Trang chủ » Trung Dung – Chương 24

Trung Dung – Chương 24

by Hậu Học Văn
200 views

CHƯƠNG XXIV

Đạo của bậc chí thành có thể biết trước. Nước nhà sắp hưng thịnh, ắt có điềm tốt lành; nước nhà sắp mất, ắt có điềm quái gở: hiện ra ở cỏ thi, mai rùa, rung động ở tay chân. Họa phúc sắp đến, lành cũng biết trước, dữ cũng biết trước. Cho nên bậc chí thành như thần linh.

Trên đây là chương thứ hai mươi bốn.

BÌNH GIẢI:

Các kinh sách của nhân loại từ ngàn xưa thường nói đến những bậc hiền nhân, thánh nhân có khả năng biết trước các sự việc xảy ra trong tương lai xa hoặc gần.

Ở Do Thái có các vị tiên tri. Ở Ấn Độ có các bậc thấu thị (Rishi). Cựu Ước Kinh (Sáng thế ký) có nói đến trường hợp ông Giuse, người Do Thái lưu lạc ở Ai Cập, nghe vua Pharaon kể về giấc chiêm bao của mình mà tiên đoán đúng về 7 năm được mùa và 7 năm mất mùa kế tiếp nhau sắp xảy ra. Ngoài ra vào thế kỷ 8 trước Công Nguyên, tiên tri Ysaya đã tiên báo về sự sụp đổ của hai vương quốc Israel và Yuda, về thành Yêrusalem bị tàn phá, dân chúng bị đi đày. Lời tiên báo được loan trước nửa thế kỷ. Ngoài ra, ở Do Thái còn có các vị tiên tri thời danh khác như: Yêrêmya, Êjêkiel, Đaniel, Hôsê, Yôel, Amos, Mica, Zacarya, Malaki… Trong đó, có vị tiên đoán tới cả thời cánh chung của lịch sử nhân loại.

Ở Trung quốc, tương truyền vào mùa xuân năm Canh Thân (480 trước Công nguyên), có người nước Lỗ săn được con kỳ lân. Khổng tử khóc và nói: “Ngô đạo cùng hỹ.” – Đạo ta bế tắc rồi vậy. (Đạo không truyền bá ra được). Những bậc quân sư như Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn… cũng có lời tiên đoán về các việc đời sau. Đặc biệt, quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh) có để lại 14 bài Mã tiền khóa tiên đoán vận mệnh nước Trung Hoa từ thời Hậu Tam quốc cho tới thế kỷ 20!

Ngoài ra, các nhà đạo sĩ và lý số như Hi Di Trần Đoàn, Thiệu Khang Tiết đời Tống đều biết trước cuộc trị loạn của đất nước.

Tương truyền Trần Đoàn tiên sinh ẩn tu ở trong núi. Chợt nghe tin dân chúng bồng bế nhau, lũ lượt chạy loạn, ông đã ra cửa núi nhìn xem. Thấy một người đàn bà đeo giỏ trên lưng, bên trong có hai đứa trẻ, ông liền hỏi: “Sao bà lại cõng hai ông vua trên lưng như vậy?” Rồi ông ngửa mặt lên trời, cười vui vẻ vì biết rằng đất nước sắp được thái bình và hai đứa trẻ kia chính là anh em họ Triệu sau này mở nghiệp nhà Tống, thay nhau làm vua.

Còn Thiệu Khang Tiết, tương truyền một lần kia dạo chơi Thiên tân kiều. Nghe tiếng chim đỗ quyên kêu từ nam lên bắc, biểu hiện tình trạng âm dương nghịch đảo. Ông đoán biết đó là điềm báo trước thiên hạ sắp đại loạn.

Ở Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng tiên đoán vận mệnh cho ba dòng họ: Trịnh, Nguyễn và Mạc vào đời Hậu Lê, mọi sự việc diễn tiến sau này đều đúng cả.

Vì thế, trong chương này, khi nói đến thành tựu của đạo Trung dung ở mức độ cao nhất, Tử Tư đã nói như xác định một qui luật: “Đạo của bậc chí thành có thể biết trước.”

Bậc chí thành là bậc thánh nhân đứng trong hàng Tam Tài: Thiên Địa Nhân, cho nên tâm tư của các ngài hoàn toàn trong sáng, không còn bị lệ thuộc vào không gian, thời gian, không lệ thuộc vào hiện tượng giới thiên nhiên. Các ngài có thể ít nhiều được thông dự vào cõi siêu hình; do đó biết trước được thiên cơ huyền diệu.

Nền tảng để giải thích khả năng hiểu biết trước những điều xảy ra trong tương lai không ra ngoài lý nhân quả: gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy, không thể sai chạy. Chỉ có điều “nhân” kết tạo bao lâu thì có thể chuyển thành “quả”; đó là vấn đề thời gian. Kinh Dịch, quẻ Khôn đã nói: “Giẫm lên trên sương, biết rằng băng dày sẽ đến.” (Lý sương, kiên băng chí.) Trong phần Văn ngôn, Khổng tử giải thích rõ hơn: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khương; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo biện dã.”(Gia đình chứa trữ điều tốt lành, ắt là có thừa phúc lành; gia đình chứa trữ những điều chẳng tốt lành, ắt là có thừa tai vạ. Bầy tôi giết vua, con giết cha, không phải là nguyên cớ một sớm một chiều, cái chỗ nguyên do dẫn đến thì từ từ, vì người phân biệt không biết phân biệt sớm ấy thôi.) (Kinh Dịch: Bát thuần Khôn, Văn ngôn).

Thời gian để cho “nhân” trở thành “quả” có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày, vài tháng, vài năm, vài chục năm hay vài trăm năm. Khi “nhân” được kết sẽ tạo nên một thực thể. Thực thể này ắt toát ra những luồng sóng đi trước. Bậc thánh nhân có tâm tư trong sáng, bén nhạy, có thể bắt được hoặc trực giác được những luồng sóng đi trước đó và biết được cái “quả” sẽ xảy ra trong tương lai.

Dĩ nhiên, nhân tốt sẽ cho quả tốt; nhân xấu sẽ cho quả xấu. Lấy một dân tộc làm ví dụ. Nếu các bậc lãnh đạo cai trị dân sống trong đạo lý và dân chúng cũng sinh hoạt trong đạo lý (nhân tốt); sớm muộn gì dân tộc ấy cũng sẽ hưng thịnh (quả tốt), dù rằng dân tộc ấy đang lầm than, đất nước ấy đang khó nghèo hay bị trị.

Tương truyền rằng Linh mục Gaspardonne trong một khóa giảng về lịch sử triều Hậu Lê bên Đại học Pháp quốc, khi phân tích bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã cho rằng cái hùng khí trong Bình Ngô đại cáo là hùng khí của dân tộc Việt Nam, được Nguyễn Trãi tiếp thu và phác họa trên bản văn. Với một hùng khí như vậy, nhất là căn cứ vào những câu văn đầy tính đạo đức nhân nghĩa như “lấy trí nhân thay cho cường bạo”…, linh mục Gaspardonne đã tiên đoán vận mệnh nước Việt Nam tuy đang hồi đen tối (Việt Nam đang bị chia đôi đất nước sau hiệp định Geneve, 1954), nhưng chắc chắn sau này sẽ tới hồi thịnh vượng, thái bình và còn nổi tiếng trên hoàn cầu nữa. Do đó, Linh mục đã an ủi một số nhà trí thức Việt Nam lưu vong hải ngoại có mặt nghe khóa giảng đang buồn rầu về vận nước, hãy vui lên và hãy bình tĩnh đợi chờ ngày vinh quang sẽ tới cho đất Việt.

Căn cứ vào lý nhân quả trên kia, Tử Tư xác định thêm:

Quốc gia tương hưng, tất hữu trinh tường; quốc gia tương vong, tất hữu yêu nghiệt. Hiện hồ thi qui, động hồ tứ thể.”: Nước nhà sắp hưng thịnh, ắt có điềm tốt lành; nước nhà sắp mất, ắt có điềm quái gở. Hiện ra ở cỏ thi, mai rùa, rung động ở tay chân.

Cổ nhân vẫn có niềm tin rằng những biến động của thiên nhiên như bão lụt, hạn hán…, những biến cố lớn liên hệ tới vận mệnh đất nước, những điều tốt xấu liên hệ vận mệnh cá nhân đều có điềm báo trước. Ở đây, Tử Tư nói đến “quốc gia” cho nên chúng ta chỉ bàn về những điềm báo trước liên hệ tới vận nước.

Theo truyền thuyết, trong dân gian ngày xưa, người ta thường cho rằng mỗi khi có phượng hoàng, kỳ lân xuất hiện thì vận nước sắp hưng thịnh (như phụng hoàng, kỳ lân chi loại xuất yên); hoặc có mây lành (tường vân), rồng vàng xuất hiện cũng vậy.

Những loài thú quí hiếm như phượng hoàng, kỳ lân ngày nay không còn nữa, chúng ta không lấy gì làm bằng cứ. Tuy nhiên, đứng trên đất Việt Nam mà nói, thì lâu nay có một bằng chứng mà nhiều người thấy tận mắt, đó là sự xuất hiện của những đàn cò qui tụ tới mấy nghìn con thường đậu đây đó trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện tượng này có thể coi là một điềm lành báo hiệu sự hưng thịnh bình an của đất nước, và có thể giải thích được trên cơ sở khoa học. Bởi vì sau khi chiến tranh chấm dứt nhiều năm, bom đạn không còn rơi nữa, dân chúng trở về làng cũ làm ăn, những rừng cây xanh tốt được phục hồi, thì ắt chim chóc, cò vạc phải trở về trú ngụ, làm tổ.

Chuyện rồng vàng hiện ra có thật trong thiên nhiên hay không, thì không rõ; nhưng có thể rồng vàng đã hiện trong tâm thức một ông vua hiền như vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, để rồi Đại La trở thành Thăng Long. Kinh Dịch dùng hình ảnh rồng bay trên trời (Phi long tại thiên: Bát thuần Kiền, hào Cửu Ngũ) để biểu thị một bậc tài đức gặp thời cơ trở thành quân vương, lúc nào cũng lo tạo tác những công trình ích quốc lợi dân. Hình ảnh ấy có lẽ đã được Lý Công Uẩn ôm ấp từ lâu rồi, chỉ mong ngóng có ngày trở thành hiện thực. Vậy đối với một ông vua có đạo đức, điều khiển triều đình, bách quan theo vương đạo, thương dân như con, không ngừng thao thức muốn cho dân giàu nước mạnh, thì chuyện rồng vàng hiện ra trước mắt cũng là một chuyện hợp tình. Đó là một điềm báo tốt đẹp.

Còn hiện tượng mây lành (tường vân) báo hiệu đất nước hưng thịnh thì cũng phù hợp khoa học nữa. Mây lành là đám mây hiện ra hình ngũ sắc (màu cầu vồng). Mây ngũ sắc chỉ xuất hiện trong làn mưa nhẹ do ánh sáng mặt trời chiếu vào. Khoa học gọi đó là hiện tượng tán sắc ánh sáng hóa thành 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Rất hiếm khi trong thiên nhiên xuất hiện tường vân lơ lửng một bên trời, không thành hình cầu vồng chi cả, vì không có làn mưa nhẹ sa xuống mặt đất. Nếu trời đại hạn, không mưa, trong không khí ít hơi nước thì không có mây lành (tường vân). Nếu trời mưa lớn, mây đen nghịt gây lũ lụt, cũng không có mây lành. Vậy mây lành thể hiện một điều kiện thiên nhiên có hơi nước vừa phải, có vừa đủ lượng mưa cho nhà nông gieo gặt. Như thế, nói rằng mây lành là điềm báo đất nước hưng thịnh thì cũng hợp lý.

Ngoài ra, trong cõi nhân sinh còn có những hiện tượng báo trước vận nước sắp hưng thịnh như: nhiều bậc hiền tài xuất hiện, kẻ sĩ không còn ẩn dật nữa và bắt đầu lên tiếng nói trong dân chúng.

Hơn nữa, trong thôn xóm có điệu hát câu hò, phố phường có những tiếng cười đùa trong sáng thể hiện không khí gia đình đầm ấm, no cơm ấm áo, có tiếng trẻ con vui vẻ học bài… Tất cả những hiện tượng nhân sinh tốt đẹp (trinh tường) này đều là điềm báo vận nước tới hồi phong quang.

Trái lại, một khi trong thiên nhiên thường xảy ra những hiện tượng như sông cạn, núi lở (như sơn băng, xuyên kiệt chi loại hiện yên) chứng tỏ môi trường sinh thái bị phá hủy. Trong nước không có tiếng nói của các bậc hiền nhân, kẻ sĩ đi ẩn dật hết (thiên địa bế, hiền nhân ẩn). Trong phố phường chỉ có tiếng cười đùa dâm loạn, người người đi lại âm thầm, lén lút, giới trẻ say sưa chè rượu, đánh bạc… những trò mê tín dị đoan lừa phỉnh dân chúng nở rộ. Trong thôn xóm, văng vẳng những tiếng khóc than… tiếng chó tru, cú rúc… Đó rõ ràng là những điềm gở (yêu nghiệt) báo trước vận nước tới hồi suy vong.

Đối với việc mượn cỏ thi, mai rùa (thi qui) để bói, xét theo một khía cạnh nào đó thì không hẳn là phản khoa học.

Trước hết, theo văn mạch của chương sách này, Tử Tư muốn nói tới người sử dụng cỏ thi, mai rùa để bói phải là bậc chí thành, tức thánh nhân. Chỉ có thánh nhân mới có khả năng dùng cỏ thi, mai rùa để xem điềm tốt, điềm xấu xuất hiện.

Cỏ thi, mai rùa có thể được coi như là vật thụ cảm trong khoa cảm xạ học để tiếp nhận những luồng sóng báo trước của các hiện tượng lành hay dữ sẽ xảy ra trong tương lai. Có vật thụ cảm tốt (linh vật) nhưng lại phải có người thụ cảm tốt (tâm trong sáng, vô tư của thánh nhân) thì vật thụ cảm (cỏ thi, mai rùa) mới báo một cách chính xác. Nếu cỏ thi, mai rùa đặt vào tay phàm nhân (tâm tư thiên lệch, ủng tắc vì dục vọng), thì những điều xuất hiện ở phép bói “cỏ thi, mai rùa” (thi qui) chỉ là trò may rủi, bâng quơ mà thôi. Tin vào đó là mê tín, có hại.

Ngày nay, chúng ta có thể coi “cỏ thi, mai rùa” như là con lắc và chứng vật của nhà cảm xạ học. Không phải ai cũng trở thành nhà cảm xạ học được. Phải có một tâm tư trong sáng, ổn định, vô tư; phải tập luyện khả năng bén nhạy mới có thể cầm con lắc cảm xạ và chứng vật để tìm hiểu về những điều, những vật ở xa tầm mắt con người.

Vào thời xa xưa, hầu như bất cứ đâu cũng có phép bói để hỏi thần linh. Trong thời Cựu Ước ở Do Thái, sách Samuel có chép rằng vua Saul và David đã từng dùng một dụng cụ gọi là Ephod để thỉnh ý Yavê Thiên Chúa. Trên đường xuất Ai Cập, dụng cụ này đã được mang theo. Ephod là dụng cụ đựng hai quẻ gọi là Urim và Tummin, có một giá trị nào đó theo ước lệ. Quẻ nào kéo ra được coi như là sấm trả lời (Kinh Thánh của Nguyễn Thế Thuấn, phần chú thích trang 602).

Ở đây, chúng ta không bàn về việc bói của cổ nhân Đông Tây chính xác tới đâu; chỉ biết đó là thói tục rất xưa của nhân loại; đặc biệt là trong Kinh Thư (Tây bá, Kham lê, Bàn canh, Kim đằng, Thiệu cáo v.v…) và Kinh Thi (Đại nhã, Văn vương, Mân thiên v.v…) đều có nói đến.

Tuy nhiên, đôi khi việc bói của cổ nhân cũng chỉ có tính cách kiểm tra lại ý kiến của mình hoặc là để giải quyết một tình trạng phân vân không sao quyết định được sau khi đã hỏi ý kiến khanh sĩ và ý kiến dân chúng.

Cổ nhân còn cho rằng chẳng những điều lành, điều gở hiện ra ở cỏ thi, mai rùa, mà còn tác động trên tay chân của người bói (người tìm hiểu tương lai) hoặc tay chân của vua (người cai trị đất nước). Phân tích những sự rung động ấy (tạo nên khó chịu hay dễ chịu) mà đoán được điềm lành hay điềm gở.

Như vậy, bằng phương pháp trực giác, hay nói theo Fritjof Capra (nhà vật lý Hoa Kỳ) là tri kiến tâm linh, hoặc bằng phương pháp tiếp cận sự việc tương lai qua cỏ thi, mai rùa là những vật thụ cảm, bậc chí thành có thể biết trước được những biến cố sẽ xảy ra, lành cũng như dữ. Do đó, Tử Tư đã khẳng định: “Cố chí thành như thần”: Cho nên bậc chí thành như thần linh.

Kinh Dịch cho rằng thần là một thực tại không lệ thuộc vào nơi chốn (thần vô phương), không bị cản trở bởi yếu tố không gian và thời gian. Bậc chí thành tức thánh nhân có thể biết việc tương lai; cái biết của các ngài không bị hạn cuộc bởi không thời gian như người phàm; vì thế có thể nói bậc chí thành có tâm tư như thần. Được như vậy vì các ngài đứng trong hàng Tam Tài: Thiên Địa nhân, tiếp cận với năng lực Thái cực và được thông dự vào cái biết, cái khả năng uyên nguyên của Vô cực.

Cụ Phan Bội Châu là nhà Nho học uyên thâm và là nhà cách mạng kỳ cựu. Ông không tin việc bói toán, cho nên trong Khổng học đăng, ông bỏ qua việc bói cỏ thi, mai rùa… ngay cả những điềm lành, điềm gở, ông cũng giải thích theo hướng nhân bản. Ông viết: “Vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi là trinh tường (điềm lành) ở trong nước. Cha phải đạo cha, con phải đạo con… là trinh tường ở trong nhà. Vua trái đạo vua, tôi trái đạo tôi là yêu nghiệt (điềm gở) ở trong nước. Cha không nên cha, con không nên con là yêu nghiệt ở trong nhà… (Khổng học đăng: Quyển I: trang 377).

Ở đây, chúng tôi đưa ra giả thuyết giải thích theo hướng vừa tôn trọng cổ nhân (bói toán) vừa dựa theo niềm tin dân gian về các điềm và cố lý giải theo hướng khoa học, sự lý phổ thông.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x