Ba tài năng trời, đất, người), trong đó tài nhân giữ sứ vụ liên kết tài thiên với tài địa.

Đối với học giả Tây phương, đã có một sự ngộ nhận cho rằng thiên trong chữ thiên địa là Đấng Tối Cao (Chúa Trời). Vì thế, Legge bảo rằng xếp người ngang với Đấng Tối Cao là một sự vô lý. (What is it but extravagance thus to file man with the Supreme Power? – Legge, The Doctrine of the Mean, Page 416, notes). (Trích theo Nguyễn Văn Thọ trong Trung dung giảng luận, bản đánh máy, trang 162).

Nhận xét như vậy, có lẽ vì Legge cho rằng Tử Tư xếp như thế là một sự phạm thượng! Nhưng Legge đã nhầm to, vì chữ thiên đi kèm với địa (thiên địa) đâu có phải chỉ Đấng Tối Cao! Nếu thiên ở đây chỉ Đấng Tối Cao thì “địa” là gì? Chẳng lẽ Nho gia lại xếp Đấng Tối Cao ngang hàng với đất ư?

Ở phần trên, chúng ta đã biết, trong phạm trù triết Nho, danh từ Vô Cực (chữ của Chu Liêm Khê trong Thái Cực đồ thuyết) mới chỉ Đấng Tối Cao (vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng, vô thủy, vô chung, bất sinh, bất diệt).

Cũng nhiều khi trong sách Nho, chữ thiên được dùng chỉ Đấng Tối Cao, nhưng là chữ Thiên đi một mình như trong câu: “Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc.” (Trời sinh ra dân chúng, có vật là có phép.) của Kinh Thi. Hay câu: “Thiên bất dung gian.” (Trời không dung tha kẻ gian.).

Ở đây, chữ thiên địa đi với nhau chỉ đến hai năng lực càn (thiên) và khôn (địa) thoát thai từ Thái cực. Càn Khôn được hiểu là Cha Mẹ sinh ra vạn vật theo nghĩa là khí cụ của Vô cực. Kinh Dịch nói: “Càn tri thái thủy, khôn tác thành vật: Càn làm chủ lúc ban đầu, Khôn làm nên hình thể. (Hệ từ thượng: I, 5). Cả hai năng lực càn khôn đều tham dự vào công trình sản sinh ra giống vật. Nhưng năng lực càn (dương) tác động lúc ban đầu, đó là chức năng gây mầm; năng lực khôn (âm) bảo trì dưỡng dục cái mầm ấy cho trưởng thành, làm nên hình thể giống vật, đó là chức năng nâng đỡ. (Dịch học tân thư: Tập hạ, trang 274). Càn Khôn là khí cụ trung gian để Vô cực sáng tạo ra vũ trụ vạn vật.

Vậy khi con người tiến hóa tới bậc Thánh nhân thì có thể sánh ngang với hai năng lực càn khôn (thiên địa) để kết thành bộ ba Tam Tài: Thiên Địa Nhân. Đó là một ngôi vị to tát, đáng tự hào cho Thánh nhân. Tuy nhiên có danh dự thì phải có bổn phận kèm theo. Bổn phận của Thánh nhân là liên kết với Thiên địa xúc tiến cuộc tiến hóa của vũ trụ vạn vật, nhất là dìu dắt loài người đến mức thánh thiện, hoàn mỹ để làm tròn sứ mệnh được nhận từ Vô cực.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x