Trang chủ » Trung Dung – Chương 31

Trung Dung – Chương 31

by Hậu Học Văn
180 views

CHƯƠNG XXXI

Chỉ riêng bậc chí thánh trong thiên hạ mới có khả năng thông suốt, sáng tỏ, hiểu sâu, khôn ngoan đủ để có sự soi xét đối nhìn; có khả năng khoan nhân, rộng lượng, ôn hoà, dịu dàng đủ để có sự bao dung; có khả năng khởi phát, mạnh mẽ, cứng rắn, quả quyết đủ để có sự nắm giữ, có khả năng thanh khiết, trang nghiêm, ngay thẳng, chính đáng đủ để có sự tôn kính; có khả năng văn vẻ, lý sự, kỹ lưỡng, minh bạch đủ để có sự phân biệt.

Rộng khắp, sâu thẳm, gặp thời thì triển khai ra. Rộng khắp thì như trời; sâu thẳm thì như vực; xuất hiện thì dân nào chẳng kính; nói năng thì dân nào chẳng tin; hành động thì dân nào chẳng vui lòng.

Vì vậy danh tiếng tỏa khắp Trung quốc, lan tới Man, Mạch. Nơi nào có thuyền bè xe cộ đi tới; nơi nào có sức người khai thông, nơi có trời che, nơi có đất chở; nơi có mặt trời mặt trăng chiếu soi; nơi có sương móc rơi đọng, hễ có loài người mang huyết khí, chẳng có ai mà không tôn kính, thân thiện. Cho nên nói là sánh với Trời.

Trên đây là chương thứ ba mươi mốt.

BÌNH GIẢI:

Trong các chương trên, Tử Tư đã bàn đến đạo Trung dung của bậc thánh nhân và đường lối đưa người quân tử lên bậc thánh nhân. Qua đó, ông hằng mơ tưởng tới đích điểm của đạo Trung dung là bậc thánh nhân phải có ngôi vị Thiên tử để cai trị thiên hạ theo đạo của trời đất.

Ở đây, bằng trực giác siêu việt hay bằng tri kiến tâm linh, Tử Tư đã minh họa những đức tính cần thiết của một bậc chí thành ở ngôi vị Thiên tử trị nước.

Bậc chí thánh ấy phải có nhiều khả năng. Trước hết phải kể đến những khả năng tinh thần: thông, minh, duệ, trí.

Đức thông của bậc chí thánh là sự thông suốt siêu thời gian, không gian. Bằng sự thông suốt siêu thời gian, ngài biết được những việc thuộc quá khứ. Với sự thông suốt siêu không gian, ngài biết được những hiện tượng không lệ thuộc biên cương, ranh giới, khu vực. Đó là sự chu tri về toàn cõi trái đất, toàn thể nhân sinh.

Đức minh của bậc chí thánh là sự sáng tỏ tinh thần vượt trên những dục vọng vật chất tầm thường của nhân thế, cho nên ngài nhìn ra hướng tiến của tinh thần loài người tới chí thiện, chí mỹ.

Đức duệ của bậc chí thánh là sự hiểu biết sâu xa về nguyện vọng của tâm hồn dân chúng, thấu đáo những ước mơ gần xa của mọi tầng lớp dân chúng.

Đức trí của bậc chí thánh là sự khôn ngoan, biết được nguyên nhân và hậu quả của mọi công việc, biết được những ảnh hưởng lợi hại của công việc trên toàn thể nhân sinh.

Bởi vì có đủ bốn khả năng như vậy, cho nên ở ngôi trị nước, bậc chí thánh có thể soi xét đối nhìn đến dân chúng lầm than, cũng tương tự như Kinh Thi đã nói đến sự soi xét của Thượng đế đối nhìn đến dân chúng:

“Hoàng hỹ Thượng đế, Lâm hạ hữu hách.

Giám quan tứ phương,

Cầu dân chi mạc.”

(Thượng đế rất lớn, soi xuống rõ ràng, xem xét bốn phương, tìm sự khốn khổ của dân.)

Sau đó, bậc chí thánh lại có tâm hồn: khoan, dũ, ôn, nhu.

– Sự khoan nhân (khoan) của ngài bao la như bầu trời để có thể bao che cho mọi người.

– Sự rộng lượng () của ngài mênh mông như mặt đất để có thể tha thứ những lỗi lầm cho mọi người.

– Sự ôn hoà (ôn) của ngài ấm áp như ánh sáng mùa xuân để vỗ về những tâm hồn đau khổ.

– Sự dịu dàng (nhu) của ngài êm ái như ngọn gió hiền làm cho mọi người mát mẻ.

Vì có đủ những đức tính như vậy, cho nên ở ngôi cai trị, bậc chí thánh mới có thể bao dung được “bách nhân bách tính’.

Tiếp đó, bậc chí thánh lại có nghị lực phi thường: phát, cường, cương, nghị.

Ý chí của ngài có khả năng khởi phát (phát) như sức sống của thiên nhiên để có thể làm mới đất nước sau thời suy sụp kiệt quệ.

– Ý chí của ngài có năng lực mạnh mẽ (cường) để thêm sức cho những người yếu đuối.

– Ý chí của ngài có năng lực cứng rắn (cương) để làm chỗ nương dựa cho toàn dân.

– Ý chí của ngài quả quyết (nghị) để quyết đoán trong những tình thế lâm nguy.

Vì có đủ nghị lực như vậy, bậc chí thánh mới có khả năng nắm giữ (chấp) vận mệnh đất nước, vận mệnh trăm họ.

Thế rồi, bậc chí thánh lại gồm đủ những hạnh kiểm gương mẫu: trai, trang, trung, chính.

– Với đức thanh khiết (trai), ngài nêu gương xa lìa đam mê vật dục trần gian.

– Với dáng mạo trang nghiêm (trang) ngài thể hiện tâm hồn quang minh, vô tư, không thiên vị.

– Với phong cách chính đáng (chính), ngài có tác phong của một sứ giả nhà Trời.

Vì có một nếp sống vượt trên phàm nhân, cho nên bậc chí thánh mới xứng đáng cho mọi người tôn kính, trọng vọng.

Ngoài ra, bậc chí thánh còn có khả năng ngôn ngữ bao gồm các đặc điểm: văn, lý, mật, sát.

– Ngôn ngữ của ngài có đủ văn vẻ (văn) để dễ thấm nhập vào tai mọi người, khiến cho người ta muốn lắng nghe.

– Ngôn ngữ của ngài có đủ lý lẽ () để thuyết phục, khiến người ta phải chấp nhận.

Ngôn ngữ của ngài có sự cân nhắc, chặt chẽ, kỹ lưỡng (mật) để trở nên những cách ngôn khuôn vàng thước ngọc cho dân chúng.

– Ngôn ngữ của ngài có sự minh bạch rạch ròi (sát) để phân tích tư tưởng cho rõ ràng.

Vì có những đặc điểm nêu trên, ngôn ngữ của bậc chí thánh đủ để giúp người ta phân biệt được đâu là chính tà chân giả, thực hư, tốt xấu…

Tóm lại, với tất cả những khả năng tinh thần ưu việt, những đức tính bao dung, nghị lực phi thường, hạnh kiểm siêu phàm và ngôn ngữ tuyệt vời, bậc chí thánh có tài năng rộng khắp, có đức độ sâu thẳm, có thể tùy thời triển khai để phục vụ nhân sinh. Rộng khắp có thể ví như bầu trời, sâu thẳm có thể ví như đầm vực. Sự hiện diện của ngài tạo niềm tôn kính, ngưỡng vọng; ngôn ngữ của ngài tạo niềm tín phục; hành động của ngài khiến mọi người vui lòng, thỏa dạ.

Vì là một người Trung Hoa, cho nên Tử Tư đã mơ tưởng rằng bậc chí thánh ấy trong tương lai sẽ xuất hiện ở Trung quốc. Khi đó, tiếng tăm của ngài sẽ lẫy lừng khắp Trung quốc; chẳng những thế, danh tiếng của ngài còn lan tỏa tới các vùng có dân mọi rợ trú ngụ như xứ Man ở phương nam, xứ Mạch ở phương bắc.

Tử Tư còn cho rằng trên khắp cùng bờ cõi trái đất, nơi nào có thuyền bè xe cộ đi tới, có sức người khai phá thiên nhiên, mở mang kênh rạch, nơi có trời che, đất chở, nơi có mặt trời, mặt trăng chiếu soi, bất cứ ở đâu có loài người mà nghe đến danh tiếng của bậc chí thánh ấy đều một lòng tôn kính, quí mến.

Quả thực, Tử Tư (nếu đúng là Tử Tư, tức Khổng Cấp) đã vận dụng hết khả năng ngôn ngữ văn tự của mình để nói về bậc chí thánh ấy. Có thể nói ngài là tuyệt phẩm của đạo Trung dung, là đỉnh cao nhất của tinh thần con người, là cùng đích cuộc tiến hóa của nhân loại. Ngài là bậc lý tưởng nhất mà trí khôn loài người có thể minh họa ra. Cho nên Tử Tư mới cho rằng ngài sánh với Trời (Cố viết phối Thiên). Nói như thế là nói đến chỗ cùng của ngôn ngữ, không còn nói hơn được nữa.

Trong truyền thống của đạo Nho, được nói tới trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, duy nhất ở sách Trung Dung này có những câu văn nói về bậc chí thánh đạt đến mức tuyệt đối như vậy.

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, bên Hy Lạp, có Platon, trong tác phẩm Cộng hoà (République), đã từng mơ tưởng rằng triết gia phải được ở ngôi vua trị nước. Kinh thánh Cựu Ước có đưa ra một khoản luật gồm ba điều kiện cho vua để duy trì một vương quyền tốt đẹp như sau:

“Chỉ một điều thôi: là nó đừng có nhiều ngựa và đừng đem dân trở lại Ai Cập để được có nhiều ngựa, quả Yavê đã phán: “Các ngươi sẽ không còn trở lại ấy nữa!” Nó đừng lấy nhiều vợ cho mình, kẻo lòng nó phải xiêu lạc. Và nó đừng chuốc cho có nhiều bạc vàng một cách vô độ…”

(Thứ Luật: 17, 16-7).

Như vậy, chỉ ở sách Trung Dung mới có một khuôn mẫu làm vua lý tưởng như trên. Do đó, người đọc có thể cho rằng sách Trung Dung nói quá đáng, Tử Tư là con người hoang tưởng chăng?

Phải thành thực mà nói rằng Tử Tư (nếu phải là Tử Tư) đã tưởng tượng quá cao, quá xa và dùng một hình thức văn chương khoa đại để nói về một nhân vật cai trị lý tưởng ở trần gian. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng đó là mẫu mực của một bậc chí thánh. Trong thực tế, mẫu mực ấy có hay không, không quan trọng. Đã là mẫu mực thì phải hoàn toàn, tuyệt đối!

Còn trong thực tế cai trị thì đạt được đến đâu, hay đến đó. Đạt được 60 phần trăm mức lý tưởng là quá quí rồi. Nếu không, cứ đạt được 30 hay 20 phần trăm cũng là tốt đẹp. Thế hệ hậu sinh cứ nhắm mẫu mực ấy mà vươn tới, càng nhiều càng tốt.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x