Trang chủ » Trung Dung – Chương 25

Trung Dung – Chương 25

by Hậu Học Văn
269 views

CHƯƠNG XXV

Chân thành là tự mình thành tựu; còn đạo lý là tự mình đi trong đạo lý vậy. Chân thành là khởi đầu và cùng đích của mọi vật. Không chân thành không có vật nào hết. Vậy nên bậc quân tử quí trọng chân thành.

Chân thành, không phải tự mình thành tựu lấy mình mà thôi, lại cốt là phải tác thành cho mọi vật nữa. Thành tựu cho mình là đức nhân, tác thành cho mọi vật là đức trí; đó là công năng của bản tính; đó là kết hợp đạo lý cả trong lẫn ngoài. Cho nên cần phải tính liệu cho hợp thời để thích nghi.

Trên đây là chương thứ hai mươi lăm.

BÌNH GIẢI:

Chân thành hay toàn thiện là đức của Trời và cũng là đức của thánh nhân. Chân thành là một thực tại vốn có nơi Trời và nơi thánh nhân bẩm sinh. Nói khác đi, chân thành với Trời là một, không phải hai. Trong chân thành có Trời, trong Trời có chân thành. Thánh nhân có chân thành tức là thánh nhân có Trời ở trong lòng.

Phàm nhân muốn có chân thành thì phải tự thành tựu nơi mình, tự thành tựu lấy mình. Muốn thế, phàm nhân phải đi trong đạo lý của con đường dẫn đến chân thành để trở nên thánh nhân hay trở về với Trời. Như vậy, tự trong bản thể, Trời là chân thành, là đạo lý, là đường lối dẫn phàm nhân nên thánh nhân.

Tuy nhiên, để có thể trở nên thánh nhân, phàm nhân phải tự mình thành tựu sự chân thành, tự mình đi trong đạo lý. Không ai có thể thay mình làm công việc đó được. Cha mẹ hay bậc thầy dù thương con, thương trò tới mấy cũng chỉ có thể hướng dẫn đường lối, nêu gương nhưng không thể thay con hoặc trò thành tựu hay đi trong đạo lý thay cho được.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu có nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan: 14, 6). Nhưng ai muốn trở nên sự thật (chân thành) và sống vĩnh hằng thì đích thân mình phải đi trên con đường của Đức Giêsu, chứ Đức Giêsu không thể đi thay cho!

Sau khi luận về thành và đạo, Tử Tư khẳng định: “Thành giả, vật chi chung thủy. Bất thành vô vật: Chân thành là khởi đầu và cùng đích của mọi vật. Không chân thành không có vật nào hết.”

Đây là một chân lý đúng cả cho hai qui mô: qui mô lớn là vũ trụ vạn vật, qui mô nhỏ là những sự vật do con người tác tạo.

Ở chiều kích vũ trụ (qui mô lớn); phải có chân thành mới có thực thể. Có thực thể mới có năng lực để sáng tạo, tức là tạo nên khởi đầu cho mọi vật. Mọi vật do chân thành mà có, thì mọi vật cũng đạt tới cùng đích là chân thành, chứ không phải là hư vô. Ở giữa hai điểm chân thành, chân thành khởi đầu chân thành cùng đích, mọi vật biến dổi chuyển hóa, thăng tiến theo qui luật biến dịch, chứ không có đứng yên, tĩnh chỉ. Nếu không có chân thành, thì không có sáng tạo; do đó chẳng có vật nào hết. Đây là một chân lý thuộc Hình nhi thượng (Siêu hình) của Nho giáo.

Ở chiều kích con người (qui mô nhỏ) thì cũng phải có chân thành mới có một công trình tạo tác nào đó. Trong việc xây nhà, người muốn xây phải có chân thành mới có quyết tâm tìm kiếm vật liệu và kết hợp các vật liệu để tạo nên căn nhà. Trong việc trồng cây, người muốn trồng phải có chân thành mới đi kiếm hạt giống rồi gieo trồng, chăm sóc để trở nên một cây lớn. Nếu chỉ có dối trá, người ta không thể xây được nhà, trồng được cây. Như vậy, ngay trong phạm vi bé nhỏ là công việc của con người, nếu không có chân thành không có gì được thành tựu, và không có vật nào hết.

Đức chân thành quan trọng như thế, cho nên bậc quân tử luôn luôn quí trọng chân thành, cho chân thành là mục tiêu trong việc tu thân.

Tuy nhiên, xét cho rốt ráo, muốn trở nên chân thành, con người phải làm những gì? Tử Tư đã trả lời cho câu hỏi này như sau:

Thành giả, phi tự thành kỷ nhi dĩ dã, sở dĩ thành vật dã.”: Chân thành, không phải tự mình thành tựu lấy mình mà thôi, lại cốt là phải tác thành cho mọi vật nữa.

Tử Tư cho rằng tự thành tựu lấy mình chỉ đạt một phần của chân thành; hay là chân thành chưa trọn vẹn. Người ta có thể nghĩ, nói, và làm những điều thiện, hoặc ra công bố thí cho mọi người; nhưng nếu người ta chưa giúp cho người khác trở nên chân thành, chưa làm cho mọi vật ở quanh mình nên hoàn hảo, thì vẫn chưa được gọi là chân thành hoàn toàn.

Ở trong Tân Ước, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Marcô: 16, 15). Để cho mọi người, mọi vật được nên tốt, chứ không phải chỉ có làm cho riêng mình nên tốt (độc thiện kỳ thân). Trong chiều hướng này, có thần học gia đã cho rằng người ta không thể vào nước Trời một mình. Trong quan điểm đó, đạo Nho và Công giáo đã gặp gỡ nhau.

Để thêm sáng tỏ, Tử Tư phân tích rõ hơn: “Thành kỷ, nhân dã; thành vật trí dã; tính chi đức dã; hiệp ngoại nội chi đạo dã. Cố thời thố chi nghi dã.” Chúng ta sẽ chia đoạn văn này ra thành từng phần để tìm hiểu cho thấu đáo.

– “Thành kỷ nhân dã”: Thành tựu cho mình là đức nhân.

Đức nhân ở trong văn mạch này cần được hiểu theo nghĩa cao nhất trong triết Nho. Trong Khổng môn, Khổng tử tùy theo trình độ của đệ tử mà cho một định nghĩa, một bài học tương xứng. Cũng một chữ nhân (), đối với Phàn Trì, Trọng Cung, Tử Trương, Khổng tử dạy nỗi người một khác, tùy theo tâm tính, chí hướng của họ. Riêng đối với Nhan Hồi, cao đệ số một trong Khổng môn, Khổng tử dạy: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”: Chinh phục lấy mình, theo thiên lý là nhân.

Như vậy, kết hợp cả câu của Tử Tư “Thành kỷ vi nhân” ở trên với câu của Khổng tử ở đây, chúng ta được: thành kỷ = khắc kỷ phục lễ; nghĩa là: Thành tựu cho mình là chinh phục lấy mình và theo thiên lý.

– “Thành vật trí dã”: Tác thành (thành tựu) cho mọi vật là đức trí.

Chữ trí có thể được tách ra để tìm nghĩa lý cho rõ rệt. Trí () gồm bộ thỉ ( ): mũi tên; và chữ khẩu (): miệng nói. Cả hai chữ kết hợp lại có nghĩa là: dùng miệng nói như một mũi tên đi tới đích. Như thế, trí có nghĩa là thông suốt, thấu hiểu sự lý.

Ở đây, trí là dùng miệng nói để thành tựu cho vật. Trong Hán tự, chữ vật () chỉ chung các loài trong trời đất. Giống loài gần mình (kỷ) nhất là loài người hay tha nhân (người khác). Vậy nghĩa gần nhất của hai chữ “thành vật” trong văn mạch ở đây là làm cho người khác được thành tựu; sau đó nói đến tác thành cho các giống loài khác như: khoáng vật, thực vật, động vật. Nhưng dù sao thì việc tác thành khoáng vật, thực vật, động vật xét cho cùng cũng là để phục vụ loài người.

– “Tính chi đức dã”: Công năng của tính.

Tử Tư cho biết đức nhân và đức trí là công năng của bản tính con người (tính chi đức dã). Bản tính con người tức là thiên mệnh (Thiên mệnh chi vị tính). Trong Thiên mệnh có năng lực nhân và năng lực trí.

Năng lực nhân là năng lực qui tâm, là khuynh hướng hướng nội, đi vào con đường bên trong, cũng gọi là con đường nội tâm (nội chi đạo) để thành tựu cho mình (thành kỷ).

Năng lực trí là năng lực hướng ngoại, là khuynh hướng đi ra con đường bên ngoài (ngoại chi đạo) để thành tựu cho người khác và tác thành cho thiên nhiên (thành vật).

Hiệp ngoại nội chi đạo: Kết hợp đạo lý cả trong lẫn ngoài.

Muốn trở nên bậc chí thành (thánh nhân) người tu thân theo đạo Nho cần phải biết kết hợp đạo lý cả trong lẫn ngoài.

Nói cho rõ hơn, đạo thống Nho giáo, mà đại biểu là Tử Tư, chủ trương: ngoài việc quay trở lại lòng mình để thành tựu đức nhân, con người tu thân theo đạo Nho phải trở ra bên ngoài thành tựu đức trí để giúp đỡ tha nhân trở nên chân thành. Con đường bên ngoài này, ngoài việc dạy dỗ đạo lý, còn phải lo ổn định xã hội bằng một nền chính trị kinh tế để tha nhân được ấm no (có thực mới vực được đạo). Con đường kết hợp nội ngoại này chính là đạo “nội thánh ngoại vương” của Nho giáo. Đó cũng chính là đạo Trung dung. Nói theo Dịch lý thì hướng nội và hướng ngoại là qui luật “nhất hạp nhất tịch” (một đóng một mở). Có đóng mà không mở hay có mở mà không đóng, đều chết. Có hướng nội mà không hướng ngoại, hay có hướng ngoại mà không hướng nội, thì đạo lý không thông, con đường đến chân thành sẽ thất bại.

Các nước Đông phương nằm trong ảnh hưởng của Nho giáo (Hoa, Việt, Nhật, Hàn), vào thế kỷ 18, 19, sở dĩ bị thua sút Tây phương, dân chúng nghèo đói, nguyên nhân chính cũng là vì đã không hoàn thành được yêu cầu của đạo Nho chính thống. Yêu cầu của đạo Nho chính thống, như chúng ta đã biết ở đây, là sự kết hợp đạo lý cả trong lẫn ngoài (hiệp ngoại nội chi đạo). Trong khi đạo Nho hương nguyện chú trọng về lễ nghi hình thức, câu nệ những chi tiết vụn vặt, làm ngưng trệ đà tiến hóa thì đạo Nho chính thống chủ trương lo cho dân giàu nước mạnh (thứ, phú, giáo) bằng con đường hướng ngoại, song song với con đường hướng nội, phát triển đạo tâm.

Trong thực tế lịch sử, có người chỉ lo về nội tâm bỏ quên ngoại giới; có người chỉ lo hướng ngoại, lo kiếm cơm áo, tiện nghi, phú quí, bỏ quên nội tâm.

Tuy nhiên, xét chung thì Đông phương cổ đại hướng nhiều về nội tâm mà bỏ quên ngoại giới, cho nên triết lý thì cao siêu mà đời sống vật chất thì thiếu thốn.

Ngược lại, các nước Tây phương lại quá chú trọng về ngoại giới, dành năng lực để chinh phục vật chất quá nhiều. hậu quả là, sự thừa thải vật chất đã đưa con người tới một nền văn minh trục vật (đuổi theo vật chất), đào sâu thêm dục vọng không đáy của con người.

Trước sự xâm lăng của nền văn minh vật chất Âu châu vào Á-đông, nhiều người đã đổ tội cho đạo Nho, đổ tội cho Khổng tử là nguyên nhân của sự chậm tiến, sự kém cỏi, sự nghèo đói và suy nhược. Có biết đâu rằng, trên 2.000 năm nay, người Viễn Đông đâu có đích thực học được bài học của Nho giáo chính thống, đâu có biết kết hợp “ngoại nội chi đạo”.

– “Thời thố chi nghi”: Tính liệu cho hợp thời để thích nghi.

Thực tế lịch sử và con người trong thiên nhiên luôn luôn bị yếu tố thời gian chi phối. Chữ thời trong câu “Thời thố chi nghi” ở đây cũng giống như chữ thời trong câu “Quân tử nhi thời trung” ở chương 2. Chữ thời chỉ thời gian chuyển dịch của năm tháng tạo nên bốn mùa, tạo nên tuổi tác của con người và tạo nên thời thế trị hoặc loạn. Để có thể thành tựu cho mình, thành tựu cho người và tác thành cho vật, người quân tử phải biết linh động vận dụng cả hai đức nhân trí (Nhân trước trí sau, hoặc trí trước nhân sau; nhân nhiều trí ít hoặc trí nhiều nhân ít), đồng thời linh động cả trong việc kết hợp đạo lý trong ngoài (khi thì ngoài trước trong sau, khi thì trong trước ngoài sau, khi thì trong ngoài diễn tiến đồng thời…). Nhân và trí đi với nhau có ý nghĩa tương tự như lời khuyên trong Tân Ước: “Hãy hiền lành như con bồ câu và khôn ngoan như con rắn.” Bồ câu tượng trưng cho đức nhân, con rắn tượng trưng cho đức trí vậy.

Linh động vận dụng nhân và trí là tính liệu cho hợp thời (thời thố). Có hợp thời mới có thể thích nghi với mọi tình huống bất thường của lịch sử, của cuộc đời.

Nói cách khác, người quân tử theo đạo Trung dung trên đường đạt tới chân thành cần phải biết tùy nghi áp dụng hai lẽ “kinh quyền”.

Nguyễn Du có nói trong truyện Kiều:

Có khi biến, có khi thường,

Có quyền nào phải một đường chấp kinh.

Kinh là đạo lý dùng trong lúc bình thường. Quyền là đạo lý dùng trong lúc biến động. Đó là ý tứ của bốn chữ “Thời thố chi nghi”.

Thời thố chi nghi” không phải là lối sống tùy tiện xu thời, nhưng là sống theo thiên lý lưu hành mà không cố chấp. Khi bàn đến các đức tính của người xưa: Bá Di, Thúc Tề, Liễu Hạ Huệ… Khổng tử nói: “Ngã tắc dị ư thị, vô khả vô bất khả.”:Ta thì khác như thế, không có gì là nên, không có gì là chẳng nên.” (Luận ngữ: Vi tử, 8).

Cũng trong chiều hướng này, Kinh Dịch viết:

“Dịch chi vi thư dã bất khả viễn. Vi đạo dã lũ thiên, biến động bất cư, chu lưu lục hư. Thướng há vô thường, cương nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích.” (Sách Dịch không thể rời xa được, đạo dịch biến thiên luôn luôn, dời đổi không ngừng, xoay tròn sáu cõi, lên xuống không chừng, cứng mềm trao đổi; không thể là mẫu mực chắc chắn, chỉ có biến hóa để thích ứng.”

(Hệ-từ hạ: 8, 1).

Tuy nhiên, để có thể thích ứng được với sự biến hóa của đạo Dịch, tức vận dụng cho đạt bốn chữ “thời thố chi nghi”, thì cần có “đạo tâm” là một thể bất biến để thích ứng với muôn biến vạn hóa của thế gian. (Dĩ bất biến ứng vạn biến.)

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x